ÐỐI THOẠI LIÊN TÔN VỚI HỒI GIÁO
2005
“Hồi Giáo tại Âu Châu”: một cuộc cách mạng âm thầm …
ĐTC Biển Đức XVI với Những Liên Hệ Giữa Công Giáo và Hồi Giáo
Luật Lệ Hồi giáo và Khả Năng Dân Chủ của Luật Lệ này
Morocco là nơi Kitô hữu và Hồi hữu có thể sống với nhau
Lần đầu tiên tại Nga sô, thành phần đại diện Giáo Hội Công Giáo và Hồi Giáo chính thức ngồi lại với nhau để bàn về những khác biệt của nhau cũng như tới những gì tương đồng của họ.
Cuộc họp này, với chủ đề “Hồi Giáo và Kitô Giáo: Con Đường Đối Thoại”, đã diễn ra hôm Thứ Năm (Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ) 24/11/2005 tại đền thờ chính ở Moscow, và để tưởng niệm 40 năm tuyên ngôn “Nostra Aetate” được Công Đồng Chung Vaticanô II ban hành về mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô Giáo.
Bản tuyên ngôn này phát động một ý thức mới giữa những tín đồ Công Giáo và Hồi Giáo, “thành phần tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, hằng hữu và tồn tại, nhân hậu và toàn năng”. Bản tuyên ngôn này cũng nhấn mạnh đến những điểm về tín điều tương đồng của cả hai tôn giáo được phát sinh từ truyền thống Abraham.
Hội Đồng Mufti ở Nga; Cơ Quan Linh Đạo của Tín Đồ Hồi Giáo ở Nga thuộc Âu Châu; Tổng Giáo Phận Mẹ Thiên Chúa ở Moscow, và Học Viện Thần Học Thánh Kinh Thánh Anrê, là những tác nhân đứng ra cùng nhau tổ chức cuộc họp này.
Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz ở Moscow đã nêu lên rằng “nơi môi trường đang thuận lợi hiện nay giữa các tôn giáo trên thế giới, hội nghị này mang một ý nghĩa hợp thời khi mà chẳng những địa phương của chúng tôi mà còn toàn thể xã hội loài người đang phải đối diện với một tiếng gọi cần thiết ở vào những lúc nguy hiểm hơn này”.
“Các tôn giáo khác nhau của chúng ta cần phải hợp nhau lại để đáp ứng những tiếng gọi ấy một cách xứng đáng và thích đáng. Nó là trách nhiệm về luân lý của chúng ta và là nhiệm vụ dân sự của chúng ta”.
“Thật là ngược đời, ở chỗ, một mặt thì thế giới tân tiến này càng ngày càng bị tục hóa và sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, đàng khác, nó lại van nài các vị lãnh đạo tôn giáo rằng: Hãy giúp chúng tôi, vì tất cả mọi niềm hy vọng của chúng tôi là ở nơi quí vị!”.
“Tiếc thay, mặc dù niềm hy vọng nơi các tôn giáo trong việc giái quyết các vấn đề trên thế giới đã không cống hiến những kết quả mong đợi, chúng ta cũng buộc phải dạy cho thế giới đang bị hằn vết bất bình đẳng, tương đối về luân lý, bài ngoại, băng hoại, những cuộc xung đột và khủng bố háo chiến khôn tận, để cuộc đối thoại với nhau và việc khoan dung giữa các niềm tin khác nhau trở thành một phương thức chữa trị các vấn đề của thế giới này”.
Vị chủ tịch của Hội Đồng Mufti ở Nga là Ravil Gainutdin, cho biết: “Bốn Mươi Năm trước đây là thời điểm đối thoại và hiệp nhất giữa các niềm tin được bắt đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử về mối liên hệ Kitô Giáo và Hồi Giáo, Giáo Hội đã thấy nơi những tín đồ Hồi Giáo – không phải là kẻ thù hay lạc giáo mà là thành phần tham dự vào tình trạng bình đẳng về quyền lợi nơi mối liên hệ giữa nhân loại với nhau”.
“Tuyên Ngôn ‘Nostra Aetate’ đã đặt nền tảng cho việc hợp tác hỗ tương giữa người Công giáo và Hồi giáo ở tầm mức quốc tế.
“Tín đồ Hồi giáo chúng tôi nhận thấy nơi con người của Đức Gioan Phaolô II là một vị đại canh tân tôn giáo, vị đã ảnh hưởng sâu rộng trong việc truyền đạt tư tưởng của Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như việc đối thoại giữa các tôn giáo với nhau”.
Cha Igor Byzhanov, bí thư về Mối Liên Hệ Liên Kitô Giáo của Phân Bộ Liên Hệ Tôn Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Moscow Giáo Hội Chính Thống Nga, đã cho biết những nguyên tắc của tuyên ngôn “Nostra Aetate” ngày nay càng hợp thời hơn bao giờ hết nơi đời sống của Âu Châu, nơi mà cuộc náo động mới đây ở Pháp đặt lại vấn đề cùng nhau chung sống ôn hòa của các nền văn hóa Hồi giáo và Kitô giáo, bao gồm cả ở Nga số nữa”.
“Giáo Hội Chính Thống Nga có thể cống hiến một mẫu gương tốt lành về vấn dề cụ thể đối thoại…. Nếu có yêu thương là nền móng cho các mối liên hệ giữa những tôn giáo khác nhau, thì sẽ không còn chỗ cho hận thù, cực đoan và khủng bố nữa”.
Trong bản tuyên ngôn được thành phần tham dự viên ký kết vào cuối cuộc hội nghị liên tôn này, các vị lãnh đạo tôn giáo nhận định rằng: “thế giới sẽ không cải tiến được bằng việc giải quyết các vấn đề chỉ trong những giới hạn theo chủ nghĩa trần thế”.
Họ còn xác tín trong bản tuyên ngôn đúc kết này là: “hết mọi con người đều có quyền tự do theo lương tâm và thờ phượng theo niềm tin đạo giáo của họ”.
Họ khẳng định
rằng: “Chủ nghĩa cực đoan là những gì xa lạ đối với tính chất tôn giáo, và Thiên
Chúa toàn năng không chúc phúc cho bạo lực cùng khủng bố. Thông cảm, đối thoại
và khoan dung giữa các niềm tin khác nhau là phương thức chữa trị các vấn đề của
thế giới”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/11/2005
“Hồi Giáo tại Âu Châu”: một cuộc cách mạng âm thầm
Giáo sư thần học Jose Marales ở Đại Học Navarre, người đã từng nghiên cứu về ảnh hưởng của Hồi giáo ở Âu Châu, và vừa được Eunsa xuất bản tác phẩm “Musulmanes en Europa” (Hồi Giáo ở Âu Châu) của ông. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông cho biết “cuộc cách mạng âm thầm” của Hồi giáo ở châu lục này đã bùng nổ ở cuộc nổi dậy ở Pháp quốc từ ngày 27/10/2005 kéo dài cho tới khi Zenit phổ biến bài phỏng vấn hôm 7/11/2005 vẫn chưa chấm dứt mà còn lại càng dữ dội hơn nữa, đến nỗi chính phủ phải ra lệnh giới nghiêm.
Vấn: Những người Âu Châu, đặc biệt là những người Tây Ban Nha, “không nghĩ là có được một mối liên hệ chân thành khả dĩ giữa những người Hồi giáo và Tây phương”. Đây là một khẳng định mãnh liệt. Ông có thể nào nói mạnh hơn thế nữa chăng?
Đáp: Tôi nói một cách tổng quát nên cũng có những trường hợp trừ. Những người Hồi giáo được coi như thành phần thuộc về một thế giới văn hóa khác và là người có một cảm nhận khác với chúng ta liên quan tới những vấn đề quan trọng đối với việc tổ chức về đời sống cũng như việc cùng nhau chung sống.
Khi tôi nói rằng “mối liên hệ chân thành” là tôi có ý nói tới một mối liên hệ cá biệt có một chiều sâu nào đó cũng như tới một cộng đồng hướng tới “chân trời hiện hữu”.
Nhiều người Âu Châu chúng ta có những người bạn Hồi giáo tuyệt vời, rất trung tín và thật sự là mến thương. Ngoài ra, những người bạn ấy cần phải được hội nhập vì những lý do công ăn việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc y tế, vấn đề nhà cửa, vấn đề học hành cho con cái của họ v.v.
Thế nhưng, tự mình, họ thường không đồng hóa, tức là, họ không trở thành một phần tử cần thiết và chủ động của xã hội. Họ hội nhập theo đòi hỏi thực tiễn song sống ở một biệt khu của mình.
Vấn:
Ông có coi Hồi giáo Âu Châu năng động và cởi mở hơn là ở các quốc gia chính
gốc của tôn giáo nay àay chăng?
Đáp: Cón quá sớm để nói đến điều này. Nó là một tiến trình đang diễn tiến và chúng ta không thể biết nó sẽ xoay vần ra sao hết.
Sự kiện đó là, hiện nay, Hồi giáo ở Âu Châu là một tấm vi thạch khảm của các thứ thái độ, trào lưu, phái nhóm và giáo phái đang cố gắng để chiếm được quyền lực và ảnh hưởng trên tín đồ Hồi giáo sống ở chân lục này.
Vào lúc này đây thì chưa có dấu hiệu nào cho người ta thấy về một Hồi giáo Âu Châu năng động và cởi mở hơn là ở chính các nguyên quốc của tôn giáo này.
Chắc chắn là có
những cá nhân cởi mở hơn nhưng ít có ảnh hưởng trên tập thể Hồi giáo là tập thể
tuân giữ các thứ luật lệ về xã hội học một cách cứng cỏi hơn và chuyển hóa một
cách chậm rãi không thể tưởng tượng nổi.
Vấn:
Ông nói xa xa tới một số đáng kể thành phần ở Âu Châu trở lại theo Hồi giáo.
Đâu là lý do cho thấy cái thu hút này của Hồi giáo?
Đáp: Tôi không nghĩ rằng tôi đã nói ở đâu là con số “trở lại” Hồi giáo từ những người Âu Châu là con số đáng kể.
Trái lại, tôi đã cố gắng làm giảm nhẹ tầm quan trọng của hiện tượng về những người không nhiều thì ít gắn bó với Hồi giáo, và tôi nói rằng nó là một biến cố không đáng kể, một biến cố được phóng đại đáng kể vì những động lực sâu xa thầm kín và theo ý hệ.
Nó là một hiện tượng bên lề gây ra bởi không nhiếu thì ít cuộc khủng hoảng của Giáo Hội ở Âu Châu. Tôi nghĩ rằng hai chương của cuốn sách bàn về vấn đề này đã dẫn giải nó một cách rõ ràng.
Vấn:
Những người Hồi giáo chê Kitô hữu có một đức tin “yếu kém”. Ông có nghĩ rằng
điều này làm cho tín hữu Kitô giáo bừng tỉnh hay chăng?
Đáp: Những người Hồi giáo biết rất ít về Kitô giáo, cũng như họ thường biết chút xíu về tôn giáo của họ vậy, ngoại trừ một số đáng kính nể.
Chắc chắn là họ có lý khi nói rằng Kitô hữu chúng ta có một đức tin yếu kém ở vào thời điểm lịch sử này đây. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ tỉnh giấc trước lời khuyên được những người Hồi hữu cống hiến cho chúng ta như thế hay là chính họ cảm nhận được về những người Kitô hữu.
Nói chung, họ nhìn chúng ta bằng con mắt oán hận, vì chúng ta thuộc về một nền văn minh làm chủ về kinh tế và chính trị.
Dĩ nhiên là có thể xẩy ra việc giao tiếp với Hồi giáo sẽ làm cho nhiều Kitô hữu tăng thêm cảm quan về căn tính truyền bá phúc âm hóa của họ và nhận thức rằng họ là những kho tàng của một thứ Mạc Khải không bởi con người tượng tượng ra.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2005
Quí Bạn thân mến,
1. “Id al-Fitr” lại đến vào lúc kết thúc tháng Chay Tịnh Ramadan, tôi muốn gửi đến tất cả quí bạn, dù quí bạn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi cho một Ngày Lễ Phúc Hạnh.
2. Theo truyền thống vốn có, Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn gửi đến cho anh chị em tín đồ Hồi giáo một sứ điệp vào dịp kết thúc Mùa Chay Tịnh Ramadan. Sứ điệp này thường được ký bởi vị chủ tịch của hội đồng này. Vào năm 1991, vì Trận Chiến Vùng Vịnh đầu tiên, sứ điệp thiện chí này đã được ký bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã viết về nhu cầu cần phải thực hiện “việc đối thoại chân thành, sâu xa và liên tục giữa những người Công giáo và Hồi giáo, nhờ đó mới phát sinh sự hiểu biết nhau và tin tưởng nhau”. Những lời này chắc chắn vẫn còn ý nghĩa cho tới ngày hôm nay đây.
3. Vào ngày 2/4 năm nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hoàn tất cuộc sống trần gian của ngài. Nhiều Hồi hữu trên thế giới, cùng với những người Công giáo và Kitô giáo, theo dõi khít khao tin tức về bệnh tình cuối cùng và cái chết của ngài, và các phái đoàn đại biểu chính thức của Hồi hữu, các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo từ nhiều quốc gia, đã đến tham dự lễ an táng của ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Nhiều người đã cảm nhận sâu xa những nỗ lực liên lỉ của vị Giáo Hoàng này cho nền hòa bình. Một phóng viên Hồi hữu đã có dịp gặp riêng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Tôi không quá đáng khi tôi nói rằng cái chết của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là một mất mát lớn cho Giáo Hội Công giáo cũng như cho Kitô hữu nói chung, và còn cho mối liên hệ giữa Kitô hữu và Hồi hữu nói riêng. Không thể nào có gì bù đắp được cái mất mát này ngoài việc theo chân ngài và tiếp tục con đường ngài đã vạch ra bằng niềm tin tưởng và lòng can đảm của Assisi năm 1986, nơi chôn cất hài cốt của Thánh Phanxicô là vị tiên phong của người Công giáo trong việc đối thoại giữa Kitô hữu và Hồi hữu”.
4. Chính niềm tin vào Thiên Chúa và niềm hy vọng nơi nhân loại đã thúc đẩy vị cố Giáo Hoàng này dấn thân vào việc đối thoại. Ngài đã liên lỉ tiến đến với các anh chị em thuộc tất cả mọi tôn giáo với lòng trọng kính và mong được hợp tác, như đã được Công Đồng Chung Vaticanô II khuyến khích trong Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” là văn kiện năm nay mừng kỷ niệm 40 năm ban hành. Việc dấn thân của ngài về vấn đề này thực sự được bắt nguồn từ Phúc Âm, theo gương của Chúa Giêsu là Đấng đã gieo rắc tình yêu của Người và tỏ ra tôn trọng mỗi một người, ngay cả những người không thuộc về dân riêng của Người.
5. Theo giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II và tiếp tục con đường của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi tiếp những vị đại diện các tôn giáo khác đến tham dự lễ đăng quang mở màn cho Giáo Triều của ngài, đã nói: “Tôi đặc biệt cám ơn sự hiện diện giữa chúng tôi các phần tử thuộc cộng đồng Hồi hữu, và tôi bày tỏ niềm cảm nhận của tôi về việc phát triển đối thoại giữa những Hồi hữu và Kitô hữu, cả ở cấp độ địa phương lẫn quốc tế. Tôi bảo đảm là Giáo Hội muốn tiếp tục cất những chiếc cầu thân hữu với các tín đồ thuộc tất cả mọi tôn giáo, để tìm kiếm sự thiện chân thực cho hết mọi người cũng như cho toàn xã hội.
Thế rồi, đề cập tới những cuộc xung khắc, bạo động và chiến tranh đang diễn ra trên thế giới, vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của mọi người, nhất là của những ai tuyên xưng mình thuộc về một truyền thống tôn giáo nào đó, phải hoạt động cho hòa bình, và “những nỗ lực của chúng ta trong việc tiến đến với nhau và duy trì việc đối thoại là một đóng góp quí hóa cho việc dựng xây hòa bình trên những nền tảng vững chắc”.
Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã kết luận bằng những lời như sau: “Bởi thế, cần phải dấn thân thực hiện việc đối thoại chân thành và đích thực, một cuộc đối thoại được xuất phát từ lòng tôn trọng phẩm vị của hết mọi người được dựng nên, như Kitô hữu chúng tôi tin tưởng, theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (cf. Genesis 1:26-27)” (L'Osservatore Romano, April 26, 2005).
6. Được phấn khởi bởi những lời ấy của vị Giáo Hoàng này, chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ dấn thân vào việc xây dựng những mối liên hệ tốt đẹp nơi thành phần thuộc các đạo giáo khác nhau, để phát động cuộc đối thoại văn hóa và cùng nhau hoạt động hơn nữa cho công lý và hòa bình bền lâu. Là Kitô hữu và Hồi hữu, chúng ta hãy chứng tỏ chúng ta có thể chung sống với nhau trong tình huynh đệ thực sự, luôn cố gắng thực hiện ý muốn của Thiên Chúa Nhân Hậu là Đấng đã dựng nên nhân loại là một gia đình duy nhất.
Một lần nữa, tôi xin bày tỏ cùng quí bạn những lời chào mừng nồng thắm nhất của
tôi.
TGM Michael L. Fitzgerald
Chủ
Tịch
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch theo tín liệu của Zenit ngày
14/10/2005
ĐTC Biển Đức XVI với Những Liên Hệ Giữa Công Giáo và Hồi Giáo
Cha Daniel Madigan, chủ tịch Học Viện Về Văn Hóa Và Chư Giáo của Đại Học Gregorian ở Rôma, vị mới được vị đương kim giáo hoàng bổ nhiệm làm tham vấn viên liên quan tới những mối liên hệ với Hồi hữu của Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, trong một cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, đã cho biết nhận định của mình về thái độ của Đức Thánh Cha Biển Đức đối với cơ hội gặp gỡ nanh chị em Hồi hữu, ở chỗ, ngài chú trọng tới việc đối thoại với con người hơn là với cơ cấu.
Vấn: Phải chăng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI theo đường lối của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đối với Hồi hữu, hay là ngài theo một đường lối khác?
Đáp: Quá sớm để tóm tắt đường lối tổng quan của vị tân Giáo Hoàng này đối với Hồi hữu, cũng như để so sánh nó với nhiều năm tháng hoạt động về lãnh vực này của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đối với tôi, có một số điểm trong bài ngài ngỏ cùng thành phần đại diện Hồi hữu ở Cologne cho thấy một cái gì đó về kiểu cách của ngài.
Đức Thánh Cha này đôi lúc gọi thành phần thính giả của mình là “quí bạn Hồi hữu trọng kính thân mến”, và tôi hiểu rằng việc cứ sử dụng những chữ ấy không có trong nguyên bản được trao cho phóng viên ký giả, thế nhưng chúng phản ảnh những ngôn tự tự phát của ngài vào dịp ấy.
Đối với tôi, đó là một dấu hiệu quan trọng về cung cách ngài muốn Giáo Hội thực hiện. Nó không phải là cái gì mới mẻ, nhưng cần phải nhấn mạnh trong những năm này là thời điểm nhiều sự đã bị xao động rất nhiều giữa chúng ta.
Ngoài ra, ngài tái khẳng định bản văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II “Nostra Aetate”, cho đó là Đại Hiến Chương cho vấn đề đối thoại. Đó là điều quan trọng ở vào lúc mà một số người đang cố gắng đặt vấn đề về thẩm quyền đối với các chủ trương của công đồng này nơi bản văn kiện ấy.
Đức Thánh Cha này chưa bao giờ nói trong bài diễn từ ấy về “Hồi giáo” cả, mặc dù ngài nói hai lần đến đức tin Hồi giáo. Điều này quan trọng vì chúng ta có khuynh hướng nói về Hồi giáo như thể tôn giáo này là điều duy nhất. Chúng ta cảm thấy choáng váng trước tôn giáo này, vì tôn giáo ấy dường như quá lớn.
Thế nhưng, Đức Thánh Cha Biển Đức hướng tới đường lối bằng cách nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại (như công đồng đã làm) về việc nói về con người, không nói về giáo thể, nói về Hồi hữu, không nói về Hồi giáo.
Người ta đôi khi ngờ vực về khả năng của việc đối thoại; một lý do tối thiểu về mối ngờ vực này đó là họ bị nhầm lẫn về thành phần tín hữu thực sự, về tha nhân và đồng nghiệp của họ, về đồng bào của họ, và họ nghĩ rằng đối thoại là vấn đề liên hệ tới những bản văn cổ cùng với những giáo điều lịch sử. Chỉ có con người mới đối thoại với nhau mà thôi.
Cuộc gặp gỡ ở Cologne đã cho thấy một bộ mặt quan trọng khác của cuộc đối thoại này – Đức Thánh Cha này đã không ngần ngại nói một cách thành thực về những quan tâm sâu xa của ngài. Ngài kh6ong tránh né sự thật hiển nhiên về tình trạng suy đồi của thế giới chúng ta đây, hay ngài không chỉ trách móc “những người bạn trọng kính” của ngài.
Trái lại, ngài đã nêu lên việc cùng làm việc với họ để tìm lối thoát. Ngài đã trang trọng coi họ là những tín hữu – thật sự ngài đã nhấn mạnh là “tất cả chúng ta, Kitô hữu và Hồi hữu, đều là những tín hữu” – và đã nói với họ một cách thành thật theo niềm tin của ngài và kêu gọi niềm tin của họ.
Vấn: Vị Giáo Hoàng này không bao giờ nói tới việc đụng độ mà là việc gặp gỡ và liên đới văn minh. Thành phần Hồi hữu cha có dịp đối thoại trao đổi có luôn nghĩ như thế hay chăng?
Đáp: Thật đáng chú ý về việc không có nơi bài nói của ngài tất cả những ngôn từ có tính cách đối đầu, chiến đấu, đối chọi, chiến tranh. Không phải vì ngài là một người dễ lạc quan, mà ngài dường như nhận thấy rằng tất cả những thứ nói về cuộc đụng độ văn hóa có thể trở thành một thứ tiên tri tự mãn.
“Văn minh” là một tư tưởng khác trong những tư tưởng trừu tượng rộng lớn có khuynh hướng làm lu mờ đi con người thực sự được chúng ta giao tiếp. Con người nói về một nền văn minh Hồi giáo, thế nhưng theo cách thức họ diễn tả về nó, hầu như không có một Hồi hữu nào tôi biết thuộc về thứ văn minh ấy cả. Tôi giao tiếp với nhiều Hồi hữu từ các quốc gia khác nhau và đời sống khác nhau, họ là một nhóm người hết sức khác nhau.
Tôi may mắn được giao tiếp hằng ngày trong 5 năm qua với một nhóm sinh viên Hồi hữu tuyệt vời, thành phần đến Rôma để học hỏi về Kitô giáo hầu phát động việc đối thoại và hiểu biết. Họ thật sự là không mất niềm hy vọng vào việc đối thoại.
Một điểm quan
trọng nơi kinh nghiệm của họ nữa đó là họ vượt ra ngoài tất cả những thứ nói
năng về “Tây phương” và “Kitô giáo”, và sống động cùng hoạt động bên những Kitô
hữu thực sự – một lần nữa, chính con người mới là then chốt, chứ không phải cơ
cấu.
Vấn:
Cha là một chuyên viên về Hồi giáo chẳng những biết được rất rõ về các văn
liệu mà còn biết được rất nhiều người nữa. Cha thấy những cơ hội quan trọng nhất
cho vấn đề đối thoại là ở chỗ nào và những điểm bất đồng trầm trọng nhất là ở
chỗ nào?
Đáp: Tôi rất thích việc đối thoại về thần học chúng tôi có được ở nơi viện đại học này. Tuy nhiên, tôi không tin rằng những điểm khác nhau giữa chúng ta thực sự về thần học. Nhẫn nại và chuyên chăm, chúng ta có thể tiến đến chỗ hiểu biết rõ ràng hơn những đường lối khác của nhau nơi việc tin tưởng vào một vị Thiên Chúa duy nhất.
Tuy nhiên, càng trở nên khó khăn hơn nữa khi đi sâu vào căn gốc của mối hận ức, của niềm bất mãn và của cảm quan bị loại trừ là những gì rất nhiều Hồi hữu (và không chỉ Hồi hữu thôi) cảm thấy, những gì càng ngày càng được khai thác để trở thành những phản ứng bạo động từ một số ít.
Rất nhiều yếu tố góp lại khiến cho thế giới của chúng ta trở nên như hiện này, đó là chính trị, kinh tế, chủ nghĩa quốc gia, vấn đề toàn cầu hóa, nợ nần, chủ nghĩa bộ tộc, chỉ cần liệt kê ít điều như thế. Tất cả những yếu tố ấy cần phải hiểu được biết nếu chúng ta hy vọng thay đổi thế giới của mình.
Tôi thấy cơ hội hay nhất cho việc đối thoại là ở chỗ kinh nghiệm về con người, chỗ chúng ta thấy được nỗi ước mong cho một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là nơi chúng ta thực sự gặp gỡ nhau: ở đó, ở lòng mong ước thấy được một thế giới chân chính hơn và một đời sống viên trọn hơn cho tất cả mọi người này vang vọng thần linh của Thiên Chúa là Đấng tìm cách “canh tân bộ mặt trái đất”.
Điều này có vẻ qú ứ cao cả và có lẽ là ảo tưởng, thế nhưng chúng ta biết rằng, theo những dụ ngôn của Chúa Giêsu thì vương quốc của Thiên Chúa giống như một hạt giống nhỏ bé hay là một chồi mềm yếu, chứ không phải là một cơ cấu rải rác khắp thế giới.
Chính nơi những cuộc gặp gỡ nhỏ bé ấy mà đường lối của Thiên Chúa lộ diện, qua một nu cười, nơi việc chào hỏi, bằng bàn tay giúp đáp, bằng nói năng tử tế, bằng việc phục vụ nhỏ bé. Đó là những điều chung cho tất cả chúng ta mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong vấn đề đối thoại vậy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 16/9/2005
Luật Lệ Hồi giáo và Khả Năng Dân Chủ của Luật Lệ này
Trước hiện tượng bầu cử dân chủ ở Palestine cũng như ở Iraq trong tháng Hai 2005, cả những biến chuyển theo chiều hướng dân chủ ở A Phú Hãn, Iran và Lêbanon, mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với ông David Forte, tham vấn viên của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình và cũng là cố vấn cho Tổng Thống Bush về các Hồi giáo vụ, liên quan đến khả năng nơi luật lệ Hồi giáo, một thế giới tôn giáo thiên về chế độ độc tài chuyên chế. Ông Forte là giáo sư luật ở Cleveland-Marshall of Law thuộc Cleveland State University và là tác giả cuốn “Những Nghiên Cứu về Luật Lệ Hồi giáo: Việc Áp Dụng Tân Cổ”, do Austin và Winfield xuất bản.
Vấn: Luật lệ Hồi giáo là gì? Đâu là nguồn gốc của nó?
Đáp: Nói chung, luật lệ Hồi giáo bao gồm toàn thể phạm trù về các thứ qui luật có thẩm quyền để hướng dẫn các cộng đồng Hồi giáo khác nhau. Luật lệ này bao gồm chẳng những Shariah cổ là lề luật thánh của Hồi giáo mà còn cả những chỉ dụ, những khuyến dụ hay “fatwas”, tục lệ và các tiêu chuẩn về bộ tộc.
Tuy nhiên, đặc biệt hơn nữa, luật lệ Hồi giáo thường được ám chỉ về nội dung cùng những phương pháp của lề luật thánh, tức bộ luật được khai triển hay diễn tiến xuất phát từ những nơi khác nhau của đế quốc Hồi giáo.
Có những biến dạng nơi các thứ khác biệt về luật lệ thánh này, cả giữa và trong hai ngành phân rẽ chính của Hồi giáo là Sunni và Shiite, thế nhưng lại có nhiều điều giống nhau hơn là khác nhau. Trong phái Hồi giáo Sunni, có bốn truyền thống hay trường phái còn tồn tại, đó là Hanafi, Maliki, Shafi’i và Hanbali.
Các học giả Tây phương và Hồi giáo đã tranh luận nhiều về cách thức lề luật thánh này thực sự được khai triển hay diễn tiến.
Sau khi truyền thống về luật pháp được các thành phần tranh đấu trong Hồi giáo nuôi dưỡng và làm thành một trong những tiếng nói thống trị của tôn giáo này thì có các tác giả cho rằng việc phát triển của lề luật thánh, theo một cách giải thích, thực sự là không có học giả nào tin là đúng cả, một cách chung chung hay cả ở nơi nhiều chi tiết của nó, mặc dù nhiều người Hồi giáo bảo thủ vẫn gắn bó với việc giải thích cổ kính đối với việc phát triển lề luật thánh này.
Theo quan niệm cổ kính ấy thì các nguồn căn bản của lề luật thánh có một nguồn gốc thần linh. Lề luật này cung cấp một phương tiện truyền bá sứ điệp do Mohammed nhận được cho các tín đồ ngày nay sống đời sống thường nhật của họ. Lề luật thánh bao gồm tất cả mọi qui luật theo văn bản phát xuất từ hay được suy diễn theo phân tích từ luật thần linh là những gì điều hành người Hồi giáo và cộng đồng của họ.
Trong 4 nguồn chính yếu của lề luật thánh này, là Koran; Sunna, văn liệu về các việc làm của Vị Tiên Tri giáo tổ; “ijma” là văn bản về những tâm thức chung của cộng đồng; và “qiyas” là văn bản diễn dịch loại suy, thì Koran và Sunna cung cấp nền tảng chính yếu cho các mệnh lệnh của lề luật thánh.
Kinh Coran và Sunna là hai tảng đá nền xây dựng toàn thể tòa nhà của lề luật thánh. “Quyas” và “ijma” cùng nhau cung cấp một khối những qui luật có tính cách thực sự tích cực, thế nhưng cả hai thứ này chỉ có thể được dựa vào những mệnh lệnh của Koran hay Sunna mà thôi, và không thể tung ra những luật tắc phản ngược lại với hai nguồn ấy.
Tuy nhiên, ngay cả trong tuyền thống cổ của Hồi giáo, những khoản của kinh Coran cũng có thể được giải thích theo những cách thức trệch nhau, và những truyền thống đặc biệt được gán cho là những hành động của Mohammed đều được công nhận bởi khoa học của loài người chứ không phải bởi mệnh lệnh thần linh. Cả hàng ngàn thứ được gán cho là truyền thống thực sự đã bị loại bỏ bởi những học giả Hồi giáo xưa kia như những gì không có giá trị.
Một số học giả về pháp lý nghĩ rằng các truyền thống còn lại đã có giá trị bởi phương pháp của “ijma”, tức bởi tâm thức chung, thế nhưng các học giả Hồi giáo cũng có nhiều tranh luận về vấn đề những gì xứng hợp cấu tạo nên cái tâm thức chung ấy. Bởi thế, nếu các phương pháp tân thời về vấn đề điều tra tìm hiểu cho thấy rằng một số được cho là truyền thống là những gì giả mạo hay ngụy kinh thì một người Hồi giáo có thể được biện minh không phải ở chỗ gán ghép thẩm quyền cho những truyền thống ấy.
Hầu hết vai trò của thành phần học giả gần đây đã tranh luận về văn bản cổ thời của việc phát triển lề luật Hồi giáo, thế nhưng họ cũng tranh luận rất nhiều về những gì đã thực sự xẩy ra.
Nhiều học giả cho rằng lề luật này không phát triển một cách gẫy gọn như văn bản cổ thời xác nhận, trái lại một cách phức tạp hơn, ở chỗ mang vào vào bộ qui luật và nguyên tắc của mình từ những gì có trước Ả Rập Hồi giáo, từ những truyền thống pháp lý của các đế quốc Byzantine và Sassanid, cũng như từ những sắc lệnh về chính trị cũng như tài chính của những Hồi vương khác nhau.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì cuộc tranh luận giữa các học giả luật pháp Hồi giáo là những cuộc tranh luật gay go, và trong cuộc tranh luận này cũng có những lý thuyết luân chuyển nhau được tranh luận dữ dội nữa.
Vấn: Những yếu tố nào nơi luật pháp Hồi giáo đặc biệt hợp với
chính quyền dân chủ? Những yếu tố nào đối nghịch?
Đáp: Vâng tôi xin trả lời vấn đề này một cách rộng rãi hơn và nói đến những yếu tố nào nơi truyền thống Hồi giáo hợp hay không hợp với chính quyền dân chủ.
“Umma” hay thành phần đức tin là nguyên tắc căn bản nơi Hồi giáo. Tất cả mọi tín đồ đều bình đẳng, do đó những thứ kỳ thị về pháp lý hay chính trị nơi họ đều là những gì không xứng hợp.
“Shura” hay vấn đề tham vấn, ám chỉ giao ước được thực hiện giữa vị Hồi vương và thành phần trưởng lão của cộng đồng Hồi giáo, trong đó, trong giao ước này có đề cập tới việc “tuyển cử” vị Hồi vương này, vị Hồi vương đồng ý cai trị cho lợi ích của cộng đồng của mình.
Tính cách tự do bao giờ cũng là một đặc điểm của lề luật Hồi giáo cũng như các thứ cơ cấu tổ chức của người Hồi giáo.
Ngược lại với ý kiến của một số thành phần bảo thủ Hồi giáo, quốc gia ở Hồi giáo bao giờ cũng có tính cách độc lập hợp lý với lề luật thánh. Quốc gia có thể, theo hiến pháp, loại bỏ các vị thẩm phán về tôn giáo, các vị “qadis”, khỏi những quyền tài phán nào đó, chẳng hạn như quyền tài phán về tội hình, và thay thế bằng những tòa án của quốc gia. Chế độ pha trộn luật lệ tôn giáo và luật lệ quốc gia bao giờ cũng là qui chuẩn nơi thế giới Hồi giáo.
Cũng có truyền thống quốc gia được độc lập hẳn. Hồi giáo chưa bao giờ được hoàn toàn thống nhất về chính trị cả. Thật thế, đã từng xẩy ra tình trạng phân rẽ nhiều nhất về chính trị trong những thời huy hoàng nhất của mình, khoảng từ năm 800 đến 1000. Tính cách đa dạng và nẩy nở về các chế độ chính trị chẳng những hiện hữu nơi lịch sử Hồi giáo mà còn dường như là yếu tố chính cho việc phát triển của Hồi giáo nữa.
Tuy nhiên, việc áp dụng triệt để lề luật Hồi giáo sẽ ngăn chặn một nền dân chủ trọn vẹn, nếu nó trở thành qui luật của quốc gia. Luật lệ Hồi giáo cổ thời chấp nhận thân phận bất bình đẳng của nữ giới, của thành phần không phải Hồi giáo và thành phần làm nô lệ.
Cũng có nhiều vấn đề liên quan đến các giá trị về sắc tộc ở Trung Đông, và vấn đề duy sắc tộc liên quan tới tôn giáo là một thứ lực lượng khó đối đầu. Ngoài ra, cấu trúc về kinh tế cũng cần phải thành thực hơn, có tính cách minh bạch và theo khuynh hướng thị trường hơn nữa mới được.
Cũng có một truyền thống bất dung nhượng đã được thấm nhiễm qua hằng cả nhiều thập niên truyền bá Hồi giáo. Sau hết, cũng còn cả một thứ vang bóng một thời về một Đế Quốc Ottoman là đế quốc Hồi giáo bành trướng về đất đai và là một đế quốc mãnh liệt. Nhiều người Hồi giáo thấy đó là căn tính của Hồi giáo hơn là nội dung thiêng liêng của đạo giáo này.
Vấn:
Có một số học giả lập luận rằng chế độ dân chủ đòi phải có một môi trường
văn hóa đặc biệt để sống còn và phát triển tỏ ra tôn trọng tự do và qui tắc
của luật lệ. Lề luật Hồi giáo có giúp nuôi dưỡng cái nền tảng cần thiết này
hay chăng?
Đáp: Lề luật Hồi giáo là thứ luật rất tiến
triển đối với kỷ nguyên của mình ở lãnh vực luật hợp tác, luật sản vật, lãnh
vực thừa hưởng, và lãnh vực phương thức ở một mức độ nào đó, thế nhưng, dầu
sao trừ phi nó được cải tổ, bằng không những cấu trúc cổ của lề luật Hồi giáo
sẽ là một trở ngại cho tình trạng thật sự khẩn cấp của chế độ dân chủ.
Vấn: Một số tư tưởng gia về luật tự nhiên đã
đưa ra vấn đề tự do là một ước muốn được tất cả mọi người đồng ý bất kể thuộc
văn hóa nào. Làm sao ông có thể trả lời cho chủ trương này đối với riêng các
xã hội Hồi giáo?
Đáp: Điều ấy có thể đúng. Đại đa số những người
Hồi giáo ngày nay sống ở các quốc gia tự do hay phần nào tự do. Kinh nghiệm
của việc tuyển cử ở Iraq dường như cho thấy quan trọng ra sao trong việc con
người cần phải lãnh trách nhiệm về định mệnh của mình.
Vấn: Lề luật Hồi giáo hiểu như thế nào về
quan niệm chủ quyền? Đặc biệt là ở các chế độ dân chủ thì dân chúng là chủ tể.
Làm thế nào để Hồi giáo có thể vượt qua được tình trạng căng thẳng gay go này
khi tôn giáo này tuyên bố rằng Allah là chủ tể trên tất cả mọi sự? Ý niệm về
một thứ dân chúng hay quốc gia chủ tể có phạm đến những cảm thức của người Hồi
giáo hay chăng?
Đáp: Không, đối với thành phần Hồi giáo về khía
cạnh lịch sử. Thế nhưng, thành phần Hồi giáo thủ cựu muốn lề luật Hồi giáo
phải làm chủ quốc gia.
Cái nguy hiểm thực sự là do những ai cấp tiến liên kết một thứ Hồi giáo chính
trị hóa với tư tưởng tân thời về quốc gia làm chủ để tạo nên một loại Hồi giáo
chuyên chế nghịch lại với truyền thống Hồi giáo – thậm chí ở các quốc gia
chuyên chế – cũng như với linh đạo Hồi giáo.
Vấn: Chế độ dân chủ có đòi hỏi chủ nghĩa
trần thế hay chăng? Nếu không, thì làm sao quyền lợi của các thành phần thiểu
số cũng như của các nhóm tôn giáo thiểu số được bảo vệ ở các chế độ dân chủ
Hồi giáo?
Đáp: Dân chủ đòi một tình trạng trần thế căn
bản, cho dù nó có chính thức nghiêng về một tôn giáo nào đi nữa. Tuy nhiên,
dân chủ không đòi hỏi chủ nghĩa duy trần thế, một chủ nghĩa tự nó là một hình
thức của ý hệ. Dân chủ có thể dễ gay cánh ở một tình trạng duy trần thế, ngược
lại với tình trạng trần thế.
Trước hết, dân chủ cần được thấy hợp hòa với những giá trị tôn giáo nồng cốt.
Kitô giáo Thệ phản đã liên minh với Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ; Nhật giáo, qua vị
hoàng đế, đã liên minh với nền dân chủ Nhật Bản; và Kitô giáo Công giáo là
quyền lực bên trong hậu trường của nền dân chủ Tây Âu sau Thế Chiến Thứ II. Đó
là lý do tại sao Hoa Kỳ rất cần đến – nhờ đó đã từng chiếm được sự ủng hộ –
của al-Sistani, vị lãnh đạo tinh thần của phái Hồi giáo Shiites ở Iraq.
Vấn: Phải chăng nền dân chủ là một hình thức
của chính phủ cần phải được các quốc gia Hồi giáo theo đuổi, hay là một hình
thức cộng hòa của chính quyền? Có sự khác nhau thực sự nào hay chăng?
Đáp: Trong khi chúng ta đang nói về “dân chủ”,
thì một hình thức “cộng hòa” nào đó của chính quyền là một thứ thay thế tốt
đẹp hơn, vì nó cho phép thực hiện vấn đề đại diện theo miền và nhóm, nhờ đó là
một hàng rào cản hơn nữa cho các hình thức độc tài chuyên chế của thành phần
cấp tiến.
Vấn: Có thể nào vấn đề dân chủ được
du nhập vào các xã hội Hồi giáo hay chăng, hay là nó cần phải phát triển từ
bên trong?
Đáp: Dân chủ chỉ có thể được cống hiến mà thôi.
Việc “áp đặt” dân chủ là những gì phản trái theo từ ngữ.
Vấn: Kinh nghiệm của các quốc gia không phải Hồi giáo Trung Đông, như Mã Lai
và Nam Dương cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa lề luật Hồi giáo và nền
dân chủ?
Đáp: Nó nói với chúng ta rằng một Hồi giáo không liên kết với các cơ cấu của
lề luật thánh mà lại hợp với chiều hướng linh đạo Hồi giáo – nhất là Sufism –
thì trở thành một môi trường dễ dàng cho việc phát triển của nền dân chủ.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được mạng điện tốn
tồn cầu Zenit phổ biến ngày 9/3/2005
Morocco là nơi Kitô hữu và Hồi hữu có thể sống với nhau
Qua cuộc phỏng vấn của cơ quan Chân Lý, ĐTGM Vincent Landel TGP Rabat Tây Ban Nha đã nói về việc ngài nỗ lực giúp cho 30 ngàn Kitô hữu thuộc giáo phận của ngài sống hợp hòa với những anh chị em Hồi giáo.
Vấn: Có thể nào xẩy ra được việc hiệp thông giữa Kitô hữu với tín đồ Hồi giáo hay chăng?
Đáp: Có. Chúng ta có thể chia sẻ nhân tính của mình, dù không chia sẻ đức tin của chúng ta. Chúng ta không nói nhiều đến vấn đề đối thoại liên tôn như là vấn đề hội họp, bởi vì, trước khi nói người ta cần phải gặp gỡ, cần phải cảm nghiệm được việc cùng nhau chung sống mang lại tình thân hữu và huynh đệ.
Sau đó chúng ta mới nói về đức tin của mình. Giáo Hội cần phải giúp vào việc tạo nên việc chung sống và tình thân hữu này, nhờ đó một ngày nào đó chúng ta thấy được một con đường mới mở ra.
Ở Âu Châu người ta nói nhiều về những người Hồi giáo, thế nhưng ai biết được họ là người thế nào và họ tin tưởng những gì? Ở Pháp và Ý chẳng hạn, người ta cảm thấy sợ hãi bất cứ điều gì về người Hồi giáo. Cần phải thay đổi ý nghĩ này. Không phải tất cả mọi người Hồi giáo đều là thủ cựu; họ đa số tỏ ra trung hòa.
Không có vấn đề đụng độ về tôn giáo mà là đụng độ vì không triệt thấu, một thứ đụng độ về chính trị và truyền thông. Nếu một vị giám mục Công giáo bị bắt cóc ở Iraq mọi người đều nói về sự kiện ấy. Thế nhưng, chính trị và tôn giáo bị lẫn lộn, ngay cả ở Hoa Kỳ đi nữa, chẳng hạn, khi George Bush nói về việc bắt đầu cuộc chiến tranh nhân danh Thiên Chúa. Đôi khi những gì nói lên phạm tới những tín đồ Hồi giáo mà Kitô hữu cũng nói, người ta không thể nào vơ đũa cả nắm.
Người ta cũng rất cần phải hiểu biết đức tin của mình để có thể hiểu biết đức tin của người khác. Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm phải hiểu biết sâu xa về căn tính của mình và chấp nhận những người Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo chính thức là các tín đồ, thế nhưng, ở Âu Châu, nhiều người đã bỏ mất đức tin của họ.
Vấn:
Giờ
đây chúng ta hãy nói đến một số sáng kiến trong giáo phận của ngài đã được
thực hiện để có thể làm phát triển mối hiệp thông này?
Đáp: Ở Morocco chúng tôi có một dự án giáo dục hỗn hợp Công giáo Hồi giáo bao gồm 15 trường học với con số 12 ngàn học sinh Hồi giáo, nơi giảng dạy Kinh Coran. Tôi, vị giám mục Công giáo, có thẩm quyền trên hết. Tình trạng hiệp thông vẫn diễn tiến ở đó chẳng có vấn đề gì hết.
Chúng tôi cũng có những trung tâm văn hóa, được điều hành bởi các vị linh mục và tu sĩ, những trung tâm được tín đồ Hồi giáo sử dụng. Nhờ đó, Giáo Hội giúp đỡ tín đồ Hồi giáo; chúng tôi cởi mở với thế giới Hồi giáo, một thế giới chấp nhận chúng tôi, vì tất cả tín đồ Công giáo chúng ta đều là những người ngoại quốc.
Ngoài ra, nhiều Kitô hữu hợp tác, học hỏi hay làm việc với các hiệp hội, với các thương vụ v.v. do người Hồi giáo điều hành. Đó là những kinh nghiệm rất tốt đẹp giúp chúng ta có thể hiểu biết những người Hồi giáo trong việc sinh hoạt thường nhật và thấy rằng có thể sống vui vẻ ở thế giới Hồi giáo.
Kinh nghiệm của chúng tôi là một Giáo Hội Công giáo ở Morocco không phải là những gì khuôn mẫu hay mô phạm. Nó thật ra cũng tương tự như Giáo Hội ở Âu Châu thôi, vì lãnh giới Hồi giáo có thể được so sánh với thế giới trần thế là nơi Giáo Hội cần phải hiện diện một cách dễ dàng, bằng việc cho họ thấy được đường lối chân thật, để giúp họ khám phá ra Thiên Chúa và tính cách quan trọng của tôn giáo trong đời sống của họ.
Vấn:
Giáo Hội ở Rabat ra sao?
Đáp: Chúng tôi gồm có 30 ngàn Kitô hữu, trong đó có 40 linh mục và 150 tu sĩ. Tất cả chúng tôi đều là người ngoại quốc, vì một người Morroco không thể là một tín đồ Kitô giáo nơi một nước mà Hồi giáo là quốc giáo này. Thế nhưng, các nhà thờ của chúng tôi vẫn mở cửa và chúng tôi không gặp trục trặc gì cả, miễn là chúng tôi không dụ giáo. Chúng tôi sống đức tin của mình một cách tự do thoải mái.
Giáo Hội của chúng tôi ở đây có tính cách công giáo khá nhiều, vì nó bao gồm thành phần dân chúng thuộc 80 quốc tịch khác nhau.
Trước khi được độc lập thì có nhiều người Công giáo hơn, đa số là người Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hiện nay có nhiều người Phi Châu, Hoa Kỳ và Á Châu, làm nên cả một thách đố khó khăn. Việc hiệp thông nơi Kitô hữu không phải là chuyện dễ, nhất là vì họ đến từ các nơi khác nhau như thế.
Một đặc tính khác của cộng đồng Kitô hữu chúng tôi ở đây đó là luôn luôn thay đổi. Hằng năm có khoảng 20% đổi thay, vì nhiều Kitô hữu, như sinh viên và lao động nhân, chỉ sống ở Rabat một thời gian thôi. Bởi thế, vấn đề rất quan trọng ở đây là chương trình mục vụ để đón nhận các Kitô hữu, để giúp họ sống đức tin của họ, cũng như để hiểu biết thế giới Hồi giáo là thế giới cần phải được hiểu biết để có thể cùng chung sống với họ.
Vấn: Có vấn đề kỳ thị ở đó hay chăng?
Đáp: Có những loại kỳ thị khác nhau. Ở Morocco chẳng hạn, một số người khó lòng chấp nhận được vấn đề bình đẳng của những người Phi Châu, trong khi đó họ đối xử với thành phần di dân Tây Ban Nha chỉ là một thiếu số lại bình đẳng.
Trái lại, những người Morocco di dân đến Tây Ban Nha sống ở một hoàn cảnh xã hội khác hẳn. Họ có một cảm quan mạnh mẽ thuộc về gia đình và cộng đồng văn hóa của họ hơn, và có nguy cơ hình thành một thứ hạ tầng văn hóa. Âu Châu không được để cho những người Hồi giáo hình thành nên “những khu biệt lập”.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Zenit ngày 21/1/2005