Những Tương Quan và Khác Biệt giữa

Giáo Hội, Tòa Thánh và Quốc Đô Vatican

 

 

 

Hôm 16/4/2006, tờ nhật báo Nam Dương là Kompas đã phổ biến một bài phỏng vấn giữa họ với ĐTGM Giovanni Lajolo, 71 tuổi, bộ trưởng Ngoại Vụ, liên quan tới những vấn đề như vị thế đặc biệt của Quốc Đô Vatican, hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, việc phân chia giữa Giáo Hội và Quốc Gia, và việc đối thoại liên tôn.

 

ĐTGM cho biết là tiếng “Vatican” thường được dùng để nói đến 2 điều rất khác nhau, thứ nhất là Quốc Đô Vatican, một quốc gia với những quyền lợi riêng biệt của nó, “mặc dù chỉ là một thực thể chính trị nhỏ xíu, và có mục đích duy nhất trong việc bảo toàn tính cách độc lập của Giáo Hoàng như tối thượng quyền của Giáo Hội Công Giáo khỏi bất cứ hình thức thuộc phạm vi dân sự nào”, và thứ hai là Tòa Thánh Vatican, tức là “Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma,… mà đôi khi thường ám chỉ một cách sai lầm như Vatican, vì nó có trung tâm trong Quốc Đô Vatican. Thế nhưng, Tòa Thánh không phải là một cơ cấu của chính quyền dân sự, bởi đó không có những hoạt động chính trị. Bởi vậy mới không xẩy ra tình trạng lẫn lộn hay lấn lướt nhau giữa hai hoạt động – hoạt động chính trị của Quốc Gia và hoạt động tôn giáo của Giáo Hội”.

 

Vị TGM tiếp tục nhấn mạnh sự phân biệt như thế này, mặc dù Quốc Đô Vatican trực tiếp liên hệ với Ý Quốc và một số ít tổ chức quốc tế, nhưng Tòa Thánh có cả “một cơ cấu bao rộng các lãnh sự (về kỹ thuật được coi là ‘các vị đại sứ tòa thánh’) trên khắp thế giới”.

 

Không giống như các tòa lãnh sự khác, vị TGM tiếp, những vị khâm sứ của Tòa Thánh không dính dáng tới “các vấn đề chính trị, quốc phòng hay mậu dịch, mà là những vấn đề liên quan tới quyền t75 do của Giáo Hội và nhân quyền. Tòa Thánh hầu hết can thiệp vào việc bảo đảm vị thế pháp lý của Giáo Hội, và ở một số quốc gia, can thiệp vào bênh vực tín hữu Công Giáo bị áp bức hay bị áp đảo và kỳ thị; và Tòa Thánh làm điều này bằng việc nại tới những quyền lợi được chấp thuận trong Bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền và Bản Thỏa Ước Quốc Tế Về Các Thứ Quyền Dân Sự Và Chính Trị, hay ngay cả những quyền lợi được tu chính bởi các Bản Hiến Pháp của các Quốc Gia riêng…. Có những tiêu chuẩn khác nhau để thực hiện việc can thiệp theo từng trường hợp, và những tiêu chuẩn ấy thường được tác động bởi ý muốn cứu giúp bằng những cách thức hiệu nghiệm nhất có thể, nhờ đó, với sự khôn ngoan cần thiết, bảo đảm là không gây ra những hậu quả tiêu cực nào”. 

 

Về vấn đề tách biệt giữa Giáo Hội và Quốc Gia, vị TGM cho biết: “Giáo Hội không bao giờ tìm cách áp đặt bất cứ điều gì về luật lệ dân sự, nếu các lực lượng chính trị không tự mình thực hiện luật lệ này. Nguyên tắc căn bản về việc tách biệt giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo này, và về việc mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo được áp dụng ở chỗ, như Quốc Gia không pha mình vào các hoạt động của Giáo Hội thế nào thì Quốc Gia cũng không làm theo chỉ thị của Giáo Hội như vậy. Giáo Hội, thực tế là các vị giám mục ở các quốc gia liên hệ, tìm cách soi đồng cho thành phần Công Giáo và quần chúng… bằng việc sử dụng những bản tuyên ngôn công khai để giải thích chủ trương Công Giáo về các vấn đề luân lý xuất phát từ hoạt động chính trị và lập pháp, và nhất là chấp nhận tất cả những lập luận hợp lý khả tri nhất đối với cả những ai không có niềm tin”.

 

“Ở tầm cấp hoàn vũ, Tòa Thánh can thiệp vào các vấn đề luân lý trọng đại gây ra bởi chính trị qua các văn kiện như các Thông Điệp và Tông Huấn của Giáo Hoàng, cũng như qua các bản hướng dẫn được ban hành bởi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Có những tiêu chuẩn khác nhau trong việc phán đoán về lúc nào thích hợp để lên tiếng can thiệp, thế nhưng Giáo Hội, ở bất cứ trường hợp nào, cũng không thể câm nín khi phẩm giá hay các quyền lợi căn bản của con người, hoặc quyền tự do tôn giáo gặp trục trặc”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 21/4/2006

http://212.77.1.245/news_services/press/vis/dinamiche/c0_en.htm