ÐỨC GIÁO HOÀNG VÀ TÒA THÁNH
VỚI CÁC VỊ THỦ LÃNH QUỐC GIA / CHÍNH QUYỀN
ĐTC GPII với Tổng Thống Bồ Đào Nha về cuộc khủng hoảng các thứ giá trị và việc hợp tác giữa hai quốc gia
ĐTC GPII đã tiếp Tổng Thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio 10 phút hôm Thứ Sáu 12/11/2004. Trong lời ngỏ ngắn ngủi của mình, ĐTC đã nói bằng tiếng Bồ Đào Nha đến hai vấn đề chính là tình trạng khủng hoảng các thứ giá trị và việc hợp tác giữa Tòa Thánh và nước Bồ Đào Nha.
Theo Ngài, thế giới đang nhận thức được “cuộc khủng hoảng trầm trọng về các thứ giá trị nơi xã hội tân tiến, một cuộc khủng hoảng chưa bao giờ thấy bấp bênh trước những quyết định về luân thường đạo lý nồng cốt thiết yếu cho bước đường tương lai của nhân loại”.
Ngài nhận định: “Việc huấn luyện một thứ lương tâm sáng suốt để nhận thức ý nghĩa đời sống và lịch sử là thách đố về văn hóa lớn nhất trong thời đại của chúng ta đây”. Đò là “những gì Giáo Hội ở Bồ Đào Nha muốn đương đầu bằng việc hợp tác của nó, như bản hiệp định mới sẽ có hiệu lực trong một ít ngày nữa cho thấy”.
Hiệp định là một hòa ước được ký kết giữa Tòa Thánh và một chính phủ dân sự đề cập tới những mối liên hệ giữa hai bên liên quan đến một số lãnh vực như giáo dục, giảng dạy tôn giáo, và bổ nhiệm các vị tuyên úy cho thành phần tù nhân và quân đội.
Ở đầu bài diễn từ của mình, ĐTC nhắc đến việc Ngài viếng thăm Fatima vào năm 2000 để phong chân phước cho “hai em nhỏ cao cả Bồ Đào Nha là Phanxicô và Giaxinta Marto. Thứ ánh sáng đặc biệt đã chiếu tỏa bằng đời sống của mình này cần phải chiếu soi thế giới. Thế giới tiếp tục hy vọng nhìn vào Bồ Đào Nha”.
Vị tổng thống này sau đó đã cho báo chí biết rằng việc ông gặp gỡ ĐTC “rất ư là cảm xúc và đánh động”. ĐGH “tỏ ra hết sức biết ơn, và yêu thương Bồ Đào Nha, và Ngài hỏi về Fatima, Bồ Đào Nha và thành phần hành hương”.
Bồ Đào Nha có 10 triệu dân, trong đó 93.30% là Công Giáo.
ĐTC GPII với Thủ Tướng lâm thời Iraq về bạo loạn và dân chủ ở Iraq
Hôm Thứ Năm 4/11/2004, ĐTC GPII đã tiếp vị thủ tướng lâm thời của Iraq là ông Ayad Allawi, 59 tuổi, một tín đồ Hồi Giáo theo phái Shiite, nhậm chức ngày 28/6/2004, là một chuyên viên thần kinh và thương gia sống ở hải ngoại thời cựu tổng thống Sadam Hussein. Trong cuộc gặp gỡ này, ĐTC GPII đã lên án tình trạng bạo loạn ngông cuồng hiện nay ở Iraq và phấn khích việc thiết lập chế độ dân chủ ở quốc gia này, đặc biệt việc tôn trọng tự do tôn giáo của thành phần thiểu số, nhất là của Kitô hữu. Ngỏ lời với ông cùng phái đoàn tùy tùng của ông, ĐTC nói:
“Tôi hân hạnh đón tiếp ông đến thăm Vatican và tôi hứa tiếp tục gắn bó với nhân dân Iraq đang bị thử thách đau thương bởi những cơn cuộc khổ ải trong những năm này.
“Tôi cầu xin để tất cả mọi nạn nhân của khủng bố và của bạo lực ngông cuồng, cho gia đình họ cũng như cho tất cả những ai quảng đại dấn thân hoạt động cho việc tái thiết xứ sở của quí vị.
“Tôi muốn phấn khích các nỗ lực đã được nhân dân Iraq thực hiện để thiết lập những cơ cấu dân chủ là những gì thực sự tiêu biểu và dấn thân bênh vực quyền lợi của tất cả mọi người, hoàn toàn tôn trọng tính cách đa dạng của sắc tộc và tôn giáo, những yếu tố đã luôn là nguồn mạch làm phong phú xứ sở của quí vị.
“Tôi tin tưởng rằng cộng đồng Kitô hữu, hiện diện ở Iraq từ thời các vị tông đồ, sẽ thực hiện việc đóng góp của mình vào việc phát triển nền dân chủ cũng như vào việc xây dựng một tương lai hòa bình ở miền này”.
ĐTC đã gặp riêng ông 10 phút trước cuộc triều kiến chung của phái đoàn ông. Ông đã giới thiệu vợ ông là Thana Allawi, vị bộ trưởng hoạch định và phát triển Mahdi Hafedh; bộ trưởng nhân quyền Bikhtiar Amin, và bộ trưởng nội vụ Wael Al Fadel. Sau cuộc gặp gỡ ĐTC, phái đoàn Iraq này đã gặp ĐHY quốc vụ khanh Angelo Sodano, ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư Tòa Thánh đặc trách liên hệ các quốc gia; Đức Ông Pietro Parolin, phó bí thư của văn phòng liên hệ này, cùng hai viên chức khác của văn phòng quốc vụ khanh là các Đức Ông Franco Coppola và Joseph Murphy.
Trong cuộc họp báo trước khi đến Vatican, và sau khi gặp thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, vị thủ tướng Iraq đã kêu gọi các chính phủ chưa dấn thân giúp Iraq tái thiết hãy thực hiện việc này:
“Tôi ngỏ lời cùng các quốc gia vẫn đang là những khách bàng quang trước tình hình Iraq hãy xây dựng một Iraq tốt đẹp hơn, một xứ sở quyết tâm trở lại với cộng đồng quốc tế và mang cộng đồng quốc tế về lại với mình”.
ĐTC tiếp Tân Thủ Tướng Tây Ban Nha, khuyến khích việc phát triển nhưng hãy tôn trọng “Những Giá Trị Đạo Lý”
Hôm Thứ Hai 21/6/2004, ĐTC đã tiếp tân Thủ Tướng Tây Ban Nha là ông José Luis Rodríguez Zapatero, 15 phút riêng tại thư phòng của Ngài, rồi gặp chung phái đoàn của ông, trong đó có cả ngoại trưởng Miguel Ángel Moratinos, và Ngài đã nói về vấn đề phát triển theo chiều hướng đạo lý, việc chống khủng bố và hoạt động cho nhân quyền. Ba ngày trước, Ngài cũng đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Tây Ban Nha Jorge Dezcallar de Mazarredo, và Ngài đã bài bác những dự án của tân chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra dễ dãi hơn với những chính sách phá thai, đồng tính hôn nhân và chấm dứt việc giáo dục tôn giáo bắt buộc ở các trường công.
Đức Thánh Cha ngỏ ý cùng vị tân thủ tướng này rằng Ngài muốn tân chính phủ Tây Ban Nha được tuyển cử ngày 13/3/2004 “hãy chiếm đạt được những mục tiêu ấn định trong việc đẩy mạnh việc phát triển tân tiến của nước Tây Ban Nha, và trong việc phát triển này cần phải chú trọng đến những giá trị về đạo lý là những gì đã đâm rễ vào truyền thống tôn giáo và văn hóa của dân chúng”.
“Quí vị hãy biết rằng quí vị có thể tin tưởng vào việc hợp tác của Tòa Thánh để cùng nhau phục vụ hòa bình và việc tiến bộ thiêng liêng của các dân tộc; để hỗ trợ nơi những gì liên quan đến việc nhổ tận gốc rễ nạn khủng bố và bạo lực dưới mọi hình thức; để hết sức làm thỏa đáng những nhu cầu hợp lý của con người theo nhân phẩm, quyền lợi và tự do của họ”.
Sau khi gặp ĐTC, phái đoàn chính phủ Tây Ban Nha này cũng đã gặp ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã cho biết nội dung của cuộc gặp gỡ này như sau: “Cuộc trao đổi này đã kiểm điểm lại những vấn đề chính về những liên hệ song phương theo chiều hướng các hiệp định giữa Tòa Thánh và Tây Ban Nha, nhất là những thỏa ước năm 1979, và cả hai tái khẳng định lòng ước muốn đối thoại và hợp tác. Ngoài ra cũng có vấn đề trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế, đặc biệt chú trọng tới quan điểm về Âu Châu và các quốc gia thuộc Mỹ Châu Latinh”.
Phần vị tân thủ tướng cho biết cuộc hội kiến này “rất thân tình”và ông tìm cách “bảo trì mối liên hệ cởi mở và trao đổi với Vatican, với hội đồng giám mục Tây Ban Nha cũng như với Giáo Hội Công Giáo nói chung”, theo giới hạn của những hiệp định được ký kết với Tòa Thánh 25 năm trước đây. Vị thủ tướng này còn tiết lộ cho biết trong cuộc gặp gỡ này hai bên cũng trao đổi với nhau về tương lai của Khối Hiệp Nhất Châu Âu và cả tình hình Trung Đông chứ không nói đến Iraq.
Trong cuộc triều kiến với ĐTC, vị thủ tướng này không thể bắt tay Ngài vì bàn tay phải của ông bị băng bó bởi vết thương chơi bóng rổ hôm Chúa Nhật. Vào cuối cuộc triều kiến, ĐTC GPII hướng về phái đoàn Tây Ban Nha và mỉm cười nói với họ rằng họ có “một thủ tướng rất trẻ và đó là một điều tốt”.
Tổng Thống Bush Triều Kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Tổng Thống Bush cùng với phu nhân và phái đoàn tháp tùng của ông đã tới Rôma tối Thứ Năm, 3/6/2004, và đã triều kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sáng Thứ Sáu, 4/6/2004, thời điểm ngay trước chuyến tông du 103 tới Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng.
Tuy nhiên cuộc triều kiến này đã gặp chống đối của dân Ý. Chính phủ Ý đã phải vận động một lực lượng cảnh sát 10 ngàn nhân viên để giữ an ninh và đề phòng bất trắc xẩy ra đối với những cuộc xuống đường biểu tình chống đối Tổng Thống Bush đã hiếu chiến tấn công Iraq. Thành phần xuống đường phản đối Tổng Thống Bush này chiếm giữ địa điểm Piazza Venezia có Mộ Chiến Sĩ Vô Danh làm cho Tổng Thống Bush không thể đến đặt vòng hoa tưởng niệm theo dự tính, nên ông đã đặt vòng hoa ở Fosse Ardeatine là nơi trong thời Thế Chiến Thứ II Đảng Nazis Đức Quốc Xã sau khi chiếm Ý Đại Lợi đã giết 335 nam nhân và nam nhi, trong đó có nhiều người Do Thái. Cuộc viếng thăm của Tổng Thống Bush đánh dấu việc kỷ niệm 60 năm lực lượng Hoa Kỳ đã giải phóng Thành Phố Rôma khỏi Đảng Nazis này.
Với vị lãnh tụ của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ này, vị đã đến triều kiến ngài hai lần trước, một ở Castelgandolfo ngày 23/7/2001 sau cuộc họp thượng đỉnh G8 ở Genoa Ý Quốc, và một vào ngày 28/5/2002 ở Rôma, ĐTC GPII, bằng một giọng nói rung rung, với tờ giấy trong đôi tay hơi lẩy bẩy, đã bày tỏ mối quan tâm của Ngài về tình hình Trung Đông và đã kêu gọi Hoa Kỳ hãy mau chóng trao trả chủ quyền cho Iraq. Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Ngài ngỏ cùng Tổng Thống Bush:
“Thưa Tổng Thống, tôi hân hoan đón chào ông và phu nhân Bush cũng như các tôn vị đại biểu tùy tùng của ông. Tôi cũng xin gửi lời chào chân thành và thân ái của tôi đến toàn thể nhân dân Hiệp Chủng Quốc được ông làm đại diện. Tôi cám ơn ông đã muốn gặp tôi một lần nữa, bất chấp những khó khăn gây ra bởi những việc làm của ông trong cuộc ông viếng thăm Âu Châu và Ý Quốc này, cũng như bởi việc tôi sáng ngày mai phải lên đường để gặp gỡ giới trẻ ở Thụy Sĩ.
“Ông đến viếng thăm Ý Quốc để tưởng niệm 60 năm giải phóng Rôma cũng như để tôn vinh nhiều quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình vì xứ sở của mình cũng như vì tự do của các dân tộc Âu Châu. Tôi xin hợp với ông để nhắc lại việc hy sinh của những người quá cố can trường và xin Chúa đừng bao giờ để tái diễn những lỗi lầm gây ra những thảm trạng ghê sợ của quá khứ. Hôm nay, với lòng đầy cảm xúc, tôi cũng nghĩ lại nhiều quân nhân Balan đã chết đi cho tự do ở Âu Châu.
“Chúng ta còn nghĩ đến thời gian 20 năm chính thức thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hiệp Chủng Quốc bởi Tổng Thống Reagan vào năm 1984. Những mối liên hệ này đã giúp vào việc hiểu biết nhau về nhiều vấn đề công ích cũng như về việc cụ thể hợp tác ở những lãnh vực khác nhau. Tôi xin gửi lời thăm Tổng Thống Reagan cũng như Phu Nhân Reagan là người đang hết sức chăm lo cho bệnh tình của ông ấy. Tôi cũng xin bày tỏ niềm cảm mến của tôi đối với tất cả mọi vị đại diện của Hiệp Chủng Quốc ở Tòa Thánh này, cùng với sự cảm nhận của tôi về khả năng, cảm thức và việc dấn thân cao cả các vị ấy đã góp phần vào việc phát triển những mối giây liên hệ của chúng ta.
“Thưa Tổng Thống, việc ông viếng thăm Rôma rơi vào thời điểm liên quan đặc biệt tới tình hình trầm trọng liên tục xẩy ra ở Trung Đông, cả ở Iraq lẫn Thánh Địa. Ông đã quá biết về chủ trương dứt khoát của Tòa Thánh về vấn đề này, một chủ trương được bày tỏ nơi nhiều văn kiện, qua những liên hệ trực tiếp và gián tiếp, cũng như nơi nhiều nỗ lực về ngoại giao được thực hiện từ khi ông đến thăm tôi, lần đầu tiên ở Castelgandolfo vào ngày 23/7/2001 và một lần nữa ở Điện Tòa Thánh này vào ngày 28/5/2002.
“Mọi người rõ ràng đều muốn là tình hình này giờ đây cần phải được bình thường hóa sớm bao nhiêu có thể với sự chủ động tham dự của cộng đồng quốc tế, nhất là của tổ chức Liên Hiệp Quốc, để làm sao bảo đảm được việc nhanh chóng trao trả chủ quyền cho Iraq, miễn là toàn dân của nước này được sống trong tình trạng an ninh. Việc vị lãnh đạo quốc gia này vừa được bổ nhiệm và việc hình thành một chính phủ Iraq lâm thời là một bước tiến đáng kể trong việc đạt đến mục đích này. Chớ gì niềm hy vọng giống như thế đối với hòa bình cũng được tái bừng lên ở Thánh Địa và đưa tới những cuộc thương thảo mới, những cuộc thương thảo được tác động bởi một thứ quyết tâm đối thoại một cách chân thành và quyết liệt, giữa chính phủ Do Thái và Thẩm Quyền Palestine.
“Mối đe dọa khủng bố quốc tế vẫn còn là những gì cần phải liên lỉ quan tâm. Nó trầm trọng ảnh hưởng tới những mối liên hệ bình thường và thuận hòa giữa các quốc gia và các dân tộc từ ngày thảm nạn 11/9/2001, ngày tôi không ngần ngại gọi là ‘một ngày đen tối của lịch sử nhân loại’. Trong ít tuần vừa qua, những sự kiện đáng buồn khác đã được tiết lộ, làm nhức nhối lương tâm dân sự và tôn giáo của tất cả mọi người, cũng như càng gây khó khăn cho cuộc dấn thân kiên tâm và dứt khoát tìm kiếm những giá trị chung của nhân loại: ở chỗ, nếu thiếu vắng một cuộc dấn thân như thế thì sẽ không bao giờ thắng vượt được cả chiến tranh lẫn khủng bố. Xin Thiên Chúa ban sức mạnh và thành đạt cho tất cả những ai không ngừng hy vọng và hoạt động để các dân tộc hiểu biết nhau, ở chỗ tôn trọng nền an ninh và quyền lợi của tất cả mọi quốc gia cũng như của hết mọi con người nam nữ.
“Thưa Tổng Thống, tôi cũng nhân dịp này để ngỏ lời cám ơn việc dấn thân cao cả của chính quyền ông cũng như của nhiều cơ quan nhân đạo ở đất nước ông, nhất là những cơ quan theo tinh thần Công Giáo, trong việc thắng vượt những tình trạng bất khả chấp đang lan tràn tại những xứ sở khác nhau ở Phi Châu, nơi những người khổ đau đang trải qua những cuộc xung đột sát hại lẫn nhau, những thứ bệnh nạn dịch tễ và một đời sống bần cùng thấp hèn không thể coi thường được nữa.
“Tôi cũng theo dõi bằng tấm lòng hết sức biết ơn việc ông dấn thân cổ võ những giá trị về luân lý ở xã hội Hoa Kỳ, nhất là về việc tôn trọng sự sống và gia đình.
“Việc hiểu biết nhau trọn vẹn hơn và sâu xa hơn nữa giữa Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Âu Châu chắc chắn sẽ đóng một vai trò quyết liệt trong việc giải quyết những vấn đề lớn lao đã được tôi đề cập tới, cũng như rất nhiều vấn đề khác nhân loại ngày nay đang phải đương đầu. Chớ gì việc viếng thăm của Tổng Thống trở thành một động lực mới mẻ và mạnh mẽ cho một cuộc hợp tác như thế.
“Thưa Tổng Thống, trong khi ông thi hành sứ vụ cao quí của ông trong việc phục vụ quốc gia của ông cũng như hòa bình thế giới, tôi hứa cầu nguyện cho ông và chân thành xin Thiên Chúa ban cho ông những ân phúc khôn ngoan, sức mạnh và an bình.
“Xin Thiên Chúa ban hòa bình và tự do cho tất cả loài người!”
Trong cuộc triều kiến ĐTC Gioan Phaolô II, Tổng Thống Bush đã trao tặng Ngài Huy Chương Tự Do, một danh dự cao nhất Tổng Thống Hoa Kỳ tặng cho thành phần thường dân. Sau khi báo chí chụp hình, Tổng Thống Bush đã gặp riêng Đức Giáo Hoàng. Sau đây là nguyên văn những lời ông đã ngỏ cùng Ngài:
“Thưa Đức Giáo Hoàng, cám ơn ngài rất nhiều về việc tiếp Laura và tôi cùng với phái đoàn đại biểu của chúng tôi. Tôi xin gửi đến ngài lời chào từ nơi quê hương xứ sở của chúng tôi, nơi ngài được tôn kính, ca ngợi và rất được mộ mến.
“Tôi cũng gửi đến ngài những gì chính phủ của tôi muốn nói cùng ngài, thưa ngài, đó là chúng tôi sẽ hoạt động cho tự do của con người cũng như cho phẩm giá của con người, để phổ biến hòa bình và lòng cảm thương; đó là chúng tôi cảm nhận được một biểu hiệu tự do mãnh liệt nơi ngài, và chúng tôi nhận thấy được quyền lực tự do này trong việc biến đổi các xã hội và biến đổi thế giới.
“Bởi thế, thưa ngài, chúng tôi lấy làm vinh dự được ở nơi đây. Có lẽ cách hay nhất tôi có thể bày tỏ tấm lòng tri ân cảm tạ của xứ sở tôi đối với ngài, cũng như lòng trọng kính của chúng tôi giành cho ngài, đó là trao tặng ngài chiếc Huy Chương Tự Do của nước Hoa Kỳ.
“Xin ngài cho phép tôi được đọc lời đính kèm theo vinh dự này:
‘Là một người tôi tớ dấn thân của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tranh đấu cho thánh phần nghèo khổ, yếu kém, đói khát và bị ruồng bỏ. Ngài đã bênh vực phẩm giá đặc thù của mỗi sự sống cũng như sự thiện hảo của tất cả mọi sự sống.
‘Với đức tin và xác tín về luân lý của mình, ngài đã phấn khích những người khác can đảm thắng vượt tình trạng bất công và đàn áp. Chủ trương của ngài về hòa bình và tự do đã đánh động hằng triệu con người ta cũng như đã góp phần vào việc làm sụp đổ cộng sản và bạo quyền.
‘Hiệp Chủng Quốc tôn vinh người con của Balan đã trở thành vị Giám Mục Rôma và là một vị anh hùng của thời đại chúng ta’
“Bởi thế, đại diện cho nhân dân Hoa Kỳ, Thưa Đức Thánh Cha, tôi hân hạnh được ngài chấp nhận chiếc Huy Chương Tự Do này”.
Sau khi nhận quà tặng là chiếc huy chương ấy, ĐTC đã nói với Tổng Thống Bush như sau:
“Tôi rất cám ơn ngài Tổng Thống về cử chỉ tế nhị này. Chớ gì ước muốn được tự do, hòa bình, một thế giới nhân bản hơn được biểu hiệu nơi chiếc huy chương này tác đảng con người nam nữ thiện tâm ở mọi thời và mọi nơi. Xin Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ”.
Trong chuyến công du 36 tiếng đồng hồ này, Tổng Thống Bush còn gặp cả Thủ Tướng Silvio Berlusconi, một ủng hộ viên về vấn đề chiến tranh Iraq bất chấp có bị nhân dân Ý quốc chống đối, kết quả đã có 24 mạng dân Ý (20 lính và 4 dân) đã phải hy sinh trong cuộc chiến này. Vào ngày Thứ Bảy, Tổng Thống Bush gặp Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, một nhân vật cực lực phản chiến tranh Iraq, cũng tại Pháp vị tổng thống Mỹ còn gặp cả Thủ Tướng Đức Chancellor Gerhard Schroeder, một nhân vật phản chiến tranh Iraq. Các viên chức của Tòa Bạch Ốc cho biết sở dĩ Tổng Thống Bush chú trọng đến Âu Châu là để tạo được nhiều nâng đỡ của quốc tế bao nhiêu có thể đối với tình trạng chuyển tiếp về chính trị mong manh ở Iraq.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Bạch Ốc (bài của TT Bush) và của VIS (bài của ĐTC) được CNN phổ biến chính ngày 4/6/2004. Phần tin tức đa số lấy từ CNN và một ít từ Zenit. Hình ảnh hoàn toàn từ CNN.
Tổng Thống Bush sẽ Tặng Thưởng ĐTC GPII Huy Chương Tự Do
Theo nguồn tin từ Tòa Thánh Vatican cho hay, trong lần triều kiến ĐTC GPII 4/6/2004, Tổng Thống Bush sẽ tặng thượng ĐTC Huy Chương Tự Do.
Tháng 11/2003 vừa rồi, Hạ Viện Hoa Kỳ, qua việc bỏ phiếu bằng miệng đã chấp thuận quyết định của lưỡng đảng khuyến khích Tổng Thống Bush tặng thưởng vinh dự đệ nhất về dân sự của chính phủ cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Năm 1963, Tổng Thống John Kennedy đã cho phép thực hiện việc tưởng thưởng Huy Chương Tự Do Của Tổng Thống cho những người “có công đặc biệt đóng góp vào 1) nền anh ninh hay thiện ích của quốc gia Hiệp Chủng Quốc, hay 2) nền hòa bình thế giới, hoặc 3) những nỗ lực quan trọng về văn hóa hay về xã hội hoặc cá nhân”.
Trong số 400 mề đay đã được tưởng thưởng. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (qua đời ngày 3/6/1963) là 1 trong 31 nhân vật được vinh dự này. Tổng Thống Lyndon Johnson đã trao tặng huy chương này cho ngài là một người quá cố vào tháng 12/1963.Những Cuộc Xuống Đường Chống Cuộc Gặp Gỡ của Tổng Thống Bush với ĐTC
Thứ Tư 2/6/2004, tại Rôma, trong khi các vị lãnh đạo chính trị tham dự cuộc quân đội diễn hành Ngày Cộng Hòa hằng năm, thì ở một số địa điểm khác nhau, đã diễn ra những cuộc xuống đường gần đó của thành phần chống chiến tranh Iraq phản đối việc Tổng Thống Bush muốn đến gặp gỡ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Thành phần xuống đường phản đối, bao gồm cả một số thành viên quốc hội thiên tả, mang những bảng hiệu hay hát những câu như “Hòa Bình Ngay Lúc Này Đây!”, “Lính Tráng Ra Khỏi Iraq!” và “Ý Quốc Chán Ghét Chiến Tranh”. Ngoài ra, cuộc xuống đường này còn diễn lại những cảnh quân nhân Mỹ làm nhục tù binh Iraq. Tình hình chống chiến tranh Iraq lại càng trở nên dữ dội hơn nữa khi xẩy ra vụ 19 người Ý chết vào 11/2003 và 1 nhân viên an ninh chết vào 4/2004.
Tổng Thống Bush đã nói với đài truyền hình nước Ý là ông tôn trọng tự do phát biểu và không sợ chống đối trong thời gian ông viếng thăm Rôma: “Tôi không có vấn đề gì với những ai nói rằng họ không đồng ý. Tôi nghĩ rằng việc xuống đường này là một điều lành mạnh”.Có khoảng 25 người trong nhóm xuống đường bị giam giữ sau những xô xát với lực lượng cảnh sát. Ở Bologna, phía bắc Rôma, còn xẩy ra bạo động nữa. Cuộc diễn binh năm nay đã phải được canh gác hết sức cẩn mật, có cả máy bay lượn trên trời, chỉ vì tình hình chống chiến tranh Iraq vẫn còn kéo dài tới nay. Cuộc diễn binh 10 ngàn quân nhân này có cả sự tham dự của Tổng Thống Ý là Carlo Azeglio Ciampi và Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi.
Hầu hết người Ý chống lại việc Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm ngoái và đã có nhiều người kêu gọi Rôma hãy rút 2.700 quân về, một quân số đông hạng thứ ba sau lực lượng Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc. Bà Margarita Gaetani, một kiến trúc sư 57 tuổi, thân mình cuốn bằng một lá cờ hòa bình có hình chiếc cầu vồng, đã bày tỏ cảm nhận là Tổng Thổng Bush “là bạn của chính phủ Ý chứ không phải của nhân dân Ý”. Bà hứa sẽ trở lại vào ngày Thứ Sáu để tiếp tục xuống đường phản đối.
ĐHY Chicago bày tỏ cảm tưởng trước những cuộc chống đối trước khi xẩy ra việc Tổng Thống Bush gặp gỡ ĐTC
Trong cuộc phỏng vấn của tờ nhật báo Ý Avvenire, ĐHY Chicago, trong dịp viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên với các vị giám mục Hoa Kỳ đởt 6 cuối tháng 5/2004, đã cho biết cảm nhận của mình về những cuộc xuống đường phản đối việc Tổng Thống Bush hẹn gặp ĐTC GPII ngày Thứ Sáu 4/6/2004.
Theo ngài thì những cuộc xuống đường phản đối này làm cho những người Hoa Kỳ cảm thấy bối rối làm sao ấy: “Chúng tôi không thể hiểu được cách những người khác nhìn vào chúng tôi”. Đối với ngài thì những cuộc xuống đường chống đối này liên quan đến vấn đề nội bộ chính trị hơn là vấn đề ngoại giao giữa hai quốc gia, vấn đề ngoại giao mà ngài cho rằng “theo những gì tôi biết thì rất tốt đẹp”.
Tuy nhiên, “khi chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi không được một số nơi trên thế giới yêu thích, chúng tôi cảm thấy bị kinh động vì trước đó không nhận thức được rằng chúng tôi đã gây ra những gì làm phật lòng hay làm phiền muộn đến nỗi cảm xúc của kẻ khác”.
“Tôi tin rằng ĐGH hiện nay mong ước là diễn tiến ở Iraq được kết thúc một cách thành quả tốt đẹp cho thiện ích của tất cả mọi thành phần trong cuộc. Thế nhưng, tôi cũng nghĩ rằng ngài cũng đang cảm thấy ưu tư về đường lối người Hoa Kỳ đang theo đuổi thực hiện sứ vụ của mình ở xứ sở ấy. Những việc lạm dụng phạm đến các tù nhân Iraq là tất cả những gì làm hổ thẹn cho tất cả mọi người Hoa Kỳ, dù có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng. Những hành động này thật sự không tiêu biểu cho tác hành của chúng tôi hay cho những giá trị làm nền tảng cho quốc gia của chúng tôi. Bởi thế, những hành động ấy cần phải được phân xử và sửa phạt công minh”.
Tổng Thống Bush hướng về cuộc gặp gỡ ĐTC GPII
Tổng Thống Bush sẽ đến gặp ĐTC GPII nhân dịp kỷ niệm 60 năm lực lượng Hoa Kỳ giải phóng thành phố này vào thời Thế Chiến II. Lần tới này là lần thứ ba Tổng Thống Bush gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Qua cuộc phỏng vấn của tờ Kitô Giáo Ngày Nay, Tổng Thống Bush, một tín đồ thuộc giáo phái Tin Lành Methodist, cho biết ông sẽ lắng nghe Ngài nói nhiều hơn là nói. Được hỏi ông có muốn nói gì đặc biệt với vị Giáo Hoàng này hay chăng, ông trả lời:
“Không. Tôi đến đó để lắng nghe. Tôi sẽ đối đáp. Nếu tôi dám ngỏ lời cùng ngài một điều gì đó thì điều đó là ‘xin Ngài hãy vững tâm’. Ngài là một con người mạnh mẽ. Ngài có một tầm ảnh hưởng rất lớn, thật là diễm phúc khi được gặp Ngài. Thật sự là như vậy. Ngài sẽ có những điều gì đó để nói. Quí vị hãy tin tôi đi, Ngài sẽ lợi dụng dịp này để nói về vấn đề thế giới hay một vấn đề nào đó, và Ngài sẽ làm điều này một cách yêu thương. Tôi có ý nói rằng Ngài là một con người làm quí vị cảm thấy thoải mái”.
Vị Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Vatican với việc Tổng Thống Bush gặp ĐGH GPII sắp tới
Nếu qua ĐHY Laghi, dân chúng có thể biết trước được nội dung những gì ĐTC GPII có thể nói với Tổng Thống Bush trong cuộc gặp gỡ tới đây thì qua cuộc phỏng vấn của tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera hôm Thứ Sáu 14/5/2004, vị lãnh sự Hoa Kỳ ở Vatican là ông Jim Nicholson cũng đã cho biết nội dung những gì Tổng Thống Bush sẽ nói với ĐGH. Theo vị lãnh sự này thì Tổng Thống Bush sẽ lên án hành động hành hạ các tù nhân Iraq gây ra bởi binh sĩ Hoa Kỳ và khẳng định là con số vi phạm này rất ít.
Vị lãnh sự này xác nhận là Tổng Thống Bush quả thực rất muốn gặp ĐGH GPII, đến nỗi tổng thống đã phải lấy lại chuyến bay của ông đến Rôma vào buổi tối trước khi ĐTC thực hiện chuyến tông du của Ngài sang Thụy Sĩ.
“Ông Bush rất muốn gặp ĐGH vị ông cảm thấy nhu cầu cần phải nói về một số vấn đề quan trọng cho tương lai của thế giới… (trong đó có những vấn đề liên quan tới) Trung Đông, Iraq và nạn khủng bố”.
Vị tổng thống này sẽ nói với ĐGH rằng ông “hết sức buồn khổ bởi tất cả những gì đã xẩy ra” liên quan đến vụ hành hạ các tù nhân Iraq. “Thế nhưng ông cũng sẽ nói rằng đó là một con số nhỏ trong số 200 ngàn quân nhân ở Iraq; đại đa số đã tác hành một cách gương mẫu. Những kẻ vi phạm những việc làm dụng ấy không tiêu biểu cho nhân dân Hoa Kỳ”.
Vị lãnh sự này còn cho biết tiếp về vấn đề trao nhượng chủ quyền cho Iraq như sau: “Hiệp Chủng Quốc đồng ý trao nhượng quyền bính từ Liên Hiệp Quốc cho nhân dân Iraq. Thế nhưng vấn đề về cách thức thực hiện vẫn chưa biết sẽ ra sao. Chỉ biết có hạn ngày là 30/6, song hiện nay vẫn chưa có một giải pháp mới nào của Liên Hiệp Quốc cả.
“Chính nhân dân Iraq yêu cầu chúng tôi ở lại; chúng tôi đã cung cấp nước nôi, điện lực, học đường, bệnh viện. Đó là một cải tiến không thấy được nhắc đến trong các báo chí.
“Chúng tôi ủng hộ bản tân Hiến Pháp, chúng tôi đồng ý với vấn đề trao trả quyền hành cho nhân dân Iraq. Để thực hiện điều này, chúng tôi không thể bỏ rơi khu vực ấy”.
Về vấn đề xung đột giữa những người Do Thái và Palestine, vị lãnh sự cho biết Tổng Thống Bush sẽ nói với ĐGH rằng:
“’Bản ‘lộ trình hòa bình’ sẽ được bắt đầu lại. Chúng tôi hết sức tin tưởng rằng cần phải chấm dứt cuộc xung đột này bằng việc thiết lập một quốc gia Palestine tự chủ. Về vấn đề này chúng tôi cùng chiều hướng với Giáo Hội”.
“Chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm, cần phải dừng bước”.
Những gì Đức Thánh Cha có thể sẽ nói với Tổng Thống Bush trong cuộc gặp gỡ sắp tới
Trong những lời phát biểu với tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera được phổ biến hôm Thứ Năm 13/5/2004, ĐHY Pio Laghi, vị HY 81 tuổi đã một thời làm khâm sứ Tòa Thánh ở Hiệp Chủng Quốc 10 năm (1980-1990), vị cũng đã đóng vai trò là một sứ giả được ĐGH GPII sai đến gặp Tổng Thống Bush vào đầu tháng 3/2003 để xin vị tổng thống này đừng gây ra “cuộc chiến tranh ngăn ngừa” với Iraq, đã cho biết những gì ĐTC GPII có thể sẽ nói với vị tổng thống này trong cuộc ông triều kiến Ngài vào ngày 4/6/2004 tới đây.
“Chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm, cần phải dừng bước. Chúng ta đã thấy được bờ vực thẳm này nơi tình trạng kinh hoàng bộc phát từ những cuộc hành hạ các tù nhân Iraq, từ việc lấy đầu một người con tin Hoa Kỳ, cũng như từ chế giễu các bộ đội lính tráng Hoa Kỳ.
“’Hãy dừng bước’ là tiếng kêu Giáo Hội nhân danh nhân loại bị lạm dụng muốn vang lên. Hiệp Chủng Quốc cũng phải dừng bước và tôi nghĩ rằng nó có đủ sức mạnh để làm điều này. Nó cần phải tái thiết lập việc tôn trọng con người và trở về với gia đình các dân tộc, thắng nvượt khuynh hướng tác hành theo ý riêng của mình. Nếu nó không dừng bước thì cơn lốc của tình trạng kinh hoàng sẽ kéo theo các dân tộc khác và sẽ dẫn chúng ta càng tới sát vực thẳm hơn bao giờ hết”.
Theo vị hồng y này thì ĐTC sẽ lập lại với Tổng Thống Bush “lời khuyên Ngài đã đề nghị mà ông cương quyết không chịu nghe. Giờ đây chúng ta thấy lời khuyên này khôn ngoan biết bao. (Ngài) sẽ bày tỏ với ông một lần nữa lời Ngài đã khẩn trương kêu gọi trong sứ điệp Ngài gửi thế giới nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004. Trong sứ điệp này, Ngài đã kêu gọi hãy thực hiện một mức độ cao hơn nơi trật tự quốc tế và đã cảnh giác rằng cuộc chiến đấu chống lại khủng bố không thể chỉ là một thứ ‘đàn áp’ mà phải bắt đầu bằng ‘việc loại trừ những căn nguyên’ gây ra bất công. Sứ điệp ấy đã nói rằng bao giờ cũng cần phải tôn trọng sự sống và cuộc chiến đấu chống khủng bố không được biện minh bằng việc loại trừ các nguyên tắc ấn định của luật pháp, vì mục đích không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện.
“Tôi sợ rằng cuộc chiến này sẽ gây ra nạn dịch khủng bố càng bạo loạn hơn, như vị Giáo Hoàng này đã nói, và sẽ xẩy ra những cuộc tàn sát dã man. Thế nhưng tôi không mong thấy cảnh tượng hành hạ thành phần tù nhân.
“Tôi yêu chuộng nước Hiệp Chủng Quốc và tôi không nghĩ là tình trạng điên rồ này đã có thể xẩy ra. Tôi lấy làm bàng hoàng kinh hãi. Tôi thấy có những người bạn Hoa Kỳ đã lấy hai tay ôm chặt lấy đầu của họ và tôi cũng làm giống như họ”.
Vị hồng y là chủ tịch hồi hưu của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo cảm thấy rằng việc Tổng Thống Bush đến viếng thăm ĐGH GPII vào lúc khẩn trương này là một dấu hiệu tốt.
“Tôi không nghĩ đây là một cuộc biểu dương, tức là liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đây. Chính lúc đối với ông khó khăn để xin gặp vị Giáo Hoàng này là lúc này đây thì ông lại xin làm điều ấy. Tôi nghĩ ông đã xin điều này hai lần và đã thay đổi chương trình làm việc của ông để thực hiện điều ấy.
“Chúng ta cần phải nhìn thấy nơi cuộc gặp gỡ với vị Giáo Hoàng này, cuộc gặp gỡ của một người thừa kế vị tổng thống Hiệp Chủng Quốc tiền nhiệm đã ra lệnh giải phóng Rôma năm 1944. Biến cố giải phóng ấy đã tái thiết ở Rôma luật lệ các dân tộc. Người Thừa Kế vị Giáo Hoàng bấy giờ cũng sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người thừa kế của vị tổng thống ấy bấy giờ.
“Ngài đồng thời cũng có thể nói với ông rằng những giải pháp của Hiệp Chúng Quốc hiện nay đang thực hiện không tái thiết luật lệ các quốc gia ở Trung Đông đâu”.
Theo vị hồng y này thì để tái thiết luật pháp ở Trung Đông, nhất là ở Iraq, cần phải “hiểu biết về văn hóa của một thế giới rất khó khăn đối với chúng ta và tôi nghĩ rằng các người bạn Hoa Kỳ của chúng ta chưa đạt tới.
“Việc nổ bom ở đền thờ, việc tiến vào các thành thánh, việc cho các nữ quân nhân dính dáng đến những nam nhân trần truồng, đều cho thấy họ thiếu hiểu biết thế giới Hồi giáo.
“Cần phải xâu dựng những chiếc cầu nối với Hồi giáo chứ đừng đào thêm hố cách ngăn. Cần phải đặt ưu tiên cho những vấn đề Do Thái và Palestine, vấn đề là nguồn mạch gây ra tình trạng khủng bố.
“Những lực lượng hiện có mặt ở Iraq chẳng những không được thực sự ở dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ, mà còn không được cho họ cảm thấy rằng họ bị như thế. Cần phải có một sự hiện diện đa phương không ở dưới quyền của thành phần tổ chức và muốn gây chiến”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 13/5/2004
Những điểm tương đồng và tương phản giữa TT Bush và ĐGH GPII
Ký giả Andrea Kirk đang soạn một cuốn sách về những điểm tương đồng và tương phản giữa TT Bush và ĐTC Gioan Phaolô II liên quan đến những chủ trương hay chính sách về xã hội và ngoại giao, cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay. Bà là một tay viết tự do cho các tờ Inside the Vatican, Our Sunday Visitor và United Press International. Bà đã chia sẻ với Zenit một số nhận định của bà như sau:
Vấn Mục đích của việc nghiên cứu có tính cách thân hữu của bà là để tìm thấy những điểm trùng hợp và những điểm khác biệt giữa các chính sách của Tổng Thống George W. Bush và của ĐGH Gioan Phaolô II. Ngoài ra bà còn tìm thấy những gì nữa chăng?
Đáp Tổng quát mà nói thì ĐGH và vị tổng thống này có nhiều điểm trùng hợp nơi lãnh vực liên quan đến chính sách về xã hội nhưng lại hoàn toàn khác nhau về chính sách ngoại giao.
Vị tổng thống này đã hoán cải trở về với Chúa Kitô, một cuộc hoán cải được phản ảnh nơi một số chính sách liên quan đến, chẳng hạn, hoạt động theo đức tin và đến vấn đề tài trợ cho việc giáo dục tiết dục để ngăn ngừa chứng Liệt Kháng HIV/AIDS.
Cũng tương tự như vấn đề hoán cải, việc thay đổi hành vi là một vấn đề diễn tiến nơi nhiều chính sách xã hội của ông, những chính sách ông đã đặt cho một biệt hiệu là “chủ nghĩa bảo thủ lòng thương cảm”.
Thế nhưng, có một số nhà phân tích cho rằng đường lối của ông Bush về chích sách xã hội là một đường lối Tin Lành khác biệt và là đường lối không đồng điệu với Vatican cho lắm. Bởi vì, dù giả thuyết này chưa được chứng thực, nhưng sau biến cố 11/9, Tổng Thống Bush cũng đã trở thành một vị “tổng thống (tự động tuyên) chiến” và chiến tranh chống khủng bố đã qua mặt cả những hoạt động của chính sách về xã hội này.
Vấn Còn những điểm tương phản thì sao?
Đáp Những điểm tương phản đã tỏ tường ở nơi việc dẫn tới chiến tranh đánh Iraq, nhưng còn khác nhau hơn nữa liên quan đến vấn đề có được xâm chiếm Iraq hay chăng.
Nhiều vấn đề trong “chính sách ngoại giáo” của Vatican, hay trong giáo huấn xã hội về những liên hệ quốc tế, đã cho thấy những khác biệt về vai trò của Liên Hiệp Quốc, về vấn đề đơn phương tấn công, về việc ngoại giao cũng như về vấn đề biện minh cho chiến tranh chính nghĩa.
Có một chính sách đặc biệt đã làm cho đôi bên đối nghịch nhau. Vào thời gian từ khi xẩy ra cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ cho tới lúc bắt đầu chiến tranh tấn công Iraq, chính phủ Bush đã theo chính sách ngoại giao khiến cho hầu hết các viên chức Vatican không thể chấp nhận được về nguyên tắc. ĐHY Ratzinger đã thẳng thắn nói là thứ chiến tranh ngăn ngừa không hợp với Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, không hợp với nhiều viên chức Vatican nghĩ rằng gây ra một cuộc chiến tranh như thế với Iraq là điều bất hợp pháp.
Chính phủ Bush thực hiện chính sách ngoại giao và vấn đề ngoại giao theo một kiểu cách rất khác với Vatican. Dĩ nhiên, khó lòng có thể so sánh giữa quyền lực trần thế với quyền thế thiêng liêng. Tuy nhiên, nói như vậy là có ý nói rằng cả hai đều hoạt động nhắm đến những mục đích đề ra giống nhau, bằng đường lối riêng của mình tuy đôi khi khác nhau.
Chính phủ Bush đã thực hiện nỗ lực từ biến cố 11/9 trong việc bênh vực quyền lợi con người, công lý và quyền tự do, nhất là những người công dân bị đàn áp dưới chế độ Hussein. Chính phủ này đã ghép cho cuộc chiến tranh này những ngôn từ ấy bằng việc đặt tên cho nó là Hành Quân Giải Phóng Iraq (Operation Iraqi Freedom).
Phần Vatican, trong khi liên tục bênh vực cho những mục đích ấy, đã tỏ ra chống lại phương tiện được chính phủ Bush sử dụng. ĐGH đã bày tỏ rõ ràng bằng câu “mục đích không bao giờ biện minh cho phương tiện” trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004, hay “chiến tranh không bao giờ lại là một phương tiện con người được quyền chọn sử dụng để giải quyết những khác nhau giữa các quốc gia” trong diễn từ Ngài ngỏ với phái đoàn ngoại giao vào Tháng Giêng 2003.
Vấn Đâu là những liên hệ giữa chính phủ Bush và Vatican nơi tình hình Iraq hậu chiến?
Đáp Tôi nghĩ rằng cuộc viếng thăm mới đây của Phó Tổng Thống Cheney đến Vatican gặp ĐGH, ĐHY Sodano và TGM Lajolo là một việc quan trọng, vì Cheney là một trong những kiến trúc sư chính của cuộc hành quân ở Iraq.
Cuộc đối thoại tập trung vào cách làm sao để xây dựng một xã hội yên vui ở đó cũng như ở Do Thái và Palestine. Đó là một thí dụ điển hình cho thấy Vatican đã chuyển sứ vụ của mình từ việc ngăn ngừa chiến tranh sang việc xây dựng hòa bình, như Tòa Thánh vẫn thường làm liên quan đến mục đích của sứ vụ Giáo Hội đó là bao giờ cũng phải nhắm đến phúc hạnh của con người.
Tòa Thánh Vatican và chính phủ Bush có thể gặp nhau ở cùng một căn bản chung nào đó trong việc xây dựng hòa bình, vì Giáo Hội, trong số các vấn đề, đang quan tâm đến việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo nơi bản hiến pháp tương lai của Iraq.
Cuộc gặp gỡ vị phó tổng thống này cũng đã cống hiến cho ĐGH cơ hội để tái nhấn mạnh đến niềm tin tưởng của Ngài nơi nhu cầu cần phải có sự hợp tác quốc tế “trong việc phục vụ hòa bình”, một thứ hợp tác chúng ta cho rằng có ý nói đến việc hoạt động với Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, như tôi nêu lên nơi giấy trắng mực đen, Tòa Thánh đã hết sức phàn nàn về việc bất lực của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề đối ứng với thách đố của cuộc chiến tranh ngăn ngừa bằng cách thi hành sứ vụ cũng như những giải pháp của tổ chức này.
Từ khi sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình được phổ biến, lời kêu gọi canh tân Liên Hiệp Quốc đã được lập đi lập lại nhiều lần bởi các viên chức Vatican, với mục đích là để phấn khích tổ chức này hãy đóng đúng vai trò của nó. Bằng không, chính phủ Bush có thể sẽ tiếp tục ra tay chiến đấu chống khủng bố theo kiểu cách của mình, nếu chính phủ này còn tồn tại một khóa nữa ở Tòa Bạch Ốc.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 16/2/2004.
ĐTC GPII với Thủ Tướng Palestine và Ngoại Trưởng Iran
Ngày Thứ Năm 12/2/2004, ĐTC GPII đã tiếp hai vị đặc biệt của Khối Ả Rập, một là thủ tướng của Palestine, vị thủ tướng từ ngày 7/9/2003 và là vị thứ hai từ tháng 4/2003; hai là ngoại trưởng Kamal Kharrazi của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đi với phái đoàn tùy tùng của ông. Ngài đã nói với Thủ Tướng Palestine về vấn đề tinh thần cần phải có để sống chung giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine ở Thánh Địa. Và Ngài cũng đã nói với vị ngoại trưởng Iran về vấn đề bảo toàn những quyền lợi bất khả nhượng và phẩm giá con người. Vị lãnh đạo đến gặp gỡ ĐTC GPII trước lần này là Tổng Thống Seyyed Mahammad Khatami vào ngày 11/3/1999.
Diễn Từ Với Thủ Tướng Palestine
Thưa Thủ Tướng,
Tôi hân hạnh được đón tiếp ông ở Vatican đây. Sự hiện diện của ông làm cho Tôi sống lại ký ức của việc Tôi hành hương tới Thánh Địa là nơi Tôi đã thiết tha nguyện cầu cho hòa bình và công lý ở miền này. Cho dù không thiếu những dấu hiệu hy vọng nhưng tiếc thay tình hình buồn thảm ở Thánh Địa vẫn gây khổ đau cho tất cả mọi người.
Không ai được chiều theo lòng chán nản, để mặc cho thái độ hận thù và việc trả thù làm gì thì làm. Thánh Địa cần đến sự hòa giải: cần đến thứ tha hơn là thù hận, cần những những chiếc cầu nối hơn là những bức tường ngăn cách. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nếu tất cả mọi vị lãnh đạo ở miền này đáp ứng đòi hỏi ấy thì con đường đối thoại và thương thảo sẽ dẫn tới một nền hòa bình bền vững. Tôi chân thành cầu xin muôn vàn phúc lành thần linh xuống trên ông và nhân dân của ông.
Diễn Từ Với Ngoại Trưởng Iran
Thưa Ngài,
Tôi hân hạnh đón tiếp ngài tại Vatican hôm nay đây. Sự hiện diện của ngài là một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác đến nay đã trên 50 năm làm nên những liên hệ chính thức giữa Tòa Thánh và đất nước của ngài. Tôi tin rằng tinh thần hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn khi chúng ta nói lên những vấn đề liên quan chung của chúng ta.
Vấn đề tối thiểu về khía cạnh này đó là việc dấn thân đang được thực hiện trong việc bảo toàn các thứ quyền lợi và phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người, nhất là nơi những nỗ lực nhắm đến việc cổ võ sự tương kiến giữa những thành phần thuộc niềm tin, văn hóa và sắc tộc khác nhau.
Ngài Bộ Trưởng, Tôi ước mong những ngày ngài ở Rôma được tốt đẹp và Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phúc lành cho ngài.
ĐTC với Chủ Tịch Đại Hội Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Canh Tân Tổ Chức Quốc Tế LHQ này
Hôm Thứ Bảy 7/2/2004, ĐTC đã tiếp vị chủ tịch của Đại Hội Liên Hiệp Quốc lần thứ 58 là Julian Robert Hunte.
Thưa Ông Chủ Tịch,
Tôi vui mừng được đón tiếp ông ở Vatican với tư cách ông là Chủ Tịch của Đại Hội Lần Thứ 58 của Liên Hiệp Quốc.
Nhu ông biết, Tòa Thánh coi Tổ Chức LHQ như là một phương tiện quan trọng trong việc cổ võ công ích chung. Ông đã thực hiện một mục đích tái thiết để làm cho hoạt động của Tổ Chức được hiệu nghiệm hơn. Điều này chẳng những bảo đảm được kết quả hiệu nghiệm hơn đối với việc giải quyết chính đáng những vấn đề quốc tế, mà còn giúp cho Liên Hiệp Quốc trở thành một thẩm quyền luân lý đáng được tôn trọng hơn bao giờ hết trước cộng đồng quốc tế.
Tôi hy vọng rằng Các Quốc Gia Phần Tử sẽ coi việc canh tân này là “mộỉt trách nhiệm rõ ràng về luân lý và chính trị cần đến sự khôn ngoan và cương quyết” (Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2004, đoạn 7), và là một điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc phát triển một trật tự quốc tế phục vụ toàn thể gia đình nhân loại.
Tôi xin nguyện chúc các nỗ lực riêng của ông hoạt động cho mục đích này, và Tôi xin Thiên Chúa ban các phúc lành khôn ngoan, sức mạnh và bình an xuống trên ông và các cộng sự viên của ông.
ĐTC GPII với Phó Tổng Thống Hoa Kỳ về tình hình thế giới, nhất là ở Trung Đông và Iraq.
Thứ Ba 27/1/2004, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến tin về việc ĐTC tiếp Phó Tổng Thống Hoa Kỳ như sau:
“Sáng nay, Phó Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là ông Richard B. Cheney đã đến thăm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, sau đó ông đã gặp ĐHY Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh, và ĐTGM Giovanni Lajolo, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh. Trong những cuộc đàm đạo bao gồm việc trao đổi ý kiến về tình hình chính trị, đặc biệt chú trọng tới tiến trình hòa bình ở Trung Đông và những diễn tiến về tình hình ở Iraq. Cũng có cả việc khảo sát về những vấn đề về luân lý và tôn giáo liên quan tới sinh hoạt của các Quốc Gia, nhất là đến việc bênh vực và cổ động sự sống, gia đình, tình đoàn kết và quyền tự do tôn giáo”.
Sau đây là những lời ĐTC nói với vị phó tổng thống này:
Thưa Ngài Phó Tổng Thống,
Tôi hân hoan được tiếp ngài cùng với gia đình ngài ở Vatican và đón nhận những lời chào chân thành Tổng Thống Bush gửi qua ngài.
Nhân dân Hoa Kỳ bao giờ cũng thiết tha với những giá trị nồng cốt của tự do, công lý và bình đẳng. Trong một thế giới đầy xung khắc, bất công và chia rẽ, gia đình nhân loại cần phải nuôi dưỡng những giá trị này trong việc tìm kiếm hiệp nhất, hòa bình và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người.
Tôi xin ngài và đồng bào của ngài hãy hoạt động, ở quốc nội cũng như hải ngoại, cho việc phát triển sự hợp tác và tình đoàn kết quốc tế trong việc phục vụ một thứ hòa bình mà tất cả mọi con người nam nữ hết sức khát vọng.
Tôi thành khẩn cầu xin muôn vàn phúc lành của Thiên Chúa Toàn Năng đổ xuống trên ngài và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ.
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đã tặng ĐGH một con chim bồ câu bằng thủy tinh.
ĐTC gặp Tổng Thống Singapore và Tổng Thống Do Thái
Ngày Thứ Năm 12/12/2002, Tổng Thống Singapore Sellapan Ramanathan Nathan đã bàn với ĐTC về nhu cầu cần phải đối thoại liên tôn như là một việc hỗ trợ cho vấn đề hòa bình thế giới. Sau khi được triều kiến riêng với ĐGH, vị tổng thống này đã gặp ĐTGM Jean-Louis Tauran, Bột Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh. Theo văn phòng báo chí của tòa thánh cho biết: “những cuộc trao đổi này đã tạo cơ hội trao đổi ý kiến về tình trạng liên hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội và nước này, cũng như về những hoạt động hợp tác về những vấn đề luân lý… (về) nhu cầu cần phải trung thành trao đổi liên tôn như là một việc đóng góp xây dựng hòa bình và sự bền vững nơi miền này cũng như trên thế giới”. Đa số trong 4.4 triệu dân của quốc gia này hoặc theo Phật Giáo hay Lão Giáo. Hội Giáo chiếm 14.9% và Kitô Giáo 12.8%. Trong số 151 ngàn người Công Giáo có 30 giáo sĩ, 67 linh mục triều, 59 linh mục dòng, 216 nữ tu, 47 trung tâm giáo dục và 10 trung tâm bác ái.
Vị tân tổng thống Do Thái là Katsav sinh năm 1945 ở Iran và theo gia đình về Do Thái năm 6 tuổi. Vị tổng thống này đã từng giữ chức quyền vị Đảng Likud ái quốc năm 1977. Ông đã từng là Bộ Trưởng Lao Động và Xã Hội Vụ, và Bộ Trưởng lo cho thành phần thiểu số Ả-Rập và Do Thái. Theo Đài Phát Thanh Vatican, vị tổng thống này cho thấy hướng về những thành phần thiểu số chủng tộc và tôn giáo. Vị tổng thống này là vị tổng thống Do Thái đầu tiên viếng thăm ĐTC và được ĐTC nói là Thánh Địa sẽ được hưởng bình an nếu dân Do Thái và Palestine biết cộng tác với nhau.
Vị tổng thống Do Thái cũng gặp cả ĐHY Quốc Vụ Khanh Sodano và Đức Ông Pietro Parolin, tân phó thư ký của bộ ngoại giao. Theo văn phòng báo chí của Tòa Thánh thì trong những cuộc gặp gỡ này, vị trí và vai trò của Tòa Thánh một lần nữa được lập lại cùng vị tổng thống này, đó là vị thế thiên về “việc hiện hữu và hợp tác giữa hai nước Do Thái và Palestine, cần phải tiến đến chỗ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang xẩy ra”. Văn phòng này còn cho biết ĐTC Gioan Phaolô II và các vị giúp việc cho Ngài đã kêu gọi vị tổng thống Do Thái này cho “phép đi lại tự do ở Bêlem vì những cuộc cử hành Giáng Sinh sắp đến”. Theo Hãng Thông Tấn Reuter, căn cứ vào lời phát biểu của Tòa Lãnh Sự Do Thái thì vị tổng thống Do Thái đã hứa với ĐGH là quân đội Do Thái sẽ rời Bêlem vào dịp lễ Giáng Sinh nếu không có “những báo động về hoạt động của khủng bố”. Những toán quân đã tái chiếm đóng Bêlem thuộc quyền Palestine 3 tuần trước sau cuộc tự sát khủng bố sát hại 11 người Do Thái ở chiếc xe buýt Giêrusalem. Là Bộ Trưởng Du Lịch, vị tổng thống này đã được gặp ĐTC lần đầu tiên. Trước khi Do Thái và Vatican có liên hệ ngoại giao với nhau vào ngày 30/12/1993, ĐTC đã tiếp một số vị lãnh đạo chính quyền và bộ trưởng.
Theo tin của CNN thì một nguồn tin cho biết Do Thái “sẽ hoàn toàn cho tất cả những người khác được đến Bêlem để cử hành Lễ Giáng Sinh”. Riêng vị lãnh đạo của Khối Palestine là Arafat nếu cố tình muốn đến dự lễ ở đây, “chúng tôi sẽ tự do xông vào khu vực của ông ta để bắt giữ tất cả những tay khủng bố trong đó”. Năm ngoái, quân đội Do Thái đã canh giữ không cho Arafat đi đâu khỏi khu vực của ông ở Ramallah, Tây Ngạn, sau cuộc ôm bom tự sát khủng bố ở Giêrusalem và Haifa. Bộ Nội Các An Ninh Do Thái không cho phép Arafat, một tín đồ Hồi Giáo, rời khỏi khu vực của mình để dự lễ nửa đêm ở Bêlem, vì Thẩm Quyền Palestine không chịu giam giữ 4 tay háo chiến chịu trách nhiệm về vụ Tháng 10/2001 sát hại Bộ Trưởng Du Lịch của Do Thái là ông Rechavam Ze’evi. Đó là lần đầu tiên xẩy ra vụ cấm đoán này từ khi Bêlem được trao cho thẩm quyền Palestine theo các khoản của hiệp ước hòa bình tạm thời năm 1995. Đối với chính quyền Do Thái thì Bêlem, nơi được Kitô hữu tin tưởng Chúa Kitô giáng sinh ở đó, “đã từng là một trung tâm của những cuộc khủng bố tấn công”.
ĐTC GIOAN PHAOLÔ II NGỎ LỜI ĐÓN TIẾP TỔNG THỐNG GEORGE W. BUSH
Thưa Ngài Tổng Thống,
1. Tôi rất lấy làm vui mừng được đón tiếp Ngài trong cuộc viếng thăm đầu tiên của Ngài đây, kể từ khi Ngài đóng vai trò làm Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc. Tôi thân ái chào tôn Phu Nhân và phái đoàn tùy tùng của Ngài. Tôi thành thật nguyện chúc vai trò tổng thống Ngài nắm giữ sẽ làm cho đất nước của Ngài kiên cường trong việc gắn bó với những nguyên tắc khơi nguồn dân chủ Hoa Kỳ từ ban đầu, cũng là những nguyên tắc bảo trì cho đất nước của Ngài phát triển đáng giá. Khi Ngài đối diện với những thách đố của một tân thế kỷ đang mở ra trước mắt chúng ta đây thì những nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị của chúng.
Ý thức được những nguồn thiên liệu và nhân lực dồi dào do Đấng Tạo Hóa ban phúc cho đất nước của Ngài, những vị lập quốc của Ngài đã được soi đường mở lối đi theo cảm quan trách nhiệm sâu xa đối với công ích, một thứ công ích cần phải được thực hiện với niềm tôn trọng phẩm vị thiên phú cũng như tôn trọng những quyền lợi bất khả nhượng nơi tất cả mọi người. Hoa Kỳ tiếp tục đo lường bản thân mình bằng tính chất cao quí của tầm hướng nguyên khởi trong việc xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng và công chính theo lề luật. Trong thế kỷ vừa qua đi, chính những lý tưởng này đã thôi thúc nhân dân Hoa Kỳ chống lại hai chế độ độc tài là những chế độ có một quan niệm vô thần về con người và xã hội.
2. Vào lúc mở màn cho một thế kỷ mới đây, một thế kỷ cũng khai mào cho đệ tam thiên kỷ của Kitô giáo, thế giới vẫn tiếp tục hy vọng trông đợi nơi đất nước Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thế giới kỳ vọng như thế với một ý thức sâu xa về cuộc khủng hoảng của những giá trị đang xẩy ra nơi xã hội Tây phương, một cuộc khủng hoảng càng bấp bênh hơn bao giờ hết khi phải đối diện với những quyết định về luân lý bất khả thiếu cho bước đường tương lai của loài người.
Trong những ngày gần đây, thế giới đang chăm chú đến tiến trình toàn cầu hóa, một tiến trình có một gia tốc rất nhanh trong thập niên vừa qua, cũng là một tiến trình mà Ngài cùng với những vị lãnh đạo khác của các nước kỹ nghệ hóa đã bàn thảo tại Genoa. Trong khi cảm nhận được những cơ hội cho việc phát triển về kinh tế cũng như cho tình trạng thịnh vượng về vật chất do tiến trình này cống hiến, Giáo Hội cũng không thể nào không nói lên cho thấy mối quan tâm sâu xa của mình về tình trạng thế giới của chúng ta vẫn tiếp tục bị chia cách, một tình trạng bị chia cách không phải do những khối quân sự và chính trị trước đây, mà là do một lằn mức ngăn cách sai lầm thê thảm giữa những người có thể mưu lợi từ những cơ hội này với những người hình như bị loại trừ khỏi những cơ hội ấy. Cuộc cách mạng tự do, được Tôi nói tới ở Hiệp Chủng Quốc năm 1995, giờ đây phải được hoàn thành bằng cuộc cách mạng cơ hội, một cuộc cách mạng cơ hội khiến các dân nước trên thế giới chủ động đóng góp vào việc thịnh đạt kỹ nghệ và thừa hưởng hoa trái của việc thịnh đạt ấy. Cuộc cách mạng cơ hội này cần đến vai trò lãnh đạo của các quốc gia có những truyền thống tôn giáo và văn hóa làm cho họ hết sức chú ý đến những chiều kích luân lý của những vấn đề liên hệ.
3. Việc tôn trọng phẩm vị con người cũng như tôn trọng niềm tin của con người ở một mức độ bình đẳng nơi tất cả mọi phần tử của gia đình nhân loại đòi phải có những qui chế nhằm giúp cho tất cả mọi người có được những phương tiện thiết yếu để cải tiến đời sống của mình, kể cả những phương tiện và những khả năng về kỹ thuật cần để phát triển. Việc mọi người cần phải tôn trọng thiên nhiên, qui chế cởi mở đối với những người di dân, việc bãi bỏ hay trọng giảm nợ nần cho các nước nghèo, việc cổ võ hòa bình bằng cách đối thoại và điều đình, tính cách căn bản của qui tắc lập luật: đó là những vấn đề ưu tiên mà những vị lãnh đạo các quốc gia tân tiến không thể không để ý tới. Một thế giới toàn cầu chính yếu là một thế giới đại kết! Theo chiều hướng của quan diểm này, mà đất nước Hoa Kỳ, vì có nhiều nguồn lợi, có nhiều truyền thống văn hóa và nhiều giá trị tôn giáo, phải có một trách nhiệm đặc biệt.
Việc tôn trọng phẩm vị con người là một trong những biệu hiện cao cả nhất nơi quyền tự do tôn giáo. Quyền này là quyền đầu tiên được liệt kê trong Đạo Luật Nhân Quyền của đất nước Ngài, và nó có một tầm mức quan trọng đến nỗi việc cổ võ quyền tự do tôn giáo vẫn tiếp tục là một mục tiêu quan trọng đối với chủ trương của Hoa Kỳ nơi công đồng thế giới. Tôi hoan hỉ nói lên lòng cảm nhận của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với việc dấn thân của đất nước Hoa Kỳ về phương diện này.
4. Một lãnh vực khác mà những chọn lựa về chính trị và luân lý mang lại thành quả trầm trọng cho tương lai của nền văn minh liên quan đến một quyền lợi căn bản nhất trong các quyền lợi của con người, đó là chính quyền sống. Kinh nghiệm vẫn đang cho thấy tính cách thô lỗ thê thảm của lương tâm con người hỗ trợ cuộc tấn công sự sống con người vô tội trong lòng mẹ, dẫn đến việc thuận lợi và thừa nhận khi phải đối diện với những sự dữ liên hệ khác, như việc trợ an tử, việc sát hại hài nhi, và gần đây nhất là những dự thảo về việc tạo nên các bào thai con người với mục đích để nghiên cứu rồi hủy diệt đi sau đó. Là một xã hội tự do và đức độ theo lòng mong ước, đất nước Hoa Kỳ phải loại trừ những việc làm hạ giá và phạm đến sự sống con người ở bất cứ giai đoạn nào, từ khi nó được thụ thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Trong việc bảo vệ quyền sống, nơi luật lệ cũng như bằng một nền văn hóa sự sống sinh động, đất nước Hoa Kỳ có thể tỏ cho thế giới thấy con đường dẫn đến một tương lai nhân bản đích thực, ở đó, con người vẫn đóng vai chủ chốt chứ không phải là một sản vật cho ngành kỹ thuật của mình.
Thưa Ngài Tổng Thống, trong lúc Ngài thực thi những việc làm theo vai trò cao cả mà Ngài đã được nhân dân Hoa Kỳ ủy thác, Tôi chắc chắn sẽ nhớ đến Ngài trong lời cầu nguyện của Tôi. Tôi tin rằng, với tài lãnh đạo của Ngài, đất nước ngài sẽ tiếp tục mang gia sản và các nguồn lợi của mình ra để giúp vào việc xây dựng một thế giới mà trong đó, từng người thuộc gia đình nhân loại có thể phát triển và sống xứng đáng với phẩm giá bẩm sinh của mình. Với lòng cảm mến ấy, Tôi thành tâm xin Thiên Chúa ban phúc lành khôn ngoan, sức mạnh và an bình xuống trên Ngài cũng như trên nhân dân Hoa Kỳ dấu yêu của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
ÕTuần San L’Osservatore Romano, tuần san ấn bản Anh ngữ, 25/7/2001)
Cám ơn về cuộc triều kiến riêng
Xin cám ơn Ngài Giáo Hoàng rất nhiều. Phu nhân Bush và Tôi lấy làm vinh dự được cùng với Ngài đứng ở nơi đây hôm nay. Chúng tôi xin cám ơn Ngài đã đón tiếp chúng tôi ở Castel Gandolfo.
Ngài đã đến với đất nước Hoa Kỳ nhiều lần, và đã nói với những đám dân chúng rất đông đảo. Ngài đã gặp bốn vị Tổng Thống Hoa Kỳ trước Tôi, kể cả vị thân phụ của Tôi. Nơi mỗi một lần viếng thăm, cũng như trong mỗi một cuộc gặp gỡ, kể cả cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay đây, Ngài vẫn nhắc nhở Hoa Kỳ rằng, chúng tôi có một ơn gọi đặc biệt trong việc cổ võ công bình cũng như trong việc bảo vệ thành phần nghèo khốn và khổ đau trên thế giới. Chúng tôi nhớ những lời Ngài nói, và chúng tôi sẽ luôn hết sức cố gắng để nhớ đến ơn gọi của mình.
Từ Tháng 10 năm 1978, Ngài đã cho thế giới thấy, chẳng những “chân lý rạng ngời”, mà còn thấy được cả quyền lực của chân lý trong việc chế ngự sự dữ cũng như trong việc tái định hướng giòng lịch sử nữa. Ngài đã thôi thúc con người nam nữ thiện chí hãy phục mình trước nhan Thiên Chúa, và hãy hiên ngang đứng trước những bạo quyền. Và điều này đã đóng góp rất nhiều vào việc đẩy mạnh tự do cho thời đại chúng ta.
Nơi đâu bị đàn áp thì Ngài nói về nhân quyền.
Nơi đâu nghèo khổ thì Ngài nói về công bình và hy vọng.
Nơi đâu dai dẳng hận thù thì Ngài bênh vực và tỏ ra một lòng khoan dung vượt lên trên biên giới chủng tộc, đất nước và niềm tin.
Nơi đâu dồi dào phong phú thì Ngài nhắc nhở chúng tôi rằng giầu thịnh phải đi đôi với lòng cảm thương cũng như với mục đích của luân thường đạo lý.
Và lúc nào cũng thế, đối với tất cả mọi người, Ngài mang lại Phúc Âm sự sống, một Phúc Âm tiếp nhận người xa lạ và bảo vệ thành phần yếu kém cũng như vô tội.
Hết mọi dân nước, kể cả dân nước của Tôi, sẽ được lợi ích khi nghe thấy và tuân giữ sứ điệp của lương tâm này.
Nhất là Ngài đã mang sứ điệp Phúc Âm sự sống đến cho 126 quốc gia cũng như đem nó vào thiên niên kỷ thứ ba, bao giờ cũng bằng một lòng can đảm và tin tưởng. Ngài đã mang tình yêu Thiên Chúa vào đời sống của nhiều người. Và Tin Mừng này cần thiết ở hết mọi dân nước cũng như ở hết mọi thời đại.
Một lần nữa xin cám ơn Ngài Giáo Hoàng về lòng ưu ái của Ngài cũng như về vinh dự cho Tôi được gặp gỡ này.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ
L’Osservatore Romano, tuần san ấn bản Anh ngữ, 25/7/2001).
(Bản dịch của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)