“Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu Tha Nhân: Phẩm Vị của Con Người và Niềm Tương Kính”
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Diễn Từ Ngỏ cùng Tham Dự Viên Cuộc Họp Tiên Khởi Diễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo ngày Thứ Năm 6/11/2008
Quí Bạn thân mến,
Tôi hân hoan đón tiếp quí bạn sáng hôm nay và xin gửi lời chào rất thân ái đến tất cả quí bạn. Tôi đặc biệt cám ơn ĐHY Jean-Louis Tauran cũng như ông Shaykh Ceric và Seyyed Hossein Nasr về những lời lẽ của các vị. Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra ở vào lúc bế mạc một Hội Nghị Chuyên Đề được tổ chức bởi “Diễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo” được thành lập giữa Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn và những vị đại diện của 113 nhà lãnh đạo tín đồ Hồi Giáo là những vị đã ký vào Bức Thư Ngỏ với các vị lãnh đạo Kitô Giáo hôm 13/10/2007. Cuộc qui tụ này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy niềm quí trọng nhau của chúng ta và lòng chúng ta mong muốn trân trọng lắng nghe nhau. Tôi xin quí bạn biết cho rằng tôi đã theo dõi trong nguyện cầu về sự tiến bộ của cuộc gặp gỡ giữa các bạn, với ý thức rằng cuộc gặp gỡ ấy là những gì tiêu biểu cho một bước tiến nữa trên con đường hướng tới việc hiểu biết nhau hơn giữa tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo trong chiều hướng của các cuộc gặp gỡ khác được Tòa Thánh phát động với các nhóm tín đồ Hồi giáo khác nhau.
Bức Thư Ngỏ “Một Lời Chung giữa chúng tôi và quí vị” đã nhận được nhiều đáp ứng, và đã dẫn đến việc đối thoại, đến những khởi động và những cuộc gặp gỡ đặc biệt, nhằm để giúp chúng ta biết nhau cách sâu xa và gia tăng niềm trân trọng đối với các giá trị chung của chúng ta. Hội Nghị Chuyên Đề này đã làm bừng lên một hứng khởi mạnh mẽ phấn khích chúng ta trong việc bảo đảm rằng những chia sẻ và những phát triển tích cực xuất phát từ cuộc đối thoại giữa tín đồ Hồi Giáo và Kitô Giáo không bị giới hạn vào một nhóm nhỏ chuyên gia và học giả, mà còn được truyền đạt như là một di sản quí giá giúp ích cho tất cả mọi người, mang lại hoa trái nơi cách chúng ta sống hằng ngày.
Đề tài được quí bạn chọn cho cuộc gặp gỡ của quí bạn – “Tình yêu Thiên Chúa, Tình Yêu Tha Nhân: Phẩm Vị của Con Người và Niềm Tương Kính” – thật là ý nghĩa. Nó được trích từ Bức Thư Ngỏ, cho thấy tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân như là tâm điểm của Hồi giáo và Kitô giáo. Đề tài này thậm chí còn đề cao một cách rõ ràng những nền tảng thần học và tu đức của một giáo huấn chính yếu nơi mỗi tôn giáo của chúng ta.
Truyền thống Kitô giáo tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Tình Yêu (cf. 1Jn 4:16). Chính vì tình yêu Ngài đã tạo dựng nên toàn thể vũ trụ này, và bởi yêu thương Ngài đã hiện diện trong lịch sử loài người. Tình yêu thương của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình, đã được bày tỏ trọn vẹn và tối hậu nơi Đức Giêsu Kitô. Bởi đó Ngài đã xuống để gặp gỡ con người, và trong khi vẫn là Thiên Chúa, Ngài đã mặc lấy bản tính của chúng ta. Ngài đã ban mình để phục hồi trọn vẹn phẩm giá cho mỗi người cùng mang đến cho chúng ta ơn cứu độ. Làm sao chúng ta có thể giải thích được việc nhập thể và cứu chuộc ngoại trừ bởi tình yêu? Tình yêu vô cùng và hằng hữu này giúp chúng ta có thể đáp ứng bằng việc hiến dâng tất cả tình yêu của chúng ta: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chân lý này, một chân lý chúng ta coi là nồng cốt, là những gì tôi đã muốn nhấn mạnh đến trong bức Thông Điệp đầu tiên của tôi, “Thiên Chúa là Tình Yêu”, vì đó là giáo huấn chính yếu của niềm tin Kitô giáo. Ơn gọi của chúng ta và sứ vụ của chúng ta đó là tình nguyện chia sẻ với người khác tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta không do công lênh sự nghiệp của chúng ta.
Tôi quá rõ là tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo có những đường lối khác nhau nơi những vấn đề liên quan tới Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể và cần phải là thành phần tôn thờ Vị Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên chúng ta và quan tâm tới từng người chúng ta ở khắp nơi trên thế giới. Bằng việc tương kính và kết đoàn, chúng ta cùng nhau cần phải chứng tỏ chúng ta coi mình là phần tử của một gia đình duy nhất, một gia đình Thiên Chúa đã yêu thương và qui tụ lại với nhau từ khi dựng nên thế giới cho đến tận cùng lịch sử nhân loại.
Tôi cảm thấy vui mừng khi biết rằng, trong cuộc họp này, quí bạn đã có thể chấp nhận một chủ trương chung về nhu cầu tôn thờ Thiên Chúa một cách toàn vẹn và yêu thương nam nữ đồng loại của mình cách vô vị lợi, nhất là những ai bị khổ đau và thiếu thốn. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau hoạt động cho những nạn nhân bị bệnh nạn, đói khổ, nghèo nàn, bị bất công và bị bạo lực. Đối với Kitô hữu, tình yêu Thiên Chúa không được gắn liền bất khả phân ly với tình yêu thương anh chị em chúng ta, tất cả mọi con người nam nữ, không phân biệt chủng tộc và văn hóa. Như Thánh Gioan đã viết: “Những ai nói răèng ‘tôi kính mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh chị em mình thì là kẻ dối trá; vì những ai không yêu thương anh chị em mình là những người họ thấy được thì cũng không thể kính mến Thiên Chúa là Đấng họ không thấy được” (1Jn 4:21).
Truyền thống của tín đồ Hồi giáo cũng hết sức rõ ràng khi khuyến khích việc cụ thể dấn thân phục vụ những người thiếu thốn nhất, và từng lập lại “Qui Luật Vàng” nơi văn bản của mình, đó là đức tin của các người sẽ không trọn hảo trừ phi các người làm cho người khác những gì các người muốn làm cho bản thân mình. Bởi thế chúng ta cần phải cùng nhau hoạt động để cổ võ việc thực sự trọng kính phẩm vị của con người cùng với những quyền lợi căn bản của con người, cho dù chúng ta có nhận định một cách khác nhau về điều này theo nhãn quan nhân loại học và thần học. Đây là một lãnh vực cao cả và rộng lớn chúng ta có thể cùng nhau hành động để bênh vực và cổ võ những giá trị luân lý thuộc về gia sản chung của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu nhìn nhận cái trọng tâm của con người cùng với phẩm giá của mỗi một con người, bằng cách tôn trọng và bênh vực sự sống là tặng ân của Thiên Chúa nên linh thánh đối với cả tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo – chỉ ở trên nền tảng ấy chúng ta mới tìm thấy một nền tảng chung để dựng xây một thế giới huynh đệ hơn, một thế giới được ổn định một cách êm thắm đối với những đối chọi và khác biệt nhau, và hóa giải được quyền năng hủy hoại của các thứ ý hệ.
Một lần nữa, niềm hy vọng của tôi đó là thấy được những quyền lợi căn bản này được bảo vệ cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Các vị lãnh đạo về chính trị và tôn giáo có nhiệm vụ phải tỏ ra bảo đảm việc hoàn toàn tự do hành sử những quyền lợi ấy để mỗi người được quyền tự do theo lương tâm và tự do tôn giáo. Vấn đề kỳ thị và bạo động thậm chí ngày nay vẫn còn xẩy ra cho thành phần tôn giáo trên khắp thế giới, và những cuộc bách hại dữ dội thường xẩy ra cho họ, là những hành động bất khả chấp và bất khả biện minh, tất cả những hành động này càng trở nên nghiêm trọng và tệ hại hơn nữa khi chúng được thi hành nhân danh Thiên Chúa. Danh của Thiên Chúa chỉ có thể là một danh xưng hòa bình và huynh đệ, công lý và yêu thương. Chúng ta được thách đố trong việc chứng tỏ, qua lời nói và nhất là các việc làm của chúng ta, là sứ điệp của tôn giáo chúng ta bao giờ cũng là một sứ điệp của sự hòa hợp và tương kiến. Chúng ta thật sự phải làm như thế kẻo chúng ta làm giảm mất cái khả tín và hiệu năng chẳng những việc đối thoại của chúng ta mà còn chính tôn giáo của chúng ta nữa.
Tôi cầu xin để “Diễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo”, giờ đây bắt đầu với những bước đầu tiên trong hy vọng, có thể trở nên một chỗ để đối thoại và hỗ trợ chúng ta trong việc cùng nhau bước vào con đường hiểu biết hoàn toàn hơn Chân Lý. Cuộc gặp gỡ hiện tại đây cũng là một cơ hội đặc biệt cho việc chúng ta dấn thân chân thành tìm kiếm hơn nữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, điều kiện bất khả châm chước cho việc cống hiến cho con người nam nữ thuộc thời đại của chúng ta việc phục vụ chân thực cho vấn đề hòa giải và bình an.
Quí bạn thân mến, chúng ta hãy liên kết các nỗ lực được tác động bởi thiện chí của chúng ta, để thắng vượt tất cả mọi thứ hiểu lầm và bất đồng. Chúng ta cương quyết thắng vượt những thành kiến trong quá khứ và hoàn chỉnh lại những hình ảnh thường bị méo mó về nhau là những gì cho tới ngày nay có thể tạo nên những khá khăn trong mối liên hệ của chúng ta; chúng ta hãy làm việc với nhau để giáo dục dân chúng của chúng ta, nhất là giới trẻ, trong việc xây dựng một tương lai chung. Xin Thiên Chúa nâng đỡ những ý hướng tốt lành của chúng ta, và giúp chúng ta có thể liên lỉ sống chân lý yêu thương là tâm điểm của con người tôn giáo, và là nền tảng cho việc tôn trọng phẩm vị của từng người. Chớ gì Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và xót thương, trợ giúp chúng ta trong sứ vụ thử thách khó khăn này, bảo vệ chúng ta, chúc lành cho chúng ta và soi sáng cho chúng ta luôn mãi bằng quyền năng của tình yêu Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/11/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
“Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu Tha Nhân”
Bản Tuyên Ngôn Đúc Kết Điễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo
Cuộc Hội Nghị Chuyên Đề đầu tiên của Diễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo đã được diễn ra ở Rôma trong thời khoảng 4-6/11/2008 về đề tài “Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu Tha Nhân”. Mỗi bên tham dự cuộc diễn đàn này có 24 đại diện và 5 vị cố vấn, bàn về hai đề tài chính, một là “Những Nền Tảng về Thần Học và Tu Đức” và “Phẩm Vị Con Người và Niềm Tương Kính”. Những điểm “tương đồng và khác biệt xuất hiện, phản ảnh những tinh túy đặc biệt chuyên nhất của hai tôn giáo”. Sau đây là bản tuyên ngôn đúc kết bằng Anh ngữ.
1. Đối với tín hữu Kitô giáo thì nguồn mạch và mô phạm của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là tình yêu Chúa Kitô đối với Cha của Người, đối với nhân loại và đối với từng người. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Jn 4:16) và “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người on duy nhất của mình để ai tin vào Con thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Tình yêu của Thiên Chúa được đặt để trong tâm can con người qua Thánh Thần.
Chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước để nhờ đó chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Ngài. Yêu thương thì không tác hại đến tha nhân của mình nhưng tìm cách làm cho người khác những gì họ muốn làm cho chính họ (cf. 1Cor 13:4-7). Tình yêu là nền tảng và gồm tóm tất cả mọi giới luật (cf. Gal 5,14).
Tình yêu tha nhân không thể tách khỏi tình yêu Thiên Chúa, vì nó là một thể hiện của tình chúng ta mến yêu Thiên Chúa. Đó là giới răn mới, “Yêu nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 15:12). Được đặt nền tảng nơi tình yêu hy hiến của Chúa Kitô, tình yêu của Kitô hữu là tác động tha thứ và không loại trừ một ai; bởi thế nó bao gồm cả kẻ thù mình. Nó không phải chỉ là những lời nói mà là các việc làm (cf. 1Jn 4:18). Đó là dấu hiệu cho tính chất chân thực của nó.
Đối với tín đồ Hồi giáo, như đã được nhắc đến trong bản “Một Lời Chung”, tình yêu là một quyền lực siêu việt vô tận hướng dẫn và biến đổi sự tương kính của con người.
Tình yêu này, như được Đức Tiên Tri Muhammad Thánh Đức và Yêu Dấu dạy, là những gì có trước tình yêu của nhân loại đối với Vị Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất. Một cuốn Hadith đã nói rằng lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với nhân loại là những gì còn cao cả hơn tình yêu của người mẹ đối với con của bà (Muslim, Bab al-Tawba: 21); bởi thế nó hiện hữu trước và không lệ thuộc vào việc con người đáp ứng Đấng ‘Yêu Thương’. Thật là bao la tình yêu và lòng thương cảm Thiên Chúa đã bày tỏ trong việc nhúng tay vào để hướng dẫn và cứu độ nhân loại một cách toàn hảo nhiều lần và ở nhiều nơi, bằng việc sai đến các vị tiên tri và những cuốn sách thánh. Cuốn cuối cùng trong những cuốn này là cuốn Koran, cuốn phác tả một thế giới của các thứ dấu hiệu, một vũ trụ diệu kỳ của nghệ thuật Thần Linh, một vũ trụ mời gọi tình yêu và lòng sùng mộ trọn vẹn của chúng ta, nhờ đó, ‘những ai có niềm tin là người có tình yêu Thiên Chúa nhất’ (2:165), và ‘những ai tin tưởng, và hành thiện, thì Đấng Nhân hậu sẽ làm nẩy sinh tình yêu nơi họ’ (19:96). Trong một cuốn Hadith khác chúng ta đọc thấy rằng ‘Không một người nào trong các người có niềm tin cho đến khi họ yêu thương tha nhân những gì họ yêu mến bản thân họ’ (Bukhari, Bab al-Iman: 13).
2. Sự sống của con người là một quà tặng quí báu nhất của Thiên Chúa ban cho từng người. Bởi thế, nó cần phải đươc bảo trì và tôn kính ở tất cả mọi đoạn đời của nó.
3. Phẩm giá của con người được xuất phát từ sự kiện là hết mọi người đều được dựng nên bởi một vị Thiên Chúa yêu thương vì thương yêu, và đã được ban cho các tặng ân lý trí và ý muốn tự do, nhờ đó có thể mến yêu Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Trên nền tảng vững chắc của các nguyên tắc này, phẩm giá nguyên chính cùng với ơn gọi làm người của con người nam nữ cần phải được tôn trọng.
Bởi thế, căn tính và tự do của họ cần phải được hoàn toàn nhìn nhận bởi cá nhân, cộng đồng và chính quyền, cần phải được nâng đỡ bởi pháp luật dân sự là những gì bảo đảm các thứ quyền lợi bình đẳng và trọn vẹn vai trò công dân.
4. Chúng tôi tin rằng việc Thiên Chúa tạo dựng nên nhân loại có hai khía cạnh cao cả, đó là con người nam nhân và con người nữ giới, và chúng tôi liên kết dấn thân trong việc bảo đảm là phẩm giá của con người và việc tôn trọng nó cần phải được nới rộng trên căn bản bình đẳng cho cả nam lẫn nữ.
5. Tình yêu thương tha nhân chân thực bao gồm cả việc tôn trọng con người lẫn việc họ chọn lựa về các vấn đề lương tâm cùng tôn giáo. Nó bao gồm quyền thực hành sống đạo chung riêng của các cá nhân cũng như cộng đồng.
6. Những niềm xác tín và thực hành về đạo giáo của các nhóm thiểu số về tôn giáo cần phải được tôn trọng. Họ cũng có quyền đòi hỏi là không được chế nhạo hay chê cười dưới bất cứ hình thức nào đối với các nơi chốn thờ phượng của họ, cũng như những hình ảnh cùng biểu tượng chính yếu được họ coi là linh thánh.
7. Là các tín hữu Công giáo và Hồi giáo, chúng tôi ý thức được lời kêu gọi và lệnh truyền làm chứng cho chiều kích siêu việt của đời sống, bằng một linh đạo được nuôi dưỡng bởi nguyện cầu, trong một thế giới đang càng ngày càng bị tục hóa và vật chất.
8. Chúng tôi khẳng dịnh rằng không được loại trừ bất cứ một tôn giáo cùng với các tín đồ của họ ra khỏi xã hội. Mỗi tôn giáo đều có thể góp phần bất khả châm chước của mình cho thiện ích của xã hội, nhất là trong việc phục vụ thành phần thiếu thốn nhất.
9. Chúng tôi nhìn nhận rằng việc tạo dựng của Thiên Chúa qua tính cách đa điện của nó về văn hóa, văn minh, ngôn ngữ và dân tộc, là một nguồn phong phú, bởi thế không bao giờ lại trở thành một căn nguyên gây ra căng thẳng và xung khắc nhau.
10. Chúng tôi xác tín rằng tín hữu Công giáo và Hồi giáo đều phải có nhiệm vụ cung cấp một nền giáo dục lành mạnh về các thứ giá trị nhân bản, dân sự, tôn giáo và luân lý cho các phần tử của mình và cổ võ sự hiểu biết chính xác về tôn giáo của nhau.
11. Chúng tôi tuyên xưng rằng tín hữu Công giáo và Hồi giáo được kêu gọi để trở thành dụng cụ của yêu thương và hòa hợp giữa các tín hữu cũng như đối với toàn thể nhân loại, bằng việc loại trừ bất cứ đàn áp nào, bất cứ bạo động hung hăng và khủng bố nào, nhất là thực hiện nhân danh tôn giáo, và bằng việc ủng hộ nguyên tắc về công lý cho tất cả mọi người.
12. Chúng tôi kêu gọi các tín hữu hãy hoạt động cho một hệ thống tài chính có tính chất đạo lý, một hệ thống với guồng máy điều hành chú ý tới tình trạng của thành phần nghèo klhổ và bất hạnh, cả cá nhân cũng như các quốc gia nợ nần. Chúng tôi kêu gọi thành phần may mắn trên thế giới hãy quan tâm tới nỗi khốn khổ của những ai bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay về việc sản xuất và phân phối thực phẩm, và xin các tín hữu thuộc tất cả mọi giáo phái cùng tất cả mọi người thiện tâm hãy cùng nhau hoạt động để làm giảm bớt tình trạng khổ đau của người đói khổ, và loại trừ đi những căn nguyên gây ra tình trạng này.
13. Giới trẻ là tương lai của các cộng đồng tôn giáo và của toàn thể xã hội. Họ càng ngày càng sống trong những xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo. Họ cần phải được huấn luyện kỹ lưỡng về các truyền thống đạo giáo của họ cũng như hiểu biểt rõ ràng về những nền văn hóa cùng tôn giáo khác nữa.
14. Chúng tôi đồng ý khảo sát khả năng thành lập một tiểu ban thường trực giữa Công giáo và Hồi giáo để điều hợp những đáp ứng cho những cuộc xung khắc cũng như những trường hợp khẩn trương khác, và tổ chức một cuộc hội nghị chuyên đề lần hai ở một quốc gia đa số tín đồ Hồi giáo sẽ được ấn định.
15. Chúng tôi mong Hội Nghị Chuyên Đề lần thứ hai này của Diễn Đàn Công Giáo và Hồi Giáo được triệu tập trong thời khoảng 2 năm ở một quốc gia đa số tín đồ Hồi giáo sẽ được ấn định.
Tất cả mọi tham dự viên đều cảm thấy tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân họ có thời gian qui tụ lại với nhau cũng như về việc trao đổi phong phú.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/11/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
“Là Một Công Dân Âu Châu và Một Con Người Đức Tin:
Tín Đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo là Những Chủ Động Cộng Tác Viên ở Các Xã Hội Âu Châu”
Bản Đúc Kết Cuộc Họp Hồi Giáo và Kitô Giáo Âu Châu hôm 23/10/2008 ở Mechelen,
được tổ chức bởi Hội Đồng Chư Giáo Hội Âu Châu và Hội Đồng Chư Giám Mục Âu Châu
Hội nghị này đã qui tụ khoảng 45 tín đồ Hồi Giáo và Kitô Giáo thuộc 16 quốc gia Âu Châu. Thành phần tổ chức cuộc họp này là Tiểu Ban Liên Hệ với Tín Đồ Hồi Giáo ở Âu Châu của Chư Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Hội Đồng Chư Giáo Hội Âu Châu. Nó diễn tiến như là một biến cố trong Năm Âu Châu Đối Thoại Liên Văn Hóa và 60 Năm Kỷ Niệm Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Nó xẩy ra từ ngày 20 đến 23 tháng 10 năm 2008 và được tài trợ bởi Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi đã qui tụ lại nơi thành phố Mechelen ở Bỉ quốc này để bàn luận về đề tài Là Một Công Dân Âu Châu và Là Một Con Người Của Niềm Tin.
Âu Châu vẫn đang trải qua một tiến trình biến đổi sâu xa và đang hiện lên như là một xã hội đa dạng, liên chủng tộc, liên văn hóa, liên tôn giáo. Tình trạng này xẩy ra một phần bởi vấn đề di dân, cả từ bên ngoài lẫn bên trong.
Một số xứ sở Âu Châu theo thể chế quốc giáo nhưng cũng có một số không. Tuy nhiên, trên lý thuyết, tất cả đều chủ trương dứt khoát trung lập đối với tôn giáo. Thái độ này đã dẫn đến chỗ tất cả mọi giáo hội và tôn giáo đều được đối xử như nhau với những quyền lợi giống nhau cùng với những nhiệm vụ và rách nhiệm như nhau. Thế nhưng, cũng có những trường hợp người ta thấy được một tiến trình đang đi đến chỗ càng ngày càng đẩy lui tôn giáo vào lãnh vực tư riêng. Ở một số trường hợp, tình trạng này đang tiến đến chỗ loại ra ngoài lề lãnh vực công cộng, để rồi từ đó, nhổ tận gốc rễ bất cứ hình thức bộc lộ công khai nào về niềm tin của con người.
Cho dù, một bên là các giáo hội, các cộng đồng tôn giáo, và các cộng đồng ý hệ, và bên kia là quốc gia, đôi bên là những thực tại có những lãnh vực khác biệt trong một xã hội dân chủ, nhưng bên tôn giáo vẫn có quyền hạn và nhiệm vụ hướng dẫn các phần tử của mình. Quốc gia cần phải lưu ý đừng gây khó dễ với công dân của mình trong việc họ trung thành với tổ quốc và việc họ trung thành với những niềm xác tín về tôn giáo của họ. Quốc gia có quyền đòi hỏi tất cả mọi người công dân của mình phải tỏ ra dấn thân một cách tích cực và công khai đối với nền dân chủ và phải tỏ thái độ có trách nhiệm trong việc hội nhập vào sinh hoạt, văn hóa và các truyền thống của quốc gia.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi khẳng định rằng chúng ta vừa là công dân vừa là tín đồ, không phải là công dân hay là tín đồ. Bởi thế chúng tôi được kêu gọi để sát cánh hoạt động một cách thích đáng với quốc gia chúng ta thuộc về chứ không tỏ ra quị lụy chính quyền. Chúng tôi nói điều này là vì chúng tôi tin rằng các cộng đồng tôn giáo và quốc gia cần phải cùng nhau hoạt động cho công ích. Điều này xuất phát từ cảm quan thuộc về của chúng ta, chẳng những thuộc về những tổ chức tôn giáo mà còn thuộc về một tổ chức chung được gọi là vai trò công dân. Chúng tôi tin tưởng rằng mối hiệp nhất và tính cách đa dạng của các xã hội chúng ta sống là những gì giúp bồi đắp và thăng hoa các xã hội của chúng ta.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi tin rằng tương lai của các xã hội Âu Châu sẽ phần lớn lệ thuộc vào việc tự nguyện của chúng ta với tư cách là những người công dân và là những người của niềm tin tưởng trong việc bảo trì và khai triển những nền tảng về văn hóa và tôn giáo của Âu Châu cùng với khả năng đóng góp xây dựng Âu Châu của chúng ta.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi tin tưởng nguyên tắc về việc hội nhập. Vấn đề này không và không bao giờ được thực hiện bằng việc đòi hỏi phải từ bỏ những căn tính về tôn giáo của chúng ta. Chẳng hạn, điều này có thể xẩy ra qua việc cấm đeo hay trưng bày những biểu hiệu về tôn giáo ở những nơi công cộng hay qua việc trung lập hóa những ngày lễ tôn giáo dưới chiếu bài là nếu để như vậy sẽ gây tác hại tới những cảm quan của những tín đồ khác, hay những điều ấy là những gì phạm đến các nguyên tắc về vấn đề thế tục.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi nhìn nhận quyền tự do sống theo lương tâm, quyền được thay đổi tôn giáo của mình hay quyết định sống vô tín ngưỡng, quyền bày tỏ công khai và lên tiếng về những niềm xác tín tôn giáo mà không bị chê cười hay bị đe dọa phải câm nín bởi thành kiến hay những gì tương tự có chủ tâm hoặc thiếu hiểu biết.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi tin rằng đối thoại là vấn đề lắng nghe cũng như phát biểu nhờ đó hiểu biết nhau hơn. Bởi thế chúng tôi khẳng định nhu cầu cần phải lắng nghe những con người nam nữ ở tất cả mọi lãnh vực thuộc vai trò lãnh đạo trong sinh hoạt dân sự.
Vấn đề đối thoại cần phải có giữa chúng ta là những tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo, cũng như với những niềm tin, những nhà nhân bản và những truyền thống bênh vực sự sống khác. Vì việc đối thoại dẫn tới chỗ hoạt động nên nó cũng có thể bao gồm cả những cơ quan Không Thuộc Chính phủ NGO: Non-Government Organization, và các tổ chức cộng đồng khác. Chúng ta biết thực hiện việc chữa lành các vết thương chia rẽ xuất phát từ những xung khắc trong quá khứ, để chúng ta thực sự trở thành những vị khâm sai của việc hòa giải. Để làm điều này, chúng ta cần phải hiểu biết nhau.
Là tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi khẳng định trước hết và trên hết chứng từ của chúng tôi về niềm tin và truyền thống tương xứng của chúng tôi. Chúng tôi cống hiến chứng từ chung của chúng tôi là nhân loại khám phá ra căn tính của mình nhờ mối liện hệ với Thiên Chúa. Điều này dẫn chúng tôi tới chỗ khẳng định tầm quan trọng trên hết cùng với vai trò trọng yếu của vai trò gia dình, của phẩm vị con người, của công bình xã hội, của việc chăm sóc cho môi trường. Điều này cũng cần phải chỉ mặt điểm tên bất cứ một hành động sử dụng bạo động nhân danh tôn giáo nữa. Chúng tôi cũng loại trừ những hình thức đối chọi và hận thù của chủ nghĩa trần thế gây ra tình trạng kỳ thị giữa thành phần công dân, không có chỗ cho niềm tin tưởng và việc thực hành đạo giáo. Chúng tôi cần chấp nhận thực hiện không phải việc tham gia xã hội của các cộng đồng đức tin, mà còn chấp nhận ơn gọi chung sống bởi Lời Chúa.
Là
tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, chúng tôi kêu gọi việc học biết nhau bằng cách mở
cửa các đền đài hay nhà thờ cho những người viếng thăm thuộc các cộng đồng khác
và cũng để học biết nhau qua việc giao tiếp của dân chúng.
Điều này bao gồm cả việc hộp ngộ có tính cách học thức và giao tiếp về hàn lâm.
Chúng ta cần đi sâu vào tinh thần của các đạo giáo, cũng như qua bộ áo bề ngoài
của họ. Chúng tôi xin tự
đoan quyết tránh đi việc vơ đũa cả nắm về người khác.
Nhân quyền là những gì phổ quát và bao gồm cả quyền tuư do tôn giáo. Chúng tôi bày tỏ ước muốn có được một mối hữu nghị giữa tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo ở Âu Châu để cổ võ quyền lợi căn bản này. Cần phải khuyến khích việc liên đới với những ai đang chịu khổ đau ở trong và ngoài Âu Châu và đứng làm mối giới cho những nơi nào cần đến chúng tôi.
Căn tính có nhiều mấu sợi bao gồm cả mấu sợi tôn giáo. Sức mạnh của một sợi giây thừng xuất phát từ nhiều mấu sợi được đan kết với nhau, bao gồm cả căn tính của chúng là người công dân Âu Châu, là công dân của một quốc gia riêng biệt nào đó, lẫn tính chất về chủng tộc của chúng ta. Chúng ta được thách đố trong việc xây dựng các chiếc cầu nối liền các nền văn hóa và niềm tin tưởng. Âu Châu được kêu gọi trở thành một phòng thí nghiệm học biết cho cả tín đồ Hồi giáo lẫn Kitô giáo.
Ước vọng của chúng ta đối với các thế hệ tương lai đó là họ được sống thái hòa và an bình trong những khác biệt về đạo giáo của chúng ta và hoạt động cho mối thăng tiến của xã hội. Việc đối thoại liên tôn cần phải được bắt đầu ở lứa tuổi còn nhỏ và trong môi trường gặp nhau và khác nhau của trẻ em và giới trẻ, tức là trong các lớp học và sảnh đường đại học, cũng như trong các cộng đồng đạo giáo của chúng ta. Điều này cần phải liên quan tới những dự án đặc biệt ở cấp địa phương.
Là thành viên tham dự, chúng tôi hứa với nhau là sẽ thông đạt nội dung của bản văn này cho các cộng đồng và tổ chức của chúng tôi, và khuyến khích mang ra áp dụng cụ thể những gì chất chứa trong đó ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Chúng tôi mong có một hội nghị kiểm điểm được chúng tôi đề nghị trong thời gian 2 năm, hầu thẩm định về sự tiến bộ đối với những thách đố ấy, cũng như chú trọng tới các vấn đề khác nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/10/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)