“Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”

 

Sứ Điệp của ĐTC Gioan Phaolô II
gửi Giới Trẻ Thế Giới nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX 2004

 

Hỡi giới trẻ thân mến!


1-     Năm 2004 này là giai đoạn cuối cùng trước đại biến cố ở Cologne, nơi cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20 vào năm 2005. Bởi thế Tôi kêu gọi các bạn tăng gia con đường sửa soạn thiêng liêng bằng việc suy tư về đề tài Tôi đã chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19 năm nay, đó là đề tài “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21).


Đó là một lời yêu cầu được một số “Người Hy Lạp” hôm ấy đặt ra với các vị Tông Đồ. Họ muốn biết Chúa Giêsu là ai. Họ đến không phải chỉ để thấy những gì hấp dẫn con người Giêsu thực hiện. Được thúc đẩy bởi tính hết sức tò mò, cũng như bởi linh cảm là họ đã tìm được câu giải đáp cho những vấn đề sâu xa nhất của mình, mà họ muốn biết Người thực sự là ai và Người đã từ đâu tới.


2.     Hỡi giới trẻ thân mến, Tôi muốn các bạn cũng bắt chước những “Người Hy lạp” nói với tông đồ Philiphê, những người được thúc động bởi ước mong muốn “thấy Đức Giêsu”. Chớ gì việc các bạn tìm kiếm được tác động không phải chỉ bởi tính tò mò về tri thức, cho dù đó cũng là một điều tích cực, song phải được phấn khích trước hết bởi một sự thôi thúc nội tại trong việc tìm câu giải đáp cho vấn đề về ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Như người trẻ tuổi giầu có trong Phúc Âm, các bạn cũng phải đi tìm Chúa Giêsu để hỏi Người rằng: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mk 10:17). Thánh Ký Marcô đã nói rõ ràng là Chúa Giêsu trìu mến nhìn anh ta. Các bạn có thể nhớ lại một đoạn khác khi Chúa Giêsu nói với Nathaen rằng: “Trước khi Philiphê kêu gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả thì Tôi đã thấy anh rồi”, khiến cho tâm hồn của con người Do Thái vốn không có gì là gian trá ấy (x Jn 1:47) thốt lên lời tuyên xưng đức tin tốt lành: “Lạy Thày, Thày là Con Thiên Chúa!” (Jn 1:49). Những ai tiến đến với Chúa Giêsu bằng một tâm hồn không có thiên kiến rất dễ đi đến chỗ tin tưởng, vì chính Chúa Giêsu đã thấy họ và yêu thương họ trước rồi vậy. Khía cạnh cao quí nhất của phẩm giá con người chính là ơn gọi của con người trong việc giao tiếp với Thiên Chúa bằng một thứ trao đổi ánh mắt thiết tha làm biến đổi sự sống. Để thấy được Chúa Giêsu, chúng ta cần làm sao cho Người nhìn thấy chúng ta trước đã!


Lòng ao ước được thấy Chúa Giêsu ở tận đáy lòng của mỗi một con người nam nữ. Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn hãy để cho Chúa Giêsu nhìn vào đôi mắt của các bạn nhờ đó lòng ước ao được nhìn thấy Ánh Sáng cũng như nghiệm cảm được ánh quang rạng ngời của Chân Lý có thể phát triển nơi các bạn. Dù chúng ta có ý thức được ước muốn nay hay chăng, Thiên Chúa cũng đã dựng nên chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta để nhờ đó về phần mình chúng ta có thể yêu mến Ngài. Đó là lý do, con người mới bảo trì nơi cõi lòng mình nỗi hoài vọng Thiên Chúa bất khả trấn át này: “Lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Chúa. Xin đừng ẩn mặt xa tôi” (Ps 27:8-9). Chúng ta biết rằng Dung Nhan này đã được tỏ cho chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu Kitô.


3.     Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn chẳng lẽ không muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Dung Nhan ấy hay sao? Đó là vấn đề Tôi muốn nói với các bạn trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2004 này. Các bạn đừng quá vội vàng giải đáp. Trước hết, các bạn hãy tạo nên một sự thinh lặng trong bản thân mình. Hãy để cho nỗi ước mong thiết tha được thấy Thiên Chúa ấy nổi lên từ đáy lòng các bạn, một ước muốn đôi khi bị dập tắt bởi những thứ chi phối của thế gian cũng như bởi những thứ hấp dẫn của lạc thú. Các bạn hãy để cho ước vọng này nổi lên và các bạn sẽ tuyệt vời cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Kitô giáo không phải chỉ là một thứ tín lý: nó là cuộc hội ngộ Thiên Chúa trong tin tưởng, Đấng tỏ mình ra trong lịch sử của chúng ta qua việc nhập thể của Chúa Giêsu.


Bằng mọi cách các bạn hãy thực hiện cuộc hội ngộ này, và tìm kiếm Chúa Giêsu là Đấng đang thiết tha tìm kiếm các bạn. Hãy tìm kiếm Người bằng đôi mắt xác thịt qua những biến cố của cuộc đời cũng như nơi gương mặt của những người khác; thế nhưng các bạn cũng hãy tìm kiếm Người bằng cả đôi mắt linh hồn nữa, qua việc nguyện cầu và suy niệm Lời Chúa, vì “việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô không thể nào lại không được tác động bởi tất cả những gì chúng ta đọc thấy về Người trong Sách Thánh” (Tông Thư Novo millennio ineunte, 17).


4.     Việc thấy Chúa Giêsu, việc chiêm ngưỡng Dung Nhan của Người, là một ước vọng bất khả trấn át, thế nhưng, nó là một ước vọng mà bất hạnh thay con người cũng có thể làm biến dạng đi. Đó là những gì xẩy ra nơi tội lỗi, vì chính yếu tính của tội lỗi đã kéo đôi mắt của con người quay đi khỏi Thiên Chúa để hướng chúng về những gì Ngài đã tạo dựng nên.


Những “Người Hy Lạp” tìm kiếm sự thật sẽ không thể nào có thể tiến đến với Đức Kitô, nếu lòng ước muốn của họ, được tác động bởi một hành động tự do và tình nguyện, không được bộc lộ ra bằng một quyết định dứt khoát: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Tình trạng thực sự tự do tức là có được một thứ sức mạnh trong việc chọn lựa Đấng vì Người chúng ta đã được dựng nên và chấp nhận chủ quyền của Người trong cuộc đời của chúng ta. Các bạn nhận thấy nó nơi thẳm cung tâm hồn mình, ở chỗ, tất cả mọi sự tốt lành trên trái đất này, tất cả mọi thành đạt về nghề nghiệp, thậm chí cả đến tình yêu thương của con người được các bạn mơ tưởng, đều không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn đươcỉc những ước vọng sâu xa nhất và tha thiết nhất của các bạn. Chỉ khi nào được hội ngộ với Chúa Giêsu cuộc sống của các bạn mới được trọn vẹn ý nghĩa mà thôi: “vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa (Saint Augustine, The Confessions, book 1, chapter 1). Các bạn đừng để mình bị lệch ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Hãy kiên trì với nó vì nó là tầm vóc viên trọn của các bạn và là niềm vui đang gặp nguy biến của các bạn.


5.     Các bạn thân mến, nếu các bạn biết khám phá ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, các bạn cũng sẽ biết cách khám phá ra Người nơi anh chị em của các bạn, nhất là nơi thành phần rất nghèo khổ. Thánh Thể được mến yêu lãnh nhận và sốt sắng tôn thờ trở thành một học đường của tự do và bác ái để làm trọn giới luật yêu thương. Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tặng ân trao ban bản thân mình và là một thứ ngôn ngữ của tình yêu thương rất cao cả đến ban sự sống mình vì yêu. Phải chăng đó là một điều dễ làm? Các bạn đã quá rõ không phải là như thế! Không dễ gì quên đi bản thân của chúng ta, nhưng nếu chúng ta làm được như vậy thì nó kéo chúng ta ra khỏi tình yêu chiếm hữu và tìm mình, để hướng chúng ta về niềm vui của một tình yêu hy hiến bản thân mình. Học đường Thánh Thể về tự do và bác ái này dạy cho chúng ta biết chế ngự những thứ cảm xúc nông nỗi để đâm rễ sâu xa vào những gì chân thực và tốt lành; học đường này giải thoát chúng ta khỏi tình trạng quyến luyến bản thân mình để hướng chúng ta về những người khác. Nó dạy cho chúng ta biết thực hiện một cuộc chuyển đổi từ một tình yêu cảm xúc tới tình yêu hiệu nghiệm. Vì tình yêu không phải chỉ là một thứ cảm giác; nó là một tác động của ý muốn, bao gồm việc ưa chuộng một cách liên lỉ sự thiện của người khác hơn là của mình: “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Jn 15:13).


Chính bởi niềm tự do nội tại như thế cũng như bởi một đức bác ái nung nấu như vậy mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tìm kiếm Người nơi những người khác, trước hết nơi những gương mặt thất sắc của người nghèo. Chân Phước Teresa Calcutta đã thích phân phát “tấm danh thiếp” của mình có đề những chữ như thế này “hoa trái của việc thinh lặng là nguyện cầu; hoa trái của nguyện cầu là đức tin, hoa trái của đức tin là yêu thương, hoa trái của yêu thương là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an”. Đó là đường lối để gặp gỡ Chúa Kitô. Các bạn hãy tiến lên để gặp gỡ tất cả mọi khổ đau day dứt của con người bằng tấm lòng quảng đại của các bạn cũng như bằng tình yêu được Thiên Chúa tràn vào tâm hồn của các bạn qua Thánh Linh: “Thật vậy, Ta nói cho các người hay, khi các người làm cho một trong những người hèn mọn nhất trong anh em của Ta đây là các người làm cho Ta” (Mt 25:40). Thế giới này đang hết sức cần đến dấu hiệu ngôn sứ cao cả của tình bác ái huynh đệ! “Nói” về Chúa Giêsu không đủ. Chúng ta còn cần phải làm cho Người được “thấy” một cách nào đó qua chứng từ sống động của đời sống của chúng ta nữa (cf. Tông Thư Novo millennio ineunte, 16).


Các bạn đừng quên tìm kiếm Chúa Kitô và nhận ra sự hiện diện của Người nơi Giáo Hội là sự liên tục của việc Người cứu độ trong thời gian và không gian. Chính nơi Giáo Hội và nhờ Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục tỏ hiện mình ra hôm nay đây để nhân loại có thể tới với Người. Hãy đón nhận nhau vào giáo xứ của mình, vào phong trào và vào cộng đồng của mình để xây dựng mối hiệp thông nơi chính các bạn. Đó là dấu hiệu hữu hình của việc Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội, mặc dù rất thường bị làm lu mờ đi bởi tội lỗi của con người.


6.     Vậy các bạn đừng lấy làm lạ khi các bạn đụng độ phải Thánh Giá trên con đường đi của các bạn. Chúa Giêsu đã chẳng nói với các môn đệ của Người là hạt lúa miến cần phải rơi xuống đất và chết đi mới sinh nhiều hoa trái hay sao (x Jn 12:23-26)? Nói như thế là Người có ý nói về sự sống Người hy hiến cho đến chết sẽ sinh hoa kết trái. Các bạn biết rằng: sau cuộc phục sinh của Chúa Kitô, sự chết không còn là phán quyết cuối cùng nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Nếu Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết trên cây thập tự giá, nhờ đó làm cho nó trở thành nguộn mạch sự sống và là dấu hiệu yêu thương, thì Người đã không làm như thế bởi nỗi yếu hèn hay vì Người muốn chịu đựng khổ đau. Người làm như vậy là để chiếm lấy ơn cứu độ cho chúng ta và nhờ đó cho chúng ta được thông phần vào sự sống thần linh của Người.


Tôi muốn đem sự thật này đến cho tâm trí của giới trẻ thế giới khi Tôi ủy thác cho họ Cây Thập Giá bằng gỗ lớn vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984. Từ đó đến nay, Cây Thập Giá ấy đã đi khắp các quốc gia khác nhau để sửa soạn cho những Ngày Thế Giới của các bạn. Hàng trăm ngàn giới trẻ đã cầu nguyện quanh Cây Thập Giá này. Bằng việc đặt dưới chân Cây Thập Giá này những gánh nặng đè nặng trên mình, họ đã khám phá ra rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Nhiều người trong họ đã tìm thấy sức mạnh để thay đổi cuộc đời của mình.


Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm biến cố ấy, Cây Thập Giá sẽ được long trọng đón nhận ở Bá Linh. Từ đó, Cây Thập Giá sẽ bắt đầu cuộc hành trình của mình khắp Đức Quốc, kết thúc tại Cologne vào năm tới. Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời Tôi đã nói với các bạn từ hồi bấy giờ là “Hỡi các bạn trẻ thân mến… Tôi trao phó cho các bạn Cây Thập Giá của Đức Kitô! Các bạn hãy vác Cây Thập Giá này đi khắp thế giới như là một biểu hiệu của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan truyến cho mọi người rằng chúng ta chỉ tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc chỉ ở nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà thôi”.


7.     Những người đồng thời với các bạn đang mong thấy các bạn là những chứng nhân của Đấng các bạn đã gặp gỡ và là Đấng ban sự sống cho các bạn. Trong cuộc sống hằng ngày của mình, các bạn hãy là những nhân chứng can trường cho một tình yêu mạnh hơn sự chết. Tùy các bạn có muốn chấp nhận thách đố này hay chăng! Các bạn hãy đem những tài năng và lòng nhiệt thành trẻ trung của mình ra phục vụ việc loan truyền Tin Mừng. Các bạn hãy là những người bạn nhiệt huyết của Chúa Giêsu, thành phần làm cho Người được tỏ hiện trước những ai muốn thấy Người, nhất là những ai cách xa Người nhất. Tông đồ Philiphê và Anrê đã mang những “Người Hy Lạp” đến cùng Chúa Giêsu: Thiên Chúa sử dụng tình bạn của nhân loại để dẫn các tâm hồn đến cùng mạch nguồn của đức ái thần linh. Các bạn hãy cảm thấy mình có trách nhiệm phải truyền bá phúc âm hóa cho bạn bè của các bạn cũng như cho tất cả mọi người đường thời của các bạn.


Suốt cuộc đời của mình, Đức Trinh Nữ Maria đã trung thành chiêm ngưỡng sung nhan của Chúa Kitô. Chớ gì Mẹ giúp cho các bạn mãi mãi gắn mắt vào Con của Mẹ (cf. Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, 10) và nâng đỡ các bạn trong lúc các bạn sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne. Tôi xin các bạn từ nay hãy bắt đầu hướng về ngày đó bằng một lòng nhiệt thành hữu trách và chủ động. Vị Trinh Nữ Nazarét, một Người Mẹ cảm thương và nhẫn nại, sẽ nắn đúc nơi các bạn, một con tim chiêm niệm, và dạy cho các bạn biết gắn mắt nhìn lên Chúa Giêsu để, trong một thế giới đang qua đi đây, các bạn sẽ là những ngôn sứ của một thế giới không tàn phai.


Với lòng cảm mến, Tôi ban cho các bạn một phép lành đặc biệt sẽ hỗ trợ các bạn trên con đường các bạn tiến bước.


Tại Điện Vatican ngày 22/2/2004.
Gioan Phaolô II


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do VIS phổ biến ngày 1/3/2004)
 

 

Diễn Đàn Giới Trẻ lần Thứ Tám về Giới Trẻ Đại Học

Thường vào các năm Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở một quốc gia nào đó thì có một cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ cho thành phần lãnh đạo hay đại diện giới trẻ ở các giáo phận trên khắp thế giới.

Các cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ từ trước đến nay được diễn tiến như sau: lần 1 vào năm 1987 tại Buenos Aires Á Căn Đình, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 2; lần 2 vào năm 1989 ở Santiago di Compostela Tây Ban Nha, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 4; lần 3 vào năm 1991 ở Czestochowa Balan, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 6; lần 4 vào năm 1993 ở Denver Hoa Kỳ, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 8; lần 5 vào năm 1995 ở Manila Phi Luật Tân, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 10; lần 6 vào năm 1997 ở Paris Pháp quốc, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 12; lần 7 vào năm 2000 ở Rôma Ý, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần 15; riêng năm 2002 Ngày Giới Trẻ Thế Giới 17 ở Toronto Canada không có; và lần 8 vào năm 2004 ở Rocca di Papa gần Rôma, tại Trung Tâm Cho Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn (Centro Mondo Migliore), từ Thứ Tư 31/3 tới Chúa Nhật Lễ Lá 4/4.

Cuộc Diễn Đàn lần 8 này được ngành Giới Trẻ của Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân tổ chức, với sự góp mặt của 2 đại diện giới trẻ được chọn từ hội đồng giám mục các nước, cũng như của đại diện các phong trào và đoàn thể giới trẻ liên quan đến thế giới đại học. Đề tài năm nay là “Giới Trẻ và Đại Học: Làm Chứng Cho Chúa Kitô Nơi Thế Giới Đại Học”.

Cuộc Diễn Đàn sẽ được lắng nghe những bài trình bày rất hay từ các nơi trên thế giới. Ngày Ử, Thứ Năm, cuộc tham dự viên cuộc Diễn Đàn khoảng 300 giới trẻ này sẽ được triều kiến Đức Thánh Cha và ngày kết thúc vào chính Lễ Lá, Chúa Nhật 4/4, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19.

 

ĐTC với Cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ Thế Giới Lần 8 về “Giới Trẻ và Đại Học”


Nhân dịp đại diện Giới Trẻ thế giới về Rôma cho Cuộc Diễn Đàn Thế Giới lần 8 của họ, từ Thứ Tư 31/3 đến Chúa Nhật Lễ Lá 4/4, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19, về đề tài “Giới Trẻ và Đại Học Đường: Việc Làm Chứng Cho Chúa Kitô nơi Thế Giới Đại Học”, ĐTC GPII đã gửi một sứ điệp cho họ đề ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004, nguyên văn bằng tiếng Anh, sau đây.


1.     Trước hết, Tôi muốn gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi sinh viên cùng nhau đến Rocca di Papa lần này đây để tham dự “Cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ Thế Giới” lần thứ 8, về đề tài “Giới Trẻ và Đại Học Đường: Việc Làm Chứng Cho Chúa Kitô nơi Thế Giới Đại Học”. Việc hiện diện của quí bạn là nguồn vui lớn lao cho Tôi, vì nó là tấm gương chiếu sáng bộ mặt hoàn vũ trẻ trung hơn bao giờ hết của Giáo Hội. Bởi các bạn đã đến từ 5 châu, đại diện cho 80 quốc gia và 30 Phong Trào, Hiệp Hội và Cộng Đồng quốc tế.


Tôi cũng xin chào các vị Viện Trưởng, giáo sư và giảng sư tham dự Cuộc Diễn Đàn này, cũng như các vị giám mục, linh mục và giáo dân tham gia vào việc chăm sóc mục vụ ở các đại học đường, những người hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong khi họ suy tư vào những ngày tới đây.


Tôi xin hết lòng cám ơn vị Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Giáo Dân, Đức Ông Stanislaw Rylko cũng như tất cả cộng sự viên của ngài, về việc ở chức biến cố tốt đẹp này. Tôi vẫn còn nhớ nguyên các Cuộc Diễn Đàn ở những năm trước đây được tổ chức trùng vào những dịp cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Năm nay, được mặc lấy một hình thức mới, Cuộc Diễn Đàn này có một mục tiêu rõ ràng hơn trong việc chú trọng đến chiều kích giáo dục, ở việc chọn đề tài bàn về một khía cạnh thực tiễn của đời sống giới trẻ. Đề tài cho cuộc diễn đàn năm nay chắc chắn là một đề tài sôi nổi và đáp ứng nhu cầu thực sự. Tôi lấy làm hài lòng khi thấy rất nhiều bản trẻ, từ những nền văn hóa phong phú và đa diện, qui tụ lại ở Rocca di Papa để cùng nhau suy tư, chia sẻ cảm nghiệm, cũng như để phấn khích lẫn nhau trong việc làm chứng cho Chúa Kitô nơi thế giới đại học.


2.     Vấn đề quan trọng nơi thời đại của chúng ta đây đó là việc tái khám phá ra mối liên hệ thắt kết Giáo Hội với thế giới cao học. Vì Giáo Hội chẳng những đã đóng vai trò quyết liệt trong việc thành lập những đại học đường đầu tiên trên thế giới này, mà còn, qua các thế kỷ, là một cơ sở văn hóa, và ngày nay vốn tiếp tục theo chiều hướng này nơi các Đại Học Đường Công Giáo cũng như nơi các hình thức hiện diện khác nhau ở thế giới bao rộng của cao học. Giáo Hội thấy Đại Học Đường như là một trong những “hãng xưởng mà ở đó ơn gọi tìm cầu kiến thức của con người và mối liên kết cấu tạo giữa nhân loại với chân lý là mục đích của kiến thức, trở thành một thực tại thường nhật” đối với nhiều giáo sư, nhiều chuyên viên nghiên cứu trẻ và các thế hệ sinh viên trẻ (Diễn Từ ngỏ cùng UNESCO, 1980).

 

Các bạn sinh viên thân mến, nơi Đại Học Đường, các bạn chẳng những là người được phục vụ mà còn là những vai chính của những sinh hoạt diễn ra ở đó nữa. Không phải là ngẫu nhiên các bạn trải qua giai đoạn theo đuổi ngành cao học là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của các bạn, một giai đoạn các bạn sửa soạn bản thân để lãnh nhận trách nhiệm trong việc thực hiện những lựa chọn quyết liệt chi phối cả cuộc sống tương lai của các bạn. Chính vì lý do đó mà cần phải theo đuổi ngành cao học bằng một tinh thần tìm kiếm, tìm kiếm những câu giải đáp cho những vấn nạn chính yếu về ý nghĩa cuộc đời, về hạnh phúc và tầm vóc hoàn toàn viên trọn bản thân mình, và về vẻ đẹp như ánh quang rạng ngời của chân lý.


May mắn thay, ảnh hưởng của những ý hệ cũng như của các thứ Mơ Tưởng đã dậy men chủ nghĩa cứu tinh vô thần là những gì trong quá khứ đã tác dụng nơi nhiều môi trường Đại Học Đường ngày nay đã xẹp xuống rất nhiều. Thế nhưng, vẫn còn những trường phái tư tưởng mới biến lý trí thành chân trời của vấn đề thuần khoa học thực nghiệm, do đó, thành một thứ kiến thức về kỹ thuật và cơ dụng, đôi khi bao gồm cả một thứ nhãn quan nghi hoặc và buông thả. Những nỗ lực muốn tránh né những vấn đề liên quan tới ý nghĩa sâu xa nhất của việc hiện hữu ấy chẳng những bất lợi mà còn trở thành nguy hiểm nữa.


3.     Nhờ tặng ân đức tin, chúng ta đã gặp Đấng tỏ mình bằng những lời lạ lùng này: “Thày là sự thật” (Jn 14:6). Chúa Giêsu là sự thật của vũ trụ cũng như của lịch sử, là ý nghĩa và là định mệnh của đời sống con người, là nền tảng của tất cả mọi thực tại! Trách nhiệm của các bạn là thành phần đón nhận Sự Thật này như là đón nhận một ơn gọi và là niềm tin tưởng của đời sống các bạn, là bày tỏ cho thấy cái lý lẽ của nó nơi môi trường Đại Học cũng như nơi hoạt động của các bạn ở đó.

 

Bởi thế mà vấn đề ở đây là sự thật về Chúa Kitô đã chi phối sâu xa đến đâu đối với việc học hỏi, nghiên cứu, kiến thức về thực tại và vấn đề giáo dục toàn diện con người của quí bạn? Trường hợp có thể xẩy ra là ngay trong số những bạn tuyên xưng mình là Kitô hữu có một số tác hành ở Đại Học Đường như thể Thiên Chúa chẳng hiện hữu gì. Kitô giáo không phải là một sở thích tôn giáo thuần chủ quan hoàn toàn vô thức và biến thành một lãnh vực riêng tư. Là Kitô hữu, chúng ta phải có trách nhiệm làm chứng cho những gì được Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng: “Vì đức tin chiếu sáng trên mọi sự, tỏ cho thấy ý định của Thiên Chúa về tất cả ơn gọi của con người, và vì thế hướng dẫn trí khôn trong việc giải quyết tất cả những gì hoàn toàn phù hợp với nhân bản” (đoạn 11). Chúng ta cần phải làm sao tỏ cho thấy rằng đức tin và lý trí không phải là những gì bất khả dung hợp, trái lại, “Đức tin và lý trí như đôi cánh nâng tâm linh con người lên chiêm ngắm chân lý” (x Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, dẫn nhập).


4.     Các bạn trẻ thân mến! Các bạn là thành phần môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô ở Đại Học Đường. Chớ gì những ngày ở Đại Học đối với tất cả các bạn trở thành một giai đoạn trưởng thành thật nhiều về tâm linh cũng như về tri thức, những gì dẫn các bạn sống sâu xa hơn với Chúa Kitô. Thế nhưng, nếu đức tin của các bạn chỉ liên kết với những cái vụn vặt của tập tục, với những cảm thức tốt lành hay với một thứ ý hệ về tôn giáo không chuyên chính, thì các bạn chắc chắn không thể nào chống lại được với ảnh hưởng của môi trường các bạn đang sống. Bởi thế các bạn cần phải tìm cách giữ vững căn tính Kitô giáo của mình, và đi sâu vào mối hiệp thông của Giáo Hội. Để được như thế, các bạn phải được nuôi dưỡng bằng việc kiên trì cầu nguyện. Khi nào có thể, các bạn hãy tìm gặp những vị giáo sư hay giảng sư lành mạnh. Đừng sống cô lập trong những hoàn cảnh thường khó khăn, trái lại, hãy chủ động nơi sinh hoạt của các đoàn thể, phong trào và cộng đồng của Giáo Hội hoạt động ở môi trường đại học. Hãy sống gần gũi với các giáo xứ của Đại Học Đường, và hãy xin các vị tuyên úy giúp đỡ các bạn. Các bạn cần phải xây dựng Giáo Hội trong Đại Học Đường của các bạn, như là một cộng đồng hữu hình biết tin tưởng, nguyện cầu, cho thấy lý do về niềm hy vọng của mình, và yêu thích đón nhận hết mọi dấu vết thiện hảo, chân thật và mỹ lệ nơi đời sống Đại Học. Tất cả những điều này được thực hiện ở bất cứ nơi nào sinh viên sống động và hội họp, không phải chỉ ở trong khu đại học mà thôi. Tôi tin rằng các Vị Mục Tử sẽ không thôi để ý đến việc chăm sóc đặc biệt cho thừa tác vụ thuộc môi trường Đại Học Đường, và sẽ chỉ định những vị linh mục thánh thiện và có khả năng thi hành sứ vụ này.


5.     Các tham dự viên Cuộc Diễn Đàn Giới Trẻ Quốc Tế lần thứ tám thân mến, Tôi lấy làm sung sướng khi biết được rằng các bạn sẽ có mặt vào ngày Thứ Năm tới đây tại Quảng Trường Thánh Phêrô, để gặp gỡ giới trẻ ở giáo phận Rôma, và sau đó sẽ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, thời điểm chúng ta cùng nhau cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 19 về đề tài “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21). Ngày này đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong cuộc sửa soạn thiêng liêng hướng về cuộc đại hội ở Cologne năm 2005. Nói về Chúa Giêsu cho thành phần chưa ra trường không đủ, chúng ta còn phải “tỏ” Chúa Giêsu ra cho họ nữa, bằng chứng từ sống động của đời sống chúng ta (x Tông Thư Mở Màn Tân Thiên Niên Kỷ, 16). Tôi chúc các bạn là cuộc hội ngộ ở Rôma đây sẽ củng cố lòng yêu mến của các bạn đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như việc các bạn dấn thân phục vụ thế giới Đại Học Đường. Tôi tin tưởng vào mỗi và mọi người trong các bạn trong việc các bạn chuyển trao cho Giáo Hội địa phương của các bạn, cũng như cho các nhóm của giáo hội, cái phong phú của những tặng ân các bạn đang lãnh nhận trong những ngày sinh động ở nơi đây.


Bằng việc nguyện xin Trinh Nữ Maria là Tòa Đức Khôn Ngoan bảo vệ các bạn trong cuộc hành trình của các bạn, Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt thân ái của Tôi cho các bạn cũng như cho tất cả những ai, sinh viên đồng bạn, viện trưởng, giáo sư, giảng sư, tuyên úy và nhân viên điều hành, những vị cùng với các bạn làm thành một đại “cộng đồng Đại Học”.


Tại Vatican ngày 25/3/2004.
Gioan Phaolô II
 

"Giới trẻ thân mến, hãy gắn bó với Thập Tự Giá".

 

ĐTC với Thành Phần Giới Trẻ Sửa Soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX

Chiều ngày Thứ Năm 1/4/2004, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, có 20 ngàn giới trẻ ở Rôma và miền Lazio qui tụ lại để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX được tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá 4/4/2004 tại Giáo Đô Rôma. Chính ngày 1/4/2004 này cũng là ngày tưởng niệm 20 năm trước đây ĐTC đã trao Cây Thánh Giá của Năm Thánh Cứu Chuộc cho giới trẻ, Cây Thánh Giá từ đó đã được vác đi khắp thế giới.

Cuộc gặp gỡ hôm nay được diễn tiến với những ca sĩ nhạc pop, với những vũ khúc của Rạp Opera ở Rôma, cũng như với những diễn viên lột tả các lời nói của Chân Phước Têrêsa Calcutta. Giới trẻ thuộc các nước đã đặc trách Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại quốc gia của mình cũng đến tham dự, như Tây Ban Nha, Á Căn Đình, Pháp, Balan, Hoa Kỳ, Canada, Phi Luật Tân và Ý.

Trong bài huấn từ của ình, ĐTC GPII đã phấn khích giới trẻ gắn bó với Thánh Giá của Chúa Kitô như sau:

“Giới trẻ thân mến, hãy gắn bó với Thập Tự Giá. Tâm hồn của các bạn mang rất nhiều thương tích, thường gây ra bởi thế giới người lớn!... Tôi kêu gọi các bạn hãy tin rằng chúng tôi hết sức tin tưởng nơi các bạn, Chúa Kitô tin tưởng ở các bạn, và chỉ có nơi một mình Người mới có ơn cứu độ là những gì chúng ta đang tìm kiếm!

Sau khi nhấn mạnh là ngày nay hơn bao giờ hết cần phải “tìm cách tiến đến với giới trẻ để loan báo Phúc Âm cho chúng…”, ĐTC kêu gọi thành phần có mặt đừng sợ “tìm những đường lối mới mẻ trong việc hoàn toàn phó mình cho Chúa cũng như cho việc truyền giáo… Các bạn hãy nghĩ về cách các bạn làm sao có thể vác Cây Thập Tự Giá trên thế giới này!”

ĐTC thôi thúc giới trẻ đừng sợ phải đi vào con đường thập tự giá ấy, và sau khi nhìn nhận rằng giới trẻ yêu chuộng thế gian “và có quyền làm thế vì thế gian được dựng nên cho con người”, nhưng, ở một lúc nào đó trong cuộc đời, “chúng ta cần phải có một quyết định dứt khoát”, ở chỗ, trong khi không “loại bỏ” những tài năng và tặng ân được Thiên Chúa ban cho, “chúng ta cần phải biết làm sao đứng về phía Chúa Kitô để làm chứng cho tình yêu của Người trước mặt tất cả mọi người”.

“Theo Chúa Kitô không có nghĩa là dập tắt đi các tặng ân Người đã ban tặng cho chúng ta; mà là chọn đi vào con đường hoàn toàn hiến thân cho Người!... Đừng sợ tin tưởng nơi Người.

“Môi trường văn hóa và xã hội chúng ta đang sống đây đã thay đổi rất nhiều! Thế nhưng Chúa Kitô vẫn không đổi thay. Người là Đấng Cứu Chuộc nhân trần cả hôm qua, hôm nay và mãi mãi!”

Trong tiếng vỗ tay vang trời, ĐTC nói tiếp: “Vị Giáo Hoàng này ở với các bạn! Các bạn hãy tin tưởng Chúa Giêsu, hãy chiêm ngưỡng dung nhan của Vị Chúa tử giá và phục sinh này! Dung nhan rất nhiều người muốn thấy nhưng rất thường hay bị che khuất bởi lòng ham muốn Phúc Âm không đủ hăng cũng như bởi tội lỗi!

“Từ đó đến thay giới trẻ đã thay đổi, như Tôi cũng đổi thay nữa, thế nhưng tấm lòng của các bạn, cũng như của Tôi, đang khao khát sự thật, niềm vui và vĩnh hằng, bởi đó nó bao giờ cũng trẻ trung. Chiều hôm nay đây, một lần nữa Tôi đặt niềm tin tưởng của Tôi nơi các bạn là niềm hy vọng của Giáo Hội và xã hội! Xin các bạn đừng lo âu sợ hãi!”

 

 

Thánh Giá là Dấu Hiệu Cao Cả Nhất của Tình Yêu Chúa Kitô
Bài Giảng của ĐTC GPII cho Chúa Nhật Lễ Lá


1.     “Chúc tụng Đức Vua Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Lk 19:38). Với những lời này, dân thành Giêrusalem đã nghênh đón Chúa Giêsu khi Người tiến vào thành thánh, hoan hô Người là Vua Do Thái. Tuy nhiên, một ít ngày sau đó, cũng đám đông này đã phủ nhận Người bằng những lời hô hoán: “Đóng đanh, đóng đanh hắn!” (Lk 23:21). Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá làm cho chúng ta sống lại hai thời điểm này nơi tuần lễ cuối cùng cuộc đời trần gian của Chúa Kitô. Phụng vụ của Chúa Nhật này làm cho chúng ta cảm thấy vang dội cả một đám đông đầy nông nỗi nhẹ dạ, một đám đông mà chỉ một ít ngày sau đã thay lòng đổi mặt, từ sự hớn hở nhiệt thành đến khinh khi sát hại.


2.     Trong bầu khí vui mừng nhuốm sắc thái buồn đau làm nên đặc tính của ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX. Năm nay d-ề tài của ngày này là “Chúng Tôi Muốn Gặp Đức Giêsu” (Jn 12:21), một lời yêu cầu của “một số Người Hy Lạp” (Jn 12:20) ngỏ cùng các tông đồ, những người Hy Lạp đến Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua.


Trước đám đông đến để nghe Người, Chúa đã tuyên bố: “Khi được treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Vậy câu trả lời của Người ở đây đó là tất cả những ai tìm kiếm Con Người đều sẽ được thấy Người, vào ngày lễ Vượt Qua, khi Người như là một Con Chiên thực sự bị sát tế cho phần rỗi của thế gian.


Chúa Giêsu chết trên cây thập tự giá cho mỗi một người chúng ta. Bởi thế, thập giá là dấu hiệu cao cả nhất và hùng hồn nhất về tình yêu nhân hậu của Người, dấu hiệu cứu độ duy nhất cho hết mọi thế hệ cũng như cho toàn thể nhân loại.


3.     Cách đây 20 năm, nhân dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, Tôi đã trao Cây Thập Giá Năm Thánh cho giới trẻ. Nhân cơ hội ấy, Tôi đã khuyến dụ họ hãy trở thành những người môn đệ trung thành của Chúa Kitô, Đức Vua tử giá, Đấng “xuất hiện cho chúng ta như Vị giải thoát con người khỏi những gì làm hạn chế, làm suy giảm, và hầu như làm hủy hoại tận gốc niềm tự do nơi linh hồn con người, nơi tâm can của họ cũng như nơi lương tâm của họ” (Thông Điệp Redemptor Hominis, 12).


Thế rồi từ đó, cây thập tự giá này đã tiếp tục đi đến nhiều quốc gia để sửa soạn cho những Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Trong cuộc hành trình của mình, cây thập giá ấy đã vượt qua các lục địa: Như là một cây đuốc được chuyền tay nhau, cây thập giá này đã được chuyển từ nước này sang nước khác; cây thập giá ấy đã trở nên một dấu hiệu saáng ngời của lòng tin tưởng làm sinh động các thế hệ trẻ của ngàn năm thứ ba.


4.     Giới Trẻ thân mến! Trong khi cử hành việc mừng kỷ niệm 20 năm bắt đầu cuộc tham du thiêng liêng ngoại thường này, chớ gì trách nhiệm Tôi đã trao phó cho các bạn canh tân các bạn: “Tôi ủy thác cho các bạn cây thập giá của Đức Kitô! Các bạn hãy vác cây thập giá này trên thế giới như dấu hiệu của tình yêu Chúa Giêsu đối với nhân loại, và hãy loan truyền cho tất cả mọi người biết rằng chỉ ở nơi một mình Chúa Kitô, Đấng tử nạn và phục sinh, mới có ơn cứu độ và sự cứu chuộc mà thôi” (Insegnamenti, VII, 1 [1984], 1105).


Thật sự là sứ điệp được cây thập tự giá muốn truyền đạt không dễ hiểu lắm đâu trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại tìm kiếm phúc hạnh và an ủi về vật chất như là những giá trị ưu tiên. Thế nhưng, giới trẻ thân mến, trong mọi hoàn cảnh đừng sợ loan truyền Phúc Âm về thập tự giá. Các bạn đừng sợ phải đi ngược lại với trào lưu này!


5.     “Chúa Giêsu Kitô… đã tự hạ và vâng lời cho đến chết, dù có phải chết trên thập tự giá. Bởi thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người” (Phil 2:6,8-9). Bài thánh thi ca tuyệt vời này trong Thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philiphê đã nhắc nhở chúng ta rằng thập giá có hai khía cạnh bất khả phân ly: đó là khía cạnh đau thương và vinh hiển cùng một lúc. Nỗi đau thương và nhục nhã nơi cái chết của Chúa Giêsu được liên kết chặt chẽ với việc tôn vinh và hiển vinh của cuộc Người phục sinh.


Anh Chị Em thân mến! Hỡi giới trẻ rất thâm mến! Chớ gì anh chị em và các bạn đừng bao giờ thôi ý thức được sự thật an ủi này. Cuộc khổ nạn và phúc sinh của Chúa Kitô làm nên tâm điểm đức tin của chúng ta và là sự nâng đỡ của chúng ta trong những thử thách bất khả tránh hằng ngày.


Chớ gì Đức Trinh Nữ sầu bi và là nhân chứng thầm lặng của niềm vui phục sinh, giúp anh chị em và các bạn theo chân Chúa Kitô tử giá và khám phá ra nơi mầu nhiệm thập giá ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/4/2004)
 

 

“Chúng Tôi Muốn Gặp Đức Kitô”: Sứ Điệp Cốt Lõi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Trong sứ điệp này, ĐTC GPII đã muốn cho giới trẻ đi sâu vào cốt lõi của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngày ĐTC khởi xướng từ năm 1985 và được tổ chức vào Ngày Chúa Nhật Lễ Lá, ngày các con trẻ cầm cành lá dừa ra nghênh đón Chúa Kitô vào Thành Thánh Giêrusalem. Thật vậy, Ngày Giới Trẻ Thế Giới là ngày Giáo Hội tạo cơ hội để giới trẻ có thể gặp gỡ Chúa Kitô.

 

Đó là lý do ĐTC, Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, không bỏ một ngày giới trẻ thế giới nào mà không gửi cho họ một sứ điệp liên tục từ đầu tới nay, nhất là không đến hiện diện với họ vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở một quốc gia nào đó. Đó cũng là lý do nội dung của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhất là những lần được tổ chức ở một quốc gia nào đó, giới trẻ bao giờ cũng được chính hàng giáo phẩm của nước mình, tức những vị tông truyền từ các Thánh Tông Đồ, chứng nhân tiên khởi Kitô Giáo, hướng dẫn giáo lý, nhất là bao giờ cũng cùng nhau đi Đường Thánh Giá, một biến cố nói lên tuyệt đỉnh Mạc Khải Thần Linh, cho thấy tất cả dung nhan và thực tại Đức Thiên Sai Kitô.

Chủ đề của sứ điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XIX quả thực đã cho giới trẻ Công Giáo hoàn vũ thấy được tất cả những gì liên quan đến giá trị, căn nguyên, điều kiện, nơi chốn và thành quả của việc gặp gỡ Chúa Kitô.

Gặp gỡ Chúa Kitô: giá trị

Về giá trị của việc con người gặp gỡ Chúa Kitô là ở chỗ cuộc gặp gỡ này làm nên tất cả phẩm giá con người là và cùng đích của cuộc đời con người.

• “Khía cạnh cao quí nhất của phẩm giá con người chính là ơn gọi của con người trong việc giao tiếp với Thiên Chúa bằng một thứ trao đổi ánh mắt thiết tha làm biến đổi cuộc sống”. (đoạn 2)

• “Kitô giáo không phải chỉ là một thứ tín lý: nó là cuộc hội ngộ Thiên Chúa trong tin tưởng, Đấng tỏ mình ra trong lịch sử của chúng ta qua việc nhập thể của Chúa Giêsu”. (đoạn 3)

• “Tất cả mọi sự tốt lành trên trái đất này, tất cả mọi thành đạt về nghề nghiệp, thậm chí cả đến tình yêu thương của con người được các bạn mơ tưởng, đều không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn được những ước vọng sâu xa nhất và tha thiết nhất của các bạn. Chỉ khi nào được hội ngộ với Chúa Giêsu cuộc sống của các bạn mới được trọn vẹn ý nghĩa mà thôi: ‘vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa’ (Saint Augustine, The Confessions, book 1, chapter 1)… Các bạn đừng để mình bị lệch ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Hãy kiên trì với nó vì nó là tầm vóc viên trọn của các bạn và là niềm vui đang gặp nguy biến của các bạn”. (đoạn 4)

Gặp gỡ Chúa Kitô: căn nguyên

Về căn nguyên con người muốn gặp gỡ Chúa Kitô ở ngay trong lòng mỗi người, một ước muốn thường bị dập tắt bởi tội lỗi và trần thế.

• “Lòng ao ước được thấy Chúa Giêsu ở tận đáy lòng của mỗi một con người nam nữ… Dù chúng ta có ý thức được ước muốn này hay chăng, Thiên Chúa cũng đã dựng nên chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta để nhờ đó về phần mình chúng ta có thể yêu mến Ngài. Đó là lý do, con người mới bảo trì nơi cõi lòng mình nỗi hoài vọng Thiên Chúa bất khả trấn át này: ‘Lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Chúa. Xin đừng ẩn mặt xa tôi’ (Ps 27:8-9). Chúng ta biết rằng Dung Nhan này đã được tỏ cho chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu Kitô”. (đoạn 2).

• “Việc thấy Chúa Giêsu, việc chiêm ngưỡng Dung Nhan của Người, là một ước vọng bất khả trấn át, thế nhưng, nó là một ước vọng mà bất hạnh thay con người cũng có thể làm biến dạng đi. Đó là những gì xẩy ra nơi tội lỗi, vì chính yếu tính của tội lỗi đã kéo đôi mắt của con người quay đi khỏi Thiên Chúa để hướng chúng về những gì Ngài đã tạo dựng nên”. (đoạn 4)

Gặp gỡ Chúa Kitô: điều kiện

Về điều kiện để con người có thể gặp gỡ Chúa Kitô đó là, về tiêu cực, con người cần phải tránh tò mò nhất là thiên kiến, và về tích cực, con người cần phải cởi mở trước thần linh, bằng cả con mắt xác thịt lẫn con mắt tâm hồn.

• “Chớ gì việc các bạn tìm kiếm được tác động không phải chỉ bởi tính tò mò về tri thức, cho dù đó cũng là một điều tích cực, song phải được phấn khích trước hết bởi một sự thôi thúc nội tại trong việc tìm câu giải đáp cho vấn đề về ý nghĩa cuộc sống của các bạn”. (đoạn 2)

• “Những ai tiến đến với Chúa Giêsu bằng một tâm hồn không có thiên kiến rất dễ đi đến chỗ tin tưởng, vì chính Chúa Giêsu đã thấy họ và yêu thương họ trước rồi vậy… Để thấy được Chúa Giêsu, chúng ta cần làm sao cho Người nhìn thấy chúng ta trước đã!” (đoạn 2)

• “Hỡi giới trẻ thân mến, các bạn hãy để cho Chúa Giêsu nhìn vào đôi mắt của các bạn nhờ đó lòng ước ao được nhìn thấy Ánh Sáng cũng như nghiệm cảm được ánh quang rạng ngời của Chân Lý có thể phát triển nơi các bạn”. (đoạn 2)

• “Trước hết, các bạn hãy tạo nên một sự thinh lặng trong bản thân mình. Hãy để cho nỗi ước mong thiết tha được thấy Thiên Chúa ấy nổi lên từ đáy lòng các bạn, một ước muốn đôi khi bị dập tắt bởi những thứ chi phối của thế gian cũng như bởi những thứ hấp dẫn của lạc thú. Các bạn hãy để cho ước vọng này nổi lên và các bạn sẽ tuyệt vời cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu”. (đoạn 3)

• “Bằng mọi cách các bạn hãy thực hiện cuộc hội ngộ này, và tìm kiếm Chúa Giêsu là Đấng đang thiết tha tìm kiếm các bạn. Hãy tìm kiếm Người bằng đôi mắt xác thịt qua những biến cố của cuộc đời cũng như nơi gương mặt của những người khác; thế nhưng các bạn cũng hãy tìm kiếm Người bằng cả đôi mắt linh hồn nữa, qua việc nguyện cầu và suy niệm Lời Chúa”. (đoạn 3)

Gặp gỡ Chúa Kitô: nơi chốn

Về nơi chốn để có thể gặp gỡ Chúa Kitô đó là Thánh Thể, Tha Nhân, Giáo Hội và Thập Giá.

• “Nếu các bạn biết khám phá ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, các bạn cũng sẽ biết cách khám phá ra Người nơi anh chị em của các bạn, nhất là nơi thành phần rất nghèo khổ. Thánh Thể được mến yêu lãnh nhận và sốt sắng tôn thờ trở thành một học đường của tự do và bác ái để làm trọn giới luật yêu thương. Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tặng ân trao ban bản thân mình và là một thứ ngôn ngữ của tình yêu thương rất cao cả đến ban sự sống mình vì yêu”. (đoạn 5)

• “Chính bởi niềm tự do nội tại như thế cũng như bởi một đức bác ái nung nấu như vậy mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tìm kiếm Người nơi những người khác, trước hết nơi những gương mặt thất sắc của người nghèo”. (đoạn 5)

• “Các bạn đừng quên tìm kiếm Chúa Kitô và nhận ra sự hiện diện của Người nơi Giáo Hội là sự liên tục của việc Người cứu độ trong thời gian và không gian. Chính nơi Giáo Hội và nhờ Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục tỏ hiện mình ra hôm nay đây để nhân loại có thể tới với Người. Hãy đón nhận nhau vào giáo xứ của mình, vào phong trào và vào cộng đồng của mình để xây dựng mối hiệp thông nơi chính các bạn. Đó là dấu hiệu hữu hình của việc Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội, mặc dù rất thường bị làm lu mờ đi bởi tội lỗi của con người”. (đoạn 5)

• “Các bạn đừng lấy làm lạ khi các bạn đụng độ phải Thánh Giá trên con đường đi của các bạn. … Các bạn hãy vác Cây Thập Giá này đi khắp thế giới như là một biểu hiệu của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan truyến cho mọi người rằng chúng ta chỉ tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc chỉ ở nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà thôi”. (đoạn 6)

Gặp gỡ Chúa Kitô: thành quả

Về thành quả gặp gỡ Chúa Kitô đó là sau khi được gặp Người, con người phải đi làm chứng nhân cho Người.

“Những người đồng thời với các bạn đang mong thấy các bạn là những chứng nhân của Đấng các bạn đã gặp gỡ và là Đấng ban sự sống cho các bạn. Trong cuộc sống hằng ngày của mình, các bạn hãy là những nhân chứng can trường cho một tình yêu mạnh hơn sự chết”. (đoạn 7)

“Các bạn hãy đem những tài năng và lòng nhiệt thành trẻ trung của mình ra phục vụ việc loan truyền Tin Mừng. Các bạn hãy là những người bạn nhiệt huyết của Chúa Giêsu, thành phần làm cho Người được tỏ hiện trước những ai muốn thấy Người, nhất là những ai cách xa Người nhất” (đoạn 7).

“Tông đồ Philiphê và Anrê đã mang những ‘Người Hy Lạp’ đến cùng Chúa Giêsu: Thiên Chúa sử dụng tình bạn của nhân loại để dẫn các tâm hồn đến cùng mạch nguồn của đức ái thần linh. Các bạn hãy cảm thấy mình có trách nhiệm phải truyền bá phúc âm hóa cho bạn bè của các bạn cũng như cho tất cả mọi người đường thời của các bạn”. (đoạn 7)

“Vị Trinh Nữ Nazarét, một Người Mẹ cảm thương và nhẫn nại, sẽ nắn đúc nơi các bạn, một con tim chiêm niệm, và dạy cho các bạn biết gắn mắt nhìn lên Chúa Giêsu để, trong một thế giới đang qua đi đây, các bạn sẽ là những ngôn sứ của một thế giới không tàn phai”. (đoạn 7)

 

 

Tổng quan về nguồn gốc Truyền Thống Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Đúng như đã hứa hẹn với giới trẻ trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2003 (ở đoạn 7) sau đây:

“Giới trẻ thân mến, Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, như các bạn biết, sẽ được tổ chức ở Đức vào năm 2005 tại thành phố và giáo phận Cologne. Con đường tuy còn dài, nhưng hai năm ngăn cách chúng ta từ đây đến điểm hẹn ấy có thể trở thành một thời gian sửa soạn kỹ lưỡng. Để giúp các bạn theo con đường này, Tôi đã chọn những đề tài sau đây cho các bạn:

• 2004 – Ngày Giới Trẻ Thế Giới 19: ‘Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu’ (Jn 12:21);

• 2005 – Ngày Giới Trẻ Thế Giới 20: ‘Chúng tôi đến triều bái Người’ (Mt 2:2).

Năm 2004 này, qua bản văn được đề ngày 22/2, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô, ĐTC GPII đã gửi cho giới trẻ một sứ điệp để học hỏi sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 19 được tổ chức ở giáo phận địa phương. Tiện đây chúng ta nên ôn lại một chút về nguồn gốc và lịch trình Ngày Giới Trẻ Thế Giới (nếu cần xem toàn bộ các sứ điệp của ĐTC GPII gửi giới trẻ từ năm 1985 tới 2000, xin đọc cuốn “Giới Trẻ của Ngàn Năm Thứ Ba” của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, do Trung Tâm Công Giáo Giáo Phận Orange xuất bản năm 1999, hay vào www.thoidiemmaria.net., phần Sự Sống Viên Mãn, mục Tông Đồ, trang Giới Trẻ Ngàn Năm III).


“Năm 1985 đã được Tổ Chức Liên Hiệp Quốc (The United Nations Organization) tuyên bố là Năm Giới Trẻ Quốc Tế (International Youth Year)". Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã công nhận sự kiện lịch sử này ở ngay đoạn mở đầu trong Bức Thư ngài gửi cho chung giới trẻ thế giới và cho riêng giới trẻ Công Giáo vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá 31-3-1985, "ngày mà Tôi đang gặp được nhiều người trong giới trẻ qúi bạn, những người hành hương qui tụ tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Rôma đây" (đoạn 16).


Ngày Giới Trẻ Thế Giới, kể từ đó, được thành hình theo chỉ thị của Đức Thánh Cha. Và Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên do Hội Đồng về Giáo Dân của Tòa Thánh đứng ra tổ chức cho giới trẻ Công Giáo tại chính Giáo Đô Rôma vào năm 1986. Sau đó, Ngày Giới Trẻ Thế Giới chung lần lược được tổ chức, vào các năm lẻ, tại các nơi khác theo thứ tự thời gian như sau: lần thứ hai vào năm 1987 tại Buenos Aires nước Á Căn Đình, lần thứ bốn vào năm 1989 tại Santiago de Compostella nước Tây Ban Nha, lần thứ sáu vào năm 1991 tại Czestochowa nước Ba Lan, lần thứ tám năm 1993 tại Denver nước Mỹ, lần thứ mười vào năm 1995 tại Manila nước Phi Luật Tân, lần thứ mười hai vào năm 1997 tại Paris nước Pháp, lần thứ mười lăm vào chính Năm Thánh 2000 tại Giáo Đô Rôma, và lần mười bảy vào năm 2002 ở Torronto Canada.


Theo lịch trình tổ chức đã được diễn tiến trên đây, cứ hai năm một lần, vào năm lẻ, mới có một Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại một quốc gia. Còn những năm chẵn, thường được tổ chức tại địa phương mỗi giáo phận. Tuy nhiên, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá của mỗi năm, nhất là vào năm chẵn, tại giáo đô Rôma, vẫn cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới chung, có một cuộc trao chuyền Thánh Giá cho nhau, giữa giới trẻ của quốc gia đứng ra tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần trước cho giới trẻ của quốc gia sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ lần kế tiếp.


Còn chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại một quốc gia trong năm lẻ, bao giờ cũng được Đức Thánh Cha ban bố bằng một sứ điệp từ một năm trước đó, để ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới kịp sửa soạn phần học hỏi vào chính thời điểm tổ chức.


Thế nhưng:


1- Tại sao Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, lại tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới? Theo chủ ý của Đức Thánh Cha thì Ngày Giới Trẻ Thế Giới mang một ý nghĩa sâu xa và một sứ mệnh thực sự ra sao?


2- Tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) không được tổ chức tại một địa điểm duy nhất cố định, như tại chính giáo đô Rôma như lần đầu tiên, mà lại tổ chức ở khắp nơi trên thế giới như vậy?


3- Tại sao Ngày Chúa Nhật Lễ Lá lại được chọn làm ngày cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, mà không phải là một ngày vui nào khác, như vào một ngày trong mùa hè, thời điểm nói lên bản chất hăng hái nhiệt tình của giới trẻ, hay vào mùa xuân, thời điểm phản ảnh đặc điểm tươi mới đầy sinh lực của tuổi trẻ??


4- Tại sao Thánh Giá lại được chọn để giới trẻ trao chuyền cho nhau trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, được cử hành vào năm chẳn tại Rôma, để giới trẻ sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được củ hành vào năm lẻ sau đó tại một quốc gia, mà không phải là một dấu hiệu dễ thương nào khác, như chân trời, biểu hiệu cho nỗi ước mơ của gới trẻ, hay cầu vồng, biểu hiệu cho niềm hy vọng của giới trẻ v.v.???

 

Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Tại sao Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, lại tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới? Theo chủ ý của Đức Thánh Cha thì Ngày Giới Trẻ Thế Giới mang một ý nghĩa sâu xa và một sứ mệnh thực sự ra sao, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong sứ điệp của ĐTC Gioan-Phaolô II ban hành ngày 15/8/1992 gửi cho giới trẻ để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 8, tại Denver Hoa Kỳ, đã xác định như sau:

            "Ngày Giới Trẻ Thế Giới cùng với những tụ hội là những dịp thuận tiện để chúng ta tạm dừng chân cuộc hành trình của chúng ta một chút. Chúng giúp cho giới trẻ xét lại những ước vọng sâu xa nhất của mình, tăng thêm cảm quan thuộc về Giáo Hội của mình, tuyên xưng một niềm tin chung vào Chúa Kitô tử giá và phục sinh một cách phấn khởi và hào hùng. Chúng là dịp cho nhiều con người trẻ thực hiện những quyết định cứng cát và khôn ngoan làm đà cho họ tiến về tương lai của giòng lịch sử, dưới sự hướng dẫn mãnh lực song dịu dàng của Chúa Thánh Linh.

            "Những cuộc cử hành thường lệ này không phải chỉ có những lễ nghi bề ngoài, đáng làm vì chúng là một thông lệ. Thật vậy, chúng được bừng lên bởi nhu cầu sâu xa căn bản, phát xuất từ tâm khảm của con người và phản ảnh sinh hoạt lữ hành cũng như truyền giáo của Giáo Hội.

            "Như là một đáp ứng với những thách đố trong thời điểm biến động của chúng ta, Cuộc Tụ Hội Giới Trẻ Thế Giới (The World Youth Gathering) tức là bước đầu tiên và là dự trình cho một cuộc hiệp nhất mới mẻ, một sự hiệp nhất vượt trên tầm mức chính trị nhưng sáng soi tầm mức chính trị này. Nó dựa trên nhận thức là chỉ có tạo hóa của cõi lòng con người mới có thể thỏa đáng những khát mong sâu thẳm nhất của lòng trí con người mà thôi. Như thế, Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một tuyên ngôn của Chúa Kitô, Đấng cũng nói với cả các con người nam nữ của thế kỷ chúng ta rằng: 'Ta đến cho họ được sự sống và được một sự sống trọn vẹn' (Jn.10:10)" (Tài liệu trích dịch từ The Pope Speaks Vol.38, No.1, 1-2/1993)

.           Ngoài ra, trong huấn từ riêng cho đại biểu của Hội Đồng Giới Trẻ Quốc Tế (The International Youth Forum) ngày 14/8/1993, ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 8, tại Denver, Đức Thánh Cha còn quảng diễn như sau:

            "Chúa là chính tâm điểm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và Người tiếp tục kêu gọi nhiều người trẻ tham gia với Người trong công việc cao trọng là loan truyền vương quốc của Người.     

            "Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một cử hành long trọng mầu nhiệm sự sống: sự sống như là một tặng ân thần linh và là một mầu nhiệm linh thiêng. Giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang tụ họp lại để tuyên xưng đức tin của Giáo Hội là: chỉ có trong Chúa Kitô chúng ta mới có thể đạt đến trọn vẹn sự thật về thân phận con người chúng ta cùng với định mệnh đời đời của chúng ta.

            "Chỉ có ở nơi Chúa Kitô con người nam nữ mới có thể tìm thấy những giải đáp cho những vấn nạn tối hậu làm họ bối rối. Chỉ có ở nơi Chúa Kitô họ mới có thể hoàn toàn hiểu được phẩm giá của họ như là những con người được Thiên Chúa dựng nên và yêu thương" (Tài liệu được trích dịch từ The Pope Speaks Vol.39, No.2, 3-4/1994).

            Trong điệp văn viết ngày 8-5-1996 gửi cho đức hồng y Pironio, chủ tịch Hội Đồng về Giáo Dân, nhân dịp tổ chức cuộc học hội về Những Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tại Czestochowa, Ba Lan, ngày 13-16/5/1996, Đức Thánh Cha còn nói rõ mục đích và nội dung của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhất là nói lên vai trò của Giáo Hội đối với Ngày Giới Trẻ Thế Giới như sau:

            "Mục đích chính của những Ngày này là hướng đức tin và đời sống của mỗi một người trẻ về Chúa Giêsu, để họ có thể trở nên một cứ điểm và nên ánh sáng chân thực cho mọi dự phóng cũng như cho sinh hoạt giáo dục nhắm vào những thế hệ mới". (trích dịch từ L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, số 25, phát hành ngày 19-6-1996, đoạn 1).

            "Trọng tâm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới là Lời của Thiên Chúa, phương thế của nó là việc suy tư về giáo lý, lương thực của nó là việc cầu nguyện, cung cách của nó là hiệp thông và đối thoại" (cùng nguồn trên, đoạn 3). 

            "Như thế, giới trẻ được định kỳ kêu gọi để trở nên những người lữ hành trên các đại lộ của thế giới. Nơi họ, Giáo Hội thấy được chính mình và sứ mạng của mình giữa loài người; với họ, Giáo Hội chấp nhận những thách đố tương lai, nhận thức rằng tất cả loài người cần một sự trẻ trung mới mẻ trong tinh thần. (cùng nguồn trên, đoạn 2).

            "Ngày Giới Trẻ Thế Giới là ngày của Giáo Hội cho giới trẻ và với giới trẻ" (cùng nguồn trên, đoạn 3)

             Để trả lời cho câu hỏi thứ hai: Tại sao Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) không được tổ chức tại một địa điểm duy nhất cố định? Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 10, 14-1-1995, tại Manila, Phi Luật Tân, đã tuyên bố như sau:

            "Tin Mừng là để cho mọi người. Đó là lý do Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở các nơi khác nhau" (Tài liệu trích dịch từ The Pope Speaks Vol.40, No.3, 5-6/1995).

            Thêm vào đó, trong bài giảng cho Thánh Lễ cử hành Ngày Giới Trẻ lần thứ 11 tại Giáo Đô Rôma, vào Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, 26-11-1995, Đức Thánh Cha còn cho phong trào tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một cuộc hành trình hay lữ hành chung cho giới trẻ, và cho những dịp tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới là những chặng dừng chân của giới trẻ tại mỗi giáo phận địa phương cũng như tại giáo đô Rôma. sau đây là lời của ngài:

            "Cuộc lữ hành khởi sự là như thế (tức được bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá 1985 và tiếp tục hằng năm củng vào ngày này), một cuộc lữ hành băng qua các Giáo Phận trên khắp thế giới, để rồi, cứ mỗi hai năm, lại cùng nhau hợp lại thành một cuộc đại hội quốc tế (a great international meeting), xây lên những chiếc cầu huynh đệ và hy vọng, nối liền các đại lục, các dân nước cũng như các nền văn hóa. Nó là một cuộc hành trình luôn luôn chuyển vận, giống như sự sống. Giống như tuổi trẻ.

            "Năm nay - có thể nói là đang ở khoảng lưng chừng đường giữa lần dừng chân không thể quên được tại Manila và lần dự tính tại Balê vào tháng 8 năm 1997 - cuộc hành trình 'của thành phần trẻ' một lần nữa lại tạm nghỉ tại các Giáo Hội địa phương, một cuộc hành trình cũng làm bổ ích như kinh nghiệm của cuộc hành hương Âu Châu đến Ngôi Nhà Thánh ở Lôretô" (Tài liệu trích dịch từ bản Anh Ngữ tuần san L'Osservatore Romano, số 14/1435, phát hành ngày 4/3/1996).

             Để trả lời cho câu hỏi thứ ba: Tại sao Ngày Chúa Nhật Lễ Lá lại được chọn làm ngày cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, mà không phải là một ngày vui nào khác, ĐTC Gioan-Phaolô II, qua bài giảng trong Thánh Lể cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 11 tại Giáo Đô Rôma, Chúa Nhật Lễ Lá, 31-3-1996, đã cho biết lý do như sau:

            "11 năm qua (tức từ năm 1986, Ngày Giới Trẻ Đầu Tiên tại Rôma), Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được cử hành vào Chúa Nhật Lễ Lá. Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng 'ngày giới trẻ' bắt đầu như thế ngay từ đầu, từ ngày chúng ta đang tưởng nhớ hôm nay đây, khi thành phần trẻ ở Gia-Liêm tiến lên để gặp gỡ Đức Kitô khi Người tiến vào thành, hiền lành và khiêm nhượng, cưỡi trên một con lừa, theo lời tiên tri Zacaria (x.9:9). Họ đến để chào mừng và tiếp đón Người bằng những lời thánh vịnh: 'Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến...' (Ps.117/118:26)...

            "Đó là lý do tại sao giới trẻ hằng năm trở lại với cuộc hội họp này, cuộc hội họp bắt nguồn từ lòng nhiệt thành không thể đè nén của mình đối với Chúa Giêsu cũng như với Phúc Âm của Người.

            "Trong phụng vụ của Chúa Nhật Lễ Lá, giới trẻ lãnh nhận một vai trò chủ động, như 'các con trẻ ở Gia-Liêm', thành phần 'chào đón Đức Kitô Vua. Họ cầm những cành lá Olive và lớn tiếng chúc tụng Chúa: Chúc tụng trên nơi cao thẳm' (ca xướng khi rước lá)" (Tài liệu trích dịch từ bản Anh Ngữ tuần san L'Osservatore Romano, số14, phát hành ngày 4/3/1996).

            Để trả lời cho câu hỏi thứ bốn: Tại sao Thánh Giá lại được chọn để giới trẻ trao chuyền cho nhau trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, được cử hành vào năm chẳn tại Rôma, để giới trẻ sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới được củ hành vào năm lẻ sau đó tại một quốc gia, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, cũng qua bài giảng trong Thánh Lể cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 11 tại Giáo Đô Rôma, Chúa Nhật Lễ Lá, 31-3-1996, đã nói lên ý nghĩa của tác động này như sau:

            "Ôm nhận lấy Thánh Giá trong ngày này, chuyền tay  nhau  Thánh Giá, là một cử chỉ rất hào hùng. Nó như thể nói lên rằng: Lạy Chúa, chúng con không muốn chỉ ở với Chúa vào lúc vang lên những lời tung hô 'Vạn Tuế', mà còn muốn, với ơn Chúa giúp, như Mẹ Maria, Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng con, và như Tông Đồ Gioan, theo Chúa trên con đường Thánh Giá. Ôi Chúa, đúng thế, vì 'Chúa có những lời của sự sống đời đời' (Jn.6:68), và chúng con tin rằng, Thánh Giá của Chúa đích thực là lời sự sống, sự sống đời đờí!"  (Tài liệu trích dịch từ bản Anh Ngữ tuần san L'Osservatore Romano, số14, phát hành ngày 4/3/1996).

            Để quảng diễn đề tài về sự sống vô cùng phong phú và mầu nhiệm này, trong sứ điệp ngày 15-8-1992, sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 8, tại Denver, Đức Thánh Cha còn viết thế này:

            "'Sự sống' đây nói lên tổng số toàn thể tất cả điều chính đáng (the sum total of all the goods) mà người ta ước muốn, đồng thời cũng có nghĩa là cái làm cho chúng trở thành khả dĩ (possible), khả đạt (obtainable) và lâu bền (lasting)...

            "Chúa Giêsu đã đến để cung cấp một câu trả lời tối hậu cho niềm ước mong được sự sống và được cõi trường sinh mà Cha Trên Trời của Người đã tuôn đổ vào lòng chúng ta khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Tuyệt đỉnh của mạc khải là lúc Lời nhập thể tuyên bố: 'Ta là sự sống' (Jn.14:6) và 'Ta đến cho chúng được sự sống' (Jn.10:10). Thế nhưng sự sống đó là sự sống nào? Chủ ý của Chúa Giêsu đã rõ ràng: đó là chính sự sống của Thiên Chúa, một sự sống vượt trên mọi nguyện vọng có thể khát mong của cõi lòng con người (x.1Cor.2:9)...

            "Gắn bó với bản thân mình, chúng ta không bao giờ chiếm được những đích điểm chúng ta phải nhắm tới khi được dựng nên. Trong chúng ta có một hứa hẹn mà chúng ta thấy rằng mình không thể nào đạt được. Thế nhưng, Con Thiên Chúa, đến giữa chúng ta, đã lấy chính mình Người làm bảo chứng cho chúng ta: 'Ta là đường lối, là sự thật và là sự sống' (Jn.14:6). Thánh Augustinô đã hết sức khéo léo đặt lại lời này: Chúa Kitô 'làm nên một chỗ cho mọi người có thể tìm thấy sự sống chân thật'. "Chỗ" này là Thánh Thể của Người và là Thần Linh của Người, ở đó, tất cả đời sống con người, sau khi được cứu rỗi và được thứ tha, cũng được đổi mới và thần linh hóa" (Tài liệu trích dịch từ The Pope Speaks Vol.38, No.1, 1-2/1993)