“Như Thày đã yêu thương các con thế nào

các con cũng phải yêu thương nhau như thế”

(Jn 13:34)

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp Cho Ngaỳ Giới Trẻ Thế Giới XXII, Chúa Nhật Lễ Lá Ngày 1/4/2007

 

 

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXII sẽ được cử hành ở các giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, tôi muốn đề ra cho các bạn suy tư về những lời của Chúa Giêsu là ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng phải yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34).

 

Có thể yêu thương được hay chăng?

 

Hết mọi người đều cảm thấy khát vọng yêu thương và mong muốn được thương yêu. Tuy nhiên, yêu thương lại là vấn đề khó khăn biết mấy, vì đã từng xẩy ra biết bao nhiêu là lầm lỗi và thảm bại trong vấn đề yêu thương! Có những người thậm chí còn tỏ ra ngờ vực cả đến vấn đề yêu thương là những gì khả dĩ nữa. Thế nhưng, nếu những thứ ảo tưởng về cảm xúc hay tình trạng thiếu thốn về cảm tình là những gì có thể khiến cho chúng ta nghĩ rằng yêu thương là một thứ mơ tưởng hão huyền bất khả thực, vậy thì phải chăng chúng ta cần phải lui bước đi thôi? Không! Yêu thương là những gì khả dĩ, bởi thế mà mục đích cho sứ điệp của tôi đây là để giúp làm tái bừng lên nơi mỗi một người trong các bạn – thành phần là tương lai và là hy vọng của nhân loại – niềm tin tưởng vào một thứ yêu thương chân thực, trung thành và mạnh mẽ; một thứ yêu thương làm phát sinh ra an bình và niềm vui; một thứ yêu thương liên kết con người lại với nhau và giúp cho họ tỏ ra sẵn sàng tôn trọng lẫn nhau. Vậy chúng ta hãy cùng nhau thực hiện một cuộc hành trình được chia ra làm ba giai đoạn, để chúng ta bắt đầu một ‘cuộc khám phá’ về yêu thương.

 

Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương

 

Đoạn hành trình thứ nhất liên quan tới nguồn mạch của tình yêu thương chân thực. Chỉ có một nguồn mạch duy nhất, đó là Thiên Chúa. Thánh Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi tuyên xưng rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Ngài không những nói rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, mà còn nói rằng chính hữu thể của Thiên Chúa là tình yêu nữa. Ở đây chúng ta đối diện với một mạc khải rạng ngời nhất về nguồn mạch của tình yêu, của mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, đó là, nơi Thiên Chúa, duy nhất và ba ngôi, có một trao đổi yêu thương vĩnh hằng giữa ngôi Cha và ngôi Con, mà tình yêu này không phải là một năng lực hay là một cảm tình, song là một ngôi vị; đó là Thánh Thần.

 

Thập Giá của Chúa Kitô mạc khải tất cả tình yêu của Thiên Chúa

 

Vị Thiên Chúa Tình Yêu được mạc khải cho chúng ta như thế nào? Giờ đây chúng ta tiến tới đoạn hành trình thứ hai của chúng ta. Mặc dù những dấu hiệu về tình yêu thần linh vốn được hiển hiện nơi việc tạo thành, nhưng tất cả mạc khải về mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta thấy nơi việc Nhập Thể là lúc Thiên Chúa đích thân làm người. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là Người thật, chúng ta biết được tất cả những gì cao cả vĩ đại của tình yêu. Thật vậy, như tôi đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là tình yêu – Deus catitas est, ‘cái mới mẻ thực sự của Tân Ước không phải là ở những tư tưởng mới cho bằng ở hình ảnh về chính Chúa Kitô, Đấng hiện thực hóa những quan niệm ấy – tức làm cho chúng trở thành một thứ hiện thực chưa từng có’ (khoản 12). Việc biểu lộ tình yêu thần linh này được thể hiện một cách trọn vẹn và trọn hảo ở nơi Thập Giá, như chúng ta đã nghe thấy Thánh Phaolô nói rằng: ‘Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta ở chỗ khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta’ (Rm 5:8). Bởi thế, mỗi một người trong chúng ta có thể thực sự nói rằng: ‘Chúa Kitô đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi’ (x Eph 5:2). Được máu của Người cứu chuộc, không có một cuộc sống con người nào là vô ích hay có một giá trị tầm thường, vì mỗi một người trong chúng ta đều được Người yêu thương một cách cá biệt, bằng một tình yêu thiết tha và trung thành, bằng một tình yêu vô giới hạn. Thập Giá – đối với thế gian là một cái gì ngu xuẩn, đối với nhiều tín hữu là một cái gì xấu xa ô nhục – thực sự là ‘sự khôn ngoan của Thiên Chúa’ đối với những ai có thể cảm nhận được từ tận chính thâm cung hữu thể của mình, ‘vì cái khờ dại của Thiên Chúa còn uyên thâm hơn cả sự khôn ngoan của con người, và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn mãnh liệt hơn cả sức mạnh của con người’ (1Cor 1:25). Hơn thế nữa, Tượng Chịu Nạn, một tượng chịu nạn mà sau cuộc Phục Sinh sẽ vĩnh viễn mang những vết tích cuộc khổ nạn của Người, còn phơi bày cả ‘những thứ méo mó’ và láo khoét về Thiên Chúa, những gì có tính cách bạo lực, báo thù và diệt trừ. Chúa Kitô là Con Chiên của Thiên Chúa, là Đấng gánh tội trần gian và nhổ tận gốc rễ niềm thù hận cho khỏi tâm can của nhân loại. Tình yêu thực sự là ‘cuộc cách mạn g’ do Người thực hiện vậy. 

 

Yêu Thương tha nhân như Chúa Kitô thương yêu chúng ta 

 

Giờ đây chúng ta tiến đến đoạn hành trình thứ ba trong cuộc suy niệm của chúng ta. Chúa Kitô kêu lên trên Thập Giá rằng: ‘Tôi khát’ (Jn 19:28). Lời ấy cho chúng ta thấy được cơn khát khao thương yêu hừng cháy và muốn được mỗi một người trong chúng ta yêu thương. Chỉ bao giờ chúng ta nhận thấy được chiều sâu và cường độ của một mầu nhiệm như thế chúng ta mới có thể thực hiện nhu cầu thúc bách mến yêu Người như Người đã thương yêu chúng ta. Lời này cũng bao gồm cả một cuộc dấn thân được tình yêu mến Người trợ giúp, thậm chí đến hiến  mạng sống mình, nếu cần, vì anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa đã phán trong Cựu Ước rằng: ‘Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Lev 19:18), thế nhưng cái mới mẻ được Chúa Kitô mang đến ở đây đó là việc yêu thương như Người thương yêu chúng ta, tức là yêu thương hết mọi người không phân biệt ai, thậm chí cả thành phần thù địch với mình, ‘cho đến tận tuyệt’ (x Jn 13:1).

 

Những chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô

 

Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn kéo dài một chút nữa về ba lãnh vực của đời sống thường nhật là cuộc sống các bạn được đặc biệt kêu gọi để minh chứng tình yêu thương của Thiên Chúa. Lãnh vực thứ nhất là Giáo Hội, gia đình thiêng liêng của chúng ta, một gia đình được làm nên bởi tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Ý thức được lời Người dạy: ‘Nếu các con mến thương nhau thì mọi người nhờ đó nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:35), các bạn cần phải tỏ ra nhiệt tình và bác ái trong việc làm khởi sắc các hoạt động của giáo xứ, của cộng đồng, của các phong trào trong giáo hội và của các nhóm giới trẻ các bạn thuộc về. Hãy đặc biệt quan tâm tới phúc hạnh của người khác, trung thành với những quyết tâm của mình. Đừng ngần ngại trong việc vui vẻ kiềm chế một vài những thứ vui chơi của các bạn; hãy hoan hỉ chấp nhận những hy sinh cần thiết; hãy chứng thực tình yêu mến của các bạn đối với Chúa Giêsu bằng việc loan truyền Phúc Âm của Người, nhất là nơi giới trẻ thuộc lứa tuổi của các bạn.

 

Sửa soạn cho tương lai

 

Lãnh vực thứ hai, lãnh vực các bạn được kêu gọi để thể hiện tình yêu của các bạn và lớn lên trong yêu thương, đó là việc các bạn sửa soạn cho tương lai đang đợi chờ các bạn. Nếu các bạn quyết tâm thành hôn thì Thiên Chúa đã có một dự án yêu thương cho tương lai của các bạn trong đời sống vợ chồng và đời sống gia đình. Bởi thế, các bạn cần phải khám phá ra dự án ấy qua việc trợ giúp của Giáo Hội, đừng mang một thứ thành kiến chung là Kitô Giáo có những giới răn và những cấm đoán làm cản trở niềm vui yêu thương, và gây trở ngại cho việc trọn vẹn hoan hưởng thứ hạnh phúc được người nam và người nữ tìm kiếm khi họ yêu thương nhau. Tình yêu của người nam và người nữ, từ khi mở màn cho đời sống gia đình nhân loại, cũng như cho đời sống lứa đôi hợp bởi một người nam và một người nữ, được bắt nguồn từ dự án nguyên thủy của Thiên Chúa (x Gen 2:18-25). Việc làm sao để biết yêu thương nhau như vợ chồng là một cuộc hành trình tuyệt vời, song nó cũng đòi phải có một ‘thời gian học hỏi’ cần thiết. Giai đoạn đính hôn, một giai đoạn rất cần thiết để thành vợ chồng, là một thời gian mong đợi và sửa soạn cần phải sống thanh sạch trong cử chỉ và lời nói. Nó giúp cho các bạn có thể chín chắn trong yêu thương, trong mối quan tâm và chú trọng đến nhau; nó giúp cho các bạn thực hành việc tự chế và phát triển việc tôn trọng nhau. Đó là những đặc tính của tình yêu chân thực không đặt nặng việc tìm kiếm những thỏa mãn riêng tư hay phúc hạnh của mình. Khi cùng nhau cầu nguyện, các bạn hãy xin Chúa canh chừng và gia tăng tình yêu của các bạn cũng như thanh tẩy nó cho khỏi tất cả mọi thứ vị kỷ. Đừng ngần ngại trong việc quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi, vì hôn nhân Kitô Giáo thực sự và hoàn toàn là một ơn gọi trong Giáo Hội. Cũng thế, những con người trẻ nam nữ thân mến, các bạn hãy sẵn sàng thưa ‘vâng’ nếu Thiên Chúa cần gọi các bạn theo đuổi thiên chức linh mục thừa tác hay sống đời tận hiến tu trì. Gương mẫu của các bạn sẽ là một tấm gương phấn khích cho nhiều bạn bè của các bạn là những người đang tìm kiếm hạnh phúc chân thật.

 

Mỗi ngày lớn lên trong yêu thương

 

Lãnh vực dấn thân thứ ba của tình yêu đó là lãnh vực của đời sống thường nhật với đầy những mối liên hệ. Tôi đặc biệt nói tới gia đình, học hành, hoạt động và giải trí. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy vun trồng các tài năng của các bạn, chẳng những để chiếm được một thế đứng trong xã hội, mà còn giúp cho người khác ‘phát triển’ nữa. Các bạn hãy phát triển các năng lực của mình, không phải để ‘ganh đua’ hơn và ‘thu hoạch’ hơn, mà là để trở thành ‘những chứng nhân của đức bác ái’. Ngoài việc huấn luyện về nghề nghiệp chuyên môn, các bạn cũng hãy nỗ lực có được một thứ kiến thưc về đạo giúp cho các bạn thi hành sứ vụ của các bạn một cách hữu trách. Tôi đặc biệt mời các bạn hãy cẩn thận học hỏi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, nhờ đó những nguyên tắc của giáo huấn này tác động và hướng dẫn hành động của các bạn trong thế giới này. Chớ gì Chúa Thánh Thần làm cho các bạn trở nên sáng tạo trong đức ái, kiên trì trong những quyết tâm của các bạn, và can đảm theo đuổi những sáng kiến của các bạn, nhờ đó các bạn có thể góp phần vào việc xây dựng ‘nền văn minh yêu thương’. Chân trời yêu thương thực sự là vô hạn; nó là tất cả thế giới này vậy!

 

‘Dám yêu thương’ theo gương của các thánh nhân

 

Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn mời gọi các bạn hãy ‘dám yêu thương’. Các bạn đừng mong muốn bất cứ một cái gì khác cho đời sống của các bạn mà không phải là một thứ tình yêu mạnh mẽ và tuyệt vời, có thể làm cho cả đời sống của các bạn trở thành một cuộc hân hoan trao tặng bản thân mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của các bạn, theo gương của Đấng đã muôn đời chiến thắng hận thù và chết chóc bằng tình yêu thương (x Rev 5:13). Tình yêu là năng lực duy nhất có thể biến đổi tâm can của con người cũng như của toàn thể nhân loại, bằng việc làm cho sinh hoa kết trái các mối liên hệ giữa con người nam nữ, giữa giầu nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh. Chúng ta thấy được điều này nơi đời sống của các thánh nhân. Họ là những người bạn đích thực của Thiên Chúa, thành phần chuyển đạt và phản ảnh chính tình yêu đệ nhất này.  Các bạn hãy cố gắng hiểu biết các vị hơn nữa, hãy tin tưởng vào lời chuyển cầu của các vị, và hãy nỗ lực sống như các vị đã sống. Tôi chỉ cần đề cập tới Mẹ Têrêsa. Để đáp lại tức khắc tiếng kêu của Chúa Giêsu, ‘Tôi khát’, một tiếng kêu đã sâu xa tác động mẹ, mẹ bắt đầu thực hiện việc tiếp nhận những người hấp hối trên các đường phố ở Calcutta Ấn Độ. Từ đó trở đi, ước vọng duy nhất của đời sống Mẹ đó là làm giãn cơn khát yêu thương của Chúa Giêsu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, bằng việc nhận ra dung nhan biến dạng của Người đang khao khát yêu thương trên các khuôn mặt của những người nghèo nhất trong các người nghèo. Chân Phước Têrêsa làm cho các giáo huấn của Chúa Kitô trở thành những gì là thực tế: ‘Khi con làm điều ấy cho một trong kẻ hèn mọn nhất trong những người thuộc phần tử gia đình của Ta đây là con làm cho Ta vậy’ (Mt 25:40). Sứ điệp của vị chứng nhân khiêm hạ này của tình yêu thần linh đã lan tràn khắp nơi trên thế giới.

 

Cái bí mật của tình yêu thương

 

Các bạn thân mến, mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho khả năng để đạt tới cùng một mức độ yêu thương ấy, thế nhưng chỉ khi nào chúng ta biết chạy đến với sự nâng đỡ bất khả thiếu của Ân Sủng thần linh mà thôi. Chỉ có ơn trợ giúp của Chúa mới giúp cho chúng ta có thể không lùi bước khi phải đối đầu với những gì là khủng khiếp nơi công việc cần phải thực hiện. Nó làm cho chúng ta trở nên can đảm để hoàn thành những gì con người không ngờ nổi. Đặc biệt Thánh Thể là một đại học đường dạy yêu thương. Khi chúng ta thường xuyên sốt sắng tham dự Thánh Lễ, khi chúng ta bỏ một giờ khắc có thể nào đó để chầu Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Người vượt trên tất cả mọi hiểu biết (x Eph 3:17-18). Nhờ việc chia sẻ Bánh Thánh Thể với anh chị em của mình trong cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cảm thấy được thôi thúc, như Đức Mẹ đối với bà Isave, trong việc ‘vội vã’ biến tình yêu của Chúa Kitô thành việc quảng đại phục vụ đối với anh chị em của chúng ta.

 

Hướng tới cuộc hội ngộ ở Sydney

 

Vấn đề này được sáng tỏ nơi lời khuyến dụ của tông đồ Gioan: ‘Hỡi các con nhỏ, chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng ngôn từ hay lời nói, mà trong chân lý và hành động. Có thế chúng ta mới nhận biết rằng chúng ta sống bởi sự thật’ (1Jn 3:18-19). Giới trẻ thân mến, trong tinh thần này, tôi mời gọi các bạn hãy cảm nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây với các vị giám mục của các bạn nơi giáo phận riêng của mình. Việc làm này sẽ là giai đoạn quan trọng trên con đường tiến đến cuộc gặp gỡ ở Sydney là cuộc gặp gỡ với chủ đề ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày’ (Acts 1:8). Chớ gì Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, giúp anh chị em vang lên khắp mọi nơi tiếng kêu làm biến đổi thế giới, tiếng kêu ‘Thiên Chúa là tình yêu!’ Tôi nguyện cầu cùng với tất cả anh chị em và gửi đến anh chị em phép lành chân thành của tôi.

 

Tại Vatican ngày 27/1/2007

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20070127_youth_en.html