CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT 

 

 

Trong Bức Thông Điệp đầu tiên, Tôi đã đề ra một dự án cho Giáo Triều của mình, Tôi đã nói rằng, “phận sự trọng yếu của Giáo Hội trong mọi thời đại, nhất là trong thời của chúng ta đây, là hướng cái nhìn của con người, là hướng dẫn việc nhận thức và cảm nghiệm của toàn thể nhân loại qui về mầu nhiệm Chúa Kitô” (Ibid.: loc. cit., 275).

 

Việc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội được phát sinh từ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, như đã được phát biểu trong bản tuyên xưng đức tin Chúa Ba Ngôi: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời ... Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã từ trời xuống thế: bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” (Kinh Tin Kính của Hai Công Đồng Chung Nicêa và Contantinôpôli: DS 150). Biến cố Cứu Chuộc đã mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người, “vì mỗi một người đều được bao gồm trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, và Chúa Kitô đã vĩnh viễn hiệp nhất chính mình với từng người nơi mầu nhiệm này” (Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 13: loc. cit., 283). Việc truyền giáo của Giáo Hội chỉ có ý nghĩa trong niềm tin và việc truyền giáo này bắt nguồn từ niềm tin.

 

Tuy nhiên, cũng căn cứ vào những đổi thay đã xẩy ra trong thời đại tân tiến ngày nay, cũng như căn cứ vào việc phát triển những tư tưởng mới về thần học, một số người đã ngẫm nghĩ rằng: “Công việc truyền giáo nơi những người ngoài Kitô giáo có còn thích ứng nữa hay chăng?” Nó chẳng phải đã được thay thế bằng việc đối thoại liên tôn rồi sao? Việc tiến bộ của nhân loại không phải là mục tiêu xứng hợp của việc Giáo Hội truyền giáo ư? Việc tôn trọng lương tâm và tự do của con người đã không loại trừ đi tất cả mọi nỗ lực để làm cho con người hoán cải rồi sao? Chẳng lẽ không thể nào đạt được ơn cứu độ nơi các tôn giáo khác à? Vậy thì tại sao lại cần phải thực hiện hoạt động truyền giáo?

 

 

“Không ai đến với Cha mà không qua Thày”

 

5-         Nếu chúng ta trở về với thuở ban đầu của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy được niềm xác tín rõ ràng, Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của tất cả mọi người, là Đấng duy nhất có thể tỏ Thiên Chúa ra và dẫn tất cả mọi người đến cùng Thiên Chúa. Để trả lời cho giáo quyền Do Thái vặn hỏi các Tông Đồ về việc chữa lành một người bị què, Thánh Phêrô đã nói: “Nhờ danh Chúa Giêsu Kitô Nazarét là Đấng quí vị đóng đanh, Đấng Thiên Chúa đã làm cho sống lại từ trong kẻ chết, Đấng mà nhờ Người người này đang lành mạnh đứng ở trước quí vị đây ... Không có ơn cứu độ nơi một người nào khác, vì không có một danh hiệu nào dưới gầm trời này được ban cho con người làm cho chúng ta được cứu độ” (Acts 4:10,12). Câu phát biểu ngỏ với Hội Đồng Do Thái ấy có một giá trị phổ quát, vì đối với tất cả mọi dân nước – Do Thái cũng như Dân Ngoại – ơn cứu độ chỉ có thể phát xuất từ Chúa Giêsu Kitô mà thôi.

 

Tính cách phổ quát của ơn cứu độ nơi Chúa Kitô được cả Thánh Kinh Tân Ước nhắc đến. Thánh Phaolô đã công nhận Chúa Kitô Phục Sinh là Chúa. Thánh nhân viết: “Mặc dù có nhiều vị được gọi là thần trên trời dưới đất – như thật sự đã có nhiều ‘thần’ và nhiều ‘chúa’ – nhưng đối với chúng ta chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha, nhờ Ngài tất cả mọi sự có, và vì Ngài mà chúng ta hiện hữu, cũng như chỉ có một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người tất cả mọi sự có và bởi Người chúng ta sống động” (1Cor.8:5-6). Một Thiên Chúa duy nhất và một Chúa duy nhất được Thánh Phaolô nhắc đến một cách tương phản với số đông “thần linh” và “chúa tể” được chung chung chấp nhận. Thánh Phaolô tỏ ra phản lại với thuyết đa thần nơi hoàn cảnh tôn giáo thời của thánh nhân, và nhấn mạnh đến cái làm nên đặc tính của niềm tin Kitô giáo, đó là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và vào một Chúa duy nhất được Thiên Chúa sai đến.

 

Trong Phúc Âm Thánh Gioan, tính cách phổ quát cứu độ này của Chúa Kitô bao gồm tất cả mọi khía cạnh thuộc sứ mệnh về ân sủng, chân lý và mạc khải của Người: Lời là “ánh sáng thật đã chiếu soi mọi người” (Jn.1:9). Còn nữa, “chưa ai đã từng thấy Thiên Chúa; duy Người Con một là Đấng ở trong lòng Cha mới là vị tỏ Cha ra” (Jn.1:18; x. Mt.11:27). Việc Thiên Chúa mạc khải được chấm dứt và hoàn tất nơi Người Con duy nhất của Ngài: “Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta trong quá khứ bằng nhiều cách thức khác nhau; nhưng trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta nơi Người Con, Đấng Ngài định cho thừa hưởng tất cả mọi sự, và bởi Đấng này Ngài đã dựng nên thế gian” (Heb.1:1-2; x. Jn.14:6).

 

Nơi Lời mạc khải cuối cùng này của Ngài, Thiên Chúa đã tỏ mình ra một cách khả dĩ trọn vẹn nhất. Ngài đã mạc khải cho con người biết Ngài là ai. Việc mạc khải mình ra sau hết này của Thiên Chúa là lý do sâu xa tại sao tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội không thể làm gì khác hơn là loan truyền Phúc Âm, tức là loan truyền trọn vẹn chân lý Thiên Chúa đã giúp chúng ta biết về Ngài.

 

Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người, một sự thật đã được chứng thực vào thời điểm của mình. Đối với sự thật này, cha đã được chỉ định để làm người rao giảng và làm tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), làm thày dạy Dân Ngoại trong đức tin và chân lý” (1Tim.2:5-7; x. Heb.4:14-16). Bởi thế, không ai có thể được hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vai trò trung gian duy nhất phổ quát của Chúa Kitô, không hề làm ngăn cản hành trình tiến đến với Thiên Chúa, là đường lối chính Thiên Chúa thiết lập, một sự kiện Chúa Kitô đã thừa biết. Mặc dầu cũng có những hình thức dự phần vào việc làm trung gian khác thể loại và khác cấp độ, chúng chỉ có ý nghĩa và giá trị là do vai trò trung gian riêng của Chúa Kitô mà thôi, và không được nghĩ rằng chúng song song với hay bổ khuyết cho vai trò trung gian của Người. 

 

6-         Làm bất cứ điều gì đưa đến việc phân rẽ Lời và Đức Giêsu Kitô là phản với đức tin Kitô giáo. Thánh Gioan đã minh bạch nói rằng Lời, Đấng “từ ban đầu đã ở nơi Thiên Chúa” cũng chính là Đấng “đã hóa thành nhục thể” (Jn.1:2,14). Chúa Giêsu là Lời Nhập Thể – một ngôi vị duy nhất bất phân. Người ta không thể phân tách Chúa Giêsu khỏi Đức Kitô, hay nói về một “Chúa Giêsu lịch sử” khác với “Đức Kitô của đức tin”. Giáo Hội công nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt.16:16): Đức Kitô này chính là Chúa Giêsu Nazarét; Người là Lời Thiên Chúa làm người vì phần rỗi của tất cả mọi người. Nơi Đức Kitô “trọn vẹn thần tính ngự trị một cách thể lý” (Col.2:9) và “tất cả chúng ta đã nhận lãnh từ sự viên mãn của Người” (Jn.1:16). “Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha” (Jn.1:18) là “Người Con yêu dấu, nơi Người chúng ta được ơn cứu chuộc... Vì trong Người tất cả những gì viên mãn của Thiên Chúa muốn ngự trị, và qua Người Thiên Chúa hòa giải tất cả mọi sự dưới đất cũng như trên trời, bằng việc làm hòa nơi máu của thập giá Người” (Col.1:13-14, 19-20). Chính tính cách độc nhất vô nhị này nơi Đức Kitô đã làm cho Người có một tầm quan trọng tuyệt đối và phổ quát, nhờ đó, dù thuộc về lịch sử, Người vẫn là tâm điểm và mục đích của lịch sử (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 2): “Ta là Alpha và là Omega, là trước hết và là sau cùng, là nguyên thủy và là cùng đích” (Rev.22:13).

 

Như thế, cho dù được phép và cần xét đến những khía cạnh khác nhau này nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta cũng không bao giờ được đánh mất tính cách hiệp nhất của mầu nhiệm ấy. Trong tiến trình nhận thức và cảm nhận những tặng ân đa diện – nhất là những kho tàng thiêng liêng – Thiên Chúa đã đổ xuống trên mọi người, chúng ta không thể phân rẽ những tặng ân này khỏi Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tâm điểm của dự án Thiên Chúa cứu độ. Như “nhờ việc nhập thể của mình, Con Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, đã liên kết mình với hết mọi người”, cũng thế, “chúng ta buộc phải tin rằng, Chúa Thánh Thần ban cho mọi người cơ hội để thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách nào đó chỉ có Thiên Chúa biết” (Ibid., đoạn 22). Dự án của Thiên Chúa là ở chỗ “kết hiệp tất cả mọi sự trong Đức Kitô, những sự trên trời cũng như những sự dưới đất” (Eph.1:10).

 

Tin Tưởng vào Chúa Kitô

dẫn đến Việc Con Người được Tự Do

 

7-         Việc khẩn thiết của hoạt động truyền giáo được bắt nguồn từ sự sống thực sự tươi mới do Chúa Kitô mang đến, cũng như được các môn đồ của Người mặc lấy. Sự sống mới này là một tặng ân của Thiên Chúa, và con người cần phải chấp nhận và phát triển nó, nếu họ muốn hiện thực trọn vẹn ơn gọi của mình hợp với Chúa Kitô. Toàn thể Tân Ước là một bản thánh ca hát lên sự sống mới này nơi những ai tin vào Đức Kitô và sống trong Giáo Hội của Người. Ơn cứu độ trong Chúa Kitô, như Giáo Hội làm chứng và loan truyền, là việc Thiên Chúa thông mình ra: “Chính tình yêu chẳng những dựng nên sự lành mà còn ban cả việc được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần nữa. Vì Ngài là Đấng yêu thích những ước muốn trao ban chính mình” (Thông Điệp Dives in Mesericordia – 30/11/1980 – đoạn 7: AAS 72 – 1980 – 1202).

 

Thiên Chúa ban cho con người sự sống mới này. “Người ta có thể phủ nhận Đức Kitô và mọi sự Người đã thực hiện trong lịch sử loài người được chăng? Dĩ nhiên là người ta có thể. Con người có tự do mà. Họ có thể nói ‘không’ với Thiên Chúa. Họ có thể nói ‘không’ với Đức Kitô. Thế nhưng, vấn đề chính yếu vẫn còn đó: Làm điều này có hợp lý hay chăng? Nếu hợp lý thì hợp lý ở chỗ nào?” (Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Krakow ngày 10-6-1979: AAS 71 – 1979 – 873).

 

Trong thế giới tân tiến ngày nay có một khuynh hướng làm con người giảm xuống chiều kích theo chiều ngang mà thôi. Thế nhưng, nếu không hướng đến Tuyệt Đối Thể thì con người sẽ ra sao? Câu trả lời cho vấn nạn này được tìm thấy nơi kinh nghiệm sống của mọi người, song nó cũng được lịch sử nhân loại ghi nhận, bằng những cuộc máu đổ nhân danh các ý thức hệ, hay bằng các chế độ chính trị chỉ tìm cách xây dựng một “tân nhân loại” ở ngoài Thiên Chúa (xem Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Mater et Magistra – 15/5/1961 – đoạn IV: AAS 53 – 1961 – 451-453).

 

Ngoài ra, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã trả lời cho những ai quan tâm đến việc bảo toàn quyền tự do lương tâm rằng: “Con người có quyền tự do tôn giáo... tất cả mọi người đều phải được bảo vệ cho khỏi bị cá nhân, phái nhóm hay bất cứ quyền lực nào của con người cưỡng ép, bắt họ phải tác hành ngược lại với lương tâm của mình về vấn đề tôn giáo, hay ngăn cản họ tác hành theo lương tâm của mình, ở nơi riêng cũng như công cộng, làm một mình hay hợp với người khác, trong một giới hạn thích hợp” (Tuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 2).

 

Việc loan truyền Chúa Kitô và làm chứng cho Người, một khi được thực hiện theo chiều hướng tôn trọng lương tâm con người, thì không vi phạm đến quyền tự do của con người. Đức tin đòi con người phải được tự do chấp nhận, thế nhưng, đồng thời đức tin cũng cần phải được cống hiến cho họ, vì “những nhóm người này có quyền biết đến nguồn phong phú của mầu nhiệm Chúa Kitô (x.Eph.3:8) - những phong phú chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, trong một mức độ trọn đầy thật sự, mọi sự mà họ đang mò mẫm tìm kiếm những gì liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và đến định mệnh của họ, đến sự sống và sự chết, đến chân lý... Đó là lý do tại sao Giáo Hội giữ tinh thần truyền giáo của mình sống động, thậm chí còn muốn làm cho nó tăng thêm trong giây phút lịch sử chúng ta đang sống đây” (Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi – 8/12/1975 – đoạn 53: AAS 68 – 1976 -, 42). Thế nhưng, cũng cần phải cùng với Công Đồng mà nói rằng, “theo phẩm vị làm người của mình, được trang bị bởi lý trí và ý muốn tự do, cũng như mang bên mình trách nhiệm bản thân, tất cả mọi người được thúc đẩy bởi bản tính tự nhiên của mình, cũng như bị bó buộc bởi những đòi hởi về luân lý, phải tìm kiếm chân lý, trên hết là chân lý về đạo giáo. Họ còn phải tin vào chân lý một khi nhận biết chân lý, và phải điều hành cả cuộc sống của mình theo đòi hỏi của chân lý nữa” (Tuyên Ngôn về Quyền Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 2).

 

Giáo Hội là Dấu Hiệu và là Phương Tiện Cứu Độ

 

9-         Thừa hưởng viên đầu tiên của ơn cứu chuộc là Giáo Hội. Chúa Kitô đã chiếm được Giáo Hội bằng giá máu của mình, và làm cho Giáo Hội thành cộng sự viên của mình trong việc cứu độ thế giới. Thật vậy, Chúa Kitô ở trong Giáo Hội. Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Chính Người là Đấng khiến cho Giáo Hội lớn lên. Người thực hiện sứ mệnh của Người qua Giáo Hội.

 

Công Đồng thường nhắc đến vai trò của Giáo Hội trong việc cứu độ nhân loại. Nhận thức được Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, và ban cho họ cơ hội lãnh nhận ơn cứu độ (x.1Tim.2:4; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14-17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3), Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa đã thiết lập Chúa Kitô như vị trung gian duy nhất, và chính Giáo Hội cũng được thiết lập như một bí tích cứu độ phổ quát (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 48; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 7, 21). “Bởi thế, tất cả mọi người được kêu gọi tham dự vào mối hiệp nhất công giáo này của dân Chúa, họ thuộc về mối hiệp nhất này, hay hướng về mối hiệp nhất này bằng nhiều cách khác nhau, dù họ là tín hữu Công Giáo, hay là các người tin vào Đức Kitô, và sau hết dù họ là tất cả mọi người ở khắp nơi nhờ ơn Chúa được kêu gọi đến ơn cứu độ” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13). Cần phải giữ lấy cả hai chân lý này, tức là chân lý mọi người thực sự có cơ hội được cứu độ nơi Chúa Kitô, và chân lý Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ. Cả hai chân lý này giúp chúng ta hiểu được một mầu nhiệm cứu độ duy nhất, để chúng ta có thể nhận biết tình thương của Thiên Chúa, cũng như biết được trách nhiệm của riêng mình. Ơn cứu độ, một ơn bao giờ cũng là do Thần Linh ban tặng, đòi con người phải cộng tác, cả trong việc cứu lấy mình và cứu lấy cả người khác nữa. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, và đó là lý do tại sao Ngài đã thiết lập Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở thành một phần thuộc dự án cứu độ của Ngài. Đối với “dân thiên sai này”, Công Đồng nói: “Dân này đã được Chúa Kitô thiết lập như một hiệp thông sự sống, yêu thương và chân lý; Người cũng muốn dùng dân này như dụng cụ cứu độ tất cả mọi người, và sai đi truyền giáo khắp thế giới như ánh sáng thế gian và như muối đất” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13).

 

Ơn Cứu Độ Nơi Chúa Kitô

được Hiến Ban cho Tất Cả Mọi Người

 

10-       Tính cách phổ quát của ơn cứu độ có nghĩa là ơn cứu độ không phải chỉ được ban cho những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo Hội. Vì được ban cho tất cả mọi người, ơn cứu độ phải thuận lợi một cách cụ thể đối với mọi người. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hôm nay đây, cũng như trong quá khứ, nhiều người không có cơ hội biết đến hay chấp nhận mạc khải Phúc Âm hoặc gia nhập Giáo Hội. Những điều kiện về xã hội và văn hóa họ sống không cho phép họ thực hiện được điều này, và họ thường được dưỡng dục theo các truyền thống tôn giáo khác. Đối với những người như vậy, mặc dù họ có liên hệ một cách mầu nhiệm nào đó với Giáo Hội, ơn cứu độ nơi Chúa Kitô bởi ân sủng cũng không làm cho họ chính thức trở thành phần tử của Giáo Hội, song chỉ soi sáng cho họ bằng một đường lối hợp với tình trạng tinh thần và thể chất của họ mà thôi. Ân sủng này là do Chúa Kitô ban cho; ân sủng ấy là hoa trái của việc Người Hiến Tế và được Thánh Linh thông ban cho. Ân sủng ấy giúp cho mỗi người đạt đến ơn cứu độ bằng việc tự do cộng tác của họ.

 

Vì lý do này, sau khi xác nhận vai trò chính yếu của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Công Đồng liền tuyên bố rằng: “Mầu Nhiệm Vượt Qua không chỉ áp dụng cho Kitô hữu thôi, mà còn cho tất cả mọi người thiện chí được ân sủng âm thầm tác động trong lòng họ nữa. Vì Chúa Kitô chết cho mọi người, và vì ơn gọi tối thượng của mỗi người chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa, do đó, ơn gọi này là một ơn gọi phổ quát, mà chúng ta buộc phải tin rằng Chúa Thánh Thần hiến cho mọi người cơ hội được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách nào đó chỉ một mình Thiên Chúa biết” (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 22).

 

“Chúng Tôi không thể nào không nói”

 

11-       Vậy thì chúng ta phải nói làm sao về những chống đối đã được đề cập đến liên quan tới việc truyền giáo ad gentes đây? Cho dù tôn trọng niềm tin và cảm nhận của tất cả mọi người, chúng ta trước hết cũng phải tỏ tường xác nhận đức tin của mình nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của loài người, một đức tin chúng ta đã lãnh nhận như một tặng ân bởi trời, chứ không phải như thành quả của công lênh riêng mình. Cùng với Thánh Phaolô chúng ta hãy nói rằng “tôi không hổ thẹn vì Phúc Âm: Phúc Âm là quyền năng của Thiên Chúa đối với phần rỗi cho những ai tin tưởng” (Rm.1:16). Các vị tử đạo Kitô giáo qua khắp mọi đời – kể cả thời của chúng ta đây – đã hiến mạng sống và tiếp tục hiến mạng sống của mình để minh chứng cho đức tin này, với niềm xác tín là, hết mọi con người đều cần đến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết, và đã hòa giải loài người với Thiên Chúa.

 

Xác nhận lời của mình bằng các phép lạ và bằng việc Phục Sinh từ cõi chết, Chúa Kitô công bố Người là Con Thiên Chúa, mật thiết hiệp nhất với Cha, các môn đệ của Người cũng nhận thức được như thế. Giáo Hội cung hiến cho loài người Phúc Âm, một sứ điệp ngôn sứ đáp ứng các nhu cầu cùng với các ước vọng của tâm can con người, một sứ điệp bao giờ cũng là “Tin Mừng”. Giáo Hội không thể không loan truyền việc Chúa Giêsu đã đến để tỏ cho con người thấy dung nhan của Thiên Chúa, cũng như để lập công cứu độ cho toàn thể nhân loại, bằng Thập Tự Giá và Cuộc Phục Sinh của Người.

 

Đối với vấn nạn “tại sao lại truyền giáo?”, cùng với đức tin và kinh nghiệm của Giáo Hội, câu giải đáp của chúng ta đó là, việc giải phóng thực sự hệ tại việc mở lòng mình ra cho tình yêu của Chúa Kitô. Chúng ta được giải thoát khỏi mọi xa cách và ngờ vực, khỏi mọi thứ nô lệ cho quyền lực tội lỗi và sự chết, trong Người và chỉ trong Người mà thôi. Chúa Kitô thực sự là “bình an của chúng ta” (Eph.2:14); “tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta” (2Cor.5:14), ban cho đời sống chúng ta ý nghĩa và niềm vui. Truyền giáo là một vấn đề của đức tin, một chứng tỏ xác thực cho thấy niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô và nơi tình Người yêu thương chúng ta.

 

Hôm nay đây có một khuynh hướng muốn kéo Kitô giáo xuống tầm mức khôn ngoan thuần túy loài người, một ngụy khoa học về vấn đề an sinh. Trong một thế giới bị tục hóa trầm trọng của chúng ta đây vẫn đang diễn ra một “cuộc tục hóa dần dần ơn cứu chuộc”, trong việc người ta tranh đấu cho thiện ích của con người, thế nhưng, bị cắt xén, con người đã tụt xuống chiều kích hoàn toàn theo chiều ngang. Thế mà, như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đến để mang lại ơn cứu độ chân chính, một ơn cứu độ bao gồm trọn vẹn con người và toàn thể loài người, một ơn cứu độ mở ra một viễn ảnh tuyệt vời, hướng tới việc làm con cái thần linh. Tại sao lại truyền giáo? Bởi vì, chúng ta cũng như Thánh Phaolô “được ân sủng là để rao giảng cho Dân Ngoại các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô” (Eph.3:8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một “Tin Mừng” cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Thật vậy, tất cả mọi người đang tìm kiếm sự sống ấy, mặc dù có những lúc tìm kiếm bằng một đường lối lầm lẫn, và mọi người đều có quyền biết đến giá trị của tặng ân này, cũng như được tự do tiến đến với tặng ân ấy. Giáo Hội cũng như mọi người Kitô hữu ở trong Giáo Hội không được giữ kín hay độc quyền trên sự sống mới và trên kho tàng họ đã lãnh nhận bởi lòng lành Thiên Chúa là để thông truyền cho toàn thể loài người ấy.

 

Đó là lý do tại sao việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. Họ luôn luôn phải nhớ rằng, “họ có được vị trí nổi nang không phải là do công lênh của họ, mà là do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô; và nếu họ không đáp ứng ân sủng này trong tử tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ sẽ không được cứu độ, họ còn bị phán xét nghiêm ngặt hơn nữa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 14).