IV 

CHÂN TRỜI BAO RỘNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO AD GENTES 

 

 

Chúa Giêsu đã sai các Tông Đồ của Người đến với mọi người, mọi dân tộc và hết mọi nơi trên mặt đất này. Qua các Vị Tông Đồ, Giáo Hội đã lãnh nhận một sứ vụ phổ quát – một sứ vụ vượt biên cương bờ cõi – một sứ vụ bao gồm việc thông truyền nguyên vẹn ơn cứu độ đúng như sự sống viên mãn được Chúa Kitô ban cho (x. Jn 10:10). Giáo Hội đã được “Chúa Kitô sai đi để tỏ ra cũng như để thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi con người và mọi quốc gia” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 10).

 

Sứ vụ này là một sứ vụ duy nhất và bất phân chia, chỉ có một nguồn gốc và một mục đích duy nhất; thế nhưng, sứ vụ này cũng bao gồm những công việc khác nhau và các thứ hoạt động khác nhau. Trước hết, có một hoạt động truyền giáo chúng ta gọi là truyền giáo ad gentes (cho các dân tộc), dựa theo tên gọi mở đầu cho Sắc Lệnh của Công Đồng Chung Vaticanô II về vấn đề này. Đây là một trong những hoạt động căn bản của Giáo Hội: nó là một hoạt động thiết yếu và không bao giờ chấm dứt. Thật vậy, Giáo Hội “không thể rút lui khỏi sứ vụ vĩnh viễn của mình trong việc mang Phúc Âm đến cho các đám đông dân chúng – cho cả hằng triệu triệu người nam nữ – thành phần chưa biết đến Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Đây là một hoạt động truyền giáo được Chúa Giêsu đã đặc biệt ủy thác và còn ủy thác mỗi ngày cho Giáo Hội của Người” (Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici – 30/12/1988 – đoạn 35: AAS 81 – 1989 – 457).

 

Một Hình Ảnh Đạo Nghĩa

Phức Tạp và Đổi Thay hơn bao giờ hết

 

32-       Hôm nay đây, chúng ta đang đối diện với một tình trạng đạo nghĩa hết sức khác biệt và đổi thay. Các dân tộc đang chuyển biến; các thực tại về xã hội và tôn giáo, trước kia rõ ràng đâu vào đó, ngày nay lại càng trở nên phức tạp hơn. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến một vài hiện tượng, như việc thành thị hóa, việc ồ ạt di dân, làn sóng những người tị nạn, tình trạng bại hoại kitô giáo ở những xứ sở theo truyền thống Kitô giáo cổ kính, việc Phúc Âm và các giá trị của Phúc Âm càng gây tác dụng chưa từng thấy tại các xứ sở không theo Kitô giáo, cũng như tình trạng lan tràn nhanh chóng các việc sùng bái thần tượng thiên sai và các giáo phái. Tình trạng đột biến về đạo nghĩa và xã hội đã trở thành một tình trạng khó khăn trong việc áp dụng thực hành một số những chuyên biệt và những thứ loại của giáo hội đã quen thuộc đối với chúng ta. Ngay cả trước Công Đồng Chung Vaticanô II, có một số thành phố và xứ sở Kitô giáo đã trở thành những “địa sở truyền giáo”; thế mà tình trạng rõ ràng vẫn cho thấy chưa cải tiến gì qua những năm tháng từ hồi đó đến nay.

 

Trong khi đó, công việc truyền giáo lại gặt hái được nhiều kết quả khắp thế giới, để có những Giáo Hội được thiết lập tốt đẹp như hiện nay, đôi khi còn tốt lành và trưởng thành đến nỗi có thể cung ứng cho nhu cầu của riêng cộng đồng mình, mà thậm chí còn gửi cả người đi truyền bá phúc âm hóa tại các Giáo Hội khác và địa sở khác nữa. Sự kiện này trái với một số miền theo Kitô giáo truyền thống đang cần phải được tái truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế mới có một số người đặt vấn nạn là có nên tiếp tục nói đến hoạt động truyền giáo đặc biệt hay đến những miền “truyền giáo” đặc biệt, thay vào đó chúng ta nên nói đến một trường hợp truyền giáo duy nhất, với một việc truyền giáo duy nhất, giống như ở mọi nơi vậy. Cái khó khăn của vấn đề liên hệ đến thực tại phức tạp và đổi thay này, với việc cần phải truyền bá phúc âm hóa, rõ ràng là ở chỗ “ngôn ngữ truyền giáo”. Chẳng hạn như có một sự ngần ngại nào đó trong việc sử dụng các từ ngữ “những việc truyền giáo” và “những nhà truyền giáo”, những chữ được coi như đã lỗi thời và mang theo những ý nghĩa tiêu cực về mặt lịch sử. Người ta thích dùng danh từ “truyền giáo” ở số ít và tĩnh từ “truyền giáo” để diễn tả tất cả mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.

 

Cái trăn trở này cho thấy có một sự thay đổi thực sự, một sự đổi thay có những khía cạnh tích cực nào đó. Cái được gọi là trở về hay “về nguồn” của các việc truyền giáo trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, việc đem truyền giáo học vào giáo hội học, và việc hội nhập cả hai lãnh vực này vào dự án cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã tạo nên cho chính hoạt động truyền giáo một đà tiến mới, một hoạt động đối với Giáo Hội không được coi như là một việc bên ngoài lề, mà là ở ngay cốt lõi của đời sống Giáo Hội, như là một công việc trọng yếu của toàn thể Dân Chúa. Tuy nhiên, cần phải để ý tránh cái nguy hiểm của việc đặt những trường hợp khác nhau ở cùng một mức độ, cũng như của việc làm suy giảm, thậm chí loại trừ, việc truyền giáo và các nhà truyền giáo ad gentes của Giáo Hội. Nói rằng toàn thể Giáo Hội là thừa sai thì không phải loại bỏ đi việc hiện hữu của việc chuyên biệt truyền giáo ad gentes, mà chỉ có ý nói rằng, tất cả mọi người Công Giáo phải là những nhà truyền giáo, ở chỗ, chẳng những không loại trừ mà thực sự còn đòi buộc phải có những con người nhận lãnh một ơn gọi đặc biệt để là “những nhà truyền giáo cả một đời ad gentes”.

 

Việc Truyền Giáo ad gentes

vẫn giữ nguyên Giá Trị của mình

 

33-       Vấn đề về tính cách đa diện nơi các hoạt động trong cùng một sứ mệnh truyền giáo duy nhất của Giáo Hội không thuộc về bản chất của sứ mệnh truyền giáo, mà là do bởi tính cách khác nhau nơi hoàn cảnh thực hiện việc truyền giáo (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6). Nhìn vào thế giới hôm nay, bằng quan điểm của việc truyền bá phúc âm hóa, chúng ta có thể phân biệt ba trường hợp.

 

Trường hợp thứ nhất được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới, đó là các dân tộc, các nhóm người và các tương quan văn hóa xã hội chưa biết đến Chúa Kitô cùng Phúc Âm của Người, hay còn thiếu những cộng đồng Kitô hữu đủ trưởng thành để có thể hiện thực đức tin trong môi trường sống của họ, cũng như để loan báo đức tin của họ cho những nhóm người khác. Đây là việc truyền giáo ad gentes theo đúng nghĩa của từ ngữ (xem ibid).

 

Trường hợp thứ hai là những cộng đồng Kitô hữu được thiết lập đầy đủ và vững chắc. Họ hăng say với đức tin và  sống đời Kitô hữu của mình. Họ làm chứng cho Phúc Âm nơi hoàn cảnh sống của mình và cảm thấy cần phải dấn thân cho việc truyền giáo chung. Giáo Hội thực hiện hoạt động và việc mục vụ chăm sóc tín hữu của mình nơi những cộng đoàn này.

 

Trường hợp thứ ba là trường hợp ở giữa, đặc biệt là trường hợp ở nơi những xứ sở có gốc gác Kitô giáo lâu đời, đôi khi ở cả những Giáo Hội không lâu đời như vậy, là những nơi hết thảy các nhóm người lãnh nhận phép rửa đã mất đi cảm quan sống động của đức tin, thậm chí không còn coi mình là phần tử của Giáo Hội nữa, và sống một cuộc đời xa biệt hẳn với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người. Điều cần phải làm trong trường hợp này đó là “việc tân truyền bá phúc âm hóa” hay “việc tái truyền bá phúc âm hóa” vậy.

 

34-       Hoạt động truyền giáo xứng danh, tức là việc truyền giáo ad gentes (cho các dân tộc), nhắm đến “các dân tộc hay các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô”, “những người xa cách Chúa Kitô”, những người Giáo Hội “chưa đâm rễ” (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 18-20: loc. cit., 17-19). Việc này khác hẳn với các hoạt động khác của giáo hội, vì nó nhắm đến các nhóm người và các môi trường ngoài Kitô giáo là những gì chưa có hay chưa đủ việc giảng dạy Phúc Âm cũng như việc hiện diện của Giáo Hội. Bởi thế, nó mang đặc tính như là một việc loan báo Chúa Kitô cùng với Phúc Âm của Người, việc thiết lập Giáo Hội địa phương và là việc cổ võ các giá trị thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa. Bản chất chuyên biệt của việc truyền giáo ad gentes này là ở chỗ nó nhắm đến “những người không phải Kitô hữu”. Bởi thế, cần phải làm sao để bảo đảm được rằng, “việc truyền giáo đã được Chúa Giêsu ủy thác và còn ủy thác từng ngày cho Giáo Hội của Người” (Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân Christifideles Laici, đoạn 35: loc. cit., 457) một cách đặc biệt này không trở nên một phần việc tầm thường đối với toàn thể sứ vụ của tất cả Dân Chúa, khiến cho việc ấy bị bỏ bê hay quên lãng.

 

Ngoài ra, các ranh giới phân chia giữa việc mục vụ chăm sóc tín hữu, việc tân truyền bá phúc âm hóaviệc hoạt động truyền giáo chuyên biệt không thể nào phân định được một cách rõ ràng, cũng không được nghĩ là chúng sẽ tạo nên những cản trở cho nhau, hay nghĩ rằng chúng là những ao tù. Tuy nhiên, cũng không được làm suy yếu lòng hăng say rao giảng Phúc Âm và thiết lập các Giáo Hội mới ở nơi các dân nước, hay ở các cộng đồng chưa có mặt của Giáo Hội, vì đây là công việc tiên quyết của Giáo Hội, một Giáo Hội đã được sai đến với tất cả mọi dân nước và cho đến tận cùng trái đất. Nếu không thực hiện việc truyền giáo ad gentes này, thì chiều kích truyền giáo của Giáo Hội sẽ bị mất đi ý nghĩa thiết yếu của mình, cũng như sẽ thiếu mất chính hoạt động biểu lộ chiều kích ấy. 

 

Cũng cần phải lưu ý đến việc liên thuộc thực sự và tăng lên giữa những hoạt động cứu độ khác nhau này của Giáo Hội. Mỗi hoạt động này đều ảnh hưởng lẫn nhau, kích động lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Việc đẩy mạnh vấn đề truyền giáo khuyến khích những mối tương giao giữa các Giáo Hội, và hướng các Giáo Hội tới một thế giới rộng mở hơn, bằng những ảnh hưởng tích cực trong mọi lãnh vực. Các Giáo Hội ở những xứ sở theo truyền thống Kitô giáo chẳng hạn, phải bận tâm vào việc tân truyền bá phúc âm hóa gay go, đang hiểu được một cách rõ ràng là, họ không thể là các nhà truyền giáo cho các người ngoài Kitô giáo, ở các quê hương đất nước hay địa lục khác, nếu họ không hết sức quan tâm tới những người ngoài Kitô giáo tại phần đất của mình. Do đó, hoạt động truyền giáo ad intra (nội tại hay đối nội) là một dấu chỉ khả tín và là một kích thích cho hoạt động truyền giáo ad extra (ngoại tại hay đối ngoại), ngược lại cũng thế.

 

Truyền Giáo cho Mọi Người, bất chấp Khó Khăn

 

35-       Vấn đề truyền giáo ad gentes đụng phải một công viêïc lớn lao, một việc không thể nào thiếu được. Thật vậy, cả về quan điểm tăng phát nhân số, cũng như về quan điểm văn hóa xã hội liên quan đến hình thức nơi các mối liên hệ mới, đến những việc giao tiếp mới và những tình trạng thay đổi mới, thì việc truyền giáo dường như được nhắm tới những chân trời rộng mở hơn bao giờ hết. Công việc loan báo Chúa Giêsu Kitô cho tất cả mọi dân nước thật là vĩ đại, vượt ra ngoài tất cả mọi tầm mức cân đối theo nguồn lực nhân loại của Giáo Hội. 

 

Nếu đây là một vấn đề hoàn toàn thuộc về công cuộc của loài người thì những khó khăn ấy sẽ không thể nào vượt qua nổi và có thể dễ bị thất đảm. Ở một số xứ sở đã từ chối không cho các nhà truyền giáo vào. Tại những nơi khác, chẳng những cấm không được thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa mà còn cấm cả việc trở lại nữa, thậm chí cả việc thờ phượng theo Kitô giáo. Có nơi trở ngại gây ra bởi bản chất của văn hóa, như việc truyền đạt sứ điệp Phúc Âm được coi là không thích hợp hay không thể nào hiểu nổi, và việc trở lại được coi như là việc ruồng bỏ dân tộc cùng với văn hóa của mình.

 

36-       Cũng không thiếu những khó khăn ở ngay trong nội bộ của thành phần Dân Chúa; thật vậy, những khó khăn này là niềm đau đớn nhất của tất cả mọi người. Cái khó khăn đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vạch ra cho thấy là “việc thiếu lòng sốt mến. Trở ngại này càng trầm trọng hơn nữa vì nó phát xuất từ bên trong. Nó bộc lộ cho thấy ở chỗ mệt mỏi, mất hăng hái, dung hòa, thiếu hào hứng, nhất là thiếu vui vẻ và hy vọng” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80: loc. cit., 73). Những trở ngại lớn lao khác đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bao gồm cả những vấn đề chia rẽ giữa Kitô hữu với nhau (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), vấn đề băng hoại kitô giáo trong các xứ sở Kitô giáo, vấn đề sa sút ơn kêu gọi hoạt động tông đồ, và vấn đề chứng từ nơi tín hữu cũng như cộng đồng Kitô hữu không biểu lộ bằng việc sống theo gương Chúa Kitô. Thế nhưng, một trong những lý do nghiêm trọng nhất đối với tình trạng thiếu hứng khởi trong công việc truyền giáo đó là cái khuynh hướng đầy những dửng dưng, một khuynh hướng mà tiếc thay cũng xẩy ra nơi cả thành phần các Kitô hữu nữa. Khuynh hướng này bắt nguồn từ các quan điểm thần học sai lầm, có đặc tính của khuynh hướng đạo nghĩa tương đối, để rồi chủ trương là “đạo nào cũng tốt như nhau”. Với những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chúng ta có thể thêm là, còn có một số “những lý do tránh né làm ngăn trở việc truyền bá phúc âm hóa. Chắc chắn lý do tránh né tai hại ngấm ngầm nhất đó là những lý do người ta nại vào giáo huấn này nọ của Công Đồng Chung Vaticanô II” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 80: loc. cit., 73).

 

Về khía cạnh này, Tôi tha thiết xin các nhà thần học và các phóng viên Kitô giáo chuyên nghiệp hãy tăng gia việc phục vụ của mình cho việc truyền giáo của Giáo Hội, để nhận thức được ý nghĩa sâu xa nơi việc mình làm, khi dựa theo những đường lối vững chắc là “cùng suy nghĩ với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia).

 

Những khó khăn bên trong và bên ngoài không được làm cho chúng ta bi quan và bất động. Cái cần, ở đây cũng như ở mọi lãnh vực khác của đời sống Kitô hữu, đó là lòng cậy trông theo đức tin, bằng một niềm xác tín chúng ta không phải là tác nhân chính của việc Giáo Hội truyền giáo, mà là Chúa Giêsu Kitô cùng với Thần Linh của Người. Chúng ta chỉ là thành phần cộng sự viên, và khi chúng ta làm xong tất cả mọi sự chúng ta phải nói rằng: “Chúng tôi là những người đầy tớ bất xứng; chúng tôi chỉ làm những gì theo phận sự của mình mà thôi” (Lk 17:10).

Những Tính Chất của Việc Giáo Hội Truyền Giáo

ad gentes

 

37-       Theo mệnh lệnh phổ quát của Chúa Kitô, việc truyền giáo ad gentes không còn biết đến biên cương bờ cõi nữa. Tuy nhiên, để nắm vững được tình thế, cũng nên xác định một số mốc điểm cần thiết cho việc truyền giáo.

 

(a)            Những Giới Hạn Về Lãnh Thổ. Hoạt động truyền giáo thường được xác định bởi những lãnh thổ riêng biệt. Công Đồng Chung Vaticanô II đã công nhân chiều kích lãnh thổ nơi việc truyền giáo ad gentes này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), một chiều kích ngay cả tới ngày hôm nay đây vẫn còn quan trọng đối với việc phân định trách nhiệm, hoạt động và giới hạn về địa dư của hoạt động truyền giáo. Việc truyền giáo phổ quát chắc chắn bao hàm cả một quan điểm đại đồng. Thật vậy, Giáo Hội không để cho nhà truyền giáo của mình bị cản trở bởi các giới tuyến về địa dư hay các ngăn trở về chính trị. Tuy nhiên, cũng phải công nhận là, vì khác với việc mục vụ chăm sóc cho tín hữu, cũng như khác với việc tân truyền bá phúc âm hóa cho thành phần không sống đạo, hoạt động truyền giáo ad gentes chỉ thực hiện tại các lãnh thổ và các nhóm người được ấn định rõ ràng.

 

Chúng ta cũng không được ảo tưởng về việc phát triển thêm một số Giáo Hội mới trong những thời gian gần đây. Trong các lãnh thổ được ký thác cho các Giáo Hội này – đặc biệt là ở Á Châu, cũng như ở Phi Châu, ở Châu Mỹ La Tinh và ở Đại Dương Châu – vẫn còn có những vùng rộng lớn chưa được truyền bá phúc âm hóa. Nơi nhiều quốc gia có cả khối dân chúng và những lãnh vực văn hóa mang tầm vóc quan trọng vẫn chưa được nghe loan báo về Phúc Âm và về việc hiện diện của Giáo Hội địa phương (xem ibid., 20). Ngay cả nơi những xứ sở Kitô giáo lâu đời cũng có những miền còn đang được việc truyền giáo ad gentes đặc biệt thực hiện cho những nhóm người và những khu vực chưa được truyền bá phúc âm hóa. Bởi vậy, nơi cả những xứ sở này nữa, chẳng những cần đến việc tân truyền bá phúc âm hóa mà còn, ở một số trường hợp, cần đến việc bắt đầu truyền bá phúc âm hóa nữa (xem Diễn Từ ngỏ với các phần tử của Hội Nghị của Công Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, ngày 11-10-1985: AAS 78 – 1986 – 178-189).

 

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những trường hợp như nhau. Khi công nhận rằng những câu phát biểu về trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội sẽ không có công hiệu gì, nếu chúng không được nâng đỡ bằng một cuộc dấn thân thực sự cho việc tân truyền bá phúc âm hóa nơi các xứ sở Kitô giáo lâu đời, thì không có nghĩa là coi họ giống hệt như trường hợp của một dân tộc chưa bao giờ biết đến Chúa Giêsu Kitô, cũng như trường hợp của một dân tộc đã biết Người, chấp nhận Người và rồi lại phủ nhận Người, trong khi đó họ vẫn tiếp tục sống theo một nền văn hóa mà phần lớn được thấm nhiễm các nguyên tắc và giá trị Phúc Âm. Xét về đức tin thì đây là hai trường hợp khác nhau tận căn bản.

 

Bởi vậy, tiêu chuẩn về địa dư, mặc dầu có một cái gì đó không chính xác cho lắm và luôn luôn tạm bợ vậy thôi, cũng vẫn là một ấn định vững chắc về những giới tuyến được hoạt động truyền giáo nhắm tới. Có những xứ sở cũng như những lãnh vực về địa dư và về văn hóa thiếu những cộng đồng Kitô hữu bản xứ. Ở những nơi khác, những cộng đồng này lại quá nhỏ, đến nỗi không phải là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc hiện diện của Kitô giáo; hay họ thiếu năng động để truyền bá phúc âm hóa cho các cơ cấu tổ chức của họ, hoặc họ thuộc về một thành phần thiểu số không hội nhập với nền văn hóa chính của quốc gia. Đặc biệt ở Á Châu là lục địa mà việc truyền giáo của Giáo Hội ad gentes phải chủ yếu nhắm tới, Kitô hữu chỉ là một thiểu số nhỏ bé, mặc dù đôi khi có một con số trở lại đáng kể và có những gương sáng nổi bật qua việc hiện diện của Kitô hữu.

 

(b)            Những tân thế giới và những hiện tượng mới. Những biến đổi nhanh chóng và sâu xa làm nên đặc tính của thế giới ngày nay, nhất là ở nam bán cầu, đang tác dụng mạnh trên toàn diện bức ảnh truyền giáo. Nơi mà trước kia có những trường hợp nhân bản và xã hội vững chắc thì nay mọi sự lại không ngừng chuyển biến. Chẳng hạn, người ta nghĩ đến việc thành thị hóa và việc các phố xá mọc lên như nấm, nhất là nơi có mật độ dân cư đông đúc. Ở nơi một số không ít quốc gia, hơn nửa dân số sống tại một vài địa điểm “megalopolises”, tức là nơi phát xuất các tệ nạn, thường gây ra bởi khối người tự cảm thấy cái vô danh phận của mình.

 

Trong thời đại tân tiến này, hoạt động truyền giáo cần phải được thực hiện đặc biệt ở những khu vực cô lập lẻ loi, xa biệt với các trung tâm văn minh, cũng là những nơi khó xâm nhập, bởi những khó khăn về truyền thông, ngôn ngữ hay khí hậu. Ngày nay, hình ảnh của việc truyền giáo ad gentes có lẽ đang thay đổi, đó là phải tập trung nỗ lực vào các thành thị lớn, nơi mà những tập tục và lối sống mới, xuất phát cùng với những thể thức mới về văn hóa và truyền thông là những yếu tố ảnh hưởng đến phần đông dân chúng. Người ta nghĩ đúng, “việc chọn thành phần cùng khốn nhất” tức là việc chúng ta không được chểnh mảng đối với những nhóm người bị bỏ rơi và lẻ loi nhất, thế nhưng, người ta nghĩ cũng không sai, đó là, nếu chúng ta bỏ rơi những trung tâm, nơi có thể nói, đang xuất hiện một thứ tân nhân loại, và là nơi đang hình thành những mô thức phát triển mới, thì có những con người hay những nhóm nhỏ sẽ không được truyền bá phúc âm hóa cho. Tương lai của các quốc gia trẻ trung đang hình thành tại các thành phố.

 

Nói đến tương lai, chúng ta không thể không nói đến giới trẻ, thành phần làm nên hơn nửa phần dân số ở nhiều quốc gia. Chúng ta làm sao có thể mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho giới trẻ không phải là Kitô hữu, thành phần tiêu biểu cho tương lai của toàn thể các đại lục. Những phương tiện thông thường trong hoạt động mục vụ rõ ràng cho thấy là vẫn chưa đủ: cái cần thiết ở đây đó là những hội đoàn, những tổ chức, những trung tâm và nhóm hội chuyên biệt, cũng như những khởi xướng về văn hóa và xã hội dành cho giới trẻ. Đây là một lãnh vực cho các phong trào tân thời của giáo hội hoạt động mạnh hơn.

 

Trong số những biến chuyển lớn đang xẩy ra trên thế giới hiện đại, việc di dân đã nẩy sinh ra một hiện tượng mới, đó là thành phần ngoài Kitô giáo đang tăng số rất đông tại các xứ sở Kitô giáo lâu đời, tạo nên những cơ hội mới mẻ cho việc tiếp xúc và trao đổi văn hóa, cũng như những cơ hội để Giáo Hội tỏ ra nồng hậu, đối thoại, trợ giúp, và, tắt một lời, thân ái. Trong số những người di dân, phải đề cao và chú trọng đến các người tị nạn. Ngày nay, trên thế giới có nhiều triệu người tị nạn, và con số những người tị nạn này không ngừng tăng lên. Họ đào thoát cho khỏi những hoàn cảnh bị đàn áp về chính trị và phải sống trong cùng khốn vô nhân bản, khỏi đói khát gây ra bởi những tỷ lệ về tai ương. Giáo Hội phải coi họ như một phần trong toàn thể mối quan tâm tông đồ của mình.

 

Sau hết, chúng ta cần đề cập tới những trường hợp nghèo khó – thường ở trên một mức độ không thể nào chấp nhận được – đã xẩy ra ở một số không ít xứ sở, và thường là nguyên cớ gây nên việc di dân đông đảo. Cộng đồng tín hữu trong Chúa Kitô phải đương đầu với những trường hợp vô nhân bản ấy, ở chỗ, họ phải loan báo Chúa Kitô và Vương Quốc của Thiên Chúa như là một phương tiện để phục hồi phẩm giá của con người cho những người này.

 

(c)              Những lãnh vực văn hóa: hình ảnh tân thời của Công Hội Viện Hy Lạp. Sau khi rao giảng ở một số nơi, Thánh Phaolô đến Nhã Điển, nơi ngài vào Công Hội Viện của họ và loan báo Phúc Âm bằng ngôn ngữ thích hợp, dễ hiểu trong các khung cảnh đó (x. Acts 17:22-31). Vào thời bấy giờ, Công Hội Viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hóa của thành phần học thức ở Nhã Điển, và ngày nay nó có thể được coi như một biểu hiệu cho các lãnh vực mới cần phải được loan báo Phúc Âm.

 

Công Hội Viện đầu tiên của thời hiện đại là lãnh giới truyền thông, một lãnh giới đang liên kết nhân loại lại và đang biến nhân loại thành cái gọi là “khu làng hoàn vũ”. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi, đối với nhiều người, là phương tiện chính để trao đổi tin tức và giáo dục, để hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ nơi cá nhân, gia đình và trong xã hội nói chung. Nhất là đối với thế hệ trẻ trung đang lớn lên trong một thế giới được môi trường truyền thông vây bủa. Có lẽ thứ Công Hội Viện này đã bị bỏ bê ở một mức độ nào đó. Nói chung, chúng ta đã chú trọng đến các phương tiện khác để rao giảng Phúc Âm và để giáo dục Kitô hữu hơn, còn môi trường truyền thông thì bỏ mặc cho sáng kiến cá nhân hay cho các nhóm nhỏ nào đó, và đặt nó vào hàng thứ yếu trong chương trình mục vụ của mình. Thế nhưng, việc dấn thân vào môi trường truyền thông không phải chỉ để làm tăng cường thêm cho việc rao giảng Phúc Âm thôi. Còn có một thực tại sâu xa hơn chất chứa ở đó nữa: vì chính việc truyền bá phúc âm hóa cho văn hóa tân tiến ngày nay một phần lớn tùy thuộc vào ảnh hưởng của truyền thông, nên chỉ sử dụng truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn chân thực của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Cũng cần phải đưa sứ điệp vào “nền văn hóa mới” do các phương tiện truyền thông tân tiến tạo nên nữa. Đây là một vấn đề phức tạp, vì “nền văn hóa mới” này bắt nguồn chẳng những từ bất cứ những gì được tỏ hiện ra dần dần, mà còn ở chính những cách truyền đạt mới, với ngôn từ mới, với kỹ thuật mới và với một thứ tâm lý mới. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rằng “việc phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa là một thảm trạng không tránh được của thời đại chúng ta” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 20; loc. cit., 19), và ngành truyền thông hoàn toàn cho thấy rõ được nhận định này.

 

Còn nhiều hình thức Công Hội Viện khác trong thế giới tân tiến ngày nay là những mục tiêu được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm đến; chẳng hạn, việc dấn thân cho hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc; các quyền lợi của cá nhân cũng như của các dân tộc, nhất là của thành phần thiểu số; việc thăng tiến nữ giới và trẻ em; việc bảo vệ thế giới thiên nhiên. Cả những lãnh vực này nữa cũng cần phải được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu.

 

Chúng ta cũng phải đề cập tới một Công Hội Viện bao rộng về văn hóa, về việc nghiên cứu khoa học cũng như về các mối liên hệ quốc tế cổ võ việc đối thoại và tạo nên những cơ hội mới. Chúng ta cũng phải để ý đến những lãnh vực hoạt động tân tiến này và phải tham gia vào làm việc. Người ta cảm thấy rằng, họ đang thực sự cùng nhau vượt qua biển cả cuộc đời, nên họ được kêu gọi hiệp nhất và đoàn kết với nhau đặc biệt hơn bao giờ hết. Những đường lối cho các vấn đề cấp thiết phải được mọi người bắt tay nhau để tìm hiểu, bàn bạc và giải quyết. Đó là lý do tại sao càng cần đến những tổ chức và hội nghị quốc tế cho nhiều lãnh vực của đời sống con người, từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế tới việc nghiên cứu. Kitô hữu sống và làm việc trong lãnh vực quốc tế phải luôn luôn nhớ đến phận vụ của mình trong việc làm chứng cho Phúc Âm.

 

38-       Thời điểm của chúng ta đây vừa đại thể lại vừa thu hút. Một đàng, người ta dường như đang theo đuổi sự thịnh vượng về vật chất và đang ngụp lặn sâu hơn bao giờ hết vào xu hường hưởng thụ và duy vật, thì đàng khác, chúng ta lại đang chứng kiến thấy một cuộc chán chường quay về tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, về nhu cầu sống nội tâm, về ước muốn học hỏi thêm những thể thức và phương pháp mới trong việc suy niệm cũng như cầu nguyện. Người ta đang tìm kiếm chiều kích thiêng liêng của đời sống như là một chất giải độc sau đó cho tình trạng suy giảm nhân bản, chẳng những ở nơi có các nền văn hóa nặng về yếu tố đạo nghĩa, mà còn ở cả những nơi xã hội bị tục hóa nữa. Hiện tượng này – được gọi là hiện tượng “hồi sinh đạo nghĩa” – mang một tính cách không phải là không mập mờ, song nó cũng cho thấy đó là một cơ hội tốt. Giáo Hội mang trong mình một di sản thiêng liêng vĩ đại để cống hiến cho nhân loại, một di sản trong Chúa Kitô, Đấng gọi mình “là đường, là sự thật và là sự sống”  (Jn 14:6), tức là đường lối của Kitô giáo, một đường lối dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, đến việc nguyện cầu, đến việc hãm mình khổ chế, cũng như đến việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Đây cũng là một “Công Hội Viện” cần phải được truyền bá phúc âm hóa nữa. 

 

Trung Thành với Chúa Kitô

và Phát Huy Tự Do Con Người

 

39-       Tất cả mọi hình thức của hoạt động truyền giáo đều được đánh dấu bởi nhận thức là, con người đang cổ võ quyền tự do của con người bằng việc loan báo Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội phải trung thành với Chúa Kitô là Đấng Giáo Hội là Thân Thể và là Đấng có sứ mệnh đang được Giáo Hội tiếp nối. Giáo Hội cần phải “đi cùng một con đường Chúa Kitô đã đi – tức là con đường nghèo khó, tuân phục, phục vụ và tự hy hiến bản thân mình cho đến chết để trở thành Đấng chiến thắng bằng việc Phục Sinh của mình” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 5; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 8). Bởi thế, Giáo Hội buộc phải làm mọi sự có thể để thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình trong thế giới và cho tất cả mọi dân tộc. Giáo Hội có quyền làm điều này, một quyền lợi Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội để hoàn thành dự án của Ngài. Quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi có những lúc vẫn còn bị giới hạn và ngăn chặn, vốn là quyền lợi tiên quyết và bảo đảm cho tất cả mọi quyền tự do khác, những quyền tự do bảo toàn công ích cho cá nhân cũng như dân chúng. Người ta cần phải hy vọng là tất cả mọi người ở khắp mọi nơi sẽ được hưởng quyền tự do tôn giáo đích thực. Giáo Hội tranh đấu cho quyền tự do này ở tất cả mọi xứ sở, nhất là ở những xứ sở đa số là Công Giáo, nơi Giáo Hội có một ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, đây không phải là vấn đề tôn giáo của số đông hay của số ít, mà là vấn đề của quyền lợi bất khả tách lìa của mỗi một con người và mọi con người.

 

Về phần mình, Giáo Hội hướng về con người bằng tất cả lòng tôn trọng quyền tự do của họ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 3-4; ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 79-80: loc. cit., 71-75; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 12: loc. cit., 278-281). Sứ mệnh của Giáo Hội không làm hạn chế quyền tự do mà trái lại còn cổ động cho nó nữa. Giáo Hội tôn trọng cá nhân cũng như văn hóa, và Giáo Hội tôn kính thánh cung lương tâm của con người. Với những ai chống lại hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, vì những lý do khác nhau nào đó, Giáo Hội lập lại là Xin hãy mở cửa cho Chúa Kitô!

Đến đây, Tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả mọi Giáo Hội riêng, mới cũng như cũ. Thế giới đang vững vàng tiến tới chỗ liên kết với nhau hơn, nên tinh thần Phúc Âm phải làm cho chúng ta vượt qua những chướng ngại về văn hóa cũng như về quốc gia dân tộc, bằng cách tránh đi tất cả mọi thái độ cô lập. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cảnh giác các nhà truyền giáo thời của ngài cho họ khỏi “quên phẩm vị xứng hợp của họ và nghĩ đến quê hương trần gian của họ hơn là đến quê hương trên trời” (Thông Điệp Maximum Illud: loc. cit., 446). Lời khuyên nhủ tương tự sau đây vẫn còn công hiệu cho ngày hôm nay đối với các Giáo Hội riêng: Hãy mở cửa cho các nhà truyền giáo, vì “mỗi một Giáo Hội riêng tự ý muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội hoàn vũ, thì sẽ bị mất đi mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, và sẽ trở thành nghèo nàn về mặt giáo hội của mình” (Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 62: loc. cit., 52).

 

Hướng Chú Ý tới Miền Nam và Miền Đông

 

40-       Ngày nay, hoạt động truyền giáo vẫn cho thấy đó là cả một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội. Đã gần kết thúc đệ nhị Thiên Niên của Công Cuộc Cứu Chuộc rồi mà vẫn thấy rõ là nhiều người trong đa số nhân loại vẫn chưa được nghe rao giảng về Chúa Kitô lần đầu tiên gì cả. Các thành quả của hoạt động truyền giáo trong thời đại tân tiến hết sức là tốt đẹp. Giáo Hội đã được thiết lập trên mọi lục địa; thật thế, ngày nay đa số tín hữu và các Giáo Hội riêng không còn phải chỉ có nguyên ở Âu Châu nữa, mà là ở trên các lục địa được các nhà truyền giáo gieo vãi đức tin.

Tuy nhiên, sự kiện về “tận cùng trái đất” là nơi Phúc Âm phải được mang đến vẫn càng ngày càng xa cách hơn bao giờ hết. Lời của giáo phụ Tertullianô về việc Phúc Âm được loan truyền khắp cùng trái đất và cho tất cả mọi dân tộc (xem De Praescriptione Haereticorum, XX: CCL I, 201f) vẫn còn rất xa vời với thực tại. Việc truyền giáo ad gentes vẫn còn trong tình trạng non nớt của mình. Các dân tộc mới xuất hiện trên khung cảnh thế giới, và cả họ nữa cũng có quyền để nghe loan báo về ơn cứu độ. Việc phát triển dân số nơi các đất nước không phải Kitô giáo ở Miền Nam và Miền Đông đang không ngừng tăng nhân số, thành phần vẫn chưa biết gì đến Việc Cứu Chuộc của Chúa Kitô cả.

 

Thế nên, chúng ta cần hướng chú ý của mình tới những miền đất và những môi trường văn hóa còn đang ở ngoài ảnh hưởng của Phúc Âm. Tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa Kitô phải cảm thấy, như một phần nguyên vẹn thuộc đức tin của mình, mối quan tâm tông đồ trong việc truyền đạt cho những người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin. Mối quan tâm này phải trở nên thực sự là một niềm đói khát trong việc làm cho Chúa được nhận biết, được trao ban cho cả một thế giới lớn rộng ngoài Kitô giáo.