NHỮNG ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO 

 

 

"Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội không gì khác và không gì hơn là việc bộc lộ hay là việc tỏ hiện dự án của Thiên Chúa, cùng với việc làm hoàn tất dự án này trên thế giới cũng như trong lịch sử, một lịch sử Thiên Chúa đang minh nhiên hoàn thành lịch sử cứu độ bằng các việc truyền giáo” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 9; xem Chương II, 10-18). Vậy Giáo Hội sẽ dùng đường lối nào để đạt được mục đích này?

 

Hình Thức Đầu Tiên

của Việc Truyền Giáo là Làm Chứng

 

42-       Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thày dạy (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f), vào nghiệm cảm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống cũng như hành động hơn là vào các lý thuyết. Chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo: Chúa Kitô, Đấng chúng ta đang tiếp nối việc truyền giáo của Người, là một “chứng từ” (Rev 1:5, 3:14) tuyệt nhất, và là mẫu mực cho tất cả mọi chứng từ Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đồng hành với Giáo Hội dọc suốt con đường Giáo Hội đi, và liên kết với Giáo Hội bằng chứng từ Ngài thực hiện để tỏ Chúa Kitô ra (x. Jn 15:26-27).

 

Thể thức đầu tiên của việc làm chứng là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng giáo hội, là những gì tỏ ra cho thấy một lối sống mới. Nhà truyền giáo, người bất chấp mọi giới hạn và yếu kém của mình, sống một cuộc đời giản dị, lấy Chúa Kitô làm mô phạm, là dấu chỉ của Thiên Chúa và của các thực tại siêu việt. Thế nhưng, hết mọi người trong Giáo Hội, bằng việc cố gắng bắt chước Thày Chí Thánh, cũng đều có thể và phải thực hiện chứng từ đời sống này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 28, 35, 38; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày nay Gaudium et Spes, đoạn 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 11-12); trong nhiều trường hợp, chứng từ loại này là một cách duy nhất khả dĩ để trở thành một nhà truyền giáo.

 

Chứng từ của phúc âm hết sức cần thiết cho thế giới này là chứng từ của việc quan tâm đến con người, cũng như đến đức bác ái đối với thành phần nghèo khó, thành phần yếu kém và những kẻ khổ đau. Tấm lòng hết sức quảng đại nấp sau thái độ ấy cũng như sau những hành động ấy hoàn toàn đi ngược lại với tính vị kỷ của con người. Nó gợi lên những thắc mắc xác đáng để dẫn con người đến cùng Thiên Chúa và Phúc Âm. Việc dấn thân cho hòa bình, cho công lý, cho nhân quyền, và cho việc cổ võ nhân bản cũng là một chứng từ cho Phúc Âm, khi chứng từ ấy là một mối quan tâm tới con người và nhắm đến việc phát triển con người toàn vẹn (xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio – 26/3/1967 – đoạn 21, 42: AAS 59 –1967 – 267f, 278).

 

43-       Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu đóng góp rất nhiều vào cuộc sinh hoạt nơi đất nước khả kính của họ, và có thể trở thành dấu chỉ Phúc Âm, khi họ trung thành với quê hương, dân tộc và văn hóa đất nước của mình, mà vẫn luôn luôn giữ được tự do Chúa Kitô ban cho. Kitô giáo hướng về tình huynh đệ đại đồng, vì tất cả mọi người nam nữ đều là những người con của cùng một Cha và là anh chị em trong Chúa Kitô.

 

Giáo Hội được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Kitô, bằng việc can đảm lên tiếng đối đầu với tình trạng băng hoại của quyền lực chính trị hay kinh tế; bằng cách không tìm kiếm vinh dự và giầu sang vật chất cho mình; bằng việc sử dụng các nguồn lợi của mình để phục vụ thành phần nghèo khổ nhất, và bằng việc bắt chước đời sống giản dị của Chúa Kitô. Giáo Hội và các nhà truyền giáo của Giáo Hội cũng phải thực hiện chứng từ khiêm nhượng, nhất là khiêm nhượng đối với bản thân mình – một đức khiêm nhượng giúp họ xét lại lương tâm cá nhân cũng như cộng đồng, để sửa đổi hành vi của mình nơi bất cứ điều gì trái với Phúc Âm và làm biến dạng dung nhan của Chúa Kitô.

 

Việc Loan Báo Tiên Khởi về Chúa Kitô Cứu Độ

 

44-       Việc loan báo là ưu tiên mãi mãi của việc truyền giáo. Giáo Hội không thể trốn tránh lệnh truyền hiển nhiên của Chúa Kitô, hay để cho con người nam nữ không biết đến “Tin Mừng” về việc họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. “Việc truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ luôn luôn chất chứa - như nền tảng, trọng tâm và đồng thời cũng là tột đỉnh cơ cấu của nó - một loan báo minh nhiên là, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và sống lại từ trong kẻ chết, ơn cứu độ được hiến ban cho tất cả mọi người như một tặng vật của ân sủng và của tình thương Thiên Chúa (x.Eph.2:8; Rm.1:16...)” (ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 27: loc. cit., 23). Tất cả mọi thể thức của hoạt động truyền giáo đều nhắm đến việc loan truyền này, một việc loan truyền bày tỏ và dẫn đến một mầu nhiệm được giữ kín qua các thời đại và được tỏ ra cho thấy nơi Chúa Kitô (x. Eph 3:3-9; Col 1:25-29), mầu nhiệm ở ngay cốt lõi của sứ mệnh truyền giáo và đời sống Giáo Hội, làm mấu chốt chi phối toàn thể việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Trong thực tại phức tạp của việc truyền giáo, việc rao giảng tiên khởi đóng một vai trò trọng yếu và không thể thay thế được, vì nó đem con người “vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi họ dự phần cùng mối liên hệ riêng tư với chính Ngài trong Chúa Kitô” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13), và mở đường cho họ trở về với Ngài. Đức tin được phát sinh từ việc rao giảng, và mọi cộng đồng giáo hội đều được bắt nguồn và sống động từ việc đáp ứng riêng tư của mỗi tín hữu đối với việc rao giảng này (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 15: loc. cit., 13-15; Công Đồng Chung vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 13-14). Như toàn thể công cuộc cứu độ lấy Chúa Kitô làm tâm điểm thế nào, thì toàn thể hoạt động truyền giáo cũng nhắm đến việc loan truyền mầu nhiệm của Người như vậy.

Chủ đề cho việc loan truyền này là Chúa Kitô chịu đóng đanh, tử nạn và phục sinh: nhờ Người chúng ta hoàn toàn và thực sự được giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và sự chết; và nhờ Người Thiên Chúa ban “sự sống mới” là sự sống thần linh và trường cửu. Đó là “Tin Mừng” làm thay đổi con người và lịch sử của con người, và là “Tin Mừng” tất cả mọi dân tộc có quyền được nghe biết. Việc loan truyền này phải được thực hiện trong mối tương quan với cuộc sống của con người cũng như của các dân tộc nghe biết. Việc loan truyền này phải được thực hiện bằng một thái độ yêu thương và trọng kính đối với những ai nghe biết, bằng một thứ ngôn từ thực tế và thích ứng với hoàn cảnh. Qua việc loan truyền này, Thần Linh hoạt động và thiết lập mối hiệp thông giữa nhà truyền giáo và thính giả của họ, một mối hiệp thông khả dĩ vì cả hai đều tham dự vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Cha qua Chúa Kitô (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 42, 64: loc. cit., 857-859, 892-894).

 

45-       Bởi được liên kết với toàn thể cộng đồng giáo hội, việc loan truyền ấy không bao giờ là một tác động thuần cá nhân. Nhà truyền giáo hiện diện và thi hành công việc của mình theo lệnh truyền nhận được; cho dù có hoạt động một mình đi nữa, họ vẫn gắn liền bằng một mối giây liên kết chặt chẽ vô hình với hoạt động truyền bá phúc âm hóa của toàn thể Giáo Hội (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 60: loc. cit., 50f). Không sớm thì muộn thính giả của họ cũng nhận ra nơi họ cộng đồng đã sai họ đi và đang nâng đỡ họ.

 

Việc loan truyền này được đức tin khơi động, một đức tin phát sinh lòng nhiệt thành và sốt mến nơi nhà truyền giáo. Như đã được đề cập, Sách Tông Vụ dùng chữ parrhesia để diễn tả thái độ này, một từ ngữ có nghĩa là nói lên một cách tỏ tường và can trường. Từ ngữ này cũng được thấy cả nơi Thánh Phaolô nữa: “Chúng tôi đã can đảm trong Thiên Chúa của mình để công bố cho anh em Phúc Âm của Thiên Chúa trước sự chống đối cả thể” (1Thes 2:2); “Hãy cầu nguyện... cho tôi nữa, để tôi được can đảm mở miệng ra loan truyền mầu nhiệm Phúc Âm mà tôi là khâm sai trong xiềng xích; để tôi có thể công bố mầu nhiệm Phúc Âm này một cách vững mạnh như tôi phải nói” (Eph 6:18-20).

 

Trong việc loan báo Chúa Kitô cho các người ngoài Kitô giáo, nhà truyền giáo phải xác tín rằng, nhờ hoạt động của Thần Linh, nơi con người cũng như các dân tộc đã có một niềm mong chờ, cho dù chỉ là một niềm mong chờ trong tiềm thức, được biết đến sự thật về Thiên Chúa, về con người và về cách thức chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo trong việc loan báo Chúa Kitô phát xuất từ niềm xác tín là họ đang đáp ứng niềm mong chờ ấy, bởi thế, họ không bị chán nản hay ngưng việc làm chứng nhân, cho dù họ được kêu gọi chứng tỏ đức tin của mình trong một môi trường thù hận hay lãnh đạm. Họ biết rằng Thần Linh của Cha đang nói qua họ (x. Mt 10:17-20; Lk 12:11-12), và họ có thể nói cùng với các Tông Đồ là: “Chúng tôi là những chứng nhân về những điều này, có cả Thánh Thần làm chứng nữa” (Acts 5:32). Họ biết rằng họ không loan truyền một sự thật của nhân loại mà là chính “lời Chúa”, lời có một quyền năng tự tại và nhiệm mầu của mình” (x. Rm 1:16).

 

Cuộc thử thách cao cả nhất là hiến sự sống mình, cho đến độ chấp nhận cái chết để làm chứng lòng mình tin tưởng nơi Chúa Giêsu Kitô. Trải suốt giòng lịch sử Kitô giáo, các vị tử đạo, hay là “các chứng nhân”, bao giờ cũng nhiều và không thể thiếu được trong việc truyền bá Phúc Âm. Trong thời đại của chúng ta đây, có nhiều Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân – thường là những vị anh hùng vô danh, thành phần hiến mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Họ là tin mừng và là chứng nhân đức tin tuyệt hạng.

 

Hoán Cải và Lãnh Nhận Phép Rửa

 

46-       Việc loan truyền lời Chúa nhắm đến việc làm cho con người trở lại làm Kitô hữu, tức là làm cho con người hoàn toàn và chân thành gắn bó với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người bằng đức tin. Việc trở lại là một tặng ân của Thiên Chúa, một công việc của Chúa Ba Ngôi. Chính Thần Linh là Đấng mở lòng con người ra để họ tin vào Chúa Kitô và “tuyên xưng Người” (x. 1Cor. 12:3); “Không ai đến được với Tôi nếu Cha là Đấng sai Tôi không lôi kéo họ” (Jn 6:44), Chúa Giêsu đã nói với những ai đến với Người bằng đức tin như thế.

 

Việc trở lại bằng đức tin đầu tiên là một việc trọn vẹn và sâu xa, và là một việc không làm giới hạn hay cản trở tặng ân của Thiên Chúa. Việc trở lại này cũng làm phát sinh một tiến trình năng động kéo dài cả đời, một tiến trình đòi phải liên tục từ bỏ “cuộc sống theo xác thịt” để “sống theo Thần Linh” (x. Rom 8:3-13). Việc trở lại tức là tự động chấp nhận vương quyền cứu độ của Chúa Kitô để làm môn đệ của Người.

 

Theo gương Thánh Gioan Tẩy Giả, vị dọn đường cho Chúa Kitô bằng “việc rao giảng phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (Mk 1:4), cũng như theo gương chính Chúa Kitô, Đấng “sau khi Gioan bị tống ngục... đã đến Galilêa rao giảng Phúc Âm Chúa mà nói: ‘Thời điểm đã trọn, vương quốc Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm’” (Mk 1:14-15), Giáo Hội cũng kêu gọi tất cả mọi người hãy ăn năn trở lại.

 

Cho đến nay, lời các nhà truyền giáo kêu gọi những người ngoài Kitô giáo trở lại đã được tái xét hay không được nhắc đến nữa. Việc trở lại này được coi như là một tác động “mộ giáo”; người ta cho rằng chỉ cần giúp cho con người nên người hơn hay trung thành với đạo của họ là đủ rồi, tức là chỉ cần xây dựng những cộng đồng có khả năng hoạt động cho công lý, tự do, hòa bình và đoàn kết là đủ. Cái người ta bỏ qua không nói tới ở đây đó là mọi người có quyền nghe biết “Tin Mừng” của Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Kitô đã tỏ mình và ban mình ra cho con người, để mỗi một người có thể sống trọn vẹn với ơn gọi xứng hợp của riêng mình. Thực tại cao cả này được diễn tả qua những lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaritanô: “Nếu chị biết ơn Thiên Chúa ban”, cũng như qua ước vọng vô tri song tha thiết của chị phụ nữ này: “Xin ông hãy cho tôi thứ nước này để tôi không còn khát nữa” (Jn 4:20,15).

 

47-       Được Thần Linh tác động, các Vị Tông Đồ đã mời gọi tất cả mọi người hoán cải đời sống của họ, trở lại và lãnh nhận phép rửa. Ngay sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thánh Phêrô đã nói với đám đông dân chúng những lời đánh động: “Khi nghe thấy vậy, họ cảm thấu đến tận đáy lòng, nên nói với Thánh Phêrô cùng với các Vị Tông Đồ rằng: ‘Thưa Quí Huynh, chúng tôi cần phải làm sao đây?’ Thánh Phêrô nói với họ: ‘Anh em hãy ăn năn thống hối và mọi người trong anh em hãy lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được ơn tha thứ tội lỗi; rồi anh em sẽ được lãnh nhận tặng ân Thánh Thần’” (Acts 2:37-38). Chính ngày hôm đó có ba ngàn người được rửa tội. Lần khác, sau khi chữa lành cho một người què, Thánh Phêrô nói với đám đông dân chúng, bằng cách lập lại rằng: “Bởi thế anh em hãy ăn năn thống hối và trở lại để tội lỗi của anh em được tẩy xóa!” (Acts 3:19).

 

Việc trở lại cùng Chúa Kitô là một việc gắn liền với Phép Rửa, chẳng những vì tập truyền của Giáo Hội, mà còn vì ý của chính Chúa Kitô, Đấng đã sai các Tông Đồ đi tuyển mộ môn đệ ở tất cả mọi dân nước và rửa tội cho họ (x. Mt 28:19). Việc trở lại gắn liền với Phép Rửa còn vì chính nhu cầu cần phải lãnh nhận tràn đầy sự sống mới trong Chúa Kitô nữa. Như Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “Thật vậy, thật vậy, Tôi cho ông biết, ai không được sinh lại bởi nước và Thần Linh, người ấy không được vào Nước Thiên Chúa” (Jn 3:5). Đúng thế, trong Phép Rửa, chúng ta được tái sinh vào sự sống của con cái Thiên Chúa, được hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô và được xức dầu trong Chúa Thánh Thần. Phép Rửa không phải chỉ là một ấn tín của việc trở lại, một thứ dấu hiệu bề ngoài cho thấy việc trở lại và chứng tỏ việc trở lại. Trái lại, Phép Rửa là một Bí Tích biểu hiệu cho việc tái sinh bởi Thần Linh và làm cho việc tái sinh bởi Thần Linh hiệu thành, phép này thiết lập những mối liên hệ thật sự và không thể đứt đoạn với Chúa Ba Ngôi, phép này cũng làm cho chúng ta nên các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội.

 

Phải nói đến tất cả những điều này là vì không ít người, ngay cả đến những người đang hoạt động cho việc truyền giáo ad gentes, có một khuynh hướng muốn tách việc trở lại với Chúa Kitô và việc lãnh nhận Phép Rửa ra khỏi nhau, như thể Phép Rửa là một cái gì không cần. Thật vậy, ở một số nơi, những cứu xét về xã hội học liên quan tới Phép Rửa đã làm lu mờ đi ý nghĩa đích thực của Phép Rửa là một tác động của đức tin. Sự việc này xẩy ra là do các yếu tố khác nhau về lịch sử cũng như về văn hóa, những yếu tố phải được loại bỏ nếu còn tồn tại, để Bí Tích tái sinh thiêng liêng có thể được quan niệm đúng như bản chất của mình. Các cộng đoàn giáo hội địa phương phải chú trọng đến việc này. Cũng phải nhận rằng, có nhiều người tỏ lòng muốn chấp nhận Chúa Kitô và sứ điệp của Người song không muốn chấp nhận bằng việc lãnh nhận bí tích, là vì thành kiến hay vì những thiếu sót nơi Kitô hữu đã làm cho họ không thể hiểu được bản tính thực sự của Giáo Hội là mầu nhiệm của đức tin và đức mến (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 6-9). Tôi muốn khuyến khích những người như vậy hãy hoàn toàn mở lòng mình ra cho Chúa Kitô, và muôn nhắc nhở với họ là, nếu họ cảm thấy được lôi kéo đến cùng Chúa Kitô, thì chính Người là Đấng muốn Giáo Hội phải là “nơi” thực sự họ tìm được Người. Tôi cũng mời gọi tín hữu Kitô giáo, cá nhân cũng như cộng đồng, hãy thực sự làm chứng cho Chúa Kitô bằng sự sống mới họ đã lãnh nhận.

 

Chắc chắn người nào trở lại cũng đều là một quà tặng cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội thấy rằng mình phải có một trách nhiệm đàng hoàng đối với họ, không phải vì những người trở lại cần phải được sửa soạn dọn mình lãnh nhận Bí Tích qua thời gian dự tòng và học đạo, mà còn, nhất là trong trường hợp trở lại của người lớn, vì nơi những người trở lại này có một thứ nghị lực mới, một lòng nhiệt thành đối với đức tin và muốn sống Phúc Âm trong Giáo Hội. Một khi gia nhập cộng đồng giáo hội, họ sẽ hết sức thất vọng nếu họ chứng kiến thấy một sự sống thiếu sốt mến và chẳng có dấu hiệu gì là mới mẻ cả! Chúng ta không thể rao giảng việc ăn năn hoán cải, trừ phi chính chúng ta biết tái ăn năn hoán cải mỗi ngày.

 

Hình Thành Giáo Hội Địa Phương

 

48-       Việc trở lại và Phép Rửa mở lối gia nhập vào một Giáo Hội đã có sẵn, hay đòi phải thiết lập những cộng đồng mới là những cộng đồng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Chúa. Đây là phần thuộc về dự án của Thiên Chúa, vì Ngài muốn “kêu gọi con người thông phần vào sự sống của Ngài, không phải chỉ theo cá nhân, không có liên hệ gì với nhau, mà còn làm cho họ thành một dân tộc bao gồm những đứa con của Ngài bị phân tán khắp nơi qui tụ lại với nhau nên một” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 2; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 9).

 

Việc truyền giáo ad gentes nhắm đến mục tiêu là thiết lập các cộng đồng Kitô giáo và phát triển các Giáo Hội cho đến mức hoàn toàn trưởng thành. Đó là mục đích chính yếu và ấn định của hoạt động truyền giáo, đến nỗi việc truyền giáo sẽ không hoàn thành cho đến khi tiến tới việc thiết lập một tân Giáo Hội riêng biệt, một Giáo Hội có thể sinh hoạt bình thường ở môi trường địa phương của mình. Sắc Lệnh Ad Gentes đã trình bày dài về vấn đề này (xem Chương III, 19-22), và vì Công Đồng Chung Vaticanô II chủ trương theo chiều hướng thần học chú trọng đến toàn thể mầu nhiệm Giáo Hội được thể hiện nơi mỗi Giáo Hội riêng, miễn là Giáo Hội riêng không tự mình cô lập song vẫn giữ mối hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, để rồi cũng trở thành một nhà truyền giáo. Ở đây chúng ta đang nói đến một tiến trình rộng lớn và dài dòng, khó lòng xác định được chính xác giai đoạn nào thực sự đáng được gọi là giai đoạn kết thúc hoạt động truyền giáo để tiến sang hoạt động mục vụ. Tuy nhiên, cũng cần phải làm sáng tỏ một số điểm chính.

 

49-       Trước hết và trên hết, cần phải nỗ lực để thiết lập các cộng đồng Kitô giáo ở khắp nơi, các cộng đồng làm nên “dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới” (ibid., 15), và là những cộng đồng phát triển cho tới khi trở thành Các Giáo Hội. Mặc dù đã có một con số khá đông các địa phận, song vẫn còn nhiều miền rất rộng không có Giáo Hội địa phương, hay không đủ số tín hữu trong một lãnh thổ rộng lớn với một mật độ dân cư đông đảo. Còn nhiều điều phải làm trong việc gieo trồng và phát triển Giáo Hội. Giai đoạn hình thành giáo hội được gọi là plantatio Ecclesia này chưa đạt đến đích điểm của mình; thật vậy, đối với nhiều người thuộc giòng dõi nhân loại thì giai đoạn này thậm chí cũng chưa được bắt đầu nữa.

 

Trách nhiệm phải làm công việc này là của Giáo Hội hoàn vũ cũng như của các Giáo Hội riêng, của toàn thể Dân Chúa cũng như của tất cả mọi lực lượng truyền giáo trong Dân Chúa. Hết mọi Giáo Hội, ngay cả Giáo Hội được hình thành bởi những người mới trở lại đi nữa, tự bản chất của mình, đều là truyền giáo, và vừa được truyền bá phúc âm hóa cho vừa thực hiện truyền bá phúc âm hóa. Đức tin bao giờ cũng phải được tỏ ra cho thấy như là một tặng ân của Thiên Chúa sinh động trong cộng đồng (gia đình, giáo xứ, hội đoàn), và vươn tới người khác bằng chứng từ lời nói cũng như việc làm. Hoạt động truyền bá phúc âm hóa của cộng đồng Kitô hữu, trước tiên ở tại địa phương của mình, rồi tới các nơi khác trong phạm vi truyền giáo phổ quát của Giáo Hội. Chúa luôn luôn kêu gọi chúng ta ra khỏi bản thân mình để chia sẻ với người khác các sản vật chúng ta có, bắt đầu là đức tin, món quà tặng qúi nhất. Thành quả của các tổ chức, phong trào, giáo xứ và việc tông đồ của Giáo Hội đều được căn cứ vào chiều hướng thực hiện việc truyền giáo buộc phải làm này. Chỉ nhờ trở thành truyền giáo cộng đồng Kitô hữu mới có thể thắng vượt được những chia rẽ và căng thẳng nội tại, cũng như mới có thể tái khám phá thấy mối hiệp nhất và sức mạnh đức tin của mình.

 

Nhân viên truyền giáo được sai đến từ các Giáo Hội và các quốc gia khác phải hoạt động trong mối hiệp thông với quí vị trách nhiệm địa phương của mình để làm phát triển cộng đồng Kitô hữu. Nhân viên truyền giáo đặc biệt phải – theo qui định của các vị Giám Mục và hợp tác với những vị có trách nhiệm ở cấp độ địa phương – duy trì việc quảng bá đức tin cùng với việc làm cho Giáo Hội lan tới những môi trường ngoài Kitô giáo cũng như tới nơi những nhóm người không phải Kitô hữu, và làm phấn khởi ở Giáo Hội riêng cái cảm quan truyền giáo, để mối quan tâm mục vụ luôn luôn được gắn liền với mối quan tâm truyền giáo ad gentes. Có thế, hết mọi Giáo Hội mới cảm nghiệm được nơi mình nỗi bận tâm của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng hoàn toàn hiến mình phục vụ cho đàn chiên, song vẫn nghĩ tới “các chiên khác chưa thuộc về đàn này” (Jn 10:16).

 

50-       Nỗi bận tâm này sẽ trở nên như động lực khích thích để tái tấu cuộc dấn thân hoạt động cho việc đại kết. Mối liên hệ giữa hoạt động đại kếthoạt động truyền giáo làm phát sinh ra hai yếu tố gắn liền với nhau cần phải được cứu xét. Một đàng, chúng ta phải nhận thức rằng: “Tình trạng Kitô hữu chia rẽ nhau làm hư hại đến công cuộc thánh hảo của việc rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật và là một trở ngại cho nhiều người tiến đến với đức tin” (ibid. 6). Ở chỗ, Tin Mừng hòa giải do Kitô hữu lại là thành phần chia rẽ nhau rao giảng sẽ làm cho chứng từ của họ mất đi giá trị. Bởi thế, rất cần phải hoạt động cho việc hiệp nhất Kitô giáo, để hoạt động truyền giáo được sinh hoa kết trái hơn. Chúng ta cũng không được quên rằng, các nỗ lực hướng về tình trạng hiệp nhất này, tự chúng, chỉ là dấu hiệu cho việc hòa giải Thiên Chúa đang mang lại giữa chúng ta.

 

Đàng khác, cũng thực sự có một cái gì đó hiệp thông, mặc dù bất toàn, giữa tất cả những người lãnh nhận Phép Rửa trong Chúa Kitô. Bởi thế, Công Đồng đã ấn định một nguyên tắc là: “trong khi chờ đợi để nêu lên tất cả những gì có vẻ khác nhau và lầm lẫn, cũng như những gì có vẻ chống đối nhau không lành mạnh, người Công Giáo phải lấy tinh thần hiệp thông mà hợp tác với các anh chị em ly khai của mình, theo các qui định của Sắc Lệnh về Đại Kết: bằng một bản tuyên xưng chung đức tin của mình nơi Thiên Chúa và nơi Chúa Giêsu Kitô trước mặt các dân nước bao nhiêu có thể, cũng như bằng việc cộng tác với nhau trong các vấn đề về xã hội và kỹ thuật, về văn hóa và tôn giáo” (ibid. 6; xem Sắc Lệnh về Đại Kết Unitatis Redintegratio, đoạn 3).

 

Việc Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau và các Cộng Đồng Giáo Hội khác nhau thực hiện hoạt động đại kết và chứng từ hòa hợp cho Chúa Giêsu Kitô đã mang lại hoa trái dồi dào. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, khi mà Kitô hữu và các giáo phái pha phôi Kitô giáo đang nỗ lực gieo rắc lầm lạc, thì họ lại càng phải cùng nhau hoạt động và làm chứng hơn nữa. Việc lan tràn những giáo phái này cho thấy mối đe dọa đối với Giáo Hội Công Giáo cũng như đối với tất cả mọi Cộng Đồng Giáo Hội đang cùng Giáo Hội Công Giáo đối thoại. Mối đe dọa này xẩy ra bất cứ ở đâu, thì theo chiều hướng của hoàn cảnh địa phương, việc các Kitô hữu cùng nhau phản ứng lại, tự nó, là một việc đại kết vậy.

 

“Các Giáo Hội Căn Bản”

là Lực Lượng Truyền Bá Phúc Âm

 

51-       Có một hiện tượng phát triển nhanh chóng nơi các Giáo Hội trẻ trung – một hiện tượng đôi khi được các vị Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục của các vị cho là một ưu tiên mục vụ – đó là hiện tượng “các cộng đoàn giáo hội cơ bản” (cũng được gọi bằng các danh xưng khác nữa), những cộng đoàn đang chứng tỏ cho thấy là những trung tâm ích lợi cho việc đào tạo Kitô hữu cũng như việc dấn thân truyền giáo. Đây là những nhóm Kitô hữu, ở cấp độ gia đình hay trong một môi trường thu hẹp tương tự nào đó, họp nhau lại để nguyện cầu, đọc Thánh Kinh, học giáo lý và bàn luận về các vấn đề nhân bản cũng như giáo hội với ý hướng dấn thân hoạt động chung. Những cộng đoàn này là dấu sinh động trong Giáo Hội, là dụng cụ huấn luyện và truyền bá phúc âm hóa, cũng là một khởi điểm vững vàng cho một tân xã hội được xây dựng trên một “nền văn minh yêu thương”.

 

Những cộng đoàn này phân nhỏ cộng đồng giáo xứ và làm nên cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng mà họ vẫn gắn bó. Họ đi sâu vào những miền kém may mắn và quê mùa làng mạc, để trở nên men của đời sống Kitô giáo, của việc chăm sóc người nghèo và bị bỏ rơi, cũng như của việc dấn thân làm cho xã hội được biến đổi. Nơi những cộng đoàn giáo hội cơ bản này, cá nhân Kitô hữu cảm nghiệm được cộng đồng, nhờ đó, họ cảm thấy họ đang đóng một vai trò chủ động và được phấn khởi để thông công làm việc chung. Như thế, các cộng đoàn này trở nên một phương tiện truyền bá phúc âm hóa và là việc rao giảng tiên khởi cho Phúc Âm, cũng là nguồn của các thừa tác vụ mới. Ngoài ra, được thấm nhập tình yêu Kitô giáo, các cộng đoàn này còn chứng tỏ cho thấy họ có thể thắng vượt được những chia rẽ, giòng tộc và chủng tộc.

 

Hết mọi cộng đoàn, nếu thực sự là Kitô giáo, đều phải được thiết lập trên Chúa Kitô và sống trong Người, ở chỗ lắng nghe lời Chúa, tập trung việc cầu nguyện của mình vào Thánh Thể, sống hiệp thông với nhau bằng việc nên một lòng trí, cũng như chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu cần thiết của các phần tử (x. Acts 2:42-47). Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở, hết mọi cộng đoàn này phải sống hiệp nhất với Giáo Hội riêng cũng như với Giáo Hội hoàn vũ, hoàn toàn hiệp thông với các Vị Chủ Chăn và Huấn Quyền của Giáo Hội, bằng quyết tâm hoạt động truyền giáo và không nhường bước cho khuynh hướng cô lập hóa hay những khai thác thuộc ý thức hệ (xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 58: loc. cit., 46-49). Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới năm 1985 lên tiếng như sau: “Vì Giáo Hội là hiệp thông, ‘các cộng đoàn cơ bản’ mới, nếu thực sự hiệp nhất với Giáo Hội, mới là thực sự thể hiện mối hiệp thông này và mới là phương tiện kiến tạo nên một mối hiệp thông sâu xa hơn. Có thế, những cộng đoàn cơ bản ấy mới là nguồn hy vọng dồi dào cho đời sống của Giáo Hội” (Final Report, II, C, 6).