VI 

CÁC VỊ LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO

 

 

Không có các chứng nhân cũng không có chứng từ, cũng như không có các nhà truyền giáo cũng không có hoạt động truyền giáo vậy. Chúa Giêsu đã chọn và sai con người đi để làm chứng nhân và tông đồ cho Người, nhờ đó, họ được thông phần vào sứ vụ của Người và tiếp tục công cuộc cứu độ của Người: “Các con sẽ là chứng nhân của Thày ở Gialiêm, khắp Giuđêa và Samaria cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8).

 

Mười Hai Vị là những người đầu tiên hoạt động trong sứ vụ truyền giáo đại đồng của Giáo Hội. Các vị hợp thành một “chủ thể đoàn” của sứ vụ này, khi các vị được Chúa Giêsu tuyển chọn ở với Người và được Người sai đến “với chiên lạc nhà Yến-Duyên” (Mt 10:6). Tính cách hợp đoàn này cũng không che dấu được một số nhân vật nổi nang trong nhóm của các vị, như Thánh Giacôbê, Thánh Gioan và nhất là Thánh Phêrô, vị nổi nhất đúng như câu nói: “Phêrô và các Tông Đồ khác” (Acts 2:14, 37). Chính nhờ Thánh Phêrô mà chân trời sứ vụ đại đồng của Giáo Hội được trải rộng ra, và mở đường cho công cuộc truyền giáo ngoại hạng của Thánh Phaolô, vị được kêu gọi và sai đi đến với các dân nước theo ý muốn của Thiên Chúa” (x. Gal 1:15-16).

 

Trong việc lan rộng việc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai, chúng ta thấy, cùng với các vị Tông Đồ, còn có những nhân vật thấp vai hơn, song những người chúng ta cũng không được coi thường. Đây là những cá nhân, nhóm người và cộng đồng. Điển hình là Giáo Hội địa phương ở Antiôkia, một cộng đồng mà, sau khi được truyền bá phúc âm hóa cho, đã trở nên một cộng đồng truyền bá phúc âm hóa, một cộng đồng sai các nhà truyền giáo đến các nơi khác (x. Acts 13:2-3). Giáo Hội sơ khai cảm nghiệm được sứ vụ truyền giáo của mình là một công việc làm cộng đồng, nhưng cũng công nhận ở nơi mình có cả “những vị thừa sai đặc biệt” hay “những nhà truyền giáo chuyên lo cho Dân Ngoại”, như Thánh Phaolô và Banabê.

 

62-            Những gì được thực hiện ngay từ ban đầu của Kitô Giáo trong việc trải rộng sứ vụ truyền giáo đại đồng của mình vẫn còn hiệu lực và trở nên khẩn thiết vào lúc này đây. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, vì lệnh truyền của Chúa Kitô không phải là một cái gì ngẫu nhiên hay bề ngoài, mà là những gì chạm đến chính con tim của Giáo Hội. Thế nên, Giáo Hội hoàn vũ và mỗi một Giáo Hội mới được sai đến với các dân nước. Chính vì “để cho lòng nhiệt thành truyền giáo này có thể nở hoa nơi dân tộc của mình”, mà việc các Giáo Hội trẻ rất cần phải “chia sẻ vào công việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội sớm bao nhiêu có thể. Họ phải tự sai các nhà truyền giáo đi loan truyền Phúc Âm khắp thế giới, cho dù họ có bị thiếu hụt giáo sĩ chăng nữa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 20). Nhiều Giáo Hội riêng đã làm như thế, Tôi hết sức khuyến khích họ hãy tiếp tục công việc này.

 

Nơi mối liên hệ chính yếu này giữa Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội riêng, chúng ta thấy thể hiện thực sự bản chất truyền giáo đích thật và trọn vẹn của Giáo Hội: “Trong một thế giới đang thu hẹp lại khoảng cách làm cho thế giới càng nhỏ hơn, thì các cộng đồng Giáo Hội càng phải liên kết với nhau, trao đổi các nguồn lực và nguồn lợi cần thiết, để trở thành một nhóm dấn thân thực hiện sứ vụ truyền giáo duy nhất chung trong việc loan truyền và sống Phúc Âm... Các Giáo Hội được gọi là trẻ trung cần phải lấy sức lực từ các Giáo Hội lâu đời hơn, và các Giáo Hội lâu đời hơn cần đến chứng từ và động lực của các Giáo Hội trẻ trung, để mỗi một Giáo Hội có thể rút ra được những gì là phong phú của nhau” (Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 35: loc. cit., 458)

 

Những Người Có Trách Nhiệm

với Hoạt Động Truyền Giáo

 

63-       Như Chúa Phục Sinh đã ra lệnh truyền giáo đại đồng cho Tông Đồ Đoàn dưới quyền lãnh đạo của Thánh Phêrô thế nào, thì nay trách nhiệm ấy cũng được ủy thác chính yếu cho Giám Mục Đoàn dưới quyền lãnh đạo của Vị Kế Thừa Thánh Phêrô như vậy (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 38). Nhận thức được trách nhiệm này, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải nói về vấn đề ấy trong những cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, liên quan đến việc tân truyền bá phúc âm hóa cũng như đến sứ vụ truyền giáo đại đồng. Tôi đã tông du khắp thế giới để “loan truyền Phúc Âm, để ‘làm cho anh em mình vững mạnh’ trong niềm tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ dân chúng. Các cuộc tông du này là những cuộc hành trình đức tin... chúng cũng là những dịp để dạy giáo lý di động, những dịp loan truyền Phúc Âm bằng việc quảng bá Phúc Âm và Huấn Quyền tông truyền cho tất cả mọi nơi trên thế giới” (Bài Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và những người làm việc ở Tòa Thánh Rôma, ở Thành Vatican và ở Giáo Phận Rôma, ngày 28/6/1980, 10: Insegnamenti, III/1 – năm 1980 – 1887).

 

Các vị Giám Mục anh em của Tôi, cùng với Tôi, có trách nhiệm trực tiếp đối với việc truyền bá phúc âm hóa thế giới, với tư cách vừa là một phần tử của Giám Mục Đoàn, vừa là vị Chủ Chiên của Giáo Hội riêng. Về khía cạnh này, Công Đồng nói: “Trách nhiệm loan truyền Phúc Âm khắp thế giới là trách nhiệm thuộc về chủ chiên đoàn, về tất cả những ai Chúa Kitô đã truyền lệnh chung” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 23). Công Đồng còn nói rằng, các vị Giám Mục “đã được thánh hiến không phải chỉ để cho giáo phận riêng mà còn cho việc cứu độ của toàn thế giới nữa” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 38). Trách nhiệm chung này cần phải có một số những việc làm thực tiễn. Bởi thế, “Cuộc Họp của các vị Giám Mục... trong số những quan tâm quan trọng chung chung khác, phải đặc biệt để ý đến hoạt động truyền giáo, một nhiệm vụ cao cả nhất và thánh hảo nhất của Giáo Hội” (ibid. 29). Trách nhiệm này cũng phải được phản ánh, ở những cấp độ khác nhau, nơi Các Hội Đồng Giám Mục cũng như nơi những cơ cấu của các hội đồng này ở tầm vóc quốc tế, đó là trách nhiệm phải tự mình đóng góp vào việc truyền giáo (xem ibid. 38).

 

Cả mỗi một vị Giám Mục cũng thế, với vai trò là Mục Tử của Giáo Hội riêng, các vị có một nhiệm vụ truyền giáo bao rộng. Các vị nhận lấy nhiệm vụ này “như một người quản trị và như trọng tâm của mối hiệp nhất nơi việc tông đồ thuộc giáo phận, để cổ võ hoạt động truyền giáo, để hướng dẫn và điều hợp công việc này... Các vị cũng cần phải biết rằng, hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn nơi những người đã trở lại, mà còn là một chia sẻ công bình, cả về nhân viên cũng như ngân quĩ, cho việc truyền bá phúc âm hóa các người ngoài Kitô giáo nữa” (ibid. 30).

 

64-       Mỗi một Giáo Hội riêng phải tỏ ra quảng đại và mở lòng mình trước những nhu cầu của các Giáo Hội khác. Việc cộng tác giữa các Giáo Hội, trong một hỗ tương chính đáng làm cho họ sẵn sàng chia sẻ và nhận lãnh, là một nguồn mạch phong phú cho chung họ và chạm tới một số lãnh vực khác nhau của đời sống giáo hội. Điển hình về vấn đề này là lời tuyên ngôn của Các Giám Mục ở Puebla: “Cuối cùng đã đến thời giờ để Mỹ Châu Latinh... hướng tới ad gentes ở ngoài biên cương bờ cõi của mình. Chúng ta chắc chắn cần đến các nhà truyền giáo cho chính mình, thế nhưng, chúng ta phải lấy cái nghèo túng của mình mà cho đi” (Các Văn Thư của Hội Nghị Chung Lần Ba của Các Giám Mục Mỹ Châu Latinh, ở Puebla năm 1979: 2941 [368]).  

 

Theo tinh thần này, Tôi kêu gọi các vị Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục hãy quảng đại để thực hiện việc áp dụng những khoản về các Qui Tắc được Thánh Bộ về Giáo Sĩ ban hành, liên quan đến việc cộng tác giữa các Giáo Hội riêng, nhất là liên quan đến việc phân phối giáo sĩ trên thế giới tốt đẹp hơn (xem Các Qui Tắc Postquan Apostoli ngày 25/3/1980: AAS 72 năm 1980, 343-364).

 

Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội thì rộng lớn hơn là “việc hiệp thông giữa các Giáo Hội với nhau”; sứ mệnh này phải được nhắm đến chẳng những vấn đề trợ giúp vào việc tái truyền bá phúc âm hóa, mà còn và chính yếu vào cả hoạt động truyền giáo nữa. Tôi kêu gọi tất cả mọi Giáo Hội, mới cũng như cũ, hãy chia sẻ với nhau mối quan tâm của Tôi đây, bằng việc tìm cách thắng vượt những chướng ngại khác nhau và làm tăng thêm các ơn gọi truyền giáo.

 

Các Nhà Truyền Giáo và Dòng Tu Ad Gentes

 

65-       Giờ đây, cũng như trong quá khứ, những người và những tổ chức được Sắc Lệnh Ad Gentes dành hẳn một chương đặc biệt nói đến, mang tựa đề “Các Nhà Truyền Giáo”, đang nắm giữ một vị thế hết sức quan trọng trong số những ai dấn thân vào việc tông đồ truyền giáo. Điều này cần phải cẩn thận suy xét, nhất là về phía các nhà truyền giáo, thành phần có thể tiến đến chỗ, bởi những đổi thay xẩy ra trong lãnh vực truyền giáo, không còn hiểu được ý nghĩa nơi ơn gọi của mình nữa, cũng như không còn biết chính xác những gì Giáo Hội mong đợi ở họ hiện nay nữa.

 

Sau đây là những lời căn bản của Công Đồng: “Mặc dù công việc quảng bá đức tin phải được thực hiện hết sức mình có thuộc về mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô đi nữa, thì Chúa bao giờ cũng kêu gọi những ai Người muốn, trong số các môn đệ của Người, để họ được ở với Người và để Người có thể sai họ đi rao giảng cho các dân tộc. Theo đó, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng phân phát các tặng ân của mình tùy ý cho lợi ích của tất cả mọi người, Chúa Kitô khơi dậy ơn gọi truyền giáo nơi cõi lòng nhiều người, đồng thời Người cũng làm nổi lên trong Giáo Hội những Tu Hội đảm nhận nhiệm vụ truyền bá phúc âm hóa, một việc truyền bá là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, như là một việc làm chuyên biệt của mình” (ibid. 23).

 

Bởi thế, điều được đề cập đến ở đây là một “ơn gọi đặc biệt”, theo mẫu ơn gọi của các vị Tông Đồ. Ơn gọi này được biểu lộ ra nơi việc hoàn toàn dấn thân cho việc truyền bá phúc âm hóa, một việc dấn thân bao gồm toàn thể bản thân và cuộc sống của nhà truyền giáo, đòi họ phải tự hiến mình đi đến hết nghị lực và thời giờ của họ. Những ai đã nhận được ơn gọi này, “do thẩm quyền hợp pháp sai đi, bằng đức tin và lòng tuân phục, đến với những ai xa cách Chúa Kitô, được dành riêng cho công việc họ được kêu gọi để làm như những thừa tác viên của Phúc Âm” (ibid). Các nhà truyền giáo phải luôn luôn suy nghĩ về việc đáp ứng cần có đối với ân huệ họ đã lãnh nhận, và tiếp tục cập nhật hóa việc học hỏi về tín lý cũng như tông đồ của mình.

 

66-       Các Tu Hội Truyền Giáo, bằng việc rút kinh nghiệm và việc sáng tạo của mình song vẫn trung thành với đặc sủng của vị sáng lập, phải lợi dụng tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các dự sinh truyền giáo của mình được trang bị đầy đủ và được canh tân sinh lực về tinh thần, về luân lý cũng như về thể lý của họ (ibid. 23, 27). Họ phải cảm nhận được rằng, họ là một phần thiết yếu của cộng đồng giáo hội, và phải thực hiện công việc của mình trong mối hiệp thông với cộng đồng này. Thật vậy, “hết mọi Tu Hội có là vì Giáo Hội và phải làm cho Giáo Hội nên phong phú bằng những đặc tính chuyên biệt, theo tinh thần đặc thù và sứ vụ chuyên biệt của mình”; các vị Giám Mục chính là người trông coi việc họ trung thành với đặc sủng của Hội Dòng họ (xem Thánh Bộ về Dòng Tu và Thánh Bộ về Giám Mục, Các Hướng Dẫn về Các Mối Liên Hệ giữa Giám Mục và Tu Hội trong Giáo Hội Mutuae Relationes, ngày 14/5/1978, 14b: AAS 70 năm 1978, 482; cf. n. 28: loc. cit., 490).

 

Nói chung, các Tu Hội Truyền Giáo được hình thành trong Giáo Hội bắt nguồn ở các xứ sở Kitô giáo lâu đời, rồi theo giòng lịch sử, họ đã trở thành phương tiện cho Thánh Bộ Propaganda Fide sử dụng để quảng bá đức tin và thành lập các Giáo Hội mới. Ngày nay, những Tu Hội này mỗi ngày một nhận thêm nhiều các dự sinh từ các Giáo Hội trẻ do họ thiết lập, trong khi các Tu Hội Truyền Giáo mới đã mọc lên nơi các xứ sở trước kia chỉ là nơi tiếp nhận các nhà truyền giáo thì nay lại là chỗ gửi các nhà truyền giáo đi. Đây là một chiều hướng đáng ca ngợi cho thấy hiệu lực liên tục và cần thiết nơi ơn gọi truyền giáo chuyên biệt của các Tu Hội này. Các Tu Hội ấy vẫn “hoàn toàn cần thiết” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 27), chẳng những cho hoạt động truyền giáo ad gentes theo truyền thống của họ, mà còn cho việc khơi động lên lòng sốt mến truyền giáo nơi các Giáo Hội thuộc những xứ sở Kitô giáo lâu đời cũng như nơi các Giáo Hội trẻ.

 

Ơn gọi chuyên biệt của các nhà “trọn đời” truyền giáo này vẫn còn nguyên hiệu lực của nó: nó là mẫu dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, một việc dấn thân truyền giáo cần thực sự và hoàn toàn ban tặng bản thân mình, cần những nỗ lực mới mẻ và vững mạnh. Vì thế, các nhà truyền giáo nam nữ, thành phần hiến cả đời mình vào việc làm chứng cho Chúa Phục Sinh nơi các dân nước, không được để cho mình cảm thấy lung lạc bởi bị ngờ vực, hiểu lầm, loại trừ hay bách hại. Họ phải phục hồi ân sủng thuộc đặc sủng chuyên biệt của mình và phải can đảm dấn bước, bằng việc lưu tâm tìm kiếm – theo tinh thần đức tin, tuân phục và hiệp thông với các vị Chủ Chăn - thành phần hèn kém nhất và những nơi khó khăn nhất.

 

Các Linh Mục Giáo Phận với Việc Truyền Giáo Hoàn Vũ

 

67-       Là cộng sự viện của Giám Mục, các linh mục, bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh, được kêu gọi để thông phần vào mối quan tâm về sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội: “Tặng ân thiêng liêng các linh mục đã nhận được khi chịu chức, không phải cho việc truyền giáo nhỏ hẹp và giới hạn, mà là cho sứ vụ cứu độ đại đồng và gồm tóm hết mọi sự ‘cho đến tận thế’. Vì hết mọi thừa tác vụ tư tế đều thông phần vào mục tiêu đại đồng của sứ mệnh truyền giáo do Chúa Kitô ủy thác cho các vị Tông Đồ” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Linh Mục Presbyterorum Ordinis, đoạn 10; xem Sắc Lệnh về Hoạt Đồng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 39). Bởi lý do này, việc đào luyện các tuyển sinh cho chức linh mục phải nhắm đến việc hiến cho họ “một tinh thần Công Giáo thực sự, nhờ đó, họ sẽ biết làm siêu vượt các giới hạn thuộc giáo phận của họ, xứ sở hay nghi thức, và cộng tác giúp đỡ toàn thể Giáo Hội, sửa soạn cho việc rao giảng Phúc Âm khắp mọi nơi” (Công Đồng Chung vaticanô II, Sắc Lệnh về Việc Đào Luyện Linh Mục Optatem Totius, 20). Tất cả mọi linh mục phải có trí khôn và tâm hồn của các nhà truyền giáo – mở lòng ra trước các nhu cầu của Giáo Hội cũng như của thế giới, chú ý đến những người xa xôi nhất, nhất là với các nhóm người ngoài Kitô Giáo trong miền của mình. Họ phải mang trong lòng mình, trong lời cầu nguyện, nhất là ở Hy Tế Thánh Thể, mối quan tâm của toàn thể Giáo Hội đối với tất cả nhân loại.                                                               

 

Đặc biệt ở những miền Kitô hữu chỉ là một thiểu số thì các linh mục cần phải đầy nhiệt tình và dấn thân truyền giáo hơn nữa. Chúa ủy thác cho họ chẳng những việc mục vụ chăm sóc cộng đồng Kitô hữu, mà còn và trên hết việc truyền bá phúc âm hóa cho đồng bào của họ là thành phần không thuộc về đàn chiên của Chúa Kitô. Các linh mục sẽ “không ngừng làm cho mình lúc nào cũng sẵn sàng đối với Chúa Thánh Thần cũng như đối với vị Giám Mục để được sai đi rao giảng Phúc Âm ở ngoài biên cương đất nước của họ. Điều này chẳng những đòi hỏi họ phải trưởng thành trong ơn gọi của họ, mà còn đòi họ phải đặc biệt sẵn sàng tách lìa quê hương, văn hóa và gia đình của mình, cũng như đòi họ phải có một khả năng đặc biệt để thích nghi với những văn hóa khác, tỏ ra hiểu biết và tôn trọng những nền văn hóa ấy” (Bài Diễn Từ ngỏ với Hội Nghị của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa cho Các dân Tộc, ngày 14/4/1989, 4: AAS 81 năm 1989, 1140)

 

68-       Trong Bức Thông Điệp Fidei Donum, Đức Giáo Hoàng Piô XII, bằng việc nhìn xa trông rộng, đã khuyến khích các Giám Mục hãy cống hiến một số linh mục của mình để tạm thời phục vụ tại các Giáo Hội Phi Châu, cũng như đã ban phép cho các dự án hiện hành nhắm đến mục tiêu này. Hai mươi lăm năm sau, Tôi đã vạch ra cho thấy cái mới mẻ đáng chú ý của Bức Thông Điệp này, một bức thông điệp “khỏa lấp khía cạnh về lãnh thổ nơi việc linh mục phục vụ để hướng nó về toàn thể Giáo Hội” (Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1982: Insegnamenti V/2 năm 1982, 1879). Ngày nay kinh nghiệm này đã cho thấy nó hiệu nghiệm và thành quả biết bao. Thật vậy, các linh mục của Thông Điệp Fidei Donum là dấu hiệu đặc thù của mối liên kết hiệp thông nơi các Giáo Hội. Họ đã đóng góp một cách sáng giá vào việc phát triển nơi những cộng đồng giáo hội thiếu thốn, trong khi rút lấy từ các cộng đồng này một đức tin tươi mới và linh hoạt. Dĩ nhiên, việc phục vụ truyền giáo của linh mục thuộc địa phận phải hợp với một số tiêu chuẩn và điều kiện nào đó. Các linh mục thừa sai phải được chọn lựa từ những tuyển sinh xứng hợp nhất, và phải được sửa soạn thích hợp cho công việc đặc biệt đang chờ đợi họ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 38; Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Các Qui Tắc Postquam Apostoli, 24-25: loc. cit., 361). Bằng một thái độ cởi mở và huynh đệ, họ phải trở nên một phần nơi khung cảnh mới của Giáo Hội tiếp nhận họ, và nên một hàng giáo sĩ với các linh mục địa phương, dưới quyền của vị Giám Mục (Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Các Qui Tắc Postquam Apostoli, 29: loc. cit., 362f; Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 20). Tôi hy vọng là tinh thần phục vụ sẽ được tăng hơn nơi các linh mục thuộc những Giáo Hội thiết lập lâu đời, và sẽ được bảo tồn nơi các linh mục thuộc những Giáo Hội thành lập muộn hơn.

Thành Quả Truyền Giáo của Đời Sống Tận Hiến

 

69-       Từ kho tàng Thần Linh khôn lường và đa diện đã phát sinh ra những ơn gọi của các Tu Hội Tận Hiến có những phần tử, “bởi việc hiến thân phụng sự Giáo Hội do bằng thánh hiến bản thân mình, có phận sự phải đóng một vai trò đặc biệt nơi hoạt động truyền giáo, một cách xứng hợp với Tu Hội của mình” (CIC, c 783). Lịch sử đã chứng tỏ cho thấy các Gia Đình Dòng Tu, từ các cơ cấu đan viện cổ xưa, tới các Dòng Tu thời trung cổ, cho đến các Hội Dòng cận đại hơn, phục vụ Giáo Hội một cách ngoại hạng, bằng việc quảng bá đức tin và thành lập các Giáo Hội.

 

(a)        Theo tiếng vang vọng của Công Đồng, Tôi mời gọi các Tu Hội Chiêm Niệm hãy thiết lập cộng đoàn của mình nơi các Giáo Hội trẻ, để “rạng ngời minh chứng cho những người ngoài Kitô giáo thấy được phẩm tính uy nghi cao cả và tình yêu của Thiên Chúa, cũng như thấy được mối hiệp nhất trong Chúa Kitô” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 40). Việc hiện diện này làm ích cho khắp thế giới ngoài Kitô giáo, nhất là ở những miền có các truyền thống tôn giáo coi trọng đời sống chiêm niệm theo chiều hướng khổ chế nhiệm nhặt cũng như theo chiều hướng tìm kiếm Đấng Tối Cao.

 

(b)        Đối với các Tu Hội Hoạt Động, Tôi đề nghị họ hãy lợi dụng rất nhiều cơ hội để làm việc bác ái, để loan truyền Phúc Âm, để thực hiện việc giáo dục Kitô giáo, thực hiện những nỗ lực về văn hóa Kitô giáo và thực hiện tình đoàn kết Kitô giáo với người nghèo khổ và những người bị kỳ thị, bỏ rơi và đàn áp. Dù có triệt để theo đuổi mục đích truyền giáo hay không, những Tu Hội này cũng phải tự hỏi mình phải làm thế nào để tỏ ra và có thể nới rộng hoạt động của họ cho việc phát triển Vương Quốc của Thiên Chúa. Trong những thời gian gần đây, nhiều Tu Hội đã đáp ứng lời yêu cầu này, lời yêu cầu Tôi hy vọng sẽ được để ý tới hơn nữa và được áp dụng hơn nữa, để việc phục vụ càng ngày càng chuyên chính. Giáo Hội cần phải làm sáng tỏ các giá trị cao cả của Phúc Âm mà Giáo Hội là người nắm giữ. Không ai làm chứng một cách công hiệu hơn cho những giá trị Phúc Âm này, cho bằng những người tuyên khấn sống đời tận hiến giữ mình trinh khiết, khó nghèo và tuân phục, hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa và luôn luôn sẵn sàng phục vụ con người cũng như xã hội theo gương Chúa Kitô (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 69: loc. cit., 58f).

 

70-       Tôi cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các Chị Dòng truyền giáo, những người biến cuộc sống đồng trinh của mình vì Nước Trời thành vai trò làm mẹ thiêng liêng dồi dào sinh lực và hoa trái. Chính việc truyền giáo ad gentes đã hiến cho họ một mục tiêu rộng lớn để “hy hiến thân mình bằng một lòng yêu thương trọn vẹn không phân chia” (Tông Thư Mulieris Dignitatem ngày 15/8/1988, đoạn 20: AAS 80 năm 1988, 1703). Gương mẫu và hoạt động của giới nữ, thành phần, qua việc giữ mình đồng trinh, tận hiến mình cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhất là chính người nghèo khổ, là một dấu hiệu phúc âm không thể thiếu được nơi những dân tộc và những nền văn hóa mà nữ giới vẫn còn xa vời trên con đường tiến đến tình trạng tiến bộ nhân bản và giải phóng con người. Tôi hy vọng là nhiều nữ Kitô hữu trẻ sẽ được lôi kéo đến việc hiến thân mình cho Chúa Kitô, rồi sẽ lấy được sức mạnh và niềm vui nơi việc thánh hiến của mình để làm chứng cho Người nơi các dân tộc chưa nhận biết Người.

 

Tất Cả Mọi Giáo Dân là Thừa Sai theo Phép Rửa

 

71-       Các vị Giáo Hoàng mới đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò giáo dân trong hoạt động truyền giáo (xem Đức Piô XII, Thông Điệp Evangelii Praecones: loc. cit., 510ff; Thông Điệp Fidei Donum: loc. cit., 228ff; ĐTC Gioan XXIII, Thông Điệp Princeps Pastorum: loc. cit., 855ff; ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 70-73: loc. cit., 59-63). Trong Tông Huấn Christifideles Laici, Tôi đã nói rõ ràng về việc Giáo Hội “vĩnh viễn truyền giáo để mang Phúc Âm đến cho nhiều người – cả hằng triệu triệu người nam nữ – thành phần chưa biết Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại” (đoạn 35: loc. cit., 457), cũng như nói về trách nhiệm của người tín hữu giáo dân liên quan đến vấn đề này. Việc truyền giáo ad gentes là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa. Nếu nền tảng của một Giáo Hội mới cần phải có Thánh Thể, và bởi đó cũng cần đến thừa tác vụ linh mục, thì hoạt động truyền giáo, một hoạt động được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, là một công việc của tất cả mọi tín hữu Kitô giáo.

 

Ngay từ những thuở ban đầu của Kitô giáo, rõ ràng là giáo dân – với tư cách cá nhân, gia đình hay toàn thể cộng đồng – đã chia sẻ vào việc quảng bá đức tin. Đức Giáo Hoàng Piô XII nhắc lại sự kiện này trong Thông Điệp đầu tiên về các việc truyền giáo của ngài (xem Evangelii Praecones: loc. cit., 510-514), trong đó ngài đã nêu lên một số trường hợp nơi những việc truyền giáo của giáo dân. Trong những thời tân tiến hiện nay, việc tham gia chủ động này của các nhà truyền giáo giáo dân nam nữ không hề thiếu. Chúng ta làm sao quên được vai trò quan trọng do nữ giới nắm giữ, đó là vai trò làm việc của họ trong gia đình, nơi học đường, nơi sinh hoạt chính trị, xã hội và văn hóa, nhất là nơi việc họ dạy tín lý Kitô giáo? Thật vậy, chúng ta cần phải công nhận – và cần phải tôn vinh – rằng có một số Giáo Hội đã được bắt nguồn từ hoạt động của các nhà truyền giáo giáo dân nam nữ.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II đã xác nhận truyền thống này, qua việc nói đến đặc tính truyền giáo của toàn thể Dân Chúa, nhất là nói đến việc tông đồ giáo dân (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17, 33ff), khi nhấn mạnh tới việc đóng góp đặc biệt cho hoạt động truyền giáo mà họ được kêu gọi thực hiện (xem Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 35-36, 41). Nhu cầu đối với tất cả mọi tín hữu trong việc thông phần vào trách nhiệm này không phải chỉ là vấn đề làm cho việc tông đồ tăng thêm hiệu năng; nó còn là một quyền lợi và là một nhiệm vụ bởi phẩm vị thánh tẩy của họ, nhờ đó “tín hữu, về phần mình, tham dự vào sứ vụ tam diện của Chúa Kitô trong vai trò làm Tư Tế, Ngôn Xứ và Vương Đế” (Tông Huấn Christifideles Laici, đoạn 14: loc. cit., 410). Bởi thế, “họ bị bó buộc bởi nhiệm vụ chung và họ có quyền, theo tư cách cá nhân hay đoàn thể, cố gắng để làm cho sứ điệp thần linh được tất cả mọi dân tộc trên thế giới nhận biết và chấp nhận. Phận sự bó buộc này lại càng cần ở những hoàn cảnh mà dân chúng chỉ có thể nghe thấy Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô qua một mình họ mà thôi” (CIC, c. 225; xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Việc Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, 6, 13). Ngoài ra, vì tính cách trần thế của mình, họ được đặc biệt kêu gọi “để tìm kiếm Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc dấn thân vào các việc làm trần thế và qui các việc này về với ý muốn của Thiên Chúa” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31; xem CIC, c. 225, 2).

 

72-       Lãnh vực mà người giáo dân hiện diện và chủ động như là những nhà truyền giáo thì rất rộng rãi. “Lãnh vực riêng của họ... là một thế giới rộng lớn và phức tạp về chính trị, xã hội và kinh tế... “ (ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 70: loc. cit., 60), ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Trong Giáo Hội, đó là những loại dịch vụ, phận vụï, tác vụ và đường lối truyền bá đời sống Kitô giáo. Tôi muốn nói đến việc phát triển nhanh chóng những “phong trào giáo hội” đầy những năng động truyền giáo, như là một phát triển mới mẻ xuất hiện tại nhiều Giáo Hội vào những thời gian gần đây. Khi những phong trào này khiêm nhượng tìm cách tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội địa phương và được vị Giám Mục cùng các linh mục trong giáo phận đón nhận vào giáo phận cũng như vào cơ cấu của giáo xứ, chúng là tiêu biểu cho tặng ân thực sự của Thiên Chúa, cho cả việc tân truyền bá phúc âm hóa cũng như cho hoạt động truyền giáo xứng danh của mình. Bởi thế, Tôi kêu gọi là những phong trào này phải được quảng bá, và phải được sử dụng trong việc làm phát sinh một nghị lực tươi mới, nhất là nơi giới trẻ, cho đời sống Kitô hữu, cũng như cho việc truyền bá phúc âm hóa, theo cái nhìn đa diện về những đường lối mà Kitô hữu có thể bắt tay hành động và biểu lộ mình ra.

 

Trong lãnh vực hoạt động truyền giáo,việc tông đồ giáo dân có những hình thức khác nhau cần phải được tôn trọng vì bản chất và mục đích của chúng. Các hội đoàn truyền giáo giáo dân, các hiệp hội Kitô hữu thiện nguyện quốc tế, các phong trào, nhóm hội và tổ chức thân hữu thuộc giáo hội đủ loại khác nhau – tất cả mọi tổ chức này cần phải được đóng góp vào việc truyền giáo ad gentes, với tư cách là những cộng hoạt viên với Giáo Hội địa phương. Nhờ đó, việc phát triển của người tín hữu trưởng thành và có trách nhiệm mới được bảo tồn, người tín hữu đang được các Giáo Hội trẻ công nhận là “một yếu tố thiết yếu và không thể phủ nhận trong việc plantatio Ecclesiae” (Tông Huấn Christifideles Laici, 35: loc. cit., 458).

 

Công Việc của Giáo Lý Viên

và các Thừa Tác Vụ khác nhau

 

73-       Trong số thành phần giáo dân trở nên những nhà truyền bá phúc âm hóa, thì các giáo lý viên chiếm một địa vị cao quí. Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội nói về họ như  là “đạo binh giáo lý viên, cả nam lẫn nữ, đáng ca ngợi, thành phần góp phần rất nhiều vào công việc truyền giáo nơi các dân nước. Được thấm nhiễm tinh thần tông đồ, họ thực hiện việc đóng góp chuyên biệt và hết sức cần thiết cho công cuộc quảng bá đức tin cũng như cho Giáo Hội, bằng những nỗ lực hết mình của họ” (đoạn 17). Chính vì lý do đó, các Giáo Hội được thiết lập lâu đời, dấn thân cho việc tân truyền bá phúc âm hóa, đã tăng phát con số những giáo lý viên cùng đẩy mạnh hoạt động giáo lý. Thế nhưng, “chữ ‘giáo lý viên’ trước hết thuộc về những giáo lý viên ở miền đất truyền giáo... Những Giáo Hội đang nở hoa hôm nay đây đã không được dựng xây lên nếu không có mặt họ” (Tông Huấn Catechesi Tradendae, 66: loc. cit., 1331).

 

Cho dù có nới rộng các việc đóng góp của người giáo dân, cả ở trong lẫn ngoài Giáo Hội đi nữa, thì vẫn luôn luôn cần đến thừa tác vụ giáo lý viên, một thừa tác vụ có những đặc tính riêng của mình. Giáo lý viên là những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp và là những nhà truyền bá phúc âm hóa không thể thay thế được, thành phần, như Tôi vẫn thường phát biểu và cảm nghiệm thấy qua các cuộc hành trình truyền giáo của mình, cho thấy sức mạnh căn bản của các cộng đồng Kitô hữu, nhất là nơi các Giáo Hội trẻ. Giáo Luật mới đã công nhận những việc làm, phẩm chất và điều kiện các giáo lý viên (xem c. 785, 1).

 

Tuy nhiên, cũng không được quên rằng, công viêïc của các giáo lý viên đang càng ngày càng trở nên khó khăn và khẩn thiết hơn, bởi những đổi thay về giáo hội cũng như về xã hội. Những gì Công Đồng gợi ý vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay, đó là gợi ý huấn luyện cẩn thận về tín lý và sư phạm, gợi ý tiếp tục canh tân về tinh thần và về việc tông đồ, cũng như gợi ý cần phải cung cấp cho giáo lý viên “một tiêu chuẩn sống và an sinh xã hội xứng hợp” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 17). Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là việc nỗ lực thiết lập và nâng đỡ những trường dạy cho các giáo lý viên, được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận và cấp bằng được sau này chính thức công nhận (xem Hội Nghị Thánh Bộ về Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc năm 1969, về các giáo lý viên và các “Hướng Dẫn” liên hệ ban hành 4/1970: Bibliographia Missionaria 34 năm 1970, 197-212 và S.C. de Propaganda Fide Memoria Rerum, III/2 năm 1976, 821-831).

74-       Ngoài các giáo lý viên ra, cũng cần phải đề cập tới những đường lối khác trong việc phục vụ Giáo Hội và sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội; tức là nói đến các nhân viên khác của Giáo Hội, như những người điều khiển cầu nguyện, thánh ca và phụng vụ; những người làm đầu các cộng đồng giáo hội cơ bản và các nhóm học hỏi Thánh Kinh; những người lo các việc bác ái; những quản trị viên điều hành các nguồn lợi của Giáo Hội; những lãnh đạo viên trong các hình thức tông đồ khác; các thày cô dạy về tôn giáo ở các trường học. Tất cả mọi phần tử giáo dân phải hiến một phần thời giờ của mình cho Giáo Hội, bằng việc sống đức tin của mình một cách chân chính.

 

Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa cho Các Dân Nước

và Các Cơ Cấu lo Việc Hoạt Động Truyền Giáo

 

75-       Các người điều hành và các nhân viên hoạt động mục vụ truyền giáo phải cảm nhận được việc hiệp nhất của họ trong mối hiệp thông làm nên đặc tính của Nhiệm Thể Giáo Hội. Chúa Kitô đã cầu nguyện cho điều này ở Bữa Tiệc Ly rằng: “Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong chúng ta, cho thế giới tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21). Hoa trái của hoạt động truyền giáo chỉ được tìm thấy nơi mối hiệp thông này thôi.

 

Thế nhưng, vì Giáo Hội cũng là chính mối hiệp thông, một hiệp thông hữu hình và có tổ chức, nên sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội cũng cần phải được thống nhất theo hình thức và cơ cấu giữa những trách nhiệm và phận vụ dự phần khác nhau, đến nỗi, tất cả mọi phần tử “có thể cống hiến sức lực của mình cho việc xây dựng Giáo Hội một cách hòa hợp” (Công Đồng Chung Vaticanô II, (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 28). 

 

Thánh Bộ phụ trách hoạt động truyền giáo có trách nhiệm “hướng dẫn và điều hợp khắp thế giới việc truyền bá phúc âm hóa các dân tộc cũng như việc hợp tác truyền giáo, liên quan tương xứng với thẩm quyền của Thánh Bộ về Các Giáo Hội Đông Phương” (Tông Hiến Pastor Bonus, ngày 28/6/1988, 85: AAS 80 năm 1988, 881; xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 29). Bởi thế, công việc của Thánh Bộ phụ trách hoạt động truyền giáo là “tuyển mộ các nhà truyền giáo và phân phối họ tùy theo nhu cầu cần hơn ở các vùng khác nhau..., phác họa một chương trình hoạt động ngăn nắp, ban hành các qui tắc và chỉ dẫn cùng với các nguyên tắc hợp với công việc truyền bá phúc âm hóa, và nâng đỡ những giai đoạn đầu trong việc làm của họ” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 29; xem ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Hiến Pastor Bonus, 86: loc. cit., 882). Tôi muốn xác nhận những chỉ dẫn khôn ngoan này. Để tái khai mào cho việc truyền giáo ad gentes, cần phải có một trung tâm quảng bá, hướng dẫn và điều hợp, tức là, cần phải có Thánh Bộ về Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc. Tôi xin mời Các Hội Đồng Giám Mục cùng các cơ cấu khác nhau của những hội đồng này, các vị Bề Trên Tổng Quyền của các Dòng Tu, Hội Dòng và Tu Hội, cũng như các tổ chức giáo dân tham gia hoạt động truyền giáo, hãy trung thành cộng tác với Phân Bộ này, một Phân Bộ có thẩm quyền cần thiết trong việc phác họa và hướng dẫn cùng phối hợp hoạt động truyền giáo khắp thế giới.

 

Thánh Bộ này, một Thánh Bộ có một lịch sử dài rất nổi nang, được kêu gọi để đóng một vai trò trọng yếu liên quan đến việc tìm hiểu và phác họa các chương trình hoạt động mà Giáo Hội cần có để nhất định hướng tới sứ mệnh truyền giáo bằng nhiều hình thức khác nhau. Để đạt được mục đích ấy, Thánh Bộ này phải giữ liên hệ chặt chẽ với các Phân Bộ khác của Tòa Thánh, với các Giáo Hội địa phương cũng như các lực lượng truyền giáo khác. Theo giáo hội học về việc hiệp thông liên quan đến vấn đề toàn thể Giáo Hội là truyền giáo, cũng như đến vấn đề không thể thiếu được các ơn gọi và các tổ chức chuyên biệt khác nhau lo hoạt động truyền giáo ad gentes, thì vai trò hướng dẫn và điều hợp của Thánh Bộ về Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc rất là quan trọng, để làm sao có thể kết hợp nỗ lực trong việc đối phó với những vấn đề khó khăn ai cũng quan tâm tới, tùy theo thẩm quyền xứng hợp riêng của mỗi chức phận và cơ cấu.

 

76-       Các Hội Đồng Giám Mục và các nhóm khác nhau của các hội đồng này rất cần phải hướng dẫn và điều hợp hoạt động truyền giáo theo cấp quốc gia và cấp miền. Công Đồng xin họ “hãy bàn luận với nhau trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng và những rắc rối khẩn trương, tuy nhiên, vẫn phải để ý tới những cái khác nhau ở địa phương” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 31), và hãy cứu xét đến vấn đề phức tạp trong việc hội nhập văn hóa. Thật vậy, hoạt động rộng lớn và điều hòa đang được diễn tiến ở lãnh vực này đã mang lại kết quả trông thấy. Đây là một hoạt động phải được tăng tiến và điều hợp khá hơn nữa với hoạt động của các phần vụ khác của cùng một Hội Đồng Giám Mục, để mối quan tâm truyền giáo không để cho một phân bộ hay cơ chế duy nhất nào phụ trách, mà là được tất cả cùng nhau chia sẻ.

 

Các phân bộ và tổ chức tham gia vào hoạt động truyền giáo phải kết hợp sức lực và sáng kiến mỗi khi có cơ hội. Hội Đồng Các Bề Trên Tổng Quyền phải có cùng một quan tâm theo phạm vi của mình, mà vẫn giữ liên hệ với các Hội Đồng Giám Mục, theo những chỉ dẫn và qui tắc được qui định (xem ibid. 33), cũng như bàn hỏi với các ủy ban khác nhau. Nên có cả các cuôïc họp và các hình thức cộng tác khác giữa những tổ chức truyền giáo với nhau, cả trong vấn đề huấn luyện lẫn học hỏi (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 29; xem ĐTC Phaolô VI, Tông Thư Motu Prorio Ecclesiae Santae, III, 22: loc. cit., 787).