VII 

VIỆC CỘNG TÁC TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO 

 

 

Vì là phần thể của Giáo hội theo Phép Rửa mà tất cả mọi Kitô hữu đều chia sẻ trách nhiệm vào hoạt động truyền giáo. “Việc cộng tác truyền giáo” là lời diễn tả được dùng để nói lên việc các cộng đồng và Kitô hữu chia sẻ với nhau nơi quyền lợi và nhiệm vụ truyền giáo này.

 

Việc cộng tác truyền giáo được bắt nguồn và sống động, trước hết, nơi mối hiệp nhất riêng tư với Chúa Kitô. Chỉ khi nào chúng ta được nên một với Người, như cành nho dính liền với cây nho (x. Jn 15:5), chúng ta mới có thể sinh hoa trái tốt tươi. Bằng đời sống thánh thiện, hết mọi Kitô hữu có thể trở nên phần sai trái nơi việc truyền giáo của Giáo Hội. Công Đồng Chung Vaticanô II đã mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện “việc canh tân nội tâm sâu xa, để nhờ nhận thức sống động được trách nhiệm riêng của mình trong việc quảng bá Phúc Âm, họ có thể góp phần của mình vào việc truyền giáo nơi các dân nước” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 35; xem CIC, cc. 211, 781).

 

Chia sẻ thực hiện sứ vụ truyền giáo đại đồng, bởi thế, không bị giới hạn vào một số những hoạt động chuyên biệt, nhưng là một dấu hiệu trưởng thành trong đức tin cũng như trong đời sống Kitô hữu sinh hoa kết trái. Như thế, các tín hữu nói riêng mới vươn đức ái của mình ra cho thấy mối quan tâm đối với cả những kẻ ở xa cũng như ở gần. Họ cầu nguyện cho các việc truyền giáo và cho các ơn gọi truyền giáo. Họ giúp các nhà truyền giáo và lấy làm phấn khởi làm theo các công việc của các vị ấy. Khi các nhà truyền giáo trở lại, họ tiếp đón các vị bằng một niềm vui giống như niềm vui của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, khi các cộng đồng này nghe các Tông Đồ thuật lại những sự lạ lùng Thiên Chúa đã làm qua việc các Tông Đồ giảng dạy (x. Acts 14:27).

 

Cầu Nguyện và Hy Sinh cho Các Nhà Thừa Sai

 

78-       Trong số những hình thức chia sẻ này, đầu tiên là việc cộng tác về phần thiêng liêng qua lời cầu nguyện, qua hy sinh và qua chứng từ của đời sống Kitô hữu. Việc cầu nguyện phải kèm theo cuộc hành trình của các nhà truyền giáo, để việc loan truyền Lời Chúa được tác hiệu theo ơn Chúa. Trong các Bức Thư của mình, Thánh Phaolô thường xin tín hữu cầu nguyện cho ngài, để ngài có thể loan truyền Phúc Âm một cách tin tưởng và vững vàng. Cầu nguyện cần phải được đi kèm với hy sinh. Giá trị cứu chuộc của đau khổ, vì yêu mến chấp nhận và dâng lên cho Thiên Chúa, bắt nguồn từ hiến tế của chính Chúa Kitô, Đấng kêu gọi các phần thể thuộc Nhiệm Thể của Người thông phần vào các khổ đau của Người, để hoàn tất những đau khổ ấy nơi xác thịt của họ (x. Col 1:24). Việc hy sinh của các nhà truyền giáo phải được chia sẻ và kèm theo bằng các hy sinh của tất cả mọi tín hữu. Do đó, Tôi hết sức muốn những ai lo việc mục vụ chăm sóc bệnh nhân hãy dạy cho họ biết về hiệu năng của đau khổ, và khuyến khích họ hãy hiến dâng những đau khổ của họ lên Thiên Chúa để cầu cho các nhà truyền giáo. Bằng việc hiến dâng như vậy, chính bệnh nhân trở nên những nhà truyền giáo, như các phong trào do họ lập nên, hay được lập nên cho thành phần của họ, nhấn mạnh. Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – thời điểm mở màn cho việc truyền giáo của Giáo Hội – nơi một số cộng đồng, được cử hành như là một “Ngày Chịu Đựng Khổ Đau để cầu cho Các Việc Truyền Giáo”. 

 

“Này con đây, Lạy Chúa!

Con sẵn sàng! Xin hãy sai con!”

 

79-       Việc cộng tác truyền giáo được nói lên, trước hết, bằng việc cổ võ các ơn gọi truyền giáo. Dù có công nhận tính cách hiệu năng của các đường lối khác nhau để tham gia vào hoạt động truyền giáo, cũng cần phải tái xác nhận rằng, việc hoàn toàn dấn thân trọn đời cho công cuộc của các ngành truyền giáo là việc đứng hàng đầu, nhất là dấn thân trong các Tu Hội và Hội Dòng truyền giáo. Việc cổ võ các ơn gọi như vậy là tâm điểm của việc cộng tác truyền giáo. Việc rao giảng Phúc Âm đòi phải có các nhà rao giảng; mùa màng cần thợ gặt. Việc truyền giáo được thực hiện, trước hết, bởi những con người nam nữ tận hiến đời mình cho công cuộc của Phúc Âm, và là những con người sẵn sàng mang ơn cứu độ ra đi đến khắp nơi trên thế giới.

 

Tôi muốn nhắc lại để kêu gọi việc quan tâm đến các ơn gọi truyền giáo. Nhận thức được trách nhiệm chung của Kitô hữu trong việc góp phần vào hoạt động truyền giáo, cũng như vào việc phát triển các dân tộc nghèo khổ hơn mình, chúng ta cần phải thắc mắc hỏi mình rằng, ở một vài xứ sở, trong khi việc đóng góp về tiền bạc tăng lên, thì các ơn gọi truyền giáo, những ơn gọi này mới là mức đo lường thực sự của việc tự hy hiến bản thân cho anh chị em của mình, lại đang có nguy cơ mất đi. Các ơn gọi làm linh mục và sống đời tận hiến là một dấu hiệu chắc chắn nói lên sức sống của một Giáo Hội.

 

80-       Khi nghĩ đến vần đề hệ trọng này, Tôi hết lòng tin tưởng và tha thiết kêu gọi các gia đình và giới trẻ. Các gia đình, nhất là các cha mẹ, cần ý thức rằng, họ phải “hiến dâng phần đóng góp đặc biệt cho lợi ích truyền giáo của Giáo Hội, bằng việc nuôi dưỡng các ơn kêu gọi truyền giáo nơi con cái nam nữ của họ” (Tông Huấn Familiaris Consortio, 54: loc. cit., 147).

 

Đời sống nguyện cầu thiết tha, cảm thức đích thực trong việc phục vụ tha nhân của mình, và việc tham gia nhiệt thành vào các hoạt động trong Giáo Hội, cống hiến các gia đình những điều kiện thuận lợi gieo mầm ơn gọi nơi giới trẻ. Khi cha mẹ sẵn sàng để cho một trong những đứa con của mình ra đi truyền giáo, khi họ xin ơn này nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho họ vui mừng vào ngày có đứa con trai hay con gái của họ nghe thấy Chúa gọi theo Ngài.

 

Tôi xin chính giới trẻ hãy lắng nghe lời Chúa Kitô khi Người nói với họ những gì Người đã từng nói với Simon Phêrô và Anrê ở bờ hồ: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những tay đánh cá người” (Mt 4:19). Chớ gì họ can đảm đáp lại như tiên tri Isaia đã làm: “Này con đây, lạy Chúa! Con sẵn sàng rồi! Xin hãy sai con đi!” (x. Is 6:8). Họ sẽ có một cuộc sống tuyệt vời trước mắt, và họ sẽ nếm được niềm vui đích thực trong việc loan truyền “Tin Mừng” cho anh chị em là những người họ sẽ dẫn đi trên con đường cứu độ.

 

“Cho đi hơn nhận lãnh” (Acts 20:35)

 

81-       Các nhu cầu về vật chất và tài chính cho những việc truyền giáo thì nhiều: không phải ở tại việc thiết lập một Giáo Hội với cơ cấu tối thiểu (nguyện đường, trường sở cho các giáo lý viên và chủng sinh, nhà cửa), mà còn để hỗ trợ cho các việc bác ái, giáo dục và tiến bộ của con người – một lãnh vực hoạt động rộng lớn, nhất là nơi các xứ nghèo. Giáo Hội truyền giáo cho đi những gì Giáo Hội nhận được, và phân phối cho kẻ nghèo các của cải vật chất do các con cái nam nữ giầu có về vật chất của Giáo Hội cúng cho Giáo Hội. Ở đây, Tôi muốn cám ơn tất cả những ai đã hy sinh và đóng góp vào công cuộc của những việc truyền giáo. Các hy sinh và chia sẻ của họ không thể nào thiếu được trong việc xây dựng Giáo Hội cũng như trong việc tỏ lòng yêu thương.

 

Trong vấn đề trợ giúp về vật chất, cần phải để ý tới tinh thần làm việc dâng cúng. Đối với vấn đề này, chúng ta phải xét lại lối sống của mình: các việc truyền giáo chẳng những xin đóng góp mà còn xin chia sẻ vào công việc giảng dạy và bác ái đối với kẻ nghèo nữa. Tất cả những gì chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa – chính sự sống cũng như của cải vật chất – không thuộc về chúng ta mà được ban cho chúng ta để chúng ta sử dụng. Lòng quảng đại cho đi bao giờ cũng phải được đức tin hướng dẫn và tác động: bấy giờ chúng ta mới thực sự có phúc khi cho đi hơn là nhận lãnh.

 

Ngày Truyền Giáo Thế Giới, một ngày muốn đề cao nhận thức về các việc truyền giáo, cũng như để quyên tiền cho các việc truyền giáo, là một ngày quan trọng trong đời sống Giáo Hội, vì nó dạy cách cho đi, như một lễ vật dâng lên Thiên Chúa, trong việc cử hành Thánh Thể và cho tất cả mọi việc truyền giáo trên thế giới.

 

Những Hình Thức Mới trong Việc Cộng Tác Truyền Giáo

 

82-       Ngày nay, việc cộng tác truyền giáo bao gồm những hình thức mới, chẳng những dưới hình thức trợ giúp về kinh tế, mà còn dưới hình thức trực tiếp tham gia nữa. Những hoàn cảnh mới liên quan tới hiện tượng di chuyển đòi Kitô hữu phải có một tinh thần hoạt động truyền giáo đích thực.

 

Trào lưu du lịch khắp thế giới nay đã trở nên một hiện tượng ào ạt. Hiện tượng này là một phát triển tốt, nếu các người đi du lịch giữ được thái độ tôn trọng đối với vấn đề trao đổi để thăng tiến về văn hóa và ước muốn làm như vậy, bằng việc tìm cách tiếp xúc với nhau, chứ không phải để phô trương và phung phí. Phần Kitô hữu, họ cần nhận thức được, trước hết, phận sự buộc họ phải luôn luôn làm chứng cho đức tin và tình yêu Chúa Kitô. Kiến thức trực tiếp về cuộc sống truyền giáo cũng như về các cộng đồng Kitô giáo mới cũng có thể là một kinh nghiệm thăng tiến bản thân và có thể làm cho đức tin của mình thêm vững mạnh. Đến thăm các địa sở truyền giáo là việc nên làm, nhất là đối với thành phần giới trẻ đến đó để phục vụ cũng như để lấy thêm kinh nghiệm dồi dào hơn cho đời sống Kitô hữu.

 

Hiện nay, vì các lý do công ăn việc làm, đã mang nhiều Kitô hữu từ các cộng đồng trẻ đến những vùng Kitô giáo chưa được biết tới, có những lúc còn bị cấm cản hay bắt bớ nữa. Cũng thế, đối với trường hợp của những phần tử tín hữu thuộc các xứ Kitô giáo lâu đời đến làm việc một thời gian ở những đất nước ngoài Kitô giáo. Những trường hợp này thật sự là một cơ hội sống đức tin và làm chứng đức tin. Trong những thế kỷ đầu, Kitô giáo phát triển là vì Kitô hữu, khi di chuyển hay định cư ở những vùng Chúa Kitô chưa được loan báo, đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình và đã thành lập các cộng đoàn đầu tiên ở đó.

 

Đông hơn nữa là những người công dân ở các xứ truyền giáo, và những tín đồ thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đến định cư ở các nước khác để học hành hay làm việc, hoặc bị buộc phải làm như thế vì tình trạng chính trị hay kinh tế tại đất nước của họ. Việc hiện diện của những người anh chị em này tại các xứ sở theo Kitô giáo lâu đời là một thách đố cho các cộng đồng giáo hội, và là một kích thích cho việc tiếp đãi, đối thoại, phục vụ, chia sẻ, minh chứng và trực tiếp loan báo. Nơi những xứ sở Kitô giáo, các cộng đồng và các nhóm về văn hóa cũng đang hình thành những gì cần cho việc truyền giáo ad gentes, và các Giáo Hội địa phương, được hợp tác của những người di dân đến từ các xứ sở của họ, cũng như của những nhà truyền giáo hồi hương, phải hết sức đáp ứng đối với các trường hợp này.

 

Việc cộng tác truyền giáo cũng có thể bao gồm cả các nhà lãnh đạo về chính trị, kinh tế, văn hóa và phóng sự, cũng như những chuyên gia của các cơ chế quốc tế khác nhau nữa. Trong thế giới tân tiến hiện nay, vấn đề phân định các ranh giới về địa dư hay văn hóa càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng liên thuộc giữa con người với nhau đang tăng lên, và sự kiện này trở thành một kích thích cho chứng từ Kitô giáo cũng như cho việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Cổ Động và Huấn Luyện Truyền Giáo

trong Thành Phần Dân Chúa

 

83-       Việc huấn luyện truyền giáo là công việc của Giáo Hội địa phương, được tiếp tay bởi các nhà truyền giáo và Tu Hội của họ, cũng như được tiếp tay bởi người đến từ các Giáo Hội trẻ. Công việc này không được coi như là một việc nổi nang bề ngoài mà là việc chính đối với đời sống Kitô hữu. Thậm chí đối với cả việc “tân truyền bá phúc âm hóa” nơi các xứ Kitô giáo thì đề tài về những việc truyền giáo cũng cho thấy là rất hữu ích: chứng từ của các nhà truyền giáo vẫn là một lời kêu gọi đối với cả thành phần tín hữu không hành đạo lẫn thành phần không tin đạo, chứng từ này truyền đạt các giá trị Kitô giáo. Bởi thế, các Giáo Hội riêng phải làm cho vấn đề phát động những việc truyền giáo thành yếu tố chính trong hoạt động mục vụ thông thường ở các giáo xứ, hội đoàn và nhóm hội, nhất là ở các nhóm giới trẻ.

 

Khi nhắm đến mục đích này, cần phải quảng bá chi tiết qua các việc phát hành cũng như qua các phương tiện trợ thính thị về truyền giáo. Những phương tiện này đóng một vai trò quan trọng, trong việc phổ biến sinh hoạt của Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong việc chia sẻ những kinh nghiệm của các nhà truyền giáo và của các Giáo Hội địa phương họ hoạt động. Nơi những Giáo Hội mới mẻ vẫn chưa có phương tiện in ấn, hay các phương tiện khác trong tay, thì các Tu Hội Truyền Giáo cần phải giúp nhân lực và vật lực cho những công việc làm này. 

 

Một việc huấn luyện như thế được ủy thác cho các vị linh mục và cộng sự viên của họ, cho các nhà giáo dục và giáo sư, cũng như cho các nhà thần học, nhất là những người dạy trong các chủng viện và các trung tâm dành cho giáo dân. Việc huấn luyện về thần học không thể và không được bỏ qua việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội, việc đại kết, việc học hỏi các tôn giáo lớn khác và khoa truyền giáo. Tôi đề nghị là những môn học như vậy phải được dạy đặc biệt trong các chủng viện cũng như trong các nhà huấn luyện cho Tu Sĩ nam nữ, những môn học cần có một số linh mục hay học viên chuyên môn về các ngành truyền giáo học khác nhau.

Các hoạt động nhắm đến vấn đề phát động chú trọng đến những việc truyền giáo bao giờ cũng phải được hướng về các mục tiêu đặc biệt này; tức là mục tiêu thông báo và huấn luyện Dân Chúa trong việc tham phần vào sứ vụ truyền giáo đại đồng của Giáo Hội, mục tiêu cổ võ các ơn gọi ad gentes và mục tiêu khuyến khích cộng tác vào việc truyền bá phúc âm hóa. Thật là không đúng khi trình bày một hình ảnh thiếu hụt về hoạt động truyền giáo, như thể nó chỉ hoàn toàn nhắm vào việc giúp đỡ kẻ nghèo, vào việc góp phần giải phóng kẻ bị đàn áp, vào việc đề cao phát triển hay bảo vệ quyền lợi của con người. Giáo Hội truyền giáo nhất định bao gồm cả những công việc hàng đầu này, thế nhưng, công việc chính yếu của Giáo Hội nằm ở chỗ khác, ở chỗ thành phần nghèo khổ đói khát Thiên Chúa, chứ không phải đói khát bánh ăn và tự do vậy thôi. Hoạt động truyền giáo trước hết phải làm chứng cho và loan truyền ơn cứu độ trong Chúa Kitô, cùng với việc thiết lập các Giáo Hội địa phương là nơi sau này trở thành phương tiện giải phóng đúng nghĩa. 

 

Trách Nhiệm Chính

của Các Hội Truyền Giáo thuộc Tòa Thánh

 

84-       Vai trò dẫn đầu trong việc phát động này là của Các Hội Truyền Giáo thuộc Tòa Thánh, như Tôi thường cho thấy trong các Sứ Điệp Tôi gửi cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới. Bốn Hội này – Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, Hội Trẻ Em Thánh và Hội Hợp Đoàn Thừa Sai – có cùng một mục đích trong việc nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo hoàn vũ nơi Dân Chúa. Hội Hợp Đoàn Thừa sai có mục đích trực tiếp và đặc biệt phát động ý thức truyền giáo và huấn luyện các linh mục và tu sĩ nam nữ trở nên thành phần cung cấp kiến thức và huấn luyện ở tại các cộng đồng Kitô hữu. Ngoài ra, Hội Hợp Đoàn Thừa Sai còn tìm cách cổ động các Hội khác, như “linh hồn” của các hội ấy (xem ĐTC Phaolô VI, Graves et Increscentes, ngày 5/9/1966: AAS 58 năm 1966, 750-756). “Đây phải là khẩu hiệu của chúng ta: Tất cả mọi Giáo Hội phải hiệp nhất cho việc hoán cải toàn thể thế giới” (P. Manna, Le nostre “Chiese” e la Propagazione del Vangelo, Trento la Ducenta, 1952, p. 35).

 

Vì hưởng đặc ân của Giáo Hoàng và Giám Mục Đoàn, những Hội này, cả ở trong phạm vi của các Giáo Hội địa phương, cũng thực sự “đứng đầu... vì các hội ấy là phương tiện giúp người Công Giáo, ngay từ hồi còn nhỏ, được thấm nhiễm tinh thần truyền giáo đại đồng và truyền giáo chân truyền; các hội ấy cũng là phương tiện bảo đảm cho việc lạc quyên tốt đẹp vì lợi ích của tất cả những việc truyền giáo theo nhu cầu của mỗi một việc” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 38). Mục đích khác nữa của các Hội Truyền Giáo là cổ động các ơn gọi trọn đời ad gentes, cả ở các Giáo Hội cũ lẫn Giáo Hội mới. Tôi tha thiết muốn thấy việc các Hội Truyền Giáo này càng ngày càng cổ động phát triển theo chiều hướng ấy.

 

Về phương diện hoạt động của mình, những Hội này lệ thuộc vào phạm vi hoàn cầu của Thánh Bộ Phụ Trách Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc; ở cấp độ địa phương, các hội ấy tùy thuộc vào Hội Đồng Các Giám Mục cũng như tùy thuộc vào Giám Mục của từng Giáo Hội, trong việc hợp tác với các trung tâm cổ động đang hoạt động. Các hội ấy mang đến cho thế giới Công Giáo tinh thần đại đồng và tinh thần phục vụ đối với việc truyền giáo của Giáo Hội, mà không có tinh thần này cũng không có việc cộng tác thật sự.

 

Chẳng Những Cho Việc Truyền Giáo

mà còn Nhận từ Việc này nữa

 

85-       Việc hợp tác trong hoạt động truyền giáo không có nghĩa là cho đi mà không nhận lãnh. Tất cả mọi Giáo Hội riêng, cả mới lẫn cũ, đều được kêu gọi để cho đi và nhận lãnh theo tương quan của việc truyền giáo đại đồng, không Giáo Hội nào được khép mình lại trước những nhu cầu của các Giáo Hội khác. Công Đồng viết: “Bởi... tính chất công giáo, các phần riêng mang các tặng ân của mình đến cho các phần khác và cho toàn thể Giáo Hội, để làm cho toàn khối và từng phần riêng lớn lên hơn nữa, qua việc tất cả truyền thông cho nhau, cũng như qua việc liên kết nỗ lực hướng đến mối hiệp nhất toàn vẹn... Giữa những phần khác nhau trong Giáo Hội có những liên hệ hiệp thông sâu xa liên quan đến những kho tàng thiêng liêng, đến các nhân viên tông đồ và đến việc trợ giúp về vật chất” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13).

 

Tôi kêu gọi tất cả mọi Giáo Hội, Giám Mục, linh mục, tu sĩ và các phần tử giáo dân, hãy hướng về tính cách đại đồng của Giáo Hội, và hãy tránh hết mọi hình thức khuynh hướng thiển cận chỉ biết lấy mình hay độc quyền, hoặc những cảm giác tự mãn. Các Giáo Hôïi địa phương, mặc dầu được ăn sâu vào dân tộc và văn hóa riêng của mình, cũng phải luôn luôn giữ được cảm thức sống động về tính cách đại đồng của đức tin, về việc cho đi và nhận lãnh các tặng ân thiêng liêng, về các kinh nghiệm của hoạt động mục vụ trong việc truyền bá phúc âm hóa và việc loan báo lúc ban đầu, cũng như về nhân lực cho việc tông đồ và các nguồn lợi vật chất.

 

Khuynh hướng muốn trở nên biệt lập có thể là một khuynh hướng mãnh liệt. Các Giáo Hội cũ, liên quan đến việc tân truyền bá phúc âm hóa, có thể nghĩ rằng việc truyền giáo của mình hiện nay ở tại phần đất của mình, do đó, các Giáo Hội này có thể bị nhụt đi nhuệ khí đối với thế giới ngoài Kitô giáo, bất đắc dĩ để cho các ơn gọi đến với các Tu Hội truyền giáo, các Hội Dòng Tu Sĩ hay các Giáo Hội riêng khác. Thế nhưng, chính nhờ việc cho đi một cách quảng đại những gì chúng ta có mà chúng ta sẽ nhận được. Những Giáo Hội trẻ, có nhiều nơi được chúc phúc bởi có dồi dào ơn gọi, đã ở trong vị thế sai các linh mục và Tu Sĩ nam nữ tới các Giáo Hội lâu đời hơn.

 

Ngoài ra, các Giáo Hội trẻ cũng đang quan tâm đến căn tính riêng của mình, đến việc hội nhập văn hóa, cũng như đến việc tự do phát triển thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi ngoại bang, để rồi cuối cùng họ có thể đóng cửa không có các nhà truyền giáo tới nữa. Với những Giáo Hội này, Tôi xin nói là: Đừng tự cô lập lấy mình; hãy sẵn sàng tiếp nhận các nhà truyền giáo, cùng sự nâng đỡ của các Giáo Hội khác, và cũng làm như vậy cho các Giáo Hội khắp nơi. Chính vì các vấn đề liên quan đến Giáo Hội của mình mới cần tới việc liên tục liên hệ với các anh chị em mình trong đức tin. Bằng mọi phương tiện hợp pháp, hãy tìm cách bảo đảm cho bằng được việc nhận thức về niềm tự do mình có quyền hưởng, khi nhớ rằng các môn đệ của Chúa Kitô phải “vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta” (Acts 5:29).

 

Thiên Chúa đang Sửa Soạn

một Mùa Xuân Mới cho Phúc Âm

 

86-       Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta bị dội lại bởi nhiều yếu tố tiêu cực có thể làm cho chúng ta bi quan. Thế nhưng, cảm giác này không chính đáng: chúng ta tin vào Thiên Chúa là Cha và là Chúa của chúng ta, vào lòng tốt và tình thương của Ngài. Trong lúc Ngàn Năm thứ ba của ơn cứu chuộc gần đến, Thiên Chúa đang sửa soạn một mùa xuân rất tươi đẹp cho Kitô giáo, và chúng ta đã thấy được các dấu hiệu le lói của nó. Thật vậy, cả nơi thế giới ngoài Kitô giáo lẫn nơi thế giới Kitô giáo lâu đời, con người đang dần dần tiến gần tới những lý tưởng và giá trị Phúc Âm hơn, một đà phát triển Giáo Hội đang tìm cách phấn khích. Thật vậy, ngày nay, các dân tộc có một cảm nhận chung về những giá trị sau đây: việc loại trừ bạo lực và chiến tranh; việc tôn trọng con người và các quyền lợi của con người; niềm mong ước được tự do, công chính và tình yêu huynh đệ; việc thắng vượt các hình thức khác nhau về chủng tộc và dân tộc; việc công nhận phẩm vị và vai trò của nữ giới.

 

Niềm hy vọng của Kitô giáo nâng đỡ chúng ta trong việc chúng ta hoàn toàn dấn thân cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa, cũng như cho việc truyền giáo đại đồng, và khiến chúng ta nguyện cầu như Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Chúng con nguyên Nước Cha trị đến. Chúng con nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:10).

 

Còn thật nhiều người đang đợi chờ Chúa Kitô, đó là những nhóm người và những khối văn hóa chưa biết đến Phúc Âm, hay những người hầu như chưa biết đến có Giáo Hội, nhiều đến nỗi cần phải liên kết tất cả nguồn lợi của Giáo Hội lại. Vào thời điểm sửa soạn cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm năm 2000, toàn thể Giáo Hội lại càng dấn thân cho một mùa vọng truyền giáo mới. Chúng ta phải tăng thêm lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta để truyền sang cho các người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin, và toàn thể Dân Chúa phải được giáo huấn theo lý tưởng cao cả này.

 

Chúng ta không thể bằng lòng khi thấy cả triệu triệu anh chị em của mình, cũng như chúng ta, được cứu chuộc bằng  máu Chúa Kitô, mà lại sống chẳng biết gì về tình yêu của Thiên Chúa cả. Bởi vì, đối với mỗi một tín hữu, cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, công việc truyền giáo vẫn phải là một việc làm trên hết, vì công việc này liên quan đến định mệnh đời đời của con người, cũng là công việc hợp với dự án nhiệm mầu và nhân hậu của Thiên Chúa.