Trích Giáo Lý Cẩm Nang do Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

 

 

 

TỘI LỖI

 

 

48-  Tội lỗi là việc tự tình phạm đến lề luật thần linh. Phạm đến bất cứ lề luật nào đều có lỗi, vì lề luật nào cũng phát xuất từ lề luật thần linh một cách nào đó.

 

49-  Tội lỗi theo thần học được phân loại làm hai: tội trọng (mortal sin) và tội nhẹ (venial sin).

 

50-  Tội trọng là tội phạm đến lề luật thần linh một điều trọng nào đó bằng tất cả ý thức và lòng muốn của mình.

 

51-  Điều trọng có thể do tự bản chất của nó, do hoàn cảnh hay do mục đích của nó. Có những tội trọng ex toto genere suo, tức là các tội theo bản chất của mình không bao giờ trở thành tội nhẹ, như ước muốn xác thịt. Cũng có những tội trọng ex genere suo, tức là những tội cùng loại có thể nặng hay nhẹ trong một số trường hợp, như tội ăn cắp giữa một vật đắt giá và một vật hạ giá. Những tội nhẹ ex toto genere suo thì lúc nào cũng là tội nhẹ, như tội tham ăn v.v. Những tội này có thể trở thành tội trọng vì lương tâm sai lạc.

 

52-  Tội nhẹ xẩy ra khi phạm đến lề luật thần linh ở một điều nhẹ, dù hoàn toàn ý thức; hay phạm đến lề luật thần linh ở một điều nặng, song không đủ ý thức và lòng muốn. Tội nhẹ cũng có thể xẩy ra khi phạm đến một điều trọng trong lề luật thần linh, song vì lương tâm sai lạc cứ tưởng điều đó là nhẹ. Tội nhẹ cũng có thể trở thành tội trọng vì lương tâm sai lạc hay gương mù, hoặc vì nguy hiểm trực tiếp của nó dẫn đến phạm tội trọng, hay vì khinh thường lề luật hoặc vì mục đích có tội trọng.

 

Số lượng tội lỗi:

 

53-  Có bao nhiêu tác động tội lỗi về luân lý khác nhau thì phạm bấy nhiêu tội, nếu: chúng thuộc về các tội riêng biệt khác nhau (như trộm cắp, giết người), chúng được lập đi lập lại (như bề ngoài chửi thề mấy lần là phạm bấy nhiêu tội, hay bề trong có ý ăn trộm, sau đó hối hận bỏ ý định ấy đi, rồi lại có ý định lấy, thì phạm hai tội), và một tác động lại nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau (như đốt nhà để giết người).

 

54-  Ngược lại, dù làm nhiều tác động tội lỗi khác nhau về thể lý song cũng chỉ phạm có một tội, nếu: nhiều tác động nhắm vào một đối tượng, khi chúng phát xuất từ cùng một động lực thúc đẩy, khi chúng làm phương tiện để đạt một mục đích chung, khi chúng làm thành một việc vấp phạm riêng; hay một tác động lại nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau cùng loại và những đối tượng này tạo nên một khối duy nhất về luân lý theo bản chất của mình hay theo ý nghĩ của tác nhân.

 

Các thứ tội đặc biệt (3 tội trong và 7 tội đầu):

 

55-  Ba tội trong (internal sins) cũng thường được gọi là “các tâm tưởng xấu” (bad thoughts).

 

56-  Tội trong thứ nhất là (morose delectation) tội lấy làm khoái thú với những đối tượng tội lỗi hiện lên trong trí tưởng tượng.

 

57-  Tội trong thứ hai là (sinful joy) tội lấy làm vui thú khi chính mình hay người nào làm được một việc xấu: tác động lấy làm vui thú trong lòng này phạm cùng một thứ tội và độ tội như chính tác động làm việc xấu ấy.

 

58-  Tội trong thứ ba là (evil desire) tội muốn làm điều bị cấm: nếu tác động mong muốn không thể thành hiện thực vì bị lệ thuộc vào điều kiện (conditional desire) thì không có tội, ngoài ra, trong trường hợp hoàn toàn làm chủ ước muốn của mình (absolute desire) sẽ phạm cùng một thứ tội và độ tội như chính tác động thực thụ phạm tội này.

 

59-  Bảy tội đầu (capital sins) là những khuynh hướng xấu thường làm nẩy sinh ra các loại tội lỗi khác. Sở dĩ gọi bảy tội này là “đầu” (capital) không phải là vì tính cách trầm trọng (gravity) của chúng, mà là vì tầm vóc to tát và ảnh hưởng của chúng. Bất cứ khi nào những khuynh hướng xấu này làm nẩy sinh ra các tác động bề ngoài thì chúng trở thành tội lỗi.

 

60-  Kiêu ngạo là một tội trọng ex toto genere suo nếu tỏ ra không lụy phục Thiên Chúa, và là tội nhẹ ex toto genere suo khi phục tùng quyền bính để lấy tiếng hay để được trọng dụng. Tội nhẹ kiêu ngạo này cũng có thể trở thành tội trọng, nếu đối xử với người khác một cách bất công nặng, hay trở thành dịp phạm một tội trọng khác.

 

61-  Hà tiện là một tội nhẹ ex toto genere suo, nhưng sẽ trở thành tội trọng nếu vì tham lam mà phạm đến luật bác ái hay bất cứ một giới răn nào cách nặng.

 

62-  Dâm dục là một tội nặng ex toto genere suo nếu ước muốn thực sự.

 

63-  Ghen tị được kể như một tội phạm đến đức bác ái và là một nặng tội ex genere suo, như khi không muốn người khác có những gì hơn mình để khỏi ngứa mắt.

 

64-  Mê ăn uống: tham ăn tự nó chỉ là một tội nhẹ ex genere suo, nhưng có thể thành nặng tội nếu hại đến sức khỏe hay gây gương mù; say uống mà gây ra hậu qủa làm mất lý trí toàn phần là tội trọng và bán phần là tội nhẹ.

 

65-  Giận dữ chỉ là một tội nhẹ, song có thể thành nặng tội nếu bị cho là cả giận mất khôn, hoặc có ý trả thù phạm đến đức ái hay công lý.

 

66-  Làm biếng nếu không chịu khó để có thể bảo trì mối tình thân với Thiên Chúa là một việc lười lĩnh trực tiếp phạm đến tình yêu Thiên Chúa, nên được coi là một nặng tội ex toto genere suo.