Trích Giáo Lý Cẩm Nang do Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

 

 

 

II) CÁC GIỚI LUẬT

 

 

76-  Chúng ta tiến đến cùng đích đời đời của chúng ta bằng việc giữ các giới luật: gồm có các giới luật về thần đức, các giới luật Chúa (Mười Điều Răn Chúa) và các luật Giáo Hội (Sáu Điều Răn Hội Thánh).

 

 

GIỚI LUẬT VỀ THẦN ĐỨC

 

 

Giới Luật Về Đức Tin

 

77-  Đức Tin là một nhân đức siêu nhiên, nhờ ân sủng thần linh, giúp cho chúng ta vững vàng tin tưởng vào tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải là chân thực, căn cứ vào chính uy tín của Ngài.

 

78-  Theo phương tiện đòi hỏi (necessitate medii), mọi người đến tuổi biết sử dụng trí khôn phải nhận biết và tin tưởng có một Thiên Chúa, Đấng thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. Người ta hầu như cũng phải nhận biết và tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như vào việc Nhập Thể.

 

79-  Theo chỉ thị đòi hỏi (necessitate praecepti), buộc phải tin tưởng và chấp nhận: Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, Kinh Lạy Cha, Mười Điều Răn Chúa, Các Điều Răn Hội Thánh và các Bí Tích cần (là Rửa Tội, Giải Tội và Thánh Thể) cùng với các Bí Tích khác nếu muốn lãnh nhận hay cần phải lãnh nhận.

 

80-  Lề luật thần linh buộc người ta phải công khai tuyên xưng đức tin của mình trong những trường hợp mà nếu không tuyên xưng hay tránh né tuyên xưng sẽ bị coi như chối bỏ đức tin, khinh đạo, làm nhục Thiên Chúa hay gây gương mù cho kẻ khác.

 

81-  Luật tích cực (positive law) của Giáo Hội cũng đòi phải tuyên xưng ở vào một số trường hợp (như trước khi các cha giải tội và các vị giảng dạy về đức tin nhận năng quyền thừa hành; trước khi người lớn dự tòng lãnh nhận bí tích rửa tội; và trước khi các Kitô hữu rối đạo hay lạc đạo chính thức được tái thông công với Giáo Hội Công Giáo).

 

82-  Không bao giờ được trực tiếp (bằng lời nói, dấu hiệu hay hành động tự chúng có bản chất chối bỏ đức tin chân thật hoặc tuyên xưng đức tin sai lạc) hay gián tiếp chối bỏ đức tin (bằng hành động mang tính cách chối bỏ hoặc tránh né tuyên xưng đức tin chân thật trong một hoàn cảnh nào đó). Tuy nhiên, nếu cần giấu chân tướng của mình để tránh tai họa (mà không làm dấu Thánh Giá trước khi ăn chẳng hạn) thì không phải là chối bỏ đức tin.

 

83-  Bất trung thành (infidelity) với đức tin của mình là hành động thiếu đức tin nơi một người đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Bất trung thành với đức tin của mình một cách lỗi lầm vì coi thường việc học hỏi để thực sự hiểu biết về đức tin chân chính của mình thì phạm tội nhẹ hay trọng tùy theo mức độ coi thường của họ. Bao lâu không hồ nghi gì về đạo của mình thì không buộc ngặt phải tìm hiểu thêm.

 

84-  Chối đạo (apostasy) là chối bỏ đức tin chân thật của mình, như trong trường hợp chối bỏ một tín điều trong đạo, chẳng hạn tín điều Thiên Tính của Chúa Kitô.

 

85-  Lạc đạo (heresy) là phán đoán sai lầm đến cố chấp chối bỏ hay nghi ngờ một sự thật Thiên Chúa mạc khải đã được Giáo Hội định tín. Tuy nhiên, không phải chính cống lạc đạo (formal heretic) nếu không biết sự thật Thiên Chúa mạc khải bị cố chấp chối bỏ đó đã được Giáo Hội định tín. Lạc đạo song không lãnh án theo luật Giáo Hội (canonical penalties) khi nhất định chối bỏ một sự thật vì sai lầm cho rằng không phải do Thiên Chúa mạc khải và đã được Giáo Hội định tín, hoặc chỉ chối trong lòng song không tỏ ra bề ngoài. Vì lạc đạo liên quan đến phán đoán sai lạc, nên trường hợp giả vờ chối đạo một cách công khai thì chỉ mắc trọng tội, chứ không phải là lạc đạo và phải lãnh án theo luật Giáo Hội. Vì lạc đạo cũng liên quan đến mạc khải thần linh, nên cũng chỉ mắc tội nặng chứ  không phải là lạc đạo nếu cố chấp chối bỏ một sự thật không do Thiên Chúa mạc khải dù được Giáo Hội định tín, hay cũng chỉ mắc tội bất tuân Giáo Hội nếu tuyên xưng một sự thật đã bị Giáo Hội bác bỏ song không bằng quyền linh vô ngộ của mình.

 

86-  Ly giáo (schism) thường liên quan đến lạc đạo, nên  những gì áp dụng cho lạc đạo cũng áp dụng cho ly giáo, ngoài ra, ly giáo không phải là tội phản lại đức tin mà chỉ là tội nghịch đức ái và đức tuân phục thôi.

 

87-  Tham dự vào việc phụng tự ngoài Công Giáo hoàn toàn bị cấm nếu chủ động, nhưng được phép nếu thụ động với lý do chính đáng cùng không gây gương mù hay nguy hại đến đức tin của mình. Người ngoài Công Giáo tham dự vào việc phụng tự Công Giáo được phép nếu thụ động, nhưng bị cấm nếu chủ động khi gây ra ấn tượng như không còn khác biệt gì giữa đức tin Công Giáo với ngoài Công Giáo hay làm cho việc phụng tự Công Giáo bị coi thường hơn.

 

Giới Luật Về Đức Cậy

 

88-  Đức cậy là một nhân đức phú bẩm siêu nhiên làm cho chúng ta, nhờ Quyền Năng, Thiện Hảo và Trung Thành của Thiên Chúa, mong được phần rỗi đời đời và những phương tiện cần thiết để đạt được phần rỗi này.

 

89-  Các tội phạm đến đức cậy thông thường không tỏ ra lòng cậy trông của mình khi cần, nhất là không hề có lòng mong muốn chiếm hưởng Thiên Chúa, đặc biệt là thất vọng và cậy liều.

 

90-  Không hề có lòng mong muốn chiếm hưởng Thiên Chúa, muốn hưởng phúc trường sinh trong Thiên Chúa có tội nặng nếu chỉ vì thích thụ hưởng trần gian này mà thôi, song mắc tội nhẹ nếu cứ muốn sống trên trần gian này chỉ vì sợ chết thì phải xuống hỏa ngục.

 

91-  Thất vọng ở tại việc hoàn toàn buông xuôi phần rỗi cùng những phương tiện cần để được cứu rỗi. Chán nản khi cầu xin mà không được không phải là tội phạm đến đức cậy, vì điều cần kêu xin không phải là điều Chúa hứa ban. Cũng thế, muốn chết vì chán đời cũng không phải là tội phạm đến đức cậy.

 

92-  Cậy liều là tội phạm đến đức cậy ở chỗ qúa tin vào sức riêng mình trong việc chiếm được hạnh phúc đời đời, hay là qúa trông đợi nơi Thiên Chúa những gì không hợp với Ngài hoặc ngược với ý Ngài, như muốn Ngài giúp mình phạm tội hay ỷ vào tình thương của Ngài để phạm tội v.v.

 

 

Giới Luật Về Đức Mến


93- Đức mến một nhân đức phú bẩm siêu nhiên làm cho chúng ta vì Thiên Chúa mà kính mến Ngài như sự thiện tối cao và yêu thương bản thân cũng như tha nhân.

94- Theo nhu cầu đòi hỏi (necessity of means), người lớn buộc phải thực thực hiện tác động kính mến Thiên Chúa nếu không còn một cách công chính hóa nào khác (như tử đạo, lãnh nhận phép rửa và giải tội).

95- Theo chỉ thị đòi hỏi (necessity of precept), người tới tuổi khôn buộc phải thực thi tác động kính mến Thiên Chúa khi không thể phục hồi tình trạng ơn thánh qua bí tích xá giải cũng như khi không thể chống trả chước cám dỗ bằng cách nào khác, ngoài ra, còn phải thường xuyên thực thi tác động kính mến Thiên Chúa trong suốt cuộc sống của mình nữa.


96- Tội trực tiếp phạm đến lòng kính mến Thiên Chúa là bỏ không thực thi các tác động kính mến nói trên và tỏ ra lòng thù ghét Thiên Chúa (như nguyền rủa Ngài hay bắt bớ Giáo Hội, vì Ngài cấm đoán tội lỗi hay trừng phạt tội lỗi hoặc để đau khổ xẩy ra v.v.)

97- Tình yêu thương bản thân mình cần phải có là vì giới luật “các người phải thương yêu tha nhân như bản thân mình” (Mt.22:39), và vì kính mến Thiên Chúa cũng đòi phải yêu thương những gì thuộc về Ngài.

98- Tình yêu thương bản thân mình được thể hiện ở chỗ nỗ lực chiếm được các sự lành thiêng liêng về siêu nhiên và tất cả những gì cần thiết cho sự an toàn về phần xác cùng với những sản vật trần gian của mình.

99- Tội phạm đến lòng yêu thương bản thân mình là tôn sùng thần tôi (hơn vinh danh Thiên Chúa hay an sinh xã hội) và ghét bỏ mình (khi lơ là không chăm sóc cho linh hồn và thân xác của mình cho đầy đủ).

100- Nói chung, vì mọi người buộc vì lòng kính mến Thiên Chúa phải yêu thương tất cả những tạo vật có khả năng lãnh nhận ân sủng và hạnh phúc trường sinh (kể cả các thần thánh trên trời, các đẳng trong luyện ngục và các người lành trên trần gian, ngoại trừ các kẻ bị trầm luân trong hỏa ngục).

101- Nói riêng, phận sự thực thi lòng yêu thương tha nhân bao gồm cả kẻ thù của mình. Bởi thế, phải tha thứ cho kẻ thù mình dù họ không xin lỗi mình. Thù hằn, giận ghét, muốn trả thù và chửi rủa trong vấn đề trọng là phạm tội trọng. Ngoài ra chửi rủa thường không phải là tội trọng. Cũng có thể muốn xấu cho người khác nếu có thực sự điều muốn xấu đó mang lại lợi ích thiêng liêng cho họ.

102- Cần phải tỏ ra dấu hiệu thứ tha bằng cử chỉ thân thiện quen thuộc bề ngoài. Từ chối không chịu tỏ ra dấu hiệu thứ tha như thế là một trọng tội, nếu chỉ vì lòng hận ghét sâu đậm hay vì thế làm cho người khác hết sức đau buồn hoặc vì thế gây ra gương mù cả thể.

103- Thứ tha cũng không buộc mình phải từ bỏ quyền hưởng bồi thường và yêu thương kẻ thù không buộc phải tỏ ra cử chỉ bề ngoài.

104- Thứ tự trong việc yêu thương tha nhân được căn cứ vào nhu cầu của họ và vào mối liên hệ giữa chúng ta với họ.

105- Chúng ta buộc phải giúp đỡ tha nhân trong trường hợp tối khẩn (extreme) về phần thiêng liêng, cho dù có phải hy sinh mạng sống mình, hay tối khẩn về vật chất, cho dù có bất thuận lợi cho mình, song không cần phải liều mạng.


106- Chúng ta phải giúp đỡ tha nhân trong trường hợp cần thiết trầm trọng (grave) về phần thiêng liêng hay vật chất miễn là việc giúp đỡ này không gây ra bất thuận lợi nặng nề cho chúng ta.

107- Không buộc phải giúp đỡ tha nhân trong mọi và mỗi trường hợp cần thiết bình thường (ordinary) về phần thiêng liêng hay vật chất.

108- Buộc phải giúp đỡ tha nhân có ràng buộc với chúng ta hơn trong trường hợp họ có những nhu cầu tương tự. Thứ tự truyền thống cần theo là: vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, họ hàng, thân hữu v.v.

109- Về việc bố thí, buộc phải giúp đỡ tha nhân bằng không sẽ phạm trọng tội trong trường hợp tối khẩn cho dù phải hy sinh những điều cần thiết cho đời sống của mình, hay trong trường hợp trầm trọng mà không cần phải hy sinh những điều cần thiết cho đời sống của mình, hoặc sẽ phạm nhẹ tội trong trường hợp cần thiết bình thường tùy theo hoàn cảnh dư giả của mình.

110- Sửa lỗi là một trọng trách (grave duty) trong việc ngăn ngừa tha nhân khỏi phạm tội hay tránh dịp tội, nếu hội đủ những điều kiện sau đây: tha nhân thực sự đang bị khủng hoảng thiêng liêng, có tính cách nặng nề, nếu sửa lỗi chắc sẽ có hy vọng thay đổi, và không được gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân.

111- Được phép công khai nói thẳng lỗi lầm của tha nhân ra (immediate denouncement), nếu lỗi đó đã bị lộ hay sắp lộ ra; nếu giúp ích chung hay giúp riêng cho một người nào cần ngay; hay nếu thấy rất khó sửa riêng hay không còn cách nào khác hơn.

112- Tội phạm đến đức bác ái huynh đệ thứ nhất là tội dụ dỗ phạm tội (trực tiếp và tỏ tường), tuy nhiên cũng được phép đề nghị phạm tội nhẹ hơn nếu anh em không rút lại ý định tội nặng hơn. Không bao giờ được đòi hỏi người khác làm điều gì họ không thể làm mà không có tội, như xin khai thuế gian lận.

113- Tội phạm đến đức bác ái huynh đệ thứ hai là tội làm gương mù khiến người khác bắt chước phạm tội theo. Không cần phải thực sự làm cho người khác phạm tội theo mới có lỗi, song chỉ cần hành động gương mù có thể làm cho người khác phạm tội là đủ, như việc công khai trưng bày những gì ghê tởm là đủ phạm trọng tội làm gương mù rồi. Việc làm gương mù chỉ là tội nhẹ dù làm dịp khiến cho kẻ khác phạm tội nặng, song tội nặng đó là do bản chất của họ hơn là vì dịp tội không đáng kể do mình gây ra, như trường hợp con cái hơi không vâng lời cha mẹ làm cho cha mẹ chửi rủa thậm tệ, hay như trường hợp ăn mặc hơi khêu gợi làm cho kẻ khác thèm muốn xác thịt.

114- Các hành động tự nó là tốt và không có vẻ gì là xấu song có thể làm dịp cho kẻ khác phạm tội cũng không cần tránh nếu vì thế tạo nên những bất thuận lợi cả thể.

115- Việc giữ luật định (positive law) có thể được châm chước để tránh gương mù, như không buộc người nữ đi lễ Chúa Nhật nếu biết chắc vì cô mà có người phạm tội xác thịt. Có thể thử thách người khác nếu có lý do chính đáng và việc làm tự nó không có tội hay vô thưởng vô phạt, như cha mẹ để tiền ra xem con cái có lấy trộm không.

116- Buộc phải đền bù tội làm gương mù, bằng việc thú tội và làm gương sáng ngược lại.

117- Chính thức cộng tác vào việc làm tội lỗi của người khác bao giờ cũng có tội, khi đồng lòng hay hợp ý và cùng làm với người đó. Như không được phép in ấn, phát hành, duyệt chỉnh, đọc hay phổ biến các tài liệu sách vở, giấy tờ, báo chí có hại đến đức tin hay luân lý. Như không được phép tham phần, sắp đặt, điều khiển, tài trợ hay mời mọc người khác vào việc tham dự những màn trình diễn hay nhẩy múa lăng loàn. Như không được phép tự động mời mọc mua thuốc ngừa thai, song có thể bán khi mình làm cho tiệm thuốc tây, hay được phép đứng bán thịt trong ngày thứ sáu với tư cách làm thuê. Người thợ may không được tự động làm quần áo thật là khêu gợi để thu hút khách hàng, trừ khi khách hàng yêu cầu.