Giới Luật Chúa Thứ Bảy và Thứ Mười

 

 

178-  Giới luật Chúa thứ bảy và thứ mười là hai điều răn bảo vệ quyền tư hữu của con người, (nhân vật có thực quyền hay được hưởng quyền làm chủ và sử dụng những gì thuộc về mình), cấm phạm đến những gì liên quan đến quyền này, (về vật lý như của cải, về thể lý như thân xác, về sinh lý như trinh tiết, về tâm lý như danh dự v.v.), bằng hành động thực sự bên ngoài hay dù chỉ có tâm tưởng bên trong.

 

179-  Tính chất nặng nhẹ của tội bất công, một tội phạm đến quyền sở hữu trực thuộc của kẻ khác ngược với ý muốn của họ, như việc đánh cắp hay làm hại của ai, được căn cứ vào mức độ thiệt hại do việc làm bất công này gây ra, như sẽ thành tội trọng nếu trị giá đồ vật bị đánh cắp hay phá hư bằng số tiền (theo thời giá và điều kiện sống bấy giờ) có thể nuôi nạn nhân (và cả gia đình người ấy nếu có) trong một ngày.

 

180-  Đánh cắp là việc lấy trộm đồ của người khác để làm của riêng mình, (kể cả việc lừa đảo, không trả lại đồ mất mình biết của ai, không trả nợ), ngoài ý muốn hợp lý của chủ nhân, (do đó, không có lỗi khi người ở cho kẻ khó đồ ăn dư của chủ đổ đi, hay trong cơn quẫn bách lấy trộm của người không bị quẫn bách như mình, hoặc nhân công lấy bù cho đủ những gì bị chủ nhân bóc lột bất công trái với hợp đồng).

181-  Tội ăn trộm là một tội trọng nếu số lượng đánh cắp lớn, dù là ăn cắp làm nhiều lần song có ý lấy cho được số lượng lớn đó, hay lấy số lượng lớn đó trong vòng một thời gian ngắn dù không có ý lấy trọn. Tuy nhiên, tùy theo liên hệ, vợ có thể lấy của chồng gấp bốn lần và con có thể lấy gấp hai lần số lượng lớn cần để làm thành tội trọng, và tùy theo thuộc chủ, nếu của trộm do nhiều người mà có thì nhẹ tội hơn.

 

182-  Làm hại đồ của người khác có thể là do việc phá hoại đồ của nhau, do cản trở (bằng phương tiện không được phép) nhau có một vật gì đó (trực thuộc quyền sở hữu của họ), hoặc do tội chểnh mảng (criminal negligence) của mình. Tội nặng nhẹ được căn cứ vào mức độ gây thiệt hại nhiều ít.

 

183-  Buộc phải trả lại của đã đánh cắp và đền bù những gì mình đã làm hại (kể cả do hiếp dâm và ngoại tình) người khác một cách tương xứng (như lấy cái gì trả cái ấy hay ít là đồng giá) và thích đáng (như cho chính nạn nhân), trừ trường hợp hoàn toàn bất khả kháng ngoài ý muốn.

 

 

Giới Luật Chúa Thứ Tám

 

 

184-  Điều răn Chúa thứ tám cấm làm chứng dối phạm đến tha nhân, bằng việc dối trá hay tiết lộ những gì có thực một cách bất hợp pháp, như nói dối (lying), nói xấu (detraction) đổ oan (calumny), mạ lị (contumely), đoán bậy (rash judgment), lộ mật (violation of secrets).

 

185-  Dối trá (lie) là việc tỏ ra lời nói, dấu hiệu hay cử chỉ phản lại với điều mình nghĩ hay muốn (thường để đánh lừa kẻ khác). Bởi đó, người ta dối trá khi nói một điều tự nó là đúng mà họ vốn nghĩ là sai, (ngược lại sẽ không mắc tội dối trá khi tưởng điều sai là thật). Dối trá bộc lộ qua hành động gọi là giả hình. Dối trá có thể được chia làm ba thứ: dối trá tác hại (malicious lie), dối trá tránh né (officious lie) và dối trá đùa cợt (jocose lie).

 

186-  Không bao giờ được phép dối trá, tuy nhiên, tự bản chất, nó chỉ là tội nhẹ. Vì tự bản chất xấu, dối trá không bao giờ được phép sử dụng như phương tiện để tránh né một sự dữ dù cả thể nhất. Dối trá sẽ thành tội trọng nếu nó phạm đến cả các nhân đức khác nữa, như đức công bình, đức bác ái v.v.

 

187-  Thêm ý vào lời nói khác hẳn với nghĩa thông thường không thể nào hiểu khác hơn được (strict mental restriction), như bề ngoài nói “tôi không ăn cắp” (song bề trong thêm ý là “bằng tay trái mà bằng tay phải”), cũng là nói dối nên vẫn bị cấm, trừ  khi hoàn cảnh làm cho nó có thể hiểu khác hơn (broad mental restriction), như “tôi không có tiền” (để cho mượn, chỉ có đủ để xài thôi) thì được, không phải dối trá.

188-  Dối trá bao gồm cả việc bất trung với lời hứa (promise, chứ không phải với quyết định bình thường - resolution) của mình, một việc tự nó chỉ là tội nhẹ, song sẽ thành tội trọng nếu điều tác nhân dối trá là điều tác nhân bị bó buộc ngặt nghèo hay điều làm cho người khác phải chịu thiệt hại nặng.

 

189-  Nói xấu và đổ oan đều là việc phạm đến danh thơm tiếng tốt của người khác, song trong khi nói xấu là việc tỏ cái không tốt của họ ra thì đổ oan là tố cáo những sai lầm không có thật của người khác. Tuy nhiên, nói xấu về người khác sẽ không phạm đến danh thơm tiếng tốt của họ nếu: cái xấu họ làm đã bị lộ ra, (tùy theo nơi chốn, như trong gia đình thôi thì không được tỏ ra ngoài nhà, và tùy theo thời gian, như lỗi đã qua không nên nhắc lại khi họ đã hối hận), và cái xấu đó cần phải tỏ ra để bảo vệ công ích hay an ninh cá nhân. Ngoài ra, hai tội này là tội trọng ex genere suo tùy theo yếu tố ngoại tại của chúng.

 

190-  Nghe nói xấu và đổ oan trong khi có thể tránh được, hay cảm thấy vui thú hoặc vì thế cũng nói xấu và đổ oan cho nạn nhân, cũng có tội

 

191-  Phải đền bù thích đáng danh thơm tiếng tốt cho nạn nhân bị mình nói xấu và đổ oan, trừ khi trước đó đã đền bù cách nào, hay quên đi vấn đề phải đền bù, hoặc biết chắc rằng nạn nhân sẽ không bị mất danh thơm tiếng tốt, hay thấy rằng nạn nhân không cần mình phải đền bù cho họ v.v.

 

192-  Mạ lị ở tại bất kính (qua lời nói, việc làm hay tránh lánh) người khác (ngay trước mặt họ hay qua hình ảnh của họ) một cách bất công và tỏ ra khinh bỉ họ. Đây là một tội trọng ex genere suo phạm đến đức công bình. Mức độ nặng nhẹ của tội này tùy ở thái độ đối xử của tác nhân, ở trình độ văn hóa của tác nhân, nhất là ở phẩm giá của con người nạn nhân. Vì là tội phạm đến phẩm giá con người, nên tác nhân cũng phải đền trả nạn nhân tương xứng, trừ khi nạn nhân đã trả thù hay cả hai đều tác hại cho nhau cân bằng.

 

193-  Đoán bậy là việc qủa quyết một cách võ đoán (tức không có đủ lý do chính đáng xác thực, như trong trường hợp tình nghi dám có thật lắm – suspicion, hay hoài nghi không biết có thật hay không - doubt) về điều xấu nơi kẻ khác, một việc làm có tội trọng ex genere suo phạm đến đức công bình, nếu hội đủ bốn điều kiện: vấn đề đoán bậy đó là một điều quan trọng, vấn đề đó là một điều chắc chắn không thể nào sai được, song vấn đề đáng tin đó tự nó không có đủ lý do chính đáng khách quan, và tác nhân hoàn toàn tự mình nghĩ như vậy, ngoài ra, việc tình nghi và  hoài nghi chỉ là tội nhẹ.

 

194-  Lộ mật là việc làm lộ ra bí mật những gì mình biết được phải giữ kín, vì luật tự nhiên đòi buộc (như sex education chưa tới tuổi cần biết), vì tự hứa giữ (như để trấn an nạn nhân) hay vì phải hứa giữ (nhờ đó mới được cho biết) mà không được phép tỏ bày, bằng lộ mật một cách bất chính thì tự bản chất của việc làm này là một trọng tội phạm đến đức công bình, trừ khi lộ mật những điều tầm thường không hệ trọng. Tuy nhiên, cũng được phép tìm hiểu những kiến thức mật (như các phát minh) bằng phương tiện tốt (như việc học biết), chứ không được bằng phương tiện bất chính (như đọc lén, đột nhập v.v.).

 

195-  Không được phép lợi dụng bí mật biết được bằng phương tiện bất chính (trừ khi bằng phương tiện chính đáng) hay bí mật đã phải hứa giữ để gây bất lợi cho nhau (như trong ngành thương mại), trừ khi bí mật đó không còn tác dụng gì nữa vì hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi.