AI LÀ NGƯỜI BÉ NHỎ

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Khi nói về Nước Trời và những thành phần sẽ được tham dự Nước Trời, Chúa Giêsu đã ưu ái và quan tâm đến thành tội lỗi, những kẻ thấp cổ bé miệng, thành phần vô danh tiểu tốt của xã hội. Đặc biệt, ngài dành ưu tiên cho những tâm hồn thơ trẻ và những ai sống với tinh thần ấy. Thánh nữ Têrêsa đã khai triển đặc điểm này và đã ứng dụng vào đời sống tâm linh bằng học thuyết Thơ Ấu Thiêng Liêng.

 

Đối với những kẻ tội lỗi, bị xã hội coi rẻ và ruồng bỏ, ngài tỏ lòng thương xót, bênh đỡ. Việc làm của ngài các Pharisiêu, luật sĩ, và trưởng lão người Do Thái lúc bấy giờ xầm xì, khinh bỉ. Họ đã nói với các môn đệ của ngài: “Sao một bậc Thầy lại ăn uống với bọn thâu thuế và những kẻ khinh thường lề luật” (Mt 9:11). Nhưng Chúa có lý do của ngài. Và lý do ấy, cho đến giờ này nhiều người vẫn không hiểu: “Người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, nhưng người đau yếu cần” (Mt 9:12).

 

Riêng đối với các trẻ em, Chúa còn thân mật, gần gũi và hứa nước trời cho các em nữa. Điều này thì không phải các trưởng lão, Pharisiêu, luật sĩ mà ngay cả các môn đệ của ngài cũng thấy khó chịu nữa. Có lẽ đối với các ông, bị người ta chê bai, gán ghép với thành phần tội lỗi, thu thuế, và xấu nết còn tạm chấp nhận, chứ liên quan đến các trẻ em, con nít thì không thể chấp nhận. Nhưng Chúa thì không nghĩ như vậy. Ngài nói với các môn đệ đang khó chịu với hành động của mình: “Hãy để các em nhỏ đến với thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những người giống như chúng ” (Mt 19:14). Ngài còn đi xa hơn: “Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như những em nhỏ này sẽ không vào được nước trời” (Mt 18:3).  

 

Trẻ nhỏ – nước trời. Càng trở thành trẻ nhỏ, càng có địa vị cao trên nước trời. Điều này chỉ có Chúa Giêsu mới nói và bảp đảm như thế. Nhưng ở một nơi khác chính ngài lại bảo: “Hãy vào cửa hẹp. Vì đường rộng rãi thênh thang sẽ dẫn đến diệt vong, và nhiều người chọn vào cửa đó” (Mt 7:13).

 

Thoạt nghe Chúa nói ta thấy như có sự mâu thuẫn. Một đàng ngài bảo phải chiến đấu, len lỏi để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Một đàng ngài lại bảo phải trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Để hiểu rõ sự mâu thuẫn này, chúng ta phải hiểu rằng đường về trời, đường lên Thiên Đàng là một đường mà có 2 lanes. Một lane cho những người “lớn”, và một lane cho những “trẻ thơ”.

 

HAI LANE TRÊN ĐƯỜNG VỀ TRỜI

 

Thật vậy, nếu đường về trời là con đường như Chúa nói, vừa chật hẹp, vừa trơn trượt, vừa gập ghềnh khó đi, thì đương nhiên nó chỉ thích hợp với những người khỏe mạnh, và có ý chí. Những người vừa phải chiến đấu với những lý do thiên nhiên như nắng, mưa, nóng, lạnh, trơn trượt, gập ghềnh; vừa phải chiến đấu với lý do thể lý, như đói, khát, mệt mã, bệnh tật để đạt được cùng đích.

 

Nhưng như vậy chỉ có những ai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chân tay lành lặn mới đủ điều kiện đạt được nước trời sao? Còn những người què cụt, điếc lác, mù lòa, yếu đau, và các trẻ nhỏ thì sao? Không lẽ họ không vào được nước trời? Và đó là lý do mà Chúa cần mở thêm một lane nữa cho những thành phần này. Đây là lane của những trẻ thơ, của những ai nên giống như trẻ thơ, vì một lý do duy nhất là trẻ thơ, người mùa lòa, tàng tật, và già yếu bệnh tật đều có một đặc tính thể lý như nhau, đó là yếu đuối, là chậm chạp, là bất lực trước những việc to lớn, nặng nhọc.

 

TRẺ THƠ LÀ AI?

 

Đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu căn cứ vào Lời Chúa, và dựa vào lối sống thực thế của trẻ thơ. Con đường này được Thánh Nữ xây dựng trên lý thuyết “thang máy thiêng liêng”.

 

Hình ảnh mà Thánh Nữ dùng để diễn tả tư tưởng của mình, là hình ảnh một em nhỏ định bước lên cầu thang để gặp bố của em đang đứng trên đầu cầu thang chờ em. Chẳng nói thêm, thì ai cũng hiểu rằng em càng nhỏ bé – nhỏ bé thể lý - bao nhiêu, thì em lại càng không thể bước lên được với bố em bấy nhiêu. Thí dụ, lúc đó em mới được 6 tháng tuổi mà thấy bố hoặc mẹ đang đứng trên đầu cầu thang, thì em chỉ còn cách là khóc mà kéo sự chú ý, thương xót, giúp đỡ của bố hay mẹ chứ tuyệt nhiên việc em bước lên những bậc thang mà gặp bố hay mẹ là điều không thể thực hiện được.

 

Cũng theo Thánh Nữ, nếu em nhỏ không làm việc ấy được, thì đối với bố mẹ em, việc ấy lại là một việc làm nhẹ nhàng và dễ dàng, vì mỗi ngày ông bà phải đi lên, đi xuống trên cầu thang ấy biết là mấy lần. Và đo đó, chỉ cần ông bà xuống bồng em lên là mọi việc sẽ được giải quyết êm đẹp, nhanh chóng, và gọn gàng. Cái bí quyết và điểm chính của lý thuyết này là: em bé quá nhỏ để đi lên cầu thang. Và tình yêu thương của bố mẹ lại không thể đang tâm đứng nhìn con mình khóc vì thương nhớ mình. Nhưng đâu là đặc tính của một em nhỏ. Và cái gì làm nên một trẻ thơ của Phúc Âm? ï

 

1. Tình thương của bố mẹ:

 

Trước hết mối tương quan giữa một em nhỏ và bố mẹ em được đặt trên nền tảng yêu thương. Bố mẹ em yêu thương em. Và em yêu thương bố mẹ em. Bố mẹ yêu thương con do cả cảm nhận của trí thức lẫn con tim. Do đó, tình yêu của bố mẹ dành cho con cái không chỉ là một hành động theo bản năng, mà còn do nhận thức và tình yêu của bố mẹ dành cho người con. Con nào thì bố mẹ cũng yêu, cũng thương, và cũng săn sóc như nhau. Nhưng dường như con nào càng yếu đau, bệnh tật, càng nhỏ bé thì lại càng được bố mẹ dành cho sự săn sóc và yêu thương đặc biệt.

 

 Nhận xét này không chỉ là một nhận xét có tính chủ quan, nhưng là một tâm thức chung. Một quan niệm thông thường trong mối tương quan giữa bố mẹ và con cái. Riêng tôi, tôi càng thâm tín hơn nhận thức này, điều mà tôi cho như một chân lý, về mối tương quan giữa những đứa con nhỏ bé, yếu đuối, bệnh tật và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho em.

 

Thường ngày trong những giao tiếp nghề nghiệp, tôi đã chứng kiến rất nhiều những cảnh người cha hay người mẹ, hoặc cả hai săn sóc, yêu thương và dành trọn vẹn mối quan tâm lo lắng cho những đứa con bệnh tật, và yếu đau của họ. Gần đây nhất, tôi đã phải bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ, nhẫn nại ngồi nghe một người cha diễn tả sự quan tâm và những bức xúc của ông trước tình trạng bệnh tật của con ông. Bản thân tôi, tôi đã chứng kiến và đã gặp những trường hợp như thế nhiều rồi, nhưng hôm đó tôi cũng đã phải chiến đấu với cảm tình của mình lắm mới khỏi để lộ những cảm xúc cá nhân, điều mà nghề nghiệp và chuyên môn không cho phép tôi dễ dàng bộc lộ.

 

Người cha hôm đó là một người trí thức, trẻ, và có nhiều hiểu biết về tình trạng bệnh lý của con ông. Ông đã thao thao nói, và nói về những mối xúc động của ông, của vợ ông cũng như những lo lắng về tương lại của con ông. Tôi có cảm tưởng như nếu ông có thể làm gì hơn cho con ông để đổi lấy việc trị liệu và đem lại cho con ông sinh hoạt bình thường như những đứa trẻ khác thì chắc chắn là ông sẽ không từ chối. Và tôi đã nhớ lại lời mà Chúa Giêsu đã nói về tình thương cha trên trời dành cho mỗi người chúng ta. Thật vậy, nếu cha mẹ chúng ta mà còn thương yêu, săn sóc cho mình như vậy, thử hỏi Chúa Cha nhân từ trên trời còn còn quan tâm lo lắng cho chúng ta đến đâu! Đây cũng là cốt lõi của con đường thơ ấu thiêng liêng. Nó khiến các tâm hồn nhỏ bé không thể đi ra ngoài quỹ đạo của tình yêu Cha trên trời.

 

2. Tình thương người con dành cho cha mẹ:

 

Mặc dù tình yêu cha mẹ dành cho con cái là yếu tố cần thiết trong tương quan giữa cha mẹ và con cái. Nhưng vì đây là một mối tương quan hai chiều, và song song với nhau. Do đó, tình yêu thương của người con cũng rất cần để làm nên mối mật thiết và yêu thương ấy.

 

Tình yêu mà đứa trẻ dành cho cha mẹ em là ở chỗ em đơn sơ, trong sạch và hoàn toàn tín thác vào cha mẹ.

 

3. Đặc tính của tinh thần thơ ấu:

 

a) Đơn sơ: Có thể nói, đơn sơ là một đặc tính hấp dẫn nhất của các trẻ thơ. Nét ngây thơ trong trắng của các em không những phản ảnh qua lời ăn, tiếng nói, cách sống của các em, mà hơn nữa, nó phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa.  

 

Đơn sơ như một trẻ nhỏ. Có bao giờ bạn nhìn vào cặp mắt ngây thơ củaa một em nhỏ chưa? Bạn thấy gì? Bạn thấy nó phản ảnh toàn con người của bạn. Sự so sánh này chắc bạn không khó lòng nhận ra, nhưng tin rằng có những tương phản trong đời sống mình với nét đơn sơ của một trẻ nhỏ là điều mà nhiều người lớn không muốn chấp nhận.

 

Rồi bạn hãy nhìn nụ cười của các em. Những nụ cười thiên thần phản ảnh một sự thanh thản, ngây thơ, và trong trắng. Bạn có ác ý, bạn có dụng ý gì đi nữa, thì khi đến gần các em, các em vẫn dành cho bạn một nụ cười nguyên vẹn và không chia cắt. Và sự đơn sơ đến ngây ngô ấy lại chính là nét hấp hẫn mỗi người chúng ta. Bởi vì khi gần gũi các em, chúng ta không phải lo bị lường gạt, bị đối xử gian dối, và bị phản bội.

 

Dù là trong lúc an vui, bệnh tật, đau ốm, hay trong bất cứ hoàn cảnh nào khác, các em nhỏ vẫn một mực tin tưởng hoàn toàn vào cha mẹ mình. Các em không cần biết và cũng không muốn biết cha mẹ mình là ai, như thế nào, nhưng một điều mà các em biết đó là người ấy chính là cha mẹ mình. Do sự biết ấy, các em tin tưởng hoàn toàn.

b) Trong sạch: Không ai có thể từ chối nét đẹp thiên thần của các em nhất là khi nhìn vào cặp mắt của các em. Dù là một con người đa mê nhục dục lắm thì khi nhìn vào cặp mắt của một em bé, cũng phải ngừng lại những thôi thúc dục vọng của mình.

 

Vẻ trong sạch của các em không chỉ ngừng lại ở chỗ trong sạch thể xác, tinh tấn trong tâm hồn, mà còn nghèo khó của tâm hồn nữa.

 

Các em nhỏ khi chơi chung với nhau thì không phân biệt mình là trai hay gái, và cũng không nghĩ đến những đòi hỏi của dục vọng, tình cảm. Các em chơi với nhau, thân mật với nhau như các thiên thần.

 

Ngoài ra, sự trong sạch tâm linh đưa các em đến một đức tính khiêm tốn, và vô tư, không tham lam, chụp giật. Các em có ngồi trên một đống vàng hay đô la cũng không bị tính tham lam và ham muốn tiền bạc làm cho trở thành thù địch và chém giết nhau như những người lớn tuổi.

 

 

c) Tín thác: Không chỉ là đơn sơ, và trong sạch. Tuổi thơ, các em nhỏ còn tín thác hoàn toàn vào cha mẹ mình. Những gì mình không làm được, những gì mình cần, và đời mình ngày mai ra sao, các em không cần biết. Điều cần biết và cần thiết ngay ở giây phút hiện tại, đó là sự che chở và tình thương của cha mẹ.

 

Trẻ em không hốt hoảng và sợ hại khi ở bên cha mẹ, và có cha mẹ ở quanh mình. Dù cha mẹ em có sợ hãi, có yếu đuối, có thế nào đi chăng nữa, nhưng các em vẫn hoàn toàn tin tưởng và tín thác. Quá khứ, hiện tại, và tương lai của các em là những phút giây trước mặt bên cha mẹ. Và điều này cũng khiến cho cha mẹ không thể quên hoặc bỏ rơi qua con cái mình. Niềm vui, hạnh phúc của con là niềm vui và hạnh phúc của cha, mẹ, hoặc của cha mẹ. Chính do sự tín thác hoàn toàn nơi cha mẹ, mà các em được an toàn, được che chở, và được bảo vệ.

 

Chúng ta có thể lấy thí dụ này, trong đời sống tâm lý phát triển, cái tuổi mà các em tin tưởng, thần tượng cha mẹ nhất vẫn là những tháng năm thơ trẻ cho đến khi một em nhỏ bước vào tuổi vị thành niên. Và cũng một điều nổi bật nhất, đó là trong suốt cuộc đời mình, đây là những tháng năm hạnh phúc nhất, đẹp nhất, và dễ thương nhất. Không phải chỉ ở phía các em mà ngay cả ở phía cha mẹ, bởi vì có một cái gì đó gắn bó và nối buộc giữa một đứa con nhỏ bé và cha mẹ. Và cái đó là sự đơn sơ, hoàn toàn tín thác, và yêu mến của các em dành cho cha mẹ, và phần cha mẹ thì lại không thể phủ nhận hay làm mất niềm tin từ phía con cái mình.

 

d) Yêu mến thiết tha: Nhưng đặc tính quan trọng và cuối cùng là yêu mến thiết tha. Đây là một tình yêu thuần khiết, tuy bé nhỏ, nhưng là một tình yêu mà một em bé có thể làm cho cha mẹ mình hài lòng, sung sướng, và hạnh phúc.

 

Trong thực tế, một em nhỏ nằm trong nôi không làm gì hơn nhoẻn miệng cười. Bằng ánh mắt ngây thơ trong trắng, bằng một sự phó thác và tin tưởng tuyệt đối, em đã làm cho cha mẹ em sung sướng và hạnh phúc. Đây là một tình yêu lột tả cách trọn vẹn và tuyệt vời nhất của một em nhỏ có thể làm đối với cha mẹ. Và đây cũng là thứ tình yêu mà cha mẹ muốn tìm thấy nơi con cái, đặc biệt, đối với những em nhỏ. Thiếu nó, thì không có đơn sơ, trong sạch, và tín thác nữa.

 

KẾT LUẬN

 

“Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như những em nhỏ này sẽ không vào được nước trời” (Mt 18:3).  Vậy nếu bạn chiếm hữu nước trời bằng tinh thần Thơ Ấu Thiêng Liêng, thì điều này có nghĩa là bạn phải vào Thiên Đàng bằng lane thứ 2, lane dành cho những trẻ thơ và những ai có tinh thần trẻ thơ. Những nếu muốn trở thành trẻ thơ của nước trời, bạn phải có ít nhất 4 đức tính sau: Đơn sơ, trọng sạch, phó thác và yêu mến. Và đấy là những nét đặc thù để Chúa Giêsu nhìn ra bạn là những tâm hồn bé nhỏ.