Ơn Gọi Làm Người là Ơn Gọi sống Thánh Thể

 

Giovanni Paolo II

 

Tổng Quan về Thông Điệp Thánh Thể của ĐTC Gioan Phaolô II

Theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 17/4/2003, thì Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến một bản tóm lược về Bức Thông Điệp về Thánh Thể với Giáo Hội cùng ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi Đức Thánh Cha ký ban hành bức Thông Điệp này trong Thánh Lễ Tiệc Ly ban chiều. Nguyên văn của bản tổng tóm này như sau:

Bức Thông Điệp thứ 14 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được ban hành với mục đích cống hiến một ý thức sâu xa hơn về mầu nhiệm Thánh Thể liên quan đến Giáo Hội. Bản văn kiện tương đối ngắn nhưng quan trọng về khía cạnh thần học, qui luật và mục vụ. Bản văn sẽ được ký ban hành vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh Lễ Tiệc Ly, nơi khung cảnh phụng vụ mở màn cho Tam Nhật Vượt Qua (the Paschal Triduum).

Hy Tế Thánh Thể, “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”, chất chứa tất cả những gì phong phú thiêng liêng của Giáo Hội đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình cho Chúa Cha vì phần rỗi của thế giới. Trong việc cử hành “mầu nhiệm đức tin” này, Giáo Hội làm cho Tam Nhật Vượt Qua trở thành “đương thời” với con người nam nữ ở hết mọi thế hệ.

Chương thứ nhất, chương về "Mầu Nhiệm Đức Tin”, là chương cắt nghĩa về bản tính hy hiến của Thánh Thể là hy hiến, nhờ thừa tác vụ của linh mục, được làm cho hiện thực một cách bí tích nơi từng Thánh Lễ mình Chúa Kitô “đã trao nộp” và máu Người “đã đổ ra” để cứu độ thế gian. Việc cử hành Thánh Thể không phải là việc lập lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, hay việc làm cho cuộc khổ nạn này được lập đi lập lại nhiều lần trong thời gian và không gian; Thánh Thể là một hy tế Thập Giá duy nhất được tái hiện thực cho tới năm cùng tháng tận. Theo lời Thánh Ignatio Antiochia, Thánh Thể là “một thứ thuốc bất tử, một thứ chất kháng tử”. Là một hứa hẹn Nước Trời mai hậu, Thánh Thể cũng nhắc nhở tín hữu về trách nhiệm của họ đối với hiện thế, trong đó, thành phần yếu kém, thành phần bất lực nhất và thành phần bần cùng nhất đang mong được giúp đỡ từ những ai biết đoàn kết có thể cho họ thấy lý do của niềm hy vọng.

“Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội” là đầu đề của chương thứ hai. Khi tín hữu đến với bữa tiệc thánh này, họ chẳng những lãnh nhận Chúa Kitô mà còn được Người lãnh nhận nữa. Bánh và Rượu được thánh hiến là lực phát sinh sự hiệp nhất của Giáo Hội. Giáo Hội được nên một với Chúa của mình, Đấng ẩn thân dưới các hình Thánh Thể, ngự trong Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội. Giáo Hội tôn thờ Người chẳng những nơi chính Thánh Lễ mà còn ở tất cả mọi lúc khác nữa, khi ân cần sống với Người như “bảo tàng” trân quí nhất của mình.

Chương thứ ba là chương suy tư về “Tính Cách Tông Đồ của Thánh Thể và Giáo Hội”. Như tất cả thực tại của Giáo Hội không thể nào hiện hữu nếu không có việc tông truyền thế nào thì cũng không có Thánh Thể thực sự nếu không có Giám Mục như vậy. Vị linh mục cử hành Thánh Thể là tác hành thay cho Chúa Kitô là Đầu; vị linh mục không chiếm hữu Thánh Thể như làm chủ Thánh Thể mà là làm tôi phục vụ lợi ích cho cộng đồng thành phần được cứu độ. Cũng thế, cộng đồng Kitô hữu không “chiếm hữu” Thánh Thể mà là lãnh nhận hồng ân Thánh Thể.

Những suy tư này được khai triển ở chương thứ bốn, chương “Thánh Thể và Mối Hiệp Thông Giáo Hội”. Giáo Hội, với tư cách là thừa tác viên của mình và máu Chúa Kitô cho phần rỗi thế giới, trung thành với tất cả những gì chính Chúa Kitô thiết lập. Trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ, gắn bó với qui luật của các phép bí tích, Giáo Hội cũng cần phải tỏ ra một cách hữu hình mối hiệp nhất vô hình của mình nữa. Thánh Thể không thể bị “sử dụng” như phương tiện hiệp thông; trái lại, Thánh Thể bao hàm mối hiệp thông như vốn đã hiện hữu và củng cố mối hiệp thông này. Theo chiều hướng này cần phải để ý nhấn mạnh đến việc dấn thân đại kết là những gì làm nên đặc tính của tất cả mọi người môn đệ Chúa Kitô, vì Thánh Thể kiến tạo nên mối hiệp thông và xây dựng mối hiệp thông này, khi Thánh Thể được cử hành một cách chân thực. Thánh Thể không thể trở thành một thứ vồ vập của cá nhân cũng như của các cộng đồng riêng biệt.

“Phẩm Chất của Việc Cử Hành Thánh Thể” là vấn đề của chương thứ năm. Việc cử hành “Thánh Lễ” được đánh dấu bằng những dấu hiệu bề ngoài nhắm đến việc đề cao niềm vui qui tụ cộng đồng lại chung quanh tặng ân Thánh Thể khôn sánh. Các thứ kiến trúc, điêu khác, hội họa, âm nhạc, văn chương và một cách tổng quan hơn, hết mọi hình thức nghệ thuật, đều cho thấy Giáo Hội qua các thế kỷ đã không sợ phung phí nơi việc Giáo Hội làm chứng cho tình yêu đã liên kết Giáo Hội với Phu Quân thần linh của Giáo Hội. Các cuộc cử hành ngày nay cũng cần phải lấy lại cảm quan mỹ lệ.

Chương thứ sáu, chương về “Tại Học Đường Maria, ‘Người Nữ của Thánh Thể’”, là một suy tư hợp thời và vốn có về hình ảnh tương tự giống nhau lạ lùng giữa Mẹ Thiên Chúa, Vị trở thành ‘nhà tạm” đầu tiên khi cưu mang thân thể của Chúa Giêsu trong lòng Mẹ, và Giáo Hội là nơi bảo trì và ban tặng cho thế gian mình máu Chúa Kitô. Thánh Thể được ban cho các tín hữu để sự sống của họ được trở thành một bài ca vịnh Ngợi Khen liên tục tôn vinh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Đoạn Kết đòi những ai muốn theo đuổi con đường thánh thiện không cần phải có “các thứ chương trình” mới. Chương trình này vốn đã hiện hữu, đó là chính Chúa Kitô, Đấng muốn được nhận biết, mến yêu, bắt chước và loan truyền. Việc áp dụng tiến trình này được thực hiện nhờ ở Thánh Thể. Điều này được thấy nơi chứng từ của các Vị Thánh, thành phần lúc nào trong cuộc sống cũng chỉ biết làm giãn cơn khát của mình nơi nguồn mạch vô tận của mầu nhiệm này, cũng như chỉ biết kín múc từ mạch nguồn ấy một thứ mãnh lực thiêng liêng cần thiết để sống trọn vẹn ơn gọi rửa tội của mình mà thôi.

 

“Vì sự dữ tràn lan mà lòng mến nơi hầu hết con người ta đã trở nên nguội lạnh”

Nhân dịp Đức Thánh Cha ban hành Thông Điệp Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia vào chính Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003, dịp Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, kèm theo Phẩm Chức Linh Mục và Giới Răn Yêu Thương, chúng ta chẳng những cần phải đọc kỹ những gì Đức Thánh Cha nhắc nhở và giáo huấn về mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể, đúng như nhan đề của văn kiện, một giáo huấn bao gồm cả 3 khía cạnh thần học, qui luật và mục vụ. Về mục đích Đức Thánh Cha viết bức thông điệp này, như ở các đoạn 6 và 7 cho thấy, là để tiếp tục chiều hướng Duc in altum về nội tâm của một Giáo Hội Chứng Nhân Truyền Giáo, bằng việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể.

Thế nhưng, một trong những lý do sâu xa Đức Thánh Cha đã viết bức thông điệp về mối liên hệ mật thiết giữa Giáo Hội và Thánh Thể này, chứ không phải chỉ viết nguyên những gì về Mầu Nhiệm Thánh Thể mà thôi, như bức Thông Điệp “Mầu Nhiệm Đức Tin” Mysterium Fidei của Đức Thánh Cha Phaolô VI được ban hành vào chính ngày Lễ kính Thánh Giáo Hoàng Thánh Thể Piô X, 3/9/1965, hay một số Thông Điệp khác được Ngài nhắc đến ở đoạn 9, là vì ngày nay Kitô hữu Công Giáo đã coi thường, nếu không muốn nói là tỏ ra bất kính, một cách ý thức hay vô thức, đối với Chúa Giêsu Thánh Thể nơi việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể cũng như trong việc tin thờ Thánh Thể.

Đó là lý do, ở câu cuối cùng của phần dẫn nhập, đoạn 10, Ngài đã thẳng thắn cho biết về mối quan tâm của Ngài như sau:

Chưa hết, để thực tế và chi tiết hơn, ở đoạn 52 ở bức Thông Điệp này, Đức Thánh Cha còn hứa hẹn thực hiện "việc đánh tan những đám mây mù bất khả chấp về tín lý cũng như thực hành" này như sau:

"Bởi thế, Tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ khẩn trương kêu gọi hãy hết sức trung thành tuân giữ các qui chuẩn cử hành Thánh Thể. Những qui chuẩn này là việc diễn đạt cụ thể bản chất giáo hội chân chính của Thánh Thể; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của những qui chuẩn ấy. Phụng vụ không bao giờ lại là tư sản của bất cứ ai, của vị chủ tế hay của cộng đồng cử hành những mầu nhiệm này. Thánh Phaolô Tông Ðồ đã phải đanh thép ngỏ lời cùng cộng đồng Côrintô, bởi việc họ thiếu sót trầm trọng trong việc cử hành Thánh Thể, phát xuất từ những chia rẽ (schismata) cũng như từ sự xuất hiện của những bè phái (haireseis) (cf. 1Cor 11:17-34). Cả ở thời đại của chúng ta nữa cũng cần đến một ý thức mới và cảm nhận mới về các qui chuẩn phụng vụ như là những gì phản ảnh và là chứng từ cho một Giáo Hội hoàn vũ duy nhất được hiện thực nơi mọi cuộc cử hành Thánh Thể. Các vị linh mục trung thành cử hành Thánh Lễ theo các qui chuẩn phụng vụ, cũng như các cộng đồng tuân hợp với những qui chuẩn ấy, tỏ ra, một cách âm thầm nhưng sống động, lòng họ mến yêu Giáo Hội. Chính vì muốn làm sáng tỏ hơn nữa ý nghĩa sâu xa này của các qui chuẩn về phụng vụ mà Tôi đã xin các phân bộ có trách nhiệm ở Tòa Thánh Rôma dọn một văn kiện chuyên biệt hơn, bao gồm những qui định có tính chất pháp lý, về vấn đề rất hệ trọng này. Không ai được coi thường mầu nhiệm đã được ký thác vào tay của chúng ta đây: một mầu nhiệm quá cao cả đến nỗi làm cho người ta cảm thấy như được tự do hành sử một cách thoải mái, bất kể đến tính cách linh thánh và phổ quát của mầu nhiệm ấy".

Thật vậy, vào ngày Thứ Sáu 23/4/2004, tại phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Francis Arinze, chủ tịch Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích, cùng với ĐTGM Domenico Sorrentino, Thư Ký của Thánh Bộ này, và ĐTGM Angelo Amoto, SDB, thư ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, những vị đã hợp tác soạn dọn văn kiện được ĐTC ngỏ ý muốn trên đây, và đã ra mắt văn kiện quan trọng và hợp thời ấy, văn kiện đó là Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh”.

Trong lời mở đầu, ĐHY chủ tịch đã nói về cả hai phương diện tích cực và tiêu cực diễn tiến về phụng vụ xẩy ra từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhưng theo thời gian đã xẩy ra những lạm dụng “làm phiền muộn cho hết mọi người”. Ngài cho biết rằng “đã có khuynh hướng cho rằng việc chú trọng đến những vấn đề lạm dụng là những gì mất giờ, chúng dầu sao cũng đã xẩy ra và sẽ mãi mãi là như thế… Điều này dẫn chúng ta đến chỗ sai lầm. Những thứ lạm dụng liên quan đến Thánh Thể không phải tất cả đều ở một mức độ như nhau. Một số lạm dụng có nguy cơ làm cho bí tích trở thành vô hiệu. Các lạm dụng khác cho thấy tình trạng thiếu lòng tin tưởng vào Thánh Thể. Có những lạm dụng góp phần vào việc làm cho dân Chúa lẫn lộn không biết đâu mà mò và làm cho việc cử hành Thánh Thể mất đi tính cách linh thánh. Không được coi thường những vấn đề lạm dụng”.

ĐTGM thư ký thánh bộ phượng tự và bí tích nhấn mạnh là “Bản Hướng Dẫn này chỉ nhắm mục đích tái xác định những qui tắc hiện hành”. ĐTGM làm sáng tỏ vấn đề là “việc yêu cầu tuân giữ (những qui tắc này) không có nghĩa là cấm đoán việc nghiên cứu sâu xa thêm và cấm đề nghị, như đã từng xẩy ra trong lịch sử của ‘phong trào phụng vụ’ và ngày nay vẫn thường xẩy ra nơi lãnh vực nghiên cứu học hỏi về thần học, phụng vụ và mục vụ. Điều hoàn toàn bị loại trừ đó là việc biến phụng vụ thành một lãnh giới tự do thí nghiệm và tùy nghi thi hành, không do một ý hướng tốt lành nào”.

ĐTGM thánh bộ tín lý đức tin còn nói đến ý nghĩa tín lý của bản hướng dẫn này như sau: “Các qui tắc phụng vụ là những gì thể hiện rõ ràng tính cách giáo hội học của Thánh Thể. Tính cách duy nhất và bất khả phân ly của Mình Thánh Chúa bao gồm tính cách duy nhất của Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Giáo Hội duy nhất bất khả phân ly. Bản Hướng Dẫn này phải làm dậy lên trong Giáo Hội một thứ hiểu biết lành mạnh cũng như việc nồng hậu đón nhận, việc say mê chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của đức tin chúng ta đây và việc khuyến khích tác hành cùng với những thái độ sống hợp với Thánh Thể”.

Nội dung và chủ đích của Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” được phác họa nơi đoạn 2 như sau:

"Để đặc biệt bảo toàn một cách xứng hợp việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ Thánh là một mầu nhiệm rất cao cả trong thời đại của chúng ta nữa, Vị Giáo Hoàng này đã truyền lệnh cho Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích (Ibidem, n. 52: AAS 95 (2003) p. 468.), liên hợp với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, phải soạn dọn Bản Hướng Dẫn này để giải quyết một số vấn đề liên quan đến qui lệ của Bí Tích Thánh Thể. Những điều trong Bản Hướng Dẫn này, bởi thế, cần phải được đọc theo chiều hướng của bức Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia được đề cập đến trên đây".


"Chủ ý chính yếu ở đây không phải là soạn dọn một bản tóm lược về các thứ qui tắc liên quan đến Thánh Thể Cực Linh, mà là để tiếp tục nhắc lại trong Bản Hướng Dẫn này một số yếu tố về các qui tắc phụng vụ đã được dẫn giải hay qui định trước đây song cho đến nay vẫn còn hiệu lực để bảo đảm được việc thấu hiểu hơn nữa các qui tắc về phụng vụ này (
Ibidem, n. 52: AAS 95 (2003) p. 468.); để thiết lập một số qui tắc giúp thực hiện những qui tắc trước đây đã được giải thích và bổ khuyết; cũng như để phác họa cho các Vị Giám Mục, cũng như Linh Mục, Phó Tế và Kitô hữu giáo dân biết phần vụ của mình trong việc thi hành những qui tắc ấy, theo trách nhiệm của mình và trong tầm tay của mình".

Thực ra, ngay vào đầu thế kỷ 20, trời cao đã báo động tình trạng “vì sự dữ tràn lan mà lòng mến nơi hầu hết con người ta đã trở nên nguội lạnh” (Mt 24:12) này rồi. Đúng thế, thế kỷ 20 được mở ra với Vị Giáo Hoàng (1903-1914) lấy khẩu hiệu phục hồi mọi sự trong Chúa Kitô “Instaurare omnia in Christo”, vị Giáo Hoàng được tặng cho tước hiệu Giáo Hoàng Thánh Thể, vì một đàng, về mặt tiêu cực, Ngài đã mạnh mẽ chống lại “sự dữ lan tràn” là các ngụy thuyết được tổng hợp nơi Tân Tiến Thuyết (Modernism), bằng Sắc Lệnh Lamentabili Sane ngày 3/7/1907 và Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis ngày 8/9/1907, và về mặt tích cực, Ngài nỗ lực củng cố “lòng mến” nơi Kitô hữu Công Giáo, như vào năm 1905, Ngài đã cho phép và kêu gọi giáo dân rước lễ thường xuyên hơn, thậm chí rước lễ hằng ngày, một thực hành sống đạo hoàn toàn ngoại lệ và phá lệ đối với truyền thống trước đó, nhất là qua Sắc Lệnh Quam Singulari vào năm 1910 Ngài đã giảm số tuổi trẻ em xuống để các em có thể rước lễ sớm hơn. Sau khi Vị Thánh Giáo Hoàng Thánh Thể Piô X này qua đi 2 năm, tại Bồ Đào Nha đã xẩy ra Biến Cố Fatima, một Biến Cố Thánh Mẫu được mở màn với thần trời và các trẻ em về Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Thánh Thể là Cốt Lõi của Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima

Thật vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể là trọng tâm của Biến Cố Fatima, ở chỗ, Chúa Giêsu Thánh Thể xuất hiện ngay từ khi mở đầu Biến Cố Fatima và cũng là Đấng xuất hiện vào lúc kết thúc Biến Cố Fatima. Chúng ta nên nhớ rằng Biến Cố Fatima được chia ra làm 3 giai đoạn riêng biệt và rõ rệt. Đó là những giai đoạn Tiền Biến Cố Fatima 1916, giai đoạn Chính Biến Cố Fatima 1917 và giai đoạn Hậu Biến Cố Fatima 1925/1929.

 Giai đoạn Tiền Biến Cố Fatima là giai đoạn Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima ba lần vào năm 1916, để đặt nền tảng cho Biến Cố Fatima và sửa soạn cho việc Mẹ Maria sẽ chính thức hiện ra với các em vào năm 1917 sau đó. Giai đoạn Chính Biến Cố Fatima là giai đoạn 6 lần liền Mẹ Maria hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào chính năm 1917, từ tháng 5 đến tháng 10 tại đồi Cova da Iria, nước Bồ Đào Nha. Giai đoạn Hậu Biến Cố Fatima là giai đoạn 2 lần đặc biệt Mẹ Maria hiện ra với riêng chị Lucia, để bổ túc những gì Mẹ hứa sẽ thực hiện sau này lúc Mẹ tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ hai cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết trong ngày 13-7-1917: lần đặc biệt thứ nhất vào ngày 10-12-1925 ở Pontevedra nước Tây Ban Nha, và lần đặc biệt thứ hai vào ngày 13-6-1929 ở Tuy cũng nước Tây Ban Nha.

Về Giai đoạn Tiền Biến Cố Fatima là giai đoạn Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima ba lần vào năm 1916, để đặt nền tảng cho Biến Cố Fatima và sửa soạn cho việc Mẹ Maria sẽ chính thức hiện ra với các em vào năm 1917 sau đó.

 Lần thứ nhất, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Xuân năm 1916 ở trong hang Loca do Cabeco, để kêu gọi và dạy các em cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa và con yêu mến Chúa. Xin Chúa thứ tha cho những người không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".

 Lần thứ hai, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Hè cùng năm, sau giờ nghỉ trưa, ở dưới bóng cây bên một giếng nước, để kêu gọi các em hy sinh cầu nguyện và dạy cho các em biết cách hy sinh đền tạ Chúa mà cứu rỗi các tội nhân: "Hãy biến mọi sự có thể thành những hy sinh dâng lên Chúa như một việc để đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm mà cầu cho tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 Lần thứ ba, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào một buổi chiều Mùa Thu cũng năm ấy, trên đường các em từ Pregueira về Lapa, để cho các em rước Mình Thánh (Lucia) và Máu Thánh (Phanxicô và Giaxinta), sau khi kêu gọi các em đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau: "Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 Như thế, mở đầu cho Biến Cố Fatima là một Chúa Giêsu Thánh Thể cần phải được nhận biết, mến yêu và đền tạ. Đó là lý do, kết thúc giai đoạn Chính Biến Cố Fatima là giai đoạn bao gồm 6 lần Đức Mẹ hiện ra trong 6 tháng liền, từ Tháng 5 đến tháng 10/1917, ngay trước khi biến đi, không còn hiện ra với chung 3 em Thiếu Nhi Fatima tại đây nữa, Đức Mẹ đã thảm thiết lên tiếng kêu gọi: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”. “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” trong lời Mẹ Maria kêu gọi đây là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 em Thiếu Nhi Fatima 3 lần trong năm 1916 để dạy cho các em biết cách tôn thờ và đền tạ Người. Bởi vậy, Mẹ Maria hiện ra ở Fatima là để đem con cái mình về với Thiên Chúa, với Vị Thiên Chúa Emmanuel, Vị Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người ở giữa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô hai nghìn năm trước, cũng chính là Chúa Giêsu Thánh Thể ở cùng Giáo Hội của Người một cách bí tích cho đến tận thế.

 Vì Chúa Giêsu thật sự là trọng tâm của Biến Cố Fatima, mà Người chẳng những xuất hiện ở giai đoạn Tiền Biến Cố Fatima năm 1916 và giai đoạn Chính Biến Cố Fatima năm 1917 mà còn xuất hiện cả ở giai đoạn Hậu Biến Cố Fatima nữa vào năm 1929.

 Đúng thế, Mẹ Maria đã hiện ra với chị Lucia ngày 13-6-1929 tại Tuy, nước Tây Ban Nha, nơi viện tu của chị thuộc dòng thánh Đôrôthêu. Theo chị kể lại, được phép làm giờ thánh từ 11 đến 12 giờ đêm ngày 13-6-1929, chị Lucia một mình ở trong nhà nguyện, đứng giang tay cầu nguyện. Bỗng nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: "Ân Sủng và Tình Thương".

 Trên đây là những gì chứng minh cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Thánh Thể thực sự là trọng tâm của toàn thể Biến Cố Fatima, kể cả giai đoạn tiền biến cố năm 1916, giai đoạn chính biến cố năm 1917 và giai đoạn hậu biến cố năm 1929 này. Đó là lý do, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng là cốt lõi của cả Sứ Điệp Fatima nữa. Hầu như ai trong chúng ta cũng đều biết rằng Sứ Điệp Fatima bao gồm 3 điểm chính được quen gọi là 3 Mệnh Lệnh Fatima: Cải Thiện Đời Sống, Tôn Sùng Mẫu Tâm và Lần Hạt Mân Côi.

 Chúa Giêsu Thánh Thể là cốt lõi của Sứ Điệp Fatima đối với Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống, ở chỗ con cái Giáo Hội, như lời Mẹ Maria trăn trối trước khi biến đi vào lần cuối cùng 13/10/1917: “đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

 Chúa Giêsu Thánh Thể là cốt lõi của Sứ Điệp Fatima đối với Mệnh Lệnh Tôn Sùng Mẫu Tâm, bởi vì, một trong những tội phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể đó là tội lộng ngôn và vô ơn phạm đến Mẹ Maria của Người, Người Mẹ đã ban cho Người huyết nhục, một huyết nhục đã tự hiến cho chung loài người và cho riêng Giáo Hội. Đó là lý do, trong giai đoạn Hậu Biến Cố Fatima, vào ngày 10/12/1925, Mẹ đã hiện ra với chị Lucia ở Pontevedra nước Tây Ban Nha khi chị đang tu tại dòng thánh Đôrôthêu. Mẹ hiện ra cùng với Chúa Hài Nhi, dưới chân Chúa có mây trời rực sáng làm bệ chân cho Người. Mẹ đặt tay lên vai chị, và chỉ cho chị một trái tim bị gai nhọn cuốn quanh được Mẹ cầm trên một bàn tay kia. Bấy giờ cả Chúa Hài Nhi và Mẹ Maria, thay phiên nhau lên tiếng nói với chị, Chúa Hài Nhi trước và Mẹ Maria sau, song cả hai Mẹ Con cùng nhau kêu gọi một điều.

 Chúa Hài Nhi kêu gọi chị Lucia rằng: "Con hãy thương cảm Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Rất Thánh của con đã bị gai nhọn cuốn quanh do những vô ơn bội nghĩa hằng giây hằng phút đâm tan nát mà chẳng có ai làm việc đền tạ để rút những gai ấy ra". Mẹ Maria cũng kêu gọi chị Lucia như sau: "Hỡi con yếu dấu, con hãy nhìn Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị gai nhọn cuốn chung quanh mà những kẻ vô ơn bội nghĩa hằng đâm nát từng giây từng phút bởi tội lộng ngôn và vô ơn của họ. Ít là con, con hãy gắng an ủi Mẹ. Mẹ hứa sẽ phù giúp, trong giờ lâm tử, bằng những ơn cần thiết đến phần rỗi, cho những ai, trong năm ngày thứ bảy đầu tháng liên tiếp, xưng tội và rước lễ, lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 phút 15 mầu nhiệm Mân Côi, với ý đền tạ Mẹ". Như thế, một trong những dấu hiệu tỏ ra con người thực sự cải thiện đời sống, tức đừng xúc phạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể nữa là hãy thật lòng Tôn Sùng Mẫu Tâm.

 Chúa Giêsu Thánh Thể là cốt lõi của Sứ Điệp Fatima đối với Mệnh Lệnh Lần Hạt Mân Côi, là vì Cầu Kinh Mân Côi là một trong những cách chẳng những tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ Maria, cùng đền tạ Mẹ Maria thích hợp nhất, mà còn là việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, “Đấng cứu chuộc tôi” (Lk 1:47) của Mẹ Maria, tức cùng Mẹ chúng ta nhận biết, mến yêu và đền tạ “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta”, Đấng đã tỏ mình cho chúng ta qua các Mầu Nhiệm Mân Côi. Đúng thế, nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hằng giây hằng phút bị những gai nhọn lộng ngôn và vô ơn đâm chọc bởi thành phần vô ơn bội nghĩa, thì việc cầu Kinh Mân Côi hằng ngày, như Mẹ Maria lần nào hiện ra ở Fatima cũng kêu gọi, thực sự là việc đền tạ Mẹ, ở chỗ, tuyên xưng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời” để đền bù lại những tội lộng ngôn phạm đến Mẹ; và ở chỗ, suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, tức tưởng nhớ đến những gì Vị Thiên Chúa Nhập Thể và Vượt Qua đã làm cho loài người, một tác động bày tỏ lòng tri ân cảm tạ Người, để bù lại những tội vô ơn của con cái Giáo Hội.

 

Giovanni Paolo II

 

Mầu Nhiệm Thánh Thể là Mầu Nhiệm Chúa Kitô cũng là Mầu Nhiệm Ơn Gọi Làm Người

Ôi Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã yêu loài người chúng con nói chung và Kitô hữu chúng con nói riêng, đến nỗi Chúa đã tìm hết cách để ở lại với chúng con cho đến tận thế trong Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể quả thực là chứng từ hùng hồn nhất về nỗi lòng khao khát này của Chúa, như Chúa đã thiết tha bộc tỏ trên cây Thập Giá trước khi tắt thở: “Tôi khát” (Jn 19:28), khát đến “há hốc miệng ra” và đến “nhỏ cả giãi ra”, qua hình ảnh cạnh sườn của Chúa bị lưỡi đòng của người lính Rôma rạch toác ra để máu và nước là những gì cuối cùng còn sót lại nơi thân thể hy hiến đến tận tuyệt của Chúa tuôn trào (x Jn 19:34).

Thế nhưng, lạy Chúa, để có thể nhận ra Chúa thực sự là Emmanuel (x Mt 1:23; Jn 1:14) chẳng những đã ở giữa loài người chúng con nơi dân Do Thái đời các thánh Tông Đồ ngày xưa, cũng như nơi Giáo Hội hậu lai cho tới tận thế, chúng con cần phải có một đức tin mãnh liệt. Bằng không, chúng con cũng sống với Chúa chẳng khác gì trường hợp các tông đồ ngày xưa, thành phần được sống ngay bên Chúa, được chứng kiến thấy phép lạ Chúa làm, được nghe thấy những lời Chúa nói, tức được trực tiếp động chạm đến một Vị Thiên Chúa Làm Người hữu hình bằng xương bằng thịt (x 1Jn 1:1-2), mà rồi cuối cùng tất cả các vị còn bỏ Chúa mà tẩu thoát trong vườn Cây Dầu khi Chúa bị bắt (x Mk 14:50), mà còn phản nộp Chúa như tông đồ Giuđa Ích-Ca (x Mt 16:14-16, 25; 27:3-6), trắng trợn chối bỏ Chúa một cách phũ phàng như tông đồ Phêrô (x Lk 22:31-34, 54-62).

“Xin Chúa hãy tăng thêm đức tin cho chúng con” (Lk 17:5) để chúng con có thể chẳng những tin nhận Chúa thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, mà còn hiểu được sâu xa Mầu Nhiệm Thánh Thể của Chúa nữa. Thật vậy, Mầu Nhiệm Thánh Thể bao gồm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm Tử Giá, Mầu Nhiệm Phục Sinh và Mầu Nhiệm Giáo Hội.

Mầu Nhiệm Thánh Thể bao gồm Mầu Nhiệm Nhập Thể, vì nếu Thiên Chúa không “hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) cũng chẳng bao giờ sẽ có Thánh Thể. Mầu Nhiệm Thánh Thể bao gồm Mầu Nhiệm Tử Giá, vì Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ để ở lại với Giáo Hội mà còn để tiếp tục sứ vụ, đúng hơn, để hiện thực công cuộc cứu độ Tử Giá của Người, qua riêng Phụng Vụ Thánh Thể và chung Phụng Vụ Bí Tích.

Mầu Nhiệm Thánh Thể bao gồm Mầu Nhiệm Phục Sinh, vì mục đích của việc Chúa Kitô đến trần gian và ở với loài người là để “cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), một sự sống Người đã bắt đầu thông ban cho con người qua các vị tông đồ vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, khi Người thổi hơi “Thánh Thần” (Jn 20:22) “là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính) từ thân xác phục sinh của Người trên các vị.

Mầu Nhiệm Thánh Thể bao gồm Mầu Nhiệm Giáo Hội, vì Giáo Hội, về hữu hình là một Cơ Cấu Phẩm Trật, và về vô hình, là một Cộng Đồng Hiệp Thông, mà Bí Tích Thánh Thể không thể nào có nếu không có phẩm trật tông truyền, không có hàng giáo sĩ, với vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian thừa kế Thánh Phêrô “là nguồn gốc và là nền tảng hữu hình và vĩnh viễn cho sự hiệp nhất của cả đức tin lẫn mối hiệp thông” (x. Lumen Gentium, 18), “của cả các vị giám mục lẫn toàn thể cộng đồng tín hữu” (ibid. 23).

Mầu Nhiệm Thánh Thể ngoài ra còn là mẫu gương sống nội tâm và tông đồ. Ở chỗ, nơi Bí Tích Thánh Thể, qua thừa tác vụ của Giáo Hội, về nội tâm, Chúa Kitô chẳng những tiếp tục hiến mình cho Chúa Cha, mà về hoạt động tông đồ, Người còn thông ban sự sống cho con người tín hữu khao khát đến với Người bằng tâm hồn thanh sạch đầy tin yêu sùng bái. Ôi Chúa Giêsu, nơi Bí Tích Thánh Thể, con chẳng những thấy được linh đạo Kitô giáo là sống nội tâm để ban phát, là mến Chúa tức yêu người, mà còn thấy được tất cả ý nghĩa sâu xa của tất cả ơn gọi làm người về khía cạnh nhân loại học siêu nhiên, khía cạnh nhân bản Kitô giáo nữa.

Quả thế, nếu “cho đi phúc hơn là nhận lãnh” (Acts 20:35), bởi tự mình con người không có gì, và bởi tất cả những gì con người có đều “được từ trên ban cho” (Jn 19:11; x. Jn 4:10), thành phần chỉ đóng vai quản lý hơn chủ nhân ông nơi những gì họ có, nên họ phải biết cách sử dụng và phân phát đi theo ý Chủ Nhân Ông Thần Linh của họ, thì còn gì sống động và thực tế hơn là Thánh Thể Chúa, một Thánh Thể đã “bị nộp vì chúng con” với máu đã “đổ ra vì chúng con” (Lk 22:19-20), một tác động hy hiến Chúa đã Giáo Hội làm để “nhớ đến Thày” (ibid.).

Thế nhưng, Chúa không truyền cho Giáo Hội chỉ làm việc này nơi Phụng Vụ Thánh Thể quan thừa tác vụ thánh của hàng giáo sĩ thôi, mà còn, qua Giới Răn Mới, giới răn Đức Ái Trọn Hảo, giới răn chúng con phải yêu thương nhau như Chúa yêu chúng con (x Jn 13:34; 15:12), Chúa còn muốn Kitô hữu chúng con phải dấn thân phục vụ những người anh em hèn mọn nhất của Chúa nữa (x Mt 25:40), tức hoàn toàn sống cho tha nhân, thậm chí liều cả mạng sống mình họ, như chính Chúa đã hiến mạng sống vì bạn hữu mình vậy (x Jn 15:13).

Ôi lạy Chúa, như thế, phục vụ là một diễm phúc, vì nhờ những hy sinh thường ngày của mình, khi chúng con cho đi những gì chúng con đã nhận lãnh, nhất là cho đi chính mạng sống của mình nếu cần, đúng hơn khi chúng con biết trả về cho Thiên Chúa những gì Ngài ban tặng cho chúng con, chúng con mới thực sự sống trọn ơn gọi làm người của mình là Ơn Gọi Thánh Thể, một ơn gọi Sống Đời Thánh Thể của Chúa, như Chúa và với Chúa vậy! Amen.

 

Khởi viết Thứ Sáu Tuần Thánh 18/3/2003,

cập nhật hóa ngày 13/10/2004 trong Năm Thánh Thể (10/10/2004-29/10/2005
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL