Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Trong Tuần là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua nhưng sinh hoạt này. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 6-12/10/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng Mười
 

Ý Chung: Xin cho các giáo lý viên được nâng đỡ bằng những lời cầu nguyện và việc hợp tác với các cộng đồng giáo xứ để hoàn thành một cách tốt đẹp việc tân truyền bá phúc âm hóa”.

Ý Truyền Giáo:
Xin cho các vị thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cách loan báo một cách can đảm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô giành cho kẻ nghèo”.

 

___________________________________________

 

 

12/10 Thứ Bảy


Chuyên Viên Trung Đông nhận định về tình hình Iraq


Camille Eid, một chuyên gia người Lebanon về Trung Đông từng viết cho tờ báo Avvenire của Ý đã trả lời một cuộc phỏng vấn sau ngày vị phóng viên này gặp gỡ ĐGM Jean Benjamin Sleiman ở Baghdad. Hôm Thứ Năm 10/10/2002, vị phóng viên này cũng tham dự cuộc bàn bạc về vấn đề “Những Chân Trời Cuộc Chiến Tranh ở Iraq: Phải chăng ngăn ngừa tốt hơn là chữa trị?”, do Đại Học Đa Kỹ Thuật Milan Ý tổ chức.


Vấn     Ở Iraq có vấn đề tự do tôn giáo hay chăng?


Đáp     Người Công Giáo cần phải đi lễ được tự do làm điều này; họ được tự do xây cất nhà thờ. Tuy nhiên, các trường học Kitô giáo, nhất là Công Giáo, đã được quốc hóa cả thập niên trước đây. Tương đối có tự do. So với các quốc gia Vùng Vịnh thì Iraq là nước dẫn đầu. Nếu đối chiếu đời sống ở đây với ở Ý thì thực sự cần phải đạt tới tình trạng tự do thực sự hơn nữa.


Vấn     Vậy người Công Giáo sống trong hoàn cảnh này như thế nào?


Đáp     Điều làm cho Giáo Hội chịu cực hình hiện nay đó là vấn đề Kitô hữu xuất ngoại. Hơn một nửa Giáo Hội Assyrian không phải Công Giáo đang sống ở Detroit Hoa Kỳ. Nhiều người thuộc Giáo Hội Chaldeans đã bỏ xứ sở trong 10 năm qua. Nhiều người trong họ thoạt tiên sang Jordan, rồi từ đó sau này họ đi sang Úc Châu, Canada và các xứ sở khác.


Vấn     Tình trạng này có xẩy ra cho thảm cảnh của các người Kitô hữu ở Thánh Địa hay chăng?


Đáp     Thật vậy, như đã xẩy ra cho những người Kitô hữu Palestine và Labanon, trong tất cả ở Trung Đông, Kitô giáo đã bị diệt trừ. Ở Iraq vẫn còn một thứ Kitô giáo hiện hữu cả ngàn năm. Thế nhưng nói chung tình trạng thực là thảm hại.


Vấn     Có thể nào củng cố lực lượng chống đối nội bộ ở Iraq để ngăn ngừa một cuộc chiến từ bên ngoài chăng?


Đáp     Có từ 3 đến 4 triệu người Iraq sống ở hải ngoại; có những nhóm chống đối. Nhưng không biết những nhóm này được ủng hộ đến đâu trong quốc nội. Theo những tường trình của báo chí thì họ đã lập được một vị lãnh đạo là ông Ahmed Chalabi, một đối thủ có thế giá, nhưng ông phải kết hợp tất cả những người Kurds, những người Shiites lại với nhau nữa mới được.


Vấn     Liệu có thể nào tránh được chiến tranh xẩy ra hay chăng?


Đáp     Chúng ta cần phải nhìn vào những nguyên nhân của nó. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã vạch ra phương thế trị liệu, đó là để tránh chiến tranh cần phải loại trừ đi tình trạng bất công trên thế giới. Không ai chối cãi chế độ của Saddam là nhẫn tâm. Việc ông làm sao để nắm được tuyệt đỉnh quyền bính vào năm 1979 đã quá rõ ràng. Trong cuộc họp với 200 người, ông đã nêu lên tên tuổi của những người cần phải được loại trừ. Điều chúng ta phải đối đầu đây là phương thức. Chúng ta cần có một quan điểm chính yếu; chúng ta có những nguyên tắc. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ muốn thiết lập các thứ quyền trị – cũng được đi, họ có thể làm như thế. Nhưng họ cần phải áp dụng việc ấy đối với tất cả mọi quốc gia, chứ không phải ở đây thì làm còn ở kia thì không. Điều làm tôi ngỡ ngàng là cách đây mấy tuần, bà Condoleezza Rice, cố vấn của Tổng Thống Bush, nói rằng chiến tranh chống Iraq cuối cùng sẽ mang lại nền dân chủ cho tất cả các quốc gia Ả Rập; bởi thế, nó là một cửa ngỏ để vào. Thì chúng ta cũng cứ hy vọng vậy đi, vì Iraq dầu sao cũng đang bị vây bủa bởi các quốc gia độc tài, dù là bạn hay thù của Hoa Kỳ. Ba ngày trước đây, một vị đại diện Do Thái từ Washington về đã tiết lộ cho biết những chi tiết cuộc họp của bá với chính quyền Hoa Kỳ. Theo bà đại diện này, có người đã nói cho bà hay rằng, một khi Saddam Hussein bị lật đổ thì những người Hoa Kỳ sẽ đặt một tay độc tài khác thay thế trong vòng từ 5 đến 6 năm, người đó nói thêm: ‘Điều này tốt cho cả quí vị lẫn chúng tôi’. Người ta không thể nào không tự hỏi tại sao lại như vậy? Trước hết, quí vị nói về dân chủ, về nhân quyền, về tự do của nhân dân Iraq, rồi quí vị nói đến những tay độc tài khác là làm sao.

11/10 Thứ Sáu


ĐTC Mừng Kỷ Niệm 10 Năm Ban Hành Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo


Ngỏ lời với 250 vị hồng y, giám mục và thần học gia (gồm có 21 vị từ Phi Châu, 10 từ Bắc Mỹ và Trung Mỹ, 10 vị từ Nam Mỹ, 14 vị từ Á Châu, 2 vị từ Đại Dương Châu, và 27 vị ở Âu Châu).


tại Hội Nghị Quốc Tế về Những Vấn Đề Giáo Lý, một hội nghị 4 ngày do Thánh Bộ Giáo Sĩ tổ chức được kết thúc hôm nay, ngày kỷ niệm 40 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, ĐTC đã cho biết cuốn sách giáo lý này là một trong những hoa trái quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II. ĐTC nói cuốn sách giáo lý này là “một diễn giải trọn vẹn và toàn diện về sự thật Công Giáo, về tín điều của cả đức tin lẫn tập tục, có giá trị mãi mãi đối với tất cả mọi người, ở nội dung thiết yếu và nồng cốt của mình, một nội dung giúp cho người ta tích cực và an tâm hiểu biết và học hỏi sâu hơn những gì Giáo Hội tin tưởng, cử hành, sống động và cầu nguyện”. Cuốn giáo lý này có một bản chất “huấn quyền đoàn”, vì cuốn sách ấy được Thượng Hội Giám Mục năm 1985 xin ĐTC thực hiện. Tất cả các vị giám mục trên thế giới được tham vấn đóng gop1 vào cuốn giáo lý ấy. Bản chính bằng Pháp ngữ được phổ biến năm 1992, và bản Latinh năm 1997. ĐTC nhận định cuốn sách giáo lý này “cho tới hôm nay vẫn giữ được bản chất là ‘quà tặng hảo hạng’ của mình, được đặt vào tay của toàn thể Giáo Hội, cống hiến cho hết mọi người muồn hỏi và muốn biết những gì Giáo Hội Công Giáo tin tưởng, những lý do hy vọng ở trong chúng ta… Khi trình bày tín lý của Giáo Lý một cách chân chính và có phương pháp mặc dù tổng hợp - ‘non omnia sed totum’ – cuốc sách Giáo Lý này qui chiếu tất cả nội dung của giáo lý về tâm điểm nồng cốt của mình là con người Chúa Kitô… Việc ân cần tiếp nhận và phổ biến rộng rãi trong thập niên qua ở các phần đất khác nhau trên thế giới, kể cả nơi những lãnh vực ngoài Công Giáo, là một chứng từ tích cực cho thấy giá trị và tầm quan trọng liên tục của cuốn sách này.”

 

10/10 Thứ Năm


ĐTC kêu gọi các dân nước Phi Châu hãy cùng nhau hoạt động


Sáng nay, Thứ Năm 10/10, ĐTC đã tiếp nhân vị tân lãnh sự nước Gabon là ông Desire Koumba. Ngài đã bày tỏ mối quan tâm của Ngài về Châu Phi nói riêng và tình hình thế giới nói chung như sau:


“Trong lúc lục địa này cứ tiếp tục phải đau thương gánh chịu những cuộc xung đột khác nhau gây ra cho nó, một lần nữa, Tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người Phi Châu hãy cố gắng sát cánh hoạt động như anh em với nhau, để làm cho những mảnh đất của mình thành những nơi chốn đáng sống, ở đó, mỗi người đều có phần của mình nơi những nguồn lợi thiên nhiên…” ĐTC nói rằng các nhà lãnh đạo cần phải tạo điều kiện cho “một cuộc phát triển toàn vẹn được đánh dấu bằng tình đoàn kết. Theo chiều hướng ấy thì hết mọi phần tử thuộc cộng đồng quốc gia cần phải làm sao để có thể tham gia vào sinh hoạt dân sự, nhờ đó tình trạng pháp lý và các cơ cấu dân chủ mới được củng cố, những gì cần phải sốt sắng quan tâm đến việc phục vụ và thành tín quản trị công ích, đến việc tôn trọng con người cũng như những cộng đồng thiểu số, và đến việc bênh vực thành phần nghèo khổ nhất cũng như các gia đình”. Nhắc đến tình trạng bần cùng “nhiều quốc gia Phi Châu” đang phải chịu đựng, ĐTC kêu gọi “các thẩm quyền hợp pháp của những xứ sở này hãy theo đuổi cuộc chiến đấu với tất cả mọi hình thức nghèo khổ làm tiêu rụi những niềm hy vọng nơi các con người và các dân tộc, từ đó nuôi mầm bạo lực và quá khích đủ loại. Trong tinh thần ấy, Tôi cũng kêu gọi một nhiệt tình mới nơi việc hợp tác của quốc tế là những gì cần phải nghĩ lại theo văn hóa đoàn kết để chiến đấu với những tác hiệu tiêu cực gắn liền với vấn đề toàn cầu hóa”. Để cổ động “thứ luân thường đạo lý đoàn kết” này, ĐTC xin “cộng đồng thế giới hãy theo đuổi nỗ lực nâng đỡ những việc làm của địa phương liên quan đến vấn đề dân số, nhất là hãy nghĩ lại các món nợ của các nước Phi Châu”.


Bức Thư cuối cùng của Thánh Maximilian Kolbe


Nhân dịp kỷ niệm 20 năm phong thánh cho vị tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn người Balan này, bức thư cuối cùng thánh nhân viết gửi cho mẹ như sau:


“Mẹ dấu ái. Vào cuối Tháng Năm, con được đoàn toa xe lửa đưa đến trại tập trung ở Auschwitz. Mẹ yêu dấu, tất cả mọi sự đều tốt đối với con. Mẹ cứ an tâm về con cũng như về sức khỏe của con, vì Thiên Chúa lòng lành ở khắp mọi nơi và Ngài hết sức yêu thương nghĩ đến hết mọi người và hết mọi sự. Tốt hơn là mẹ đừng viết gì cho con hết cho tới khi con gửi mẹ lá thư khác, vì con không biết con sẽ ở đây bao lâu. Ưu ái chào mẹ và hôn mẹ. Raymond Kolbe”.


Thánh nhân đã chết vào ngày 14/8/1941. Hai tuần trước đó, Thánh nhân không được ăn uống gì, sống sót với 16 tù nhân khác bị kết án bởi tội tẩu thoát hụt. Cha Kolbe là người chết cuối cùng trong số họ. Sau một năm lên ngôi giáo hoàng, tại Auschwitz, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: “Maximilian Kolbe đã làm như Chúa Giêsu đã thực hiện, đó là Ngài không chịu chết nhưng đã hiến mạng sống mình”. Câu ĐTC nói đây ám chỉ những lời Cha Kolbe đã viết trước mấy tuần Balan bị Nazi Đức chiếm vào ngày 1/9/1939: “Để chịu khổ, để hoạt động và để chết đi như một người hiệp sĩ, không phải bằng một cái chết bình thường, như bằng một viên đạn vào đầu, nhưng, như một người hiệp sĩ thực sự ôm ấp tình yêu đối với Mẹ Vô Nhiễm đổ máu mình ra cho đến giọt cuối cùng, để làm cho Mẹ mau chiến thắng toàn thể thế giới. Tôi không thể nào nghĩ được gì cao quí hơn nữa cả”.


Các Giám Mục Anh Giáo Phản Đối Việc Đơn Phương Tấn Công Iraq


50 Vị Giám Mục Anh Giáo đã đồng thanh nhận định và tuyên bố hôm Thứ Tư 9/10/2002 như sau:


“Chúng tôi công nhận chính sách được Chính Quyền tuyên bố về việc giải giới Iraq những thứ vũ khí công phá hàng loạt. Những viên thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc cần phải được tự nhiên và tự do đi lại để dễ dàng tìm kiếm và hủy hoại những thứ vũ khí công phá hàng loạt của Iraq, theo đúng tất cả những quyết định hiện tại của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


“Chúng tôi cho rằng mối quan tâm chính yếu của thế giới vẫn là việc Iraq tỏ ra coi thường Liên Hiệp Quốc và quyền bính của tổ chức này như đã được bày tỏ trong những quyết định hiện nay của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Bất cứ hành động đơn phương nào bắt buộc Iraq phải tuân theo những quyết định như vậy đều có thể đưa đến việc làm tiêu hao uy tín và thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc”.

 

Lại ôm bom tử tự khủng bố ở Thánh Địa Trung Đông


Khu ngoại ô Bnei Brak gần thủ đô Tel Aviv sáng nay Thứ Năm 10/10/2002 đã xẩy ra một vụ nổ bom tự tử khủng bố. Truyện xẩy ra vào lúc trước 8 giờ sáng một chút nơi hiện trường, (tức 2 giờ sáng bên Nữu Ước và 11 giờ đêm 9/10 ở Los Angeles), khi kẻ liều mạng khủng bố này cố lên một chiếc xe buýt nhưng người tài xế đã đóng cửa đằng sau, làm cho hắn ngã xuống. Khi người tài xế và các hành khách đến xem hắn có việc gì hay chăng thì thấy hắn có một giây thắt lưng cột các thứ chất nổ. Nhiều người liền chạy đi ngay trước khi tên này ra tay hành động. Những chứng nhân đã cho biết như thế. Nhưng cuối cùng, theo tường trình của cảnh sát và nhà thương, vẫn có một phụ nữ chết và 19 người khác bị thương.


Cuộc nổ bom tự tử để khủng bố này đã xẩy ra sau cuộc đánh nhau giữa Do Thái và Palestine ở phía nam giải Gaza làm cho 2 người trẻ Palestine (12 và 18 tuổi) tử nạn. Lực lượng Do Thái từ đêm Thứ Tư 9/10 vẫn tiếp tục cuộc hành quân gần Ramallah hôm nay, nơi họ đã bắt giữ 55 người Palestine tình nghi, gồm có cả một số phần tử của phong trào Hamas. Lực lượng này cũng giam giữ 19 người Palestine tình nghi khác bên kia vùng Tây Ngạn, trong đó cũng có một số phần tử của phong trào trên. Hamas là một tổ chức Hồi Giáo Paleatine cực đoan đã được Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ cho là một tổ chức khủng bố. Izzedine al Qassam, một phần tử cực đoan của nhóm này đã nhận trách nhiệm về những cuộc khủng bố tấn công thường dân và quân đội Do Thái.


Trong Tháng Mân Côi, chúng ta tăng lời cầu nguyện với Mẹ Mân Côi Maria Thắng Trận cho vùng Đất Thánh của Kitô hữu chúng ta.

 

9/10 Thứ Tư


Bài Giáo Lý thứ 53 về Thánh Vịnh, bài Thánh Vịnh 66


Anh Chị Em thân mến,


Bài Thánh Vịnh 66 là một bài thánh thi ca tạ ơn Thiên Chúa ngắn ngủi nhưng đánh động. Bài thánh thi ca này được dâng lên Chúa nhân danh tất cả mọi dân nước trên trái đất, những người được kêu gọi để làm sáng tỏ đường lối của Ngài, những đường lối cứu độ, những đường lối của ánh sáng và bình an. Bài thánh thi ca này kêu cầu tình thương của Thiên Chúa và xin Ngài hãy chúc phúc cho dân của Ngài, để họ có thể sinh hoa kết trái nhờ đó họ trở thành nguồn phúc ân cho những người khác. Chúa Giêsu Kitô là phúc lành tuyệt đỉnh Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài. Chính qua Chúa Kitô mà toàn thể thế giới đã được lãnh nhận lời hứa cứu chuộc là tặng ân sự sống đời đời.

 

(Xin xem toàn bài vào cuối tuần này nơi Trang Giáo Lý Hằng Tuần trong phần Giáo Hội)


Quan Sát Viên của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc trình bày về Vấn Đề Người Già.


ĐTGM Renato Martino, vị lãnh đạo phái đoàn đại biểu quan sát viên của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc đã trình bày quan điểm của Tòa Thánh về Người Già cho ủy ban đang bàn thảo về tờ tường trình kiểm điểm của tổng thư ký về Năm Quốc Tế về Người Già: Hội Nghị Thế Giới Lần Hai Về Tuổi Già. Hội Nghị thượng đỉnh này đã được tổ chức ở Tây Ban Nha ngày 12/4, được đúc kết bằng một Dự Án Quốc tế 2002 Thực Hiện Về Tuổi Già. Theo ĐTGM thì phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh tin rằng bản tường trình của vị tổng thư ký “đã không tiến xa đủ theo những lời đề nghị của Tòa Thánh về việc tổ chức Liên Hiệp Quốc làm sao có thể góp phần hơn nữa trong việc áp dụng Dự Án Thực Hiện đã ký nhận ở Madrid… Phái đoàn đại biểu của chúng tôi tường trình rằng Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới, qua các cơ quan khác nhau cũng như những chương trình của giáo phận địa phương, đang điều hành hơn 13.238 nhà, dưỡng viện và các cơ quan chăm sóc cho người già… Phái đoàn đại biểu chúng tôi cũng nhận thực là con số những người do các nơi này phục vụ chỉ là một con số nhỏ so với những người ở vào tuổi lục tuần”. ĐTGM đã kết luận bằng lời của ĐTC Gioan Phaolô II “tuổi già là một thời gian ân sủng, là một lời mời gọi hiệp nhất sâu xa hơn với mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô và tham phần sâu xa hơn vào dự án cứu độ của Người. Giáo Hội âu yếm và đặt tin tưởng nơi người già anh chị em, ở chỗ dấn thân vào việc phấn khích làm trọn mối liên hệ về nhân bản, xã hội và tâm linh giúp cho mọi người có thể sống giai đoạn quan trọng này của cuộc đời mình một cách trọn vẹn và xứng đáng”.


13 Nước Đông Âu gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu


13 quốc gia này là Balan, Hung Gia Lợi, Cộng Hòa Czech, Slovenia, Slovakia, Latvia, Estonia, Lithuania, Malta và Cyprus, sau thời gian thực hiện những cuộc canh tân về kinh tế và xã hội, sẽ được gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu vào năm 2004. Còn hai nước Bulgaria và Rominia đã được cho biết về việc họ gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu vào năm 2007. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ chưa được, vì cần phải có một tường trình cải tiến về nhân quyền hơn nữa, mặc dù nước này đang tiến đến chỗ hủy bỏ án tử và cải tiến các quyền lợi của người Kurdish. Việc mở rộng đón nhận thêm các phần tử cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thể tạo nên một khối thị trường với con số 490 triệu dân. Dự án nới rộng này dẽ được tranh luận tại Brussels vào ngày 24-25/10/2002 và quyết định cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuộc họp thượng đỉnh ở Copenhagen vào Tháng 12.
 

8/10 Thứ Ba


Các Vị Lãnh Đạo Kitô Giáo phản đối pháp luật Hoa Kỳ về Thành Giêrusalem


Các vị lãnh đạo Kitô giáo ở Thánh Địa đã gửi một bức thư cho Tổng Thống Bush hôm Thứ Hai 7/10/2002 bày tỏ lập trường của mình như sau:


“Chúng tôi rất lấy làm buồn khi biết được tổng thống đã ký khoản lập pháp mới trong mấy ngày gần đây – nhất là Khoản 214 về Đạo Luật Thẩm Quyền Về Các Mối Liên Hệ Ngoại Quốc liên quan đến Giêrusalem.


“Ở vào một thời điểm đang thực hiện rất nhiều nỗ lực để chấm dứt tình trạng đổ máu và bạo lực ở mảnh đất này cũng như để kiến tạo hòa bình, nó đã xuí giục chúng tôi nghĩ rằng Quốc Hội của tổng thống chắc hẳn là muốn thực hiện trước việc điều đình và việc lập pháp vẫn được cho là cần thiết, nhất là theo bản hòa ước Oslo và những Quyết Định 242, 338 của Liên Hiệp Quốc.


“Miền Đông Giêrusalem là phần lãnh địa bị chiếm đóng, do đó, nó hiện đang cần phải được luật lệ quốc tế bảo vệ.


“Có những khu vực thành phố thánh hảo với người Do Thái, Hồi Giáo và Kitô Giáo. Bởi vậy, những khu vực này cần phải được mở ra một cách tự do và việc dễ dàng ra vào một cách an toàn cho các tín đồ.


“Chúng tôi hết lòng tri ân sự nhẫn nại lâu dài, việc chăm sóc và thiện chí là những gì cần thiết trong việc giải quyết tình trạng cuối cùng của Thành Thánh, và bởi thế chúng tôi kêu gọi tổng thống đừng gây nguy hại đến những nỗ lực hòa bình sau này; bằng không, đau khổ sẽ càng tăng thêm ở một miền đất đã vốn rắc rối”.

 

7/10 Thứ Hai


ĐTC tiếp Đức Thượng Phụ Chính Thống Romania


"Cuộc gặp gỡ bên mộ của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là một dấu hiệu chứng tỏ ý muốn chung của chúng ta trong việc thắng vượt những trở ngại vẫn còn đang làm ngăn trở việc tái thiết lập mối hoàn toàn hiệp thông giữa chúng ta".


ĐTC đã tiếp đón Đức Thượng Phụ Terctist Chính Thống Giáo Romania ở Quảng Trường Thánh Phêrô trước 200 ngàn người tham dự lễ phong thánh cho Đức Ông Josemaría Escrivá. Cuộc gặp gỡ này là biến cố chính thức đầu tiên của vị thượng phụ này. Ngài muốn đáp lễ việc ĐTC thăm viếng Rumania năm 1999, chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC đến những phần đất Chính Thống Giáo. Trong chuyến viếng thăm của ĐTC hồi ấy, cả hai vị lãnh đạo này đã ký với nhau một bản tuyên ngôn chung để tiến gần đến chỗ hiệp nhất với nhau hơn kể từ năm 1054. Cuộc viếng thăm này sẽ được kết thúc vào Chúa Nhật tuần tới, ngày ĐTC sẽ chủ lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Cả hai vị lãnh đạo sẽ giảng, cầu nguyện, tuyên xưng đức tin bằng tiếng Romania, nhưng tách biệt nhau vào lúc đọc Kinh Nguyện Thánh Thể. ĐTC đã nói với Đức Thượng Phụ như sau:


“Đức Huynh thân mến: Huynh đang thực hiện cuộc viếng thăm đây cũng được thúc đẩy bởi cùng những cảm tình và mong đợi giống như Tôi. Cuộc gặp gỡ bên mộ của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là một dấu hiệu chứng tỏ ý muốn chung của chúng ta trong việc thắng vượt những trở ngại vẫn còn đang làm ngăn trở việc tái thiết lập mối hoàn toàn hiệp thông giữa chúng ta. Cuộc viếng thăm đây cũng là một tác động thanh tẩy những ký ức chia rẽ, những thứ đối chọi thường hay chát chúa, những hành động và những lời lẽ dẫn đến những thứ phân ly đau buồn… Bất chấp tất cả mọi sự, tương lai không thể nào lại ở trong một đường hầm tăm tối và vô định. Con đường hầm này đã được ân sủng Thiên Chúa soi dẫn; một con đường hầm đã được ánh sáng linh động của Thần Linh cho thấy có những tia an ủi… Niềm tin tưởng này chẳng những trổi vượt hơn hết mọi nản lòng của con người, hơn tình trạng kiệt lực đôi khi làm nhụt bước tiến của chúng ta, mà nhất là còn làm cho chúng ta vững tâm ở chỗ không gì là bất khả đối với Thiên Chúa, và bởi đó, nếu chúng ta xứng đáng, Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta tặng ân trọn vẹn hiệp nhất với nhau thôi…. Chớ gì những ngày viếng thăm này bồi dưỡng việc đối thoại của chúng ta, kinh nghiệm của chúng ta, làm cho chúng ta ý thức hơn nữa về những gì hiệp nhất chúng ta nơi trong cùng những gốc rễ đức tin, trong cùng gia sản phụng vụ về các thánh nhân và chứng nhân chúng ta có được… Xin Chúa làm cho chúng ta một lần nữa cảm thấy vẻ đẹp đẽ và sự ngọt ngào trong việc cùng nhau kêu cầu Ngài”.


ĐTC dự định tuyên phong Thánh Nữ Bridget là vị Thánh Đồng Quan Thầy Âu Châu


"Là một người phụ nữ của mối hiệp nhất, thánh nhân đã cho chúng ta thấy mình như là một chứng nhân đại kết"


ĐTC đã chủ sự Giờ Kinh Tối đại kết trọng thể hôm tối Thứ Sáu, 4/10/2002 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Tham dự Giờ Kinh Tối nguyện cầu cho hiệp nhất này có sự hiện diện của Nữ Hoàng Victoria của Thụy Điển, các vị Tổng Giám Mục hưu trí thuộc Giáo Hội Luthero ở Uppsala, Bertil Werkstrom và Gunnar Weman, cùng các vị đại diện Anh Giáo, Chính Thống Giáo và Thệ Phản khác nữa. Vào ngày áp kỷ niệm mừng 700 năm sinh nhật của vị thánh Thụy Điển (1303-1373) được Kitô hữu các giáo phái kính yêu, ĐTC đã đề cao gương mẫu của “việc truyền giáo đức tin cao cả” cho thấy vị thánh nữ này có “chủ động và chuyên tâm muốn hoạt động cho mối hiệp nhất Kitô giáo… Vào một thời điểm phức tạp và khó khăn trong lịch sử Giáo Hội và Âu Châu, người môn đệ không biết mệt mỏi này của Chúa đã không ngừng hoạt động cho sự liên kết và tiến bộ thực sự của mối hiệp nhất tín hữu… Là một người phụ nữ của mối hiệp nhất, thánh nhân đã cho chúng ta thấy mình như là một chứng nhân đại kết… Đó là một di sản linh thiêng cần phải được chấp nhận, một dấn thân chung cần phải được tiếp nối bằng một lòng hân hoan quảng đại… Tuy nhiên, nếu việc hiệp nhất Giáo Hội là tặng ân của Thần Linh thì chúng ta ý thức được rằng chúng ta trước hết cần phải liên lỉ nguyện cầu van xin tặng ân này, rồi phải xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng một chuyên tâm không ngừng, mỗi người đóng góp phần của mình vào đó”.


Bảo Quản Viên Dòng Phanxicô ở Thánh Địa không hài lòng với Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu về Giêrusalem


Cha David Jager, phát ngôn viên của dòng Phanxicô, bảo quản viên Thánh Địa của Giáo Hội Công Giáo, đã lên tiếng phê bình về việc Quốc Hội Hoa Kỳ yêu cầu Giêrusalem phải được nhìn nhận là thủ đô của Do Thái, vì yêu cầu này cho thấy Hoa Kỳ không tôn trọng những việc thương thảo giửa Do Thái và Palestine. Tổng thống Bush đã ký vào khoản yêu cầu này. Nói qua Đài Phát Thanh Vatican, vị linh mục trên cho biết việc chia chác lãnh thổ phải tùy thuộc vào sự thương lượng giữa hai khối Do Thái và Palestine đã được bắt đầu từ năm 1993 về vấn đề thành Giêrusalem. Tòa Thánh Rôma thừa nhận thành này có tính cách quốc tế, như đã được Liên Hiệp Quốc xác nhận vào năm 1997: “Vì những nơi thánh này ảnh hưởng đến một phần lớn nhân loại mà số phận của những nơi thánh ấy lại lệ thuộc vào duy một quốc gia này hay quốc gia kia. Cộng đồng quốc tế cần phải lãnh trách nhiệm này qua một tổ chức đại diện”.
 

6/10 Chúa Nhật


Lễ Phong Thánh cho Vị Sáng Lập Dòng Opus Dei


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng Thánh Lễ Phong Thánh cho Đức Ông Escrivá tại Quảng Trường Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 6/10/2002 trước 300 ngàn người tham dự. Trong bài giảng của mình, ĐTC nói sứ điệp của vị tân thánh này là hãy đứng lên chống lại “thứ văn hóa vật chất đang đe dọa làm hóa giải căn tính chân thực nhất của các môn đệ Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha đã đọc lời tuyên phong lúc 10:23 sáng. Năm nay cũng là năm kỷ niệm bách chu niên ngày sinh nhật của vị tân thánh, vị sinh ngày 9/1/1902 ở Barbastro bắc Tây Ban Nha, và chết ở Rôma ngày 26/6/1975.

 

ĐTC cho biết giáo huấn của vị tân thánh này “hợp thời và khẩn trương”, như thể vị thánh luôn nói rằng, “bởi phép rửa đã lãnh nhận làm cho họ tháp nhập với Chúa Kitô, người Kitô hữu được kêu gọi để gắn bó với Chúa bằng mối liên hệ không dứt và lâu bền”. ĐTC nhấn mạnh rằng tín hữu “được kêu gọi nên thánh và cộng tác trong việc cứu độ nhân loại”.

 

Ngỏ lời với các phần tử Opus Dei, ĐTC đã xin họ “hãy dâng thế giới lên Thiên Chúa và hãy biến đổi nó tự bên trong” theo “lý tưởng đã được đấng thánh sáng lập nhắc nhủ anh em. Theo bước chân của ngài, anh em hãy lan tràn trong xã hội, bất phân biệt nòi giống, giai cấp, văn hóa, hay tuổi tác, ý thức là tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh”. Tuy nhiên, ĐTC đã nhắc lại lời khuyên của vị sáng lập thánh này như sau: “Trước tiên là cầu nguyện; sau đó mới đến việc ăn năn đền tội; thứ ba, thực sự ở chỗ thứ ba này là hoạt động. Đây không phải là điều gì mâu thuẫn mà là một sự thật căn bản, đó là hoa trái của việc tông đồ trên hết là ở việc cầu nguyện cũng như ở đời sống bí tích sốt sắng và liên lỉ”.

 

Vị tân thánh này được tuyên phong chân phước ngày 17/5/1992, cũng tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Việc phong thánh cho vì sáng lập này sau đó đã bị công khai chống đối. Từ khi thành lập vào năm 1588 của mình, Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh đã có tất cả 296 vị thánh, nhưng nguyên trong giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, con số này đã được thêm 468 vị nữa, chưa kể đến 1294 vị chân phước trong giáo triều của Ngài.