Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Hiện Thế là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần giữa thế giới ngày nay, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội cũng như với thế giới. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Hiện Thế Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 8-14/12/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12
 

Ý Chung: Xin cho các trẻ em được bảo vệ và bênh vực khỏi mọi hình thức bạo lực nhờ được gia đình chăm sóc cùng với những qui chế xứng hợp của xã hội trên khắp thế giới”.

Ý Truyền Giáo:
Xin cho việc cử hành biến cố giáng sinh của Chúa Kitô Cứu Thế giúp cho con người nam nữ thuộc mọi văn hóa biết tôn trọng hơn nữa đối với những em nhỏ và thành phần bị cướp đoạt mất quyền thừa hưởng..

 

___________________________________________

 

 

14/12 Thứ Bảy

Lời Phát Biểu của ĐHY Law sau khi được ĐTC chấp thuận cho từ nhiệm

“Tôi hết lòng tri ân Đức Thánh Cha đã chấp thuận cho tôi được từ nhiệm làm Tổng Giám Mục Boston.

“Tôi tha thiết nguyện cầu cho việc làm này có thể giúp cho Tổng Giáo Phận Boston cảm thấy được chữa lành, hòa giải và hiệp nhất hết sức cần thiết.

“Tôi xin gửi đến tất cả những ai phải chịu đựng bởi những thiếu sót và lầm lỗi của tôi, tôi chẳng những xin lỗi mà còn van họ thứ tha.

“Tôi hết lòng biết ơn các vị giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân tôi đã được hân hạnh làm việc với để thực hiện nỗ lực hoàn trọn sứ vụ Giáo Hội. Tôi cũng xin gửi đến rất nhiều người khác nữa mà tôi được đã chung vai sát cánh để phục vụ cho công ích; những người này thuộc về những cộng đồng đại kết, Do Thái và liên tôn khác, cũng như viên chức chính quyền cùng những vị khác thuộc xã hội dân sự.

“Những hoàn cảnh đặc biệt vào lúc này đây khiến tôi phải âm thầm ra đi. Xin nhớ cầu nguyện cho tôi với”.

Hồng Y Barnard Law

Tuy Tòa Thánh không tỏ cho biết phận vụ mới của ĐHY sẽ đảm nhận sau khi từ nhiệm TGM Boston, nhưng văn phòng báo chí Tòa Thánh tiết lộ ngài vẫn là phần tử của một số Thánh Bộ và Ủy Ban của Tòa Thánh.

Ngài sinh ở Torreon, Mễ Tây Cơ ngày 4/11/1931, là con một của gia đình Tin Lành, chịu chức linh mục năm 1961, được bổ nhiệm làm giám mục Springfield-Cape Gerardeau ngày 22/10/1973, làm TGM Boston năm 1984 và được phong tước hồng y năm 1985. Trong những năm gần đây, ngài đã trở thành một nhân vật quan trọng trong Giáo Hội Hoa Kỳ và thi hành một số sứ vụ ở ngoại quốc như ở Cuba năm 1985, Nicaragua năm 1988 và ở Việt Nam năm 1991.

ĐTC đã tiếp nhận 9 vị tân lãnh sự và ngỏ lời với họ về vấn đề hòa bình

Sáng Thứ Sáu 13/12/2002, ĐTC đã tiếp nhận 9 vị tân lãnh sự và ngỏ lời với họ bằng tiếng Pháp. Các vị tân lãnh sự này là: Fode Maclean Dabor nước Sierra Leone; Marcia Gilberts- Roberts nước Jamaica; Praveen Lal Goyal nước Ấn Độ; Albert Owusu-Sarpong nước Ghana; Helga Hernes nước Na Uy; Emmanuel Kayitana Imanzi nước Ruanda và Jean-Pierre Razafy-Andriamihaingo nước Madagascar. Vấn đề chính Ngài nói với các vị này là vấn đề hòa bình.

“Hòa bình là một trong những sự thiện quí báu nhất cho cá nhân, các dân tộc và các quốc gia… Không có hòa bình, cá nhân hay gia đình, xã hội hay kinh tế không thể nào thực sự phát triển được. Hòa bình là trách nhiệm của mọi người, mong mỏi hòa bình không phải là dấu hiệu yếu kém mà là dấu hiệu mạnh mẽ”. Sau khi nhấn mạnh đến việc để đạt được hòa bình cần phải tôn trọng luật lệ quốc tế và trật tự, Ngài nói: “Ngoài ra, chúng ta phải lấy giá trị sâu xa của công ích cũng như phải hợp quần hành động để giải quyết những xung khắc ở các địa lục khác nhau”.

ĐTC nhận định là “tình trạng khốn khổ và bất công là cội rễ của bạo động và góp phần gây ra những xung đột ở từng vùng hay ở địa phương. Cộng đồng quốc tế được kêu gọi để làm những gì có thể nhờ đó những nỗi khổ đau này dần dần bị loại trừ, nất là bằng những phương tiện về nhân bản và vật chất giúp cho thành phần thiếu thốn nhất. Những tổ chức kinh tế địa phượng được hỗ trợ hơn nữa chắc chắn sẽ giúp cho các dân bản xứ có thể lo cho tương lai của họ”.

Ngài còn nhận định thêm thế này: “Nghèo khổ đang đè nặng trên thế giới hôm nay, đẩy tình trạng bền vững về chính trị, kinh tế và xã hội đến chỗ nguy hiểm… Mặc dù có Hội Nghị Quốc Tế ở Vienna năm 1993 về nhân quyền, phẩm giá con người và các quốc gia vẫn còn bị tấn công. Chúng ta phải nhìn nhận quyền lợi của mọi người cần phải có để họ được hưởng những gì cần sống cũng như hưởng lợi ích bởi số phần giầu thịnh của quốc gia…”. ĐTC đã kết thúc bằng lời kêu gọi cộng đồng quốc tế “hãy nghĩ lại vấn đề lưỡng diện liên quan đến việc phân phối giầu thịnh cũng như đến việc hỗ trợ bình đẳng về kỹ thuật và khoa học cho các nước nghèo, những việc là phận sự của các nước giầu”.
 

Thứ Sáu 13/12/2002

ĐHY Law xin từ chức và đã được ĐTC chấp thuận

Như văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết hôm Thứ Hai 9/12/2002 là ĐHY Law đã đến Vatican để tường trình cho Tòa Thánh biết về những biến chuyển xẩy ra ở TGP của ngài. Cũng theo văn phòng báo chí của Tòa Thánh này thì ĐHY Law đã gặp ĐHY Giovanni Re, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, và ĐHY Dario Castrillon Hoyos, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ. Cũng vào ngày thứ hai 9/12/2002, có 58 vị linh mục đã ký vào một bức thư yêu cầu ĐHY Law từ chức.

Kết quả là, vào ngày Thứ Sáu 13/12/2002, ĐTC đã chấp nhận việc từ chức của ĐHY Bernard Law trong nhiệm vụ làm Tổng Giám Mục Boston Massachusetts. Đức Cha Gerald Lennon, Giám Mục Phụ Tá, vì không phải là giám mục phó, đã được ĐTC bổ nhiệm tạm thay thế ĐHY Law điều hành TGP này. Một viên chức của Tòa Thánh Vatican đã cho biết ĐTC rất buồn trong việc này đối với tất cả những gì đã xẩy ra tại TGP Boston. Cũng vào ngày được phép từ nhiệm, một tác động mà theo ngài sẽ giúp mang lại “việc chữa lành, hòa giải và hiệp nhất”, ĐHY Law đã phát biểu những lời sau đây: “Tôi xin gửi đến tất cả những ai phải chịu đựng bởi những thiếu sót và lầm lỗi của tôi, tôi chẳng những xin lỗi mà còn van họ thứ tha. Tôi hết lòng biết ơn các vị giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân tôi đã được hân hạnh làm việc với để thực hiện nỗ lực hoàn trọn sứ vụ Giáo Hội của chúng ta”. ĐHY Law trong tuần này cũng từ nhiệm cả chức chủ tịch hội đồng tín sản trustee của Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ nữa.

ĐHY Theodore E. McCarrick, TGM Washington cho biết việc từ nhiệm này của ĐHY Law “đánh dấu việc chấm dứt một chương lịch sử quan trọng của Giáo Hội ở một tổng giáo phận hết sức trọng yếu”. Vị Hồng Y này còn nói ngài hy vọng Giáo Hội “sẽ tiếp tục tái dấn thân trong việc bảo vệ trẻ em và hòa giải với các nạn nhân bị hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục… ĐHY Law đã hoàn thành nhiều điều tốt lành không thể bỏ qua trong một tình trạng hỗn độn của vấn đề gương mù gương xấu kinh hoàng này”.

Ông James Post, chủ tịch nhóm Tiếng Nói Giáo Dân chủ trương canh tân giáo dân Công Giáo, hôm Thứ Tư 11/12/2002 đã yêu cầu ĐHY Law từ chức, cũng cho biết: “Đây là một ngày buồn cho Giáo Hội Công Giáo và là một ngày buồn cho TGP Boston. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nói đó là một tác động đáng buồn nhưng lại là một tác động cần thiết”. Vì, theo ông này, việc hiện diện của ĐHY Law đã từng gây nên tình trạng “hết sức chia rẽ”. Bà Ann Webb thuộc nhóm SNAP là nhóm biện hộ cho các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục đã gọi biến chuyển này là một “bước tiến tích cực”, vì theo bà, ĐHY Law là một “cái roi chớp nhoáng” đánh vào những gì ngài đã làm sai lầm cho Giáo Hội.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ĐHY Law, vị đại ân nhân của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, một Hội Dòng sang Mỹ năm 1975 với con số 170 linh mục và tu sĩ, một tổ chức nếu không được vị nguyên giám mục ở giáo phận vừa nghèo vừa nhỏ Springfield Cape Giradeau này tận tình nâng đỡ về mọi mặt đã không lớn mạnh tại Hoa Kỳ như hiện nay. Đức Hồng Y Law còn là vị đã gợi lên tư tưởng thực hiện cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trong Thượng Hội Giám Mục Thế Giới 1985, một tác phẩm hết sức quan trọng cho Giáo Hội Công Giáo ở vào một thời điểm chung nhân loại và riêng Kitô hữu Công Giáo đang bị lầm lẫn đủ thứ, một tác phẩm đã được thẩm quyền Giáo Hội biên soạn 6 năm và ban hành từ cuối năm 1992. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để việc khiêm nhượng nhận lỗi của ngài và việc từ nhiệm của ngài mang lại chẳng những lợi ích cho riêng TGP Boston mà còn cho chung cả Giáo Hội Hoa Kỳ trong tương lại nữa.
 

12/12 Thứ Năm

Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 61: Ca Vịnh Jerêmia 14:17-21:

Lời Than Van Xin Thiên Chúa Giải Thoát Dân Ngài khỏi Ðói Khổ và Chiến Tranh

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe là một lời than van cảm động được Tiên Tri Giêrêmia dùng để kêu cầu Thiên Chúa giải thoát dân Ngài khỏi những cảnh lầm than đói khổ và chiến tranh. Lời cầu khẩn của tiên tri Giêrêmia là một lời van nài Thiên Chúa hãy nhớ đến Giao Ước của Ngài với dân Ngài và hãy cứu vớt họ.

Về phần mình, dân Ngài phải nhìn nhận tội lỗi và khiêm tốn thống hối kêu lên Chúa. Họ trở về với Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ của mình, Ðấng không ngơi ưu ái và xót thương họ. Vậy Chúa luôn ở với dân Ngài và không bao giờ bỏ rơi họ và canh tân đời sống của họ.

(Xin xem toàn bài Giáo Lý vào cuối tuần này ở Trang Giáo Lý Hằng Tuần. Ða tạ)

ĐHY Ratzinger, Thánh Bộ Trưởng Tín Lý Đức Tin, trả lời về Tình Hình Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay


Theo tin tức của Màn Điện Toán Zenit ngày Thứ Ba 3/12/2002, nhân dịp Hội Nghị về chủ đề “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ở Viện Đại Học Công Giáo Thánh Antôn ở Murcia Tây Ban Nha hôm Thứ Bảy 30/11/2002, các phóng viên báo chí, trong đó có cả của Zenit, đã phỏng vấn ngài về một số vấn đề liên quan đến tình trạng Giáo Hội Hiện Thế ở nhiều phương diện khác nhau như sau:


Vấn Một số người đã coi sự việc loan báo Chúa Kitô như là một cái gì làm đứt đoạn việc đối thoại với các tôn giáo khác. Làm thế nào người ta có thể vừa loan báo Chúa Kitô lại vừa đối thoại một lúc được?


Đáp Tôi có thể nói rằng khuynh hướng tương đối ngày nay đang chiếm được ưu thế. Dường như hễ ai không phải là thành phần chủ trương tương đối đều là những người không biết dung nhượng. Việc cho rằng người ta có thể hiểu được chân lý chính yếu đã được coi như một điều gì đó không thể chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc loại trừ sự thật là một thứ bất dung nhượng trầm trọng nhất và biến những sự chính yếu của đời sống con người trở thành những gì chủ quan. Theo chiều hướng này chúng ta sẽ không còn có một quan điểm chung về những gì chính yếu nữa. Mỗi người có thể và phải quyết định lấy tùy theo khả năng của mình. Như thế là chúng ta đã làm mất đi những nền tảng về luân thường đạo lý về cuộc sống chung của chúng ta. Chúa Kitô hoàn toàn khác với tất cả mọi vị sáng lập các tôn giáo, và Người không thể trở thành một Phật Tổ, một Socrates hay một Khổng Tử. Người thực sự là chiếc cầu nối trời và đất, là ánh sáng chân lý đã xuất hiện cho chúng ta thấy. Tặng ân nhận biết Chúa Giêsu không có nghĩa là nơi các tôn giáo khác không có những phần sự thật quan trọng. Trong ánh sáng của Chúa Kitô, chúng ta có thể thực hiện một cuộc đối thoại mang lại thành quả tốt đẹp ở chỗ đối chiếu, nhờ đó chúng ta có thể thấy được cách tất cả những phần sự thật này đã góp phần vào việc đào sâu hơn đức tin của chúng ta cũng như vào cộng đồng thiêng liêng chân chính của nhân loại.


Vấn ĐHY sẽ nói những gì với một nhà thần học trẻ? ĐHY sẽ khuyên họ nghiên cứu về những khía cạnh nào của khoa Kitô học?


Đáp Trước hết, điều quan trọng là phải biết Sách Thánh, biết chứng từ sống động các Phúc Âm, cả các Phúc Âm Nhất Lãm lẫn Phúc Âm Thánh Gioan, để có thể nghe thấy tiếng nói chân thực. Sau nữa, phải biết tới các công đồng lớn, nhất là Công Đồng Chalcedon cũng như các công đồng sau đó, những công đồng làm sáng tỏ ý nghĩa của đại công thức về Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật. Điều mới mẻ về việc Người thực sự là Con Thiên Chúa đồng thời cũng thực sự là con người này không phải là một thứ hình thức; trái lại, nó kết hiệp Thiên Chúa với con người. Sau hết, tôi để nghị học hỏi hơn nữa về mầu nhiệm vượt qua để hiểu được mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh này của Chúa, nhờ đó, cũng biết được ý nghĩa của ơn cứu chuộc là gì; hiểu được cái mới mẻ là Thiên Chúa, nơi con người Giêsu, đã chịu khổ đau, đã mang lấy những khổ đau của chúng ta, đã chia sẻ đời sống của chúng ta, nhờ đó đã mở đường dẫn đến sự sống đích thực nơi việc phục sinh. Sự kiện này liên quan tới tất cả vấn để giải thoát của nhân loại, một vấn đề ngày nay chỉ hiểu được nơi mầu nhiệm vượt qua; một đàng nó liên hệ tới đời sống thực tế của thời đại chúng ta, đàng khác, nó được tái biểu hiện nơi phụng vụ. Tôi nghĩ mối liên kết giữa phụng vụ và đời sống này, cả hai đều được bắt nguồn nơi mầu nhiệm vượt qua.


Vấn Có những điều gì Hồng Y Ratzinger thấy rằng nhà thần học Ratzinger đã không biết?


Đáp Bản chất đức tin của tôi nơi Chúa Kitô bao giờ cũng như vậy, ở chỗ nhận biết con người là Thiên Chúa biết tôi ấy, Đấng như Thánh Phaolô nói đã tự ban mình cho tôi. Người hiện hữu để giúp đỡ và dẫn dắt tôi. Bản chất đức tin này liên tục như thế không bao giờ thay đổi. Trong cuộc đời của mình, tôi vẫn đọc Các Giáo Phụ của Giáo Hội, những đại thần học gia, cũng như thần học hiện đại. Hồi tôi còn trẻ thì có thần học của Bultmann là nổi nang ở Đức, đó là khoa thần học hiện hữu. Rồi sau đó nổi hơn nữa có thần học của Moltmann, một thứ thần học có thể nói bị ảnh hưởng của thuyết Cộng Sản. Tôi có thể nói rằng hiện nay vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác là điều quan trọng nhất, để một đàng hiểu được Chúa Kitô chuyên nhất như thế nào, đàng khác, Người đáp lại tất cả mọi vị khác ra sao, những người tiền hô của Chúa Kitô và là những người đối thoại trao đổi với Chúa Kitô.


Vấn Một đại học viện Công Giáo, nơi chất chứa sự thật về Chúa Kitô, phải làm gì để hiện thực sứ mạng truyền bá phúc âm hóa của Kitô Giáo?


Đáp Vấn đề quan trọng là ở đại học viện Công Giáo người ta không chỉ học những gì để sửa soạn cho một thứ nghề nghiệp. Đại học đường là một cái gì đó còn hơn là một trường dạy nghề, nơi tôi học vật lý, xã hội, hóa học. Điều hết sức quan trọng đó là cần phải làm sao thực hiện được việc đào luyện chuyên nghệp tốt đẹp, nhưng nếu nó chỉ có thế thì nó cũng chẳng khác gì một ngôi trường như các trường dạy nghề khác thôi. Một đại học đường phải đặt nền tảng ở việc kiến tạo nên một thứ giải thích vững chắc về việc con người hiện hữu. Theo ý nghĩa của nguyên tắc này, chúng ta có thể thấy vị trí thuộc về mỗi một ngành khoa học, cũng như thấy được đức tin Kitô Giáo của chúng ta, một đức tin cần phải hiện diện ở cấp tri thức cao. Vì lý do này, một học đường Công Giáo phải thực hiện việc đào luyện căn bản về những vấn đề đức tin, nhất là về vấn đề đối thoại đa khoa giữa các vị giáo sư và sinh viên, để họ cùng nhau có thể hiểu được sứ vụ của một nhà trí thức Công Giáo trong thế giới của chúng ta.


Vấn Trong trường hợp tìm cầu thiêng liêng hiện nay, nhiều người sử dụng đến việc suy niệm siêu việt. Giữa việc suy niệm siêu việt và suy niệm Kitô Giáo khác nhau như thế nào?


Đáp Tóm tắt tôi có thể nói rằng điều chính yếu của việc suy niệm siêu việt đó là con người bung mình ra khỏi “cái tôi”; họ hiệp nhất với yếu tính đại đồng của thế giới; bởi thế, họ ở trong tình trạng hơi bị tha ngã. Ngược lại, nơi việc suy của Kitô Giáo, tôi không đánh mất bản vị của mình; tôi đi vào một mối liên hệ riêng tư với con người của Chúa Kitô. Tôi đi vào mối liên hệ với “cái anh” của Chúa Kitô, nhờ thế “cái tôi” này không bị mất đi; nó vẫn giữ được căn tính và trách nhiệm của nó. Đồng thời nó mở ra, nó đi vào một cuộc hiệp nhất sâu xa hơn nữa, đó là cuộc hiệp nhất của tình yêu không tiêu diệt. Bởi thế, tôi xin tóm lại một cách hơi đơn giản là việc suy niệm siêu việt là việc suy niệm phi bản vị, do đó dẫn đến tình trạng “tha ngã”. Còn việc suy niệm của Kitô Giáo là việc suy niệm “bản vị” và là việc suy niệm hướng tới một cuộc sâu xa hiệp nhất được phát xuất từ yêu thương chứ không phải từ cuộc giải thể “cái tôi”.


(Còn tiếp)
 

11/12 Thứ Tư


ĐTC đưa ra những chỉ dẫn để có thể thắng vượt cuộc khủng hoảng về ơn gọi tu dòng


Theo Niên Giám Thống Kê của Giáo Hội Công Giáo, Ba Tây có 144 triệu người Công Giáo, một nước nhiều Công Giáo nhất thế giới: Vào năm 1995, Ba Tây có 7600 linh mục dòng, và 36.031 nữ tu, nhưng những con số này đã giảm xuống còn 7358 linh mục dòng và 35.365 nữ tu vào năm 2000, trong khi đó, cùng giai đoạn này, linh mục triều tăng từ 7882 tới 9240. Hiện nay có 5.384 sinh viên triết lý và thần học ở các chủng viện theo học làm linh mục triều, trong khi đó chỉ có 3447 tu sĩ đang theo học làm linh mục dòng.


Đó là lý do, trong cuộc gặp gỡ ngũ niên hôm qua 10/12/2002 với hàng giám mục Ba Tây, đây là đợt của các vị thuộc vùng Đông Bắc III nước này, ĐTC đã phân tích cơn khủng hoảng ơn gọi tu dòng đáng lo ngại này, và nhìn nhận rằng “đây là vấn đề quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội trên toàn thế giới”. Ngài đã bày tỏ nhận định để có thể đáp ứng vấn đề này như sau: “Một đời sống tu trì không tỏ ra cho thấy được niềm vui thuộc về Giáo Hội và cùng với Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô thì đã làm mất đi cơ hội đầu tiên và chính yếu cho một chương trình mục vụ về ơn gọi rồi vậy”.


Ngài đặc biệt kêu gọi những vị lãnh đạo các dòng tu và hội dòng “hãy cống hiến cho các tập sinh nam nữ một cuộc huấn luyện về nhân bản, tri thức và tinh thần có thể làm cho cả con người hoán cải trở về với Chúa Kitô, nhờ đó cuộc tận hiến sẽ càng biến thành của lễ dâng lên Chúa Cha”. Cụ thể hơn nữa, Đức Thánh Cha nói rằng “những hoạt động và chương trình của Hội Đồng Tu Sĩ Toàn Quốc trước hết phải được đánh dấu bằng tấm lòng tôn trọng kính yêu và đặc biệt vâng phục Vị Thừa Kế Thánh Phêrô cùng với những chỉ dẫn được Tòa Thánh phổ biến”. Những hoạt động của hội đồng các dòng tu “phải được các vị bề trên chính và vị giám mục địa phận coi sóc và cụ thể hành sử”.


ĐTC cũng kêu gọi các tu sĩ nam nữ hãy xét lại lương tâm về việc áp dụng thi hành cho tới nay vấn đề canh tân được Công Đồng Chung Vaticanô II đề ra: “Anh chị em đã nỗ lực trung thành theo đuổi việc canh tân này và đã làm trổ sinh hoa trái thánh thiện và lòng nhiệt thành tông đồ cần có hay chưa? Có một số văn kiện được ban hành với sự phê chuẩn của Tôi trong những năm sau này về việc huấn luyện các Viện Tu cũng như về đời sống chiêm niệm – đã được mang ra thực hành hay chưa? Việc canh tân đời sống tu trì là do việc tăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa, với ý thức liên lỉ là ‘việc chiêm niệm về những sự thần linh và mối hiệp nhất gắn bó với Thiên Chúa’ phải là nhiệm vụ trước hết và chính yếu của tất cả mọi tu sĩ’ (Giáo Luật khoản 663.1).


Đường lối tốt đẹp nhất để nhận thức hơn nữa căn tính riêng của mình đó là con đường khó nhọc nhưng đầy ủi an trong việc hoán cải chân thành và bản thân, khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn và tội lỗi của mình; và việc tin tưởng vào quyền năng phục sinh của Chúa Kitô sẽ giúp thắng vượt tất cả mọi thứ khô khan và yếu đuối, loại trừ đi cái cảm quan ảo giác đôi khi nghiệm thấy”.


Tóm lại, vấn đề thắng vượt cuộc khủng hoảng ơn gọi tu dòng này, theo ĐTC, là ở chỗ cần phải có những tu sĩ “nguyện cầu và hoạt động”. “Hoạt động và chiêm niệm trong Chúa Kitô là một cặp trùng phùng không bao giờ bị suy thoái trong những cuộc đụng độ phản khắc nhau; trái lại, chúng đạt tới mức chín mùi trong sự hỗ tương nhau và hòa nhập tốt đẹp. Xã hội ngày nay cần thấy nơi những con người nam nữ tận hiến sự hòa hợp cần có giữa những gì nhân bản và thần linh, giữa những sự hữu hình và vô hình, và dù những gì thần linh trổi vượt hơn nhân bản, vô hình hơn hữu hình, nhưng không tầm thường hóa chúng hay làm mất giá chúng, trái lại còn nâng chúng lên tới tầm mức của dự án cứu độ đời đời nữa”.
 

10/12 Thứ Ba


Tòa Thánh Vatican trả lời dứt khoát không đối với vấn đề truyền chức cho người có khuynh hướng đồng tính.

 

Sau đây là bức thư của Thánh Bộ Thờ Phượng Và Bí Tích trả lời cho một vị giám mục đặt vấn đề có hợp pháp hay chăng trong việc truyền chức cho những nam nhân có những triệu chứng đồng tính. Bức thư này được phổ biến trên tờ thông tin “Notitiae” số Tháng 11-12/2002 của thánh bộ này.


Pro. N. 886/02/0


Thành Vatican ngày 16/5/2002


Trọng Kính Đức Cha,


Thánh Bộ Giáo Sĩ đã gửi cho Thánh Bộ Thờ Phượng Và Bí Tích này bức thư của Đức Cha, xin chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề có được phép truyền chức linh mục cho những nam nhân có khuynh hướng đồng tính.Thánh Bộ Thờ Phượng Và Bí Tích này, qua kinh nghiệm biết được từ nhiều nguyên nhân cần tìm hiểu để tiến đến việc tha giải cho những trách nhiệm đòi hỏi của Chức Thánh, cùng với những bàn hỏi cần thiết với Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, cho biết về phán đoán của mình như sau:

 

Việc truyền chức phó tế và tư tế cho những nam nhân thuộc loại đồng tính hay những nam nhân hướng chiều về đồng tính là một việc tuyệt đối không nên làm và thiếu khôn ngoan, cũng là một việc, theo quan điểm mục vụ, rất nguy hiểm. Bởi thế, một nam nhân thuộc loại đồng tính, hay một nam nhân hướng chiều về đồng tính không xứng hợp để lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh.


Tiện đây tôi xin gửi đến Đức Cha lời chào thân ái nhất của tôi.


Chân Thành cùng Đức Cha trong Chúa
Jorge A Hồng Y Medina Estévez,
Bộ Trưởng
 

Các Chuyên Viên Liên Hiệp Quốc khảo sát Bản Trình Báo về Vũ Khí của Iraq


Bản trình bào dài 11.807 trang cùng với 12 CD-Roms với 529 megabytes tín liệu này được Iraq nộp cho các thanh tra viên ở Baghdad hôm Thứ Bảy, và tài liệu này đã đến tổng hành dinh của Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước tối ngày hôm sau, Chúa Nhật 8/12/2002. Bộ tài liệu này đã được gửi đến trạm Liên Hiệp Quốc ở Cyprus, từ đó tới Frankfurt Đức Quốc, sau cùng mới tới phi trường quốc tế Jonh F. Kennedy Nữu Ước là nơi các bịch tài liệu ấy được một đoàn xe chở đến cơ sở Liên Hiệp Quốc. Các chuyên viên nguyên tử lực IAEA cho rằng họ có thể thực hiện việc phân tích sơ khởi các tài liệu này cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biết trong vòng 10 ngày tới, họ chỉ có thể tường trình việc thẩm định đầy đủ cho hội đồng này vào cuối Tháng Giêng 2003, hạn định họ cần phải tường trình đợt đầu về việc họ thanh tra vũ khí ở Iraq.


Nữ phát ngôn viên của cơ quan IAEA này là Melissa Fleming, phát biểu từ trung ương của cơ quan ở Vienna cho biết là thoáng nhìn bộ hồ sơ này thì các chuyên viên về vũ khí nguyên tử thấy rằng “rất giống” với bản Iraq đã trình báo năm 1998. “Chúng tôi sẽ lục soát toàn bộ tài liệu này từng chữ một, và chúng tôi sẽ kiểm xem tài liệu này với những trình báo chúng tôi nhận được trước đây. Chúng tôi cũng đang duyệt xem những trình báo cũ này từ lúc chúng tôi nhận được chúng lại đêm hôm qua ở trung tâm IAEA”.


Sau khi làm áp lực với vị chủ tịch của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là ông Alfonso Valdivieso người Colombia về việc đòi xem bản tài liệu chưa được các chuyên viên kiểm xét này, vào hôm Thứ Hai, 9/12/2002. CNN được biết Hoa Kỳ đã có bộ tài liệu này rồi, và Hội Đồng Bảo An đồng ý cho 5 quốc gia hội viên thường trực bộ tài liệu chưa được kiểm xét này. Trưởng ban thanh tra vũ khí là ông Hans Blix cho các phóng viên biết rằng ông sẽ coi bộ tài liệu này trước khi cho 10 quốc gia hội viên còn lại biết nội dung của nó. Phần tài liệu liên quan đến vũ khí nguyên tử cũng được gửi đến cơ quan IAEA ở Vienna với 7 tập, dài 2400 trang, 6 tập đầu bằng Anh ngữ nói về lịch sử của chương trình vũ khí nguyên tử của Iraq, và tập thứ bảy dài 300 trang bằng tiếng Ả Rập, nói về chương trình này từ năm 1991 tới nay.

 

9/12 Thứ Hai


Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Mẹ Vô Nhiễm


1. Hằng ngày, khi đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta lập lại 3 lần câu: “Et Verbum caro factum est – Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”. Trong thời gian Mùa Vọng đây, những lời Phúc Âm này lại càng có ý nghĩa hơn nữa, vì Phụng Vụ làm cho chúng ta sống lại bầu không khí đợi chờ Việc Lời Nhập Thể.


Bởi thế mà Mùa Vọng có một liên hệ tuyệt vời với lễ trọng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người nữ tỳ khiêm hạ Thánh Nazarét này, với lời “xin vâng” thưa với thiên thần, đã thay đổi cục diện lịch sử, được gìn giữ khỏi hết mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ khi được hoài thai trong lòng mẹ. Mẹ thực sự là người đầu tiên hưởng ơn cứu độ của Chúa Kitô, được chọn từ đời đời làm Mẹ của Người.


2. Vì lý do này, trong khi trí khôn chúng ta gắn liền với mầu nhiệm Hoài Thai Vô Nhiễm thì lòng của chúng ta cất lên bài ca vịnh tạ ơn chung… Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi đế bắt chước Mẹ, ở chỗ Mẹ Maria đã làm Thiên Chúa hài lòng bằng sự khiêm cung dễ dạy của Mẹ…


3. … Chiều nay, Tôi sẽ hân hoan lập lại việc truyền thống kính viếng Mẹ ở cột tháp Piazza di Spagna, như Tôi là người dẫn giải ý nghĩa của việc tôn sùng này cho Giáo Phận Rôma cũng như toàn thể Giáo Hội. Tôi xin mời anh chị em thân mến hãy hiệp với Tôi trong tác động tin tưởng Thánh Mẫu này.


Giờ đây chúng ta hãy xin Trinh Nữ Vô Nhiễm Tội hãy giúp cho tất cả mọi Kitô hữu trở nên môn đệ chân thực của Chúa Kitô, nhờ đó, nơi họ, đức tin sẽ càng trở nên tinh tuyền hơn, và đức ái trở nên quảng đại hơn.
Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC còn kêu gọi:


“Tôi xin kêu gọi anh chị em hãy cầu nguyện để nâng đỡ các vị lãnh đạo chính trị, thành phần sẽ gặp nhau ở Copenhagen vào những ngày tới đây, 12/12-13/2002, để đúc kết những thương thảo quan trọng liên quan đến việc tăng thêm các quốc gia mới cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu… để lục địa này được phong phú hơn bằng việc góp phần của các truyền thống văn hóa và tôn giáo từ các quốc gia mà qua các thế kỷ đã để lại một di sản văn minh chung quí báu. Xin Thiên Chúa soi sáng cho tất cả mọi người Âu Châu để họ hiệp nhất với nhau và cũng ban cho các quốc gia khác niềm tin tưởng và hy vọng”.


Lời nguyện cầu của ĐTC Gioan Phaolô II dâng lên Mẹ Vô Nhiễm tại tháp cột Piazza di Spagna 8/12/2002:


1. “Ave Maria, gratia plena! Kính mừng Maria đầy ơn phúc!”
Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, này con đang ở dưới chân Mẹ một lần nữa đây,
lòng chất ngất niềm tri ân cảm tạ Mẹ.
Con trở lại với tháp cột lịch sử Piazza di Spagna này
vào ngày trọng thể của Mẹ
để nguyện cầu cho thành Rôma yêu dấu đây,
cho Giáo Hội, cho toàn thế giới.

Nơi Mẹ, “một tạo vật khiêm hạ và cao cả nhất”,
ân sủng thần linh đã hoàn toàn chiến thắng sự dữ.
được gìn giữ khỏi mọi tì vết tội lỗi
Mẹ, đối với chúng con, những người lữ hành trên đường dương thế,
Là gương sáng của lòng trung thành với Phúc Âm và là bảo chứng quí báu cho niềm hy vọng vững chắc.

2. Hỡi Vị Trinh Mẫu, “Salus Popoli Romani!”
Con xin Mẹ hãy coi sóc Giáo Phận Rôma thân yêu:
Coi sóc các vị mục tử và tín hữu, các giáo xứ và cộng đồng tu trì.
Xin Mẹ đặc biệt coi sóc các gia đình:
Chớ gì yêu thương làm chủ các đôi phối ngẫu đã được niêm ấn bằng Phép Bí Tích,
chớ gì con cái của họ biết bước trên những con người thiện hảo và tư do thực sự,
người già cảm thấy mình được chú trọng và qúi mến.

Xin Mẹ Maria hãy tác động nơi rất nhiều lòng trí giới trẻ
Biết dứt khoát đáp lại “tiếng gọi truyền giáo”,
một vấn đề đã được giáo phận này hằng suy nghĩ trong những năm này.
Nhờ chương trình mục vụ ơn gọi mạnh mẽ,
chớ gì Rôma được dồi dào lực lượng trẻ trung mới mẻ,
nhiệt thành dấn thân cho việc loan báo Phúc Âm
trong thành này cũng như trên thế giới.

3. Hỡi Vị Trinh Nữ Thánh, Nữ Vương Các Tông Đồ!
Xin hãy phù giúp những người, nhờ học hỏi và nguyện cầu,
đang sửa soạn để hoạt động nơi nhiều tiền tuyến
của việc tân truyền bá phúc âm hóa.
Hôm nay đây, con xin phú dâng cho Mẹ một cách đặc biệt,
cộng đồng Học Viện Tòa Thánh Urban,
nơi có văn phòng trung ương lịch sử
ở ngay trước Trụ Cột này đây.
Chớ gì học viện đầy huân công này,
được thành lập 375 năm trước đây
bởi Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII để huấn luyện các nhà truyền giáo,
được tiếp tục sinh hoa trái trong việc phục vụ Giáo Hội của mình.

Chớ gì những ai qui tụ lại ở đây, chủng sinh cũng như linh mục,
Tu sĩ và giao dân nam nữ,
biết sẵn sàng đem nghị lực của mình ra
cho Chúa Kitô trong việc phục vụ Phúc Âm
cho đến tận cùng trái đất.

4. “Santa Maria, Mater Dei, ora pro nobis! Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi!”
Ôi Mẹ, xin cầu cho tất cả chúng con.
Xin cầu cho nhân loại đang chịu cảnh nghèo khổ và bất công,
bạo loạn và hận thù, khủng bố và chiến tranh.
Xin giúp chúng con biết chiêm ngưỡng với Kinh Mân Côi thánh
các mầu nhiệm của Đấng “là hòa bình của chúng con”,
để tất cả chúng con đều cảm thấy có trách nhiệm
trong một nỗ lực đặc biệt phục vụ hòa bình.

Xin Mẹ hãy đặc biết chú ý
tới miền đất Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu,
một miền đất mà Mẹ và Con Mẹ yêu quí
và là một miền đất vẫn còn rất nhiều thử thách hôm nay đây.

Hỡi Mẹ của niềm hy vọng, xin cầu cho chúng con!
“Xin Mẹ ban cho chúng con những ngày hòa bình, hãy coi chừng đường lối của chúng con.
Xin cho chúng con được thấy Con của Mẹ
Đầy hân hoan trên thiên đàng. Amen!”
 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyên dịch: Nguyên văn Ý ngữ, được Zenit chuyển dịch sang Anh ngữ và phổ biến ngày 8/12/2002)

Các Giám Mục California thông báo về luật mới của tiểu bang liên quan tới vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em


Trong bức thư chung gửi cho Kitô hữu Công Giáo California đề ngày 8/12/2002, các vị giám mục ở tiểu bang này đã cho biết rằng “vào Tháng Sáu vừa qua, Ngành Lập Pháp California đã thực hiện một việc chưa hề xẩy ra, đó là thay đổi điều khoản luật về việc giới hạn những tố cáo liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục. Điều luật mới này, trong thời gian năm 2003, cho phép dân chúng thưa kiện các giáo phận và các chủ nhân ở California, dựa vào những tố cáo đã xẩy ra nhiều thập niên trước đây”.


Thế nhưng, đối với thành phần chủ chăn, cai quản hai TGP Los Angeles và San Francisco, 10 giáo phận là Fresno, Monterey, Oakland, Orange, Sacramento, San Bernardino, San Diego, San Jose, Santa Rosa, và Stockton, cùng với 2 giáo phận Công Giáo Đông Phương, một theo Lễ Nghi Byzantine ở Van Nuys và một theo Lễ Nghi Maronite ở Los Angeles, các ngài khẳng định: “Giám mục chúng tôi sẵn sàng đáp lại những tố cáo hợp lý của các nạn nhân bị lạm dụng”. Tuy nhiên, các ngài cũng nêu lên nhận định về lý do sâu xa tại sao có khoản luật mới áp dụng cho năm 2003 này, đó là “Giáo Hội Công Giáo vốn bị tưởng tượng một cách sai lầm như là một công ty lớn ‘nặng túi tiền’”.


Trong tình thế mới đầy nguy hiểm chực chờ tranh đoạt hay moi móc túi tiền này, các ngài đã trấn an: “Với ơn Chúa giúp, Giáo Hội phải tiếp tục đáp lại nhu cầu của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, trong khi vẫn giữ được những dịch vụ sống còn về tâm linh, giáo dục và xã hội đối với cộng đồng Công Giáo cũng như đối với chung xã hội của chúng ta”.


Trước khi kết thúc bức thư, các vị nhắc lại 5 điểm chính trong “Bản Hiến Chương Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ” cùng với những qui chuẩn của nó là những gì đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận để áp dụng cho các giáo phận ở Hoa Kỳ: “Trợ giúp và nâng đỡ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục; hoạt động với các giáo xứ để duy trì và cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em và giới trẻ; trình báo những cáo giác về việc làm dụng tình dục trẻ em và cộng tác với chính quyền dân sự; làm việc với hội đồng cứu xét gồm đa số giáo dân để giúp vào việc áp dụng những qui chế lạm dụng tình dục của chúng ta; loại trừ vĩnh viễn khỏi thừa tác vụ những ai lạm dụng tình dục”.


Để kết thúc bức thư, các vị giám mục đã lên tiếng xin lỗi và hứa quyết như sau: “Trong thời gian khó khăn này, chúng tôi xin lập lại quyết tâm của chúng tôi về môi trường an tòan cho trẻ em và giới trẻ trong Giáo Hội Công Giáo. Một lần nữa chúng tôi xin lỗi các nạn nhân bị hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục, và chúng tôi hứa sẽ cầu nguyện và tiếp tục nâng đỡ. Chúng tôi hứa sẽ cho anh chị em tín hữu biết đầy đủ về những vấn đề này”.

 

8/12 Chúa Nhật

Các Vị Giám Mục Thụy Sĩ Chấp Nhận Những Qui Chuẩn Về Nạn Lạm Dụng Tình Dục

Đầu tuần này Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã chấp nhận những chỉ dẫn về nạn lạm dụng tình dục và loan báo về việc thành lập một ủy ban theo dõi việc áp dụng những chỉ dẫn này. Bản chỉ dẫn bắt đầu có hiệu lực từ Thứ Năm 5/12/2002. Hội Đồng Giám Mục này đã bày tỏ trong một cuộc họp báo là bản văn kiện đây “nêu lên việc ngăn ngừa cũng như những biện pháp cần phải được áp dụng ở cấp giáo phận đối với trường hợp lạm dụng tình dục về phía con người có dính dáng đến việc chăm sóc mục vụ”. Các vị giám mục cũng cho biết các vị không muốn giới hạn những điều chỉ dẫn này vào nguyên nạn lạm dụng tình dục trẻ em mà thôi, vì “nạn lạm dụng tình dục trẻ em này không phải là trường hợp duy nhất về vấn đề lạm dụng tình dục có thể thấy được”.

Bản chỉ dẫn này có 5 chương. Chương 1 nói đến “khái niệm về trách nhiệm” và xác định những ý niệm về “việc lạm dụng tình dục, ảnh hưởng luân lý hay ‘việc ưng thuận’ của nạn nhân”. Theo bản chỉ dẫn thì trách nhiệm càng trầm trọng hơn khi có những hành động vi phạm với “em trai, giới trẻ, người tật nguyền hay các hạng người tùy thuộc khác”.

Chương 2 và 3 nói đến việc ngăn ngừa vấn đề lạm dụng tình dục: “Hội đồng giám mục này lên án một thứ khuynh hướng nam tính, thường vô thức, một khuynh hướng thậm chí cho tới ngày nay coi phụ nữ cũng như trẻ em và giới trẻ ‘ít đáng được tôn trọng’, một khuynh hướng gây nên một bầu không khí nguy hiểm thuận lợi cho đủ thứ đồi bại”. Hội đồng này cho biết: “Các vị giám mục đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề quân bình cá nhân, của vấn đề quân bình giữa hoạt động và nghỉ ngơi, của việc hội nhập lành mạnh với xã hội, của việc quan tâm đến các giá trị đạo đức và nhân bản cũng như đến đời sống thiêng liêng. Nếu thiếu đời sống thiêng liêng sẽ xẩy ra nguy cơ khủng hoảng”. Bản chỉ dẫn nhấn mạnh đến việc cẩn thận xem xét những cấu tạo về cảm xúc nơi thành phần dự tuyển linh mục đối với việc mục vụ. “Phải đề cập đến vấn đề nguyên vẹn về tính dục trước khi chịu chức hay tham gia vào thừa tác vụ của Giáo Hội. Thêm vào đó, không thể châm chước cho việc tiếp tục huấn luyện cũng như việc nâng đỡ tinh thần và ngay cả việc được chuyên viên theo dõi giúp đỡ trong trường hợp bị khủng hoảng cá nhân”.

Chương 4 nói đến những phận sự của “ủy ban chuyên viên về vấn đề lạm dụng tình dục”, bao gồm 11 phần tử, có cả những vị đại diện Giáo Hội lẫn các chuyên viên thuộc các lãnh vực khác nhau. Chương 5 liên quan đến “những phương sách trong giáo phận” trong việc hành sử những vụ lạm dụng tình dục. Hội đồng giám mục cho biết: “Một mặt thì phương sách của Giáo Hội trước hết nhắm đến phải ngăn cản không để xẩy ra bất cứ một thoái hóa nào. Mặt khác, các vị giám mục lại cần phải coi chừng tình trạng này để có thể nhận biết và giúp đỡ các nạn nhân tùy trường hợp, theo quan điểm về mục vụ, bệnh lý, tâm lý trị liệu và tài chính”.

Tổng Giáo Phận Boston gần tiến đến chỗ khai phá sản, ĐHY Law kêu gọi cầu nguyện

Các viên chức của TGP này cho biết họ chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc có nên khai khánh kiệt theo Chương 11 của luật khánh kiệt liên bang hay chăng. TGP này vẫn hy vọng sẽ tiến đến chỗ giải quyết ổn thỏa với các nạn nhân. Theo Chương 11 này thì TGP đây có thể được thoát khỏi sự đe dọa của các vụ kiện cáo trong khi TGP tổ chức lại vấn đề tài chính của mình. Có khoảng 450 nguyên cáo đã kiện TGP về vấn đề linh mục lạm dụng tình dục. Hôm Thứ Tư 4/12/2002, ban tài chính của TGP đã bỏ phiếu để ĐHY Law được toàn quyền khai khánh kiệt. Nhưng trước tiên ĐHY cần được Tòa Thánh chấp nhận việc làm này. Vì chưa có một giáo phận nào ở Hoa Kỳ đã làm việc ấy.

Trong bức thư chung đề ngày 3/12/2002, ĐHY Law đã đặc biệt kêu gọi cầu nguyện: “Tôi viết để xin anh chị em hãy hợp với tôi trong một thời gian đặc biệt để cầu nguyện, từ Lễ Mẹ Guadalúp, 12/12/2002, tới Lễ Trọng Kính Mẹ Thiên Chúa 1/1/2003. Ý chỉ đặc biệt cho thời gian cầu nguyện này là xin ơn chữa lành, thứ tha và hòa giải liên quan đến tình trạng khổ đau đã gây ra cho tất cả mọi nạn nhân còn sống cũng như cho gia đình của họ bởi việc lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, và liên quan cả đến cơn đau bởi đó mà ra gây cho các phần tử của toàn thể Giáo Hội ở TGP Boston. Để bắt đầu thi hành việc này, tôi sẽ cử hành Thánh Lễ và cầu kinh Mân Côi vào lúc 12 giờ trưa ở Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thánh Đường Truyền Giáo, tại 1545 Tremont Street, Roxbury, vào ngày 12/12/2002. Xin mời tất cả mọi người đến tham dự Thánh Lễ này. Tôi xin tất cả mọi tín hữu hãy cầu Kinh Mân Côi mỗi ngày trong thời gian từ 12/12/2002 tới 1/1/2003 ở gia đình hay trong nhà thờ của mình, để nài xin Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, ban những quà tặng ân sủng rất cần cho chúng ta ấy”.

“Cuốn Tự Điển về Gia Đình” của Tòa Thánh nhằm đánh tan những mập mờ về từ ngữ lừa đảo

Cuốn sách cả ngàn trang này được nhiều chuyên viên quốc tế góp phần thực hiện do Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình phát động và thực hiện. Cuốn sách này sẽ được phát hành tại Ý vào năm tới.

Đây là một việc làm rất cần thiết liên quan đến những nền tảng về tín lý theo chiều hướng của tình trạng mới để ngăn chặn những mưu đồ sử dụng ngôn từ về gia đình. Chẳng hạn như những cụm từ “tự ý ngăn chặn thai nghén” (voluntary interruption of pregnancy) liên quan đến vấn đề phá thai, và “sức sinh nở” (reproductive health) liên quan đến vấn đề ngừa thai, là những gì đã được rất nhiều quốc gia sử dụng để gây hỏa mù trầm trọng về luân lý. Một chữ khác là “giống tính” (gender): “Vào lúc này đây nhiều chuyên viên không còn ám chỉ đến sự kiện về sinh vật học nữa mà là đến một chọn lựa về văn hóa. Theo lý lẽ này thì căn tính về phái tính không được bắt nguồn từ bản tính con người, nhưng từ khuynh hướng cá nhân được quyền tự do chấp nhận. Chiều hướng này cho thấy một nỗ lực đặt các cặp hôn nhân dị tính và đồng tính như nhau”. Ngoài ra còn vấn đề “giáo dục tính dục “ nữa. ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình nói với tờ nhật báo Avvenire của Ý rằng: “Nhưng không một đề cập nào đến việc giáo dục nhắm đến tính cách hiệu năng và những mối giao tiếp liên bản vị mà lại không liên quan đến những kỹ thuật làm tình”.

ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình nói với tờ nhật báo Avvenire của Ý rằng: “Khi vấn đề gia đình được bàn đến ở Liên Hiệp Quốc hay ở quốc hội các nước thì những từ ngữ và ý niệm mập mờ đã gây trở ngại cho việc thực sự hiểu được những ý hướng của các vị phát biểu. Bốn năm trước đây, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp với một số chuyên viên quốc tế và chúng tôi đã cố gắng viết ra một loạt những câu định nghĩa ‘nham hiểm’, những câu định nghĩa chất chứa những mục tiêu cần phải được làm sáng tỏ ở đằng sau những công thức bề ngoài có vẻ tích cực”.

Iraq nộp bản trình báo về vũ khí

Theo hạn định của Bản Quyết Định Liên Hiệp Quốc 1441, Iraq phải nộp bản Trình Báo về các loại vũ khí đại công phá muộn nhất vào ngày 8/12/2002. Thế nhưng, Iraq đã nộp bản này cho các thanh tra viên ở Baghdad hôm Thứ Bảy 7/12/2002, đúng như họ đã loan báo trước. Khi bản trình báo đang được trao nộp thì Tổng Thống Saddam Hussein đã lên tiếng xin lỗi Kuwait về việc xâm chiếm nước này vào tháng 8 năm 1990, một việc xâm chiếm đã đưa đến Cuộc Chiến Vùng Vịnh vào tháng 1/1991 và chấm dứt vào tháng 3/1991. Vị tổng thống này cũng xin nhân dân Kuwait đừng hỗ trợ Hiệp Chủng Quốc trong việc đánh Iraq: “Động lực của họ là ăn trộm cái giầu thịnh của quí vị và biến quí vị thành nô lệ cho họ… cũng như biến các vị lãnh đạo của quí vị thành tác nhân làm việc cho các hãng dầu hỏa của Hoa Kỳ ở Washington”. Lời xin lỗi này được Bộ Trưởng Thông Tin Iraq Mohammad Said al-Sahhafa tuyên đọc trên đài truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, qua Bộ Trưởng Thông Tin Sheik Ahmed al-Fahed al-Sabah, Kuwait đã không chấp nhận lời xin lỗi này.

Phần các viên chức tình báo Hoa Kỳ hoàn toàn không tin tưởng vào bản trình báo này của Iraq. Iraq đã cho các vị ký giả thấy bản trình báo này trước khi trao cho Liên Hiệp Quốc. Hôm Thứ Sáu 6/12/2002, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quyết định tạm hoãn việc phân phối bản văn kiện cho các nước hội viên sau khi các thanh tra viên vũ khí coi trước. Từ Baghdad, các nhân viên thanh tra phải đem bản trình báo này đến cho ông trưởng ban thanh tra Hans Blix ở Cyprus, ông tổng giám đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế Mohamed ElBaradei ở Vienna, và ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan ở Nữu Ước.

Bản trình báo này dài hơn 11 ngàn trang, với 12 CD-ROMs chứa 529 megabytes tín liệu. Trong 11 ngàn trang trình báo có 1334 trang về những hoạt động vũ khí sinh hóa, 1823 trang về hoạt động vũ khí hóa học và 6887 về phi đạn tầm xa.

Hôm 3/12/2002, các thanh tra viên vũ khí thực hiện việc bất ngờ kiểm soát một trong những dinh thự của tổng thống Saddam Hussein. Họ đã ở nơi này, Al Sujud ngay tại trung tâm Baghdad, không đầy 2 tiếng. Richard Butler, nguyên trưởng ban thanh tra vũ khí, cho biết là trước đây nhóm của ông được cho biết là Iraq đã giấu những chất liệu vũ khí bất hợp pháp dưới những dinh thự ấy: “Ở những khu vực tổng thống này, chúng ta thấy có 1.100 dinh thự, trong đó có một số rộng lớn Khổng Lồ hay Yandee Stadium, những kho chứa đồ thật là lớn. Chúng tôi cũng được biết rằng bên dưới những dinh thự như vậy, chứ không phải chỉ nguyên những khu vực, còn có những hang động ở dưới mặt đất, có những vùng chứa đồ dưới đất nữa. Tất cả diện tích của những khu vực ấy khoảng chừng 50 cây số vuông”.

Các thanh ra viên đã bắt đầu lên đường lục soát vào lúc 8 giờ 30 sáng địa phương, tức 12 giờ 30 trưa tại Nữu Ước Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư 27/11/2002. Sau khi lạc đường một chút, vào lúc 9 giờ sáng, họ cũng đã đến được hai địa điểm không báo trước, một ở phía tây và một ở phía đông thủ đô Baghdad. Nhóm nguyên tử lực IAEA đi phía đông, và nhóm UN đi phía tây. Nhóm IAEA 6 người đến khu kỹ nghệ Tahadi và ở đây 3 tiếng đồng hồ. Khu vực phía đông này rộng chứng một dặm vuông, với 6 nhà kho lớn, có lính gác và được vây chung quanh bằng những giây kẽm gai.

Sau ngày đầu thanh tra, vị làm đầu nhóm thanh tra Demetrius Perricos cho biết: “Chúng tôi được tiếp đón một cách lịch sự và lành nghề khiến chúng tôi có thể thi hành công việc làm của mình. Chúng tôi đã thực hiện tất cả những gì chúng tôi dự định làm. Chúng tôi làm được những việc và lấy được những dữ kiện chúng tôi muốn để có thể xem xét kỹ hơn những khả năng của khu vực này”.

Jacques Baute, vị làm đầu nhóm thanh tra nguyên tử lực IAEA, cũng cho biết người Iraq cộng tác trong vấn đề thanh tra này: “Chúng tôi đã thấy những gì chúng tôi muốn thấy. Chúng tôi hy vọng rằng việc đáp ứng của người Iraq hôm nay cho thấy cung cách cộng tác sau này của họ. Chúng tôi hành sự trong những hoàn cảnh tốt đẹp những gì chúng tôi phải làm”.

Các thanh tra viên đã chụp hình, đi khắp các dinh thự và nói chuyện với những nhân viên làm việc ở đấy. Các thanh tra viên cho biết mỗi khi họ đến đâu, họ đều giới nghiêm chỗ ấy lại, tức nội bất nhập ngoại bất xuất để đề phòng những tráo trở cách nào. Họ cũng sử dụng cả những dụng cụ tối tân nhất để tra lùng những chất hóa học, sinh học hay nguyên tử có thể cho thấy cơ sở ấy đã được sử dụng để chế tạo vũ khí đại công phá. Một số tín liệu sẽ được gửi ngay cho Liên Hiệp Quốc và tổng hành dinh của IAEA ở Nữu Ước và Vienna bằng hệ thống truyền tin an toàn nhất.

Nửa đêm Thứ Hai 2/12/2002, chương trình 7 năm trao đổi dầu hỏa để lấy những thứ nhân đạo như thực phẩm và thuốc men cho Iraq trong thời gian bị cấm vận đã hết hạn. Và chương trình này thường được tiếp tục cứ 6 tháng một. Nhưng vị lãnh sự của Hoa Kỳ là ông John Negroponte ở Liên Hiệp Quốc đề nghị 3 tháng, vì theo ông Iraq dường như lợi dụng chương trình này để nhập cảng những thứ đồ liên quan đến quân sự.