Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Trong Tuần là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua nhưng sinh hoạt này. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 13-19/10/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng Mười
 

Ý Chung: Xin cho các giáo lý viên được nâng đỡ bằng những lời cầu nguyện và việc hợp tác với các cộng đồng giáo xứ để hoàn thành một cách tốt đẹp việc tân truyền bá phúc âm hóa”.

Ý Truyền Giáo:
Xin cho các vị thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cách loan báo một cách can đảm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô giành cho kẻ nghèo”.

 

___________________________________________

 

19/10 Thứ Bảy

 

Những cuộc khủng bố tấn công vào và sau ngày diễn văn của Tổng Thống Bush.


Vào ngày Thứ Hai 7/10/2002, ngày Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn kêu gọi chung quốc dân Hoa Kỳ và riêng Quốc Hội Hoa Kỳ cho phép ông được sử dụng lực lượng quân sự để tấn công Iraq, cũng là ngày kỷ niệm đúng một năm Hoa Ký bắt đầu tấn công khủng bố, một chiếc tầu chở dầu của Pháp tự nhiên bị bùng cháy ở ngoài khơi Yemen, gây thiệt mạng cho một thủy thủ.


Hai ngày sau vụ này, tức vào ngày Thứ Tư 9/10/2002, một người hải quân Hoa Kỳ bị một số người bắn chết và một người khác bị thương ở Đảo Failaka ngoài khơi Kuwait City. Các viên chức Kuwait cho rằng những tay súng này có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda.


Ba ngày sau vụ thứ hai, tức vào tối ngày Thứ Bảy 12/10/2002, một vụ khủng bố tấn công vào một hộp đêm ở Bali Nam Dương gây thiệt mạng trên 180 người và trên 200 người bị thất tung. Bộ trưởng quốc phòng Nam Dương đã cho biết hôm Thứ Hai, 14/10 là “Chúng tôi chắc là al Qaeda đang có mặt ở đây. Cuộc nổ bom ở Bali có liên hệ tới al Qaeda qua việc hợp tác của các tên khủng bố địa phương”.


Về những cuộc khủng bố tấn công này, có những câu nói xuất hiện trên màn điện toán vốn dính dáng với al Qaeda trong quá khứ, những câu nói được cho là của Osama bin Laden, những câu nói ca tụng những cuộc khủng bố tấn công này, nhất là vào dịp kỷ niệm đúng một năm Hoa Kỳ tấn công khủng bố ở A Phú Hãn.


“Chúng tôi chúc mừng Quốc Gia Hồi Giáo trong những cuộc hành quân thánh chiến (jihad Hồi Giáo) hào hùng mãnh liệt mà con cái của quốc gia ấy… nhóm giải phóng quân (the mujahedeen) ở Yemen chống lại chiếc tầu chở dầu của nước thánh chiến quân (crusader Pháp) cũng như ở Kuwait chống lại những đội lính thù địch cũng như chống lại việc đóng quân của Hoa Kỳ”. Những lời này còn đe dọa là sẽ không có hòa bình “cho đến khi họ rút tay ra khỏi quốc gia Hồi Giáo và ngưng tấn công chúng ta cũng như hỗ trợ cho các kẻ thù của chúng ta”. Lời phát biểu cho biết hết mình liên kết với những hiếu chiến quân ở Nam Dương, ở Kashmir, A Phú Hãn, Phu Luật Tân, cũng như ở cuộc xung đột Do Thái Palestine.


Ở Phi Luật Tân, ngày 2/10, một vụ nổ bom ở Zamboanga đã làm cho 4 người chết, trong đó có một người Hoa Kỳ, và làm cho trên 20 người bị thương. Vụ này có thể do tên Abu Sayyaf gây ra, người một tuần trước đã đe dọa sẽ tấn công thường dân, quân đội và Hoa Kỳ để trả thù cho việc chính phủ liên tục chống lại những cuộc nổi dậy ở miền nam Phi Luật Tân. Một cuộc tấn công khác xẩy ra cũng thuộc miền nam Phi Luật Tân ở Kidapaqan City tại một trạm xe buýt đông người, đã làm thiệt mạng 6 và bị thương 10 người khác. Cuộc nổ bom tại Zamboanga ngày 17/10 cũng gây thiệt mạng cho 7 người cùng với 140 người bị thương. Một cuộc nổ bom khác ở Manila ngày hôm sau 18/10 đã làm chết 1 người và bị thương 20 người. Các viên chức cho biết người chết có thể là người mang bom trong người trong một cái bao và ngồi ở cuối xe buýt. Bom nổ từ cuối xe trong khi xe đang chạy trên xa lộ chính ở phía bắc Manila.


Riêng vụ nổ ở Bali Nam Dương, cảnh sát cho biết đã tìm thấy dấu vết của những mảnh plastic, cùng loại plastic được sử dụng hai năm trước đây ở Jakarta liên quan đến nhóm Nam Dương cực đoan Jemaah Islamiah có liên hệ với al Qaeda.


Saddam Hussein tái cử tổng thống nhiệm kỳ 7 năm nữa và bày tỏ lập trường với Hoa Kỳ


Trong bài diễn văn của tổng thống Bush hôm 7/10/2002, nếu Saddam Hussein bị tố cáo là có những thứ khí giới công phá hàng loạt rất nguy hiểm, thì Iraq sẵn sàng mời các thanh tra viên của Liên Hiệp Quốc vào khám xét, và nếu Saddam Hussein 65 tuổi được cho là một tay độc tài hại nước hại dân cần phải diệt trừ, thì Iraq với 11.445.638 cử tri lại 100% bầu ông làm tổng thống thêm 7 năm nữa. Nhưng đối với Washington thì cuộc đầu phiếu độc vị này không có giá trị.


Trong bài diễn văn dài 40 phút tỏ vẻ hết sức cảm kích xúc động của mình ngỏ với toàn dân sau khi thắng cử, Saddam Hussein đã bày tỏ phản ứng của mình đối với Hoa Kỳ nói chung và chính phủ Bush nói riêng, đặc biệt là bài diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ ngày 7/10/2002. Tổng thống tái nhiệm Saddam Hussein nói rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ “đã cố gắng biệt lập và tách rời nhân dân Iraq với các vị lãnh đạo của họ”. Thế nhưng, như ông nhận định, nhân dân Iraq với 7 ngàn năm văn hiến vẫn không bị thuyết phục. Vị tổng thống tái nhiệm này nhận định về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Iraq nói riêng và các nước nói chung như sau: “Họ làm cho chúng ta nhớ đến lời của một nhà thi sĩ: ‘Quí vị chỉ có thể với tới kẻ sống chứ không thể nào với tới kẻ chết được cả’. Thái độ ngông cuồng của họ đã dẫn họ tới con đường xấu xa gian ác này… Con đường đổ máu chỉ có thể mang lại đổ máu hơn mà thôi”. Vị tổng thống này còn nhận định về nguyên nhân sâu xa hơn nơi chính sách ngoại giao này của Hoa Kỳ đối với Iraq, đó là chính phủ Bush đang tác hành “như một người nộm trong bàn tay vận động của phong trào Do Thái phục quốc mà thôi”. Ông nhận định thêm là các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ “đang bị phong trào Do Thái phục quốc điều khiển như đồ múa rối, một nhóm chỉ nhìn thấy xứ sở Iraq này như là một chướng ngại của họ”. Ông kêu gọi cộng đồng Âu Châu vẫn không chấp nhận đường lối của chính phủ Bush muốn thay đổi chế độ ở Iraq “hãy lên tiếng khuyên nhủ và hướng dẫn”. Ông tiên báo: “Cuộc liên minh giữa phong trào Do Thái phục quốc và chính phủ Bush này chỉ đi đến chỗ tàn bại mà thôi. Tôi cần phải nói rằng sự dữ sẽ không kết thúc cho đến khi nó bị đánh bại, một cuộc hoàn toàn đại bại xẩy ra bất cứ lúc nào, nếu hoàn cảnh thuận lợi”. Ông khẳng định Hoa Kỳ mới là mối đe dọa chứ không phải Iraq: “Không phải là vấn đề Ả Rập nữa. Nó đã trở thành vấn đề đụng độ giữa lành và dữ, giữa những kẻ đe dọa nền an ninh thế giới khắp hoàn cầu này”.


Trong chính ngày Thứ Tư 16/10, khi Iraq công bố cuộc thắng cử 100% của tổng thống Iraq thì hai vị lãnh đạo Hoa Kỳ Bush và Do Thái Sharon gặp nhau. Được biết tổng thống Bush muốn trực tiếp gặp thủ tướng Do Thái này để cho thấy rằng Hoa Kỳ không hài lòng về việc Do Thái công hãm tổng hành dinh của Thẩm Quyền Palestine ở Ramallah. Nhưng ông Sharon nói rằng Do Thái cần phải có những đáp ứng cần thiết đối với những cuộc khủng bố tấn công. Vị thủ tướng này còn nhấn mạnh là Do Thái không chịu nhường bước như hồi Chiến Tranh Vùng Vịnh 1991 nữa, lần này, nếu Iraq bắn phi đạn vào Do Thái, Do Thái bắt buộc sẽ phản ứng. Hoa Kỳ không dám đề cập đến vần đề phản ứng của Do Thái này trước trong buổi gặp gỡ này, vì tổng thống Bush chưa dứt khoát về vấn đề tấn công Iraq, và xin Do Thái đừng nói công khai kẻo gây thiệt hại cho việc ngoại giao của Hoa Kỳ tại các nước Ả Rập.


Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang cố giải quyết vấn đề Iraq


Hôm Thứ Hai 14/10/2002, các nhà lãnh sự Hoa Kỳ và Pháp ở Liên Hiệp Quốc đã gặp nhau về vấn đề giải quyết của hai nước này đối với vấn đề Iraq. Trong khi Hoa Kỳ muốn giải quyết bước một thì Pháp lại cứ nhất định hai bước. Giải quyết của Hoa Kỳ là Iraq phải tuân theo những giải quyết của Liên Hiệp Quốc cũng như phải để cho các vị thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc được tự do kiểm soát bằng không Hoa Kỳ sẽ sử dụng hành động quân sự. Trong khi giải quyết của Pháp là cứ để thanh tra viên đến kiểm soát đã, nếu Iraq không tuân hành quốc tế mới được ra tay.


Hôm Thứ Năm 17/10/2002, các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết rằng để Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp nhận giải quyết một bước của mình, hơn là hai bước của Pháp, Hoa Kỳ đã điều chỉnh ngôn từ về việc hăm dọa sử dụng võ lực bằng cách nói rõ là nếu Baghdad không chịu cộng tác với các thanh tra viên vũ khí thì sẽ phải lãnh chịu hậu quả của mình, tương tự như giải quyết của Pháp. Tuy nhiên, về vấn đề hậu quả như thế nào, bản điều chỉnh quyết định của Hoa Kỳ không nói rõ. Các nhà ngoại giao nói rằng nếu Iraq lơ mơ thì Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cần phải bàn với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trước khi ra tay hành động.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga là ông Igor Ivanov chào mừng dự thảo mới này của Hoa Kỳ, một dự thảo như Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ là tướng Powell cho biết sẽ được chính thức trình cho hội đồng bảo an trong mấy ngày tới đây. Theo Hãng Thông Tấn Associated Press cho biết, với một số trích dẫn họ nhận được, thì những thanh tra viên vũ khí sẽ được yêu cầu “tường trình lập tức cho hội đồng này bất cứ sai trái nào của Iraq trong việc tuân hành giải giới”. Một khi những điều sai trái của Iraq được tường trình, hội đồng này sẽ được lập tức triệu tập “để cứu xét tình hình và nhu cầu cần phải triệt để tuân hành”. Bản thảo trước đây yêu cầu các thanh tra viên tường trình bất cứ “trục trặc” nào và các nước phần tử thẩm quyền được sử dụng “tất cả mọi biện pháp cần thiết” để buộc phải tuân hợp. Bản thảo mới của Hoa Kỳ cũng hạ giọng trong việc đòi hỏi về qui chế thanh tra mới, bằng cách bỏ đi một số chi tiết, trong đó có việc Hoa Kỳ dự định muốn có người lính hộ vệ phái đoàn thanh tra vũ khí.

Trong cuộc tranh luận công khai của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Iraq tiếp tục bước sang ngày thứ hai, Thứ Năm 17/10, ngoại trừ Do Thái và Hiệp Vương Quốc, đa số (hơn 5 tá) các quốc gia, trong đó có cả các quốc gia lân bang nhất của Iraq cũng như các nước thuộc khối liên minh của Hoa Kỳ, không chịu chấp nhận đòi hỏi ngay từ ban đầu của Hoa Kỳ. Các vị lãnh sự Á Châu, Phi Châu, Trung Đông và Mỹ Châu Latinh cảnh cáo là một cuộc chiến tranh mới sẽ làm tăng thêm đau khổ cho nhân dân Iraq, có thể sẽ làm tăng thêm sóng gió ở Trung Đông và gây ra những hậu quả khủng khiếp cho sự ổn định chung thế giới.
 

18/10 Thứ Sáu


Tòa Thánh Vatican với qui chế về linh mục lạm dụng tình dục của Giáo Hội ở Hoa Kỳ


Theo nguồn tin Zenit thì hôm Thứ Năm 17/10/2002, ĐTC Gioan Phaolô II đã gặp những viên chức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để một phần bàn về vấn đề đáp ứng với nạn linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Những viên chức đương kim của HĐGMHK này gồm có ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch, ĐGM William Skylstad, thư ký và Đức Ông William Fay, tổng thư ký. ĐGM Gregory sẽ cho biết chi tiết về phản ứng của Tòa Thánh vào phiên họp báo Thứ Sáu tuần này.


Tuy nhiên, theo nguồn tin CNN cùng ngày hôm nay, thì những viên chức của Tòa Thánh Vatican cho biết, Tòa Thánh không phê chuẩn Bản Hiến Chương Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ của Giáo Hội Tại Hoa Kỳ vì có một số điều xung khắc với Giáo Luật. Theo các viên chức này của Tòa Thánh thì ĐTC đã vạch ra trong cuộc gặp riêng vị giám mục chủ tịch hôm nay những điều Ngài không đồng ý với bản đồng thuận dài hai trang này của các giám mục Hoa Kỳ.


Vào Tháng Sáu vừa rồi, HĐGMHK đã không chấp nhận qui chế “bất dung nhượng” như một số vị muốn. Theo qui chế nhẹ hơn này, được chấp thuận với số phiếu 239/13, thì bất cứ tố giác nào về việc lạm dụng tình dục thì đầu tiên cũng phải được tường trình cho các thẩm quyền pháp luật rồi mới tới địa phận là nơi hoàn toàn cộng tác với cảnh sát. Mặc dù có một số thích ứng nơi mỗi giáo phận, nhưng vị linh mục bị tố cáo sẽ bị treo chén. Nếu vị linh mục bị tố cáo công nhận hay điều tra thấy quả thực đã lỗi phạm, vị linh mục có thể được yêu cầu trở về với đời sống giáo dân và có thể bị loại trừ ra khỏi hàng giáo sĩ.


Tòa Thánh Vatican phản đối về việc bản qui chế này thiếu tiến trình cho khiếu nại như Giáo Luật đòi hỏi, và về điều khoản buộc phải trình cho cảnh sát lập tức những lời tố cáo. Theo các quan sát viên thì bản qui chế này sẽ được Tòa Thánh yêu cầu các vị giám mục Hoa Kỳ xét lại. Cũng theo các nguồn tin ở Tòa Thánh, thì trong bức thư ĐTC gửi cho ĐGM Gregory, Ngài rất thông cảm với vị thế của các ĐGM Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng hiện nay chẳng những liên quan đến thế giá của Giáo Hội mà còn đến cả vấn đề tài chính của Giáo Hội nữa như các Ngài hết sức lo âu, nhưng ĐTC vẫn không nhúc nhích về những gì cần phải theo đúng Giáo Luật.

 

17/10 Thứ Năm


ĐTC Gioan Phaolô II ban hành Tông Thứ "Rosarium Virginis Mariae" và công bố mở “Năm Mân Côi”


Trong buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, tuần này, nhân dịp kỷ niệm 24 năm được bầu làm giáo hoàng cũng như để mở màn cho năm giáo hoàng thứ 25 của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Thư "Rosarium Virginis Mariae", Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, và công bố mở “Năm Mân Côi”. Sau đây là những lời huấn từ để ban hành và công bố của Ngài.


Anh Chị Em thân mến,


1.- Trong cuộc trở về Balan của Tôi mới đây, Tôi đã dâng lên Đức Mẹ những lời sau đây: “Hỡi Mẹ Rất Thánh, [,,,] xin Mẹ cũng hãy ban cho con sức mạnh về thể xác lẫn tinh thần, để con có thể chu toàn đến cùng sứ mệnh Đấng Phục Sinh đã ủy nhiệm cho con. Con dâng lên Mẹ tất cả mọi hoa trái của cuộc đời con cũng như của thừa tác vụ con làm, con ký thác cho Mẹ tương lai của Giáo Hội; […] con tin tưởng nơi Mẹ và con xin thưa cùng Mẹ một lần nữa là: ‘Totus tuus, Maria! Totus tuus!’, ‘Ôi Maria, tất cả của con là của Mẹ! Tất cả của con là của Mẹ!’ Amen”. (Kalwaria Zebrzydowska, Aug. 19, 2002). Hôm nay, Tôi lập lại cũng những lời này để cảm tạ Thiên Chúa về 24 năm Tôi phục vụ Giáo Hội nơi Tòa Thánh Phêrô. Vào ngày đặc biệt này, một lần nữa, Tôi xin trao phó vào bàn tay Mẹ Thiên Chúa sự sống của Giáo Hội cùng với sự sống của nhân loại đang bị thử thách đau thương. Tôi cũng xin ký thác tương lai của Tôi cho Mẹ. Tôi đặt tất cả nơi tay Mẹ, để Mẹ lấy tình yêu từ mẫu của Mẹ mà hiến dâng mọi sự cho Con Mẹ, “hầu chúc tụng vinh quang của Người” (Eph 1:12).


2.- Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của con người, là tâm điểm của đức tin chúng ta. Mẹ Maria không làm cho Người bị lu mờ đi, cũng không làm lu mờ đi công cuộc cứu độ của Người. Được mông triệu về trời cả hồn lẫn xác, Đức Trinh Nữ, người đầu tiên được hoan hưởng các hoa trái tử nạn và phục sinh của Con mình, Mẹ là Vị dẫn chúng ta đi con đường chắc chắn nhất đến với Chúa Kitô, đích điểm tối hậu của tác hành cũng như của tất cả đời sống chúng ta. Bởi thế, khi ngỏ lời cùng toàn thể Giáo Hội trong tông thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Ngàn Năm Mới” “Novo Millennio Ineunte”, Tôi đã thêm vào lời Chúa Kitô kêu gọi “hãy thả lưới ở chỗ nước sâu” là “trong cuộc hành trình này, chúng ta được Đức Trinh Nữ Maria hỗ trợ, Đấng […] đã được Tôi ký thác ngàn năm thứ ba trước sự hiện diện của một số đông các vị giám mục […]” (số 58). Và, trong việc mời gọi các tín hữu hãy không ngừng chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô, Tôi đã hết lòng mong muốn trong việc chiêm ngưỡng ấy, Maria, Mẹ của Người, phải là vị tôn sư chỉ dạy cho tất cả mọi người.


3.- Hôm nay, Tôi muốn thể hiện lòng ước muốn này một cách rõ ràng hơn nữa, bằng hai cử chỉ tiêu biểu. Trong ít phút nữa đây, Tôi sẽ ký bức tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria “Rosarium Virginis Mariae”. Chưa hết, cùng với việc ban hành văn thư nói về kinh nguyện mân côi này, Tôi cũng công bố một năm kéo dài từ Tháng Mười 2002 tới Tháng Mười 2003, đó là “Năm Mân Côi”. Tôi làm như vậy, chẳng những vì đây là năm thứ 25 giáo triều của Tôi, mà còn vì là dịp kỷ niệm 120 năm thông điệp “Supremi Apostolatus Officio” được Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Lêô XIII ban hành vào ngày 1/9/1883 để mở màn cho một loạt các văn kiện đặc biệt khác của Ngài về kinh mân côi. Ngoài ra, còn có một lý do nữa, đó là trong lịch sử của Các Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm còn có một truyền thống tốt lành, ở chỗ, sau Năm Thánh dâng kính Chúa Kitô và tôn kính công cuộc Cứu Chuộc của Người còn có một năm dâng kính cho Mẹ Maria nữa, như thể muốn kêu cầu với Mẹ để Mẹ giúp cho các ân sủng đã nhận lãnh từ Năm Thánh được sinh hoa kết trái.


4.- Có lẽ không còn phương tiện nào tốt hơn kinh nguyện mân côi đối với nỗ lực cần thiết nhưng hết sức sâu xa trong việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô? Tuy nhiên, để làm điều này, chúng ta cần phải tái nhận thức cái thâm sâu của mầu nhiệm được chất chứa nơi tính cách giản dị của kinh nguyện rất được truyền thống phổ thông yêu chuộng này. Thật vậy, theo kết cấu của mình, kinh nguyện Thánh Mẫu trước hết là việc suy niệm về các mầu nhiệm thuộc đời sống và hoạt động của Chúa Kitô. Bằng việc lập đi lập lại tiếng kêu cầu “Kính mừng Maria”, chúng ta sâu xa suy nghĩ về những biến cố chính yếu của sứ vụ Con Thiên Chúa thực hiện trên thế gian, những biến cố được Phúc Âm và Truyền Thống lưu truyền cho chúng ta. Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn hơn, cũng như để thêm khởi sắc, trong tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria “Rosarium Virginis Mariae”, Tôi đã đề ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong kinh mân côi, và Tôi đã gọi 5 mầu nhiệm mới này là “những mầu nhiệm ánh sáng”. Những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Dược Đăng cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn. Mục đích của việc đề ra này là để mở rộng chân trời kinh mân côi, nhờ đó, ai lần hạt mân côi với lòng sùng mộ chứ không phải một cách máy móc mới có thể càng đi sâu hơn nữa vào nội dung của Tin Mừng và càng kết hợp hơn nữa cuộc sống của mình với cuộc sống của Chúa Kitô.


5.- Tôi cám ơn tất cả những ai hiện diện nơi đây (17 ngàn người, trong đó có 4 ngàn người Balan), cũng như những ai liên kết với Tôi trong tinh thần. Cám ơn anh chị em về thiện chí và nhất là về việc hứa quyết liên tục hỗ trợ Tôi bằng lời nguyện cầu. Tôi trao phó bản văn kiện về kinh mân côi thánh này cho các vị chủ chiên và tín hữu trên khắp thế giới. Năm Mân Côi Thánh, một năm chúng ta cùng nhau sống, chắc chắn sẽ trổ sinh các hoa trái phúc thiện nơi cõi lòng của tất cả mọi người, một năm canh tân cũng như tăng phát tác động ân sủng của Đại Năm Thánh 2000, và sẽ trở thành một nguồn mạch an bình cho thế giới.


Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Mân Côi Thánh, Vị Nữ Vương chúng ta thấy được trưng bày nơi đây bức ảnh tuyệt đẹp được tôn kính ở Pompeii, dẫn con cái của Giáo Hội đến chỗ hoàn toàn được hiệp nhất với Chúa Kitô trong vinh quang!


Anh Chị Em thân mến,


Vào lúc mở màn cho năm thứ 25 Giáo Triều của mình, một lần nữa, Tôi xin trao phó cho Đức Trinh Nữ Maria thừa tác vụ của Tôi cũng như các nhu cầu của nhân loại. Hôm nay, để tôn kính Mẹ Maria, tôi ký Bức Tông Thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, “Rosarium Virginis Mariae”, bức tông thư cho thấy Kinh Mân Côi như là một phương tiện trổi vượt trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô. Tôi đề ra thêm 5 mầu nhiệm nữa – Mầu Nhiệm Ánh Sáng – những mầu nhiệm nới rộng Kinh Mân Côi để bao gồm cả thừa tác vụ công khai của Chúa Kitô. Hôm nay Tôi cũng loan báo bắt đầu Năm Mân Côi. Bằng việc tôn sùng Kinh Mân Côi được canh tân đổi mới, chớ gì tất cả mọi tín hữu, hiệp nhất với Mẹ Maria, thêm hiểu biết Phúc Âm và sống cuộc đời của mình hợp với Chúa Kitô trọn vẹn hơn.

 

(Xin xem bản dịch Việt ngữ Tông Thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria tuần cuối tháng này, trong Phần Thánh Mẫu, Mục Lễ Mẹ Trong Tháng)


Những trùng hợp diễm hạnh về 5 Mầu Nhiệm Mân Côi mới


Như thế, những gì đã được phổ biến hôm Thứ Ba, 15/10 vừa rồi về nội dung của Phụ Trương 4 cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi (BMKMC) trong phần Tin Giáo Hội Trong Tuần này, và những gì ĐTC đề cập đến trong bài huấn từ ban hành Tông Thư “Rosarium Virginis Mariae” hôm qua Thứ Tư, 16/10, có những điểm trùng hợp diễm hạnh sau đây:


Về nội dung các Mầu Nhiệm Mân Côi mới: ĐTC, trong Tông Thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, ở đoạn 21, đã đề ra 5 Mầu Nhiệm Mân Côi mới, đó là 1) Chúa Giêsu chịu Phép Rửa; 2) Chúa Giêsu tỏ mình ra lần đầu tiên ở tiệc cưới Cana; 3) Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa và kêu gọi con người Hối Cải; 4) Chúa Giêsu Biến Hình; 5) Chúa Giêsu Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể. Còn trong Phụ Trương 4 BMKMC, như đã phổ biến hôm Thứ Ba vừa rồi trong phần Tin Giáo Hội Trong Tuần này, gồm có: 1) Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu phép rửa; 2) Mầu nhiệm Chúa Kitô chay tịnh trong hoang địa; 3) Mầu nhiệm Chúa Kitô biến hình trên núi; 4) Mầu nhiệm Chúa Kitô vào thánh Giêrusalem; 5) Mầu nhiệm Chúa Kitô rửa chân, lập Bí Tích Thánh Thể và ban giới răn yêu thương. Như thế Phụ Trương 4 BMKMC được hân hạnh giống ý tưởng của ĐTC về các Mầu Nhiệm Mân Côi mới này 50%.


Về mục đích: Theo ý muốn của ĐTC thì “mục đích của việc đề ra này là để mở rộng chân trời kinh mân côi, nhờ đó, ai lần hạt mân côi với lòng sùng mộ chứ không phải một cách máy móc mới có thể càng đi sâu hơn nữa vào nội dung của Tin Mừng và càng kết hợp hơn nữa cuộc sống của mình với cuộc sống của Chúa Kitô”. Còn ở Phụ Trương 4 BMKMC: “Vì ý nghĩa liên kết của các Mầu Nhiệm nói chung và Mầu Nhiệm Mân Côi nói riêng mà Chúa Kitô là Tâm Điểm, cũng như vì lợi ích thiêng liêng cho việc lần hạt Mân Côi, tôi đã lựa ra thêm 5 Mầu Nhiệm Nhập Thế của Chúa Kitô và đã âm thầm tự mình sử dụng thử nghiệm khi lần hạt Mân Côi hằng ngày. Kết quả là, nhờ lần hạt 4 chuỗi và suy gẫm đủ 20 mầu nhiệm mỗi ngày, tôi cảm thấy thật sự thêm lòng sốt sắng lần hạt Mân Côi và dồi dào sinh lực để sống Mầu Nhiệm Mân Côi hơn”.

Về tên gọi: Sở dĩ ĐTC đặt tên cho năm Mầu Nhiệm Mân Côi mới này là “những mầu nhiệm ánh sáng”, là vì, theo Ngài, ở Tông Thư đoạn số 19, “Chính trong những năm thừa tác vụ công khai của mình mà mầu nhiệm của Chúa Kitô mới hết sức rõ ràng là một mầu nhiệm ánh sáng: ‘Khi Thày còn ở thế gian, Thày là ánh sáng thế gian’ (Jn 9:5)”. Còn ở Phụ Trương 4 BMKMC, “Bởi vì, 5 Mầu Nhiệm Mùa Vui kết thúc ở việc Đức Mẹ Tìm Thấy Chúa Giêsu Trong Đền Thờ, để rồi, nhẩy ngay sang 5 Mầu Nhiệm Mùa Thương được mở đầu bằng việc Chúa Giêsu Hấp Hối Trong Vườn Cây Dầu. Thế còn các Mầu Nhiệm đặc biệt diễn tả cuộc đời nhập thế để tỏ mình ra của Chúa Kitô đâu, những Mầu Nhiệm mà tự bản chất cũng không kém phần quan trọng như các Mầu Nhiệm Mân Côi khác. Lý do là, cùng với 15 Mầu Nhiệm Mân Côi vẫn có, những Mầu Nhiệm Nhập Thế này của Chúa Kitô, làm nên tiến trình để hoàn tất Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô không sống các Mầu Nhiệm Nhập Thế này, Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa sẽ bất thành thế nào, thì, theo tôi, Kinh Mân Côi cũng cần có thêm các Mầu Nhiệm Nhập Thế này của Chúa Kitô nữa mới thực sự trọn vẹn”. Tuy nhiên, trong Phụ Trương 4 BMKMC (ấn bản 2002) ở trang 272-275, tên gọi của 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Nhập Thế này đã được gọi bằng một tên khác, đó là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Thừa Tác. ĐTC cũng đã xác nhận trong huấn từ truyền tin 16/10/2002 về nội dung của tên gọi “những mầu nhiệm ánh sáng” của Ngài hoàn toàn nhắm vào thừa tác vụ công khai của Chúa Kitô: “Tôi đề ra thêm 5 mầu nhiệm nữa – Mầu Nhiệm Ánh Sáng – những mầu nhiệm nới rộng Kinh Mân Côi để bao gồm cả thừa tác vụ công khai của Chúa Kitô”.

Về thực hiện: Ở đoạn 38 của Tông Thư “Rosarium Virginis Mariae”, ĐTC đề nghị lần hạt Mân Côi 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng này vào Ngày Thứ Năm trong tuần, thay vào 5 Mầu Nhiệm Vui vẫn rơi vào ngày này, vì lịch trình lần hạt trong tuần từ trước đến nay vẫn luân chuyển thứ tự căn cứ vào Ngày Chúa Nhật là Ngày Mừng Chúa Phục Sinh lần hạt Mùa Mừng, tiếp theo Thứ Hai và Thứ Năm giành cho Mùa Vui, Thứ Ba và Thứ Sáu (Ngày Chúa Tử Nạn) giành cho Mùa Thương, Thứ Tư và Thứ Bảy giành cho Mùa Mừng. Như thế, Mùa Mừng trong tuần chỉ còn hai ngày, Chúa Nhật và Thứ Tư, và Mùa Vui cũng còn hai ngày, nhưng đổi ngày Thứ Năm sang Ngày Thứ Bảy vốn được giành cho Mùa Mừng. Còn ở Phụ Trương 4 BMKMC: “Đối với những người vốn có thói quen lần đủ một tràng Mân Côi (tức 150 kinh Mân Côi) mỗi ngày, nếu không thể kiếm được giờ để đọc thêm 50 kinh Mân Côi theo Năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, qúi vị có thể thay đổi việc suy ngắm các Mầu Nhiệm theo hai cách… Cách thứ hai theo ngày trong tuần. Trong một tuần lễ, qúi vị cũng có thể chia các ngày lẻ (Chúa Nhật, Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ bảy) thì lần năm chục kinh thứ nhất suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, còn các ngày chẵn theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thế cũng được. Nên chú ý đến các ngày lễ trong tuần để chọn mầu nhiệm mà suy ngắm cho thích hợp. Chẳng hạn, gặp các ngày lễ Đức Mẹ, nhất là các lễ của Mầu Nhiệm Mân Côi, như lễ Truyền Tin 25/3, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 31/5, lễ Đức Mẹ Dâng Con 2/2, thì nên suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể; còn nếu gặp ngày lễ về Chúa Kitô, như lễ Chúa Biến Hình 6/8 hay lễ kính một thánh Tông Đồ nào đó, thì nên suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thế”.
 

16/10 Thứ Tư


Tòa Thánh và Giáo Hội Tại Úc Châu cảm thương và lên án vụ khủng bố tấn công ở Bali Nam Dương


Trong lúc thế giới đang bị biến động vì dự án Hoa Kỳ tấn công Iraq, một dự án mà Giáo Hội Công Giáo đã cảnh giác Tổng Thống Bush hãy coi chừng đừng để bị chi phối việc tấn công khủng bố, thì khủng bố lại ra mặt tấn công liên tiếp 3 vụ liền, 2 vụ ở Vùng Vịnh và mới đây, Thứ Bảy 12/10/2002, là vụ ở Bali Nam Dương, với 187 người của 16 quốc gia trên thế giới bị thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, trong số thương vong và tử vong này đa số là người du lịch Úc Châu, một Úc Châu đã treo giải thưởng 2 triệu Mỹ Kim cho ai tiết lộ tin tức về kẻ chủ mưu (được cho là tổ chức khủng bố quốc tế al Qaeda) gây nên vụ khủng bố tấn công khủng khiếp thứ nhì sau vụ 911 ở Hoa Kỳ hơn một năm trước.


Hay tin này, ĐTC Gioan Phaolô II, qua ĐHY Sodano, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, đã gửi một bức điện tín đến ĐTGM Lorenzo Fratini tòa khâm sứ của Tòa Thánh ở Jakarta để phân ưu và lên án như sau:


“ĐTC Gioan Phaolô II rất xúc động về tin khủng bố tấn công kinh hoàng ở Bali làm nhiều người chết và bị thương, và Ngài xin Huynh hãy chuyển đến các vị thẩm quyền dân sự và tôn giáo lời nguyện cầu thật sự của Ngài cho các nạn nhân, dâng phó họ cho Thiên Chúa Toàn Năng cũng như xin sức mạnh cùng ơn an ủi thần linh xuống trên những ai bị thương tích và tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi biến cố thê lương này. Việc bạo động tàn ác và sai lạc như vậy không thể nào có thể đưa đến một xã hội công chính và an cư hơn, nó phải bị lên án bởi tất cả những ai mong muốn thấy thế giới được xây dựng trên sự tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của từng sự sống con người”.


ĐTGM Francis Carroll, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Úc Châu đã phát biểu thành văn như sau:


“Nhân danh Giáo Hội Công Giáo tại Úc Châu, tôi gửi đến tất cả những ai đang đau buồn hay lo lắng nghe ngóng tin tức, niềm thương cảm và lời nguyện cầu thực sự của chúng tôi. Những cơ quan về sức khỏe và tham vấn của Giáo Hội sẽ sẵn sàng phục vụ những ai cần đến họ. Tôi mời tất cả mọi người Công Giáo hãy đến nhà thờ địa phương của mình tham dự những buổi cầu nguyện để tỏ lòng gắn bó với những ai đang khổ đau. Tôi đề nghị là Thứ Bảy tới đây được trở thành ngày quốc gia nguyện cầu và tưởng niệm. Không thể nào có chỗ đứng cho vấn đề bạo lực nhân danh tôn giáo được. Hơn bao giờ hết, những ai tin vào Thiên Chúa cần phải xây dựng những chiếc cầu bình an. Tất cả những ai tin rằng họ là con cái của Thiên Chúa đều phải nhìn nhận những ai ở chung quanh chúng ta đều là những người anh chị em trong một gia đình nhân loại. Úc Châu là nơi chuyên nhất cho thế giới thấy rằng các nền văn hóa và tôn giáo khác biệt vẫn có thể cùng nhau chung sống trong thuận hòa. Vấn đề chống lại khủng bố là một thứ quyền bênh vực những người vô tội. Quyền này phải được hành sử trong khuôn phép luân lý và pháp lý. Bạo lực không được đối chọi với một thứ bạo lực hơn nữa. Sự tôn trọng, hiểu biết và đối thoại với nhau là cách thức sửa soạn cho một thứ hòa bình được xây dựng trên công lý”.

 

15/10 Thứ Ba


ĐTC mừng kỷ niệm 24 năm được bầu Giáo Hoàng bằng việc ban hành Tông Thư về Kinh Mân Côi


Như ĐTC đã loan báo vào huấn từ truyền tin 29/9/2002, Ngài đang soạn một văn kiện về Kinh Mân Côi: “Tôi cũng đang dọn một văn kiện để giúp tái nhận thức được vẻ đẹp và chiều sâu của kinh nguyện này”. Theo cơ quan ApBiscom cho biết hôm Chúa Nhật vừa rồi thì văn kiện này có thể sẽ có thêm 5 mầu nhiệm nữa về cuộc đời công khai của Chúa Kitô, được gọi là “Mầu Nhiệm Ánh Sáng”.


Không biết những Mầu Nhiệm Mân Côi mới được Đức Thánh Cha gọi là Mầu Nhiệm Ánh Sáng này như thế nào. Chúng ta hãy chờ xem. Tuy nhiên, từ khi dịch và phát hành cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi của Thánh Long Mộng-Phố (Louis Montfort), vào năm 1994 (trang 266-270), cũng như vào lần tái bản thứ nhất năm 1997 (trang 266-270), tôi đã phổ biến 5 Mầu Nhiệm Mân Côi được đặt tên là Năm Mầu Nhiệm Nhập Thế, rồi cả vào lần tái bản thứ hai năm 2002 (trang 282-287), tôi đã gọi một tên khác là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Thừa Tác, nhưng nội dung vẫn giống như nhau. Sau đây là nguyên văn của những gì tôi đã phổ biến trong cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi ở phần Phụ Trương 4 năm 1994 và 1997.


“Theo truyền thống, ngay từ đầu cho tới ngày nay, Kinh Mân Côi chỉ có 15 mầu nhiệm, mỗi một mầu nhiệm gồm có 10 kinh Kính Mừng, tạo nên tổng số là 150 kinh Kính Mừng, tương đương với 150 Thánh Vịnh Đavít. Tuy nhiên, giữa 5 Mầu Nhiệm Mùa Vui và 5 Mầu Nhiệm Mùa Thương, theo cảm nghiệm cá nhân của tôi, hình như còn thiếu một cái gì đó, chưa đủ, chưa trọn, cần phải thêm vào khoảng trống này một số Mầu Nhiệm Mân Côi nữa cho hợp tình và hợp lý.

“Bởi vì, 5 Mầu Nhiệm Mùa Vui kết thúc ở việc Đức Mẹ Tìm Thấy Chúa Giêsu Trong Đền Thờ, để rồi, nhẩy ngay sang 5 Mầu Nhiệm Mùa Thương được mở đầu bằng việc Chúa Giêsu Hấp Hối Trong Vườn Cây Dầu. Thế còn các Mầu Nhiệm đặc biệt diễn tả cuộc đời nhập thế để tỏ mình ra của Chúa Kitô đâu, những Mầu Nhiệm mà tự bản chất cũng không kém phần quan trọng như các Mầu Nhiệm Mân Côi khác. Lý do là, cùng với 15 Mầu Nhiệm Mân Côi vẫn có, những Mầu Nhiệm Nhập Thế này của Chúa Kitô, làm nên tiến trình để hoàn tất Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô không sống các Mầu Nhiệm Nhập Thế này, Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi của Thiên Chúa sẽ bất thành thế nào, thì, theo tôi, Kinh Mân Côi cũng cần có thêm các Mầu Nhiệm Nhập Thế này của Chúa Kitô nữa mới thực sự trọn vẹn.

“Ngoài ra, việc Nguyện Kinh Giờ mà Giáo Hội dọn ra cho tu sĩ, giáo sĩ và cho cả giáo dân (ngắn gọn hơn), về cấu tạo, 150 Thánh Vịnh Đavít là chủ chốt, và về cách thức thực hiện, được chia ra làm 4 phần khác nhau, gồm có Giờ Nguyện Kinh Ban Mai, Giờ Nguyện Kinh Ban Ngày, Giờ Nguyện Kinh Ban Tối và Giờ Nguyện Kinh Ban Đêm. Căn cứ vào đó, nếu về cấu tạo, Kinh Mân Côi cũng có 150 kinh Kính Mừng, tương đương với 150 Thánh Vịnh Đavít, thì về cách thức thực hiện, cũng nên có 4 phần khác nhau, gồm có Năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, Năm Mầu Nhiệm Nhập Thế, Năm Mầu Nhiệm Tử Nạn và Năm Mầu Nhiệm Hiển Vinh.

“Bởi thế, vì ý nghĩa liên kết của các Mầu Nhiệm nói chung và Mầu Nhiệm Mân Côi nói riêng mà Chúa Kitô là Tâm Điểm, cũng như vì lợi ích thiêng liêng cho việc lần hạt Mân Côi, tôi đã lựa ra thêm 5 Mầu Nhiệm Nhập Thế của Chúa Kitô và đã âm thầm tự mình sử dụng thử nghiệm khi lần hạt Mân Côi hằng ngày. Kết quả là, nhờ lần hạt 4 chuỗi và suy gẫm đủ 20 mầu nhiệm mỗi ngày, tôi cảm thấy thật sự thêm lòng sốt sắng lần hạt Mân Côi và dồi dào sinh lực để sống Mầu Nhiệm Mân Côi hơn.

“Đối với những người chỉ có giờ hay có thói quen đọc một chuỗi (tức 50 kinh Mân Côi) mỗi ngày, theo tôi, cách tốt nhất nên lần hạt Mân Côi theo Mùa Phụng Vụ quanh năm của Giáo Hội. Chẳng hạn: Lần hạt Mân Côi suy ngắm năm Mầu Nhiệm Nhập Thể vào Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, năm Mầu Nhiệm Nhập Thế vào các tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên (khoảng độ gần 10 tuần, giữa Mùa Giáng Sinh và Mùa Chay) và từ sau lễ Đức Mẹ Nữ Vương 22/8 hằng năm cho đến hết Mùa Vọng, năm Mầu Nhiệm Tử Nạn vào Mùa Chay cho tới hết Thứ Bảy Tuần Thánh, và năm Mầu Nhiệm Hiển Vinh vào Mùa Phục Sinh cho tới lễ Đức Mẹ Nữ Vương 22/8 hằng năm.

“Đối với những người vốn có thói quen lần đủ một tràng Mân Côi (tức 150 kinh Mân Côi) mỗi ngày, nếu không thể kiếm được giờ để đọc thêm 50 kinh Mân Côi theo Năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, qúi vị có thể thay đổi việc suy ngắm các Mầu Nhiệm theo hai cách.

“Cách thứ nhất theo Mùa Phụng Vụ của Giáo Hội. Mỗi ngày qúi vị vẫn cứ lần 150 kinh Mân Côi như thường, nhưng, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, qúi vị lần hạt 50 kinh Mân Côi thứ nhất suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, còn trong Mùa Thường Niên, qúi vị thay năm Mầu Nhiệm Nhập Thể bằng năm Mầu Nhiệm Nhập Thế. Trong Mùa Chay và Phục Sinh thì tùy sở thích và ích lợi thiêng liêng của mỗi cá nhân trong việc chọn suy ngắm năm chục kinh Mân Côi thứ nhất theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể hay năm Mầu Nhiệm Nhập Thế.

“Cách thứ hai theo ngày trong tuần. Trong một tuần lễ, qúi vị cũng có thể chia các ngày lẻ (Chúa Nhật, Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ bảy) thì lần năm chục kinh thứ nhất suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, còn các ngày chẵn theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thế cũng được. Nên chú ý đến các ngày lễ trong tuần để chọn mầu nhiệm mà suy ngắm cho thích hợp. Chẳng hạn, gặp các ngày lễ Đức Mẹ, nhất là các lễ của Mầu Nhiệm Mân Côi, như lễ Truyền Tin 25/3, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 31/5, lễ Đức Mẹ Dâng Con 2/2, thì nên suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thể; còn nếu gặp ngày lễ về Chúa Kitô, như lễ Chúa Biến Hình 6/8 hay lễ kính một thánh Tông Đồ nào đó, thì nên suy ngắm theo năm Mầu Nhiệm Nhập Thế.

“Sau đây là Lời Suy Ngắm 5 Mầu Nhiệm Nhập Thế:

“Mầu Nhiệm thứ nhất: ‘Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến chịu phép rửa ở sông Giọcđan bởi tay thánh Gioan Tiền Hô’ (Marcô 1:9) - Xin cho Người lớn lên và cho con biết hạ mình xuống (xem Gioan 3:30).

“Mầu Nhiệm thứ hai: ‘Chúa Giêsu được Thần Linh đưa vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma qủi cám dỗ’ (Luca 4:1-2) - Xin cho con biết tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (xem Marcô 14:38).

“Mầu Nhiệm thứ ba: ‘Chúa Giêsu đem thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao và Người biến hình trước mặt các ngài’ (Marcô 9:2) - Xin cho con biết nghe theo lời Người là Đấng đẹp lòng Cha mọi bề (xem Marcô 9:7).

“Mầu Nhiệm thứ bốn: Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem giữa muôn tiếng tung hô ‘Vạn tuế Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng Nhân Danh Chúa mà đến’ (xem Mathêu 21:9-10) - Xin cho con đừng biến nhà của Chúa là tâm hồn con thành hang trộm cướp tội lỗi (xem Mathêu 21:13).

“Mầu Nhiệm thứ năm: Chúa Giêsu rửa chân cho các thánh Tông Đồ, lập Bí Tích Thánh Thể và ban Giới Răn Yêu Thương (x.Luca 22:15-20; Gioan 13:1-17,34-35) - Xin cho con biết noi theo gương Chúa, yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con (xem Gioan 13:15&15:12).

 

(Có thể xem bài trên đây trong Phần Thánh Mẫu, Mục Yêu Mến Mẹ, Trang Bí Mật Kinh Mân Côi, hay trong Phần Giáo Hội, Mục Hội Ngộ Tâm Linh, Trang Tu Đức, Bài Phương Pháp Lần Hạt Mân Côi Chiêm Niệm)

Những con số đáng ghi nhớ trong 24 năm của Giáo Triều Đức Gioan Phaolô II.

Sau đây là một ít con số thuộc giáo triều của Ngài:
Tông du ngoài Ý quốc: 98 chuyến, tới 129 quốc gia, với 1.154.997 cây số (716.000 dặm).
Thăm viếng trong Nước Ý: 142 cuộc.
Phong Chân Phước: 1.297 và Phong Thánh 464 vị.
Triều kiến chung: 1.055 buổi với 16.5 triệu người tham dự.
Tiếp: 1.430 nhân vật chính trị, trong đó có 715 lãnh tụ quốc gia.
Ban hành: 13 thông điệp, 94 tông huấn, tông hiến, tông thư và các văn kiện motu proprio.
Triệu tập: 8 mật nghị hồng y, phong tước 201 hồng y và bổ nhiệm 70% trong tổng số 4.500 vị giám mục.


ĐHY Camillo Ruini, vị đại diện Giáo Phận Rôma của ĐTC, Giám Mục Rôma, đã loan báo là sẽ có một loạt những sinh hoạt về tôn giáo và văn hóa trong năm kỷ niệm 25 năm Giáo Hoàng của ĐTC đương kim.


Tòa Thánh Vatican phản đối những tố cáo sai lầm chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nga


Tiến sĩ Joaquín Navarro-Valls, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã phát biểu những lời thành văn bản như sau: “Tòa Thánh Vatican đã nhận được tin đáng lo ngại về một hoạt động đê tiện có ý làm mất thế giá Cộng Đồng Anh Em Hèn Mọn Truyền Thống Thánh Phanxicô ở Moscow, từ đó cũng làm mất thế giá của Giáo Hội Công Giáo nữa. Những vị tu sĩ này đã chứng kiến thấy một căn chung cư do các vị làm chủ đã cho một tư nhân thuê để người này sử dụng làm việc an sinh xã hội song căn chung cư này đã bị biến thành một căn nhà làm điếm. Mới đây, một tờ nhật báo nổi tiếng của thủ đô này, cũng như đài truyền hình số 1 và 3, đã tường trình một bản tin bịa đặt sai lầm, trong đó có những bức hình cho thấy những người mặc áo dòng được chụp ở những cảnh vô luân, với một mục đích tỏ tường là muốn tác hại đến thế giá của cộng đồng Công Giáo… Các vị bề trên địa phương của Dòng Anh Em Hèn Mọn Truyền Thống Thánh Phanxicô đã phổ biến những lời bác bỏ tất cả mọi tố cáo này và đáp lại tin tức sai lầm ở Moscow. Tòa Thánh Vatican cũng đống ý với những phản đối hợp lý này và hy vọng rằng công lý sẽ được sáng tỏ đúng như luật định”

 

14/10 Thứ Hai

 

Phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Bush: Từ chính quyền Iraq


Quốc Hội Iraq được lệnh họp khẩn vào ngày Thứ Bảy 12/10/2002. Lời của ông Quyền Vị Thủ Tướng Tariq Aziz đã được báo chí phổ biền hôm Thứ Bảy 12/10 như sau: “Hoa Kỳ thách thức chúng ta – chứ không phải chúng ta thách thức Hoa Kỳ”.


Phó tổng thống Iraq đã trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ Der Spiegel nguyệt san tin tức của Đức hôm Thứ Bảy 12/10/2002 là Baghdad đã sẵn sàng cho phép các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc đếm thăm 8 dinh thự của tổng thống là những địa điểm Hoa Kỳ lấy làm nghi ngờ thắc mắc: “Những thanh tra viên có thể tìm kiếm và kiểm soát bất cứ cách nào và bất cứ ở đâu họ muốn”. Ông Arraf nói rằng ngày Thứ Bảy 12/10, các viên chức Iraq đã dẫn các phóng viên Tây Phương đến một số nơi khả nghi, kể cả cơ sở được cho là nơi chế tạo vũ khí nguyên tử ở phía nam thủ đô Baghdad, và các phóng viên này cho biết đó chỉ là những nơi sản xuất dụng cụ radar.


Cũng vào Ngày Thứ Bảy 12/10/2002, chính quyền Iraq đã gửi một bức thư đến những viên chức có trách nhiệm về chương trình thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc, nhắc lại lời hứa cho pháp các thanh tra viên hoạt động trong xứ sở này theo những điều kiện của Liên Hiệp Quốc.


Thứ Ba 8/10/2002, hai vị lãnh đạo cơ quan IAEA và UNMOVIC (the United Nations Monitoring, Verification and Inspection Commission) là ông Mohamed ElBaradei và Hans Blix đã gửi cho tướng Iraq là ông Amir al-Saadi, vị lãnh đạo phái đoàn Iraq trong cuộc họp ở Vienna Áo Quốc, một bức thư xác nhận bản chất của phiên họp ở Vieanna Áo hai tuần trước. Tướng Al-Saadi đã trả lời bằng một bức thư hôm Thứ Năm 10/10 nói rằng Iraq đã sẵn sàng tiếp đón những thanh tra viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc “sớm bao nhiêu có thể”. Trong bức thư trả lời ngày Thứ Ba 8/10, ông Blix đã trích lại việc Iraq đồng ý “cách thức trực tiếp, vô điều kiện và không giới hạn” ở các địa điểm, chẳng hạn như chấp nhận việc phỏng vấn các viên chức Iraq hay khoa học gia Iraq cũng như chấp nhận những chuyến bay thám thính U-2. Nhưng tướng Al-Saadi nói rằng Baghdad khó lòng mà tuân giữ được một số yêu cầu của ông Blix, như bảo đảm sự an toàn của các thanh tra viên ở những vùng cấm bay mà hiện nay đang được những phản lực cơ Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc tuần tiểu. Vị tướng này đề nghị trong bức thư là “Nếu hủy bỏ những vùng cấm bay bất hợp pháp thì chúng tôi sẽ không gặp khó khăn trong việc bảo đảm cho hai cơ quan này về sự an toàn của các cuộc không vận trên toàn không phận Iraq”.


Về những phản ứng này của Iraq, một viên chức trong chính phủ Hoa Kỳ nói với CNN rằng: “Đây là một điều nữa của cùng một trò chơi họ đã chơi trong 10 năm qua. Họ tiếp tục chơi những trò chối bỏ và lừa bịp”; “Chúng tôi không lấy gì làm lạ lùng cả. Rõ ràng là những người Iraq muốn trì hoãn và lừa đảo mà”.

 

Phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Bush: Tại Iraq và Vùng Vịnh


Ở Iraq, những phần tử trong quốc hội đã lên tiếng phản đối tổng thống Bush hết sức kịch liệt. Ông Abdul Aziz Kailani, vị lãnh đạo của ủy ban tôn giáo vụ trong quốc hội, đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Bush ơi, lời lẽ của ông toàn là dối trá và đầy những luận điệu vô lý… Ông giống hệt như một con mãnh thú chỉ muốn ăn nuốt những xứ sở nhỏ bé, trong khi ông cần phải giúp đỡ họ thì ông lại muốn hủy diệt họ… Tôi muốn hỏi Ông Bush một câu, đó là từ Hiệp Chủng Quốc đến Iraq bao xa? Rất là xa với nơi đây… cả một đại dương, với những quốc gia rộng lớn ở giữa chúng ta, vậy thì làm sao chúng tôi có thể đe dọa Hoa Kỳ được nhỉ?”


Một viên chức khác trong quốc hội, ông Abdul Aziz Shwaish, lãnh đạo ủy ban về tài chính, thương vụ và hoạch định, cho rằng Washington gán ghép cho Iraq có những thứ vũ khí công phá hàng loạt để viện cớ tấn công Iraq:


“Chúng tôi không có những thứ vũ khí công phá hàng loại và cả thế giới biết rằng ông Bush muốn áp đặt quyền lợi quốc gia của mình trên thế giới và bắt Iraq phải qui phục quyền cai trị của mình… Chúng tôi không hề có liên hệ gì với al Qaeda, không ai tin được những lời của ông Bush về vấn đề này”.


Trong khi đó, 500 vị giáo sĩ và trí thức Hồi Giáo họp nhau ở Baghdad đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo kêu gọi các người Hồi Giáo hãy bắt đầu một cuộc thánh chiến chống lại Hiệp Chủng Quốc nếu nước này dám tấn công Iraq. Bản sắc lệnh tuyên bố: “Nếu Thiên Chúa không ngăn cản mà để cho cuộc tấn công xẩy ra thì việc tuyên bố Thánh Chiến chống lại chính phủ Hoa Kỳ gian ác là nhiệm vụ của mọi người Hồi Giáo có khả năng. Nếu họ cố tấn cống họ sẽ thấy nơi từng hạt cát, từng núi non, đồng bằng và thung lũng ngọn lửa đốt cháy trái đất này ở dưới chân họ”.


Hôm Thứ Ba 8/10/2002, sau cuộc họp với Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak và ông Jack Straw, thứ trưởng ngoại vụ Hiệp Vương Quốc, bộ trưởng Ngoại Giao Ai Cập là ông Ahmed Maher nói rằng: “Những thanh ra viên phải trở lại sớm bao nhiêu có thể. Không cần gì phải làm cản trở việc họ trở lại cả”. Trong khi cả Hiệp Chủng Quốc (US) và Hiệp Vương Quốc (UK) không muốn cho các thanh ra viên trở lại trước khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua quyết nghị của hai nước này về việc sử dụng hành động quân sự nếu các viên chức Iraq gây rắc rối cho việc thanh tra vũ khí. Ông ngoại trưởng Ai Cập này còn nói rằng: “Viết lại những qui luật vào giữa cuộc chơi không phải là một giải pháp tốt nhất. Điều quan trọng là hãy để cho các thanh ra viên vũ khí trở lại. Tôi không nghĩ rằng cấn phải thay đổi qui luật”.


Còn ông thứ trưởng Straw sở dĩ đến Ai Cập đêm Thứ Hai hôm trước, là để thực hiện chuyến đi một vòng Trung Đông và Vùng Vịnh với mục đích thuyết phục các nhà lãnh đạo trong vùng này về mối đe dọa gây ra bởi Iraq có thể đưa đến một cuộc chiến tranh chính đáng. Chuyến đi này xẩy ra sau diễn văn của Tổng Thống Bush. Trước khi đến Ai Cập, ông này đã ở Paris mấy tiếng đồng hồ để dượt qua sứ điệp của mình. Tại Paria, ông nói rằng: “Đây là một vấn đề trước hết là cha các nước láng giềng của Saddam. Đừng quên rằng trong vòng 20 năm qua, hắn đã xâm chiếm hai nước láng giềng của hắn và đã bắn phi đạn tấn công 5 nước… mối đe dọa lớn nhất hắn gây ra là vùng mà hắm ở”.


Những nhà lãnh đạo trong vùng, bao gồm cả Tổng Thống Ai Cập Mubarak và Vua Jordan Abdullah đều cảnh giác về mối nguy cơ nổi dậy nếu Tây Phương tấn công Iraq hay tìm cách lật đổ vị lãnh đạo nước này bằng võ lực. Đã có những cuộc biểu tình chống đối diễn ra ở bên ngoài Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Cairo. Tổng thống Ai Cập kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy tìm cách giải quyết cuộc xung khắc giữa Do Thái và Palestine trước khi vướng vào vấn đề Iraq.


Trong khi đó, ở Damascô, khi nói với các phóng viên ở cuộc họp các nhà trí thức và chính trị Ả Rập họp lại chống đối Hoa Kỳ, ông Quyền Vị Thủ Tướng Iraq là Tareq Aziz cảnh giác các nước Ả Rập là việc Hoa Kỳ tấn công Baghdad sẽ ảnh hưởng đến cả các nước trong vùng như sau: “Không một quốc gia Ả Rập nào sẽ thoát khỏi bị đe dọa cả, cho dù họ có về phe Hoa Kỳ trong việc tấn công Iraq đi nữa. Đừng nghĩ rằng họ an toàn nếu họ bày tỏ những ời phát biểu hay ho hay cống hiến cho Hoa Kỳ những địa điểm. Khi tội ác lên đến tột đỉnh thì họ sẽ bị qui phục Hoa Kỳ và phong trào phục quốc Do Thái Zionism”. Một số nước Vùng Vịnh như Qatar, Saudi Arabia và Kuwait đang để cho Hoa Kỳ dùng làm cứ điểm. Ông Aziz nói rằng việc Hoa Kỳ tấn công Iraq là dạo khúc để thực hiện việc Do Thái thi hành “dự án thay chuyển” đã được tiết lộ là đẩy những người Palestine sang Nước Jordan bên cạnh để lập quốc thay vì lập quốc ở ngay Palestine. Đây là vòng thứ hai ông Aziz đã thực hiện trong vùng này. Iraq cũng gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao của mình là ông Naji Sabri đi một vòng các nước Vùng Vịnh, nhắc nhở các nước này là cuộc chiến trang chống Iraq cũng gây ảnh hưởng lũng đoạn cả miền Ả Rập nữa. Ông đã viếng thăm các nước Bahrain, Oman, Qatar và United Arab Emirates.


Hôm Thứ Năm 10/10/2002, ông Abdul Tawab Mullah, vị phụ trách những chương trình vũ khí của Iraq, đã nói với cuộc họp báo là xứ sở của ông không chế tạo các thứ vũ khí hóa học, vi trùng hay hạch nhân. Trái lại, ông cho biết những địa điểm nghi ngờ thực sự chỉ là những cơ xưởng về kim loại, những địa điểm Hoa Kỳ đã không bị Hoa Kỳ hủy hoại hay được tái thiết với mục đích nghiên cứu. Ông nhấn mạnh là: “Chúng tôi chuẩn bị mở cửa cho những cuộc viếng thăm cấp thời, hầu chúng tôi có thể làm sáng tỏ tình hình này và chứng tỏ cho thấy cái dối trá đến nực cười sai lầm do Hoa Kỳ nói mà chẳng có gì làm bằng… Nếu chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng điều ra sự thật họ tuyên bố thì họ hãy để cho những thanh tra viên Liên Hiệp Quốc trở lại kiểm soát những địa điểm này. Tôi bảo đảm là họ sẽ thấy rằng chúng tôi có những thứ vũ khí công phá hàng loạt hay chăng”.


Bộ Trưởng Ngoại Giáo Hiệp Vương Quốc Jack Straw cũng vừa kết thúc 4 ngày viếng thăm các nước Ai Cập, Jordan, Kuwait và Iran cũng như Pháp Quốc. Tuy nhiên, vị này đã gặp phản ứng mạnh mẽ ở Iran. Ngoại Trưởng Iran là ông Kamal Kharrazi đã cho biết nhận định như sau: “Tất cả các nước thuộc thế giới Hồi Giáo chống lại những chính sách đơn phương của Hiệp Chủng Quốc và đó là lý do đủ để khắp các nước Hồi Giáo hết sức thù hận”.

 

Cuốn Băng Hăm Dọa Khủng Bố Hoa Kỳ


Có một cuốn băng âm thanh đã được công bố hôm Thứ Ba, 8/10/2002, trong đó, người nói hăm dọa sẽ có những cuộc tấn công mới vào Hiệp Chủng Quốc, vào ngành kinh tế và đồng minh của Hiệp Chủng Quốc. Người này đã đề cập đến một số những biến cố hiện nay, bao gồm cả việc kỷ niệm một năm biến cố 11/9 và việc Hoa Kỳ có thể tấn công Iraq. Người phát ngôn còn cho biết cả bin Laden và nhà lãnh đạo Taliban là Mullah Omar “cả hai đều vẫn mạnh khỏe”. Sứ điệp của cuốn băng này đã được phổ biến hôm Chúa Nhật 6/10/2002, với tiếng nói là al Qaeda đang sửa soạn những cuộc tấn công vào những mục tiêu kinh tế của Hiệp Chủng Quốc: “Tôi hứa cùng các người là giới rẻ Hồi Giáo đang sửa soạn cho các người những gì sẽ làm cho lòng các người đầy khiếp hãi, và họ sẽ nhắm đến những trung tâm kinh tế của các người cho đến khi các người ngưng lộng hành bạo ngược và khủng bố, cho đến khi một trong hai trong chúng ta phải chết… Hoa Kỳ và các các đồng minh của nước này phải biết rằng những tội ác của họ sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt đâu. Chúng tôi khuyên họ hãy mau mau rút khỏi Palestine, Vùng Vịnh Ả Rập, A Phú Hãn và những nước Ả Rập còn lại trước khi họ mất hết tất cả… (Hoa Kỳ) sẽ phải trả giá. Việc thanh toán món nợ quá khổng lồ này thực sự là nặng đấy. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục, nếu Allah cho phép, hủy hoại nền kinh tế Hoa Kỳ”. Sứ điệp của cuốn băng âm thanh này còn cho biết mưu đồ của Hoa Kỳ ở A Phú Hãn “chưa đạt được mục đích của mình”, và việc Hoa Kỳ vận động chống Iraq sẽ là một cuộc tấn công cả thế giới Ả Rập. Giọng nói của cuốn băng này, theo một viên chức Hoa Kỳ, là của Ayman al-Zawahin, tay khủng bố đệ nhị sau Osama bin Laden, và cuốn băng mới thu không quá 6 tháng, tức mới vào Tháng Bảy vừa rồi.


Lưỡng Viện Hoa Kỳ muốn thành lập một Ủy Ban Tình Báo độc lập điều tra vụ 911


Hôm Thứ Năm 10/10/2002, hai ủy ban Tình Báo của Hạ Viện và Thượng Viện đã gặp các vị giám đốc CIA và FBI, bàn về việc điều tra kẻ chủ mưu hai vụ không tặc ngày 11/9. Các nhà lập luật của lưỡng viện vẫn gặp rắc rối bởi việc điều tra vụ này và những khó khăn của họ trong việc thu thập tín liệu về vụ ấy. Một ủy ban tình báo độc lập đã được công bố trong một cuộc họp báo. Thế nhưng, Tòa Bạch Ốc và các vị lãnh đạo đảng Cộng Hòa tỏ ra quan tâm về ủy ban này. Dân Biểu Tim Roemer, D-Indiana tuyên bố: “Tôi lo là Tòa Bạch Ốc đang cố gắng lấy tấm thảm phủ lên ủy ban độc lập này, từ từ cuốn nó lại rồi giết nó chết”. Sáng Thứ Năm, những nhà lập luật nói rằng việc nói chuyện với Tòa Bạch Ốc không thành công. Thế nhưng, vào buổi chiều, họ cho biết rằng các nhà lãnh đạo ủy ban tình báo đã phác họa một hợp đồng giữa họ với nhau, một thỏa thuận mà họ cố gắng thêm vào dự luật cho quyền thực hiện những chương trình tình báo năm 2003. Thế nhưng Tòa Bạch Ốc nói là không có một thỏa thuận nào đạt được với những vị ấy. Theo dự án được loan báo hôm Thứ Năm 10/10, thì ủy ban tình báo này bao gồm 10 phần tử với hai vị đồng chủ tịch, một do tổng thống chỉ định, một do vị lãnh đạo đảng Dân Chủ Thượng Viện, nhiệm kỳ 2 năm. Phận sự của ủy ban này là đi sâu vào những vấn đề như tình báo, ngành hàng không thương vụ và di dân. Các ủy ban tình báo của hai viện được bắt đầu hành sự từ Tháng Hai 2002 và chỉ chú trọng đến vấn đề tình báo mà thôi. Tuy nhiên, nhiều nhà lập luật đã than phiền là công việc của các ủy ban này đã bị ngăn trở bởi khó lòng thu lượm được những tín liệu từ các cơ quan của ngành tình báo.
 

13/10 Chúa Nhật


ĐTC Gioan Phaolô II Ngỏ Lời cuối Lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô và trước Kinh Truyền Tin


Anh Chị Em thân mến,


1.- Tôi lấy làm vui mừng trong những ngày này được tiếp đón Đức Teoctist, thượng phụ Giáo Hội Chính Thống Romania. Tôi thành thực cám ơn Ngài một lần nữa cũng như cám ơn tất cả những vị tháp tùng Ngài thực hiện chuyến viếng thăm hết sức cảm mến này. Chuyến viếng thăm đây đã gợi lại cho Tôi những gì Thiên Chúa đã cho Tôi được cảm nhận ở Bucherest vào Tháng Năm 1999. Một ước vọng chân thành hướng về mối hiệp nhất đã phát sinh từ những cuộc gặp gỡ này. Tôi đã nghe thấy giới trẻ ở Bucharest hôm Tháng Năm 1999 hô lên rằng “Unitate”. “Hiệp Nhất!” Tôi đã nghe lập lại hôm Thứ Hai vừa rồi ở Quảng Trường Thánh Phêrô, trong cuộc gặp gỡ mở đầu của Tôi với Đức Thượng Phụ.


Nỗi khao khát mong được hoàn toàn hiệp nhất nơi những người Kitô giáo đã nhận được những động lực thôi thúc đáng chú ý từ Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng đã giành hẳn một văn kiện riêng về vấn đề đại kết trong những văn kiện quan trọng nhất của mình, đó là sắc lệnh “Unitatis Redintegratio”.


Hai ngày trước đây đánh dấu 40 năm mừng kỷ niệm khai mạc cuộc họp lịch sử này, một cuộc họp được ĐGH Gioan XXIII là vị giờ đây chúng ta gọi là Chân Phước triệu tập vào ngày 11/10/1962. Tôi đã được diệm phúc tham dự, và Tôi có những kỷ niệm quí báu không thể nào quên được trong tâm trí của Tôi.


Trong bài diễn văn khai mạc, đầy những hy vọng và tin tưởng, ĐGH Gioan đã kêu gọi các Nghị Phụ Công Đồng, một mặt, hãy trung thành với truyền thống Công Giáo, một mặt, hãy trình bày truyền thống này một cách thích ứng với thời đại của chúng ta. Ở một nghĩa nào đó, Ngày 11/10 40 năm trước đây đã đánh dấu một mở màn long trọng và hoàn vũ của những gì chúng ta gọi là một “cuộc tân truyền bá phúc âm hóa”.


3.- Công Đồng này nói được là “cửa thánh” cho một mùa xuân mới của Giáo Hội, một mùa xuân đã được tỏ hiện nơi Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm Năm 2000. Vì lý do này, qua tông thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, Tôi đã xin cộng đồng Giáo Hội hãy cầm lên những văn kiện của công đồng một lần nữa là những gì vẫn không mất đi giá trị hay ý nghĩa của mình. Những bản văn kiện này cần phải được hiểu biết và thấm nhuần như “những bản văn quan trọng và tiêu biểu của huấn quyền trong Truyền Thống của Giáo Hội” (số 57). Đó là lý do tại sao, vào Ngày Mừng Năm Thánh của thành phần Tông Đồ Giáo Dân, Tôi đã trao những văn kiện này một cách tượng trưng cho các thế hệ mới.


Chớ gì Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội, giúp chúng ta hiểu được rằng nơi công đồng này tất cả chúng ta đã được ban cho một địa bàn để hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường của thế kỷ đang mở màn.


ĐTC thúc giục Kitô hữu xét lại lương tâm về vấn đề đại kết


Chính Thống Giáo và Công Giáo đã tách lìa từ năm 1054, khi Đức Lêô IX và Thượng Phụ Michael Cerularius ở Constantinople ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Những vạ tuyệt thông này đã được hủy bỏ từ năm 1965 bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống ở Thổ Nhĩ Kỳ, song cả hai Giáo Hội vẫn chưa đạt được hiệp thông hoàn toàn.


Trước hết, trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ Teoctist đã chia sẻ Lời Chúa trước ở trên tòa giảng Tổng Thần Minh Kha và đã nhấn mạnh bằng những lời tương tự: “Việc chia rẽ, phân ly, cô lập của Kitô hữu giữa họ với nhau không phải là những cách thức của con người chứng nhân của Chúa Kitô, Đấng đã cầu cho tất cả được nên một. Tình trạng khủng hoảng về tinh thần trong thời đại chúng ta đòi chúng ta tái nhận thức mối liên hệ một mặt giữa việc thống hối và cải thiện, hay giữa việc trở về với Chúa Kitô hiền lành và thương cảm, một mặt với việc tái thiết mối hiệp thông giữa các Giáo Hội… Tình trạng tục hóa hiện đại được đi kèm với tình trạng phân mảnh và nghèo nàn hóa đời sống thiêng liêng nội tâm của con người. Bởi thế tình trạng tục hóa lại càng làm cho mối hiệp thông thiêng liêng nơi Kitô hữu càng tàn mạt hơn nữa. Vậy chúng ta cùng nhau phải hiệp nhất việc tìm cầu thánh đức cho đời sống Kitô hữu bằng việc hiện thực mối hiệp nhất Kitô hữu”.


Trong bài giảng trong Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô sáng nay, Chúa Nhật 13/10, Thánh Lễ kết thúc cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ Teoctist Chính Thống Giáo Romania, ĐTC đã nói như sau: “Nhờ phép rửa, chúng ta trở thành phần thể của một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô, thế nhưng, tiếc thay, có những lúc, chúng ta đã không phủ nhận lời mời gọi này hay sao? Chúng ta chẳng lẽ đã không xé đôi chiếc áo liền của Chúa Kitô, bằng việc chúng ta tách lìa nhau hay sao? Phải, việc chúng ta chia rẽ nhau là việc trái với ý muốn của Người… Để đạt đến mối hiệp thông trọn vẹn, chúng ta phải chế ngự cái trì trệ và nhỏ mọn của con tim. Chúng ta phải vun trồng linh đạo hiệp thông, một linh đạo có thể coi một người anh em trong đức tin là một người nào đó thuộc về tôi. Chúng ta phải không ngừng nuôi dưỡng khát vọng hiệp nhất… Trong việc cử hành Thánh Thể đích thực theo các truyền thống đáng kính của mình, Giáo Hội Công Giáo và Các Giáo Hội Chính Thống Giáo đã sống mối hiệp thông sâu xa, mặc dù vẫn chưa hoàn toàn. Chớ gì những ngày này đến sớm hơn nữa, lúc chúng ta thực sự có thể hoàn toàn sống mối hiệp nhất trọn hảo của mình”.


Hai vị lãnh đạo cùng dâng lễ chung, cùng chia sẻ Lời Chúa, cùng đọc Kinh Tin Kính Nicene-Constantinoplitan bằng tiếng Romania. Thế nhưng tới phần Thánh Thể hai vị tách biệt, nhưng hai vị ôm chúc bình an cho nhau và cùng ban phép lành cuối lễ cho tham dự viên.


ĐTC và ĐTP Romania cùng ký vào bản tuyên ngôn chung


Cuộc họp của hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội đã diễn ra hôm Thứ Bảy, 12/10/2002, tại phòng học riêng của Đức Thánh Cha. Bản tuyên ngôn chung lên tiếng: “Cuộc gặp gỡ của chúng tôi phải được coi như là một mẫu gương, ở chỗ Anh em phải gặp nhau lại để làm hòa, để cùng nhau suy tư, khám phá ra đường lối tiến đến những thỏa thuận, để trình bày và cắt nghĩa cho nhau nghe những lý do của nhau”. Bản văn cũng chạm đến vấn đề như việc những người Công Giáo loan báo Phúc Âm ở những phần đất của Chính Thống Giáo – một việc làm bị Tòa Thượng Phụ Moscow chống lại như là vấn đề dụ giáo. Chúng tôi đồng ý với nhau trong việc nhìn nhận truyền thống tôn giáo của tất cả mọi dân tộc cũng như quyền tự do tôn giáo của họ. Việc truyền bá phúc âm hóa không thể được căn cứ vào tinh thần tranh đoạt, mà là ở lòng trọng kính nhau cũng như ở sự cộng tác với nhau, một việc hợp tác nhìn nhận quyền tự do của nhau trong việc sống theo các niềm tin tưởng của anh/chị/em mình, tôn trọng việc gia nhập đạo giáo riêng của họ”

 

 

 

MỚI TUẦN VỪA RỒI