Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Hiện Thế là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần giữa thế giới ngày nay, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội cũng như với thế giới. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Hiện Thế Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 15-21/12/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12
 

Ý Chung: Xin cho các trẻ em được bảo vệ và bênh vực khỏi mọi hình thức bạo lực nhờ được gia đình chăm sóc cùng với những qui chế xứng hợp của xã hội trên khắp thế giới”.

Ý Truyền Giáo:
Xin cho việc cử hành biến cố giáng sinh của Chúa Kitô Cứu Thế giúp cho con người nam nữ thuộc mọi văn hóa biết tôn trọng hơn nữa đối với những em nhỏ và thành phần bị cướp đoạt mất quyền thừa hưởng..

 

___________________________________________

 

 

21/12 Thứ Bảy

Món Quà Giáng Sinh Quí Nhất

Theo thông lệ hằng năm, bắt đầu từ năm ngoái 2001, (xin xem lại bài Cuộc Hành Hương Giáng Sinh trong trang Cảm Nghiệm Thần Linh của Mục Thánh Thể), Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima TGP/LA đã bắt đầu thực hiện chương trình phát quà Giáng Sinh. Bao giờ cũng thế, trước khi lên đường thực hiện việc hết sức ý nghĩa và cần thiết này, tôi đều nhắc nhở cho các em Thiếu Nhi Fatima, giới trẻ đóng vai Huynh Trưởng Các Đoàn trong TGP. Thứ nhất, về lý do phát quà Giáng Sinh là vì Chúa Kitô chính là món quà cao quí nhất Thiên Chúa đã trao tặng loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng, nhưng Món Quà Thần Linh này không phải chỉ được trao tặng cho riêng mỗi người mà là cho chung nhân loại nữa, nhất là cho thành phần thấp hèn nhất trên thế gian này, thành phần Vị Thiên Chúa Làm Người đã thông cảm, chia sẻ và muốn tham phần với thân phận khốn cùng của họ, qua việc Người giáng sinh bần cùng trong hang lừa và chết trần trụi trên thập giá.

Bởi thế, Món Quà Thần Linh nhưng không này cần phải được Kitô Hữu chẳng những lãnh nhận một cách xứng đáng mà còn phải đem chia sẻ với và trao tặng cho anh chị em của mình nữa, nhất là những người anh chị em bất hạnh đáng thương đã được Chúa Kitô đồng hóa với chính Người và đã khẳng định là làm ơn cho họ là làm ơn cho chính Người. Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách phát quà. Thật ra món quà chẳng là gì, nhưng tác động phát quà mới là việc quan trọng, vì qua việc phát quà, một cử chỉ yêu thương bác ái và chia sẻ mà anh chị em chưa nhận biết Chúa Kitô, thành phần cùng khốn trong xã hội, thành phần đang mong đợi được cứu độ nhất, mong đợi được thoát khỏi cảnh khổ đau là hậu quả của tội lỗi, mới dễ dàng nhận ra Người. Nếu những người anh chị em bất hạnh này nhận ra Chúa Kitô qua việc phát quà nói riêng, và qua tất cả mọi việc bác ái nói chung, không phải là Kitô hữu đã trao tặng những người anh chị em ấy món quà quí nhất là Chúa Kitô hay sao, tức đã chia sẻ món quà họ được Cha trên trời ban cho họ nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô hay sao?

Chưa hết, khi đi phát quà, không phải Kitô hữu trao tặng mà là được nhận quà từ những người họ phát quà cho. Ở chỗ nào? Ở chỗ người họ phát quà cho không cho họ những gì bề ngoài mà là cho họ cảm nghiệm thấy ân phúc họ nhận được, qua đời sống may mắn lucky của họ, một đời sống không đến nỗi bất hạnh như người nhận quà họ phát, nhờ đó họ chẳng những sống xứng đáng với những gì đã nhận được, mà còn đem những cái may mắn ấy ra phục vụ tha nhân, chia sẻ với tha nhân nữa. Ngoài ra, món quà người phát quà nhận được nơi thành phần họ cho quà còn là tác dụng đền bù tội lỗi và thiếu sót của người phát quà. Vì nếu đi phát quà vì lòng bác ái thì đức bác ái thúc đẩy họ đi phát quà ấy sẽ bù đắp nhiều tội lỗi của họ (1Pt 4:8), bù đắp lại những thiếu sót của họ đối với Chúa trong việc đọc kinh cầu nguyện v.v. Thậm chí, nhờ việc bác ái, việc tiếp xúc một cách cụ thể với chính Đấng hiện thân nơi thành phần cùng khốn được họ phát quà cho này mà họ lại có thể gặp được Ngài, có thể cảm nghiệm thấy Ngài, nhờ đó họ trở về với Ngài, gắn bó với Ngài và làm tông đồ cho Ngài hơn.

Chính Cảm Nghiệm Thần Linh và việc Biến Đổi Thần Linh nơi con người làm việc bác ái phát quà không phải là món quà quí nhất họ nhận được từ thành phần họ cho quà hay sao? Chính vì thế tôi đã nói với các em Thiếu Nhi Fatima bắt đầu đi phát quà Giáng Sinh sáng hôm nay là: Chúng ta đang cử hành một Mầu Nhiệm Thánh như khi chúng ta cử hành trong Thánh Lễ, vì Mầu Nhiệm Thánh chính là Mầu Nhiệm Yêu Thương, Mầu Nhiệm Thiên Chúa ban Mình Ngài là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta và Chúa Giêsu Kitô cũng đã hiến tặng sự sống mình cho chúng ta; giờ đây, với Tình Yêu Thần Linh này, chúng ta cùng nhau cử hành Mầu Nhiệm Yêu Thương, làm cho Mầu Nhiệm Yêu Thương này được thể hiện một cách sống động và cụ thể qua việc phát quà Giáng Sinh của chúng ta đây.

Hôm nay, ngày Thứ Bảy 21/12/2002, dù gần đến sát Lễ Giáng Sinh, mọi người đều bận sửa soạn Giáng Sinh cho mình, cho gia đình cũng như cho cộng đoàn, các em Thiếu Nhi Fatima từ các Đoàn San Gabriel, Los Angeles, Torrance, El Monte và Pomona đã bắt đầu tập họp tại sân nhà thờ San Gabriel Mission ở San Gabriel, địa sở của Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Sầu Bi San Gabriel, vào lúc 9 giờ, trước khi lên đường phát quà. Phái đoàn phát quà hôm nay có tất cả là 24 người (Liên Đoàn 2, San Gabriel 13, Los Angeles 1, Torrance 3, El Monte 2 và Pomona 3). Năm ngoái, để mở màn cho chương trình phát quà Giáng Sinh này, Liên Đoàn đã phụ trách tìm chỗ phát quà, đề nghị mua các loại quà và phần quà, hướng dẫn lộ trình và điều khiển chương trình. Năm nay tới đoàn kỳ cựu nhất là Đoàn San Gabriel lo phối trí việc phát quà như Liên Đoàn năm ngoái. Rồi cứ thứ tự theo tuổi đời các đoàn khác sẽ phụ trách việc này hằng năm. Năm ngoái Liên Đoàn đã dẫn các Đoàn đến năm gia đình có con em bị chậm phát triển (mental retardation) ở Orange County. Năm nay Đoàn San Gabriel dẫn đến hai nơi, một việc dưỡng lão nursing home của Mỹ và một nhà tư Việt Nam trong cộng đoàn.

Đúng 9 giờ 45 sáng, đoàn người trẻ này lái xe theo nhau đến The Alhambra Retirement Community, nhưng thăm cơ sở phục vụ của họ là Alhambra Health Center ở 2021 Carlos St (góc đường Carlos và Fremont) – (626) 570-5282. Đây là một viện dưỡng lão tư của anh em tin lành Lutheran từ thập niên 1940, hiện có 13 nhân viên chăm sóc cho 45 dưỡng lão nhân, toàn ngồi trên xe lăn và đa số là nữ giới. Chúng tôi đã ở đây từ 10 giờ đến 11 giờ 45. Năm nay chúng tôi có người đóng bộ Santa Claus đàng hoàng. Đa số dưỡng lão nhân đã tụ họp ở phòng ăn để chờ chúng tôi. Qui tụ trước mặt họ, chúng tôi đã chào mừng họ và hát cho họ nghe cả chục bài Thánh Ca Giáng Sinh quen thuộc, bằng 3 thứ tiếng, Mỹ, Việt và Mễ, có bài bằng tiếng này, có bài bằng tiếng kia, có bài bằng cả hai thứ tiếng, như bài Đêm Thánh Vô Cùng – Silent Night. Bài cuối cùng là bài We wish you a merry Christmas… and happy New Year, trước khi chúng tôi tặng mỗi người một món quà. Vì biết trước được số người, chúng tôi đã chia nhau ra mỗi Đoàn đem 8 phần quà, kể cả Liên Đoàn là 48 phần quà. Món quà của chúng tôi là quần áo, khăn quàng cổ, dép ấm mùa đông, đồ trưng bày, hộp bánh v.v. những món quà cho cả nam lẫn nữ đều xài được. Có vị mở quà lấy được, đa số phải có người mở cho. Ai cũng thích. Chúng tôi đã mang quà đến tận phòng của những vị không ra tham dự chung được để tặng các vị ấy. Một bà già đến làm việc tình nguyện tại đây và một ông gìa đến thăm vợ của mình cũng được chúng tôi trao tặng quà. Sau khi chúng tôi tặng quà xong, chúng tôi đích thân đẩy xe lăn của từng vị ra ngoài sảnh đường chung của dưỡng lão viện này để trò chuyện với từng vị. Bà y tá người Nhật cho tôi biết rằng chưa bao giờ bà thấy những vị dưỡng lão nhân ở đây cười như ngày hôm nay, và không ai đã đến tặng quà cho họ như chúng tôi cả. Một số vị dưỡng lão cố gắng hỏi thăm chúng tôi là ai, từ đâu tới, và khuyến khích chúng tôi hãy tiếp tục làm những việc như chúng tôi đang làm cho các vị.

Rời dưỡng lão viện này, chúng tôi tới địa điểm phát quà thứ hai trong năm 2002 này là gia đình của em Lâm Phước Nguyên tại địa chỉ 500 E. Hellmen Ave – Monterey Park, CA 91755. Em Nguyên bị chứng tật liệt bại từ hồi lên 10 tháng, chỉ nằm trên giường, không đi đứng gì được. Ăn bằng ống. Luôn có bình hút đờm ra khỏi miệng. Trong căn phòng khách đã vốn chật hẹp của nhà em, em lại còn được nằm trên chiếc giường ở ngay giữa phòng. Chúng tôi đã phải đứng xích vào nhau cho đủ chỗ. Em nằm nghiêng đầu về phía bên phải, ngước mắt lên coi TV trong góc nhà ở đầu giường. Lúc chúng tôi vào thì bấy giờ em đang hào hứng chăm chú coi tuồng cải lương video. Sau lời chào hỏi, chúng tôi đã trao quà cho em, món quà làm em mỉm cười thích chí, đó là một bộ 5 cuốn băng video văn nghệ để em giải trí. Sau đó chúng tôi đã hát một bài Thánh Ca Giáng Sinh và cùng nhau đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho riêng em cũng như cho cả gia đình em, dâng em và gia đình em cho Cha trên trời qua bàn tay Mẹ Maria. Cuộc cử hành Mầu Nhiệm Thánh này đã được kết thúc vào lúc 12 giờ 15 trưa. Cùng Mẹ chúng con xin tạ ơn Chúa!

(xin xem hình ảnh Phát Quà Giáng Sinh ở trang Cảm Nghiệm Thần Linh)

Mẹ Têrêsa sẽ được Giáo Hội Công Giáo phong chân phước vào tháng 10 năm tới

Hôm Thứ Sáu, 20/12/2002, tại Điện Vatican của Tòa Thánh, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, ĐHY Saraiva Martins đã công bố 17 sắc lệnh về 7 vị tân chân phước, 7 vị thánh mới và 3 vị đáng kính. Trong 7 vị tân chân phước có Mẹ Têrêsa Calcutta. Giáo Hội đã xác nhận việc khỏi chứng xưng bướu bao tử của chị Monika Besra, một chứng bệnh không thể mổ như các vị bác sĩ của chị cho biết, là một phép lạ do Mẹ Têrêsa làm để đáp lại lời cầu của chị phụ nữ Ấn Giáo này đã tin tưởng đặt bức ảnh của Mẹ lên chỗ dạ dầy của chị. Sau ngày phong chân phước được ấn định vào ngày 19/10/2003, Mẹ cần làm một phép lạ nữa để được phong thánh. Đáng lẽ sau năm năm, tức vào cuối năm 2002 này, Mẹ Têrêsa mới được bắt đầu cứu xét hồ sơ phong thánh, tuy nhiên, ĐTC Gioan Phaolô II vẫn ngưỡng mộ Mẹ đã chước cho. Chị phụ nữ Ấn Giáo này cho CNN biết rằng: “Tôi mang bức ảnh của Mẹ Têrêsa bên mình và tôi luôn cầu xin với Mẹ và nói với Mẹ rằng tôi đã đi khắp nơi những không ai có thể giúp tôi được cả. Giờ đây xin Mẹ chăm sóc cho tôi, cứu giúp tôi và chữa lành cho tôi”. Thế rồi chứng bệnh ấy biến mất đêm hôm ấy. Mẹ Têrêsa sinh ngày 26/8/1910 ở Skopje, Macedonia. Năm 1949 Mẹ lập dòng Thừa Sai bác Ái ở Ấn Độ. Được giải hòa bình năm 1979 và qua đời năm 1997. (Xin chờ xem tài liệu về cuộc đời và nội tâm Mẹ Têrêsa của Cha Brian Kolodiejchuk, Lm Dòng Thừa Sai Bác Ái, vị cáo thỉnh viên phong thánh của Mẹ).

Một Dấu Chứng nữa chứng tỏ Tòa Thánh chống đối Nazi

Màn Điện Toán Zenit lại khám phá ra một dấu chứng nữa về vấn đề này, đó là cuốn sách bị Tòa Thánh liệt kê vào thư mục những sách cấm không được đọc (the Vatican’s Index of Forbidden Books), mang tựa đề “Huyền Thoại Thế Kỷ 20” của Alfred Rosenberg. Đức Piô XI đã quyết định cho cuốn sách này vào thư mục cấm này ngày 9/2/1934, đúng hai tuần trước khi Hitler bổ nhiệm tác giả này làm thủ lãnh ý hệ của đảng Nazi. Bấy giờ Đức Piô XII còn là bộ trưởng nội vụ của Tòa Thánh Vatican. Văn bản bằng tiếng Latinh liệt kê cuốn sách này vào thư mục cấm đọc viết như sau: “Cuốn sách này tỏ ra khinh thường và hoàn toàn loại bỏ tất cả mọi tín điều của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả những nền tảng nhất của Kitô Giáo. Nó bênh vực nhu cầu cần phải thành lập một tôn giáo mới và một giáo hội Đức mới. Nó truyền bá cái nguyên tắc mà theo đó hiện nay cần phải có một niềm tin tưởng hão huyền về huyết thống, một niềm tin cần phải tin rằng bản tính thần linh của con người có thể lấy máu để bênh vực, một niềm tin được khoa học chứng minh cho thấy là huyết tộc Nordic tiêu biểu cho một thứ mầu nhiệm vượt trên và thay thế cho các bí tích cũ”.
 

20/12 Thứ Sáu

ĐTC tiếp nhận vị tân lãnh sự nước Slovakia và nói về tầm quan trọng của vấn đề Đối Thoại

Sáng Thứ Năm 19/12/2002, ĐTC đã tiếp nhận vị tân lãnh sự Slovakia là ông Dagmar Babcanova. Trong diễn từ của mình, ĐTC làm sáng tỏ vấn đề là Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội có nhiều tín hữu ở nước này, “thi hành sứ vụ của mình, hoàn toàn công nhận chủ quyền của Quốc Gia dân chủ này, với mục đích bảo tồn việc đối thoại thân ái và xây dựng trong việc tôn trọng phạm vi thẩm quyền của nhau hầu có thể đóng góp vào nền an sinh và tình trạng tiến bộ của quốc gia này. Việc đối thoại đây có một tầm mức quan trọng trong giai đoạn mà nước Slovakia, sau thời gian gay gắt bắt bớ, đang triển nở tự do và muốn đạt được một tình trạng thực sự tiến bộ về mọi lãnh vực. Vấn đề quan trọng ở đây là trong giai đoạn chuyển biến hỗn loạn này quí vị đừng chiều theo những hy vọng giả tạo bắt nguồn từ thuyết duy vật thực dụng và khuynh hướng thụ hướng quá độ. Tôi tin tưởng rằng nhân dân Slovakia, bằng việc tôn trọng truyền thống phong phú về những giá trị luân lý hằng làm nên đặc tính của họ, sẽ biết cách đương đầu với những nguy hiểm của một thứ tân tiến mù quáng trước những giá trị về tinh thần”. Nhắc đến việc nước này sẽ gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cùng với 9 nước khác vào tháng 5/2004, như Thượng Hội của Khối này ở Copenhagen tuần vừa rồi quyết định, ĐTC cho biết nhận định của Ngài về biến cố như sau: “Tôi tin rằng biến cố này sẽ giúp vào việc cống hiến cho một tân Âu Châu một đóng góp rất quan trọng về văn hóa và các giá trị, một việc đóng góp làm kiên vững ‘ngôi nhà chung’ của Lục Địa này. Cuộc hành trình phát triển dài do xứ sở này thực hiện trong 10 năm đây, mặc dù nó đã phải chịu đựng những vấn đề rắc rối, là bảo đảm cho một cuộc hội nhập tích cực vào những thắng lợi hỗ tương được những quốc gia Âu Châu khác chung vai sát cánh thực hiện”.

Ngoài ra, ĐTC còn liên kết tương lai của nước này nói chung và riêng việc gia nhập này nói riêng với giới trẻ nữa: “Người ta làm sao lại không thấy được nơi biến cố này một cơ hội cụ thể trong việc sử dụng hơn nữa nghị lực của họ để làm lợi cho công ích. Đó là nỗi ước ao tha thiết của Tôi, khi Tôi nhớ lại lòng nhiệt thành được giới trẻ Slovakia bày tỏ vào nhiều dịp khác nhau niềm vui cũng như lòng mong ước thiết tha họ ôm ấp trong lòng đối với tương lai. Được thăng tiến bởi một cuộc huấn luyện Kitô Giáo, họ mới có thể mang lại cho những người đương thời ở Lục Địa của mình này một chứng từ mãnh liệt về các giá trị phát xuất từ Phúc Âm, bằng việc họ chứng tỏ cho thấy cái hiệu năng xây dựng một xã hội công chính, hợp tác và hòa bình của họ. Tương lai của xã hội là do giới trẻ. Bởi thế nước này cần phải cống hiến cho họ một hỗ trợ không thể thiếu trong việc huấn luyện họ cũng như cho việc họ gia nhập lực lượng hoạt động”. Đối với việc huấn luyện này, ĐTC nhấn mạnh đến “việc huấn luyện cho có những tân gia đình vững chắc được đặt nền trên đời sống hôn nhân và hướng về sự sống… Đó là một trong những mục tiêu của được căn cứ vào Bản Hợp Đồng ký kết giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Slovakia trong năm 2000… Bầu khi mới do bản hợp đồng này có thể nuôi dưỡng việc hợp tác tốt đẹp hơn giữa thẩm quyền Quốc Gia và các vị mục tử Giáo Hội hầu mang lại công ích hơn nữa cho quốc gia này”.

Hai Bổ Nhiệm Mới ở Tòa Thánh

Hai bổ nhiệm mới này là chức vụ Thư Ký của Hội Đồng Hiệp Nhất Kitô Giáo, và chức vụ Thư Ký của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.

Về chức vụ Thư Ký Hội Đồng Hiệp Nhất Liên Tôn, ĐTC bổ nhiệm Cha Farrell thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC: Legionary of Christ, một hội dòng cò vị sáng lập còn sống). Cha sẽ được lãnh chức Giám Mục vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2003 tới đây. Anh của ngài là Kevin Farrell cũng vừa được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá ở Washington DC năm vừa rồi. Cha thay cho Giám Mục Marc Ouellet được bổ nhiệm làm TGM ở Quebec Canada tháng vừa qua. Cha sinh ở Dublin năm 1944, gia nhập dòng này năm 1961, chịu chức linh mục năm 1969, làm giáo tập dòng ở Hoa Kỳ từ 1970-1976, và năm 1981 có bằng tiến sĩ thần học ở Đại Học Gregorian Roma và giúp việc cho Văn Phòng Nội Vụ Vatican cùng năm. Hội Đồng Hiệp Nhất Kitô Giáo này được thành lập từ năm 1964 theo sắc lệnh “Unitatis Redintegratio”.

Về chức vụ Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ĐTC đã bổ nhiệm Cha Angelo Amato, cũng dòng Salesian với vị Cha thay thế là ĐTGM Tarcisio Bertone, vị đã được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Genoa tuần vừa rồi. Cha sẽ được chịu chức giám mục vào ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2003 tới đây. Ngài hiện là giáo sư thần học ở Đại Học Salêsian ở Rôma, và làm tham vấn cho phân bộ Vatican. Ngài năm nay 64 tuổi, sinh ở Molfetta miền nam nước Ý, chịu chức linh mục năm 1967, có bằng triết lý của Đại Học Salêsian và tiến sĩ thần học ở Đại Học Gregorian năm 1974. Ngài đã cộng tác viết một số văn kiện của Thánh Bộ này, trong đó có văn kiện “Chúa Giêsu” vào tháng 8/2000. Ngài là cố vấn của các hội đồng Phát Động Hiệp Nhất Kitô Giáo và Đối Thoại Liên Tôn, đồng thời là cố vấn cả cho Học Viện Thánh Mẫu Quốc tế của Tòa Thánh, và là thư ký cho Hội Đồng Thần Học của Tòa Thánh. Thánh Bộ này còn có chức phó thư ký do Cha Dòng Đaminh Joseph Augustine Di Noia đảm trách, chức Cổ Động Viên Công Lý do Đức Ông Charles Sciclune nắm giữ và 31 nhân viên như được liệt kê trong Niên Giám năm 2001 của Tòa Thánh. Thánh Bộ này được chia làm bốn phần vụ: văn phòng lo về vấn đề tín lý, văn phòng lo về vấn đề kỷ luật, văn phòng lo vấn đề hôn nhân và văn phòng phụ trách các vị linh mục. Theo Tông Hiến “Pastor Bonus” của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành năm 1988 về Tòa Thánh Rôma, thì “nhiệm vụ riêng của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin là cổ võ và bảo toàn tín lý về đức tin và luân lý khắp thế giới Công Giáo: vì thế những gì đụng chạm đến vấn đề này đều thuộc thẩm quyền của thánh bộ ấy”.
 

19/12 Thứ Năm

Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Hằng Tuần 18/12/2002 về Ý Nghĩa Đời Sống là một cuộc trông đợi Chúa Giáng Sinh

1. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hướng dẫn bởi lời mời gọi của tiên tri Isaia: “Hãy nói cho những ai mang tâm can nơm nớp lo sợ là: hãy vững mạnh, chứ đừng có sợ hãi! Này là Thiên Chúa của các người… Ngài đến cứu các người” (Is 35:4). Lời mời gọi này càng trở nên khẩn thiết hơn khi Giáng Sinh tới, thúc đẩy chúng ta bằng lời huấn dụ hãy sửa soạn lòng trí để đón nhận Đấng Thiên Sai. Người, Đấng dân chúng đợi trông, chắc chắn sẽ đến, và ơn cứu độ của Người là để cho tất cả mọi người.

Vào Ngày Lễ Vọng Giáng Sinh, chúng ta lại nhớ đến việc Người giáng sinh ở Bêlem, ở một nghĩa nào đó, chúng ta sẽ sống lại những cảm xúc của các mục đồng, niềm vui và nỗi lạ lùng kinh ngạc của họ. Cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng vinh quang của Lời hóa thành nhục thể để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để tất cả mọi người biết đón nhận sự sống mới do Con Thiên Chúa đã mang đến cho thế giới khi mặc lấy nhân tính của chúng ta.

2. Phụng vụ Mùa Vọng, một phụng vụ luôn chất chứa đầy những lời qui chiếu liên quan đến niềm hân hoan mong đợi Đấng Thiên Sai, giúp chúng ta hiểu được một cách trọn vẹn giá trị và ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Mùa Vọng không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố lịch sử đã xẩy ra cách đây 2000 năm trước ở một ngôi làng nhỏ xứ Giuđêa. Hơn thế nữa, cần phải hiểu rằng cả đời sống của chúng ta phải là “một mùa vọng”, một cuộc tỉnh táo trông đợi Chúa Kitô đến lần cuối cùng. Để sửa soạn trước cho tâm trí của chúng ta có thể đón nhận Chúa, Đấng chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, một ngày kia sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta phải biết làm sao để nhận ra Người hiện diện nơi những biến cố của đời sống hằng ngày. Bởi thế, nói được rằng Mùa Vọng là một cuộc nghiêm huấn trực tiếp hướng chúng ta một cách dứt khoát về Đấng đã đến, Đấng sẽ đến và Đấng hằng đến.

3. Với những cảm nhận này, Giáo Hội sửa soạn cho mình để có thể ngất ngây chiêm ngưỡng trong vòng một tuần nữa mầu nhiệm Nhập Thể. Phúc Âm trình thuật lại cho thấy việc hoài thai và hạ sinh của Chúa Giêsu, cũng như đã trích lại nhiều hoàn cảnh được Thiên Chúa sắp xếp dẫn đến hay liên quan đến biến cố tuyệt diệu này, như việc Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria, việc chào đời của Vị Tẩy Giả, ca đoàn các thiên thần ở Bêlem, việc Các Đạo Sĩ Đông Phương đến, những thị kiến của Thánh Giuse. Đó là tất cả những dấu hiệu và chứng cớ cho thấy thần tính của Con Trẻ này. Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã sinh ra tại Bêlem.

Qua phụng vụ của những ngày này đây, Giáo Hội hiến cho chúng ta ba “vị hướng đạo” đặc biệt, những vị cho chúng ta thấy những thái độ cần phải có trong việc nghênh đón “vị khách” thần linh của nhân loại ấy.

4. Trước hết là ngôn sứ Isaia, vị tiên tri của niềm an ủi và hy vọng. Ông đã loan báo một thứ Phúc Âm thật sự và đúng nghĩa cho dân Yến Duyên đang bị nô lệ ở Babylon bấy giờ và kêu gọi họ hãy cứ tiếp tục tỉnh thức nguyện cầu, để có thể nhận ra “những dấu hiệu” Đấng Thiên Sai đến.

Thế rồi đến thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Thiên Sai, vị xuất hiện như “một tiếng kêu trong sa mạc”, rao giảng “phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (x Mk 1:4). Đó là điều kiện duy nhất để có thể nhận ra Đấng Thiên Sai đã hiện diện trên thế giới này rồi vậy.

Sau hết là Mẹ Maria, vị mà, trong tuần cửu nhật sửa soạn Lễ Giáng Sinh, đã dẫn chúng ta về Bêlem. Hoàn toàn ngược lại với Evà, Mẹ Maria là người nữ của tiếng “xin vâng”, hoàn toàn chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Bởi thế, Mẹ đã trở thành một ánh sáng tỏ tường soi chiếu bước chân chúng ta đi và là mô phạm tối cao cho lòng ước vọng của chúng ta.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy đồng hành với Vị Trinh Nữ này để đến với Chúa là Đấng đang đến, bằng việc chúng ta tiếp tục “tỉnh táo nguyện cầu và hân hoan chúc tụng”.

Tôi chúc mọi người được dọn lòng sốt sắng cử hành Lễ Giáng Sinh sắp đến.

Biệt Chú: trong Lời Chúc Mùa Vọng của Màn Điện Toán thoidiemmaria.net ở ngay trang Web đầu tiên từ đầu mùa vọng tới nay, quí bạn đã đọc thấy gì, nếu không phải những lời sau đây:

“Nguyện chúc quí thân hữu thăm Màn Điện Toán Thời Điểm Maria được thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa Làm Người và đang ở giữa chúng ta.

“Chúa Kitô thật sự đã đến rồi, đến lần thứ nhất, chúng ta không cần phải chờ đón Người như dân Do Thái xưa và nay nữa, vấn đề quan trọng ở đây là cuộc đời chúng ta, nhất là trong Mùa Vọng, có cảm nhận được Người hay chăng, và làm sao để chúng ta có thể thực sự cảm nghiệm được Đấng Emmanuel ở giữa chúng ta!?!”

Qua bài huấn từ về Mùa Vọng trên đây, chúng ta thấy ĐTC đã dạy chúng ta cách để có thể Cảm Nghiệm Thần Linh, có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa làm Người đang ở giữa chúng ta, qua những câu sau đây:

“Mùa Vọng không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố lịch sử đã xẩy ra cách đây 2000 năm trước ở một ngôi làng nhỏ xứ Giuđêa. Hơn thế nữa, cần phải hiểu rằng cả đời sống của chúng ta phải là “một mùa vọng”, một cuộc tỉnh táo trông đợi Chúa Kitô đến lần cuối cùng. Để sửa soạn trước cho tâm trí của chúng ta có thể đón nhận Chúa, Đấng chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, một ngày kia sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta phải biết làm sao để nhận ra Người hiện diện nơi những biến cố của đời sống hằng ngày. Bởi thế, nói được rằng Mùa Vọng là một cuộc nghiêm huấn trực tiếp hướng chúng ta một cách dứt khoát về Đấng đã đến, Đấng sẽ đến và Đấng hằng đến”. (Nếu cần, xin quí bạn có thể xem lại bài suy niệm mang nhan đề “Làm sao để có thể nhận ra Chúa Kitô khi Người đến?”, Lời Chúa cho Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B trong trang Lương Thực Hằng Ngày cách đây 3 tuần).

“Thế rồi đến thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Thiên Sai, vị xuất hiện như ‘một tiếng kêu trong sa mạc’, rao giảng “phép rửa thống hối để được ơn tha tội” (x Mk 1:4). Đó là điều kiện duy nhất để có thể nhận ra Đấng Thiên Sai đã hiện diện trên thế giới này rồi vậy”. (Ở đây cũng thế, nếu cần, xin quí bạn xem lại bài suy niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B đang có trong Trang Lương Thực Hằng Ngày tuần này, với nhan đề “Tại Sao Tiền Hô Gioan Tẩy Giả có quyền làm phép rửa?”)
 

18/12 Thứ Tư

Sứ Điệp
Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Để Cử Hành Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2003
Hòa Bình Dưới Thế: Một Dấn Thân Liên Lỉ


1. Gần 40 năm trước đây, vào Ngày Thứ Năm Tuần Thaz1nh, 11/4/1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban hành bức Thông Điệp Pacem in Terris (Bình An Dưới Thế) đáng nhớ của Ngài. Ngỏ lời cùng “tất cả mọi người thiện chí”, vị tiền nhiệm của Tôi, vị qua đời ngay sau đó hai tháng, đã tóm tắt sứ điệp của mình vào cụm từ “bình an dưới thế” ở câu thứ nhất của bức Thông Điệp: “Bình an dưới thế, một bình an mà tất cả mọi con người ở mọi thời đại hằng mong mỏi hơn hết, chỉ có thể được thiết lập và bảo trì một cách vững vàng nếu trật tự do Thiên Chúa ấn định được phục tùng tuân giữ” (Introduction: AAS, 55 [1963], 257).

Nói về hòa bình với một thế giới chia rẽ

2. Lời lẽ được Đức Gioan XXIII viết lên bấy giờ ở vào một tình trạng hết sức lộn xộn. Thế kỷ 20 được bắt đầu với những mong đợi tiến bộ. Thế mà, trong vòng 60 năm trời thế kỷ này đã làm phát sinh hai Trận Thế Chiến, những chế độ chuyên chế tàn bạo, tình trạng nhân loại khổ đau chưa từng thấy, và cuộc bắt bớ Giáo Hội lớn nhất trong lịch sử.

Trước Thông Điệp Pacem in Terra có hai năm, tức vào năm 1961, Bức Tường Bá Linh đã được dựng nên để ngăn cách và đối địch nhau không phải chỉ ở hai phần của Thành Phố đó mà còn ở cả hai đường lối hiểu biết và xây dựng thành đô trần thế. Ở hai bên Bức Tường này là những lối sống khác nhau, được trị vì bởi những chế độ đối nghịch nhau, trong một bầu khí ngờ vực và mất tin tưởng nhau. Như biểu hiệu cho quan điểm về thế giới cũng như đời sống thực sự, Bức Tường ấy đã bao trùm toàn thể nhân loại và đã thấm nhập vào tâm trí của con người, tạo nên những chia rẽ dường như kéo dài đến vô tận.

Ngoài ra, sáu tháng trước khi bức Thông Điệp này ban bố, và ngay lúc Công Đồng Chung Vaticanô II khai mạc ở Rôma, thế giới đã tiến đến bờ vực chiến tranh nguyên tử qua Cuộc Khủng Hoảng Phi Đạn ở Vịnh Quốc Cuba. Con đường dẫn đến một thế giới hòa bình, công chính và tự do dường như bị chặn đứng. Nhiều người tin rằng nhân loại đã bị lãnh bản án sống mãi với tình trạng cẩn trọng của cuộc “chiến tranh lạnh”, không còn hy vọng gì khi thấy được là chỉ cần một tác động tấn công hay một tai biến là có thể làm bùng lên cuộc chiến tranh đại hại nhất lịch sử loài người. Những kho vũ khí nguyên tử loài người đang có trong tay bấy giờ có nghĩa là cuộc chiến tranh này sẽ tiêu diệt chính tương lai của loài người.

Bốn cột trụ của hòa bình

(còn tiếp)

 

17/12 Thứ Ba

Tòa Thánh Phê Chuẩn Bản “Những Qui Chuẩn Thiết Yếu Cần Cho Các Qui Chế Của Giáo Phận Trong Việc Hành Sử Với Những Tố Giác Về Việc Linh Mục Hay Phó Tế Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em” của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Bản Qui Chuẩn này đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phác họa từ lần họp tại Dallas vào Tháng Sáu 2002, nhưng đã được hội đồng hỗn hợp 8 vị của Tòa Thánh và HĐGM Hoa Kỳ điều chỉnh cho hợp với Giáo Luật hơn. Cuối cùng bản Qui Chuẩn điều chỉnh này đã được HĐGMHK chấp thuận trong phiên họp tháng 11 tại Washington DC ngày 13, và cũng đã được Tòa Thánh chính thức châu phê qua bức thư đề ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2002 của ĐHY Re Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, và chính thức phổ biến bằng tiếng Latinh ngày 16/12/2002. Tuy nhiên, theo ý định của HĐGMHK, bản qui chuẩn này cần phải tái xét sau hai năm thử nghiệm, do đó, việc Tòa Thánh châu phê đây cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Và ngày được HĐGMHK ấn định bắt đầu thi hành bản Qui Chuẩn này là 1/3/2003. Sau đây là nguyên văn của bức thư “phê chuẩn” (recognitio).

Kính Gửi Đức Cha Wilton D. Gregory,
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ

Kính Thưa Đức Cha,

Trong bức thư đề ngày 15/12/2002, Đức Cha đã xin Tòa Thánh phê chuẩn “Những Qui Chuẩn Thiết Yếu Cần Cho Các Qui Chế Của Giáo Phận Trong Việc Hành Sử Với Những Tố Giác Về Việc Linh Mục Hay Phó Tế Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em”, một văn kiện đã được Hội Đồng Giáo Phẩm chấp thuận ở Phiên Họp Chung của HĐGMCGHK tại Dallas ngày 13-15/6, và đã được điều chỉnh trong Phiên Họp Chung mới đây ở Washington ngày 11-14/11.

Giờ đây tôi hân hoan gửi đến Đức Cha Sắc Lệnh phê chuẩn cho “Những Qui Chuẩn Thiết Yếu” này, và cũng muốn bày tỏ một lần nữa lòng cảm nhận chân thành của tôi về mối quan tâm mục vụ và việc giải quyết được các vị giám mục Hoa Kỳ tỏ ra trong một tình trạng đáng buồn gây nên bởi những tội ác lệch lạc như vậy.

Tòa Thánh hoàn toàn hỗ trợ nỗ lực của các vị giám mục trong việc chiến đấu và ngăn ngừa sự dữ như thế. Luật chung của Giáo Hội vẫn hằng công nhận loại tội ác này như là một trong những vi phạm trầm trọng nhất do hàng thừa tác vụ thánh gây ra, và ấn định là họ phải chịu những hình phạt nghiêm thẳng nhất, đấy là chưa kể đến, nếu cần, bị loại trừ khỏi hàng giáo sĩ nữa (x Giáo Luật khoản 1395.2). Ngoài ra, trong năm 2001, ĐTC đã khẳng định là loại tội ác này phải được liệt vào số những loại vi phạm trầm trọng nhất (“graviora delicta”) của hàng giáo sĩ, Ngài nhấn mạnh đến việc Tòa Thánh hết sức buồn phiền về những hành động bội phản lòng tin tưởng tín hữu vốn có đối với những vị thừa tác viên của Chúa Kitô, nên người vấp phạm cần phải chịu trừng phạt một cách cân xứng. Đó là lý do Ngài đã ban cho Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thẩm quyền đặc biệt về vấn đề này đối với toàn thể Giáo Hội trong việc thiết định một phương thức đặc biệt cần phải tuân theo (cfr. Motu proprio "Sacramentorum sanctitatis tutela" of May 18, 2001, AAS, 93, 2001, p. 737).

Như ĐTC đã xác nhận ở một số trường hợp khác nhau là Tòa Thánh về tinh thần liên kết với những nạn nhân bị lạm dụng và gia đình của họ, và thúc giục các vị giám mục, linh mục và toàn thể cộng đồng Công Giáo phải đặc biết quan tâm đến họ. Việc gắn bó liên kết này, giờ đây, một lần nữa, được thể hiện qua việc phê chuẩn “Những Qui Chuẩn Thiết Yếu” đây, những qui chuẩn sẽ giúp phục hồi ở những nơi tín hữu cần tin tưởng vào các vị mục tử của họ, đồng thời cũng là những qui chuẩn bảo đảm cho việc bênh vực thành phần vô tội và cho việc chính đáng sử phạt thành phần vi phạm.
“Những Qui Chuẩn Thiết Yếu” này, qua khuôn khổ hiện hành của chúng, nhắm vào việc bảo vệ trẻ em một cách hiệu lực cũng như để thiết định một phương thức nghiêm ngặt và chính xác trong việc trừng phạt một cách chính đáng những ai lỗi đến những vi phạm đáng ghê tởm như vậy, vì, như ĐTC nói: “không có chỗ đứng trong hàng tư tế và tu trì cho những ai hại đến giới trẻ”.

Để bảo đảm chắc chắn những sự kiện chân thực, Những Qui Chuẩn được chấp thuận đây còn bảo vệ cả những quyền lợi bất khả vi phạm nữa, bao gồm cả quyền tự bênh vực bản thân, cũng như còn bảo đảm cả việc tôn trọng phẩm giá của tất cả những ai trong cuộc, bắt đầu từ các nạn nhân. Ngoài ra, những Qui Chuẩn này hỗ trợ nguyên tắc nền tảng cho tất cả mọi cơ cấu luật lệ là người ta cần phải được coi như vô tội cho đến khi có chứng thực tội của họ theo tiến trình bình thường hay do họ tự mình thú nhận.

Việc hiệp thông giáo hội chân thực giữa Hội Đồng Giáo Phẩm và Tòa Thánh này, một lần nữa được thể hiện nơi những tình cảnh đau thương này, thôi thúc tất cả chúng ta hãy thiết tha cầu nguyện cùng Chúa để từ cuộc khủng hoảng hiện nay phát sinh ra, như ĐTC đã nói: “một hàng linh mục thánh thiện hơn, một hàng giáo phẩm thánh đức hơn, và một Giáo Hội thánh hảo hơn” (cf. L'Osservatore Romano, 24 April 2002). Có thế, mối gắn bó hiệp thông liên kết giữa các vị giám mục với linh mục và phó tế, cũng như giữa tín hữu giáo dân với những vị chủ chiên của họ mới được kiên vững hơn nữa.

Ngoài ra, Tòa Thánh cùng với các vị giám mục Hoa Kỳ cảm thấy có một nhiệm vụ đòi buộc theo đức công bằng và lòng biết ơn trong việc tái xác nhận và bênh vực danh thơm tiếng tốt của đại đa số linh mục và phó tế đang và vẫn làm gương sáng ở chỗ các vị trung thành với những đòi hỏi sống theo ơn gọi của mình nhưng lại bị đồng bạn của mình phạm tới hay bôi nhọ một cách bất công. Như ĐTC đã nói, chúng ta không thể bỏ quên “vô vàn thiện ích về tinh thần, nhân bản và xã hội được đại đa số linh mục và tu sĩ Hoa Kỳ đã thực hiện và đang thực hiện”. Thật vậy, cần phải sử dụng những gì có thể để phục hồi hình ảnh công khai của hàng linh mục Công Giáo như là một ơn gọi phục vụ Dân Chúa, một ơn gọi phục vụ đáng giá và cao quí nhưng đầy hy sinh.

Đối với linh mục và phó tế dòng tu, tôi xin các vị đại diện trong Hội Đồng Giáo Phẩm hãy tiếp tục gặp gỡ những vị đại diện Hội Đồng Bề Trên của Nam Tu để cứu xét kỹ hơn về những khía cạnh khác nhau trong trường hợp riêng biệt của họ, và chuyển đến Tòa Thánh những thỏa thuận được hội đồng bề trên này quyết định.

Tôi xin hứa cầu nguyện cho công cuộc quan trọng của Đức Cha trong việc Đức Cha phục vụ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Chân thành trong Chúa Kitô,

ĐHY Giovanni Battista Re.
Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục
Vatican ngày 8/12/2002

 

16/12 Thứ Hai

Huấn Từ Truyền Tin về Lễ Giáng Sinh là Ngày Lễ của Gia Đình

1. Quảng Trường Thánh Phêrô đã có bầu khí Giáng Sinh. Cây Giáng Sinh, một cây vẫn được dân chúng Croatia trang hoàng và dâng tặng, đã được đặt bên cạnh máng cỏ. Nhân dịp này, một lần nữa Tôi xin cám ơn anh chị em Croatia về món quà tặng tốt lành này.

Tuy nhiên, những người đã gây nên nguồn nhiệt hứng đặc biệt chính là các con, hỡi trẻ em và giới trẻ Rôma thân mến, những người vẫn theo truyền thống hôm nay đã đến đây với những tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ của các con để được Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho. Cha trìu mến chào các con và cám ơn các con vì niềm vui của các con hợp với tinh thần vui mừng làm nên đặc tính của Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng.

Cha cũng nghĩ đến những máng cỏ do các con sửa soạn tại gia đình cúng với cha mẹ cũng như tại trường học cùng với thày cô của các con. Trong hang đá, các con sẽ đặt Hài Nhi được các con ẵm trong tay vào giữa Đức Mẹ và Thánh Giuse. Bởi thế, máng cỏ sẽ trở thành một tâm điểm của các lớp học và là trung tâm của gia đình.

Lễ Giáng Sinh trước hết là ngày lễ của gia đình, vì Thiên Chúa, được hạ sinh trong một gia đình nhân loại, đã chọn gia đình như cộng đồng đầu tiên được được tình yêu thánh hiến.

2. Nói đến gia đình Tôi hân hoan loan báo là từ ngày 22 đến 26/1/2003 sẽ có Cuộc Họp Thế Giới Về Gia Đình lần thứ bốn, một cuộc họp diễn ra tại Manila, thủ đô nước Phi Luật Tân. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Rôma vào năm 1994, Năm Quốc Tế Về Gia Đình. Ba năm sau, một cuộc họp đáng nhớ khác ở Rio de Janeiro; năm 2000 các gia đình trên khắp thế giới gặp nhau tại Rôma để Mừng Đại Năm Thánh. Cuộc họp tới đây sẽ góp phần vào việc bắt đầu lại Phúc Âm về gia đình trong ngàn năm thứ ba.

Tôi cám ơn tất cả những ai đang hoạt động để sửa soạn cho cuộc họp quan trọng ở Manila này, và Tôi hy vọng rằng con số các gia đình về tham dự đông bao nhiêu có thể. Thế giới đang cần một dấu hiệu hy vọng thực sự phát xuất từ các gia đình Kitô hữu.

3. Từ nay trở đi, Tôi xin ký thác cuộc họp thế giới này cho Rất Thánh Nữ Maria, Nữ Vương của các gia đình. Chúng tôi xin Người hãy bảo vệ các gia đình trên khắp thế giới, nhất là những gia đình đang sống trong những hoàn cảnh thật nghèo khổ và khốn khó. Chớ gì hết mọi nguyên tử gia đình có thể mở cửa cho Chúa, Đấng sẽ đến vào Lễ Giáng Sinh để mang niềm vui, an bình và yêu thương cho thế giới.

Iraq Hải Ngoại bàn chuyện hậu Saddam

Cuộc họp của thành phần Iraq hải ngoại này được bắt đầu từ hôm Thứ Bảy 14/12/2002 tại Luân Ðôn, thủ đô Hiệp Vương Quốc. Tất cả mọi thành phần tham dự viên cuộc họp hậu Saddam này đều đồng ý là phải loại trừ Saddam. Ông Hamid al-Bayati thuộc Hội Ðồng Tối Cao Cách Mạng Hồi Giáo ở Iraq (SCIRI: Supreme Council for Islamic Revolution in Iraq) nói rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng ngày giờ của Saddam đến nay đã đủ, và chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ được thấy một quốc gia Iraq dân chủ”. Ông này còn cho biết cuộc hội nghị đây có ba mục đích chính, đó là, thứ nhất, phác họa một bản hiến chương cho việc chống đối của người Iraq, thứ hai, khai triển một viễn tượng về tương lai của Iraq, và thứ ba, thành lập một ủy ban theo dõi để có thể nói lên việc chống đối của người Iraq và những thứ ích quốc lợi dân của mình.

Tuy nhiên, thành phần Iraq hải ngoại này vẫn bị phân mảnh giữa các thành phần về sắc tộc và tôn giáo, cũng như đối chọi nhau về sự án cho một chính phủ dân chủ ở Iraq. Ông Jalal Talabani, vị lãnh đạo của Khối Hiệp Nhất Dân Kurd Ái Quốc nói rằng: “Tôi nghĩ tương lai của Iraq phải là một quốc gia dân chủ, đa điện và liên bang. Sau khi lập đổ chế độ đây thì cần phải có một chế độ dân chủ công bằng cho tất cả mọi người công dân”. Vị này cho Hãng Thông Tấn Associated Press biết là “tất cả mọi người Iraq thuộc sắc chủng Shitte, Sunni, Arab và Kurd đều có mặt ở đây. Một ủy ban điều hợp sẽ được hình thành ở phần cuối của hội nghị này”, nhưng ông cho biết là việc biến ủy ban này thành “một chính phủ chuyển tiếp là một chuyện quá sớm”.

Cuộc hội nghị Luân Ðôn này đã bị trì hoãn tất cả là 3 lần vì vấn đề các đảng phái cãi cọ nhau về việc ai sẽ điều khiển cuộc hội nghị này. Khi những đại biểu đến tham dự hội nghị lần này, họ đã gặp phải một nhóm khoảng 50 người chống đối do Ðảng Cộng Sản Lao Nhân Iraq tổ chức, thành phần cũng không ưa gì Saddam song vẫn không tin tưởng vào hội nghị này.

Trong khi đó, cũng vào Ngày Thứ Bảy 14/12/2002, tại quốc nội Iraq, nhóm thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc đã lục soát một xưởng chế tạo ở miền nam thủ đô Baghdad thuộc ủy ban kỹ nghệ quân sự của Iraq. Sở dĩ xẩy ra chuyện lục soát xưởng chế tạo này là vì những vị ngoại giao Tây Phương nói rằng bản khai trình vũ khí của Iraq cuối tuần trước không cho thấy “một sự thay đổi thực sự nào nơi thái độ” đối với những thanh tra viên vũ khí và vẫn còn nhiều điều không đáng tin.

Cho đến hôm Thứ Năm 12/12/2002, số thanh tra viên đã lên đến 98 người ở thủ đô Baghdad và họ đã đến kiểm soát ở 58 địa điểm, trong đó có 10 địa điểm được hồ sơ của Hiệp Vương Quốc đề cập và phổ biến trước đây.

Bình An Giáng Sinh đối với dự án của Hoa Kỳ muốn gây chiến với Iraq

Trong Bức Thư Chung đề ngày 13/12/2002, Chúa Nhật III Mùa Vọng, Đức Cha Gerald R. Barnes, Giám Mục Giáo Phận Sanbernadino Nam California, đã liên kết các bài đọc Phụng Vụ của ngày Chúa Nhật này nói riêng và ý nghĩa Lễ Giáng Sinh nói chung với tình hình thế giới bạo loạn, nhất là với dự án Hoa Kỳ tấn công Iraq rất ý nghĩa như sau:

“Vào lúc chúng ta hướng về Giáng Sinh đây, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta hãy trở thành một gia đình duy nhất với nhau trong Thiên Chúa, chúng ta phải tôn trọng và trân quí nhau, nhất là đừng dùng võ lực để kình chống nhau. Như giáo huấn về luân lý của Giáo Hội Công Giáo thì chiến tranh chỉ chính đáng khi nó là phương tiện cuối cùng để mang lại công lý cho thế giới. Không bao giờ được xẩy ra chiến tranh nếu gây ra các sự dữ lớn hơn là sự lành cần phải chiếm đạt. Dĩ nhiên sự lành đây là sự lành công lý, thế nhưng sự dữ có thể là chết chóc, là hủy diệt, là tình trạng bất ổn giữa các quốc gia, là những bất mãn và hận thù.

“Cuộc họp của chúng tôi tháng vừa qua ở Washington DC, các vị giám mục Hiệp Chủng Quốc đã phổ biến một lời phát biểu liên quan đến ‘những chọn lựa hệ trọng về chiến tranh và hòa bình’ thách đố ‘quốc gia của chúng ta, nước Iraq và thế giới’; và cống hiến ‘những nguyên tắc đạo lý và các qui chuẩn luân lý cần phải chi phối những chọn lựa quan hệ này’. Trong lời phát biểu này, chúng tôi đã kết luận thế này: ‘căn cứ vào những dữ kiện biết được, chúng tôi vẫn thấy rằng khó mà biện minh cho được việc sử dụng chiến tranh chống Iraq, vì thiếu chứng cớ rõ ràng và đầy đủ về một cuộc tấn công trầm trọng lập tức’.

“Ban sáng tôi thường chỗi dậy với nỗi lo âu về cái nguye hiểm của việc chúng ta bắt đầu nhúng tay vào cuộc chiến, nhất là ở Trung Á nơi dân chúng không biết gì khác ngoài tình trạng khốn khổ và thiếu thốn. Chúng ta cần phải khoác lên nhân dân Iraq một khuôn mặt con người. Lời phát biểu của chúng tôi đã tuyên nhận: ‘sự sống của những con người nam nữ và trẻ em Iraq phải được trân quí như chúng ta đối xử với sự sống gia đình và nhân dân ở xứ sở của chúng ta’.

“Trong lời phát biểu này, các giám mục chúng tôi đã mời gọi ‘đặc biệt người tín hữu giáo dân Công Giáo, thành phần có nhiệm vụ chính trong việc biến đổi lãnh vực xã hội theo chiều hướng Phúc Âm, hãy tiếp tục nhận thức để làm sao có thể sống trọn vẹn nhất ơn gọi của mình là trở thành những chứng nhân và tác nhân cho hòa bình và công lý (Sách Giáo Lý số 2442). Chúng ta cần phải thoát khỏi cái tinh thần oán hận cũng như cần phải hoạt động cho hòa bình và hòa giải…”

15/12 Chúa Nhật

Kinh Mân Côi có thể góp phần vào việc đại kết

Đài Phát Thanh Vatican vừa tường trình cho biết giáo sư Stephan Tobler ở Đại Học Tubingen Đức Quốc, một thần học gia Tin Lành cải cách đã phát biểu thế này về Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002 vừa qua như sau:

 “Tôi phải nói rằng tôi đã cố gắng đọc bức tông thư này. Đây là một bức tông thư có một chiều sâu về linh đạo và thần học tôi không ngờ, một bức tông thư có một bầu khí của chiều kích phúc âm làm tôi hết sức bỡ ngỡ. Bức thư này nói rằng cần phải tái lập lại kinh mân côi như là một kinh nguyện Kitô học. Bức tông thư này quả thực đã làm như vậy từ hàng chữ thứ nhất đến hàng chữ cuối cùng”. Khi bản văn mở đầu là “ân sủng Đức Maria ban cho chúng ta khi chúng ta cầu xin Người”, bản văn này nói về ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta hầu như từ bàn tay của Đức Maria, “nhưng bằng một ‘cái hầu như’ như thể nói rằng Người ‘là và không là’. Bởi thế, theo ý nghĩa ấy, bản văn đã đi theo chiều hướng Thiên Chúa Ba Ngôi, một chiều hướng tôi thấy gần gũi với cảm nhận của những Người Cải Cách, thành phần cảm nhận được nhân vật Maria, chỉ khi nào nhân vật này không quay mắt khỏi Chúa Giêsu, Thánh Linh và Chúa Cha. Tôi nghĩ rằng các cộng đồng Cải Cách có thể tái nhận thức Đức Maria như hình ảnh của một con người hoàn toàn hướng về Thiên Chúa bằng lời ‘xin vâng’ của Người, bằng lời ‘hãy làm theo những gì Ngài bảo’, bằng việc Người đứng dưới chân cây thập giá, bằng việc Người thinh lặng nơi các môn đệ. Trong bức tông thư này, ĐGH nhấn mạnh rằng kinh mân côi, không phải chỉ là một kinh nguyện theo ngôn từ mà là một việc chiêm niệm mầu nhiệm. Chắc hẳn ngày nay cảm thức và sự tìm cầu chính yếu là tái khám phá chỗ đứng của con tim, nơi tâm hồn chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa đồng thời cũng là nơi có thể thực hiện điều ấy. Theo truyền thống của mình, chúng ta phái tái nhận thức những đường lối tương đương, những gì là tương tự như vậy. Tôi tin tưởng rằng nếu người Công Giáo cầu kinh mân côi như được đề ra trong bức tông thư này, và nếu những người tin lành nhìn nhận và tái nhận thức một cách vô tư cách thức quan niệm mới về kinh mân côi này thì nó sẽ trở thành một cơ hội thuận lợi. Thế nhưng, chúng ta phải nắm lấy cơ hội này mới được”.

ĐTC gặp Tổng Thống Singapore và Tổng Thống Do Thái cùng một ngày

Ngày Thứ Năm 12/12/2002, Tổng Thống Singapore Sellapan Ramanathan Nathan đã bàn với ĐTC về nhu cầu cần phải đối thoại liên tôn như là một việc hỗ trợ cho vấn đề hòa bình thế giới. Sau khi được triều kiến riêng với ĐGH, vị tổng thống này đã gặp ĐTGM Jean-Louis Tauran, Bột Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh. Theo văn phòng báo chí của tòa thánh cho biết: “những cuộc trao đổi này đã tạo cơ hội trao đổi ý kiến về tình trạng liên hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội và nước này, cũng như về những hoạt động hợp tác về những vấn đề luân lý… (về) nhu cầu cần phải trung thành trao đổi liên tôn như là một việc đóng góp xây dựng hòa bình và sự bền vững nơi miền này cũng như trên thế giới”. Đa số trong 4.4 triệu dân của quốc gia này hoặc theo Phật Giáo hay Lão Giáo. Hội Giáo chiếm 14.9% và Kitô Giáo 12.8%. Trong số 151 ngàn người Công Giáo có 30 giáo sĩ, 67 linh mục triều, 59 linh mục dòng, 216 nữ tu, 47 trung tâm giáo dục và 10 trung tâm bác ái.

Vị tân tổng thống Do Thái là Katsav sinh năm 1945 ở Iran và theo gia đình về Do Thái năm 6 tuổi. Vị tổng thống này đã từng giữ chức quyền vị Đảng Likud ái quốc năm 1977. Ông đã từng là Bộ Trưởng Lao Động và Xã Hội Vụ, và Bộ Trưởng lo cho thành phần thiểu số Ả-Rập và Do Thái. Theo Đài Phát Thanh Vatican, vị tổng thống này cho thấy hướng về những thành phần thiểu số chủng tộc và tôn giáo. Vị tổng thống này là vị tổng thống Do Thái đầu tiên viếng thăm ĐTC và được ĐTC nói là Thánh Địa sẽ được hưởng bình an nếu dân Do Thái và Palestine biết cộng tác với nhau.

Vị tổng thống Do Thái cũng gặp cả ĐHY Quốc Vụ Khanh Sodano và Đức Ông Pietro Parolin, tân phó thư ký của bộ ngoại giao. Theo văn phòng báo chí của Tòa Thánh thì trong những cuộc gặp gỡ này, vị trí và vai trò của Tòa Thánh một lần nữa được lập lại cùng vị tổng thống này, đó là vị thế thiên về “việc hiện hữu và hợp tác giữa hai nước Do Thái và Palestine, cần phải tiến đến chỗ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang xẩy ra”. Văn phòng này còn cho biết ĐTC Gioan Phaolô II và các vị giúp việc cho Ngài đã kêu gọi vị tổng thống Do Thái này cho “phép đi lại tự do ở Bêlem vì những cuộc cử hành Giáng Sinh sắp đến”. Theo Hãng Thông Tấn Reuter, căn cứ vào lời phát biểu của Tòa Lãnh Sự Do Thái thì vị tổng thống Do Thái đã hứa với ĐGH là quân đội Do Thái sẽ rời Bêlem vào dịp lễ Giáng Sinh nếu không có “những báo động về hoạt động của khủng bố”. Những toán quân đã tái chiếm đóng Bêlem thuộc quyền Palestine 3 tuần trước sau cuộc tự sát khủng bố sát hại 11 người Do Thái ở chiếc xe buýt Giêrusalem. Là Bộ Trưởng Du Lịch, vị tổng thống này đã được gặp ĐTC lần đầu tiên. Trước khi Do Thái và Vatican có liên hệ ngoại giao với nhau vào ngày 30/12/1993, ĐTC đã tiếp một số vị lãnh đạo chính quyền và bộ trưởng.

Theo tin của CNN thì một nguồn tin cho biết Do Thái “sẽ hoàn toàn cho tất cả những người khác được đến Bêlem để cử hành Lễ Giáng Sinh”. Riêng vị lãnh đạo của Khối Palestine là Arafat nếu cố tình muốn đến dự lễ ở đây, “chúng tôi sẽ tự do xông vào khu vực của ông ta để bắt giữ tất cả những tay khủng bố trong đó”. Năm ngoái, quân đội Do Thái đã canh giữ không cho Arafat đi đâu khỏi khu vực của ông ở Ramallah, Tây Ngạn, sau cuộc ôm bom tự sát khủng bố ở Giêrusalem và Haifa. Bộ Nội Các An Ninh Do Thái không cho phép Arafat, một tín đồ Hồi Giáo, rời khỏi khu vực của mình để dự lễ nửa đêm ở Bêlam, vì Thẩm Quyền Palestine không chịu giam giữ 4 tay háo chiến chịu trách nhiệm về vụ Tháng 10/2001 sát hại Bộ Trưởng Du Lịch của Do Thái là ông Rechavam Ze’evi. Đó là lần đầu tiên xẩy ra vụ cấm đoán này từ khi Bêlem được trao cho thẩm quyền Palestine theo các khoản của hiệp ước hoa bình tạm thời năm 1995. Đối với chính quyền Do Thái thì Bêlem, nơi được Kitô hữu tin tưởng Chúa Kitô giáng sinh ở đó, “đã từng là một trung tâm của những cuộc khủng bố tấn công”.