Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Hiện Thế là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần giữa thế giới ngày nay, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội cũng như với thế giới. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Hiện Thế Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 17-23/11/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 11
 

Ý Chung: Xin cho các người nam nữ góa bụa thường cảm thấy cái đớn đau của cảnh lẻ loi cô độc được tìm thấy niềm an ủi và nâng đỡ nơi cộng đồng Kitô hữu”.

Ý Truyền Giáo:
“Xin cho Kitô hữu biết tích cực tham gia vào việc hăng say truyền bá Phúc Âm qua các phương tiện truyền thông xã hội”.

 

___________________________________________

 

 

23/11 Thứ Bảy

Vấn đề lớn nhất của Ý Quốc là vấn đề có quá ít trẻ sơ sinh

Vào Thứ Năm 21/11/2002, ngày kết thúc khóa họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Ý, ĐHY chủ tịch là Camillo Ruini đã nhấn mạnh đến nạn khủng hoảng về nhân số sinh ở Ý, một vấn đề mới bắt đầu được lưu ý, thậm chí bởi cả thành phần cho tới gần đây vốn không quan tâm gì đến tầm quan trọng của vấn đề này cả. ĐHY nhận định rằng: “Nếu không thay đổi chiều hướng thì trong vòng một thời gian ngắn thôi tình trạng xuống dốc này của xứ sở sẽ gây ra bởi việc suy giảm nhân số sinh”.

Theo Viện Thống Kê Ý Quốc thì trung bình ở Ý năm 2001 mỗi phụ nữ sinh 1.25 đứa con với 544.550 em bé được sinh ra, trong khi đó vào năm 1970 là 2.43, với 901.472 em bé vào đời.

ĐHY chủ tịch nhận định thêm nạn nhân số sinh này “không phải là một vấn đề chỉ xẩy ra ở Ý mà còn cả ở Âu Châu nữa”. ĐHY tiếp: “Nếu chúng ta tìm kiếm an ninh trên mặt đất này là chúng ta đang tìm kiếm một cái không thể nào xẩy ra được. Con người phải chấp nhận sống một cuộc sống bất an trên mặt đất này vì nó bao giờ cũng lệ thuộc vào những điều kiện về vật chất, những điều kiện có thể được khoa học và kỹ thuật soi chiếu nhưng trong một số giới hạn nào đó”. Theo ĐHY thì việc “tìm kiếm an ninh trên thế giới này” là một điều tự nhiên theo bản tính loài người, “thế nhưng khi nó trở thành một yếu tố chủ yếu thì nó bị biến thành một yếu tố sâu xa gây ra tình trạng suy đồi của một nền văn minh tự khép kín. Lòng tin tưởng vững chắc trong cuộc sống có thể do bởi nhiều động lực, kể cả ở nơi những người vô tín ngưỡng nữa. Thế nhưng, dĩ nhiên nó phải là thái độ của thành phần tín hữu, thành phần tin vào một Vị Thiên Chúa, Đấng cầm giữ vũ trụ này trong lòng bàn tay của Ngài” và khiến con người có thể “chấp nhận cái liều lĩnh của cuộc sống”.

Vấn đề khủng hoảng về nhân số sinh này cũng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề cập tới trong bài diễn từ của Ngài tại Quốc Hội Ý Thứ Năm 14/11/2002. (Xin xem toàn bài diễn từ này trong Phần Giáo Hội, Mục Theo Vị Chủ Chiên, Trang Mục Vụ Ngoại Giao).

TC tiếp nhận vị tân lãnh sự Haiti

Vị tân lãnh sự Haiti này là ông Carl Henri Guiteau, 51 tuổi, đã từng là phụ tá tổng giám đốc các trường trung học toàn quốc. Nước này là nước nghèo nhất ở mạn Tây Bán Cầu, nhưng cũng đã được ĐTC viếng thăm vào năm 1983. Trong bài diễn từ của mình, ĐTC chia sẻ với vị tân lãnh sự đại diện nước này như sau:

“Để loại trừ những căn nguyên sâu xa gây ra tình trạng nghèo khổ và thất vọng, để mang lại cho con người phẩm giá chính yếu của họ, là một thánh vụ đối với tất cả mọi quốc gia, nhất là đối với những ai cai trị quốc gia. Theo chiều hướng này thì vấn đề đặc biệt quan trọng là việc thực hiện những quyết định về chính trị nơi vai trò lãnh đạo phải lấy thiện ích và việc phục vụ nhân dân Haiti làm mục tiêu của mình, không để cho mình bị chi phối bởi những thứ lợi lộc riêng tư hay kín đáo là những gì gây thiệt hại cho hoạt động tốt đẹp của các cơ cấu tổ chức cũng như kéo dài tình trạng bất quân bình”. ĐTC khuyến khích sử dụng “tất cả mọi đường lối thể hiện cũng như tất cả mọi sáng kiến có thể giúp cho nhân dân Haiti xây dựng xứ sở của họ và phát triển trên những con đường của một niềm hy vọng mới”.

Tòa Thánh gửi sứ điệp cho Hồi Giáo trong dịp kết Mùa Lễ Ramadan

Thứ Sáu 22/11/2002, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, ĐTGM Michael Fitzgerald, người Hiệp Vương Quốc, tân chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, đã phổ biến sứ điệp đề ngày 31/10/2002 gửi tín đồ Hồi Giáo dịp chấm dứt Mùa Lễ Ramadan của họ. Mùa Lễ Ramadan của Hồi Giáo rời vào tháng thứ chín hằng năm theo lịch của Hồi Giáo, một tháng tín đồ Hồi Giáo phải giữ chay tịnh, như người lớn không được ăn uống, hút thuốc và giao hợp từ bình minh cho tới chiều tà. Chủ đề của sứ điệp này là “Tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo và Những Con Đường Hòa Bình”. (Xin xem nguyên văn sứ điệp được viết bằng tiếng Pháp này trong Phần Giáo Hội, Mục Theo Vị Chủ Chiên, Trang Ngoại Giao Mục Vụ khi được thông báo ở “Các Bài Mới Trong Tuần”)
 

22/11 Thứ Sáu

ĐTC ban huấn từ cho các Nghị Viên tham dự Đại Hội của Thánh Bộ Về Giáo Hội Đông Phương

"Thật vậy, mỗi một cộng đồng giáo hội riêng biệt không được thu mình vào việc nghiên cứu những vấn đề nội bộ của mình mà thôi. Trái lại, họ phải hướng về những chân trời rộng lớn của việc tông đồ hiện đại nhắm đến con người của thời đại chúng ta đây, nhất là đối với giới trẻ, với người nghèo và thành phần ‘xa lìa’

Ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Thứ Năm 21/11/2002, ĐTC đã gặp 65 vị đại diện tham dự đại hội này. Trong huấn từ của mình, ĐTC đề cập đến ba vấn đề, đó là vấn đề hoạt động của Thánh Bộ này trong 4 năm qua, việc chọn lựa các vị giám mục cho các Giáo Hội thượng và tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương.

Về vấn đề thứ nhất, Ngài nhấn mạnh là “vấn đề ưu tiên về việc thánh bộ này canh tân phụng vụ và giáo lý cũng như huấn luyện các phần tử khác nhau của Dân Chúa được nhắm vào những ứng viên lãnh nhận chức thánh và sống đời tận hiến”.

Về vấn đề thứ hai, vấn đề về cách thức chọn lựa giám mục, ĐTC nói: “Tôi lấy làm vui mừng cứu xét những dự thảo của Qúi Huynh về những qui chuẩn hiện hành của Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương. Dù sao đi nữa, khi Tòa Thánh biết được có những khó khăn trong việc áp dụng những qui chuẩn giáo luật này thì Tòa Thánh sẽ làm hết sức để giúp vào việc thắng vượt những khó khăn ấy bằng một tinh thần tích cực hợp tác”.

Về vấn đề thứ ba, vấn đề về tình trạng của Giáo Hội Đông Phương và những chiều hướng canh tân mục vụ của các Giáo Hội này, ĐTC chia sẻ Ngài đã quá biết những khó khăn các cộng đồng Đông Phương này gặp phải ở nhiều nơi: “với một số ít người, thiếu phương tiện, bị cô lập, và là một cộng đồng thường gặp trở ngại trong vấn đề chăm sóc mục vụ về giáo dục và bác ái một cách yên hàn và hiệu nghiệm. Thêm vào đó lại còn liên tục xẩy ra việc di tản sang Tâp Phương của các phần tử có khả năng nhất nơi các Giáo Hội. Và phải nói sao về nỗi khổ đau xẩy ra ở Thánh Địa cũng như ở các quốc gia Đông Phương khác, nỗi khổ đau quằn quại trong một cơn lốc nguy hiểm dường như không thể chấm dứt? Chớ gì Thiên Chúa chấm dứt trần cuồng phong bạo lực này sớm bao nhiêu có thể!”. ĐTC đã kêu gọi hòa bình qua sự cầu bầu của Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, Vị “đã sống nhiều năm ở Tây Phương và đã yêu quí các Giáo Hội Đông Phương rất nhiều… Chớ gì Ngài cũng cầu bầu để các Giáo Hội này không tự giam hãm mình nơi những lối đường của quá khứ cũng như để các Giáo Hội ấy cởi mở trước một viễn ảnh mới tích cực, như chính Ngài đã mong muốn theo chiều hướng khôn ngoan hòa hợp giữa tân thời và truyền thống ‘nova et vetera’. Thật vậy, mỗi một cộng đồng giáo hội riêng biệt không được thu mình vào việc nghiên cứu những vấn đề nội bộ của mình mà thôi. Trái lại, họ phải hướng về những chân trời rộng lớn của việc tông đồ hiện đại nhắm đến con người của thời đại chúng ta đây, nhất là đối với giới trẻ, với người nghèo và thành phần ‘xa lìa’”. ĐTC cũng xin Mẹ Maria gìn giữ che chở phần tử của các cộng đồng Đông Phương từ Trung Đông đến Phi Châu và từ Âu Châu đến Ấn Độ này (với 5 truyền thống chính là Alexandria, Antiochia, Armenia, Chaldean và Constantinopoli), “nhất là những cộng đồng ở Thánh Địa và Iraq, những cộng đồng đang trải qua những giây phút khốn khó đầy những đau thương”.

Hài Tích Thánh Thérese Hài Đồng Giêsu đến Iraq

Thứ Tư 20/11/2002, hài tích Thánh Nữ Thérese Nhỏ đã được chính thức tiếp nhận bằng một Thánh Lễ ở Vương Cung Thánh Đường Chaldean Thánh Giuse với sự tham dự của mấy trăm người Công Giáo Iraq. Sở dĩ có biến cố này là do lời yêu cầu của ĐTGM Jean Seligman, vị lãnh đạo những người Công Giáo ở Baghdad theo lễ nghi Latinh, hai ngày trước khi Kitô Hữu Iraq tổ chức Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình vào Thứ Sáu 22/11/2002. Hài tích của vị nữ thánh tiến sĩ người Pháp này được mang từ Lêbanon sau hai tháng rưỡi ở đó và sẽ ở Iraq cho tới cuối năm 2002. ĐHY Nasrallah Pierre Sfeir, Thượng Phụ Antioch theo lễ nghi Maronites đã bày tỏ ước nguyện của mình là: “Chớ gì việc viếng thăm của hài tích thánh này đến với một Iraq đang khẩn trương và trầm trọng hãy loại trừ đi con ma chiến tranh khỏi Iraq cũng như toàn vùng đây”. Năm 2003, hài tích của chị thánh sẽ đến Mauritius, the island of Reunion, the Seychelles, Scotland và tây Ban Nha.
 

Tình Hình Giáo Hội tại Iraq

Đức tin bao giờ cũng phát triển mạnh và trở nên cứng cát qua những khó khăn thử thách. Thực tại này rất đúng với trường hợp của Giáo Hội Chính Thống Công Giáo Chaldean ở Iraq, một cộng đồng giáo hội ở trong một đất nước đã trải qua 12 năm bị quốc tế cấm vận và hiện tượng xuất ngoại của nhiều người, nhất là phải sống ở một nơi phần đông là Hồi Giáo.

Để hiểu rõ về tình hình Giáo Hội tại Iraq, cơ quan truyền giáo Fides đã phỏng vấn Đức Ông Antonio Aziz Mina, gần đây mới được bổ nhiệm phụ trách Văn Phòng của Thánh Bộ Về Các Giáo Hội Đông Phương và trong Thánh Bộ này lo riêng cho Giáo Hội Chaldean. Theo Đức Ông này thì tình hình Giáo Hội Chaldean ở đây đã thay đổi rất nhiều trên 20 năm qua.

“Giáo Hội này cũng trải qua những khốn khó như toàn thể nhân dân Iraq đang sống trong khốn cùng. Tình trạng bần cùng đã buộc nhiều người phải rời bỏ xứ sở ấy, nhất là thành phần học thức có liên hệ ở hải ngoại và có một mức độ an toàn về kinh tế”.

Việc huấn luyện trong các chủng viện bị thiếu thốn phương tiện và các linh mục. “Nhưng ơn gọi tiếp tục tăng thêm. Nói chung, khi một Giáo Hội phải trải qua khổ đau và bị áp bức thì Giáo Hội ấy càng tin tưởng vào Thiên Chúa hơn… Ngày nay, ở giai đoạn khổ đau này, họ thấy không còn sự cứu độ nào ngoài thập giá Chúa Kitô. Tôi luôn luôn bị cảm kích trước đức tin của những người Công Giáo Iraq. Họ làm chứng đức tin của họ bằng đời sống trong phạm vi được chính quyền ấn định”.

Theo đức ông này thì mặc dù bị giới hạn, mối liên hệ của Giáo Hội Chaldean ở đây với chính quyền Iraq cũng hài hòa. “Vị phó Thủ Tướng Rareq Aziz là một người Công Giáo Chaldean. Đức Thượng Phụ Chaldean là Rafael Bidawid rất được chính quyền dân sự kính trọng và quí mến; trong phạm vị chính quyền thì Ngài đại diện cho toàn thể cộng đồng Kitô giáo hiện nay ở Iraq”.

Đức Ông Philip Naji, vị biện lý của Giáo Hội Chaldean trước Tòa Thánh Vatican cũng đã cho cơ quan Fides biết rằng “Iraq luôn luôn là một quốc gia đời tôn trọng các thành phần thiểu số về tôn giáo theo Hiến Pháp qui định. Ở Baghdad giáo hội chính thống chúng tôi có 40 giáo xứ được tự do thi hành các sinh hoạt mục vụ; người ta không thể nói đến vấn đề kỳ thị ở đây. Chúng tôi sống với những người anh em Hồi Giáo một cách thân tình. Tất cả chúng tôi đầu là những người Iraq và tất cả những người Iraq chúng tôi đều phải góp phần vào thiện ích của xứ sở chúng tôi, mặc dù có những cá nhân cực bảo thủ muốn gây hận thù và chia rẽ trong các cộng đồng sống đức tin khác nhau… Mối liên hệ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo vẫn tốt mặc dù đôi khi có những trục trặc, nhất là từ khi xẩy ra tình trạng lan tràn từ từ trào lưu cực bảo thủ trong thế giới Ả Rập”.

Hiện nay toàn thể dân chúng đang sống trong lo sợ chiến tranh chống Iraq xẩy ra. Theo Đức ông Mina thì “cơ hội chiến tranh phải kể là một cái gì hết sức bất chính. Nhân dân Iraq đã thấy được hậu quả của việc cấm vận đối với các gia đình và trẻ em. Họ thiếu thốn những sản vật thiết yếu, nhất là thuốc men. Một đàng thì quá nhiều đau khổ, đàng khác dân chúng phải chịu đựng một thứ nhồi sọ qui trách cho bên ngoài tất cả mọi thứ bất công. Cuộc cấm vận trên 12 năm đã đè quá nặng nhất là trên dân chúng, thành phần phải trả giá sống còn của mình”.

Có khoảng 1 triệu tín hữu Chaldean trên thế giới, trong đó một nữa ở Iraq. Đức Rafael I Bidawid là thượng phụ ở Babylon của những người Chaldean, với sự giúp đỡ của hai vị giám mục phụ tá là Emmanuel-Karim Delly và Andraos Abouna.
 

21/11 Thứ Năm

Hôm nay, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện cho đời tận hiến.
Xin Chúa ban cho các tâm hồn dâng mình cho Chúa trong đời sống tận hiến tu trì
Luôn sống trọn ơn gọi nên trọn lành của mình,
đạt đến tầm vóc của Chúa Kitô là đầu (x Eph 4:13-15)


(Xin kính mời xem Truyện Mẹ Dâng Mình trong Mục Lễ Mẹ Trong Tháng)
 

Bài Giáo Lý thứ 58 về Thánh Vịnh: Ca Vịnh Isaia 40:
Thiên Chúa là Chủ Chiên Toàn Năng và Ân Cần

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh hôm nay trích từ Sách Tiên Tri Isaia (40:10-17) an ủi dân chúng bằng lời hứa hẹn cho họ được trở lại Giêrusalem, và tôn tụng những kỳ công của một Vị Thiên Chúa toàn năng và toàn tri. Bài ca vịnh này diễn tả Chúa như một vị chủ chiên, Đấng chẳng những chăn dắt chiên của mình mà còn ân cần đồng hành với chúng, dưỡng nuôi chúng và chăm sóc chúng.

Đối với vị “Thiên Chúa của Yến-Duyên” thì các dân nước và các hải đảo xa xăm chẳng khác gì “một giọt nước trong bầu” hay “hạt bụi trên đĩa cân” (Is 40:15). Tuy nhiên, như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa là Đấng nắm giữ tất cả mọi sự trong lòng bàn tay của Ngài cũng là Vị Chúa được sinh ra trong máng cỏ khó hèn. Chúng ta cúi mình cung kính tôn thờ trước nhan Người.

(Xin xem toàn bài giáo lý cuối tuần trong Phần Giáo Hội, Mục Giáo Lý Hằng Tuần, bài 58)
 

Đoạn Diễn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II tại Quốc Hội Ý Thứ Năm 14/11/2002, một đoạn về gia đình có thể là đoạn đã tác động làm cho một người đầu thú, chấp nhận sự thật về con người mình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

“Ở vào thời điểm thường xẩy ra những đổi thay sâu xa, lúc mà kinh nghiệm quá khứ dường như càng ngày càng lỗi thời thì con người càng cần phải được huấn luyện vững chắc hơn bao giờ hết. Thưa Tôn Vị Đại Diện nhân dân Ý Đại Lợi, đây cũng là một kỷ nguyên cần phải có sự hợp tác rộng rãi hơn nữa để bảo đảm thực hiện việc trợ giúp đầy đủ cho những trách nhiệm chính yếu của các bậc làm cha làm mẹ. Việc dạy dỗ về trí thức cũng như việc giáo dục về luân lý cho giới trẻ đối với tất cả mọi người phải là hai ‘đường lối’ thiết yếu trong những năm phát triển quan trọng của chúng, trong việc cải tiến chúng, trong việc mở rộng chân trời tâm trí cho chúng cũng như trong việc giúp chúng sửa soạn chạm trán với thực tế của cuộc đời.

“Con người nam nữ sống cuộc sống con người chân chính là nhờ ở văn hóa. Qua văn hóa họ thấy được hữu thể thực sự của mình và đi tới chỗ “chiếm hữu” bản thân mình hơn nữa. Một người biết suy nghĩ hiểu được một cách rõ ràng là tầm vóc nhân bản của con người là ngôi vị họ là hơn là những gì họ có. Giá trị nhân bản của mỗi một cá nhân con người trực tiếp và chính yếu liên quan đến cái là chứ không phải đến cái có. Vì lý do này mà quốc gia nào quan tâm đến tương lai của mình thì cổ võ việc phát triển những trung tâm học hỏi trong một bầu khí tự do, và hết sức nỗ lực để cải tiến phẩm chất của những trung tâm ấy, chặt chẽ hợp tác với gia đình và tất cả mọi cơ phận trong xã hội, như thực sự đang xẩy ra ở hầu hết các xứ sở ở Âu Châu.

“Cũng không kém phần quan trọng đối với việc huấn luyện con người đó là một bầu khí luân lý chi phối các liên hệ xã hội, một bầu khí mà hiện nay đang bị các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề một cách trầm trọng; cái thách đố này là mối quan tâm đối với hết mọi cá nhân cũng như gia đình, nhất là đối với những ai mang những trách nhiệm chính yếu về chính trị và pháp chế. Về phần mình, Giáo Hội sẽ không bao giờ thôi thi hành sứ vụ giáo dục vốn thuộc về bản tính của mình trong lãnh vực này”.

(Xin xem trọn bài diễn từ này cuối tuần này trong Phần Giáo Hội, Mục Theo Vị Chủ Chiên, Trang Mục Vụ Ngoại Giao, Bài 16)

Mật Hàm của Tòa Thánh cho thấy Việc Giáo Hội Chống Lại Chế Độ Nazi

Theo Màn Điện Toán Zenit ngày 15/11/2002 cho biết, trước khi Tòa Thánh quyết định mở mật hàm cho công chúng được tự do tham khảo thì, từ Tháng hai, màn điện toán này đã thấy được những văn liệu chứng tỏ Tòa Thánh tỏ ra chống lại chế độ Nazi cùng với những cuộc bắt bớ Giáo Hội phải chịu trong thời Hitler. Những văn liệu này hoàn toàn liên quan đến những liên hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Nước Đức trong khoảng thời gian 1922-1939 dưới giáo triều Đức Piô XI. Những văn liệu này ở hai công hàm: Mật Hàm Tòa Thánh Vatican (The Vatican Secret Archive) và Công Hàm Quốc Vụ Khanh Vatican (The Archive of the Vatican State Secretariat).

Các văn liệu này hầu hết chứa đựng những điều hướng dẫn và thư từ giữa Tòa Thánh Vatican, Tòa Khâm Sứ và Các Giám Mục Đức. Trong việc mở công hàm cho công chúng tham khảo, Tòa Thánh Vatican cũng sẽ cho phổ biến 6CD chứa đựng những văn kiện và tên tuổi của những người đã được Giáo Hội Công Giáo giúp giữa năm 1939 và 1946, thành quả nghiên cực do Văn Phòng Tín Liệu của Tòa Thánh Vatican (the Vatican Bureau of Information), một văn phòng được Đức Piô XII thiết lập vào tháng 9/1939 với mục đích để cứu vãn và giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh. Màn điện toán Zenit đã thấy bản tường trình của Tòa Thánh Vatican năm 1948, với những dữ kiện thống kê và chứng từ về công việc do văn phòng này thực hiện.

Văn phòng này đã nhận được 9.891.487 lời yêu cầu từ các cá nhân tìm tin tức về những người bị mất và đã tìm được ít là 36.877 người. Có 16 mục tìm kiếm, khó nhất là những người bị tù đầy và những người Do Thái bị bách hại. Một người thợ may ở Boston Hoa Kỳ tên Jacob Freedman đã làm chứng cho việc làm hiệu nghiệm của văn phòng này. Theo Cuốn Niên Ký Do Thái Canada, thì câu truyện về ông này từ ngày 26/1/1940 khi ông lo lắng về số phận của người em gái và đứa cháu trai của ông đang sống ở Balan bấy giờ bị Nazi xâm chiếm. Ông ta đã viết cho Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ và Hội Hồng Thập Tự nhưng không bên nào giúp được gì cho ông. Thế rồi ông viết cho Đức Giáo Hoàng Piô XII. Mấy tháng sau, ĐHY Luigi Maglione, Vị Đại Chưởng Ấn Viện Khảo Cổ Kitô Giáo của Tòa Thánh nói với ông này rằng những người nhà của ông vẫn an toàn và mạnh khỏe ở Warsaw. Theo Cuốn Niên Ký Do Thái Canada, ông Freedman đã viết: “Tôi không diễn tả hết những gì tôi cảm thấy. Tôi lấy làm cảm kích là quí vị đã chú ý tới trường hợp của tôi trong số tất cả mọi vấn đề quan trọng quí vị cần phải quan tâm”. Ông còn thú nhận rằng đó là “một điều hay nhất, tuyệt nhất và đẹp nhất đã xẩy đến cho tôi”.
 

20/11 Thứ Tư

ĐTC gửi một sứ điệp cho cuộc họp chung của Hội Đồng Giám Mục Ý

Hội Đồng Giám Mục Ý đã họp chung đến hết Thứ Năm 21/11/2002 tại Collevalenza với đề tài “vấn đề nhân loại học”, tức là quan niệm về con người trong xã hội ngày nay và vấn đề dự thảo của Giáo Hội. Trong chương trình của mình cho thập niên tới, hội đồng Giám Mục Ý hy vọng sẽ đóng vai trò trong một “dự án văn hóa theo chiều hướng Kitô Giáo”. Trong sứ điệp của mình, ĐTC đã nói “dự án văn hóa” này phải giúp “cho việc truyền bá phúc âm hóa có một chiều kích văn hóa đậm đà và sâu sắc hơn”. Bởi thế, Đức Thánh Cha bắt đầu sứ điệp của mình bằng câu hỏi căn bản: “Con người là ai?” Liên quan đến câu trả lời cho vấn nạn ấy, ĐTC nhận định là trong xã hội có “những khuynh hướng chối bỏ hay quên đi tính chất duy nhất giữa hữu thể chúng ta với ơn gọi của chúng ta như là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Ngài nói tiếp, những khuynh hướng như vậy “ngày nay có một lực đẩy mới phát xuất từ giả tưởng cho rằng con người có thể được cắt nghĩa một cách đầy đủ bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm mà thôi”. Bởi thế, ĐTC nhấn mạnh rằng: “Vì xẩy ra điều ấy mà hơn lúc nào hết cần phải có một niềm xác tín rõ ràng và mạnh mẽ về phẩm giá bất khả vi phạm của con người, để có thể đương đầu với những nguy cơ của việc lạm dụng trầm trọng có thể xẩy ra nếu các nguồn liệu kỹ thuật được áp dụng cho con người mà không màng gì đến những mốc điểm trọng yếu và những qui tắc nhân loại học và luân thường đạo lý được in ấn ở nơi chính bản tính của họ. Hơn nữa, việc ý thức về phẩm giá ở nơi chúng ta ấy tự bản chất là nguyên tắc duy nhất để làm nền tảng xây dựng xã hội cùng với nền văn minh tình thương nhân bản thực sự, vào lúc mà các lợi lộc về kinh tế và các sứ điệp của truyền thông xã hội đang hoạt động ở một tầm mức hoàn vũ này, làm nguy hại đến cái gia sản của các giá trị về văn hóa và luân lý là những gì tiêu biểu cho sự giầu có đệ nhất của các dân tộc”.

Tác Hiệu của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Quốc Hội Ý: Một tội phạm đã ra đầu thú.

Một đầu đảng Mafia người Sicily là Benedetto Marciante, 50 tuổi, đã từng bị bản án sát nhân và tống tiền đã tự nộp mạng ở nhà tù Rebibbia hôm Thứ Năm 14/11/2002 vừa rồi sau khi nghe bài diễn từ của Đức Thánh Cha, vị luật sư của tội phạm này cho biết như thế.

Vào Tháng 5/2002, tội phạm này đã bị xử khuyết diện 30 năm tù về tội sát hại một đồng bọn Mafia khác vào năm 1982. Vào Tháng 9/2002, tội phạm này lại bị tòa xử thêm 7 năm tù nữa về những dính dáng với Mafia. Tài sản của ông đã bị tòa án ở Palermo ra lệnh tịch biên, nhưng tội phạm đã thoát thân. Sau khi nghe bài diễn từ của ĐTC, tội phạm đã gọi cho luật sư của mình mà nói ông sẽ ra đầu thú. Sau đó, tội phạm này đã cho biết là điều làm ông bị đánh động nhất là những lời Đức Thánh Cha nói về các giá trị của gia đình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

Mật Vụ Nga điều tra hoạt động của Giáo Hội Công Giáo

Kể từ khi chấm dứt chế độ Cộng Sản Nga 25/12/1991 đến nay mới có một vị linh mục Công Giáo thường xuyên bị chất vấn bởi một viên chức mật vụ FSB (KGB cũ) “để bàn đến việc ngăn ngừa khuynh hướng cực đoan tôn giáo”. Viên chức mật vụ này hỏi về hoạt động của Giáo Hội Công Giáo “đặc biệt trong vùng của Tòa Thượng Phụ Moscow”. Viên chức mật vụ này cũng hỏi tên của các giáo chức ở những học viện cao hơnthường lui tới giáo xứ Công Giáo Omsk. Viên chức này cũng chất vấn vị linh mục về tổ chức bác ái Công Giáo Đức Renovabis. Viên chức này lịch sự kêu gọi vị linh mục hãy liên lạc cho ông biết nếu ngài bị “đám cực đoan hăm dọa”, về sau đã gọi điện thoại cho ngài hằng tháng để hỏi thăm về hoạt động của Giáo Hội. Trong Tháng Chín, theo vị linh mục này cho biết, viên chức ấy đã hỏi về việc truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo phác họa như thế nào ở vùng Omsk. Vị linh mục đã phát biểu cảm tưởng của mình là: “Từ sự kiện này tôi đã hiểu được là kỷ nguyên tự do đã hạ màn”.
 

19/11 Thứ Ba

Phái Đoàn Thanh Tra Viên Vũ Khí của Liên Hiệp Quốc thi hành Quyết Định kiểm soát vũ khí Iraq

Trước khi hành sự

Trước hết, phái đoàn này gồm có hai thành phần, một là (UNMOVIC: the U.N. Monitoring, Verification and Inspection Commission) với 30 nhân viên dưới quyền lãnh đạo của ông Hans Blix người Thụy Điển 74 tuổi, và một là (IAEA: the International Atomic Energy Agency) dưới quyền điều khiển của ông ElBaradei, Tổng Giám Đốc Nguyên Tử Lực Quốc Tế người Ai Cập. Theo dự định, hai phái đoàn này sẽ tập trung ở Larnaca, nước Cyprus vào Chúa Nhật 17/11/2002, để phân phối công tác thanh tra. Công việc của họ ở Iraq sẽ được bắt đầu bằng cách mở lại các văn phòng đã được các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc sử dụng năm 1998, lắp ráp các máy điện toán cùng phòng bị các cơ sở thông tin, và sắp xếp các phòng thí nghiệm. Phái đoàn này còn sửa soạn những khoảng hạ cánh cho các máy bay trực thăng đưa họ đi khắp nơi trong nước Iraq. Một chiếc máy bay chuyên chở loại C-130 lớn mầu trắng đang chờ đợi phái đoàn ở Larnaca hop6m Thứ Sáu, 15/11.

Ở Washington, ông ElBaradei cho biết ông sẽ “không tường trình những thiếu sót nhỏ mọn hay vô ý của Iraq” nơi những ngôn từ trình báo về vấn đề vũ khí, mà chỉ “tường trình về những thái độ hay hành vi bất hợp tác hay tuân hợp của họ” mà thôi. Trong khi đó, hôm Thứ Tư, 13/11, khi được hỏi về vấn đề thế nào là “vi phạm”, Tổng Thống Bush đã cho biết dứt khoát là “chúng ta sẽ không dung túng bất cứ một lừa đảo, chối cãi hay gian trá nào, thế thôi”. Ông ElBaradei cho biết “có thể mấy cả năm trời, tùy theo chúng tôi thấy được bao nhiêu mới hoàn tất việc thanh tra vũ khí này”.

Hai vị làm đầu hai phái đoàn sẽ ở Baghdad 3 ngày để sắp xếp việc thanh tra với hàng lãnh đạo Iraq.

Trong khi đó, tờ Babel ảnh hưởng nhất của Iraq do con của Tổng Thống Saddam chủ trị, đã viết “Đồng mình và anh em của chúng ta phải biết rằng vấn đề trục trặc với chính phủ Hoa Kỳ và Hiệp Vương Quốc đồng minh của họ chưa hạ màn đâu. Có thể nó sẽ tái diễn đó”.

Còn Thủ Tướng Blair của Hiệp Vương Quốc qua truyền thông đã nói với dân Iraq là: “Một trong những lý do tôi muốn nói với quí vị hôm nay đây là để trực tiếp thông đạt đến dân chúng, vì những gì đang xẩy ra trong một tình hình như thế này là vì có những huyền thoại đang được lan truyền. Tôi đã vừa hành sử với một huyền thoại, đó là huyền thoại về những người Kitô giáo nghịch lại với những người Hồi Giáo, chứ không phải huyền thoại về Tây Phương với thế giới Ả Rập, hay về vấn đề dầu hỏa”.

Ở Washington, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld hôm Thứ Năm 14/11/2002, trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh dài cả tiếng với Infinity Broadcasting đã dự tưởng là cuộc chiến tranh với Iraq nếu xẩy ra sẽ không phải là Thế Chiến Thứ Ba: “Tôi không thể nói với quí vị là nếu cần phải sử dụng võ lực tại Iraq hôm nay đây sẽ kéo dài 5 ngày, 5 tuần hay 5 tháng, nhưng sẽ không kéo dài hơn thế… Nó sẽ không phải là Thế Chiến Thứ Ba”. Ông cho biết vấn đề sử dụng võ lực, theo tổng thống Bush nói nhiều lần là để bắt Iraq tuân hợp thế thôi. Để trả lời cho một người gọi vào phỏng vấn đặt vấn đề nếu các thanh tra viên không tìm thấy vũ khí tại Iraq như Hoa Kỳ tố giác thì sao, vị bộ trưởng này trả lời rằng: “Đó là những gì chứng tỏ cho thấy rằng tiến trình thanh tra đã hoàn toàn bị những người Iraq khống chế. Không chối cãi được rằng chế độ Iraq rất tinh khôn, họ đã mất rất nhiều giờ để dấu giếm các sự vật, phân tán các sự vật, chôn dấu dưới đất”.

Thứ Sáu 15/11/2002, ông Hans Blix, trước khi bay sang Pháp, rồi từ đó bay về Cyprus vào Chúa Nhật để sửa soạn vào Iraq Thứ Hai 18/11 như dự định, đã cho các phóng viên ở Nữu Ước biết rằng “sẽ không có vấn đề giới hạn… chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào – vào ban đêm hay trong những ngày lễ”. Về hết quả của việc thanh tra, ông Blix cho biết: “Nếu chúng tôi có thể làm sao để chiến tranh không xẩy ra thì quả thật chúng tôi rất vui. Chiến tranh và hòa bình không ở trong tay chúng tôi mà là trong tay của những người Iraq và Hội Đồng Bảo An. Chúng tôi coi nó là công việc của chúng tôi… ở chỗ bao giờ cũng liên quan đến vấn đề chứng cớ. Chúng tôi thi hành việc thanh tra. Nếu chúng tôi có chứng cớ chắc chắn cho thấy Iraq có những thứ vũ khí đại công phá chúng tôi sẽ đưa vấn đề lên bàn mổ của Hội Đồng Bảo An”. Tại Paris Pháp Quốc, tại văn phòng Bộ Ngoại Giao, vị này đã nhìn nhận việc thanh tra trước đây “đã bị mất đi uy tín vì dính dáng chặt chẽ với các tổ chức tình báo của Tây Phương”. Mặc dù ông không bảo đảm được rằng không có thám viên trong thành phần thanh tra viên của ông, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu tôi thấy ai đội hai mũ tôi sẽ xin hắn tách khỏi chúng tôi đi chỗ khác chơi”. Tờ Le Monde Pháp Quốc hôm Thứ Sáu 15/11 cho biết ông Blix nói rằng có khoảng 700 địa điểm cần phải thanh tra ở Iraq.

Sau khi Iraq khai trình đầy đủ về những chi tiết liên quan đến các loại vũ khí đại công phá vào ngày 8/12/2002 như Quyết Định 1441 của Liên Hiệp Quốc ngày 8/11/2002, bấy giờ việc thanh tra toàn diện mới bắt đầu thực hiện.

Đến Iraq

Thứ Hai 18/11/2002, sau 2 giờ bay, vào lúc 1 giờ 30 chiều địa phương (tức 5:30 chiếu ở Nữu Ước), chiếc C-130 đã chở phái đoàn 30 người của ông Blix đã tới thủ đô Baghdad của Iraq. Tại phi trường quốc tế Saddam Hussein bên ngoài Baghdad, ông Blix đã tuyên bố: “Chúng tôi đến đây với một mục đích duy nhất đó là vì thế giới muốn bảo đảm Iraq không có những loại vũ khí đại công phá. Tình hình có lúc căng thẳng nhưng đây là một cơ hội mới để chúng tôi thực hiện ở nơi đây việc thanh tra khả tín… Chúng tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể cùng nhau lợi dụng cơ hội này. Đây là một cơ hội mới và chúng tôi hy vọng rằng cơ hội này sẽ được tận dụng để chúng ta có thể loại bỏ các thứ trừng phạt. Rồi về lâu về dài chúng ta sẽ có một miền phi các thứ khí giới đại công phá ở Trung Đông”. Cuộc thanh tra 4 năm trước đây sở dĩ không thành là vì Hiệp Chủng Quốc tố cáo Iraq không chịu hợp tác và đã mở một cuộc không chiến Operation Desert Fox 4 ngày. Nhóm này sẽ bắt đầu hành sự vào ngày 27/11, cho tới cuối năm 2002 nhóm mới có đủ số người lên đến cả trăm nhân viên. Theo dự định, họ phải thực hiện việc tường trình đầu tiên cho Hội Đồng Bảo An vào ngày 27/1/2003, tức sau 2 tháng việc thanh tra bắt đầu.

Ông Blix cho biết “Chắc chắn là khó khăn trong vấn đề cố gắng tìm kiếm những chỗ ở dưới lòng đất. Chúng tôi mong có những mẹo mực của các nước hội viên chỉ cho và chúng tôi cũng có những dụng cụ tối tân còn ngon hơn cả những gì chúng tôi đã có trước đây nữa”. Ông này còn lập lại một lần nữa là ông không chấp nhận có những tham viên trong nhóm thanh tra của ông, một tố giác đã được những người Iraq và thanh tra viên cũ là Scott Ritter cho biết nhưng đạ bị Tây Phương phủ nhận.

Còn ông AlBaradei thì nói: “Chúng tôi không chấp nhận câu trả lời ‘không’. Chúng tôi phải kiểm chứng xem cái ‘không’ đó co thực sự là ‘không’ chăng”.

Sau cuộc xâm chiếm Kuwait và Trận Bão Chiến Sa Mạc, Iraq đã bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm vận về kinh tế cho đến khi Liên Hiệp Quốc kiểm chứng Iraq không có những loại vũ khí đại công phá. Tuy nhiên, nhóm thanh ra viên trước đây đã phải bỏ Iraq vào Tháng 12/1998, áp ngày Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc thả bom Iraq, đang khi xẩy ra những tố cáo cho rằng Iraq không chịu hợp tác với thanh tra viên nhưng trong đám thanh tra viên lại có thám viên.

Lần này, ngay hôm Thứ Ba 19/11/2002, sau ngày thanh ra viên đến Iraq, lại bắt đầu có những trục trặc xẩy ra bởi phía Hoa Kỳ. Ở chỗ, các viên chức Hoa Kỳ tố giác rằng Iraq tiếp tục bắn vào máy bay kiểm soát của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc trong những vùng cấm bay ở Iraq. Nhưng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Kofi Annan hôm Thứ Ba 19/11/2002 nói rằng những di chuyển của Iraq không vi phạm đến quyết định mới nhất của Hội Đồng Bảo An. Sự việc xẩy ra là hôm Thứ Hai 18/11/2002, những phòng không Iraq đã tấn công máy bay của liên minh Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc hai lần khác nhau. Để trả đũa, các cơ sở trên đất của Iraq ở miền bắc và nam thuộc vùng cấm bay đã bị dội bom.

Hai vị lãnh đạo hai phái đoàn thanh tra viên là ông Blix và ElBaradei sẽ gặp Tướng Amir al-Saadi là cố vấn của Tổng Thống Saddam Hussein vào Thứ Ba 19/11 lần thứ hai trong 24 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, Tổng Thống Bush sẽ tham dự Thượng Nghị NATO ở Prague vào Thứ Năm và Thứ Sáu (21-22/11) để tìm cách xin Khối Âu Châu này chỉ cần ủng hộ cho chính sách của ông đối với Iraq mà thôi chứ không cần võ lực của khối này. Ông cho biết nếu cần phải sử dụng đến quân sự ông sẽ tham vấn lại với các phần tử của khối này để “mọi người có thể quyết định làm cho họ cảm thấy thoải mái”.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ý Định vô cùng sâu nhiệm của Thiên Chúa được thể hiện nơi công cuộc của loài người, kể cả nơi những gì gian dối và bậy bạ nhất của họ.

Nước Qatar và Quốc Đô Vatican thiết lập ngoại giao

Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh hôm qua, 18/11/2002, đã thông báo là Tòa Thánh Vatican và nước Qatar “đã quyết định bằng một hiệp ước để thiết lập ngoại giáo với nhau”. Tòa Thánh sẽ có tòa khâm xứ ở Doha, thủ đô nước này và Qatar cũng có một tòa lãnh sự ở Rôma. Nước này là lân bang của nước Saudi Arabia. Dân số là 793 ngàn hầu hết là người Ả Rập Bedouins. Cũng có những nhân viên các nước Ả Rập lân bang và Iran, Pakistan, India và Phi Luật Tân. 1/4 dân số dưới 15 tuổi. Dồi dào dầu hỏa và khí thiên nhiên. Là hội viên của Liên Hiệp Quốc và phần tử của Khối Liên Minh Ả Rập. Gần đây Giáo Hội Công Giáo đã được chính quyền địa phương cấp cho một mảnh đất để xây trung tâm và nơi thờ phượng. Hiện nay cộng đồng Công Giáo hội họp nhau để cử hành phụng vụ mỗi tuần ở sân chơi trong nhà của một ngôi trường học Hoa Kỳ ở Doha. Thánh Lễ được cử hành bằng một số nghi lễ và ngôn ngữ khác nhau.

ĐTC gặp gỡ Các Vị Giám Mục Ba Tây thuộc Miền Đông 2 sang viếng thăm Tòa Thánh Ngũ Niên

Hôm Thứ Bảy 16/11/2002, ĐTC đã gặp các vị giám mục Ba Tây này và lên án luật cho phép phá thai. “Các thứ luật lệ dân sự, các thứ luật lệ thiên về ly dị và đe dọa sự sống bằng việc nỗ lực đưa đến vấn đề phá thai một cách chính thức, đến những vận động cho việc ngừa thai là những gì, thay vì kêu gọi truyền sinh một cách có trách nhiệm bằng phương pháp đậu thai tự nhiên, đã đưa đến việc làm triệt sản cả bao nhiêu ngàn người phụ nữ, nhất là ở miền Đông Bắc (Ba Tây), và hoạch định việc sử dụng các phương pháp ngừa thai, các thứ luật lệ hiện nay đã cho thấy những hậu quả thảm thiết nhất”. Những yếu tố như “thiếu tín liệu khách quan cũng như tình trạng mất gốc về địa dư” là nguồn gốc cho “một tiến trình phân hóa nguyên tử gia đình nơi những yếu tố chính yếu nhất của nó”. Những triệu chứng khác của vấn đề phân hóa gia đình ấy là “nỗ lực của công chúng cũng như của ngành lập pháp dân sự làm cho gia đình bình đẳng với thứ gia đình hiệp nhất theo hình thức hay công nhận những con người đồng phái tính như vậy.
 

18/11 Thứ Hai

Hôm nay là ngày các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc trở lại Iraq để thực hiện việc kiểm soát các loại vũ khí đại công phá xem có đúng như lời tố cáo của chính phủ Bush và Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair hay chăng. Sau đây là đoạn cuối của bức thư trả lời của Iraq cho bản quyết định của Liên Hiệp Quốc. (Xin xem trọn bản văn trong Mục Hội Ngộ Tâm Linh, Trang Thời Cuộc, Bài 8):

"Bởi thế, qua Ngài, chúng tôi muốn lập lại những lời này với Hội Đồng Bảo An: Đó là hãy gửi các thanh ra viên đến Iraq để nắm chắc được điều ấy, và mọi người cũng sẽ nắm chắc được điều ấy, nếu đường lối làm việc của họ được canh chừng cho hợp pháp và chuyên nghiệp, là Iraq đã không chế tạo những loại vũ khí đại công phá, hạch nhân, hóa học hay vi trùng, như kẻ gian ác nghĩ tưởng. Những điều gian dối và mưu mẹo của chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Hiệp Vương Quốc sẽ bị lộ tẩy, để thế giới thấy được rằng người Iraq chân thành và xác đáng trong lời nói việc làm ra sao. Thế nhưng, nếu những cái tráo trở của chính phủ Hoa Kỳ, những ước muốn của phong trào Do Thái Phục Quốc, những kẻ theo họ, những thứ tình báo vụ, những thứ đe dọa cùng khuynh hướng đê hèn muốn tìm cách chơi trò gây rắc rối cho những nhóm thanh tra hay một số nào đó trong họ, thì bấy giờ mầu sắc sẽ bị lẫn lộn và cái hỗn độn theo đó sẽ làm méo mó đi những sự kiện, khiến tình trạng bị đẩy vào những chiều hướng nguy hiểm là điều một người có tâm trí bình thường không muốn thấy, và thành phần này, trong đó có chính quyền của tôi, muốn làm sáng tỏ những sự tình xẩy ra. Việc điều tra và thi hành này sẽ là những yếu tố quyết liệt chứng tỏ cho thấy đó có phải là ý đồ thực sự của Hội Đồng Bảo An muốn nắm chắc là Iraq không có những loại vũ khí bị tố cáo hay chăng, hoặc tất cả chỉ là những thứ che đậy của những kẻ đứng đằng sau bản quyết định, những kẻ không ngần ngại phun ra lời vu cáo và nói lên những thứ dối trá đánh lừa công chúng trong đó có cả dân chúng của họ.

"Vậy hãy để cho những thanh tra viên đến Baghdad thi hành nhiệm vụ của họ theo luật lệ đòi hỏi, để rồi chúng ta sẽ nghe và thấy, cùng với những ai muốn nghe, muốn thấy và muốn tác hành theo trách nhiệm và quyền lợi của họ. Lời lẽ và cứ điểm cuối cùng vẫn sẽ là bản quyết định số 687 với những đòi buộc của cả vị tổng thư ký lẫn Iraq, cùng với khoản về công việc thực hiện được thỏa thuận trong bản hiệp ước có chữ ký của vị tổng thư ký tại Nữu Ước ngày 16/9/2002, cũng như lời họp báo của ông Hans Blix và ElBaradei ở Vienna ngày 30/9-1/10/2002.

"Thưa Ngài Tổng Thư Ký,

"Xin hãy thực thi các trách nhiệm của Ngài, bằng lời lẽ và khuyên can thành phần bất công là việc bất công của họ đối với những người Hồi Giáo, những người Ả Rập tín nghĩa cũng như với tất cả mọi người, sẽ gây ra những hậu quả khốc liệt, và Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng có thể làm được mọi sự. Xin hãy nói với họ rằng nhân dân Iraq hãnh diện là trung nghĩa và Mujahid (cách mạng), thành phần đã chiến đấu với chế độ thuộc địa, thực dân đế quốc xưa và xân lăng xưa kia, kể cả cuộc xân lăng của kẻ bạo tàn biết bao nhiêu năm rồi. Giá mà nhân dân dũng cảm này phải trả để bảo toàn nền độc lập, phẩm giá, những nguyên tắc cao quí của họ đã là những con sống máu, với đầy những cái bị tước đoạt và mất mát nơi kho tàng của mình, cùng với những gì họ vĩnh viễn chiếm đoạt và kỷ lục làm cho họ hãnh diện. Bởi thế, thưa Ngài Tổng Thư Ký, chúng tôi hy vọng rằng Ngài sẽ khuyên bảo những kẻ vô tri đừng đẩy sự việc tới bờ vực thăm thẳm trong việc thi hành bản quyết định này, vì nhân dân của nước Iraq sẽ không muốn sống bằng cách hy sinh phẩm giá, xứ sở, tự do hay thánh đức của họ, trái lại, họ sẽ làm cho sự sống của họ trở thành một cái giá phải trả nếu đó là con đường duy nhất trước mắt họ để bảo toàn những gì họ buộc phải bảo toàn...."
 

17/11 Chúa Nhật

Đức Thánh Cha được mời và đến thăm quốc hội Ý Quốc

Thứ Năm 14/11/2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã là vị giáo hoàng đầu tiên đến với quốc hội Ý Quốc, cả thượng viện và hạ viện, trước mặt toàn thể các vị có thẩm quyền của quốc gia này. Lọch sử của nước này đã cho thấy lý do tại sao họ không bao giờ mời giáo hoàng đến với quốc hội của họ, dù Ngài ở ngay trong nước của họ.

Việc hình thành của Nước Ý vào năm 1870 đã gây ra một mối căng thẳng trầm trọng với Tòa Thánh Vatican. Nước của Tòa Thánh chiếm hữu và Giáo Hội bất đồng với ý hệ của một số vị lãnh đạo thuộc khối liên hiệp Ý. Năm 1865, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã viết cho vị vua đầu tiên của Nước Ý là Victor Emmanuel II cho biết về tình trạng khó khăn của Giáo Hội Công Giáo trong nước này. Ở chỗ, trong số 229 giáo phận, có 108 giáo phận trống tòa. Hơn nữa, có 80 vị giám mục, trong đó có 9 vị hồng y, đã bị giam giữ, xét xử và bị án tù hay bị lưu đầy. Vào ngày 7/7/1866, tất cả mọi công nhận về pháp lý của gần 1100 dòng tu, tu hội và cộng đồng tu trì đều bị rút lại không cho nữa. Các sản vật của họ trở thành tài sản của nhà nước. Vào ngày 20/9/1870, các đoàn quân Ý chiếm cứ Nước Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tự nhốt mình ở Vatican và tuyên bố rằng mình là một tù nhân. Vị Giáo Hoàng này đã coi việc xâm chiếm tài sản của Giáo Hội là một thứ lịch sử bất công, và sợ rằng nếu không có chủ quyền về trần thế Ngài sẽ mất quyền độc lập cần thiết để thi hành công việc thiêng liêng hoàn vũ của mình. Kết quả là, vào năm 1871, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố lệnh “Non Expedit” cấm những người Công Giáo không được tích cực tham dự vào sinh hoạt chính trị của một Nước Ý liên hiệp. Nhất là họ không được bầu phiếu. Cuối cùng vấn đề đã được giải quyết bằng việc ký kết Hòa Ước Latêranô năm 1929 giữa Vương Quốc Ý và Tòa Thánh Vatican. Hòa Ước này đã hòa giải nước này với Giáo Hội Công Giáo, và bảo đảm việc tái thiết Nước Tòa Thánh, bằng việc xác định những ranh giới của Thành Vatican. Cả hai quốc gia này nhìn nhận chủ quyền của nhau, và Thế Giới Công Giáo được nhìn nhận như là một quốc giáo của Ý Quốc. Khi nhắc lại một trăm năm việc Nước Tòa Thánh bị xâm chiếm, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhìn nhận là theo lịch sử, việc xâm chiếm này đã làm cho Giáo Hội được “giải phóng” khỏi gánh nặng của quyền lực trần gian. Năm 1984, Ý Quốc và Tòa Thánh Vatican đã ký một hòa ước mới, ghi nhận Thế Giới Công Giáo không còn là một quốc giáo nữa; việc dạy tôn giáo tại nhà trường được tự do không bị ép buộc nữa. Thay vào đó là việc đóng góp tài chính cho đạo giáo được ấn định 8% lợi tức của người công dân.

Trong bài diễn từ của mình tại Quốc Hội Ý Quốc hôm nay, Đức Gioan Phaolô đã nhìn nhận là mối liên hệ giữa Ý Quốc và Giáo Hội Công Giáo “đã trải qua nhiều giai đoạn và trường hợp khác nhau, đã chịu những đổi thay và xung khắc về lịch sử. Thế nhưng chúng ta đồng thời cũng phải nhìn nhận là chính vì một chuỗi những biến cố biến loạn như vậy mà đôi khi đã mang lại những thành quả hết sức tích cực, cả cho… Giáo Hội Công Giáo lẫn cho nước Ý thân yêu”. Trong bài diễn từ thường bị gián đoạn bởi những tràng vỗ tay của tham dự viên, Đức Thánh Cha đã đụng tới những vấn đề chính yếu hiện nay ở Nước Ý cũng như trên thế giới, chẳng hạn như tình trạng khủng hoảng về dân số, những thách đố của hệ thống giáo dục, vai trò của truyền thông đại chúng, việc thương cảm đối với các tù nhân, việc gắn bó với thành phần sống bên lề xã hội, và tình trạng khủng bố báo động. Cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha đã được một số đài truyền hình trình chiếu tại chỗ. Trên 800 phóng viên báo chí đã theo dõi biến cố này ở 3 phóng báo chí. Những đại màn ảnh đã được gắn bên ngoài lưỡng viện quốc hội để dân chúng có thể theo dõi bài diễn từ của Đức Thánh Cha. (Xin xem trọn bài diễn từ lịch sử này vào cuối tuần này, trong Phần Giáo Hội, Mục Theo Vị Chủ Chiên, Trang Vụ Ngoại Giao, Bài Diễn Từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với Quốc Hội Ý Quốc).

Việc Đức Giáo Hoàng đến với quốc hội Ý và bày tỏ cảm nhận của mình đã có một tác hiệu tốt đẹp, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc hợp tác giữa quốc gia này và Giáo Hội. Giáo sư Carlo Cardia, một trong những nhà chuyên môn về giáo luật nổi tiếng đã coi việc viếng thăm này của Ngài như “một thời điểm chín mùi cho nền dân chủ của chúng ta. Nó cho thấy là những mối liên hệ với Giáo Hội không còn là một vấn đề lịch sử nữa”. Thủ Tướng Ý là ông Silvio Berlusconi cho biết: “Tôi rất lấy làm cảm động. Đó là một bài diễn từ cao quí, sáng giá, đầy mến yêu Nước Ý, một bài diễn từ đả động đến tất cả mọi đề tài tất cả chúng ta đang chia sẻ đây”. Ông Massino D’Alema, vị lãnh đạo có thế giá của phe chống đối và là chủ tịch của Đảng Tả Dân Chủ (tức Đảng Cộng Sản Ý trước đây), đã thêm như thế này: “Đối với cảm nhận của tôi là một người khuynh tả thì những vấn đề Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ra liên quan đến vấn đề đoàn kết, bần cùng, chấp nhận thành phần di dân, và giá trị của hòa bình đều có một tầm vóc quan trọng đặc biệt”. Nguyên Tổng Thống Ý là ông Oscar Luigi Scalfaro nói rằng “Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của luân thường đạo lý đối với thành phần cai trị”. Theo sử gia Pietro Scoppola thì việc hiện diện của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Quốc Hội Ý đánh dấu “một việc hòa giải hoàn toàn và vô điều kiện với những tổ chức Ý Quốc”.
 

MỚI TUẦN VỪA RỒI