Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Trong Tuần là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua nhưng sinh hoạt này. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 29/9-5/10/2002

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng Mười
 

Ý Chung: Xin cho các giáo lý viên được nâng đỡ bằng những lời cầu nguyện và việc hợp tác với các cộng đồng giáo xứ để hoàn thành một cách tốt đẹp việc tân truyền bá phúc âm hóa”.

Ý Truyền Giáo:
Xin cho các vị thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cách loan báo một cách can đảm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô giành cho kẻ nghèo”.

 

___________________________________________

 

 

5/10 Thứ Bảy

 

Diễn Tiến Về Dự Án Tấn Công Iraq sau Cuộc Họp Ở Vienna

Năm quốc gia có quyền veto trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chia rẽ nhau. Nga, Tầu và Pháp vẫn không đồng ý với Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc về giải pháp cứng tay với Iraq của Hoa Kỳ. Trong khi Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nhất định muốn Liên Hiệp Quốc phải chấp thuận giải quyết mới do họ phác họa bắt ép Iraq phải cho thanh tra tất cả mọi nơi trong nước không trừ chỗ nào, thì ba nước còn lại vẫn cứ muốn thực hiện dự án hai giai đoạn của Pháp là cứ thanh tra đã rồi nếu cần mới tiến đến biện pháp quân sự sau.

Hôm Thứ Năm 3/10/2002, vị Đại Diện Bộ Ngoại Giao Nga là Alezander Saltanov đã tuyên bố là “chúng tôi không chấp nhận những nỗ lực làm cho Liên Hiệp Quốc ra tay tự động sử dụng võ lực tấn công Iraq… Những gì mà người Đại Anh và Hoa Kỳ đã trình bày cho chúng tôi thấy chỉ làm cho chúng tôi thêm cương quyết hơn trong việc theo đúng quan điểm của mình, đó là cần phải tái tấu việc kiểm soát hay thanh tra chế độ ở Iraq, và cần phải có một giải quyết chính trị mà không cần đến việc tự động sử dụng võ lực”.

Trong khi đó, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tháng 10 của ông Mikhail Margelov, trưởng ủy ban quốc tế vụ thuộc Hội Đồng Liên Bang Nga, hình như đã cho các nghị viên quốc hội Hoa Kỳ biết lý do sâu xa của Nga trong việc Nga cương quyết chống đường lối của Hoa Kỳ về việc tự động dùng võ lực tấn công Iraq khi ông bày tỏ như sau: “Chúng tôi có những lợi lộc nơi mỏ dầu hỏa của nền kinh tế Iraq. Khi nói những lợi lộc đây tôi không có ý nói đến việc chỉ tôn trọng những hợp đồng đang hiện hành, mà còn nói đến một cơ hội cộng tác bình đẳng và hiệu quả giữa các công ty dầu hỏa quốc tế với các công ty dầu hỏa của Nga trong tương lai, nhất là trong việc cho các công ty này có quyền khai thác mỏ dầu hỏa Iraq”. Ông nói thêm, mỏ dầu hỏa của Iraq không phải chỉ được chia chác bởi một hay hai quốc gia mà “cuộc tranh đua phải được mở ra cho hết mọi người”. Ông này còn cho biết việc giải quyết nước Iraq đối với Nga có liên quan đến bốn vấn đề: thứ nhất là món nợ của Iraq đối với Nga (từ 7 đến 12 tỉ), thứ hai là dầu hỏa, thứ ba là mối đe dọa về một cuộc xung đột bùng nổ giữa người Arab và Kurdish, và thứ tư là những nhóm Hồi Giáo cực đoan sẽ lên nắm quyền sau Saddam Hussein.

Trước khi ông Saltanov tuyên bố chủ trương của Nga như rên, tổng thống Pháp Jacques Chirac và thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng đã tái xác nhận hôm Thứ Tư 2/10/2002 về việc họ chống lại sách lược sử dụng quân sự can thiệp vào vụ Iraq. Hai vị lãnh tụ này đã họp nhau ở Paris và đã tuyên bố như vậy qua vị thủ tưởng Đức mới tái cử như sau: “Chúng tôi đã xác định chủ trương của chúng tôi trước cuộc bầu cử thế nào thì sau cuộc bầu cử cũng không có gì thay đổi cả”. Cuộc chia rẽ này chẳng những đã thấy xẩy ra trước cuộc họp ở Vienna mà còn tiếp tục kéo dài sau cả cuộc họp này nữa. Tổng thống Pháp xác nhận rằng Pháp, cũng như Nga, Hiệp Vương Quốc và Hiệp Chủng Quốc, là một thành viên có quyền veto trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sẽ phủ quyết bất cứ một giải pháp nào được coi như mở đường cho Hoa Kỳ hành động quân sự không được Liên Hiệp Quốc chuẩn ưng: “Chúng tôi hoàn toàn chống lại bất cứ giải quyết nào cho phép từ lúc này có tính cách tự động can thiệp bằng quân sự”.

Tổng thống Bush hôm Thứ Tư 2/10/2002 tuyên bố là cuộc chiến với Baghdad có thể “không thể nào tránh khỏi” nếu Saddam Hussein không giải giới. Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair hôm Thứ Năm 3/10/2002 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đoàn kết chứ đừng tỏ ra những “dấu hiệu lộn xộn” nữa. Ông dám nói rằng nếu việc ngoại giao không thành công thì sẽ phải dùng võ lực để giải giới Saddam Hussein: “Nếu vấn đề này không xẩy ra một cách ngon lành thì nó phải được xẩy ra bằng võ lực… hắn không thể nào thoát được vấn đề giải giới đâu… Thế giới cần phải làm cách nào để có thể trọn vẹn, không bị trói buộc, không bị mập mờ trong việc thực hiện những dự định hủy hoại các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt của Iraq. Chúng tôi cần có một giải quyết mạnh mẽ, mới mẻ của Liên Hiệp Quốc cũng như cần thảo luận về những gì ở vào giai đoạn quan trọng đây và chúng tôi tiếp tục làm việc này. Cách thức chúng tôi đòi hỏi đây phải bao gồm cả những dinh thự của tổng thống. Chẳng có lợi tí nào cả khi để cho các thanh tra viên được đến 99% địa điểm ở Iraq trong khi các thứ vũ khí phá hoại hàng loạt thực sự lại được cất giấu… ở 1% còn lại”.

Trong khi những thanh tra viên vũ khí đã giành ngày 19/10 là ngày trở lại Iraq sau 4 năm vắng bóng, thì trưởng ban thanh tra là ông Blix đã nói với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rằng “Thật là không khéo tí nào nếu chúng ta thực hiện những việc thanh tra, rồi lại ra chỉ thị mới với những điều chỉ dẫn mới mẻ đổi thay”.

Tình trạng chia rẽ này cũng xẩy ra nơi 15 quốc gia thành viên có chân trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nữa. Syria, Mexico và Mauritius cho rằng các vị thanh tra viên vũ khí có thể bắt đầu việc của họ bây giờ theo những giải quyết đang có, những giải quyết đó là Iraq phải công bố hoạt động của họ về những thứ vũ khí hạch nhân, hóa học và sinh học trong vòng 30 ngày, và nếu Iraq không tuân theo Hoa Kỳ được quyền sử dụng “tất cả mọi phương tiện có thể” đối với Iraq. Đức lên tiếng chống lại việc sử dụng hành động quân sự.

Tổng thống Bush cảnh giác Liên Hiệp Quốc rằng LHQ được quyền “chọn lựa… để chứng tỏ mình giải quyết vấn đề” và “vấn đề chọn lựa cũng tùy vào việc Saddam Hussein giữ lời hắn nói… Nếu không có ai trong họ tỏ thái độ gì thì Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ tự ý lãnh đạo một nhóm liên minh đi tước đoạt những thứ khí giới tai họa nhất thế giới khỏi một tay lãnh đạo đồi bại nhất thế giới”.

 

4/10 Thứ Sáu


Tòa Thánh đặt 3 Câu Hỏi với Hoa Kỳ về Dự Án Tấn Công Iraq


Bản tin Zenit ngày 3/10/2002 cho hay ĐHY Roberto Tucci, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Đài Phát Thanh Vatican, vị đã đi khắp thế giới trong 23 năm qua với tư cách là người tổ chức các cuộc tông du cho ĐTC, đã kêu gọi các nhà lãnh thế giới chỉ chú trọng đến giải quyết quân sự mà không cần đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc hãy suy nghĩ đến những ngầm ý nơi hành động như vậy. Sau đây là ba câu hỏi của ngài:


“Những thẩm quyền phải đi đến chỗ quyết định 3 điều đã thẩm lượng những hậu quả sẽ gây ra cho thành phần dân sự Iraq hay chưa?


“Họ đã suy nghĩ đến sự kiện là nếu làm như vậy họ đang làm triệt tiêu thẩm quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc, một thẩm quyền duy nhất ở một nghĩa nào đó có thể giúp vào việc đạt được hòa bình phi chiến hay chưa?


ĐHY xin các nhà lãnh đạo quốc tế “suy nghĩ cẩn thận về sự kiện là một số chủ trương của Hoa Kỳ hiện đang chiếm ưu thế sẽ đưa đến hậu quả là làm cho thế giới Ả Rập tái hợp lại với nhau, bao gồm cả Hồi Giáo, khiến mãi mãi sẽ kéo dài tình trạng lan tràn việc khủng bố tấn công cũng như việc đối chọi với khủng bố.


“Chúng ta phải cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để con người biết suy nghĩ. Lý trí có vẻ xa lạ nhưng đức tin thường tăng thêm sức mạnh cho lý trí”.

 

3/10 Thứ Năm

 

Kết quả cuộc họp ở Vienna Áo Quốc: Ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc được trở lại Iraq

Sau hai ngày gặp gỡ giữa vị trưởng ban thanh tra và các giới chức Iraq, kết quả là Iraq đã đồng ý để ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc trở lại khám xét vũ khí ở Iraq ở tất cả những nơi ban này muốn tới, trừ dinh tổng thống, và ban thanh tra dự định sẽ thực hiện điều này trong hai tuần nữa, vào khoảng giữa tháng 10/2002. Vị trưởng ban thanh tra tuyên bố kết quả trên đây hôm Thứ Ba 1/10/2002, đồng thời cũng cho biết 8 khu vực thuộc vị trí của tổng thống Saddam Hussein này cần phải được trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tướng Powell, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ không muốn những thanh tra viên vũ khí trở lại Iraq trước khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua bản nghị quyết mới nêu lên những “hậu quả” xẩy ra nếu Iraq ngăn trở những nỗ lực của họ. Theo vị bộ trưởng ngoại giao này thì Iraq sẽ tiếp tục đánh lừa các thanh tra viên nếu không có một bản nghị quyết mới đề cập tới vấn đề đe dọa bằng võ lực. Ông nói, Hoa Kỳ đang chờ vị trưởng ban thanh tra này trình bày với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào Thứ Năm 4/10/2002. Một viên chức cao cấp của bộ Nội Vụ cho biết Hoa Kỳ sẽ ngăn cản việc ban thanh tra trở lại Iraq trước khi có bản nghị quyết mới. Còn tổng thống Bush tuyên bố sẽ tự mình tiến đến chỗ đẩ đẩy Saddam đi nếu Liên Hiệp Quốc không chịu ra tay hành động.

Iraq cho biết sẽ không chấp nhận những giải quyết mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cuộc họp của Bộ Nội Các Iraq hôm Thứ Ba 1/10/2002 đã đặt vấn đề về việc cần phải có giải quyết mới này. Lời tuyên bố sau cuộc họp này là: “Chúng ta nói một cách tỏ tường cùng những kẻ xấu… là nếu họ tưởng rằng tiếng trống trận họ đang đánh lên… có thể đẩy Iraq đến chỗ chấp nhượng các quyền lợi của quốc gia mình, cũng như những gì đã được bảo toàn bởi hiến chương Liên Hiệp Quốc và bởi những quyết định của Hội Đồng Bảo An hiện hành, thì họ đã nhầm rồi. Nếu họ nghĩ rằng việc gây áp lực xấu xa của họ ép Iraq chấp nhận những gì bất khả chấp, kể cả điều giải quyết mới, được nêu lên bởi áp lực của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc… thì họ lại càng nhầm to”. Nga hoan hô thành quả của cuộc họp ở Vienna. Ông Tariq Aziz, Đại Diện Thủ Tướng, đã cho biết: “Những người Hoa Kỳ đang đẩy mạnh quyết định mới có tính cách hiếu chiến là những gì cho thấy những ý đồ thực sự của họ. Tôi luôn nói rằng vấn đề Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nêu lên các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt chỉ là cái bình phong … để có thể biện minh cho cuộc tấn công bất chính của họ vào Iraq mà thôi. Nếu họ thực sự quan tâm thì họ phải tỏ ra hoan hỉ khi thấy Iraq và ông Blix đã tiến tới chỗ đồng ý tái thực hiện việc thanh tra mới phải chứ”.

 

2/10 Thứ

 

Bài Giáo Lý thứ 52 về Thánh Vịnh, Bài Ca Vịnh Isaia 26:

 

Tin Tưởng Nơi Thiên Chúa là Tảng Đá Của Đời Sống


Anh Chị Em thân mến,


Bài Ca Vịnh được thấy trong đoạn 26 của Sách Tiên Tri Isaia này cử hành cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên kẻ thú của Ngài và sự hiện diện cứu độ của Ngài nơi dân Ngài. Bài Ca Vịnh này gợi lên cho thấy hình ảnh của một thành đô kiên cố được Thiên Chúa xây dựng như một nơi trú ngụ an bình cho tất cả những ai đặt tin tưởng nơi Ngài. Giáo Hội đọc bài Ca Vịnh này như là một lời tiên tri về sự bình an của Chúa Giêsu Kitô. Việc Ngài ở giữa chúng ta nhờ tặng ân Thánh Linh của Ngài là một lời hiệu triệu hãy đặt tất cả mọi niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa và hãy tìm kiếm ơn cứu độ bằng việc tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài.

 

(Xin xem toàn bài vào cuối tuần này nơi Trang Giáo Lý Hằng Tuần trong phần Giáo Hội)

 

Hàng Lãnh Đạo Kitô Giáo Canada lên tiếng chống chiến tranh đánh Iraq


Hàng lãnh đạo Kitô Giáo Canada trong Hội Đồng Các Giáo Hội Canada đã gửi Thủ Tướng Jean Chrétien một bức thư, trong đó có những vị ký tên là ĐGM Jacques Berthelet, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada, ĐGM Seraphim ở Ottawa và Canada thuộc Giáo Hội Chính Thống Mỹ Châu, và Tổng Phó Tế Jim Boyles, tổng thư ký của Giáo Hội Anh Giáo Canada. Sau đây là nguyên văn bức thư:


Chớ Có Đánh Iraq


Ngày 25/9/2002
Trọng Kính Gửi Ông Jean Chrétien,
Thủ Tướng Canada
House of Commons
Ottawa, Canada

Thủ Tướng Chrétien thân mến:

Trong những tháng vừa rồi cũng như trong những tuần qua, đã có một cuộc chấn động mạnh mẽ nổi lên thiên về một cuộc xâm chiếm mới vào nước Iraq. Áp lực tiến đến chỗ sử dụng chiến tranh này đã tiếp tục dồn nén, bất chấp nỗ lực của nhiều người, kể cả của thủ tướng. Những tiếng trống trận nổi lên át cả luật pháp và lòng nhân ái, và dân chúng có khuynh hướng cho rằng một Cuộc Chiến Vùng Vịnh nữa sẽ xẩy ra không thể nào tránh được.

Với tư cách là những người lãnh đạo của nhiều cộng đồng Kitô hữu ở Canada, chúng tôi viết bức thư này để la lên rằng CHỚ có đi đến một cuộc chiến tranh như vậy. Đây là thời gian càng phải thực hiện việc ngoại giao hơn nữa và thực hiện những cuộc trực diện điều đình với nhau, chứ không phải là thời gian của phi đạn và bom thả. Đây thực sự là thời gian cần có nhiều quốc gia dự phần, ở chỗ, thế giới cần đến sự khôn ngoan từ hết mọi phần đất, nếu chúng ta muốn nắm vững những thành quả trọn vẹn nơi những chọn lựa đang gây thách đố cho chúng ta đây. Phải, thế giới đang phải đối diện với một tình hình nguy hiểm, ở Iraq cũng như ở toàn vùng Trung Đông. Thế nhưng, những đường lối xây dựng hòa bình phi quân sự để giải quyết những vấn đề trầm trọng này vẫn là những gì có thể nghĩ ra cũng như những gì có thể thực hiện, những gì chắc chắn đáng theo hơn là đường lối chiến tranh.

Thưa Thủ Tướng, Ngài đã có lý khi nhấn mạnh rằng chứng cớ về việc Iraq có những khí giới sinh học, hóa học hay hạch nhân và chứng cớ về việc họ có ý định sử dụng những loại khí giới này cần phải được sáng tỏ đã trước khi Liên Hiệp Quốc khôn ngoan nhúng tay vào can thiệp. Trong trường hợp có những quan tâm kỹ lưỡng nhưng cũng không chắc chắn về những sự kiện xẩy ra thì việc quốc tế thanh tra tình hình vũ khí ở Iraq là việc can thiệp thích hợp cần phải thực hiện. Việc giải quyết của Liên Hiệp Quốc trong việc liệt kê những phương tiện, thời gian hạn định và hậu quả xẩy ra nếu không chịu chấp nhận giải quyết này, cũng là việc hữu ích, miễn là nó không nêu lên những gì quá cao khiến cho Iraq thực sự không thể đáp ứng nổi những đòi hỏi của nó. Nếu thực sự lại xẩy ra như vậy thì việc giải quyết của Liên Hiệp Quốc chỉ là một cái gì che đậy chẳng những cho một cuộc xâm chiếm của nhiều nước mà còn cho một cuộc xâm chiếm bất chính nữa.

Chính quyền Iraq đã chính thức mời ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc trở lại. Có những người cho biết rằng việc mời mọc này là một thứ cò mòi vô nghĩa, và “chúng ta không cần nói đến chuyện điều đình với Saddam Hussein mà làm gì”. Chúng tôi không hiểu nổi làm sao một cuộc đại tai biến như thế có thể tránh được nếu con người không thực sự điều đình với nhau. Hơn nữa, những cuộc điều đình không thể nào mở trí mở lòng và mở ra những cơ hội được, nếu trước đó hoàn vũ này đã chia ra làm hai phe, phe lành và phe dữ, mà phe của “chúng ta” bao giờ cũng là phe lành. Một đường lối như vậy, ngoài việc đi ngược lại với cảm quan Kitô giáo về tội lỗi và ân sủng, còn bộc lộ cho thấy một cái gì kiêu kỳ chỉ đào sâu thêm hố giận dữ và hận thù. Chúng tôi tha thiết xin Chính Quyền Canada hãy nói chuyện với những phe liên hệ, và chú trọng tới việc đối xử với tất cả mọi người như đồng loại theo phẩm vị con người và các quyền lợi con người.

Một Cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh khác xẩy ra bây giờ là một điều sai lầm, trước hết, là vì dân chúng Iraq, những con người đã phải chịu quá nhiều cay cực rồi, lại phải chịu đựng cuộc chiến tranh này. Những người bạn Kitô hữu của chúng tôi ở vùng đó đã tha thiết xin chúng tôi hãy chỉ cho xã hội của chúng tôi thấy được tình trạng tan nát ra sao, gây ra bởi những biện pháp trừng phạt của quốc tế, cho vấn đề sức khỏe, giáo dục, đời sống và niềm hy vọng của hầu hết những con người nam nữ, (nhất là) trẻ em. Mới đây, cũng những người anh em Kitô hữu này cũng đã van xin chúng tôi hãy lên tiếng và tỏ thái độ chống lại một cuộc chiến tranh khác đây.

“Khi một chi thể bị đau đớn thì toàn thân cũng cảm thấy đớn đau”. Câu tâm niệm này là ngôn ngữ của Thánh Kinh, thế nhưng, ở một khía cạnh khác, nó cũng là một cảm nghiệm nhân bản nữa. Chúng ta ở Tây Phương sẽ bị phán xử, bởi những thế hệ mai hậu cũng như bởi Đấng Hóa Công của tất cả mọi người, về những thiệt hại chúng ta đang muốn nhân danh an ninh để gây ra. Cuộc trừng phạt 11 năm qua là trường hợp điển hình. Những trừng phạt này thực sự không làm suy giảm bàn tay đàn áp của chế độ Saddam Hussein. Với tác dụng trên đời sống dân sự, những việc trừng phạt này đã làm tổn thương không đúng người, tức đã làm tổn thương đến những người Iraq thường dân và vô tội. Cộng đồng thế giới đã trì trệ quá lâu trong việc hoạt động để chống lại việc thiệt hại nhân danh mình gây ra này.

Phải, sự đau khổ của những người Iraq còn nằm ở dưới cả chân của Tổng Thống Saddam Hussein và chính quyền của ông nữa. Trước khi xẩy ra những trừng phạt quốc tế thì chính sách hiếu chiến và tàn bạo của chế độ này đã làm đổ máu của dân chúng Iraq lâu rồi. Chắc chắn một điều là nhiều người Iraq đang mong mỏi và nguyện cầu cho một “cuộc đổi thay chế độ”. Thế nhưng điều đáng chú ý hơn nữa là sức mạnh của những tiếng nói phát ra từ xứ sở đó và ở miền đó lại thôi thúc chúng ta đừng mang lại một chế độ mới bằng một cuộc xâm chiếm tàn bạo từ bên ngoài.

Chúng tôi tha thiết xin Chính Quyền Canada đừng mất tin tưởng là có thể thực hiện được đường lối xây dựng hòa bình đối với vấn đề Iraq, một đường lối hợp với luật lệ quốc tế và lấy công ích của nhân dân Iraq làm ưu tiên, một đường lối có thể mang lại hoa trái, cũng như có thể thắng vượt được khuynh hướng chỉ tin tưởng vào giải pháp chiến tranh trong những cuộc điều đình quốc tế.

Cần phải thúc đẩy tất cả mọi quốc gia đi theo một đường lối như vậy đối với việc tuân theo luật lệ quốc tế và những giải quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Iraq không phải là quốc gia duy nhất vi phạm đến những điều này. Cũng cần phải nhắm đến việc làm triệt tiêu toàn vùng đó những loại vũ khí có sức tiêu diệt hàng loạt. Cần phải thực hiện việc kiểm soát việc giải giới toàn bộ này nữa, để ngăn chặn làn sóng vũ khí tràn sang các nước lân bang. Phải tái cứu xét xem có cách thức mới mẻ nào về những trách nhiệm phải đền trả áp đặt trên Iraq sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh, và để ý tới món nợ của Iraq. Xã hội Iraq cần phải có một niềm hy vọng về kinh tế, bằng không, những người Iraq sẽ không bao giờ có thể lấy lại nghị lực cần thiết để xây dựng lại xứ sở của mình cả, kể cả việc thay đổi chính quyền của họ nữa. Thế giới không được tái diễn lại những lỗi lầm của việc giải quyết đã áp đặt trên Đức Quốc sau Thế Chiến Thứ I.

Hiển nhiên vấn đề hòa bình ở Iraq cũng như ở vùng Trung Đông khách quan mà nói là một mục tiêu khó mà đạt được. Nhiều người đã có khuynh hướng đầu hàng trước thất vọng; thế nhưng, cũng có nhiều người nhất định đóng vai trò là những kẻ xây dựng hòa bình. Đó là những người xây dựng hòa bình, thành phần đặc biệt được gọi là con cái của Thiên Chúa. Thế giới được tạo dựng nên để sống hòa bình, chứ không phải để đánh nhau. Đây là niềm xác tín của đức tin. Để sống bằng niềm tin này – để hành động về phương diện chính trị căn cứ theo chân lý của niềm tin này – sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái.

Bài Thánh Vịnh (72) mà Canada đã lấy làm tâm niệm cho quốc gia mình (A mari usque ad mare) nhìn nhận thực tại đối chọi và xung khắc trong một thế giới mà “kẻ yếu và kẻ nghèo” cần phải được giải thoát “khỏi áp bức và bạo lực”. Bài Thánh Vịnh kêu gọi một vị lãnh đạo mang lại hòa bình mà trong triều đại của ngài, công lý sẽ nở hoa và hòa bình kéo dài cho đến khi mặt trăng không còn nữa…

Thưa ông Chrétien, chớ gì ông và các quí vị cộng tác với ông làm trổ sinh hoa trái nơi công cuộc xây dựng hòa bình cao quí và nếm hưởng được những phúc ân giành cho những ai xây dựng hòa bình.

 

1/10 Thứ Ba


Một Số Bổ Nhiệm Mới tại Tòa Thánh Vatican


Thứ nhất là chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Francis Arinze giữ chức vụ này thay cho ĐHY Jorge Arturo Medina Estévez, vị đã về hưu vào Tháng 12 năm vừa rồi khi được 75 tuổi. ĐHY Arinze là người Nigeria, trở lại Công Giáo năm 9 tuổi, (mẹ ngài cũng trở lại Công Giáo khi ngài đang học thần học, và cha ngài trở lại sau khi ngài đã làm linh mục), làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Negeria từ năm 1979 tới năm 1984, năm ĐTC Gioan Phaolô bổ nhiệm ngài làm chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, và được thăng Hồng Y ngày 25/5/1985.


Thứ hai là chức vụ chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, thay ĐHY Arinze, cũng đã được ĐTC bổ nhiệm ĐGM Michael Louis Fitzgerald, 65 tuổi, vị đã được ĐTC thăng lên phẩm vị TGM.


Thứ ba là chức vụ chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình, thay ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận vừa qua đời ngày 16/9/2002, đã được ĐTC bổ nhiệm ĐTGM Renato Martino 69 tuổi, vị đang đóng vai trò quan sát viên thường trực của Tòa Thánh với Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. ĐTGM này đã hoạt động 40 năm trên khắp thế giới trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh, trong đó có 16 năm tại Liên Hiệp Quốc. Ngài đã tham dự những cuộc hội nghị quốc tế như hội nghị về việc phát triển khả thủ ở Rio de Janeiro năm 1992, hội nghị về dân số ở Cairo Ai Cập năm 1994, hội nghị về nữ giới ở Bắc Kinh Trung Cộng năm 1995, và hội nghị về việc phát triển khả thủ mới đây ở Johannesburg. Kỷ niệm nhớ nhất của ĐTGM này trong những năm ở Liên Hiệp Quốc, như ngài đã thuật lại cho Màn Điện Toán Zenit ngày 9/1/2000, là lần ĐTC viếng thăm Liên Hiệp Quốc 10/1995. ĐTGM cho biết, sau khi ĐTC đã đọc bài diễn văn lịch sử của mình và lúc hai vị đang băng qua một con đường ở Nữu Ước, ĐTC nói với ngài rằng: “Tôi đã nói với họ điều ấy!” ĐTGM hỏi: “Thưa ĐTC đã nói gì với họ cơ?” ĐTC trả lời: “Nói rằng Chúa Giêsu Kitô là động lực của chúng ta. Đó là những gì chúng ta đang cố gắng làm mỗi ngày trong công cuộc của chúng ta” tại Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng Tòa Thánh này được ĐTC Phaolô VI thiết lập năm 1967 để, như D0TC Gioan Phaolô II lập lại mục đích của hội đồng này vào năm 1988, “cổ võ công lý và hòa bình trên thế giới theo chiều hướng Phúc Âm và học thuyết xã hội của Giáo Hội”.


Thứ bốn là chức vụ chủ tịch Quản Trị Gia Sản của Tòa Thánh, thay cho ĐHY Agostino Cacciavillan nghỉ vì lý do tuổi tác, ĐTC bổ nhiệm ĐGM Attilio Nicora, vị cũng đã được ĐTC thăng lên phẩm vị TGM.


Phép Lạ qua trung gian Mẹ Têrêsa Calcutta


Vào tháng 9 năm 1998, một phụ nữ 30 tuổi đã đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái để cầu xin cho được một phép lạ, như chị thuật lại là “Ngay khi tôi bước vào nhà nguyện thì thấy có một tấm ảnh của Mẹ Têrêsa, và có một làn ánh sáng từ bức ảnh này chiếu vào tôi làm tôi giật mình”. Chị phụ nữ tên Besra này nới với CNN hôm Thứ Ba 1/10/2002 ở Kolkata Ấn Độ như thế. Chị kể tiếp, “Sau đó, các chị dòng này đã cầu nguyện cho tôi và tôi đi ngủ. Khi tôi thức dậy vào lúc 1 giờ sáng thì thấy cục bướu lớn đã biến mất rồi.


Cũng hôm nay, tại Rôma, sau phiên họp của Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh, Màn Điện Tóan Zenit đã được biết rằng Tòa Thánh đã công nhận đây là một phép lạ, nhưng còn phải chờ được chính thức chấp nhận bởi ĐTC vào cuộc họp chung Tháng 12 tới đây, sau đó mới tiến tới việc sửa soạn phong chân phước cho vị nữ sáng lập hội dòng Thứa Sai Bác Ái này, một nữ sáng lập nổi tiếng thánh thiện ngay từ khi còn sống và đã được ĐTC Gioan Phaolô II châm chước cho qui lệ sau 5 năm mới bắt đầu tiến hành việc phong thánh. Mẹ chết ngày 5/9/1997, cách đây đúng 5 năm. Vị bác sĩ của chị phụ nữ được phép lạ chữa lành này là Count R.N. Bhattaccharya cho biết cảm nhận của mình như sau: “Tôi không tìm thấy một lý do nào cho thấy nếu không được giải phẫu thì một cục bướu lớn như thế lại có thể qua đêm biến mất. Bởi vậy tôi nghĩ rằng có lẽ Mẹ Têrêsa chúc phúc cho Monika vậy”. Cả hai người bệnh nhân lẫn y sĩ này nói rằng lúc nào họ cũng nghĩ đến Mẹ Têrêsa. Vị y sĩ còn cho biết tiếp: “Khó lòng mà diễn tả được những gì tôi cảm thấy qua tất cả biến cố này. Thế nhưng đây là một trong những cảm nghiệm tuyệt vời nhất tôi có được trong cuộc đời hành nghề y khoa của tôi”.

 

30/9 Thứ Hai


Diễn Từ của ĐTC với Các Vị Giám Mục Ba Tây miền Đông Bắc dịp Các Ngài Viếng Thăm Ngũ Niên về vấn đề Đại Kết

 

“Không thể nào có sự tương hợp giữa việc dứt khoát tỏ ra gắn bó với sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc tôn trọng lương tâm con người. Nếu tôn giáo không phải chỉ là vấn đề của lương tâm mà còn là việc tự do gắn bó với sự thật, một sự thật được hay không được chấp nhận, thì nội dung của sự thật cũng không thể nào được dung hòa".


Hôm Thứ bảy 28/9/2002, trong cuộc triều kiến của các vị giám mục này, ĐTC kêu gọi các vị hãy trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội. Quốc gia của các vị có con số Công Giáo đông nhất, nhưng cũng được đánh dấu bằng việc phát triển những cộng đồng Kitô hữu cực bảo thủ. Tuy nhiên, để “thiết lập những căn bản cho vấn đề đại kết lành mạnh”, ĐTC nhắc lại cho các vị “Bản Hướng Dẫn Áp Dụng Các Nguyên Tắc và Qui Tắc về Việc Đại Kết”, được Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Giáo Hội phổ biến, một bản văn chủ trương “tính cách đa diện trong Giáo Hội là một chiều kích công giáo tính của Giáo Hội”. Tuy nhiên, “điều này không được đưa đến một tình trạng lạnh lùng khô đạo đặt tất cả mọi ý nghĩ ngang hàng với nhau theo chủ trương hòa đồng tôn giáo sai lầm. Tôi hy vọng rằng nỗ lực của các cộng đồng Kitô hữu được xây dựng trên sự thật trong việc đạt đến một sự hiệp nhất bền bỉ hơn”. ĐTC đồng thời cũng giải thích là “không thể nào có sự tương hợp giữa việc dứt khoát tỏ ra gắn bó với sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc tôn trọng lương tâm con người. Nếu tôn giáo không phải chỉ là vấn đề của lương tâm mà còn là việc tự do gắn bó với sự thật, một sự thật được hay không được chấp nhận, thì nội dung của sự thật cũng không thể nào được dung hòa. Đó là lý do tại sao cần phải dẫn giải sự thật mà không bỏ đi những yếu tố được chất chứa nơi các sự kiện được mạc khải… Thực hiện việc làm tốt nhất cho lợi ích của vấn đề đại kết đó là việc dạy giáo lý cho người lớn hay cho người trẻ hoàn toàn tự do không bắt buộc… Khi một Kitô hữu sống niềm tin của mình một cách trọn vẹn thì họ là một cực điểm thu hút, biết gây uy tín và lòng trọng kính; họ không bao giờ áp đặt những niềm xác tín tôn giáo của mình cả, nhưng biết làm thế nào để truyền đạt sự thật mà không làm thất vọng những ai tin tưởng nơi họ. Họ nhường lối cho con người mà không hề dung hòa với sai lạc… “


Chứng từ của vị Linh Mục bị Nga trục xuất


Bản tin của Màn Điện Toán Zenit ngày 30/9/2002 phổ biến những chứng từ của Cha Jaroslaw Wisniewski người Balan về những lý do ngài bị trục xuất hôm 10/9 như sau.


Có một bản văn chính thức của Giáo Hội Chính Thống được phổ biến vào cuối Tháng Sáu 2002 phê bình là Giáo Hội Công Giáo đã hoạt động hăng say quá và đã thu hút được những người Nga thiểu số. Ngôn ngữ của người Nga phân biệt giữa những người công dân Nga và những người Nga sống theo lối thiểu số, một phân biệt hết sức quan trọng đối với Giáo Hội Chính Thống, một Giáo Hội coi thành phần thiểu số này thuộc về trách nhiệm mục vụ của riêng họ.


ĐTGM Chính Thống Kirill, người viết bản văn kiện này, đã nói rằng Nga không cần những nhà truyền giáo ngoại quốc, vì Nga đã lãnh nhận phép rửa cả ngàn năm trước và đại đa số là Chính Thống Giáo. Theo vị giám mục này. Những người Công Giáo chúng ta đang thực hiện việc dụ giáo nơi những người Nga.


Bản văn kiện liệt kê tên tuổi của các vị linh mục và tu sĩ Công Giáo, cũng như kê khai các hội dòng có tên gọi là thừa sai như các vị thừa sai Dòng Ngôi Lời, các vị thừa sai Dòng Claretian, các vị thừa sai Dòng Thánh Gia… Tên của tôi cũng có trong bản danh sách này.


ĐGM Cyril đã đề cập đến cuộc phỏng vấn ngài không đồng ý với tôi trong một chương trình truyền hình ở Kamchatka khi tôi kể lại một sự kiện lịch sử, với hy vọng sẽ gây ảnh hưởng nơi dân chúng địa phương, thành phần chưa biết đến mối liên hệ chặt chẽ giữa những người Công Giáo và Chính Thống như thế nào.


Về vấn đề khả năng thế giá của chúng ta ở Nga, Giáo Hội Chính Thống Moscow không thích nói tới và bao giờ cũng cho những người Công Giáo chúng ta là bọn lạc đạo… Bởi thế, việc tôi nói về vấn đề cấm cản này có thể là nguyên nhân thứ hai khiến tôi bị trục xuất.


Thế rồi đến chuyện liên quan đến Karafuto. Sakhanlin, một giáo xứ ở Nga gần Hokkaido, nơi tôi đã ở 3 năm qua, có một truyền thống Công Giáo rất đẹp có liên quan với những gốc gác của người Nhật Bản. Tôi đã tìm hiểu và khám phá ra rằng, vào những thời còn Nhật Bản, từ năm 1905-1945, có khoảng 34 vị linh mục hoạt động ở đó. Tài liệu rất dễ tìm thấy ở Giáo Phận Sapporo.


Cho đến Tháng 12 năm 2000, ĐGM Peter Jinushi đã là vị lãnh đạo của tòa thánh ở Sakhalin, một cộng đồng chính quyền Nga không bao giờ quan tâm chú ý tới nó khi nó bị hủy diệt vào năm 1948 – cuối cùng lại được tái thiết vào năm 1992 nhờ các vị thừa sai người Đại Hàn ở Taegu.


Vấn đề chỉ bắt đầu xẩy ra khi quyền hạn theo giáo luật đối với Sapporo được chuyển sang cho Irkusketia, và giáo phận này đã viết trên tất cả các văn kiện của mình với chữ “Miền Tây Siberia” và “Karafuto”. Vì lý do này mà ở Moscow có người nói rằng đó là vấn đề lấy lý để trả Sakhanlin lại cho Nhật Bản.


Theo quan điểm của người Công Giáo chúng ta thì Tòa Thánh Vatican đã hoàn toàn tôn trọng chủ quyền Nga ở Sakhalin, ở chỗ ĐGM Mazur ở Irkutsk được chỉ định lãnh đạo Sakhalin thay cho vị giám mục Nhật Bản. Việc bổ nhiệm giám mục mới đây chỉ là việc tỏ ra tôn trọng truyền thống cũng như việc tiếp tục gọi Sakhalin là Karafuto hoàn toàn không có tấm vóc chính trị nào cả.


Vì những lý do ấy mà giữa Tháng Giêng và Ngày 10 Tháng Tư Năm 2002, tôi đã được Văn Phòng Công Lý Vụ gọi ra hầu tòa cũng như tới sở Cảnh Sát Di Dân để cắt nghĩa về tình hình này. Tôi đã tuân theo các chỉ thị của người Nga, nhưng, tiếc thay họ cũng không hài lòng, và ĐGM Mazur đã bị trục xuất ngày 19/4, để rồi vào ngày 10/9, tôi cũng có thể bị trục xuất vì cùng một lý do chăng.


Cái điều hay hay về tất cả những sự này là ở chỗ đó chỉ là những lý do có thể thôi. Cảnh sát di dân chĩ giải thích vỏn vẹn là mỗi một quốc gia có chủ quyền trong việc cấm cản những người ngoại quốc nhập cảnh. Tòa Thánh đã phản đối những vẫn không có phản ứng gì cả.


Hiện nay tôi là một trong 5 vị linh mục bị trục xuất khỏi Nga mà chẳng có một lời giải thích chính thức gì hết. Vấn đề khác nhau là ở chỗ các vị linh mục đến trước tôi đã có giấy thông hành tạm một năm, trong khi tôi đã ở Nga 10 năm và vào năm 2000 tôi đã có giấy thông hành hiệu lực 5 năm, tức tới năm 2005, với khả năng có thể trở thành công dân Nga vào năm 2003. Các vị luật sư đã nói với tôi rằng loại giấy thông hành này chỉ có thể bị tòa án tiêu hủy mà thôi. Đó là lý do tôi nghĩ rằng trường hợp của tôi rất đặc biệt, và tôi xin các người bênh vực nhân quyền hãy nghĩ xem trường hợp này phải giải quyết như thế nào.


Tôi cũng có thể đề cập đến những động lực khác nữa. Sau đây chỉ là ý nghĩ tư riêng của tôi thôi.


Những người Công Giáo, vì có nhiều bạn bè quảng đại ở các nước ngoài, gần đây đã xây nhiều nhà thờ đẹp ở Nga. Vì Tòa Thượng Phụ Chính Thống không có nhiều bè bạn nên xây được ít nhà thờ hơn. Tôi đã xây được một nhà thờ dễ thương ở trung tâm Sakhalin. Có lẽ đây là lý do cụ thể chính yếu tuy không thuộc về pháp luật khiến tôi bị trục xuất.


Vào những thời của triều đại nga hoàng, thời mà Chính Thống Giáo là quốc giáo thì những người Công Giáo bị cấm không được xây cất nhà thờ có những tháp cao hơn tháp của các nhà thờ Chính Thống địa phương. Thật là buồn cười ở trường hợp này. Dường như thẩm quyền Chính Thống Giáo đang muốn lập lại qui tắc này.

 

29/9 Chúa Nhật


Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật: Kinh Mân Côi là Khí Giới Hòa Bình


"Kinh Mân Côi là một cái nhìn chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô có thể nói được thể hiện qua ánh mắt của Mẹ Maria... Kinh Mân Côi kiến tạo hòa bình cũng vì kinh nguyện này, trong khi kêu cầu ân sủng của Thiên Chúa, gieo vào con người lần hạt mầm giống của sự thiện làm nẩy sinh hoa trái công lý và đoàn kết đáng mong ước nơi cá nhân cũng như cộng đồng".

 

Anh Chị Em thân mến!


1.- Chúng ta đã tới ngưỡng cửa của Tháng Mười, tháng mà, với phụng vụ Lễ Nhớ Đức Trinh Nữ Mân Côi, đã thúc đẩy chúng ta tái nhận thức kinh nguyện truyền thống này, một kinh nguyện rất đơn sơ song lại rất sâu xa.


Kinh Mân Côi là một cái nhìn chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô có thể nói được thể hiện qua ánh mắt của Mẹ Maria. Bởi thế, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện nằm ngay cốt lõi của Phúc Âm, hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II, và rất khít khao với những gì Tôi đã viết trong Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, đó là Giáo Hội cần phải “thả lưới sâu hơn” vào ngàn năm mới bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.


Bởi thế, Tôi xin cá nhân, gia đình và các cộng đồng Kitô hữu hãy lần hạt Mân Côi. Để nhấn mạnh đến điều yêu cầu này, Tôi cũng đang dọn một văn kiện để giúp tái nhận thức được vẻ đẹp và chiều sâu của kinh nguyện này.


2.- Một lần nữa Tôi muốn trao phó nền hòa bình cao cả cho kinh mân côi. Chúng ta đang đối diện với một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, đầy những chiều kích nẩy lửa. Ở một số phần đất trên thế giới có những đối chọi gay go hơn – Tôi đang đặc biệt nghĩ đến mảnh đất tử đạo của Chúa Kitô – chúng ta có thể thấy rằng, mặc dầu luôn luôn có những nỗ lực về chính trị nhưng cũng chẳng đi đến đâu, nếu tinh thần con người vẫn cứ quá khích và không có khả năng để bày tỏ cho thấy thiện chí thành thật muốn tái lập chiều hướng đối thoại với nhau.


Thế nhưng, ai có thể làm thấm nhập những cảm quan này, nếu không phải một mình Thiên Chúa? Hơn bao giờ hết cần phải dâng lên Ngài những lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới ở khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế mà kinh mân côi tự mình mới là một kinh nguyện đặc biệt thích hợp ở đây. Kinh Mân Côi kiến tạo hòa bình cũng vì kinh nguyện này, trong khi kêu cầu ân sủng của Thiên Chúa, gieo vào con người lần hạt mầm giống của sự thiện làm nẩy sinh hoa trái công lý và đoàn kết đáng mong ước nơi cá nhân cũng như cộng đồng.


Khi nghĩ đến các dân nước, Tôi cũng nghĩ cả đến các gia đình nữa: nếu gia đình biết cầu kinh mân côi thánh thì bình an được bảo đảm biết bao nơi những mối liên hệ trong gia đình!


4.- Lời kinh chúng ta sắp sửa nguyện đây, được bắt đầu bằng việc lập lại điều Tổng Thần Gabiên loan báo cho Đức Maria. Thật vậy, hôm nay là lễ các Thánh Tổng Thần Minh-Kha, Ga-Biên và Ra-Phiên: Chớ gì những thừa tác viên quyền năng này của Thiên Chúa giúp chúng ta biết luôn luôn đáp ứng ý muốn của Ngài bằng một tình yêu quảng đại.

 

Do Thái thôi phong tỏa tổng hành dinh của tổng thống Palestine ở Ramallah


Thứ Ba tuần trước, 24/9, theo vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican cho hay, ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã thay ĐTC gửi một sứ điệp đến Thủ Tướng Do Thái. “Về vấn đề liên quan tới cuộc tấn công trầm trọng vào tổng hành dinh của Thẩm Quyền Toàn Quốc Palestine”, ĐTC yêu cầu “ngưng lại những hành động này, những hành động làm nhạt nhòa những niềm hy vọng hòa bình vốn đã mong manh cho vùng đất ấy”. Ngài đã kêu gọi “tái lập cuộc trao đổi cấp thời giữa hai bên trong sự tôn trọng nhau và hiểu biết nhau”. Không ngờ điều này đã thực sự xẩy ra vào Chúa Nhật 29/9/2002. Tin tức cũng cho biết cuộc thôi phong tỏa này xẩy ra sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush gửi một sứ điệp riêng cho thủ tướng Do Thái Ariel Sharon, xin quân Do Thái thực hiện điều này. Theo lời phát biểu từ văn phòng của vị thủ tướng này thì “Do Thái sẽ làm hết sức để thích ứng với Hoa Kỳ trong nỗ lực Hoa Kỳ đang chống lại thành phần khủng bố cũng như chống lại Iraq, để bảo đảm những quan tâm an ninh khẩn trương của Hoa Kỳ”. Cuộc phong tỏa và phá đổ hầu hết các tòa nhà trong khu tổng hành dinh Ramallah của Arafat cũng xẩy ra sau hai vụ nổ bom tự vẫn hai tuần trước, gây thiệt mạng cho 6 người Do Thái và một học sinh người Tô Cách Lan. Tuy nhiên, cuộc phong tỏa này chỉ nới rộng vòng vây ra xa hơn 40 thước Anh mà thôi, vì, theo văn phòng của thủ tướng Do Thái, bên Do Thái muốn bảo đảm là những tay hiếu chiến (khoảng 50 người) ở trong đó không thể thoát khỏi tay họ, còn những người không thuộc thành phần này được tự nhiên ra ngoài. Tổng Thống Arafat cho biết không có ai hiếu chiến ở trong khu vực của ông cả và ông cũng sẽ không trao một người Palestine nào cho bên Do Thái cả. Luật giới nghiêm từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều đối với những dân cư ở Ramallah đã được tái áp dụng trở lại.


Còn bên Palestine, Tổng Thống Arafat nói rằng những người Do Thái “đang lừa đảo những giải quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bởi thế, chúng tôi xin Hội Đồng Bảo An này hãy thực thi chính xác việc giải quyết của mình”. Giải quyết của Liên Hiệp Quốc được chấp thuận tuần trước với số phiếu 14-0 (trừ Hoa Kỳ không bỏ), đã kêu gọi Do Thái chấm dứt cuộc phong tỏa này, và Thẩm Quyền Palestina cũng phải thực hiện quyết tâm của mình trong việc chấm dứt bạo lực chống lại những người Do Thái. Vị trưởng thương thảo vụ về phía Palestina là ông Saeb Erakat cho biết là ông sợ tác động nới rộng vòng vây của Do Thái chỉ là một “thay đổi lòe loẹt” vậy thôi. Ông đã nói với CNN rằng: “Tôi hy vọng là cuộc phong tỏa khu vực của Tổng Thống Arafat sẽ được hoàn toàn chấm dứt và chúng tôi sẽ không còn chỉ thấy những thứ thay đổi lòe loẹt của các chiếc xe tăng của Do Thái ấy được tái vị trí từ trong khu vực ra đến cổng khu vực này nữa”. Còn bên Do Thái, xướng ngôn viên của bộ ngoại giao nước này là ông Yonatan Peled cũng đã nói với CNN là họ mong bên Palestine “làm trọn việc quyết tâm của họ chống lại thành phần khủng bố”: “Chúng tôi vẫn mong những người bị tố cáo, những người tay vấy máu và là những tay khủng bố đang bị truy lùng, một là đầu hàng hay là ra nộp mạng, để họ có thể ra trước công lý và được phân xử công minh – như tập tục quen thuộc ở khắp nơi trên thế giới”.

 

Quốc Hội Hoa Kỳ về dự định tấn công Iraq của Tổng Thống Bush

Ông Jim McDermontt, đại diện vùng Washington là một trong ba người (cùng với ông David Bonior, đại diện vùng Michigan, và ông Mike Thompson đại diện vùng California) đã sang thăm Iraq để khuyên các viên chức Iraq tránh chiến tranh bằng cách cho phép Liên Hiệp Quốc trở lại thanh tra vũ khí. Với CNN, ông này đã đặt vấn đề chính phủ Bush tại sao cứ muốn móc nối vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ 911 với Iraq: “Tại sao họ lại cứ trở lại vấn đề này và cứ muốn móc những người Iraq vào đó nhỉ? Vấn đề của tôi thực sự muốn đặt ra là tại sao họ muốn thay đổi chế độ ấy? Tôi rất muốn thực hiện việc giải giới ở đây thôi. Những gì họ đang làm thực sự là muốn thực hiện việc lật đổ Saddam Hussein”. Trong cuộc phỏng vấn của Đài ABC, ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng tổng thống dẫn nhân dân Hoa Kỳ đi lầm đường lạc hướng”. Quốc Hội đang tiến đến chỗ bỏ phiếu về việc tổng thống Bush có quyền thực hiện hành động quân sự với Iraq hay chăng nếu Iraq không chịu quyết định của Liên Hiệp Quốc về việc thanh tra vũ khí. Iraq đã đồng ý để ban thanh ra vũ khí trở lại nước họ sau 4 năm vắng bóng, nhưng không chịu biện pháp 7 ngày phải đồng ý giải giới.

Trong khi đảng Dân Chủ chia rẽ nhau về vấn đề Iraq thì một số bên đảng Cộng Hòa đặt vấn đề về chính sách của tổng thống Bush. Có những vị bên đảng Dân Chủ, như ông Dennis Kucinich, đại diện vùng Ohio, qua cuộc phỏng vấn với đài CBS, thúc giục chính phủ Bush hãy theo đuổi tất cả mọi đường lối đã rồi cuối cùng mới quyết định đi đến chỗ chiến tranh chống Iraq: “Chúng ta không được vội vã chạy theo chiều hướng chiến tranh. Chúng ta phải nhẫn nại. Cho tới lúc này chúng ta vẫn phải tìm cách thương thảo”. Theo ông, tuy thế giới cần bảo đảm là Saddam không có những khí giới hạch nhân, sinh học hay hóa học, “nhưng đường lối để thực hiện điều này là phải có Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế nhúng tay vào”. Ông McCain thuộc đảng Dân Chủ cũng theo chiều hướng giải giới Iraq và tẩy chay Saddam nhưng đồng ý tranh luận: “Chúng ta cần phải đả thông tất cả mọi quan điểm. Nhân dân Hoa Kỳ cần phải hiểu biết vấn đề”.

Trưởng Ban Thanh Tra Vũ Khí sẽ gặp Các Chuyên Viên Vũ Khí Iraq ở Áo Quốc

Vị trưởng ban UNMOVIC (U.N. Monitoring, Verification and Inspection Commission) này là ông Blix. Ông này muốn có bản danh sách cập nhật hóa tại phiên họp ở Vienna Áo Quốc vào Thứ Hai 30/9 và Thứ Ba 1/10 tới đây về những dụng cụ và chất liệu được cả dân sự lẫn quân đội sử dụng. Bên Iraq có Tướng Amir al-Saadi, cố vấn khoa học và kỹ thuật vụ, Hasam Mohammed Arnin, vị làm đầu Văn Phòng Thanh Tra Toàn Quốc Iraq, và ông Saeed Hasan, một viên chức Ngoại Vụ cũng là nguyên lãnh sự của Liên Hiệp Quốc ở Baghdad.

Trong khi đó, Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc đang nỗ lực soạn thảo một quyết nghị rất cứng rắn cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ba thành viên của hội đồng này là Nga, Tầu và Pháp có thể chấp nhận. Hoa Kỳ cho rằng các thanh tra viên có thể không đến Iraq được. Cuộc gặp gỡ ở Vienna tới đây cũng xẩy ra sau một tuần lễ với những diễn tiến ngoại giao do Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc thực hiện với Pháp, Nga và Tầu về dự thảo giải quyết vấn đề Iraq theo chiều hướng của họ. Ba nước còn lại trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc này vẫn giữ chiều hướng đe dọa hay sử dụng lực lượng quân sự đánh Iraq nếu nước này không chịu để cho các chuyên viên thanh tra vũ khí tái thực hiện việc tìm kiếm và hủy hoại những vũ khí có sức tán phá hàng loạt được chồng chất từ năm 1988, năm nước này được thanh tra vũ khí lần cuối.
 

Bản Hướng Dẫn của Hàng Giáo Phẩm Đức về Nạn Lạm Dụng Tình Dục


Hội Đồng Giám Mục Đức đã đồng tâm nhất trí chấp thuận những điều chỉ dẫn về vấn đề lạm dụng tình dục liên quan đến các vị linh mục ở cuộc họp chung vào mùa thu được kết thúc hôm Thứ Năm 26/9/2002 vừa rồi. Như được tiết lộ, trong 30 năm qua, ở Đức có 47 vụ tố cáo linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Số linh mục ở Đức có khoảng 19 vị. Những điều chỉ dẫn này là “một phương thức chung cho tất cả mọi giáo phận”, những chỉ dẫn phản ảnh niềm xác tín của các vị giám mục là chúng sẽ có thể đạt được “tính cách khách quan và thông suốt hơn nữa nơi mỗi một trường hợp riêng”. Hội Đồng Giám Mục có 68 vị này tin rằng những chỉ dẫn ấy sẽ giúp vào việc “lấy lại được lòng tin tưởng và uy tín”.


ĐHY Karl Lehmann, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nhấn mạnh trong một cuộc họp báo Thứ Sáu, 27/9/2002, là: “Mọi trường hợp đều gây gương mù gương xấu”. Tuy nhiên, theo ĐHY chủ tịch, vấn đề này ở Đức chưa lan rộng như ở Hoa Kỳ. Bản văn của hàng giáo phẩm này chân nhận rằng “vì thiếu hiểu biết về những vấn đề về việc lạm dụng tình dục trẻ em, phản ứng thường hay xẩy ra không xứng hợp… Chúng tôi hết sức xin lỗi… Thường rất khó mà can thiệp vào trường hợp linh mụvc lạm dụng tình dục trẻ em, vì nhiều vị chối không nhận sự thật. Hơn nữa, các vị thường không cảm thấy lỗi lầm gì cả. Việc người lớn dụ dẫm trẻ em là một chứng bệnh, nhưng vẫn có thể chế ngự được”. Theo 16 điều chỉ dẫn này, một vị linh mục có thể bị treo chén nếu có đủ lý do chính đáng. Theo ĐHY chủ tịch, “ở những trường hợp thật là trầm trọng” chính Giáo Hội phải tố cáo vấn đề. Trong tương lai, hết mọi giáo phận sẽ có một nhân viên được giám mục chỉ định trực tiếp nghiên cứu những vụ tố cáo giáo sĩ. Các vị giám mục cũng công bố rằng các vị sẽ chú trọng hơn nữa đến vấn đề huấn luyện về nhân bản và tình cảm cho các chủng sinh.