GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 10/2003

 

Ý Chung: “Xin cho giới trẻ biết theo Chúa Kitô là Ðường, là Sự Thật và Sự Sống, bằng một lòng nhiệt thành quảng đại và sẵn sàng làm chứng cho Người trong tất cả mọi hoàn cảnh họ sống”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội được Chúa không ngừng ban cho các Vị Chủ Chăn sâu xa khôn ngoan và dồi dào thánh đức, sẵn sàng bênh vực ánh sáng Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất”.

 

___________________________________________

 5-11/10/2003

Giovanni Paolo II

 

11/10 Thứ Bảy

Học Hỏi Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria: Ðoạn 42-43

Chúa Nhật Giáo Hội Truyền Giáo 19/10 tuần tới là Ngày Bế Mạc Năm Mân Côi. Lịch trình học hỏi bức tông thư này trong cả Năm Mân Côi tới tuần này cũng được kết thúc đúng thời điểm của nó.

… Và Con Cái

42.     Việc trao phó cho kinh nguyện này vấn đề tăng trưởng và phát triển của con cái cũng là một điều tốt đẹp và hữu ích. Kinh Mân Côi đã không theo bước cuộc đời của Chúa Kitô, từ khi Người được thụ thai cho đến khi Người tử nạn, rồi cho đến khi Người Phục Sinh và vinh hiển hay sao? Những người làm cha làm mẹ đang cảm thấy khó khăn hơn bao giờ hết, trong việc theo dõi cuộc đời của con cái mình, vào thời gian chúng tăng trưởng cho tới tầm mức thành nhân. Trong một xã hội tân tiến về kỹ thuật, về các phương tiện truyền thông đại chúng, và về vấn đề toàn cầu hóa, thì mọi sự đều trở nên vội vã gấp rút, và khoảng cách về văn hóa giữa các thế hệ càng ngày càng mở rộng hơn. Những sứ điệp hết sức khác lạ, cùng với những cảm nghiệm khôn lường nhất, đang nhanh chóng xâm nhập vào cuộc sống của trẻ em cũng như của các em vị thành nhân, làm cho cha mẹ hết sức lo âu về những nguy hiểm con cái của họ đang phải đối diện. Có những lúc cha mẹ cảm thấy hết sức thất vọng về việc con cái họ không thể cưỡng lại được trước những dụ dỗ của một thứ văn hóa nghiện hút, trước sức thu hút của một trào lưu buông thả hưởng lạc, trước khuynh hướng bạo động, và trước những hình thức đa điện của hoang mang và chán chường.
 

Cầu Kinh Mân Côi cho trẻ em, thậm chí cầu Kinh Mân Côi với trẻ em, dạy cho các em ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời các em việc “ngừng lại để cầu nguyện” hằng ngày với gia đình, thực ra không phải là cách giải quyết cho hết mọi vấn đề, song cũng là một hỗ trợ thiêng liêng không được phép coi thường. Người ta có thể phản đối là Kinh Mân Côi dường như khó có thể hợp thị hiếu với trẻ em và giới trẻ ngày nay. Thế nhưng, có lẽ điều chống đối này cố ý nói đến phương pháp nghèo nàn trong việc cầu Kinh Mân Côi. Vả lại, miễn là không phạm gì đến câu trúc căn bản của Kinh Mân Côi, cũng không cấm trẻ em và giới trẻ cầu Kinh Mân Côi, trong gia đình hay trong nhóm hội, với những phương trợ có tính cách biểu hiệu hay thực tế thích đáng để chúng có thể hiểu biết và cảm nhận. Tại sao lại không thử đi nhỉ? Với ơn Chúa giúp thì phương pháp mục vụ cho giới trẻ có tính cách tích cực, hăng say và sáng tạo – như được thực hiện vào những Ngày Giới Trẻ Thế Giới! – vẫn có thể đạt được những thành quả hết sức lạ lùng. Nếu khéo thực hiện Kinh Mân Côi, Tôi bảo đảm là giới trẻ một lần nữa sẽ làm cho người lớn bỡ ngỡ lạ lùng, ở cách thức chúng yêu chuộng kinh nguyện này và sốt sắng đọc kinh ấy hợp với lứa tuổi của chúng.

Cảm nghiệm người đọc:
 

Càng đọc và càng suy ngắm Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, chúng ta càng cảm được tấm lòng từ phụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và nhận ra được sự băn khoăn lo lắng của Ngài trước tương lai của thế giới, của gia đình, và của giới trẻ.

Trong hai đoạn trên, Ngài đã hô hào, khuyến khích, và miệt mài nói về Kinh Mân Côi như một phương thế hữu hiệu và cần thiết để xây dựng nền hòa bình thế giới, để kiến tạo hạnh phúc gia đình, để nuôi dưỡng đời sống hôn nhân. Ở đoạn này, Ngài lại tin tưởng phó thác cho quyền lực Kinh Mân Côi những khó khăn mà cha mẹ gặp phải trong việc giáo dục con cái. Và Ngài đã khích lệ những người làm cha mẹ trong những hoàn cảnh khó khăn như thế hãy sốt sắng lần hạt và tập cho con cái họ biết lần hạt, biết cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Ngài viết rất rõ ràng: “Có những lúc cha mẹ cảm thấy hết sức thất vọng về việc con cái họ không thể cưỡng lại được trước những dụ dỗ của một thứ văn hóa nghiện hút, trước sức thu hút của trào lưu buông thả hưởng lạc, trước khuynh hướng bạo động, và trước những hình thức đa diện của hoang mang và chán chường”. Trong những lúc như vậy, Đức Thánh Cha khuyên phụ huynh hãy đến với Đức Mẹ. Hãy cằm lấy cỗ tràng hạt, và hãy siêng năng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ngài xác quyết về kết quả của việc làm đạo đức này như sau: “Nếu khéo thực hiện Kinh Mân Côi, tôi bảo đảm là giới trẻ một lần nữa sẽ làm cho người lớn bỡ ngỡ lạ lùng, ở cách thức chúng yêu chuộng kinh nguyện này và sốt sắng đọc kinh ấy hợp với lứa tuổi của chúng”. Và như thế thì hậu quả nào sẽ đến với tuổi trẻ tất nhiên ai cũng hiểu.

Thật ra, tại nhiều gia đình vì cha mẹ quá lơ là với việc đạo đức, nhất là việc tôn sùng và yêu mến Đức Maria qua Kinh Mân Côi, mà con cái đã ra hư hỏng. Ta có thể quyết chắc một điều này là tất cả những thanh thiếu niên hiện đang rơi vào tình trạng hư hỏng, buông túng, hoặc sống trong tình trạng mất đạo đức đều không cầu nguyện, không có lòng yêu mến Đức Mẹ. Và một điều khác nữa là nếu em nào còn biết cầu nguyện, biết tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, thì dù có vướng mắc vào những khuyết điểm ấy, các em cũng sẽ được Đức Mẹ giúp để tìm đường quay về và sống đời đạo hạnh.

Đức Maria, trong vai trò làm mẹ, Ngài đã hiểu thấu đáo con mình như thế nào, hơn nữa lời cầu nguyện của Mẹ thần thế trước mặt Chúa, thì không thể nào Mẹ lại không làm cho một em nhỏ trở về với cuộc sống bình thường, và đạo hạnh của em, nếu em biết cầu nguyện, và nếu cha mẹ em cũng cầu nguyện cho em bằng những chuỗi hạt Mân Côi.



Kinh Mân Côi, Một Kho Tàng Cần Phải Được Tái Khám Phá

43.     Anh chị em thân mến! Một kinh nguyện quá dễ dàng song cũng hết sức phong phú này thật xứng đáng cho cộng đồng Kitô hữu thực hiện việc tái nhận thức kinh nguyện ấy. Chúng ta hãy làm điều này, nhất là trong năm nay, như một phương cách xác nhận chiều hướng đã được phác học trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ Novo Millennio Ineunte của Tôi, một bức Tông Thư đã khởi hứng cho dự án mục vụ của rất nhiều Giáo Hội riêng, khi các Giáo Hội này đang hướng tới một tương lai trước mắt.

Tôi đặc biệt hướng về anh em, Quí Huynh Giám Mục, linh mục và phó tế thân mến, cũng như về anh chị em, những tác nhân mục vụ trong các thừa tác vụ khác nhau: chớ gì anh chị em, bằng cảm nghiệm bản thân về vẻ đẹp của Kinh Mân Côi, hãy tiến đến chỗ cổ võ kinh này một cách xác tín.

Tôi cũng đặt tin tưởng vào anh chị em thần học gia: bằng sự khôn ngoan và việc suy tư nghiêm chỉnh của mình, được bắt nguồn từ lời Chúa và sự nhậy cảm đối với cảm nghiệm sống của dân Kitô giáo, chớ gì anh chị em giúp cho họ khám phá ra được những nền tảng của Thánh Kinh, những kho tàng thiêng liêng cùng với giá trị mục vụ của kinh nguyện truyền thống này.

Tôi tin tưởng nơi anh chị em tu sĩ nam nữ được đặc biệt kêu gọi để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô tại học đường Mẹ Maria.

Tôi hướng về tất cả anh chị em thuộc mọi cảnh đời, hướng về anh chị em gia đình Kitô hữu, hướng về anh chị em bệnh nhân và lão thành, cũng như hướng về anh chị em giới trẻ: anh chị em hãy tin tưởng trở về với Kinh Mân Côi. Hãy tái nhận thức Kinh Mân Côi theo ý nghĩa của Thánh Kinh, hòa hợp với Phụng Vụ và liên quan tới đời sống thường nhật của anh chị em.
 

Chớ gì lời Tôi kêu gọi đây không bị để ra ngoài tai! Vào lúc mở màn cho năm thứ 25 của Giáo Triều Tôi, Tôi xin phó dâng Bức Tông Thư này đây cho bàn tay ưu ái của Trinh Nữ Maria, khi phục mình xuống bằng tinh thần trước ảnh của Mẹ ở Đền Thánh hiển vinh được Chân Phước Bartolo Longo, vị tông đồ của Kinh Mân Côi xây cất cho Mẹ. Tôi xin mượn chính những lời cảm kích ngài đã viết để kết thúc Lời Nguyện Cầu Cùng Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi nổi tiếng của ngài: “Ôi Kinh Mân Côi Hồng Phúc của Mẹ Maria, sợi giây xích êm ái dịu dàng thắt cột chúng tôi với Thiên Chúa, là sợi giây liên kết chúng tôi với các thiên thần, ngọn tháp cứu giúp chống lại những cuộc tấn công của Hỏa Ngục, là bờ bến an toàn trong cuộc đắm tầu chung của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ loại bỏ Kinh Mân Côi Hồng Phúc này. Kinh Mân Côi Hồng Phúc sẽ là niềm ủi an của chúng tôi trong giờ lâm tử: chiếc hôn cuối đời của chúng tôi khi sự sống tàn tạ là chiếc hôn của Kinh Mân Côi Hồng Phúc. Và lời cuối cùng thốt ra từ môi miệng của chúng con sẽ là tên gọi ngọt ngào của Mẹ, Ôi Vị Nữ Vương Mân Côi ở Bom-Bay, Ôi Mẹ chí ái, Ôi Nơi Ẩn Náu của Các Tội Nhân, Ôi Đấng An Ủi Uy Quyền của Thành Phần Khổ Đau. Chớ gì Kinh Mân Côi Hồng Phúc được khắp nơi chúc tụng, hôm nay và mãi mãi, dưới đất cũng như trên trời”.

Cảm nghiệm người đọc:

Đức Thánh Cha đã dùng cụm từ “một kho tàng phải được tái khám phá” để làm tiểu đề cho những suy tư kết thúc của Ngài về Tông Thư. Tại sao lại cần phải được tái khám phá?

Đối với việc nhìn nhận kinh Mân Côi như một kho tàng cho đời sống đạo cá nhân, cho cộng đoàn, cho Giáo Hội là một điều không ai có thể chối cãi.

Kinh Mân Côi cũng là phương pháp hiệu nghiệm mang lại hòa bình cho tâm hồn, cho gia đình, cho cộng đoàn, cho quốc gia, và cho toàn thể nhân loại, cũng là một điều không ai có thể chối cãi.
 

Nhưng rồi, con người, nhất là con người thời nay đã bỏ đi một phương tiện và phương pháp nhiệm mầu này để loay hoay đi tìm những giải pháp của con người, và theo tầm nhìn, theo suy diễn của con người. Những giải pháp ấy, đôi khi lại bị hướng dẫn sai lạc bởi thần dữ là Satan khi nó len lỏi vào cuộc đời, vào cách thức và suy tư của mỗi người. Aũnh hưởng của nó hiện đang bao trùm khắp thế giới, qua những quyết định và luật lệ hiện hành tại hầu hết các quốc gia. Tinh thần thế tục đã hiện rõ trong các quyết định cho phép ly dị, phá thai, công nhận tính cách hợp pháp của hành động đồng tính luyến ái, cũng như những cuộc hôn nhân đồng tính, hoặc nhắm mắt làm ngơ những hành động cổ võ hút sách, nghiện ngập và hoang đàng trong giới trẻ. Tất cả những điều này, theo Đức Thánh Cha đã nhận xét và gọi là ảnh hưởng của một nền “văn hóa sự chết”. Tiếc thay, con người vẫn làm ngơ không quan tâm gì đến lời kêu gọi của Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima: “Hãy năng lần hạt Mân Côi”.

Việc tái khám phá Kinh Mân Côi không chỉ là việc thêm vào 5 Mầu Nhiệm Aùnh Sáng như đã được Ngài đề nghị, nhưng chủ đích ở đây là chúng ta phải nhìn Kinh Mân Côi bằng một cái nhìn mới mẻ, mang tính cách phụng vụ, và đi sâu vào những mầu nhiệm Mân Côi như một nguồn sống đầy sinh lực, và tràn trề ân sủng đến từ Thiên Chúa. Như vậy, cùng với những đề nghị khi cầu nguyện, cách thức cầu nguyện, và việc lần hạt mà Đức Thánh Cha đã đề cập tới trong Tông Thư của Ngài, Kinh Mân Côi với cái nhìn mới mẻ ấy sẽ đi vào cuộc sống của mỗi tín hữu, và qua đó, dẫn họ vào cuộc sống mật thiết và thẳm sâu với Chúa Kitô, trung tâm và là cùng đích mọi mầu nhiệm và của lịch sử cứu độ, cũng chính là nguồn ơn cứu độ, nhờ Mẹ Maria, với Mẹ Maria, và trong Mẹ Maria.

Người dịch Tông Thư: Cao Tấn Tĩnh; Người đọc Tông Thư: Trần Mỹ Duyệt

 

Thánh Phêrô LÊ TÙY, Linh mục
(1773 - 1833)


Lưu Niệm Đạo Đức

Nếu xưa trong Kinh Thánh có chuyện cụ già Eleazarô không thèm “giả bộ ăn của cúng” để được tha chết (2 Mac 6:18-28), thì ở Việt Nam cũng có Thánh Phêrô Lê Tùy không khai man mình là y sĩ, không giấu chức vụ mình là linh mục theo yêu cầu của quan địa phương, để được sống còn. Như cụ già Do Thái xưa, cái chết của cha để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu lưu niệm sâu xa về đạo đức.

Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc địa phận Hà Nội. Năm 1773 cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh linh mục Vinh sơn Liêm và Castaneda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kính trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thầy Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thầy thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chánh xứ Nam Đường.

Cha Phêrô Tùy là một linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn. Dù ở đâu, dù chức vụ nào, cha cũng luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của mình. Đức cha Hậu đã có lần khen ngợi những đức tính và hoạt động của cha: “Không ai là không hài lòng với cha Tùy”. Trong ba mươi năm liền, nhà truyền giáo Lê Tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ Giáo hội Việt Nam. Nhưng như mọi linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc ngày 6.1.1833, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.

Phúc Trọng Không Dám Mong

Ngày 25.6.1833, cha Tùy đến xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thanh Trai. Đây là một họ đạo nhỏ, chen giữa làng mạc của lương dân. Một nhóm người ngoại giáo đã bắt cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu điều đình bỏ tiền xin chuộc, nhưng quan đặt điều kiện cha phải khai mình là thầy thuốc, chứ không phải linh mục. Cha Tùy cho rằng khai man như thế không tốt, nên khẳng khái từ chối. Cha bị đóng gông áp giải về tỉnh đường Nghệ An. Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, can đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục.

Một hôm quan án đòi cha ra công đường và hỏi: “Ông là đạo trưởng Gia-tô?”. Cha đáp: “Phải, tôi là đạo trưởng”. Quan nói ngay: “Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải án tử hình, ta đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh, có thế ta mới cứu được ông”. Cha Tùy trả lời: “Tôi không sợ chết, và chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi: Cho nên tôi không sợ chết”. Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ đưa cha về ngục.

Suốt ba tháng tù, cha được mọi người, từ quan tới lính, cùng các tù nhân khác quý mến. Họ nói với nhau: “Một người hiền từ nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là không phải. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì?”. Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là linh mục.

Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ sáu mươi tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ đầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ báo tin về kinh đô, chỉ nghĩ tội nhân sẽ phải nộp một số tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được sắc chỉ của vua “Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dạy tả đạo cho dân, phải trảm quyết”.

Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho “tử tội” biết. Cha Tùy không chút lo sợ, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói: “Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy”. Ngài dùng bữa tối như thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo.

Về Nơi Vĩnh Phúc

Sáng hôm sau 11.10.1833, ngày Giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nơi dân đi xem và quan quân đều nói: “Xưa nay chưa thấy ai đem đi xử mà lại can đảm như thế”. Một giáo hữu trải chiếu ra, chứng nhân Đức Kitô quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cầm thẻ bài bằng gỗ ghi bản án:

“Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác”.

Một tín hữu, ông Bernado Thu đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền theo tục lệ vua ban cho tử tội mua ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, tiếp tục cầu nguyện ít phút nữa. Sau đó ông Thu đến lạy cha bốn lạy và nói: “Giờ đây cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con”. Vị linh mục cũng lạy bốn lần đáp lễ và khuyên: “Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”. Cảnh cha con từ biệt làm nhiều người xúc động đến rơi lệ.

Sau đó, cha nói với quân lính: “Tôi đã sẵn sàng”. Tiếng thanh la vừa dứt, một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống trong khi linh hồn vút cao về trời. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm liệm vào áo quan, rước về nhà xứ Tràng Nứa và an táng ở đấy. Sau này họ dời hài cốt cha về xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán ngài là Bằng Sở. Nhiều người đến kính viếng mộ ngài đã được ơn lạ. Ông Bernado Thu cũng làm chứng nhiều bệnh nhân được khỏi nhờ cầu nguyện với cha Lê Tùy.

Ngày 27.5.1900 Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước.

 

Hiếu Trung, OP

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B

Cần phải làm thêm một điều nữa

Phúc Âm


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quì gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.


Hướng Dẫn

Theo Phúc Âm Thánh Marcô cho Chúa Nhật tuần này, chúng ta thấy người thanh niên chỉ hỏi một câu, đó là làm sao để được sự sống đời đời, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời làm hai phần, phần đầu là giữ các giới răn, và phần sau, sau khi nghe thấy anh ta đã giữ các giới răn, Người nói thêm “anh còn cần phải làm một điều nữa…”.

Nghĩa là, căn cứ vào mạch truyện và câu Chúa Giêsu nói ở đây thì người thanh niên giầu có này chẳng những cần phải giữ trọn các giới răn mà còn cần phải có tinh thần nghèo khó nữa, bằng không, như Chúa Giêsu khẳng định sau khi thấy người thanh niên giầu có buồn bã bỏ đi, là “kẻ giầu có khó vào nước Thiên Chúa là dường nào!... Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một con người giầu có vào nước Thiên Chúa”.

Nếu vào nước trời chỉ cần giữ các giới răn thì có vẻ dễ đối với người thanh niên giầu có này, con người như thế được cả hai đời, đời này đã được giầu có sung sướng, đời sau lại còn được hưởng vinh phúc trường sinh. Bởi thế, vào nước trời bao gồm cả tinh thần nghèo khó nữa mới được, cả lòng khao khát nên trọn lành nữa mới đáng gọi là khó hơn lạc đà chui qua lỗi kim.

Đó là lý do hôm nay chúng ta cùng nhau sinh hoạt trò chơi “còn phải làm thêm một điều nữa”.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra một người đứng trước người quản trò là người cầm trong tay một hộp 10 tấm giấy cuộn lại, mỗi tờ giấy được viết ở cả hai mặt, mặt thứ nhất viết “giới răn thứ 1”, “giới răn thứ 2” v.v. (10 tấm giấy 10 giới răn khác nhau, và mặt thứ hai viết “ngươi còn cần phải làm thêm một điều nữa, đó là bán hết những gì mình có bố thí cho kẻ khó: như đồng hồ/thắt lưng (nam) hoặc vòng lắc/bông tai/kẹp tóc (nữ), và khăn quàng cùng với đôi giầy”.

2. Người đại diện nhóm sẽ lần lượt bốc thăm, rồi đưa lá thăm cho người quản trò, người quản trò sẽ đọc mặt thứ nhất trước, và người bốc thăm sẽ phải đọc đúng giới răn nào được nhắc đến trong tờ thăm ấy. Điểm sẽ được chấm chẳng những đọc thuộc mà còn đọc nhanh nữa. Xin người quản trò coi giờ.

3. Sau người bốc thăm đọc xong giới răn của lá thăm, người quản trò đọc câu ở mặt thứ hai, và người đọc xong giới răn ấy phải làm theo thứ tự những gì vừa được người quản trò bảo. Điểm cũng được tính ở đây chẳng những ở chỗ làm đúng mà còn làm theo thứ tự và làm nhanh nhất nữa. Xin người quản trò coi giờ.

4. Tuy nhiên, hay nhất nên cho mọi người đại diện nhóm rút thăm và đọc xong giới răn của lá thăm, người nào không thuộc bị loại, còn những người thuộc sẽ cùng nhau nghe lời người quản trò bảo những gì phải làm ở mặt bên kia của lá thăm, sau đó cùng làm chung một lúc, ai làm đúng, theo thứ tự và nhanh nhất thì được nhiều điểm nhất. Nếu hai người ngang nhau thì tính cả điểm đọc giới răn nhanh chậm nữa.


 

10/10 Thứ Sáu

Ba Vị Tân Thánh Truyền Giáo ngày 5/10/2003

Như chương trình ấn định, ĐTC đã phong thánh cho 3 vị chân phước truyền giáo, trong đó có 2 vị sáng lập dòng truyền giáo, vào Chúa Nhật 5/10 trong một Thánh Lễ dài hơn 2 tiếng.

ĐTC đã nhắn nhủ 30 ngàn tín hữu tham dự tại quảng trường Thánh Phêrô rằng: “Hết mọi Kitô hữu được sai đi truyền giáo, thế nhưng, để là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô cần phải liên lỉ tìm kiếm sự thánh thiện”.

Một trong ba vị tân thánh là một đấng sáng lập người Ý tên là Daniel Comboni (1831-1881), vị giám mục tiên khởi của miến trung Phi Châu. Ngài đã lập hội dòng cá`c vị thừa sai và được coi là một trong những nhà thừa sai lớn nhất của lịch sử Phi Châu. Khẩu hiệu của Ngài là “Cứu Phi Châu bằng Phi Châu”.

Vị tân thánh thứ hai cũng là vị sáng lập dòng, đó là vị thánh người Đức tên là Arnold Janssen (1837-1909), sáng lập Hội Lời Thần Linh SDV (Society of the Divine Word), Dòng Các Chị Em Thừa Sai Thánh Linh và Các Chị Em Tôn Thờ Thánh Linh.

Vị tân thánh thứ ba là chân phước Josef Freinademetz (1852-1908), một trong những đồ đệ đầu tiên của vị tân thánh lập dòng Janssen. Là nhà thừa sai ở Trung Hoa, vị tân thánh được coi là “một người Trung Hoa giữa người Trung Hoa”.

Gương của ba vị tân thánh này, theo ĐTC, cho thấy rằng “việc loan báo Phúc Âm là việc phục vụ đầu tiên Giáo Hội có thể cống hiến cho mỗi một người cũng như cho toàn thể nhân loại”.

 

Thánh Daniel Comboni

(1831-1881)

Daniele Comboni (1831-1881)

"Cứu Phi Châu bằng Châu Phi".

Bé Daniel Comboni là con trai của những người làm vườn nghèo khổ, vị đã trở thành Giám Mục Công Giáo tiên khởi ở Trung Phi, và là một trong những vị đại thừa sai của lịch sử Giáo Hội. Ðó là một sự thật. Khi Thiên Chúa muốn nắm lấy tay và chọn một cá nhân quảng đại với tấm lòng rộng mở thì những gì cao cả mới lạ sẽ xẩy ra.

"Ðứa con duy nhất" sinh bởi cha mẹ thánh đức

Bé Daniel Comboni vào đời ở Limone sul Garda (Brescia - Ý) vào ngày 15 tháng 3 năm 1831, trong một gia đình của những người trồng trọt làm công cho một điền chủ giầu có địa phương. Hai ông bà thân sinh Luigi và Domenica của ngài rất nâng niu Daniel, vì ngài là đứa con thứ bốn trong 8 người con, lại là đứa sống sót duy nhất, ngoài ra tất cả đều bị chết yểu, 6 người bị chết khi còn nhỏ. Bởi vậy họ là một đơn vị rất gắn bó với nhau, sâu xa về đức tin và các thứ giá trị nhân bản, nhưng lại nghèo nàn về vật chất. Chính vì cảnh nghèo nàn này đã đẩy Daniel đi xa học ở Verona, nơi một Học Viện do cha Nicola Mazza thiết lập. Trong những tháng năm sống ở Verona, cậu Daniel đã nhận thức được ơn goị làm linh mục của mình, hoàn tất việc học Triết Lý và Thần Học, nhất là hướng đến việc truyền giáo ở Trung Phi bởi những lời diễn tả của các vị thừa sai từ đấy về Học Viện Mazza. Thày Comboni đã chịu chức linh mục năm 1854, sau đó 3 năm ngài đã tự mình đi đến Phi Châu cùng với 5 vị thừa sai khác của Học Viện Mazza, sau khi được thân mẫu Domenica cuối cùng lên tiếng chúc lành: "Daniel con, hãy ra đi, xin Chúa chúc lành cho con".

Ði vào lòng Phi Châu - ôm ấp Phi Châu trong lòng mình

Sau cuộc hành trình 4 tháng trời, cuộc thám hiểm truyền giáocó cả cha Comboni đã đến Khartoum, thủ đô của Sudan. Tác dụng của cuộc giáp mặt lần đầu tiên với Phi Châu thật là khủng khiếp, cha Daniel nhận thấy ngay được vô vàn khó khăn trong cuộc truyền giáo mới của mình. Thế nhưng, những vất vả khó nhọc, khí hậu không thể chịu nổi, bệnh hoạn, những cuộc vong mạng của các nhà thừa sai trẻ trung đồng nghiệp của ngài, tình trạng bần cùng và vô danh tiểu tốt của dân chúng, chỉ có thể thúc đẩy ngài tiến tới, không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc những gì ngài đã nhiệt thành chấp nhận. Từ miền truyền giáo của Thánh Giá ngài đã viết cho cha mẹ như sau: "Chúng con sẽ phải làm việc vất vả, thấm đẫm mồ hôi, bỏ cả mạng sống: thế nhưng ý nghĩ con người được đổ mồ hôi và bỏ mạng vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô và cho phần rỗi của những linh hồn bị bỏ rơi đệ nhất trên thế giới này, đối với chúng con, lại hết sức ngọt ngào hơn là việc bỏ không thực hiện công cuộc cao cả này nữa".

Sau khi chứng kiến thấy cái chết của một trong những người đồng bạn của mình, cha Comboni chẳng những không nản chí lại còn cảm thấy vững mạnh trong tâm hồn về quyết định của mình trong việc truyền giáo: "O Nigrizia o morte!" - Một là Phi Châu hai là chết.

Cũng chính Phi Châu và nhân dân của đại lục này đã thúc đẩy cha Comboni, khi ngài trở về Ý, tìm ra một phương sách truyền giáo mới. Vào năm 1864, khi đang cầu nguyện tại Mộ Thánh Phêrô ở Rôma, cha Daniel được một ơn soi động mạnh mẽ khiến ngài phác họa Dự Án Tái Sinh Phi Châu nổi tiếng của ngài, một dự phóng truyền giáo có thể được tóm gọn vào lời diễn tả tự nó cho thấy lòng tin tưởng vô biên của ngài vào các thứ năng lực nhân bản lẫn tôn giáo của các dân tộc Phi Châu: "Cứu Phi Châu bằng Châu Phi".

Một vị giám mục tiên khởi

Bất chấp tất cả mọi khó khăn và hiểu lầm phải đối đầu, cha Daniel Comboni đã nỗ lực khuấy động phần đất của mình về cái trực giác ấy của ngài: đó là tất cả mọi xã hội Âu Châu và Giáo Hội đều được kêu gọi phải quan tâm hơn nữa với việc truyền giáo ở Trung Phi. Ngài đã thực hiện liên tục một vòng khuấy động truyền giáo khắp Âu Châu, xin các Vua Chúa và Hoàng Hậu, các vị Giám Mục và quyền quí, cũng như xin các người đơn sơ nghèo nàn, trợ giúp về tinh thần cũng như vật chất cho các nơi truyền giáo ở Phi Châu. Ðể làm dụng cụ tác động việc truyền giáo, ngài đã bắt đầu tờ nguyệt san truyền giáo, tờ nguyệt san đầu tiên ở Ý. 

Niềm tin bất khả lay chuyển vào Chúa cũng như lòng tin tưởng đối với Phi Châu đã khiến ngài thành lập, vào năm 1867 và 1872, hai Tổ Chức truyền giáo cho giới nam cũng như giới nữ: những tổ chức này được phần đông biết đến là Các Vị Thừa Sai Comboni và Các Nữ Tu Thừa Sai Comboni (Các Cha và Các Nữ Tu Verona). 

Ngài đã tham dự Công Ðồng Chung Vatican I như một thần học gia của Ðức Giám Mục Verona và xin được 70 vị Giám Mục ký vào một thỉnh nguyện đơn xin thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa cho Trung Phi (Postulatum pro Nigris Africae Centralis).

Vào ngày 2/7/1877, cha Comboni được bổ nhiệm làm Ðại Diện Tòa Thánh ở Trung Phi và được tấn phong giám mục một tháng sau đó: đó là một bảo chứng chp thấy tư tưởng của ngài và các hoạt động của ngài, mà một số cho là dại dột nếu không muốn nói là điên rồ, được công nhận như phương tiện thật sự hiệu nghiệm cho việc loan báo Tin Mừng và giải phóng địa lục Phi Châu.

Năm 1877 và 1878, ngài và tất cả mọi vị thừa sai của ngài phải trải qua cực hình ở cả thân xác lẫn tinh thần bởi thảm họa hạn hán rồi tới đói khát chưa từng thấy. Dân chúng địa phương bị giảm xuống còn một nửa, và nhân viên truyền giáo cùng với hoạt động của họ suy giảm hầu như đến mức chẳng còn gì.

Thánh giá là bạn hữu và là bạn đời

Năm 1880, ÐGM Comboni dứt khoát đến Phi Châu lần thứ tám cũng là lần cuối cùng, để đồng hành với các nhà truyền giáo của mình, đồng thời để tiếp tục chiến đấu chống lại nạn Buôn Bán Nô Lệ độc hại, cũng như để củng cố hoạt động truyền giáo được chính những người Phi Châu thực hiện. Chỉ một năm sau đó, kiệt sức vì lao nhọc, vì nhiều cái chết xẩy ra liên tục nhanh chóng cho thành phần hợp tác viên của ngài, vì làn sóng vu khống và tố cáo đắng cay chồng chất, vị đại thừa sai đã ngã bệnh. Vào ngày 10/10/1881, mới 50 tuổi đầu, một cuộc đời được đánh dấu bằng Thánh Giá như một người bạn đời trung thành ưu ái không bao giờ rời xa ngài, ngài đã qua đời ở Khartoum giữa dân của ngài. Thế nhưng, ngài biết rằng hoạt động truyền giáo của ngài sẽ không chấm dứt ở nơi ngài: "Tôi có chết đi nhưng hoạt động của tôi sẽ không chết".

Ngài đã đúng. Công việc của ngài đã không chết. Thật vậy, như tất cả moị đại dự án khác, "được hạ sinh dưới chân cây Thập Giá", nó sẽ tiếp tục sống qua việc hy hiến đời sống của nhiều con người nam nữ đã muốn theo  Comboni trên con đường truyền giáo gian khổ nhưng đầy phấn khởi của ngài giữa những dân tộc nghèo nàn nhất về khía cạnh Phúc Âm cũng như giữa thành phần bị bỏ rơi đệ nhất về phương diện đoàn kết loài người.

 

Thánh Arnold Janssen

(1837-1909)

Arnold Janssen (1837-1909)

Sáng lập Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời

Bé Arnold Janssen vào đời ngày 5/11/1837 ở Goch, một thành phố nhỏ ở hạ lưu miền Rhineland (Ðức quốc). Là đưa con thứ hai trong 10 anh chị em, cha mẹ của bé đã thấm nhiễm nơi em một lòng sùng đạo sâu xa. Em đã được thụ phong linh mục ngày 15/8/1861 ở giáo phận Muenster và được chỉ định dạy khoa học tự nhiên và toán học tại một trường nhị cấp ở Bocholt. Tại đây, ngài tỏ ra là một ông thày nghiêm nghị nhưng chính trực. Vì lòng thiết tha sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Giáo Phận đặc trách Việc Tông Ðồ Cầu Nguyện. Việc tông đồ này đã thúc đẩy cha Arnold cởi mở với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác.

Từ từ ngài càng ngày càng nhận thấy các nhu cầu thiêng liêng của con người ở ngoài phạm vi giáo phận của ngài, làm ngài tăng thêm mối quan tâm sâu xa đối với sứ vụ truyền giáo hoàn vũ của giáo hội. Ngài đã quyết tâm hiến cuộc đời mình cho việc thức tỉnh nơi giáo hội Ðức trách nhiệm truyền giáo của giáo hội quốc gia này. Ôm ấp ước vọng ấy trong lòng, vào năm 1873 ngài xin thôi việc dạy học và sau đó không lâu ngài đã phát hành tờ Sứ Giả Nhỏ Bé của Thánh Tâm. Tờ nguyệt san phổ thông này phổ biến tin tức về những hoạt động truyền giáo và phấn khích những người Công giáo nói tiếng Ðức cộng tác hơn nữa để giúp đỡ các xứ truyền giáo.

Ðó là những thời kỳ khó khăn đối với Giáo Hội Công Giáo ở Ðức. Bismark đã tung ra "Kulturkanpf" với một chuỗi luật chống Công Giáo, những khoản luật đưa tới chỗ trục xuất các vị linh mục và tu sĩ cũng như tống ngục nhiều vị giám mục. Trong tình hình hỗn độn này, cha Arnold Janssen đã nghĩ đến chuyện là một số linh mục bị trục xuất có thể đi đến những xứ truyền giáo ngoại quốc, hay ít là giúp vào việc sửa soạn cho các nhà thừa sai. Một cách từ từ nhưng vững vàng, lại được vị Ðại Diện Tòa Thánh ở Hồng Kông hơi thúc giục, cha Arnold đã nhận thức được rằng Thiên Chúa đang kêu gọi ngài đảm nhiệm công việc khó khăn này. Nhiều người nói rằng ngài không phải là người hợp với công việc ấy, hay chưa tới lúc để thực hiện một dự án như thế. Câu trả lời của cha Arnold là "Chúa thử thách đức tin của chúng ta trong việc thực hiện điều mới, thì đó chính là lúc Giáo Hội xẩy ra có rất nhiều điều đang sụp đổ"..

Ðược một số giám mục nâng đỡ, cha Arnold đã khai trương ngôi nhà truyền giáo vào ngày 8/9/1875 ở Steyl, Hòa Lan, nhờ đó bắt đầu Chư Thừa Sai Ngôi Lời. Ngày 2/3/1879, hai vị thừa sai đầu tiên đã lên đường đi Trung Hoa. Một trong hai vị này là thánh Joseph Freinademetz.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề phát hành đối với việc thu hút ơn gọi và gây quĩ, cha Arnold đã bắt đầu một nhà in sau 4 tháng khai trương ngôi nhà này. Cả hàng ngàn người giáo dân quảng đại đã góp thời gian và nỗ lực vào việc làm sinh động vấn đề truyền giáo ở những xứ sở nói tiếng Ðức, bằng cách giúp phân phối tờ nguyệt san từ Steyl. Từ ban đầu hội dòng mới này đã phát triển như là một cộng đồng cho cả linh mục lẫn Sư Huynh.

Các thiện nguyện viên ở nhà truyền giáo bao gồm cả phụ nữ lẫn nam nhân. Thực tế từ đầu đã có một nhóm phụ nữ, trong đó có Chân Phước Maria Helena Stollenwerk, đã phục vụ cộng đồng này. Thế nhưng họ muốn phục vụ việc truyền giáo như là các Nữ Tu. Việc phục vụ trung thành và vô tư họ thực hiện, và việc nhìn nhận tầm quan trọng của phụ nữ có thể đóng vai trò trong việc phổ biến vấn đề truyền giáo, đã thúc đẩy Arnold phải thành lập một hội dòng truyền giáo của "Tôi Tớ Thánh Linh", SSpS (Servants of the Holy Spirit) vào ngày 8/12/1889. Những Nữ Tu đầu tiên này đã lên đường đến Á Căn Ðình năm 1895.

Năm 1896, cha Arnold đã chọn một số nữ tu của mình để thành lập một ngành ẩn tu, mang danh xưng là "Chư Tôi Tớ của Thánh Thần Vĩnh Viễn Tôn Thờ", SSpSAP. Công việc của họ đối với vấn truyền giáo là phải bảo trì việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, cầu nguyện ngày đêm cho giáo hội và đặc biệt cho hai hội dòng.

Cha Arnold qua đời ngày 15/1/1909, cuộc sống của ngài là một cuộc sống liên lỉ tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, hết lòng trông cậy vào sự quan phòng thần linh, và chuyên chỉ làm việc. Công cuộc của ngài đã được chúc phúc rõ ràng nơi việc phát triển sau đó của các cộng đồng ngài đã thành lập: hơn 6 ngàn Thừa Sai Ngôi Lời hoạt động ở 63 quốc gia, hơn 3800 các Tôi Tớ trung thành của Thánh Linh, và hơn 400 Tỳ Nữ Thánh Linh  Thường Trực Tôn Thờ.

 

Thánh Joseph Freinademetz

(1852-1908)

Josef Freinademetz (1852-1908)

Một người Trung Hoa giữa người Trung Hoa

Bé Joseph Freinademetz vào đời ngày 15/4/1852, tại Oies, một thôn nhỏ có 5 ngôi nhà tọa lạc ở Dolomite Alps thuộc miền bắc Nước Ý. Miền này được gọi là South Tyrol, bấy giờ là một phần của đế quốc Áo-Hung. Bé đã được rửa tội vào chính ngày ra đời, và được thừa hưởng từ gia đình của mình một đức tin chân thành nhưng vững chắc.

Khi cậu Joseph đang học thần ở chủng viện giáo phận Bressanone (Brixen), cậu bắt đầu suy nghĩ nhiều về những xứ truyền giáo ở nước ngoài như là một lối sống. Cậu được chịu chức linh mục ngày 25/7/1875, và được chỉ định đến phục vụ cho cộng đồng Thánh Martin rất gần gia đình của mình, nơi vị tân linh mục này chẳng bao lâu chiếm được lòng dân chúng. Tuy nhiên, tiếng gọi phục vụ truyền giáo vẫn không lìa xa cha. Chỉ sau 2 năm chịu chức, ngài đã liên lạc với cha Arnold Janssen, vị sáng lập một nhà truyền giáo đã phát triển nhanh chóng và đã trở thành Hội Dòng Ngôi Lời.

Ðược phép giám mục của mình, cha Joseph đã gia nhập nhà truyền giáo này ở Steyl, Netherlands, vào tháng 8/1878. Ngày 2/3/1879, ngài đã lãnh nhận cây thập giá truyền giáo và đã lên đường đi Trung Hoa với cha John Baptist Anzer, một vị thừa sai của cùng hội dòng. Năm tuần sau cả hai vị đã đến Hồng Kông, nơi các ngài ở đó 2 năm, sửa soạn cho bước kế tiếp. Năm 1881, các ngài đến địa điểm truyền giáo mới ở South Shantung, một tỉnh có 12 triệu dân cứ song chỉ có 158 Kitô hữu.

Ðó là những tháng năm khốn khổ, với những chuyến hành trình xa xôi cực nhọc, những cuộc tấn công bởi thổ phỉ, cùng với việc khó khăn để thành lập những cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Một cộng đồng vừa mới chập chững phát triển thì ngài nhận được chỉ thị của Giám Mục phải rời bỏ hết mọi sự để bắt đầu lại mới hoàn toàn.

Chẳng bao lâu cha Joseph cảm nhận được tầm quan trọng của việc giáo dân dấn thân, nhất là của các giáo lý viên, đối với việc truyền bá phúc âm hóa. Ngài đã dồn lực vào việc huấn luyện họ và dọn một cuốn cẩm nang giáo lý bằng tiếng Trung Hoa. Cùng với cha Anzer (bấy giờ đã trở thành giám mục), ngài cũng dồn lực vào việc sửa soạn, huấn luyện thiêng liêng và giáo dục liên tục cho các vị linh mục Trung Hoa cũng như cho các vị thừa sai khác. Tất cả đời sống của ngài được đánh dấu bằng một nỗ lực cố gắng trở thành một người Trung Hoa giữa người Trung Hoa, đến nỗi ngài đã viết cho gia đình của ngài rằng: "Tôi yêu Trung Hoa và người Trung Hoa. Tôi muốn chết giữa họ và được an nghỉ giữa họ".

Năm 1898, cha Freomademetz bị bệnh viêm thanh quản và bắt đầu bị lao phổi gây ra bởi công việc gồng gánh và nhiều khó khăn khốn khó khác. Bởi thế, đức giám mục và các vị linh mục khác đã cương quyết gửi ngài đi nghỉ ở Nhật Bản, hy vọng rằng ngài sẽ hồi sức. Hơi bình phục ngài đã trở lại Trung Hoa song vẫn chưa hoàn toàn khỏi hẳn.

Khi vị giám mục cần phải du hành khỏi Trung Hoa vào năm 1907, vị linh mục này đã phải gánh thêm vai trò quản nhiệm giáo phận nữa. Trong thời gian ấy xẩy ra một cơn bệnh sốt phát ban. Cha Joseph, như một vị mục tử nhân lành, đã không ngừng ra tay trợ giúp và viếng thăm nhiều cộng đồng cho đến khi chính ngài cũng bị lây nhiễm. Ngài đã trở về Taikia là tòa giám mục và chết ở đó ngày 28/1/1908. Ngài đã được an táng ở chặng Ðường Thánh Giá thứ 12, và mộ của ngài chẳng mấy chốc trở thành địa điểm hành hương cho Kitô hữu.

Cha Freinademetz đã biết cách khám phá ra những gì cao cả và đẹp đẽ của văn hóa Trung Hoa và yêu mến thành phần con người ngài được sai đến. Ngài đã hiến đời mình để loan báo sứ điệp Phúc Âm của tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cũng như vào việc hiện thực tình yêu này qua hoạt động hình thành các cộng đồng Kitô hữu Trung Hoa. Ngài đã làm sinh động các cộng đồng này với tinh thần cởi mở kết đoàn trước thành phần dân cư chung quanh họ. Ngài đã phấn khích nhiều Kitô hữu Trung Hoa trở thành các nhà thừa sai cho dân chúng của mình với vai trò giáo lý viên, tu sĩ nam nữ và linh mục. Ðời sống của ngài là một biểu hiệu cho câu tâm niệm của ngài: "Thứ ngôn ngữ tất cả mọi người hiểu được là thứ ngôn ngữ của yêu thương".

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ VIS của Tòa Thánh

 

9/10 Thứ Năm

Giáo triều 25 năm của Đức Gioan Phaolô II dưới con mắt của một tiểu sử gia George Weigel

Vấn     Lịch sử sẽ thấy như thế nào về giáo triều của Đức Gioan Phaolô II? Những mốc điểm nào sẽ được lịch sử ghi nhận đây?

Đáp     Tôi hy vọng là lịch sử sẽ nhớ đến Đức Gioan Phaolô II như là một chứng nhân Kitô giáo cao cả của thời đại chúng ta. Tất cả mọi sự Ngài làm đều để biến đổi thế giới này và làm tái sinh động Giáo Hội theo chiều hướng này. Ngài thực sự tin rằng Chúa Giêsu Kitô là giải đáp cho vấn nạn hết mọi cuộc sống con người. Đó là niềm xác tín đã làm sinh động thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của Ngài. Và đó cũng là niềm xác tín cũng đã đánh dấu những giây phút nghiêm trọng nhất của giáo triều Ngài: giây phút kêu gọi “đừng sợ” vào dịp đăng quang giáo hoàng của Ngài; chuyến tông du hào hùng của Ngài về Balan vào tháng 6 năm 1979, chuyến tông du biến đổi lịch sử thế giới; hai bài diễn từ tại Liên Hiệp Quốc; những lời tuyên bố cương quyết mãnh liệt với nhóm Sandinistas ở Nicaragua năm 1983 cũng như với những kẻ nổi loạn ở Chí Lợi năm 1987; cuộc hành hương đến Thánh Địa trong dịp Ðại Hỷ Kỷ Niệm Mừng Đại Năm Thánh 2000. Đó còn là niềm xác tín làm nồng cốt vững chắc nơi các giáo huấn của Ngài.

Vấn     Những gì ông nói phải chăng là ba điều chiếm đạt lớn nhất của Ngài?

Đáp     Vấn đề lớn đối với Giáo Hội Công Giáo ở cuối thiên kỷ thứ hai của lịch sử mình đó là vấn đề liệu Giáo Hội có thể cống hiến một chứng từ tha thiết, mãnh liệt và toàn diện về niềm tin tưởng cùng với nỗi hy vọng của mình hay chăng? Đức Gioan Phaolô II đã trả lời vấn nạn này một cách dứt khoát, bằng cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bằng huấn quyền của Ngài, cũng như bằng một khả năng làm cho những niềm xác tín Kitô giáo “trở thành sống động” trong lịch sử, như nơi cuộc sụp đổ của Cộng Sản Âu Châu. Bởi thế tất cả đều ăn khớp với nhau – việc canh tân Giáo Hội với tầm ảnh hưởng trên thế giới. Khó lòng mà nêu lên được ba thành đạt lớn nhất trong mối liên hệ này, nhưng ba điều thành đạt tiêu biểu có thể kể đến là Cuốn Giáo Lý, chuyến tông du về Balan 6/1979, và cuộc Mừng Đại Năm Thánh 2000.

Vấn     Căn cứ vào địa dư, lịch sử và tình trạng đau thương của Balan thì có nước nào đã có thể sản xuất ra được một Gioan Phaolô II chăng?

Đáp     Không thể chối cãi được kinh nghiệm chuyên biệt của vị Giáo Hoàng về Balan, có lẽ là một văn hóa Công Giáo sâu đậm nhất trên thế giới, đã ảnh hưởng sâu đậm đến giáo triều của Ngài. Vị Giáo Hoàng này không bao giờ biết đến chiều hướng tân tiến đại quát, những thứ làm cho niềm xác tín đạo giáo đang phai mờ, những thứ cho rằng niềm tin vào Vị Thiên Chúa của Thánh Kinh là vấn đề thuộc quá khứ. Ngược lại, những gì ngài Koral Wojtyla biết được từ lịch sử của Balan cũng như từ chứng từ Balan dưới thời Nazi và chế đồ tàn bạo Cộng Sản đó là Phúc Âm vẫn là một vấn đề mãnh liệt nhất trong lịch sử, một Phúc Âm có năng lực biến đổi đời sống cá nhân cùng với năng lực biến đổi xã hội.

Vấn     Có một số công đồng chung, như những nỗ lực cố ý canh tân ở thế kỷ 15 chẳng hạn, đã không gặt hái được thành công nhiều lắm. Sau cuộc hỗn độn xẩy ra vào thập niên 1960 và 1970, chúng ta có thể nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã giúp vào việc cứu vãn Công Đồng Chung Vaticanô II hay chăng?

Đáp     Không giống như các công đồng khác, Công Đồng Chung Vaticanô II là một công đồng không đưa ra “những chiếc chìa khóa” thích nghĩa cho việc hiểu được giáo huấn của mình. Các công đồng khác công bố những kinh tin kính, những khoản luật mới lập, những bè rối bị lên án, là tất cả những gì bao gồm “những chiếc chìa khóa” để hiểu được vấn đề của công đồng. Công Đồng Vatican II không hề làm một điều nào trong những điều ấy. Bởi thế mà công việc của giáo triều này là đưa ra “những chiếc chìa klhóa” ấy, qua huấn quyền của vị Giáo Hoàng đương kim, cũng như qua việc Ngài thực hiện với một số thượng hội giám mục.

Vấn     Đức Thánh Cha đã qui cho Đức Trinh Nữ việc cứu mạng sống của Ngài vào ngày 13/5/1981. Việc tôn sùng Mẹ Maria của Ngài đã gây ảnh hưởng gì đến giáo triều của Ngài ra sao?

Đáp     Vị Giáo Hoàng này không ngừng đề cao Đức Mẹ như là mẫu mực cho tất cả vai trò làm môn đệ của Kitô hữu, và theo tôi nghĩ đây là đề tài Thánh Mẫu quan trọng nhất của Ngài. Đức Gioan Phaolô II dường như chấp nhận cái minh thức của thần học gia Hans Urs von Balthasar cho rằng tất cả cuộc sống của người Kitô hữu, một cách nào đó,được hình thành theo hình ảnh Đức Maria, Vị đã thưa lời “xin vâng”, một lời làm hiện thực Việc Nhập Thể và ở một nghĩa nào đó là khởi điểm cho Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh là tất cả lòng thành thực sùng kính Thánh mẫu được tập trung vào Chúa Kitô và có tính cách Ba Ngôi. Như ở tiệc cưới Cana, Đức Maria luôn chỉ đến Người Con của mình chứ không phải là bản thân mình – “Các anh hãy làm những gì Người bảo”; và vì Người Con này vừa là Con Đức Maria lẫn Con Thiên Chúa nên khi chỉ cho chúng ta đến với Người là vị Thánh Mẫu này chỉ cho chúng ta đến ngay tâm điểm của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vấn     Ông đã đề cập đến trong tác phẩm “Chứng Nhân Hy Vọng” của ông là có một số nhà phê bình nói rằng Đức Gioan Phaolô II có thể hành động hữu hiệu hơn nữa nếu Ngài tỏ ra ngặt nghèo hơn và thường xuyên hơn với các vị giám mục và thần học gia sai lạc. Lịch sử sẽ cho thấy rõ đó là người nào: Đức Thánh Cha hay nhưng nhà phê bình của Ngài?

Đáp     Vấn đề liên hệ giữa Vị Giám Mục Rôma và Tòa Thánh Rôma với luật phép của các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới là một vấn đề sẽ được cứu xét hết sức cẩn thận trong tương lai. Không thể nào Đức Giáo Hoàng lại là một viên chức đối với mỗi giáo phận trên thế giới, hay thực sự là vị đồng chủ tịch của hết mọi hội đồng giám mục quốc gia. Các vị giám mục phải có trách nhiệm chính trong việc trừng sử các huynh đệ giám mục của mình. Nếu những cơ cấu hội đồng giám mục hiện nay ngăn cản việc huynh đệ sửa lỗi cho nhau ấy thì các cơ cấu hội đồng giám mục này cần phải được thay đổi. Áp dụng vào trường hợp các thần học gia cũng thế. Tòa Thánh đã phải nhúng tay vào một số trường hợp vì các vị giám mục địa phương tỏ ra lưỡng lự ra tay, hay sợ phải ra tay, hoặc không có khả năng hiểu được lý do tại sao cần phải ra tay. Tại sao Tòa Thánh lúc nào cũng cần phải thi hành những gì có thể – “nặng nề” –? Cũng thế, tôi dĩ nhiên nghĩ rằng chúng ta dầu sao cũng phải công nhận là Tòa Thánh có thế giá vững chắc hơn là các vị giám mục địa phương nơi nhiệm vụ pháp chế của mình. Như tôi đã nói, tất cả những điều này cần phải được làm sáng tỏ một cách cẩn thận vào khoảng thời gian ít nữa đây.

Vấn     Những công việc chính yếu của giáo triều tới đây sẽ là gì?

Đáp     Để tiếp tục công cuộc thúc bách loan báo Phúc Âm theo tâm tưởng của Đức Gioan Phaolô II; để tạo cho Giáo Hội cơ hội “tiêu hóa” huấn quyền phong phú của đại giáo triều này; để suy nghĩ rất cẩn thận về thách đố Hồi Giáo và phát triển khả năng phân biệt giữa Hồi Giáo chân chính và cực bảo thủ, nhưnõng lực lượng Hồi Giáo chính trị; để tìm những đường lối mới trong việc liên hệ giữa chứng từ về luân lý của vai trò giáo hoàng đối với vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh.

Vấn     Nếu Đức Gioan Phaolô II có thể kéo dài giáo triều của mình hơn nữa thì Ngài còn có thể làm gì khác được nữa hay chăng?

Đáp     Tôi không nghĩ rằng Đức Thánh Cha này có ý định như thế. Ngài đi đến quyết định sau khi đã tha thiết cầu nguyện; Ngài phó dâng các quyết định ấy cho Chúa; Ngài biết rằng Ngài sẽ phải trả lẽ cho Chúa về vai trò quản lý của mình. Đó là cách Ngài đã nghĩ về những gì xẩy ra trong quá khứ – mặc dù tôi phải nói ngay rằng một trong những tính chất nổi bật nhất của vị Giáo Hoàng này là việc Ngài hết sức hướng đến tương lai. Vấn đề của Ngài bao giờ cũng như thế này giờ đây Chúa Thánh Thần đang muốn chúng ta làm gì?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch cuộc phỏng vấn này từ Zenit ngày 29/9/2003
 

 8/10 Thứ Tư

Bắt đầu loạt bài Thánh Vịnh cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Ðêm

Hôm nay là ngày Thứ Tư, ngày có cuộc triều kiến chung hằng tuần ở Tòa Thánh Vatican, buổi triều kiến Đức Gioan Phaolô II dùng để dạy giáo lý cho con cái của mình. Hôm nay, sau khi chấm dứt loạt bài giáo lỳ về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh cho Kinh Ban Mai tuần trước, Ngài tiến sang các Thánh Vịnh cho Kinh Tối.

Trước 15 ngàn người tham dự buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC đã nói: “cùng với việc cử hành Kinh Sáng ở đầu ngày, việc cử hành Kinh Tối đã trở thành thông dụng trong Giáo Hội vào buổi tối… Khi màn đêm buông xuống, Kitô hữu biết rằng Thiên Chúa chiếu soi ngay cả trong đêm tối ánh quang của việc Ngài hiện diện cũng như ánh sáng của các lời Ngài giáo huấn… Trước biểu hiệu của ánh sáng, kinh nguyện ban tối đã trở thành một hiến tế chúc tụng chiều hôm cùng với sự nhìn nhận các tặng ân tạo dựng cũng như cứu chuộc… Đêm tối là thời gian hay nhất để suy niệm về ngày sống trước nhan Thiên Chúa trong nguyện cầu… Nó cũng là giây phút ‘dâng lời tạ ơn về những gì chúng ta đã được ban cho hay những gì chúng ta đã hoàn thành một cách ngay thẳng’. Nó cũng là thời gian để xin thứ tha tội lỗi chúng ta đã vấp phạm, nài xin Chúa Kitô vì tình thương thần linh chiếu soi lòng trí chúng ta một lần nữa… Tuy nhiên, đêm về cũng gợi lên cho thấy ‘mầu nhiệm về đêm” (mysterium noctis). Bóng tối bao phủ như là một cơ hội của những khuynh hướng thường tình, nhất là của nỗi yếu đuối, chiều theo những cuộc tấn công của ma quỉ. Với những thứ nguy hiểm của mình như thế, đêm tối đã trở thành một biểu hiệu cho tất cả mọi thứ sự dữ là những gì Chúa Kitô đã đến giải cứu chúng ta.. Ban sáng và ban tối là những thời điểm tuyệt hảo để dâng lời nguyện cầu, chung với người khác hay âm thầm một mình. Liên kết với những giây phút quan trọng của ngày sống và hoạt động, các Giờ Kinh Sáng và Kinh Tối là những cách thức hữu hiệu để dẫn dắt đường lối thường nhật của chúng ta hướng về Chúa Kitô là ‘ánh sáng thế gian’”.

Sau khi chào đoàn hành hương bằng các thứ ngôn ngữ khác nhau, ĐTC đã nói lên lời tạ ơn Đức Mẹ “Hôm qua đã cho Tôi cơ hội thực hiện cuộc viếng thăm Đền Thánh Mẫu Pompeii được dâng hiến cho Mẹ. Hết sức nhớ đến cuộc hành hương Thánh Mẫu này, Tôi kêu gọi mọi người hãy thẩm định hơn nữa về kinh nguyện Mân Côi rất yêu dấu với truyền thống của dân Kitô giáo. Bằng kinh nguyện này, Giáo Hội kêu cầu lời chuyển cầu của Mẹ Maria cho đặc biệt các gia đình cũng như cho hòa bình trên thế giới của thời đại chúng ta đây”.

Trong bài giảng hôm qua tại Pompeii, ĐTC cũng đã nhắc lại ý nghĩa của Kinh Mân Côi cũng như của việc cầu kinh Mân Côi như sau: “Thật vậy, kinh mân côi là gì? Một bản tóm lược Phúc Âm. Kinh này làm cho chúng ta trở về với những cảnh sống chính của cuộc đời Chúa Kitô, như thể cho chúng ta “thở hít” mầu nhiệm của những cảnh sống chính ấy. Kinh mân côi là một cách thức chiêm niệm thuận lợi. Tức nó là đường lối Maria vì còn ai hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô hơn Người? Chân Phước Bartolo Longo, vị tông đồ của kinh mân côi, đã thâm tín được điều này; ngài đã đặc biệt chú trọng đến đặc tính chiêm niệm và Kitô học của kinh mân côi. Nhờ vị chân phước này, Pompeii đã trở thành một trung tâm linh đạo mân côi”.

Sau đây chúng ta hãy đọc lại bài giáo lý Thánh Vịnh cuối cùng của Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai mới vừa được ÐTC hướng dẫn tuần trước.

Bài Ca Vịnh Chúc Tụng

(Bài 87 Giáo Lý Thánh Vịnh Thứ Tư 1/10/2003: Ca Vịnh Zechariah: Kinh Ban Mai, Hằng Ngày)

1.-     Để kết thúc cuộc hành trình của chúng ta trong việc duyệt qua các bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai, chúng ta muốn suy niệm về một kinh nguyện xuất hiện ở mỗi buổi sáng vào lúc chúc tụng. Đó là bài ca vịnh Chúc Tụng, bài ca vịnh được Zechariah, cha của Thánh Gioan Tẩy Giả, xướng lên vào ngày sinh của đứa con trai làm đổi thay cuộc đời của ông, ở chỗ làm cho ông hết nghi ngờ là căn do khiến ông bị câm, một hình phạt đích đáng đối với việc thiếu tin tưởng và chúc tụng của ông.

Trái lại, bấy giờ ông Zechariah đã có thể chúc tụng vị Thiên Chúa cứu độ, và ông đã thực hiện điều ấy bằng một bài thánh thi ca, bài thánh thi ca đã được Thánh Ký Luca đề cập đến ở chỗ nó thực sự phản ảnh cho việc sử dụng phụng vụ trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai (x Lk 1:68-79).

Cũng vị thánh ký này đã cho nó là một bài ca ngôn sứ bởi tác động của hơi thở Thánh Linh (x 1:67). Thật vậy, chúng ta đứng trước một phúc lành loan truyền các hành động cứu độ cũng như việc giải phóng do Chúa thực hiện cho dân của Ngài. Nó thật là một bài đọc lịch sử “có tính cách ngôn sứ”, tức là một nhận thức về ý nghĩa thân tình và sâu xa nơi tất cả mọi thăng trầm của loài người được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình song hiệu lực của Chúa đan kết với bàn tay yếu hèn và bất nhất của con người.

2.     Bài ca vịnh này là một bài ca vịnh trang trọng, và theo nguyên ngữ Hy Lạp, được hợp bởi hai câu mà thôi (x 68-75; 76-79). Sau phần dẫn nhập mang đặc tính của một lời tán dương chúc tụng, chúng ta có thể nhận thấy nơi phần thân của bài ca vịnh này thực sự có ba tiết đoạn là những gì gợi lên nhiều đề tài đánh dấu toàn thể lịch sử cứu độ, đó là đề tài về giao ước với Đavít (x 68-71), đề tài về giáo ước với Abraham (x 72-75), đề tài về Vị Tẩy Giả sẽ dẫn chúng ta đến giao ước mới trong Chúa Kitô (x 76-79). Tất cả lời cầu nguyện đều hướng về đích điểm liên hệ tới Đavít và Abraham khi các vị còn sống.

Tột đỉnh của bài ca vịnh này được tóm gọn trong một câu kết luận, đó là câu “rạng đông cao xanh sẽ viếng thăm chúng ta” (câu 78). Hình ảnh thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn trong việc liên kết giữa “cao xanh” và “rạng đông” thực sự là một hình ảnh quan trọng.

3.     Đúng thế, theo nguyên ngữ Hy Lạp thì việc “mặt trời lên” là “anatole”, một chữ có nghĩa là ánh sáng mặt trời chiếu soi trái đất của chúng ta đây, hay cũng có nghĩa là một chồi cây nẩy sinh. Cả hai hình ảnh này đều mang một thứ giá trị thiên sai theo truyền thống thánh kinh.

Một đàng, khi nói về Emmanuel, tiên tri Isaia đã nhắc cho chúng ta thấy rằng “dân chúng đang bước đi trong tăm tối đã được thấy một thứ ánh sáng cao cả;/ ánh sáng đã chiếu soi trên những ai ở trong miền đất u minh” (9:1). Đàng khác, cũng nói đến vị Emmanuel vương đế này, vị tiên tri đã diễn tả Người như “một chồi mọc lên từ gốc Jesse”, tức là từ triều đại Đavít, một chồi cây được Thần Linh Thiên Chúa bao phủ (x 11:1-2).

Bởi thế, nơi Chúa Kitô, ánh sáng đã xuất hiện chiếu soi cho tất cả mọi tạo vật (x Jn 1:9) và sự sống trổ sinh, như Thánh Ký Gioan sẽ nói tới khi thực sự liên kết hai thực tại này lại với nhau: “sự sống ở nơi Người và sự sống này là ánh sáng chiếu soi nhân loại” (1:4).

4.     Nhân loại, một nhân loại đang ở “trong tối tăm và trong bóng tối sự chết” được chiếu soi bởi ánh quang mạc khaiũi này (x Lk 1:79). Như tiên tri Malachi loan báo “mặt trời công chính chiếu tỏa những tia chữa lành trên những ai kính sợ danh Ta” (3:20). Mặt trời này sẽ “hướng dãn chân chúng ta theo đừng lối bình an” (Lk 1:79).

Đến đây, với ánh sáng ấy như cứ điểm của mình, chúng ta tiến bước; và những bước chân ngập ngừng bất định của chúng ta ban ngày thường bước đi trên những con đường tăm tối trơn trượt đã được vững chắc bởi ánh sáng chân lý Chúa Kitô chiếu soi trên thế giới và trong lịch sử.

Ở đây, chúng ta muốn nhường lời lại cho một bậc thày của Giáo Hội, một trong những Vị Tiến Sĩ của Giáo Hội, đó là Thánh Bede người Hiệp Vương Quốc (ở vào thế kỷ thứ bảy thứ tám), vị mà trong Bài Giảng của mình về cuộc Vào Đời của Thánh Gioan Tẩy Giả đã dẫn giải về Ca Vịnh Zechariah thế này: “Chúa… đã viếng thăm chúng ta như một vị y sĩ đối với bệnh nhân của mình, vì để chữa một thứ bệnh mãn tính kiêu căng của chúng ta, Người đã hiến cho chúng ta một gương mới của lòng khiêm nhượng; Người đã cứu chuộc dân Người, vì Người đã giải thoát chúng ta, thành phần đã trở thành những kẻ làm tôi cho tội lỗi và là nô lệ cho kẻ thù xưa kia, bằng giá máu của Người – Chúa Kitô đã thấy chúng ta đang sống trong dối trá ‘tối tăm và bóng chết’, tức là thấy chúng ta bị áp đảo bởicái mù lòa lâu dài bởi tội lỗi và vô tri… Người đã mang đến cho chúng ta ánh sáng thật của kiến thức Người, và đánh tan tối tăm lầm lạc, Người đã tỏ cho chúng ta thấy con đường chắc chắn về quê hương thiên quốc. Ngài đã hướng dẫn những bước đường hoạt động của chúng ta để làm cho chúng ta bước đi theo đường lối của chân lý là đường lối Người tỏ cho chúng ta, và làm cho chúng ta tiến vào ngôi nhà vĩnh viễn an bình được Người hứa hẹn cho chúng ta”.

5-     Sau hết, trích từ những đoạn thánh kinh khác, Thánh Bede đã kết luận như thế này khi dâng lời tạ ơn về những tặng ân nhận lãnh: “Anh em thân mến, vì chúng ta có được những tặng ân của sự thiện hảo đời đời này… chúng ta cũng hãy chúc tụng Chúa trong mọi lúc (x Ps 33:2), vì ‘Người đã viếng thăm và cựu chuộc dân Người’. Chớ gì lời chúc tụng này luôn ở trên môi miệng của chúng ta, chớ gì chúng ta cứ nhớ đến Người và loan truyền công cuộc của Đấng đã “gọi anh em ra khỏi tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Người’ (1Pt 2:9). Chúng ta hãy không ngừng xin Người giúp đỡ, để Người bảo trì trong chúng ta ánh sáng kiến thức Người đã ban cho chúng ta, và dẫn chúng ta tới ngày của sự hoàn hảo” ("Omelie sul Vangelo," [Homilies on the Gospel Rome], 1990, pp. 464-465).

Anh Chị Em thân mến!

Việc dẫn giải của chúng ta về những bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Kinh Nguyện Ban Mai hôm nay được kết thúc với bài Ca Vịnh Zechariah là bài ca vịnh thường được gọi là bài Benedictus. Đó là một ca vịnh có tính cách ngôn sứ được thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả nói lên cho thấy ba biến cố trong cuộc Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái, đó là giáo ước của Người với Abraham, giao ước của Người với Đavít, và giao ước mới của Người nơi Chúa Kitô. Như “rạng đông từ cao xanh”, Chúa Kitô dã chiếu ánh sáng và hướng dẫn chúng ta đi vào con đường hòa bình. Thánh Bede đã nhận định là Chúa Kitô tỏ cho chúng ta thấy “con đường vững chắc tiến về quê hương thiên đình của chúng ta”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 1/10/2003)
 

7/10 Thứ Ba, Lễ Mẹ Mân Côi

ĐTC Gioan Phaolô II Hành Hương Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompeii

Hôm nay, 7/10/2003, Giáo Hội cử hành Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Theo chương trình Năm Mâm Côi, mặc dù sức khỏe rất yếu kém và suy kiệt, ĐTC cũng cố gắng tới Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, gần thành Naples Ý Quốc. Ngài đã lên máy bay lúc 9 giờ 15 sáng ở Vatican. Đây là chuyến đi trong nước Ý thứ 143 của Ngài. Ngài đã đến đền thánh mẫu này ngày 21/10/1979, một năm sau khi giáo triều của Ngài được bắt đầu. Sau khi trực thăng hạ cánh, Ngài đã đi xe đến Công Trường Á Thánh Bartolo Longo, nơi có cả chục ngàn tín hữu đang đón chờ Ngài. Sau khi chào ĐTGM Domenico Sorrentino, TGM Pompeii, ĐTC đã đọc lời nguyện cầu xin cho hòa bình như sau:

“Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta. Chúng ta nhìn lên Người khi bắt đầu một thiên kỷ đã bị đầy căng thẳng và xung khắcở mọi miền đất trên thế giới… Xin Đức Trinh Nữ, từ đền thánh mẫu nổi tiếng trên những ngọn đồi cổ của thành phố Pompeii này, ngôi đền thờ mà á thánh Bartolo Longo mong muốn trở thành một dấu hiệu hòa bình cho các dân tộc, hãy tỏ mình ra cho mọi người như là một Người Mẹ và là Nữ Vương Hòa Bình”.

Tiếp theo đó Ngài đã lần hạt Năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng để cầu cho hòa bình thế giới, và kết thúc bằng bài giảng như sau:

“Cuộc viếng thăm hôm nay đây, ở một nghĩa nào đó, là tột đỉnh của Năm Mân Côi. Tôi tạ ơn Chúa về các hoa trái của năm nay, một năm đã tạo nên một thứ thức tỉnh về ý nghĩa của kinh nguyện đơn sơ nhưng sâu xa này, một thứ kinh nguyện đã đi sâu vào tâm điểm của đức tin Kitô giáo và hiện lên rất hợp thời trước những thách đố của Ngàn Năm Thứ Ba cũng như trước việc khẩn trương dấn thân cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa”.

Đề cập đến những tàn rụi của thành phố cổ Pompeii, ĐTC đã nói: “Chúng đặt vấn đề quyết liệt về định mạng của con người. Chúng là những chứng từ cho một thứ văn hóa cao cả cho thấy cả những câu giải đáp sáng ngời lẫn những vấn nạn băn khoăn. Thành phố thánh mẫu này hiện lên ngay tâm điểm của những câu vấn nạn này, lấy Chúa Kitô Phục Sinh là câu giải đáp, là ‘phúc âm’ cứu độ. Hôm nay, cũng như trong những thời của thành Pompeii xưa, chúng ta phải loan truyền Chúa Kitô cho một xã hội đang lìa xa các giá trị Kitô giáo, thậm chí đang mất đi ký ức về mình… Lấy thành phố cổ Pompeii làm bối cảnh, kinh mân côi hiện lên như một giá trị tiêu biểu cho một thứ kích tố canh tân đối với việc loan truyền Kitô giáo trong thời đại chúng ta đây”.

Pope

ĐTC “mong muốn là cuộc hành hương này được coi như là một lời cầu khấn hòa bình. Chúng ta đã suy niệm các mầu nhiệm ánh sáng, như thể để chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô vào những xung khắc, căng thẳng và thảm kịch của năm đại lục… Với tiết điệu trầm hòa của việc lập đi lập lại lời Kinh Kính Mừng, kinh mân côi làm cho tâm hồn chúng ta lắng đọng và hướng nó về ân sủng cứu độ. Á Thánh Bartolo Longo đã có một trực giác tiên tri, ở chỗ, khi thánh hiến ngôi thánh đường này cho Đức Mẹ Mân Côi, vị chân phước này muốn thêm cho giáo hội ngôi đền đài này như là một lâu đài cho hòa bình. Như thế việc cầu nguyện cho hòa bình đã đi vào chính Kinh Mân Côi. Đó là một thứ trực giác mang một ý nghĩa chúng ta cần phải đón nhận vào lúc mở màn cho thiên kỷ đây, một mở màn đầy tan nát bởi những ngọn gió chiến tranh và nhuốm máu nơi rất nhiều phần đất trên thế giới. Việc mời gọi hãy cầu kinh mân côi phát xuất từ thành phố Pompeii đây, một giao điểm của con người thuộc mọi thứ văn hóa được phối họa bởi cả đền thánh này cũng như của địa điểm cổ đây, việc mời gọi hãy cầu kinh mân côi này cũng làm cho Kitô hữu cảm thấy mình có nhiệm vụ hợp tác với tất cả mọi con người thiện chí để làm những người xây dựng hòa bình và là chứng nhân cho hòa bình”.

Sau bài giảng của ĐTC, hết mọi người đã dâng Lời Khẩn Nguyện lên Đức Mẹ, một lời nguyện của Á Thánh Bartolo Longo. Sau đó họ hát “Kinh Lạy Nữ Vương – Salve Regina”, trong khi đó đại diện mỗi đại lục đặt hoa ở trước tượng ảnh Đức Mẹ Mân Côi. Trước khi ban phép lành tòa thánh, ĐTC đã nói: “Hãy cầu nguyện cho Tôi hôm nay và luôn mãi ở đền thánh mẫu này”. Sau khi chào biệt quí vị thẩm quyền đạo đời ở đây, Ngài đã lên trực thăng trở về Vatican.

Thành phố cổ Pompeii bị hủy hoại vào ngày 24/8/79 sau Công Nguyên, khi ngọn Núi Vesuvius gấn đó phun lửa và phủ lấp thành phố phồn thịnh này bằng phún thạch nóng bỏng. Mãi đến 1796 năm sau “Thành phố Pompeii mới” xuất hiện, hoa trái Bartolo Longo, một luật sư và là một giáo dân đạo hạnh, người đã hứa vào năm 1872 là sẽ xây một nhà thờ dâng hiến Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii.
Công trình được thực hiện theo lời hứa này cùng với những gì liên hệ với khu đền thánh mẫu này ngày nay đã từ từ dẫn đến việc xuất hiện một thành phố, đó là Tân Thành Pompeii, cách xa khu thành phố đổ nát không xa.

Chân Phước Bartolo Longo sinh năm 1841 gần Brindisi, thuộc miền duyên hải Adriatic Ý Quốc. Là một người thanh niên thân tình, chịu chơi, thông minh, nhiệt tình với Giáo Hội, ngài đã bị khủng hoảng đức tin trong thời gian là sinh viên đại học, trở lại và dấn thân làm việc bác ái và nghiên cứu tôn giáo. Khi ngài tới Pompeii vào năm 1872 để quản trị tài sản của một bà góa giầu có là nữ bá tước Marianna De Fusco thì bị ngỡ ngàng trước cảnh nghèo khổ về nhân bản cũng như tôn giáo của những người dân quê ở miền ấy. Ngài đã dấn thân dạy giáo lý và phổ biến lòng tôn sùng kinh mân côi, và tổ chức các cuộc lễ hằng năm vào mùa thu để mang dân chúng lại với nhau học hỏi giáo lý và cầu kinh mân côi. Ngài cảm thấy việc này sẽ đạt được kết quả tốt đẹp nhất nếu dân chúng có một ngôi nhà thờ xứng hợp, nhất là có hình ảnh của Mẹ Mân Côi làm điệm tập trung. Vào năm 1875, chân phước Bartolo bắt đầu tìm kiếm ở những tiệm ở thành phố Naples và đã thấy một bức tranh xứng hợp cho nghi lễ bế mạc năm đó vào ngày 13/11.

Bức tranh này ngày nay được treo phía trên bàn thờ chính của ngôi vương cung thánh đường, bức tranh họa hình Đức Mẹ ẵm Hài Nhi Giêsu trên gối của mình, khi cả hai trao tràng hạt mân côi cho Thánh Đaminh và Thánh Catarina Sienna. Tân Đền Thờ và Vương Cung Thánh Đường cổ Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, đã được cung hiến vào năm 1891, 16 năm sau khi chân phước Bartolo Longo bắt đầu quyên từng đồng xu của dân lành này cho việc xây dựng đền thờ cho Mẹ Maria.

Cả triệu người hằng năm đến kính viếng đền thánh này từ khi thành lập. Hàng ngàn phép lạ đã được thực hiện ở đây. Mỗi năm, vào ngày 8/5 và ngày Chúa Nhật Đầu Tháng 10, hàng ngàn tín hữu tề tựu ở đền thánh này cử hành Lễ Cầu Khấn, cầu xin ơn ích và tạ ơn về những ơn ích nhận được.
ĐTC Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho vị sáng lập đền thánh này ngày 26/10/1980, vị đã qua đời ngày 5/10/1926. Lễ kính ngài là ngày 6/10 hằng năm, một phần tử thuộc dòng ba Đaminh, vị cũng đã sáng lập tổ chức Chị Em Mân Côi Pompeii, và thiết lập các nhà cho người nghèo, cho trẻ mồ côi cũng như cho con cái của thành phần tù nhân.

 

Hòa Bình Trung Đông: Tiếp tục tình trạng mắt đền mắt răng đền răng

Hôm Thứ Năm 2/10/2003, bất chấp những giải pháp được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận tuần trước, liên quan đến việc ngưng các cuộc định cư mới của phe Do Thái, phe Do Thái vẫn tiếp tục thực hiện dự định tăng thêm 600 ngôi nhà nữa ở vùng Tây Ngạn (530 nhà ở Beitar, 24 ở Ariel và 50 ở Maale Adumim). Theo tờ nhật báo Do Thái Haaretz, có khoảng 231 ngàn người sống ở các khu định cư Do Thái trong những lãnh thổ Palestine.

Hôm Thứ Bảy 4/10/2003, một cuộc ôm bom tự tử đế khủng bố tấn công do một phụ nữ Palestine đã xẩy ra tại một nhà hàng Maxim (có chủ nhân là một người Ả Rập) đông người ở tỉnh Haifa thuộc miền bắc Do Thái, làm 19 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, và 50 người bị thương. Cuộc khủng bố tấn công ở Haifa này xẩy ra vào dịp Do Thái đang cử hành kỷ niệm 30 năm Trận Đánh Yom Kippur, trận đánh do Syria và Ai Cập tấn công Do Thái bất ngờ vào Ngày Lễ Yom Kippur của dân Do Thái, một lễ được cử hành từ chiều tối Chúa Nhật tới chiều tối Thứ Hai, nhưng Do Thái cuối cùng vẫn đã oanh liệt chiến thắng. Thứ Hai 6/10 là ngày kỷ niệm 30 năm trận đánh này.
 

Để trả đũa cho cuộc khủng bố tấn công này, sau đó mấy tiếng, vào sáng sớm Chúa Nhật, 5/10, trực thăng Do Thái đã bắn ít là hai phi đạn tầm xa vào ngôi nhà của Rezik Kamita (thuộc nhóm Hamas hay Thánh Chiến Quân Palestine) ở Thành Phố Gaza, tiếp theo còn dội bom ở trại tị nạn Al-Bureij ở trung độ Gaza nữa. Trong khi hai viên chức cao cấp thuộc thẩm quyền Palestine lên án cuộc khủng bố tấn công ở Haifa, và một viên chức Do Thái là Bộ Trưởng Sức Khỏe Danny Naveh đã cho CNN biết là “Chúng tôi đã được mớm cho đầy những ngôn từ và lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo Palestine. Đã đến lúc phải loại trừ Arafat”.

Các cơ quan thông tin cho biết Thánh Chiến Quân Palestine đã tuyên bố là họ đã thực hiện cuộc khủng bố tấn công này. Theo các nguồn tin an ninh của Palestine thì người phụ nữ ôm bom khủng bố tấn công này 23 tuổi, vì chị muốn trả thù người Do Thái về các mạng sống của họ hàng chị, như chính chị tận mắt chứng kiến thấy người anh em ruột và anh em họ thứ hai của chị bị sát hại hôm Tháng Sáu vừa rồi.

Bên Palestine, vị thủ tướng được bổ nhiệm là Ahmed Qorei đã tuyên bố “bài bác và lên án cuộc tấn công ghê tởm này”. Ông kêu gọi nhân dân Palestine cũng như tất cả mọi phe phái Palestine “hãy tự chế và ngưng tất cả mọi cuộc tấn công nhắm vào các thường dân Do Thái”. Ông nhận định là những cuộc tấn công ấy “tác hại cho cuộc chiến đấu chân chính và hợp pháp của quốc gia chúng ta”. Đồng thời ông cũng không quên kêu gọi phe Do Thái hãy ngưng thực hiện chính sách tịch biên đất đai và tấn công các tay khuấy động và lãnh đạo Palestine.
 

Hôm Chúa Nhật 5/10, Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái đã cho biết Do Thái đã tấn công vào trại tị nạn Ein Saheb là khu vực huấn luyện khủng bố. Trại này, cũng theo cơ quan Do Thái ấy, ở sâu trong nước Syria, đã được sử dụng để huấn luyện bởi “nhiều tổ chức khủng bố”, bao gồm cả Thánh Chiến Quân Hồi Giáo. Vị phát ngôn viên chính quyền Do Thái là ông Ra’anan Gissin cho biết trại ấy cách thủ đô Damascô có độ 10 dặm: “Chúng tôi sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào cần thiết để bênh vực cho những người công dân của chúng tôi, bất kể vị thế về địa dư của những loại trại này”. Cũng theo vị phát ngôn viên này thì Do Thái đã quyết “mở rộng mục tiêu hoạt động của chúng tôi chống lại Thánh Chiến Quân Hồi Giáo và Nhóm Hamas”. Ông này cho biết thêm cuộc tấn công của Do Thái là một tín hiệu gửi cho Syria và Iran nhắn nhủ hai nước này hãy chấm dứt việc nâng đỡ nạn khủng bố tấn công Do Thái: “Chúng tôi sẽ không nhân nhượng việc tiếp tục của cái trục khủng bố giữa Tehran, Damasco và Gaza này cứ hoạt động sát hại những con người nam nữ và trẻ em vô tội”. Ðây là cuộc tấn công vào phần đất của Syria sau 30 năm, sau Trận Đánh Yom Kippur.


Vũng Lầy Iraq Thời Hậu Chiến

Tình hình hậu chiến Iraq vẫn không sáng sủa gì hơn. Phe liên minh US-UK, như thực tế đang cho thấy dường như càng ngày càng bị sa lầy trong cuộc chiến giải giới bất thành liên quan đến việc tranh giành tái thiết Iraq.

Tranh Giành Tái Thiết Iraq

Trước hết về vấn đề tranh giành tái thiết Iraq, bản thảo của US về giải pháp tái thiết Iraq, sau khi gặp chống đối trong Hội Đồng Bảo An, nhất là Nga, Pháp và Đức, đã đi đến chỗ dung hòa hơn, ở chỗ, chẳng những kêu gọi các quốc gia đóng góp tiền bạc và quân đội dưới quyền điều khiển của US, mà nhất là còn cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đóng vai trò quan trọng hơn ở Iraq. Bản thảo cho giải pháp này đồng ý là nhân dân Iraq cần phải tự làm chủ đất nước của mình “sớm bao nhiêu có thể thực hiện” nhưng không nêu lên thời hạn. Tuy nhiên, bản thảo cũng kêu gọi Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chọn lựa hãy đề ra thời hạn viết bản hiến pháp và tổ chức việc tuyển cử. Về vấn đề vai trò quan trọng của Liên Hiệp Quốc bao gồm cả việc trợ giúp nhân đạo, tái thiết kinh tế và giúp vào việc tuyển cử. Tóm lại, bản thảo về giải pháp tái thiết Iraq do US soạn này đề ra việc từ từ chuyển quyền lại cho nhân dân Iraq nhưng không hạn định ngày giờ đồng thời vẫn còn ấn định một quyền lực (là US) điều khiển các quốc gia góp phần kiến thiết về quân đội và tài chính. Bản thảo được phổ biến cho các quốc gia hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga, Pháp, Tầu, Đức hôm Thứ Tư 1/10 và các hội viên còn lại vào hôm sau Thứ Năm.

Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, theo hãng thông tấn AP (Associated Press), ở một bữa ăn trưa riêng, đã cho biết là ông không tin là Liên Hiệp Quốc sẽ đóng một vai trò gì về chính trị nơi bản thảo giải pháp tái thiết Iraq của US: “Hiển nhiên là nó không theo đường hướng tôi đã đề nghị, song tôi vẫn phải nghiên cứu nó hơn nữa”.

Pháp và Tầu nói rằng bản thảo giải pháp tái thiết Iraq không được đầy đủ. Lãnh sự Tầu ở LHQ là Wang Guangye cho biết: “Đã có một số điều được cải tiến rồi, song một số vấn đề chính cần phải làm sáng tỏ, nhất là về vai trò của LHQ, còn nhiều việc cần phải làm”. Còn ông lãnh sự Pháp ở LHQ là Jean-Marc de La Sabliere nói: “Có một số điều thay đổi ở bản văn nhưng về những điểm chính yếu tôi xin nói rằng chỉ thay đổi tí chút thôi”. Còn vị lãnh sự Nga ở LHQ là Sergei Lavrov cho biết chính phủ của ông “đang tìm hiểu” bản thảo này, và nói thêm “chủ trương của chúng tôi đã rõ ràng rồi. Chúng tôi tin rằng ở vào giai đoạn này chúng ta phải để cho LHQ giữ vai trò chính ở tiến trình chính trị để làm việc với tất cả những người Iraq trong việc phác họa một thời hạn rõ ràng, một thời hạn đưa đến việc phục hồi chủ quyền, và là tiến trình có thể được lực lượng chư quốc ủng hộ”. Đối với ngoại trưởng của chính phủ lâm thời Iraq là Hoshiaar Zibari thì bản thảo này đáng khen: “Ít là nó nhìn nhận và cảm nhận thấy vai trò của Hội Đồng Quản Trị và bộ nội các của chính phủ lâm thời Iraq”.

Trong khi đó, ở Iraq, hôm Thứ Ba 30/9/2003, Tiểu Ban Soạn Thảo Hiến Pháp đã hoàn tất bản tường trình về đường lối phác họa bản hiến pháp cho đất nước này và sẽ trình cho Hội Đồng Quản Trị hiện nay. Một trong những vấn đề phức tạp liên quan đến việc soạn thảo bản hiến pháp này là vấn đề giải quyết luật lệ của Hồi Giáo và của xã hội dân sự, cũng như làm sao để tất cả mọi phe nhóm trong dân chúng (về tôn giáo như Shiite, Hồi Giáo Sunni và Kitô giáo, cũng như về sắc dân như Ả Rập, Kurt và Turkomen) có quyền lực ngang nhau. 25 phần tử của tiểu ban này đã bắt đầu trách vụ của mình từ giữa Tháng Tám tới hầu hết Tháng Chín và đã nghe các quan điểm về bản hiến pháp này từ dân chúng trên các phần đất khác nhau ở Iraq. Tiểu ban này bao gồm mọi giai cấp dân chúng, nhất là những phần tử có kiến thức về luật pháp như luật sư, thẩm phán và giáo sư luật.

Thứ Bảy 4/10/2003, một cuộc bạo động xẩy ra ở thủ đô Baghdad gây ra do mấy ngàn lính Iraq trước đây biểu tình đòi Thẩm Quyền Liên Minh do US lãnh đạo phải trả lương trước đây. Kết quả 1 thường dân bị chết và một số bị thương, trong đó có cả lính Hoa Kỳ và nhân viên CNN. Chính phủ do US quản trị ở Iraq đã chính thức giải ngũ quân đội Iraq từ Tháng 5/2003 sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới của Hoa Kỳ. Sau những cuộc xuống đường bạo động, 450 ngàn cựu quân nhân Iraq đã được trả tiền dư, và hàng trăm người hằng ngày sắp hàng lãnh nhận tiền của mình, khoảng 40 Mỹ kim một người. Số tiền này lên đến 18 triệu Mỹ kim từ đó đến nay được trích từ các thứ ngân quĩ tồn đọng trước đây của Iraq. Cũng vào chính ngày Thứ Bảy này, có 700 quân nhân ra trường ở Baghdad để là những người lính đầu tiên Iraq thời hậu chiến tái thiết xứ sở.

Vấn đề Giải Giới Iraq Bí Mật lại Bật Mí ở US

Song song với vấn đề tái thiết Iraq liên quan tới chung cộng đồng quốc tế và riêng nhân dân Iraq là vấn đề khí giới đại công phá cần phải tìm cho ra để biện minh cho cuộc tấn công giải giới Iraq của liên minh US-UK.

Ông David Kay, sau khi họp kín với các ủy ban nhị viện, đã cho phóng viên báo chí hôm Thứ Năm 2/10 biết rằng “cho đến lúc này chúng tôi đã tìm thấy chứng cớ về chủ ý của các viên chức cao cấp Iraq, bao gồm cả Saddam, trong việc muốn tiếp tục sản xuất các thứ vũ khí đại công phá ở một lúc nào đó trong tương lai”. Ông này cũng cho biết nhóm US truy tìm các thứ vũ khí này đã tìm thấy một số đầu đạn và máy móc khác chưa được ban thanh tra vũ khí LHQ công bố. “Còn nhiều việc phải làm trước khi chúng ta có thể công bố là chúng ta đã đi đến cùng đường hơn là mới bắt đầu. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều thứ mà có lắm cái chưa được LHQ công bố”, ông nói. Nhóm truy lùng gồm 1200 nhân viên này sẽ tiếp tục từ 6 đến 9 tháng nữa để có thể thấy được tất cả những gì trong vấn đề vũ khí đại công phá ở Iraq. Trong khi đó, giám đốc tình báo Mỹ là George Tenet đã gửi thư cho các vị làm đầy tiểu ban quốc hội hôm Thứ Tư 1/10 bày tỏ sự bất đồng ý kiến của ông về vấn đề quốc hội than phiền tình báo tiền chiến Iraq là không đầy đủ và chính xác. Ông xác nhận tình báo của Hoa Kỳ trước khi xẩy ra cuộc chiến ở Iraq là “chân thành và chuyên nghiệp”.

Nhận định về những lời của ông Kay nói, chuyên viên thanh tra vũ khí trước đây là Garth Whitty cho biết nhóm của ông kay cần phải viếng thăm lại một số địa điểm liên quan tới các thứ chương trình vũ khí của Iraq cũng như cần phải xét lại phương pháp truy lùng của mình. Chẳng hạn như sự kiện, ông Garth nói: “Điều lạ nữa đó là không có một nhân vật Iraq chính yếu nào tham gia vào chương trình truy lùng này đã đưa ra tín liệu đáng giá cả”.

Theo bản tường trình của ông Kay thì kể như Hoa Kỳ vẫn chưa thấy chứng cớ nào về các thứ vũ khí đại công phá là yếu tố khiến Hoa Kỳ dám ngang nhiên qua mặt LHQ để tấn công Iraq, một cuộc tấn công gọi là giải giới và giải phóng Iraq. Tổng Thống Bush vẫn cố gắng biện minh cho lập trường chủ chiến đơn phương bất chấp quốc tế của mình.

Thế nhưng ông Wesley Clark thuộc đảng Dân Chủ có hy vọng ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới đây đã kêu gọi một cuộc kiểm tra độc lập “vấn đề có thể lèo lái tình báo” của chính phủ Bush: “Không gì vi phạm trầm trọng hơn đến lòng tin tưởng của quần chúng là việc cố tình tạo nên chiến tranh căn cứ vào những thứ đổ thừa sai lầm. Chúng ta cần biết rằng chúng ta có bị đánh lừa một cách chủ ý hay chăng”.

Vấn đề Giải Giới Iraq Bí Mật lại Bật Mí ở UK
 

Ông Cook, người đã xin từ nhiệm để phản đối việc chính quyền Blair chủ chiến đối với trường hợp Iraq, còn tuyên bố là Thủ Tướng Blair “đã cố ý thêu thùa văn tự chắp nối” để đánh lừa quần chúng nghĩ rằng giữa Iraq và al Qaeda có liên hệ với nhau. Những lời công bố này được trích từ trong cuốn nhật ký của ông Cook trong thời gian tiền chiến, những lời được tờ Thời Điểm Chúa Nhật trích dẫn phổ biến. Trong tác phẩm “Điểm Phát Xuất” của mình, ông nguyên bộ trưởng ngoại giao này đã nói ông hết sức bối rối về cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Blair ngày 5/3/2003, trước cuộc chiến xẩy ra 2 tuần.

Ông Cook bấy giờ cũng là vị lãnh đạo của Quốc Hội cho biết ông đã nói với Thủ Tướng Blair là ông đã đọc các bản tường trình cho thấy Saddam không có những thứ vũ khí đại công phá “ở chỗ các thứ vũ khí ấy có thể tấn công vào các thành phố bị nhắm tới”. Ông nói ông đã hỏi Thủ Tướng Tony Blair rằng thủ tướng có lo là Saddam Hussein có thể sử dụng các thứ quân liệu hóa chất để tấn công quân đội Hiệp Vương Quốc hay chăng, ông được thủ tướng trả lời rằng “Có, thế nhưng tất cả mọi nỗ lực có được ông cần phải dồn vào việc che dấu đã làm cho ông khó tập trung nỗ lực để sử dụng chúng một cách nhanh chóng”. Ông Cook cho biết câu trả lời này đã làm cho ông “hết sức bối tối”: “Tony đã không cố lập luận để chinh phục tôi khỏi quan niệm rằng Saddam không có những thứ vũ khí đại công phá thực sự với mục đích sử dụng tấn công dân chúng ở thành phố và có khả năng thực sự có thể tấn công ở một khoảng cách xa”.

Ông Cook cũng nói rằng ông đã bày tỏ quan điểm của mình cho ông John Scarlett, chủ tịch của Ủy Ban Tình Báo Chung, nhưng vị chủ tịch này cũng chẳng chỉnh lại quan điểm của ông: “Bấy giờ tôi đã bày tỏ quan điểm ấy cho cả vị chủ tịch JIC (Joint Intelligence Committee) lẫn thủ tướng và cả hai đã đồng ý như thế”. Ông này nói ông chắc chắn vào Tháng 9/2002, khi hồ sơ của chính quyền về khí giới Iraq được phổ biến, thì Thủ Tướng Blair đã tin rằng Saddam có những thứ vũ khí đại công phá có thể tấn công trong vòng 45 phút. Thế nhưng, “căn cứ vào cuộc nói chuyện vào Tháng Ba thì chính ông ta cũng tin vào bản thân mình”.

Ngoài ra, ông Cook, qua buổi nói chuyện vào Tháng Ba trên đây, cũng bị bối rối về “thời hạn tiến đến cuộc chiến hoàn toàn không bị chi phối bởi mức tiến bộ của các cuộc thanh tra vũ khí do Liên Hiệp Quốc thực hiện. Tony không thực hiện một nỗ lực nào để tỏ ra cho thấy rằng những gì ông Hans Blix tường trình sẽ làm thay đổi được cuộc xâm chiếm đang đến hồi bùng nổ”.

Ở thủ đô Baghdad, cuộc xuống đường của các cựu quân nhân Iraq đòi trả lương cho họ vẫn tiếp tục bạo động sang tới ngày thứ hai, Chúa Nhật 5/10. Thời hạn quân nhân được trả đã quá hạn, nhưng mới chỉ có 320 ngàn người trong 440 ngàn lính được lãnh lương mà thôi cho tới Thứ Bảy 4/10/2003 vừa rồi.
 

6/10 Thứ Hai


Thánh Phanxicô TRẦN VĂN TRUNG Cai đội
(1825 - 1858)


Đánh Pháp Thì Đánh Bỏ Đạo Thì Không

“Tên Trung làm cơ đội Tuyên văn Phong, trước đây bị cáo về tội gian lận trong kỳ thi sát hạch, phải giáng chức và xử trọng tội, nay xin gia nhập sổ lính đi đánh giặc nhưng lại không chịu quá khóa nên đáng xử trảm”.

Đọc lại bản án của ông cai đội Phanxicô Trần văn Trung trên đây, mọi người hiểu ngay tấm lòng của vị thánh. Cũng như hầu hết những người Công giáo thời vua Tự Đức, ông Trung tình nguyện tham gia việc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.

Phanxicô Trần văn Trung sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội, nhưng đã về hưu. Cùng chí hướng với cha, cậu cũng tham gia binh nghiệp và trở thành một cai đội. Khoảng năm 24 tuổi anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng, và sinh được bốn người con. Như các gia đình Công giáo khác, ông cai đội chu toàn trách vụ Kitô hữu.

Vì một lý do đặc biệt, ông đã bị bắt giam trong tù. Một lần kia, cùng với mười một bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong tình hình bất an thời bấy giờ, muốn việc thi cử trót lọt dễ dàng, phải hối lộ với quan trên. Dù đủ điều kiện trúng tuyển, ông không thể làm khác hơn được. Không may, vì việc chia tiền không đồng đều, các quan tranh cải với nhau. Vua Tự Đức biết tin liền cho cả mười hai cai đội vào ngồi tù.

Yêu Nước và Tin Chúa

Sau khi cửa Hàn bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm ngày 1.9.1858 vua Tự Đức liền cho phóng thích các binh lính bị giam giữ để bổ sung vào số quân vệ kinh thành Huế. Ông cai đội Trung và các bạn hăng hái hưởng ứng. Nhưng khi sắp được xuất trận các quan bắt ép các ông phải bước qua thập giá. Mười một người kia liền theo lệnh, còn ông Trung nhất định không chịu nghe. Các quan hỏi:

Tại sao không chịu đạp lên thập giá? Có phải mi theo đạo không?

Thưa phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.

Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của người công dân tổ quốc và người con của Thiên Chúa ấy đã đưa ông cai đội Trung trở lại nhà ngục. Một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn ba lần, mỗi lần năm mươi roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ lại tỏ ra chờ mong ngày đó nữa.

Người Gia Trưởng Gương Mẫu

Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung đã bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ: “Tôi bị chết, mình lo săn sóc các con nhé! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé”. Đứa con nhỏ tám tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà có lớp giáo lý, ông bắt nó về nhà để theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.

Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi và thanh toán nợ nần cho chu đáo.

Thánh Giá Trên Cổ

Khi không còn hy vọng làm cho ông đội Trung mất niềm tin, các quan liền làm án tâu vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà vua liền châu phê. Sáng 6.10.1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). Năm viên quan cỡi ngựa và sáu mươi lính đi bộ hộ tống. Cha Anrê Thoại ở họ Dương Sơn biết tin liền cải trang đi với một thầy giảng tới giải tội cho ông. Cha nhắn một người bà con của ông tín hiệu nhận ra cha: người sẽ cầm một điếu thuốc giơ cao ngang mặt. Ông đội đã chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích giải tội lần cuối cùng.

Nhưng sự việc lại diễn tiến thể khác: các quan đình việc xử lại, và cho người về xin nhà vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì nguy. Đoàn người chờ đến mười tám giờ chiều vẫn chưa có tin, liền kéo nhau vào quán nghỉ ngơi, và dẫn ông đội Trung đã bị trói cẩn thận đi theo. Chờ đến khoảng hai mươi giờ tối, chiếu chỉ vua Tự Đức gởi tới nơi ra lệnh xử tức khắc và đe phạt những quan đã dám xin ân xá cho ông.

Được tin, ông đội Trung hỏi tìm cha Thoan nhưng cha đã trở về vì tưởng ngày mai mới xử án. Lúc đó ông liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình thánh giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Hiện nay thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.

Đức Thánh Cha Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 2.5.1909.

Hiếu Trung, OP

Mẹ Têrêsa Calcutta: Ðời Nội Tâm (tiếp ngày 22/1/2003)

2. “Ơn Soi Động” của Mẹ Têrêsa Calcutta


Mẹ Têrêsa ở Calcutta

Từ thời gian khấn lần đầu vào tháng 5/1931, Mẹ Têrêsa được sai đến cộng đồng Entally của các nữ tu Loreto ở Calcutta và dạy học cho St. Mary's Bengali Medium School. Trường này sát liền với tu viện và tiếp nhận những trẻ em mồ côi và nghèo khổ, cả học sinh ngoại trú lẫn nội trú. Trong các nhiệm vụ được trao phó, người tu sĩ trẻ trung hăng say này còn đảm nhận một trường học của nữ tu Loretto khác là St. Teresa's Primary Bengali Medium School, tọa lạc tại Lower Circular Road. Việc di chuyển hằng ngày qua thành phố ấy đã hiến cho chị nữ tu này cơ hội nhận thấy tình cảnh thiếu thốn và khổ đau của người nghèo. Vào tháng 5/1937, sau khi khấn trọn làm nữ tu Loretto, người nữ tu này tiếp tục dạy học ở trường Thánh Maria, dạy giáo lý và địa lý. Năm 1944 chị làm hiệu trưởng của trường này.

Trong lớp học, Mẹ Têrêsa không phải chỉ có mặt vậy thôi. Mẹ còn quan tâm đến việc chia sẻ quan niệm siêu nhiên về đời sống với các học sinh của Mẹ để giúp họ sâu xa đức tin hơn. Mẹ cũng có cơ hội để phục vụ thành phần nghèo khổ ở các y viện do các Nữ Tu Loretto quản trị. Những cuộc gặp gỡ này đã gây ấn tượng sâu xa nơi Mẹ. Mặc dù không hề biết những gì sẽ xẩy ra sau này, nhưng tất cả những diễn tiến ấy đã cho thấy chúng là những gì được Thiên Chúa quan phòng trong việc sửa soạn cho sứ vụ tương lai của Mẹ. Qua những năm tháng Mẹ Têrêsa sống ở Loretto, người ta đã chú ý tới lòng bác ái, quảng đại và can đảm của Mẹ; khả năng thực hiện công việc khó khăn; tài năng tự nhiên trong việc tổ chức; và một tinh thần vui tươi. Mẹ là một tu sĩ nguyện cầu, thành tín và nhiệt tâm. Dù không một ai biết tới lời khấn tư của Mẹ năm 1942 nhưng ai cũng thấy rõ lòng yêu thương và quảng đại của Mẹ. Các nữ tu trong dòng của Mẹ cũng như học sinh ngoại trú hay nội trú ở trường Thánh Maria đều yêu kính và ca tụng Mẹ.

Ơn Gọi

Mẹ Têrêsa rời tu viện Loretto ở Entally, Calcutta vào tối ngày Thứ Hai 9/9/1946 để nghỉ lễ và tham dự tuần phòng 8 ngày ở Darjeeling. Vào ngày hôm sau, trên chuyến xe lửa, có một lúc Mẹ Têrêsa lần đầu tiên đã nghe thấy tiếng của Chúa Giêsu nói trong tâm hồn Mẹ. Những tháng sau đó, qua những lần nói trong tâm hồn Mẹ cũng như qua một số thị kiến nội tâm, Chúa Giêsu đã muốn Mẹ thiết lập một cộng đồng dấn thân phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, như Mẹ Têrêsa nói, “để làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Người”. Cảm nghiệm trên chuyến xe lửa ấy là khúc quanh nơi đời sống của Mẹ Têrêsa; Mẹ luôn luôn nói đến cảm nghiệm này như là một “ơn gọi trong ơn gọi”. Ngày 10/9 đã được Dòng Thừa Sai Bác Ái cử hành như là “Ngày Soi Động”.

Từ năm 1946 cho tới khi qua đời, Mẹ Têrêsa đã dứt khoát không tiết lộ một chi tiết nào về ơn soi động để bắt đầu Hợi Dòng Thừa Sai Bác Ái này, hay về tiến trình nhận thức dẫn tới việc chính thức thiết lập hội dòng mới này vào ngày 7/10/1950. Việc Mẹ Têrêsa giữ kín như thế cho thấy Mẹ muốn tôn trọng tính cách linh thiêng của tặng ân Mẹ nhận được tận thâm tâm linh hồn của Mẹ. Mẹ đã viết cho các Nữ Tu dòng của Mẹ vào năm 1993 như thế này: “Đối với mẹ, cơn khát của Chúa Giêsu là một cái gì thân mật đến nỗi cho tới nay mẹ vẫn cảm thấy xấu hổ khi nói với các con về ngày 10/9. Mẹ muốn làm như Đức Mẹ đã làm trong việc ‘giữ tất cả những điều ấy trong lòng mình’”. Thật vậy, được thúc đẩy bởi một tấm lòng khiêm nhượng sâu xa, Mẹ Têrêsa cứ muốn hủy đi các thứ văn kiện này. Mẹ đã cắt nghĩa cho Đức TGM Ferdinand Périer, SJ, trong bức thư ngày 30/3/1957 rằng “Con muốn công việc này chỉ một mình Người biết mà thôi. Một khi lúc ban đầu được tỏ ra thì người ta sẽ nghĩ về con hơn là về Chúa Giêsu”. Tuy nhiên, ĐTGM Périer không nghe lời Mẹ Têrêsa yêu cầu. Những văn kiện này là những gì thuộc về những hồ sơ thu góp cần thiết cho vấn đề phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Mẹ. Nhờ những văn kiện này giờ đây mới có nhiều ánh sáng cho thấy về lịch sử của việc thành lập Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Phản Ứng của Mẹ Têrêsa

Sau khi hoàn tất tuần phòng của mình, Mẹ Têrêsa trở về Calcutta và lại bắt đầu nhiệm vụ hiệu trưởng và giáo sư ở Trường Thánh maria. Khi cơ hội vừa tới, Mẹ đã thuật lại cho cha Celeste Van Exem, S.J., vị linh hướng của Mẹ, mọi sự dã xẩy ra trên chuyến xe lửa cũng như trong tuần phòng, và “cho ngài thấy một ít ghi chú con đã viết trong cuộc cấm phòng”. Vào những tuần sau đó, cha Van Exem đã cố gắng để nhận thức tính chất chuyên chính của ơn soi động Mẹ Têrêsa lãnh nhận. Trong khi đó, Mẹ “tiếp tục nói với ngài về bất cứ những gì xuát hiện trong tâm hồn của con, trong tư tưởng cũng như trong lòng muốn”, và Mẹ đã được ngài bảo “hãy cầu nguyện và giữ kín”. Khi viết thư cho Bề Trên Tổng Quyền của Mẹ vào tháng Giêng năm 1948, Mẹ đã thuật lại rằng sau khi Mẹ đã trình bày cho cha Van Exem về cảm nghiệm của Mẹ, thì ngài đã “dẹp chuyện của con sang một bên. Mặc dù ngài đã thấy được rằng việc này từ Chúa mà đến, ngài vẫn cấm con ngay cả nghĩ đến việc ấy. Trong vòng 4 tháng trời, con thường, rất thường xin ngài cho con được trình với Đùc Giám Mục, những lần nào ngài cũng từ chối hết…” Cho đến tháng Giêng năm 1947 cha Van Exem mới hoàn toàn xác tín rằng cảm nghiệm của Mẹ Têrêsa phát xuất “từ Chúa và từ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria”, và đã để cho Mẹ trình bày vùi Đức TGM về ơn soi động của Mẹ.

Bức Thư ngày 13/1/1947.

Mẹ Têrêsa đã tiết lộ ơn gọi của mình cho ĐTGM Périer trong bức thư đề ngày 13/1/1947. Mẹ bắt đầu bằng việc cho ngài biết rằng Mẹ viết với phép của cha Van Exem và tuyên xưng “rằng Đức TGM có thể phán một tiếng là con sẵn lòng sẽ không bao giờ nghĩ tới bất cứ những ý nghĩ lạ cứ tiếp tục đến với con ấy nữa”. Bức thư gửi cho ĐTGM Périer này cho thấy một khái lược về ơn soi động Mẹ nhận được từ Chúa Giêsu, về “những gì xẩy ra giữa Người và con trong những ngày chuyên chú nguyện cầu”. Bức thư nguyên văn như sau:
+
Nữ Tu Viện Thánh Maria

Ngày 13/1/1947

Trọng Kính Đức Tổng Giám Mục,

Từ Tháng 9 năm ngoái lòng con tràn đầy những tư tưởng và ước muốn lạ lùng. Chúng càng ngày càng mãnh liệt hơn và rõ ràng hơn suốt 8 ngày tĩnh tâm của con ở Darjeeling. Trở về đây con đã nói với cha Van Exem mọi sự. Con cho ngài thấy một ít ghi chú của con đã viết trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngài bảo con là ngài nghĩ đó là ơn soi động của Thiên Chúa nhưng cứ cầu nguyện và giữ kín đáo. Con tiếp tục cho ngài biết những tư tưởng và ước muốn hiện lên trong tâm hồn con. Để rồi hôm qua ngài đã viết thế này: “cha không thể ngăn cản con việc con muốn nói với hay viết cho Đức TGM. Con hãy viết cho ĐTGM như một người con gái viết cho cha của mình, hoàn toàn tin tưởng và thành thật, không sợ hãi hay lo âu, nói cho ngài biết sự việc đã xẩy ra như thế nào, trình cho ngài biết rằng con đã nói chuyện với cha và giờ đây cha nghĩ rằng theo lương tâm cha không thể ngăn cản con bày tỏ hết mọi sự cho ngài”.

Trước khi bắt đầu, con xin thưa cùng ĐTGM rằng chỉ cần ĐTGM phán một lời là con sẵn sàng không bao giờ để ý tới bất cứ một tư tưởng mới lạ cứ liên tục phát xuất nơi con nữa.

Trong năm qua con rất thường hay mong muốn được trở nên mọi sự cho Chúa Giêsu, cũng như mong làm cho các linh hồn, nhất là dân Ấn Độ đến với Người và thiết tha yêu mến Người, mong đồng hóa mình với những đứa con gái Ấn Độ một cách hoàn toàn để yêu mến Người như Người chưa bao giờ được mến yêu trước đây. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những ước muốn điên khùng của con. Tôi đã đọc truyền đời của Thánh M. Cabrini. Nữ Thánh này đã làm nhiều thứ cho người Hoa Kỳ vì ngài đã trở nên một người trong họ. Tại sao con không thể làm ở Ấn Độ những gì ngài đã làm cho Hoa Kỳ? Ngài đã không chờ cho các linh hồn đến với ngài. Ngài đã đến với họ cùng với các cộng tác viên nhiệt thành của ngài. Tại sao con không thể làm như thế cho Người ở nơi đây chứ? Có rất nhiều linh hồn – tinh tuyền, thánh hảo – đang mong hiến mình cho một mình Thiên Chúa. Các hội dòng Âu Châu quá giầu có đối với họ; họ chiếm hữu nhiều thứ hơn là cho đi.

“Con có muốn giúp chăng” Con làm sao được chứ? Con đã và đang sống hạnh phúc như một nữ tu dòng Loreto. Bỏ đi những gì con yêu thích để lao mình vào các thứ vất vả khó nhọc và khốn khó mới to lớn, trở thành trò cười cho nhiều người, nhất là cho tu sĩ, gắn bó và tự ý chọn sống những điều khó khăn của dân Ấn Độ, cô đơn và hèn hạ, bất định

"- tất cả vì Chúa Giêsu muốn thế, vì một điều gì ấy đang kêu gọi con từ bỏ tất cả mọi sự và qui tụ một ít người sống sự sống của Người, thực hiện công việc của Người ở Ấn Độ. Những tư tưởng này gây cho con nhiều đau khổ, thế nhưng tiếng nói vẫn cứ đặt vấn đề “Chẳng lẽ con chối từ hay sao?”


(còn tiếp)
 

Ba Vị Tân Thánh của Giáo Hội

Daniele Comboni (1831-1881)

Như chương trình ấn định, ĐTC đã phong thánh cho 3 vị chân phước truyền giáo, trong đó có 2 vị sáng lập dòng truyền giáo, vào Chúa Nhật 5/10 trong một Thánh Lễ dài hơn 2 tiếng.

ĐTC đã nhắn nhủ 30 ngàn tín hữu tham dự tại quảng trường Thánh Phêrô rằng: “Hết mọi Kitô hữu được sai đi truyền giáo, thế nhưng, để là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô cần phải liên lỉ tìm kiếm sự thánh thiện”.

Một trong ba vị tân thánh là một đấng sáng lập người Ý tên là Daniel Comboni (1831-1881), vị giám mục tiên khởi của miến trung Phi Châu. Ngài đã lập hội dòng cá`c vị thừa sai và được coi là một trong những nhà thừa sai lớn nhất của lịch sử Phi Châu. Khẩu hiệu của Ngài là “Cứu Phi Châu bằng Phi Châu”.

 

Arnold Janssen (1837-1909)

Vị tân thánh thứ hai cũng là vị sáng lập dòng, đó là vị thánh người Đức tên là Arnold Janssen (1837-1909), sáng lập Hội Lời Thần Linh SDV (Society of the Divine Word), Dòng Các Chị Em Thừa Sai Thánh Linh và Các Chị Em Tôn Thờ Thánh Linh.

Vị tân thánh thứ ba là chân phước Josef Freinademetz (1852-1908), một trong những đồ đệ đầu tiên của vị tân thánh lập dòng Janssen. Là nhà thừa sai ở Trung Hoa, vị tân thánh được coi là “một người Trung Hoa giữa người Trung Hoa”.

Gương của ba vị tân thánh này, theo ĐTC, cho thấy rằng “việc loan báo Phúc Âm là việc phục vụ đầu tiên Giáo Hội có thể cống hiến cho mỗi một người cũng như cho toàn thể nhân loại”.

 

Josef Freinademetz (1852-1908)

ĐTC đã cho rước lễ khoảng 30 người. Ngài đã đọc công thức phong thánh rõ ràng nhưng hơi run run. Ngài lấy lại được nghị lực vào kết lễ khi chào đoàn giáo lữ. Đầu lễ và kết lễ đoàn giáo lữ đã vỗ tay hoan hô Ngài. Tay Ngài run rẩy, có lúc Ngài đã đưa tay lên mặt. Trong Lễ có các bài hát và điệu vũ Sudan, nơi hoạt động của vị tân thánh Daniel Comboni. Đoàn giáo lữ Sudan này đã đến Rôma với ĐTGM Gabriel Zubeir Wako, vi sẽ được phong tước hồng y ngày 21/10/2003 tới đây. Trước khi nguyện Kinh Truyền Tin ĐTC còn nhắc lại ý định đi hành hương của Ngài đến Đền Thánh Mẫu ở Pompeii vào Thứ Ba 7/10/2003 tới đây. Cho tới hôm nay Ngài đã phong tất cả là 476 vị thánh cho Giáo Hội qua 50 cuộc phong thánh, và nếu kể thêm 5 vị tân chân phước vào ngày 9/11/2003 tới đây ĐTC đã tôn phong 1320 vị chân phước.

ĐHY José Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh đã nói với Đài Phát Thanh Vatican ngày Thứ Năm 2/10/2003 rằng: “Việc thẩm định về sự thánh thiện, cả về phương diện thần học lẫn mục vụ, bao giờ cũng làmột trong những nền tảng cho thừa tác vụ Phêrô của Ngài kể từ đầu giáo triều của Ngài. Vị Giáo Hoàng này thường nhắc nhở chúng ta rằng thánh thiện thuộc về chính bản tính của Giáo Hội, thuộc về chất DNA của Giáo Hội… Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo Hội đều hướng về việc phát triển sự thánh thiện. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng vị Giáo Hoàng này đáng được lịch sử gọi là vị Giáo Hoàng của thánh đức”.

Sức khoẻ của ĐTC và những gì mới lạ trong giáo triều kéo dài 1/4 thế kỷ

Kể từ sau chuyến tông du 102 ở Slovakia, sức khỏe của Đức Thánh Cha dường như đã yếu hơn trước, đến nỗi, Ngài đã không thể thực hiện buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần ngày 24/9/2003. Báo chí đã lợi dụng những lời nói của ĐHY Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin, hôm 22/9, cho biết ĐTC không được khỏe, “chúng ta cần phải cầu nguyện cho Ngài”, cũng như của ĐHY Christoph Schưnboen ở Vienna Áo Quốc: “Mọi người đều nhìn thấy một vị Giáo Hoàng bệnh nạn, bất lực, vị đang hấp hối” – tôi không biết ngài kề cận với cái chết ra sao – vị gần tới ngày cùng tháng tận của đời mình”. Cuộc phỏng vấn ĐHY Vienna này đã được một cơ quan quốc tế phổ biến dưới nhan đề “Vị Giáo Hoàng đang ngấp ngoái”.

Để chẳng những trấn an mà còn đính chính những tin tức thổi phồng của truyền thông về sức khỏe của ĐTC, ĐHY Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, vừa ăn trưa với Ngài hôm Thứ Tư 1/10/2003, đã cho biết hôm Thứ Năm vào buổi ra mắt một cuốn sách về Đức Giáo Hoàng của cố ký giả Domenico del Rio: “Đức Giáo Hoàng là một con người khỏe mạnh, trí khôn minh mẫn, nhận định rõ ràng về tình hình thế giới. Không thể chối cãi được là Ngài có thực sự gặp trục trặc về việc phát âm, nhất là khi Ngài bị mệt, cũng như Ngài bị trục trặc về vấn đề đi lại”.

Tuy nhiên, theo chương trình hoạt động trọn vẹn không bị cắt xén, hôm Thứ Sáu, 3/10, Ngài vẫn gặp ông Jean Obeid, Bộ Trưởng Ngoại Giao Lebanon, gặp 3 vị giám mục Phi Luật Tân và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế họp đại công hội ở Rôma, ngoài ra Ngài còn gặp ông Thủ Tướng Balan Laszek Miller. Hôm Thứ Năm, Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc Đại Lợi Alexander Downer sau khi hội kiến với ĐTC đã cho biết sức khỏe của ĐTC khá hơn là tình trạng được các tường trình mới đây cho biết: “Sức Khỏe của Ngài không giống như giới truyền thông phổ biến. Ngài không phải ở ngay trên bờ vực thẳm”.

Các ký giả, trong buổi ra mắt một tác phẩm về ĐTC Gioan Phaolô II của cố ký giả Domenico del Rio hôm Thứ Ba 30/9/2003 ở Phòng Báo Chí Ngoại Quốc, đã nêu lên vấn đề về những gì mới lạ trong giáo triều kéo dài Ử thế kỷ này. Họ kết luận là còn khám phá được nhiều điều về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chẳng những bằng việc liệt kê những hoạt động chưa được phổ biến của Ngài mà còn bằng việc suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa sứ vụ của Ngài.

Về sức khỏe của ĐTC, họ đã không dám đưa ra một dự đoán nào, vì nhiều dự đoán trong quá khứ đã xẩy ra sai hẳn. Ký giả Marco Tossati của tờ La Stampa đã nhắc lại là các phóng viên đã cho rằng Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ chết “ít là sáu lần rồi từ năm 1992”. Mới đây vấn đề lại bùng lên sau lời của ĐHY Ratzinger hôm 22/9 và đã được tờ nguyệt san Đức là Bunde phổ biến.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican đã phác họa Đức Giáo Hoàng như vị có khả năng “nhìn thấy những chân trời xa xăm về không gian cũng như thời gian”.

Theo ký giả tu sĩ Luigi Accatoli của tờ Il Corriere della Sera thì giáo triều này có thể được tóm lại như sau: “Trong 10 ngón tay của mình, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng 9 ngón để rao giảng Phúc Âm và 1 ngón để cai trị Giáo Hội. Ngài là một vị Giáo Hoàng tông đồ, tập trung hết mọi sự vào việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô”. Vị tác giả của nhiều cuốn sách ấy còn thêm: “Hôm nay đây vị Giáo Hoàng này dường như bị hao tổn và yếu đau vì Ngài biết Ngài không thể xuống khỏi thập giá”.

Ký giả Tossati đã nhận định là một trong những lầm lẫn của các ký giả theo Đức Thánh Cha trên các chuyến tông du của Ngài là “tập trung vào tất cả những gì vị Giáo Hoàng này làm”, trong khi thật ra họ phải hiểu được ý thức hệ của Ngài và phải nhận thấy rằng mục tiêu của Ngài không là gì khác ngoài việc “buộc các Giáo Hội địa phương phải lãnh trách nhiệm của mình đối với Ngài cũng như đối với xứ sở riêng của các giáo hội ấy, phải nhận ra chính mình, phải là chính mình”.

Các ký giả nhận định về cố ký giả Domenico del Rio, một phóng viên Vatican, người vừa qua đời vào đầu năm nay, người đã từng công khai phê bình ĐTC nhưng sau đó đã hết lòng khen ngợi Ngài vì chứng từ Kitô giáo của Ngài. Trong tác phẩm “Karol, The Great” do Paoline xuất bản, vị cố ký giả tác giả này đã cho thấy ĐTC Gioan Phaolô II “cao cả ở sức mạnh khi Ngài bắt đầu giáo triều của Ngài, và cao cả ở nỗi yếu đuối của Ngài trong những thời gian gần đây”.

Phổ Biến Tín Liệu về Ngày Mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II 19/10/2003

Bắt đầu từ Thứ Hai 6/10/2003, Màn Điện Tóan VIS của Tòa Thánh sẽ tuần tự phổ biến những tường trình đặc biệt về giáo triều 25 năm của Đức Thánh Cha đương kim. Từ 6 đến 10 là những tường trình tổng quan về giáo triều của Ngài, mỗi ngày tường trình về từng 5 năm một, 5 ngày đủ 25 năm. Từ ngày 13 đến 16/10 sẽ tường trình đặc biệt về những hoạt động nổi bật nhất hay quan trọng nhất của Ngài: ngày 13 Thứ Hai về 102 chuyến tông du, ngày 14 Thứ Ba về 14 bức thông điệp, ngày 15 Thứ Tư về các thượng hội giám mục, ngày 16 Thứ Năm về tiểu sử của Ngài kèm theo các thống kê trong giáo triều của Ngài.


 

5/10 Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B
 

BẤT KHẢ PHÂN LY


Trong một tuần phòng nọ. Khi các linh mục đang ngồi thảo luận và trao đổi với nhau về kinh nghiệm mục vụ, một vị lớn tuổi đã chậm dãi phát biểu: “Tôi không biết các cha trẻ nghĩ thế nào, riêng tôi, tôi thấy làm lạ là nhiều cặp chúng nó mới hôm nào đưa nhau lên trước bàn thờ thề thốt yêu nhau, vậy mà quay đi, quay lại đã thấy chúng nó lên nữa, mà lần này với một đứa khác. Tôi đã tò mò hỏi một vài đứa thì chúng nó nói rằng: Tại vì cha quản nhiệm chúng con trẻ, nên làm đám cưới mát tay”.

Gọi ly dị là căn bệnh thời đại, vì trải qua mọi thời đại, ly dị vẫn là một vấn nạn nhức nhối và không thuốc chữa; đặc biệt, đối với con người của thời đại chúng ta đang sống. Một thời điểm mà theo Đức Piô XII, con người đang mất dần đi ý thức tội lỗi. Hoặc theo Đức Gioan Phaolô II, thế giới đang bị ảnh hưởng của một nền văn hóa sự chết. Trong xã hội hôm nay, dưới ảnh hưởng của nền văn hóa này, nền móng gia đình và hạnh phục hôn nhân đang bị đảo lộn tận gốc rễ. Qua đó, nền tảng xã hội cũng đang bị lung lay. Hơn 50% các cặp hôn nhân đã kết thúc bằng ly dị. Nhiều người ly dị sau chỉ mới 3 tuần lễ cưới nhau. Một số lớn chừng 3 hay 10 năm sau khi cưới. Và một số khác sau 30 năm chung sống với nhau. Như vậy, căn bệnh thời đại này không dừng lại ở thành phần tuổi tác, hoặc thời gian chung sống với nhau. Nó xẩy ra cho mọi lứa tuổi, và trong mọi hoàn cảnh.

Lịch sử đã chứng minh tính chất xã hội của chứng bệnh ly dị, khi cho biết ngay những người đồng thời với Chúa Giêsu cũng đã đặt vấn đề với Ngài. Và trước đó nữa, Maisen cũng đã phải vất vả với vấn nạn này. Thánh Kinh kể lại, khi những người Biệt Phái đến chất vấn Ngài về đề tài ly dị, Chúa Giêsu đã nói với họ: “Chính vì sự cứng lòng của các ngươi mà Maisen đã viết ra luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:5-9).

Qua câu trả lời trên, chúng ta thấy rằng ly dị là do tâm trạng đổi thay, do những thúc đẩy từ nhiều phía, do ảnh hưởng xã hội, và do thiếu lòng thủy chung của con người. Hơn 10 năm trước, khi khảo cứu về hậu quả của những cuộc hôn nhân đổ vỡ, người ta đã đi đến kết luận rằng con cái của những cha mẹ ly dị chính là những nạn nhân đáng thương nhất qua hành động ly dị của cha mẹ chúng. Hậu quả này kéo dài cho đến khi chúng lớn, và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là các em trai, đặc biệt, nếu lúc cha mẹ chúng ly dị mà chúng đang ở vào lứa tuổi vị thành niên. Aũnh hưởng ấy có thể làm cho chúng có một cái nhìn thiên lệch, và mặc cảm tội lỗi về đời sống hôn nhân, gia đình. Nhưng gần đây, người ta lại có câu trả lời khác, đại khái cho rằng nếu cha mẹ mà cứ tiếp tục sống trong cảnh bất hòa, thì tốt hơn là nên ly dị, vì như thế sẽ giúp cho con cái sống trưởng thành hơn và không bị ảnh hưởng tâm lý về một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Nhiều cuộc khảo cứu còn đi xa hơn nữa, khi kết luận rằng trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cha mẹ đồng tính luyến ái, và những cha mẹ tự nhiên không có gì khác biệt về tâm lý và tình cảm. Và ảnh hưởng của những lần phá thai không còn gây kinh hoàng cho nhiều phụ nữ như trước nữa. Ngược lại, chúng chỉ có tác dụng về mặt thể lý, như một lần đau bụng, đi cầu. Đó là tâm lý, đó là tâm trạng của con người thời đại. Điều này cho thấy rằng, con người thời nay đang mất dần đi ý thức của việc làm, và họ lẫn lộn giữa cái xấu và cái tốt, cái được phép làm và cái không nên làm, điều mà Chúa Giêsu gọi là sự cứng lòng: “Chính vì sự cứng lòng của các ngươi” (Mc 10: 5).

Thật vậy, do lòng dạ con người ra cứng cỏi, chai đá, mà hiện tượng ly thân, ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính mới đang được hưởng ứng và thịnh hành. Và không những chỉ có những con người bình thường, ít học thức mới có những quan niệm lệch lạc, nhưng cả những vị có trách nhiệm thuộc lãnh vực luân lý và đạo đức cũng bị những tư tưởng lệch lạc ấy chi phối. Đó là lý do tại sao có những linh mục “làm phép cưới mát tay”. Làm phép cưới mát tay hay làm phép cưới cẩu thả, thiếu điều tra kỹ lưỡng, và thiếu hướng dẫn, thiếu chuẩn bị cũng là một hình thức. Đối với những linh mục này, có lẽ việc ly thân, ly dị chỉ là hệ quả của tâm lý xã hội, hoặc một hành động thiếu kinh nghiệm của những người trong cuộc. Nhưng thực tế không phải chỉ có thế, vì hậu quả của những việc làm cẩu thả ấy còn kéo dài cho tới những thế hệ kế tiếp. Thống kê cho biết, con cái những cha mẹ ly dị cũng có nhiều cơ hội ly dị.

Vấn đề ly dị tưởng chỉ là những đối chọi về quan điểm xã hội giữa những người Pharisiêu và Chúa Giêsu nên Ngài đã có những lời lẽ cứng rắn về hôn nhân. Nhưng điểm quan trọng ở đây, là nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã lập lại ý định của Chúa Cha ngay từ ban đầu khi sáng tạo vũ trụ, khi đó, Thiên Chúa đã đặt con người vào một ơn gọi hết sức quan trọng: “Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục (Mc 10: 6-8). Đó là những gì Thiên Chúa nói, và đó là việc Thiên Chúa làm.

Thật vậy, nếu nhìn luật một vợ, một chồng với cái nhìn của tâm lý hôn nhân gia đình, ta sẽ thấy đây là một đòi hỏi hết sức hợp tình, hợp lý, phù hợp với tâm lý sống của con người. Nó không hề đi ngược hoặc mang lại những khó khăn, những phiền toái mà con người không thể vượt thắng được. Ngược lại, nó mang đến cho những cặp vợ chồng một sự đảm bảo, một sự gắn bó hạnh phúc. Trong xã hội loài vật, Thiên Chúa cũng dựng nên những mẫu gia đình mà chỉ một vợ, một chồng, thí dụ, loài chim đại bàng đầu bạc của Bắc Mỹ. Chúng ở với nhau cho đến khi một con chết, và không bao giờ đi lang thang, hoặc cặp kè với những con khác.

Trở lại vấn đề con người, như khảo cứu đã cho biết, nếu một người đã ly dị một lần, thì có nhiều lý do cho thấy người ấy sẽ ly dị tiếp sau này. Thực tế đã chứng minh nhận xét này, vì có nhiều người ly dị, tái hôn đến ba, bốn, hoặc năm lần mà vẫn không hạnh phúc. Những người này tưởng rằng sau khi đã bỏ chồng, bỏ vợ sẽ gặp được hoàng tử hay công chúa của cõi lòng, nhưng như người Việt Nam đã có câu: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, hoặc :”Chê thằng toét mắt, lấy thằng gù lưng”. Do đó mới có hiện tượng ly dị, tái hôn, và tái hôn, ly dị.

Ngoài ra, theo tâm lý, một người đã mang tâm trạng cứ thử một lần cho biết, hoặc cứ bước vào đời sống hôn nhân, nếu không thích thì bỏ, thì người này hầu như sẽ kết thúc hôn nhân của họ bằng ly dị. Họ giống như những kẻ mang tâm trạng chán đời, và nuôi ý muốn tự tử. Trước sau, nếu họ không được giúp đỡ kịp thời, thì cũng sẽ kết liễu cuộc đời bằng những cái chết hết sức vô nghĩa. Bước vào đời sống hôn nhân mà còn trông trước, ngó sau, còn mang ý nghĩ muốn thử một lần cho biết, thì trước sau gì, những người này cũng gặp đổ vỡ. Hơn nữa, chứng tỏ rằng họ đã không nghiêm chỉnh, đã không trưởng thành, và không ý thức trách nhiệm về lựa chọn, quyết định, và hành động hôn nhân của mình, những yếu tố để tạo nên hạnh phúc. Và nếu bước vào đời sống hôn nhân như vậy, thì đừng đổ thừa cho Thiên Chúa, mà là lỗi tại mình.

Việc Thiên Chúa đã liên kết trong đời sống hôn nhân, do đó, là một hành động phù hợp với ơn gọi cao quí, cho biết đây không phải là việc làm con trẻ, hoặc một hành động mà con người có thể đùa giỡn. Con người không được phân ly, vì con người không có quyền coi thường đời sống này, hoặc làm khác đi những luật lệ mà Thiên Chúa đã đặt định, thí dụ, con người ngày nay đang muốn lập thành một quy ước hôn nhân cho những người đồng tính. Đây là một việc làm trái ngược, và một hành động phá vỡ luật lệ mà Thiên Chúa đã an bài từ trước.

Trở lại những gì Chúa Giêsu đã nói về đời sống gia đình, ta thấy rằng, Thiên Chúa hết sức khôn ngoan và thương xót khi đặt định con người vào một cuộc sống hôn nhân tốt lành, và đã ràng buộc, cột chặt họ lại trong sự tốt lành ấy bằng hôn ước bất khả phân ly. Ngài không hề o ép, và không hề áp đặt con người trong sự ràng buộc này. Trái lại, Ngài đã tạo cơ hội cho con người sống hòa hợp và hạnh phúc với nhau. Thử hỏi, nếu Ngài không bảo họ phải nghiêm chỉnh, tránh nhiệm, và trưởng thành với hành động của mình, thì đời sống hôn nhân sẽ đi về đâu, và sẽ như thế nào? Những trái tim tan nát vì tình yêu bị phản bội, những đứa trẻ bơ vơ vì thiếu cha, thiếu mẹ, những cuộc tình vụng trộm, và những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng sẽ trở thành một nỗi kinh hoàng cho cá nhân, gia đình, và xã hội nếu Thiên Chúa không ràng buộc con người bằng luật bất khả phân ly.

Hôn nhân là một ơn gọi, một chọn lựa, một cửa ngõ dẫn vào hạnh phúc. Nhưng hôn nhân Công Giáo với luật bất khả phân ly còn là một bảo đảm cho tất cả những hạnh phúc ấy, nếu con người đi đúng, và tuân thủ một cách tự nguyện những gì Thiên Chúa đã an bài: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9).

Trần Mỹ Duyệt

 

Mầm mống ly dị nơi hai nguyên tổ loài người

Có thể nói bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này có liên hệ đến bài Phúc Âm tuần trước về chiều hướng của mình. Bởi vì, bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước nói tới vấn đề gương mù gương xấu và việc phải dứt khoát với hành động này để được rỗi bằng cách từ bỏ mình, một hành động dứt khoát được thể hiện một cách biểu hiệu ở chỗ móc mắt, chặt tay chân làm xấu của mình đi. Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là nạn ly dị, một trong những gương mù gương xấu chẳng những của thời xưa mà nhất là thời đại văn minh nhân bản nhân quyền ngày nay. Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu hôn nhân, như Chúa Giêsu khẳng định, là những gì ngay từ ban đầu đã được Thiên Chúa thiết lập và bởi thế loài người không được phép phân chia, không được quyền tháo gỡ, thì phải chăng, theo nguyên tắc tránh dịp tội của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, thì vợ chồng theo hôn nhân đã trở nên một thân thể (đã coi nhau và gọi nhau là “mình”, là “anh em”, “anh em như thể tay chân”) có thể bỏ nhau, một khi họ nên dịp tội cho nhau, chẳng hạn làm cho nhau đi đến chỗ ngoại tình (vì chồng không để ý chăm sóc chiều chuộng vợ, hay vì vợ không đáp ứng chồng trong việc chăn gối chẳng hạn), nhất là vì vợ chồng lén lút hoặc trắng trợn ngoại tình? Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu đã trả lời dứt khoát với một số người Pharisiêu về vấn đề ly dị là vấn đề do con người mà có, đúng hơn, do lóng trí con người hư hỏng mà ra, còn hôn nhân là do Thiên Chúa, do Đấng Toàn Thiện đã dựng nên họ theo hình ảnh yêu thương của Ngài, ở chỗ Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ, để họ tiến đến chỗ hiệp nhất nên một thân thể với nhau, một tình trạng phản ảnh sự sống thần linh hiệp thông Ba Ngôi nơi Ngài.

Thật vậy, mầu nhiệm về con người và ơn gọi của con người là ở chính cốt lõi của hôn nhân. Chính vì ơn gọi phản ảnh “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) mà con người mới được Ngài dựng nên theo giống hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (x Gen 1:26-27). Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ nào, nếu không phải hữu thể của con người có yếu tố linh thiêng (linh hồn), có tự do, biết ý thức; và con người được dựng nên tương tự như Thiên Chúa ở chỗ nào, nếu không phải ở ngôi vị của con người biết yêu thương, trao tặng và hiệp thông. Đó là lý do, sau khi tạo dựng nên mọi sự trên trời dưới đất, như tất cả đoạn thứ nhất của Sách Khởi Nguyên cho thấy, Thiên Chúa, cũng Sách Khởi Nguyên thuật lại ở trọn đoạn thứ hai, còn làm một việc nữa cho riêng con người, loài được Ngài dựng nên sau hết, đó là hình thành cơ cấu hôn nhân nơi họ, một cơ cấu xã hội căn bản đầu tiên của loài người, một cơ cấu hiệp thông, yêu thương và sự sống. Và đó cũng là lý do bao lâu con người sống mầu nhiệm “hôn nhân” là yêu thương và sống ơn gọi “hôn nhân” là hiệp thông này, họ mới sống trong sự thật, vì họ sống đúng như ý muốn của Thiên Chúa, và họ mới hoàn toàn hạnh phúc, vì họ sống sự sống thần linh vô cùng toàn hảo và viên mãn của Thiên Chúa. Trái lại, bao lâu con người sống ngược với mầu nhiệm “hôn nhân” và ơn gọi “hôn nhân” này, tức tìm kiếm những gì ngoài ý định vô cùng khôn ngoan tốt lành của Thiên Chúa, bấy lâu con người còn sống trong bất hạnh và đầy những bất an.

Không phải hay sao, ngay từ ban đầu, nếu con người cương quyết sống theo những gì Thiên Chúa ấn định như lương tâm của họ ý thức được (x Gen 3:2-3) thì họ đâu đến nỗi đi đến chỗ “ly dị” trong tinh thần, một yếu tố nẩy sinh trong giòng dõi loài người như một thứ men làm cho họ càng ngày càng ly dị như thời đại văn minh tuyệt đỉnh về nhân bản ngày nay cho thấy? Cặp vợ chồng đầu tiên của loài người này đã không âm thầm “ly dị” nhau về tinh thần là gì, ở chỗ, ngay sau khi ăn trái cấm, mỗi người tự động đi tìm nơi trú ẩn và lấy lá vả che đậy chỗ kín của mình đi: họ không còn là một thân thể như trước nữa, họ đã ra khỏi tình trạng ngây thơ vô tội như trẻ nhỏ “trần truồng không biết xấu hổ” (Gen 2:25). Thậm chí họ đã đi đến chỗ chính thức “ly dị” nhau trước nhan Chúa, khi người nam không chấp nhận bản thân mình là nữ nguyên tổ Evà, người ông đã tuyên nhận là xương thịt của ông và là người Chúa cho ở với ông, qua việc ông phũ phàng và bất công đổ lỗi cho người nữ (x Gen 3:12), một lỗi lầm mà chính ông đáng lẽ phải đứng ra nhận lỗi, vì ông chẳng những đã không can ngăn vợ mà còn vào hùa với vợ để làm nữa. Nếu con người nam nguyên tổ Adong này yêu thương vợ trong chân lý, tức yêu thương theo ý Chúa, ở chỗ mạnh mẽ lên tiếng ngăn cản vợ về hành động hái trái cấm mà ăn của nàng, thì tình yêu của ông đã phản ảnh tình yêu vô cùng trọn hảo của Thiên Chúa rồi, và con cái miêu duệ của ông đâu phải mang mầm mống “ly dị” từ ông cho đến tận thế. Như thế, một cách nào đó, nguyên tội được phát xuất từ hôn nhân, từ tình yêu hôn nhân, từ thứ tình yêu sai trái nơi hôn nhân. Quả thực ly dị phát xuất từ con người, từ lòng trí hư hỏng của con người là như thế.

Tới đây một vấn đề nữa xuất hiện, đó là vấn đề “(nguyên) tội bởi đâu mà có?”, bởi vì ngay từ ban đầu con người nguyên tổ hoàn toàn tốt lành, lòng trí chưa hề bị hư hại tí nào, thì làm sao con người có thể đi tới chỗ “ly dị”, tới chỗ phân ly những gì Thiên Chúa đã phối hợp, đã liên kết. Đúng thế, ngay từ ban đầu, con người nguyên tổ được Thiên Chúa dựng nên hoàn toàn tốt lành, không bị hư hại tí nào, không có mầm mống tội lỗi trong mình như miêu duệ của các vị, không có đam mê nhục dục, không có tính mê nết xấu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người không thể phạm tội. Con khổng long và một phần ba tinh tú trên trời bị mất chỗ của mình trên trời đâu có xác thịt, có mầm mống tội lỗi, thế mà vẫn có thể phạm tội, vẫn có thể làm mất lòng Thiên Chúa cơ mà (x Rev 12:1-9). Đệ nhất tạo vật về ân sủng, dù được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc được hoài thai trong lòng thai mẫu, chẳng lẽ lại không phạm tội được hay sao, khi Người khăng khăng từ chối không chịu “xin vâng” (Lk 1:38) làm theo ý muốn tối cao của Thiên Chúa được tỏ ra cho Người qua sứ thần Gabiên trong giây phút truyền tin? Bởi thế, trường hợp phạm tội của hai nguyên tổ, tội đầu tiên trong lịch sử loài người, tội phá giới, tội vượt biên, tội phân ly nhưnõng gì Thiên Chúa đã kết hợp, không phải là do lòng trí hư hỏng của con người, mà là do ý thức chọn lựa của con người. Thế nhưng, ngay từ ban đầu, nếu con người còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, lòng trí của họ còn hoàn toàn ngay thẳng, thì phải chăng việc họ làm, dù trái với ý muốn của Thiên Chúa, có xấu xa tội lỗi trước nhan Ngài, cũng chỉ là những hành động lầm lạc đáng thương?

Sở dĩ con người lầm lạc đáng thương là vì trình độ của con người hữu hạn chỉ tới đó. Nếu con người có Thần Trí của Thiên Chúa, chắc hẳn họ đã thấu hiểu được tất cả mọi sự như Ngài (x 1Cor 2:10) và đã không làm những gì trái ý Ngài. Thế nhưng, dù Thiên Chúa có muốn thông ban cho con người tất cả Thần Trí của Ngài ngay từ ban đầu đi nữa, con người tạo vật hữu hạn bấy giờ tự bản chất cũng không thể nào lãnh nhận được. Phải chăng đó là lý do “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) để qua Ngôi Vị nhân thần là Con Người Giêsu Kitô này, loài người “sinh bởi xác thịt là xác thịt” (Jn 3:6) có thể được “rửa trong Thánh Thần” (Jn 1:34), được “tái sinh bởi nước và Thần Linh” (Jn 3:5), “được sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), một sự sống như Con Người Giêsu Kitô đã sống “đẹp lòng Cha mọi đàng” (Mt 3:17, 17:3). Thật ra, làm việc gì ngoại tại, “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đều tỏ mình là Lời ra và ban mình là Thần Linh của Ngài cho đối tượng của Ngài. Thiên Chúa đã bắt đầu ban Thần Trí của Ngài cho con người khi Ngài tỏ mình ra cho họ, khi Ngài bắt đầu tỏ cho họ biết giới hạn của họ giữa biên giới sự sống và sự chết, giữa cây biết lành biết dữ và cây sự sống. Trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái, Ngài vẫn tiếp tục tỏ mình ra, vẫn tiếp tục ban Thần Trí của Ngài cho con người, và mức độ dồi dào Thần Trí nhất là lúc Con Ngài Nhập Thể, Vượt Qua và sai Thánh Thần từ Cha xuống trên Giáo Hội. Thế nhưng, chỉ có thành phần sống bé mọn (x Mt 11:25; Lk 10:21), biết đáp lại Mạc Khải Thần Linh như Mẹ Maria đầy tin tưởng mới được tràn đầy Thần Trí của Thiên Chúa mà thôi!

Đó là lý do chúng ta thấy Chúa Giêsu, một lần nữa, đã dùng đến trẻ nhỏ, như bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho thấy, để giải quyết vấn đề phức tạp của đời sống hôn nhân, điển hình là vấn đề gương mù ly dị nơi hôn nhân. Không phải hay sao, vì hai nguyên tổ không còn sống như những trẻ nhỏ, không còn sống ngây thơ vô tội, không còn hoàn toàn tin tưởng vào Đấng Tối Cao vô cùng Toàn Tri, Toàn Thiện, Toàn Năng, trái lại muốn trở thành người lớn, đầy lý sự và ham hố, nên đã đi đến chỗ “ly dị” nhau, không còn là một thân thể mà là hai (một tình trạng được biểu hiệu qua hành động hai vị nguyên tổ tìm cách che bịt cái của quí private part của mình đi)? Thật ra, thực tế cho thấy, không thể nào vợ chồng lại có thể trở nên một thân thể. Việc vợ chồng chỉ là một tác động biểu hiệu cho việc nên một thân thể này mà thôi. Thế nhưng, tình trạng ly dị vẫn có thể làm cho vợ chồng chấm dứt việc vợ chồng với nhau, không còn là một thân thể nữa. Như thế, vấn đề nên một thân thể đây không phải là vấn đề về sinh lý hay thể lý cho bằng về tâm lý và tinh thần. Đúng vậy, nếu vợ chồng không được phân ly những gì Thiên Chúa đã phối hợp, thì vấn đề vợ chồng nên một thân thể là một vấn đề bất khả phân ly, vấn đề trọn đời, chứ không phải vấn đề trò chơi tình ái, vấn đề pro choice của con người. Nếu vợ chồng biết chấp nhận nhau như là người Chúa cho ở với mình, (như bài đọc một cho thấy), biết ý thức nguyên tắc không phải họ chọn mà là được chọn (x Jn 15:16), thì không bao giờ họ sẽ đi đến chỗ ly dị, bằng không, họ sẽ là kẻ ly dị Chúa trước, phủ nhận những gì Chúa ban cho mình, gửi đến cho mình, và không bao giờ họ sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thực và hạnh phúc hôn nhân trọn vẹn.

Nếu con người không sống nguyên bởi bánh, mà còn bởi lời Chúa (x Mt 4:4), thì vấn đề vợ chồng nên một thân thể như ý định của Thiên Chúa về hôn nhân ngay từ ban đầu này cũng thế, ở chỗ, Thiên Chúa không chỉ có ý dựng nên con người có nam có nữ để họ làm việc vợ chồng hầu sinh con đẻ cái như loài thú thuần huyết nhục thế thôi, mà là để họ biểu hiện một mầu nhiệm sâu xa hơn nữa, đó là mầu nhiệm Chúa Kitô với Giáo Hội của Người (x Eph 5:32), một mầu nhiệm chỉ khi nào vợ chồng nỗ lực sống theo họ mới có hạnh phúc và hoàn trọn ơn gọi hôn nhân của họ thôi. Chúa Kitô và Giáo Hội của Người không bao giờ ly dị nhau. Cho dù Giáo Hội, qua yếu đuối của loài người, của thành phần đại diện Người thừa kế Thánh Phêrô và thừa kế các vị tông đồ, có những lúc phản bội tinh thần của Người, như dân Do Thái phản bội giao ước của Thiên Chúa cha ông họ song Thiên Chúa vẫn ở với họ, vẫn trung thành với giao ước của Ngài, vẫn thực hiện lời Ngài tự đoan hứa với họ thế nào, Chúa Kitô vẫn ở cùng Giáo Hội luôn mãi cho đến tận thế như vậy (x Mt 28:20). Đầu và thân thể không thể nào phân ly nhau thế nào, Chúa Kitô và Giáo Hội làm nên một Nhiệm Thể cũng không thể phân lìa nhau như thế. Chồng thực sự là đầu của vợ, như Chúa Kitô là đầu của Giáo Hội, và vợ là thân thể của chồng, như Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô. Vì là đầu của vợ, chồng phải yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội; và vì là thân mình của chồng, vợ phải vâng lời chồng trong mọi sự như Giáo Hội vâng lời Chúa Kitô như thế (x Eph 5:22-30).

Hình ảnh một thân thể có đầu và thân này, như bài đọc một cho thấy, đã được biểu lộ qua tác động nhận biết (thuộc đầu óc) của Adong đối với thân thể của mình là Evà, một ngôi vị được làm nên bởi thân thể của ông và phát xuất từ cạnh sườn thân thể của ông. (Chồng là đầu và vợ là thân còn được thể hiện nơi tâm lý trai cua gái, gái theo trai, và nam có ý nghĩ thèm thuồng thân thể nữ như ở Phúc Âm Thánh Mathêu 5:28 cho thấy). Nếu chồng luôn nhận biết vợ, tức yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội đến cùng (x Jn 13:1), và nếu vợ luôn gắn bó với chồng, ở chỗ nghe lời chồng, đáp lại tình yêu của chồng, thì không bao giờ có chuyện ly dị xẩy ra trong đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, vì mầm mống nguyên tội, mầm mống con người ngay từ ban đầu tách mình lìa xa Thiên Chúa nên không thể bền bỉ với nhau, vẫn còn tồn tại nơi con người nói chung và con người nam nữ vợ chồng nói riêng, mà cho dù họ có yêu nhau đắm đuối mấy đi nữa, họ vẫn cần phải có ơn Chúa đặc biệt, có Thần Linh, mới có thể trung thành với nhau, mới có thể hoàn toàn phản ảnh mầu nhiệm Nhiệm Thể Giáo Hội!

Tóm lại, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu xác định rõ dự án của Thiên Chúa và đường lối của con người. Dự án của Thiên Chúa bao giờ cũng là muốn con người hiệp nhất nên một; còn đường lối của con người thường hướng chiều về tình trạng chia rẽ ly dị. Tuy trong bài Phúc Âm Chúa Giêsu không xác định rõ hai vợ chồng phải sống trọn đời với nhau, nhưng nếu hai vợ chồng phải nên một thân thể với nhau mới là vợ chồng theo dự án của Thiên Chúa thì có nghĩa là họ phải sống trọn đời với nhau. Thật vậy, nếu không ai lại phủ nhận thân thể của mình (x Eph 5:28-29), và không ai mất đầu mà còn sống thế nào, chồng cũng không thể thiếu vợ, không thể phủ nhận vợ là thân thể của mình, và vợ cũng không thể thiếu chồng, không thể tách rời chồng là đầu của mình như vậy. Chính vì con người cứng lòng, sống theo ý riêng của mình, chứ không sống theo dự án của Thiên Chúa về hôn nhân ngay từ ban đầu như thế mà xã hội loài người càng ngày càng trở nên băng hoại như thực tế hiện nay cho thấy. Đó là lý do, để cứu vãn tình thế, để sống hợp với dự án của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, cách riêng trong đời sống hôn nhân, Chúa Giêsu kêu gọi con người hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ, tình trạng con người nguyên sơ còn đang ngây thơ vô tội chỉ biết tin tưởng vào Chúa và làm theo ý Chúa mà thôi.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

LY THÂN LY DỊ

 
Không ai có thể chối cãi được là, kể từ thập niên 1960, con người càng ngày càng văn minh tột bậc về phương diện khoa học và kỹ thuật. Thế nhưng, kèm theo những phát minh tân kỳ của khoa học về kỹ thuật từ đó, người ta còn thấy xuất hiện cả những phát minh lạ lùng đến quái dị liên quan đến cơ cấu hôn nhân và đời sống gia đình. Chẳng hạn những trào lưu được luật pháp ủng hộ và cho phép thi hành như ly dị và phá thai, từ đó đưa đến những hiện tượng như mang thai mướn, tức làm cha hiến tinh trùng làm mẹ bằng tử cung; ; như việc cấy thai ống nghiệm; như quyền cha mẹ cùng phái tính; như thân phận của những đứa con nuôi của thành phần cha mẹ đồng tính, (hiện nay đang có một thương vụ muốn bảo trợ những đứa trẻ mồ côi ở Việt Nam sang Hoa Kỳ cho những cặp vợ chồng đồng tính này); như hoàn cảnh cha mẹ độc thân, single mother, single father, chứ không phải bị góa bụa, bị widowed; như những đứa con mồ côi bất đắc dĩ, còn cha còn mẹ mà không được chung sống với cả hai bố mẹ; như những anh em ruột cùng cha khác mẹ cùng mẹ khác cha gây ra bởi ly dị và tái hôn; như cảnh con cái được cha hay mẹ cấp dưỡng thay vì được cả hai trực tiếp nuôi dưỡng; như được quyền đa phu hay đa thê sau khi ly dị, một thứ quyền của thời con người còn lạc hậu cổ lỗ v.v.

Tại sao thế giới càng ngày càng văn minh về vật chất lại càng bại hoại về hôn nhân và gia đình như vậy? Phải chăng vì hai con người nam nữ đã không thực sự yêu nhau trước khi lấy nhau? Phải chăng vì con người văn minh ngày nay ý thức được nhân quyền của mình? Phải chăng vì con người được luật pháp cho phép hành sử quyền pro choice hôn nhân?

Ly Thân Ly Dị: Phải chăng vì hai con người nam nữ đã không thực sự yêu nhau trước khi lấy nhau?

Nếu kết hôn với nhau là hai con người nam nữ yêu thương “trở nên một thân thể”, thì có những việc vợ chồng làm trong đời sống hôn nhân hết sức phản trái với hôn nhân, như trường hợp ngoại tình và ly thân, hoặc trường hợp ly thân rồi ngoại tình, nhất là hành động hoàn toàn hủy hoại hôn nhân, như trường hợp ly dị để lập gia đình khác, hoặc ly dị rồi lập gia đình khác. Thật ra, so sánh giữa ly thân và ly dị, thì ly thân vẫn còn đỡ hơn ly dị, vì ly thân vẫn còn có thể cứu vãn được, còn ly dị thì kể như tận kết, tuyệt tình tuyệt nghĩa. Ngoài ra, trong một xã hội cho phép ly dị và được quyền ly dị mà hai vợ chồng còn chịu ly thân hơn là ly dị thì có nghĩa là họ vẫn còn nghĩ đến con cái, hay ít là còn nghĩ đến nhau: “tình chi thủy chung, chí tử bất hối”, tức yêu nhau trọn đời, tới chết không thôi.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, ngày nay người ta có mấy ai ly thân, mấy ai thích hôn nhân “time out” như vậy. Động một tí là họ nghĩ đến ly dị liền. Thậm chí ly dị là một thứ bảo hiểm chẳng những để được vĩnh viễn ly thân, mà còn là một thứ bảo hiểm để được tái hôn dễ dàng. Do đó, có lấy nhầm cũng không sao, vì vợ chồng chẳng khác gì như món hàng mua ở tiệm đồ dùng department store về, nếu bị defect hư hỏng gì, hay không thích hoặc không vừa với ý của mình nữa thì có quyền đem đổi hay trả lại cho tiệm tòa án. Theo chiều hướng coi thường, lỏng lẻo và đổi chác như thế, hôn nhân tự bản chất vốn “bất khả phân ly” ngày nay đã trở thành một thứ trò chơi, vui thì ở dở thì đi, trở thành một thị trường buôn bán, lời thì nhào vô, lỗ thì dẹp tiệm, trở thành một trận đấu giá, ai cao giá hơn thì được. Không phải hay sao, hôn nhân ngày nay không phải là một cuộc đấu giá là gì, ở chỗ, ngày xưa, vì còn trọng tình trọng nghĩa, người ta tỏ ra rất sợ lấy những người ly dị, vì con người ly dị đó không “chí tử bất hối” đối với người phối ngẫu của họ, nhưng ngày nay, vì xu hướng tranh đoạt competition, người ta lại thấy mình có giá mới được người khác bỏ vợ bỏ chồng mà lấy mình v.v. nên càng lấy nhau như thay quần đổi áo mới càng hợp thời trang.

Thế nhưng, thực tế phũ phàng ngày nay cho thấy, chính lúc con người ta không còn tục lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa, tức lúc con người được tự do luyến ái và thành hôn với nhau, họ lại bỏ nhau hơn bao giờ hết.

Theo thống kê trong cuốn Niên Giám Thế Giới 1987 (The World Almanac 1987, published for the Orange County Register), thì năm 1955 có 377 ngàn vụ ly dị, năm 1960 có 393 ngàn vụ, năm 1965 có 479 ngàn vụ, năm 1970 có 708 ngàn vụ và năm 1985 có 1 triệu 187 ngàn vụ. Nếu so sánh với số lượng đám cưới trong cùng những năm trên đây, thì nếu năm 1965 (năm này là thời điểm một năm trước khi luật pháp bắt đầu chính thức cho phép ly dị ở Mỹ) có 1 triệu 8 trăm ngàn đám, trong khi đó ly dị 479 ngàn vụ, tức tỉ số ly dị là 25%, hay 1/4; năm 1970 có 2 triệu 158 ngàn 802 đám cưới, trong đó có 708 ngàn vụ ly dị, tức tỉ số ly dị là 33%, hay 1/3; năm 1985 có 2 triệu 425 ngàn đám cưới, trong đó có 1 triệu 187 ngàn vụ ly dị, tức tỉ số là 50%, hay 1/2. Như thế, trào lưu ly dị đang tăng dần chứ không giảm. Ở chỗ, trong 5 năm (1965-1970) tăng từ Ử đến 1/3, hay từ 25% đến 33%, tức tăng 8%, rồi trong 15 năm (1970-1985) tăng từ 1/3 đến ơ, hay tăng từ 33% đến 50%, tức tăng 17%.

Thật vậy, căn cứ vào thống kê của Trung Tâm Quốc Gia Về Thống Kê Sức Khoẻ của Phân Bộ Về Sức Khỏe và Dịch Vụ Nhân Bản (National for Health Statistics, US Department of Health and Human Services), được cuốn Time The Almanac 2002 phổ biến, thì trong giai đoạn từ năm 1900 đến 1999, tỉ lệ ly dị cao nhất là năm 1980, với 52%, rồi tới năm 1982 với 51%, tới hai năm 1983 và 1985 xuống 50%. Từ đó tỉ lệ xuống dần, ba năm 1986, 1997 và1988, còn 48%, ba năm 1989, 1990 và1991 còn 47%, hai năm 1993 và 1994 còn 46%, hai năm 1996 và1997 còn 43%.

Tuy nhiên, chiều hướng ly dị có vẻ xuống này không phải là vì lòng con người đã được đổi thay theo chiều hướng tích cực, cho bằng con số thành hôn càng ngày càng giảm đi. Chẳng hạn, năm có tỉ số ly dị cao nhất là năm 1980, trong số những cuộc thành hôn là 2 triệu 406 ngàn 708, có 1 triệu 182 ngàn vụ ly dị, và năm có tỉ số ly dị thấp nhất từ đó là năm 1997, năm có 2 triệu 384 ngàn cuộc thành hôn, nhưng có 1 triệu 163 ngàn vụ ly dị. Tức năm 1980 người ta lập gia đình hơn năm 1997 tất cả là 22 ngàn 708 cuộc hôn nhân. Tại sao lại có hiện tượng giảm số hôn nhân như vậy? Phải chăng trai gái không còn yêu nhau nữa? Hay người ta cảm thấy sợ lấy nhau? Hoặc người ta đã có cách sống vợ chồng tân kỳ hơn? Chỉ biết rằng, căn cứ vào các nguồn dữ liệu như U.S Census Bureau, National Center for Health Statistics, Americans for Divorce Reform, Institute for Equality in Marriage, American Association for Single People, Ameristat, và Public Agenda, Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ (Divorce Magazine: US Divorce Statistics) có những chi tiết như sau: tỉ lệ của những cuộc hôn nhân lần đầu đi đến chỗ ly dị trong năm 1997 là 50%, và tỉ lệ của những cuộc tái hôn rồi lại ly dị cũng trong năm 1997 là 60%. Tỉ lệ cha mẹ không bao giờ lập gia đình trong năm 1998 là 35% nam và 42% nữ. Tỉ lệ chung cho tất cả mọi gia đình có cha mẹ không bao giờ lập gia đình trong năm 2000 là 48%.

Căn cứ vào những dự kiện được chính thức thống kê cho thấy trên đây, chúng ta có thể đi đến 4 kết luận như sau: thứ nhất, con người ta được dựng nên có nam có nữ không thể nào không yêu nhau. Thứ hai, càng tự do yêu nhau, tự do luyến ái, người ta lại càng bỏ nhau. Thứ ba, một khi tự do yêu nhau mà lại còn chối bỏ nhau, tức là người ta chưa hoàn toàn nhận biết mình, chưa tìm thấy mình, giống như một đứa trẻ con hết thích đồ chơi này đến đồ chơi khác, chán cái này thì chơi cái kia. Thứ bốn, một khi con người còn chọn đi chọn lại mãi cho mình ý trung nhân màcũng không xong, tưởng như ý lại bị trái ý, tránh trái ý lại không được như ý, thì chứng tỏ con người văn minh ngày nay còn ấu trĩ trong quyền chọn lựa của mình.

Ly Thân Ly Dị: Phải chăng vì con người văn minh ngày nay ý thức được nhân quyền của mình?

Hồi còn ở Việt Nam, được chứng kiến thấy những cảnh chồng được quyền đánh đập vợ mình như con vật tôi cảm thấy hết sức đau lòng. Cho đến khi lập gia đình, trải qua những giây phút chất ngất ái ân, tôi lại càng không thể nào hiểu được tại sao người ta lại có thể phũ phàng hành hạ và tàn nhẫn đánh đập một con người mà họ chí tình ấp yêu khi làm việc vợ chồng như thế? Nếu làm việc vợ chồng chỉ vì yêu thương nhau thật tình thì không thể nào người chồng lại có thể đi đến chỗ đầy đọa vợ mình như thế. Bằng không, người vợ sống với họ chẳng khác nào như một người đầy tớ, một người nữ tớ chẳng những để phục vụ nhu cầu tình dục của họ những lúc họ lên cơn, mà còn để hy sinh mang nặng đẻ đau cho gia đình nhà chồng, và hầu hạ nhu cầu cơm nước cho chồng, thậm chí cho cha mẹ chồng nữa, những việc mà không khéo sẽ bị họ cho ăn đòn nên thân v.v. Ôi thân phận phụ nữ ở một nước chậm tiến và ở vào thời văn hóa lạc hậu, hèn hạ là chừng nào và nhục nhã biết bao!

Chính vì thế, chẳng lạ gì, khi sang đến Mỹ, chúng ta thấy cả một nền văn hóa hôn nhân đảo ngược. Đến nỗi, hồi ấy, năm 1975, những người Việt mới qua Mỹ đều cảm thấy là ở Mỹ này đàn bà là nhất, “lady first”. Bởi vì, luập pháp Hoa Kỳ hết sức bảo vệ người phụ nữ. Chồng không có quyền đánh vợ. Bằng không, nếu bị tố cáo sẽ bị luật pháp can thiệp. Chẳng hạn, có những trường hợp chồng dọa hành hung vợ, vợ sợ quá báo cho công quyền để xin được bảo vệ, chồng liền bị tòa ra lệnh giới nghiêm lại “restricted order”, nghĩa là không cho chồng đến gần vợ bất cứ lúc nào một khoảng cách là bao nhiêu đó, chẳng hạn 100 feet, hay 100 bộ, 100 bước. Không biết có phải chính vì người phụ nữ, nhất là để bảo về quyền lợi của giới nữ mà chính quyền Âu Mỹ mới lập những khoản luật ly di trước (đầu thập niên 1960) rồi phá thai sau (đầu thập niên 1970), thế nhưng, thực tế cho thấy, phụ nữ đã sử dụng quyền luật này nhiều hơn nam.

Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ trện đây cho thấy r nhận định này như sau. Trong năm 2000, con số nam ly dị là 8 triệu 572 ngàn hay 8.3%, nhưng nữ là 11 triệu 309 ngàn hay 10.2%, tức hơn nữ ly dị hơn nam là 2 triệu 737 ngàn trong năm 2000. Tỉ lệ gia đình chỉ có mẹ độc thân single mother mà không có bố là 9.2% trong khi đó tỉ lệ gia đình chỉ có bố mà không có mẹ là 1.9%, tức single mother nhiều hơn single father là 7.3%. Cũng trong năm 2000, trong số gia đình cha mẹ độc thân, có 2 triệu 40 ngàn người cha độc thân, nhưng có đến 9 triệu 680 ngàn người mẹ, tức con số mẹ độc thân nhiều hơn bố là 7 triệu 640 ngàn. Chưa hết, cũng trong năm 2000, tổng số của những người cha độc thân vì ly dị là 913 ngàn, nhưng tổng số của những người mẹ độc thân vì ly dị là 3 triệu 392 ngàn, tức con số người mẹ độc thân vì ly dị hơn con số người bố độc thân vì ly dị là 2 triệu 479 ngàn. Ngoài ra, tổng số của những người cha độc thân chưa bao giờ lập gia đình là 693 ngàn, nhưng tổng số của những người mẹ độc thân chưa bao giờ lập gia đình là 4 triệu 181 ngàn, tức mẹ độc thân chưa bao giờ lập gia đình hơn bố độc thân chưa bao giờ lập gia đình là 3 triệu 488 ngàn. Trong năm 2000, con số ly thân giữa nam và nữ như sau: nam là 1 triệu 181 ngàn hay 1.8%, và nữ là 2 triệu 661 ngàn hay 2.4%, tức nữ ly thân hơn nam là 1 triệu 480 ngàn.

Chưa hết, nếu quyền ly dị hầu như liên quan đến quyền lợi của nữ giới hơn nam giới, một quyền lợi thực sự đã được nữ giới sử dụng tối đa như các dữ kiện trên đây cho thấy, thì quyền phá thai lại càng trực tiếp liên quan đến quyền lợi chuyên biệt của nữ giới hơn. Cũng theo cuốn Time The Almanac 2002, thống kê cho biết con số phá thai được tường trình và được sổ sách ghi nhận như sau: từ năm 1972 (là thời điểm trước một năm luật pháp Hoa Kỳ chính thức hóa việc phá thai) đến năm 1997, con số phá thai cao nhất ở vào năm 1990, với 1 triệu 429 ngàn 577 vụ, trong đó, có 22.4% ở tuổi teen dậy thì từ 19 trở xuống, 33.2% ở vào tuổi từ 20 đến 24, và 44.4% ở tuổi từ 25 trở lên, 21.7% trong hôn nhân, và 78.3% ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, ở vào năm 1997, tuy con số phá thai không cao bằng năm 1990, nghĩa là chỉ có 1 triệu 186 ngàn 39 vụ, tức ít hơn năm 1990 là 243 ngàn 538 vụ, nhưng so sánh cùng lứa tuổi và gia cảnh như năm 1990, chúng ta thấy chiều kích lứa tuổi lớn phá thai và ngoại hôn phá thai gia tăng trong năm 1997 như sau: tuổi teen dậy thì 20.1% (xuống 2.3%), tuổi từ 20 đến 24 ở 31.7% (xuống 1.5%), nhưng tuổi từ 25 trở lên lại là 48.2% (lên 3.8%), và phá thai trong hôn nhân năm 1997 là 19% (xuống 1.7%), thì phá thai ngoại hôn năm 1997 là 81% (lên 2.7%).

Những dữ kiện được thống kê trên đây, về cả khía cạnh ly dị lẫn phá thai, cho chúng ta thấy không phải là một cuộc cách mạng nữ giới đang xẩy ra mà là một cuộc trả thù đời của nữ giới thì đúng hơn. Hình như nữ giới đang cho thế giới biết mặt, biết rằng con người của họ không phải là để cho nam giới, và thân xác của họ không phải là để cho con cái. Và họ làm việc này không phải là lúc họ ở vào tuổi còn trẻ mà là tuổi đã lập thân. Cũng theo Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ, nếu trong năm 1997, tuổi trung bình trong việc lập gia đình là 29 (28.7) đối với nam giới và 26 (25.9) đối với nữ giới, thì tuổi trung bình trong việc họ ly dị cũng trong cùng năm 1997 này là 35 bên nam và 33 bên nữ, tức ở vào tuổi “tam thập nhi lập”. Tuổi phá thai nhiều nhất cũng từ 25 trở lên.

Theo tôi, không phải là nữ giới cách mạng hay trả thù đời, mà là chung con người văn minh vật chất ngày nay, tất nhiên trong đó có cả nữ giới, đang bị chi phối bởi một ý hệ sợ hãi và một tinh thần yếu nhược. Ở chỗ, những gì không hợp với cá nhân con người họ là họ tìm cách tránh né liền, tìm cách away from cho bằng được; họ không dám đối diện với khốn khó, không dám đương đầu với thử thách, nhất là những thử thách về luân lý là những gì làm cho họ xứng đáng làm người và thực sự nên người. Thật ra, vì biết mình không thể thắng vượt được khốn khó, làm chủ được tình thế bất lợi, họ mới tìm cách tránh né. Thế nhưng, dù có tìm cách tránh né mấy đi nữa, họ cũng vẫn phải đối diện với sự thật phũ phàng, với người chồng hay người vợ mà họ không yêu thích nữa, không ưa chuộng nữa, với người con sinh ra tật nguyền, với bệnh nhân bất trị tốn kém v.v. Bởi đó, không né được thì chỉ việc tận diệt là xong, là tiện nhất. Với lập luận là thà không có thì hơn, bằng đã có thì phải ra có, phải có lợi cho nhân quần xã hội, đúng hơn có lợi cho chính bản thân cá nhân của họ mới đáng tồn tại. Thế là, theo chủ thuyết tiến hóa evolution, chủ nghĩa tranh đấu giai cấp của Cộng Sản, chủ trương duy thực dụng unitarianism của thế giới tư bản, họ đã sử dụng đến thủ đoạn lạm quyền luân lý của họ, thủ đoạn đoạn tuyệt hôn nhân, thủ đoạn phá thai con cái v.v. Thế nhưng, liệu con người văn minh đầy quyền lực về kỹ thuật cùng với quyền hạn về nhân quyền ngày nay có thể tận diệt được sự thật hay chăng, hay là, trái lại, sự thật vẫn là sự thật, vẫn ám ảnh họ, vẫn theo đuổi họ như hình với bóng, làm cho họ càng ngày càng sợ, càng bị ám ảnh paranoid, nếu họ không cương quyết nhìn thẳng vào sự thật, một sự thật duy nhất có toàn quyền năng giải thoát họ.

Ly Thân Ly Dị: Phải chăng vì con người được luật pháp cho phép hành sử quyền pro choice hôn nhân?

Không phải chỉ có phá thai mới có quyền pro choice, còn ly dị thì không. Thật ra, vấn đề quyền tuyệt đối tự quyết có thể được áp dụng vào tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống của con người. Điển hình nhất là trường hợp ly dị. Theo ý hệ tự do là muốn làm gì thì làm ngày nay, người ta cho rằng một khi tôi có quyền chọn lựa ý trung nhân thì tôi cũng có quyền bỏ họ nếu thấy rằng họ không còn hợp với tôi nữa, hay tôi thấy có ai ngon hơn họ, có thể mang lại hạnh phúc và thiện ích cho tôi. Chẳng lẽ chọn lấy cho mình những gì tốt hơn lại là điều sai lầm hay sai quấy hay sao? Thật ra, không ai phủ nhận vấn đề con người có quyền chọn lựa. Thế nhưng, vấn đề ở đây là tự do của con người có giới hạn. Do đó, chọn gì thì chọn, chọn sao cũng được, miễn là việc chọn lựa của con người không được phi nhân bản, không được phản luân thường đạo lý, không được tác hại đến công ích. Thậm chí, nếu cần, việc chọn lựa của con người còn có thể đi đến chỗ hy sinh cho người khác, chấp nhận tất cả những gì người khác không hợp với mình, chấp nhận trở nên mọi sự cho mọi người, nhất là những người mà mình yêu thương như bản thân mình, như vợ chồng con cái trong gia đình mình. Tại sao cái chọn lựa làm cho mình nên trọn lành hơn, nên người hơn, đoàn kết hơn, yêu thương hơn, hòa thuận an bình hơn chúng ta không chọn, lại pro choice những gì sặc mùi văn hóa sự chết.

Theo Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ thì trong năm 1997, thống kê cho biết lý do ly dị vì vấn đề kinh tế là 4.2%, trong khi đó, tỉ lệ ly dị vì bất khả hóa giải là 80%. Kể từ năm 1997 tới năm 2000, con số ly dị mỗi năm là 2 triệu rưỡi người. Số năm trung bình vợ chồng chung sống với nhau cho đến khi ly dị vào năm 1997 là 11 năm.

Sở dĩ có luật ly dị là vì con người lạm dụng quyền hành của mình, điển hình là chồng dùng quyền bắt nạt vợ, và sở dĩ luật phá thai có tác hiệu và càng ngày càng trở nên thịnh hành là vì con người ham chuộng nó và tôn sùng nó. Bởi thế, luật ly dị và phá thai, tự chúng sẽ trở thành bất lực, trở thành vô hiệu năng, nếu con người không ngó ngàng gì đến nó, coi thường nó. Một khi con người còn lệ thuộc vào luật ly dị để sống hôn nhân thì không bao giờ họ thực sự cảm thấy thế nào là hạnh phúc hôn nhân. Chẳng khác gì như họ lệ thuộc vào thuốc ngừa thai hay phương pháp ngừa thai nhân tạo để kiểm soát sự sống vậy. Trước khi lấy nhau đã sợ ly dị, lấy nhau rồi lại sợ có con, thì hai con người nam nữ sẽ sống đời vợ chồng với nhau một cách ơ hờ tạm bợ, đụng một cái là tan liền.

Nếu quyền ly dị và phá thai không phải là thứ bảo hiểm hôn nhân thì chỉ còn chính tình yêu, yếu tố liên kết hai con người nam nữ có duyên lại với nhau mới làm cho họ được hạnh phúc mà thôi. Mà yêu thương là gì, nếu không phải là hiệp nhất nên một, là hy sinh nhịn nhục, là quảng đại thứ tha. Phải, chỉ có một tình yêu viên mãn, tình yêu trọn lành như thế mới làm cho hai con người nam nữ sống đời vợ chồng với nhau được thực sự hạnh phúc và vĩnh viễn hạnh phúc mà thôi. Hạnh phúc là viên mãn yêu thương là thế! Hạnh phúc là viên mãn yêu thương chính là bảo hiểm nhân thọ duy nhất cho cuộc sống hôn nhân gia đình của con người và cho con người ở mọi nơi và trong moị lúc vậy.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh

(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 26, 14/7/2002)

 

Sau đây là 4 trong những câu vấn đáp cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 27, 21/7/2002

1.     Trong kỳ phát thanh trước, chúng tôi cũng nhận thấy rằng tác giả Cao Tấn Tĩnh cùng với chị Thúy Nga đã đề cập tới đề tài này dưới một số góc cạnh liên quan trực tiếp đến xã hội và gia đình, đặc biệt là dưới cái nhìn luân lý và đạo đức. Kiều Hạnh xin được hỏi anh Cao Tấn Tĩnh là theo anh, hiện tượng ly thân ly dị hiện nay có phải là một hậu quả tất yếu của hiện tượng vô luân của xã hội chúng ta hiện nay không?

Đáp:     Thưa chị và quí vị thính giả, theo tơi, hiện tượng ly thân ly dị hiện nay khơng phải là hậu quả tất yếu của hiện tượng vơ luân của xã hội chúng ta hiện nay, vị hiện tượng ly thân ly dị hiện nay chính là hiện tượng vô luân của xã hội chúng ta rồi vậy. Tức là ly thân ly dị và vô luân đồng nghĩa với nhau. Do đó, vấn đề được đặt ra là nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng ly thân ly dị vô luân hiện nay? Trước hết, tôi xin xác định là ly thân khác với ly dị và tự bản chất không phải là việc vô luân, trừ phi ly thân để dễ dàng ngoại tình, hay cố ý ly thân để đi đến chỗ ly dị, hoặc không có ý tái hợp nữa. Sau nữa, tôi nhận thấy căn nguyên sâu xa gây ra tình trạng ly thân ly dị vô luân hiện nay là do con người đã yếu kém lòng đạo, đã coi thường nhân nghĩa.

Thật vậy, ngay từ ban đầu, theo Thánh Kinh Do Thái Giáo, sau khi sa ngã phạm đến Đấng Hóa Công của mình, tức là không chịu theo ý định của Ngài, mà là theo ý riêng của mình, cặp uyên ương đầu tiên là Adong và Evà đã không còn sống trong tình trạng công chính nguyên thủy nữa, cả hai chỉ là một thân thể, ở chỗ trần truồng không biết xấu hổ, trái lại, đã ly thân, mỗi người bắt đầu nhận thấy mình khác người, và che đậy bộ phận phái tính của mình đi. Thực tế cũng cho thấy sở dĩ con người văn minh ngày nay ly dị là vì họ đã không còn trọng tình trọng nghĩa nữa. Ở chỗ, ngày xưa vì còn kính cha kính mẹ, con người dù khơng biết nhau hay yêu nhau trước, song họ vẫn có thể sống trọn đời vợ chồng với nhau. Trong cuộc sống hôn nhân, dù khổ đau, họ vẫn không bỏ nhau, không hẳn vì sợ xã hội theo luân lý cổ truyền chê cười nguyền rủa, cho bằng vì nghĩ đến con đến cái hơn đến bản thân mình.

Tóm lại, nguyên nhân sâu xa làm cho hôn nhân gia đình đổ vỡ, đưa đến tình trạng ly thân ly dị vô luân là vì con người văn minh vật chất ngày nay đã trở nên khô đạo, dửng dưng với tất cả những gì là siêu nhiên, là linh thiêng, không còn tin tưởng thần linh tối cao, và do đó cũng không còn nắm giữ những luân thường đạo lý làm người như xưa.

2.     Kiều Hạnh cũng nghe anh trích dẫn nhiều thống kê qua kỳ phát thanh trước liên quan đến vấn đề ly thân ly dị. Xin anh vui lòng tóm lại một vài con số tiêu biểu mà anh cho rằng ảnh hưởng và trực tiếp liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay?

Đáp:     Thưa chị và quí vị thính giả, câu hỏi này cũng như câu hỏi trên, con số thống kê tiêu biểu không ảnh hưởng và trực tiếp liên quan đến đời sống hơn nhân và gia đình hiện nay. Trái lại, chính đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay đã đưa đến con số thống kê thảm bại này. Căn cứ vào những con số thống kê, tơi thấy có 6 vấn đề chính sau đây liên quan đến chiều hướng ly dị, đến lý do ly dị, đến thời hạn hôn nhân, đến thời điểm ly dị, cũng như đến khát vọng luyến ái phi hôn hay đa hôn.

Thứ nhất, tỉ lệ ly dị càng ngày càng xuống: Thật vậy, căn cứ vào thống kê của Trung Tâm Quốc Gia Về Thống Kê Sức Khoẻ của Phân Bộ Về Sức Khỏe và Dịch Vụ Nhân Bản (National for Health Statistics, US Department of Health and Human Services), được cuốn Time The Almanac 2002 phổ biến, thì trong giai đoạn từ năm 1900 đến 1999, tỉ lệ ly dị cao nhất là năm 1980, với 52%, rồi tới năm 1982 với 51%, tới hai năm 1983 và 1985 xuống 50%. Từ đó tỉ lệ xuống dần, ba năm 1986, 1987 và 1988, còn 48%, ba năm 1989, 1990 và1991 còn 47%, hai năm 1993 và 1994 còn 46%, hai năm 1996 và1997 còn 43%.

Thứ hai, con người ly dị chỉ vì lý do bất khả hòa giải giữa vợ chồng với nhau hơn là vì các vấn đề khác. Theo Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ thì trong năm 1997, thống kê cho biết lý do ly dị vì vấn đề kinh tế là 4.2%, trong khi đó, tỉ lệ ly dị vì bất khả hòa giải là 80%.

Thứ ba, con người ngày nay sống đời vợ chồng với nhau ngắn hạn chứ không trọn đời: Tờ Nguyệt San Ly Dị cho biết số năm trung bình vợ chồng chung sống với nhau cho đến khi ly dị vào năm 1997 là 11 năm.

Thứ bốn, con người ly dị ở vào lúc con người ở vào tuổi lập thân “tam thập nhi lập”. Thật vậy, cũng theo Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ, nếu trong năm 1997, tuổi trung bình trong việc lập gia đình là 29 (28.7) đối với nam giới và 26 (25.9) đối với nữ giới, thì tuổi trung bình trong việc họ ly dị cũng trong cùng năm 1997 này là 35 bên nam và 33 bên nữ.

Thứ năm, con người ngày nay muốn sống tự do luyến ái, chứ không muốn bị ràng buộc vào cơ cấu hôn nhân ly dị nữa. Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ (Divorce Magazine: US Divorce Statistics) đã liệt kê những chi tiết như sau: Tỉ lệ cha mẹ khơng bao giờ lập gia đình trong năm 1998 là 35% nam và 42% nữ. Tỉ lệ chung cho tất cả mọi gia đình có cha mẹ không bao giờ lập gia đình trong năm 2000 là 48%.

Thứ sáu, con người ngày nay càng ngày càng đa thê đa phu. Cũng theo Tờ Nguyệt San Ly Dị về Thống Kê Ly Dị Ở Hoa Kỳ cho biết: tỉ lệ của những cuộc hôn nhân lần đầu đi đến chỗ ly dị trong năm 1997 là 50%, và tỉ lệ của những cuộc tái hôn rồi lại ly dị cũng trong năm 1997 là 60%.

3.     Theo anh Tống Văn Tuệ, hai môn thuốc chữa căn bệnh hiểm nghèo ly thân ly dị của thời đại chúng ta, về phần tích cực, là “tương kính như tân” và, về phần tiêu cực, là bỏ lối sống chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ. Thế còn theo anh Cao Tấn Tĩnh thì sao? Anh bằng lòng với hai môn thuốc của anh Tống Văn Tuệ chứ?

Đáp:     Về ý hệ chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ, đã được ý hệ nhân quyền giải độc. Bởi đó ngày nay nó hầu như đã biến mất trong ánh sáng văn minh vật chất và nhân bản hiện tại. Nếu ý hệ nhân quyền đã quân bình nam nữ, đã bình đẳng vợ chồng thì vấn đề “tương kính như tân” cũng đã hiện thực. Tuy nhiên, như tôi đã nhận định trong buổi phát thanh vừa rồi, chính trong lúc con người được quyền tự do luyến ái ngày nay lại là lúc con người ly thân ly dị nhiều nhất. Như thế có nghĩa là con người vẫn chưa “tương kính như tân” hay sao? Thật ra, vấn đề trọng kính nhau thường dính dáng đến vấn đề công bình. Công bình ở chỗ nếu anh đối xử tốt với tôi tôi cũng đối xử tốt với anh như thế. Bằng khơng thì cứ việc mắt đền mắt răng đền răng, tình nghĩa đôi ta có thể thôi. Công bằng thường còn ở chỗ tôi phải được đối xử tốt trước rồi mới đáp lại sau. Nếu sống đời vợ chồng với nhau tương kính như tân một cách công bình như thế thì chẳng khác gì sống với nhau như một bài toán cộng, 1 + 1 = 2.

Thật vậy, như tôi đã chia sẻ trong bài Tình Nghĩa Vợ Chồng, “nếu vợ chồng mỗi người là 1 ngôi vị khác nhau, mà sống với nhau như một bài toán cộng thì sẽ thành 2 chứ không nên 1. Vợ chồng sống với nhau như bài toán cộng là ở chỗ mỗi người một account, một trương mục, chồng trả tiền nhà, vợ trả tiền những thứ chi phí khác, miễn là hai bên cân bằng với nhau trong vấn đề trang trải mọi sự trong nhà; nếu cần phải chi phí cho những thứ ngoại lệ theo tình nghĩa, như tới ngày Valentine, Giáng Sinh, Father Day hay Mother Day, Ngày Sinh Nhật của nhau thì lấy tiền của riêng mình mà mua quà tặng nhau, bao nhau ăn uống như bạn bè. Bởi thế, bởi sống một đời sống vợ chồng với nhau như một bài toán cộng 1 với 1 là 2 như thế, nên khi gặp trường hợp một trong hai người đụng đến quyền lợi của nhau, đụng đến đức công bằng đã được phân chia ranh giới, họ liền bất mãn và tỏ thái độ đòi hỏi công lý, đến độ, họ đi đến chỗ làm toán trừ, 1 trừ 1 thành 0, vợ trừ chồng hay chồng trừ vợ thành ly dị”.

Ngoài ra, về phương thế giải quyết vấn đề bất hòa vợ chồng để tránh ly dị, ở bên Mỹ này người ta thường “sit down and talk”. Thế nhưng, cuối cùng cũng vẫn chẳng giải quyết được gì, cũng vẫn cứ đem nhau ra tịa ly dị? Tại sao? Nếu không phải khi ngồi xuống nói chuyện người ta chỉ tìm cách thắng thế, hơn là tìm chân lý. Thật ra, nếu người ta tự đáy lòng biết thông cảm với nhau thì cũng chẳng cần gì phải sit down and talk cả. Vì họ đã tha cho nhau, hiểu nhau trước khi nói ra rồi. Vấn đề đối thoại chẳng qua cũng chỉ là phương thế giải quyết. Nếu người ta khơng có tinh thần cởi mở, phục thiện và tìm chân lý thì dù có talk đi talk lại cũng không work, không có công hiệu. Ở đây chúng ta lại thấy rằng, làm gì thì làm con người cũng phải có tinh thần trước, phải có lòng đạo đã, mới giải quyết được vấn đề. Bằng không, con người chỉ luẩn quẩn, lúc nào cũng cảm thấy bất mãn và bất an mà thôi, một tâm trạng càng làm cho con người dễ rối loạn và cuộc đời lúc nào cũng choáng váng ngả nghiêng chực ngã.

4.     Để kết thúc cho buổi phát thanh hôm nay, Kiều Hạnh xin được hỏi anh Cao Tấn Tĩnh thêm một câu nữa là nếu có một lời khuyên nào cho cuộc sống lứa đôi hiện nay thì lời khuyên ấy như thế nào?

Đáp:     Thưa chị và quí vị thính giả, cũng trong bài Tình Nghĩa Phu Thê, tơi đã chia sẻ thế này: “Để tránh hiện tượng hay thảm trạng vợ chồng sống với nhau như một bài toán cộng, một lối sống dễ đưa họ tới đáp số zero của một bài toán trừ nát tan phá sản về cả tình nghĩa, của cải lẫn con cái như vậy, họ cần phải sống với nhau theo đúng mục đích và bản chất của hơn nhân là hiệp nhất, được thể hiện qua tác động vợ chồng “nên một thân thể” hết sức linh thiêng cao quí. Nghĩa là, hai vợ chồng phải làm sao để chẳng những tránh những lối sống, hành vi, thái độ cộng và trừ giữa vợ chồng với nhau, mà còn phải liên lỉ sống làm sao để vợ chồng chỉ là 1, bằng cách sống theo bài toán nhân 1 x 1 = 1 hay theo bài toán chia, 1 / 1 = 1, những bài toán chứng tỏ họ giải quyết những khác biệt, bất đồng và đụng chạm, không thể tránh trong đời sống vợ chồng, thậm chí cả lầm lỗi phạm đến bản tính của hôn nhân, chỉ bằng tinh thần hy sinh, nhịn nhục và tha thứ cho nhau”.
 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)