GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 12/2003

 

Ý Chung: “Xin cho các phần tử của tất cả mọi tôn giáo biết hợp tác với nhau trong vệc làm giảm bớt những thương đau của loài người trong thời đại của chúng ta”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội ở các xứ sở còn bị cai trị bởi các chế độ độc đoán được hoàn toàn tự do để thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình”.

 

___________________________________________

 7-13/12//2003

Giovanni Paolo II

 

13/12 Thứ Bảy

Bản Tuyên Ngôn Chung của Ủy Ban Do Thái Giáo và Công Giáo

Sau ba ngày họp ở Giêrusalem, giữa phái đoàn đại biểu Tôn Sư Trưởng Do Thái Liên Hệ với Giáo Hội Công Giáo và Uỷ Ban của Tòa Thánh về Liên Hệ Tôn Giáo với Những Người Do Thái, Ủy Ban Chung này đã đúc kết bằng một bản tuyên ngôn chung được ký hôm Thứ Tư 3/12/2003, như sau:

1.     Sau hai cuộc họp, ở Giêrusalem (Tháng 6 năm 2002, hay Tháng Tammuz năm 5762) và ở Grottaferrata/Rôma (Tháng 2 năm 2003, hay tháng Shvat năm 5763), những vị đại biểu cao cấp đương nhiệm đã tụ họp ở Giêrusalem để bàn đến đề tài “Tính Cách Thuận Hợp của Các Giáo Huấn Chính Yếu – Những Cuốn Sách Thánh Chúng Ta Dùng Để Chia Sẻ Với Xã Hội Hiện Đại và Để Theo Đó Giáo Dục Các Thế Hệ Tương Lai”.

2.     Những điều cân nhắc được diễn ra trong một bầu khí tương kính và thân tình, hai phái đoàn đại biểu lấy làm hài lòng về những cơ cấu vững chắc đã được thiết lập giữa họ với nhau đầy những hứa hẹn tiếp tục hoạt động và hợp tác tốt đẹp.

3.     Tham dự viên bày tỏ lòng cảm mến sâu xa đối với những lời phát biểu thẳng thắn của Tòa Thánh trong việc lên án bạo lực phạm đến những kẻ vô tội và cáo giác những hình thức bài Do Thái tái nổi lên hiện nay, như đã được công bố trong những lời phát biểu của Chư Hồng Y thuộc phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh Vatican trong Ủy Ban Chung là các ĐHY Walter Kasper, Jorge Mejía và Georges Cottier.

Theo tinh thần này, ĐHY Jorge Mejia đã viết cho Các Tôn Sư Trưởng Do Thái rằng: “Thật sự chẳng những là tàn ác mà còn hèn hạ và hoàn toàn bất hợp với những tiêu chuẩn nhân bản khả chấp trong việc tấn công con người ở những nơi cầu nguyện của họ”. Đúng thế, vào lúc xẩy ra cuộc họp của Ủy Ban Chung này, ĐGH Gioan Phaolô II đã phổ biến lời kêu gọi mãnh liện “tất cả mọi con người nam nữ thiện chí hãy hợp tiếng của mình với của Tôi để lập lại rằng không bao giờ được nhân danh Thiên Chúa để kích động bạo lực hay khủng bố, để phát động hận thù hay loại trừ”.

4.     Những bài trình bày nhắm vào giáo huấn căn bản trong các Sách Thánh chúng ta cùng nhau có, những cuốn sách tuyên xưng niềm tin vào Đấng Hóa Công duy nhất và là Vị Hướng Đạo của Vũ Trụ, Đấng đã hình thành tất cả mọi con người có ý muốn tự do theo hình ảnh Thần Linh của Ngài.

Như thế nhân loại là một gia đình duy nhất có trách nhiệm luân lý đối với nhau. Việc nhận thức thực tại này mang lại trách nhiệm về tôn giáo và luân lý là những gì có thể được coi là một bản hiến chương thực sự về các thứ nhân quyền và phẩm giá làm người trong thời đại tân tiến của chúng ta, cũng như cống hiến một nhãn quan đích thực về một xã hội chân chính, một hòa bình và phúc hạnh phổ quát.

5.     Chúng ta sống trong một ngôi làng hoàn vũ của những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học chưa từng có. Những tiến bộ này trở thành những thách đố cho chúng ta trong việc sử dụng chúng để phục vụ sự thiện và nên ân phúc, chứ không phải phục vụ sự dữ và bị nguyền rủa, không hợp với những gì Thiên Chúa muốn. Về vấn đề này, hệ thống truyền thông đại chúng toàn cầu đóng vai trò chính yếu trong việc cải tiến. Chúng ta cần phải có tinh thần xây dựng trong việc sử dụng cơ hội này để cải tiến toàn cầu trong vấn đề giữ lấy những khát vọng về đạo giáo và luân lý chung đã được chúng ta đề cập tới trước đây.

6.     Cần phải nhấn mạnh là việc đáp ứng thách đố trong vấn đề phát động đức tin tôn giáo trong xã hội đương thời đòi chúng ta phải có những tấm gương sống động về đức công chính, lòng từ ái, sự khoan nhượng và khiêm tốn, hợp với lời của Tiên Tri Mica.

“Ôi con người, ngươi đã từng được cho biết điều gì là thiện hảo và những gì Chúa muốn nơi ngươi: Thế nhưng ngươi hãy thực hiện đức công chính và yêu chuộng nhân ái, cùng khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa của ngươi” (Mic 6:8).

7.     Việc giáo dục về đạo giáo có thể cũng như cần phải cống hiến cho con người niềm hy vọng và hướng sống tích cực nơi tình đoàn kết của con người cùng với tình trạng họ sống hòa hợp với nhau trong thời đại tân tiến phức tạp của chúng ta đây. Thật thế, chính lòng tin tưởng vào Thiên Chúađã cống hiến cho chúng ta sự an ninh và niềm vui thực sự, hợp với câu Thánh Vịnh 16: “Tôi luôn đặt Chúa ở trước mặt tôi… và lòng tôi hân hoan vui sướng” (8-9).

8.     Nhất là những vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà giáo dục tôn giáo có nhiệm vụ đặc biệt trong việc hướng dẫn cộng đồng của mình theo đuổi những đường lối hòa bình cho phúc hạnh của đại đồng xã hội.

Chúng tôi phổ biến lời kêu gọi này cách riêng cho gia đình của Abraham và chúng tôi kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy bỏ khí giới chiến tranh xuống và hủy hoại chúng đi – “để tìm kiếm hòa bình và theo đuổi hòa bình” (Ps 34:15).

9.     Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi xin chia sẻ nỗi đớn đau và buồn thương của tất cả những ai đang chịu khổ ở Thánh Địa ngày nay, cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như chúng tôi xin bày tỏ cho thấy vị giáo hoàng nhiệt tâm của chúng tôi cùng với những lời nguyện cầu của chúng tôi mong muốn chấm dứt những cuộc thử thách và tai ương xẩy ra nơi mảnh Đất thánh hảo đối với tất cả chúng ta.

10.     Sau hết, chúng tôi xin kêu gọi riêng các cộng đồng của chúng tôi, học đường và gia đình, hãy sống với nhau trong sự tương kính và cảm thông, cũng như đào sâu việc học hỏi cùng các giáo huấn của Sách Thánh của chúng tôi, cho việc thăng hóa nhân loại, cho nền hòa bình và công lý hoàn cầu. Nhờ đó, những lời của vị Tiên Tri này sẽ được nên trọn: “và họ sẽ biến gươm kiếm thành lưỡi cầy, và thương đao thành lưỡi hái; nước này sẽ không tuốt gươm chống lại nước kia và họ sẽ không còn biết đến chiến tranh là gì nữa” (Is 2:4).

Tại Giêrusalem ngày 3/12/2003 (theo Kitô giáo). Tức ngày 8 tháng Kislev năm 5764 (theo Do Thái giáo)

ĐHY Jorge Cardinal Mejia (Lãnh đạo phái đoàn đại biểu Công Giáo)
ĐGM Giacinto-Boulos Marcuzzo
P. Elias Chacour
Pier Francesco Fumagalli
P. Norbert Hofmann S.D.B.
ĐTGM Pietro Sambi

Tôn Sư Shear Yashuv Cohen (Lãnh đạo phái đoàn đại biểu Do Thái)
Tôn Sư Rasson Arussi
Tôn Sư David Brodman
Tôn Sư Yossef Azran
Tôn Sư David Rosen
Oded Wiener
Shmuel Hadas

 


“Chúng tôi phải làm gì?”
Sinh Hoạt Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Vọng

Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi thì lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!”. Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng trong dân chúng.

Hướng Dẫn

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng tuần trước, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả dựa vào lời của tiên tri Isaia kêu gọi một cách tổng quát và bóng bẩy là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng tuần này, vị tiền hô đã áp dụng những gì ngài đã kêu gọi tgrước đó vào từng trường hợp của các giới người trong xã hội Do Thái bấy giờ, điển hình là quần chúng nói chung, cách riêng thành phần thu thuế và binh lính là hai loại người đặc biệt theo đuổi một cái nghề có vẻ ngang trái trong xã hội Do Thái thời bấy giờ đang bị Đế Quốc Rôma đô hộ.

Đối với chung dân chúng, Tiền Hô Gioan bảo họ phải chia cơm sẻ áo cho nhau, tức là đừng vị kỷ, chẳng khác gì ngài khuyên họ hãy lấp đầy hố sâu tham lam và san bằng đồi núi huyênh hoang tự cao tự đại về những gì mình có hơn người đến khinh người nghèo và xa lánh người nghèo, như trường hợp của nhà phú hộ đối xử với Lazarô (x Lk 16:19-21).

Đối với thành phần thu thuế, ngài bảo họ đừng gian lận, tức sống một cách ngay thẳng liêm chính, và đối với thành phần binh lính, ngài bảo họ “đừng ức hiếp, đừng cáo gian”, tức hãy sống đúng với sứ mệnh của mình là bảo vệ và bênh vực dân chúng. Tức là, đối với hai thành phần tiêu biểu này, ngài khuyên họ hãy uốn thẳng những hành vi quanh co bất chính của mình (thu thuế), và hãy san bằng những cử chỉ gồ ghề hiếp đáp tác hại của mình (binh lính).

Đó là lý do hôm nay chúng ta cùng nhau sinh hoạt trò chơi Phúc Âm “Chúng tôi phải làm gì?”

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra 10 người chẳng hạn. Số người này sẽ vừa đóng vai dân chúng vừa đóng vai thu thuế và binh lính. Hai nhóm đấu với nhau làm hai đợt, đợt đầu cả 10 người của một nhóm đóng vai dân chúng, đấu với 10 người của nhóm kia với 5 người đóng vai thu thuế và 5 người đóng vai binh lính. Đợt thứ hai nhóm đã đóng vai dân quay sang đóng vai thu thuế và binh lính như nhóm chơi đợt nhất.

2. Những người đóng vai dân chúng mỗi người cầm (bằng hai ngón tay) một cái áo trong tay này và một ổ bánh mì trong lòng bàn tay kia, giơ thẳng ra phía trước mặt, bên dưới có một cái thùng không.

3. Những người đóng vai thu thuế một tay cầm một cái (que dài) tượng trưng cho cái bút và một tay cầm một cái bị đựng tiền. Và những người đóng vai binh lính một tay cầm roi hay cái gậy tượng trưng cho thanh gươm chiến đấu hay quyền giữ an ninh.

4. Những người thu thuế cố gắng dùng cái que giật được chiếc áo của những người dân và tìm cách cho vào bị của mình; cũng thế, những người lính cố gắng dùng cái gậy hay roi để đánh rơi ổ bánh mì xuống cái thùng ở bên dưới tay của người dân.

5. Dân chúng và hai hạng người hành nghề thu thuế và binh lính đứng đối diện nhau, (mỗi người đứng trong một vòng tròn, không được bước ra khỏi đó), và đứng cách nhau khoảng ba bước. Khi nghe hiệu lệnh, bên đóng vai thu thuế và binh lính bắt đầu ra tay hành động bóc lột và hiếp đáp dân chúng của mình cho tới khi nghe thấy tiếng của tiền hô Gioan Tẩy Giả kêu gọi: “Hãy dọn đường lối ngay thẳng cho Chúa”.

6. Bấy giờ những người đóng vai dân chúng lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”, và sau khi nghe tiền hô Gioan nói “Hãy chia cơm sẻ áo”, liền tung ổ bánh mì và chiếc áo, nếu còn trên tay, về phía người thu thuế hay binh lính đã cướp giật của mình. Thành phần thu thuế phải lấy bị hứng ổ bánh mì và thành phần binh lính phải lấy gậy hay roi chụp lấy chiếc áo.

7. Sau dân chúng tới thành phần thu thuế hỏi tiền hô Gioan “chúng tôi phải làm gì?”, và sau khi nghe tiền hô nói “đừng đòi hỏi quá mức”, liền tung những gì mình đã lấy được của dân trả lại cho dân; dân phải làm sao chụp được những gì thành phần thu thuế trả lại cho mình. Áp dụng vào trường hợp của những người đóng vai binh lính cũng thế.

8. Trò chơi được tính điểm hơn thua là ở chỗ nhóm nào, sau hai đợt chơi được nhiều ổ bánh và áo hơn thì đoạt giải “chúng tôi phải làm gì?”

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL gợi ý

 

12/12 Thứ Sáu

Tòa Thánh Vatican tại LHQ với vấn đề viện trợ nhân đạo

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh hôm Thứ Tư 10/12/2003 đã phổ biến bài diễn từ của ĐTGM Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Văn Phòng Liên Hiệp Quốc và Các Tổ Chức Quốc Tế Khác ở Geneva trong Hội Nghị Quốc Tế lần 28 của Hội Hồng Thập Tự và Hội Hồng Nguyệt Liềm được tổ chức ở thành phố Thụy Sĩ này từ ngày 2 đến 6 tháng 12 năm 2003.

Vị khâm sứ của Tòa Thánh đã nhận định rằng hội nghị này “diễn tiến vào một thời điểm đầy những cuộc giao động chiến tranh và bùng nổ khủng bố chưa hề thấy xẩy ra trước đây. Những nạn nhân dân sự của những thứ chiến tranh được tường trình rõ ràng hay bị quên lãng cũng như của những hậu quả hủy hoại do những cuộc chiến tranh này gây ra lên đến hàng triệu triệu con người. Thật vậy, một số Quốc Gia và những diễn viên phi Quốc Gia cố gắng khai thác tình trạng tuyệt vọng của cảnh bần cùng ở địa phương cũng như của những cảnh quá ư chênh lệch về xã hội, bằng việc thực hiện những mục tiêu tư riêng của mình qua những hành động bạo lực”.

Về vấn đề luật lệ nhân đạo, ĐTGM Tomasi nói: “có một số chính quyền tỏ ra dè dặt trong việc chấp nhận những đường lối kiểm soát tác hiệu, trong khi ý nghĩ quần chúng hình như đã quen thuộc với những thứ vi phạm về lề luật nhân đạo, như thể cảnh đau thương của quá nhiều nạn nhân đã đưa đến chỗ làm cho họ thu mình lại thay vì bị thôi thúc tỏ ra phản ứng có thể gây ảnh hưởng đến những chọn lựa sai trái về chính trị và quân sự. Tòa Thánh nhìn thấy lề luật nhân đạo quốc tế như là một thứ dụng cụ quan trọng, vô giá, bất khả điều đình và vẫn còn hiện hành… (và) sẽ tiếp tục phát động những sáng kiến thích hợp có tính cách liên tôn trong việc bênh vực phẩm giá con người nơi các cuộc xung đột vũ khí cũng như nơi việc làm tăng thêm sự tôn trọng lề luật nhân đạo quốc tế, nhất là qua hệ thống rộng lớn của các cơ cấu giáo dục Công Giáo”.

ĐTGM quan sát viên này vạch ra rằng “một dấu hiệu đáng buồn tỏ tường trong số những dấu hiệu khác của việc coi thường lề luật nhân đạo được tỏ lộ nơi những cuộc chủ ý tấn công nhắm vào các nhân viên nhân đạo, thành phần dấn thân phục vụ giữa các cuộc xung đột, nhất là những cuộc tấn công chết người mới đây vào Ủy Ban Quốc Tế của Hội Hồng Thập Tự. Phong Trào Hồng Thập Tự và Hồng Nguyệt Liềm có thể tin vào sự hợp tác và nâng đỡ của Giáo Hội Công Giáo. Việc hợp tác với các tổ chức tôn giáo và các cộng đồng đức tin sẽ làm cho hoạt động nhân đạo trở nên hữu hiệu hơn nữa”.

 

Thánh Địa: Gay Go Việc Ngưng Chiến

Hôm Thứ Hai 1/12/2003, một nhóm người thuộc cả bên Do Thái lẫn Palestine, mỗi nhóm có 30 đại diện, đã họp lại ở Geneva Thụy Sĩ với 400 người của cả đôi bên tham dự để khai trương một dự án bất chính thức về hòa bình ở Thánh Địa. Trong lễ nghi khai mạc có nhiều bậc vị vọng, trong đó có cả cựu tổng thống Carter, dự án hòa bình này, một dự án đã được âm thầm bàn luận và họp hội hai năm trời, được chính thức công khai loan báo. Mỗi bên bày tỏ việc ủng hộ dự án này bằng việc thắp lên những ngọn nến. Bên Do Thái gồm có những chính trị gia chống lại chính phủ của Thủ Tướng Arial Sharon, còn bên Palestine bao gồm những vị bộ trưởng gần gũi với vị lãnh đạo khối Palestine Yasser Arafat. Hai vị tác giả của bản dự thảo này là nguyên Bộ Trưởng Công Lý Do Thái Yossi Beilin và nguyên Bộ Trưởng Thông Tin Palestine Yasser Abed Rabbo.

Bản dự án hòa bình không được hỗ trợ bởi cả hai chính phủ Do Thái và Palestine này kêu gọi hai phe xung khắc ở Trung Đông nhượng bộ nhau. Bản dự án kêu gọi bên Do Thái hoàn toàn rút khỏi Tây Ngạn, ngoại trừ 2% còn lại. Nó cũng kêu gọi phe Palestine chấm dứt những cuộc tấn công của các nhóm chiến đấu quân Palestine, và lấy Giêrusalem làm thủ đô của cả nước Do Thái lẫn quốc gia (dự trù) Palestine. Cả hai bên đều muốn chiếm thành này, một thành đã được phân chia kiểm soát giữa Do Thái và Ả Rập cho tới năm 1967, thời điểm thành bị quân đội Do Thái chiếm đóng trong Trận Chiến Sáu Ngày. Những người Palestine muốn phần bên đông làm thủ đô của họ, còn Do Thái nhấn mạnh là thành này sẽ vĩnh viễn bất phân chia và ở dưới quyền kiểm soát của Do Thái. Bản dự án hòa bình cũng đề cập đến một vấn đề được gọi là “quyền trở lại” cho những người Palestine và giòng dõi của những ai tị nạn đã phải rời bỏ hay bị bắt buộc rời Do Thái khi quốc gia Do Thái được thành lập vào năm 1948. Những người Palestine đòi quyền trở lại với những miền đất hiện nay thuộc về Do Thái.

Ở Thánh Địa, dân chúng Palestine cho những ai tham dự vào cuộc khai trương dự án hòa bình này là “những kẻ phản bội”. Riêng hai vị tác giả viết lên bản dự án hòa bình gợi ý này đã cho biết nhận định của họ như sau.

Ông Beilin: “Phải chấm dứt thời gian tranh cãi này”. và kêu gọi những nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine “hãy lập tức trở lại thương thảo với nhau vô điều kiện”. Theo ông việc cả hai bên chấp nhận bản dự thảo bất chính thức này sẽ làm cho việc bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình Trung Đông được dễ dàng hơn: “Chúng tôi đang đặt bản dự án chung của chúng tôi lên bàn của những nhà có quyền quyết định như là một giải pháp có thể để chấm dứt cái vòng lẩn quẩn bạo loạn xấu xa này”.

Ông Rabbo nói thêm: “Hôm nay chúng tôi giang tay của chúng tôi ra trong hòa bình cho vấn đề hòa bình. Những người phê bình của chúng tôi nói rằng những viên chức chính phủ cần phải thực hiện những hiệp định này, chứ không phải là những đãi diện của xã hội dân sự. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý như thế. Nhưng chúng tôi phải làm gì nếu các viên chức chính phủ không gặp gỡ nhau, nếu các chính quyền không thương thảo với nhau đây? Chúng tôi không thể đợi chờ và trông nhìn khi thấy tương lai của hai quốc gia chúng tôi đang rơi sâu xuống vực tai ương. Đây là giải pháp đơn giản cho cuộc xung khắc này, và nó là giải pháp duy nhất. Tại sao lại phải đợi chờ? Tại sao lại gây thêm những hy sinh đẫm máu chỉ để đạt tới cùng một giải pháp chúng tôi có thể đạt tới hôm nay đây chứ?”

Cựu Tổng Thống Carter nói: “Bản thỏa hiệp này sẽ giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của cuộc xung khắc này, bao gồm cả việc phân định ranh giới, việc định cư người Do Thái, việc chiếm cứ quá nhiều đất đai của người Palestine, vấn đề tương lai của thành Giêrusalem cùng các nơi thánh ở đây, và vấn đề rắc rối liên quan đến thành phần tị nạn Palestine. Chúng ta không thể thấy được một nền tảng hòa bình nào hứa hẹn hơn nữa”.

Hội nghị này cũng đọc cả những bức thư khen ngợi của những viên chức Liên Hiệp Quốc, của Khối Hiệp Nhất Âu Châu và của nhiều quốc gia. Nhiều người Palestine và Do Thái lên tiếng nói ở Geneva, nhưng nhiều lơiụi phát biểu xoay quanh việc lên án Do Thái trong khi chỉ có tương đối ít lời nhắc đến việc khủng bố tấn công của người Palestine.

Ở Giêrusalem, cha David Jaeger, phát ngôn viên của Vai Trò Bảo Quản Viên Thánh Địa do Dòng Phanxicô đảm trách, trong cuộc phỏng vấn với cơ quan SIR của hàng giáo phẩm Ý hôm Thứ Ba 2/12, đã cho biết bản hiệp định này “là một gương mẫu và là một thách đố”.

Thật vậy, về thẩm quyền thì bản hiệp định này là một văn kiện riêng tư giữa những người công dân với nhau, được viết ra và phổ biến “để thách đố chính quyền hiện hành của mình, như thể nói rằng: ‘nếu chúng tôi có thể đạt đến hiệp định này thì quí vị cũng thế, nếu quí vị muốn’. Nó như lời ngấm trách rằng: ‘nếu quí vị không làm việc ấy cho tới nay, và nếu quí vị vẫn không muốn làm điều này, không phải là vì nó không thể làm mà vì quí vị không muốn làm mà thôi’ Tác giả của bản hiệp định này là những con người thận trọng, chẳng những về trí thức mà còn có cả kinh nghiệm làm việc trong chính quyền nữa. Thật ra không ai bảo rằng bản văn kiện này là hoàn hảo cả, nhưng nó bao gồm đầy đủ những chi tiết cho thấy nó là một bản hiệp định hòa bình khả thể”.

Theo chiều hướng thuận lợi này, tại Washington DC, hôm Thứ Ba 2/12/2003, các ĐHY William H. Keeler TGP Baltimore, Theodore E. McCarrick TGP Washington và ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với 29 vị lãnh đạo thượng cấp của các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đồng thanh tuyên bố thực hiện một nỗ lực hợp tác mới trong việc vận động công chúng ủng hộ vấn đề thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tích cực và dứt khoát hơn nơi vấn đề theo đuổi hòa bình ở Trung Đông đối với dân Do Thái, Palestines và các quốc gia Ả Rập. Họ tin rằng việc đình trệ nơi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ làm tăng thêm cuộc xung đột, làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, và đe dọa nền an ninh quốc gia ở miền đó và trên khắp thế giới.
 

Trong khi đó, ngược lại, ở Ai Cập, sau 4 ngày bàn luận ở một nơi bí mật ở miền nam Cairo, được kết thúc hôm Chúa Nhật 7/11/2003, bên Palestine vẫn không đi đến một giải pháp tốt đẹp nào trong việc giải quyết hòa bình với phe Do Thái. Những ngày bàn luận này nhắm mục đích triệu tập tất cả các đảng phái Palestine lại, nhất là hai đảng Hamas và Thánh Chiến Hồi giáo, những đảng vẫn công khai nhận trách nhiệm về các cuộc khủng bố tấn công những người Do Thái, để tuyên bố chấm dứt các cuộc tấn công như vậy.

Hai đảng chính này tỏ ý là họ sẵn sàng chấm dứt các cuộc tấn công như thế, thế nhưng chỉ khi nào Do Thái ngưng những gì được họ gọi là những cuộc ám sát những chiến đấu quân, chấm đứt các cuộc đột kích vào lãnh thổ Palestine và thả các tù nhân ra. Họ không chịu chấp nhận một thứ ngừng chiến mà không có những điều kiện này, và họ cũng không chịu trao quyền cho Thủ Tướng Ahmed Qorei thay họ thương thảo với phe Do Thái. Họ còn nhất định giữ khoảng cách với “lộ trình hòa bình” của Khối Tứ Tượng (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Khối Hiệp Nhất Âu Châu).

Đại biểu của đảng Fatah của Tổng Thống Yasser Arafat cho biết những cuộc bàn luận này “giống như thúc vào thân một con ngựa đã chết… Chúng tôi đã bàn luận trong vòng 3 ngày mà vẫn chẳng thể nào quyết định được gì cả”. Đại diện đảng Hamas là Mohamed Nazzal cho biết là Hamas, Islamic Jihad và 3 đảng Palestine khác đều đồng ý rằng, trong tháng 6 vừa rồi, họ đã đồng ý với việc ngưng chiến toàn diện nhưng bên Do Thái đã loại trừ nó bằng việc tiếp tục “tấn công dân chúng Palestine”. Ông này còn nói Hamas “sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu võ trang” dưới hình thức “chống cự toàn diện”.

Các vị đại biểu đã thức tới 3 giờ sáng địa phương để nẩy ra những chi tiết cho vào bản thảo văn kiện. Có lúc họ đã đồng ý rằng thôi tấn công dân chúng Do Thái ở miền đất Do Thái, nhưng vẫn tấn công những dân cư Do Thái hay quân đội Do Thái ở những miền thuộc Palestine như Đông Giêrusalem, Gaza và Tây Ngạn. Các đại biểu Ai Cập thúc các đảng phái Palestine tiến đến một thỏa định để Cairô trình lên cho Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng những người đại diện đảng Hamas nói rằng chỉ có một đường lối duy nhất để giải phóng các lãnh thổ của Palestine khỏi việc kiểm soát của Do Thái đó là bằng một hình thức chống cự nào đó. Đảng Fatah của Arafat muốn có một cuộc đình chiến toàn diện với Do Thái với điều kiện là Do Thái thôi những cuộc đột kích và bắt đầu áp dụng lộ trình hòa bình.
 

11/12 Thứ Năm

40 năm Hiến Chế Canh Tân Phụng Vụ: ĐTC Gioan Phaolô II kêu gọi xét lại lương tâm về phụng vụ

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ Thánh đựợc Công Đồng Chung Vaticannô II ban hành ngày 4/12/1963, ĐTC đã ra một bức tông thư được phổ biến hôm Thứ Sáu 5/12/2003 và được Ngài ký vào ngày hôm trước, đúng ngày kỷ niệm.

Trong bức tông thư này, ĐTC đã kêu gọi xét mình trong việc thi hành vấn đề canh tân phụng vụ theo Công Đồng. Theo Ngài, việc xét mình này là để “kiểm chứng xem con đường đã hành trình cho tới nay” liên quan đến việc “chấp nhận Công Đồng Chung Vaticanô II”, nhất là vấn đề liên quan đến “đời sống bí tích phụng vụ của Giáo Hội”. ĐTC đã đặt ra nhiều câu hỏi để xét mình như sau:

“Phụng vụ có được sống như là ‘nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống giáo hội’, theo giáo huấn của hiến chế ‘Sacrosanctum Concilium’ hay chăng?”

“Việc tái nhận thức về giá trị của Lời Chúa được đề ra qua việc canh tân phụng vụ có được tích cực chấp nhận nơi những việc cử hành của chúng ta hay chăng?”

“Phụng vụ đã trở thành một phần đời sống cụ thể của tín hữu cũng như đã làm nên nhịp sống của mỗi một cộng đồng tín hữu cho tới mức độ nào?”

“Phụng vụ có được hiểu như là đường lối nên thánh, như nội lực cho việc hoạt động tông đồ cũng như cho tính chất truyền giáo của Giáo Hội hay chăng?”

ĐTC dạy rằng việc canh tân phụng vụ cần “việc huấn luyện xứng hợp cho các thừa tác viên cũng như cho tất cả mọi tín hữu”, và cống hiến những hướng dẫn cho “việc tham dự một cách ý thức và chủ động vào những việc cử hành phụng vụ như Công Đồng mong muốn”.


ĐTC Gioan Phaolô II với Các Vị Giám Mục Pháp đợt 2 về cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục

Trong cuộc gặp gỡ các vị giám mục Pháp đợt hai thuộc hai giáo tỉnh Rennes và Rouen sang thăm Tòa Thánh ngũ niên kết thúc hôm Thứ Sáu 5/12/2003, ĐTC đã nhấn mạnh đến tình trạng khủng hoảng ơn gọi linh mục ở bản quốc các vị, một cuộc khủng hoảng xẩy ra chung ở các nước Tây phương, như thường được thấy trong các bản tường trình của các vị.

Theo ĐTC thì cuộc khủng hoảng ơn gọi này là “một thứ băng qua sa mạc tạo nên một cuộc thử thách đức tin thực sự đối với cả các vị mục tử lẫn thành phần tín hữu”. Tuy nhiên, ĐTC phấn khích, thay vì cảm thấy “chán nản”, “hãy chấp nhận thách đố bằng một niềm hy vọng mạnh mẽ”, bằng cách chú trọng đặc biệt đến việc huấn luyện các vị linh mục tương lai trong chủng viện. Việc huấn luyện thành phần ứng sinh làm linh mục cần phải để ý tới 4 khía cạnh hỗ tương là “nhân bản, đạo đức, tri thức và mục vụ”. Nhận định là “môi trường xã hội, được đánh dấu bằng một thứ chủ nghĩa tương đối tổng quát về các gía trị được giới truyền thông phổ biến cũng như bằng việc đi đến chỗ coi thường vấn đề dục tính”, ĐTC khuyên các vị giám mục hãy chú trọng tới “việc huấn luyện về nhân bản, tình cảm và luân lý cho các ứng sinh”.

ĐTC nhấn mạnh đến cốt lõi “nơi vấn đề huấn luyện về nhân bản và tình cảm của các ứng sinh làm linh mục, cũng như nơi tất cả mọi khía cạnh khác của việc huấn luyện, đó là vấn đề tìm kiếm và chiêm ngưỡng Chúa Kitô, Lời Nhập Thể, và là một con người mới, một con người toàn hảo. Đó là vấn đề lấy Người làm mô phạm để noi gương bắt chước trong mọi sự, để trở thành một vị linh mục vì danh Người”.

Ba lý do khiến giới trẻ cảm thấy khó khăn nên sợ không dám dấn thân theo đuổi ơn gọi làm linh mục:

“Cái khó khăn thứ nhất đó là cảm giác lo sợ về việc dấn thân lâu dài, vì họ sợ chấp nhận những liều lĩnh trước một tương lai không nắm chắc trong tay, khi họ sống trong một thế giới thay đổi, với những thứ lợi lộc sôi nổi thoáng qua, liên quan chính yếu tới việc thỏa mãn cấp thời…”

Cái khó khăn thứ hai đối với thành phần giới trẻ gia nhập chủng viện đó là “chương trình của chính thừa tác vụ linh mục”. Theo ĐTC, “Đối với một số thế hệ thì thừa tác vụ của các vị linh mục đã được thay đổi nhiều về hình thức của nó; có những lúc chính những thâm tín của nhiều vị linh mục về căn tính riêng của mình đã bị rung chuyển một cách mãnh liệt”. Thật vậy, ĐTC nhận định: “trước con mắt quần chúng thì thừa tác vụ linh mục thường bị hạ giá. Ngày nay, hình thức của việc mục vụ này vẫn còn thiếu sáng tỏ, khiến cho giới trẻ khó lòng nhận thấy được nó… Bởi thế, cần phải nâng đỡ thừa tác vụ thánh chức, giành cho nó một chỗ nguyên vẹn trong lòng Giáo Hội, bằng một tinh thần của mối hiệp thông biết tôn trọng những khác biệt cũng như những bổ khuyết đích thực của những khác biệt này” với thành phần giáo dân.

Cái khó khăn thứ ba và là “cái nồng cốt nhất” chi phối mối liên hệ của giới trẻ với Chúa. Ở chỗ, như ĐTC nhận định, “kiến thức của họ về Chúa Kitô thường nông cạn và tương đối, pha trộn đầy những dự tưởng về tôn giáo, trong khi đó lòng mong muốn trở thành một vị linh mục được nuôi dưỡng chính yếu bởi mối thân tình với Chúa, bằng một cuộc trao đổi hoàn toàn riêng tư được bộc lộ trước hết nơi ước muốn được ở với Người. Dĩ nhiên mọi sự đều có thể giúp vào việc nuôi dưỡng nơi trẻ em cũng như nơi giới trẻ việc thực sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu cũng như mối liên hệ quan trọng với Người, một mối liên hệ được thể hiện nơi đời sống bí tích, nơi việc cầu nguyện, và nơi việc phục vụ anh em của mình, một mối liên hệ sẽ có ích lợi cho việc làm bừng dậy những ơn kêu gọi”.

 

Iraq: Một Hậu Chiến Quằn Quại

Sau vụ khủng bố tấn công Do Thái rồi tới Ý (17 chết) ở Iraq, hôm Thứ Bảy 29/11/2003 đến lượt Tây Ban Nha, với 7 người bị tử thương trên đoàn xe tuần tiểu 2 chiếc bị phục kích ở phía nam thủ đô Baghdad, 8 người sống sót đã về lại nước. Cuộc an táng cho 8 nhân viên tình báo Tây Ban Nha đã được thực hiện hôm Thứ Ba 2/12 như một ngày đau buồn cho cả đất nước.

Cũng vào cuối tuần này ở phía nam Samarra, quãng 120 cây số hay 75 dặm về phía bắc thủ đô Baghdad, đã xẩy ra một trận đụng độ nẩy lửa giữa hai phe, đầu tiên bằng các loại vũ khí nhẹ bắn ra từ cửa sổ, mái nhà, lối đi và xe hơi, sau tới đầu đạn và đại pháo. Con số thiệt hại bất nhất giữa hai bên: Hoa Kỳ cho là bên Iraq có 46 chết, 18 bị thương và 11 bị bắt, còn bên Iraq cho là họ chỉ có 8 chết và 50 bị thương.  

Cuộc đụng độ này bắt đầu từ cuộc tấn công một lực lượng bảo an Hoa Kỳ đang trên đường đến Samarra khoảng 11 giờ sáng để kịp dẫn đường cho nhóm đổi tiền. Khi nhóm đổi tiền vừa tới thì súng nổ khắp nơi trong khu vực này.

Thứ Ba 9/12/2003, có hai cuộc tấn công bằng bom cách nhau chưa đầy 3 tiếng vào các khu quân sự Hoa Kỳ ở Bắc Iraq đã gây thương tích cho ít là 33 quân nhân. Cuộc tấn công đầu tiên, vào khoảng giữa 6 tới 7 giờ sáng, bằng xe đâm vào cửa chính của U.S. Army's 101 Airborne Division, về phía tây Mosul, làm 31 người bị thương. Cuộc tấn công thứ hai vào lúc 8 giờ 30 sáng, bởi một người giả bộ bệnh tiến đến cổng của Forward Operating Base Thunder xin giúp đỡ, song không được ai đến giúp liền cho nổ bom làm hai người lính bị thương nhẹ.

ĐTGM Baghdad nhận định về tình hình hậu chiến Iraq

ĐTGM Jean Benjamin Sleiman, TGM thuộc lễ nghi Latinh ở thủ đô Baghdad, hôm Thứ Sáu 5/12/2003, đã nói với Cơ Quan Dịch Vụ Thông Tín Truyền Giáo (Missionary Service News Agency) là: “Việc bỏ mặc Iraq sẽ mang một ngầm ý là sửa soạn cho tất cả chúng tôi một tương lai thê thảm. Nó sẽ là một di sản ghê rợn đối với người Tây Phương, một di sản thêm thắt vào việc chú trọng đến Trung Đông, khi làm cho tất cả mọi sự trở nên hết sức khó khăn”.

Vị TGM này nhận định là tình hình hậu chiến Iraq thật là bất ổn: “Những ngày sau khi Baghdad bị sụp đổ, quân đội Iraq bị giải tán, làm mất đi nơi xứ sở này cả một cơ cấu an ninh song lại không được thay thế bằng một cái gì đó có thể thi hành cùng một trách vụ. Thế là 400 ngàn quân nhân là thành phần có thể kiểm soát được một cách nào đó, sau khi các vị lãnh đạo thượng cấp bị thanh trừng và bị tố cáo là có tội, hiện nay đã phân tán trong xã hội chẳng có lấy được một nguồn lợi tức nào. Ai dám bảo rằng một số nào đó đã không tham gia vào những hoạt động du kích quân?”

Vị TGM Baghdad còn cho biết thêm về tình hình kháng chiến ở Iraq như sau: “Ngoài những hoạt động của các thành phần chiến đấu quân quá khích, cả trong số nhóm Hồi giáo thuộc phái Sunnis và Shiites, có lẽ có cả chính những lực lượng rất chuyên nghiệp từ hải ngoại, nơi tính cách phức tạp cũng như nơi tổ chức càng ngày càng hiện lên cho thấy qua những cuộc tấn công. Có lẽ tổ chức al-Qaida đã tìm cách đột nhập vào xứ sở này, và có lẽ các quốc gia còn tồn tại sau cuộc chiến sẽ là những quốc gia sẽ đạt được thắng lợi nơi việc chôn vùi những người Hoa Kỳ xuống cát bỏng Iraq”.

Ngoài ra, vị TGM này còn than van về tình trạng bắt cóc dân chúng để đòi tiền chuộc thế này: “Chúng tôi nghi rằng những tay bắt cóc là những tay mật vụ trước đây, thành phần nhiều năm canh chừng dân chúng và biết rõ những gia đình nào để áp đảo và áp đảo tới đâu”.

ĐTGM còn cho biết một yếu tố mới nữa liên quan đến tôn giáo giữa người ngoại quốc và dân Iraq như sau: “Mấy tháng qua, có những tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ đã đến Iraq, những tổ chức tôi không muốn xếp vào loại ‘giáo phái’, những người công khai loan báo giữa dân chúng rằng họ đến Iraq để làm cho những người Hồi giáo trở lại. Những nhóm này khiến cho những người Hồi giáo thực sự kích động nên chúng tôi không lạ gì khi thấy một số người Hồi giáo đã tỏ ra có những phản ứng quá khích”.

ĐTGM cuối cùng đã lên tiếng kêu gọi như sau: “Nếu Liên Hiệp Quốc giải quyết vấn đề Iraq với sự đồng ý của cộng đồng thế giới, trong đó có cả các các quốc gia Ả Rập, thì sẽ có một lực lượng được mọi người tổ chức và sẽ có thể tiến đến chỗ đoàn kết đa số quần chúng Iraq lại với nhau”. Thế nhưng, trước khi có một lực lượng quốc tế này, theo vị TGM đây, việc quân đội Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh rút lui vì không muốn bị sa lầy nữa thì đó là một hành động “hết sức thiếu trách nhiệm… tức là đi từ chỗ vô chính phủ đến hỗn loạn”. Vị TGM kết luận Liên Hiệp Quốc “tự mình sẽ không tác hiệu; cần phải có những đạo quân nhỏ hòa bình ở đó nữa”.

 

10/12 Thứ Tư

Thánh Simon PHAN ĐẮC HÒA, Y sĩ (1774 - 1840)

Nhờ Đấng Mến Yêu Tôi

Ai có thể làm chúng tôi xa lìa được lòng mến Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, củng khốn, đói rách, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8:35).

Cái khốn khổ mà Simon Hòa phải chịu kể từ khi bị bắt vì đức tin, cũng tương tự như thế: Hơn hai mươi lần bị tra khảo rất dữ dội. Lúc thì bằng đòn vọt, khi thì bằng kim lạnh, lúc khác thì bằng kẹp nung lửa... khiến da thịt ông bị thối rữa vì các vết thương đầy mủ máu. Rồi trách nhiệm tình thương đối với gia đình: người vợ và mười hai đứa con, có đứa mới sanh được vài tháng, chưa được diễm phúc thấy mặt cha một lần.

Thế nhưng ngay trong trường hợp này, chân lý của các vị tử đạo vẫn luôn luôn đúng: đối với các ngài, đau thương không phải là dấu chỉ của thất bại. Đau thương cũng không phải là mục đích, nhưng đau thương chính là thử thách các chứng nhân phải vượt qua, để có thể đạt được chân phúc vĩnh cữu. Và thái độ của Simon Hòa cũng như thái độ chung của các vị tử đạo vẫn là:

“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng yêu mến chúng ta” (Rm 8:37).

Gương Mẫu Người Tân Tòng

Phan đắc Hòa sinh năm 1774, trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông Thôn, tỉnh Thừa Thiên. Thuở bé, cậu có tên là Thu. Cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và làm công ở làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công giáo ở làng Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị.

Sống với người Công giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cậu đã chọn Thánh Simon làm bổn mạng. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà còn muốn hoàn theo sát, phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện một thời gian, nhưng qua các bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống và làm chứng tá về Ngài ngay giữa lòng đời.

Tuy không đạt được ước mơ, Simon Hòa vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện và các bề trên. Sau khi lập gia đình, và trở thành cha của mười hai người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là một gương sáng tiêu biểu cho mọi gia đình trong làng. Sống đời giáo dân, ông Hòa thực hành nghề y sĩ: “Lương y như từ mẫu”. Nhiều người được ông chữa lành bệnh, nên dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội giứp đỡ người nghèo khổ. Nếu dư giả chút ít, ông liền đem đóng góp vào công việc từ thiện, xây cất thánh đường...

Với đời sống đạo đức, ông lang y Hòa được đề cử làm trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực thi chức năng một cách tốt đẹp: Ai ăn ở bất xứng, biếng trễ, ông tìm cách sửa chữa, hoặc răn đe dỗ dành, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm khắc sửa dạy. Thế nhưng ai cũng yêu mến chứ không oán ghét gì ông, bởi họ biết ông làm thế vì thương yêu họ và vì trách nhiệm, chứ không phải vì tư lợi. Ngoài ra ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Ông thấy thấm thía ý nghĩa của phúc thật tám mối, nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người khác, nhất là người nghèo khổ. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một người nằm kiệt sức bên đường vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước đến nuôi kẻ bất hạnh.

Dư Thừa Can Đảm

Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, ông trùm lang Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình: Ông sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng việc chứa chấp này đe dọa đến tính mạng của mình, cũng như của gia đình. Đức cha Cuénot Thể cũng trọ một thời gian tại nhà ông. Ông nhiệt thành lo liệu sắp xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn. Nếu nhà mình không ổn, ông gởi gắm các cha ở nơi tương đối bình an hơn. Tối ngày 13.4.1840, khi đang trên thuyền Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.

Suốt thời gian bị giam, lương y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn khuyên bảo khuyến khích họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, nhưng ông Simon vẫn kiên vững niềm tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương không làm ông nản chí, trái lại, ông còn lấy làm vui thỏa vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Khổ Hình và Vinh Phúc

Ông Simon Hòa bị tra khảo đến hai mươi lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung khai tung tính về các vị thừa sai, nhưng “dã tràng xe cát biển đông”. Họ đã không đạt được ý nguyện, lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, bằng kìm kẹp và tra tấn dã man... Cho tới khi người thầy thuốc từ bi gục ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của lương y Hòa không thể ngã gục. Ông cam chịu mọi hình khổ đớn đau. Hơn nữa, ông quyết tâm hiến dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy sinh những điều thân thương quý báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên nhủ:

“Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn”.

Quả thật nỗi lòng y sĩ Simon Hòa lúc đó:
“Yêu kính Chúa, nặng tình nhà,
Trăm cay nghìn đắng, vẫn cam một lòng”.

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các quan còn cố bắt ông quá khóa, dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy ảnh quăng đi để tha ông, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết tuyên xưng niềm tin của mình.

Vị lương y làng Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa ngày 10.12.1840 tại Công Chém, gần chợ An Hòa.

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900.

NB: Thừa sai De la Motte Y được xếp vào các đấng Đáng kính năm 1857 (chết rũ tù tại ngục trấn Phủ).

Hiếu Trung, OP



Cuộc Xuất Hành Lạ Lùng Ra Khỏi Ai Cập

(Bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của ÐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 3/12/2003 về TV 113A [114] - Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)

1.     Bài ca hân hoan và vinh thắng chúng ta vừa công bố nhắc lại biến cố dân Do Thái xuất hành khỏi cảnh áp bức của người Ai Cập. Bài Thánh Vịnh 113A (114) là một phần thuộc bộ tổng hợp được truyền thống Do Thái gọi là bộ “Egyptian Hallel”. Bộ tổng hợp này gồm có những bài Thánh Vịnh từ 112 đến 117, một việc tuyển lựa những bài ca được sử dụng đặc biệt trong phụng vụ Vượt Qua của dân Do Thái.

Kitô giáo đọc lấy bài Thánh Vịnh 113A (114) theo cùng một cung điệu vượt qua, nhưng đã đọc lại bài này bằng một ý nghĩa mới theo chiều hướng Chúa Kitô phục sinh. Bởi thế, biến cố xuất hành được bài Thánh Vịnh đây cử hành trở thành một thứ giải phóng khác sâu xa hơn và phổ quát hơn. Trong vở “Hài Kịch Thần Linh”, thi sĩ Dante, theo bản dịch Latinh Vulgata, đã đặt bài thánh thi ca này vào môi miệng của các linh hồn trong Luyện Tội: “In exitu Israel de Aegypto / tất cả mọi người trong họ đều đồng thanh cất tiếng hát…” ("Purgatorio," II, 46-47). Ông đã thấy nơi bài Thánh Vịnh này khúc ca đợi chờ và hy vọng của tất cả những ai, sau cuộc thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi, đang hành trình hướng về cùng đích hiệp thông với Thiên Chúa trên thiên đàng.

2.     Giờ đây chúng ta theo dõi chiều hướng thiêng liêng chủ đề của bài nguyện cầu ngắn ngủi này. Ở đọan đầu (xem câu 1-2), bài Thánh Vịnh cho thấy cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi cảnh bị người Ai Cập áp bức, cho đến khi tiến vào mảnh đất hứa là “cung thánh” của Thiên Chúa, tức là, nơi Ngài hiện diện giữa dân Ngài. Thật vậy, đất đai và dân chúng được hòa nhập với nhau: Giuđa và Yến-Duyên, những từ ngữ ám chỉ thánh địa và dân Chúa, được coi là tòa Chúa hiện diện, là sản vật và là di sản đặc biệt của Ngài (x Ex 19:5-6).

Sau lời diễn tả về thần học liên quan đến một trong những yếu tố trọng yếu của đức tin thuộc Cựu Ước, tức là việc dân chúng loan truyền những việc làm lạ lùng của Thiên Chúa, vị tác giả Thánh Vịnh đã suy nghĩ một cách sâu xa hơn, linh thiêng hơn và biểu hiệu hơn về những biến cố cấu tạo.

3.     Biển Đỏ trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và sông Dược Đăng cửa ngõ tiến vào Đất Hứa được nhân cách hóa và biến thành những chứng nhân và dụng cụ tham dự vào cuộc giải phóng thành công do Chúa thực hiện này (see Psalm 113a[114]:3,5).

Mở đầu cuộc xuất hành xuất hiện một biển cả ngưng đọng để cho dân Do Thái vượt qua, và vào cuối cuộc xuất hành băng qua sa mạc này là con sông Dược Đăng cũng đã ngừng chảy để thành đất khô cho đoàn rước kiệu Do Thái băng qua (x Gen 3-4). Ở đoạn giữa cho thấy cảm nghiệm Núi Sinai: Bấy giờ núi non được tham dự vào cuộc mạc khải thần linh cả thể xẩy ra trên thượng đỉnh của chúng. Nhưng sinh vật, như cừu và chiên, hớn hở nhảy nhót. Bằng một thứ nhân cách hóa sống động nhất, vị tác giả Thánh Vịnh bấy giờ hỏi các núi đồi về lý do liên quan đến tình trạng rối loạn của chúng: “(Tại sao)… núi non lại nhảy nhót như cừu? Đồi nương lại hớn hở như chiên trong đàn?” (câu 6). Chúng không trả lời thẳng ra: câu trả lời được thốt lên cách gián tiếp qua một thứ lệnh truyền khiến trái đất để cả nó nữa cũng rùng mình “trước nhan Chúa” (câu 7). Việc rối loạn của núi đồi bởi thế mới là một thứ tôn thờ chấn động trước nhan Chúa, vị Thiên Chúa của dân Yến Duyên, một tác động tôn vinh chúc tụng vị Thiên Chúa siêu việt và cứu độ.

4.     Đề tài ở phần cuối của bài Thánh Vịnh này (câu 7-8) cho thấy một biến cố quan trọng khác trong cuộc dân Do Thái hành trình băng qua sa mạc, biến cố nước vọt ra từ tảng đá ở Meribah (x Ex 17:1-7; Num 20:1-13). Thiên Chúa đã biến tảng đá thành một giòng suối nước, một giòng suối nước trở nên hồ nước: mối quan tâm của người cha trong việc Ngài gặp gỡ dân của Ngài được bộc lộ sâu xa trong sự thần diệu này.

Bởi thế, cử chỉ này cần phải mang một ý nghĩa biểu hiệu: Nó là dấu hiệu cho tình yêu cứu độ của Chúa là Đấng bảo trì và tái sinh nhân loại trong khi nhân loại tiến bước trong sa mạc lịch sử.

Như đã từng thấy, Thánh Phaolô dùng hình ảnh này, và căn cứ vào một thứ truyền thống Do Thái chủ trương là tảng đá đã đồng hành dân Do Thái trong cuộc hành trình qua sa mạc, thánh nhân đã đọc lại biến cố này theo chiều hướng Kitô học: “Tất cả đều uống cùng một của uống thiêng liêng, vì họ đã uống từ một tảng đá linh thiêng đã theo họ, và tảng đá này là Chúa Kitô” (1Cor 10:4).

5.     Bởi thế, khi dẫn giải về cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, một đại sư Kitô giáo như Origen đã nghĩ về một cuộc xuất hành mới được Kitô hữu thực hiện. Chính vị này đã giãi bày thế này: “Bởi thế đừng nghĩ rằng chỉ có Moisen mới dẫn dân chúng ra khỏi Ai Cập: cả hiện nay nữa, Moisen chúng ta có …, đó là lề luật Thiên Chúa, muốn dẫn chúng ta ra khỏi Ai Cập; nếu anh em biết lắng nghe thì lề luật của Ngài muốn đưa anh em thoát khỏi tay Pharaoh… lề luật của Ngài không muốn thấy anh em cứ dính liền với những hành động tối tăm của xác thịt, nhưng muốn anh em ra khỏi sa mạc, muốn anh em tiến đến địa điểm khỏi bị những rối loạn cùng với những chao đảo của thế kỷ này, muốn anh em tiến đến chỗ bình lặng và yên tĩnh… Để nhờ đó, khi anh em tiến đến được chỗ tĩnh lặng này, anh em mới có thể tế lễ cho Chúa, mới có thể nhìn nhận lề luật của Thiên Chúa và quyền năng của tiếng nói thần linh” ("Homilies on Exodus," Rome, 1981, pp. 71-72).

Sử dụng hình ảnh của Thánh Phaolô là hình ảnh gợi lên việc vượt qua biển cả, ông Origin đã viết tiếp: “Thánh Tông Đồ gọi nó là phép rửa, một phép rửa được hiện thực nơi Moisen trong mây trời và biển cả, để cả anh em nữa, thành phần đã được rửa trong Chúa Kitô, trong nước và trong Thánh Thần, biết được rằng những người Ai Cập đang săn đuổi anh em và muốn anh em trở về phục dịch họ, tức là trở về với những kẻ cai trị thế giới này cũng như với những thứ thần dữ là những gì đã từng làm chủ anh em lúc ban đầu. Họ thật sự tìm cách theo dõi anh em, song anh em đã chìm sâu vào giòng nước và thoát nạn an toàn, để rồi được rửa sạch các thứ vết nhơ tội lỗi, anh em đã hiện lên như một con người mới sẵn sàng hát lên bài ca vịnh mới này” (ibid., p. 107).

Anh Chị Em thân mến,

Bài thánh thi ca hân hoan và chiến thắng chúc tụng chúng ta công bố hôm nay cử hành việc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh bị vua Pharaoh Ai Cập áp bức. Biến cố xuất hành nhắc nhở cho tất cả mọi Kitô hữu nhớ rằng Chúa, Đấng đã dẫn dân Do Thái an toàn qua Biển Đỏ, cũng là Chúa dẫn chúng ta qua phép rửa đến chỗ thoát khỏi tội lỗi của chúng ta. Chớ gì chúng ta luôn lắng nghe Thiên Chúa trong thinh lặng của tâm hồn mình, nhờ đó chúng ta có thể nhìn nhận lề luật của Ngài và quyền năng của lời thần linh Ngài.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/12/2003)
 

9/12 Thứ Ba

ĐTC Gioan Phaolô II cử hành Lễ Mẹ Vô Nhiễm: Huấn Từ Truyền Tin và Lời Nguyện Hiến Dâng

Huấn Từ Truyền Tin

1.     "Tota pulchra es Maria" – Ôi Maria Mẹ toàn mỹ!

Hôm nay Giáo Hội mừng Đặc Ân Hoài Thai Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria. Nếu Chúa Kitô là Ngày không cùng thì Mẹ Maria là rạng đông mỹ lệ.

Được chọn làm Mẹ của Lời Nhập Thể, Mẹ Maria đồng thời cũng là người đầu tiên được Người cứu chuộc. Ân sủng của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc tác động nơi Mẹ một cách ngăn ngừa, bằng việc bảo trì Mẹ khỏi nguyên tội cũng như khỏi tất cả mọi lầm lỗi.

2.     Vì lý dó đó Mẹ Maria “đầy ơn phúc” (Lk 1:28), như Thiên Thần khẳng định khi loan báo cho Mẹ biết việc Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Trí khôn con người không thể hiểu nổi một sự lạ và mầu nhiệm cao cả như thế. Chính đức tin đã cho thấy rằng Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Vị Trinh Nữ này là một bảo chứng ơn cứu độ cho hết mọi con người đang lữ hành trên thế gian này. Cũng chính đức tin nhắc cho chúng ta nhớ rằng, bằng sức mạnh của thân phận chuyên biệt nhất này của mình, Mẹ Maria là sự nâng đỡ vững vàng nhất trong cuộc chúng ta vất vả chiến đấu với tội lỗi cũng như với các hậu quả của tội lỗi.

3.     Để giữ truyền thống tốt đẹp, chiều nay Tôi sẽ đến Tháp Piazza di Spagna để kính viếng Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã đặt hình ảnh của Mẹ trên đỉnh của một ngọn tháp để tưởng niệm tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội được tuyên bố ngày 8/12/1854. Chuyến hành hương hôm nay đây bởi thế mới đưa chúng ta tiến vào cuộc mừng kỷ niệm 150 năm việc long trọng tuyên bố này của huấn quyền Giáo Hội.

Giờ đây Tôi mời gọi anh chị em hãy cùng Tôi kêu xin Mẹ Maria Vô Nhiễm chuyển cầu cho Giáo Hội, cho thành Rôma cũng như cho toàn thế giới.

Lời Nguyện Hiến Dâng

ĐTC Gioan Phaolô II, mặc áo choàng đỏ, trong luồng gió lạnh buổi chiều, đã đến viếng ảnh Mẹ Chúa Kitô như Ngài đã đề cập trong huấn từ truyền tin buổi trưa. Mặc dù khàn tiếng và có những lúc hết hơi, ĐTC cũng đã đọc trọn lời nguyện cầu của Ngài sau đây:

1.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!

Vào dịp lễ Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm,
Ôi Maria, con đến để kính tôn Mẹ,
Ở dưới chân bức ảnh mà từ Piazza de Spagna
Mẹ ghé mắt từ mẫu trông đến thành phố Rôma cổ kính này, và đối với con rất dấu yêu này.
Buổi chiều tối này con đến đây để viếng thăm Mẹ với lòng thành thực sùng kính của con.
Đây là cử chỉ được vô số người Rôma hợp với con ở Piazza này đây,
những người luôn cảm mến hỗ trợ con
trong suốt những năm con phục vụ ở Ngai Tòa Phêrô.

Con đến đây để cùng với họ bắt đầu 
tiến đến cuộc mừng kỷ niệm 150 năm
tín điều chúng con hôm nay hân hoan mừng Mẹ với tình con cái.

2.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!
Chúng con hết lòng cảm kích hướng mắt về Mẹ,
Chúng con hết lòng tin tưởng chạy đến với Mẹ
vào những lúc đầy những bất ổn và sợ hãi lo âu
bao trùm số phận hiện tại và tương lai của trái đất chúng con đây.
Chúng con dâng lên Mẹ là con người đầu tiên được Chúa Kitô cứu chuộc,
được thực sự giải thoát khỏi làm tôi cho sự dữ và tội lỗi,
những lời khẩn nguyện chân thành và tin tưởng của chúng con đây:

Xin Mẹ hãy lắng nghe tiếng kêu than đau đớn của những nạn nhân chiến tranh
cũng như của rất nhiều hình thức bạo lực
làm nhuốm máu trái đất này.
Xin Mẹ hãy đánh tan tối tăm buồn đau và cô độc,
hận thù và trả đũa,
Xin Mẹ hãy mở lòng trí của tất cả mọi người ra để họ biết tin tưởng nhau và thứ tha cho nhau!

3.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!
Lạy Mẹ tình thương và niềm hy vọng,
xin Mẹ hãy xin cho con người nam nữ của thiên kỷ thứ ba này
tặng ân hòa bình quí báu:
bình an trong tâm hồn và trong gia đình,
trong cộng đồng và giữa các dân tộc,
bình an nhất là cho những quốc gia
ngày ngày chiến tranh và chết chóc không ngừng.

Xin Mẹ giúp cho hết mọi người cũng như cho tất cả mọi giòng dõi và văn hóa
được gặp gỡ và chấp nhận Chúa Giêsu,
Đấng đến thế gian trong mầu nhiệm Giáng Sinh
để ban cho chúng con ‘bình an’ của Người.

Maria, Nữ Vương Hòa Bình,
xin ban cho chúng con Chúa Kitô là hòa bình thực sự của thế giới này!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 8/12/2003.


ĐTC Gioan Phaolô II: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Vọng về Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và Lễ Mẹ Vô Nhiễm

1.     “Hãy dọn đường lối cho Chúa, hãy làm cho ngay ngắn đường lối Ngài đi” (Lk 3:4).

Lời mời gọi này của Thánh Gioan Tẩy Giả âm vang một cách mạnh mẽ hôm nay đây, Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, một tiếng kêu ngôn sứ tiếng tục vang vọng qua các thế kỷ.

Chúng ta cũng nghe thấy lời này trong thời đại của chúng ta nữa, thời đại nhân loại tiếp tục con đường của mình theo giòng lịch sử. Thánh nhân tỏ con đường cần phải đi qua cho con người thuộ cthiên kỷ thứ ba thấy trong việc tìm kiếm yên vui an bình.

2.     Tất cả phụng vụ Mùa Vọng âm vang lời vị Tiền Hô này, khi kêu mời chúng ta hãy tiến lên nghênh đón Chúa Kitô là Đấng đang đến cứu độ chúng ta. Chúng ta đang sửa soạn để tưởng nhớ một cuộc hạ sinh đã xẩy ra ở Bêlem khoảng 2000 năm trước; chúng ta canh tân đức tin của chúng ta nơi việc Người hiển vinh đến vào ngày tận thế. Chúng ta cũng đồng thời sẵn sàng nhìn nhận Người hiện diện ở giữa chúng ta: Thật vậy, Người cũng viếng thăm chúng ta từng người và trong các biến cố thường nhật.

3.     Mô phạm và là hướng đạo viên của chúng ta trong mẫu hành trình thiêng liêng Mùa Vọng này là Mẹ Maria, Đấng được phúc vì tin tưởng vào Chúa Kitô hơn là đã sinh ra Người về thể lý (xem Thánh Âu Quốc Tinh, bài giảng 25.7: PL 46,937). Nơi Mẹ là con người được gìn giữ vô nhiễm lây tất cả mọi tội lỗi và được đầy ân sủng, Thiên Chúa đã gặp được một “mảnh đất tốt” để gieo mầm mống tân nhân loại.

Xin Trinh Nữ Vô Nhiễm, Đấng chúng ta sửa soạn mừng ngày mai, giúp chúng ta kỹ lưỡng dọn “đường lối cho Chúa” nơi chúng ta cũng như trên thế giới.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/12/2003.

 

8/12 Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Mẹ Maria được thụ thai vô nhiễm nguyên tội

 

Bài Giáo Lý Thánh Mẫu của ÐTC Gioan Phaolô II

1- Đức Maria “đầy ơn phúc” được Giáo Hội công nhận là Đấng “hoàn toàn thánh thiện và không vương nhiễm một tì ố tội lỗi nào”, “từ giây phút đầu tiên trong lòng thai mẫu đã được sáng ngời với một sự thánh thiện trọn vẹn có một không hai” (Lumen Gentium, 56).

Việc nhận biết này đã phải trải qua một tiến trình dài suy tư về tín lý để rồi cuối cùng đã dẫn đến việc long trọng công bố tín điều Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Danh xưng “được đầy ơn phúc”, do thiên thần ngỏ cùng Đức Maria vào lúc Truyền Tin, ám chỉ hồng ân thần linh phi thường ban cho người nữ trẻ Nazarét này liên quan đến vai trò làm mẹ như lời loan báo, thế nhưng, một cách trực tiếp hơn, danh xưng ấy cho thấy hiệu quả của ân sủng thần linh nơi Đức Maria; Đức Maria được tràn đầy ơn phúc bề trong một cách vĩnh viễn nên Mẹ cũng đã được thánh hóa. Danh hiệu kecharitoméne này có một ý nghĩa rất phong phú và Chúa Thánh Thần đã không ngừng làm cho Giáo Hội ngày càng hiểu biết sâu xa hơn.

2- Trong các bài giáo lý trước đây, Tôi đã cho thấy là nơi lời chào của thiên thần, lời diễn tả “đầy ơn phúc” hầu như đóng vai trò như là một tên gọi: đó là tên gọi của Đức Maria trong con mắt của Thiên Chúa. Theo dụng ngữ của các dân Semite (biệt chú của người dịch: chính yếu là Do Thái và Ả Rập, trước đó có cả Assyria và Phonicia) thì tên gọi nói lên thực tại của người và vật mang tên ấy. Bởi thế, danh xưng “đầy ơn phúc” cho thấy chiều kích sâu xa nhất nơi bản vị của người nữ trẻ Nazarét này, ở chỗ, người nữ trẻ Nazarét ấy được ân sủng khuôn đúc và là đối tượng của lòng Thiên Chúa ưu ái, đến độ bản chất của người nữ này được làm nên bởi tấm lòng biệt ái ấy.

Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại việc các Vị Giáo Phụ ám chỉ về sự thật này khi các ngài gọi Mẹ Maria là “Đấng hoàn toàn thánh hảo”, đồng thời các ngài cũng xác nhận là Mẹ được “Chúa Thánh Thần thực sự khuôn đúc và hình thành như một tạo vật mới” (Lumen Gentium, 56).

Nếu hiểu ân sủng theo ý nghĩa của “ơn thánh hóa” là ơn làm phát sinh thánh đức nơi con người thì ân sủng đã làm cho Mẹ Maria trở thành tạo vật mới, làm cho Mẹ hoàn toàn phù hợp với dự án của Thiên Chúa.

3- Việc suy tư về tín lý bởi thế có thể qui về cho Mẹ Maria một tầm mức trọn lành thánh thiện mà, để hoàn bị, cần phải bao gồm cả giây phút mở màn cuộc sống của Mẹ nữa.

Đức Giám Mục Theoteknos ở Livias miền Palestine, vị đã sống vào khoảng thời gian giữa năm 550 và 650, xem như đã ngả về chiều hướng tinh tuyền nguyên thủy này. Khi trình bày cho thấy Mẹ Maria “thánh hảo và tuyệt mỹ”, “tinh tuyền và vô tì tích”, ngài đã nói đến việc hạ sinh của Mẹ bằng những lời thế này: “Là người bởi đất xét tinh tuyền vô nhiễm, Mẹ được sinh ra như thần cherubim” (Panegyric for the feast of the Assumption, 5-6).

Lời diễn tả vừa rồi, khi nhắc lại việc tạo dựng nên con người đầu tiên, một con người được khuôn đúc bởi đất xét không nhiễm tội lỗi, đã gán cho việc Mẹ Maria vào đời cũng có những đặc tính này, đặc tính nguồn gốc của Mẹ Maria cũng “tinh tuyền và vô nhiễm”, tức là, không có bất cứ một tội lỗi nào. Việc so sánh với thần cherubim cũng nhấn mạnh đến sự thánh thiện trổi vượt làm nên đặc tính của cuộc sống Mẹ Maria từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ.

Chủ trương của giám mục Theoteknos đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc suy tư về tín lý nơi mầu nhiệm của Mẹ Chúa. Các vị Giáo Phụ Hy Lạp và Đông Phương công nhận ân sủng đã làm cho Mẹ Maria tinh tuyền, một là trước biến cố Nhập Thể (Thánh Gregory Nazianzen, Oratio, 38, 16), hai là vào chính giây phút Nhập Thể (Thánh Ephrem, Severian Gabala, James Sarug). Giám mục Theoteknos Livias xem ra muốn thấy Mẹ Maria hoàn toàn tinh tuyền ngay từ khi Mẹ bắt đầu cuộc sống. Thật vậy, vị được ấn định trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế phải có một nguồn gốc trọn lành thánh hảo, hoàn toàn vô tì tích.

4- Vào thế kỷ thứ tám, Andrew ở Crete là thần học gia đầu tiên thấy được Mẹ Maria là một tạo vật mới nơi việc vào đời của Mẹ. Nhà thần học ấy lập luận như thế này: “Hôm nay đây (biệt chú của người dịch: hiểu theo ý nghĩa toàn câu văn thì chữ “hôm nay đây” ám chỉ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ) nhân loại nhận được nét đẹp cổ kính xa xưa của mình, nơi tất cả những gì chiếu tỏa ra từ tính cách cao sang vô nhiễm của họ. Nỗi ô nhục của tội lỗi đã làm tối tăm mù mịt đi ánh quang cùng với nét hấp dẫn của bản tính nhân loại; thế nhưng, khi Người Mẹ của Đấng Tuyệt Mỹ sinh vào đời thì bản tính này đã lấy lại nơi con người của Mẹ những đặc ân xưa kia, cũng như được khuôn đúc theo mẫu thức hoàn hảo thực sự xứng đáng với Thiên Chúa... Việc canh tân bản tính của chúng ta bắt đầu vào ngày hôm nay đây, và cái thế giới già lão, được Thiên Chúa hoàn toàn biến đổi, sẽ lãnh nhận những hoa trái của cuộc tạo dựng lần hai” (Serm. I on the Birth of Mary).

Thế rồi, sử dụng lại hình ảnh đất xét của thuở nguyên khai, nhà thần học này phát biểu: “Thân xác của Đức Trinh Nữ là thứ đất Thiên Chúa đã cầy sới, là hoa trái đầu mùa của thứ đất Adong được Chúa Kitô thần linh hóa, là hình ảnh đúng như vẻ đẹp trước kia, là đất xét được nhào nặn bởi Vị Nghệ Sĩ thần linh”. (Serm I on the Dormition of Mary).

Cuộc đầu thai tinh tuyền và vô nhiễm của Mẹ Maria như thế được coi như mở màn cho việc tân tạo. Đó là vấn đề liên quan đến đặc ân riêng giành cho người nữ được tuyển chọn làm Mẹ Chúa Kitô, Người Mẹ loan báo thời gian viên mãn ân sủng cho toàn thể nhân loại biết như ý Thiên Chúa muốn.

Tín lý này, cũng vào thế kỷ thứ tám còn được Thánh Germanus Contantinople và Thánh John Damascene bàn đến, đã làm sáng tỏ giá trị về sự thánh thiện ngay từ ban đầu của Mẹ Maria, một sự thánh thiện được trình bày cho thấy như mở màn cho việc Cứu Chuộc thế giới.

Như thế, truyền thống Giáo Hội đã thấm nhuần và làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của danh xưng “đầy ơn phúc” như thiên thần đặt cho Đức Thánh Trinh Nữ. Mẹ Maria đầy ơn thánh hóa và đầy ơn thánh hóa này ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống. Ơn thánh hóa này, theo Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô (1:6) là ơn được ban trong Chúa Kitô cho tất cả mọi tín hữu. Sự thánh thiện ngay từ ban đầu của Mẹ Maria là tiêu biểu cho một thứ mẫu mực thượng đẳng về tặng ân, cũng như tiêu biểu cho việc phân phát ân sủng của Chúa Kitô trên thế gian.
  

(ĐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 15/5/1996,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 22/5/1996)
 

Hỡi Trinh Nữ Maria, Toàn Thể Tạo Vật Được Diễm Phúc Nơi Mẹ

(St. Anselm, bishop, Oratio 52: PL 158, 955-956)
 

Hỡi Vị Nữ Lưu Diễm Phúc, bầu trời và tinh tú, trái đất và sông ngòi, ngày và đêm – hết mọi sự trong khả năng hay thuộc quyền sử dụng của con người – đều hân hoan vui mừng, vì nhờ Người, ở một nghĩa nào đó, chúng đã lấy lại được duyên dáng chúng đã bị mất đi, và được trang điểm bằng một ân sủng khôn lường mới mẻ. Tất cả mọi thụ tạo đã thực sự chết đi, trở thành vô dụng đối với loài người, cũng như vô dụng đối với việc chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng. Bởi hành động của con người đã tôn thờ ngẫu tượng, thế giới đã bị hư hoại và ô nhơ là những gì nghịch lại với định mệnh đích thực của nó. Giờ đây tất cả mọi tạo vật đã lấy lại được sự sống và đang hoan hỉ ở chỗ, chúng đã được quản trị và rạng ngời bởi con người tin tưởng vào Thiên Chúa.

Vũ trụ hoan lạc với niềm trìu mến mới mẻ khôn xiết. Nó chẳng những cảm thấy được sự hiện diện vô hình của chính Thiên Chúa, Đấng Hóa Công của mình, mà còn r ràng thấy rằng Ngài đang hoạt động làm cho chúng nên thánh hảo nữa. Những phúc lành cao trọng này đã xuất phát từ quả phúc của cung lòng Maria.

Nhờ tình trạng đầy ơn phúc Mẹ đã nhận lãnh mà những thứ chết chóc đã được tự do hoan lạc, và những gì trên trời cũng được mừng rỡ trở nên mới mẻ. Nhờ Người Con là hoa trái rạng ngời của cung lòng đồng trinh của Mẹ, linh hồn những kẻ công chính đã chết trước cái chết ban sự sống của Người Con này được mừng rỡ bởi thoát khỏi cảnh tù đầy, và các thần trời sướng vui lấy lại được lãnh giới bị lũng đoạn của mình.

Hỡi Bà, Bà đầy tràn ân sủng, từ nguồn sung mãn của Bà, tất cả mọi tạo vật đã lãnh nhận sự sống mới. Hỡi Trinh Nữ diễm phúc hơn tất cả mọi thụ tạo, nhờ phúc của Bà mà tất cả mọi thụ tạo được chúc phúc, chẳng những tạo vật được phúc bởi Thiên Chúa mà chính Tạo Hóa cũng được phúc bởi tạo vật nữa.

Thiên Chúa đã ban cho Maria Người Con duy nhất của Ngài, Đấng Ngài yêu thương như chính bản thân mình. Nhờ Maria, Thiên Chúa đã biến mình thành một Người Con, một Người Con theo bản tính vừa là Con Thiên Chúa vừa là Con Mẹ Maria. Toàn thể vũ trụ đã được tạo dựng nên bởi Thiên Chúa mà Thiên Chúa lại được sinh ra bởi Maria. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả mọi sự và Maria lại sinh ra Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự lại nhờ Maria ban cho mình một hình thể, như thế Ngài đã tạo nên chính bản thân mình. Đấng có thể tạo thành mọi sự từ hư vô lại không tái tạo tạo vật hư hoại của mình mà không có Maria.

Như thế, Thiên Chúa là Cha của một thế giới tạo thành, và Maria là mẹ của một thế giới tân tạo. Thiên Chúa là Cha ban sự sống cho tất cả mọi sự, và Maria là mẹ giúp cho tất cả mọi sự có được sự sống mới. Vì Thiên Chúa đã hạ sinh Người Con, Đấng nhờ Người mọi sự được tạo thành, và Maria sinh hạ Người Con này như một Đấng Cứu Thế. Không có Con Thiên Chúa không một sự gì có thể hiện hữu; không có Con Maria không một sự gì được cứu chuộc.

Chúa thực sự ở cùng Bà, Đấng Chúa muốn rằng tất cả mọi tạo vật phải mắc nợ Bà như mắc nợ với chính Ngài vậy.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1559-1560)

Mẹ Maria hoài thai Vô Nhiễm Nguyên Tội

(Trích Thần Ðô Huyền Nhiệm của Nữ Tu Ðáng Kính Maria D'Agreda do Phạm Duy Lễ dịch)

Theo cách nói của chúng ta: Khi mọi sự đã sẵn sàng để Ngôi Lời xuống thế làm Người, Ba Ngôi Thiên Chúa trao đổi với nhau: "Đã tới thời giờ thực hiện quyết định đời đời của Chúng Ta về việc sáng tạo Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. Người Mẹ đó phải là một kỳ công do quyền năng vô cùng của Chúng Ta thực hiện, một kiệt tác làm Chúng Ta hài lòng, một hình ảnh hoàn hảo nhất của Thần tính Chúng Ta. Rắn hỏa ngục không thể làm cách nào phun được nọc độc của nó tới Người. Tuyệt đối cần thiết là Người Nữ được sử dụng vào việc Nhập Thể ấy không vương chút bợn nhơ nào... Người Nữ đó phải được trang điểm bằng toàn thể thánh thiện, toàn thể trọn lành. Sự kiện này còn đáng qúy hơn sự kiện Người, Người là Mẹ nữa. Nhưng vì Ngôi-Lời-Làm-Người phải chịu nhục nhã, chịu đau khổ để cứu chuộc thế gian, nên Người Nữ ấy cũng đồng công vào đó hết lòng hết sức.

Chúa Ba Ngôi tỏ cho các Thiên Thần rằng: Người Nữ ngày trước họ thấy mặt trời sắp sửa được sáng tạo để mang Đấng Thủ Lãnh và Cứu Chuộc đến cho thụ tạo. Các Thiên Thần liền phủ phục trước Thiên Chúa, chúc tụng Ngài về định mệnh ấy. Họ tâu lên Thiên Chúa: Xin chúa đoán thương sử dụng chúng con vào việc liên quan đến mầu nhiệm vĩ đại này, vào việc phòng vệ Đức Nữ Ưu Tuyển của Chúa, mặc dầu chúng con không xứng đáng. Xin cho chúng con được nên hoàn thiện hơn nữa để phụng sự Đức Nữ Vương tuyệt diệu của chúng con.

Lúc đó, Thiên Chúa chỉ định những thiên thần, Ngài cho tham dự vào sứ mạng phụng sự Đức Nữ. Trong mỗi cấp, Ngài trọn 100 vị. Thêm vào đó, Ngài tuyển thêm 12 vị khác, mặc hình người phục vụ Mẹ. Các vị này đều mang những dấu hiệu diễn tả việc Cứu Chuộc. Ngoài ra, Ngài lại ra lệnh cho 18 vị khác trong những vị cao cả nhất làm sứ giả cho Ngài bên cạnh Mẹ. Sau cùng, Ngài ủy cho 70 vị luyến thần mỹ lệ nhất nhiệm vụ truyền thông với Đức Nữ Vương như họ vẫn truyền thông cho nhau, và nâng đỡ Đức Nữ Vương trong những cơn thử thách bằng cách làm linh hoạt thêm những ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ.

Như vậy, Mẹ Maria có 1 số Thiên Thần hầu cận là 1000 vị. Đặc ân được làm hầu cận Mẹ đối với mỗi vị là phần thưởng nhiệt tâm hăng hái, họ đã chứng tỏ để ủng hộ Thiên Chúa và Mẹ Ngài trong cuộc đại chiến đánh bại Luxiphe. Thiên Chúa truyền cho tất cả các vị phải tâu lên để Đức Nữ Vương họ biết về các mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, nhưng không được tiết lộ gì về phần vụ tuyệt cao dành cho Người trong việc chu toàn các mầu nhiệm ấy. Sau cùng, Đức Tổng Thiên Thần Micae được đặt làm thống lãnh tất cả cơ đoàn vinh hiển nói trên. Đó là việc chuẩn bị sau cùng để Mẹ Maria sinh vào trần gian. Cha mẹ Người là ông Gioan Kim và bà Anna.

Ngày thể xác Mẹ Maria được hình thành là ngày Chúa Nhật, tương ứng với ngày đầu tiên trong công cuộc sáng tạo. Thể xác Mẹ chỉ tiếp nhận ân sủng, cho nên, toàn thể đều rất trọn vẹn, rất siêu nhiên. Không bao giờ có 1 xác thể con người nào được hình thành với bấy nhiên hoàn thiện, bấy nhiên tinh tế và bấy nhiêu mỹ lệ. Mặc dầu thể xác Mẹ có thể chịu đau khổ, nhưng không hề có một mầm giống bệnh hoạn chết chóc và hư hoại nào tức những hậu qủa của hình phạt vì tội lỗi Adong.

Ngày Thứ Bảy tiếp đó, một ngày ứng với ngày nghỉ, ngày đại lễ chung kết cho việc sáng tạo Thiên Chúa tạo nên linh hồn Mẹ Maria. Để kỷ niệm biến cố này, Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho giáo hội hiến dâng ngày thức bảy trong tuần lễ cho Mẹ Maria. Lúc sáng tạo linh hồn đầy phúc đức hơn hết mọi linh hồn này, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tỏ hết tình âu yếm hơn cả trước khi sáng tạo con người đầu tiên. Ngài nói: "Ta hãy sáng tạo Maria giống hình tượng và tương tự ta. Ta hãy làm cho Maria nên Nữ Tỳ thật của Ta, nên Hiền Thê thật của Ta, để Maria xứng đáng làm Con duy nhất cũa Cha hằng hữu". Sau khi sáng tạo linh hồn Mẹ rồi Chúa Ba Ngôi còn kêu lên một cách khoái thú hơn ở điạ đường ngày trước rất nhiều: "Tất cả mọi phương diện nơi Mẹ Maria đều hoàn toàn thiện mỹ".

Thật vậy, không những nguyên tội bị gạt bỏ khỏi linh hồn Mẹ, mà linh hồn Mẹ còn rực rỡ với những ơn cao cả Thiên Chúa ban riêng, tới 1 cao độ tuyệt vời, đến nỗi tất cả các bậc thần thánh hợp một cũng không thể sách lại được, không ngôn ngữ loài người nào có thể diễn tả được. Thoạt khi vừa được sáng tạo, linh hồn Mẹ đã hợp nhất ngay với xác thể đang chờ linh hồn. Đó là sự Đầu Thai Vô Nhiễm.

Lúc đó, Thánh Nữ Anna chìm sâu vào một cơn xuất thần tuyệt vời. Bà tiếp nhận những ánh sánh linh động, hiểu được những mầu nhiệm rất Sâu Xa. Hậu qủa của cơn xuất thần đó kéo dài suốt cuộc sống của Bà. Nhưng trong thời gian bà cưu mang Mẹ Maria, những hiệu qủa đó vĩ đại hơn. Ngoài ra, ơn ngoại thường ấy còn tái hiện nhiều lần.

Trong thời gian cưu mang ấy về phần Mẹ Maria, lúc đầu thai, Mẹ được hưởng ơn nhìn thấy Thần Tính Thiên Chúa, một thị kiến vượt cao hơn tất cả các thị kiến, các mặc khải các thánh được, chỉ trừ có phúc thấy Chúa trên Thiên Đàng.

Trí năng và tâm hồn Mẹ đều nên hoàn hảo diệu kỳ, trí năng của Mẹ được trang sức bằng một trí thức Thiên Phú hầu như vô cùng. Mẹ thấu hiểu các Mầu Nhiệm về Thần Tính, về Chúa Ba Ngôi, về ơn Nhập Thể và Cứu Chuộc, về những vẻ tráng lệ của cuộc sáng tạo, về thiên thần và loài người, về lịch sử dân riêng Chúa trọn, lịch sử các tổ phụ, các tiên tri, về thiên đàng, về luyện ngục, về u ngục, và về hỏa ngục; tắt một lời, về tất cả mọi sự vật tự nhiên và siêu nhiên phù hợp với vẻ cao trọng của Thiên Chúa.

Tâm hồn Mẹ được trang điểm bằng những ơn Thánh Linh và tất cả các nhân đức với một mức độ hoàn toàn lạ lùng vì Mẹ vượt trên các Thiên Thần và Loài Người, nên khi vừa Đầu Thai, Mẹ Maria đã thực thi những hành vi nhân đức phù hợp với cấp bậc của Mẹ. Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa những niềm tôn thờ ca tụng, tri ân, yêu mến, để phụng sự Ngài và cho vinh quang Ngài. Mẹ cũng đã sấp mình trước Oai Nghi Thiên Chúa để tỏ lòng tôn thờ bề ngoài. Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin cho loài người mà Mẹ khởi sự bênh đỡ cho, cũng như cầu xin cho Đấng Cứu Chuộc, chóng đến giải thoát loài người khỏi ách nô lệ ma qủy. Một điều rất đáng chú ý là: Ngay bấy giờ, Mẹ đã tuôn châu lệ khóc thương tội lỗi và tai nạn loài người phải chịu. Mẹ cũng không quên song thân mà Mẹ nhận thức được trong Thiên Chúa. Mẹ cầu xin cách riêng cho hai Ngày, và ngay bấy giờ, Mẹ đã chu toàn trách vụ một người con hiếu kính.

Thiên Chúa cũng tỏ cho Mẹ thấy những Thiên Thần Chúa ban để bảo vệ Mẹ, sau khi ân cần niềm nở đón tiếp các vị, Mẹ mời các vị ca tụng Thiên Chúa Tối Cao bằng những ca vị đầy Thánh Đức. Mẹ cũng chỉ vẽ cho họ cả cách chu toàn Thánh Vụ ca tụng mà họ phải cùng với Mẹ chu toàn suốt trong cuộc đời Mẹ ở trần gian.

Ngay còn trong thai, Mẹ đã thực hiện tất cả các hành vi ấy, nhất là hành vi về các đức thờ phượng, nên Mẹ đã lập công trạng lớn lao hơn tất cả các Thánh.
 

Lời Mẹ Huấn Dụ

Hỡi con, thánh ý Con Rất Thánh của Mẹ là con phải thấm nhiễm những lời Mẹ khuyên dạy cũng như các nhân đức và công việc Mẹ làm. Con hãy chú ý và tin tưởng lắng nghe Mẹ: Mẹ sẽ nói cho con nghe những lời hoàn thiện nhất, những lời sinh sự sống đời đời...

Thụ tạo, khi vừa biết dùng trí khôn, phải thờ lạy, yêu mến, phụng sự và tôn vinh Đấng Sáng Tạo nên mình như Chúa độc nhất tối cao. Các bậc cha mẹ có trách vụ tự nhiên là phải dạy dỗ con cái mình về điều ấy ngay từ khi chúng hiểu biết, và phải hướng dẫn chúng về Thiên Chúa là cứu cánh tối cao của chúng. Họ phải chuyến hướng chúng khỏi những trò ấu trĩ, phóng túng mà bản tính đồi truỵ hướng về ngay trước khi chúng sinh ra, họ đã phải nhiệt thành cầu xin cho chúng được thoát khỏi cảnh nô lệ nguyên tội rồi...

Thân Mẫu thánh thiện của Mẹ đã không quên sót một việc nào trong các nhiệm vụ ấy. Thoạt vừa nhận ra Mẹ hình thành trong lòng người, người đã nhân danh mẹ mà thờ lạy và tạ ơn Thiên Chúa.

Sau khi đã nhận thức được Thiên Chúa, linh hồn không được rời xa Ngài nữa để hầu luôn luôn kính sợ, yêu mến và tôn dương Ngài. Hỡi con, con hãy chú tâm nhìn lên Ngài. Hãy suy niệm những vẻ trọn lành vô cùng của Ngài, vẻ đẹp vẹn tuyền của Ngài, những vẻ đáng mến không bờ bến của Ngài. Chính Ngài đã sáng tạo tất cả những sự hiện hữu và bao bọc chúng trong ơn quan phòng của Ngài, mặc dầu Ngài chẳng cần phải có chúng. Chính Ngài đã bỏ mạng sống mình và chịu muôn nghìn đau khổ thay cho loài người, mà chẳng lấy của loài người 1 chút công xá nào. Con hãy chăm chú sử dụng tài năng của con trong cánh đồng bao la đầy nhân từ và ơn nghĩa của Thiên Chúa. Nếu quên sót những ơn đó, thật là 1 vô ơn đáng sấu hổ. Tuy nhiên, nếu vì yếu đuối mà quên sót cách nào, con hãy hối hả nâng tư tưởng lên cùng Thiên Chúa, tán tụng Ngài với hết dạ ân cần và khiêm nhượng con có thể. Con phải liên tục thực thi như vậy, cả cho con, cả thay cho mọi thụ tạo.

Để phấn khích mình nhiệt thành hơn trong việc này, con hãy suy niệm về hiệu qủa khi Mẹ gặp Sự Thiện Tối Cao. Sự Thiện này đã đâm 1 vết thương hạnh phúc và tâm hồn Mẹ, cũng như vào tình yêu của Trái Tim Mẹ. Nên Mẹ liền hiến toàn thân dứt khoát cho Ngài đời đời. Tuy thế, cho đến ngày cuối cùng đời Mẹ, Mẹ vần hằng cẩn thủ để khỏi làm mất Sự Thiện ấy. Sau cùng sự con biết mình, biết sự hèn hạ của mình phải đi kèm theo sự biết Chúa biết lòng Ngài yêu thương con. Con phải lợi dụng sự biết mình làm thang lên tới sự nhận biết Chúa.
 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2002


1. Hằng ngày, khi đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta lập lại 3 lần câu: “Et Verbum caro factum est – Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”. Trong thời gian Mùa Vọng đây, những lời Phúc Âm này lại càng có ý nghĩa hơn nữa, vì Phụng Vụ làm cho chúng ta sống lại bầu không khí đợi chờ Việc Lời Nhập Thể.


Bởi thế mà Mùa Vọng có một liên hệ tuyệt vời với lễ trọng kính Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người nữ tỳ khiêm hạ Thánh Nazarét này, với lời “xin vâng” thưa với thiên thần, đã thay đổi cục diện lịch sử, được gìn giữ khỏi hết mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ khi được hoài thai trong lòng mẹ. Mẹ thực sự là người đầu tiên hưởng ơn cứu độ của Chúa Kitô, được chọn từ đời đời làm Mẹ của Người.


2. Vì lý do này, trong khi trí khôn chúng ta gắn liền với mầu nhiệm Hoài Thai Vô Nhiễm thì lòng của chúng ta cất lên bài ca vịnh tạ ơn chung… Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi đế bắt chước Mẹ, ở chỗ Mẹ Maria đã làm Thiên Chúa hài lòng bằng sự khiêm cung dễ dạy của Mẹ…


3. … Chiều nay, Tôi sẽ hân hoan lập lại việc truyền thống kính viếng Mẹ ở cột tháp Piazza di Spagna, như Tôi là người dẫn giải ý nghĩa của việc tôn sùng này cho Giáo Phận Rôma cũng như toàn thể Giáo Hội. Tôi xin mời anh chị em thân mến hãy hiệp với Tôi trong tác động tin tưởng Thánh Mẫu này.


Giờ đây chúng ta hãy xin Trinh Nữ Vô Nhiễm Tội hãy giúp cho tất cả mọi Kitô hữu trở nên môn đệ chân thực của Chúa Kitô, nhờ đó, nơi họ, đức tin sẽ càng trở nên tinh tuyền hơn, và đức ái trở nên quảng đại hơn.

 

Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC còn kêu gọi:


“Tôi xin kêu gọi anh chị em hãy cầu nguyện để nâng đỡ các vị lãnh đạo chính trị, thành phần sẽ gặp nhau ở Copenhagen vào những ngày tới đây, 12/12-13/2002, để đúc kết những thương thảo quan trọng liên quan đến việc tăng thêm các quốc gia mới cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu… để lục địa này được phong phú hơn bằng việc góp phần của các truyền thống văn hóa và tôn giáo từ các quốc gia mà qua các thế kỷ đã để lại một di sản văn minh chung quí báu. Xin Thiên Chúa soi sáng cho tất cả mọi người Âu Châu để họ hiệp nhất với nhau và cũng ban cho các quốc gia khác niềm tin tưởng và hy vọng”.

 


Lời nguyện cầu của ĐTC Gioan Phaolô II dâng lên Mẹ Vô Nhiễm tại tháp cột Piazza di Spagna 8/12/2002:


1. “Ave Maria, gratia plena! Kính mừng Maria đầy ơn phúc!”
Hỡi Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, này con đang ở dưới chân Mẹ một lần nữa đây,
lòng chất ngất niềm tri ân cảm tạ Mẹ.
Con trở lại với tháp cột lịch sử Piazza di Spagna này
vào ngày trọng thể của Mẹ
để nguyện cầu cho thành Rôma yêu dấu đây,
cho Giáo Hội, cho toàn thế giới.

Nơi Mẹ, “một tạo vật khiêm hạ và cao cả nhất”,
ân sủng thần linh đã hoàn toàn chiến thắng sự dữ.
được gìn giữ khỏi mọi tì vết tội lỗi
Mẹ, đối với chúng con, những người lữ hành trên đường dương thế,
Là gương sáng của lòng trung thành với Phúc Âm và là bảo chứng quí báu cho niềm hy vọng vững chắc.

2. Hỡi Vị Trinh Mẫu, “Salus Popoli Romani!”
Con xin Mẹ hãy coi sóc Giáo Phận Rôma thân yêu:
Coi sóc các vị mục tử và tín hữu, các giáo xứ và cộng đồng tu trì.
Xin Mẹ đặc biệt coi sóc các gia đình:
Chớ gì yêu thương làm chủ các đôi phối ngẫu đã được niêm ấn bằng Phép Bí Tích,
chớ gì con cái của họ biết bước trên những con người thiện hảo và tư do thực sự,
người già cảm thấy mình được chú trọng và qúi mến.

Xin Mẹ Maria hãy tác động nơi rất nhiều lòng trí giới trẻ
Biết dứt khoát đáp lại “tiếng gọi truyền giáo”,
một vấn đề đã được giáo phận này hằng suy nghĩ trong những năm này.
Nhờ chương trình mục vụ ơn gọi mạnh mẽ,
chớ gì Rôma được dồi dào lực lượng trẻ trung mới mẻ,
nhiệt thành dấn thân cho việc loan báo Phúc Âm
trong thành này cũng như trên thế giới.

3. Hỡi Vị Trinh Nữ Thánh, Nữ Vương Các Tông Đồ!
Xin hãy phù giúp những người, nhờ học hỏi và nguyện cầu,
đang sửa soạn để hoạt động nơi nhiều tiền tuyến
của việc tân truyền bá phúc âm hóa.
Hôm nay đây, con xin phú dâng cho Mẹ một cách đặc biệt,
cộng đồng Học Viện Tòa Thánh Urban,
nơi có văn phòng trung ương lịch sử
ở ngay trước Trụ Cột này đây.
Chớ gì học viện đầy huân công này,
được thành lập 375 năm trước đây
bởi Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII để huấn luyện các nhà truyền giáo,
được tiếp tục sinh hoa trái trong việc phục vụ Giáo Hội của mình.

Chớ gì những ai qui tụ lại ở đây, chủng sinh cũng như linh mục,
Tu sĩ và giao dân nam nữ,
biết sẵn sàng đem nghị lực của mình ra
cho Chúa Kitô trong việc phục vụ Phúc Âm
cho đến tận cùng trái đất.

4. “Santa Maria, Mater Dei, ora pro nobis! Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi!”
Ôi Mẹ, xin cầu cho tất cả chúng con.
Xin cầu cho nhân loại đang chịu cảnh nghèo khổ và bất công,
bạo loạn và hận thù, khủng bố và chiến tranh.
Xin giúp chúng con biết chiêm ngưỡng với Kinh Mân Côi thánh
các mầu nhiệm của Đấng “là hòa bình của chúng con”,
để tất cả chúng con đều cảm thấy có trách nhiệm
trong một nỗ lực đặc biệt phục vụ hòa bình.

Xin Mẹ hãy đặc biết chú ý
tới miền đất Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu,
một miền đất mà Mẹ và Con Mẹ yêu quí
và là một miền đất vẫn còn rất nhiều thử thách hôm nay đây.

Hỡi Mẹ của niềm hy vọng, xin cầu cho chúng con!
“Xin Mẹ ban cho chúng con những ngày hòa bình, hãy coi chừng đường lối của chúng con.
Xin cho chúng con được thấy Con của Mẹ
Đầy hân hoan trên thiên đàng. Amen!”

 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyên dịch: Nguyên văn Ý ngữ, được Zenit chuyển dịch sang Anh ngữ và phổ biến ngày 8/12/2002)

 

 

7/12 Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C

"Hãy dọn đường ngay thẳng cho Chúa”

Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Mầu Nhiệm được thực sự tái diễn và tiếp diễn một cách trọn vẹn qua Phụng Niên của Giáo Hội, một Năm Phụng Vụ được mở màn từ Mùa Vọng. Thế nhưng, theo Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa cũng như theo lịch sử, Chúa Kitô thực sự đã được sinh ra rồi, đúng 2000 năm trước đây, thì Mùa Vọng chúng ta đang cùng Giáo Hội bước vào đây là gì, nếu không phải là việc Giáo Hội hướng về và mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Đó là lý do bài Phúc Âm theo Thánh Luca của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tuần trước đề cập tới việc Chúa Kitô đến lần sau hết: “Loài người sẽ thấy Con Người đầy uy quyền và vinh quang đến trên mây trời”. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu Chúa Kitô đã thực sự đến rồi, thì Kitô hữu chúng ta đã cảm nghiệm được Người chưa, hay Người vẫn ở trong tình trạng, như Thánh Gioan Tiền Hô đã nói thẳng với dân Do Thái là thành phần cũng trông đợi Vị Cứu Tinh của họ đến, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 26 là: “có một Đấng ở giữa các người mà các người không biết”.

Đó là lý do tại sao, để nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến với chúng ta từ giòng dõi Đavít như lời Chúa tiên báo qua miệng tiên tri Isaia ở bài đọc thứ nhất Mùa Vọng Năm A, Thánh Ký Luca, trong bài Phúc Âm hôm nay, cũng đã lập lại lời tiên tri Isaia về cách thức để có thể nghênh đón hay nhận ra Người như sau: "Có tiếng kêu trong sa mạc: 'Hãy dọn đường ngay thẳng cho Chúa. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy và mọi núi đồi phải được san cho bằng. Những quanh co phải được uốn cho ngay và đường lối gồ ghề phải được san cho phẳng, thì tất cả loài người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa'”. Đúng thế, để "thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa", loài người chúng ta nói chung và Kitô hữu chúng ta nói riêng phải "dọn đường ngay thẳng cho Chúa", bằng không, dù Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta và hằng ở cùng chúng ta cho tới tận thế nơi Chúa Kitô, Ngài vẫn còn là một Đấng ở giữa chúng ta mà chúng ta không biết.

Thế nhưng, lời này chẳng những áp dụng cho dân Do Thái bấy giờ là thành phần đang trông đợi Đấng Thiên Sai mà còn cả cho chúng ta bây giờ nữa. Đúng thế, theo Dự Án Cứu Độ, Thiên Chúa muốn tỏ mình cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để có thể nhận ra Ngài, loài người nói chung và dân Do Thái nói riêng phải nhận biết hay chấp nhận Ngài, như lời mở đầu của Phúc Âm Thánh Gioan đã xác quyết, đó là: "Người đã ở trong thế gian, thế gian nhờ Người mà được tạo thành, song thế gian không nhận biết Người. Người đã đến với dân riêng của Người mà họ không chấp nhận Người. Nhưng những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa". Thật vậy, trong khi dân Do Thái, cho tới nay, vẫn trông đợi một Đấng Thiên Sai theo Thánh Kinh, thì Kitô Giáo lại chấp nhận một Đức Kitô đã bị họ hoàn toàn phủ nhận. Như thế, nếu "ai tin vào tin mừng và lãnh nhận phép rửa", như lời Chúa Kitô xác quyết trong Phúc Âm Thánh Marcô, đoạn 16 câu 16, thì Ơn Cứu Độ đã thực sự đến với thành phần Kitô Hữu rồi.

Tuy nhiên, Kitô hữu chúng ta có kiên trì "đứng vững trước Con Người", như Lời Chúa trong bài Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C tuần trước, tức có "thẳng đứng và ngước đầu lên", Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa mới còn tồn tại trong chúng ta cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang, nghĩa là cho tới khi Chúa Kitô hoàn toàn hiển linh trong chúng ta, hay cho đến khi Kitô hữu chúng ta đạt đến tầm vóc trọn vẹn của Chúa Kitô là đầu (xem Eph 4:13, 15). Đó là lý do, trong Phúc Âm Thánh Luca của Chúa Nhật Mùa Vọng Thứ Nhất tuần trước, sau khi đề cập đến những gì khủng khiếp liên quan đến đức tin xẩy ra vào ngày tận thế, Chúa Kitô mới căn dặn thành phần môn đệ của mình rằng: "Khi những điều này xẩy ra, thì các con hãy thẳng đứng và ngước đầu lên, vì ơn cứu chuộc gần đến".

Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật II Mùa Vọng, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã lập lại lời của tiên tri Isaia về việc làm sao để con người nói chung và dân Do Thái nói riêng có thể “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, hay có thể nhận ra Chúa Kitô, Thiên Chúa Làm Người, nghĩa là có thể được sự sống đời đời, vì sự sống đời đời là ở chỗ nhận biết Thiên Chúa. Thật vậy, như đã hứa với hai nguyên tổ sa phạm, và đã cho dân Do Thái thấy trước hình ảnh về Đấng Cứu Thế trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, “đến thời điểm ấn định, Thiên Chúa đã sai Con Một mình sinh ra bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật” (Gal 4:4). Thế nhưng, nếu con người không sẵn sàng chờ đón Người, như Mẹ Maria hay như Gioan Tẩy Giả, như tư tế Simêon và bà tiên tri Anna, như nhóm mục đồng vào đêm Giáng Sinh, thậm chí như ba nhà chiêm tinh vương Đông Phương, họ sẽ không thể nào nhận ra Người, trái lại, còn ra tay sát hại Người khi Người đến, như trường hợp của quận vương Hêrôđê khi Người mới ra đời, cũng như trường hợp của Hội Đồng Do Thái và của nhà cầm quyền Rôma Philatô vào lúc cuối đời của Người.

Đó là lý do, trong bài Phúc Âm, với vai trò Tiền Hô để dọn đường cho Người đến, tức để làm sao để dân chúng nhận ra Người khi Người xuất hiện, Thánh Gioan Tẩy Giả, vị cũng chưa từng thấy Đấng Thiên Sai, đã kêu gọi chẳng những bằng lời nói mà còn bằng cả đời sống của mình nữa là hãy sống trong chân lý. Ở chỗ lấp đi mọi hố sâu tham vọng bất chính, bạt hết mọi núi đồi tự cao tự phụ, uốn thẳng những gì cong queo gian dối, và san bằng những gồ ghề tự ái bất tuân. Nhưng con người vốn “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19) làm sao có thể sống trong chân lý nếu không được chân lý soi sáng cho. Về khía cạnh này, Thánh Ký Gioan thật sự có lý khi mở đầu Phúc Âm của mình bằng cách so sánh việc “Lời hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) như “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (Jn 1:5), như “ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đã đến trong thế gian” (Jn 1:9). Tuy nhiên, theo Công Cuộc Cứu Độ, “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12) này không đột nhiên xuất hiện vào ngay lúc chính ngọ chói chang ở Biến Cố Vượt Qua mà là hiện lên từ từ, từ lúc rạng đông qua Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (một Lễ Trọng về Mẹ Maria bao giờ cũng được Giáo Hội cử hành vào đầu Mùa Vọng), tới khi ló rạng nơi hang lừa máng cỏ.

Bởi thế, đối với Kitô hữu, về phương diện tu đức, Nước Thiên Chúa hay Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa ban cho con người mới giống như hạt cải được gieo trong ruộng và từ từ mọc lên cho tới khi thành một cây vĩ đại đến nỗi chim trời đến làm tổ ở các cành của nó, như Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 13, câu 31 và 32 diễn tả. Thánh Phaolô đã có lý nói đến sự kiện "ơn cứu độ gần hơn" khi khuyên nhủ Kitô hữu Rôma trong bức thư của ngài ở đoạn 13 câu 11 thế này: "Đây là lúc anh em phải thức giấc, vì ơn cứu độ gần hơn là lúc anh em mới chấp nhận đức tin". Thánh Phaolô, qua Bức Thư gửi giáo đoàn Philiphê trong bài đọc thứ hai hôm nay, cũng đã giải thích sự kiện "ơn cứu độ gần hơn" như thế này: "Đấng đã bắt đầu việc lành nơi anh em cũng sẽ tiến hành nó tới khi hoàn thành cho đến trước ngày của Chúa Giêsu Kitô". Như thế, cuộc sống Kitô hữu của chúng ta không phải quả thực chính là một cuộc hành trình đức tin cứu độ hay sao? Nói một cách phụng vụ hơn, đời sống Kitô hữu của chúng ta chính là một Mùa Vọng, một thời điểm chúng ta phải tỏ ra khát vọng Chúa, và phải làm hết sức để có thể hoàn toàn cảm nghiệm được Vị Thiên Chúa Làm Người đang thực sự ở cùng mỗi một người chúng ta vậy.

Mùa Vọng chẳng những là thời điểm Giáo Hội hướng về Chúa Kitô đến lần thứ hai, mà còn là thời điểm rất thích hợp để Kitô hữu chúng ta trở về nguồn nữa, tức trở về với Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa, để có thể cảm nhận được "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đã thực sự tỏ mình ra cho loài người chúng ta, cho đến khi “Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), nhờ đó chúng ta mới chẳng những “được sự sống", mà còn là "một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10). Thật ra, không phải Lịch Sử Cứu Độ đã được bắt đầu từ Adong, Abraham hay Moisen, mà là từ chính Thiên Chúa, chính Dự Án Cứu Độ của Ngài. Mà Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa là gì, nếu không phải, như Lời Chúa Kitô tuyên bố trong Phúc Âm Thánh Gioan, ở đoạn 10 câu 10, đó là "Tôi đến cho chiên được sống và được một sự sống viên mãn hơn". Và Chúa Kitô đã làm gì cho chiên được sống, nếu không phải bằng việc, như Người cũng đã tỏ tường cho dân Do Thái bấy giờ đang nghe Người biết trong cùng đoạn Phúc Âm ở câu 11 ngay sau đó: "Tôi là vị mục tử tốt lành, một vị mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì chiên".

Thế nhưng, Chúa Kitô hiến mạng sống mình không phải cho chúng ta được sống về thể lý mà là về tâm linh, tức là làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa, như Người đã minh định trong cùng Phúc Âm ở đoạn 17, câu 19: "Giờ đây vì họ mà Con tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý", tức được "sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô, Đấng Cha sai", như Người đã nói đến ở câu 3 trong cùng đoạn Phúc Âm Thánh Gioan trên đây. Thánh Phaolô đã ý thức được chân lý này và đã nói lên trong thư thứ nhất gửi môn đệ Timôthêu, đoạn 2 câu 5, khi viết: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý". Như thế, nếu Dự Án Cứu Rỗi của Thiên Chúa là làm cho nhân loại chúng ta "được sự sống và được một sự sống viên mãn hơn", tức là làm cho chúng ta nhận biết Ngài như Ngài đã tỏ Danh Ngài là hiện hữu cho Moisen (xem Ex 3:15), cũng như đã tỏ tất cả bản tính của mình ra qua Chúa Kitô (xem Heb 1:1-3; Jn 14:11), thì Mạc Khải Thần Linh cũng chính là chủ yếu của Lịch Sử Cứu Độ. Nói một cách xuôi chiều và dễ hiểu hơn, chủ yếu của Lịch Sử Cứu Độ là “tất cả sự thật” (Jn 16:13) Thiên Chúa muốn truyền đạt cho loài người biết để họ được thông phần Sự Sống Thần Linh.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TÌM VỀ CHÂN THIỆN MỸ

Định Hướng Cuộc Đời…
Con Người Là Ai?
Sống Để Làm Gì?
Đâu Là Sự Thật?
 


Nếu quyền làm người là yếu tố định đoạt và làm nên tầm vóc chính thức của con người, và nếu ý thức được quyền làm người của mình ấy là dấu chứng tỏ con người đã thực sự trưởng thành, mà thực tế lại cho thấy con người càng văn minh thì họ càng ngày càng chống đối nhau và sát hại nhau trắng trợn và rùng rợn hơn bao giờ hết, (chưa thế kỷ nào văn minh bằng thế kỷ 20, thế mà cũng chưa có thể kỷ nào giết nhau như thế kỷ này), thì phải chăng con người chưa thực sự trưởng thành, chưa đạt đến sự sống trọn vẹn và viên mãn? Thế nhưng, sống trọn vẹn và viên mãn là gì và như thế nào?? Phải chăng sống viên mãn là một vấn đề có liên hệ trực tiếp đến ơn gọi làm người, một ơn gọi được Tạo Hóa vô cùng khôn ngoan thượng trí, chẳng những đã ghi khắc lề luật luân lý phổ quát vào trong tâm khảm hay trong lương tâm của mỗi người (xem Rm 2:15), mà còn phác họa hết sức r ràng ngay trên thân mình của con người nữa???

Như thế, để tìm hạnh phúc hay để làm cho con người mình nên trọn, con người nhất định phải biết định hướng cuộc đời, biết con người mình là ai, phải biết mình sống để làm gì và biết đâu là sự thật.

Định Hướng Cuộc Đời:

Cuộc đời của con người trên trần gian, từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, là một cuộc hành trình đi về vĩnh cửu, là một cuộc tìm đạt Chân-Thiện-Mỹ.

Đối với con người hữu hình và hữu hạn, một cuộc hành trình tiến về một đích điểm có vẻ mờ mịt như thế chính là một Hành Trình Niềm Tin, một hành trình đầy tối tăm và cạm bẫy, tối tăm cho tâm linh hướng hạ của con người, và cạm bẫy cho bản chất yếu đuối của con người.

Mang một bản tính vừa bất toàn lại bất lực như thế, lý trí thì mù lòa, ý chí thì yếu nhược, tình cảm thì lệnh lạc, con người không thể nào tự mình đi trọn cuộc Hành Trình Niềm Tin này mà không bị lầm lạc, vấp phạm và sa ngã.

Lầm lạc trong cuộc Hành Trình Niềm Tin có nghĩa là đi mãi mà cứ luẩn quẩn một chỗ, cứ dậm chân tại chỗ, cứ chứng nào tật ấy, nhiều khi càng ngày lại càng xa hay càng mất đích điểm cần phải đến, thậm chí không còn phân biệt được lành với dữ.

Thế nên, khi bị lầm lạc, con người cần phải dừng chân đứng lại, để biết mình đang ở đâu, mới có thể tìm ra đúng hướng đi. Có ra khỏi cái vòng lẩn quẩn hay tệ trạng của mình, con người mới vững tâm tiếp tục đi cho đến cùng cuộc Hành Trình Niềm Tin của mình.

Tĩnh tâm là một chặng dừng chân cuộc đời, để lấy lại sức thiêng và định hướng đi chính xác cho cuộc Hành Trình Niềm Tin của mình.

Một con người lầm lạc là một con người làm những điều không xứng hợp với thân phận, với phẩm giá hay với ơn gọi làm người của mình. Trong tình trạng lầm lạc này, con người chẳng khác nào như một người nằm mơ (nếu nhẹ), một người say rượu (nếu vừa), một người điên khùng (nếu nặng), tức là những thành phần làm các điều ngớ ngẩn, trẻ con, nguy hại, mà nếu tỉnh táo, có lẽ đa số họ đã không dám làm như vậy.

Thế nên, biết mình là tình trạng tỉnh táo của con người, là lúc con người ý thức được mình, để thấy được rằng mình đang ở đâu và đang làm gì, đúng hay sai, tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hay ác, lợi hay hại, khôn hay dại v.v. Biết mình, bởi đó, là khởi điểm của Hành Trình Niềm Tin, là điều kiện cải thiện đời sống, để có thể đạt đến Chân-Thiện-Mỹ, đích điểm của đời sống làm người.

Cuộc sống của con người là một khám phá liên lỉ chính bản thân mình. Thế nhưng, cho đến chết, con người cũng không thể nào hoàn toàn biết mình cho trọn vẹn. Bằng cớ là, còn sống con người còn lầm lạc, còn lỗi phạm, còn mê man, nghĩa là còn cần phải cải thiện, còn cần phải được đánh thức dậy.

Cải thiện đời sống là tác động thức giấc biết mình, để sống đúng với ơn gọi làm người của mình, trong cuộc hành trình đi về vĩnh cửu, một hành trình tìm gặp Chân-Thiện-Mỹ, Thần Tượng của con người, Tuyệt Đích của đời sống, Chân Trời của hạnh phúc.

Con Người Là Ai?

Là một tạo vật duy nhất trên đời có cả hồn lẫn xác, vừa hữu hình lại vừa vô hình, vừa linh thiêng lại vừa vật chất, trong mầu nhiệm tạo dựng, con người là một tổng hợp đất trời, và là một tụ điểm trong trời đất.

Thế nhưng, con người vẫn không phải là trung tâm điểm của vũ trụ, trái lại, con người vẫn phải tự xoay vần lấy bản thân mình và còn phải xoay mình chung quanh mặt trời Thần Linh nữa mới có thể tồn tại. Thực tế đã cho thấy, bao lâu còn biết lắng nghe tiếng lương tâm chân chính, theo hấp lực của Mặt Trời Chân-Thiện-Mỹ tối cao bất biến, thì con người, cá nhân cũng như xã hội, mới có thể sinh tồn trong bình an thịnh đạt. Bằng không, sống bất hòa hợp với định luật thiên nhiên của trời đất, nhất là với qui luật luân lý phổ quát của tâm linh, con người chỉ gặp toàn bất trắc và bất hạnh, mà nếu không kịp thời cải thiện, chính con người sẽ trở thành một tận điểm tự diệt vong!

Cũng có thân xác như con vật, nhưng hình thức cấu trúc nơi thân xác của con người khác hẳn với của con vật, thân xác của con người đã là một ấn tích làm người của họ, và cả hồn xác của con người là một bí tích hiệp thông của trời đất.

Về thể chất và theo hình thức, con người chẳng khác gì con vật. Nhưng về nội dung, con người chẳng những có lý trí để tìm kiếm Sự Chân Thật, có lòng muốn để tìm kiếm Sự Thiện Hảo, có tình cảm để tìm kiếm Sự Mỹ Lệ, mà còn có cả lương tâm để nhận thức Chân-Thiện-Mỹ và có tinh thần để có thể đạt đến Chân-Thiện-Mỹ cũng như để hiệp thông với Chân-Thiện-Mỹ nữa.

Phải chăng vì thế mà:

Thân của con người không nằm ngang, tức không nằm song song với mặt đất như thân thể của con vật, một thế nằm như nói lên rằng con người cũng chỉ có một giá trị ngang hàng với vật chất, mà là một thế thẳng đứng trên mặt đất, hoàn toàn vượt trên vật chất.

Đầu của con người không hướng hạ, chúi xuống mặt đất, một hướng chiều như công nhận vật chất là cùng đích của mình, mà là hướng thượng, vươn thẳng lên trời cao, như hướng về quê hương vĩnh cửu của mình.

Mắt của con người không nhìn xuống mặt đất, như coi mặt đất là đối tượng mình phải đạt đến, mà là nhìn thẳng về phía trước mặt, như hướng về và tìm kiếm một tương lai vĩnh cửu, một hạnh phúc trường sinh bất diệt.

Bụng của con người không nằm sát với mặt đất, như dính chặt với bản năng thú tính sống để mà ăn, nhưng được đặt nằm ở trên đôi chân đạp mặt đất, vì con người bao giờ cũng phải làm chủ mặt đất, có quyền sử dụng vật chất chứ không làm tôi lệ thuộc vật chất.

Tay của con người không phải để bò như một cặp chân phụ giống con vật, loài dùng bốn chân trong việc đi kiếm ăn, mà được dùng để làm việc canh tác trái đất và phục vụ tha nhân đồng loại của mình.

Chính vì thế:

Con người là một tạo vật cao cả vươn lên, chứ không phải là một loài thấp kém thường hèn. Vì thân của con người thẳng đứng như một cây mọc trên mặt đất. Chân như rễ cây đâm sâu xuống lòng đất, để hút lấy từ ngoại giới kinh nghiệm làm nhựa sống cho tâm linh của mình, nhờ đó, càng bước đi trên mặt đất, con người lại càng từng trải trong cuộc Hành Trình Niềm Tin.

Con người là một tạo vật hướng thượng, chứ không phải là một loài hướng hạ. Vì đầu của con người hướng thẳng lên trời như hướng về một ci siêu linh cao cả, với mớ tóc tư tưởng khôn ngoan như hoa lá, trổ sinh từ trí óc suy luận của con người khoa học, để được sinh hoa kết thành một nền văn hóa nhân bản cho cuộc sống nhân sinh.

Con người là một tạo vật của vô biên vĩnh cửu, chứ không phải là một loài của vật chất hiện sinh. Vì đôi mắt của con người nhìn thẳng trước mặt, như hướùng về một tương lai với bao ước mơ và hy vọng, và sẽ luôn luôn tìm kiếm cho đến khi được viên mãn. Nằm ngửa mà ngủ, con người như đợi chờ một cuộc sống trường sinh bất diệt.

Con người là một tạo vật được dựng nên để làm chủ, chứ không phải là một loài hiện hữu để làm tôi. Bụng của con người được đặt trên đôi chân đạp mặt đất, như con người ăn để mà sống. Đôi tay của con người thong dong không bám sát mặt đất như đôi chân, để có thể tạo nên cho mình một nền văn minh nhân sinh, bằng cách sử dụng tất cả mọi khả năng của mình trong việc khai thác tất cả mọi tài nguyên thiên nhiên, trong việc khám phá hữu ích về khoa học thực nghiệm, và trong việc sáng chế những tiện nghi về kỹ thuật, tạo thoải mái cho đời sống làm người của mình trên mặt đất.

Con người đúng là một Hạt Giống Thần Linh được gieo vào mặt đất trần gian, mà thân xác của con người là lớp vỏ, cần phải bị mục nát đi theo định luật tự nhiên, để hồn thiêng là nhân sự sống có thể nẩy mầm, phát triển và sinh hoa kết trái, một sản phẩm thần linh bất diệt của Chân-Thiện-Mỹ.

Sống Để Làm Gì?

Nếu con người thực sự biết mình, con người tất nhiên sẽ biết được ý nghĩa của cuộc đời: Sống để làm gì?

Biết mình chính là con mắt của con người nhìn vào cuộc đời và nhận diện cuộc đời. Cho dù cuộc đời tự nó có sáng đẹp mấy đi nữa, nếu con người bị mù loà ở chỗ không biết mình, thì đối với họ, cuộc đời chỉ là một màn đêm tăm tối, chỗ nào cũng có thể là cạm bẫy chụp bắt họ, là cản trở làm cho họ vấp ngã, là hố thẳm làm cho họ bị diệt vong...

Thực ra, đời sống ngay từ ban đầu vốn tốt lành song đã bị con người sa đọa biến nó từ một Thiên Thai Địa Đường thành ‘đời là một bể khổ’, là một bãi tha ma chết chóc. Do đó, càng không biết mình, con người càng dễ bị tử thần bắt cóc, và càng dễ trở thành những bóng ma quái trên trần gian, gây ra những gương mù, lôi kéo những kẻ yếu vía đi vào ci chết ngàn thu.

Chính vì thế, nếu không được Quyền Năng Tuyệt Đối giải cứu, sống trên đời, con người sẽ vĩnh viễn bị chìm ngập trong bể khổ, cuối cùng là thối nát trong nấm mồ sự chết. Con người không đã và đang sống trong nấm mồ sự chết là gì, khi họ liên lỉ sống trong tình trạng hoàn toàn bất toàn, bất lực, bất mãn và bất an.

Con người bất toàn: ở chỗ, họ muốn những điều không được làm.

Con người bất lực: ở chỗ, họ không làm được những điều họ muốn hay tránh những được những bất trắc xẩy ra, dù đã hết sức đề phòng.

Con người bất mãn: ở chỗ, họ muốn những điều như ý lại gặp những điều trái ý.

Con người bất an: ở chỗ, họ muốn cả những điều làm hại cho chính bản thân của họ, nhất là dù biết trước hậu qủa của nó mà vẫn cứ nhào vô, vẫn không thể nào bỏ được...

Bởi đó, cuộc sống của con người trên trần gian này chính là một cuộc vượt qua sự chết mà vào Sự Sống, vượt qua lãnh giới tự nhiên mà vào lãnh giới siêu nhiên, vượt qua thân phận làm người để nên giống như Thần Linh.

Mọi sinh vật sống động theo bản tính tự nhiên của mình. Con vật chỉ có xác, nên chúng chỉ sống để mà ăn. Con người có cả xác lẫn hồn, nên không nguyên sống bởi bánh mà còn sống bởi những gì có tính cách Thần Linh, sống theo những chân lý đời đời.

Con người bề ngoài chẳng những có xác thịt như con vật, bề trong còn có hồn thiêng như bản tính của thần linh. Mà yếu tố chính yếu làm nên con người, đồng thời cũng là yếu tố làm cho con người khác với con vật, đó là linh hồn của họ. Thế nên, sống theo bản năng là con người sống như con vật, sống theo tâm linh khôn ngoan, con người mới tỏ ra mình thực sự là người và làm người.

Con người chỉ bắt đầu làm người, khi biết dùng trí khôn để tìm kiếm Sự Chân Thật, biết dùng lòng muốn để tìm kiếm Sự Thiện Hảo, và biết dùng tình cảm để tìm kiếm Sự Mỹ Lệ.

Con người càng ngày càng tỏ ra mình trưởng thành, khi biết suy tư và phán đoán theo Sự Chân Thật, biết chọn lựa và quyết định theo Sự Thiện Hảo, biết thông cảm và phản ứng một cách khôn ngoan theo Sự Mỹ Lệ.

Đạt đến Chân-Thiện-Mỹ, đích điểm của cuộc đời, chính là và phải là mục đích tối hậu và trên hết của con người sống trên trần gian. Một khi chưa đạt được đích điểm của thân phận làm người này, con người sẽ không thôi khao khát, sẽ còn khắc khoải cho đến khi hoàn toàn được bình an vui sống.

Đâu Là Sự Thật?

Một con người dù có lừa dối được tất cả mọi người, nhưng họ vẫn không bao giờ muốn bị ai lừa dối. Bởi vì, con người vốn hướng về và tìm kiếm Sự Chân Thật duy nhất, đối tượng của lý trí con người, có thể làm con người phán đoán chính trực.

Một con người dù có ác độc làm hại hết mọi người, nhưng họ vẫn không muốn bị ai làm hại. Bởi vì, con người vốn hướng về và tìm kiếm Sự Thiện Hảo tối thượng, đối tượng của lòng muốn con người, có thể làm con người hoàn toàn thỏa mãn,

Một con người dù quê mùa dốt nát đến đâu, cũng có thể bất chấp thủ đoạn để được mọi sự như ý muốn. Bởi vì, con người vốn hướng về và tìm kiếm Sự Mỹ Lệ tuyệt vời, đối tượng tác hành của con người, có thể làm con người khôn ngoan khéo léo.

Thế nhưng, trên con đường thiên định một chiều tiến về Siêu Việt Thể Chân-Thiện-Mỹ, về Chân Trời Hạnh Phúc muôn đời bất diệt, kinh nghiệm hết sức thực tế và nhiều khi phũ phàng cho thấy, cuộc sống của con người vốn có khuynh hướng ngược chiều, khuynh hướng tìm mình, chủ quan và cố chấp, chắc chắn họ sẽ khó lòng tránh được tai nạn, ở chỗ, họ cảm thấy bất mãn, bất nhất, bất định, bất an, thậm chí đi đến chỗ chán chường, buông thả và tuyệt vọng... Như thế, khi gặp tai nạn trầm trọng trong cuộc hành trình Tìm Về Chân Thiện Mỹ, con người có thể sẽ trở thành một hạt giống bị hư nhân, không bao giờ còn nẩy mầm để mọc lên được nữa, và đời đời sẽ bị chôn vùi dưới lòng đất tuyệt vọng đầy hư ảo.

Cho dù con người là một hạt giống mà nhân của nó có còn lành mạnh đi nữa, cũng không thể tự mình nẩy mầm và phát triển được, để đạt đến tầm vóc đích thực của mình, nếu nó không có đủ điều kiện thuận lợi.

Do đó, không lạ gì, trong khi đi tìm Sự Chân Thật, con người cứ tưởng những gì mình nghĩ là đúng. Trong khi đi tìm Sự Thiện Hảo, con người cứ tưởng những gì mình muốn là tốt. Trong khi đi tìm Sự Mỹ Lệ, con người cứ tưởng những gì mình tác hành là hay, mình phản ứng là lợi. Nhưng cuộc đời của họ, trước con mắt chứng nhân của một lương tri còn chân chính, lại chỉ toàn trổ sinh hoa bất mãn và trái bất an.

Tìm đạt Chân-Thiện-Mỹ mãi mà không được không phải là vì không có Chân-Thiện-Mỹ, hay Chân-Thiện-Mỹ chỉ là một địa chỉ ma, không có trong bản đồ cuộc sống của con người. Do đó, càng sống buông thả như không có Chân-Thiện-Mỹ, con người càng chìm đắm và mất tích trong một cuộc sống hoang đường.

Chân-Thiện-Mỹ là một Thực Tại Tối Cao Siêu Việt, chỉ có Lương Tâm chân chính mới có thể cảm nghiệm.


Chân-Thiện-Mỹ là một Thực Tại Thần Linh Tuyệt Đối, chỉ có Niềm Tin thuần túy mới có thể giao tiếp.

 

Chân-Thiện-Mỹ là một Thực Tại Viên Mãn Bất Tận, chỉ có Tình Yêu cao cả mới có thể hiệp thông.

Bởi thế, trong cuộc Hành Trình Đức Tin của con người hướng về và tìm kiếm vĩnh cửu:
Sống động là phát triển tầm vóc;
lương tri là ơn gọi làm người;
niềm tin là văn hóa thần linh;
tự do là làm chủ cuộc đời;
bình an là tràn đầy sức sống;
yêu thương là bản tính hoàn thiện;
hạnh phúc là viên mãn yêu thương.

Tuy nhiên, con người không thể nào xoay vần trong quĩ đạo nhân sinh của mình, nếu không có Mặt Trời Thần Linh hiện hữu và không được Mặt Trời này thu hút. Mặt Trời luôn Tỏ Mình cho con người đây chính là Đấng Tối Cao, Đấng thu hút con người bằng Ân Sủng Toàn Năng của Ngài, và xoay vần con người theo Thần Linh Chí Thánh của Ngài.

Như thế, nếu những gì con người làm khi choáng váng say rượu, hay làm lúc nửa tỉnh nửa mơ, hoặc làm khi mất trí, khi điên điên khùng khùng, là những việc con người làm theo phản ứng tự nhiên và thường là những việc không hợp với bản tính con người thế nào, thì những việc con người văn minh ngày nay làm có tính cách phi nhân bản, thậm chí phản nhân bản, phản luân thường đạo lý, cũng chứng tỏ cho thấy con người còn rất ấu trĩ, nếu không muốn nói là con người đang bị chứng tật chậm phát triển (developmental disability), thậm chí con người đang ở trong một tình trạng hôn mê, một tình trạng chẳng biết mình gì cả. Nghĩa là con người chưa sống thực, ở chỗ chưa biết mình.

Thực tế cho thấy con người chỉ tỏ ra nên trọn và viên mãn khi vươn ra khỏi bản thân mình, để trở thành con người phổ quát, con người cho mọi người. Chính thể lý, sinh lý cũng như tâm lý của họ cũng đã cho họ thấy r chiều hướng của cuộc đời họ, một chiều hướng thiên về kẻ khác hơn là qui về mình.

Đó là lý do, về tâm lý, trong tuổi dậy thì, thời điểm con người đang khi tìm khám phá ra mình là ai thì lại cũng chính là lúc con người cảm thấy hết sức tự nhiên và mãnh liệt hướng về đối tượng khác phái tính với mình.

Đó cũng là lý do, về thể lý, bộ ngực của nữ giới không phải chỉ là bộ phận hấp dẫn của họ mà còn là chính bầu sữa cho con cái nữa. Nên vắt sữa đổ đi hơn là cho con bú chỉ vì cố ý muốn giữ thân thể đẹp là một việc làm hết sức bất xứng.

Thật vậy, thân xác bẩm sinh của chúng ta nói chung không phải của chính bản thân mình cho bằng của tha nhân. Điển hình nhất là thân xác của người mẹ. Chính vì làm mẹ mà họ được sinh ra với thân phận phụ nữ dưới hình dạng và thân xác đàn bà, để có thể thụ thai, cưu mang và sinh nở. Sở dĩ họ có sữa là vì họ có con, tức nếu không có con họ sẽ không bao giờ có sữa. Vậy sữa đó là của người con hơn là của người mẹ, vẫn biết sữa đó từ thân xác của người mẹ mà có. Và vì sữa nơi người mẹ là của người con hơn của ngươêi mẹ mà nếu bà không chịu cho con mình bú, nó sẽ tự động hết đi và không còn nữa.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 9, 17/3/2002) 

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)