GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 10/2003

 

Ý Chung: “Xin cho giới trẻ biết theo Chúa Kitô là Ðường, là Sự Thật và Sự Sống, bằng một lòng nhiệt thành quảng đại và sẵn sàng làm chứng cho Người trong tất cả mọi hoàn cảnh họ sống”.


Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội được Chúa không ngừng ban cho các Vị Chủ Chăn sâu xa khôn ngoan và dồi dào thánh đức, sẵn sàng bênh vực ánh sáng Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất”.

 

___________________________________________

 12-18/10/2003

Giovanni Paolo II

 

18/10 Thứ Bảy

Hôm nay là Thứ Bảy, Ngày Thánh Mẫu hằng tuần, và ngày mai là Ngày Giáo Hội Bế Mạc Năm Mân Côi.Vậy chúng ta cùng nhau kết thúc Năm Mân Côi bằng việc nhìn lại cốt lõi của Kinh Mân Côi và Tông Thư về Kinh Mân Côi của ÐTC Gioan Phaolô II

Tâm Điểm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô và
Cầu Kinh Mân Côi là Tuyên Xưng Chúa Kitô



Tâm Điểm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô

Theo tinh thần gắn bó với Giáo Hội, Phong Trào Thiếu Nhi Fatima luôn học hỏi những gì được Đức Thánh Cha nhắn nhủ và kêu gọi cho giới trẻ. Chẳng hạn Thiếu Nhi Fatima đã học hỏi các sứ điệp của ĐTC gửi cho riêng giới trẻ từ năm 1997 đến 1999 để sửa soạn Mừng Đại Năm Thánh 2000, sau đó, từ năm 2001, hằng năm Thiếu Nhi Fatima cũng lấy sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm để làm đề tài cho Khóa Tĩnh Huấn cuối năm, như năm 2001 “Các con là muối đất, là ánh sáng thế gian”, đề tài cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII ở Canada vào tháng 7/2002. Ngoài ra, trong buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay hằng năm, Thiếu Nhi Fatima cũng lấy các sứ điệp của ĐTC về mùa chay trong năm đó để suy niệm và chia sẻ, như năm 2003 về đề tài “Cho đi phúc hơn nhận lãnh”.
 

Riêng Năm Mân Côi được bắt đầu từ ngày 16/10/2002 tới 19/10/2003, Thiếu Nhi Fatima cũng học hỏi Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bằng cách có 5 đoàn, mỗi đoàn phụ trách một phần của bức Tông Thư, ba phần thân cùng với phần mở và kết. Đoàn nào tới phiên tổ chức Thứ Bảy Đầu Tháng tại đoàn mình sẽ phụ trách trình bày và chia sẻ phần Tông Thư được chỉ định. Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng Thánh Tâm 7/6/2003 tới phiên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Mân Côi Pomona trình bày và chia sẻ phần Mở Đầu của Bức Tông Thư. Em huynh trưởng đại diện đoàn đã không nói hoàn toàn trong giới hạn về phần Mở Đầu mà là nói đến điểm cốt lõi của Bức Tông Thư, điểm đã đánh động em, (vì em đã đọc hết văn kiện này bằng tiếng Anh), đó là vấn đề Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi.

Lợi dụng dịp này, tôi cũng bổ túc thêm cho những gì em này cảm nhận và đồng thời cho chung các em Thiếu Nhi Fatima tham dự bấy giờ biết cách để chứng minh Chúa Kitô quả thực là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi. Những đoạn tiêu biểu Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh cái cốt lõi của Kinh Mân Côi trong Bức Tông Thư của Ngài như sau:

•     “Mặc dù rõ ràng là mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có tâm điểm là Chúa Kitô. Nơi những yếu tố bình dị của mình, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm, có thể nói được rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp Phúc Âm (Pope Paul VI, Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 42: AAS 66 [1974], 153). Kinh này còn là tiếng vọng của lời Mẹ Maria cầu nguyện, đó là Ca Vịnh Ngợi Khen bất hủ của Mẹ về công cuộc của Việc Nhập Thể cứu chuộc được bắt đầu trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ”.

•     “Có điều rõ ràng là, mặc dù Kinh Mân Côi lập đi lập lại được trực tiếp dâng lên Mẹ Maria, nhưng tác động yêu thương với Mẹ và nhờ Mẹ cuối cùng lại được nhắm đến Chúa Giêsu. Việc lập đi lập lại được nuôi dưỡng bằng ước muốn nên giống Chúa Kitô hoàn toàn hơn, một hoạt trình đích thực của đời sống Kitô hữu… Kinh Mân Côi giúp chúng ta nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn cho đến khi chúng ta đạt tới tầm mức thánh thiện thực sự” (đoạn 26).

Thế rồi, sau khi chứng thực cho các em thấy Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi, tôi tiếp tục cho các em biết rằng Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi có thể được chứng thực qua ba điều, thứ nhất qua cấu trúc của chính tràng hạt Mân Côi, thứ hai qua ý nghĩa hay nội dung của Kinh Kính Mừng, và thứ ba qua bố cục của Kinh Mân Côi.

Trước hết, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi qua cấu trúc của Tràng hạt Mân Côi, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Ngài về cây thánh giá vừa là khởi điểm vừa là qui điểm của tràng chuỗi Mân Côi như sau:

•     “Việc lần hạt Mân Côi từ trước đến nay vẫn được thi hành bằng việc sử dụng một cỗ tràng hạt. Nếu lần hạt mà chẳng để ý gì lắm thì các hạt chuỗi thường trở thành một cái máy thuần túy đếm thứ tự các Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, những hạt chuỗi này cũng có thể trở thành một biểu hiệu cho việc sâu xa chiêm niệm nữa. Ở đây, điều đầu tiên phải để ý là cách thức những hạt chuỗi này đồng qui nơi Cây Thánh Giá, nơi vừa mở ra lại vừa đóng lại cái tiến trình tỏ hiện của việc nguyện cầu. Đời sống và việc cầu nguyện của người tín hữu được tập trung vào Chúa Kitô. Hết mọi sự được bắt đầu từ Người, hết mọi sự đều qui về Người, hết mọi sự nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần” (đoạn 36).

Sau nữa, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi ở chỗ ý nghĩa hay nội dung của Kinh Kính Mừng, một ý nghĩa và nội dung được tập trung nơi câu “Và Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập đến điều này như sau:

•     “Trọng tâm nơi Kinh Kính Mừng, cái then chốt thực sự gắn nối hai phần của kinh này lại với nhau đó là tên của Chúa Giêsu. Đôi khi, vì vội vàng lần hạt chúng ta đã không để ý đến trọng tâm này cho lắm, và bởi thế cũng chẳng chú ý tới việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô liên quan đến trọng tâm ấy. Tuy nhiên, chính việc chăm chú đến danh của Chúa Giêsu cũng như đến mầu nhiệm của Người là dấu hiệu chứng tỏ việc lần hạt Mân Côi có ý vị và hiệu quả” (đoạn 33.2).

Thật vậy, mở đầu Kinh Kính Mừng là lời Sứ Thần Gabiên chúc tụng Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Thế nhưng, tại sao Mẹ Maria được Đầy Ơn Phúc? Nếu không phải vì “Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Và tại sao “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”? Nếu không phải vì “Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”.

Chưa hết, Mẹ Maria “đầy ơn phúc” không phải chỉ vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng, và “có phúc hơn mọi người nữ” không phải chỉ vì Mẹ được diễm hạnh thụ thai, cưu mang và cho Con Chúa Trời bú (x Lk 11:27), mà còn “có phúc vì đã tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 1:45). Đó là lý do, ở Mầu Nhiệm Mùa Thương, dù Con Mẹ có bị khổ nạn thế nào đi nữa, nhất là có bị đóng đanh trên thập giá chất vô cùng thảm thương và ô nhục mấy đi nữa, chúng ta vẫn chúc tụng Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn Phúc”. Nếu chính bản thân và cả cuộc đời của Mẹ Maria tập trung vào Chúa Kitô và hiệp nhất với Chúa Kitô, “Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”, như thế, thì quả thực Chúa Kitô chính là Tâm Điểm cho ý nghĩa và nội dung của Kinh Kính Mừng vậy, một Kinh tóm gọn tất cả mọi sự về Mẹ Maria, một kinh gói ghém tất cả Mầu Nhiệm Maria.

Chính vì thế, dù cả đời của mình, từng giây từng phút, chúng ta có lập lại lời Kinh Kính Mừng này, một lời kinh được Thánh Linh phát ngôn qua cửa miệng thần trời và thánh nhân, chúng ta, với tư cách cá nhân, cũng không xứng đáng và hoàn toàn chúc tụng Mẹ Maria cho đủ, vì Mẹ là kỳ công ân sủng tuyệt vời nhất của Thiên Chúa. Ðó là lý do chúng ta cứ phải lập đi lập lại Kính Mừng Maria mãi mãi để chúc tụng Mẹ. Tuy nhiên, khi chúng ta chúc khen Mẹ diễm phúc là chúng ta cùng với Mẹ chúc tụng chính Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những sự lạ lùng vậy (x Lk 1:49). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bày tỏ cảm nhận này trong Tông Thư Kinh Mân Côi như sau:

•     “Khi hiểu đúng Kinh Kính Mừng, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng là tính cách Thánh Mẫu của kinh này không nghịch lại với đặc tính Kitô học của kinh ấy, nhưng lại là đặc tính được kinh này thực sự nhấn mạnh và đề cao… Việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng nơi Kinh Mân Côi làm cho chúng ta được thông phần vào việc Thiên Chúa ngắm nghía và mãn nguyện, ở chỗ, chúng ta hân hoan thán phục nhìn nhận phép lạ cả thể nhất lịch sử loài người. Lời tiên tri của Mẹ Maria ở đây đã được nên trọn: ‘Từ nay hết mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc’ (Lk 1:48)” (đoạn 33.1).

Sau hết, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi ở bố cục của Kinh Mân Côi. Đúng thế, Kinh Mân Côi có hai phần rõ rệt, phần khẩu nguyện, với kinh chính yếu là Kinh Kính Mừng, và phần tâm nguyện, phần bao gồm 20 Mầu Nhiệm Chúa Kitô (kể cả 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng mới được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thêm vào trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria từ đầu Năm Mân Côi 16/10/2002).

Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II thì bởi vì các Mầu Nhiệm Chúa Kitô là hồn sống của Kinh Mân Côi, mà Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện chiêm niệm, một yếu tố chiêm niệm mà nếu không được thực hiện thì việc lần hạt Mân Côi chẳng khác gì như một cái xác vô hồn.

•     “Chính vì được bắt nguồn từ cảm nghiệm riêng của Mẹ Maria, Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tuyệt hảo. Thiếu chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ mất đi ý nghĩa của mình, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ tường vạch ra cho thấy điều ấy: ‘Thiếu chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một cái xác không hồn, và việc lần hạt có nguy cơ sẽ trở thành một việc lập đi lập lại theo công thức như máy móc, một việc phạm đến lời cảnh cáo của Chúa Kitô: Khi cầu nguyện chớ lảm nhảm như kiểu của Dân Ngoại, vì họ nghĩ rằng cứ phải nhiều lời thì việc cầu nguyện của họ mới có công hiệu (Mt 6:7). Tự bản chất của mình, việc lần hạt Mân Côi đòi phải có một nhịp điệu nhẹ nhàng và một tốc độ chậm rãi, giúp cho con người nhờ đó có thể suy niệm về các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô là những gì đã được nhìn thấy bằng ánh mắt của Vị ở gần Người nhất. Nhờ đó, kho tàng khôn thấu của các mầu nhiệm này mới được tỏ hiện’ (Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 47: AAS [1974], 156)”.

Tóm lại, chính vì Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa việc lần hạt Mân Côi hay cầu kinh Mân Côi là việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô:

•     “Hãy chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô với Mẹ Rất Thánh của Người và tại học đường của Mẹ Người. Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3).

•     “Bằng việc đọc lên những lời của Thiên Thần Gabiên và của bà Thánh Isave trong Kinh Kính Mừng, chúng ta cảm thấy mình liên lỉ được thúc đẩy tìm kiếm lại nơi Mẹ Maria, nơi đôi cánh tay của Mẹ, cũng như nơi trái tim của Mẹ, ‘quả phúc của lòng Mẹ’” (đoạn 24).
 

Cầu Kinh Mân Côi là Tuyên Xưng Chúa Kitô
 

Cũng em huynh trưởng Thiếu Nhi Fatima trên đây, vào ngày 29/8/2003, đã gửi cho tôi một điện thư đặt vấn đề là Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tại sao lại đọc chung thành lời, vì làm như thế sẽ gây chia trí vì đã chiêm niệm thì cần phải trầm lặng? Sau đây là những gì tôi đã trả lời cho em.

Để hiểu rõ vấn đề có vẻ mâu thuẫn này cần phải thấu triệt được bản chất của chiêm niệm Kitô giáo cũng như kết cấu chuyên biệt của chính Kinh Mân Côi.

Bản Chất Chiêm Niệm Kitô Giáo

Trước hết, chiêm niệm là gì, nếu không phải là cảm nghiệm thần linh bằng tất cả tâm hồn của mình, chứ không phải chỉ bằng trí khôn qua việc suy niệm, hay bằng ký ức qua việc tưởng nhớ, hoặc bằng cảm tình qua việc cảm xúc nhất thời. Tuy nhiên, cảm nghiệm thần linh cần phải được phản ảnh qua các hoạt động tông đồ. Đây là đặc điểm chuyên biệt nơi vấn đề chiêm niệm của Kitô giáo, khác với việc chiêm niệm của các tôn giáo khác. Việc Kitô giáo chiêm niệm không dừng lại ở chỗ một mình hoan hưởng những tư tưởng cao siêu, mà là tiến đến chỗ hăng say truyền bá và phục vụ. Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn 1:5) thì tâm hồn chiêm niệm, tâm hồn cảm nghiệm thần linh, hay cảm nghiệm ánh sáng, sẽ trở thành một thứ phản chiếu ánh sáng.

Đó là lý do chúng ta thấy, qua các Phúc Âm, bất cứ ai, kể cả thành phần ngoại giáo hay tội nhân, một khi được giao tiếp với Lời Nhập Thể, được giao tiếp với Vị Thiên Chúa thần linh nơi Con Người Giêsu Nazarét, tức một khi có được một cảm nghiệm thần linh thực sự, họ đều trở thành những nhà truyền giáo. Điển hình nhất là những người được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh đã không thể câm nín mà không tuyên dương chúc tụng Người dù đã được Người căn dặn phải giữ kín (x Mt 9:3-31; Mk 1:44-45), hay trường hợp của người phụ nữ Samaritanô sau khi bất ngờ được hội ngộ với Người bên bờ giếng Giacóp giữa buổi trưa nóng bức (x Jn 4:28-30), hoặc trường hợp của hai môn đệ chán chường đi về Emmau sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh qua cử chỉ bé bánh của Người (x Lk 24:31-35). Một tâm hồn chiêm niệm, chính vì cảm nghiệm thần linh, cảm thấy Thiên Chúa vô cùng đáng yêu đáng mến, làm sao có thể không lên tiếng chúc tụng Ngài, không "rên lên những lời than khôn tả" (Rm 8:26), cũng như có thể ngồi yên không làm hết cách để Ngài được nhận biết và yêu mến.

Là đệ nhất mô phạm về chiêm niệm, Mẹ Maria đã chẳng vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Isave của mình ngay sau khi Mẹ đã được thụ thai và cưu mang Con Đấng Tối Cao (x Lk 1:39-40) hay sao? Và việc chiêm niệm của Mẹ, việc Mẹ cảm nghiệm thần linh, cảm nghiệm Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đang thực sự hiện diện một cách thể lý ngay trong lòng dạ của Mẹ cũng đã chẳng làm cho Mẹ không thể không cất tiếng ngợi khen chúc tụng Ngài hay sao: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài, nên từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lk 1:46-48)?

Tóm lại, theo Kitô giáo, một Kitô hữu (đã tiến đến bậc cầu nguyện) chiêm niệm chính là một tông đồ. Các vị tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn sống gần Người, nhờ đó có thể chiêm ngắm Người, có thể cảm nghiệm được Người một cách cụ thể (x 1Jn 1:1-2), là để các vị sau đó, sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống, hiên ngang ra đi rao giảng tin mừng cho tất cả mọi tạo vật cho đến tận cùng trái đấy (x Mt 28:19; Mk 16:15; Acts 1:8). Đó là lý do Người đã căn dặn các vị ngay từ lần Người sai các vị đi truyền giáo tiên khởi cho thành phần "chiên lạc của nhà Yến Duyên" (Mt 10:6): "Những gì Thày nói với các con trong tăm tối, hãy nói ra trong ánh sáng. Những gì các con âm thầm nghe được hãy rao giảng trên mái nhà" (Mt 10:26-27). Thật vậy, tâm hồn chiêm niệm chỉ thực sự cảm nghiệm thần linh sau khi họ đã trải qua những đêm tăm tối đức tin, cũng như sau khi, nhờ đó, họ được Thiên Chúa mạc khải cho biết những điều cao siêu huyền nhiệm mà chính thành phần khôn ngoan thông thái nhất thế gian cũng không thể nào tự mình có thể thấu hiểu và chấp nhận (x Mt 11:25).

Căn cứ vào bản chất của vệc chiêm niệm theo Kitô giáo trên đây, chúng ta thấy chiêm niệm có tích cách sinh động và truyền đạt chứ không phải thụ động và chiếm thủ. Bởi thế, việc nội tâm chiêm niệm và miệng lưỡi chúc tụng nơi Kinh Mân Côi một lúc là tác động rất thích hợp với việc chiêm niệm.

Cấu Trúc Chuyên Biệt của Kinh Mân Côi

Không giống như tất cả mọi kinh nguyện khác, Kinh Mân Côi gồm có hai phần, khẩu nguyện (vocal prayer) và tâm nguyện (mental prayer). Khẩu nguyện là việc đọc các Kinh Mân Côi, nhất là Kinh Kính Mừng. Tâm nguyện là việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi (vui, sáng, thương, mừng). Thiếu một trong hai phần này, hoặc khẩu nguyện hay tâm nguyện, đều không phải là Kinh Mân Côi. Sở dĩ Kinh Mân Côi vừa có cả khẩu nguyện lẫn tâm nguyện là vì khẩu nguyện liên quan đến đức tin cứu độ và tâm nguyện liên quan đến mạc khải thần linh.

Thật vậy, Mầu Nhiệm Mân Côi cũng chính là Mầu Nhiệm Chúa Kitô, bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết qua Con Người Giêsu Nazarét, để loài người có thể nhờ đó mà được cứu độ bằng đức tin của mình, một đức tin được chứng thực bằng việc tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16; x Jn 11:27). Thế nhưng, trong loài người ai đã tin tưởng Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra nơi Con Người Giêsu Nazarét cho bằng Mẹ Maria. Bởi vậy, theo ý nghĩa này, khi đọc Kinh Kính Mừng là Kitô hữu Công giáo chúng ta chẳng những tỏ ra khâm phục đức tin tuyệt đối của Mẹ, Đấng "có phúc vì đã tin" (Lk 1:45), Đấng luôn "đầy ơn phúc" (Lk 1:28), ở chỗ, đã theo Người cho đến cùng, đến khi đứng dưới chân thập giá của Người (x Jn 19:25), mà còn cùng với Mẹ Maria tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra là để cứu độ loài người thì Ngài còn mong gì hơn là được loài người tỏ ra tin tưởng chấp nhận Ngài. Cũng thế, nếu Mầu Nhiệm Mân Côi, hay Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là những mầu nhiệm diễn đạt Mạc Khải Thần Linh, thì Mầu Nhiệm Mân Côi, Mầu Nhiệm Chúa Kitô không thể thiếu Kinh Nguyện Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng là kinh nguyện chất chứa đức tin của một đệ nhất tạo vật về ân sủng. Việc môi miệng đọc Kinh Kính Mừng, do đó, không thể thiếu trong việc nội tâm đồng thời cũng chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi.

Tuy nhiên, vì thuộc về gia đình nhân loại mà mỗi một con người sinh vào trần gian đều nhiễm lây nguyên tội và phải lãnh chịu hậu quả của nguyên tội thế nào, theo lịch sử cứu độ, Thiên Chúa cũng muốn thực hiện dự án cứu độ của Ngài qua Cộng Đồng Dân Chúa là dân Do Thái, và muốn qui tụ con cái của Ngài phân tán khắp nơi lại thành Cộng Đồng Giáo Hội như vậy. Vì là Dân Chúa đã được cứu độ qua Bí Tích Rửa Tội, Kitộ hữu càng cần phải cùng nhau chẳng những tuyên xưng đức tin, nhất là qua việc cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin là Thánh Lễ, mà còn cần phải cùng nhau truyền bá đức tin, cụ thể là việc bác ái xã hội của các dòng tu.

Nếu Kinh Kính Mừng, như đã nhận định, là kinh thể hiện đức tin cao cả của Mẹ Maria trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô, thì việc đọc Kinh Mân Côi chung cũng là một cách hết sức thích hợp và chích đáng trong việc cùng nhau biểu lộ đức tin, tuyên xưng đức tin. Bởi thế, Kinh Mân Côi, tuy không phải là Kinh Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội, làm cho Kitô hữu dù có đọc riêng theo cá nhân cũng vẫn có tác dụng đọc chung với tư cách của toàn thể Giáo Hội, một khi được đọc chung, bấy giờ Kinh Mân Côi mang tính cách Giáo Hội, tính cách của một Cộng Đồng Dân Chúa cùng nhau tuyên xưng đức tin. Đó là lý do Kinh Mân Côi chẳng những có thể đọc riêng mà còn nên đọc chung và cần phải đọc chung nữa.

Tình trạng chia trí khi đọc kinh Mân Côi chung hơn là đọc riêng không phải do chính kết cấu của Kinh Mân Côi, hay do đường lối thực hành kinh nguyện đặc biệt này, cho bằng, ngoài những lý do khác, còn do bởi tâm hồn cầu kinh nguyện ấy đi từ ngoài vào trong, chứ không phải từ trong ra ngoài. Nếu con người đi từ ngoài vào trong ở chỗ nhờ những lời kinh mà suy mầu nhiệm, một tác động, theo kinh nghiệm, dễ trở thành thuần túy "môi miệng" (x Mk 7:6), thì con người cầu kinh Mân Côi đi từ trong ra ngoài, từ lòng đầy mới trào ra ngoài miệng (x Mt 12:34), ở chỗ, nội tâm họ say sưa chiêm niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô rồi mới bật thành lời lập đi lập lại không ngừng Kinh Kính Mừng Maria!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Mẹ Têrêsa Calcutta:

Tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu

Nhân dịp lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha đã công bố tiểu sử sau đây về vị tân chân phước, được VIS phổ biến ngày 17/10/2003.

“Về huyết nhục thì tôi là người Albany. Theo tính cách công dân thì tôi là một người Ấn Độ. Với đức tin thì tôi là một nữ tu Công Giáo. Theo ơn gọi của mình thì tôi thuộc về thế giới. Với tâm hồn của mình thì tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”. Với một thân mình nhỏ con, một đức tin sắt đá, Mẹ Têrêsa Calcutta được úy thác cho sứ mạng truyền bá tình yêu khát khao của Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là cho thành phần nghèo nhất trong thành phần nghèo khổ. “Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian và Ngài gửi anh chị em và tôi đến làm tình yêu của Ngài và lòng xót thương của Ngài đối với người nghèo”. Mẹ là một tâm hồn đầy tràn ánh sáng Chúa Kitô, cháy lửa mến yêu Người và bừng bừng một ước mong duy nhất đó là “làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Người”.

Vị sứ giả ánh sáng này của tình yêu Thiên Chúa được sinh vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Albania, một thành phố tọa lạc ở giao điểm lịch sử Balkan. Người con trẻ nhất này được sinh ra bởi hai vị thân sinh Nikola và Drane Bojaxhiu này được rửa tội với tên là Gonxha Agnes, được Rước Lễ Lần Đầu lúc 5 tuổi rưỡi và chịu phép Thêm Sức vào tháng 11/1916. Từ ngày Rước Lễ Lần Đầu, tình yêu các linh hồn đã triển nở trong tâm hồn bé. Bé mất cha bất ngờ khi mới lên tám. Bà mẹ góa kiên cường nuôi con cái, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính nết cùng ơn gọi của bé. Ngoài ra, đời sống đạo của bé cũng được nâng đỡ bởi cả vị linh mục Dòng Tên coi xứ Thánh Tâm là nơi bé sinh hoạt nữa.

Vào năm 18 tuổi, được thúc đẩy bởi ý định trở thành một nhà truyền giáo, cô Gonxha đã bỏ gia đình vào tháng 9/1928 để dâng mình cho Chúa trong Dòng Trinh Nữ Maria, tức tu hội Nữ Tu Loreto ở Ái Nhĩ Lan. Tại đây chị được đặt tên là Nữ Tu Maria Têrêsa theo Thánh Nữ Therese Hài Đồng Giêsu. Vào tháng 12 cùng năm, chị này lên đường đi Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Sau khi khấn lần đầu vào tháng 5/1931, Nữ Tư Têrêsa được chỉ định đến cộng đồng Loreto Entally ở Calcutta và dạy học ở Trường Thánh Maria phái nữ. Vào ngày 24/5/1937 Nữ Tu này khấn trọn, để trở thành, như chị nói, “hôn thê của Chúa Giêsu” cho “đến muôn đời bất tận”. Từ đó trở đi, chị được gọi là Mẹ Têrêsa. Mẹ tiếp tục dạy học ở Trường Thánh Maria và làm hiệu trưởng của trường này vào năm 1944. Là một con người sâu xa cầu nguyện và hết sức yêu thương chị em dòng cũng như học sinh của mình, 20 năm sống trong dòng Loreto Mẹ cảm thấy thật là hạnh phúc. Nổi tiếng là bác ái, vị tha và can đảm, khả năng chịu khó và có óc tổ chức, Mẹ đã sống trọn cuộc sống tận hiến của mình cho Chúa Giêsu, giữa chị em đồng tu, một cách trung thành và vui vẻ.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để dự tuần phòng hằng năm, Mẹ Têrêsa đã được “ơn soi động”, một “ơn gọi trong ơn gọi” của Mẹ. Hôm ấy, Mẹ đã ở trong một trạng thái mà Mẹ không bao giờ giải thích, cơn khát yêu thương và các linh hồn của Chúa Giêsu chiám đoạt tâm hồn Mẹ, và ước muốn làm giãn cơn khát của Người trở thành mãnh lực chi phối cuộc sống của Mẹ. Những tháng ngày sau đó, bằng những ngôn xướng và thị kiến nội tâm, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ biết ý của Trái Tim Người muốn có “những mồi ngon của tình yêu”, thành phần “chiếu tỏa tình yêu của Người trên các linh hồn”. Người đã nài xin Mẹ: “Hãy đến để làm ánh sáng của Cha. Cha không thể đi một mình”.

Người đã tỏ cho Mẹ biết cái đau đớn của Người nơi thành phần nghèo khổ bị bỏ rơi, niềm sầu thương của Người ở chỗ vô tri của họ và niềm khát vọng được họ yêu mến. Người đã xin Mẹ Têrêsa hãy thành lập một cộng đoàn tu trì, Dòng Thừa Sai Bác Ái, dấn thân phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo. Gần hai năm trời bị thử thách và nhận thức qua đi trước khi Mẹ được phép bắt đầu khởi sự. Vào ngày 17/8/1948, lần đầu tiên Mẹ mặc bộ sari trắng viền xanh dương và bước qua cổng tu viện Loreto thân yêu để tiến vào thế giới người nghèo.

Sau một khóa huấn luyện ngắn với Các Nữ Tu Thừa Sai Y Khoa ở Patna, Mẹ Têrêsa trở về Calcutta và tìm một trú cư tạm thời với Các Sư Tỷ Nghèo. Vào ngày 21/12 lần đầu tiên Mẹ đi đến những khu nhà ổ chuột. Mẹ đã viếng thăm các gia đình, rửa các vết ghẻ lở cho một số trẻ em, chăm sóc cho một người già nằm bệnh trên đường phố và thuốc men cho một người đàn bà đang chết đói và bị lao phổi. Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng việc rước lấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và rồi lên đường, tay cầm tràng hạt, để tìm kiếm và phục vụ Ngài nơi “thành phần không được chú ý tới, không được yêu thương, không được chăm sóc“. Sau mấy tháng, Mẹ được những học sinh của Mẹ trước đó, từng người một, đến tham gia cộng tác với Mẹ.

Ngày 7/10/1950, hội dòng mới Chư Thừa Sai Bác Ái đã được chính thức thành lập tại TGP Calcutta. Vào đầu thập niên 1960, Mẹ Têrêsa bắt đầu gửi các Nữ Tu dòng của Mẹ đi đến các vùng khác ở Ấn Độ. Sắc Lệnh Ca Ngợi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban gửi cho hội dòng của Mẹ đã khuyến khích Mẹ mở một nhà ở Venezuela. Chẳng bao lâu sau những nhà khác được thành hình ở Rôma và Tanzania, rồi dần dần ở hết mọi lục địa. Bắt đầu từ năm1980 và liên tục qua thập niên 1990, Mẹ Têrêsa đã mở những nhà ở hầu hết mọi quốc gia cộng sản, bao gồm cả ở Khối Hiệp Nhất Sô Viết trước đây, Albania và Cuba.

Để đáp ứng hơn nữa cho cả nhu cầu về thể lý cũng như thiêng liêng, năm 1963 Mẹ Têrêsa đã lập hội dòng Thừa Sai Chư Huynh Bác Ái, năm 1976 ngành chiêm niệm cho các Nữ Tu, năm 1979 ngành Chư Huynh Chiêm Niệm, và năm 1984 Thừa Sai Chư Phụ Bác Ái. Tuy nhiên, ơn soi động của Mẹ không giới hạn vào những ai theo đuổi ơn gọi tu trì mà thôi. Mẹ đã thành lập tổ chức Đồng Cán Sự của Mẹ Têrêsa cũng như Đồng Cán Sự Phục Vụ Bệnh Nhân và Đau Khổ, những người thuộc nhiều tín ngưỡng và quốc tịch được Mẹ chia sẻ tinh thần cầu nguyện của Mẹ, tinh thần giản dị đơn sơ của Mẹ, tinh thần hy sinh của Mẹ và tinh thần tông đồ thực hiện những việc làm yêu thương khiêm tốn của Mẹ. Tinh thần này sau đó đã tác động nên Chư Thừa Sai Giáo Dân Bác Ái. Để đáp lại những lời yêu cầu của nhiều linh mục, vào năm 1981, Mẹ Têrêsa cũng đã bắt đầu Phong Trào Chúa Kitô cho Các Linh Mục như là một “đường lối thánh thiện nhỏ bé” cho những vị muốn tham dự vào đặc sủng và tinh thần của Mẹ.

Trong những năm phát triển nhanh này, thế giới bắt đầu chú ý tới Mẹ Têrêsa và công việc Mẹ đã khởi công thực hiện. Nhiều bằng tưởng thưởng, bắt đầu là Bằng Tưởng Thưởng Padmashiri Ấn Độ vào năm 1962, nhất là Giải Hòa Bình Nobelnăm 1979, đã tôn vinh công cuộc của Mẹ, khiến cho giới truyền thông lưu ý và bắt đầu theo dõi các sinh hoạt của Mẹ. Mẹ đã lãnh nhận cả các thứ giải thưởng và sự chú trọng “vì vinh quang Thiên Chúa và nhân danh kẻ nghèo”.

Suốt cuộc đời và lao nhọc của Mẹ Têrêsa đều chứng tỏ cho thấy niềm vui của yêu thương, sự cao cả và phẩm giá của hết mọi con người, giá trị của những điều nhỏ mọn được trung thành thực hiện vì yêu mến, và giá trị siêu việt của tình bằng hữu với Thiên Chúa. Thế nhưng còn một phương diện anh hùng khác về người nữ cao cả này đã được tỏ lộ chỉ sau khi người nữ ấy qua đời. Khuất kín trước mắt của tất cả mọi người, ngay cả với những người thân cận nhất với Mẹ, đó là đời sống nội tâm của Mẹ, đầy những cảm nghiệm đau thương sâu đậm liên lỉ của tình trạng bị xa lìa Thiên Chúa, thậm chí bị Ngài loại bỏ, mà lại cứ càng khát vọng tình yêu của Ngài. Mẹ đã gọi cảm nghiệm nội tâm này là “bóng tối tăm”. “Đêm tối đau thương” của linh hồn Mẹ ấy, được bắt đầu vào khoảng thời gian Mẹ khởi sự hoạt động cho người nghèo và đã tiếp tụccho đến hết đời của Mẹ, đã khiến Mẹ tiến đến chỗ được hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Nhờ bóng tối tăm Mẹ đã tham dự một cách lạ lùng vào cơn khát của Chúa Giêsu, vào khát vọng đau thương bừng cháy yêu thương của Người, và Mẹ đã tham dự vào nỗi cô đơn hiu quạnh nội tâm của thành phần nghèo khổ.

Trong những năm cuối đời của mình, mặc dù có những trục trặc trầm trọng về sức khỏe, Mẹ Têrêsa vẫn tiếp tục coi sóc Hội Dòng của Mẹ và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo cũng như của Giáo Hội. Vào năm 1997, con số nữ tu dòng của Mẹ gần 4 ngàn và đã thiết lập được 610 nhà ở 123 quốc gia trên thế giới. Vào 3/1997, Mẹ đã chúc lành cho vị thừa kế mới được tuyển bầu của mình làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái, để rồi thực hiện nhiều chuyến xuất ngoại hơn. Sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lần cuối cùng, Mẹ đã trở về Calcutta và sống những tuần lễ cuối cùng của mình tiếp đón các khách viếng thăm và chỉ dẫn cho các Nữ Tu của Mẹ. Vào ngày 5/9, Mẹ đã chấm dứt cuộc sống trần gian. Mẹ đã được vinh dự chôn cất theo quốc táng do chính quyền Ấn Độ thực hiện, và thi thể của Mẹ được an táng tại Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ trở thành một địa điểm hành hương mau chóng và là nơi cầu nguyện cho dân chúng thuộc đủ mọi tín ngưỡng, giầu cũng như nghèo. Mẹ Têrêsa đã để lại chứng từ của một đức tin bất khả chuyển lay, một niềm hy vọng bất khuất và một đức ái phi thường. Việc Mẹ đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu “hãy đến làm ánh sáng của Cha”, làm Mẹ trở thành một vị Thừa Sai Bác Ái, thành “mẹ của người nghèo”, làm biểu hiện của lòng xót thương trước thế giới, và là một chứng từ sống động cho tình yêu khát khao của Thiên Chúa.

Không đầy hai năm sau khi qua đời, căn cứ vào tiếng tăm thánh đức lẫy lừng của Mẹ cùng với những thuận lợi xẩy ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành việc phong thánh cho Mẹ. Ngày 20/12/2002, Ngài đã chuẩn nhận sắc lệnh về các nhân đức anh hùng và phép lạ của Mẹ.
 

Trò Chơi Phúc Âm cho Chúa Nhật XXIX
 

Hai Bên Tả Hữu Chúa
 

Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người đáp: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên taœ Thầy trong vinh quang cuœa Thầy”. Chúa Giêsu baœo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rưœa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu baœo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rưœa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên taœ Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà baœo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chuœ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Hướng Dẫn

Đọc bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, hình như ai cũng đều thông cảm với phản ứng tự nhiên của các vị tông đồ về thái độ có vẻ vừa ham danh vừa ngông cuồng liều lĩnh của hai anh em Gioan và Giacôbê, khi cặp anh em tông đồ này công khai xin Chúa Giêsu cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái của Người khi Người được vinh quang. Như thế, qua mối cảm thông này, độc giả đọc bài Phúc Âm đây còn cho thấy họ cũng có cùng ý nghĩ như các tông đồ, nghĩa là họ cũng cho rằng hai anh em tông đồ này ham danh và ngông cuồng liều lĩnh.

Tuy nhiên, thực tế có đúng như vậy hay chăng, hay các tông đồ bấy giờ và chúng ta hiện nay đã hiểu lầm cặp anh em tông đồ vốn được Chúa Giêsu dẫn theo cùng với tông đồ Phêrô đến một số nơi đặc biệt, điển hình nhất là cuộc biến hình trên núi cao của Người (x Mk 9:2), hay trường hợp Người hồi sinh đứa con gái của ông Giairô (x Mk 5:37)?

Nếu để ý kỹ chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ lên tiếng dạy các tông đồ làm đầu là phục vụ sau khi 10 vị tông đồ cảm thấy ghen tức với hai anh em tông đồ Gioan và Giacôbê mà thôi. Chứ trước đó, Người không nói gì, mà còn vui vẻ đối đáp với lời yêu cầu có vẻ điên cuồng của anh em họ. Hình như Người đã thấy được lòng thành của cặp anh em này trong việc họ muốn cương quyết theo Người cho đến cùng, dù có phải uống chén đắng đau thương với Người, vì khi được vinh dự chịu đau khổ với Người là hưởng vinh quang với Người rồi vậy.

Lịch sử đã cho thấy, quả thực, sau đó, hai anh em tông đồ này, một người đã được ngồi bên hữu của Chúa Kitô, đó là tông đồ Gioan, người tông đồ duy nhất đã cùng với Mẹ Maria đứng bên thập giá của Người để chứng kiến và cảm thông (uống) với cảnh vô cùng đau thương của Thày mình, và một người bên tả, đó là tông đồ Giacôbê, vị đã là giám mục đầu tiên ở Giêrusalem cũng là vị tông đồ tử đạo (x. Acts 12:2) trước hết trong các tông đồ, vị tông đồ bởi thế là vị đầu tiên được Chúa Kitô cho uống chén tử nạn với Người và như Người.

Do đó, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau sinh hoạt trò chơi Hai Bên Tả Bên Hữu Chúa.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra bốn người, một người đóng vai Chúa Giêsu, một người đóng vai quân dữ và hai người kia đóng vai hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan.

2. Người đóng vai Chúa Giêsu và người đóng vai quân dữ của nhóm này đi với hai người đóng vai hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan của nhóm kia.

3. Người đóng vai quân dữ làm một cử chỉ nào đó như hành hạ người đóng vai Chúa Giêsu, như quật roi, tát vào mặt, xô đẩy và xoay vần v.v.

4. Khi bị hành hình, người đóng vai Chúa Giêsu sẽ phản ứng bằng cách quị xuống khi bị đá, ngồi xuống khi bị đánh vào đầu hay xoay người theo cái tát tai hoặc chúi mình loạng quạng vấp ngã khi bị xô đẩy v.v. Người đóng vai Chúa Giêsu phải làm sao để gây khó dễ cho hai người đóng vai gioan và Giacôbê trong việc hai người này luôn phải ở vị trí nhất định bên phải hay bên trái của mình.

5. Hai người đóng vai anh em Giacôbê và Gioan sẽ phải làm sao để có thể luôn ở bên tả và bên hữu (như từ đầu, Giacôbê bên trái và Gioan bên phải chẳng hạn) của người đóng vai Chúa Giêsu.

6. Nếu Chúa Giêsu đứng, ngồi, quì, xoay người, quay mặt, v.v. hai anh em tông đồ Gioan và Giacôbê, vì cùng uống chén khổ nạn với Người, cũng phải làm y hệt như vậy, một người bên tả và một người bên hữu như đã được đặt định ngay từ ban đầu, không được sai chỗ.

7. Người đóng vai quân dữ có thể làm 10 cử điệu hành hạ Chúa Giêsu để xem hai người đóng vai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan có thực sự trung thành ở bên tả bên hữu Người hay chăng.

8. Trò chơi sẽ được tính điểm hơn thua ở chỗ căn cứ vào những lần nhóm nào có hai người đóng vai Giacôbê và Gioan ít ở sai chỗ của mình bên Chúa Giêsu nhiều lần hơn trong 10 lần Người bị hành hạ.

 

17/10 Thứ Sáu

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:

Tiểu Sử Cuộc Đời,  Giáo Triều 25 Năm và Cảm Nhận Ngân  Khánh  - Giây Phút Ngỡ Ngàng Bừng Rộ 25 Năm Về Trước

Tiểu Sử Cuộc Đời Vị Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Karol Josef Wojtyla, được bầu làm giáo hoàng 25 năm trước đây, được sinh ra ở Wadowice, một thành phố nhỏ cách Krakow 50 cây số, vào ngày 18/5/1920. Ngài là người con trai thứ hai của ông bà thân sinh Karol Wojtyla và Emilia Kaczorowska.

Mẹ Ngài chết năm 1929 khi sinh người con thứ ba, người con bị chết lúc chào đời. Người anh của Ngài là Edmund là một bác sĩ, đã qua đời năm 1932, và thân phụ của Ngài, một viên sĩ quan, cũng đã qua đời năm 1941. Ngài đã xưng tội rước lễ lần đầu vào năm 9 tuổi và được thêm sức năm 17 tuổi. Ra trường trung học Martin Wadowita ở Wadowice, Ngài đã tiếp tục việc học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow vào năm 1938 và học cả về kịch nghệ. Khi các lực lượng Nazi của Đức đóng cửa đại học đường này năm 1939, Ngài đã phải đi làm lao công ở một hầm mỏ rồi ở một xưởng hóa chất ở Solvay để kiếm kế sinh nhai và khỏi bị đi đầy sang Đức.

Vào năm 1942, nhận thức được ơn gọi làm linh mục, Ngài bắt đầu học các khoa học ở chủng viện chui ở Krakow do ĐHY Adam Stefan Sapieha, TGM Krakow, thực hiện. Chính Ngài cũng là một trong những người đi tiên phong của “Khấu Trường Rhapsodic”, cũng là một hoạt động chui vào thời đó. Sau Thế Chiến II, Ngài tiếp tục việc học của Ngài ở đại chủng viện Krakow khi chủng viện này tái mở cửa, cũng như ở khoa thần học đại học Jagiellonian cho đến khi được thụ phong linh mục ở Krakow vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1946.

Sau đó ít lâu, ĐHY Sapieha đã gửi Ngài sang Rôma học, dưới sự hướng dẫn của một cha Dòng Đaminh người Pháp là linh mục Garrigou-Lagrange. Ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1948, với luận án về đức tin nơi các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Trong thời gian học ở Rôma, Ngài đã tận thi hành thừa tác mục vụ nơi những người Balan di dân sống ở Pháp, Bỉ và Hòa Lan. Ngài đã trở về Balan năm 1948 và làm phó xứ cho một số giáo xứ ở Krakow cũng như làm tuyên úy cho các sinh viên đại học cho đến năm 1951 là lúc Ngài lại tiếp tục việc học của Ngài về triết lý và thần học. Năm 1953, Ngài đã trình luận án “Thẩm Định về Việc Có Thể Thành Lập một Nền Đạo Lý Công Giáo theo Cấu Trúc Đạo Lý của Max Scheler” ở Đại Học Công Giáo Lublin. Sau đó Ngài đã làm giáo sư dạy luân lý thần học và đạo lý xã hội ở đại chủng viện Krakow và ở Khoa Thần Học Đại Học Lublin.

Vào ngày 4/7/1958, Ngài được ĐTC Piô XII bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Krakow, và được tấn phong giám mục ngày 28/9/1958, ở Vương Cung Thánh Đường Wawel, Krakow, bởi ĐTGM Baziak. Vào ngày 13/1/1964, Ngài được ĐTC Phaolô VI bổ nhiệm làm TGM Krakow, và được lãnh tước hồng y ngày 26/6/1967. Ngài đã tham dự hết mọi cuộc thượng hội giám mục từ khi thượng hội này được ĐTC Phaolô VI khởi xướng năm 1967. Đặc biệt là Ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vatican II với việc hợp tác quan trọng qua đóng góp của Ngài vàp Hiến Chế Giáo Hội về Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”.

Giáo Triều 25 Năm

Vào lúc 4 giờ 45 chiều ngày 14/10/1978, tức 10 ngày sau lễ an táng Đức Gioan Phaolô I, 110 vị hồng y cử tri và 88 người được chọn để giúp việc cho các vị tiến vào phòng mật nghị bầu giáo hoàng để tuyển chọn vị kế thừa Thánh Phêrô thứ 263 hay vị giáo hoàng thứ 264.

Vào lúc 6 giờ 18 phút chiều Thứ Hai 16/10, tức ba ngày sau, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của Nguyện Đường Sistine, báo hiệu hồng y đoàn đã chọn được vị tân giáo hoàng. 27 phút sau, ĐHY Pericle Felici xuất hiện ở hành lang chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để loan báo vị giáo hoàng đắc cử Gioan Phaolô II bằng những lời sau đây: "Annuntio vobis gaudium magnum Habemus Papam Carolum Wojtyla, qui sibi nomen imposuit Ioannem Paulum II."

Vào lúc 7:15 tối cùng ngày, vị tân giáo hoàng, trong bộ áo trắng truyền thống của giáo hoàng, xuất hiện cũng ở cùng hành lang và nói bằng tiếng Ý, những lời giờ đây cả chục triệu người trên thế giới đã quen thuộc: “Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô! Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta vẫn còn đang buồn thảm trước cái chết của vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô I rất yêu dấu. Và giờ đây các vị hồng y rất đáng kính đã chọn được một vị tân giám mục Rôma. Các vị đã chọn ngài từ một xứ sở xa xôi, … xa vời, thế nhưng bao giờ cũng gần gũi trong mối hiệp thông đức tin và truyền thống Kitô giáo. Tôi cảm thấy sợ hãi trong việc được tuyển chọn này, thế nhưng, với tinh thần tuân phục Chúa cũng như hoàn toàn tin tưởng vào Mẹ Rất Thánh của Người, Tôi đã chấp nhận. Tôi không biết Tôi diễn tả hoàn toàn theo ngôn ngữ Ý quốc của anh chị em, của chúng ta hay chăng. Song nếu Tôi vấp váp cách nào, xin anh chị em sửa cho Tôi. Bởi vậy Tôi tự giới thiệu mình với tất cả anh chị em, để tuyên xưng niềm tin chung của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, niềm tin tưởng của chúng ta nơi người mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội, cũng như để bắt đầu một lần nữa bước đi trên con đường này của lịch sử và của Giáo Hội, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và sự hỗ trợ của con người”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Hồng Y Karol Wojtyla, TGM Krakow, được chọn làm vị Giáo Hoàng thứ 264 vào lần bỏ phiếu thứ hai trong ngày thứ hai của cuộc mật nghị bầu giáo hoàng lần thứ hai trong năm 1978. Bấy giờ vị tân giáo hoàng mới được 58 tuổi 5 tháng. Sáu ngày sau, Chúa Nhật 22/10/1978, Đức Tân Giáo Hoàng cử hành lễ đăng quang. Kể từ ngày 22/10/1978 đăng quang này cho tới 16/10/2003 giáo triều của Ngài được 9 ngàn 1 trăm 25 ngày. Giáo triều của Ngài dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh, sau Đức Lêô XIII 25 năm, 4 tháng và 17 ngày, sau Đức Piô IX 31 năm 7 tháng và 17 ngày, và sau Thánh Phêrô (từ năm 33 tới khi được tử đạo vào năm 66 hay 68, tức 33 năm hay 35 năm).

Trong 25 năm giáo triều của mình, Đức Gioan Phaolô II đã triệu tập 8 mật nghị để phong tước cho 201 vị hồng y. Nếu kể cả cuộc mật nghị lần 9 ngày 21/10/2003 thì Ngài đã phong tước hồng y cho tất cả 232 vị. Về phía các vị giám mục, trong số gần 4.200 vị, Ngài đã bổ nhiệm 3.300 vị tân giám mục. Ngài đã gặp gỡ từng vị vào dịp các vị sang viếng thăm tòa thánh ngũ niên. Ngài đã viết 14 bức thông điệp, 14 bức tông huấn, 11 bức tông hiến, 42 bức tông thư và 28 văn kiện Motu proprio cùng cả trăm sứ điệp và thư từ khác. Riêng để sửa soạn cho Đại NămThánh 2000, Ngài đã viết bức Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba” đề ngày 10/11/1994 và ban hành sau đó 4 ngày. Ngoài ra Ngài còn thành lập một ủy ban sửa soạn cho Đại Năm Thánh này nữa, do ĐHY hồi hưu chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình làm đầu. Ngài đã chủ tọa 15 thượng hội giám mục, 6 thượng hội thường xuyên (1980, 1983, 1987, 1990, 1994 và 2001), một bất thường (1985) và 8 công hội đặc biệt nhất là các công hội giám mục thuộc năm châu lục (1980, 1981, 1994, 1997, 1998 hai dịp và 1999).

Ngài đã thực hiện 102 chuyến tông du ngoài Ý quốc, chuyến đầu tiên về Balan 6/1979, và chuyến cuối cùng đến Slovakia 9/2003. Ngài cũng đã thực hiện 143 chuyến viếng thăm trong Nước Ý và gần 700 chuyến thăm viếng trong thành phố Rôma và giáo phận Rôma, bao gồm những cuộc viếng thăm các giáo xứ (301 trong 325 giáo xứ) cũng như các tổ chức tôn giáo, đại học đường, chủng viện, nhà thương, dưỡng viện và trường học. Với 245 chuyến viếng thăm cả trong lẫn ngoài Nước Ý, Ngài đã đi tất cả 1.163.865 cây số (698.310 dặm), tức là bằng quảng đường dài hơn 8 lần chu vi trái đất hay gấp 3 lần từ trái đất lên mặt trăng.

Ở tại Rôma hay Vatican, Ngài đã tiếp trung bình 1 triệu người mỗi năm, bao gồm từ 400 đến 500 ngàn người tham dự các buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày Thứ Tư, và những người đến tham dự vào những dịp đặc biệt như Giáng Sinh và Phục Sinh, những cuộc phong chân phước và hiển thánh. Đặc biệt là các nhóm hay phái đoàn đặc biệt (bao gồm cả các phái đoàn ngoại giao và thủ lãnh quốc gia) được Ngài cho triều kiến riêng, trong bình từ 150 đến 160 ngàn người mỗi năm. Kể cả buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư 15/10/2003, Ngài đã thực hiện 1.106 buổi như thế này, tiếp trên 17 triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới. Còn các cuộc triều kiến tư riêng đặc biệt khác đã lên tới trên 1.500 buổi. Riêng về vấn đề ngoại giao, giáo triều của Ngài bắt đầu với 85 quốc gia, nhưng sau 25 năm đã lên tới 174 nước, chưa kể với chung Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Sovereing Military Order of Malta, cũng như có liên hệ đặc biệt với Liên Bang Nga và Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO: Palestine Liberation Organization).

Theo văn phòng cử hành phụng vụ, ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên phong cho 1.324 vị chân phước trong 140 lễ nghi, và 477 vị thánh trong 51 lễ nghi, kể cả lần phong 3 vị thánh truyền giáo 5/10/2003. Ngài đã thành lập Viện Gioan Phaolô II cho Sahel vào tháng 2/1984, và Hội ‘Phát Triển Các Dân Tộc’ cho Các Dân Tộc Bản Xứ ở Mỹ Châu Latinh vào tháng 2/1992. Ngài cũng thành lập Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Các Khoa Học về Xã Hội. Ngoài ra Ngài còn khởi xướng Ngày Thế Giới Bệnh Nhân cử hành vào Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2 hằng năm, Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1985 (lần thứ 17 được tổ chức ở Toronto Canada 7/2002. Chính ĐTC chọn đề tài cho những ngày giới trẻ này và gửi sứ điệp cho giới trẻ hằng năm trước những ngày ấy.

Cảm Nhận Ngân Khánh Giáo Hoàng

Chiều ngày Thứ Năm 16/10/2003, đúng 25 năm sau được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô với 50 ngàn người tham dự. Đồng tế có Hồng Y Đoàn, các vị TGM và GM, các vị coi sóc các giáo xứ ở Rôma, có cả hai vị chủ tịch hai hội đồng giám mục Ý (Carlo Azeglio Ciampi) và Balan (Aleksander Kwasniewski), và các phái đoàn đại biểu từ 17 quốc gia trên thế giới. Quảng trường Thánh Phêrô được phái đoàn Hòa Lan trưng bày các thứ hoa cảnh. Trong bài giảng của mình, ĐTC đã nhắc lại cảm giác của Ngài khi vừa được chọn làm giáo hoàng như sau:

"Nói theo loài người thì làm sao Tôi lại không rùng mình được chứ? Làm sao một trách nhiệm to tát như thế lại không đè xuống trên mình Tôi đây Tôi đã phải tin tưởng vào tình thương thần linh để khi được hỏi ngài có chấp nhận hay chăng, Tôi mới có thể đáp rằng…: xin vâng. Hôm nay đây, anh chị em thân mến, Tôi hoan hỉ chia sẻ với anh chị em cảm nghiệm đã kéo dài cả một phần tư thế kỷ. Hằng ngày đã xẩy ra cùng một cuộc đối thoại trao đổi giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô trong tâm khảm của Tôi… Thiên Chúa, dù biết được nỗi mỏng dòn yếu đuối loài người của Tôi, đã thúc giục Tôi đáp lại bằng đức tin như Thánh Phêrô: ‘Lạy Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự, Chúa biết rằng con yêu mến Chúa’. Bởi đó Ngài kêu gọi Tôi hãy lãnh nhận trách nhiệm Ngài đã trao phó cho Tôi”.

ĐTC đã nhấn mạnh rằng, từ khi bắt đầu giáo triều của mình, “tư tưởng của Ngài, việc Ngài cầu nguyện và hoạt động đều được tác động bởi một ước muốn duy nhất, đó là làm chứng rằng Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, đang hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội”. ĐTC đã nhắc lại lời Ngài kêu gọi 25 năm trước đây: “Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi xin khẳng khái lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người!”.

Sau khi tạ ơn Chúa về 25 năm giáo triều của mình, ĐTC cũng ngỏ lời cám ơn tín hữu khắp thế giới về những lời cầu nguyện của họ đã đáp lại thỉnh nguyện của Ngài xin họ giúp đỡ và nâng đỡ Ngài từ khi bắt đầu giáo triều của Ngài, và Ngài thiết tha xin họ tiếp tục giúp Ngài: “Tôi xin anh chị em một lần nũa hãy giúp vị Giáo Hoàng này, cũng như giúp cho tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô, phục vụ con người và phục vụ toàn thể nhân loại!”.

Để kết thúc, Ngài đã dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa như sau: “Xin hãy thứ tha những sự dữ đã vấp phạm và hãy tăng thêm các sự thiện hảo: hết mọi sự đều là việc làm của Chúa và vinh quang chỉ thuộc về một mình Chúa… Nhờ bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ Yêu Dấu, con xin tái hiến dâng bản thân con, hiện tại và tương lai: chớ gì hết mọi sự được nên trọn theo ý Chúa. Hỡi Vị Mục Tử Tối Cao, xin hãy ở với chúng con, để chúng con an bình tiến bước với Chúa về nhà Cha”.

 

Mở đầu Thánh Lễ, ĐHY Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và Là Chủ Tịch Hồng Y Đoàn, đã đại diện tất cả mọi người chào mừng ĐTC như sau: “Như Tông Đồ Phaolô, ĐTC có thể nói rằng ĐTC không bao giờ tìm kiếm lời khen tặng, hay vinh dự từ loài người, trái lại, ĐTC đã chăm sóc đàn con nam nữ của mình như một người mẹ… ĐTC đã chịu đựng phê bình chỉ trích và lăng nhục, nhưng lại được biết ơn và yêu mến, và phá vỡ những bức tường ghen ghét hận thù và bất tín. Hôm nay đây chúng con có thể nói rằng ĐTC đã hết lòng dấn thân phục vụ Phúc Âm… Như Thánh Phaolô, ĐTC chịu đựng khổ đau để hoàn tất cuộc sống trần gian của mình nơi thân thể của Chúa Kitô là Giáo Hội những gì con thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.

Tờ Financial Times ở Luân Đôn Thủ Đô Hiệp Vương Quốc phát hành chính ngày kỷ niệm ngân khánh giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II đã viết một bài dưới tựa đề “Gioan Phaolô Xứng Đáng Với Đại Danh Xưng”. Trong bài báo này, sau khi đã đề cập đến các thứ chống đối vị giáo hoàng này phải đương đầu, tác giả bài báo Gerald Baker đã nhận định: “Vị linh mục bất khuất cảm thương này xứng đáng hơn ai hết lãnh nhận một danh xưng của nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô này đã hiên ngang làm chứng… cho vấn đề chính yếu đó là lấy việc tôn trọng phẩm giá sự sống làm trọng tâm cho sự tiến bộ của con người. Sự sống nào cũng linh thánh, chứ không phải là đồ bỏ ở những lò thiêu của trại tập trung, những lò thiêu nặc danh của các chế độ chuyên chế, hay ở những thứ ống thử nghiệm thuận lợi và các ống chích trợ an tử. Việc Đức Gioan Phaolô II liên lỉ loại trừ thứ văn hóa sự chết thực sự đã là một thứ thần học giải phóng của thời đại tân tiến này vậy”.

Về phía giáo quyền, ĐHY Cormac Murphy-O’Connor, chủ tịch hội đồng giám mục Anh Quốc và Wales, cũng lên tiếng ca ngợi vị giáo hoàng đương kim. Vị hồng y TGM Westminster này đã nói với Đài Phát Thanh Radio 4 trong mục Chương Trình Hôm Nay là “Cả đời sống và sứ vụ của Ngà, là linh mục, giám mục và giáo hoàng, đã thông đạt cho dân chúng trên thế giới rằng anh chị em chỉ được giải phóng nếu anh chị em hướng đời sống của anh chị em theo những gì là chân thật. Dù thuận lợi hay bất thuận lợi, Ngài đã dứt khoát chiến đấu chống lại những thứ xuyên tạc lầm lẫn về luân lý ở vào những lúc này đây. Trong 25 năm qua, Đức Gioan Phaolô này đã du hành khắp thế giới. Ngài đã nói về sự thật của nhu cầu công lý và hòa bình cho một thế giới bị xâu xé bởi bất công và hận thù. Ngài đã nói lên chân lý của lời mời gọi nên thánh phổ quát được vang lên bởi một vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, và nhờ mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, đã tỏ tình yêu quí và lòng thương xót của Ngài đối với toàn thể nhân loại”.
 

Giây Phút Ngỡ Ngàng Bừng Rộ 25 Năm Về Trước

Những giây phút ban đầu của chính ngày bầu giáo hoàng 25 năm trước đây đã được vị giám đốc văn phòng báo chí bấy giờ là Archangelo Paglilunga kể cho Delia Gallagher để ghi lại và được Zenit phổ biến ngày 16/10/2003 như sau.

Hôm ấy là Thứ Hai 16/10/1978, ngày thứ ba cho việc bầu giáo hoàng mà 110 vị hồng y vẫn chưa chọn xong. Vị hồng y bảo thủ Giuseppe Siri cũng như vị hồng y dung hòa Giovanni Benelli đều không chiếm được đủ số phiếu. ĐHY Franz Kưnig người Áo mới nói với ĐHY giáo chủ Balan Stefan Wyszynski rằng: “Có thể đã đến lúc chọn một vị không phải người Ý rồi”. Vị hồng y giáo chủ Balan tưởng nói về ngài liền phản ứng: “Không phải tôi rồi đó!”. ĐHY Kưnig liền nói: “Đúng, không phải là ngài đâu, mà là hồng y Wojtyla”. Bởi vì vị hồng y không phải Ý quốc này đã được đề cập đến trước đó như là một ứng viên có hạng, cho dù không ai dám chắc điều đó có thể xẩy ra, bởi trong vòng 455 năm toàn là giáo hoàng người Ý. ĐHY giáo chủ Balan liền tiến đến ĐHY Wojtyla nhắn nhở: “Nếu ngài được chọn thì đừng từ chối nhé, hãy chấp nhận nghe”.

Các ĐHY bắt đầu bỏ phiếu một lần nữa. Bên ngoài Công Trường Thánh Phêrô, 40 ngàn người không rời mắt khỏi ống khói Nguyện Đường Sistine để chờ mong khói trắng, sau lần khói đen bốc lên từ lúc 11 giờ sáng. Ở gần văn phòng báo chí, các ký giả bàn tán với nhau về đủ thứ chuyện có thể xẩy ra, như Gianfranco Svidercoschi người Ý viết cho tờ Il Tempo nói với đồng nghiệp của ông là Paglialunga rằng “các ngài đã không hướng về vị nào ngoài nước Ý”. Cuộc tranh luận bị đứt quãng bởi tiếng la hò của dân chúng khi họ thấy làn khói trắng bốc lên.

Vào lúc 6 giờ 45, trong buổi tối vào tháng 10 ở Rôma, ĐHY Pericle Felici tiến tới hành lang của Đền Thờ Thánh Phêrô. Hai giây trước đó vị hồng y này đã thúc vào ĐHY giáo chủ Balan Wyszynski hỏi: “Ngài đọc tên gọi này như thế nào vậy?”

ĐHY Felici bắt đầu dõng dạc tuyên bố: "Annuntio vobis, gaudium magnum. Habemus Papam, Carolum ...". “Carolum?”, ký giả Paglialunga nhìn phóng viên Svidercoschi thắc mắc, “Các vị đã chọn ĐHY Carlo Confalonieri rồi hay sao?” Vị ký giả này đang nghĩ đến một hồng y trên 80 tuổi cũng đang đứng nhìn từ hành lang của ngài ở bên trên văn phòng báo chí. “… Wojtyla”, ĐHY Felici phát âm tên Balan WOY-TEE-WA, như ngài đã được chỉ cho phát âm mấy phút trước đó, và kết thúc “Qui sibi nomen imposuit Joannem Paulum II”.

Đám đông dân chúng bỗng chốc im lặng quay sang ngớ ngẩn nhìn nhau hỏi: “WOY-TEE-WA?” – “Các ngài đã chọn một người Phi Châu!”, một phụ nữ Ý bật miệng hô lên không thể nào tin được như thế. Vị lý giả đứng bên cạnh liền cải chính: “Không phải đâu! Ngài là một người Balan!” Họ lại than lên không thể nào tin nổi nữa. Trong khi các ký giả liền chạy đi tìm tiểu sử của vị tân giáo hoàng thì dân chúng ồn ào nhốn nháo lên “Balan hả?” “Balan sao!”. Nửa tiếng sau, dân chúng bất ngờ yên lặng khi nhìn thấy đức Karol Wojtyla, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, xuất hiện ở hành lang Đền Thờ Thánh Phêrô. Không một vị giáo hoàng nào đã lên tiếng nói hơn là ban phép lành theo truyền thống ở chỗ này. Đức Gioan Phalô I, một tháng trước đó, đã muốn nói song Đức Ông Noè đã nói với Ngài đừng làm thế. Trái lại, bất kể có bị Đức Ông Noè ngăn cản, vào lúc 7 giờ 20 tối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bắt đầu lên tiếng nói, những lời đã trích dẫn trên đây, những lời được dân chúng vỗ tay 4 lần. Trong 25 năm giáo triều của mình, những bài diễn từ của vị Giáo Hoàng ngoài Nước Ý này vẫn được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

 

16/10 Thứ Năm: Ngân Khánh Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha

Những Thâm Cung Bí Sử về Con Người của Vị Giáo Hoàng

 

 

“Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”.

 

Có một chi tiết hay hay từ Vatican cho nguồn tin Zenit biết rằng, trong cuộc triều kiến với ĐTC của các vị Giám Mục Á Căn Đình thuộc nhóm thứ nhất hôm 12/2/2002, có vị đã nêu tên một hồng y xứng đáng kế vị giáo hoàng. ĐTC Gioan Phaolô II mỉm cười trả lời: “Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”. Nếu đây là một lời tiên tri thì vì giáo hoàng tương lai phải chăng sẽ là một trong 31 vị hồng y ngày 21/10/2003 tới đây?!

 

Một con người lao công thời Ðức Quốc Xã

 

Thứ Bảy, 17/8/2002, ĐTC đã dâng thánh lễ cung hiến Tân Đền Thờ Chúa Tình Thương. Có khoảng 20 ngàn người theo dõi cuộc cung hiến này ở bên ngoài ngôi đền thờ, một ngôi đền thờ được xây trên ba năm, gần tu viện của Thánh Nữ Faustina. Bên trên nhà tạm khổng lồ bằng vàng theo hình quả cầu thế giới là một bức hình Chúa Giêsu Tình Thương, bức hình được vây chung quanh bằng một bụi gai bị gió lay chuyển, tiêu biểu cho việc con người chiến đấu chống lại tình trạng yếu hèn của mình. Mặc dù không được ở gần chỗ ĐTC, các người tham dự bên ngoài đền thờ vẫn âm thầm quì gối trên vỉa hè để theo dõi lễ nghi cung hiến này qua máy phát thanh. Bất chấp khí hậu hết sức nóng bức, ĐTC cũng vẫn không rút ngắn lễ nghi cung hiến ngôi đền thờ này. Theo lòng cảm xúc, ĐTC đã nói lên những lời tự phát như sau: “Ai có thể nghĩ rằng có người đã từng bước đi ở nơi đây với những chiếc giầy bằng gỗ mà một ngày kia lại là người cung hiến ngôi đền thờ này nhỉ?” Bởi vì, cách ngôi đền thờ này ít thước là khu hầm mỏ Solvay, nơi ĐTC khi còn trẻ đã làm việc trong thời kỳ Nazi chiếm đóng Balan. Cuối lễ, ĐTC đã gặp riêng cựu tổng thống Balan thời hậu Cộng Sản cũng là vị chủ tịch Công Đoàn Liên Đới thời Cộng Sản là Lech Walesa. Sau đây là bài giảng của ĐTC trong thánh lễ cung hiến ngôi tân đền thờ Chúa Tình Thương này.

 

 Sau Thánh Lễ Phong 4 Chân Phước Chúa Nhật 18/8/2002, ĐTC ngỏ lời cùng dân chúng rằng: “Xin từ biệt. Tôi muốn nói rằng Tôi sẽ sớm gặp lại anh chị em, nhưng việc này hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa”. Dân chúng đồng thanh hô lên: “Chúng con xin chờ ĐTC”. Ngài đáp: “Tôi hoàn toàn ký thác cho Lòng Thương Xót Chúa”. Một số giới trẻ hô to: “Chúng con đợi ĐTC ở Wadowice”, nơi Ngài sinh ra gần Krakow. Rồi dân chúng kêu xin: “Xin hãy ở với chúng con! Ở với chúng con!”. ĐTC diễu: “Anh chị em muốn thuyết phục Tôi bỏ Rôma”. Vì có tin đồn là ĐTC sẽ từ chức và ở lại quê hương của Ngài tới khi chết tại một dòng kín Carmêlô. Khi giới trẻ hát bài “Con Thuyền”, với câu “Tôi bỏ lại con thuyền của tôi trên bờ biển, Ôi Thiên Chúa của tôi, khi tôi đi theo Ngài”, ĐTC cảm nhận: “Tôi đã nghe bài hát này khi Tôi bỏ Balan 23 năm về trước. Nó vang vọng bên tai Tôi khi tôi nghe cuộc bầu giáo hoàng công bố kết quả” về việc Ngài được chọn lên ngai tòa Thánh Phêrô ngày 16/10/1978. Tôi đã nghe bài hát ấy trong suốt những năm qua. Nó luôn luôn nhắc nhở Tôi về quê hương của Tôi cũng như đã dẫn lối cho Tôi trên những nẻo đường khác nhau của Giáo Hội”.

 Tác Hiệu của những lời ĐTC Gioan Phaolô II nói với Quốc Hội Ý: Một tội phạm đã ra đầu thú.

Một đầu đảng Mafia người Sicily là Benedetto Marciante, 50 tuổi, đã từng bị bản án sát nhân và tống tiền đã tự nộp mạng ở nhà tù Rebibbia hôm Thứ Năm 14/11/2002 vừa rồi sau khi nghe bài diễn từ của Đức Thánh Cha, vị luật sư của tội phạm này cho biết như thế.

Vào Tháng 5/2002, tội phạm này đã bị xử khuyết diện 30 năm tù về tội sát hại một đồng bọn Mafia khác vào năm 1982. Vào Tháng 9/2002, tội phạm này lại bị tòa xử thêm 7 năm tù nữa về những dính dáng với Mafia. Tài sản của ông đã bị tòa án ở Palermo ra lệnh tịch biên, nhưng tội phạm đã thoát thân. Sau khi nghe bài diễn từ của ĐTC, tội phạm đã gọi cho luật sư của mình mà nói ông sẽ ra đầu thú. Sau đó, tội phạm này đã cho biết là điều làm ông bị đánh động nhất là những lời Đức Thánh Cha nói về các giá trị của gia đình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

Đoạn Diễn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II tại Quốc Hội Ý Thứ Năm 14/11/2002, một đoạn về gia đình có thể là đoạn đã tác động làm cho một người đầu thú, chấp nhận sự thật về con người mình: “Tôi nhận ra rằng Tôi đã đi sai đường lạc lối”.

“Ở vào thời điểm thường xẩy ra những đổi thay sâu xa, lúc mà kinh nghiệm quá khứ dường như càng ngày càng lỗi thời thì con người càng cần phải được huấn luyện vững chắc hơn bao giờ hết. Thưa Tôn Vị Đại Diện nhân dân Ý Đại Lợi, đây cũng là một kỷ nguyên cần phải có sự hợp tác rộng rãi hơn nữa để bảo đảm thực hiện việc trợ giúp đầy đủ cho những trách nhiệm chính yếu của các bậc làm cha làm mẹ. Việc dạy dỗ về trí thức cũng như việc giáo dục về luân lý cho giới trẻ đối với tất cả mọi người phải là hai ‘đường lối’ thiết yếu trong những năm phát triển quan trọng của chúng, trong việc cải tiến chúng, trong việc mở rộng chân trời tâm trí cho chúng cũng như trong việc giúp chúng sửa soạn chạm trán với thực tế của cuộc đời.

“Con người nam nữ sống cuộc sống con người chân chính là nhờ ở văn hóa. Qua văn hóa họ thấy được hữu thể thực sự của mình và đi tới chỗ “chiếm hữu” bản thân mình hơn nữa. Một người biết suy nghĩ hiểu được một cách rõ ràng là tầm vóc nhân bản của con người là ngôi vị họ là hơn là những gì họ có. Giá trị nhân bản của mỗi một cá nhân con người trực tiếp và chính yếu liên quan đến cái là chứ không phải đến cái có. Vì lý do này mà quốc gia nào quan tâm đến tương lai của mình thì cổ võ việc phát triển những trung tâm học hỏi trong một bầu khí tự do, và hết sức nỗ lực để cải tiến phẩm chất của những trung tâm ấy, chặt chẽ hợp tác với gia đình và tất cả mọi cơ phận trong xã hội, như thực sự đang xẩy ra ở hầu hết các xứ sở ở Âu Châu.

“Cũng không kém phần quan trọng đối với việc huấn luyện con người đó là một bầu khí luân lý chi phối các liên hệ xã hội, một bầu khí mà hiện nay đang bị các phương tiện truyền thông đại chúng đặt vấn đề một cách trầm trọng; cái thách đố này là mối quan tâm đối với hết mọi cá nhân cũng như gia đình, nhất là đối với những ai mang những trách nhiệm chính yếu về chính trị và pháp chế. Về phần mình, Giáo Hội sẽ không bao giờ thôi thi hành sứ vụ giáo dục vốn thuộc về bản tính của mình trong lãnh vực này”.

Tầm ảnh hưởng trên cuộc đời của một con người chống đối

 Ký giả Domenico del Rio người Ý được an táng ngày 28/1/2003, người đã qua đời năm 76 tuổi, một ký giả được đồng nghiệp cho là một trong những phóng viên nhật báo hay nhất ở Vatican. Ông sinh ở Rôma, đi tu Dòng Capuchin, chịu chức linh mục và đi khắp thế giới như một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của ông đối với Giáo Hội đã khiến ông có một tinh thần chỉ trích gắt gao, đến nỗi, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, ông đã xin hồi tục, để rồi, sau khi được Tòa Thánh tha phép, ông đã lập gia đình. Là ký giả cho tờ La Repubblica, ông đã cay cú phê bình các chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, cho rằng động lực của những chuyến đi này là do bởi “khuynh hướng vinh thắng” hơn là để truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, năm 1985, Văn Phòng Báo Chí Vatican đã không cho phép ông được cùng đi với Đức Thánh Cha đến Mỹ Châu Latinh. “Hình phạt” này, như ông cắt nghĩa với đồng nghiệp của ông, đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp riêng ông sau vụ này, và qua cuộc gặp gỡ ấy, ông đã khám phá ra con người của Đức Giáo Hoàng. Từ đó trở đi, ông đã bỏ giờ ra tìm hiểu cuộc đời của Đức Thánh Cha, bằng cách viết 5 cuốn sách, cuốn cuối cùng là “Karol Cả” (Karol the Great) sắp được xuất bản ở Ý. Vị phóng viên cho tờ Corriere della Sera là Luigi Accattoli cũng là bạn thân của ông đã đến thăm ông một tuần trước khi ông chết ở Bệnh Viện Gemelli Rôma. Vì ông không muốn cho bạn bè biết ông đang nằm nhà thương, Accattoli đã hỏi ông rằng ông có điều gì muốn nhắn với họ hay chăng. Ông liền trả lời: “Xin anh hãy nói với Đức Giáo Hoàng! Tôi xin anh nói với ĐGH rằng tôi cám ơn Ngài. Tùy anh làm sao có thể nói với Ngài điều này. Nói với Ngài rằng tôi hết lòng cám ơn Ngài về việc Ngài đã giúp tôi tin tưởng. Tôi có rất nhiều điều ngờ vực và nhiều cái khó tin. Tôi đã được sức mạnh đức tin của Ngài trợ giúp. Thấy việc Ngài tỏ lòng tin rất mãnh liệt mà tôi cũng được mạnh sức. Tôi đã nhận được sức hỗ trợ này khi thấy Ngài cầu nguyện. Khi Ngài ‘phó mình trong tay Thiên Chúa’, việc phó mình này hiển nhiên đã cứu được mọi sự cho Ngài vậy”.

 Kinh nghiệm đời linh mục

 “Hỡi giới trẻ, Tôi muốn nói với từng người trong các bạn là, nếu các bạn cảm thấy Thiên Chúa kêu gọi các bạn ‘Hãy theo Ta!’, các bạn đừng làm cho tiếng gọi này bị câm nín. Hãy quảng đại, hãy đáp lại như Mẹ Maria, bằng việc dâng cho Chúa lời xin vâng hoan hỉ của bản thân các bạn cũng như của cuộc đời các bạn. Tôi chia sẻ với quí bạn về chứng từ của Tôi. Tôi được chịu chức linh mục khi Tôi 26 tuổi. Từ đó đến nay đã 56 năm trời rồi. Khi nhìn lại và nhớ lại những tháng năm ấy của cuộc đời mình, Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng thật là xứng đáng để hiến mình cho Chúa Kitô” (Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II với giới trẻ tại căn cứ không quân Cuatro Vientos, 5/3/2003).

 Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, 11/5/2003, Chúa Nhật Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã truyền chức linh mục cho 31 phó tế thuộc giáo phận Rôma tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Thánh Lễ lúc 9 giờ sáng. Trong bài giảng, Ngài đã căn cứ vào bài Phúc Âm để huấn dụ và kêu gọi riêng các tân linh mục như sau:

"Anh em bởi thế hãy nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa; hãy gắn bó mọi ngày với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích bàn thờ. Hãy cảm nhận tình yêu vô biên của Trái Tim Người, hãy bỏ nhiều giờ hơn nữa trong việc chầu Thánh Thể ở những lúc quan trọng nhất đời sống của anh em, khi phải thực hiện những quyết định cá nhân và mục vụ khó khăn, ở vào lúc bắt đầu và kết thúc ngày sống. Tôi bảo đảm với anh em là 'Tôi đã có được kinh nghiệm này và nhờ đó Tôi đã lấy được sức mạnh, niềm ủi an và sự nâng đỡ!'.

 

Một “trí khôn rất mãnh liệt vượt trên tấm thân yếu ớt ấy”.

“Đức Giáo Hoàng cương quyết là Ngài nhất định không bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào… Tôi tin rằng Ngài sẽ không ngừng lại cho đến khi Ngài không thể làm gì hơn được nữa trong việc trung thành với thừa tác vụ chủ chiên của Ngài”. ĐHY Roberto Tucci, vị lo về các chuyến tông du quốc tế của ĐTC, đã nói với Đài Phát Thanh Vatican, được Zenit phổ biến hôm 7/3/2002 Thứ Năm, rằng ĐTC Gioan Phaolô không ngại nói về tình trạng sức khỏe của Ngài. ĐHY nhắc lại trong chuyến bay sang Cuba vào tháng 1/1998, để trả lời cho câu hỏi của các phóng viên: “Chúng tôi xin Ngài nói cho chúng tôi về mình, chứ không muốn biết từ các nguồn tin khác”, ĐTC đã trả lời: “Để biết mình ra sao, ĐGH đọc các báo chí”. ĐHY nói rằng: “cần phải nhắc lại rằng Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên luôn luôn nói một cách công khai về những vấn đề trục trặc của mình. Hơn nữa, bị phong khớp ở đầu gối vào tuổi của mình, cũng là tuổi của tôi, vì chúng tôi hầu như đồng thời với nhau, không phải là một điều quá lạ thường đâu”. ĐHY cũng là chủ tịch của Ủy Ban Điều Hành Đài Phát Thanh Vatican này còn cho biết là ngài hiểu được dân chúng rất muốn biết đến tình trạng sức khỏe của ĐTC, tuy nhiên, ngài không đồng ý với những vị bác sĩ đã đưa ra những phán đoán của mình cho báo chí hay về tình trạng sức khỏa của ĐTC mà không nghiên cứu gì về tiến trình bệnh lý của ĐTC. Vị ĐHY cho biết về thái độ của ĐTC đối với tình trạng sức khỏe của Ngài như sau: “Đức Giáo Hoàng cương quyết là Ngài nhất định không bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Theo vị HY này, thì sức mạnh của ĐTC là ở việc cầu nguyện của Ngài: “Tôi tin rằng Ngài sẽ không ngừng lại cho đến khi Ngài không thể làm gì hơn được nữa trong việc trung thành với thừa tác vụ chủ chiên của Ngài”.

ĐTC thọ 82 tuổi vào tháng Năm tới đây. Tuy nhiên, nhiều ký giá và báo chí rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của Ngài. ĐHY Cassidy, nguyên chủ tịch hội đồng tòa thánh về việc cổ võ hiệp nhất Kitô Giáo, rất gần gũi với ĐTC trong nhiều năm, đã cho cơ quan AAP được Zenit phổ biến hôm 18/4/2002 cho biết như sau:

“Nếu quí vị có mặt với tôi trong bàn ăn tối hôm đó, buổi tối chúng tôi mới ngồi ăn với nhau, gồm có ĐTC, tôi và hai vị thư ký của Ngài, quí vị sẽ không nói được rằng Ngài không khoẻ, vì, quí vị biết rằng chúng tôi có một cuộc đàm thoại rất hào hứng và Ngài tỏ ra không có vấn đề gì theo ý nghĩ sức khoẻ của Ngài cả. Thế nhưng, dĩ nhiên khi quí vị trông thấy Ngài cùng với những bước đi khó khăn, nhất là hiện nay đầu gối của Ngài gây cho Ngài những trục trặc liên quan vấn đề đi lại đau đớn, thân xác của Ngài quả thực là rất yếu”. Tuy nhiên, ĐHY nhấn mạnh rằng Ngài có một “con tim rất mạnh mẽ” và một “trí khôn rất mãnh liệt vượt trên tấm thân yếu ớt ấy”.

 Nhận bằng tiến sĩ danh dự về việc bênh vực nhân quyền

Áp ngày sinh nhật của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tức vào ngày Thứ Bảy 17/5/2003, Đại Học La Sapienza ở Rôma đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự (Honoris Causa) này cho Ngài. Khi nhận bằng này, Đức Thánh Cha đã cho biết Ngài tin rằng một phần thừa tác vụ của Ngài là “chú trọng đến việc bảo vệ nhân quyền, vì những thứ nhân quyền này có liên hệ chặt chẽ với hai vấn đề quan trọng của nền luân lý Kitô giáo, đó là phẩm giá con người và hòa bình. Thật vậy, chính Thiên Chúa, khi tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và kêu gọi họ trở thành những người con được thừa nhận, đã ban cho họ một phẩm giá khôn sánh, và cũng chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người để họ sống trong hòa hợp và hòa bình, bằng cách thực hiện một việc phân phối chính đáng về phương tiện cần thiết để sống và phát triển”.

Cuộc trao tặng bằng tiến sĩ danh dự này diễn ra tại Sảnh Đường Triều Kiến Chung ở Vatican, với nhiều chức sắc dân sự tham dự, trong đó có ông Silvio Berlusconi, chủ tịch Hội Đồng Nội Các Ý, cũng như các nhân viên của viện đại học 700 năm và đông nhất Âu Châu này. Một ca đoàn liên đại học ở Rôma cùng với 21 ca đoàn ở các thánh phố Ý khác đã trình tấu một số bản nhạc. Mở đầu buổi trao tặng bằng tiến sĩ danh dự này, buổi trao tặng do Hội Đồng Phân Khoa Luật của đại học chọn Đức Thánh Cha, đầu tiên là vị viện trưởng có mấy lời, sau đó tới vị Khoa Trưởng Phân Khoa Luật Carlo Angelici và giáo sư luật Pietro Rescigno, đã cho biết ly do của việc trao tặng bằng tiến sĩ danh dự đây là “vì hoạt động Vị Giáo Hoàng này thực hiện qua suốt giáo triều của Ngài được thế giới nhận biết đã thể hiện bằng việc Ngài nắm vững lề luật cũng như việc Ngài bênh vực các thứ quyền lợi của con người nơi tất cả mọi hình thức lịch sử của chúng liên quan đến con người cũng như liên quan đến các quyền lợi của cá nhân con người và đến những mối liên hệ giữa các dân tộc và luật pháp quốc tế”.

Trong lời ngỏ của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến những thứ nhân quyền nồng cốt mà Ngài đã “tận lực” tranh đấu trong 25 năm giáo triều của Ngài.

“Nhận thức được như thế, Tôi đã hết sức phục vụ những giá trị này. Thế nhưng, Tôi không thể thi hành sứ vụ này mà không hướng về luật lệ. Nguyên tắc đã hướng dẫn Tôi đó là con người thực sự đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, là nền tảng và là mục đích của sinh hoạt xã hội là những gì luật lệ cần phải phục vụ… Phát xuất từ niềm xác tín này, Giáo Hội đã phát triển giáo thuyết của mình về ‘các thứ nhân quyền’ là những gì không phát xuất từ Quốc Gia hay từ bất cứ một thẩm quyền nhân loại nào, mà là từ con người. Bởi thế, những quyền lực cộng đồng cần phải ‘nhìn nhận, tôn trọng, phác họa, bảo vệ và cổ võ’ chúng; chúng là ‘các thứ quyền lợi phổ quát, bất khả vi phạm và bất khả tước đoạt’.

“Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo 'loan truyền rằng trong chiều kích siêu việt của con người có chất chứa phẩm giá của con người cùng với những quyền lợi bất khả vi phạm của họ… Giáo Hội thâm tín rằng việc nhìn nhận nền tảng của các thứ nhân quyền về khía cạnh nhân loại học và đạo đức học là việc bảo vệ công hiệu nhất chống lại những gì chúng bị vi phạm hay lạm dụng. Trong vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải mạnh mẽ chú trọng tới một số những thứ quyền lợi được lý thuyết công nhận thường bị hiểu lầm nơi luật pháp cũng như nơi hành vi cử chỉ riêng. Vì lý do này nhiều lần Tôi đã trở về với thứ quyền lợi đầu tiên và căn bản nhất đó là quyền của sự sống…Sự sống là một cái gì linh thánh và bất khả vi phạm từ khi được đầu thai cho tới khi tự nhiên qua đi. Tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng thai bào của con người là một con người, nên có quyền bất khả vi phạm của một con người. Do đó, tiêu chuẩn về pháp lý cần phải xác định tình trạng pháp lý của các thai bào này như một chủ thể có một quyền lợi không thể coi thường về lãnh vực luân lý hay pháp lý”.

Quyền lợi thứ hai là quyền tự do tôn giáo, một thứ quyền lợi được Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc công nhận cùng với các văn kiện công pháp khác. Theo ĐTC, “quyền tự do tôn giáo” không phải “chỉ là một thứ nhân quyền nữa”, vì nó chính là thứ quyền lợi mang lại ý nghĩa cho các thứ quyền khác, vì “phẩm giá của con người đầu tiên được bắt nguồn từ mối liên hệ thiết yếu với Thiên Chúa”. Đó là lý do tại sao nó là “một cái thử xem các thứ quyền lợi căn bản khác được tuân giữ như thế nào”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha còn cho biết những quyền lợi khác được Ngài chú trọng bênh vực nữa là: “Quyền không bị kỳ thị vì chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay phái tính; quyền có tư sản chính đáng và cần thiết, thế nhưng không bao giờ được tách khỏi nguyên tắc căn bản về mục đích chung của các sản vật; quyền tự do hội họp, bày tỏ và thông tin, luôn luôn tôn trọng sự thật và phẩm giá con người; quyền tham dự vào sinh hoạt chính trị nhắm đến việc phát triển công ích một cách thứ tự và tổ chức; quyền hoạt động kinh tế; quyền có nhà cửa cho hết mọi người và mọi gia đình là những gì liên hệ mật thiết với quyền kiến tạo gia đình và có việc làm được trả lương xứng hợp; quyền giáo dục và học hỏi, vì mù chữ là một tình trạng hết sức bần cùng và thường đồng nghĩa với việc sống bên lề xã hội; quyền của các thành phần thiểu số được hiện hữu và bảo trì cùng phát triển văn hóa riêng của mình; quyền hoạt động và các quyền của nhân công, vấn đề Tôi đã viết trong bức thông điệp ‘Laborem exercens’”.

Sau hết, ĐTC cho biết Ngài đã vất vả hoạt động cho “các thứ quyền lợi của gia đình bị lấn át một cách ào ạt bởi xã hội và quốc gia, với nhận thức gia đình là một nơi thuận lợi cho việc nhân bản hóa con người và xã hội, và tương lai của thể giới cũng như của Giáo Hội đều phải đi qua ngả gia đình”.

Đây là bằng tiến sĩ danh dự thứ 10 Đức Thánh Cha nhận được. Bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên Ngài nhận được vào năm trước khi được bầu làm giáo hoàng, do đại học Johannes Gutemberg Đức Quốc ở Maguncia trao tặng, và bằng tiến sĩ trước lần này vào năm 2001 do đại học Hồng Y Wyszynski Balan trao tặng.
 

“Không có Đức Giáo Hoàng thì tự do không thể nào có được ở Balan”.

Ngày Chúa Nhật 18/5/2003, ngày sinh nhật đúng 83 tuổi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Ngài đã phong thánh cho 4 vị chân phước sáng lập dòng là Giám Mục Balan Sebastian Pleczar (1842-1924); Nữ tu Áo Quốc Ursula Ledochowska (1865-1939), qua đời ở Balan; hai vị người Ý là Maria De Mattias (1805-1866) và Virginia Centurione Bracelli (1587-1651). Vào lúc kết thúc lễ Phong Thánh, ĐTC đã bày tỏ lòng cảm kích của Ngài trước 50 ngàn người tham dự Thánh Lễ Phong Thánh và tiện mừng chúc ngày sinh nhật của Ngài như sau:

“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của Tôi với mỗi một người trong anh chị em về cảm tình nồng hậu anh chị em bày tỏ với Tôi vào ngày sinh nhật của Tôi. Đặc biệt Tôi cám ơn ĐHY Joseph Ratzinger, đã nhân danh tất cả mọi người bày tỏ cảm tình chung để chúc mừng Tôi khi mở đầu Thánh Lễ. Tôi xin ngỏ lời chào mừng tri ân đến quí vị có Thẩm Quyền đến đây vào dịp này. Tôi xin gửi lời “cám ơn” đến những ai, bằng nhiều cách thức, đã gửi lời chúc mừng đến Tôi cùng với những chứng từ lòng quí mến của họ. Tôi xin mỗi người và mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện để Chúa giúp Tôi trung thành làm trọn sứ vụ Ngài đã ký thác cho Tôi. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, hiệp nhất trong tinh thần với các vị thánh vừa được tuyên phong, những vị luôn luôn phó thác bản thân cho Mẹ bằng một lòng tin tưởng con cái. Cảm tạ về tặng ân cuộc sống, hôm nay Tôi ký thác cho Đức Trinh Nữ sự sống của Tôi và thừa tác vụ được Đấng Quan Phòng kêu gọi hoàn trọn. Anh Chị Em thân mến, Tôi xin anh chị em hãy nâng đỡ Tôi bằng lời cầu nguyện, và Tôi kêu mời anh chị em hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ bằng lời ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.

Mở đầu Thánh Lễ, ĐHY đại diện Hồng Y Đoàn, đã ngỏ lời chúc mừng ĐTC, chẳng những đại diện cho những ai hiện diện bấy giờ, mà còn cho cả “vô số người trên khắp thế giới, ngoài phạm vi Giáo Hội Công Giáo, thậm chí ngoài cả phạm vi thế giới Kitô giáo”. ĐHY thân thưa cùng Đức Thánh Cha rằng: “Tin tưởng và yêu thương, đó là chương trình hoạt động của giáo triều Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã không ngừng tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa Kitô, dung nhan của một Vị Thiên Chúa nhân hậu. Đức Thánh Cha đã không ngừng dẫn chúng con, bằng việc thắt kết chúng con với Chúa Kitô, để thắng vượt những lực lượng hận thù, những thành kiến chia rẽ, để phá đổ những bức tường cố gắng phân rẽ chúng con. Đức Thánh Cha giúp cho chúng con tìm thấy con đường dẫn đến ơn cứu độ bằng việc bắt đầu lại từ Chúa Kitô. Bởi thế, chúng con thành thật xin cám ơn Đức Thánh Cha. Xin Chúa tưởng thưởng cho Đức Thánh Cha như Ngài tưởng thưởng cho các tôi trung của Ngài vậy”.

Lần đầu tiên Tòa Thánh, nơi đã từng nhận được vô vàn những điện tín chúc mừng Đức Thánh Cha, đã phổ biến địa chỉ điện thư của Đức Thánh Cha John_Paul_II@vatican.va trên màn điện toán của mình (www.vatican.va), để ai muốn gửi điện thư chúc mừng thì làm. Ngày sinh nhật của ĐTC không được cử hành ở Vatican. Ngài thích cử hành Lễ Quan Thày rửa tội của Ngài là Thánh Charles Borromeo ngày 4/11, và ngày kỷ niệm được chọn làm giáo hoàng 16/10, nhất là năm nay là năm kỷ niệm 25 năm của Ngài. Tuy nhiên, các nữ tu người Balan ở Vatican vốn chăm sóc cho ĐTC vẫn dọn một bữa tối đặc biệt cho Ngài để mừng sinh nhật của Ngài, vì hôm nay các chị mừng vị tân thánh lập dòng Nữ Tì Thánh Tâm Chúa Giêsu từ năm 1894 của các chị là Giám Mục Sebastian Pleczar.

Trong cuộc gặp gỡ 20 ngàn người Balan sang tham dự lễ phong thánh ngày 18/5/2003 cho 4 vị, trong đó có hai vị bản xứ Balan của họ này, có một lúc Đức Thánh Cha đã nói buông theo hứng như sau: “Tôi vẫn hằng ý thức về giây phút đang tiến tới, khi mà Tôi sẽ đứng trước Thiên Chúa với cả cuộc đời của mình, từ ngày còn trẻ ở Wadowice, sau đó ở Krakow, sau hết ở Rôma. Tôi tin tưởng vào lòng thương xót Chúa cũng như vào việc che chở của Đức Trinh Nữ”.

Trong số người Balan sang Rôma vào dịp này có tổng thống của họ là Alexander Kwasniewski, vị đã được gặp riêng ĐTC, một cuộc gặp gỡ nói về Âu Châu và tình hình các quốc gia Đông Âu. Trước cuộc hội kiến riêng với ĐTC, vị tổng thống Balan cho biết: “Không có Đức Giáo Hoàng thì tự do không thể nào có được ở Balan”. Vị tổng thống này tha thiết mời ĐTC thực hiện một chuyến tông du về Balan lần nữa. Sau cuộc gặp gỡ riêng này, vị tổng thống Balan cho biết ĐTC “rất khỏe mạnh” và hai vị đã nói đến các chuyến tông du tới Croatia và Mongolia. Ông nói ông đang giúp cho Đức Thánh Cha có thể dễ dàng dừng chân ở Kazan, Nga, một dự án đã bị Tòa Thượng Phụ Moscow bác bỏ.

“Một trong những vị lãnh đạo về luân lý thượng thặng của Thời Đại chúng ta”.  

Hôm nay, Thứ Hai 2/6/2003, Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ là Powell Colin hội kiến với Đức Thánh Cha về tình hình liên quan đến tiến trình hòa bình giữa hai phe Do Thái và Palestine theo chiều hướng của bản “lộ trình” do Hiệp Hội Bốn Bên (Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa, cũng như về vấn đề tái thiết và ổn định Iraq thời hậu chiến là những gì vốn bất đồng giữa Tòa Thánh và chính phủ Bush.

 Trước cuộc triều kiến riêng này, tại Krakow Balan, nơi ĐTC Gioan Phaolô II đã từng là vị TGM Chủ Chiên trước kia, hôm Thứ Bảy 31/5/2003, Tổng Thống Bush đã nhận định về Đức Thánh Cha như sau: “Tại Vương Cung Thánh Đường Wawel vào năm 1978, một vị hồng y Balan đã bắt đầu cuộc hành trình của mình đến tham dự cuộc bầu giáo hoàng ở Rôma, và đã đi vào lịch sử là một Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một trong những vị lãnh đạo về luân lý cao cả nhất của thời đại chúng ta”. Trong một bài diễn văn khác ở Lâu Đài Vương Giả Wawel, vị tổng thống Hoa Kỳ còn nói: “Qua những tháng năm của Thế Chiến Thứ II, một di sản khác của thế kỷ 20 đã được phát hiện ở thành phố Krakow đây. Một chàng chủng sinh trẻ, Karol Wojtyla, đã thấy được lá cờ đức quốc xã tung bay trên những thành trì của Lâu Đài Wawel. Chàng đã thông phần đau khổ với dân tộc của mình và đã bị đẩy đi làm lao động. Từ kinh nghiệm và đức tin này của một vị linh mục đã nẩy sinh một nhãn quan, đó là hết mọi con người cần phải được đối xử theo phẩm giá, vì hết mọi người đều được Thiên Chúa biết đến và yêu thương. Theo thời gian, nhãn quan của con người này và lòng can đảm của con người ấy đã gây cho những tay chuyên chế kinh hãi và đã mang lại tự do cho quê hương yêu dấu của mình, cũng như mang lại tự do cho cả nửa châu lục đây. Cho đến giờ phút này đây, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bênh vực cho phẩm giá của hết mọi sự sống và cho thấy những khát vọng cao cả nhất về văn hóa của chúng ta.

ĐTC Gioan Phaolô II đeo áo Đức Bà Carmêlô từ nhỏ

Sáng hôm nay, vào lúc 10 giờ 30, tại nhà nghỉ hè của mình ở Castelgandolfo, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh của Ngài như ở Vatican vào các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần. Hôm nay 16/7/2003 là Lễ Đức Mẹ Carmêlô được phụng vụ Giáo Hội cử hành. Carmêlô là tên của một ngọn núi xẩy ra phép lạ liên quan đến việc tiên tri Isaia làm để phục hồi đức tin của dân Do Thái trong thời vua Ahab đầy những ngẫu tượng do đám sư sãi Baal truyền bá (x. 1Kgs 18:1-46). Ngọn núi này vào thế kỷ 12 sau Công Nguyên đã được một số ẩn sĩ đến thành lập một dòng tu sống đời chiêm niệm và chọn Mẹ Thiên Chúa làm quan thày, nên ngọn núi này đã trở thành nguồn gốc cho Dòng Kín Carmêlô ngày nay. Nhân dịp Lễ Mẹ Carmêlô, ĐTC cũng dùng tiếng Balan nhắc đến việc Ngài đeo áo Đức Bà Carmêlô từ nhỏ như sau:

“Hôm nay là lễ nhớ Đức Mẹ Carmêlô. Lễ nhớ này đặc biệt thân thương với tất cả những ai sùng kính Mẹ Carmêlô. Ngay cả Tôi đây, từ hồi còn bé bỏng, đã đeo áo Đức Bà ỏ cổ và đã tin tưởng ẩn náu dưới áo choàng của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Tôi hy vọng áo Đức Bà này đối với hết mọi người, nhất là đối với tín hữu vốn đeo trong mình, trở thành sự hỗ trợ và bênh vực ở vào những lúc nguy hiểm, thành một ấn dấu an bình và là một dấu hiệu được Mẹ Maria chăm sóc”.

ÐTC xin cầu nguyện để Ngài tiếp tục phục vụ
 

Vào lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật 29/6/2003, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã chủ sự cử hành Thánh Thể và đã làm phép cùng trao giây choàng vai cho 40 vị tân tổng giám mục giáo tỉnh từ các quốc gia vừa được bổ nhiệm năm vừa rồi. Trong Thánh Lễ này có sự hiện diện của cả phái đoàn đại biểu Chính Thống thay mặt cho Thượng Phụ Giáo Chủ hoàn vũ Bartholomaios I. Trong bài giảng của mình, ĐTC đã ngỏ lời xin cầu nguyện cho Ngài như sau: “Là Giám Mục Rôma và là vị thừa kế Thánh Phêrô, trong khung cảnh trang trọng của lễ kính này, hôm nay Tôi xin lập lại việc Tôi hoàn toàn sẵn sàng dấn thân phục vụ niềm hiệp thông giữa tất cả mọi người môn đệ của Chúa Kitô. Anh chị em thân mến, xin hãy giúp Tôi bằng lời cầu nguyện hỗ trợ không ngừng của anh chị em. Xin hãy kêu cầu Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô chuyển cầu từ trời cao cho Tôi”.

Hôm Thứ Năm 25/9/2003, vào lúc 6 giờ 30 chiều, ĐTC đã trở về điện Vatican sau hai tháng rưỡi ở nhà nghỉ hè của Ngài tại Castelgandolfo. Cuối tháng Tám, Ngài đã bắt đầu sinh hoạt lại bình thường, nhưng vẫn ở lại nhà nghỉ này của Ngài. Trong lời tạ từ cám ơn các nhân viên an ninh, Ngài đã hứa cầu nguyện cho họ và xin họ cầu nguyện cho Ngài như sau: “Ngoài ra, Tôi xin anh em cầu nguyện cho Tôi cũng như cho việc Tôi phục vụ Giáo Hội hằng ngày. Xin cầu nguyện đặc biệt cho cuộc hành hương của Tôi sắp tới đến Pompeii, để cuộc hành hương này bắt đầu một giai đoạn mới cho việc canh tân sống đạo và thiết tha tôn sùng Thánh Mẫu hơn đối với Giáo Hội”.

ĐTC là Sứ Giả Hòa Bình không cần phải đoạt giải Nobel Hòa Bình của con người ban tặng

Sáng Thứ Sáu 10/10, Ủy Ban Giải Nobel ở Na Uy đã thông báo luật sư Shirin Ebadi người Iran đã đoạt giải hòa bình năm nay. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã cho biết cảm nhận của mình về tin đồn ĐTC Gioan Phaolô II đã là ứng viên đoạt giải hòa bình năm nay như sau: “Vị Giáo Hoàng này là sứ giả hòa bình. Nếu cơ quan nào muốn nhìn nhận điều này cũng được. Thế nhưng vị Giáo Hoàng còn ở trên những điều ấy nữa kìa”.

Trong khi đó, ngay sau khi ủy ban thông báo, theo cuộc thăm dò bằng điện thoại của Instituto Directa với 1000 người cho thấy ớ dân chúng Ý Quốc nghĩ rằng ĐTC phải là vị đoạt giải này năm nay. Thật vậy, theo cuộc thăm dò này thì có 77.3% thiên về ĐGH, thứ nhì mới tới vị đoạt giải năm nay với 10.1%, cựu Tổng Thống Cộng Hòa Czech là Vaclav Havel được 3.2% và ca sĩ Bono U2 2.4%.

ĐHY Quốc Vụ Khanh cũng nhận định là trong những năm gần đây Uỷ Ban Nobel này đã trao giải hòa bình cho một số Kitô hữu: “Chúng tôi hài lòng thấy rằng trong quá khứ họ đã trao Giải Thưởng Hòa Bình cho Mẹ Têrêsa Calcutta, và cho Đức Ông Carlos Belo ở Đông Timor, ĐTGM Tutu ở Nam Phi và các Kitô hữu xứng đáng khác”.

Tác Phẩm Triết Lý của ĐTC GPII

Vào lúc 11 giờ 30 sáng Thứ Hai 13/10/2003, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, đã có một cuộc ra mắt tác phẩm về triết học do ĐTC viết trước đây. Tác phẩm mang tựa đề "Metafisica della persona. Tutte le opere filosofiche e saggi integrativi di Karol

Wojtyla" (Siêu hình học về con người. Tất cả những tác phẩm về triết lý và những bài tham luận tổng hợp của Đức Karol Wojtyla). Tác phẩm này do nhà xuất bản Bompiani phát hành. Trong buổi ra mắt này có hai giáo sư Giovanni Reale và Tadeusz Styczen đã đóng góp vào phần sắp xếp tác phẩm, và triết gia Rocco Buttiglione.

Tác phẩm dầy 1600 trang này là tổng hợp tất cả mọi bài tham luận về triết lý từ năm 1948 (khi Ngài lấy bằng thần học ở Viện Angelicum ở Rôma) đến năm 1978 (khi Ngài được chọn làm giáo hoàng). Những bài viết quan trọng nhất đã được phổ biến trong những năm Ngài dạy học ở Đại Học Công Giáo Liblin Balan. Chẳng hạn như những bài “Giáo thuyết về đức tin nơi Thánh Gioan Thánh Giá” (1948); “Những thẩm định về việc khả dĩ có thể xây dựng nền đạo đức luân lý trên nền tảng hệ thống triết gia Max Scheler” (1954); “Tình yêu và trách nhiệm” (1960); “Con người và tác hành” (1969), “Con người và trách nhiệm” (1978). Ngoài ra, còn có 10 bài luận đề tổng hợp được viết giữa năm 1974 và 1978 nữa.

NHỮNG MẠC KHẢI TƯ TIÊN BÁO VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Trong vòng nửa tháng ở vào thời điểm giữa Mùa Xuân của Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong ba vị thụ khải là Nữ Tu Faustina cùng với hai anh em Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta. Nữ Tu Faustina được phong Thánh ngày 30-4, Chúa Nhật thứ hai sau Chúa Nhật Phục Sinh, vì Chúa Nhật này là ngày chính Chúa Giêsu muốn chị vận động để xin Giáo Hội lấy làm lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, một lễ đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên nhận trong bài giảng phong thánh cho chị như sau: “Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh này từ nay trở đi khắp Giáo Hội sẽ được gọi là ‘Chúa Nhật của Lòng Chúa Xót Thương’” (Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000, trang 1, đoạn 4). Còn hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta được ngài phong Á Thánh ngày 13-5, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên (trong sáu lần từng tháng liền) 83 năm trước (1917) cũng là ngày kỷ niệm ngài bị ám sát chết hụt tại quảng trường Thánh Phêrô 19 năm trước (1981), ngày 18 năm trước (13/5/1982) ngài sang Fatima lần thứ nhất để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống Ngài, và là ngày 10 năm sau đó (13/5/1991) ngài lại sang Fatima lần thứ hai để tạ ơn Mẹ về ơn cứu mạng sống của Ngài cũng như Mẹ đã cứu Đông Âu khỏi nạn cộng sản (từ cuối năm 1989).

 Việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đại diện Giáo Hội lấy thẩm quyền tối cao của mình để tôn phong ba vị thụ khải như thế không phải là một lần nữa đã mặc nhiên công nhận những mạc khải tư của các vị là thật, là do chính Chúa Giêsu hay Đức Mẹ thực sự hiện ra nói với các vị. Trong bài giảng phong Thánh cho Nữ Tu Faustina, chính ngài đã trích lại một số câu trong toàn bộ mạc khải tư của chị, chẳng hạn những câu sau đây: “Lòng Thương Xót Chúa chạm đến nhân loại nơi trái tim Chúa Kitô tử giá: ‘Hỡi con gái của Cha, con hãy nói đi Cha là hiện thân của tình yêu và của lòng thương xót’ (Diary trang 374), Chúa Giêsu xin Sơ Faustina”; “Chúa Giêsu nói với Sơ Faustina: ‘Nhân loại sẽ không tìm thấy bình an cho đến khi họ tin tưởng quay về với lòng Chúa xót thương’ (Diary, trang 132)” (Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000, trang 1, đoạn 2).

 Nếu tất cả những gì Thánh Nữ Faustina viết trong cuốn Nhật Ký (Diary) của mình, như những lời được Đức Thánh Cha trích lại trên đây, thật sự là do Chúa Giêsu mạc khải tư cho chị, thì chúng ta phải hiểu sao về lời tiên báo sau đây trong cuốn “Lòng Chúa Thương Xót trong Hồn Tôi” (số 1732) của chị: “Khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe thấy những lời của Chúa Giêsu như sau: ‘Cha đặc biệt yêu thương Balan, mà nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha thì Cha sẽ nâng Balan lên trong quyền năng và thánh thiện. Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”. Phải chăng “tia sáng phát ra từ Balan” đây chính là Đức Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng xuất hiện  (đúng là “phát ra” bất ngờ) từ một thế giới cộng sản, vị Giáo Hoàng đã mở màn Giáo Triều của mình bằng bức thông điệp ban hành ngày 4/3/1979 mang tựa đề: Redemptor Hominis, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, trong đó, ngay ở đoạn mở đầu, ngài đã đề cập đến “năm 2000”, nhất là đến việc “chúng ta, một cách nào đó, đang ở trong một mùa vọng mới, một mùa đợi trông… mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và sẽ đến”, một thời điểm đã được ngài nói rõ hơn tại Lebanon ngày 11/5/1997: “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa mà Người đã loan báo (We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed)” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 Liên quan đến vấn đề “lần đến cuối cùng của Cha”, cũng trong cùng đoạn mạc khải được Đức Thánh Cha trích dẫn trên đây, Chúa Giêsu còn tỏ cho Thánh Nữ Faustina như thế này: “Trước khi Cha đến như một Quan Án công minh, thì Cha đến như Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận” (đoạn 83).

Chưa hết, trước khi vị giáo hoàng xuất hiện như “một tia sáng phát ra từ Balan” này được sinh vào trần gian năm 1920, thì 3 năm trước đó, tức vào năm 1917, Bí Mật Fatima phần thứ ba cũng đã nói đến ngài rồi, qua hình ảnh được diễn tả là “một vị giám mục mặc áo trắng… ngã xuống đất, dường như chết trước một phát súng nổ (a bishop clothed in white… falls to the ground, apparently dead under a burst of gunfire”.  Đức Hồng Y Angelo Sodano, đương kim Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, theo ý Đức Thánh Cha, đã chính thức tuyên bố một trong những chi tiết liên quan đến Bí Mật Fatima phần thứ ba này như thế vào chính ngày 13/5/2000, ngày hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta được phong Á Thánh. Đức Gioan Phaolô thực sự là vị Giám Mục Rôma mặc chiếc áo trắng đã bị ám sát hụt tại Công Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981.

Đối với việc thoát chết này nói chung và việc Nước Nga trở lại bằng việc giải thể cả lý thuyết lẫn chế độ Cộng Sản nói riêng, trong cuốn “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, (ấn bản Anh ngữ, xuất bản năm 1994, trang 130, 131-132), để trả lời cho câu hỏi “Thiên Chúa có nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng Sản hay không? Was God at Work in the Fall of Communism?”, Đức Thánh Cha đã qui hết mọi sự về cho Mẹ Fatima như sau: “Chúng ta phải nói sao về 3 trẻ ở Fatima, những em nhỏ, ngay trước cuộc bùng nổ của Cách Mạng Tháng Mười, đột nhiên nghe thấy rằng: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng’…? Chúng không thể nào tạo ra những lời tiên đoán này. Chúng không biết đầy đủ về lịch sử hay địa dư, cũng không biết về những biến chuyển trong xã hội cũng như những phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như chúng đã nói. Có thể đây cũng là lý do tại sao mà một vị Giáo Hoàng từ ‘một xứ sở xa xôi’ đã được kêu gọi đến, đó có thể là lý do tại sao cần phải có một cuộc cố sát xẩy ra tại Công Trường Thánh Phêrô ngay vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm biến cố hiện ra lần thứ nhất ở Fatima – để tất cả mọi sự được trở nên thông suốt và thấu đáo, nhờ đó tiếng của Thiên Chúa nói trong lịch sử loài người qua những ‘dấu chỉ thời đại’ có thể dễ nghe và dễ hiểu hơn”.

“Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Một Dấu Chỉ Thời Đại” cho việc sụp đổ của Cộng Sản.

 Nếu qủa thật “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Một Dấu Chỉ Thời Đại”, mà đã nói đến “dấu chỉ thời đại” (Mt.16:3) là nói đến những gì liên quan tới thiên mệnh, thì chắc hẳn nguồn gốc của vị giáo hoàng này phải có một cái gì rất “huyền nhiệm”. Đúng thế, theo cuốn “All Saints”, do Robert Ellsberg biên soạn, được The Crossroad Publishing Company ở New York xuất bản năm 1997, trang 415, thì ngay vào năm 1947, sau khi giải tội cho vị linh mục trẻ là Karol Wojtyla, Cha Piô Năm Dấu (1887-1968) đã nói vị linh mục này một mai sẽ làm giáo hoàng. Qủa nhiên, có ai ngờ rằng, 31 năm sau, vị linh mục trẻ ấy đã được bầu lên làm giáo hoàng vào ngày 16-10-1978 và đã chính thức đăng quang giáo hoàng ngày 22-10-1978, một vị giáo hoàng không phải người Ý sau 455 năm, kể từ năm 1523, lại là một vị giáo hoàng đến từ một nước Cộng Sản thuộc khối Đông Aâu. Việc tiên đoán của một vị linh mục thánh thiện và lạ lùng như Cha Piô Năm Dấu này không phải không có thể xẩy ra. Tuy nhiên, ngay từ thời Cộng Sản còn đang lên, Cha Piô Năm Dấu làm sao lại có thể tiên đoán và dám khẳng định như thế, nếu không phải ngài được ơn linh ứng về một con người đặc biệt của Thiên Chúa.

 Nếu lời tiên đoán của Cha Piô Năm Dấu được sách vở ghi lại có thể bị hoài nghi, thì còn có lời tiên đoán xa xa của Thánh Mộng-Phố (Grignion de Montfort: 1673-1716) về lòng sùng kính Thánh Mẫu liên quan đến vận mạng của vị giáo hoàng này sau đây. Trong cuốn “Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria”, đoạn 114, thánh nhân đã tiên đoán trước, chẳng những về số phận của cuốn sách bị dấu kín (126 năm, từ khi thánh nhân qua đời năm 1716 cho đến năm 1842 mới bất ngờ tìm thấy) này, mà còn về số phận của cả những ai đọc rồi thi hành nó nữa: “Tôi rõ ràng thấy trước được rằng những con dã thú hung dữ sẽ xuất hiện để cắn xé tập sách nhỏ này bằng nanh vuốt qủi quyệt của chúng…, hay ít nhất cũng dấu nó đi trong bóng tối kín đáo ở một cái hòm đựng. Chúng cũng tấn công và bách hại cả những ai sẽ đọc nó và mang nó ra thực hành”. 

 Trước hết, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không phải là người đã đọc và thực hành việc thành thực sùng kính Mẹ Maria như Thánh Mộng-Phố viết là gì, như chính ngài đã tự thú trong cuốn “Gift and Mystery” ngài viết để kỷ niệm 50 năm lãnh nhận Thiên Chức Linh Mục là “Tặng Ân và Huyền Nhiệm” của mình: “Nguồn gốc của khẩu hiệu ‘Totus Tuus’ là thế này. Thành ngữ ấy do Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mà có.  Nó là một tóm gọn của cả mẫu kinh dâng mình cho Mẹ Thiên Chúa như thế này: Totus tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria. Thế là nhờ Thánh Louis, Tôi bắt đầu khám phá ra sự phong phú trong việc tôn sùng Mẹ Maria theo một nhãn quan mới”.  Sau nữa, vị giáo hoàng mang khẩu hiệu “totus tuus” biệt tôn Mẹ theo tinh thần và đường hướng cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria này đã không bị “tấn công” là gì, tại ngay Công Trường Thánh Phêrô, vào ngày 13-5-1981, nhằm đúng ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên tại Fatima trước đó 64 năm.

 Thế nhưng, dù viên đạn được tên thiện sát thủ đứng cách ngài rất gần, (khoảng bằng ba sải tay người lớn, như một nhân chứng tại cuộc bấy giờ cho người viết này biết), bắn vào gần sát tim, (như kết quả giải phẫu cho thấy chỉ cách độ một đốt ngón tay), ngài vẫn không chết, trái lại, chính nhờ viên đạn đụng đến xác thể cá nhân của ngài vào ngày Mẹ Fatima mà sau đó ngài đã thực hiện điều Mẹ yêu cầu ở Fatima ngày 13/7/1917, điều yêu cầu mà sau đó Mẹ cũng đã nhắc nhở chị Lucia ngày 13/6/1929, (thời điểm Stalin hết sức sắt máu bắt đầu chiếm quyền thay thế Lenin ở Nga Sô), về việc: “Đã đến lúc Đức Thánh Cha phải hợp cùng với hàng giáo phẩm thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho nước Nga trở lại bằng cách này“.

 Chị Lucia đã viết thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24-10-1940 về điều yêu cầu này của Mẹ Maria. Tuy nhiên, các lần hiến dâng của Đức Thánh Cha Piô XII vào ngày 31-10-1942 và 7-7-1952, cũng như lần của Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 21-11-1964 tại Công Đồng Chung Vaticanô II, dịp ban bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, trước sự hiện diện của trên hai ngàn vị giám mục, và lần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 13-5-1982 tại Fatima, dịp ngài sang tạ ơn Mẹ đã cứu sống ngài đúng một năm trước, đều chưa đúng như cách Thiên Chúa muốn. Mãi cho đến khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp với hàng giáo phẩm trên thế giới tái hiến dâng tại nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria tại chính Giáo đô Rôma ngày 25-3-1984, điều yêu cầu của Mẹ Fatima mới hoàn toàn được thỏa đáng. Từ đó, thế giới đã bắt đầu thấy có những biến động không nhỏ xẩy ra nơi thế giới cộng sản Liên Bang Sô Viết và Đông Âu, sau khi Gorbachev xuất hiện năm 1985, với chính sách Glasnot (cởi mở) và Perestroika (cải tổ).

Tuy nhiên, ngay trước khi khối Cộng Sản Đông Aâu bắt đầu theo nhau sụp đổ một cách bất ngờ và tức tưởi ngoài dự tưởng của chính trị gia hay kinh tế gia lỗi lạc nhất thế giới, khởi đi từ chính quê hương Ba-Lan của vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 19-8-1989, thì chị Lucia đã chính thức lên tiếng tuyên bố vào ngày 1-8-1989 như sau: “Chúa chúng ta đã chấp nhận việc hiệp dâng năm 1984”, cũng trong ngày này, chị còn lập lại câu chị trả lời vị Sứ Thần Tòa Thánh ở Lisbon là “Vâng, giờ đây nước Nga đã được hiến dâng… Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Những lời của chị Lucia khẳng định ngay trước Biến Cố Đông Âu xẩy ra này được tờ Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger ở New Hope, tiểu bang Kentuckey, Hoa Kỳ, số tháng 10-12/1989, (trang 7 và 9), ghi nhận và phổ biến, là bằng chứng cho thấy việc tự động giải thể của khối Cộng Sản Đông Aâu hoàn toàn do việc can thiệp lạ lùng của Nữ Vương Toàn Thắng Mân Côi Fatima.

 Về mặt chính trị xã hội, trong nguyệt san The Catholic World Report, 10/1993, trang 45-46, chính Gorbachev, lãnh tụ cuối cùng của đảng Công Sản Liên Sô, và Lech Walesa, chủ tịch Công Đoàn Liên Kết Ba-Lan chống cộng cũng là vị tổng thống đầu tiên thời hậu Cộng Sản, đã phải công nhận vai trò then chốt của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong riêng Biến Cố Đông Âu và của chung lịch sử Âu Châu hiện đại này như sau. Gorbachev cảm nhận: “Tôi xin nói rằng mọi sự ở Đông Aâu không thể nào xẩy ra nếu thiếu vị giáo hoàng này, thiếu tư tưởng của ngài – kể cả tư tưởng chính trị – và thiếu việc ngài nắm vững tình hình thế giới. Một cuộc thay đổi tận gốc rễ đã thực hiện nơi lịch sử Châu Âu, và Gioan Phaolô đã đóng một vai trò quyết liệt”. Walesa cũng xác nhận: “Năm 1979, Đức Giáo Hoàng đã nói ở Balan: ‘Không thể nào có một Châu Âu chân chính mà lại không có một Balan tự do’. Ngày nay đây, Aâu Châu đã trở thành các quốc gia tự do, tôi nghĩ rằng nhiều người tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban Gioan Phaolô II cho thế giới”.

             

15/10 Thứ Tư

Yếu tố chính yếu cho hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là việc cầu nguyện

ĐTGM Jean-Louis Tauran, vị sẽ được lãnh tước hồng y vào ngày Thứ Ba 21/10/2003 tuần tới, và cũng sẽ không còn giữ chức vụ Ngoại Trưởng của Tòa Thánh nữa, đã bày tỏ cảm nhận của mình về vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh cũng như về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua cuộc phỏng vấn với Đài Phát Thanh Vatican như sau.

Vấn     Trong vòng 13 năm ĐTGM đã điều hành những gì thường được gọi một cách không đầy đủ là “chính sách ngoại giao” của Tòa Thánh. ĐTGM có thể cho chúng tôi một thẩm định về chính sách này và cho thấy những viễn ảnh của nó?

Đáp     Khi nói đến vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh thì cần phải để ý là tác nhân ngoại giao đệ nhất là Đức Giáo Hoàng: Ngài chính là vị làm cho vấn đề ngoại giao có mãnh lực và uy thế. Tôi xin đưa cho quí vị thấy một thí dụ. Khi vị Giáo Hoàng này được nâng lên ngôi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô vào năm 1978 thì Tòa Thánh mới có liên hệ ngoại giao với 85 quốc gia. Ngày nay, 25 năm năm sau, con số đã tăng lên tới 174 nước. Những năm tháng ấy đã là những tháng năm quan trọng. Chúng ta hãy nhớ lại cuộc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh, Cuộc Chiến Vùng Vịnh đầu tiên, chiến tranh ở Yugoslavia trước đây, cuộc can thiệp bằng quân sự ở Iraq trong năm nay, tiến trình hòa bình ở Trung Đông, vấn đề biến đổi của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Tất cả những vấn đề này đã là đối tượng của các cuộc họp bàn chúng ta đã thực hiện trên 13 năm qua. Tôi luôn cảm thấy Đức Giáo Hoàng này rất quan tâm đến vấn đề dân chúng sống được với nhau bằng những niềm xác tín chung, cũng như bằng việc tôn trọng luật pháp quốc tế.

Vấn     Trong số những vấn đề ngài lưu lại cho vị thừa nhiệm thì vấn đề nào khiến ngài quan tâm nhất?

Đáp     Tôi phải nói ngay là Trung Đông, một Trung Đông với cuộc khủng hoảng giữa những người Palestine và Do Thái, trước hết, nó xẩy ra như là căn nguyên phát sinh ra tất cả những cuộc khủng hoảng, và dĩ nhiên tôi cũng muốn nói đến tình hình ở Iraq. Tôi nghĩ rằng miền đất của thế giới ấy cần phải tái nhận thức đường lối của lý trí cũng như của tình nghĩa huynh đệ. Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ phải giúp cho những phe tranh chấp trong việc làm này.

Vấn     Tôi nghĩ rằng Tòa Thánh dự tính gửi một lực lượng đến để xen vào giữa những người Palestine và Do Thái. Điều này có đúng không?

Đáp     Đúng thế, từ năm 2000, khi bắt đầu cuộc intifada lần thứ hai, chúng tôi luôn luôn chủ trương rằng, nếu những người Do Thái và Palestine rõ ràng bất lực trong việc chú ý đến nhau, nói chuyện với nhau và sống chung với nhau, thì cần phải gửi đến miền đất này một thứ lực lượng được gọi là thân hữu, có khả năng nói với cả đôi bên rằng: “Hãy ở tại chỗ một tháng, đừng tấn công nhau nữa; như thế chúng ta mới có thể ngồi xuống thương thảo được”. Tôi nghĩ cần phải cố làm một điều gì đó, bằng không sẽ cả là một tai họa.

Vấn     Câu chuyện Iraq rõ ràng là vẫn còn bỏ ngỏ…

Đáp     Đúng vậy, Iraq rõ ràng vẫn còn bỏ ngỏ, vì Iraq là một quốc gia phần tử của Liên Hiệp Quốc, bởi thế cũng là một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia có quyền hưởng cùng phẩm giá, chủ quyền và tự do như các quốc gia phần tử khác của Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do cần phải làm hết mọi sự có thể để nhân dân Iraq có được những thuận lợi chọn lấy cho mình các vị lãnh đạo, chọn lấy cho mình cơ cấu chính trị, để mỗi người và mọi người đều cảm thấy gắn liên với dự án của xã hội.

Vấn     Đức Gioan Phaolô II sẽ mừng kỷ niệm giáo triều của Ngài vào Thứ Năm này. Ngài thẩm định thế nào về 25 năm này?

Đáp     Tôi nghĩ rằng trong những năm ấy vị Giáo Hoàng này đã trở thành một thứ “qui chiếu” về luân lý của thế giới. Chỉ cần nhìn thấy danh sách của các nhân vật đến thăm Ngài là đủ nói lên điều ấy. Tôi nghĩ cái bí mật ấy là ở nơi đặc sủng của Ngài, cái vĩ đại của giáo triều này chính là ở đức tin của Đức Thánh Cha. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Ngài ngồi ở văn phòng của Ngài, cẩn thận phác họa một “thứ chính sách Vatican” với một tấm họa đồ về địa dư cùng với những tường trình dầy cộm. Những quyết định quan trọng của giáo triều này bao giờ cũng được thấm nhuần bởi lời cầu nguyện, trước nhà tạm, trong nguyện đường riêng tư của Ngài, và chính bản thân tôi đã từng được chứng kiến điều này hơn một lần. Theo quan điểm của tôi, đó là chiếc chìa khóa để có thể thật sự hiểu được việc chiếu tỏa ánh sáng phi thường của giáo triều này.

ĐTC Gioan Phaolô II với cuộc liên hệ trao đổi giữa đức tin và khoa học

Nhà vật lý học Antonio Zichichi, chủ tịch Liên Hiệp Khoa Học Gia Thế Giới, một nhà tiên phong trong ngành vật lý nguyên tử và là giáo sư ở Đại Học Bologna, đã gửi cho màn điện toán Zenit một bài viết, cho biết giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tái tấu việc đối thaọi trao đổi giữa đức tin và khoa học, đúng như câu Ngài đã phát biểu ngay sau khi được chọn bầu làm giáo hoàng: “Khoa học và đức tin cả hai đều là tặng ân của Thiên Chúa”.

Nhà vật lý này cho biết: “Đức Gioan Phaolô II đã hiến cho khoa học một thứ sức mạnh để có thể tự vệ khỏi bị sát hại bởi thứ văn hóa áp đảo rõ ràng muốn phân rẽ khoa học là việc nghiên cứu về lý lẽ của thiên nhiên tạo vật, với kỹ thuật là việc sử dụng khoa học, vì mục đích tốt hay xấu”. Vị giáo sư này nhắc lại lời của Đức Thánh Cha nói với tổ chức ông hiện làm chủ tịch là: “Con người có thể chết đi như hậu quả của một thứ kỹ thuật do chính họ sáng chế ra, chứ không phải bởi sự thật họ nhận thức được theo chủ thuyết của Galileo”.

Nhà vật lý này nhận định là giáo triều đây đã khởi xướng một thứ liên minh giữa đức tin và khoa học, không những bằng việc phục hồi cho Galileo Galilei mà còn hiểu biết sâu xa về nhà khoa học gia này nữa. Ông cho biết: “Vào ngày 30/3/1979, vị Giáo Hoàng này đã gặp các vật lý gia Âu Châu ở Vatican và đã nói với họ rằng khoa học được sinh ra bởi một tác động đức tin. Thật vậy, Galileo đã nghiên cứu các thứ đá để khám phá ra lý lẽ nơi thiên nhiên tạo vật”. Chưa hết, vật lý gia này còn tiết lộ thêm: “Việc Đức Gioan Phaolô II cùng với các khoa học gia của 115 quốc gia ký vào bản Tuyên Ngôn Erice đã là một đóng góp quyết liệt cho việc súp đổ của Bức Tường Bá Linh”. Bản tuyên ngôn này được 10 ngàn khoa học gia thế giới ký vào năm 1982 để kêu gọi giải giới nguyên tử.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng vẫn tiếp tục tham kiến các khoa học gia thường vào trong các kỳ nghỉ hè của Ngài, vào năm 1998 đã ban hành Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí “Fides et Ratio” liên quan đến lý trí, nhất là đến khoa học và triết lý, với đức tin.

Đức Dalai Lama chủ trương về vấn đề đối thoại liên tôn với Kitô giáo

Vị lãnh đạo tinh thần Phật GiáoTibetan đã lên tiếng kêu gọi Tây phương đừng theo đuổi Phật giáo như là một thứ thời trang văn hóa thuần túy.

Thật vậy, sau cuộc nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Thế Kỷ 21 ở Khách Sạn Eurobuilding thủ đô Ma Ní Tây Ban Nha, ngày 8/10/2003, Đức Tenzin Gyatso, vị Dalai Lama thứ 14 và là vị lãnh đạo nước Tibetan lưu đầy, trước vấn nạn của các ký giả, đã phủ nhận ý nghĩ cho rằng những lần ngài gặp gỡ Đức Giáo Hoàng như là một thứ hỗn hợp hay như là một thứ thống nhất giữa Phật giáo và Kitô giáo.

Được hỏi về tương lai của Phật giáo ở Tây phương, vị đã từng đoạt giải hòa bình này đã trả lời là “người ta thuộc các truyền thống khác nhau cần phải giữ truyền thống của mình hơn là thay đổi. Tuy nhiên, có một số người Tibetan lại thích Hồi giáo thì họ có thể theo Hồi giáo. Một số người Tây Ban Nha thích Phật giáo, họ cũng có thể làm như thế. Nhưng hãy cẩn thận nghĩ về điều này. Đừng làm như vậy vì thời trang. Một số người bắt đầu là Kitô giáo, đoạn theo Hồi giáo, rồi sang Phật giáo, cuối cùng là rỗng tuyếch”.

Vị lãnh đạo tinh thần này cười lên mà nói: “Ở Hiệp Chủng Quốc tôi đã từng thấy người ta theo Phật giáo và phục sức theo Phật giáo. Giống như phong trào Thời Mới. Họ lấy Ấn giáo một chút, Phật giáo một chút, chỗ này một chút, chỗ kia một chút… Việc này không lành mạnh tí nào cả”.

Đức Dalai Lama này cũng nói đến các cuộc ngài gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II như sau: “Tôi rất hân hạnh được gặp Ngài ngay từ đầu. Ngài cũng là một đối phương chống Cộng, nên chúng tôi đã có cùng một kinh nghiệm, kinh nghiệm mất tự do. Cả tôi nữa, từ năm 1951. Chúng tôi có những cảm thức rất gần gũi với nhau. Tôi phải khen ngợi nghị lực của Ngài cũng như cảm thức của Ngài về nhân loại, cùng với việc Ngài nỗ lực xích lại gần hơn với các truyền thống và đạo giáo khác ở Assisi”.

Tuy nhiên, vị này đã đứt khoát về vấn đề đối thoại liên tôn như thế này: “không thể nào có vấn đề thống nhất” giữa Kitô giáo và Phật giáo: “Nếu quí vị muốn nói đến vấn đề liên hệ gần gũi hơn, hiểu biết hơn đang xẩy ra nơi các tôn giáo. Đối với thành phần thực hành theo cá nhân thì vấn đề chỉ có một chân lý, một tín ngưỡng là điều rất quan trọng. Có nhiều chân lý, nhiều tín ngưỡng là một điều mâu thuẫn. Tôi là một Phật tử. Bởi thế, đối với tôi Phật giáo là chân lý duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Đối với bạn bè Kitô hữu của tôi thì Kitô giáo là sự thật duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Đối với bạn bè Hồi giáo của tôi thì Hồi giáo là chân lý duy nhất, là tín ngưỡng duy nhất. Hiện nay tôi tôn trọng và ca ngợi bạn bè thân hữu Kitô giáo và Hồi giáo của tôi. Nếu quí vị muốn nói đến vấn đề thống nhất là hỗn hợp thì điều này không thể nào xẩy ra, vô ích”.
 

14/10 Thứ Ba

Sứ điệp gửi tín đồ Ấn giáo dịp Lễ Ánh Sáng

Hôm nay, Thứ Ba 14/10, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến sứ điệp hằng năm gửi tín đồ Ấn Giáo của Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn trong dịp lễ Ánh Sáng Diwali của tôn giáo này vào Tháng 11. Lễ này cho thấy niềm tin của tìn đồ Ấn Giáo về việc quyền lực thần linh chiến thằng sự dữ trên thế giới này. Đề tài của sứ điệp năm nay là “Tín đồ Ấn giáo và Kitô hữu trong Việc Cổ Võ Phẩm Vị Con Người”. Xin xem toàn bản văn sứ điệp liên tôn đây trong tuần này.

Năm ngoái 2002, Tòa Thánh đã gửi một sứ điệp về Sự Sống Con Người liên quan đến Ngày Liên Tôn Cầu Bình Thế Giới ở Assisi 1/2002. Trong các đợt giám mục Ấn Độ sang thăm tòa thánh ngũ niên năm nay, ĐTC đã đề cập đến tình hình kỳ thị tôn giáo và bách hại Kitô giáo ở xứ sở được vị tân chân phước Têrêsa Calcutta phục vụ hơn nửa đời người.

ĐTC là Sứ Giả Hòa Bình không cần phải đoạt giải Nobel Hòa Bình của con người ban tặng

Sáng Thứ Sáu 10/10, Ủy Ban Giải Nobel ở Na Uy đã thông báo luật sư Shirin Ebadi người Iran đã đoạt giải hòa bình năm nay. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano đã cho biết cảm nhận của mình về tin đồn ĐTC Gioan Phaolô II đã là ứng viên đoạt giải hòa bình năm nay như sau: “Vị Giáo Hoàng này là sứ giả hòa bình. Nếu cơ quan nào muốn nhìn nhận điều này cũng được. Thế nhưng vị Giáo Hoàng còn ở trên những điều ấy nữa kìa”.

Trong khi đó, ngay sau khi ủy ban thông báo, theo cuộc thăm dò bằng điện thoại của Instituto Directa với 1000 người cho thấy ớ dân chúng Ý Quốc nghĩ rằng ĐTC phải là vị đoạt giải này năm nay. Thật vậy, theo cuộc thăm dò này thì có 77.3% thiên về ĐGH, thứ nhì mới tới vị đoạt giải năm nay với 10.1%, cựu Tổng Thống Cộng Hòa Czech là Vaclav Havel được 3.2% và ca sĩ Bono U2 2.4%.

ĐHY Quốc Vụ Khanh cũng nhận định là trong những năm gần đây Uỷ Ban Nobel này đã trao giải hòa bình cho một số Kitô hữu: “Chúng tôi hài lòng thấy rằng trong quá khứ họ đã trao Giải Thưởng Hòa Bình cho Mẹ Têrêsa Calcutta, và cho Đức Ông Carlos Belo ở Đông Timor, ĐTGM Tutu ở Nam Phi và các Kitô hữu xứng đáng khác”.

Tác Phẩm Triết Lý của ĐTC GPII

Vào lúc 11 giờ 30 sáng Thứ Hai 13/10/2003, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, đã có một cuộc ra mắt tác phẩm về triết học do ĐTC viết trước đây. Tác phẩm mang tựa đề "Metafisica
della persona. Tutte le opere filosofiche e saggi integrativi di Karol

Wojtyla" (Siêu hình học về con người. Tất cả những tác phẩm về triết lý và những bài tham luận tổng hợp của Đức Karol Wojtyla). Tác phẩm này do nhà xuất bản Bompiani phát hành. Trong buổi ra mắt này có hai giáo sư Giovanni Reale và Tadeusz Styczen đã đóng góp vào phần sắp xếp tác phẩm, và triết gia Rocco Buttiglione.

Tác phẩm dầy 1600 trang này là tổng hợp tất cả mọi bài tham luận về triết lý từ năm 1948 (khi Ngài lấy bằng thần học ở Viện Angelicum ở Rôma) đến năm 1978 (khi Ngài được chọn làm giáo hoàng). Những bài viết quan trọng nhất đã được phổ biến trong những năm Ngài dạy học ở Đại Học Công Giáo Liblin Balan. Chẳng hạn như những bài “Giáo thuyết về đức tin nơi Thánh Gioan Thánh Giá” (1948); “Những thẩm định về việc khả dĩ có thể xây dựng nền đạo đức luân lý trên nền tảng hệ thống triết gia Max Scheler” (1954); “Tình yêu và trách nhiệm” (1960); “Con người và tác hành” (1969), “Con người và trách nhiệm” (1978). Ngoài ra, còn có 10 bài luận đề tổng hợp được viết giữa năm 1974 và 1978 nữa.
 

Hậu Chiến Iraq: Hồi Giáo Bài Mỹ

Trong tuần qua, chính phủ Bush đã thực hiện chiến dịch biện hộ cho việc tấn công Iraq xẩy ra vào đầu năm nay. Ông Bộ Trưởng Nội Vụ Colin Powell hôm Thứ Sáu 10/10 ở tại văn phòng của bộ này đã cho báo chí biết việc làm này là một nỗ lực để “nhắc nhở” họ là việc Hoa Kỳ dẫn đầu tấn công Iraq là một việc “hoàn toàn chính đáng… Vị tổng thống của chúng ta muốn nhân dân Hoa Kỳ hiểu một cách rõ ràng là không có một ý đồ nào về phía chúng ta hết”.

Cũng cùng ngày Thứ Sáu này, tại Iraq đã tiếp tục xẩy ra những diễn tiến bài Hoa Kỳ ở chính địa điểm hai người lính Hoa Kỳ nổ súng và 8 cảnh sát viên Iraq bị giết trong một cuộc tấn công tự sát cùng ngày. Thứ Sáu trong tuần là ngày thánh của Hồi Giáo, cũng như Thứ Bảy của Do Thái Giáo và Chúa Nhật của Kitô Giáo. Sự việc xẩy ra ở Sadr City, nơi những người lính Mỹ đi tuần đã bị phục kích vào đêm hôm Thứ Năm trước đo, và cũng tại nơi đây lại xẩy ra một cuộc tấn công tự sát lần đầu tiên vào sáng ngày Thứ Sáu. Những người thuộc Hồi Giáo Shiites đã xuống đường hô hoán “Không có Thiên Chúa nào khác ngoài Allah. Hoa Kỳ là kẻ thù của Thiên Chúa”.

Khoảng 6 ngàn người đã tập trung ở trước tòa đô sảnh Sadr City, gần địa điểm chỗ phục kích, để cầu nguyện vào hôm Thứ Sáu 10/10 và nghe bài giảng của Sheikh Abdel-Hadi al-Daraji với những lời lẽ bài Mỹ như sau: “Hoa Kỳ cho rằng họ là sáng lập viên của tự do và dân chủ. Đó là những gì sai lầm. Bởi vì họ chẳng làm gì khác hơn là một tổ chức khủng bố dẫn thế giới qua nạn khủng bố của mình cũng như qua tính ngạo mạn ngông cuồng của họ”. Dân chúng hô hoán: “No, No America”.

Hôm sau, Thứ Bảy 11/10, trong cuộc họp thượng đỉnh ở Mã Lai vừa mới mở màn, các quốc gia Hồi Giáo đã yêu cầu “tống cổ tất cả mọi lực lượng ngoại quốc ra khỏi Iraq”. Ông Abdelouaged Belkeziz, Tổng Thư Ký của Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo (OIC: Organisation of the Islamic Conference), đã nói những lực lượng chiến đóng phải mau rút khỏi Iraq để nhường chỗ cho Liên Hiệp Quốc có cơ hội tái thiết đất nước này. Cuộc họp thượng đỉnh này được diễn ra ở tân thủ đô Mã Lai, Putrajaya, bắt đầu với các viên chức cao cấp; các vị ngoại trưởng của các nước hội viên họp vào Thứ Hai 13/10 và các vị lãnh đạo quốc gia (Tổng Thống hay Thủ Tướng) sẽ gặp nhau vào hai ngày 16-17/10. Theo dự trù 35 vị lãnh đạo quốc gia sẽ tham dự, con số lớn nhất từ khi xẩy ra cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ 911. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cũng có ý định đến tham dự, cùng với những vị thủ lãnh khác không phải là phần tử của tổ chức này, như tổng thống Nga là Vladimir Putin và Phi Luật Tân là Gloria Macapagal Arroyo.

Vị phó ngoại trưởng Iran Ghomali Khoshroo đã cho báo chí biết là “tất cả mọi phần tử của OIC đều thôi thúc các kẻ chiếm đóng hãy rời Iraq và trao quyền cho nhân dân Iraq”. Thế nhưng vị thủ tướng Mã Lai là Mahathir Mohamad, vị chủ tọa thượng hội này trước khi về hưu cuối tháng 10 tới đây cũng đã cho biết là OIC sẽ có ít ảnh hưởng bao lâu các chính trị gia Hoa Kỳ hướng chiều về việc hỗ trợ cho Do Thái. Cuộc họp thượng đỉnh này sẽ bàn đến những thách đố của thế giới Hồi Giáo liên quan đến vấn đề khủng bố và toàn cầu hóa cũng như đến “các cuộc vận động chống Hồi Giáo, chống tín đồ Hồi Giáo và phạm đến các thứ nhân quyền”, nhất là những gì đang xẩy ra ở A Phú Hãn, Kashmir, Azerbaijan, Phi Luật Tân và Somalia.
 

13/10 Thứ Hai

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 12/10 về bài huấn từ truyền tin đầu tiên trong giáo triều của vị đương kim giáo hoàng

Anh Chị Em thân mến!

1. Thứ Năm tới đây, 16/10, sẽ là 25 năm giáo triều của Tôi. Vào lúc 6 giờ chiều, Tôi sẽ cử hành một Thánh Lễ tạ ơn trọng thể ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Giờ đây Tôi xin cám ơn tất cả những ai sẽ liên kết với Tôi trong lời nguyện cầu, để tri ân cảm tạ Thiên Chúa về những gì Ngài liên lỉ quan phòng trợ giúp.

2. Tôi nhớ đến những ngày trong năm 1978. Nhất là nhớ đặc biệt đến ngày hôm nay, buổi Nguyện Kinh Truyền Tin đầu tiên tại cửa sổ này hôm 22/10. Theo mầu nhiệm Nhập Thể được lời nguyện này giúp chúng ta chiêm niệm, bấy giờ Tôi đã cố gắng, như Tôi đã nói: “ôm ấp tất cả giáo triều tương lai, Dân Chúa và toàn thể nhân loại, một gia đình đã bắt nguồn từ ý muốn của Chúa Cha, nhưng luôn được cưu mang trong lòng Mẹ” ("Insegnamenti," I, 1978, 43).

3. Giờ đây, trong khi nhắc lại quá khứ với lòng biết ơn, Tôi cũng nhìn đến giới trẻ, thành phần ngay từ đầu của thừa tác vụ Thánh Phêrô của mình Tôi đã muốn thiết lập một cuộc đối thoại ưu ái. Tôi nhớ rằng, vào cuối buổi nguyện Kinh Truyền Tin đầu tiên ấy, Tôi đã thêm lời chào đặc biệt gửi đến họ: “Các bạn là tương lai của thế giới, các bạn là hy vọng của Giáo Hội, các bạn là niềm hy vọng của Tôi”.

Tôi phải nhìn nhận là giới trẻ đã đáp ứng một cách hết sức đáng kể. Hôm nay đây Tôi muốn cám ơn họ về việc họ luôn gần gũi với Tôi trong những năm tháng ấy, và Tôi muốn họ biết rằng Tôi tiếp tục tin cậy nơi họ.

Con xin ký thác họ cho Mẹ, Ôi Maria, Mẹ là nét trẻ trung muôn thuở của Giáo Hội. Xin hãy giúp cho họ được sẵn sàng và vui lòng làm theo ý Chúa, để quảng đại xây dựng một thế giới chân chính và huynh đệ hơn.

Ðức Cha Ðôminicô Mai Thánh Lương, Vị Tông Ðồ Thánh Mẫu.

Theo chương trình ban đầu, Ðức Cha Mai Thanh Lương sẽ tới West Covina TGP/LA để dâng Thánh Lễ cho PT/TÐFVN/ÐBX (Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam - Ðạo Binh Xanh) TGP/LA. Thể lệ về hành chính đã được thông qua, với cả vị giám mục địa phương cũng như với cộng đoàn và cộng đồng, đến nỗi tờ Thông Tin Mục Vụ của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam TGP/LA đã chính thức phổ biến biến cố hiếm có này vào ngày Chúa Nhật 5/10/2003, tức trước biến cố 1 tuần. Tuy nhiên, trong chính thời gian tờ Thông Tin Mục Vụ này đang được in ấn và phổ biến thì Ðức Cha Mai Thanh Lương đã nhận được nhiều cú điện thoại từ TGP/LA gọi cho ngài từ các đấng bậc. Cuối cùng, vào lúc 11 giờ 20 sáng ngày Thứ Hai 6/10/2003, khi Ðức Cha sửa soạn lên máy bay ở Las Vegas lúc 11 giờ 30 để về lại Orange County thì nhận được cú điện thoại của vị linh mục đại diện Cộng Ðồng này là cha Albertô Trần Văn Sang đề nghị Ngài đừng lên, đừng tới. Cho đến nay Ðức Cha vẫn không hiểu được tại sao lại xẩy ra như vậy?! Mọi sự đã được sắp xếp đúng theo thể lệ hành chính mà cuối cùng vẫn hoàn toàn bất thành!?

Tuy nhiên, Ðức Cha, với tư cách là Tổng Tuyên Úy của Phong Trào Ðạo Binh Xanh Việt Nam ở Hoa Kỳ, vào giây phút cuối cùng, vẫn đến với Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam TGP/LA, có cả sự hiện diện của các em thuộc Phong Trào Thiếu Nhi Fatima (PT/TNF) là một phong trào giới trẻ Cộng Giáo Việt Nam do một số vị đoàn viên Ðạo Binh Xanh TGP/LA thành lập từ năm 1984, để gặp gỡ khoảng 70 người tham dự một cách âm thầm nhưng hết sức thân tình tại tư gia của Chi Ðoàn Trưởng Ðạo Binh Xanh Nguyễn Ngọc Anh ở El Monte. Chương trình của cuộc cha con gặp gỡ nhau này đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Tốt đẹp ở chỗ Miền Tây Nam Hoa Kỳ đã bầu ra được vị tân chủ tịch rất xứng đáng. Tốt đẹp ở chỗ mọi người, từ lớn đến bé, từ trẻ đến già, dù nam hay nữ, đều cảm thấy mình được gần gũi Chúa hơn qua tấm lòng hiền phụ của vị Chủ Chiên Tổng Linh Hướng của mình, đó là chưa nói đến việc họ hãnh diện vì họ là đoàn thể Việt Nam duy nhất có một vị Tổng Linh Hướng là giám mục. Tốt đẹp ở chỗ họ đã cùng với Vị Tổng Linh Hướng Giám Mục của mình cử hành Năm Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng để mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và chính vị giám mục của họ xướng các kinh mở đầu cho Kinh Mân Côi (Tin Kính, 3 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng danh). Tốt đẹp còn ở chỗ họ đã say sưa nghe bài huấn từ dài 40 phút của Vị Tổng Linh Hướng Giám Mục Ðôminicô Mai Thanh Lương của họ, những lời họ chưa bao giờ được nghe hay được biết. Sau đây là tóm lượt bài huấn từ.

Vào năm 1996, năm cha Giuse Nguyễn Ngọc Diệp, CMC, vì nhiệm vụ giám tỉnh chi dòng Ðồng Công Hoa Kỳ, phải xin thôi trách vụ làm Tổng Tuyên Úy Ðạo Binh Xanh Việt Nam. Cha Diệp đã viết thư xin từ nhiệm với Ðức Cha Sullivan, Tổng Tuyên Úy của Phong TRào Ðạo Binh Xanh Hoa Kỳ, và vị Giám Mục này đã viết thư cho Ðức Ông Mai Thanh Lương (bấy giờ đang làm Giám Ðốc Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam ở Hoa Kỳ) để xin Ðức Ông đảm nhận trách vụ tổng linh hướng thay cho cha giám tỉnh Nguyễn Ngọc Diệp. Ðức Ông Mai Thanh Lương đã nhận lời.

Sau khi đã nhận trách nhiệm, ngoài trách nhiệm chánh xứ của một họ đạo Việt Nam đông hơn chục ngàn giáo dân ở New Orleans, và trách nhiệm Giám Ðốc Văn Phòng Mục Vụ Việt Nam Hoa Kỳ, Ðức Ông Mai Thanh Lương đã để tâm và dồn lực vào việc phục vụ Phong Trào Ðạo Binh Xanh Việt Nam, hăng say như một vị Tông Ðồ Thánh Mẫu. Những việc nỗ lực phục vụ của ngài có thể kể đến, trước hết là phiên họp cải tổ nội bộ, sau đó là việc ngài sang thăm Trung Tâm Ðạo Binh Xanh Hoa Kỳ, rồi tới tờ Ðịnh San Linh Hồn, qua tới vị tân tổng linh hướng thay ngài, và cuối cùng tới vấn đề Phong Trào này ở Miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Trước hết, về phiên họp cải tổ nội bộ, Ðức Ông Mai Thanh Lương, sau khi đã lãnh nhận trách nhiệm là tổng linh hướng, đã họp với 5 vị linh mục và 7 giáo dân, để bàn chuyện làm sao cho PT/TÐFVN/ÐBX được tốt đẹp hơn. Vấn đề thứ nhất được đặt ra là danh xưng của phong trào: Phong Trào Ðạo Binh Xanh, theo tình hình thế giới đổi thay từ khi Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ, nhất là từ khi Nước Nga trở lại vào cuối năm 1991, đã được đổi danh xưng thành Tông Ðồ Fatima Thế Giới, bởi đó, Phong Trào Ðạo Binh Xanh Việt Nam, cách đây 3 năm, cũng được đổi và được gọi là Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam (Ðạo Binh Xanh). Hiện nay Ban Trung Ương của Phong Trào này đang cố gắng, trong vòng mấy tháng nữa đây, sẽ hoàn thành Thủ Bản đã được viết cả 6 năm  chưa xong. Cuốn Thủ Bản này sẽ bao gồm tất cả chỉ nam, hoạt động, các mẫu cầu nguyện và nhất là linh đạo của phong trào.

Tiếp đến là chuyến đi 2 ngày của Ðức Ông Mai Thanh Lương, Tổng Tuyên Úy Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam, cùng với Thày Phó Tế Vĩnh Viễn Phạm Sĩ Hiệp Chủ Tịch Trung Ương ở New Orleans, đến thăm Trung Tâm Phong Trào Ðạo Binh Xanh Hoa Kỳ ở New Jersey. Chuyến đi này đã cho thấy danh xưng hiện đại của Phong Trào Ðạo Binh Xanh là Phong Trào Tông Ðồ Fatima Thế Giới, và danh xưng Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam là danh xưng đúng. Ngoài ra, qua lần viếng thăm này, việc sử dụng áo Ðức Bà theo truyền thống được biết cũng có thể sử dụng một mẫu ảnh (thay cho mảnh vải) có lơ xanh kèm đằng sau, như những người làm việc tại Trung Tâm Tông Ðồ Fatima Hoa Kỳ đang đeo. Qua buổi gặp gỡ này, văn phòng Trung Ương Tông Ðồ Fatima Hoa Kỳ cũng muốn mời Phong Trào Fatima Việt Nam về tham dự các cuộc tổ chức của Phong Trào Tông Ðồ Fatima Hoa Kỳ tại đây, thường được tổ chức vào những ngày 13, từ Tháng 5 đến Tháng 10, với Thánh Lễ ngoài trời và những cuộc hội thảo. Phong Trào Fatima Việt Nam thường gặp nhau hằng năm trong Ngày Thánh Mẫu ở Missouri tại Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ, theo truyền thống từ đầu khi cha Nguyễn Ngọc Diệp còn là Tổng Linh Hướng. Trong cuộc họp vào Ngày Thánh Mẫu 2003, Ðức Cha đã xin từ chức Tổng Linh Hướng, và xin cha Diệp tái đảm nhận chức vụ này, song cha Diệp từ chối vì những tế nhị khó nói. Trong cuộc họp vào Ngày Thánh Mẫu 2004, Trung Ương Tông Ðồ Fatima Việt Nam sẽ mời Trung Ương Tông Ðồ Fatima Hoa Kỳ tới tham dự.

Về tờ định san Linh Hồn, theo đúng tên gọi của tờ tam cá nguyệt san Soul của Phong Trào Tông Ðồ Fatima Hoa Kỳ, cho đến nay mỗi năm phát hành 3 số. Những tờ đầu tiên tất cả mọi tốn phí đều do Ðức Ông Tổng Tuyên Úy trang trải. Mỗi lần phát hành 5 ngàn tờ. Nhưng nay có thể sẽ giảm xuống còn 3 ngàn tờ. Ðức Cha Mai Thanh Lương kêu gọi các nơi ủng hộ tờ Linh Hồn này, bằng cách góp bài vở, dù là tin tức vắn tắt về sinh hoạt địa phương, cũng như đóng góp vật chất để giúp cho nó tồn tại. Ðặc điểm của tờ Linh Hồn này là phổ biến danh sách quí đoàn viên qua đời trong năm để các vị linh mục tuyên úy các nơi cùng dâng lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn quá cố. Về việc gửi báo sẽ tiến tới chỗ gửi đến từng đoàn viên thay vì gửi đến chung một nơi để địa phương giúp cho việc phân phối.

Về vị tân tổng linh hướng Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam ở Hoa Kỳ, Ðức Cha Mai Thanh Lương, hôm Lễ Ðức Mẹ Mân Côi 7/10/2003, đã gặp một vị linh mục đang làm tuyên úy cho miền Bắc và xin vị này giữ vai trò Tổng Tuyên Úy thay ngài, cuối cùng vị ấy đã nhận lời, đó là linh mục Ðinh Công Huỳnh ở Philadelphia. Ðức Cha Mai Thanh Lương đã gọi về Trung Ương Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam ở New Orleans để cố gắng phổ biến thông báo chính thức về vị tân tổng linh hướng này, song không kịp nữa, vì tờ Linh Hồn sắp phát hành. Tuy nhiên, ngài đã viết thư cho cha Huỳnh và gửi cho vị linh mục này hôm qua, 10/10/2003.

Về Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam ở Miền Tây Nam Hoa Kỳ hay Miền Nam California, Ðức Cha nói ngài sẽ nỗ lực để làm cho nó phát triển. Hiện nay Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam ở Hoa Kỳ có 3 miền, đó là miền Tây Nam Hoa Kỳ là Nam California đây, miền Ðông Nam là New Orleans Louisiana và Houston Texas, và miền Bắc là Philadelphia (ở phía Ðông) và Seattle (ở phía Tây). Riêng về những gì mới xẩy ra cho miền này, liên quan đến cuộc lễ bất thành, Ðức Cha "xin lỗi" mọi người "vì tôi mà sự việc bất thành". Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi có nên tổ chức một cuộc lễ khác cho phong trào này ở trên TGP/LA không, Ðức Cha nói "cần phải làm" chẳng những trong nội bộ mà còn để anh chị em khác biết đến và gia nhập nữa. Ngài hứa sẽ viết thư cho linh mục Ðại Diện Liên Lạc của cộng đồng này.

Ðức Cha đã nhấn mạnh đến sứ mệnh của Phong Trào Tông Ðồ Fatima Thế Giới nói chung và những vị Tông Ðồ Thánh Mẫu nói riêng trong thời điểm cực kỳ nguy biến ngày nay. Ngài đã kể lại 3 câu chuyện để phấn khích mọi người hãy hăng say làm tông đồ cuối thời như sau. Câu chuyện thứ nhất là 4 lần hành hương sang viếng Ðức Mẹ Nam Tư của ngài, nơi ngài cũng biết là Giáo Hội chưa chính thức công nhận. Ngài cho biết ngài đã được trực tiếp gặp một trong những thụ khải, và qua vị thụ khải này, Ðức Mẹ nói rằng Ðức Mẹ đóng vai Gioan Tiền Hô để dọn đường cho Chúa Giêsu đến lần thứ hai. Ðức Giám Mục đã nêu lên những hiểm họa tiêu biểu điển hình ngày nay như nạn ôm bom khủng bố, phá thai và gương mù gương xấu của thành phần linh mục v.v. Câu chuyện thứ hai là việc ngài giúp trừ qủi cho một số giới trẻ sinh viên đại học. Có một trường hợp ngài đã giúp cho 4 năm trời, cuối cùng em này đã tiết lộ là ma quỉ rất sợ tràng hạt Mân Côi. Em nói, khi cha mang người ta đến lần hạt thì em thấy cả hằng ngàn quỉ chạy mất. Câu chuyện tứ ba là câu trả lời giống nhau của hai vị linh mục được giám mục ủy quyền trừ quỉ ở Việt Nam. Ðức Cha cho biết, ngài đã hỏi riêng hai vị linh mục này, và đều được trả lời cùng một câu. Câu hỏi được đăt ra là tại sao ở Hoa Kỳ này ít người bị quỉ ám mà ở Việt Nam lại có nhiều. Cả hai vị đều nói tại vì ở Hoa Kỳ này không cần ma qủi, vì chính con người ta là dụng cụ của ma quỉ và mạnh hơn ma quỉ nữa. Ðức Cha đã kết luận rằng không có một hiểm họa nào không thể vượt qua. Ðức Mẹ sẽ cho chúng ta những phương thế để thắng thế gian và ma quỉ. Lòng mến yêu Ðức Mẹ sẽ thắng vượt được tất cả mọi thử thách. Thiên kỷ mới này, như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói, phải là thiên kỷ của Ðức Mẹ mới thăng vượt được tất cả mọi thử thách.

Trước lòng thành thực sùng kính Mẹ Maria nơi vị Giám Mục Tổng Linh Hướng của Phong Trào Tông Ðồ Fatima Việt Nam này, người đại diện cho tất cả mọi thành phần tham dự buổi hội ngộ cha con rất thân thương âm thầm và lắng nghe lời huấn dụ rất chân tình của ngài, đã kính chúc ngài chẳng những được thực sự là Chủ Chiên Nhân Lành, Thày Dạy Ðức Tin, Dấu Hiệu Hiệp Nhất, mà còn là Tông Ðồ Thánh Mẫu nữa. Buổi gặp gỡ cha con hi hữu này đã được chấm dứt bằng phép lành của Ðức Cha.

Biệt chú của người viết: Vị giám mục này cũng sắp sửa cho phát hành một cuốn sánh về Kinh Mân Côi (hy vọng kịp) vào đầu Mùa Vọng 2003. Ngài thú nhận chính Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria và lòng sùng kính Mẹ Maria của Ðức Thánh Cha đương kim đã ảnh hưởng đến ngài rất nhiều và đã thúc đẩy ngài thực hiện việc phổ biến lòng tôn sùng Mẹ Maria qua tác phẩm sắp được phát hành.

Trung Đông: Phe Palestine lại lủng củng nội bộ

Sau khi Thủ Tướng Mahmoud Abbas từ nhiệm vào ngày 6/9/2003, Tổng Thống Yasser Arafat bổ nhiệm ông Qorei thay thế. Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật 12/10, qua một buổi họp báo bất ngờ ở Ramallah, vị thủ tướng thay thế này đã tuyên bố rằng ông không biết ông sẽ tiếp tục đóng vai trò làm thủ tướng của Palestine được nữa hay chăng, vì hội đồng nội các cấp thời của ông sẽ bị giải tán trong vòng ba tuần lễ nữa.

Sau cuộc ôm bom khủng bố của một phụ nữ Palestine tuần vừa qua, sát hại 19 người Do Thái ở Haifa cũng như sau cuộc tấn công của Do Thái vào một địa điểm ở Syria bị Do Thái cho rằng đã dùng làm trại huấn luyện khủng bố, Tổng Thống Arafat đã ban sắc lệnh khẩn cấp bổ nhiệm ông Qorei làm thủ tướng như đã bổ nhiệm ông này trước đó. Ông Qorei đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Ba tuần trước, 7/10, cùng với 6 trong 8 phần tử thuộc hội đồng nội các cấp thời. Một trong hai vị không tuyên thệ vào dịp này là Nasser Yousef, người sẽ làm thư ký cho Thủ Tướng Qorei, cũng là người nắm quyền an ninh Palestine đối đầu với các cuộc gây lộn xộn của nhóm chiến đấu quân khủng bố của Palestine, tuyên bố ông không tuyên thệ cho tới khi Hội Đồng Lập Pháp Palestine (PLC Palestine Legislative Council) bỏ phiếu tin tưởng.

Cũng vào hôm Chúa Nhật ủy ban trung ương của đảng chính trị Fatah của Tổng Thống Arafat đã quyết định giữ nguyên hội đồng nội các cấp thời tuần vừa rồi thêm 3 tuần nữa. Tuy nhiên, tương lai của hội đồng nội các cấp thời này không biết sẽ ra sao vì PLC đã dời cuộc bỏ phiếu tin tưởng vào hội đồng này hôm Thứ Năm 2/10 vừa qua. Các nguồn tin cho biết sở dĩ PLC phải làm như thế là vì họ đang bàn luận không biết có nên chuẩn nhận hội đồng nội các cấp thời này hay chăng hay đợi cho tới khi Thủ Tướng Qorei hình thành xong hội đồng nội các nhiều người hơn. Tuy nhiên, cũng vào cùng ngày Chúa Nhật, Uỷ Ban Trung Ương Fatah đã đồng ý rằng Tân Thủ Tướng này sẽ đặc trách hội đồng nội các lâm thời trong vòng 3 tuần lễ cho đến khi hình thành một chính phủ khác sau thời hạn đó. Uỷ ban này cũng quyết định chính Tổng Thống Arafat không thuộc về hội đồng cấp thời này, trao trách nhiệm an ninh ở West Bank và Gaza cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC National Security Council) vốn nằm trong tay vị tổng thống này. Đây cũng là vấn đề tranh chấp giữa vị tổng thống này và cựu thủ tướng Abbas mới đây, đến nỗi đã làm cho phe Do Thái đi đến chỗ dự tính loại trừ Tổng Thống Arafat.

 

12/10 Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B
 

LẠC ĐÀ VÀO THIÊN ĐÀNG


Khi còn bé, cái thú nhất của tôi là được bà nhờ xỏ chỉ cho bà mỗi khi bà may vá. Vì tuổi già, mắt kém nên bà không thể hoặc khó lòng xỏ những sợi chỉ qua chiếc lỗ kim nhỏ xíu. Mỗi lần như thế, tôi phải lấy lưỡi liếm, vê tròn và nhọn đầu sợi chỉ rồi mới cẩn thận xỏ qua lỗ kim. Và phần thưởng mà bà dành cho tôi là lời khen: “Thằng này khéo tay và mắt sáng thật”. Nay thì mắt đã không còn sáng như xưa. 2 lần giải phẫu võng mạc, 1 lần thay võng mô, 2 lần tẩy mộng mắt. Tất cả gồm 5 lần giải phẫu mắt. Tuy vậy, tôi vẫn còn nhìn được lỗ kim, và do đó, đoan chắc rằng không thể nào một con lạc đà lại có thể lọt qua được lỗi kim. Đây cũng là một nhận xét phù hợp với lý luận và tri thức của con người. Tóm lại, sự hiểu biết thông thường không cho phép tôi tin rằng một con lạc đà lại có thể chui lọt qua lỗ kim.

Nhưng điều mà trí khôn con người và khả năng con người không chấp nhận ấy lại vẫn còn là một so sánh có thể dùng để dẫn đến một kết luận khác còn khó hiểu và khó chấp nhận hơn: “Lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giầu có vào Thiên Đàng” (Mc 10: 25).

Chúa có bất công và kỳ thị người giầu không! Như vậy, trên Thiên Đàng chỉ toàn những người nghèo khó, khố rách, áo ôm sao?! Người giầu nếu không ở trên Thiên Đàng thì ở đâu? Thế nhưng nếu đọc kỹ Phúc Aâm ta sẽ thấy rằng Chúa chỉ hứa nước trời cho những người nghèo: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo vì Nước Trời thuộc về những người ấy” (Mt 5:3). Vậy thế nào là “tâm hồn nghèo”, hay cái nghèo theo Phúc Aâm. Người nghèo tiền của, nghèo danh vọng, nghèo sức khỏe, nghèo tài năng, không phải là những người nghèo thật sao?

Chúa Giêsu khi dùng từ ngữ giầu có, hiển nhiên Ngài nhấn mạnh đến của cải vật chất, tài nguyên, và tiền bạc như trường hợp người thanh niên mà Máccô đã ghi: “Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10: 22). Nhưng khi Ngài dùng đến chữ nghèo, không những Ngài nói đến sự túng thiếu vật chất, mà đặc biệt Ngài còn có ý đề cao tinh thần nghèo. Vì chỉ có tinh thần nghèo mới làm nên giá trị của cái nghèo Phúc Aâm. Nghèo mà có thể mua được Nước Trời. Cái nghèo làm nên sự khác biệt giữa những người tham lam, chôn bám vào vật chất, và những người thanh thoát vượt trên những ràng buộc của vật chất.

Thật vậy, tuy Chúa hứa Nước Trời cho những người nghèo, nhưng chắc chắn không phải ai nghèo cũng được vào Thiên Đàng. Rất nhiều người nghèo một cách miễn cưỡng. Nghèo mà ham. Nghèo mà vẫn còn đi Las Vegas. Nghèo mà vẫn còn hy vọng vào vé số Lotto. Nghèo mà vẫn còn đi cầy hai job, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm quên Chúa Nhật. Nghèo mà thấy ngứa mắt khi nhìn người khác lái chiếc xe mới mua ở dealer về. Nghèo mà thấy khó chịu với người bạn mới mua căn nhà 5 phòng ngủ, 2 lầu. Những người như thế sao gọi là nghèo?! Đúng ra, họ là những người rất giầu có và sung túc. Một sự giầu có của lòng ham muốn và ước muốn vật chất. Đối với họ, nếu hoàn cảnh đưa đẩy bắt họ phải chịu cảnh nghèo, thì chỉ là chuyện xui xẻo, bất đắc dĩ. Cái nghèo bị bắt buộc. Đó là cái nghèo của một người nọ, anh có một cái giường mà anh cho là quý. Anh không dùng nó nhưng cất kỷ vào một góc của garage, bạn bè thấy vậy đã đề nghị, nếu không dùng hoặc không cần đến, anh nên cho những người nghèo khổ, bệnh tật đang cần đến cái giường hơn là để một xó, choán chỗ, và hư hao theo thời gian. Nhưng anh đã từ chối mặc dù anh biết là anh sẽ chẳng bao giờ cần đến nó.

Thực tế cũng đã chứng minh là nhiều người nghèo mà lòng đầy tham lam vô độ. Những giấc mơ giầu sang đã làm nhiều người tan gia, bại sản, mất đi luôn những gì họ có tối thiểu. Họ là những con nợ vì cờ bạc. Những người nghèo mạt rệp. Nghèo đến nỗi phải bán luôn chiếc xe, chiếc đồng hồ đeo tay, hoặc cầm cố căn nhà của mình để mong làm giầu trên chiếu bạc. Con số những người nghèo kiểu này không phải là ít. Cũng có những người nghèo trí tuệ, nghèo kiến thức. Tiếc là trong nhiều và rất nhiều trường hợp họ không nhận mình kém và cần được học hỏi, được nâng đỡ. Ngược lại, họ là những người rất ưa khoác lác, khoe khoang, chuyên lo phê bình, chỉ trích, hoặc bắt bẻ người này người khác. Một hình thức nghèo khác là nghèo quyền lực. Những cuộc chiến đó đây, những cảnh tranh dành ngôi thứ mà ta gọi là trò chơi chính trị đang hằng ngày diễn ra trước mắt mọi người. Sự tham lam quyền lực này là căn nguyên đưa đến những cuộc chiến đẫm máu, đưa đến cái chết của hàng triệu sinh linh. Và sau cùng, nghèo đói dục vọng và đam mê. Hậu quả cái nghèo này là gia đình tan vỡ, hạnh phúc hôn nhân tan vỡ, luân lý và đạo đức suy đồi.

Tận cùng của những nghèo đói ấy là thái độ con người không bằng lòng với chính mình. Không khiêm nhường nhận giới hạn và sống với chính mình. Hình ảnh cuộc chiến giữa Satan và con người. Giữa cuộc sống bình thản, hạnh phúc và những sục sôi, tham lam của vườn Địa Đàng ngày xưa vẫn luôn luôn tái diễn. Người ta vẫn như Evà hôm xưa muốn biết lành và biết dữ. Muốn bằng Thiên Chúa. Muốn vượt quá giới hạn của mình. Tinh thần nghèo của Phúc Aâm, do đó, là một thái độ dứt khoát và loại bỏ mọi hình thức nô lệ, và làm tôi tiền bạc, giầu sang, hoặc danh giá, là những thứ được ban cho từ bàn tay Thiên Chúa, nhưng con người lại cứ tưởng do tài năng, do khôn ngoan, và sức lực mình mà có. Tất cả những thứ đó, Thiên Chúa muốn con người đặt dưới chân Ngài, trong bàn tay quan phòng Ngài, để không vướng bận nào có thể làm cản bước chân họ trong hành trình đi về nhà Cha. Đó là sống tinh thần nghèo Phúc Aâm.

Tóm lại, cốt lõi của chữ nghèo và đời sống nghèo theo tinh thần Phúc Aâm, không hẳn là sự đói khổ, túng thiếu, và chật vật về kinh tế và vật chất. Chúa Giêsu đã dậy con người cầu xin “hằng ngày dùng đủ” trong Kinh Lậy Cha, điều này chứng tỏ Cha trên trời luôn quan tâm, lo lắng và không muốn con cái mình phải nghèo đói, túng thiếu; nhưng nó cũng nói lên rõ ràng ý Ngài là không muốn con người quá lệ thuộc hoặc chôn bám vào những của cải vật chất.

Nghèo tâm linh hay tinh thần nghèo, còn là thái độ sống bằng lòng với chính mình, khiêm tốn, đơn sơ, và hạnh phúc với những gì mình đang có.

Một người ý thức như vậy, chấp nhận như vậy, và sống như vậy là một người hạnh phúc, một người có tinh thần nghèo khó Phúc Âm. Người ấy không những bằng an, vui sống với chính mình, mà hơn thế nữa còn chiếm hữu được Nước Trời, bởi vì họ luôn có Thiên Chúa ở trong tâm hồn, và trong cuộc sống của họ. Mà đã có Chúa là có Thiên Đàng. Họ không cần phải đợi đến đời sau, hoặc vất vả tìm kiếm lối vào Thiên Đàng. Không cần phải tìm cách chui qua lỗ kim như con lạc đà để vào Thiên Đàng. Vì Thiên Đàng ở đây, ngay trong tâm hồn họ: “Hởi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn hơn người giầu có vào Thiên Đàng” (Mc 10:25).

Trần Mỹ Duyệt

Không trọn lành không được rỗi… !

Trong loạt bài Phúc Âm gần đây, kể từ sau bài Phúc Âm Chúa Nhật 24 về Mầu Nhiệm Vượt Qua bắt đầu được Chúa Giêsu tỏ cho các tông đồ biết sau khi các ngài tuyên xưng niềm tin của mình vào Người: “Thày là Đức Kitô”, chúng ta thấy hiện lên một loạt những gương mù gương xấu. Trước hết là gương mù gương xấu của các môn đệ tỏ ra tranh giành địa vị, ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 25; tiếp đến là gương mù gương xấu của các vị về việc tranh chấp quyền năng phe nhóm, ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 26; sau đó là gương mù gương xấu của việc vợ chồng ly dị nhau, ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 27; và đến nay là gương mù gương xấu về lòng tham lam của cải ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 28 tuần này. Đối với gương mù gương xấu về tinh thần tranh ngôi giành chức của nội bộ tông đồ đoàn, Chúa Giêsu đã dạy các vị tinh thần phục vụ hơn hưởng thụ. Đối với gương mù gương xấu về tinh thần tranh chấp quyền năng phe nhóm đối ngoại của các tông đồ, Chúa Giêsu dạy các vị hãy có tinh thần đoàn kết và hợp tác với tất cả mọi người vì Người. Đối với gương mù gương xấu về tinh thần chia rẽ hôn nhân, Chúa Giêsu đã dạy con người thành hôn nói chung và thành phần thông luật nói riêng phải trở về nguồn, trở về với dự án nguyên thủy của Thiên Chúa đối với cơ cấu hôn nhân được chính Ngài thiết lập. Đối với gương mù gương xấu về lòng tham lam của cải sản vật trần gian, Chúa Giêsu dạy con người nói chung và thành phần giầu có nói riêng phải có một tinh thần nghèo khó.

Thật vậy, không có tinh thần nghèo khó, con người sẽ không được vào Nước Trời, tức không được rỗi, được sự sống đời đời. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định ngay trong mối Phúc Đức thứ nhất ở Bài Giảng Trên Núi của Người: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ” (Mt 5:3). Đó cũng là lý do, người thanh niên giầu có, giầu tiền lắm của này đã hỏi Chúa Giêsu về vấn đề sự sống đời đời: “Lạy Thày thiện hảo, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống trường sinh?” Vấn nạn của người thanh niên giầu có trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này dầu sao cũng cho chúng ta thấy của cải sản vật không thể nào làm cho con người được hoàn toàn và vĩnh viễn thỏa mãn. Chính vì Thiên Chúa đã dựng nên lòng con người hướng về, khao khát và tìm kiếm sự thiện vô cùng, một tâm trạng đã được một Âu Quốc Tinh sau cuộc đời trác táng về nhục thể và lạc loài về tâm linh đạo lý đã phải “Tự Thú” là lòng mình khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa, mà người thanh niên sống trong nhung lụa trong bài Phúc Âm vẫn cảm thấy không yên tâm về phần rỗi của mình, cho dù anh đã giữ trọn các giới răn cản bản nhất của Chúa. Theo bài Phúc Âm Thánh Ký Mathêu (19:16-22) cũng thuật về câu truyện này thì chàng thanh niên giầu có ấy còn hỏi thêm Chúa Giêsu một câu nữa, một câu chứng tỏ cái bất an và áy náy về phần rỗi của anh ta dù đã giữ trọn các giới răn: “Tôi đã giữ tất cả những điều ấy rồi. Tôi còn phải làm gì hơn nữa chăng?”

Qua câu này, người ta cũng có thể hiểu là anh chàng thanh niên giầu có ấy muốn khoe lòng đạo đức của mình nữa. Anh ta cứ tưởng anh ta đã giữ tất cả những giới luật căn bản ấy rồi là đủ, không cần phải làm gì hơn nữa, không còn gì đối với anh ta nữa. Nhưng qua thái độ của anh ta được Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại: “một người nam chạy đến chặn đường Người quì xuống mà hỏi”, thì anh chàng thanh niên giầu có này rất chân thành, muốn đi tìm chân lý, lòng đầy khắc khoải băn khoan về đời sau trước tất cả những phú túc ở đời này. Nếu anh chàng này không chân thành, mà chỉ giả hình như thành phần Pharisiêu bị Người quở trách nặng lời, thì Chúa Giêsu, qua ngòi bút tỉ mỉ đặc thù của Thánh Ký Marcô, đã không “trìu mến nhìn anh ta mà nói”. Chúa Giêsu “trìu mến” nhìn người thanh niên giầu có thành tâm thiện chí này là vì Người thấy anh ta giầu có mà vẫn giữ đạo hẳn hoi. Chúa Giêsu “trìu mến” nhìn người thanh niên giầu có đầy thành tâm thiện chí này là vì Người muốn anh ta nên hoàn thiện hơn. Đó là lý do trong bài Phúc Âm của Thánh Mathêu, Chúa Giêsu nói với anh ta: “Nếu anh muốn nên trọn lành…”.

Như thế, qua trường hợp của người thanh niên giầu có này, theo Phúc Âm Thánh Mathêu, có hai vấn đề rõ ràng, vấn đề được rỗi và vấn đề nên trọn lành. Vấn đề được rỗi chỉ cần giữ trọn các giới răn, còn vấn đề nên trọn lành cao hơn cần phải trước hết có tinh thần nghèo khó. Tuy nhiên, theo Phúc Âm Thánh Marcô thì nếu không có tinh thần nghèo khó cũng không thể được cứu độ, được sự sống đời đời. Thật vậy, theo Phúc Âm Thánh Marcô, người thanh niên chỉ hỏi một câu, đó là làm sao để được sự sống đời đời, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời làm hai phần, phần đầu là giữ các giới răn, và phần sau, sau khi nghe thấy anh ta đã giữ các giới răn, Người nói thêm “anh còn cần phải làm một điều nữa…”. Nghĩa là, căn cứ vào mạch truyện và câu Chúa Giêsu nói ở đây thì người thanh niên giầu có này chẳng những cần phải giữ trọn các giới răn mà còn cần phải có tinh thần nghèo khó nữa, bằng không, như Chúa Giêsu khẳng định sau khi thấy người thanh niên giầu có buồn bã bỏ đi, là “kẻ giầu có khó vào nước Thiên Chúa là dường nào!... Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một con người giầu có vào nước Thiên Chúa”. Nếu vào nước trời chỉ cần giữ các giới răn thì có vẻ dễ đối với người thanh niên giầu có này, con người như thế được cả hai đời, đời này đã được giầu có sung sướng, đời sau lại còn được hưởng vinh phúc trường sinh. Bởi thế, vào nước trời bao gồm cả tinh thần nghèo khó nữa mới được, cả lòng khao khát nên trọn lành nữa mới đáng gọi là khó hơn lạc đà chui qua lỗi kim.

Đúng thế, thực tế cho thấy, nếu không trọn lành, hay ít là “có lòng khao khát nhân đức trọn lành” (Mt 5:6), con người theo tự nhiên thường có khuynh hướng hưởng thụ hơn phục vụ, vơ vét hơn cho đi v.v. Sở dĩ họ giữ được các giới răn cản bản, như người thanh niên giầu có trong bài Phúc Âm, là vì họ sợ mất linh hồn, chỉ vì họ lo cho bản thân của họ hơn là hoàn toàn thuần túy vì lòng mến Chúa, họ giữ luật vì luật hơn là vì Đấng ban lề luật, và họ cho rằng chính việc giữ luật của họ làm cho họ nên công chính chứ không phải bởi quyền năng của lề luật, bởi tinh thần của lề luật, hay bởi Đấng ban lề luật. Bởi vậy, nếu không có hỏa ngục, chưa chắc họ đã giữ các giới luật căn bản ấy. Trường hợp của người thanh niên giầu có này là trường hợp cụ thể đã được Chúa Giêsu sánh ví như người phú hộ trong dụ ngôn với Lazarô (Lk 16:19-31; 18:15-30). Người phú hộ không hề xúc phạm đến Lazarô, như xua đuổi, chửi rủa, khinh bỉ Lazarô, (có thể suy đoán ông ta là người biết tự trọng, không hề phạm những thứ tội bị Chúa Giêsu liệt kê trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này: sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng dối, lường gạt gian lận; trái lại, ông còn tỏ ra biết tôn kính mẹ cha nữa), thế mà, cuộc đời của ông cuối cùng đã kết thúc vĩnh viễn trong vực thẳm tử vong, chỉ vì ông không biết chia sẻ những gì ông có cho Lazarô, một người anh em vô cùng khốn nạn của ông, ở ngay cổng ra vào nhà ông, tức ở ngay trước mắt ông.

Như thế, tinh thần nghèo khó trọn lành ở đây, trước hết, không phải là lòng khinh bỉ của cải trần gian nói riêng hay tất cả những gì tốt lành được Chúa dựng nên nói chung, trong đó có cả vấn đề sinh dục, trái lại, trên hết, chính là nhận thức và thực hiện đúng vị thế và trách vụ của mình đối với những gì Chúa ban cho mình, đúng hơn những gì Chúa ký thác cho mình, những nén bạc được Ngài trao ban không phải chỉ để canh giữ (đem chôn sợ mất) như người đầy tớ kia (x Mt 25:24-25), mà còn để phân phát như người quản lý khôn ngoan coi sóc nhà cửa cho chủ (x Lk 12:43). Tuy nhiên, tinh thần nghèo khó không phải chỉ được tỏ hiện qua việc biết sử dụng tất cả những gì mình có theo vị chủ nhân ông Thiên Chúa Tạo Hóa của mình, mà còn được cụ thể hóa một cách trọn lành hơn nữa qua việc, như trường hợp các tông đồ trong bài Phúc Âm, “bỏ mọi sự mà theo Thày”, Đấng vô cùng viên mãn trọn lành đã trở thành đầy tớ phục vụ đến hiến mạng sống mình cho nhân thế (x Mt 20:28).

Sau đây là hai câu chuyện về người nghèo (xem dongcong.net) được chính vị sáng lập hội dòng phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo là Mẹ Têrêsa Calcutta, vị tân chân phước của Giáo Hội vào Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 19/10/2003, kể lại rất cảm động như sau:

Tại bên Úc, Mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, Mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập tàn nhẫn, mình mẩy anh ta bầm tím hết. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh:" Ai đã đánh anh ?" thì anh thanh niên này nhất định không trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh ta và bỏ ra về. Lúc đó, Mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:

- Sao con không khai người đã đánh đập con với cảnh sát?

- Thưa Mẹ, nếu con khai ra, người đó sẽ bị trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng không thể làm giảm đi nỗi khổ đau của chính con!

Người nghèo giầu tình thương biết bao! Chúng ta bảo họ nghèo, nhưng thực sự, chính họ lại giầu có. Họ giầu tình thương và giầu lòng nhân ái. Chúng ta cần phải có một tình thương và đôi mắt nhân hậu để có thể khám phá ra những hạt giống tốt đã được gieo rắc trong tâm hồn họ và giúp cho những hạt giống ấy phát triển thêm nhờ vào cách đối xử nhân từ của chúng ta đối với họ.

Một lần, có một người đàn bà giầu có người Hindou đến thăm Mẹ. Bà ta nói với Mẹ:

- Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với Mẹ và cộng tác với Mẹ trong các hoạt dộng từ thiện.

- Tốt lắm ! Mẹ đáp lại một cách vui vẻ.

Rồi bà ta thú thực với Mẹ là bà ta có một điều rất khó bỏ, dó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo xari, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc bộ áo xari trị giá 65 đôla, trong khi chiếc áo xari của Mẹ Têrêsa đang mặc chỉ đáng giá 65 xu, chưa đầy một đôla. Như được ơn trên soi sáng, Mẹ Têrêsa bỗng nảy ra một tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với Mẹ về những bộ áo xari đó. Mẹ khiêm tốn đề nghị:

- Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ aó xari trị giá 65 hoặc 100 đôla, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 đôla thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari đơn sơ khác dành cho người nghèo.

Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà đã biết dùng những bộ áo xari rẻ tiền hơn. Sau này, chính bà ấy đã thú nhận với Mẹ Têrêsa rằng:

- Thưa Mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn những gì con đã cho đi và chia sẻ với những anh chị em nghèo khó !
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

TIẾT ĐỘ: ĐỨC TÍNH ĐỂ SỐNG THANH THOÁT VÀ BÌNH AN
 

“Khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ” – những nhân đức hay đức tính của những thánh nhân, quân tử. Gọi đó là những đức tính hay nhân đức vì để những hành động khôn ngoan, công bằng, đại đảm, hay tiết độ trở thành một tập quán, một hành động tự phát, người thụ đắc những đức tính hay nhân đức ấy phải cố gắng tập luyện, và phải chấp nhận nhiều thách đố, nhiều thử thách. Thí dụ, một võ sỹ phải ngày ngày luyện tập để làm sao những phản ứng của mình trở thành một tập quán. Như thế, khi khai triển những thế võ, hành động khai triển ấy sẽ trở thành nhuần nhiễn, và được coi như một phản xạ tự nhiên. Vậy, thế nào là tiết độ?

Tiết độ – moderation. Tự điển The Random House, College Dictionary đã định nghĩa như sau: “The quality of being moderate; restraint; avoidance of extreme; temperance. The act of moderating”. Còn thế nào là một hành động moderate, thì cũng theo tự điển này định nghĩa: “Kept or keeping within reasonable, or proper limits; not extreme, excessive, or intense”. Như vậy, tiết độ là một việc làm dung hòa cho có chừng mực, và tránh thái quá hoặc bất cập. Để được như vậy, ta phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút tức những kích thích từ phía bên trong và bên ngoài cuộc sống. Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức hay đức tính dễ làm và dễ thực hiện, bởi vì nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý và tâm linh con người.

Nhưng làm thế nào để xa tránh và tự chế? Điều này đòi hỏi sự trưởng thành về tâm lý và tâm linh. Một nghĩa nào đó, tiết độ là một nhân đức hay đức tính của những con người trưởng thành. Thí dụ, khi đói dạ dầy ta cồn cào, xót xa. Thiếu dinh dưỡng, con người trở thành bạc nhược, mệt mã, và không có khả năng làm được gì. Tay chân rã rời, uể oải. Trí óc ngừng hoạt động, và nếu có hoạt động thì lại hoạt động nhằm vào việc làm thế nào để no cái dạ dầy. Tóm lại, nguyên một việc đói mà thôi, cũng đã ảnh hưởng trực tiếp cả phần thể lý, tâm lý và tam linh con người. Tâm lý đạo đức người Việt Nam có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc” là vậy. Khi túng quá, người ta hay làm càn, làm mất đi nghĩa của đạo lý.

Tóm lại, khi đói, toàn thể con người bị chi phối và ảnh hưởng. Trí óc gắng lục soát khả năng thích hợp để tìm của ăn. Khứu giác lo đánh hơi. Thị giác lo tìm kiếm chung quanh. Và khi tìm thấy một miếng thịt trong tủ lạnh chẳng hạn, hay ngửi được mùi thơm của thức ăn từ nhà hàng xóm, lập tức dạ dầy hoạt động, nước miếng và cường toan tiết ra từ miệng và dạ dầy. Tiếp đến là hoạt động của tâm lý. Vui mừng, hồi hộp, thoải mái, và chen lẫn lo lắng trước khám phá của thị giác và khứu giác. Và sau cùng là phần tri thức cùng với đạo đức và tự do tự hỏi, có nên ăn thức ăn đó không? Aên như thế nào? Aên bao nhiêu? Aên ở đâu? Đến đây, thì ta thấy con người xa hẳn hơn loài vật. Một con chó khi đói nó không biết suy nghĩ và kìm hãm theo tiến trình kìm hãm như con người. Và cao hơn nữa, khi so sánh thái độ của những thánh nhân, quân tử với loại phàm phu, tục tử cũng khác biệt trong cách thức tìm kiếm, ăn uống, và thỏa mãn nhu cầu tự nhiên. Tóm lại, chỉ một hành vi ăn mà ta vừa trình bày cũng đã cho thấy sự liên quan mật thiết giữa thể lý, tâm lý và tâm linh. Một cách tương tự, hành vi uống, ngủ, nghỉ, hoặc những hành động liên quan đến những gì thuộc bản năng, và cao hơn nữa là những hành động của lý trí để dung hòa, để tự kiềm chế, con người phải biết tiết độ. Và đó cũng là lý do tại sao gọi tiết độ là đức tính, hành vi đạo đức, và tư cách làm người.

Theo tâm lý phát triển, thì việc con người ăn, uống, ngủ, nghỉ là những hành động theo bản năng, Những hành động này rất tự nhiên và thuộc về thể lý. Nó chưa vươn tới được những gì thuộc lãnh vực tâm lý và tâm linh. Việc con người suy nghĩ, đắn đo và chừng mực là việc làm của tâm lý và tâm linh, vì nó đòi phải có tri thức và tự do. Vậy nếu con người chỉ dừng lại ở phần tự nhiên, tức giác quan, hoặc theo bản năng, thì đó là mức độ tối thiểu và khởi đầu của tiến trình phát triển. Như vậy, một người dù đã lớn tuổi, đã già nhưng không dùng khả năng tri thức để tự kìm hãm, tự giới hạn và làm triển nở giá trị hành động của mình, thì người ấy vẫn chưa được coi là người đã trưởng thành một cách đầy đủ. Thánh Gioan Boscô đã nói: “Muốn làm một thánh nhân, thì phải thành nhân trước đã”. Nếu đem áp dụng những lời này vào trường hợp con người chỉ dừng lại ở bản năng hoặc tự nhiên, thì những người ấy không thể được coi là những thánh nhân, quân tử, vì thực sự họ chưa thành nhân xét về mặt tâm lý và đạo đức.

Tiết độ, do đó, là một việc làm cần thiết để không những thăng hoa, triển nở cuộc sống con người, mà còn là một dấu chỉ của sự trưởng thành. Con người không tiết độ, không chừng mực không thể gọi là người trưởng thành, và ngược lại. Người tiết độ là một người không quá khích, không buông túng, không thả lỏng, nhưng chừng mực, dung hòa, và bình tĩnh. Chừng mực trong những nhu cầu theo bản năng, tình cảm, và cả trong lãnh vực đạo đức tâm linh nữa, Một người như vậy, trước hết sẽ sống thoải mái, bằng an, và không gặp phải hoặc tạo ra những xúc cảm quá độ. Một cuộc sống đem lại sự bằng an và điềm tĩnh. Tâm trí của những người tiết độ không hoạt động quá mức. Tình cảm họ không bị kích thích quá độ. Và trong lãnh vực luân lý, đạo đức, họ cũng không tự buộc mình hoặc cưỡng ép mình vào những hành động siêu phàm, vượt quá khả năng khiến có thể đem đến sự chán ngán, nghi ngờ, hoặc thất vọng một khi không thực hành được những ước mơ siêu phàm ấy.

Như vậy, người tiết độ là người bình an, và có khả năng làm được việc lớn. Việc lớn ở đây, trước hết là làm chủ được chính mình: “Thắng được một vạn quân, không bằng thắng chính mình”. Điều này rất đúng và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của việc làm tự chế. Nhiều khi có những cá tính, những nhu cầu nhỏ nhoi nhưng nếu không được kìm hãm, tự chế, nó sẽ trở thành những ngãng trở lớn lao trong cuộc sống. Một người mẫn cảm quá, sẽ dễ dàng xúc động, sẽ dễ dàng buồn bực, dễ dàng nghi nan, và dễ dàng thất vọng. Ngược lại, người quá chủ quan, quá khích cũng dễ dàng trở thành khó khăn và tự cô lập mình với những người chung quanh. Chính họ sẽ trở thành khó chịu và không hài lòng với chính mình do những ước muốn và tham vọng do chính họ đặt ra cho họ. Người chung quanh cũng thấy khó chịu vì những quá khích, và những hành động lập dị của họ. Ở đây, ta có thể coi tiết độ như một hành động sống của thuyết trung dung.

Tuy nhiên, tiết độ không có nghĩa là ba phải. Và tiết độ cũng không có nghĩa là hoàn toàn xa tránh, hoặc tránh né tất cả. Một người không biết thưởng thức một bữa ăn ngon, một ly rượu ngon, một chén trà ngon, một tình cảm trân quí của người thân, người yêu, hay bạn bè, người ấy phần nào mang những hội chứng tâm lý bệnh hoạn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ say sưa, đắm chìm vào những đòi hỏi vật chất, tham lam, và sự hối thúc của dục vọng cuồng nhiệt thì đó lại là những hành động buông túng và quá độ.

Tóm lại, tiết độ như đã được trình bày ở trên là một hành vi vừa có tính cách tâm lý, vừa đạo đức, và vừa lý trí. Nó đem lại sự bằng an và thanh thoát cho con người. Nó giúp kìm hãm và giới hạn những ràng buộc của bản năng và dục vọng nhằm đưa con người xuống với đời sống bản năng và tự nhiên. Nhưng như đã trình bày, tiết độ là một nhân đức, và do đó, đòi hỏi sự tập luyện và ý chí bền bỉ trong thực hành.

Trần Mỹ Duyệt
 

Tiết Độ

Nếu công bằng liên quan đến nguyên tắc làm người, và khôn ngoan liên quan đến đường lối làm người, thì tiết độ liên quan đến tính cách làm người. Nếu tiết độ là mức độ điều hòa, trung dung, quân bình nơi tư cách của con người, thì tất cả những gì là thái quá bất cập, là quá đà quá mức, đều phản lại với nhân đức tiết độ này. Mà tội lỗi là những gì con người vượt biên, vượt quá giới hạn quyền lợi hay quyền hạn của mình, do đó, tội lỗi tự bản chất có tính cách vô độ, nghịch với tiết độ. Chưa hết, tội lỗi còn là những gì con người làm phạm đến sự thật làm người, tức đến đức công bằng, ở chỗ con người đã không sống đúng với thân phận và trách vụ của mình, nên con người sống theo tội lỗi, hay sống buông thả, sống vô độ, cũng là những con người bất công, hay nói ngược lại, con người bất công cũng là con người sống vô độ. Còn nữa, vì tội lỗi làm hại đến con người, chẳng những làm cho chính bản thân con người phạm tội mất hay giảm phẩm giá, mà còn có thể làm thiệt hại về một phương diện nào đó cho nạn nhân bị tội lỗi xúc phạm đến, do đó, nó cũng phạm đến cả nhân đức khôn ngoan nữa. Bởi thế, hành động vô độ cũng là những gì bất khôn, bởi thế mới có câu “cả giận mất khôn”, hay ngược lại, bất cứ một hành động bất khôn nào cũng đều có tính cách vô độ, bởi thế người ta thường nói “đừng có dại mà đâm đầu vào” - tứ đổ tường chẳng hạn. Vậy nếu ba nhân đức công bằng, khôn ngoan và tiết độ có một liên hệ mật thiết với nhau như thế, thì con người tiết độ chính là và phải là một con người công bằng và khôn ngoan, hay nói ngược lại, con người công bằng và khôn ngoan chính là và phải là một con người tiết độ.

Thật vậy, nếu nói đến vô độ hay quá độ là nói đến xu hướng bản năng tự nhiên, một xu hướng thường dẫn con người yếu đuối đến chỗ mù quáng sống buông tuồng mất nết, đam mê nhục dục, ngông cuồng tham vọng, thì nói đến tiết độ là nói đến một tình trạng bình an tự tại, một trạng thái giúp con người sống điều độ chừng mực, thản nhiên khoan nhã, thậm chí đạt đến chỗ siêu thoát thế tục. Từ nhận định và phân tích này, có ba vấn đề được đặt ra ở đây là: Phải chăng đam mê là xấu, vì thực tế cho thấy nó là động lực khiến con người sống vô độ? Phải chăng siêu thoát thế tục là mức độ cao nhất của nhân đức tiết độ?? Và con người phải làm thế nào để có thể sống tiết độ???

Phải chăng đam mê là xấu, vì thực tế cho thấy nó là động lực khiến con người sống vô độ?

Trước hết, đam mê thường đi chung với nhục dục, gọi là “đam mê nhục dục”. Nghĩa là tình trạng con người lúc nào cũng tìm kiếm những lạc thú về xác thịt, say sưa với tửu sắc v.v. Ngoài ra, đam mê cũng có thể đi liền với dục vọng, gọi là đam mê dục vọng. Nghĩa là tâm trạng con người ôm ấp trong lòng đầy những tham vọng về tiền tài, danh giá, quyền lực v.v. và tìm hết cách, kể cả hạ sách đê hèn hay bất chấp thủ đoạn, để đạt cho bằng được tham vọng bất khả chế ngự của mình. Chưa hết, về khía cạnh sinh hoạt, đam mê còn đồng nghĩa với say mê. Chẳng hạn say mê học hành đến không thiết gì đến vấn đề giải trí, hay say mê nghiên cứu khoa học đến không còn thiết gì đến ăn uống, say mê xem phim bộ Trung Hoa đến không còn biết đến ngủ nghỉ là gì nữa v.v. Như thế, đam mê ở đây tự bản chất không phải là một trong bộ thất tình, ái, ố, hỉ, ai, nộ, cụ, dục, tức yêu thương, ghen ghét, vui mừng, buồn bực, giận dữ, sợ hãi, tham lam, mà là tính cách hay trạng thái tác hành theo cảm xúc khoái thú của con người. Vì đam mê là tính cách hay trạng thái tác hành theo cảm xúc khoái thú của con người, mà về phương diện phát biểu, người ta có thể nói rằng: “Anh ta coi phim tầu một cách say mê”, hay “anh ta say mê xem phim Tầu đến độ quên ăn mất ngủ”. Đam mê ở đây được diễn tả qua trạng tự “say mê” là trạng từ đứng trước động từ “xem phim Tầu” hay sau đứng sau động từ “coi phim Tầu”, những động từ cùng diễn tả cho thấy tác hành theo đam mê của chủ từ “anh ta”.

Nếu đam mê tự bản chất chỉ là một trạng thái hay tính cách tác hành của con người có cảm tình cảm xúc, thì tự bản chất nó vô thưởng vô phạt, không xấu không tốt. Đam mê có thể là một yếu tố rất cần thiết và thật sự là tốt lành, là bổ ích, một khi nó trở thành một động lực mãnh liệt thúc đẩy con người say sưa theo đuổi lý tưởng cao cả, hăng say tìm kiếm chân, thiện, mỹ, nhiệt tâm phục vụ công ích v.v. Trái lại, đam mê cũng rất nguy hiểm và hết sức bất lợi khi nó trở thành một động lực bất khả chế ngự thúc đẩy con người say sưa tìm kiếm những mộng tưởng hão huyền, những lợi lộc vị kỷ, những đòi hỏi lăng loàn v.v. Như thế, đam mê tốt hay xấu là do bản chất của việc con người làm. Nếu việc con người làm là xấu thì đam mê thúc đẩy họ làm việc xấu ấy là đam mê xấu, trái lại, nếu việc con người làm là tốt, thì đam mê thúc đẩy họ làm việc tốt ấy là đam mê tốt. Nói đúng hơn, đam mê tốt hay xấu là do chính chủ thể tác hành, do con người sẵn có đam mê trong mình. Không phải đam mê làm cho con người nên tốt hay xấu, mà là con người làm cho nó nên tốt hay xấu. Tại sao? Tại vì con người là chủ thể, là một thực thể chẳng những có lương tâm, biết phân biệt đúng sai, phải trái, lành dữ, lợi hại, hay dở, mà còn có khả năng tự do chọn lựa nên cũng có trách nhiệm đối với từng tác hành của mình nữa. Dầu sao cũng phải công nhận rằng, về phương diện tiêu cực, con người thường bị và dễ bị đam mê chi phối hơn là làm chủ đam mê. Đó là lý do con người phải sống tiết độ mới là một con người toàn vẹn, tiết độ đến nỗi, như các bậc thánh nhân quân tử, hầu như không có gì tầm thường hoặc xấu xa có thể chi phối hay lôi cuốn con người họ được nữa.

Phải chăng siêu thoát thế tục là mức độ cao nhất của nhân đức tiết độ??

Thế nhưng, phải chăng siêu thoát thế tục là mức độ cao nhất của nhân đức tiết độ, là dấu chứng tỏ con người đã đạt tới cảnh giới siêu đẳng của kiếp người ngay khi họ còn sống trong xác thịt nặng nề với đầy những chước cám dỗ lôi cuốn chung quanh họ?? Thật ra, nếu bản chất của đam mê liên quan đến bản chất của việc con người làm thế nào, thì trạng thái siêu thoát của con người cũng liên quan đến ý hướng của con người như vậy. Đúng thế, một con người chán đời đi tu theo kiểu tránh việc quan đi ở chùa, thì việc thoát tục của con người này chắc chắn không phải là hành động của một nhân đức tiết độ đích thực và trọn hảo. Những kẻ bị đời đá, sau khi “giác ngộ”, đã hận đời và tỏ ra cóc cần đời, không còn thiết một sự gì nữa, cũng không thể liệt họ vào thành phần thoát tục. Những ai thấy đời ô trọc, đầy những gian manh dối ác, đầy những tranh đoạt lợi lộc, liền dứt khoát qui ẩn giang hồ, đến nỗi tỏ ra khinh đời, dù có khả năng giúp đời, có khả năng cứu nhân độ thế một phần nào đó, cũng bất kể, cũng mặc kệ “bay chết mặc bay”, theo tôi, họ cũng không phải thuộc thành phần siêu thoát đích thực. Đây là điểm bất đồng giữa Khổng Giáo chủ trương nhập thế xây dựng xã hội và Lão Giáo chủ trương xuất thế vô vi thanh thoát. Kitô Giáo đã dung hòa hai chủ trương này bằng chủ trương ở trong thế gian song không thuộc về thế gian, trái lại, như men trong bột, nhờ đó, nhờ ở trong thế gian, Kitô hữu có thể làm cho thế gian, làm cho văn hóa thế gian, làm cho sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật v.v. của thế gian được nên trọn đúng như dự án thần linh của Đấng đã tạo dựng nên thế gian và đặt con người thay Ngài làm chủ thế gian.

Phải, con người thoát tục không phải là con người lánh xa đời kẻo bị đời lôi kéo, mà là một con người chẳng những không sợ đời, không khinh đời, không tránh đời, mà còn dấn thân vào đời, hiến thân cho đời, để cứu đời, để cải tiến xã hội, để canh tân con người. Những loại “anh hùng tạo thời thế” này, một lúc nào đó có xa đời, cũng là để dấn thân vào đời hơn nữa. Kể cả những bậc ẩn tu hay khổ tu, cả đời ở trong hoang địa, như các vị ẩn sĩ bên Ai Cập ngày xưa, hay tự giam mình trong bốn bức tường của một viện tu, như các đan sĩ ngày nay, dù không giao tiếp với đời hay trực tiếp phục vụ đời, nhưng tận đáy lòng họ không hề khinh đời. Trái lại, cuộc đời chân tu của họ, chẳng những hoàn toàn tránh xa những vui thú tạm bợ trần gian, liên quan đến quyền sở hữu của cải, quyền lập gia đình và quyền tự do theo ý muốn chính đáng của mình, mà còn sống cả đời hoàn toàn nghịch lại với bản tính tự nhiên thích hưởng thụ của con người, kiên trì chịu đựng cảnh cô đơn, khổ hạnh và phục tùng, để hoàn hảo hóa con người của mình. Những cuộc đời trước mắt thế gian có vẻ ích kỷ và uổng phí như thế lại là cuộc đời đã góp phần đặc biệt vào việc thăng tiến xã hội loài người, bằng phẩm giá làm người trọn lành của họ, cũng như bằng gương lành của họ trước mắt thế gian, một tấm gương nhắc nhở thế gian hãy sống tiết độ, ở chỗ, hãy sử dụng mọi sự như phương tiện để đạt mục đích, chứ đừng lấy thế gian làm cùng đích, biến mình làm tôi phụng sự thế gian, vì con người được dựng nên là để đóng vai trò làm chủ thế gian, một vai trò làm chủ được họ thực thi chính khi họ biết làm chủ bản thân mình, ở chỗ sống tiết độ vậy.

Con người phải làm thế nào để có thể sống tiết độ???

Nếu tiết độ là nhân đức làm cho con người sống toàn vẹn và siêu thoát như thế thì phải chăng chỉ có một số ít những vị chân tu đắc đạo, những vị thánh nhân quân tử mới có thể đạt tới, chứ con người trần gian tầm thường xu hướng về xác thịt và trần tục sẽ không thể nào với tới? Thật ra, nếu sự kiện “nhân vô thập toàn” là một sự thật thì ai cũng có thể sống tiết độ, cũng có thể sống siêu thoát là tầm mức trọn lành của đời sống con người. Đúng thế, không ai sinh ra đã là thánh, đã trọn lành. Bởi thế cuộc sống của con người mới có vấn đề “nên thánh”, “nên trọn lành”, hay vấn đề “học làm người”, “nên người”. Sự thật thì tiết độ không phải là đích điểm làm người mà là khởi điểm. Vấn đề “học làm người” và “nên người”, hay “nên thánh” và “nên trọn lành”, được bắt đầu ở chỗ sống tiết độ. Có thể nói rằng, những con người còn sống vô độ, tức sống theo bản năng tự nhiên đòi hỏi, họ còn sống ở tầm mức của loài sống để mà ăn hơn là ăn để mà sống, sống theo luật rừng mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Bởi vậy, việc sống tiết độ là phận sự của mỗi một con người.

Nếu con người không biết làm chủ mình, họ làm sao xứng đáng làm chủ trái đất, dù họ có khả năng lên cung trăng, khả năng khám phá khoa học, khả năng phát minh kỹ thuật, khả năng tạo sinh cải giống v.v., kể cả khả năng tận diệt lẫn nhau vì không thể chế ngự và từ bỏ tham vọng của mình. Hơn bao giờ hết, lịch sử ngày nay cho thấy con người càng văn minh vật chất càng cảm thấy yếu nhược về tinh thần. Họ không thể chống cưỡng trước trào lưu cá nhân và hưởng thụ chủ nghĩa. Đến nỗi, họ hầu như không còn biết đến tiết độ là gì nữa. Về khẩu vị, ăn cho đã rồi sợ mập, sợ cao máu, sợ đóng mỡ, sợ tiểu đường, rồi hì hục tập thể dục thẩm mỹ, rồi kiêng cữ diet, nhưng diet không phải ở chỗ ăn uống ít đi, cho bằng ăn uống như thường cho đã cơn thèm, song với những thứ có thêm chữ diet, như diet coke, diet pepsi v.v. Về tính dục, vợ chồng không thể tự kiềm chế việc vợ chồng khi không muốn có con, phải sử dụng đến những kỹ thuật hay dụng cụ nhân tạo, nếu bị accident thì phá thai; chơi bời cho đã rồi sợ có bầu, sợ bị chứng liệt kháng AIDS, lúc nào cũng có bọc cao su hay thuốc ngừa trong túi mà vẫn bị hoang thai, vẫn bị HIV; làm tình dị tính ngoại hôn chưa đủ còn đi đến cả vấn đề làm tình đồng tính. Về tình cảm, động một tí là upset, là mang nhau ra tòa, là kiện cáo, kể cả vợ chồng với nhau; thậm chí có thể tự động lấy súng ra thanh toán nhau, vì không thể làm chủ được mình v.v.

Như thế, chính vì vấn đề sống tiết độ chẳng những liên quan đến việc thăng tiến đời sống cá nhân mà còn đến cả tình trạng an sinh của xã hội nữa, mà con người cần phải làm sao để có thể làm chủ và phải làm chủ được bản thân mình. Tuy nhiên, để thuần thục hóa một con hoang thú thế nào, con người tự nhiên vốn sống theo khuynh hướng bản năng cũng cần phải được huấn luyện hay cần phải tập luyện như vậy. Ở chỗ nào? Nếu không phải ở cả hai phương diện tiêu cực và tích cực. Về phương diện tiêu cực, con người chẳng những cần phải tránh mọi thứ vội vàng hấp tấp, mà còn cần phải tránh cả những ước vọng (expectation) quá độ, quá cao hay quá nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, chính vì “dục tốc bất đạt” mà con người dễ sùng lên hay chán nản, và cũng chính vì ước vọng quá cao, quá mức hay quá nhiều mà khi không được như ý, con người trở thành bất mãn và bất an, thậm chí còn có thể tỏ ra những thái độ bất khôn và bất công nữa. Về phương diện tích cực, muốn tập làm chủ mình, muốn tập sống tiết độ, con người cần phải hội đủ ba yếu tố sau đây: kỷ luật, ý chí, và ý thức.

Trước hết, để làm chủ mình trong việc sống tiết độ, con người cần phải có kỷ luật. Ở chỗ, về giờ giấc, phải chừng mực, có một chương trình sống đàng hoàng, lúc nào ngủ, lúc nào dậy, lúc nào tập thể dục thể thao, lúc nào ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, lúc nào chơi, lúc nào giải trí, lúc nào làm việc, học hành, đọc sách, làm việc bác ái xã hội, kể cả giờ giấc ấn định cho những việc vệ sinh, tắm rửa v.v.; rồi một sinh hoạt này cần bao nhiêu thời gian; tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đừng bao giờ để xẩy ra nhiều lần ngoại lệ, đến nỗi ngoại lệ trở thành thói quen, một thói quen sống ngoại lệ, không còn kỷ cương gì về giờ giấc nữa. Về việc sử dụng hay hưởng dụng các thứ vật dụng, phải điều độ và thận trọng, không phải thấy đồ ăn ngon, hợp khẩu vị thì ăn nhiều, bằng không thì ăn ít hay không ăn; không phải thấy của chùa thì xài phung phí, không giữ gìn cẩn thận, kiểu cha chung không ai khóc; không phải thấy ai có cái gì mình cũng phải có cái ấy, nhịn bụng đua đòi, làm khổ cả nhà; không phải dư tiền thì mua sắm đồ cho sang, đi chơi xả láng, không cần biết đến những người bần cùng túng thiếu chung quanh; trái lại, hãy mua sắm những đồ hợp nhu cầu của mình, hợp với chức phận của mình, dù có tiền cũng đừng tiêu xài quá sang và hoang phí, như để khoe của; cẩn thận hưởng dùng những gì mình có cho tới khi hư hỏng hay cho tới khi cần phải thay thế, chứ đừng thấy mới nới cũ, động một tí là bỏ v.v.

Sau nữa, để làm chủ mình trong việc sống tiết độ, con người cần phải có ý chí nữa. Thật vậy, cho dù có phác ra một chương trình sống rất chừng mực về giờ giấc, một kỷ luật sống rất nghiêm khắc về đồ dùng, nhưng nếu không cương quyết và nhất định thi hành, tất cả những gì được phác họa ra đó cũng chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên, ý chí tự nó cũng không phải tự nhiên mà có, trái lại, con người cần phải luyện tập mới có. Và môi trường để con người luyện tập, ngoài những gì trái ý xẩy ra ngoài ý muốn của họ, còn là chính những gì con người quyết tâm và dốc lòng thực hiện. Theo kinh nghiệm, nếu “vạn sự khởi đầu nan”, thì chỉ cần cương quyết làm mấy lần đầu, hành động lập đi lập lại này sẽ trở thành thói quen, đến nỗi về sau con người không làm không được hay không làm lại thấy thiếu làm sao ấy. Chẳng hạn vấn đề sử dụng giây chằng an toàn (seat belt) trên xe, sau khi vượt qua những lần quên sót hay ngại ngùng ban đầu, người lái xe cảm thấy đã lên xe không thể nào không chằng giây an toàn. Vậy cái gì đã làm cho người tài xế này quen thói chằng seat belt, nếu không phải là ý thức về sự an toàn của mình…

Đúng thế, sau hết, nếu con người ý thức được giá trị làm người, hay còn ý thức về liêm sỉ, họ sẽ cố gắng sống để làm sao ít là khỏi bị nhục, bị chê cười, nhất là để xứng đáng với thân phận “nhân linh ư vạn vật” của họ, thân phận làm chủ trái đất, chứ không để mình biến thành một thứ nô lệ đê hèn cho trần thế, bị mê hoặc bởi ảo tưởng hão huyền. Thế thì phải chăng, hiện tượng hưởng thụ và buông thả về luân lý đạo đức nơi xã hội văn minh Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng là tất cả những gì hiển nhiên cho thấy một sự thật hết sức phũ phàng là, một khi con người mất liêm sỉ, hay nói một cách sâu xa hơn, một khi con người mất đi ý thức tội lỗi, con người sẽ đi hoang, sẽ buông tuồng, sẽ mất gốc…

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 53, 19/1/2003)

 

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)