GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 6/2003

 

Ý Chung: Xin cho những tín hữu đang giữ các trọng trách phục vụ công ích biết tuân theo giáo huấn của Phúc Âm cùng với những nguyên tắc giáo huấn về xã hội của Giáo Hội để họ có thể bênh vực và cổ võ các giá trị nhân bản trong hết mọi trường hợp”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho các Kitô hữu Ấn Độ thuộc các truyền thống khác nhau biết cùng nhau tỏ ra chứng từ hiệp nhất và hiệp thông thực sự trong một Thần Linh duy nhất huớng dẫn họ”.

 

___________________________________________

 15-21/6/2003

 

21/6 Thứ Bảy

Sự Sống Thần Linh nơi Bí Tích Thánh Thể

Cốt Lõi Mầu Nhiệm Thánh Thể là...

Nơi Bí Tích Thánh Thể chúng ta thấy được ít là ba ý nghĩa chính yếu sau đây. Ý nghĩa thứ nhất, đó là Chúa Kitô muốn ở lại với Giáo Hội cho đến tận thế, như Người hứa với các môn đệ trước khi thăng thiên về cùng Cha Người (x Mt 28:20). Ý Nghĩa thứ hai, đó là Chúa Kitô muốn tiếp tục ban phát Ơn Cứu Độ qua Hiến Tế Thánh Thể được Giáo Hội cử hành trong các Thánh Lễ. Và ý nghĩa thứ ba đó là Chúa Kitô muốn trở thành Thần Lương nuôi dưỡng đàn chiên của Người trong cuộc hành trình đức tin về trời, như Manna đã nuôi dân Do Thái trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc mà vào Đất Hứa vậy.

Nếu Chúa Giêsu thực sự hiện diện nơi Thánh Thể thì mục đích của Người không phải chỉ để ở cùng Giáo Hội một cách bí tích vậy thôi, theo ý nghĩa thứ nhất. Lời Hóa Thành Nhục Thể không phải chỉ để ở với loài người trong thời gian 33 năm rồi thôi, rồi về trời, làm như Thiên Chúa buồn tình đi xuống trần gian thăm tạo vật của mình rồi về vậy, chẳng khác gì như Người Việt hải ngoại về thăm quê hương rồi về lại thiên đường Mỹ quốc. Đúng thế, Chúa Giêsu Phục Sinh Thăng Thiên ở cùng Giáo Hội nơi Thánh Thể cho đến tận thế, theo hai nghĩa sau, đó là để tiếp tục ban phát ơn cứu độ của Người và để nuôi dưỡng đàn chiên của Người. Như thế, khác với Bí Tích Rửa Tội có tính cách đối ngoại, tính cách của một “cửa chuồng chiên”, Bí Tích Thánh Thể, trước hết và trên hết, liên quan trực tiếp đến Giáo Hội mà thôi, (đó là lý do, thành phần dự tòng khi tham dự Thánh Lễ chung với cộng đồng Kitô hữu chỉ được tham dự phần Phụng Vụ Lời Chúa chứ không được dự phần Phụng Vụ Thánh Thể), đến việc sinh động và phát triển nội tâm Giáo Hội, để nhờ đó, Giáo Hội được tràn đầy sinh lực thần linh trong việc trở thành chứng từ trung thực của Người qua hoạt động truyền bá phúc âm hóa thế giới. Mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly và nồng cốt này giữa Thánh Thể và Giáo Hội đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giảng dạy trong bức Thông Điệp 14 của Ngài, bức Thông Điệp mang tựa đề Ecclesia de Eucharistica được ban hành vào chính Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003.

Thật vậy, mục đích chính yếu của Chúa Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể là để thông ban Sự Sống Thần Linh của Người cho Giáo Hội, như Cây Nho đích thực thông nhựa sống cho các cành nho (x Jn 15:1,5), để nhờ và qua các cành nho của mình mà tiếp tục sinh hoa kết trái trên thế gian cho đến tận cùng trái đất và cho tới khi Người lại đến. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài giảng Bánh Hằng Sống của Người rằng “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì người ấy ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Jn 6:56). Vì Thánh Thể có tính cách nội tại của Giáo Hội như thế, nghĩa là Thánh Thể chỉ giành cho thành phần Kitô hữu, hay chỉ có Kitô hữu, thành phần đã lãnh nhận Phép Rửa, đã trở thành con cái Thiên Chúa, đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, được trở nên chi thể của Người mới được diễm phúc lãnh nhận, chúng ta mới hiểu được câu Chúa Giêsu khẳng định với người Do Thái “nếu quí vị không ăn thịt con người và uống máu Người thì quí vị không có sự sống nơi quí vị” (Jn 6:53), nghĩa là Chúa Giêsu muốn mời gọi họ hãy tin tưởng vào Người, như Người đã phán với họ ngay trước khi trực tiếp nói về vấn đề Thánh Thể của Người: “Chưa ai đã từng thấy Cha, ngoại trừ duy có Đấng từ Thiên Chúa mới thấy Cha. Tôi nói thật với quí vị là kẻ nào tin tưởng thì có sự sống đời đời” (Jn 6:46-47).

Vậy Sự Sống Thần Linh nơi Bí Tích Thánh Thể đây là gì, nếu không phải là Sự Sống Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thánh Thần, Ý Thức Thần Linh nơi Thiên Chúa.

Từ Thần Linh Mầu Nhiệm...

Vào Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng Thánh Tâm 7/6/2003 tại Đoàn Thiếu Nhi Fatrima Mẹ Mân Côi Pomona, sau khi hướng dẫn các em về vấn đề liên quan đến việc học hỏi Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria trong Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003), vấn đề “Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi”, tôi có thói quen hướng dẫn thêm cho các em về ý nghĩa các lễ trọng trong tháng. Lần này tôi giúp các em hiểu thêm về Chúa Thánh Thần và Chúa Ba Ngôi, vì hôm sau, Chúa Nhật 8/6/2003 là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và tuần sau, Chúa Nhật 15/6/2003 là Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Để các em có thể dễ hiểu hơn, tôi đã phải dùng dụ ngôn để chia sẻ với các em về Chúa Thánh Thần Mầu Nhiệm cũng về về Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau đây là những gì tôi đã trình bày với các em hôm đó.

Chúng ta có một con chó. Chúng ta yêu nó lắm và muốn nó cũng yêu chúng ta như chúng ta yêu nó. Thế nhưng, con chó không thể nào yêu chúng ta như chúng ta yêu nó khi nó không phải là người như chúng ta. Thực tế cho thấy không thể nào con chó có thể biến thành con người được, dù thuyết tiến hóa có nghĩ rằng con người bởi khỉ mà ra. Như thế có nghĩa là không bao giờ chúng ta thực hiện được ý muốn được con chó yêu chúng ta như chúng ta yêu nó. Vì con chó tự nó không có trí khôn như chúng ta, không thể nào biết được chúng ta đáng yêu thế nào để mà yêu, để mà nhận biết tình chúng ta yêu nó hầu đáp lại cho cân xứng. Bởi vậy, để con chó có thể yêu chúng ta như chúng ta là con người yêu nó là con vật, trước hết và trên hết, con chó không cần phải được hóa thành người như chúng ta, mà chỉ cần có trí khôn như chúng ta là đủ. Tuy nhiên, vì là chó thì làm sao nó có bộ óc con người được. Bởi vậy, chỉ còn một cách duy nhất, nếu chúng ta có quyền năng, đó là chúng ta phải tự mình hóa thành loài chó như nó, để qua chính hình thù của nó và nhờ ngôn ngữ của nó được chúng ta mặc lấy và sử dụng để tỏ cho nó biết chúng ta là ai và chúng ta muốn gì.

Tuy nhiên, vì là loài chó, một loài vật như tất cả mọi động vật khác không có tâm linh như con người, không hề ý thức được bản thân mình cũng như cùng đích cuộc sống của mình, con chó được chúng ta thương yêu đến hạ mình xuống ngang hàng với nó ấy để tỏ mình ra cho nó vẫn không thể nào nhận biết chúng ta là một con người đã hóa thân làm chó như nó. Đối với nó, chúng ta chỉ là một con chó như nó, không hơn không kém. Có những lúc, vì chúng ta là người hóa chó, chúng ta có những hành vi cử chỉ khác thường, không giống loài chó, thậm chí nghịch với loài chó nữa, đến nỗi có thể khiến cho con chó được chúng ta thương hiểu lầm quay ra cắn xé chúng ta. Thế nhưng, cũng chính nhờ xâu xé một con người hóa thành chó như vậy, nhất là đã liếm máu của chúng ta là con vật “nhân linh ư vạn vật” này mà con chó được chúng ta yêu thương mới thấm chất người và tình người để hiểu được phần nào nạn nhân đáng yêu của nó. Nhờ chất người của chúng ta thấm vào con chó được chúng ta yêu ấy, chúng ta, với quyền phép hóa thành chó trước đó, mới tiến tới chỗ sống trong con chó và trở thành chính tâm linh của con chó để nó nhờ đó có thể nhận biết chúng ta như chúng ta biết mình và yêu chúng ta như chúng ta yêu mình.

Qua dụ ngôn trên đây, chúng ta thấy được phần nào ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua và Mầu Nhiệm Thánh Thể. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16), Đấng đã yêu con người tạo vật vô cùng thấp hèn một cách nhưng không, đến nỗi “đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) nơi Con Người Giêsu Nazarét để tỏ mình ra cho nhân loại biết Ngài là ai và muốn gì, nhờ đó con người được thông phần sự sống thần linh của Ngài và với Ngài. Thế nhưng, con người, với trí khôn vô cùng hạn hẹp mù tối của mình, không thể nào nhận ra Ngài, một con người tầm thường như mình, một con người nhiều khi tỏ ra có những tư tưởng và việc làm siêu phàm xuất chúng đến không thể nào hiểu được, tới nỗi, qua dân Do Thái, một dân tộc đã được Ngài tuyển chọn và tỏ mình ra cho trong suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ, một Lịch Sử hướng về tột đỉnh của mình và đạt đến tuyệt đỉnh của mình nơi Con Người Giêsu Kitô, loài người đã ra tay sát hại Ngài, sát hại một con người lộng ngôn phạm thượng (x Mt 26:65-66), “chỉ là một con người mà cho mình là Thiên Chúa” (Jn 10:33). Nhưng chính lúc “họ đã nhìn xem Đấng họ đâm thâu” (Jn 19:37; Num 21:9; Zec 12:10), mà lời Chúa Kitô nói đã được thực hiện: “Khi nào các người treo Con Người lên, các người sẽ nhận biết Tôi Là Ai” (Jn 8:28); “khi nào Tôi được treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32).

Đúng thế, qua cuộc tử nạn của mình, qua việc đổ máu của mình ra trên cây thập giá, Thiên Chúa, qua Con Người Giêsu Nazarét, đã làm cho con người nhận biết Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, và nhận biết Ngài là Vị “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một Mình để ai tin vào Con thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Và việc con người có thể “nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3), một việc con người tự mình không thể nào thấu triệt và biết được, là dấu chứng tỏ Thần Linh Thiên Chúa thật sự ở trong họ, Vị Thần Linh sẽ làm cho con người tạo vật thấp hèn, yếu đuối, tội lỗi của họ có thể trở thành những chứng nhân trung thực và sống động của Con Thiên Chúa Nhập Thể, thành phần làm được những việc Chúa Kitô làm, những việc của một Vua Chúa thống trị thế gian, những việc của một Thượng Tế thánh hóa thế gian, và những việc của một Ngôn Sứ chinh phục thế gian. Như thế, qua việc Thiên Chúa Làm Người và Vượt Qua nơi Con Người Giêsu Kitô, loài người tạo vật đã được Ngài ban cho Thần Linh của Ngài để có thể nhận biết Ngài và yêu mến Ngài như Ngài biết Ngài và yêu Ngài, nghĩa là nhờ Thần Linh Thiên Chúa, con người có thể hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, có thể sống sự sống thần linh của Thiên Chúa, sự sống nội tâm của Thiên Chúa, sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

… Đến Mầu Nhiệm Thần Linh

Về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm chỉ có Một Thiên Chúa chân thật duy nhất nhưng có Ba Ngôi, Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con và Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần, Ngôi nào cũng là Thiên Chúa, song lại không phải là ba Thiên Chúa mà chỉ là một Thiên Chúa chân thật duy nhất. Nếu chân lý chỉ có một Thiên Chúa chân thật duy nhất là cốt lõi của mạc khải Thánh Kinh Cựu Ước, thì chân lý Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này có Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần là tuyệt đỉnh của chung toàn bộ Mạc Khải Thần Linh và của riêng mạc khải Thánh Kinh Tân Ước, một mạc khải được tóm gọn ở Lời Nguyện Hiến Tế Chúa Giêsu dâng lên Cha Người vào lúc kết thúc Bữa Tiệc Ly. Qua nội dung của Lời Nguyện Hiến Tế này nói riêng, cũng như qua Phúc Âm Thánh Gioan nói chung, đặc biệt những lời Người tâm sự với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta có thể hiểu được phần nào Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi theo công thức: Tôi ý thức bản thân mình - “I realize myself”.

Trước hết, các em đang nhìn thấy gì đây, (tôi chỉ vào mình), nếu không phải là một hữu thể con người (human being) ở trước mắt các em, một hữu thể con người với đầy đủ hồn thiêng lẫn xác chất làm nên bản tính của một con người. Thế nhưng, hữu thể con người này là của ai, nếu không phải là của “Tôi”. hay ai là làm chủ hữu thể này, nếu không phải là “Tôi”. Nhưng hữu thể con người của “Tôi” đây như thế nào, hay “Tôi” thấy hữu thể con người mình ra sao, nếu không phải thấy rằng đó là chính “bản thân mình”, chính bản thân tôi, chính con người tôi. Tuy nhiên, làm sao “Tôi” có thể biết được “bản thân mình”, nhất là làm sao “Tôi” có thể biết chắc chắn “bản thân mình” đó chính là “Tôi”, không phải là một con người nào khác, nếu không phải do “Ý Thức”, do Tâm Linh nội tại của “Tôi”.

Áp dụng thực tại sinh hoạt tâm lý này vào Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta có thể hiểu được đại khái như sau. Chủ thể “Tôi” đây là biểu hiệu cho Ngôi Cha; “bản thân mình” đây là biểu hiệu cho Ngôi Con, và “ý thức” đây là biểu hiệu cho Thánh Thần. Hữu thể con người mà “Tôi ý thức bản thân mình” đây là biểu hiệu cho Một Thiên Chúa chân thật duy nhất. Đó là lý do, theo đức tin, Ba Ngôi tuy khác nhau về tính cách và vai trò nhưng lại đồng bản thể (substance) và giống nhau về ưu phẩm (attributes) thần linh. Ba Ngôi Thiên Chúa là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vì, chẳng những về bản tính Ba Ngôi có cùng một bản thể, mà còn về bản chất Ngài là Thần Linh. “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đây nghĩa là gì, nếu không phải Ngài luôn ý thức bản thân mình, tức Ngài luôn hiện hữu (x Ex 3:14), hay Ngài luôn là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3), ở chỗ, tuy Ba Ngôi nhưng chỉ là Một Chúa duy nhất, vì Ý Thức Thần Linh nơi Thiên Chúa đã làm cho Cha và Con hiệp nhất nên một (x Jn 17:21). Chúa Kitô xin với Cha Người làm cho Giáo Hội được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Jn 17:22) tức là Người xin Cha ban cho Giáo Hội Vị Thần Linh hiệp thông Cha Con ấy, hay ban cho Giáo Hội Ý Thức Thần Linh, để Giáo Hội nhờ đó có thể ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong Giáo Hội.

Vấn đề Giáo Hội, qua các vị tông đồ, nhận được Thánh Thần vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, bởi Chúa Kitô phục sinh (x Jn 20:22), rồi sau đó cũng nhận được Thánh Thần vào Ngày Lễ Ngũ Tuần 50 ngày sau, thì không phải là hai Thánh Thần khác nhau, mà chỉ là một Thánh Thần duy nhất: Thánh Thần được thông ban vào tối ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh là Thánh Thần phát xuất từ thân xác sống lại của Chúa Kitô, còn Thánh Thần được ban xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần là Thánh Thần phát xuất từ Cha (x Jn 15:26). Nếu con người muốn được thông phần bản tính Thiên Chúa, sống sự sống thần linh của Ngài và với Ngài cần phải được tái sinh bởi trên cao, bởi nước và Thần Linh thế nào (x Jn 3:3-5), thì Giáo Hội đã được tái sinh bởi nước khi lãnh nhận Thánh Linh từ thân xác phục sinh của Chúa Kitô, và được tái sinh bởi Thần Linh (x Acts 1:5) khi lãnh nhận Thánh Thần từ Cha sai đến như vậy. Nhận lãnh Thánh Thần từ thân xác phục sinh của Chúa Kitô là Giáo Hội có cùng một Ý Thức Thần Linh của Con để nhận biết Cha, Đấng đã sai Con, và khi lãnh nhận Thánh Thần từ Cha sai đến là Giáo Hội có cùng một Ý Thức của Cha để làm chứng cho Con. Kitô hữu cũng lãnh nhận Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội, như được tái sinh bởi nước, Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh, và họ cũng được lãnh nhận Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức, như được tái sinh bởi Thần Linh, Thánh Thần từ Cha sai đến.

Thật ra, nếu một khi yêu thương là Thiên Chúa yêu với tất cả tấm lòng của mình thế nào, thì khi thông ban Thánh Thần cho loài người nói chung và Giáo Hội nói riêng, Ngài cũng thông ban trọn vẹn Thánh Thần cho họ, ban tất cả Thánh Thần của Ngài cho họ, chứ không phải ban từng chút Thánh Thần, ban từng phần Thánh Thần. Tuy nhiên, vì tạo vật, tự bản chất bé mọn và khả năng hữu hạn, không thể nào chấp nhận Thánh Thần vô cùng siêu việt của Ngài, mà Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho con người qua Lời Nhập Thể là Con Người Giêsu Kitô. Để rồi, Chúa Giêsu Kitô thông ban Thánh Thần của Người cho Giáo Hội bằng cuộc Vượt Qua của Người, rõ ràng nhất là vào tối ngày thứ nhất trong tuần khi Người từ trong cõi chết sống lại (x Jn 7:39, 20:22). Như Chúa Kitô càng thêm tuổi càng khôn ngoan nhân đức trước mặt Thiên Chúa và loài người thế nào (x Lk 2:52), tức càng lớn lên về thân xác và hình hài, Người càng tỏ Thánh Thần của Người ra và nơi Người ra thế nào, cho đến khi Người thông Thánh Thần của Người cho Giáo Hội vào tối ngày thứ nhất phục sinh trong tuần, thì Thánh Thần nơi Giáo Hội từ buổi tối ngày thứ nhất phục sinh trong tuần ấy cũng hoàn toàn tỏ hiện vào Ngày Lễ Ngũ Tuần như vậy, một biến cố Giáo Hội được mặc lấy quyền năng từ trên cao (x Lk 28:49; Acts 1:8), để có thể thông ban Thánh Thần cho nhân loại, điển hình nhất qua bài giảng tiên khởi của các tông đồ (x Acts đoạn 2), cũng như qua những hoạt động truyền giáo của các vị được Sách Tông Vụ thuật lại.

Tóm lại, nhờ Thánh Thần, một Thánh Thần tràn đầy nơi Thánh Thể Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên đang thực sự hiện diện và hiện thực nơi Phụng Vụ Thánh Lễ và Bí Tích, con người mới có thể được hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa là Thần Linh, Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã dựng nên họ “theo hình ảnh chúng ta và tương tự như chúng ta” (x Gen 1:26-27).

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

20/6 Thứ Sáu

Đức Thánh Cha chủ sự cuộc cử hành Lễ Mình Máu Chúa Giêsu

Kể từ ngày lên làm Giáo Hoàng đến nay, năm nào Đức Thánh Cha cũng chủ sự cả cuộc Kiệu Thánh Thể và Lễ Trọng Kính Thánh Thể. Tối hôm qua, chính ngày lễ, Thứ Năm 19/6/2003, sau Thánh Lễ, Ngài đã theo Kiệu Thánh Thể trên một chiếc xe mui trần từ Đền Thờ Thánh Gioan Lateran, vương cung thánh đường của Giám Mục Rôma, đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Chủ tế cho Thánh Lễ Trọng Kính Thánh Thể này là Đức Hồng Y Camillo Ruini đại diện của Ngài ở giáo phận Rôma. Chính Đức Thánh Cha giảng lễ. Trong bài giảng, Ngài đã mấy lần đề cập tới bức Thông Điệp về Thánh Thể của Ngài được ban hành vào chính ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4 năm nay.

“Tối hôm nay, với lòng sâu xa biết ơn Thiên Chúa, chúng ta vẫn thinh lặng trước mầu nhiệm đức tin ‘mysterium fidei’. Chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm đức tin này bằng một cảm nhận nội tâm được Tôi nói đến trong thông điệp ấy là ‘nỗi kinh hoàng ngây ngất Thánh Thể’…. Chúng ta chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô như các Vị Tông Đồ đã làm cũng như các thánh nhân đã làm theo gương các vị qua các thời đại… Đức giám mục Rôma, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, anh em của Ngài trong hàng giáo phẩm và linh mục, tất cả mọi tu sĩ, mọi thành phần giáo dân sống đời tận hiến và tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa đều sống nhờ Thánh Thể. Đặc biệt là các gia đình Kitô hữu được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể… Các gia đình ở Rôma thâm nến! Sự hiện diện sống động Thánh Thể của Chúa Kitô nuôi dưỡng nơi anh chị em ân sủng hôn nhân và giúp cho anh chị em tiến bộ trên con đường thánh thiện hôn nhân và gia đình. Sau Thánh Lễ, chúng ta sẽ vừa nguyện cầu vừa ca hát tiến đến đền thờ Đức Bà Cả. Qua việc rước kiệu này, chúng ta muốn thể hiện một cách tiêu biểu việc chúng ta là những người lữ hành ‘viatores’ tiến về nước trời. Chúng ta không cô đơn tiến bước lẻ loi một mình, vì có Chúa Kitô là bánh sự sống đồng hành vơiùi chúng ta”.

Thánh Juliana ở Mont Cornillon sinh gần Lieges nước Bỉ năm 1193, là một nữ tu dòng Thánh Augustinô, một vị nữ tu trong những năm còn ở tu viện Mont Cornillon đã được nhiều lần thị kiến về ý Chúa muốn Giáo Hội lập một lễ kính việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chị đã không ngừng hoạt động để thuyết phục Đức Giám Mục Robert de Thorete ở Liege để thiết lập một lễ như vậy, một lễ đã được vị giám mục này đáp ứng qua sắc lệnh năm 1246, truyền rằng lễ này phải được cử hành theo địa phương vào Ngày Thứ Năm sau tuần bát nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Thánh Juliana chết năm 1258.

Đức Giáo Hoàng Urbanô IV (1261-1264), vị đã từng là tổng phó tế ở Liege, đã biết được lễ này và chính thức phổ biến cho toàn thể Giáo Hội qua Tông Sắc “Transiturus” ngày 8/9/1264. Ngài đã truyền cử hành lễ này vào thời điểm như đã được cử hành hằng năm và ban nhiều ân xá cho tín hữu dự lễ và đọc Kinh Thần Vụ lễ này. Đức Urbanô IV đã xin Thánh Tôma Tiến Sĩ, bạn của Thánh Juliana, soạn bài Kinh Thần Vụ này, một bài kinh vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay. Công Đồng Vienna năm 1312 đã tái xác nhận Tông Sắc của Đức Urbanô IV, và từ đó lễ này trở thành phổ thông.

Những cuộc rước kiệu Thánh Thể đã phát xuất một cách tự động mấy thế kỷ trước đây ở một số làng mạc và tỉnh lỵ Âu Châu. Cuộc cung nghinh từ Đền Thờ Gioan Latêrô đến đền thờ Đức Bà Cả được bắt đầu từ cuối năm thế kỷ 15. Lộ trình hiện nay được bắt đầu vào năm 1575 khi con đường bấy giờ liên kết giữa hai Đền Thờ được thiết lập theo lệnh của Đức Grêgôriô XIII. Lộ trình này đã là nơi chứng kiến kiệu Thánh Thể 300 năm cho đến khi bị ngưng lại. Song đã được Đức Gioan Phaolô II tái lập vào năm 1979 cho tới nay.
 

Thông Ðiệp Thánh Thể (tiếp 26-29)

Chương Ba

Tính Cách Tông Truyền của Thánh Thể và của Giáo Hội

26.     Nếu, như Tôi đã nói, Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội thực hiện Thánh Thể thì cả hai có một mối liên hệ sâu xa, tới nỗi chúng ta có thể áp dụng mầu nhiệm Thánh Thể chính những lời chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicene-Constantinopolitan là Giáo Hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Cả Thánh Thể nữa cũng duy nhất và công giáo. Thánh Thể còn thánh thiện, thực sự là một Bí Tích Cực Thánh. Thế nhưng, trước hết, chúng ta giờ đây cần phải nhận định về tính cách tông truyền của Thánh Thể.

27.     Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khi giải thích làm sao Giáo Hội tông truyền được căn cứ vào các Vị Tông Đồ, đã thấy được ba ý nghĩa nơi lời phát biểu này. Trước hết, “Giáo Hội đã và vẫn được xây dựng trên ‘nền tảng các Vị Tông Đồ’ (Eph 2:20), những vị chứng nhân được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi truyền giáo” (51). Thánh Thể cũng có nền tảng trên các Vị Tông Đồ, không phải ở chỗ Thánh Thể không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, mà là ở chỗ Thánh Thể được Chúa Giêsu ký thác cho các Vị Tông Đồ và đã được các vị cùng những người thừa kế các vị truyền lại cho chúng ta. Chính vì việc tiếp tục thực hiện theo các Vị Tông Đồ tuân giữ lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội vẫn cử hành Thánh Thể qua các thế kỷ.

Ý nghĩa thứ hai cho thấy Giáo Hội tông truyền, như Sách Giáo Lý trình bày, đó là “được sứ nâng đỡ của Thần Linh ở trong mình, Giáo Hội gìn giữ và truyền đạt giáo huấn, ‘kho tàng thiện hảo’, những lời tác hiệu Giáo Hội đã nghe từ các Vị Tông Đồ” (52). Thánh Thể cũng tông truyền cả ở chỗ này nữa. Vì Thánh Thể được cử hành hợp với đức tin của các Vị Tông Đồ. Ở vào những thời điểm khác nhau trong giòng lịch sử 2000 năm của Dân Tân Ước, Huấn Quyền của Giáo Hội đã truyền dạy chính xác hơn nữa về Thánh Thể, bao gồm cả vấn đề ngữ pháp xứng hợp, chính là để bảo toàn đức tin tông truyền liên quan đến mầu nhiệm cao quí này. Niềm tin này vẫn không thay đổi và Giáo Hội cần phải làm sao để niềm tin này không đổi thay.

28.     Sau hết, Giáo Hội còn tông truyền theo nghĩa là Giáo Hội “tiếp tục được dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Vị Tông Đồ cho đến khi Chúa Kitô tái giáng, qua những người thừa kế của các vị trong vai trò mục vụ là Giám Mục đoàn được các linh mục hỗ trợ, hợp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị mục tử tối cao của Giáo Hội” (53). Việc kế thừa các Vị Tông Đồ trong vai trò mục tử cần đến bí tích Truyền Chức Thánh, tức là tính cách liên tục không bị gián đoạn ngay từ ban đầu nơi những việc truyền chức hàng giáo phẩm (54). Việc thừa kế là việc thiết yếu đối với Giáo Hội để hiện hữu một cách xứng hợp và trọn vẹn.

Thánh Thể cũng thể hiện ý nghĩa tông truyền này nữa. Như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, “tín hữu tham dự vào việc hiến dâng Thánh Thể vì vai trò tư tế vương giả của họ” (55), tuy nhiên chỉ có vị tư tế có chức thánh, “tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, thực hiện Hy Tế Thánh Thể và hiến dâng Hy Tế lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa” (56). Vì lý do này, Lễ Nghi Rôma qui định rằng chỉ có linh mục mới đọc Lời Nguyện Thánh Thể, trong khi đó dân Chúa tham dự vào bằng đức tin và trong thinh lặng (57).

29.     Công Đồng Chung Vaticanô II sử dụng nhiều lần lời diễn tả “thành phần linh mục thừa tác, tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, mới là vị thực hiện Hiến Tế Thánh Thể” (58), là lời diễn tả đã được bắt nguồn sâu xa từ giáo huấn của giáo hoàng (59). Như Tôi đã nói đến ở các lần khác, câu in persona Christi “có nghĩa còn hơn là việc hiến dâng ‘nhân danh’ hay ‘thay cho’ Chúa Kitô. In persona nghĩa là đồng hóa đặc biệt về bí tích với Vị Thượng Tế đời đời, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của hiến tế này của Người, một hiến tế thực sự không ai có thể thay Người” (60). Thừa tác vụ của các vị linh mục, thành phần đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, trong công cuộc cứu độ được Chúa Kitô tuyển chọn, là thừa tác vụ cho thấy rõ Thánh Thể được các vị cử hành là một tặng ân hoàn toàn trổi vượt trên quyền hạn của cộng đồng, và là một tặng ân hết sức cần thiết cho mối liên hệ thành hiệu giữa việc thánh hiến Thánh Thể với hiến tế Thập Tự cũng như với Bữa Tiệc Ly. Cộng đồng qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể, nếu thật sự là cộng đồng Thánh Thể, tuyệt đối cần phải có sự hiện diện của một vị linh mục có chức thánh chủ sự. Ngoài ra, cộng đồng này, tự mình không thể cung cấp một vị thừa tác viên có chức thánh. Vị thừa tác viên này là một tặng ân cộng đồng nhận được qua việc thừa kế hàng giáo phẩm bắt nguồn từ các Vị Tông Đồ. Chính vị Giám Mục, vị qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, làm nên một vị tư tế mới bằng việc ban cho họ quyền thánh hiến Thánh Thể. Tóm lại, “mầu nhiệm Thánh Thể không thể được cử hành nơi bất cứ một cộng đoàn nào ngoại trừ bởi một vị linh mục có chức thánh, như Công Đồng Chung Latêranô IV minh nhiên truyền dạy” (61).
 

19/6 Thứ Năm, Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Thông Ðiệp Thánh Thể (tiếp 21-25)

Chương Hai

Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội

21.     Công Đồng Chung Vaticanô II dạy rằng việc cử hành Thánh Thể là tâm điểm của tiến trình Giáo Hội phát triển. Sau khi nói rằng “Giáo Hội, với tư cách là Vương Quốc của Chúa Kitô vốn hiện diện một cách mầu nhiệm, phát triển một cách hữu hình trên thể giới bởi quyền năng của Thiên Chúa” (35), thế rồi, như để trả lời cho vấn nạn “Giáo Hội phát triển ra sao?”, Công Đồng thêm: “bao lâu hiến tế Thập Giá do ‘Chúa Kitô là cuộc vượt qua của chúng ta hiến tế’ (1Cor 5:7) được cử hành trên bàn thờ, thì bấy lâu công cuộc cứu chuộc của chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nơi bí tích của tấm bánh Thánh Thể, mối hiệp nhất của tín hữu, thành phần làm nên một thân thể duy nhất nơi Chúa Kitô (x 1Cor10:17), được thể hiện và phát sinh” (36).

Tác dụng nguyên hệ của Thánh Thể vốn hiện hữu ở ngay chính nguồn gốc của Giáo Hội. Các Thánh Ký đã nói rõ là 12 Vị, tức các Tông Đồ, đã qui tụ lại với Chúa Giêsu ở Bữa Tiệc Ly (x Mt 26:20; Mk 14:17; Lk 22:14). Đây là một chi tiết quan trọng đặc biệt, vì các Vị Tông Đồ “vừa là mầm mống của dân Do Thái vừa là khởi nguyên của hàng giáo phẩm linh thánh” (37). Qua việc cống hiến cho các vị mình máu mình làm lương thực, Chúa Kitô đã bao hàm một cách mầu nhiệm các vị vào hiến tế sẽ được hoàn tất sau đó trên Đồi Can vê. So sánh với Giao Ước ở Núi Sanai, một giao ước được niêm ấn bằng hiến tế và việc rẩy máu (38), thì những tác động và lời lẽ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đồng thiên sai mới, tức thành phần Dân Tân Ước.

Các vị Tông Đồ, bằng việc chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Hãy nhận lấy mà ăn”, “tất cả các con hãy uống” (Mt 26:26-27), lần đầu tiên đã tiến vào mối hiệp thông bí tích với Người. Từ đó trở đi, cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua mối hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế vì chúng ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày… Các con hãy làm việc này bao lâu các con uống để nhớ đến Thày” (1Cor 11:24-25; x Lk 22:19).

22.     Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô bởi Phép Rửa được liên lỉ lập lại và củng cố bằng việc thông phần vào Thánh Thể, nhất là bằng việc hoàn toàn thông phần xẩy ra qua mối hiệp thông bí tích. Chúng ta chẳng những có thể nói rằng mỗi một người trong chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô mà còn có thể nói rằng Chúa Kitô lãnh lấy tụng người chúng ta nữa. Người tỏ ra thân tình với chúng ta: “Các con là bạn hữu của Thày” (Jn 15:14). Thật vậy, chính bởi Người mà chúng ta được sự sống: “Ai ăn Tôi sẽ sống bởi Tôi” (Jn 6:57). Mối hiệp thông Thánh Thể mang lại “việc tương ngụ” cao quí giữa Chúa Kitô và mỗi một người môn đệ của Người: “Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 15:4).

Nhờ được nên một với Chúa Kitô, Dân Tân Ước, chẳng những không gắn liền với chính mình, lại còn trở thành một “bí tích” cho nhân loại nữa (39), thành một dấu hiệu và là một dụng cụ cứu độ do Chúa Kitô lập được, thành ánh sáng thế gian và muối đất (x Mt 5:13-16), cho ơn cứu chuộc của tất cả mọi người (40). Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Từ việc kéo dài của hiến tế Thập Giá và mối hiệp thông của Giáo Hội với mình máu Chúa Kitô nơi Thánh Thể, Giáo Hội kín múc được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Như thế Giáo Hội tỏ ra vừa là nguồn gốc vừa là tuyệt đỉnh của tất cả mọi việc truyền bá phúc âm hóa, vì mục tiêu của Giáo Hội là mối hiệp thông giữa nhân loại với Chúa Kitô, rồi trong Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (41).

23.     Mối hiệp thông Thánh Thể cũng củng cố sự hiệp nhất Giáo Hội như thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đề cập đến quyền năng hiệp nhất liên quan tới việc tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể này khi thánh nhân viết cho các Kitô hữu Corintô: “Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc hiệp thông vào thân thể Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều song cũng chỉ là một thân thể duy nhất, bởi tất cả chúng ta đều thông phần vào cùng một tấm bánh” (1Cor 10:16-17). Thánh John Chrysostom dẫn giải về những lời này một cách sâu xa và nhận thức như sau: “Tấm bánh này là gì? Đó là thân thể Chúa Kitô. Và những ai lãnh nhận tấm bánh ấy sẽ trở nên những gì? Thân thể Chúa Kitô – không phải là nhiều thân thể mà là một thân thể duy nhất. Vì như bánh hoàn toàn chỉ là một, cho dù được làm nên bởi nhiều hạt lúa miến, và những hạt lúa miến ấy, mặc dù không thấy, song vẫn hiện diện, ở chỗ cái khác biệt của chúng không hiện lộ vì chúng được trở thành một toàn khối trọn vẹn, chúng ta cũng thế, cũng hiệp lại với nhau và cùng nhau hiệp nhất với Chúa Kitô” (42). Lập luận này thật là mãnh liệt, ở chỗ, việc chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, một tặng ân và là ân huệ cho mỗi một người trong chúng ta, có thể thực hiện trong Người để chúng ta được thông phần vào mối hiệp nhất của thân thể Giáo Hội của Người. Thánh Thể củng cố việc tháp nhập vào Chúa Kitô được thực hiện nơi Phép Rửa nhờ tặng ân Thần Linh (x 1Cor 12:13,27).

Hoạt động liên kết bất khả phân ly của Chúa Con và Thánh Linh ở ngay khởi nguyên của Giáo Hội, liên quan đến việc gắn bó vững chắc của Giáo Hội cũng như đến sự sống liên tục của Giáo Hội, là hoạt động vẫn đang diễn tiến nơi Thánh Thể. Điều này thật rõ ràng đối với vị tác giả của Phụng Vụ của Thánh Giacôbê: ở lời nguyện xin Thánh Thần của Kinh Nguyện Thánh Thể, Thiên Chúa Ngôi Cha được nguyện xin sai Thánh Thần xuống trên tín hữu cũng như trên các lễ vật, để mình và máu Chúa Kitô “trở nên một thứ trợ giúp cho tất cả những ai tham hưởng… nhờ đó hồn xác họ được thánh hóa” (43). Giáo Hội được kiên cường bởi Đấng An Ủi thần linh qua việc Ngài thánh hóa tín hữu nơi Thánh Thể.

24.     Tặng ân Chúa Kitô và Thần Linh của Người chúng ta lãnh nhận được nơi mối hiệp thông Thánh Thể làm tràn đầy muôn vàn niềm ước vọng vốn được đâm rễ sâu trong tâm can con người về việc hiệp nhất huynh đệ; tặng ân ấy cũng đồng thời thăng hoa cả cảm nghiệm về tình yêu huynh đệ vốn đã hiện hữu nơi việc chúng ta cùng nhau chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể, tới độ vượt quá cảm nghiệm thuần nhân loại trong việc chia sẻ một bữa ăn. Bằng việc được hiệp thông với thân mình Chúa Kitô, Giáo Hội càng tiến đến chỗ sâu xa hơn nữa “ở trong Chúa Kitô theo bản tính của một bí tích, tức là, của một dấu hiệu và là một dụng cụ cho mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho mối hiệp nhất toàn thể nhân loại” (44).

Những mầm mống chia rẽ, những mầm mống mà kinh nghiệm hằng ngày cho thấy đã đâm rễ rất sâu xa nơi nhân loại như là hậu quả của tội lỗi, bị quyền năng hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô đối kháng. Thánh Thể, chính nhờ việc xây dựng Giáo Hội, kiến tạo nên cộng đồng nhân loại vậy.

25.     Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có một lợi ích khôn lường cho đời sống của Giáo Hội. Việc tôn thờ này hết sức gắn liền với việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới các dạng thức linh thánh sau Thánh Lễ, một sự hiện diện kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn (45), phát xuất từ việc cử hành hiến tế ấy và hướng về mối hiệp thông cả về phương diện bí tích lẫn thiêng liêng (46). Các Vị Chủ Chiên có trách nhiệm phải khuyến khích, bằng chứng từ bản thân các vị, việc tôn thờ Thánh Thể, nhất là việc đặt chầu Bí Tích Thánh, cũng như việc cầu nguyện tôn thờ trước Chúa Kitô hiện diện dưới các dạng thức Thánh Thể (47).

Thật là sung sướng khi bỏ giờ ra ở với Người, để ngả mình vào ngực của Người như Người Môn Đệ Yêu Dấu (x Jn 13:25), cũng như để cảm thấy tình yêu vô biên đang hiện diện trong trái tim Người. Nếu trong thời đại của chúng ta đây, Kitô hữu cần phải được phân biệt trên hết bằng “nghệ thuật cầu nguyện” (48), thì làm sao chúng ta lại không cảm thấy một nhu cầu mới trong việc bỏ giờ truyện vãn thiêng liêng, im lặng tôn thờ, yêu thương cảm mến trước Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh? Anh chị em thân mến, Tôi thường cảm nghiệm được điều này và kín múc được sức mạnh, nguồn ủi an và nâng đỡ từ những giây phút ấy biết bao!

Việc thực hành này, một việc Huấn Quyền không ngớt khen ngợi và khuyến dụ, được thực hiện bởi gương của nhiều vị thánh. Nổi bật nhất về vấn đề này là Thánh Alphonsus Ligouri, vị đã viết: “Trong tất cả mọi việc tôn sùng thì việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh là việc tôn sùng cao cả nhất trong các phép bí tích, một việc tôn sùng Thiên Chúa yêu thích nhất và là việc hữu ích nhất đối với chúng ta” (50). Thánh Thể là một kho tàng vô giá: không phải chỉ ở việc cử hành mà còn ở việc cầu nguyện trước Thánh Thể ngoài Thánh Lễ là những gì chúng ta có thể thực hiện việc giao tiếp với chính mạch suối ân sủng. Một cộng đồng Kitô hữu thao thức chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô theo tinh thần Tôi nêu lên trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ cũng như trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria không thể không khai triển khía cạnh tôn thờ Thánh Thể này, một việc tôn thờ kéo dài và tăng thêm các hoa trái của mối hiệp thông vào mình máu Chúa.

“Trong ngày sống, tín hữu không được thiếu vắng việc viếng Bí Tích Thánh, một Bí Tích mà theo luật phụng vụ cần phải hết sức cung kính để trong các nhà thờ ở một nơi hết sức trang trọng. Những việc viếng thăm ấy là dấu hiệu chứng tỏ lòng biết ơn, biểu lộ lòng yêu mến và nhận biết sự hiện diện của Chúa” (Paul VI, Encyclical Letter Mysterium Fidei [3 September 1965]: AAS 57 [1965], 771).
 

Đức Thánh Cha chấp thuận đơn từ chức của Đức Giám Mục giáo phận Phoenix Arizona

Hôm nay, 18/6/2003, Tòa Thánh đã ra thông báo như sau: “Đức Thánh Cha đã chấp thuận việc từ nhiệm thi hành mục vụ ở giáo phận Phoenix Hoa Kỳ của Đức Giám Mục Thomas J. O’Brien, theo khoản 401, đoạn 2, của Bộ Giáo Luật”. Theo khoản giáo luật này thì “một vị giám mục giáo phận, vì lý do bệnh tật hay một lý do nghiêm trọng nào khác, không còn xứng hợp trong việc chu toàn vai trò của mình nữa, rất cần phải xin từ nhiệm khỏi chức vụ của mình”.

Đức ông Richard Moyer, tổng đại diện Giáo Phận Phoenix, hôm Thứ Hai 16/6/2003, đã phổ biến bản tuyên cáo như sau: “Tôi thành thực lấy làm tiếc xót tường trình là tôi đã được tin Đức Giám Mục Thomas J. O’Brien liên quan đến một tai nạn chết người. Tất cả chúng tôi trong Giáo Phận Phoenix bày tỏ lòng cảm thương và nguyện cầu hỗ trợ của chúng tôi đối với gia đình của nạn nhân. Giáo phận sẽ hoàn toàn cộng tác với bất cứ cuộc điều tra nào của cảnh sát. Ngoài ra không còn gì khác để nói trong khi tiến hành cuộc điều tra này”.
 

18/6 Thứ Tư

Một Đức Cha đụng xe chết người

Đức Cha Thomas O’Brien, 67 tuổi, Giám Mục Phoenix Arizona, bị tội đụng chết người rồi bỏ chạy. Nạn nhân là Jim L. Reed, 43 tuổi, bị hai xe đụng vào đêm Thứ Bảy khi băng ngang qua đường khoảng 3 dặm cách nhà của Đức Cha. Hai xe đều chạy mất. Hiện cảnh sát vẫn chưa có tin gì về chiếc xe thứ hai. Còn Đức Cha được tại ngoại hôm Thứ Hai, 16/6. Theo lời Ngài khai tại tòa thì Ngài đụng phải con chó hay con mèo hoặc có ai ném đá vào xe của Ngài. Ngài xin đi tham dự phiên họp bán niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào tháng sáu hằng năm, năm nay ở Saint Louis Missouri trong tuần này, nhưng tòa không cho phép.

Nhận định của thoidiemmaria.net: Vấn đề ở đây là tại sao lại biết được việc Đức Cha đụng xe chết người (vì cảnh sát không tìm thấy được chiếc xe thứ hai), và phải chăng Đức Cha đã khai tất cả sự thật, (bằng không chẳng lẽ Ngài lại lỡ lòng nào hay sợ quá đến nỗi bỏ chạy?). Về vấn đề điều tra, sở dĩ biết được xe của vị giám mục này đụng chết người có lẽ là vì khi khám phá ra có người bị đụng xe chết, có người đã gọi cảnh sát và cảnh sát theo dấu máu của người chết tìm đến chính chiếc xe đụng nạn nhân (vì chỉ cách hiện trường có 3 dặm). Còn vấn đề vị giám mục này có khai thật hay chăng, thì chỉ có ngài biết với Chúa và lương tâm của mình, nhưng thực tế cho thấy những gì ngài khai vẫn có thể xẩy ra ở những đoạn đường tối hay vào trường hợp người băng ngang qua đường bất ngờ sau chiếc xe đang đậu bên lề. Tuy nhiên, theo tin tức, người ta đang điều tra xem vị giám mục này có say rượu hay chăng?

Dầu sao thì truyền thông vốn có khuynh hướng chống đối Công Giáo, một Giáo Hội đã cương quyết và mạnh mẽ đả phá tất cả những tệ hại của thế gian, nhất là của những thứ sặc mùi văn hóa chết chóc ngày nay, làm sao không lợi dụng những dịp sơ sót hết sức thuận lợi như thế này để bêu xấu, đả phá Giáo Hội qua hành động của một cá nhân hay một thiếu số cá nhân. Thế nhưng, vì Giáo Hội của Chúa Kitô được xây dựng trên đá đức tin chứ không phải trên máu mủ yếu đuối (x Mt 16:17-18), do đó, nếu con người và ma qủi bao giờ cũng có khuynh hướng và khả năng biến sự lành thành sự dữ thế nào thì Vị Thiên Chúa Toàn Năng nơi Chúa Kitô Nhập Thể và Vượt Qua cũng có thể biến yếu đuối thành sức mạnh, biến sự dữ thành sự lành cho Giáo Hội của Người nói chung và cho từng tâm hồn tin tưởng Người nói riêng.
 

Thông Ðiệp Thánh Thể (tiếp 17-20)

17.     Qua việc chúng ta được hiệp thông với mình máu của Người, Chúa Kitô cũng ban cho chúng ta Thần Linh của Người nữa. Thánh Ephrem viết: “Người đã gọi thứ bánh này là thân mình của Người và Người đã làm cho bánh ấy tràn đầy Người cùng với Thần Linh của Người…

Ai lấy đức tin mà ăn bánh ấy là ăn Lửa và Thần Linh… Hãy nhận lấy mà ăn, tất cả anh chị em, và hãy ăn Thánh Linh nơi bánh này. Vì đó thật là mình của Tôi nên ai ăn bánh ấy sẽ được sự sống đời đời” (27). Giáo Hội kêu xin Tặng Ân thần linh này, nguồn mạch của hết mọi tặng ân khác, nơi việc nguyện cầu Thánh Thần xuống để biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong Giờ Thần Vụ của Thánh John Chrysostom chẳng hạn, chúng ta thấy có lời nguyện rằng: “Chúng tôi cầu khẩn, kêu xinvà van nài Chúa hãy sai Thánh Thần của Chúa xuống trên tất cả chúng con cũng như trên những lễ vật này… để những ai lãnh nhận những lễ vật ấy được tinh sạch trong tâm hồn, được ơn tha thứ lỗi lầm, và được thông phần Thánh Thần” (28). Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: “Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô” (29). Như thế, nhờ tặng ân mình máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thàn Linh của Người đã được tuonân đă xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như “dấu ấn” qua bí tích Thêm Sức.

18. Lời tung hô của cộng đồng sau phần truyền phép được chấm dứt một cách rất thích đáng với câu diễn tả cái trục cánh chung là yếu tố làm nên đặc tính của việc cử hành Thánh Thể (x 1Cor 11:26), đó là câu “cho đến khi Chúa lại đến”. Thánh Thể là một vươn rộng kéo dài tới đích điểm, là một tiên hưởng niềm vui trọn vẹn như Chúa Kitô hứa hẹn (x Jn 15:11); Thánh Thể là tiên vọng được thừa hưởng nước trời một cách nào đó, là “một bảo chứng cho vinh quang mai hậu” (30). Thánh Thể chất chứa tất cả những gì là tin tưởng đợi trông “với một niềm hân hoan hy vọng về việc tái giáng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta” (31). Những ai được Chúa Kitô dưỡng nuôi bằng Thánh Thể không cần phải đời chờ cho đến đời sau mới thừa hưởng sự sống trường sinh, vì họ đã chiếm hữu được sự sống này ngay trên trần gian, như là những hoa trái đầu mùa của một tình trạng toàn mãn mai hậu, một tình trạng sẽ làm cho con người nên thành toàn trọn vẹn. Vì nơi Thánh Thể, chúng ta cũng có cả bảo chứng về việc phục sinh của thân xác vào ngày tận thế: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Lời bảo chứng cho việc sống lại sau này ấy phát xuất từ sự kiện là xác thịt của Con Người được ban hiến như lương thực, là thân thể của Người ở trong tình trạng vinh hiển sau cuộc phục sinh. Lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta thực sự tiêu hóa “cái bí mật” của việc phục sinh vậy. Đó là lý do Thánh Ignatiô Antiôkia đã có lý cho Bánh Thánh Thể là “một phương dược bất tử, là một kháng tố chống tử vong” (32).

19. Chiều kích cánh chung được Thánh Thể thắp lên đã thể hiện và củng cố mối hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội thiên đình. Không phải là ngẫu nhiên mà các bài Kinh Nguyện Thánh Thể Đông Phương và Latinh đã tôn kính Mẹ Maria, người Mẹ trọn đời Trinh Nguyên của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, tôn kính các thiên thần, các thánh tông đồ, các vị tử đạo hiển vinh cùng tất cả mọi vị thánh nam nữ. Đây là một khía cạnh của Thánh Thể cần phải chú trọng hơn nữa, ở chỗ, khi cử hành hiến tế của Con Chiên là chúng ta được hiệp nhất với “phụng vụ” thiên đình, và trở thành một phần trong trong đám đông vô số người kêu lên rằng: “Ơn cứu độ là của Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai, và của Con Chiên!” (Rev 7:10). Thánh Thể thực sự là một thoáng nhìn về trời xuất hiện trên thế gian này. Thánh Thể là một tia sáng hiển vinh của Thành Giêrusalem thiên quốc xuyên thấu các tầng mây lịch sử của chúng ta để soi đường dẫn lối cho cuộc lữ hành của chúng ta.

20. Thành quả đáng kể của chiều kích cánh chung chất chứa nơi Thánh Thể còn ở sự kiện là Thánh Thể thúc đẩy chúng ta tiến bước lữ hành qua giòng lịch sử và gieo một mầm mống hy vọng sống động nơi việc dấn thân hằng ngày của chúng ta đối với công việc trước mắt. Nhãn quan Kitô giáo bao giờ cũng dẫn đến niềm trông đợi “trời mới” và “đất mới” (Rev 21:1), thế nhưng nhãn quan này thay vì làm suy yếu lại làm tăng thêm cảm quan trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (33). Tôi muốn tái xác nhận điều này một cách mạnh mẽ vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ đây, để Kitô hữu cảm nhận được hơn bao giờ hết trách nhiệm không được lơ là với nhiệm vụ là công dân trần thế của mình. Nhiệm vụ của họ đó là việc họ theo tinh thần Phúc Âm đóng góp vào vấn đề xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hoàn toàn hòa hợp với dự án của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề đã làm tăm tối cả chân trời thời đại của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhu cầu khẩn trương trong việc hoạt động cho hòa bình, trong việc đặt các mối liên hệ giữa các dân tộc trên những nền tảng công lý và đoàn kết vững vàng, cũng như trong việc bênh vực sự sống con người từ khi được hoài thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Và chúng ta phải nói làm sao về cả hàng ngàn thứ bất nhất ở một thế giới “được toàn cầu hóa”, nơi mà thành phần yếu kém nhất, thành phần bất lực nhất và thành phần bần cùng nhất là những thành phần dường như chẳng có hy vọng là bao! Chính trong một thế giới như vậy mà niềm hy vọng Kitô giáo cần phải sáng tỏ! Cũng chính vì lý do này nữa mà Chúa Kitô muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách biến việc hiện diện của Người qua hình thức bữa ăn và hiến tế thành một niềm hứa hẹn cho một thứ nhân loại được canh tân bởi tình yêu của Người. Thật vậy, qua trình thuật về Bữa Tiệc Ly của mình, trong khi các Phúc Âm Nhất Lãm đã kể lại việc thiết lập Thánh Thể, thì Phúc Âm Thánh Gioan, như để mang lại ý nghĩa sâu xa của việc thiết lập này, lại kể đến đoạn “rửa chân”, đoạn cho thấy Chúa Giêsu tỏ mình ra như một vị tôn sư về mối hiệp thông và phục vụ (x Jn 13:1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói rằng thật là “bất xứng” cho một cộng đồng Kitô hữu tham phần vào Bữa Tối của Chúa mà lại ở trong tình trạng chia rẽ và dửng dưng với thành phần nghèo khổ (x 1Cor 11:17-22,27-34) (34).

Lời công bố việc Chúa chịu chết “cho đến khi Chúa lại đến” (1Cor 11:26) đòi tất cả những ai tham dự vào Thánh Thể phải quyết tâm thay đổi cuộc đời của mình và làm cho nó hoàn toàn là “Thánh Thể” một cách nào đó. Chính hoa trái của một cuộc sống được biến đổi cũng như của một cuộc dấn thân biến đổi thế giới theo tinh thần Phúc Âm này là những gì làm sáng tỏ rạng ngời chiều kích cánh chung được chất chứa nơi cả việc cử hành Thánh Thể cũng như nơi đời sống Kitô hữu: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Rev 22:20).
 

17/6 Thứ Ba

Thông Điệp Thánh Thể (tiếp)

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô được Giáo Hội cử hành vào Thứ Năm 19/6/2003 trong tuần Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, hay vào Chúa Nhật 22/6/2003. Bởi thế, không còn thời điểm nào tốt hơn dịp này để tiếp tục đọc, đúng hơn, để tiếp tục nghiền gẫm và thấm nhiễm bức Thông Điệp Thánh Thể của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một bức thông điệp đã được Ngài ban hành vào chính Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003. Thoidiemmaria.net đã phổ biến bức Thông Điệp Thánh Thể này vào những ngày 28/4 (đoạn 1-2), 1/5 (đoạn 3-5), 4/5 (đoạn 6-10), 28/5 (đoạn 11-13).

14.     Cuộc vượt qua của Chúa Kitô chẳng những bao gồm cuộc khổ nạn và tử nạn của Người mà còn cả cuộc phục sinh của Người nữa. Điều này được nhắc nhớ qua lời cộng đồng tung hô sau phần truyền phép: “Chúng tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại”. Hy Tế Thánh Thể hiện thực chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và tử nạn của Chúa Cứu Thế mà còn cả mầu nhiệm phục sinh làm hiển vinh hiến tế của Người nữa. Chính vì là Đấng hằng sống và phục sinh mà Chúa Kitô mới có thể trở thành “bánh ban sự sống” (Jn 6:35,48), “bánh sống” (Jn 6:51) trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Ambrôsiô đã nhắc nhở thành phần mới được khai tâm Kitô giáo rằng Thánh Thể thể hiện biến cố phục sinh vào cuộc sống của họ: “Hôm nay đây Chúa Kitô là của anh chị em, thế nhưng hằng ngày Người sống lại một lần nữa cho anh chị em” (20). Thánh Cylilô Alexandria cũng làm sáng tỏ vấn đề về việc thông phần vào các mầu nhiệm linh thánh “là một việc thực sự tuyên xưng và là việc tưởng nhớ rằng Chúa đã chịu chết và sống lại vì chúng ta và cho chúng ta” (21).

15.     Việc tái hiện thực một cách bí tích hiến tế của Chúa Kitô, một hiến tế được hiển vinh bởi cuộc phục sinh, nơi Thánh Lễ chất chứa một thứ hiện diện đặc biệt nhất như lời Đức Phaolô VI nói “được gọi là ‘có thực’, không phải kiểu loại trừ tất cả mọi kiểu hiện diện khác như những kiểu hiện diện ấy ‘không có thực’, song bởi đây là kiểu hiện diện trọn nghĩa nhất, một hiện diện chính yếu nhờ đó Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người, hiện diện một cách trọn vẹn và hoàn toàn” (22). Điều này là điều lập lại giáo huấn bền vững của Công Đồng Chung Triđentinô, đó là “việc thánh hiến bánh và rượu làm biến đổi tất cả bản thể bánh thành bản thể thân mình của Đức Kitô Chúa chúng ta, và tất cả bản thể rượu thành bản thể máu của Người. Giáo Hội Công Giáo thánh thiện đã gọi việc biến đổi này một cách xác đáng và xứng hợp là việc biến thể” (23). Thánh Thể thực sự là một mysterium fidei mầu nhiệm đức tin, một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta và chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như vẫn thường được nhắc đến trong những bài giáo lý của các Vị Giáo Phụ liên quan tới bí tích thần linh này. Thánh Cylilô Giêrusalem đã khuyến dụ: “Đừng thấy nơi bánh và rượu này chỉ là những chất tự nhiên, vì Chúa đã tỏ tường phán chúng là mình và máu của Người: đức tin bảo đảm với anh em về điều này, cho dù giác quan có cảm thấy khác đi nữa” (24).

Cùng với vị Tiến Sĩ Thiên Thần chúng ta hãy tiếp tục xướng lên rằng adoro te devote, latens Deitas. Trước mầu nhiệm yêu thương này, trí khôn nhân loại hoàn toàn cảm thấy cái hạn hẹp của nó. Người ta hiểu được tại sao qua các thế kỷ chân lý này đã từng kích thích khoa thần học nỗ lực tìm hiểu nó mỗi ngày một sâu xa hơn.

Đó là những nỗ lực đáng khen, những nỗ lực lại càng hữu ích và minh tường hơn nữa ở chỗ chúng góp phần suy tư cần thiết vào “đức tin sống động” của Giáo Hội, một đức tin được đặc biệt nắm giữ bởi Huấn Quyền liên quan đến “đặc sủng vững vàng về chân lý” cũng như đến “cảm quan sâu xa về các thực tại linh thiêng” (25) là những gì được thành phần đặc biệt các thánh nhân đạt tới. Đức Phaolô VI còn đề cập đến một giới hạn như sau: “Hết mọi thứ giải thích của thần học tìm cách hiểu được phần nào mầu nhiệm này, để am hợp với đức tin Công Giáo, đều phải mạnh mẽ chủ trương rằng nơi thực tại khách quan, hoàn toàn độc lập với lý trí của chúng ta, bánh và rượu không còn hiện hữu nữa sau lời truyền phép, để từ giây phút đó mình và máu đáng tôn thờ của Chúa Giêsu thực sự hiện diện ở trước chúng ta dưới các hình dạng bí tích bánh rượu (26).

16.     Hiệu năng cứu độ của hiến tế này được hoàn toàn hiện thực khi lãnh nhận mình máu Chúa lúc hiệp lễ. Hiến Tế Thánh Thể tự bản chất nhắm đến việc hiệp nhất nội tâm của tín hữu với Chúa Kitô qua việc hiệp lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta lãnh nhận thân thể Người đã trao nộp cho chúng ta trên Thập Giá cũng như lãnh nhận máu Người “đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26:28). Chúng ta được lời Người nhắc nhớ rằng: “Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào, thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như vậy” (Jn 6:57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng việc hiệp nhất này, một thứ hiệp nhất được Người so sánh với việc hiệp nhất sự sống Ba Ngôi, được thực sự thể hiện. Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc Chúa Kitô đã tự hiến mình làm của dưỡng nuôi chúng ta. Vào lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về thứ dưỡng nuôi này, thành phần nghe Người bấy giờ lấy làm lạ lùng và bối rối khiến Vị Thày này bắt buộc phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Người nói: “Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị hay, trừ phi quí vị ăn thịt Con Người và uống máu của Người, bằng không quí vị sẽ không có sự sống nơi bản thân quí vị” (Jn 6:53). Đây không phải là thứ lương thực bóng bẩy mỹ từ, bởi vì “Thịỉt Tôi thực sự là của ăn và máu Tôi thực sự là của uống” (Jn 6:55).
 

16/6 Thứ Hai

Hôm qua, Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, 15/6/2003, trong khi tại Thánh Địa phe Palestine bắn 4 đầu phi đạn Qassam từ Gaza sang các tỉnh của người Do Thái, một bắn từ miến bắc Gaza vào tỉnh Sderot, còn 3 bắn từ miền nam trúng một tỉnh lân cận Do Thái, tuy nhiên không xẩy ra một thiệt mạng nào, thì tại Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban huấn từ truyền tin về Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi liên quan đến đời sống gia đình, vấn đề tị nạn cũng như về hòa bình Trung Đông như sau:

Anh Chị Em thân mến!

1. Chúa Nhật hôm nay, sau Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, chúng ta cử hành lễ trọng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là mầu nhiệm chính yếu của đức tin Công giáo. Với mầu nhiệm này, chúng ta cuối cùng tiến đến chỗ thấy được tất cả mạc khải được nên trọn nơi Chúa Giêsu: nơi việc nhập thể, khổ nạn, tử giá và phục sinh của Người. Từ tột đỉnh của núi thánh là Chúa Kitô ấy chúng ta thấy được từ đầu đến cuối chân trời của vũ trụ và lịch sử đó là Tình Yêu của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.

Thiên Chúa không lẻ loi đơn côi nhưng là tực tại hiệp thông toàn hảo. Tư ụ Thiên Chúa Đấng là thực tại hiệp thông mới phát xuất ơn gọi của toàn thể nhân loại trong việc hình thành một đại gia đình, trong đó, những chủng tộc và văn hóa khác nhau hội ngộ và làm cho nhau thêm phong phú (x Acts 17:26).

2. Theo chiều hướng của chân trời hiệp thông đại đồng này, hết mọi trường hợp làm cho cá nhân hay phái nhóm bị đẩy đi ra khỏi quê hương dất nước của mình để tị nạn ở một nơi nào đó tiêu biểu cho một thứ xúc phạm trầm trọng đến Thiên Chúa và loài người. Chúng ta được nhắc nhở điều này vào Ngày Thế Giới Tị Nạn hằng năm sẽ được cử hành vào Thứ Sáu tới đây, 20/6, và là ngày kêu gọi chúng ta trong năm nay chú trọng đến trường hợp của các thành phần giới trẻ tị nạn.

Gần một nửa thành phần tị nạn trên thế giới là trẻ em và giới trẻ. Nhiều người trong họ không được đi đến trường; họ thiếu những vật dụng thiết yếu; họ sống ở những trại tị nạn hay thậm chí ở trại giam giữ.

Thảm kịch tị nạn thúc đẩy cộng đồng quốc tế phải dấn thân chẳng những cho thấy những triệu chứng nhất là các căn nguyên của vấn đề, đó là ngăn ngừa những xung khắc bằng việc cổ võ công lý và đoàn kết ở mọi lãnh vực của gia đình nhân loại.

3. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Trinh Nữ Maria, và chiêm ngưỡng Mẹ là một tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: “một giới hạn được gắn liền với lời hằng hữu”, như đại văn hoào Dante Alighieri xướng lên (“Paradiso” XXXIII, 3). Chúng ta hãy xin Mẹ giúp cho Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông, luôn trở thành một cộng đồng hiếu khách, nơi mà mọi người, nhất là thành phần nghèo khổ và sống ngoài lề xã hội, được tiếp đón và nâng đỡ.

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC huấn dụ tiếp:)

Một lần nữa, lại xẩy ra những ngày máu đổ và chết chóc cho dân cư ở Thánh Địa, bị lọt vào trong cơn lốc bạo lực và rửa hận.

Tôi xin lập lại với tất cả mọi người lời kêu gọi thường được nhắc đến trong quá khứ: đó là “không thể nào có hòa bình nếu không có công lý, và không thể nào có công lý nếu không biết thứ tha”. Khi ngỏ lời cùng tất cả cư dân ở Thánh Địa, hôm nay, một lần nữa, Tôi nhắc cho họ nhớ đến điều này một cách ý thức hơn.

Ngoài ra Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng chán nản trong việc giúp cho những người Do Thái và Palestine tái khám phá ra ý nghĩa về con người cũng như về tình huynh đệ, để cùng nhau xây dựng tương lai của mình.

Xin Rất Thanh Trinh Nữ cầu bầu cho tất cả chúng ta, để Thiên Chúa làm cho chúng ta “trở thành những khí cụ bình an của Ngài”.


Tác giả Thomas Howard viết về Thánh Thể và Việc Trở Lại

Màn điện toán Zenit lần lượt cho phổ biến các bài chia sẻ về Thánh Thể của các tác giả Tin Lành trở về Công Giáo. Trước hết là tác giả Thomas Howard, Anh giáo, chia sẻ cho thấy vai trò của bí tích này trong đời sống của ông cũng như của Giáo Hội. Ông là tác giả cuốn “Phúc Âm thôi Không Đủ” và “Vấn Đề Là Người Công Giáo”. Sau đây là bản “Một Ghi Nhận về Thánh Thể” của ông.

“Tôi được nhận vào Giáo Hội ở vào tuổi 50, sau một cuộc hành trình dài, một cuộc hành trình kéo tôi từ thế giới tin lành Thệ Phản hăng say thánh kinh nhất, đến giáo hội Anh giáo, để rồi cuối cùng trở về nhà, hoàn toàn tuân phục Giáo Hội tông truyền.

Nói rằng Thánh Thể “đã đóng góp một phần quan trọng” trong cuộc hành trình của tôi là một điều sai lầm. Thánh Thể không đóng góp một phần nào cả: Vì Thánh Thể có đó, và vì tôi đến với Giáo Hội là tôi đến với Thánh Thể. Thánh Thể không phải là một phần làm nên Giáo Hội cùng với một số những thứ khác. Thánh Thể là Tâm Điểm, và tất cả mọi qui luật, giáo huấn, việc tôn sùng và cấp trật của Giáo Hội đều kéo chúng ta tới Trung Tâm Điểm này.

Là một tín đồ Anh Giáo, tôi đã quen thuộc với quan niệm về bí tích cũng như về phụng vụ. Thật vậy, vợ tôi và tôi thuộc về một phần đặc biệt của thế giới Anh Giáo được gọi là phần thiên về công giáo. Do đó mà chúng tôi đã quen với các chữ “Thánh Lễ” và “Đức Trinh Nữ”, cũng như quen với việc xưng tội, chầu Thánh Thể và phụng niên, tất cả những thứ này hoàn toàn xa lạ với thế giới Thệ Phản thông thường. Bởi thế, trong việc tỏ ra vâng phục Rôma, tôi đã là “người công giáo” ở nhiều khía cạnh rồi, ít là bề ngoài. Thế nhưng…

Được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo ở Đêm Vọng Phục Sinh, sáng hôm sau, tôi bắt đầu giúp lễ ở Nhà Thờ Công Giáo, và tư ụ đó tôi đã biến việc này thành thói quen hằng ngày của tôi. Phụng vụ là một vấn đề đơn giản – một “Lễ Thường” (Low Mass, mặc dù chữ này không còn được nói đến nữa), được cử hành tại một nguyện đường nhỏ ở nhà xứ của giáo xứ tôi. Tôi đã khám phá thấy một cảm giác đặc biệt là tôi phải trèo xuống, từ việc cử hành cả thể, tư ụ nghi thức uy nghi trang trọng của Lễ Trọng bên Anh Giáo, tới những gì tôi đã trở nên quen thuộc.

Tuy nhiên, việc “trèo xuống” này đã đưa tôi trở về. Nó giống như việc đến Bêlem, từ một thành phố lớn, nhộn nhịp, lộng lẫy. Bêlem quá nhỏ, quá kín, quá lặng: Thế nhưng Thiên Chúa lại ở đó. Tôi cảm thấy mình như là một trong những người mục đồng (tôi không phải là một Vương Gia Đạo Sĩ Đông Phương). Ở nơi đây có Chúa Giêsu Kitô của chúng ta sống động trong huyết nhục. “Ôi thầm lặng biết bao, thầm lặng dường nào, một Tặng Ân tuyệt vời đã được ban cho…”

Khi tôi thấy mình ở trong một nguyện đường nhỏ bé thuộc nhà xứ của giáo xứ tôi, ngay ít phút trước khi Thánh Lễ bắt đầu, đôi khi tôi giật mình thấy rằng trường hợp của tôi hoàn toàn không khác gì như một cái chết.

Thoạt tiên thì cảm giác này có vẻ là một tư tưởng rất lạ lùng, Thánh Thể đối với chúng ta, nếu là một điều gì đó, có thực là sự sống hay chăng? Làm sao chúng ta lại có thể ví Thánh Thể với sự chết được?

Khi chung ta tiến đến bàn thờ Chúa “altare Dei”, chúng ta được triệu tập đến với chính Sự Hiện Diện Thần Linh. Chúng ta gặp Chúa của chúng ta diện đối diện. Nói cách khác, chắc chắn là song cũng thực sự là vào lúc lâm chung của mình chúng ta sẽ thấy chúng ta ở trước nhan Ngài.

Giáo Hội đã luôn nguyện cầu rằng “Lạy Chúa nhân lành, xin cứu chúng con khỏi cái chết đột ngột”. Tại sao? Bởi vì tất cả chúng ta đều hết sức thiết tha hy vọng rằng chúng ta sẽ có thời gian để hồi tâm lại, xét mình, thống hối, xưng tội đàng hoàng, và được xá giải. Hay, thậm chí chúng ta sẽ có giờ để cải hóa đời sống của mình và sống những ngày còn lại trên đời một cách đàng hoàng, tin tưởng và bác ái.

Thế nhưng có phải thực sự đó là thái độ xứng hợp nhất để chúng ta tiến đến bàn thờ Chúa hay chăng? Bàn thờ cũng là một cái bàn đó Chúa mời gọi chúng ta tới, như Người đã mời gọi các môn đệ của Ngươiụi vào tối Thứ Năm trong tuần khổ nạn của Người.

Ai trong chúng ta lại muốn thấy mình ở trong tình trạng vội vàng hấp tấp nhào tới, một cách vô tâm bất cẩn, lo ra chia trí, đầy những cái về mình, nhem nhuốc với tất cả những thứ tội nhẹ của ngày sống trước đó chứ? Nếu có lúc chúng ta thấy được bất cứ tội lỗi nào như thế nơi bản thân mình, chúng ta có thể dùng bài thử mầu của Thánh Phaolô trong Thứ Côrintô 1, đoạn 13: “Tình yêu thì luôn luôn nhẫn nại và tốt lành; nó không bao giờ ghen tị; tình yêu không bao giờ huyênh hoang tự đắc; nó không bao giờ bản gắt hay vị kỷ; nó không bao giờ xúc phạm và không trả đũa; … nó luôn luôn sẵn sàng thứ tha, tin tưởng, hy vọng và chịu đựng bất cứ những gì xẩy ra”.

Than ôi! Làm sao tôi có thể xuất hiện trước ánh sáng bừng nóng ấy, vì đó là Ánh Sáng của Đức Ái Thần Linh. Làm sao tôi sửa soạn sẵn sàng để có thể hân hoan tin tưởng nói rằng “Et introibo ad altare Dei”? Thế thì Chúa là Đấng chúng ta đến với Người nơi Thánh Thể là Đấng đã nói với chúng ta rằng: “Hãy đán với Tôi, hỡi tất cả các người đang long đong vất vả và cảm thấy nặng mình, Tôi sẽ cho các người được nghỉ ngơi”. Và, qua tông đồ Gioan của Người, “Nếu chúng ta thú nhận tôi lỗi của mình, thì Người là Đấng trung thành và công chính sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta”.

Bí Tích hòa giải ư? Vâng. Thật vậy. Chúng ta cần phải thực hiện thường xuyên. Thế nhưng, vào những buổi sáng ấy, “giữa những lúc” ấy, tôi có cần phải đến một cách sợ hãi và cảm thấy mình tội lỗi hay chăng? Không. Chúa đón nhận những người môn đệ vào buổi tối Thứ Năm ấy cũng là Đấng đón nhận tôi. Ồ. Thế à. Vậy thì tôi phải đán với Người bằng niềm vui và nguyện cầu cũng bằng niềm vui, “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng tôi”.

Thế rồi giờ đây, 18 năm sau, cùng với vợ của mình, người đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo 8 năm về trước, tôi thấy mình ngày ngày ở bàn thờ đây, ở cái bàn này, nơi tín hữu quây quần ngay từ tối Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2 ngàn năm trước.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 3/6/2003
 

15/6 Chúa Nhật

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: bị tắc nghẽn, đầy căng thẳng và càng sôi động

Một vị lãnh đạo Hồi Giáo ở Đại Đền Thờ Hồi Giáo Rôma đã kêu gọi một “cuộc thánh chiến”. Vị này là giáo trưởng Abdel-Samie Mahmoud Ibrahim Moussa đã kêu gọi tín đồ Hồi giáo tham dự bấy giờ là “hãy tận diệt các kẻ thù của Hồi Giáo và bảo đảm chiến thắng cho Quốc Gia Hồi Giáo ở khắp nơi trên thế giới”. Hằng tuần, nếu ngày chính của Kitô giáo là Chúa Nhật, Do Thái giáo là Thứ Bảy thì Hồi giáo là Thứ Sáu. Bài giảng cho tín đồ Hồi giáo hôm Thứ Sáu 6/6/2003 này đã được tờ nhật báo Ý La Repubblica phổ biến vào ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, theo linh mục Justo Lacunza Balda, viện trưởng Viện Tòa Thánh Nghiên Cứu về Ả Rập và Hồi Giáo, đã cho hãnh thông tấn Fides biết nhận định của ngài về bài giảng kêu gọi thánh chiến này như sau:

“Không thể nào lại có thể xẩy ra chuyện con người thôi thúc hận ghét và khiêu dụ sát hại được cả. Đây là một vấn đề thiếu lành mạnh. Đây là một vấn đề công khai ra lệnh mà chính phủ cần phải đương đầu. Việc sử dụng những nơi thuộc các tổ chức, như các nhà thờ, đền thờ hay công trường để khiêu dụ người ta bạo động và đánh nhau là những gì bất khả chấp ở một xứ sở dân sự và dân chủ. Đây không phải là vấn đề tự do tôn giáo. Cần phải nói rõ là Hiến Pháp Ý Quốc không cho phép thực hiện việc công khai khiêu dụ bạo động và hận thù đối với những kẻ thù của óc tưởng tượng, những kẻ thù dầu sao cũng chưa rõ ràng. Vấn đề hôm Thứ Sáu vừa rồi không thể nào lại là chuyện bất ngờ xẩy ra: Nó là một sự kiện trầm trọng, bất khả chấp ở một xã hội dân chủ. Vấn đề này gây nên vấn đề nghiêm trọng về các mối liên hệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo ở Ý Quốc, một vấn đề ảnh hưởng đến việc dân chúng sống chung trong xứ sở này. Lời kêu gọi thánh chiến, jihad, là một mối de dọa thậm chí cho cả cộng đồng người Hồi Giáo ở Ý nữa, vì nó bồi dưỡng một thứ văn hóa bất dung nhượng, bằng việc phát động ngờ vực và việc loại trừ của những người Hồi giáo”.

Cha Lacunza cho biết ngài lấy làm lạ khi thấy chiều hướng thay đổi của đền thờ Hồi Giáo ở Rôma, một đền thờ được thiết dựng từ năm 1995 ở đây. Vị giáo trưởng trước đây của đền thờ này là Mahmoud Hammad Sheweita thuộc về một số ít người Hồi giáo lên án vụ khủng bố 911. Vị này có tinh thần khoan nhượng và cởi mở, thường xuyên tham dự các cuộc họp liên tôn. Vị linh mục viện trưởng trên đây kết luận là: “Chúng ta mong muốn và chúng ta ủng hộ tính cách đa diện cùng quyền tự do về chính trị, tôn giáo và văn hóa. Nhưng chúng ta không thể nào cho phép bất cứ một vị giảng thuyết nào làm bừng lên hận thù hay khuyến dụ con người đi sát hại”.

Còn vị chủ tịch Cộng Đồng Hồi Giáo Ý Quốc ở Milan là Abd al Wahid Pallavicini đã bày tỏ thái độ bất đồng của mình đối với những lời lẽ của đạo trưởng Moussa, và nói rằng những thứ đe dọa ấy không phải là những gì của một người Hồi giáo bản xứ Ý Quốc. Ông Pallavicini đã là vị đại diện Hồi giáo ở cuộc họp liên tôn năm 1986 ở Assisi. Ông cũng đại diện đền thờ Hồi Giáo ở Rôma tại Hội Đồng Tòa Thánh về Vấn Đề Đối Thoại Liên Tôn.

Sở dĩ có những lời công khai kêu gọi thánh chiến này là vì những biến động ở Thánh Địa liên quan đến Lộ Trình Hòa Bình được phe Tứ Tượng (Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc) phác họa từ Tháng Tư 2003. Lộ Trình Hòa Bình này đã được diễn tiến từ thương thảo ở thượng tầng cơ sở đến bạo lực ở hạ tầng cơ sở tuần tự như sau:

Thứ Tư 4/6: Cuộc họp thượng đỉnh ở Jordan bàn đến tiến trình hòa bình Trung Đông, có Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush, Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon, Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas, và Quốc Vương Jordan Abdullah II. Kết thúc cuộc họp này, mỗi vị phát biểu cảm nhận và chủ trương của mình về Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông.

Thủ Tướng Do Thái Sharon tuyên bố: “Tôi muốn lập lại rằng Do Thái là một xã hội được cai trị bởi qui tắc luật pháp. Bởi thế chúng tôi sẽ lập tức bắt đầu di chuyển khỏi những địa điểm không thuộc thẩm quyền của mình. Hòa bình cần thiết cho tình trạng vĩnh viễn an ninh. Do Thái không có ý cai trị những người Palestine, mà để người Palestine tự cai trị lấy nhau”.

Thủ Tướng Palestine Abbas tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dồn tất cả nỗ lực của mình, bằng cách sử dụng tất cả nguồn lực của mình để chấm dứt các cuộc quân lực sát hại, và chúng tôi sẽ tiến hành. Cần phải chấm dứt cuộc sát hại bằng võ lực, và chúng tôi phải sử dụng và lợi dụng phương tiện ôn hòa trong việc chúng ta đi đến chỗ chấm dứt việc xâm chiếm cùng tình trạng khổ đau của những người Palestine cũng như những người Do Thái mà thiết lập một quốc gia Palestine. Sẽ không có chuyện giải quyết quân sự cho tình trạng xung khắc này. Nó không hợp với truyền thống tôn giáo và luân lý của chúng tôi”.

Thứ Sáu 6/6: Nếu ở cuộc họp thượng đỉnh, Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố chấm dứt việc sát hại bằng võ lực, thì Đảng Hamas, ngay cùng ngày Thứ Tư 4/6/2003, bên phe Palestine đã bác bỏ lời kêu gọi của vị thủ tướng này, nhưng vị phát ngôn viên của đảng Hamas là Mahmoud Zahar nói rằng nhóm này sẽ tiếp tục bàn luận xem có nên chấp thuận việc đình chiến với Do Thái hay chăng. Vị lãnh đạo của đảng Hamas là Abdel Aziz Rantissi tuyên bố chấm dứt việc nói chuyện với Thủ Tướng Abbas về vấn đề có thể ngưng chiến.

Chúa Nhật 8/6: Đảng Hamas, Tổ Chức Thánh Chiến Hồi Giáo và Al Aqsa Martyrs Brigades tuyên bố họ đã gây ra cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự ở miền bắc Gaza, làm thiệt mạng 4 người lính Do Thái và gây thương tích cho 4 người khác. Ông Ra’anan Gissin, cố vấn cao cấp của Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon, tuyên bố Do thái sẽ ra tay nếu Thẩm Quyền Palestine không tìm cách kiểm soát các nhóm khủng bố.

Thứ Hai 9/6: Thủ Tướng Abbas tuyên bố ông sẽ không dính dáng vào một cuộc nội chiến bằng cách sử dụng võ lực chống lại các nhóm cực đoan. Vị thủ lãnh đảng Hamas là Ismail Haniyeh nói rằng nhóm của ông về nguyên tắc không chống lại việc nói chuyện với Abbas về việc ngừng chiến.

Thứ Ba 10/6: Một phi đạn Do Thái đã bắn vào Gaza làm Rantissi bị thương và gây tử thương cho hai người khác. Thủ Tướng Abbas gọi việc này là một cuộc tấn công “tội ác và khủng bố” làm ngăn chặn tiến trình chính trị. Mấy tiếng sau, một trực thăng của Do Thái nhắm vào một chiếc xe gần một nhóm Palestine ở Gaza đang bắn những

đầu đạn tự chế tạo vào Do Thái. Cuộc tấn công bằng trực thăng này gây cho 3 người tử thương. Trong bệnh viện, Rantissi cho biết: “Chúng tôi phải chiến đấu với những người làm tổn thương chúng tôi ở trong nhà của chúng tôi. Ở Hamas chúng tôi sẽ không buông khí giới, cho dù tất cả mọi tay lãnh đạo có bị sát hại. Chúng tôi sẽ không buông khí giới. Đây là giải pháp duy nhất đối với nhân dân Palestine. Sharon biết rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Aqaba đã bật đèn xanh cho hắn để hắn sát hại dân Palestine. Ngày nay chúng tôi đang trải qua một cuộc chiến Phục Quốc Do Thái chống lại người Palestine”. Về phần mình, Thủ Tướng Do Thái Sharon tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với những tay lãnh tụ của những tổ chức khủng bố cực đoan, những tổ chức phát động, tài trợ và sai phái các tay khủng bố đi giết các người Do Thái. Chúng tôi sẽ tiếp tục ra tay chống lại tất cả mọi kẻ thù của hòa bình”.

Thứ Tư 11/6: Một cuộc ôm bom tự sát nổ trên một chiếc xe buýt ở Giêrusalem, vào lúc 5 giờ 30 chiều, bởi một người ăn mặc kiểu một người Do Thái Chính Thống, sát hại tối thiểu 16 người và 70 người bị thương. Trong vòng một tiếng đồng hồ, các trực thăng của Do Thái đã tấn công ở Gaza, làm thiệt mạng 7 người và làm 40 người bị thương. Bảy tiếng sau, Do Thái lại tấn công đảng Hamas bằng trực thăng ở vùng đông của Thành Phố Gaza, sát hại 2 người. Thủ Tướng Sharon thề là lực lượng Do Thái sẽ truy lùng “những tổ chức khủng bố sát nhân”, nhưng đồng thời vẫn theo đuổi tiến trình Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông. Phần Thủ Tướng Abbas và Tổng Thống Arafat lên án cả cuộc ôm bom khủng bố lẫn cuộc tấn công khủng bố của Do Thái ở Gaza.

Thứ Sáu 13/6: Các trực thăng của Do Thái tấn công Đảng Hamas hai lần, lần đầu đánh vào một chiếc xe chở một số tay hiếu chiến, gây tử thương 1 và bị thương 29, rồi sau đó 3 tiếng đồng hồ lại tấn công về đêm vào một kho chứa các đầu đạn Qassam (bắn xa 6 dặm hay 10 cây số) của đảng này. Trong ngày này, người Palestine đã bắn một đầu đạn ấy từ miến bắc Gaza vào tỉnh Sderot của Do Thái, không làm ai bị thương. Theo Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái IDF (Israel Defense Forces), từ ngày 5/6, Palestine đã bắn 15 đầu đạn Qassam vào Do Thái. Ngược lại, cứ mỗi lần bị khủng bố tấn công, Do Thái liền bắn phi đạn vào các phần tử của Đảng Hamas suốt cả tuần này.


(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)