GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 11/2003

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu Tây phương luôn tăng thêm kiến thức và cảm nhận về tu đức cùng truyền thống phụng vụ của các Giáo Hội Đông Phương”
Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội ở Mỹ Châu, khi cử hành Hội Nghị Truyền Giáo Mỹ Châu Lần Hai ở Guatemala, được phấn khởi dấn thân hoạt động truyền bá phúc âm hóa hơn nữa, đến nỗi vượt cả ra ngoài biên giới của mình”.

 

___________________________________________

 16-22/11/2003

Giovanni Paolo II

 

22/11 Thứ Bảy
 

Kiến Tạo Hòa Bình Ngày nay

(Sứ Điệp của Tòa Thánh Vatican gửi Tín Đồ Hồi Giáo dịp Bế Mạc Tháng Chay Tịnh Ramadan)


Quí Bạn Hồi Giáo thân mến,

1.     Thời gian Tháng Chay Tịnh Ramadan lại gần hết, nên tôi lấy làm hân hạnh gửi lời chào đến anh chị em nhân dịp này cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi. Trong tháng đặc biệt này, bữa ăn chung, ift âr, chấm dứt việc chay tịnh vào cuối ngày đem các phần tử và bạn hữu lại với nhau trong một bầu không khí vui tươi. Dân chúng thuộc các tôn giáo khác thường được mời đến tham dự vào giây phút hân hoan này, và càng ngày Kitô hữu càng có thói quen tổ chức bữa ăn chung ift âr này cho các Hồi hữu của mình. Những dấu hiệu thân tình như vậy đáng cảm phục nhất là trong lúc này, khi thế giới đang xẩy ra rất nhiều thứ bất ổn và căng thẳng. Chính trong tinh thần huynh đệ này tôi xin gửi lời chào của tôi cũng như của những người thuộc Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn đến với tất cả mọi tín đồ Hồi giáo khắp thế giới, nhất là vào dịp ‘Id al-Fitr, Lễ kết thúc tháng Chay Tịnh Ramadan.

2.     Như thông lệ của sứ điệp hằng năm này, tôi xin chia sẻ với quí bạn một vài suy tư, những suy tư có thể là thích hợp khi nhắm đến vấn đề cần phải kiến tạo hòa bình. Tôi bắt đầu bằng bức thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII gửi cho tất cả mọi con người thiện chí 40 năm trước đây, năm 1963. Trong bức thông điệp này, với nhan đề “Hòa Bình Dưới Thế”, “Pacem in Terris”, hòa bình được cho là một lâu đài được xây dựng trên bốn trụ cột là Sự Thật, Công Lý, Yêu Thương và Tự Do. Cần phải hội đủ từng yếu tố này nếu muốn có những mối liên hệ hòa hợp và tốt đẹp giữa các dân tộc cũng như giữa các quốc gia.

3.     Sự thật là cột trụ thứ nhất, vì nó bao gồm việc nhìn nhận là loài người không phải là chủ nhân ông của chính mình, mà được kêu gọi để hoàn trọn ý muốn của Thiên Chúa, Đấng Hóa Công của tất cả mọi người, Đấng là Sự Thật Tối Cao. Nơi mối liên hệ loài người, sự thật bao hàm lòng chân thành cần thiết cho việc tin tưởng lẫn nhau cũng như việc đối thoại hiệu năng mang lại hòa bình. Hơn nữa, sự thật làm cho mỗi người nhìn nhận các thứ quyền lợi riêng của mình, đồng thời cũng nhìn nhận các thứ nhiệm vụ của mình đối với những người khác nữa.

4.     Tuy nhiên, hòa bình không thể nào có được nếu không có công lý, nếu không biết tôn trọng phẩm vị và các thứ quyền lợi của mỗi một con người. Chính vì thiếu công lý, nơi những mối liên hệ cá nhân, xã hội và quốc tế, đã đi đến chỗ xẩy ra quá nhiều bất ổn gây ra bạo loạn trên thế giới của chúng ta ngày nay.

5.     Tuy nhiên công lý cần phải được hòa hợp với yêu thương. Nghĩa là cần phải có khả năng nhìn nhận là tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất, nên phải nhìn đồng loại của mình như là anh chị em của chúng ta. Nó có khả năng để chia vui sẻ buồn. Nó làm cho người ta cảm thấy nhu cầu của người khác như là của mình, và mối cảm thông này khiến họ chia sẻ cho nhau những tặng ân của mình, không những về các thứ sản vật thế lý mà còn cả những giá trị về tâm trí và tinh thần nữa. Tình yêu cũng chấp nhận nỗi yếu đuối nân bao gồm cả khả năng thứ tha. Việc thứ tha này cần thiết cho việc phục hồi hòa bình khi xẩy ra xung đột, vì nó hướng chiều về cơ hội bắt đầu lại một mối liên hệ cải tiến theo đường lối mới mẻ.

6.     Tất cả những điều ấy đưa đến tự do, một đặc tính thiết yếu của con người. Vì tự do khiến con người tác hành theo lý trí và chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trước Thiên Chúa về việc chúng ta góp phần vào xã hội.

7.     Thêm vào 4 trụ cột này, tôi xin thêm một trụ cột thứ năm nữa, đó là nguyện cầu. Vì chúng ta biết rằng, là con người, chúng ta cảm thấy mình yếu đuối. Chúng ta thấy mình khó lòng sống trọn những lý tưởng ấy. Chúng ta cần đến ơn trợ giúp của Thiên Chúa bằng việc khiêm tốn nài xin. Tôi xin trích lại nơi đây mấy lời của Đức Gioáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Nếu hòa bình là tgặng ân của Thiên Chúa và được bắt nguồn từ Ngài thì chúng ta phải tìm kiếm nó ở đâu và chúng ta cần phải xây dựng nó như thế nào, nếu không phải từ mối liên hệ sâu xa và thân tình với Thiên Chúa hay sao? Việc xây dựng một thứ hòa bình có trật tự, công chính và tự do, bởi thế, trước hết cần phải thiết tha nguyện cầu, đó là cởi mở, lắng nghe, trao đổi và sau cùng hiệp nhất với Thiên Chúa là nguồn mạch chính của hòa bình đích thực” (Diễn Từ trong Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình ở Assisi 24/1/2002).

Vị Giáo Hoàng này tiếp tục nói rằng việc cầu nguyện ấy không phải là một hình thức tránh né. Trái lại, nó khiến chúng ta đối diện với thực tại bằng một sức mạnh phát xuất từ Thiên Chúa.

8.     Tháng Chay Tịnh Ramadan không phải chỉ là một thời gian chay tịnh mà còn là một thời đoạn thiết tha nguyện cầu. Tôi xin bảo đảm với anh chị em, hỡi quí bạn Hồi Giáo thân mến, là chúng tôi liên kết với anh chị em trong lời cầu nguyện cùng Vị Thiên Chúa Tòan Năng và Thương Xót. Xin Ngài chúc lành cho mỗi một người trong anh chị em cũng như cho hết mọi phần tử thuộc gia đình của anh chị em. Chớ gì phép lành này của Ngài sẽ trở thành nguồn ủi an nhất là cho những ai bị khổ đau, hay những ai vẫn đang phải chịu đau khổ, vì cuộc đụng độ vũ khí. Xin Thiên Chúa Lòng Lành ban cho tất cả chúng ta sức mạnh để chúng ta trở thành những kẻ chân chính kiến tạo hòa bình.

Nguyện chúc quí bạn hưởng trọn Mùa Lễ Phúc Đức ‘Id mubârak.

TGM Michael L. Fitzgerald
Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 17/11/2003
 

Khủng Bố Tấn Công khắp nơi

Tổng Thống Bush đã viếng thăm Hiệp Vương Quốc 3 ngày, một cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị tống thống Hoa Kỳ thăm Hiệp Vương Quốc. Cuộc viếng thăm của ông bị cả hằng ngàn ngàn người xuống đường phản đối tại Công Trường Trafalgar ở Thủ Đô Luân Đôn. Họ thổi kèn và la hò những câu phản chiến. Họ cấm bức hình lộn ngược đầu của Tổng Thống Bush để nhắc lại cảnh quân Hoa Kỳ tiến vào thủ đô Baghdad lật đổ tượng Tổng Thống Iraq Saddam Hussein. Hôm Thứ Năm, 19/11/2003 Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Toni Blair đã thực hiện một cuộc họp báo. Theo tường trình cuộc thăm dò được thực hiện trước khi Tổng Thống Bush đến và được tờ Thời Điểm phổ biến hôm Thứ Ba, thì có 59% người trả lời cho biết vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới bị giảm sút trong thời Tổng Thống Bush, và 60% không đồng ý với việc ông này hành sử vấn đề Iraq. 47% cho rằng vị tổng thống này dường như không làm trọn vai trò tổng thống Hoa Kỳ, 49% cho rằng hành động quân sự là sai lầm trong khi có 37% lại chủ trương ngược lại.

Vấn đề ở đây là ngay trong cuộc viếng thăm lịch sử này của Tổng Thống Bush, ông tổng lãnh sự Hiệp Vương Quốc Roger Short và hai người đồng hương của ông đã bị chết trong số 30 người tử thương và cả 450 người bị thương trong vụ khủng bố tấn công bằng xe bom hôm Thứ Năm 19/11/2003 tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố đông dân nhất nước vừa xẩy ra vụ khủng bố tấn công người Do Thái hôm Thứ Bảy 15/11/2003 vừa rồi. Một vụ nổ khác cùng ngày xẩy ra làm hủy hoại các trung tâm ngân hàng HSBC có gốc ở Luân Đôn. Sau hai cuộc nổ khủng bố này một chút thì một văn phòng chính phủ ở Istanbul đã nhận được một cú điện thoại từ al Qaeda và một nhóm chiến đấu quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, Great Eastern Islamic Raiders’ Font (IBDA-C), đã tuyên bố cùng chịu trách nhiệm về vụ khủng bố tấn công. IBDA-C tự động lãnh nhận trách nhiệm về cả hai vụ tấn công hôm Thứ Bảy vừa rồi. Tòa lãnh sự này đã trở thành mục tiêu tấn công bằng chất nổ từ Tháng Tư vừa rồi, nhưng bấy giờ may không có ai bị thương.

Trong khi đó, chính quyền Thổ, nhờ cuộc thử chất DNA, đã biết được hai người Thổ liều mạng khủng bố tấn công hôm Thứ Bảy tuần trước, đó là Mesut Cabuk 29 tuổi tấn công hội đường Beit Israel, và Gokhan Elaltuntas 22 tuổi tấn công Neve Shalom.

Được tin khủng bố tấn công này, Tòa Thánh Vatican, qua vị giám đốc văn phòng báo chí, hôm Thứ Năm 20/11/2003, đã lên tiếng như sau: “Lý lẽ man di của việc khủng bố chỉ gây ra chết chóc cho thành phần vô tội và tình trạng hủy hoại. Ngoài ra, nó còn làm tăng phát những vấn đề nó cho rằng nó ra tay để giải quyết. Cần phải nhớ những lời của Đức Thánh Cha: ‘Khủng bố là do việc khinh thị phẩm giá của con người và vì thế nó là một tội ác phạm đến nhân loại, nhất là khi nó trở thành một chiến thuật chính trị”.

Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ bị khủng bố là vì đã ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến đánh Iraq và thân thiện với Do Thái? Nếu vậy thì trường hợp Ấn Độ thế nào. Vì hôm Thứ Sáu 21/11/2003 vừa rồi, tức sau vụ khủng bố tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc khủng bố tấn công vào ngày kết thúc Tháng Chay Tịnh Ramadan tại tỉnh Parbhani ở tiểu bang Maharshtra, cách thủ đô của tiểu bang này là Mumbai (thành phố Bombay trước kia) khoảng 185 dặm (hay 300 cây số) về phía Đông. Người ta thấy có 3 người chạy các xe gắn máy khác nhau ném vào đền Mahamad Diya khoảng 2 giờ chiều địa phương và ném chất nổ vào trong ngôi nhà thờ phượng của người Hồi giáo này. Tỉnh Parbhani là một nơi đa số là Hồi giáo ở một xứ sở toàn tòng Ấn giáo.
 

 

Tìm Kiếm Chân Lý (trò chơi Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua)


Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.


Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế hay là có người khác nói với quan về tôi?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho Ta, ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian nầy thì những người cuœa tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn nầy”. Philatô hoœi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”.

Hướng Dẫn


Phúc Âm Thánh Gioan không cho chúng ta biết lý do tại sao tổng trấn Philatô tự nhiên hỏi Chúa Giêsu: “Ngươi có phải là vua dân Do Thái chăng?” Câu chất vấn cũng là câu vấn nạn của tổng trấn Philatô này cũng đã làm cho chính nhân vật bị chất vấn lấy làm ngạc nhiên hỏi lại: “Quan tự mình nói như thế hay đã có ai nói với quan về Tôi?” Tổng trấn Philatô không trả lời dứt khoát cho Chúa Giêsu biết như thế nào, tự ông suy ra hay nghe đồn thổi như vậy hoặc nhận thấy như thế.

Về phần mình, Chúa Giêsu không tự động xưng mình rõ ràng “Tôi là Đấng Thiên Sai” bao giờ trước mặt dân Do Thái nói chung và giáo quyền Do Thái nói riêng, như trong trường hợp Người đã tự xưng mình “Thày là sự sống lại và là sự sống” (Jn 11:25) hay “Thày là đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6). Cũng thế, đối với chính quyền Rôma, Người cũng không bao giờ công khai xưng mình “Tôi là Vua” trước mặt dân chúng, trước chính quyền Hêrôđê hay trước chính quyền đế quốc Rôma bao giờ.

Phần Chúa Giêsu, qua những gì Người trả lời cho tổng trấn Philatô về lời ông ta chất vấn Người “Ông có phải vua dân Do Thái hay chăng?”, chúng ta thấy rằng Người quả thực là vua, không phải về phương diện chính trị, mà là phương diện tâm linh, không phải về phương diện hiện thế mà là phương diện vĩnh hằng. Bởi vì, chính Người là Sự Thật, một Sự Thật như “ánh sáng đã chiếu trong tăm tối, một thứ tăm tối không át được ánh sáng” (Jn 1:5), đến nỗi, như Người khẳng định, “ai tìm kiếm chân lý thì nghe thấy tiếng Tôi”.

Đó là lý do hôm nay chúng ta cùng nhau sinh hoạt trò chơi Phúc Âm “tìm kiếm chân lý”.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra một người giỏi về phương hướng, sau đó người quản trò bịt mắt người đó lại, rồi dẫn từng người đến đứng thẳng hàng hướng đến vòng tròn duy nhất (chứa được khoảng 3 người) cách họ khoảng 15 feet (hay 4 mét rưỡi) là đích điểm họ sẽ phải tiến đến theo các hiệu lệnh.

2. Người quản trò chỉ cho những người đại diện nhóm này những dấu hiệu tác hành bằng còi hiệu hay bằng các thứ hiệu lệnh khác nhau. Chẳng hạn, hiệu lệnh vỗ tay là hiệu lệnh bước về phía trước ba bước. Hiệu lệnh còi thổi là hiệu lệnh bước về phía bên trái 4 bước. Hiệu lệnh đánh trống là hiệu lệnh bước về phía bên phải 5 bước. Hiệu lệnh hắng giọng là hiệu lệnh đi giật lùi 2 bước. Hiệu lệnh chó sủa là hiệu lệnh nhẩy lên rồi xoay tròn ba vòng liền v.v. Hiệu lệnh cười vang là hiệu lệnh kết thúc cuộc chơi.

3. Sau khi nghe hiệu lệnh cuối cùng, các người tham dự cuộc chơi tự động tháo khăn bịt mắt ra xem mình đang đứng ở chỗ nào. Ai nghe lời Chúa được tỏ hiện qua các dấu hiệu là hiệu lệnh cuộc chơi mà đến được ngay trong vòng tròn (tiêu biểu cho chân lý duy nhất) là người đoạt giải “tìm kiếm chân lý”.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL gợi ý
 

21/11 Thứ Sáu, Lễ Ðức Mẹ Dâng Mình

NỮ NHI MARIA DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ

Trong ý định của Thiên Chúa, phải tôn kính Hòm Bia Cựu Ước vì Hòm Bi đó là hình ảnh của Hòm Bia Tân Ước. Hòm Bia Tân Ước này chính là Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể. Tuy nhiên, Chúa không muốn người ta tôn trọng Mẹ khi Mẹ còn tại thế, như đã tôn kính Hòm Bia Cựu Ước. Thật vậy, Chúa không muốn những người Ngài tuyển trọn phải liều mình trước những nguy hiểm của vinh hoa thế tục, được người đời tưởng thưởng công lao hay đức hạnh; Ngài không muốn tâm hồn họ xa rời Ngài, để lo được người đời ca tụng.


Chúa đã đặc biệt áp dụng định luật phòng ngừa khôn ngoan ấy nơi Mẹ Maria. Mặt khác, loài người còn phải học hỏi nơi Mẹ cũng như nơi Con Mẹ cho biết khinh chê những sản vật giả trá ở đời này. Biết yêu thích bị quên lãng, bị nhạt nhòa, bị khinh thị và đau khổ. Vì những lý do đó, Chúa đã cẩn phòng để khi còn tại thế không mấy ai biết đến Mẹ, ca tụng Mẹ như Mẹ đáng được. Thế nên, trước con mắt người đời, việc Mẹ dâng mình trong Đền Thờ Giêrusalem chẳng có gì long trọng linh đình.


Thánh Gioan Kim và thánh nữ Anna từ Nagiarét đưa Mẹ lên Đền Thờ Giêrusalem với mấy người thân thuộc đơn sơ. Đoàn người khiêm hạ lẻ loi, đi không một ồn ào tráng lệ nào hộ tống. Nhưng có một đoàn thiên thần lộng lẫy theo hầu. Những thiên thần này từ trời xuống, cộng thêm vào với những thiên thần hầu cận. Các Ngài vừa đi vừa hát những khúc ca vinh quang và tán tụng mới ca tụng Thiên Chúa. Chỉ có mình Mẹ nhìn thấy đoàn thiên thần đông đảo ấy và nghe nhạc trời của họ. Trên quãng đường dài từ Nagiarét đến Giêrusalem, hai thánh Gioan Kim và Anna được hưởng một nguồn an ủi thiêng liêng tràn ngập.


Khi tới Đền Thờ, ông bà cầm tay Người Con đáng kính của mình dẫn vào nội điện. Cả ba cùng sốt sắng cầu nguyện, rồi ông bà dâng hiến Mẹ cho Thiên Chúa. Mẹ cũng tự hiến dâng trọn vẹn trót mình dứt khoát cho Ngài. Trong ánh sáng huy hoàng tràn ngập Đền Thánh bấy giờ, Mẹ nghe thấy rõ rệt tiếng Thiên Chúa ưng nhận lễ vật là chính toàn thân Mẹ. Sau khi cầu nguyện, thánh GioanKim và Anna dẫn Mẹ ra giới thiệu với một vị tư tế. Vị này chúc lành cho Mẹ. Rồi tất cả cùng đưa Mẹ tới khu nhà dành riêng cho việc giáo dục những thiếu nữ theo một kỷ luật thánh hảo đạo hạnh. Những thiếu nữ nào thuộc chi tột hoàng vương Giuđa và chi tộc tư tế Lêvi được ở những chỗ ưu tiên trong khu nhà này

 

Muốn tới khu nhà ấy, phải đi qua một cầu thang mười lăm bậc. Nhiều vị tư tế lúc đó ra đón nhận Mẹ Maria vào. Vị có nhiệm vụ hướng dẫn Mẹ là một tư tế phẩm trật thấp nhất. Ông đặt Mẹ lên bậc đầu cầu thang. Mẹ xin phép ông để giã từ cha mẹ. Rồi quay về phía song thân Mẹ qùy gối xin phép lành, hôn kính tay cha mẹ và xin cha mẹ dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh GioanKim và Anna vừa bùi ngùi rơi lệ, vừa âu yếm chúc lành cho con. Sau đó, một mình Mẹ qủa quyết bước lên thang, không quay nhìn lại, không rơi một giọt lệ, không tỏ một cử chỉ nào ấu trĩ, không chút phàn nàn vì phải lìa cha mẹ. Trái lại, cả dung mạo cùng phong thái của Mẹ đều tỏa một nguồn vui siêu nhiên, một vẻ uy nghi dịu dàng làm mọi người phải sững sờ thán phục. Thượng tế Simêon (col LC 2,25) đón nhận Mẹ và trao cho những cô giáo đạo đức việc đào tạo Đức Maria

 

Trong các cô giáo này, có bà tiên tri Anna (col LC 2, 36). Bà này đã được Chúa ban ơn soi sáng riêng, chỉ định làm giáo chức đảm nhiệm coi sóc Đức Nữ. Theo ơn Chúa quan phòng thúc đẩy, bà đem hết nhiệt tâm dìu dắt Mẹ Maria. Bà thật đức hạnh và thánh thiện xứng đáng có một môn sinh cao cả là chính Mẹ Thiên Chúa, là Chủ Mẫu muôn loài. Khác với bà Anna, thượng tế Simêon không biết gì về Mầu Nhiệm dấu kín nơi Mẹ. Ông chỉ được một ánh sáng thiêng liêng giúp ông nhận ra Mẹ là một trẻ nữ thánh thiện, được Thiên Chúa ưu ái thôi. Mẹ Maria rất khiêm nhượng đến qùy gối trước bà Anna, xin bà chúc lành hướng dẫn và nhẫn nại chịu đựng khuyết điểm của mình. Bà tỏ hết tình âu yến nâng niu Mẹ, và hứa mình sẽ là một bà Mẹ bảo trợ, sẽ đem hết dạ ân cần chăm sóc, cũng như đến việc giáo hóa cho Mẹ. Sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với bà Anna, Mẹ đi gặp mọi thiếu nữ trong viện, chào hỏi niềm nở đoan trang, chúc may mắn cho từng người và cảm ơn họ đã nhận mình vào chung sống, mặc dầu mình bất xứng. Mẹ cũng xin họ chỉ dẫn và bảo cho biết những việc phải làm.


Khi ở một mình trong phòng nhỏ, Mẹ xấp mình xuống, kính cẩn hôn đất, vì đất ấy là một phần của Đền Thánh, Đất đã dung nạp mình dầu mình bất xứng. Rồi Mẹ thờ lạy cảm tạ Chúa vì được ẩn mình trong Nơi Thánh của Ngài. Mẹ cũng xin các thiên thần dạy cho biết việc phải làm để chu toàn thánh ý Chúa, vâng lời các tư tế, cô giáo và các bạn cùng nhà. Mẹ lại xin 12 thiên thần khác đi an ủi cha mẹ đang buồn sầu cô quạnh. Các vị đó thi hành ngay xứ mạng Đức Nữ Vương họ ủi thác. Trong lúc Mẹ truyện vãn với các thiên thần còn ở trong phòng với Mẹ, Mẹ cảm thấy một tác động thần linh làm Mẹ nên như người thiêng liêng và được ơn xuất thần ngây ngất. Theo lệnh Chúa, các vị luyến thần hầu cận trào đổ trên Mẹ những ánh sáng mới, những nghị lực mới, để chuẩn bị cho Mẹ đón nhận một hồng ân rất trọng đại mới. Phủ kín trong một đám mây ngời sáng, cả hồn xác Mẹ được đưa lên thiên đàng. Thiên Chúa đón tiếp Mẹ vào với hết tình nhân ái.


Mẹ phủ phục thẳm sâu trước mặt Chúa, thờ lạy Chúa với niềm tôn kính khiêm nhượng sâu sa nhất. Lúc đó Mẹ được hưởng phúc hưởng kiến một lần nữa hiệu qủa của cuộc thấy tỏ tường này không lời nào tỏ xiết. Thiên Chúa nói với Mẹ: “Con rất dấu yêu, lần thứ hai, Cha muốn con được tận mắt nhìn thấy những ân huệ Cha dành riêng cho những linh hồn sẽ được máu Con Chiên chịu chết cứu chuộc. Con hãy nhận cho rõ những kho tàng Cha dành để tôn cao những ai khiêm nhượng, làm giàu cho những ai nghèo khó, tôn trọng những ai bị khinh chê, và thương công tất cả những gì loài người làm và chịu vì Chúa”.


Chúa còn tỏ cho Mẹ rất nhiều mầu nhiệm vĩ đại khác nữa. Mẹ thưa lên với Chúa: “Lạy Thiên Chúa Tối Cao, trước mặt Chúa, phận nhỏ hèn con sẽ ra sao? Con nhìn nhận con thật bất xứng với ơn Chúa thương tiết lộ cho con, Mặc dầu con chỉ là bụi đất. Xin Chúa hãy làm trọn thánh ý Chúa nơi con. Chúa đã qúy trọng những phiền não, đau khổ, khinh chê nhường ấy, Chúa đã thẩm giá cao sự khiêm nhượng, nhẫn nại, hiền từ nhường ấy, xin đừng để con bỏ mất kho tàng rất giầu sang đó, bỏ mất bảo đảm rất quý giá của tình yêu Chúa đó”.


Sau khi lĩnh nhận bấy nhiêu ân huệ, Mẹ Maria chìm vào một vực thẳm tán tạ, mến yêu, khiêm nhượng. Mẹ cất tiếng nói: “Oâi Thiên Chúa khôn tả, Chúa là ai, con là gì mà Chúa đoái thương nhìn đến và tôn vinh kẻ chỉ là bụi đất như vậy? Trong Chúa, con khám phá ra tính mênh mông của Chúa và tính hư vô của con. Con kinh ngạc vì đấng uy nghi vô cùng đã hạ mình xuống với con là một con sâu đất hèn hạ và đáng khinh chê. Lạy Chúa, lạy Vua Con, Chúa đã muốn, nên con xin nhận Chúa làm Tình Quân, làm Lương Quân của linh hồn con, nhưng con vẫn sẽ mãi mãi làm nữ tì của Chúa. Tâm chí con và trái tim con sẽ không còn một đối tượng nào khác, một cứu cánh nào khác ngoài Chúa là sự Thiện độc nhất của con, tình yêu độc nhất của con. Con mắt con sẽ không bao giờ dừng lại nhìn một người nào khác”.


Hài lòng khôn tả, Chúa thuận y việc nhậm lời của Mẹ. Ngài đặt trong tay Mẹ các kho tàng quyền năng và ân sủng của Ngài, bảo Mẹ muốn gì cứ xin, và đoan chắc rằng sẽ không từ chối Mẹ một điều gì. Đáp lại lời Chúa, Mẹ xin Chúa sai Con Một Chúa xuống trần gian cứu chuộc loài người; trào đổ nhiều ơn lành cho song thân; an ủi những người nghèo khó và đau khổ; ban cho Mẹ những ơn chu toàn hoàn hảo những gì đẹp lòng Chúa nhất.


Lúc đó, tất cả các thiên thần lại hát lên những khúc ca mới chúc tụng Thiên Chúa đã làm nên tất cả những việc lạ lùng ấy. Những vị Chúa đã chỉ định, tấu lên một khúc nhạc trời, tháp tùng Mẹ trở lại trần gian, và đặt vào phòng cũ. Thoạt vừa vào phòng, Mẹ đã thi hành ngay những điều Mẹ khấn hứa với Chúa, liên quan đến những lời khấn tu trì. Mẹ đi tìm bà Anna, nộp cho bà tất cả những gì song thân đã cho, để bà định đoạt tuỳ ý. Được Chúa soi sáng, bà Anna nhận lấy tất cả các đồ Mẹ nộp, chỉ để cho Mẹ y phục Mẹ mặc, cho nên Mẹ hoàn toàn nghèo khó. Vừa cảm phục ca tụng đức mến của Mẹ, bà Anna tự hứa sẽ săn sóc Mẹ kỹ lưỡng hơn, vì Mẹ chẳng còn gì, trong khi các thiếu nữ khác trong viện vẫn còn giữ trọn cả của cải mình và xử dụng tuỳ ý. Sau đó, hội ý với thượng tế Simêon, bà Anna vặt ra một luật sống cho Mẹ. Sự Mẹ khiêm nhượng từ bỏ mọi sự đã xin được Chúa ban cho Mẹ ơn siêu thoát mọi thụ tạo và chính mình, để chỉ còn sống trong tình yêu mến Chúa và yêu chịu sỉ nhục. Để thực thi đức tuân phục, Mẹ đã xin bà Anna một quy luật riêng. Nhờ ơn Chúa giúp, thánh Simêon và Anna thảo ra một quy luật đó, rồi gọi Mẹ đến trao cho. Mẹ quỳ xuống trước hai ngài, các ngài bảo Mẹ đứng dạy, nhưng Mẹ vẫn khiêm nhượng xin cứ để mình qùy mà nghe lời dạy bảo: Mẹ rất tôn kính chức phẩm và nhiệm vụ của các Ngài. Thượng tế nói với Mẹ: “Hỡi con, con còn rất non dại mà Chúa đã dẫn con vào Đền Thánh của Ngài. Đó là một ân huệ con phải nhìn nhận để hết lòng phụng sự Ngài và ham mê thực hành hết mọi nhân đức. Từ nay, con hãy bắt đầu cúi mình dưới ách Chúa, để suốt đời con được dễ dàng. Con hãy tuân phục bà giáo của con”. Mẹ Maria thưa lại: “Thưa thày, thày là thừa tác viên của Chúa tối cao, và thưa bà, xin dạy dỗ con, truyền bảo con việc con phải làm, kẻo con bị lầm lỡ. Con xin hứa với thày và với bà là con không có một ước vọng nào khác ngoài ước vọng ngoan ngoãn vâng theo ý thày và bà”.


Thượng tế Simêon và bà Anna được soi sáng phải săn sóc Mẹ cách riêng, nên đã vặt một chương trình sống cho Mẹ như sau: “Con hãy đem hết niềm nhiệt thành tham dự các giờ tán tụng Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho Đền Thờ của Ngài, cho dân riêng Ngài và cho Đấng Cứu Chuộc mau đến. Buổi tối, con sẽ đi ngủ lúc 8 giờ. Tảng sáng, con sẽ thức dậy cầu nguyện cho tới 9 giờ. Từ giờ đó tới chiều, con sẽ làm các việc thủ công và học tập Thánh Kinh. Trong bữa ăn, con hãy dùng lương thực cách điều độ nghiêm cẩn. Trong mọi sự, Con hãy khiêm nhu, dễ yêu, và hết sức tuân phục bà giáo, bà sẽ dạy con mọi việc phải làm”. Mẹ Maria vẫn qùy gối nghe lời dạy bảo. Sau đó, Mẹ xin hai vị chúc lành, rồi hôn tay hai vị. Hai vị cũng rất được vui lòng và rất thiện cảm với Mẹ. Mẹ hòa mình rất đúng vào kỷ luật, mặc dầu quan điểm của Mẹ cao vượt hơn. Mẹ biết rằng tuân phục hoàn toàn không lý luận bao giờ cũng tốt hơn theo tư kiến, dầu là những tư kiến rất tốt. Thực ra, chính Thiên Chúa sống và hành động nơi các bề trên. Nếu ai không vâng nghe các Ngài, là họ hành động theo ảnh hưởng của cám dỗ, của đam mê, của ảo ảnh.


Mẹ nêu lên một đức khiêm nhượng cao cả khi xin cô giáo cho phép được phục vụ các bạn đồng song, được dùng vào những việc rất thấp hèn như quét nhà, rửa chén đĩa. Sáng cũng như chiều, Mẹ đều đến xin cô giáo ban phép lành, rồi hôn tay và hôn cả chân bà khi được phép. Mẹ rất mau mắn hạ mình, rất hiền hòa, rất ân cần, rất tôn kính, rất tuân phục, cả đối với các cô bạn, những người Mẹ đã chiếm được lòng. Không một ai không nhận thấy Mẹ có duyên nhị tuyệt vời, vì Mẹ là chỗ tập trung tất cả thuyên duyên tự nhiên cũng như những đức tính siêu nhiên.


Mẹ hết sức tiết độ trong bữa ăn, và sẵn sàng chịu mất ngủ, một giấc ngủ vốn rất ngắn. Và ngay trong giấc ngủ ngắn ngủi ấy, Mẹ cũng vẫn chiêm niệm những mầu nhiệm cao cả trên trời, trong chiếc giường nhỏ bé của Mẹ. Không hề cho phép mình dùng một vật dụng nào thừa thãi, Mẹ tự cắt xén cả một đôi dụng cụ cần thiết. Mẹ dùng thời giờ rất khéo, giờ nào việc ấy khít khao nhau. Thời giờ Mẹ dùng nhiều nhất là thời giờ đọc Thánh Kinh, nhất là những trang liên quan đến trang Nhập Thể Cứu Chuộc. Mẹ am tường ý nghĩa việc nhập thể, nhờ có trí thức Chúa ban dư tràn, đến nỗi có thể giải thích những mầu nhiệm về ơn ấy với các thiên thần khi họ đàm đạo với Mẹ. Mẹ hiểu biết tất cả các nghi lễ cử hành trong đền thờ mà Mẹ tham dự, nhưng bề ngoài Mẹ vẫn đi học hỏi y như không biết gì. Ở địa vị nào Mẹ cũng giải tỏa một trí thông minh, một đức khôn ngoan, một vẻ trọn lành làm mọi người phải ngạc nhiên thán phục. Nhưng Thiên Chúa còn dấu kín nhiều vẻ đẹp của Mẹ, không mấy ai được biết, chỉ thiên thần mới được chiêm ngắm thôi.


Mẹ lớn dần về tuổi và về ân sủng trước mặt Chúa và loài người, nhưng bao giờ đạo tâm của Mẹ cũng lớn vượt hơn tự nhiên. Thiên Chúa không ngớt đổ tràn trên Mẹ những hồng ân rất kỳ diệu để mỗi ngày trang điểm thêm cho Mẹ. Ngài luôn luôn lấy ra từ kho tàng vô tận của Ngài những ân huệ mới để trau dồi riêng cho Mẹ. Mẹ cũng đáp ứng các ơn ấy cách cực kỳ trung tín, đến nỗi Thiên Chúa hài lòng hoàn toàn về Mẹ.


Mẹ Maria say mê nhất những việc lạ lùng của việc Nhập Thể. Mẹ thường hết sức âu yếm nói với các thiên thần, và đặt ra với họ những câu hỏi rất cao làm họ bỡ ngỡ, nói với họ những điều Mẹ khám phá ra về Nhân Tính rất thánh của Ngôi Lời, về sự Chúa hạ mình làm con trẻ, sinh ra và chịu dưỡng nuôi như loài người, có một người mẹ đồng trinh, lớn lên, chịu đau khổ, chịu chết cho hết mọi con cháu Adong. Được Thiên Chúa soi sáng, các luyến thần hầu cận cũng trả lời cho Mẹ biết thêm về các Mầu Nhiệm ấy. Lòng Mẹ bừng lên những đám lửa yêu mến rất nồng nhiệt khi nghe họ nói. Mẹ hỏi thêm: “Oâi các sứ thần Thiên Chúa, làm sao Đấng Sáng Tạo lại sinh ra bởi một thụ tạo? Đấng trau dồi vũ trụ sinh đẹp mà lại chịu đau khổ? Làm sao một người nữ lại được hạnh phúc gọi Đấng đưa mình ra khỏi hư vô là Con? Và được nghe Đấng ấy gọi mình là Mẹ? Ngài là Đấng Tự Hữu, sáng tạo vũ trụ mà! Ước chi tôi được làm nữ tì hầu hạ mẹ con cao trọng ấy thì hạnh phúc biết mấy!”. Cảm thông với tâm tình nhiệt ái của Mẹ các thiên thần trình bày cho Mẹ biết về các Mầu Nhiệm Chúa sẽ làm, trừ Mầu Nhiệm Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.


Mẹ sáng tác nhiều ca khúc. Những ca khúc này vượt xa các ca khúc Giáo Hội cả về lượng lẫn phẩm, gồm chứa ý nghĩa rất cao, các vị thánh được ơn soi sáng cao độ nhất cũng không biết đến. Thiên Chúa muốn Giáo Hội chiến đấu chỉ dùng các chân lý mặc khải trong Thánh Kinh; còn những chân lý đã mặc khải cho Mẹ thì dành để cho Giáo Hội khải hoàn khám phá, hầu thêm vinh quang phụ trội cho các thánh trên trời.

 

Mặt khác, Mẹ Maria rất khiêm nhượng không bao giờ tỏ cho loài người biết những ơn lạ lùng Mẹ được. Mẹ hết sức chăm chú, hết lòng giữ kín các ơn ấy. Đó là một lý do để Thánh Gioan tông đồ, khi viết sách Khải Huyền, đã che dấu mầu nhiệm liên hệ đến Mẹ, dưới những ẩn dụ mà ta có thể hiểu cả về Giáo Hội chiến đấu, cả về Giáo Hội Khải Hoàn.

Trích Thần Ðô Huyền Nhiệm, bản dịch của Phạm Duy Lễ

 

20/11 Thứ Năm

Phanxicô Nguyễn Cần,  Thầy giảng (1803 - 1837)
 

Tôi trung không thờ hai chủ”.

Lời cuối cùng phát ra từ miệng Thánh Phanxicô Nguyễn Cần tóm tắt cuộc đời của thầy, một người tôi trung, đã suốt đời trung thành với Chúa, phục vụ tha nhân, sống trung thực với suy nghĩ của mình, trung tín với giáo lý Tin mừng và cuối cùng đã trung kiên vượt qua mọi thử thách, xứng đáng nhận lời chúc phúc “Hãy vào hưởng niềm hoan lạc của Chúa trên trời” (Mt 25:21).

Chí Con Đã Quyết

Phanxicô Nguyễn Cần còn có tên Nguyễn Tiến tức Tiên Truật, sinh năm 1803, tại xã Sơn Miêng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Từ niên thiếu cậu Cần đã ước ao dâng mình trong nhà Chúa, nhưng mẹ cậu vì thương nhớ không muốn xa con nên từ chối. Cậu phải nài với mẹ “Nếu Mẹ không bằng lòng con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi ở với cha xứ khác”. Thế là bà mẹ cũng phải chiều ý cho cậu ở với cha Nghi chánh xứ Sơn Miêng.

Nhờ đức hạnh tốt và siêng năng, cậu được vào chủng viện, trở thành thầy giảng, được cử đi giúp Đức cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu (năm 1838 lên chức Giám mục gọi là Đức thầy Liêu). Cha Liêu đã nhận xét về thầy Cần: “Thầy giúp tôi học tiếng Việt, chia sẻ với tôi mọi khó khăn hiểm nguy, thiếu thốn. Thầy rất nhiệt tâm trong việc tông đồ”.

Ngày 19.4.1836, cha Liêu nhờ thầy đi mời cha Tuấn về xứ Kẻ Chuông giảng, chuẩn bị lễ Phục Sinh. Nhưng khi thầy đến xứ Kẻ Vạc, nơi cha Tuân ở thì bị bắt. Quân lính giấu ảnh tượng vào túi xách của thầy để có chứng cớ cụ thể. Thầy bị giải về huyện Thanh Oai và bị tống giam vào ngục.

Trước công đường, quan hỏi thầy đừng tin vào các đạo trưởng, và hãy đạp lên ảnh đạo, quan sẽ tha cho về nuôi mẹ già. Thầy trả lời: “Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà”. Sau đó quan dùng nhiều lời khiếm nhã phê bình về đạo, thầy bình tĩnh giải thích lại rồi trình bày về Mười Điều răn Thiên Chúa và sáu Điều răn Hội Thánh, thầy kết thúc bằng một lời nguyện tự phát rất cảm động. Mọi người ở đó đều cảm phục. Quan nói nhỏ với người đứng bên: “Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn bản “thập điều” của nhà vua nữa”.

Một Dạ Sắt Son

Phần cha Liêu ở nhà rất buồn, cha tìm mọi cách cứu mạng cho thầy Cần. Cha cho người đem tiền theo thân mẫu thầy lên huyện để chuộc. Mới đầu quan đòi ba trăm quan, sau tăng lên năm trăm, rồi sáu trăm, vượt quá con số dự trù, có lẽ vị quan đó không dám cho chuộc thì đúng hơn. Thầy Cần an ủi mẹ: “Xin mẹ đừng lo cho con, con đã ước ao tử đạo từ lâu, xin mẹ chỉ cầu nguyện cho con là đủ”.

Có nhiều người tỏ lòng thương hại thầy Cần. Quan khuyên thầy bước qua thập giá, thầy cương quyết từ chối. Lính khiêng thầy đặt lên tượng ảnh Chúa, thầy ôm chặt lấy chân và la lên: “Tôi không đạp lên ảnh Chúa đâu”. Một số giáo dân bỏ đạo nói: “Tội nào Chúa chẳng tha, Phêrô chối Chúa ba lần mà còn làm thủ lãnh Giáo hội”. Người khác lừa dối: Cha Liêu nhắn thầy cứ bước qua thánh giá, rồi sẽ về liệu sau. Họ còn đe dọa: “Nếu thầy không nghe, quan sẽ làm khổ cả làng đó”. Nhưng tất cả không làm xoay chuyển ý chí sắt đá của vị chứng nhân Đức Kitô. Thầy quả quyết:

“Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh tôi như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, những cũng không vì họ mà xúc phạm đến Chúa”.

Nhiều người ngoại giáo nói với nhau: “Giá như đạo mình bị cấm, chắc ta đã bước qua ảnh tượng trăm lần... Tượng đồng ảnh giấy có chi mà sợ”. Thấy không thể lay chuyển được người tôi trung của Chúa Kitô, quan cho giải thầy Cần lên Hà Nội. Tám tháng tù ở Thanh Oai, mười tháng tù ở Hà Nội, là cả chuỗi ngày cực hình đổ trên người thầy: cổ mang gông, tay mang xiềng xích, chân bị cùm... nhà tù thi nồng nặc mùi hôi hám, vì tù nhân phòng uế tại chỗ, lính canh thì đánh đập thầy mỗi ngày để tra khảo tiền bạc. Trong một lá thơ gởi cha Liêu, thầy viết:

“Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần sáu mươi roi, lần sau năm mươi roi, nhà giam đã chật hẹp hôi hám, lại có hơn chục anh đầu trộm đuôi cướp, ăn nói lỗ mãng, ban ngày say sưa, ban đêm cờ bạc, lúc nào cũng ồn ào làm con khó cầu nguyện quá”.

Tông Đồ Trại Giam

Thế nhưng thầy không chán nản, mà coi đó là môi trường Chúa gửi đến. Thầy kiên nhẫn giúp được hai tù nhân hối cải, dạy giáo lý và rửa tội được vài người, chúng ta hãy đọc một đoạn thư thầy viết từ trại giam ở Hà Nội:

“Con xin báo để cha an tâm. ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con bằng Thầy, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hết họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều điều mê tín của họ, nhưng chưa biết khuyên bảo họ sao bây giờ. Có một ông chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng... Thưa cha con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giàu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó mau qua này để được vinh quang đời đời”.

Một Lời Tiên Đoán

Viên cai ngục Hà Nội thấy tác phong của thầy Cần, dự đoán: “Ông này chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Ông ta mà chết chắc sẽ trở nên thành hoàng của làng chứ chẳng chơi”. Cũng trong thời kỳ ở Hà Nội, có lần thầy Cần bị bệnh nặng, một linh mục giả làm thầy lang vào giải tội, cho thầy rước lễ và xức dầu. Nhưng sau đó thầy được bình phục ngay.

Ngày 20.11.1837, bản án vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội. Quan tổng trấn khuyên thầy nhắm mắt bước đại qua thập giá. Thầy nói: “Mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được nên tôi chẳng làm”. Quan lại cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: “Đây không phải ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua đi sẽ thoát chết”. Nhưng thầy không làm vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.

Và Thiên Thu Vĩnh Phúc

Một tuần sau, thầy Phanxicô Cần bị điệu ra pháp trường Cửa Ô Cầu Giấy. Năm viên quan cỡi voi đi trước, mười cai đội cỡi ngựa theo sau, rồi đến ba trăm lính vũ lâm mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một người cầm tấm thẻ ghi bản án: “Can phạm theo đạo Gia-tô, không chịu bước qua thập giá, án xử giảo”. Dân chúng hôm đó đi xem rất đông.

Tại pháp trường, khi giây thừng đã cuốn vòng quanh cổ, thầy Cần vẫn bình tĩnh cảm ơn mọi người, nói với họ về cái chết theo đức tin Công giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về bên Chúa. Viên quan cố thuyết phục lần chót: “Anh có thể cứu mạng mình. Anh không trộm cướp, cũng không làm loạn, bản án của anh còn có thể rút lại được, chỉ cần anh bước một bước qua thập tự”. Nhưng thầy trả lời: “Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ án mà thi hành”. Quan ra lệnh, tức khắc quân lính kéo mạnh hai đầu giây, người môn đệ Chúa Kitô gục đầu tắt thở, lãnh cành vạn tuế tử đạo ngày 20.11.1837, khi mới 34 tuổi.

Thi hài vị tử đạo được an táng tại Chân Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn Miệng.

Lời tiên đoán vô tình của viên cai ngục đã trở thành hiện thực. Ngày nay Thánh Phanxicô Nguyễn Cần không những là thành hoàng của làng Sơn Miệng, mà hơn thế, là thánh tử đạo của Giáo hội Việt Nam và được cả Giáo hội hoàn cầu ngưỡng mộ.

Đức Lêo XIII suy tôn thầy Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900.
 

Hiếu Trung, OP

 

Thiên Chúa là nơi con người nương náu

Bài Giáo Lý thứ 91 của ÐTC về Thánh Vịnh 141(142) - Thứ Tư 12/11/2003

1. Tối ngày 3/10/1226, vào lúc Thánh Phanxicô Assisi đang hấp hối chết, lời cầu nguyện cuối cùng của ngài chính là việc đọc bài Thánh Vịnh 141 [142] mà chúng ta vừa nghe. Thánh Bonaventura kể lại rằng Thánh Phanxicô “đã than lên lời Thánh Vịnh: ‘Tôi cất tiếng kêu lên Chúa, tôi cất tiếng thỉnh cầu Chúa’, rồi ngài đọc lại bài Thánh Vịnh cho tới câu cuối cùng: ‘Kẻ công chính sẽ vây bọc lấy tôi; vì Chúa đại lượng đối xử với tôi’” ("Legenda Maggiore" [Major Reading], XIV, 5, in: Franciscan Sources, Padua-Assisi, 1980, p. 958).

Bài Thánh Vịnh này là một lời thỉnh nguyện thiết tha, được liên kết bằng một chuỗi những động từ van nài dâng lên Chúa: ‘Tôi kêu lên […]’, tôi cầu khẩn Chúa’, ‘tôi bày tỏ nỗi muộn phiền’ (câu 2-3). Phần chính của bài Thánh Vịnh ở tại lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng không dửng dưng trước nỗi khổ đau của kẻ tín nghĩa (câu 4-8). Với thái độ tin tưởng này, Thánh Phanxicô đã đương đầu với tử thần.

2. Thiên Chúa được thân thưa với một chữ ‘Ngài’ quen thuộc, như một ngôi vị ban cho sự an toàn: ‘Ngài là nơi tôi nương náu’ (câu 6). ‘Ngài biết đường nẻo tôi đi’, tức là biết đực cuộc đời tôi sống, một cuộc đời được đánh dấu bằng việc chọn sống theo đức công minh chính trực. Tuy nhiên, trên con đường này, kẻ gian ác sẽ mưu mô gài bẫy (câu 4): Đó là hình ảnh chung như một cảnh săn bắt, và thường được thấy nơi những lời thỉnh nguyện của các bài Thánh Vịnh, một hình ảnh cho thấy những hiểm nguy và chông gai đang chực chờ kẻ công chính.

Trước ác mộng này, vị tác giả Thánh Vịnh ra dấu báo động để Thiên Chúa thấy được tình trạng của mình hầu nhúng tay can thiệp: ‘Tôi nhìn đến cánh tay phải của mình’ (câu 5). Theo tập tục Đông phương, ở bên phải của người ta là kẻ bênh vực họ hay là người chứng bênh chữa họ ở tòa án; hoặc trong trường hợp chiến tranh thì đó là một tay hộ vệ của họ. Bởi thế mà kẻ tín nghĩa cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi, “không một người bạn nào ở đó cả”. Vì vậy, họ bày tỏ sự kiện buồn thảm này như sau: “Tôi không còn cách gì thoát thân; không một ai để ý tới tôi” (câu 5).

3. Ngay sau đó vang lên một tiếng kêu cho thấy niềm hy vọng trong lòng con người nguyện cầu. Trong một tình trạng như thế, sự bảo vệ duy nhất và là đồng bạn hữu hiệu đó là Thiên Chúa: ‘Chúa là nơi tôi nương náu, là phần mệnh của tôi nơi phần đất nhân sinh” (câu 6). Theo ngôn từ Thánh Kinh thì “số mệnh” hay “phần mệnh” là tặng ân Đất Hứa, một dấu hiệu của tình yêu thần linh qua những cuộc thăng trầm của dân Ngài. Giờ đây Chúa vẫn là nền tảng cuối cùng và duy nhất cho con người cậy dựa như cơ hội sống duy nhất, như niềm hy vọng tối hậu của mình.

Vị tác giả Thánh Vịnh liên lỉ kêu cầu Ngài, vì ông ‘bị hạ xuống rất sâu’ (câu 7). Ông đã nài xin Ngài nhúng tay can thiệp để bẻ gẫy những xích xiềng ngục tù quạnh hiu và thù địch của ông (câu 8), và đưa ông ra khỏi vực thẳm thử thách.

4.     Như trong các bài Thánh Vịnh thỉnh cầu khác, khía cạnh cuối cùng là khía cạnh của lòng biết ơn được dâng lên Chúa sau khi Ngài lắng nghe lời thỉnh cầu: ‘Xin hãy dẫn tôi ra khỏi ngục tù của tôi để tôi tạ ơn danh Ngài’ (ibid.). Khi được giải cứu, kẻ tín nghĩa sẽ đến tạ ơn Chúa giữa cộng đồng phụng vụ (ibid). Họ được thành phần công chính vây bọc, thành phần thấy rằng ơn cứu độ của người anh em mình cũng là một tặng ân ban cho họ.

Bầu không khí này cũng phẩi được thấm nhiễm những việc cử hành của Kitô giáo. Nỗi đớn đau của một con người phải được vang vọng nơi tâm hồn của tất cả mọi người; cũng thế, niềm vui của mỗi người phải được chia sẻ bởi toàn thể cộng đồng nguyện cầu. Đúng thế, thật là ‘tốt đẹp và sướng vui khi anh em xum họp với nhau’ (Ps 132[133]:1) và Chúa Giêsu cũng đã phán: ‘Nơi nào có hai hay ba người họp lại vì danh Thày, Thày sẽ ở giữa họ’ (Mt 18:20).

5.     Truyền thống Kitô giáo đã áp dụng bài Thánh Vịnh 141[142] vào trường hợp Chúa Kitô khổ nạn và bị bách hại. Theon chiều hướng này thì mục tiêu sáng ngời của lời thỉnh nguyện trong bài Thánh Vịnh ấy được biến hình thành một dấu hiệu vượt qua, một dấu hiệu dựa vào thành quả hiển vinh của đời sống Chúa Kitô cũng như của đích điểm chúng ta được phục sinh với Người. Điều này được xác nhận bởi Thánh Hilary Poitiers, vị tiến sĩ danh tiếng của Giáo Hội ở thế kỷ thứ 4, trong “Tiểu Luận về Các Bài Thánh Vịnh” của ngài.

Ngài đã dẫn giải theo bản dịch Latinh về cầu cuối cùng của bài Thánh Vịnh, câu nói về việc đền bù cho con người cầu nguyện cũng như về lòng mong đợi được ở với thành phần công chính. "Me expectant iusti, donec retribuas mihi." Thánh Hilary đã cắt nghĩa là “Vị Tông Đồ cho chúng ta thấy việc đền bù Chúa Cha đã ban cho Chúa Kitô”: ‘Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu thì mọi đầu gối phải quì xuống, trên trời, dưới đất và dưới lòng đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa, cho vinh quang của Thiên Chúa Cha’ (Phil 2:9-11). Đó là việc đền bù: cho thân xác đã lên trời, được trường sinh trong vinh quang của Cha.

“Vậy thì niềm mong đợi của kẻ công chính là những gì được cũng vị Thánh Tông Đồ này dạy khi viết: ‘quê hương của chúng ta ở trên trời, và chúng ta trông đợi Đấng Cứu Thế ở nơi đó, Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người’ (Phil 3:20-21). Thật vậy, kẻ công chính trông đợi Người để Người đền bù cho họ, ban cho họ được nên giống như vinh quang của thân xác Người, Đấng muôn đời đáng chúc tụng. Amen” (PL 9, 833-837).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe là lời cầu nguyện cuối cùng của Thánh Phanxicô Assisi vào đêm qua đời của thánh nhân năm 1226. Đó là một lời khẩn nguyện thiết tha dâng lên Chúa, Đấng là nơi nương thân vững chắc của những ai đặt tin tưởng nơi Ngài. Cộng đoàn kẻ công chính tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân cứu độ Ngài ban. Truyền thống Kitô giáo thấy nơi bài Thánh Vịnh này một ám chỉ về một Chúa Kitô bị bách hại và khổ đau, Đấng mà sự phục sinh của Người là nguồn mạch và là mục đích cho niềm hy vọng của chúng ta, là tặng ân sự sống đời đời trong vinh quang muôn đời của Thiên Chúa chúng ta.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/11/2003)
 

19/11 Thứ Tư

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Giáo Dục giúp vào việc Phát Triển

Ngày 28/10, về “Thập Niên Giáo Dục cho Việc Phát Triển Khả Thủ”, với Tiểu Ban của Tổng Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã thay mặt Tòa Thánh nhận định và góp ý như sau:

……..
Xã hội thực sự đã được biến đổi từ Bản Tuyên Ngôn Jomtein 1990. Ở Rio, trong Hội Nghị về Môi Trường và Phát Triển năm 1992, các chính phủ đã nhận thấy mối liên hệ giữa vấn đề giáo dục và việc phát triển khả thủ, cũng như đã đồng ý một lãnh vực rộng lớn của những chương trình bao gồm việc giáo dục trong tất cả mọi khía cạnh của vấn đề phát triển. Viện nhận thức này đã được thi hành qua các cuộc hội nghị và các cuộc họp thượng đỉnh từ Rio, bao gồm cả Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới về Vấn Đề Phát Triển Khả Thủ ở Johannesburg.

Ở Johannesburg, vấn đề giáo dục đã được bàn đến, trước hết, liên quan tới việc bảo vệ môi trường. “Việc giáo dục về trách nhiệm đối với môi sinh là việc khẩn trương: trách nhiệm với chính mình, với người khác và với trái đất. Việc giáo dục này không thể được bắt nguồn từ các cảm tình thuần túy hay những ước muốn trống rỗng. Mục đích của việc giáo dục này không thể là một mục đích theo ý hệ hay chính trị. Nó không được theo chiều hướng loại trừ thế giới tân tiến hay là một ước mong bâng quơ trở về với một ‘thiên đường mất mát’ nào đó. Trái lại, việc giáo dục thực sự về trách nhiệm đòi phải thực hiện một cuộc hoán cải chân chính trong cách suy tư và tác hành” (John Paul II, Message for the World Day of Peace, 1 January 1990).

…………..

Việc khai mở cho Thập Niên Giáo Dục Về Việc Phát Triển Khả Thủ được xẩy ra vào ngày 1/1/2005. Việc khai mở này trùng hợp với Những Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm ấn định rằng vào năm 2015, “trẻ em khắp nơi, nam cũng như nữ, sẽ có thể hoàn tất trọn vẹn việc học căn bản và trẻ em nam nữ sẽ có cơ hội như nhau nơi tất cả mọi cấp độ học vấn”.

Tuy nhiên, những dự án và mục tiêu cho Thập Niên này cần phải vượt ra ngoài vấn đề học vấn căn bản nữa. Các chương trình trong Thập Niên này còn phải tiếp tục nêu lên vấn đề trẻ em không đến trường. Thưa Ngài Chủ Tọa, chính về vấn đề này mà chúng ta thấy rõ những liên hệ giữa những cơ hội về việc giáo dục với vấn đề phát triển. Trẻ em không đi học, vì không có trường để học, hay không có tiền trẻ học phí hoặc trả lương cho thày cô; vì các em bị bắt buộc phải làm việc để sinh tồn hay để giúp cho gia đình các em; vì các em nghiện ngập hay rơi vào tình trạng chiến tranh xung đột làm cho trường sở bị đóng hay bị tàn phá; vì các em thuộc về thành phần thiểu số về tôn giáo hay sắc tộc; hoặc chỉ vì các em không thể tìm thấy trường học trong tầm tay của các em.

……...

Việc giáo dục đối với vấn đề phát triển khả thủ là một phương tiện để chiếm đạt nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Nó sẽ giúp vào việc tạo nên một môi trường “có ích cho việc phát triển cũng như cho việc loại trừ tình trạng nghèo khổ”. Việc hiện thực và đạt được những mục tiêu này có thể cần có thời gian, thế nhưng việc cung cấp cho tất cả trẻ em cơ hội học hành sẽ có một ảnh hưởng cấp thời, khả chứng và khả lường về phúc hạnh của dân chúng trên thế giới cũng như về việc phát triển khả thủ của họ.

………..
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 28/10/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường

Ngày Thứ Tư 5/11, về vấn đề coi trọng nền công lý xã hội trong lãnh vực thương mại thị trường, với Tiểu Ban Thứ Hai bàn đến khoản 91-a của chương trình họp “Thương Mại Thế Giới và Vấn Đề Phát Triển”, ĐTGM Celeatino Migliore đã nêu lên chủ trương của mình thay cho Tòa Thánh như sau:

Thưa Ngài chủ tọa, mục đích chính yếu của Tòa Thánh trong việc tham dự vào những cuộc diễn đàn quốc tế là để giúp vào việc cổ võ phẩm vị con người cũng như để góp phần xây dựng công ích cho toàn thể gia đình nhân loại.

Nơi lãnh vực liên hệ về kinh tế, nhất là nơi những vấn đề về thương mại, Tòa Thánh chủ trương một hệ thống cân bằng và chân chính phục vụ phẩm vị con người và việc phát triển toàn vẹn. Thị trường thật sự là cốt lõi của kinh tế và phần lớn thị trường quốc tế cân bằng đã giải quyết nhiều vấn đề cho những xứ sở kém phát triển về kinh tế đang phải đương đầu. Thế nhưng, tự bản chất, thị trường không giải quyết được hết mọi vấn đề xã hội, kể cả những vấn đề liên quan đến tình trạng thất nghiệp và nghèo hèn.

Có những lúc, theo nguyên tắc liên đới, các chính quyền cần phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong lãnh vực kinh tế. Do đó, mối liên hệ giữa chính quyền và thị trường phải được coi như hỗ tương nhau hơn là tranh chấp hay thậm chí đối địch nhau. Đồng thời lúc nào cũng phải tôn trọng và áp dụng hơn nữa nguyên tắc phụ trợ. Việc bỏ đi những giới hạn được con người đặt ra về việc tung ra các thứ sản vật, và ở mộỉt mức độ nào đó, các thứ dịch vụ, có thể gây ra một tác dụng kích thích về kinh tế, mang lại hiệu năng hơn cùng với việc phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng có thể làm lũng đoạn và những thứ biến dạng về xã hội này có thể gây ra những tác hiệu tiêu cực, nhất là tùi nền kinh tế của các nước kém phát triển, những biến dạng cần chính quyền có biện pháp để giảm bớt tình trạng khốn khó và đau khổ nhất là của người nghèo, báo hiệu tình trạng suy thoái về kinh tế có thể xẩy ra.

Các qui luật thương mại quốc tế không được làm cản trở khả năng của các chính quyền trong việc áp dụng các biện pháp ấy. Qui chế thương mại cần phải được thiết định để làm sao góp phần vào việc phát triển kinh tế khả thủ. Về phần mình, các nước kém phát triển cũng phải thực hiện những việc cần thiết để tránh những hoạt động băng hoại và phi luân thường đạo lý, những hoạt động trong quá khứ đã ảnh hưởng một cách tiêu cực cho tiến trình phát triển của họ cũng như cho tình trạng phúc hạnh của nhân dân họ.

Bằng không, những thiện ích tích cực của hệ thống thương mại quốc tế được tổ chức ngon lành cũng không ảnh hưởng gì tới thành phần nghèo khổ ở các nước kém phát triển. Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ tất cả mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhắm đến tình trạng phúc hạnh của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại. Cuộc họp mới đây ở Cancun (Mễ Tây Cơ) ngày 14/9/2003 của những vị ký viên kho bạc dường như đã gây nguy hiểm cho nỗi lạc quan hớn hở của những quốc gia đang phát triển trong cuộc họp ở Doha. Niềm hy vọng vẫn không hiện lên nơi những xứ sở nghèo bị các nước giầu làm giảm bớt những thứ phụ cấp về trồng trọt bởi việc thương mại thiên lệch, gây rắc rối về quan thuế trên những sản phẩm trồng trọt và loại bỏ những thứ phụ cấp xuất cảng về canh nông.

Vấn đề quan thuế về kỹ nghệ tơ sợi hay vấn đề quan tâm của các quốc gia đang phát triển liên quan đến việc điều trị đặc biệt và khác biệt hay liên quan đến việc áp dụng đều không được đề cập tới. Căn cứ vào tình hình căng thẳng chi phối buổi họp ở Cancun, cơ hội dung hoà giữa các nước giầu và nghèo đã trở nên hết sức khó khăn. Hy vọng là những gì xẩy ra ở Cancun không gây thương tổn đến cơ hội thiết lập một guồng máy vững chắc, chân chính hơn, liên quan đến nhiều phía nơi những lãnh vực về thương mại và phát triển cho tương lai tới đây. Xin cho tôi được kết thúc những lời phát biểu này bằng lời lẽ sau đây: “những mẫu thức thực hữu và thực sự hiệu nghiệm chỉ khi nào chúng được phát xuất từ khung cảnh của những tình trạng lịch sử khác nhau, bằng nỗ lực của tất cả những ai đương đầu một cách ý thức với những vấn đề cụ thể của tất cả mọi khía cạnh về xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, vì những khía cạnh này liên hệ với nhau” (Pope John Paul II, Centesimus Annus, #43).

Về công việc này, Tòa Thánh muốn lập lại chủ trương của mình trong việc nhìn nhận giá trị tích cực của thị trường và việc giao dịch tự do; đồng thời cũng cho thấy những hoạt động ấy phải hướng tới công ích ra sao. Vần đề cần thiết ở đây là mức độ liên đới quốc tế cần phải tăng thêm hơn nữa nơi tất cả mọi quốc gia trên thế giới, cũng như việc loại bỏ đi những nhóm chú trọng đến việc phát động những mục tiêu vị kỷ của mình bất chấp công ích.

Ngoài ra, những việc làm bại hoại, cả ở những nước phát triển lẫn đang phát triển, cũng cần phải được chấm dứt, để tất cả mọi thành phần trong xã hội, giầu cũng như nghèo, chứ không phải chỉ một số nhỏ đặc ân, được hoan hưởng hoa trái của việc thương mại và phát triển lành mạnh.

Đây là một thách đố mà tất cả mọi quốc gia vì tinh thần liên đới cần phải cùng nhau chia sẻ. Cám ơn Ngài chủ tọa.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 7/11/2003

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Văn Hóa Hòa Bình

Ngày Thứ Hai 10/11, về Văn Hóa Hòa Bình, với Tổng NGhị LHQ, ĐTGM Celestino Migliore đã đại diện Giáo Hội Công Giáo lên tiếng như sau:

Thưa Ngài Chủ Tịch,

Đại biểu tôi đón nhận cơ hội này để một lần nữa tham dự vào việc bàn luận về “Nền văn Hóa Hòa Bình”.

Tòa Thánh bao giờ cũng tiếp nhận và tha thiết với những thứ nền văn hóa đa dạng và khác nhau qua các thế hệ. Theo tinh thần này, khi nói về hòa bình, đại biểu tôi trước hết nhìn nhận hòa bình thực sự không phải là vấn đề về các thứ cấu trúc mà là về con người.

Trước hết, hòa bình về những ai thực tế nhìn nhận rằng bất chấp những mặt tiêu cực của bản tính và xã hội loài người, hòa bình là một điều khả dĩ. Tất cả mọi nỗ lực cần phải thực hiện để chiếm đạt hòa bình. Thế nên, hòa bình cần phải được mong muốn, chiếm hữu và chia sẻ như là một công ích của nhân loại.

Nếu chúng ta nhìn vào những mảnh đất nóng bỏng chiến tranh trong thời đại chúng ta đây, chúng ta không thể nào không tự hỏi là truyền thông đại chúng, các chính trị gia và công quyền phác tả những thực tại chung quanh những cuộc xung đột này như thế nào. Liệu truyền thông trình chiếu cho thấy thành phần trong cuộc này có nêu lên vấn đề hòa bình hay chăng; những câu phát biểu và phê bình công khai có nói về hòa bình hay chăng; các thứ sách vở tại học đường có dạy về những đường lối dẫn đến hòa bình hay chăng; cuộc đàm thoại giới trẻ thực hiện trong gia đình và nơi bạn bè với nhau có cho thấy họ hướng về hòa bình hay chăng?

Thưa Ngài Chủ Tịch, những lý do được viện dẫn để biện minh cho những cuộc xung đột cần phải được nêu lên một cách đứng đắn, trước khi, đang khi và sau khi chúng xẩy ra. Nhu cầu cần phải thực hiện việc bảo vệ bằng vũ khí để khiến bên kia bỏ cuộc trở thành kẻ địch thù cần phải được khôn ngoan và cẩn thận cân nhắc, khi so sánh nhu cầu này với một nhu cầu tương đương trong việc liên hệ với phía bên kia, tránh bất cứ tính cách thù hằn nào có thể nghĩ được hay bị cáo giác, luôn cởi mở trước tất cả mọi giải pháp ôn hòa. Bởi thế, những ai lãnh trách nhiệm và phận vụ bảo vệ hòa bình và trật tự đầu được kêu gọi để quyết định có được bảo vệ hợp pháp hay chăng, việc quyết định phải lệ thuộc vào những điều kiện nghiêm khắc theo lãnh vực luân lý, vì những hành động như thế có thể được biện minh chỉ khi nào tất cả mọi phương tiện ôn hòa để giải quyết cuộc khủng hoảng cho thấy bất thành, vô hiệu hay bất khả.

Thưa Ngài Chủ Tịch, không như nền văn hóa chiến tranh, nền văn hóa hòa bình đòi phải theo đường hướng đạo lý đối với sự sống. Nó cho chúng ta thấy con đường xác đáng và an toàn dẫn tới việc tôn trọng sự sống. Chiến tranh “hủy hoại sự sống của thành phần vô tội, dạy cách sát hại, làm bấn loạn ngay cả đời sống của những ai ra tay sát hại và lưu lại vết tích uất hận và thù hằn, khiến càng gây thêm khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp chân chính cho chính những vấn đề gây ra chiến tranh” (Pope John Paul II, Thông Điệp Bách Niên "Centesimus Annus," 52).

Năm nay Liên Hiệp Quốc cử hành mừng 55 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Biến cố này kêu gọi hết mọi người tiến đến chỗ nhìn nhận thật sự phẩm giá trọn vẹn của hết mọi hữu thể con người. Quyền sống hòa bình được phát xuất từ việc nhìn nhận này. Thế nhưng, khi hòa bình mất đi giá trị của mình nơi xã hội và tầm quan trọng của nó nơi qui chế chung, thì các thứ nhân quyền và các thứ trọng trách quốc tế gặp nguy hiểm và pha trộn.

Hòa bình là cơ sở của công lý. Tận căn gốc của chiến tranh, nhất là của nạn khủng bố, một thứ tấn công võ trang chúng ta đang bất hạnh trải qua trong thời hiện đại của chúng ta đây, chúng ta chưa thấy những lời phiền trách nặng nề được cộng đồng thế giới nêu lên: chẳng hạn như những thứ bất công phải chịu đựng, những nỗi ước mong hợp lý không được đáp ứng, tình trạng bần cùng hèn hạ, kỳ thị, dung túng và khai thác thành phần dân chúng đông đảo bị tuyệt vọng không có được một chút hy vọng thực hữu nào để cải tiến cuộc sống của họ. Những thứ bất công ấy khêu ngòi bạo động và hết mọi bất công đều có thể dẫn đến chiến tranh.

Hòa bình, một thứ hòa bình có thể được định nghĩa như là “tình trạng quân bình về trật tự”, là nhiệm vụ căn bản của hết mọi người. Tuy nhiên, hòa bình được xây dựng trên lòng tin tưởng lẫn nhau, và là một lòng tin tưởng có thể chiếm hữu bằng công lý và công bình mà thôi. Hòa bình đòi phải sửa lại những cuộc bạo động, cải lại những thứ lạm dụng, phục hồi thành phần nạn nhân và hòa giải những phe phái sầu thương. Chính sách xây dựng lòng tin tưởng ấy nhắm đến chỗ thắng vượt tất cả mọi chướng ngại vật ngăn cản những hoạt động của công lý hướng đến hòa bình. Chỉ có một bầu khí hòa bình như thế mới làm cho văn hóa hòa bình đâm rễ và nở hoa mà thôi.

Thưa Ngài Chủ Tích, nếu phát triển là tên gọi mới cho hòa bình thì chiến tranh và vấn đề leo thang các thứ vũ khí cần phải được coi là những kẻ thù chính của việc phát triển các dân tộc. Có chấm dứt cuộc thi đua võ trang thì tiến trình giải giới thực sự mới có thể bắt đầu, bằng những hiệp ước được căn cứ vào những thứ bảo toàn đích thực và khả thực. Việc tái phân bố các nguồn kinh tế và các nguồn lợi khác từ việc thi đua võ trang cho các nhu cầu nhân đạo, như nhu cầu chăm sóc sức khỏe căn bản, giáo dục tất cả mọi người và củng cố đời sống gia đình, thật sự là những gì phát động và kiên cường một thứ văn hóa hòa bình vậy.

Thưa Ngài Chủ Tịch, đó là một số ý nghĩ đại biểu tôi muốn chia sẻ trong dịp kỷ niệm 40 năm Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của ĐGH Gioan XXIII. Vậy xin cho tôi được kết thúc bằng những lời sau đây của bức Thông Điệp này: “Thế giới sẽ không bao giờ trở thành một nơi cư trú hòa bình cho đến khi hòa bình lập cư nơi lòng trí của mỗi một người và hết mọi người”.

Cám ơn Ngài Chủ Tịch.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 11/11/2003
 

18/11 Thứ Ba

 

Nhận Định của Giới Chức Công Giáo ở Thánh Địa về Bức Tường Ngăn và Chiếc Cầu Nối

Hưởng ứng bài huấn từ truyền tin của ĐTC Gioan Phaolô II hôm Chúa Nhật 16/11/2003 về bức tường ngăn và chiếc cầu nối hòa bình ở Trung Ðông, các chức bậc Công Giáo ở Thánh Địa đã lên tiếng qua Đài Phát Thanh Vatican hôm Thứ Hai 17/11/2003 như sau.

ĐTGM Pietro Sambi, khâm sứ tòa thánh ở Giêrusalem nhận định là bức tường ngăn đang được phe Do Thái xây cất là những gì “phân cách giữa học đường với học sinh, bệnh nhân với các trung tâm điều trị, cá nhân với các chỗ làm việc, gia đình với họ hàng thân quyến. Tường lũy không bao giờ từng là hay đang là dấu hiệu của hòa bình”.

Vị TGM này cũng cho chính quyền Do Thái biết là bức tường ngăn này có mục đích chia cách lãnh thổ Do Thái với Palestine cũng chia cắt làm đôi các đan viện, nữ viện, giáo hội và nghĩa trang. Còn cha Giovanni Battistelli, bề trên dòng Phanxicô Bảo Quản Viên Thánh Địa cũng đã lên tiếng với Đài Phát Thanh Vatican là: “Những gì chúng tôi đang thực sự cần đó là một thứ tình yêu liên kết chứ không phải phương tiện phân cách là những gì chỉ làm tăng thêm nỗi đắng cay chua xót, lòng hận thù và tôi nghĩ cả bất công nữa”.

 

Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về Vấn Ðề Palestine

Ngày Thứ Hai 3/11/2003, về vấn đề Palestine, với Tiểu Ban Thứ Tư bàn đến khoản 83 trong chương trình liên quan đến “Việc LHQ Hỗ Trợ và Cơ Quan Hoạt Động cho Dân Tị Nạn Palestine ở Cận Đông”, ĐTGM Celestino Migliore đã nhận định và khuyến dụ như sau:

……….
Thưa Ngài Chủ Tọa, những phát ngôn viên trước đã nói đến những vấn đề định cư, giới nghiêm, vây hãm, ám sát, ôm bom tự sát khủng bố, cũng như đến ảnh hưởng của các biến cố này nơi việc người Palestine tìm kiếm công ăn việc làm, học vấn và các phương tiện chăm sóc y tế. Giáo Hội Công Giáo với những tổ chức nhân đạo và xã hội của mình, tức qua Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hoạt động ở vùng này từ năm 1949, Hội Caritas Quốc Tế, Các Dịch Vụ Công Giáo Hỗ Trợ, hằng ngày tường trình về những thử thách của thành phần dân chúng được phục vụ. Trong vòng 3 năm qua, những cơ quan này đã càng ngày càng cảm thấy khó khăn hơn nữa nơi việc thi hành sứ vụ của mình.

Qua sự kiện thất bại mới đây về vấn đề ngưng chiến, mức độ bạo loạn tăng lên kinh khủng, để rồi thành phần thường dân Palestine và Do Thái tiếp tục bị sát hại. Tòa Thánh tin tưởng rằng cuộc xung đột này ở Trung Đông sẽ tìm thấy được một giải pháp bền vững chỉ khi nào có hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền sống bên nhau trong an bình và an ninh. Để đạt được mục đích này, những vấn đề liên quan tới thành phần tị nạn Palestine cũng như đến những việc định cư của người Do Thái chẳng hạn, hay vấn đề đặt ranh giới lãnh thổ và phân định tình trạng của các nơi linh nhất nhất ở Thành Giêrusalem, cần phải là chủ đề cho một cuộc đối thoại cởi mở và thương thảo chân tình.

Thưa Ngài chủ tọa, đại biểu tôi xác tín mãnh liệt là cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ cho mọi phía trong cuộc để họ nhận thức được rằng việc chiếm đóng các lãnh thổ ở vùng Tây Ngạn và giải Gaza cũng như những cuộc khủng bố tấn công là những gì đang châm mồi cho cơn lốc bất tận của các hành động bạo lực và trả đũa giáng xuống trên cả người Palestine lẫn Do Thái. Phần nguyên vẹn của ‘lộ trình’ tiến đến hòa bình hiện nay rõ ràng kêu gọi giải pháp thành lập hai quốc gia. Nó là phận sự của cả hai phe, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, chấp nhận ‘lộ trình’ này như dụng cụ để thương thảo và tin tưởng xây dựng, nhờ đó những vấn đề khác nhau có thể được đề cập đến và những hiệp định giải quyết được ký kết.

Trong khi những việc thương thảo này hiện nay đang ở ngã tư đường, chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ những ai gặp phải bạo loạn như cơm bữa. Về phần mình, Văn Phòng Sứ Vụ Tòa Thánh Đối Với Palestine hết sức cậy dựa vào sự hợp tác toàn cầu trong việc cải thiện tình trạng khổ đau của nhiều người nơi những phần đất bị chiếm đóng. Được nâng đỡ bởi một số tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới, văn phòng này sử dụng việc giúp đỡ về luân lý và tài chính để phát động những công việc phát triển cộng đồng hăng say lao động để chống lại tình trạng thất nghiệp ở những miền đất bị chiếm đóng trên 60%. Việc nâng đỡ về tài chính của những hợp tác viên này giúp việc giáo dục, từ lớp mẫu giáo đến hết đại học.
…………
Ngoài việc nêu lên những nhu cầu nhân đạo quan trọng cần phải ghi nhận trên đây, Thư Ngài Chủ Tọa, đại biểu tôi hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào được nêu lên cho các vấn đề đa diện của miền này cũng sẽ bao gồm cả vấn đề Thánh Thánh Giêrusalem. Theo nhiều diễn tiến bạo động và những tình trạng khắc nghiệt gây ra bởi việc vây hãm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi liên tục của mình về “những khoản được quốc tế bảo đảm trong việc bảo toàn quyền tự do tôn giáo và lương tâm cho dân cư của thành này, cũng như bảo toàn cách thức thường trực, tự do và phi ngăn trở để tín hữu thuộc các tôn giáo và quốc tịch có thể đến với những nơi thánh” (A/Res/ES 10-2, 5 May 1997). Mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến những người hành hương không dám đến Thánh Địa nữa, bởi thế càng chất thêm gánh nặng về kinh tế trên tất cả mọi người trong vùng này, ngoài việc làm ngăn trở quyền lợi của con người trên khắp thế giới trong việc họ viếng thăm và cầu nguyện ở những địa điểm thánh. Đại biểu tôi cũng nhận thấy rằng dân chúng địa phương cũng không dễ dàng đi đến những đền thờ và những nơi thánh.
………….

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 6/11/2003


Cuốn Cẩm Nang cho Các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo

Trưa hôm Thứ Sáu 14/11/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh, có buổi ra mắt cuốn sách cẩm Nang của Các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo “vademecum” do Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa soạn thảo. ĐHY Chủ Tịch của hội đồng này là Paul Poupard và ĐGM Guiseppe Betori thư ký của hội đồng đã điều hành buổi ra mắt này. Theo ĐHY chủ tích thì cuốn sách cẩm nang này là thành quả của các cuộc họp quốc tế của các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo từ năm 1993. Vị chủ tịch còn cho biết dưới danh xưng Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo là “những thực tại hết sức đa diện, được đánh dấu bằng nhiều hoạt động và quan tâm” với mục đích “để làm cho đức tin Kitô giáo giao chạm với văn hóa cũng như các nền văn hóa của thời đại chúng ta, và với tất cả mọi hiện tượng liên hệ khác. Bởi thế, mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa là một lãnh vực thiết yếu cho tất cả mọi Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo hoạt động. Để nối liền cái khoảng cách giữa đức tin và văn hóa, giữa Phúc Âm và kinh nghiệm sống thường nhật, giữa việc loan báo Chúa Kitô với tình trạng khô đạo và vô thần của nhiều con người nam nữ thuộc thời đại chúng ta, Giáo Hội đã thực hiện những bước tiến quan trọng, nhất là sau Công Đồng Chung Vaticanô II và sau lời kêu gọi của Đức Phaolô VI là vị trong Thông Điệp ‘Evangelii nuntiandi’ đã cho thấy cái phân mảnh này như là một thảm kịch thực hữu của thời đại chúng ta”.

ĐGM thư ký phân bộ này nói về “dự phóng văn hóa dựa trên truyền thống Kitô giáo là một sáng kiến được Giáo Hội Ý Quốc phát động gần 8 năm với mục đích để giao kết giữa Phúc Âm và văn hóa. Có 341 trung tâm văn hóa ghi danh đang hoạt động ở Ý. Cuốn cẩm nang này có địa chỉ của các trung tâm này, cũng như có những tín liệu về những dịch vụ được các trung tâm này cung cấp. Có thể vào màn điện toán sau đây để tìm hiểu thêm www.progettoculturale.it



Mẹ Têrêsa Calcutta được Liên Tôn ca ngợi trong buổi kết thúc cuộc mừng phong chân phước

Theo tin của màn điện toán Zenit ngày 14/11/2003, thì trong một cuộc qui tụ liên tôn Chúa Nhật, gồm có 20 vị đại diện các tôn giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Siks, Phật giáo, Jains và Do Thái giáo cũng như các giáo phái Kitô giáo, người ta chẳng những thấy các vị cùng nhau thắp lên một ngọn đèn và đặt một vòng hoa quanh cổ của một bức tượng Mẹ Têrêsa, mà còn nghe thấy những lời phát biểu ca ngợi riêng Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với những cảm tạ Giáo Hội Công Giáo nói chung như sau:

Ông thị trưởng thành phố là Subroto Mukherji đã bày tỏ “lòng bết ơn Giáo Hội Công Giáo” đã ban cho Calcutta một nhân vật như Mẹ Têrêsa.

Vị thượng tế của đạo Sikhs ở Đền Thờ Vàng Amristsar gần Calcutta là Giani Jogindler Singh Vedanti đã cảm nhận: “Mẹ là hiện thân của tình yêu thương, lòng nhân hậu và đức tinh tuyền”.

Vị quản từ Hồi giáo là Irfan Sher ở Calcutta đã ca ngợi Mẹ như là “một vị thánh thực sự”: “Mẹ đã tỏ cho thấy một người phụ nữ có thể trở thành mẹ của toàn thể nhân loại”.

Buổi chiều hôm trước của cuộc qui tụ liên tôn tôn vinh Mẹ Têrêsa Calcutta này, tại vương cung thánh đường Calcutta, ĐTGM Lucas Sirkar đã cử hành một thánh lễ tạ ơn long trọng và đã bày tỏ trong bài giảng như sau: “Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa đã ban Mẹ Têrêsa cho thế giới. Sự hiện diện của rất là nhiều người chứng tỏ cho thấy sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống cho chúng ta qua Mẹ Têrêsa”.

Nữ Tu Tổng Quyền Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái kế vị Mẹ Têrêsa là Nirmalaa Joshi cũng cho biết: “Ước mong Thiên Chúa muốn nơi Mẹ đã qua Mẹ trở thành ước mong của Thành Calcutta cũng như của toàn thế giới: đó là trở thành con tim và đôi tay của Ngài đối với những ai nghèo khổ và bị ruồng bỏ”.
 

ĐTC với Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán

Sáng Thứ Sáu, 14/11/2003, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ 18, chủ đề về Tâm Trạng Buồn Chán, do Hội Đồng Tòa Thánh Về Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức tại Vatican, từ ngày 12-15/2003. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhận định và khuyến dụ như sau:

“Tình trạng lan tràn tâm trạng buốn chán đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Tính cách mỏng dòn của con người về tâm lý và tinh thần đã bộc lộ qua bệnh tật là những gì một phần nào đó đã bị gây ra bởi xã hội. Vấn đề quan trọng là cần phải nhận thức được những ảnh hưởng phát xuất từ những phổ biến của truyền thông trước quần chúng, những gì phát động cổ võ khuynh hướng hưởng thụ, khuynh hướng tìm thỏa mãn cấp thời cho hết mọi ước muốn của con người, khuynh hướng liên tục tìm kiếm những phúc lợi vật chất hơn nữa. Cần phải đưa ra những đường lối mới để hết mọi người có thể cải tiến tư cách của mình, bằng việc vun trồng đời sống thiêng liêng là nền tảng cho việc hiện hữu trưởng thành”.

Về thành phần phục vụ những ai lâm vào tâm trạng buồn chán, ĐTC khuyên rằng: “phải giúp cho họ tái nhận thức niềm tự tin của họ, niềm tin tưởng vào khả năng của họ, chú trọng đến tương lai, mong muốn được sống. Bởi thế, cần phải giúp đỡ thành phần bệnh nhân, làm cho họ cảm thấy tấm lòng êm ái của Thiên Chúa, giúp họ hội nhập vào cộng đồng đức tin và sự sống để họ cảm thấy được yêu thương, thông cảm, nâng đỡ, kính trọng, tức là yêu thương và được thương yêu”. Về phương diện thiêng liêng, ĐTC còn khuyên đọc và suy niệm các bài Thánh Vịnh, lần hạt Mân Côi, tham dự Thánh Lễ, “nguồn mạch của an bình nội tâm”.

ĐTC cũng nhấn mạnh là đối diện với hiện tượng của tâm trạng buồn chán, Giáo Hội và xã hội cần phải “nêu lên cho con người, nhất là cho giới trẻ, những mẫu gương và những kinh nghiệm giúp họ lớn lên về lãnh vực nhân bản, tâm lý, luân lý và thiêng liêng. Sự thiết hụt những điểm qui chiếu này sẽ chỉ làm suy yếu tư cách của họ, khiến họ nghĩ tất cả mọi hành vi cử chỉ đều có giá trị như nhau. Về khía cạnh này, vai trò của gia đình, học đường, phong trào giới trẻ và hiệp hội giáo xứ rất ư là cần thiết. Vai trò của các tổ chức công cộng cũng quan trọng nữa, trong việc bảo đảm những điều kiện sống xứng đáng, nhất là cho thánh phần bị bỏ rơi, bệnh tật và già lão. Cũng thế, cần phải có những qui chế cho giới trẻ, những qui chế hiến lý do hy vọng cho các thế hệ mới, cứu vãn họ khỏi cảm giác trống rỗng hay những nguy hiểm khác”.

 

17/11 Thứ Hai

Huấn Từ Truyền Tin về Tình Hình Thế Giới ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thánh Địa

Anh Chị Em thân mến!

1.     Trong những ngày gần đây, nạn khủng bố một lần nữa lại thi hành việc làm ghê rợn của mình, nhất là việc tàn phá ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi nguyện cầu cho các nạn nhân, Tôi xin lập lại việc liên kết thiêng liêng của Tôi với nhiều gia đình đang khóc thương người chết của mình. Tôi cũng bày tỏ lòng gắn bó chân thành của Tôi với tất cả những ai dấn thân chăm sóc cho thành phần bị thương tích và chữa trị những đổ vỡ xẩy ra. Không ai được đầu hàng trước khuynh hướng chán chường thất vọng và thù hằn trả đũa: việc tôn trọng sự sống, mối liên đới quốc tế, việc tuân giữ luật pháp phải thắng vượt hận thù và bạo lực.

2.     Theo chiều hướng này, Tôi cũng lập lại việc mạnh mẽ lên án của Tôi đối với bát cứ hành động khủng bố nào được thực hiện mới đây ở Thánh Địa. Đồng thời Tôi cũng muốn nói lên rằng ở những nơi ấy, bất hạnh thay, guồng máy hòa bình dường như đã bị dừng lại. Việc kiến thiết một bức tường giữa nhân dân Do Thái và Palestine được nhiều người cho là một cản trở mới trên con đường tiến đến việc chung sống hòa bình. Thật vậy, Thánh Địa không cần những bức tường lũy mà là những cây cầu nối! Không thể nào có hòa bình nếu không có tinh thần hòa giải.

3.     Chúng ta hãy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria phó dâng cho vị Thiên Chúa của tinh thương và hòa bình dân chúng ở miền đất thế giới ấy. Chớ gì những vị lãnh đạo biết can đảm quay về với việc đối thoại và thương thảo hầu mở đường hướng tới một Trung Đông hòa giải trong công lý và hòa bình.



Hậu Chiến Iraq: Chế Độ Độc Tài đã kết thúc… Hoa Kỳ nhắm đến việc chiếm đoạt dầu hỏa của Iraq

Thứ Bảy 15/11/2003, trong một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, Chính Phủ Lâm Thời Iraq do Hoa Kỳ đặt để, sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ L. Paul Bremer và Tổng Thống Bush, đã cho biết về tình hình chuyển nhượng quyền bính cho nhân dân Iraq, thời điểm chấm dứt chính phủ lâm thời và “tình trạng chiếm đóng”. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền hành này đã không bao gồm chi tiết lực lượng quân sự quốc tế và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hiện diện ở Iraq. Nhiều phần tử của chính phủ lâm thời cũng như một số vị lãnh đạo trong quốc hội Hoa Kỳ muốn quân đội Hoa Kỳ rời Iraq sớm bao nhiêu có thể. Nhưng Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu 14/11 đã cho biết quân đội Hoa Kỳ cần phải ở lại Iraq cho đến khi cựu Tổng Thống Saddam Hussein bị giết hay bị bắt. Một viên chức của chính phủ lâm thời là ông Ahmed Chalabi đã cho biết bản hiến pháp và chính phủ chính thức sẽ được thiết lập cùng lắm vào tháng 6/2005.

Theo tín liệu của màn điện toán Zenit ngày 16/11/2003, thì sau ngày khủng bố tấn công bằng xe bom nổ hôm Thứ Tư 12/11/2003 tuần vừa rồi ở Nasiriyah, linh mục Toma, 42 tuổi, vị lãnh đạo của một cộng đồng đan sĩ 45 vị ở Iraq sống đời chiêm niệm lẫn hoạt động mục vụ, cộng đồng mang danh Antonian Order of Saint Ormizda theo lễ nghi Chaldeans được thành lập từ thế kỷ thứ bảy, đã lên tiếng với cơ quan truyền giáo Fides rằng: “Hôm nay tôi không thể lạc quan được nữa. Hết mọi sự đều lệ thuộc vào Hiệp Chủng Quốc là nước có toàn quyền về thiện ích hay tệ hại của đất nước chúng tôi. Chúng tôi đang bất định, chúng tôi đang đứng ở ngay chỗ nước cạn. Chế độ độc tài đã bị kết thúc; chúng tôi vẫn chưa tiến vào một mùa chính trị mới. Chúng tôi phải tìm đường thoát khỏi tình trạng thảm khốc khủng bố và mất an ninh tha hồ tung hoành này. Chúng tôi nguyện cầu đừng để những gì tệ hại xẩy ra nữa”.

Trả lời câu hỏi sau tất cả những cuộc tấn công ấy thì những gì cần phải thay đổi nơi chính sách của Hoa Kỳ ở Iraq, vị bề trên này đã trả lời như sau:

“Hiệp Chủng Quốc, sau khi đã giải tán lực lượng cảnh sát Iraq phải đặt nền an ninh vào tay nhân dân Iraq hay ít là có sự tham gia của họ. Họ mới là những người gần gữi quen thuộc với ý hệ địa phương, họ biết dân chúng và các vị trí. Hầu hết dân chúng không hài lòng vời tình hình hiện nay. Họ biết ơn những người Hoa Kỳ đã giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài, nhưng hôm nay đây, sáu tháng sau khi kết thúc chiến tranh rồi, dân chúng than khóc về tình trạng thiếu sự tái thiết về xã hội, dân sự và kinh tế. Họ bắt đầu nghĩ rằng mục đích chính của người Hoa Kỳ là nhắm đến việc chiếm đoạt dầu hỏa của Iraq. Dân chúng đã kiệt quệ bởi 3 cuộc chiến tranh trong 20 năm và 12 năm bị cấm vận”.

Để trả lời cho nhận định của một số người nói rằng chính phủ Hoa Kỳ phải trao quyền cho chính phủ lâm thời, cha Toma cho biết:

“Hội đồng này không thể làm được nhiều việc vì ở dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Các phần tử của hội đồng này phải vâng lời những người Hoa Kỳ và họ là những tay thương gia Iraq sống ở hải ngoại. Đối với dân chúng thì những phần tử này là ‘những người ngoại quốc’. Trong tình thế ấy thì hội đồng này khó lòng mà nắm được toàn quyền hành để thành đạt trong việc cai trị xứ sở này”.
Tuy nhiên, vị linh mục bề trên nhận định là Giáo Hội Công Giáo Chaldean đang cống hiến cho cuộc khủng hoảng Iraq những tia hy vọng:

“Trong suốt những năm chiến tranh, bạo loạn, đói khổ này, chúng tôi vẫn ở bên nhân dân và chúng tôi vẫn cứ thế cho đến ngày hôm nay. Giáo Hội Công Giáo Chaldean là sự nâng đỡ và ủi an cho tất cả mọi người, kể cả cho thành phần không phải Kitô hữu. Ngày nay các vị đan sĩ Chaldean thực sự là nguồn an ủi cho dân chúng; không có họ nhiều người đã di tản mất rồi. Những vị đan sĩ này đã viếng thăm các gia đình, cầu nguyện với giới trẻ, dạy dỗ trẻ em, cống hiến những chứng từ đức tin cao cả. Hết mọi gia đình Kitô hữu Chaldean cầu nguyện hằng ngày dể xin Thiên Chúa ban cho xứ sở của chúng tôi một tương lai an bình”.



Khủng Bố Tấn Công Hội Đường Do Thái tại Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ là Abdullah Gul cho biết những cuộc bùng nổ xẩy ra vào Thứ Bảy 15/11/2003 vào giờ thờ phượng của người Do Thái này gần hai Hội Đường Do Thái ở Istanbul, đã gây thiệt mạng cho 20 người (trẻ nhất là 1 em gái 8 tuổi và già nhất là bà của em ỏ vào tuổi 85) và làm bị thương 257 người (hầu hết là những người qua đường ở bên ngoài hội đường, vì hội đường được kiểm soát rất nghiêm ngặt), một cuộc khủng bố tấn công được cho là bởi những tay khủng bố ngoại quốc.

Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tường trình về cuộc khủng bố tấn công này cho là bởi một nhóm Hồi giáo Thổ cực đoan, đó là the Islamic Great Eastern Raiders Front. Cảnh sát vẫn điều tra xem sự vụ xẩy ra là do ôm bom tự tử tấn công (suicide attackers), do bộ phận viễn khiến ( remote controlled devices) hay do bom gài giơ (time bombs).

Sau khi xẩy ra vụ nổ bất ngờ, dân chúng bên trong hội đường tuôn ra lối sau. Con trai của vị tôn sư trưởng người Thổ là Yosef Halefa bị thương. Hội Đường Neve Shalom sở dĩ được an ninh kỹ lưỡng, với những máy quay chụp ở bên trong và chung quanh nơi thờ phượng, vì nó đã trở thành mục tiêu tấn công chết người vào năm 1986 do một nhóm hiếu chiến Palestine nhào vô bắn quạt bằng súng máy sát hại 22 mạng người. Chẳng những hội đường này mà các hội đường Do Thái khác ở khắp Âu Châu cũng thế, vì tình trạng khủng bố xẩy ra, đã được kiểm soát chặt chẽ hơn từ mấy năm nay. Một hội đường ở Tunisia bị tàn phá năm 2002 vừa rồi, sát hại 20 mạng người. Ở cảng Kenyan Mombassa, cũng vào năm 2002, có 15 người bị chết vì cuộc tấn công bằng xe chở vũ khí ở một khách sạn đa số du lịch Do Thái, và hai phi đạn bắn hụt chiếc máy bay Do Thái đang hạ cánh ở thành phố này. Vào năm 1994, một cuộc tấn công vào một trung tâm Do Thái ở Á Căn Đình sát hại 85 người.

Cuộc nổ thứ hai ở gần Hội Đường Beth Israel cũng dữ dội như cuộc nổ trước, nhưng ở phía sau hội đường, gây thiệt hại cho nhà cửa vá bốc cháy. Tất cả hai cuộc khủng bố cùng ngày này đã làm thiệt mạng 6 người Do Thái, trong số 25 ngàn người ở một xứ sở 68 triệu dân Thổ đa số Hồi giáo. Vấn đề ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay không hề có chuyện bài Do Thái. Hai nước Do Thái và Thổ Nhĩ Ký không hề có xích mích gì với nhau, trái lại, từ năm 1948, Thổ là nước Hồi giáo đầu tiên nhìn nhận quốc gia Do Thái. Ngoài ra, cũng vào ngày thứ bảy 15/11/2003 này, tại Balê Pháp quốc, một trường học Do Thái đã bị cháy thảm thê, và chính quyền phỏng đoán gây ra bởi đám bài Do Thái.

Các nhóm Do Thái khắp thế giới đã được báo động về tình trạng bài Do Thái nổi lên trên khắp thế giới, mà một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đó là lời tuyên bố của ngoại trưởng Mã Lai Mahathir Mohamed cho rằng Do Thái đang cai trị thế giới này “bằng ủy nhiệm quyền”.

Cũng vào ngày Thứ Bảy 15/11 này, tại Islamabad Pakistan, chính phủ của nước này đã cấm các nhóm chiến đấu quân Hồi giáo và phong tỏa hơn 300 phòng ốc vốn được các tổ chức này sử dụng. Lệnh cấm xẩy ra sau cuộc họp giữa các viên chức an ninh và các vị lãnh đạo tối cao của nước này, trong đó có cả tổng thống Pervez Musharraf và thủ tướng Zafarullah Khan Jamali. Các nhóm bị cấm là Islami Tehreek Pakistan, Milat-e-Islami Pakistan và Khudamul Islam. Một nhóm khác là Jamatul Dawa được liệt kê vào sổ đen. Thủ lãnh của nhóm thứ nhất là Allama Sajid Naqvi đã bị tống giam vào sáng Chúa Nhật ở Rawalpindi chừng 15 dặm cách Islamabad. Tổ chức của tay lãnh đạo vừa bị bắt này là phần tử của Mutihida Majlis Amal, một liên minh tôn giáo lớn nhất chống lại chính quyền Pakistan.

 

Vai trò của dân Do Thái vào lần Chúa Kitô đến thứ nhất và thứ hai

Ông Roy Schoeman, người đã sinh trưởng trong một gia đình Truyền Thống Do Thái và đã học hỏi rất nhiều với các bậc tôn sư Do Thái, đã nhận thấy rằng tầm vóc hoàn toàn của Do Thái giáo được tỏ hiện nơi tín lý Công Giáo sau khi ông trở lại. Từ đó, nhân vật trước kia dạy khoa Thương Mại ở Đại Học Harvard này đã học hỏi ở một số chủng viện và mới viết cuốn “Ơn Cứu Độ phát xuất từ người Do Thái”. Tác giả này đã chia sẻ với Zenit về lý do tại sao Do Thái giáo và Kitô giáo chỉ có thể hoàn toàn hiểu được trong mối tương quan với nhau, và vai trò của người Do Thái không cần phải kết thúc vào lần đến thứ nhất của Người.

Vấn     Cái gì đã thúc đẩy ông viết tác phẩm này?

Đáp     Đối với tôi thì rất rõ ràng, vì tôi là một người Do Thái đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo, mà Giáo Hội này chẳng là gì khác hơn là một thứ Do Thái Giáo “Hậu Thiên Sai”, tức là một thứ tiếp tục của Do Thái Giáo sau cuộc xuất hiện của Đấng Thiên Sai Do Thái, một thứ tiếp tục giờ đây mở ra cho tất cả mọi dân tộc.

Trước khi trở lại tôi hãnh diện là một người Do Thái, với cảm nhận về tầm quan trọng và đặc ân được làm người Do Thái, được là một người trong thành phần “dân được tuyển chọn”, được chọn để nhận lãnh mạc khải đích thực của Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng như để sửa soạn thế giới cho việc xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Thế nhưng, chính cái cảm quan được đặc ân và hãnh diện làm người Do Thái ấy được bùng lên cả trăm lần khi, là người Công Giáo, tôi nhận thấy tầm vóc hoàn toàn của Do Thái Giáo được tỏ hiện nơi tín lý Công Giáo.

Chẳng hạn tín lý Công Giáo dạy rằng người Do Thái, trong việc nguyện cầu và dọn đường cho Đấng Thiên Sai, thực sự đã làm cho việc nhập thể của Thiên Chúa làm người xẩy ra; rằng tạo vật cao cả Thiên Chúa chưa từng tạo nên hay sẽ tạo nên, một sự toàn hảo hoàn toàn về bản tính nhân loại, là một con người Do Thái, đó là Đức Trinh Nữ Maria; rằng ngay cả chính Thiên Chúa, khi làm người, đã trở thành một người Do Thái và là một tín đồ trung thành của đạo Do Thái.

Chúng ta cũng biết rằng tất cả những gì được Thiên Chúa mạc khải thành văn giành cho dân Do Thái trong Cựu Ước đã được xác nhận và thừa nhận hoàn toàn bởi Kitô giáo khắp thế giới, và ơn cứu độ của toàn thể nhân loại xẩy ra nhờ người Do Thái – chính Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 4 câu 22 là “Ơn cứu độ từ người Do Thái mà ra”, bởi đó mới có tên của cuốn sách này- và người Do Thái thực sự đã thành đạt trong công việc được Chúa trao phó là làm cho ơn cứu độ ấy xẩy ra.

Thánh Kinh Kitô giáo cũng cho thấy rằng, chẳng hạn ở đoạn 11 Thư gửi giáo đoàn Rôma, tầm quan trọng độc nhất vô nhị của người Do Thái nơi công cuộc cứu độ sẽ kéo dài bao lâu thế giới còn hiện hữu, cho tới khi Người tới lần thứ hai.

Tuy nhiên, tôi không thấy những đề tài này được tích cực bàn đến và đào sâu trong Giáo Hội ngày nay, mặc dù có những giai đoạn, như vào cuối thế kỷ 19 những đề tài ấy được đề cập tới. Tôi cảm thấy rằng người Do Thái bị bị hụt hẫng cơ hội để thấy tất cả vinh hiển, cao quí và tầm quan trọng của căn tính và tôn giáo họ, và người Công Giáo đã được cống hiến cho một quan niệm hết sức hạn hẹp về những gì Do Thái giáo thực sự là.

Vấn     Tác phẩm của ông được nhắm đến chính yếu là Kitô hữu hay Do Thái giáo hoặc là cả hai?

Đáp     Tác phẩm của tôi viết cho cả hai thứ độc giả Công giáo và Do Thái, mặc dù tôi biết rằng đa số các độc giả có thể sẽ là người Công giáo.

Đối với người Do Thái, tác phẩm này tỏ cho họ thấy tầm vóc hết sức uy nghi và quan trọng được làm một người Do Thái, quan điểm về người Do Thái cũng như về Do Thái giáo được nói đến trong tín lý Công giáo một cách thân tình, và là người Công giáo không có nghĩa không còn là Do Thái nữa.

Đối với người Công giáo, tác phẩm này chẳng những dạy về Do Thái giáo, về Thánh Kinh Do Thái và về nguồn gốc của đức tin Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo, thế nhưng cũng có cả một phần lớn nói về cấu trúc của chính lịch sử cứu độ và cách thức Chúa hoạt động qua lịch sử và các dân tộc để tác hiệu các dự án của Người.

Vấn     Vai trò của Do Thái giáo trong lịch sử cứu độ là gì? Trong cả định mệnh của thế giới nữa ra sao?

Đáp     Nếu nhìn lại thì chúng ta rất dễ thấy được vai trò của Do Thái giáo. Tối thiểu thì người Do Thái đã được tuyển chọn để lãnh nhận mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước; để mong đợi, nguyện cầu và sửa soạn cho thế giới trước cuộc xuất hiện của Đấng Thiên Sai; để đón tiếp Người khi Người đến; để trở thành thế hệ đầu tiên làm môn đệ và tông đồ của Người; và để loan truyền Phúc Âm khắp thế giới.

Mặc dù có những hiểu lầm là người Do Thái đã không thực hiện sứ vụ của họ, thật ra họ đã đi tới chỗ thành đạt – chính Kitô giáo là một chứng cớ cho thấy sự thành đạt này. Đúng là chỉ có một thiểu số người Do Thái theo Chúa Giêsu thôi, nhưng Thiên Chúa đã chẳng hoạt động đại quát với loài người qua “những thành phần còn lại tín trung” này mà thôi hay sao? Dường như từ thời này đến thời kia Thiên Chúa vẫn cậy dựa vào lòng trung thành của một số ít chứ không phải số nhiều.

Nếu nhìn về phía trước từ thực tại của lịch sử cứu độ, người ta tự nhiên cảm thấy mình đi vào một lãnh vực có tính cách suy diễn nhiều hơn. Vào thời Các Giáo Phụ, nhiều vị đã có lý để kết luận là vai trò của dân Do Thái đã được nên trọn và kết thúc nơi lần đến thứ nhất của Chúa Kitô, ngoại trừ họ còn có thể đóng vai trò phụ thuộc trong việc trở thành những chứng nhân vô tình về chân lý của các Phúc Âm.

Thế nhưng chúng ta có cả 2000 năm lịch sử như một bằng cớ hơn nữa, đó là sự sống sót của người Do Thái trước tất cả mọi thứ trắc trở cũng như trước hầu hết cuộc bắt bớ liên tục; vai trò nổi bật khôn sánh của họ trong sinh hoạt thế giới; đặc tính lạ lùng của chính nạn chống Do Thái Ả Rập chủng; việc tái thiết lập quê hương Do Thái trước tất cả mọi trắc trở; và thảm cảnh lạ lùng của biến cố Tế Thần.

Nhìn vào tất cả những sự kiện lịch sử ấy, và liên kết chúng với những gợi ý thật sự bí hiểm dường như nhiệm huyền trong Sách Thánh, người ta có thể vẽ lên được một bức tranh cho thấy người Do Thái, với tư cách là một dân tộc, đóng một vai trò dẫn đến cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô nữa. Tôi đã cố gắng để làm sáng tỏ bức tranh này một cách luôn luôn thận trọng và hợp với tín lý của Giáo Hội.

Vấn     Người Do Thái dính dáng đến cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô như thế nào?

Đáp   Trong tác phẩm của mình, tôi đã hết sức cẩn thận để tránh việc suy diễn một cách cẩu thả, thế nhưng vẫn có cái gì đó nguy hiểm khi tỏ ra muốn làm điều này, khi cố gắng đưa ra một câu trả lời cho quí vị ở đây.

Xin cho tôi nói ngay rằng chúng ta biết Thánh Phaolô nói rằng sẽ có những người Do Thái vào lúc Chúa Kitô tái giáng và bấy giờ sẽ có một cuộc trở lại rộng lớn của người Do Thái là những gì liên hệ một cách nào đó tới việc Chúa Kitô Tái Giáng. Theo các Phúc Âm, chúng ta biết rằng người Do Thái đóng một vai trò quan trọng dẫn tới việc Chúa Kitô đến lần thứ nhất, kể cả vai trò liên quan đến khổ đau và hy sinh, điển hình là “cuộc sát hại những kẻ vô tội” được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 câu 16-18.

Chúng ta biết rằng Cuộc Tế Thần đã xẩy ra và là cuộc tế thần độc nhất vô nhị trong lịch sử, nếu không theo nghĩa của con số tử vong hay về khía cạnh đau khổ thì cũng theo khía cạnh cho thấy một thứ hận thù thuần túy về chủng tộc và tôn giáo phạm đến một dân tộc duy nhất và là một dân tộc duy nhất liên quan với huyết thống Chúa Kitô như thế.

Chúng ta cũng biết rằng có một số lời tiên tri trong Cựu Ước mà nhiều người hiểu rằng ám chỉ về năm cùng tháng tận hay về cuộc Tái Giáng của Chúa Kitô, cần đến sự hiện hữu của một quốc gia Do Thái quyền lực có thủ đô là Giêrusalem, một quốc gia mới đây đã tái hiện hữu sau thời gian vắng bóng gần 2 ngàn năm.

Vấn     Người Kitô hữu thường có những hiểu lầm thông thường nào đối với người Do Thái và ngược lại?

Đáp     Nhiều điều hiểu lầm như vậy xẩy ra ở lãnh vực thuộc bản tính sa ngã mà thôi. Tuy nhiên, những hiểu lầm đặc biệt làm tôi chú ý là những hiểu lầm về thần học.

Những hiểu lầm này bao gồm cả những niềm tin tưởng lẫn lộn về phía Kitô hữu đó là người Do Thái không thực hiện được việc làm của họ khi Chúa Kitô, và ý nghĩa về căn tính của người Do Thái đã được chấm dứt nơi Chúa Kitô.

Về phía người Do Thái, họ thường tin tưởng một cách lầm lẫn là Kitô Giáo dạy khinh dễ người Do Thái, bất chấp sự kiện chính Thiên Chúa “của họ” là Thiên Chúa duy nhất, và dạy rằng khi người Do Thái nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai Do Thái thì họ không còn là người Do Thái nữa.

Vấn     Làm sao có thể sửa chữa lại mối liên hệ này và làm sáng tỏ những hiểu lầm giữa người Do Thái và Kitô hữu? Công Đồng Chung Vaticanô II và giáo triều Đức Gioan Phaolô II đã giúp gì vào tiến trình này?

Đáp     Về đường dài thì việc sửa chữa này cần phải dựa vào việc tôn trọng nhau và vào sự thật, chứ không che giấu những cái khác biệt cũng không bất trung với niềm tin tưởng riêng của mình. Tôi hy vọng rằng cuốn sách của tôi, một cuốn sách trình bày cho cả người Do Thái lẫn Kitô hữu một quan điểm hầt sức tích cực về Do Thái giáo, nhưng lại là tác phẩm theo đường hướng tín lý Công Giáo, có khả năng để phần nào đó giúp vào việc này.

Dĩ nhiên Đức Thánh Cha của chúng ta đã hết sức giúp vào việc này bằng nhiều cử chỉ yêu thương và kính trọng Ngài đã tỏ ra cho cộng đồng Do Thái thấy, cũng như nơi nhiều bài nói Ngài bày tỏ lòng tôn trọng và tôn kính đạo giáo cùng nhân dân Do Thái, thậm chí gọi họ là “những người anh lớn” trong đức tin.

Mở màn cho kỷ nguyên hiện tại với giáo huấn hết sức tích cực của Giáo Hội liên quan tới người Do Thái và Do Thái giáo tất nhiên là Công Đồng Chung Vaticanô II và giáo huấn của công đồng này nơi sắc lệnh “Nostra Aetate” và hiến chế “Lumen Gentium”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 10/11/2003
 

16/11 Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B

Ngày vô tận: cửa không đóng - đêm không về

Phụng niên của Giáo Hội bao giờ cũng được kết thúc với tuần lễ Chúa Kitô Vua. Nếu Phụng Niên được mở màn với Mùa Vọng, thời điểm Giáo Hội trông đợi Chúa Kitô đến, không phải đến lần thứ nhất, vì Người thực sự đã đến rồi, thì Lễ Chúa Kitô Vua ở Chúa Nhật kết thúc Phụng Niên của Giáo Hội hằng năm là mục tiêu ngưỡng vọng của Giáo Hội, là tột đỉnh của Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã Nhập Thể, Vượt Qua, Thăng Thiên và chắc chắn sẽ Tái Giáng. Nếu Chúa Kitô không phục sinh, đức tin Kitô giáo là đồ bỏ, là mê tín dị đoan, là điên cuồng ngu xuẩn (x. 1Cor 15:13-15), thì nếu Chúa Kitô không tái giáng, việc Người phục sinh quả thực, đúng như tin đồn trong dân Do Thái, chỉ là một câu chuyện giả tạo do thành phần môn đệ của Người lấy xác của Người đi vậy thôi, cho ứng nghiệm những gì Người phán khi còn sống (x Mt 28:11-15). Tuy nhiên, biến cố Phục Sinh lịch sử của Đấng Tử Giá còn có thể chứng minh bằng chứng từ là ngôi mồ trống cộng với các lời tiên tri (nhất là của chính Đấng Phục Sinh), còn biến cố Người tái giáng sẽ xẩy ra của Người, cũng trong lịch sử của loài người, lại hoàn toàn không có gì chứng thực cả, chỉ hoàn toàn phát xuất từ lòng tin tưởng được căn cứ vào mạc khải thần linh là những gì được ghi lại trong Phúc Âm vậy thôi, như được thấy trong bài Phúc Âm của Thánh Ký Marcô cho Chúa Nhật 33 tuần này, Chúa Nhật ngay trước Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua kết phụng niên tuần tới.

Thật vậy, bài Phúc Âm cho Chúa Nhật 33, dù ở chu kỳ phụng vụ nào, bình thường cũng đều là bài Phúc Âm nói tới ngày tận thế hay tả cảnh tận thế, tức những gì xẩy ra trước khi Con Người đến trong vinh quang, trừ chu kỳ năm A, vì chu kỳ này có bài Phúc Âm thuật lại cảnh phán xét chung ở Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua rồi. Tuy nhiên, nếu liên kết ba bài Phúc Âm của cả ba chu kỳ A, B, C cho Chúa Nhật 33 lại với nhau, chúng ta thấy ý nghĩa về ngày thế mạt xẩy ra hay diễn tiến rất ăn khớp với nhau như sau: Chúa Kitô sẽ trở lại sau một thời gian vắng bóng là để tính sổ với bày tôi của mình (Phúc Âm năm A), và khi Người trở lại sẽ có những biến động trên không trung, những gì xẩy ra ngay trước khi Người xuất hiện (Phúc Âm năm B), cùng với những biến loạn xẩy ra nơi xã hội loài người, nhất là cảnh thành phần môn đệ của Người bị thử thách về đức tin (Phúc Âm năm C), thành phần phải thanh toán trách nhiệm với Người và trình nộp lợi nhuận cho Người khi Người đến (Phúc Âm năm A).

Riêng về bài Phúc Âm của Thánh Ký Marcô cho Chúa Nhật 33 tuần này chúng ta thấy có bốn điểm chính theo thứ tự sau đây: Thứ nhất, hiện tượng biến động trên không trung xẩy ra ngay trước khi Con Người đến; thứ hai, sự kiện Con Người tái xuất hiện là để triệu tập thành phần được tuyển chọn; thứ ba, biến cố thế mạt được Người khẳng định là chắc chắn sẽ xẩy ra; thứ bốn, biến cố này xẩy ra khi nào cũng được Người xác nhận là chỉ có một mình Cha biết mà thôi.

Bài suy niệm này vừa viết xong thì tin tức thiên văn cho biết Hiện Tượng Nguyệt Thực, Sao Băng và Nhật Thực trong Tháng 11/2003 như sau. Mỹ Châu, Âu Châu và Phi Châu sẽ được thấy vầng trăng rằm trở thành một bầu tối hồng vào cuối tuần này Thứ Bảy ngày 8/11/2003, khi mặt trăng lướt qua vùng tối của trái đất trong biến chuyển mới nhất của bầu trời năm nay. Hiện tượng nguyệt thực này sẽ kéo dài trong vòng 24 phút và lên tới hết cỡ của nó vào lúc 8 giờ 6 phút EST, lúc mặt trăng, trái đất và mặt trời chập vào nhau và mặt trăng băng ngang qua vùng tối nhất của Trái Đất. Hiện tượng nguyệt thực không gây tác hại cho mắt trần của người coi, không giống như hiện tượng nhật thực. Hiện tượng nguyệt thực diễn ra với nhiều mầu sắc, từ nâu đậm và đỏ đến mầu cam sáng, vàng và nâu, tùy theo nhiều ít mây và bụi trong không khí của trái đất lúc ấy. Vào cổ thời hiện tượng nguyệt thực này được cho rằng bị gây ra bởi con quái vật nào đó làm cho mặt trăng đẫm máu, dấu hiệu tai họa xẩy ra. Nếu mây mù che khuất biến cố Thứ Bảy này, người ta sẽ không phải đợi chờ lâu để thấy được một trận mưa sao băng Leonid xẩy ra hằng năm. Ở Tây Á, Nam Dương và Úc Đại Lợi sẽ thấy trận mưa sao băng này vào sáng sớm ngày 14/11/2003. Còn ở vùng Tây Phi, Tây Âu, Bắc Mỹ và những phần đất phía tây của Nam Mỹ sẽ được thấy trận mưa sao băng này vào ngày 19/11/2003. Cảnh mưa sao băng này xẩy ra rất ngoạn mục với cả hằng trăm ngôi sao chuyển chỗ trên bầu trời trong một tiếng đồng hồ. Ngày 23/11 cũng sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực mà chỉ thấy được ở Nam Cực Cầu thôi.

Ở đây chúng ta không bàn đến vấn đề thiên văn mà là suy nghĩ và các vấn đề liên quan đến 4 câu của Lời Chúa phán trong bài Phúc Âm như sau: “Bấy giờ (tức sau biến động trên không trung), người ta sẽ thấy Con Người đầy quyền uy và vinh hiển đến trên mây trời”; “Người sẽ sai các sứ giả của Người đi triệu tập thành phần Người tuyển chọn từ bốn phương trời, từ những nơi xa xôi nhất trên mặt đất và bầu trời”; “Thày nói thật với các con biết thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi những điều ấy xẩy ra. Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thày nói sẽ không qua đi”; và “về ngày giờ đích xác thì không ai biết được, kể cả các thần trời lẫn Người Con ngoại trừ một mình Cha mà thôi”. Nói chung, nếu hai lời đầu liên quan đến chính ngày tận thế thì hai lời sau liên quan đến đức tin đối với ngày tận thế này. Vậy chúng ta cần phải hiểu thế nào về 4 lời chân thật “sẽ không qua đi” này của Chúa Giêsu về ngày thế mạt.

“Bấy giờ, người ta sẽ thấy Con Người đầy quyền uy và vinh hiển đến trên mây trời”:

Qua câu lời Chúa này chúng ta biết được, trước hết, ngày tận thế xẩy ra rồi Con Người mới đến, chứ không phải khi Người xuất hiện thì bấy giờ là ngày tận thế. Ngày tận thế là ngày không trung xẩy ra biến động, ở chỗ “mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các tinh tú sẽ rơi rụng, và các cơ ngũ trên trời bị rung chuyển”. Và những biến động trên không trung đây, những biến động cuối cùng trong ngày tận thế và vào chính ngày tận thế đây, chỉ xẩy ra sau những biến loạn trên trái đất mà thôi: “Sau các cuộc thử thách đủ mọi thứ xẩy ra vào giai đoạn đó”, như được Thánh Ký Marcô thuật lại ở phần Phúc Âm, cùng đoạn 13, từ câu 5 đến câu 23 ngay trước bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, giai đoạn biến loạn trên trái đất, với hiện tượng tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, động đất đói khát và bách hại sát đạo. Cũng qua câu lời Chúa trên, chúng ta còn hiểu được rằng, sau ngày tận thế, thân xác con người ta sẽ được phục sinh, và bấy giờ, với con mắt của thân xác phục sinh, con người, dù lành hay dữ, mới có thể thấy được chính Đấng Phục Sinh đầy uy quyền và vinh hiển đến trên mây trời.

Vấn đề được đặt ra ở đây là cái gì đã khiến cho không trung bị biến loạn để thế gian phải đi đến ngày cùng tháng tận của mình vô cùng kinh hoàng như thế? Chính không trung chi phối trái đất, (trái đất xoay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất), chẳng lẽ lại bị tình trạng biến loạn trên trái đất xẩy ra trước đó chi phối đến bị biến động gây ra thế mạt hay sao? Thật ra, nếu tất cả mọi sự trên thế gian này được Thiên Chúa dựng nên vì loài người và cho loài người thì mọi sự quả thực lệ thuộc vào loài người, đến nỗi, như Thánh Phaolô nhận thức và diễn tả: “Tất cả mọi tạo vật ngong ngóng trông đợi cuộc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa. Tạo vật bị làm tôi cho hư hoại, không phải tự chúng, mà là bởi Đấng bắt chúng phải chịu như thế, song không phải là không có hy vọng, vì chính thế gian sẽ được giải thoát khỏi cảnh làm tôi cho hư hoại hầu được thông phần vào quyền tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:19-21). Vậy có thể suy ra rằng, một khi lòng người hay xã hội loài người hoàn toàn băng hoại hay băng hoại hết cỡ, đến nỗi, đối với văn minh vô thần duy vật của họ, mặt trời công chính là Chúa Kitô đã trở nên tối tăm, mặt trăng Giáo Hội không còn chiếu sáng được ảnh hưởng của mình nữa, các người lành thánh như những vì tinh tú cũng sẽ rơi rụng vào thời kỳ chưa từng có từ tạo thiên lập địa ấy, một thời kỳ nếu không được rút vắn lại thì kẻ lành cũng sẽ bị hư đi (x Mk 13:19-20), và các cơ ngũ trên trời là tất cả mọi thứ lề luật tự nhiên cùng với các nguyên lý luân lý phổ quát bị rung chuyển, thì cũng là ngày cùng tháng tận của thế gian này, hay nói theo đức tin Kitô giáo, cũng là ngày thế gian cần phải được hay đến lúc được canh tân biến đổi, để trở thành một trời đất mới, nơi công lý của Thiên Chúa ngự trị (x 2Pt 3:13).

“Người sẽ sai các sứ giả của Người đi triệu tập thành phần Người tuyển chọn từ bốn phương trời, từ những nơi xa xôi nhất trên mặt đất và bầu trời”:

Câu lời Chúa này cho chúng ta thấy lời Thánh Tông Đồ Phaolô khẳng định quả là chí lý: “Người sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi nữa mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người” (Heb 9:28). “Những ai thiết tha trông đợi Người” đây không phải chỉ là những ai sống vào ngày cùng tháng tận, những ai bền đỗ đến cùng trong những ngày khủng khiếp vô tiền khoáng hậu ấy (x Mk 13:13), bởi vì, như trên đã nhận định, tận thế rồi Chúa Kitô mới xuất hiện, tức mọi người chết hết rồi và sống lại rồi bấy giờ Người mới tới, chứ không phải chỉ tới với những kẻ chưa chết nói chung, nhất là những kẻ thiết tha trông đợi Người nói riêng. Dụ ngôn 10 cô phù dâu đều thiếp ngủ như nhau, nhưng Chúa Kitô chỉ mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người là những cô phù dâu khôn ngoan mang dầu hy vọng theo với cây đèn đức tin để có thể thắp sáng đức mến để ra nghênh đón Đấng bất chợt đến vào lúc nửa đêm mà thôi (x Mt 25:1-13).

Đúng thế, Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai là để cứu những ai thiết tha trông đợi Người, thành phần được Người cứu độ qua phép rửa, từ lúc Người thăng thiên (đi xa) cho tới khi Người lại đến (trở về), như ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật 33 chu kỳ năm A cho thấy. Tuy nhiên, vì ơn cứu độ của Người là một ơn cứu độ phổ quát, ơn cứu độ được Thiên Chúa Hóa Công hứa cho tất cả loài người ngay sau nguyên tội (x Gen 3:15), mà tất cả những ai, dù sinh ra trước khi Lời hóa thành nhục thể, hay sau khi Chúa Kitô Vượt Qua song chưa được tái sinh bởi Giáo Hội Người qua Phép Rửa cứu rỗi (x Mk 16:16), một khi biết thiết tha trông đợi Người, được tỏ ra qua việc họ sống chân chính hợp với lương tâm ngay lành và lề luật luân lý phổ quát, cũng sẽ được Người giải cứu (x Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 16). “Thành phần Người tuyển chọn từ bốn phương trời, từ những nơi xa xôi nhất trên mặt đất và bầu trời” đây có thể được hiểu hay cần phải được hiểu theo nghĩa này.

“Thày nói thật với các con biết thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi những điều ấy xẩy ra. Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thày nói sẽ không qua đi”:

Như trên vừa nhận định, chính vì Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai là để mang ơn cứu độ cho thành phần thiết tha trông đợi Người, từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế, mà ba chữ “thế hệ này” ở đây không chỉ áp dụng cho những người đương thời với Chúa Kitô, với các tông đồ, thành phần dân Do Thái bấy giờ, mà là cho chung nhân loại. Qua lời Chúa Giêsu khẳng định trên đây, chúng ta thấy rằng tận thế là một sự thật chứ không phải chỉ là một lời đe dọa, một cái gì không thể nào xẩy ra hay không bao giờ xẩy ra. Triết lý và khoa học cũng không thể chối cãi được sự thật cùng tận này. Theo triết lý và luận lý, ai dám cho rằng tất cả mọi sự hữu hình và vật chất này sẽ kéo dài đến vô hạn, bằng không chính vật chất hữu hạn này là Thiên Chúa, là Hóa Công, vô thủy vô chung, vô cùng bất tận. Theo khoa học, ai có thể chứng minh được rằng mọi sự tự dưng mà có, hay chỉ có thể biết được, qua các giả thuyết, rằng thiên nhiên vạn vật ngay từ đầu từ từ được biến đổi mà thành hình; thế nhưng, không ai dám cả quyết một cách chắc chắn 100% như chân lý rằng trời đất này sẽ không bao giờ hoàn toàn qua đi, sẽ luân hồi không bao giờ cùng, tức sẽ muôn đời tồn tại thiên thu vạn đại, tức không có vĩnh hằng, không có đời sau, không có thiên đàng hỏa ngục…

Thực tế cho thấy, con người luôn khao khát và tìm kiếm chân thiện, tìm kiếm những gì vĩnh hằng bất biến. Kẻ gian dối nhất, đánh lừa cả thiên hạ, cũng vẫn không muốn bị đánh lừa, cũng vẫn muốn biết sự thật. Kẻ chán đời đến tự tử đi nữa, cũng vẫn, qua chính quyết định tử tử và việc tử tự của họ, cho thấy họ hết sức khao khát được sống hạnh phúc, một hạnh phúc bất diệt, hạnh phúc thực sự, một thứ hạnh phúc họ không tìm được ở đời này. Vậy nếu con người chân nhận là có sự thật, và sự thật tối hậu là một thực tại bất biến, một thực tại toàn thiện, sự thật làm thỏa mãn tất cả mọi khát vọng của loài “nhân linh ư vạn vật”, một sự thật sẽ làm sáng tỏ tất cả mọi tranh chấp và phải trái của loài người, thì quả thực là thế gian này, vũ trụ này, lịch sử này sẽ có ngày cùng tháng tận, thời gian có thủy có chung tự nó không phải là vĩnh hằng và sẽ đi đến ngày cùng tháng tận. Chỉ có sự thật hay những gì là sự thật mới là thực tại duy nhất vĩnh hằng. Nếu tất cả những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy về luân lý đều không bao giờ lỗi thời, đến nỗi những gì con người không làm theo như lời Người dạy sẽ không bao giờ được bằng an và phúc thật, thì những gì Người nói về ngày tận thế cũng là sự thật, chắc chắn sẽ xẩy ra. “Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thày nói sẽ không qua đi”, vì lời Thày là sự thật, là thực tại, một sự thật bao gồm tất cả mọi sự, cho thấy tất cả mọi sự; và mọi sự được tỏ hiện theo lời của Người và như lời của Người, cho thấy rằng lời Người quả là sự thật, vì mọi sự từ từ được hiện thực trong thời gian, được lịch sử ghi nhận. Nếu thời gian là tiến trình sáng tỏ sự thật thì lịch sử chính là chứng nhân cho sự thật. Vì thời gian là tiến trình tỏ hiện sự thật mà một khi sự thật hoàn toàn được sáng tỏ thì cũng là lúc năm cùng tháng tận. Vì lịch sử là chứng nhân ghi nhận sự thật mà tận cùng thời gian phải là một cảnh chung thẩm cho thấy tất cả sự thật.

“Về ngày giờ đích xác thì không ai biết được, kể cả các thần trời lẫn Người Con ngoại trừ một mình Cha mà thôi”:

Nếu thực sự có ngày tận thế thì những gì Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết, như được các Phúc Âm Nhất Lãm ghi lại, không phải phát xuất từ sự suy đoán của Người, như chúng ta vừa suy diễn trên đây về vấn đề có ngày tận thế hay chăng. Bởi vì, Chúa Giêsu chẳng những đã mạc khải cho chúng ta biết có ngày tận thế, một sự thật hợp với lập luận của triết lý cũng như khoa học, mà còn cho chúng ta biết ngày tận thế ấy sẽ xẩy ra hay sẽ diễn tiến trước sau ra sao nữa. Như thế, chẳng lẽ chính Người, như Người đã khẳng định ở cuối bài Phúc Âm Chúa Nhật 33 Thường Niên tuần này, cũng không biết rõ được ngày giờ dứt khoát và nhất định xẩy ra sự thật về ngày cùng tháng tận này hay sao? Nếu Cha đã ban cho Con tất cả mọi sự, kể cả sự sống là những gì cao quí nhất (x Jn 3:35, 5:26), thì chẳng lẽ chi tiết về ngày cùng tháng tận của thế gian này lại quan trọng đến nỗi giấu cả Con của mình hay sao, Đấng phải biết trước ngày giờ Người sẽ vinh hiển đến trên mây trời, chứ không phải tới ngày giờ mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người rồi mà Người vẫn không biết, vẫn phải đợi cho đến khi Cha Người công khai ra lệnh thì Người mới biết! Nếu Chúa Giêsu quả thực biết đích xác ngày giờ như Cha Người biết thì chẳng lẽ lời Người khẳng định ở cuối bài Phúc Âm về việc chính Người cũng không biết là giả dối, đánh lừa thiên hạ sao, hay ít là Người cố ý nói thế để tránh né những câu hỏi cặn kẽ đầy tò mò của các tông đồ bấy giờ? Phải chăng Người biết hết mọi sự về ngày giờ thế mạt như Cha, song không phải để tỏ lộ cho bất cứ con người nào biết, nên những gì Người biết cũng kể như không biết? Tương tự trường hợp tôi giữ một đồ vật của người khác, và khi có ai thấy món đồ ấy thì xin tôi, tôi nói với họ rằng tôi không có vậy.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây, quan trọng không phải là biết được ngày cùng tháng tận, mà là biết sẵn sàng đón chờ ngày đó, thì ngày đó đến bất cứ lúc nào cũng được. Ngày đó ở ngay trong lòng của con người khao khát Chúa, luôn sống trước nhan Chúa, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Ngày đó là chính sự thật họ đang sống. Những ai sống trong sự thật là sống một Ngày vô tận, cửa không đóng, đêm không về (x Rev 21:25).


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

TẬN THẾ!

Thỉnh thoảng lại có một thời các tiệm ảnh tượng không còn thánh giá và nến để bán. Người ta nô nức đổ xô đi tìm mua thánh giá và nến. Thánh giá nhỏ, thánh giá lớn và nến tất cả đều được bán hết sạch. Đó là những lúc có tin đồn sẽ tối ba ngày ba đêm, và trong thời gian đó ma quỉ trong hỏa ngục sẽ có dịp xổ lồng chạy tứ tung trên mặt đất. Nhà nào, phòng nào không treo thánh giá và đốt nến đã làm phép sẽ bị quỉ xâm nhập, và người trong phòng đó, nhà đó sẽ bị hãm hại. Tội nghiệp cho các linh mục, trong những trường hợp ấy phải làm phép ảnh tượng và nến mỏi tay.

Những tin đồn như thế cứ lâu lâu lại bùng lên, và cũng có những lần còn kèm theo tin tức về ngày tận thế theo sau khi tối ba ngày ba đêm. Tin tức loại này rất ăn khách và được mấy ông mấy bà thầy bói, mấy ông mấy bà tướng số gia, tử vi gia, chiêm tinh gia khai thác triệt để. Lợi dụng tâm lý hốt hoảng của quần chúng, họ cứ thế thổi phồng bằng cách đoán già, đoán non. Đoán điềm trời, đoán điềm đất, đoán hiện tượng dưới đáy biển theo những dữ kiện hư cấu và trí tưởng tượng. Những lần như vậy không phải là các tiệm ảnh tượng hết thánh giá và nến để bán, mà ngay cả đến các siêu thị, các tiệm tạp hóa trong vùng cũng hết đồ bán. Gạo, nước, thức ăn khô, mì gói, và cả nước mắm, những gì có thể tích lũy được đều được khuân về chất đống trong nhà, trong kho, hoặc ngoài nhà xe để đề phòng tận thế. Điều lạ lùng là khi nói về ngày và giờ của ngày tận thế, nhiều người đã tin lời thầy bói, tử vi hay tướng số, ngược lại, lời Chúa - lời hằng sống - thì lại không tin: “Còn về ngày và giờ thì không ai biết. Các thiên thần trên trời và ngay cả Con Người cũng không biết, chỉ trừ Cha (Mc 13:32). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy, hơn nữa, Ngài còn cho con người một hướng dẫn rất thực tế và cần thiết để chuẩn bị cho biến cố này là “Hãy sẵn sàng! Hãy tỉnh thức” (Mc 13:33).

Tội nghiệp thay những kẻ yếu bóng vía và thiếu lòng tin! Đã tận thế thì lấy đất đâu mà sống, lấy chỗ nào mà di cư, di tản mà phải lo tích lũy. Tận thế, điều mà Kinh Thánh đã diễn tả tức là ngày cùng tháng tận của thế giới hữu hình này. Trong ngày đó, mọi thế lực tầng trời chuyển động và tinh tú trên trời rơi xuống. Đất động, biển gầm. Toàn thể nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến ngày đó phải ra trình diện để nhận phần thưởng hay lãnh án phạt một cách công khai trước tôn nhan uy linh của Thiên Chúa. Sau ngày đó sẽ không còn mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm: “Trong ngày ấy, sau những cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ không còn chiếu sáng ban đêm, các tinh tú trên trời rơi xuống, và các thế lự tầng trời chuyển động. Rồi người ta sẽ thấy Con Người đến trên mây trời với quyền năng và vinh quang cao cả” (Mc 13:24-26). Trước cảnh tượng và biến cố kinh hoàng ấy thử hỏi có mấy ai sống sót! Mấy chai nước mắm, mấy gói mì, mấy ký gạo và mấy chục cây nến làm phép sẽ kéo dài cuộc sống con người được bao lâu. Nếu may mắn sống sót thì ở với ai, vì lúc đó mọi người trên mặt đất này một là đã về thiên đàng, hai là đã xuống hỏa ngục hết.

Sẽ có người đặt câu hỏi tại sao Chúa không nói cho con người biết ngày, giờ tận thế hoặc ngày, giờ chết của mỗi người để nhân loại và cá nhân mỗi người có thời giờ chẩn bị. Đề nghị này có lẽ hợp với lý luận con người, và dễ chấp nhận hơn câu trả lời của Chúa Giêsu là “hãy tỉnh thức”. Nhưng thực tế có lẽ không đơn giản như con người đã nghĩ, và chắc chắn là Thiên Chúa đã biết đến điều này.

Thật vậy, điều Thiên Chúa giữ bí mật về ngày, giờ và cách chết của mỗi người, cũng như ngày, giờ của ngày tận thế không những mang tính chất mầu nhiệm, tối hậu mà còn phản ảnh tình thương và lòng nhân lành của Ngài nữa. Nó hoàn toàn khác với nhận thức của con người. Cứ thử đặt giả thiết rằng Chúa cho ai đó biết ngày, giờ, và cái chết của họ và bảo hãy giữ bí mật đừng nói với ai kể cả vợ chồng, con cái và bạn hữu về chuyện này, thì liệu sẽ có mấy ai kín miệng đủ để khỏi tiết lộ với người này hoặc người khác, cách này hay cách khác về bí mật ấy. Những người hiền lành, đạo đức sẽ đón nhận tin này như thế nào. Những kẻ độc ác, lưu manh, ăn chơi, đàng điếm, tham lam và ích kỷ sẽ đón nhận tin này như thế nào.

Phản ảnh tâm lý sống, và lối sống của con người chắc chắn sẽ rất khác biệt nếu con người biết về ngày, giờ và cái chết của mình. Đời sống xã hội cũng sẽ gặp nhiều biến động, rắc rối, và khủng hoảng khi con người biết trước rằng mình sẽ không còn thời gian để ăn chơi, để hưởng thụ, hoặc sẽ trút bỏ được những gánh nặng về thân phận, về kiếp sống từ năm này đến năm khác. Nhưng rồi sẽ có mấy ai vui vẻ, bình tĩnh, và thận trọng chuẩn bị cho ngày mình ra đi đó. Trong thực tế, chưa ai lại sẵn sàng, bình tĩnh và vui vẻ bước xuống một con tầu trong một chuyến hải hành mà mình biết chắc chắn rằng nó sẽ bị thủy lôi đánh chìm hoặc bão tố nhận chìm vào giờ đó, ngày đó ở tọa độ đó, và trong ngày ấy, giờ ấy thì mình sẽ bị chết chìm, và làm mồi cho cá biển.

Đến đây ta mới nhận ra việc Thiên Chúa giữ bí mật về ngày, giờ, và cái chết của mỗi người; về ngày, giờ tân thế là một nhiệm mầu của thượng trí, và của tình yêu thương. Không những thế, nó còn phản ảnh sự khôn ngoan, đức công bình, và sự công chính của Ngài nữa. Hôm nay, một lần nữa, lời Chúa vang vọng trong ta như một nhắc nhở ân cần rằng trước sau gì con người chúng ta cũng sẽ chết. Chết là cái chắc. Trước sau gì thế giới hữu hình này rồi cũng qua đi. Điều quan trọng trong biến cố này không phải là mình biết lúc nào, ở đâu và bằng cách nào, nhưng là tâm lý và thái độ chuẩn bị. Chính tâm lý chuẩn bị sẽ đem con người tới thái độ sẵn sàng, và lối sống sửa sai. Hãy hình dung ra mình đang chuẩn bị đón một thượng khách, hay một bạn thân lâu ngày sẽ đến thăm gia đình. Và hãy tưởng tượng mình đang chuẩn bị lên lĩnh bằng tốt nghiệp sau một thời gian dài miệt mài học hành vất vả. Hoặc như Chúa Giêsu đã nói, hãy nhìn vào hiện tượng của cây vả để đoán biết thời gian khi nó đơm bông và kết trái.

Tóm lại, tận thế của đời người là cái chết của mỗi cá nhân, và tận thế của nhân loại là ngày cùng tháng tận của thế giới hữu hình, hai ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Đối diện với hai biến cố ấy, một của cá nhân và một của toàn thể nhân loại, điều đáng sợ nhất là sự thiếu chuẩn bị. Tuy nhiên chuẩn bị tận thế, chuẩn bị cho ngày chết bằng mì gói, bằng sữa hộp, bằng nước mắm, bằng gạo sấy, hoặc bằng bảo hiểm nhân thọ là một điều hết sức ngớ ngẩn và không phải là cách chuẩn bị mà Chúa Giêsu đã nói. Ngài muốn chúng ta chuẩn bị bằng thái độ và bằng chính cuộc sống luôn luôn sẵn sàng của mình.

Trần Mỹ Duyệt

 

C Ứ U Đ Ộ Dưới cái nhìn tâm lý

Cứu độ phải chăng là sự giải thoát? Và hành động cứu độ là một hành động giải thoát. Con người tin và tìm kiếm giải thoát vì những ràng buộc, khốn khổ thể xác, ràng buộc và khốn khổ tâm lý và ràng buộc và khốn khổ tâm linh. Ta có thể nói tổng quát rằng, lịch sử cứu độ của các tôn giáo, chính là lịch sử của sự giải thoát.

“Đời là bể khổ”. “Đời là thung lũng lệ sầu”. “Đời là một cuộc hành trình đi về vĩnh hằng”. Dưới bất cứ góc cạnh nào trong ba quan niệm này, thì đời vẫn là một giằng co, một trói buộc, và một cái gì mà thân phận con người dù muốn hay không muốn vẫn không tự mình giải quyết được. Tôn giáo quan niệm về những trói buộc, giằng co này bằng ý niệm của tiền định, của số mệnh, hay của sự xếp đặt từ trên cao. Nguyễn Du đã diễn tả cách tài tình quan điểm này bằng hai câu: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Một tư tưởng vương vất tính chất triết học và tâm linh.

Thật vậy, trong thực tế, có người dù muốn mình khỏe mạnh hơn một chút, đỡ bị chứng nhức đầu, đau bụng làm khổ sở, nhưng rồi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, hết thuốc này đến thuốc khác, con người cũng đành bó tay. Về tâm lý, có những người suốt đời sống với những ảo tưởng, và ảo giác. Họ luôn luôn lúc nào cũng tưởng mình là tổng thống, đế vương, hoặc đang tiếp xúc với Giêsu, với Thích Ca, hay với thánh thần này, thánh thần khác. Cũng có những người tuy đã lớn, nhưng không bao giờ thoát ra khỏi những tư tưởng, nói năng, hoặc hành động một cách vô tư, thiếu thận trọng, và ấu trĩ. Đứng trước những con bệnh về tâm lý và tâm thần này, sự thành công của khoa học, của các bác sĩ tâm lý, các bác sĩ tâm thần cũng rất giới hạn. Đời sống tâm linh cũng thế, có những người ao ước sống trọn hảo hơn một chút nữa, sống thánh đức hơn một chút nữa, nhưng xác thịt nặng nề, đam mê lôi cuốn, và rồi vẫn bị sa ngã, vẫn thấy mình lúng túng trước giấc mơ trọn hảo và những thực tế yếu đuối, bất toàn.

Thế giới con người đang sống vẫn thường ngày diễn ra cảnh “lúa và cỏ” mọc chung trong một cách đồng. Cảnh cá lớn nuốt cá bé, người trên hành hạ, bóc lột người dưới. Bất công vẫn là những nan đề của công bằng và của đạo đức xã hội. Hằng ngày chúng ta vẫn thấy bao trẻ vị thành niên bị lôi cuốn vào con đường sa đọa bởi những người lớn. Bao trái tim tan nát bởi những lường gạt và đảo điên nhân danh tình yêu. Bao nhiêu người tan gia, bại sản bởi những mưu mô và lượn lẹo nhân danh chữ tín. Thâm ý con người quả là vô lường, đúng như Việt Nam ta có câu: “Sông sâu còn có người dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”, mặc dù bên cạnh đó cũng có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

Tôn giáo dưới cái nhìn giải thoát hoặc cứu độ, là những con đường, những con đường dẫn tới vĩnh hằng, dẫn tới sự giải thoát, và cứu độ. Nhưng tôn giáo cũng là một nan đề cho chính cuộc hành trình cứu độ của con người. Hiện nay điểm nóng nhất cho nan đề này vẫn là vụ án khủng hoảng tình dục mà hàng giáo sĩ Công Giáo đang phải đối đầu nhất là tại Hoa Kỳ. Lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ và lịch sử Công Giáo thế giới có lẽ phải ghi nhận biến cố Hồng Y Bernard F. Law, Tổng Giám Mục Boston phải từ nhiệm vì sức ép của quần chúng và truyền thông. Ngài bị cáo buộc là đã có hành động che dấu và bao che những linh mục có liên quan đến hành động tính dục đối với các trẻ em trong tổng giáo phận của Ngài. Nhưng đó mới chỉ là trẻ em vị thành niên, còn những hành động tính dục liên quan đến người lớn tuổi, hoặc góa phụ thì sao?! Trước những khủng hoảng như thế, nhiều người bi quan cho rằng tôn giáo quả không có khả năng hoàn thiện và làm tươi mát cuộc sống con người. Ngược lại, cũng có người quan niệm rằng, qua biến cố này, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ với hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ và Giáo Dân Hoa Kỳ sẽ được thanh lọc hơn, sẽ được hoàn chỉnh hơn, và sẽ trưởng thành hơn. Và trong niềm tin ấy, tôn giáo chính là con đường dẫn đến giải thoát.

Như vậy, cốt lõi của giải thoát, của cứu độ là gì? Và ai là người có khả năng giải thoát và cứu độ con người. Tùy vào niềm tin và tùy vào giáo lý của mỗi tôn giáo. Nhưng theo cái nhìn tâm lý học, thì sự giải thoát chính là cởi mở, và trút bỏ được những ẩn ức để con người có thể dùng tri thức mà hóa giải được vô thức. Và để làm điều này chỉ có Đấng Hóa Công đã tác tạo nên khối óc và lý trí con người mới có khả năng làm được việc này. Như vậy, sự trưởng thành tâm lý cũng chính là yếu tố để con người đón nhận, ý thức và chủ động trong cuộc kiếm tìm con đường giải thoát ấy. Như vừa trình bày, con người không tự giải thoát được mình, và do đó, không thể cứu độ được mình. Sự giải thoát và cứu độ phải đến từ Đấng trên cao mà các tôn giáo nhìn nhận là Tạo Hóa, là Hóa Công, là Oâng Trời, hay Thiên Chúa.

Trưởng thành tâm lý, do đó, cũng là một lý đo, một yếu tố để con người tìm gặp và chấp nhận Đấng ấy trong cuộc sống và cuộc đời của mỗi người. Điều này khiến ta phải đặt lại vấn đề đối với một số người chỉ tin đạo, sống đạo, và hành đạo một cách máy móc, hời hợt, hoặc theo truyền thống gia đình, nếu không muốn nói là ấu trĩ và đôi khi rất mê tín. Sự thiếu trưởng thành về tâm lý này không những không làm cho con người tăng trưởng hơn về mặt tâm linh, mãnh liệt, can đảm kiếm tìm sự giải thoát, mà còn dẫn con người vào con đường mê đạo, lạc hướng, và bị chi phối bởi những quan niệm và lối hành đạo có tính cách hình thức, chủ quan, hoặc mê tín, dị đoan, đồng bóng. Hiện tượng Hồi Giáo quá khích hiện nay là một thí dụ điển hình về sự thiếu trưởng thành tâm lý và tâm linh. Hiện tượng tôn giáo này đả kích, phê bình, hoặc chê bai tôn giáo khác là một hành động thiếu trưởng thành về tâm lý và tâm linh.

Một chút suy tư về vấn đề liên quan đến mê tín, đồng bóng trong đời sống của những người thiếu trưởng thành tâm lý, là họ luôn luôn bị chi phối, ảnh hưởng và hầu như bị cuốn hút vào những hành động và cái nhìn đồng bóng. Họ luôn luôn mong cầu và tìm kiếm một cái gì siêu việt, xẩy ra khác thường, và vượt khỏi tầm mức tự nhiên. Muốn trốn chạy thực tế, muốn sống với ảo giác và ảo tưởng. Thí dụ, được chữa lành một cách ngoại lệ, một cách mà khoa học, khả năng con người không thể giải thích được, mà từ ngữ tôn giáo gọi là phép lạ.

Niềm tin, giải thoát, và cuộc đời luôn luôn gắn liền với thân phận con người, nhưng nếu mọi hành động con người bị chi phối bởi những phép lạ, thì sao còn có công, và sao còn có niềm tin. Do đó, một mặt con người vẫn phải tin tưởng, vẫn hành xử theo niềm tin tôn giáo nhưng là một sự tin tưởng và hành động trưởng thành, đó còn hơn là một phép lạ. Đúng hơn, cuộc sống ấy, niềm tin ấy chính là một phép lạ nối dài trong cuộc đời của những người tin tưởng một cách trưởng thành, và sống với niềm tin tôn giáo một cách trưởng thành. Tóm lại, giải thoát và cứu độ là một điều con người ai cũng cần thiết và kiếm tìm trong cuộc sống. Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, bạn và tôi, dù ở bất cứ vai trò xã hội nào, ngay trong hàng ngũ tôn giáo, dù là ai chúng ta vẫn phải ít nhiều trăn trở với những điều này. Nhưng một khi nhìn tôn giáo, hành động tôn giáo một cách trưởng thành, nhất là sự trưởng thành ấy được phát triển do một tâm lý bình thường sẽ làm cho cuộc sống con người thăng hoa hơn, hạnh phúc hơn, và ý nghĩa giải thoát được diễn tả cách cụ thể và sống động hơn trong những hành vi tôn giáo và niềm tin con người. Thánh Gioan Boscô đã nói một câu rất giá trị liên quan giữa tâm lý và tâm linh. Theo Ngài: “Muốn làm thánh nhân thì phải thành nhân trước đã”.

Con người ngoài những khó khăn về thể xác, còn có những khó khăn của tâm lý và tâm linh. Nhưng nhiều khi tâm linh và tâm lý thường hay lẫn lộn và dẫn đến sự cuồng tín hoặc thái độ vô thần vì thiếu trưởng thành tâm lý. Một con người sống đạo quân bình, đòi hỏi phải có một đời sống tâm lý quân bình. Một tâm lý bình thường và được phát triển đầy đủ sẽ giúp con người khám phá và chấp nhận, cũng như sống với một tâm tình tự tin theo niềm tin của mình. Và cũng chính qua niềm tin ấy, con người tìm được sự giải thoát.


Trần Mỹ Duyệt

 

Cứu Độ

Vấn Đề Cứu Độ với Nhân Sinh

Dù vô thần hay hữu thần, cứu độ là vấn đề then chốt nhất của cuộc sống con người. Đúng thế, không phải chủ trương vô thần mà có thể phủ nhận được tình trạng xung khắc nội tâm nơi mỗi một người. Không cần tìm hiểu lý do tại sao có cuộc xung khắc nội tâm nơi mỗi người này, chỉ cần đặt vấn đề tại sao con người phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm ấy là đủ rõ. Thực tế cho thấy cuộc chiến nội tâm nơi mỗi người đều giống nhau ở chỗ họ phải chọn lành bỏ dữ, phải đối diện với sự thật làm người, một sự thật mà nếu họ không sống theo họ sẽ bị bất an và bất hạnh là những gì họ không bao giờ muốn và tìm hết cách tránh né nếu chưa xẩy ra và chữa trị nếu đang mắc phải. Thế nhưng, tội nghiệp thay, kinh nghiệm phũ phàng cho thấy, chính lúc con người đi tìm hạnh phúc theo lòng mong ước, họ lại chuốc lấy khổ đau vào mình. Điển hình nhất là việc một số người đi tìm hạnh phúc nơi nghiện hút, nhưng cuối cùng họ chỉ gặp được một bản thân bị quằn quại trong cảnh nô lệ ngục tù không thể vượt thoát. Chưa hết, hiện tượng ly dị ngày nay không cho thấy chính lúc con người được tự do luyến ái, chứ không bị ép buộc theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, song họ vẫn không tìm được hạnh phúc như họ tưởng và chọn hay sao?! Bởi đó mới có câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, “tránh hùm phải hạm”, “cầu cho bạo Chúa sống lâu” v.v.

Như thế, theo chủ quan, sở dĩ con người cần phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm là vì họ muốn sống hạnh phúc, cho đến khi họ thực sự được hoàn toàn thỏa nguyện. Tuy nhiên, theo khách quan, trong khi đi tìm hạnh phúc, con người phải trả bằng một giá rất đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình, bằng trinh tiết của mình, như tình trạng vượt biên của dân Việt sau biến cố Tháng Tư Đen. Thậm chí trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc hết sức khổ sở này, con người hầu như gặp nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc như lòng mong ước, và dù có đạt được những gì ước mong, song lại rất mong manh và lắm khi cái hạnh phúc ấy lại trở thành đại họa cho họ nữa. Chẳng hạn như trường hợp thiên đường Mỹ Quốc, một thiên đường dân Việt đã phải trả bằng mọi giá để được hưởng, đã trở thành một địa ngục trần gian, đến nỗi đã tiêu diệt hạnh phúc nhiều gia đình và đã đẩy một số người về lại nơi họ đã bất chấp mọi sự bỏ đi, một thiên đường mà nhiều người tỏ ra hết sức căm hận Mỹ song cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nó, đành vuốt mặt hoan hưởng trong day dứt v.v.

Đó là lý do cuộc sống của con người trên trần gian này thực sự là một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống. Sự sống con người muốn chiếm hưởng đây không phải là sự sống thể lý cho bằng sự sống tinh thần, sự sống viên mãn. Bởi thế mới xẩy ra trường hợp liều chết vượt biên, biết hút thuốc hại sức khỏe mà vẫn không bỏ được, biết lái xe ẩu nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn cứ lái v.v. Và sự chết con người muốn vượt qua đây là gì, nếu không phải là sự dữ họ gặp trên đời hay ở ngay chính bản thân họ, như bệnh hoạn tật nguyền, tính mê nết xấu, ngu đần dốt nát, nghèo nàn túng thiếu, vụng về kém cỏi, xấu xí khó coi, xung khắc đụng chạm v.v. Như thế, con người vượt qua sự chết mà vào sự sống đây, một cuộc vượt qua mà họ phải đương đầu với một cuộc chiến nội tâm trường kỳ, tức là con người thực sự muốn được sống và sống viên mãn hơn, một sự sống trọn hảo không còn khổ đau, không còn sự dữ, tức một sự sống trường sinh bất tử, trường sinh vinh phúc. Thế nhưng, tự mình, vốn bất toàn và bất lực, con người không thể nào chiếm được sự sống toàn hảo và viên mãn này. Cứu độ chính là ở chỗ đó.

Nói đến cứu độ là nói đến tôn giáo, nói đến đạo. Vì, đối với con người nói chung, nhất là con người thiện tâm, con người hữu thần, đạo chính là đường lối giải thoát cho con người. Tuy nhiên, ý niệm và ý nghĩa cứu độ lại được các tôn giáo hiểu khác nhau, đúng hơn, được con người giải thích khác nhau. Trong các đạo giáo, vấn đề cứu độ được rõ ràng nói đến và trở thành một linh đạo của mình chỉ thấy tỏ tường nơi Do Thái Giáo, Phật Giáo và Kitô Giáo.

Vấn Đề Cứu Độ với Do Thái Giáo

Trước hết, đối với Do Thái Giáo, theo Lịch Sử Cứu Độ của họ, như được ghi nhận và trình thuật trong bộ Sách Thánh của họ, bộ Sách Thánh được Kitô Giáo chấp nhận như bộ Thánh Kinh Cựu Ước của mình, thì vấn đề cứu độ là một Dự Án Thần Linh, một dự án được Giavê Thiên Chúa từ từ thể hiện bằng những việc làm của Ngài, nhất là bằng việc Ngài ra tay uy quyền giải cứu dân tộc này khỏi quyền lực ngoại bang. Hai lần Giavê Thiên Chúa của dân Do Thái đã thực hiện việc cứu độ họ quan trọng và đại thể nhất, liên quan trực tiếp đến cả lịch sử thế giới. Thứ nhất là lần Ngài cứu họ khỏi tình trạng làm nô lệ ở Ai Cập 450 năm, qua trung gian của Moisen, bằng một cuộc vượt qua biển đỏ, băng qua sa mạc 40 năm trường để đến mảnh đất Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp của họ là mảnh đất Palestine đang đẫm máu tranh chấp hiện nay. Cuộc vượt qua này xẩy ra 480 năm trước khi Vua Solomon xây thành và đền thờ Giêrusalem, tức vào triều đại 18 ở Ai cập hay 1440 năm trước Công Nguyên. Thứ hai là lần Ngài cứu họ khỏi tình trạng lưu đầy bên Babylon, bằng một cuộc hồi hương trở về xây dựng lại Thành Thánh và Đền Thờ Giêrusalem đã bị dân ngoại tục hóa và làm ô uế. Biến cố lưu đầy và hồi hương này của dân Do Thái xẩy ra trong giai đoạn lịch sử thế giới từ năm 587 đến năm 537 trước Công Nguyên, tức từ khi người Babylon phá hủy đền thờ Giêrusalem đến khi họ tái thiết trung tâm đạo giáo của họ.

Đối với Thiên Chúa Giavê của dân Do Thái, để tỏ ra mình là Thiên Chúa, một Thiên Chúa chân thật duy nhất trên trời dưới đất, một Thiên Chúa mà riêng dân Do Thái và chung loài người phải nhận biết và tôn thờ, Ngài đã tự tỏ mình ra cho họ, bằng việc Ngài tự dộng hứa hẹn với cha ông tổ phụ họ, rồi Ngài hoàn tất những gì Ngài hứa nơi con cháu của những vị tổ phụ này, cho dù họ có không trung thành với giao ước Ngài đã ký kết với cha ông họ. Là một Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng, Ngài đã chẳng những bất chấp những bất trung của họ mà còn lợi dụng chính những bất trung của họ để chứng tỏ cho họ thấy Ngài thực sự là Thiên Chúa chân thật duy nhất họ phải nhận biết và tôn thờ. Ở chỗ, mỗi lần họ bỏ Ngài mà đi tôn thờ các thần ngoại lai hay sùng bái các thứ ngẫu tượng do họ nghĩ tạo ra, tức mỗi lần họ vi phạm đến Thánh Luật Ngài ban cho họ qua Moisen ở núi Sinai trong cuộc vượt qua sa mạc tiến vào Đất Hứa của họ, Ngài liền bỏ rơi họ, tức để họ bị rơi vào tay quyền lực ngoại bang, cho đến khi họ nhận biết lỗi lầm mà thực tâm trở về với Ngài, Ngài mới ra tay giải cứu họ một cách đặc biệt, qua những vị anh hùng cái thế xuất hiện suốt giòng lịch sử của họ. Bởi thế, đối với dân tộc Do Thái, Chúa là Thiên Chúa chân thực duy nhất của họ phải là và chính là Đấng Cứu Độ của họ.

Tiếc thay, cũng chính vì chiều hướng diễn tiến của giòng Lịch Sử Cứu Độ này, nhất là chính vì quan niệm Vị Thiên Chúa Toàn Năng của mình phải là một Vị Thiên Chúa Cứu Độ thường trực tiếp liên quan đến tình hình chính trị, mà dân tộc Do Thái chỉ mong đợi Thiên Chúa khi họ gặp cảnh cùng quẫn, nhất là lúc họ bị áp bức bởi một quyền lực chính trị ngoại bang. Ngoài ra, những lúc họ được an bình thịnh vượng, họ liền quên Ngài, và quay sang các thứ thần tượng ngoại bang hay các thứ ngẫu tượng do họ tạo ra. Bởi vậy, không lạ gì, cho tới nay, dân tộc Do Thái vẫn không chịu nhìn nhận nhân vật Giêsu Nazarét, Vị Sáng Lập Kitô Giáo, một con người thuộc huyết tộc của họ, là Đấng Thiên sai, Đấng được Thiên Chúa của họ sai đến để cứu độ họ nói riêng và nhân loại nói chung. Lý do là vì con người Giêsu Nazarét này đã chẳng những không giải thoát họ khỏi quyền lực của đế quốc Rôma bấy giờ, mà còn bị quyền lực này đóng đanh trên thập tự giá vô cùng ô nhục nữa. Như thế, vấn đề cứu độ theo Do Thái Giáo, đúng hơn, theo dân tộc Do Thái, là vấn đề cứu độ về chính trị hơn là về tinh thần và đạo lý.

Vấn Đề Cứu Độ với Phật Giáo

Nếu vấn đề cứu độ, theo dân Do Thái là vấn đề liên quan đến quyền lực chính trị, thì theo giáo thuyết của Phật Giáo lại liên quan đến vấn đề đau khổ. Thực vậy, Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý huyền diệu và tuyệt diệu của Phật Giáo được bắt đầu bằng Khổ Đế, tức được bắt đầu bằng một cảm nghiệm nhân sinh rất thực tế, rất chân thực: “đời là bể khổ”, với những trạng thái của khổ là “sinh, bệnh, lão, tử”. Thế nhưng, muốn thoát khổ, con người phải trải qua những giai đoạn Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế, tức phải diệt dục, phải làm sao hết “tham, sân, si” là căn nguyên gây ra khổ ải trần gian, để có thể được cứu độ, được siêu độ, bằng không, con người sẽ phải tiếp tục đầu thai luân hồi cho tới khi nào hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn không còn nghiệp báo, họ mới có Phật tính và mới được vào cõi Niết Bàn. Như thế, vấn đề cứu độ của Phật Giáo chẳng những nhắm vào mục tiêu của mình là cứu khổ mà còn ở cả phương thế cứu độ là tự cứu mình nữa.

Riêng về mục tiêu cứu độ của Phật Giáo, vào thập niên 1970, phong trào Thần Học Giải Phóng phát xuất từ Châu Mỹ Latinh nghèo khổ cũng đã ngả theo chiếu hướng này. Ở chỗ, theo chủ trương của một số nhà thần học Công Giáo khởi xướng phong trào ở miền này thì việc cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã đến trước hết với người nghèo và cho người nghèo, và thiết lập vương quốc của Người ngay trên trần gian này, phải bao gồm cả vấn đề cứu khổ nữa, tức vấn đề thực tế cứu dân chúng nghèo khổ khỏi cuộc sống bất hạnh về vật chất, nhất là khỏi bị quyền lực chính trị và thế lực tư bản lạm dụng và đàn áp. Như thế, phong trào Thần Học Giải Phóng Nam Mỹ đây chẳng những giống mục tiêu cứu khổ của Phật Giáo, mà còn giống cả phương thế cứu độ nơi Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nữa, một đường lối cứu độ về cả kinh tế lẫn chính trị. Theo chiều hướng cứu độ hiện thế này, phong trào Thần Học Giải Phóng đã có cùng một chính sách tranh đấu giai cấp như của chủ thuyết và chế độ Cộng Sản.

Vấn đề ở đây là, nếu thực sự việc cứu độ con người là vấn đề cứu độ hiện sinh, tức vấn đề làm sao cho họ khỏi khổ ngay ở trên trần gian này, nhất là khỏi bị cảnh nghèo khổ, nhất là khỏi bị đàn áp và bóc lột, thì chẳng lẽ tất cả những ai giầu có không bị nghèo khổ đều là thành phần hạnh phúc hay sao, và tất cả những ai có quyền vị không bị áp bức bóc lột đều là thành phần có phúc hay sao? Trái lại, thực tế cho thấy, chính những người giầu có lại là thành phần đáng thương nhất, lại là thành phần nghèo khổ nhất, vì tất cả những gì họ có cũng chưa đủ với lòng tham vô đáy của họ, nên họ phải bóc lột người nghèo để có thêm cho họ, và những người càng tham quyền cố vị lại càng là những người bất hạnh nhất, vì họ sợ đối thủ, sợ mất chức, mất tín nhiệm, nên cố gắng giả hình bao nhiêu có thể, gian xảo bao nhiêu có thể và cầu cạnh bao nhiêu có thể để được tại chức.

Chính vì chủ thuyết Thần Học Giải Phóng tuy thực tế nhưng nông nổi, nên chỉ bùng một một thời rồi xẹp xuống sau đó không bao lâu, chẳng khác gì như chủ nghĩa vô sản đã tự sinh tự diệt trong thế kỷ 20 tại Âu Châu vậy. Về mục tiêu và đường hướng của mình, chủ thuyết giải phóng xã hội này hoàn toàn phản với tinh thần Phúc Âm của Đấng Sáng Lập Kitô Giáo nói chung, mà đặc biệt nó còn không hợp với giáo thuyết xã hội của Kitô Giáo nữa, một giáo thuyết đã đóng vai như một thứ men trong bột thực sự có hiệu năng canh tân bộ mặt trái đất này, làm cho nhân loại càng ngày càng văn minh nhân bản hơn từ sau biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh Làm Người. Tuy nhiên, tận nền tảng của mình, chủ thuyết này vẫn còn công nhận một điều hết sức chân thật, đó là con người không thể nào tự mình có thể cứu lấy mình; như trường hợp thành phần nghèo khổ, thành phần bị áp bức bóc lột, con người cần được một quyền lực tối cao giải cứu. Cảm nghiệm cần phải được cứu độ này chẳng những rất hợp với nhân sinh mà còn với cả lý lẽ tự nhiên nữa.

Thật vậy, nếu vấn đề cứu độ là cứu khổ, mà chết là tột cùng khổ đau, thì cho dù có được giác ngộ và đã ra tay cứu nhân độ thế đi nữa, con người rồi cũng sẽ đi đến chỗ tận cùng của cuộc đời mình là sự chết. Trong khi con người lại không muốn chết, lại muốn được trường sinh vinh phúc. Như thế, con người giác ngộ, thậm chí muốn được vào cõi tiêu diêu cực lạc con người cũng cần phải lọt vào tay tử thần trước đã, mà một khi vẫn còn đụng đầu với tử thần, vẫn không thể nào thoát khỏi bàn tay ác nghiệt của tử thần, là con người vẫn còn khổ, vẫn chưa hoàn toàn được cứu độ. Trái lại, nếu nhờ tử thần con người được siêu độ thì tự bản chất tử thần không phải là một ác thần, mà chính là đấng cứu thế, và như thế, chết chính là con đường cứu độ cuối cùng của con người, là con đường máu của con người, như thành phần tự tử đã vượt thoát trần gian khổ ải này bằng cách mở con đường máu ấy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bình thường con người lại sợ chết nhất. Vậy, nếu về vật chất là thân xác này, con người còn không thể cứu mình khỏi chết, khỏi bàn tay tử thần vô cùng khắc nghiệt, thì thử hỏi con người làm sao có thể cứu mình khỏi cái chết về tinh thần, một cái chết được hiện thân rõ ràng nơi tình trạng chia rẽ nội tâm, xung khắc nội tâm, chiến đấu nội tâm, một tình trạng chỉ thực sự triệt tiêu trước cái chết về thể lý mà thôi. Chính vì con người không thể tự cứu mình cả về phương diện tinh thần là tội lỗi lẫn phương diện thể lý là sự chết, mà con người mới cấn đến Ơn Cứu Độ. Đây là cốt lõi của vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo.

Vấn Đề Cứu Độ với Kitô Giáo

Phải, bóng tối không thể nào tự tan biến nếu không được ánh sáng chiếu soi thế nào, và một tử thi không bao giờ có thể tự mình sống lại ra sao, thì con người được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thần Linh, ở hồn thiêng và tự do nơi bản tính nhân linh ư vạn vật của con người, ngay từ ban đầu bản tính ấy của họ đã bị hư đi theo nguyên tội, qua việc hai nguyên tổ của họ phản loạn bất phục tùng Đấng Hóa Công Tối Cao, cũng không thể tự mình cứu độ như vậy. Chưa hết, việc con người tạo vật vô cùng thấp hèn mà lại dám ngang nhiên bất tuân ý muốn thượng trí vô cùng khôn ngoan của Đấng Tối Cao là một trọng tội vô cùng nặng nề, không thể thứ tha và đền bù, nếu chính Ngài không tự ý tha cho họ và cứu chuộc họ. Đó là lý do, chẳng những vì con người không thể tự cứu mà còn vì tội họ phạm tự họ không thể đền bù, mà Đấng Hóa Công, chẳng những là một Vị Thiên Chúa toàn năng, ở chỗ dựng nên trời đất, mà còn là một Vị Thiên Chúa vô cùng toàn thiện, ở chỗ từ ái ra tay cứu chuộc (redemption) và cứu độ (salvation) con người, đã hứa ban cho họ một Vị Cứu Tinh (xem Sáng Thế Ký 3:15), một vị mà, theo các lời tiên tri và hình ảnh được tiên báo trong bộ Sách Thánh Do Thái Giáo, đó là Đấng Thiên Sai, là nhân vật mang tên Giêsu, nhân vật được sinh ra ở Bêlem đời hoàng đế Cêsa Augustô ban lệnh kiểm tra dân số lần đầu tiên trong toàn đế quốc của ông, nhân vật đã sinh trưởng tại Nazarét thời quận vương Archelau con Hêrôđê cai trị xứ Giuđêa, và cũng là nhân vật đã bị tử giá song đã phục sinh từ trong kẻ chết thời Tổng Trấn Philatô.

Đúng thế, Thiên Chúa Tối Cao không dựng nên con người để đầy đọa con người, nhất là để trừng phạt con người khi bị họ phạm thượng đến mình, mà chính Ngài đã tự động tuyên hứa cứu độ con người, không cần con người phải ngỏ lời xin. Và cách thức Vị Thiên Chúa vô cùng toàn năng và toàn hảo này sử dụng để cứu độ con người là Nhập Thể Hóa Thân Làm Người như loài người. Bởi vì, loài người đã dùng chính bản tính được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thần Linh vô cùng cao trọng của mình để phạm thượng đối với Ngài, một tội vô cùng trọng nặng con người không thể đền bù, thì phải làm sao để bản tính loài người này chẳng những được tái sinh, được phục hồi như thuở ban đầu, mà còn được hoàn toàn trở nên những gì Thiên Chúa muốn khi dựng nên loài người, đó là Ngài muốn loài người được hiệp thông với Ngài, được tham hưởng chính Sự Sống Thần Linh với Ngài, được nên trọn lành toàn hảo như Ngài.

Đó là lý do, vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo, về phần tiêu cực, chẳng những là việc cứu chuộc (redemption) con người khỏi tội lỗi và sự chết, về phần tích cực, còn là việc cứu độ (salvation) con người cho họ được hưởng một Sự Sống Thần Linh và là một sự sống viên mãn hơn, đến nỗi làm cho họ được quyền năng vô địch có thể lấy lành thắng dữ (xem Phúc Âm Marcô 16:17-18), như ánh sáng xóa tan bóng tối, nhất là làm cho họ có sức thu phục lòng người, khiến con người nhờ họ và qua họ có thể nhận biết chân lý. Cốt lõi của vấn đề cứu độ của Kitô Giáo là thế, là con người được cứu trước hết khỏi quyền lực tội lỗi, bằng quyền lực ân sủng, khỏi quyền lực tối tăm của gian ác, bằng quyền lực ánh sáng của chân lý, nhờ đó, con người dù sống nghèo khổ và bị áp bức là những gì Thần Học Giải Phóng chủ trương cần phải giải cứu, chẳng những vẫn có sức chịu đựng trong một trạng thái bằng an thế gian không thể ban cho họ (xem Phúc Âm Gioan 14:27), thậm chí có thể biến sầu khổ thành niềm vui cho mình (xem Phúc Âm Gioan 16:20), mà còn có sức chia sẻ bình an nội tâm sâu xa họ có cho anh chị em bất hạnh của họ nữa. Điển hình nhất là trường hợp của một Mẹ Têrêsa Calcutta, một vị không hề truyền bá Kitô Giáo bằng giáo thuyết như các vị thừa sai đã làm từ trước đến nay, nhưng cũng đã khiến cho thế giới Ấn Giáo nói riêng và con người văn minh khắp thế giới ở vào cuối thế kỷ 20 đẫm máu hận thù nói chung phải ngưỡng phục như một vị thánh sống, vị đã chết cách đây 5 năm, đã được tiễn đưa theo nghi thức quốc táng Ấn Độ như truyền hình quốc tế hiển nhiên cho thấy, và là vị sẽ được Giáo Hội Công Giáo phong chân phước vào ngày 19/10/2003 tới đây.

Quyền lực thần linh vô địch này đã được Đấng Tử Giá là Đức Giêsu Phục Sinh thông ban cho các môn đệ của Người, một quyền lực đã thực sự canh tân bộ mặt trái đất, thực sự làm cho nhân loại từ Biến Cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần của Do Thái Giáo ở Giêrusalem, càng ngày càng được văn minh hóa theo văn hóa sự sống. Cho đến nay, thế giới đã hầu như không còn những chế độ phi nhân bản, như chế độ đa thê, chế độ nô lệ, chế độ đế quốc, chế độ thực dân v.v. Thế nhưng, tại sao ngày nay chính tại thế giới Kitô Giáo là Tây Phương lại phát xuất ra và tràn lan đi một thứ văn hóa ngược lại, một thứ văn hóa được vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trên một tỉ tín đồ đặt tên cho là “văn hóa sự chết”, một thứ văn hóa giết người, một thứ văn hóa của phá thai, của trợ an tử, một thứ văn hóa phi nhân bản và phản luân thường đạo lý? Phải chăng là vì Kitô Giáo đã hết thời, đã chỉ có sức cứu độ trong một thời gian, thời gian lịch sử thế giới chưa đi đến chỗ văn minh vật chất và nhân bản như ngày nay, nhất là thời gian từ sau Thế Chiến Thứ Hai tới nay, tức từ sau Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền tới giờ?

Thật ra, nếu Kitô Giáo đã thực sự có một Quyền Năng Thần Linh canh tân bộ mặt trái đất ngay từ đầu như thế, thì sở dĩ Kitô Giáo đang bị khủng hoảng về đức tin hiện nay, nhất là ở tại Tây Phương tân tiến, là vì con người văn minh Tây Phương đã chối bỏ căn tính Kitô Giáo của mình. Đó là lý do Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu hãy xét lại vấn đề căn tính Kitô Giáo của mình, nhất là hãy trở về, hãy trung thành với căn tính làm nên lịch sử Âu Châu nói riêng và thế giới nói chung. Chính vì đã lìa bỏ căn tính Kitô Giáo của mình mà thế giới Kitô Giáo Tây Phương mới như chẳng những trở thành như một thi thể vô hồn, với những khoản luật cho phép ly dị và phá thai từ thập niên 1960 và 1970 tới nay, mà còn như một thi thể đang thối rữa, với những khoản luật từ thập niên 1990 tới nay cho phép đồng tính hôn nhân và tạo sinh ngoại nhiên.

Thế nhưng, như Đấng Sáng lập Kitô Giáo đã tự nguyện để cho loài người đóng đanh trên thập giá và đã phục sinh từ trong kẻ chết để chiến thắng sự chết thế nào thì Ơn Cứu Độ nơi Kitô Giáo chỉ hiện thực tất cả quyền năng của mình ở chỗ chiến thắng sự chết mà thôi, sự chết về thể lý. Đó là lý do Kitô hữu tin tưởng xác thể của con người cuối cùng sẽ sống lại, và biến cố phục sinh này sẽ xẩy ra và chỉ xẩy ra vào ngày tận thế, tức vào ngày Đấng Sáng lập của họ tái giáng trong vinh quang, một cuộc tái giáng chẳng những để phán xét và thưởng phạt toàn thể nhân loại nói chung, mà còn để cứu độ những ai trung thành với Người nói riêng (xem Thư Thánh Phaolô gửi Kitô Hữu Do Thái 9:28). Và, như chính Người đã tỏ cho các môn đệ của Người biết, (xem Phúc Âm Mathêu đoạn 24), trước ngày tận thế, thế giới sẽ lâm vào một tình trạng biến loạn chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa tới bấy giờ, cả ở trên trời (như hiện tượng tinh tú trở nên tối tăm), lẫn dưới đất (như xẩy ra động đất), cả ở trong lòng người (băng hoại về luân thường đạo lý), lẫn ở ngoài xã hội (như chiến tranh loạn lạc khắp nơi).

Tuy nhiên, chính lúc lịch sử thế giới và vũ trụ ở vào một mùa đông hết sức lạnh lẽo và tăm tối cho thấy tràn ngập chết chóc như thế lại là lúc xuân sắp tới, một mùa xuân làm cho tất cả mọi sự nên tươi mới thế nào, thì Đấng Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nơi bản tính nhân loại của con người cũng tái giáng trong vinh quang lần thứ hai để canh tân tất cả mọi sự như vậy (xem Khải Huyền 21:5). Phải, chỉ cho đến khi Dự Án Cứu Độ và Công Cuộc Cứu Độ của Thiên Chúa được nên trọn thì bấy giờ Ơn Cứu Độ được ban cho loài người cũng mới hoàn tất. Đó là lý do Kitô hữu coi cuộc sống của mình trên trần gian này là một cuộc hành trình đức tin, một cuộc hành trình sống Ơn Cứu Độ, cho tới khi Ơn Cứu Độ được nên trọn nơi họ nói riêng và trên thế gian nói chung, một Ơn Cứu Độ con người đã được Thiên Chúa Hóa Công hứa ban cho ngay từ ban đầu sau biến cố nguyên tội (xem Sách Sáng Thế Ký 3:15).

Phải, nếu căn nguyên chính khiến con người sa ngã phạm tội ngay từ ban đầu là bởi con người tạo vật tự bản chất bất toàn, không toàn thiện như Thiên Chúa, thì một khi con người có Thần Linh của chính Thiên Chúa, nhờ đó, họ sẽ không thể nào sa ngã phạm tội được (xem Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan 3:9), tức họ sẽ luôn biết được Ngài muốn gì để đáp ứng, như trường hợp của tạo vật thuần túy đầy ơn phúc đẹp lòng Ngài nhất là Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đức Giêsu Kitô. Đó là lý do, ngay sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu, Đấng mang sứ mệnh đến làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần (xem Phúc Âm Marcô 1:8), đã ban cho các môn đệ của Người Thánh Thần tha tội (xem Phúc Âm Gioan 20:22-23), và căn dặn các vị hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi cho đến khi được mặc lấy quyền lực từ trên cao (xem Phúc Âm Luca 24:49).

Thế nhưng, tự bản chất hữu hình và hữu hạn của mình, ngay từ ban đầu, dù còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, nhân tính của con người cũng không thể lãnh nhận tất cả Thần Linh vô cùng thượng trí và toàn năng của Thiên Chúa Tối Cao. Bởi đó, chính Thiên Chúa đã phải Hóa Thân Làm Người, trở thành một con người thực sự, nhưng lại một Con Người Thần Linh, vì Thần Tính của Ngài đã hoàn toàn chiếm hữu nhân tính ngay từ giây phút đầu tiên khi Ngài Nhập Thể trong lòng dạ trinh nguyên của Mẹ Ngài là Đức Maria. Kết quả là, trong mầu nhiệm Ngôi Hiệp, mầu nhiệm hai bản tính được hiệp nhất làm nên một Ngôi Vị duy nhất là Con Người Giêsu Kitô, nhân tính của Con Người Thần Linh này đã trở thành một phương tiện, một Bí Tích thông ban Thần Linh cho loài người, để loài người nhờ đó có thể tin nhận Người, một niềm tin sẽ đạt đến tột đỉnh của mình qua những chứng từ của kẻ tin, những chứng từ sống động phản ảnh Thần Linh, phản ảnh một Đức Giêsu Kitô Tử Giá và Phục Sinh, những chứng từ bởi đó có sức thu phục lòng người, giải phóng con người khỏi quyền lực tối tăm, để con người có thể nhận ra sự thật là Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế Duy Nhất của loài người.

Tóm lại, vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo là như thế này: Con người linh ư vạn vật đã được Thiên Chúa Hóa Công dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, nhưng họ đã không sống xứng với Danh Phận Thần Linh vô cùng cao trọng này của họ, tức họ đã bị hư đi trong một trạng thái chết chóc về tâm linh, một trạng thái xung khắc được bộc lộ qua cuộc chiến nội tâm trường kỳ hết sức gay go. Thế nhưng, là Đấng Tối Cao, chẳng những Toàn Năng mà còn Toàn Thiện, Thiên Chúa Hóa Công đầy từ bi thương xót đã tự hứa cứu độ họ, và Ngài thực sự đã thực hiện Dự Án Thần Linh này nơi Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh. Bởi đó, để có thể lãnh nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao cả và khẩn thiết này, trước hết và trên hết, con người cần phải nhìn nhận và chấp nhận Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người (xem Phúc Âm Gioan 1:10-11) là Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người, một khi họ thấy được những Chứng Từ Thần Linh nơi Giáo Hội Kitô Giáo, những chứng từ được thể hiện sống động và trung thực nhất qua Đức Ái Trọn Hảo (xem Phúc Âm Gioan 13:35) của thành phần mang danh Kitô Hữu. Và lịch sử thế giới trong hai ngàn năm qua hiển nhiên cho thấy nhiều người đã thực sự nhận biết chân lý và trở về với Đấng tự xưng mình “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (xem Phúc Âm Gioan 14:6), nhờ hoạt động bác ái xã hội của Kitô Giáo khắp nơi trên thế giới, và những tranh đấu nhân quyền theo giáo thuyết nhân bản xã hội của Giáo Hội Công Giáo, như được chứng thực nơi vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, những hoạt động và tranh đấu đã và đang đẫm máu tử đạo.

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 50, 29/12/2002)

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)