GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 6/2003

 

Ý Chung: Xin cho những tín hữu đang giữ các trọng trách phục vụ công ích biết tuân theo giáo huấn của Phúc Âm cùng với những nguyên tắc giáo huấn về xã hội của Giáo Hội để họ có thể bênh vực và cổ võ các giá trị nhân bản trong hết mọi trường hợp”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho các Kitô hữu Ấn Độ thuộc các truyền thống khác nhau biết cùng nhau tỏ ra chứng từ hiệp nhất và hiệp thông thực sự trong một Thần Linh duy nhất huớng dẫn họ”.

 

___________________________________________

 22-28/6/2003

Giovanni Paolo II

 

28/6 Thứ Bảy

ĐTC Gioan Phaolô II sẽ viết 1 cuốn sách để chia sẻ về kinh nghiệm giáo phẩm của mình

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã xác nhận nguồn tin này hôm Thứ Tư 25/6/2003. ĐTC sẽ bắt đầu đi nghỉ hè vào ngày 10/7/2003 ở Castel Gandolfo, phía nam Rôma, và giành thời giờ viết cuốn sách này. Cũng tại địa điểm nghỉ hè hằng năm này của mình, ĐTC đã viết thi phẩm “Roman Triptych” vừa được xuất bản vào Tháng 3/2003. Ngài cũng đã viết cuốn “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” năm 1996 để kỷ niệm kim khánh 50 năm linh mục của Ngài.

Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi (tiếp Thứ Năm 26/6)

Theo cấu trúc chuyên biệt của mình, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện có hai phần rõ rệt, phần khẩu nguyện và phần tâm nguyện. Phần khẩu nguyện là phần đọc các kinh nguyện, đặc biệt Kinh Kính Mừng là kinh chính yếu, kinh được lập đi lập lại 10 lần ở mỗi Mầu Nhiệm Mân Côi. Phần tâm nguyện là phần suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi cũng là Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Hai phần này làm nên Kinh Mân Côi như xác với hồn làm nên bản tính con người, đến nỗi, thiếu một trong hai sẽ không còn phải là và được gọi là Kinh Mân Côi nữa. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ở đoạn 12, đã lập lại ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về việc đọc Kinh Mân Côi mà không suy ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi thì như xác không hồn.

Thế nhưng, vấn đề độc nhất vô nhị của Kinh Mân Côi, một đặc tính nổi bật và là một đặc tính hoàn toàn không giống với bất cứ một kinh nguyện nào khác ở đây đó là tính cách có vẻ mâu thuẫn và đối ngược giữa khẩu nguyện và tâm nguyện của Kinh Mân Côi. Bởi vì, trong khi khẩu nguyện đọc “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” thì tâm nguyện lại suy về đủ thứ “Mầu Nhiệm Chúa Kitô” khác nhau. Chúc tụng (khẩu nguyện) người này (Mẹ Maria) mà lại nhìn ngắm (tâm nguyện) người kia (Chúa Kitô, Con Mẹ). Đó là lý do, việc lập đi lập lại 10 lần Kinh Mân Côi có vẻ đơn điệu và nhàm chán, cộng thêm việc đọc một đàng suy một nẻo như thế, tự bản chất đã có tính cách ‘chia trí’ rồi, lại càng làm cho việc lần hạt Mân Côi hay đọc Kinh Mân Côi, nếu không hết sức ý tứ, như kinh nghiệm cho thấy, trở thành máy móc. Bởi vậy, một khi giải quyết được vấn đề “chia trí” của chính Kinh Mân Côi (đọc một đàng suy một nẻo) thì hiện tượng “chia trí” nơi con người lần hạt Mân Côi cũng sẽ được chữa trị, và cốt lõi của vấn đề Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi sẽ được sáng tỏ.

Trước hết, vấn đề này được giải quyết với ý thức Chúa Kitô thực sự là tâm điểm của Kinh Mân Côi, như chúng ta đã chia sẻ với nhau ở bài về đề tài này trước đây. Mà nếu Chúa Kitô là tâm điểm của Kinh Mân Côi thì quả thực cầu Kinh Mân Côi nói chung và đọc Kinh Kính Mừng nói riêng là tác động “cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Ngài ở đầu đoạn 3. Vậy phương pháp hay cách thức cầu Kinh Mân Côi tuyệt vời nhất và xứng hợp nhất đó là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng Chúa Kitô nơi các Mầu Nhiệm Mân Côi.

Bởi thế, mỗi lần cầm tràng hạt Mân Côi lên để sửa soạn cầu Kinh Mân Côi, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta sắp sửa cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô. Để rồi, mỗi lần đọc lời “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” là chúng ta cùng Mẹ bày tỏ đức tin của chúng ta vào “Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ” ở mỗi một Mầu Nhiệm Chúa Kitô được chúng ta chiêm ngắm bằng con mắt của Mẹ và tưởng niệm bằng con tim của Mẹ. Chỉ khi nào chúng ta biết chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria, và tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria, chúng ta mới có thể thực sự và hoàn toàn cảm nhận được Thực Tại Thần Linh của các mầu nhiệm ấy, tức mới có thể cảm nhận được chính Chúa Kitô, Lời Nhập Thể của chúng ta, Emmanuel của chúng ta, Vị Thiên Chúa ở giữa nhân loại chúng ta (x Mt 1:23; Is 7:14), ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (x Mt 28:20), và ở trong mỗi chi thể Kitô hữu cành nho của Người để sinh muôn vàn hoa trái (x Jn 15:5).

Thế nhưng, làm thế nào để chúng ta có thể chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria, và tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria?

Trước hết, “chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria”. Nếu đôi mắt của Mẹ Maria lúc nào cũng “chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” Con Mẹ, ở chỗ, ánh mắt Mẹ lúc nào cũng theo dõi từng hành vi cử chỉ và lời nói của Vị Thiên Chúa Làm Người Con Mẹ trong thời gian 30 năm được ở sát bên Người và phục vụ Người, mà còn ở chỗ trí khôn của Mẹ luôn tưởng nhớ đến Người và lòng Mẹ luôn gắn bó với Người trong thời gian 3 năm xa cách Người, cho đến khi đứng dưới cây thập tự giá của Người (x Jn 19:25), thì “chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria” nghĩa là việc Kitô hữu chúng ta hướng về Chúa Kitô bằng tâm tình của Mẹ Maria. Có cầu Kinh Mân Côi với tâm tình của Mẹ Maria ấy, mỗi lần đọc Kinh Kính Mừng đến câu “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”, chúng ta mới cảm thấy tâm tình Mẹ Maria ra sao trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô được Mẹ bộc lộ qua bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Ngài đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ Ngài, từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc. Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu, danh Ngài chí thánh” (Lk 1:46-49).

Như thế, “chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria” qua việc cầu Kinh Mân Côi là cùng Mẹ Maria “Ngợi Khen Chúa”, đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cảm nhận và chia sẻ ở ngay đoạn thứ nhất Bức Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria: “Kinh Mân Côi còn là tiếng vọng của lời Mẹ Maria cầu nguyện, đó là Ca Vịnh Ngợi Khen bất hủ của Mẹ về công cuộc của Việc Nhập Thể cứu chuộc được bắt đầu trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ”.

Sau nữa, “tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria”. Nếu “con tim của Mẹ Maria” đây biểu hiệu cho đức tin của Mẹ thì “tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria” nghĩa là “tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô” bằng đức tin của Mẹ. Thật vậy, chỉ có một mình Mẹ Maria đầy ơn phúc mới có thể chấp nhận trọn vẹn và đáp ứng hoàn toàn được tất cả nhưng gì “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) muốn mạc khải cho loài người biết, một Mạc Khải Thần Linh lên đến tuyệt đỉnh nơi Chúa Kitô, Đấng đồng thời cũng là tất cả Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa. Bởi vậy, khi cầu Kinh Mân Côi nói chung và đọc kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” nói riêng là chúng ta cùng Mẹ tuyên xưng đức tin, một đức tin đã làm Mẹ diễm phúc (x Lk 1:45), đã làm Mẹ lúc nào cũng đầy ơn phúc, không bao giờ vơi hay thất thoát đi tí nào vì lung lay đức tin.

Đó là lý do Mẹ Maria chẳng những có phúc vì nhận được một cách nhưng không đặc ân được làm Mẹ Thiên Chúa, được cưu mang và cho con Chúa Trời bú (x Lk 11:27), mà còn ở tại chính đức tin của Mẹ nữa, tức ở chỗ Mẹ Maria đã không bao giờ hồ nghi người con trai do Mẹ thụ thai “bởi Thánh Thần” (x Mt 1:20), như sứ thần tuyên bố với Mẹ, “là Con Thiên Chúa” (x Lk 1:35). Dù Vị “Con Thiên Chúa” vô cùng cao cả này có bé nhỏ, yếu đuối, hèn hạ trong hang lừa máng cỏ (ở Ngắm thứ ba Mùa Vui), có tầm thường giống như tất cả mọi con người Do Thái đến lãnh nhận phép rửa thống hối của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (ở Ngắm thứ nhất Mầu Nhiệm Ánh Sáng), có bất lực không thể xuống khỏi thập giá và chết đi một cách vô cùng nhục nhã giữa hai tên tử tội (ở Ngắm thứ năm Mùa Thương), Mẹ Maria vẫn tin rằng “con trẻ” do Mẹ cưu mang và hạ sinh ấy thực sự “là Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:32). Mẹ Maria đã thực sự sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô với một đức tin mãnh liệt đến nỗi Mầu Nhiệm Chúa Kitô đã hoàn toàn trở thành mầu nhiệm của Mẹ (xem Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 24), tức Mẹ đã hiệp nhất nên một với Chúa Kitô trong nhiệm cuộc cứu độ với tư cách là Vị Đồng Công Cứu Chuộc, một con người duy nhất trong loài người đã được cứu chuộc bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Như thế, mỗi lần đọc “kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”, mà “phúc lạ” đầu tiên của “Giêsu con lòng bà” đây là chính con người được diễm phúc thụ thai và cưu mang Người, một con người duy nhất được Người cứu chuộc bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, là chúng ta trước hết tuyên xưng niềm tin của mình vào đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, và sau nữa chúng ta tỏ ra cảm phục cùng tri ân niềm tin tuyệt đối của Mẹ vào Chúa, một đức tin đã sinh hạ chúng ta trong ân sủng, hơn cả đức tin đã làm cho tổ phụ Abraham trở thành cha của một dân tộc đông như sao trời nhiều như cát biển (x Gen 22:17-18). Với đức tin tuyệt đối của Mẹ vào Chúa Kitô như thế mà chỉ có một mình cá nhân Mẹ Maria mới là mảnh đất tốt sinh hạt giống gấp trăm (x Mt 13:23, trong khi đó, vì nhiễm nguyên tội, mảnh đất tốt các thánh nhân nam nữ trong Giáo Hội cùng lắm sinh hạt giống gấp 30 hay 60 là cùng), và cũng chỉ có một mình Mẹ Maria diễm phúc vì đã tin mới thật sự là cành nho sinh nhiều hoa trái nhất thôi (x Jn 15:5).

Nếu tác động Giáo Hội đáp ứng lời Chúa Kitô truyền trong Bữa Tiệc Ly “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), qua việc Giáo Hội cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, một cử hành làm hiện thực Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách bí tích trên bàn thờ thế nào, thì việc Kitô hữu “tưởng niệm” Người qua các Mầu Nhiệm Mân Côi, cũng là Mầu Nhiệm Chúa Kitô, bằng tất cả đức tin của mình, cũng làm cho Người sống động hơn và hiện thực hơn nơi chính bản thân họ như vậy. Vì, nếu Chúa Kitô thực sự ngự trong lòng chúng ta bởi đức tin (x Eph 3:17), thì việc “tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria”, tức bằng việc chúng ta long trọng, ý thức và chủ động cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của chúng ta, một đức tin phản ảnh đức tin của Mẹ Maria và cùng với đức tin của Mẹ Maria, không phải là chúng ta làm cho sự sống của Chúa Kitô tỏ hiện nơi chúng ta (x 2Cor 4:10) mỗi ngày một hơn hay sao?!

Như thế, tuy Kinh Mân Côi, tự bản chất, không phải là Kinh Phụng Vụ được Giáo Hội công nhận, nhưng cũng có tính chất phụng vụ, ở tác động “tưởng niệm”, “làm mà nhớ đến Thày”, cũng như ở tác dụng hiện thực Mầu Nhiệm Đức Tin, Mầu Nhiệm Chúa Kitô, dù chỉ hiện thực một cách linh thiêng về tu đức, nhưng lại là một hiện thực chứng từ cần thiết cho việc hoạt động tông đồ truyền giáo, hoa trái của hiện thực phụng vụ. Thật vậy, việc ý thức và chủ động cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin nơi Phụng Vụ hay qua việc cầu Kinh Mân Côi đều phát sinh hoa trái thánh thiện nơi chính bản thân Kitô hữu cũng như nơi môi trường sống của Kitô hữu, vì ở đâu và lúc nào Kitô hữu sống đức tin cũng chẳng khác gì như trường hợp Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm thứ hai Mùa Vui, mầu nhiệm Mẹ cưu mang Lời Nhập Thể đến thăm gia đình của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và mang lại ân phúc cho toàn thể gia đình 3 người này. Mầu nhiệm Mẹ Maria cưu mang Lời Nhập Thể đi thăm viếng gia đình Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đây là tiêu biểu hiển nhiên nhất và sống động nhất cho đời sống nội tâm và tông đồ của Kitô hữu, một đời sống nội tâm phải làm cho linh hồn hăng say làm việc tông đồ, và ngược lại việc tông đồ là hoa trái phong phú của một đời sống nội tâm liên lỉ kết hiệp với nguồn sống là Chúa Kitô.

Tóm lại, Kinh Mân Côi bao gồm hai yếu tố làm nên Kitô giáo là Mạc Khải Thần Linh và Đức Tin Đáp Ứng. Yếu tố Mạc Khải Thần Linh nơi Kinh Mân Côi được gồm tóm trong Mầu Nhiệm Mân Côi, với Lời Nhập Thể là một Chúa Kitô Giáng Sinh, Ánh Sáng, Tử Giá và Phục Sinh. Yếu tố Đức Tin Đáp Ứng nơi Kinh Mân Côi được chất chứa nơi Kinh Kính Mừng, với hình ảnh Mẹ Maria đầy ơn phúc, tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu việc lần hạt Mân Côi bao gồm cả khẩu nguyện là tác động miệng lưỡi đọc Kinh Kính Mừng về Mẹ, lẫn tâm nguyện là tác động tâm trí chiêm ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi về Chúa, thì Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi tuyệt hảo nhất và hiệu nghiệm nhất đó là chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô bằng ánh mắt Mẹ Maria và tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim Mẹ Maria.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa, 27/6/2003
 

Kitô hữu bị bách hại năm 2002

Cơ quan Viện Trợ cho Giáo Hội bị Thiếu Thốn (CAN: Aid to the Church in Need) hôm Thứ Năm 26/6/2003 đã phổ biến bản tường trình thứ năm về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Theo bản tường trình này, Bản Tường Trình về Tự Do Tôn Giáo trên Thế Giới 2003 dầy 455 trang thì nguyên trong năm 2002 có 938 Kitô hữu bị sát hại vì đức tin, 629 người bị thương và 100.345 bị giam nhốt cũng vì đức tin.

Vị giám đốc của cơ quan Ý quốc này là ông Attilio Tamburrini đã cho biết, “chúng tôi không phải là một ‘tổ chức ân xá quốc tế’ của Công Giáo. Chúng tôi thực hiện công việc làm ở hiện trường, tìm hiểu những thực tại chúng tôi đã từng theo dõi 50 năm qua, nhất là tình trạng kỳ thị mà các người Công giáo và các tín hữu khác phải chịu”. Theo bản tường trình này thì những nơi ngặt nghèo với quyền tự do tôn giáo nhất là ở Nigeria, Sudan, China và Cuba.

Ở Âu Châu có Belarus và Rômania. Tập sách tường trình này đã dành ra 30 trang để nói về tình hình ở Nga liên quan đến những vụ trục xuất hàng giáo sĩ và giáo phẩm Công giáo ngoại quốc trong năm 2002.

Ở Mỹ Châu, bắt đầu là Mễ Tây Cơ, được bản tường trình này cho biết “mối liên hệ giữa Giáo Hội và chính quyền càng ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Tại Colombia có 127 Kitô hữu bị sát hại trong năm 2002. Tại Cuba, 86 Kitô hữu bị cầm tù vì lý do đức tin. Tại Venezuela, trong bài diễn văn ngày 24/2/2002, Tổng Thống Hugo Chávez đã cho Giáo Hội Công Giáo như một thứ ung thư đối với “cuộc cách mạng” của ông.

Ở Á Châu, tại Ấn Độ phong trào quốc gia bảo thủ vận động những đạo luật “chống trở lại” Kitô giáo. Đời sống đạo cũng khó khăn tại Việt Nam, Lào, Myanmar (Burma) và Saudi Arabia. Tại Bắc Hàn có 100 ngàn Kitô hữu bị giam giữ ở các trại tập trung.
 

27/6 Thứ Sáu

Giây Choàng Vai Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh là dấu hiệu hiệp nhất với Giáo Hoàng

Hằng năm, vào ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô 29/6, (năm nay vào Chúa Nhật XIII Thường Niên tới đây), Đức Thánh Cha ban giây choàng vai (pallium) cho các vị tân tổng giám mục giáo tỉnh. Giây choàng vai này là một giây bằng len được thêu 6 cây thánh giá để các vị tổng giám mục giáo tỉnh và giáo hoàng quàng trên vai thòng xuống cả phía trước lẫn phía sau lưng các ngài. Giây choàng vai này tượng trưng cho quyền bính và thể hiện mối liên kết đặc biệt với Đức Giáo Hoàng. Những giây choàng vai này được làm bằng len được xén từ lông các con chiên con do Đức Thánh Cha làm phép vào ngày lễ Thánh Agnes 21/1 hằng năm, vị thánh đã tử đạo năm 350. Những con chiên này được Các Cha Dòng Khổ Tu Trappist nuôi ở Đan Viện Tam Suối và những giây choàng vai mới được làm bởi các Nữ Tu Thánh Cêcilia. Việc làm phép các giây choàng vai này thường được thực hiện ở cư gia của ĐTC với sự tham dự của một số vị, trong đó có hai cha Dòng Trappist và hai viên chức thuộc Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ của ĐTC. Những giây choàng vai mới được ĐTC làm phép hằng năm vào ngày Lễ Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, rồi được để trong một cái hòm ở dưới Bàn Thờ Giải Tội một năm trước khi lấy ra ban cho các vị tổng giám mục giáo tỉnh.

Đức Thánh Cha Phaolô VI, qua văn kiện năm 1978 “De Sacrii Pallii”, đã giới hạn việc sử dụng các giây choàng vai này cho các vị tổng giám mục giáo tỉnh mà thôi. Năm 1984, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã truyền thực hiện việc trao giây choàng vai này cho các vị tổng giám mục giáo tỉnh vào ngày Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô Phaolô hằng năm. Các vị tổng giám mục chỉ đeo giây choàng vai này ở tổng giáo phận của mình vào những ngày và những dịp đặc biệt theo ‘sách phụng vụ’, hay được ấn định bởi Đức Thánh Cha. Trong những cuộc ban giây choàng vai này ở quá khứ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của giây choàng vai này như sau:

“Việc hiệp thông đức tin được thể hiện trong việc long trọng cử hành hôm nay, cũng như qua cử chỉ trao đặt các giây choàng vai linh thánh đầy ý nghĩa này… Giây choàng vai Quí Huynh lãnh nhận hôm nay đây là một biểu lộ cho thấy mối hiệp nhất với Tòa Thánh Phêrô cũng như cho thấy chứng từ hợp với đức tin Kitô giáo cần phải làm nên đặc tính của thừa tác vụ giáo phẩm của Quí Huynh”.
 

Bản Tuyên Cáo của Các Đức Giám Mục Âu Châu về Bản Thảo Hiến Pháp Âu Châu

Hôm Thứ Năm 19/6/2003, Tiểu Ban Điều Hành thuộc Ủy Ban Các Hội Đồng Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu (COMECE: Executive Committee of the Commission of the Bishops' Conferences of the European Community) đã phổ biến một Bản Tuyên Cáo từ Brussels Bỉ Quốc nguyên văn như sau:

“Sau rất nhiều nỗ lực và bàn luận, việc Hội Đồng Âu Châu đã tiến tới chỗ đồng ý về Bản Thảo Thỏa Ước thiết lập Hiến Pháp cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc sửa soạn cho Khối Hiệp Nhất cần phải đương đầu với thách đố của việc mở rộng cũng như cần phải cổ võ công ích ở Âu Châu cũng như trên thế giới. Bởi thế chúng tôi phải đón nhận việc đạt thành đáng kể này, tuy nhiên, cũng muốn bày tỏ một số những ưu tư nghiêm trọng liên quan đến một số điểm.

“Chúng tôi tin rằng sự kiện gia sản tôn giáo của Âu Châu rõ ràng tác động như là một trong những nguồn cảm hứng cho Bản Hiến Pháp này là một tiến bộ đáng kể cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bởi thế, chúng tôi hoan nghênh việc Lời Ngỏ nhìn nhận ‘gia sản về văn hóa, tôn giáo và nhân bản của Âu Châu đã ăn sâu vào đời sống xã hội cái quan niệm của nó về vai trò trọng yếu của con người cùng với những quyền lợi bất khả vi phạm và bất khả cướp đoạt’.

“Bản Hiến Pháp sẽ hình thành nền tảng cho các quyết định sau này về việc lập pháp và qui chế của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bởi thế thật là thích đáng khi các Quốc Gia Hội Viên khách quan chứng tỏ mình tôn trọng các giá trị được phác họa trong Khoản 2. Chúng tôi chấp nhận sự kiện là những giá trị ấy, giá trị ‘tôn trọng phẩm giá con người, quyền tự do, nền dân chủ, sự bình đẳng, qui tắc lề luật và tôn trọng nhân quyền’, cũng như mục tiêu khách quan của Khối Hiệp Nhất được nêu lên ở Khoản 3, mục tiêu “cổ võ hòa bình, những giá trị và niềm hạnh phúc của các dân chúng mình”, cũng là những gì phản ảnh khoa nhân loại học và học thuyết về xã hội của Kitô giáo.

“Việc phác họa hòa hợp với tính cách cá thể pháp lý của Khối Hiệp Nhất này đã củng cố căn tính của nó như là một cộng đồng của các giá trị và là diễn viên trên khấu trường quốc tế. Theo quan điểm của chúng tôi, thì giờ đây cần phải ký bản Hội Nghị Âu Châu về Các Thứ Nhân Quyền và Các Vấn Đề Tự Do Căn Bản là những gì thể hiện như mốc điểm cho việc bảo vệ nhân quyền ở Âu Châu hơn 50 năm qua.

“Việc ghép đoạn Hiến Chương Các Thứ Quyền Lợi Căn Bản vào phần hai của Bản Hiến Pháp này là một bước quan trọng nữa đối với vấn đề củng cố việc bảo vệ quyền lợi của các người công dân trong Khối Hiệp Nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nêu lên một lần nữa một số phần quan trọng không có trong đoạn Hiến Chương này, nhất là vấn đề liên quan đến việc tạo sinh sao bản phi tính dục, đến hôn nhân và gia đình, cũng như đến quyền tự do tôn giáo (xin xem Những Nhận Định của Văn Phòng COMECE về bản thảo Hiến Chương Các Thứ Nhân Quyền Căn Bản của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, ngày 18/10/2000, ở www.comece.org hay từ Văn Phòng COMECE). Bởi thế, chúng tôi hoan hô việc xác nhận là bản Hiến Chương sẽ được áp dụng chỉ cho những qui chế và những hoạt động của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, và như thế sẽ tôn trọng đặc quyền của các Quốc Gia Phần Tử trong việc lập pháp ở những lãnh vực tế nhị này.

“Bản thảo về Tiết VI của Bản Hiến Pháp về Sinh Hoạt Dân Chủ của Khối Hiệp Nhất cần phải giúp cho các người công dân chủ động hơn nữa trong việc tham dự vào tiến trình dân chủ Âu Châu, bằng việc nhìn nhận chiều kích ngang của vấn đề phụ trợ cũng như chiều kích dọc của nó; tức là, những diễn viên khác nhau trong xã hội dân sự có những đặc tính và khả năng khác nhau, những yếu tố cần phải được chú trọng nơi tiến trình dân chủ. Tính cách phức tạp mỗi ngày một hơn của xã hội tân tiến ngày nay lại càng khiến nhu cầu cần phải có những giải pháp mới mẻ cho việc tham dự dân chủ trở nên khẩn trương hơn.

“Chúng tôi đặc biệt hoan hô bản thảo Khoản 51 là khoản bảo đảm việc tôn trọng vị thế của Các Giáo Hội cũng như của các cộng đồng tôn giáo ở các Quốc Gia Hội Viên căn cứ vào những truyền thống hiến định khác nhau của họ. Việc tạo điều kiện cho vấn đề đối thoại cởi mở, rõ ràng và bình thường sẽ cho thấy các giáo hội và cộng đồng tôn giáo không thuộc thẩm quyền dân sự đóng góp đặc biệt vào việc phục vụ toàn thể xã hội Âu Châu.

“Bản thảo cuối cùng về Lời Ngỏ là một cải tiến của bản dự thảo ban đầu do Tiểu Ban của Hội Đồng biên soạn. Việc bỏ đi những chi tiết về Hy Lạp, Rôma và Thời Minh Trí đã điều chỉnh lại điểm không chính xác về lịch sử liên quan đến vấn đề thiếu vắng Kitô giáo. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chi tiết bao gồm việc góp phần của Kitô giáo, một góp phần mà nếu thiếu vắng thì Âu Châu đã không được như ngày hôm nay, vẫn là những gì thiết yếu cần phải có. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng chi tiết về ‘những trách nhiệm đối với Trái Đất’ cũng có vấn đề như thể muốn nhân cách hóa Trái Đất. Cũng thế, việc cho rằng Âu Châu như là một ‘miền đặc biệt cho niềm hy vọng của nhân loại’ đòi phải có điều kiện xứng đáng cho thấy đây là một nhân sinh quan lấy Âu Châu làm chính quá đáng. Cùng với nhiều người công dân đồng châu của mình, chúng tôi cũng tiếp tục nghĩ rằng cần phải bao gồm chi tiết về Thiên Chúa trong bản văn hiếp pháp như một yếu tố bảo đảm cho tự do và phẩm giá con người. Chúng tôi nghĩ rằng việc làm này là việc cần thiết và có thể đạt được mà không gây ra vấn đề kỳ thị bất cứ một ai.

“Hội Đồng này đã phát triển thêm về vấn đề bàn luận đến tương lai của Âu Châu. Cần phải hy vọng là việc này cần phải được tiếp tục. Chúng tôi kêu gọi Những Vị Lãnh Đạo Quốc Gia và Chính Quyền cũng như Cuộc Hội Nghị Liên Chính Phủ tới đây hãy làm sao bảo đảm không để cho mai một đi việc tiến bộ đã được Hội Đồng này thực hiện”.

Ghi chú:

Chủ Tịch COMECE là Đức Giám Mục Josef Homeyer of Hildesheim, Đức quốc. Các vị phó chủ tịch là ĐGM Adriana van Luyn ở Rotterdam, Netherlands, và ĐTGM Hippolyte Simon ở Clermont, Pháp. COMECE là một uỷ ban của Các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo thuộc các quốc gia hội viên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Những Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Hòa Czech Republic, Hungary, Lithuania, Malta, Poland, Slovakia, Slovenia và Switzerland là những phần tử tham dự.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu do Zenit phổ biến Thứ Năm 19/6/2003.

 

26/6 Thứ Năm

ĐTC với các vị Giám Mục Ấn Độ viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên đợt ba về thách đố truyền giáo và đối thoại liên tôn.

Sáng nay, Thứ Năm 26/6/2003, Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị Giám Mục Ấn Độ thuộc các giáo tỉnh Cuttack-Bhubaneswar, Patna và Ranchi, và Ngài tiếp tục nói với các vị về vấn đề truyền bá phúc âm hóa và đối thoại liên tôn, nhất là những trở ngại trong việc thực hiện những công việc này tại Ấn Độ, những vấn đề Ngài đã nói với các vị giám mục hai đợt trước.

Sau khi nhắc lại trách vụ của tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa về việc truyền bá phúc âm hóa, việc “rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật”, ĐTC nói: “Nhưng lại bất hạnh thay thậm chí ngay cả ngày hôm nay đây ở nhiều nơi tại Ấn Độ đã xẩy ra những chướng ngại không đáng làm ngăn trở việc rao giảng Phúc Âm này. Các người công dân của nền dân chủ hiện đại không thể nào lại phải chịu đựng khổ đau vì niềm tin tưởng của mình. Người ta cũng không thể nào lại cảm thấy mình bị bắt buộc phải che giấu tín ngưỡng của mình để hoan hưởng những thứ nhân quyền căn bản, như đực học hành và có công ăn việc làm”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng khó khăn xẩy ra cho “việc truyền bá phúc âm hóa lần đầu tiên”, ở chỗ việc liên lạc tiên khởi vùi những ai chưa hề nghe thấy Phúc Âm “cần thấy nơi tất cả chúng ta một biểu lộ đức tin rõ ràng và khả tín”. Bởi thế, Ngài thúc giục các vị giám mục hãy làm sao để có được “thành phần giáo dân được huấn luyện kỹ càng để trang bị sẵn sàng trở thành các bậc thày dạy đưcùc tin. Đồng thời những quan điểm cá nhân bắt nguồn từ mối liên hệ giai cấp xã hội hay bộ tộc cũng không bao giờ được phép làm mờ đi giáo huấn chân thực của Giáo Hội”.

Về vấn đề đối thoại liên tôn, Đức Thánh Cha nhắc lại là Giáo Hội luôn tôn trọng những nền văn hóa khác nhau cũng như con người thuộc các tôn giáo khác. Ngài nói: “Việc đối thoại liên tôn chẳng những làm tăng thêm sự hiểu biết nhau và tôn trọng nhau, mà còn giúp vào việc phát triển xã hội hợp với các quyền lợi và phẩm giá của tất cả mọi người nữa”. Nhận định là Giáo Hội cũng đang cố gắng “đối thoại” qua các cơ quan của mình, như học đường, bệnh viện và các trạm phát thuốc, Ngài nói: “Tiếc thay, có một số những nỗ lực chân thực nhất của Giáo Hội hướng về việc đối thoại liên tôn ở cấp căn bản nhất đôi khi cũng bị ngăn trở bởi tình trạng không cộng tác của chính quyền cũng như bởi tình trạng gây phiền nhiễu của một số nhóm cực thủ. Ấn Độ đã có những truyền thống lâu dài về việc tôn trọng những khác biệt về tôn giáo”.

Đức Thánh Cha cho các vị giám mục biết rằng Ngài “biết hết sức rõ ràng về những thử thách” các vị phải đương đầu ấy. Ngài chia sẻ với các vị: “Thật là đáng buồn khi thấy công việc của Giáo Hội thường phải nhượng bước bởi trào lưu bộ tộc ở một số phần đất ở Ấn Độ. Có những lúc trào lưu bộ tộc này mạnh mẽ đến nỗi có một cố nhóm thậm chí đã không chịu chấp nhận các vị giám mục và linh mục không thuộc về tộc của họ, bởi đó đã làm cho hoạt động xứng hợp của Giáo Hội vị khập khễnh, và làm cho bản chất chónh yếu của Giáo Hội là hiệp thông bị lu mờ. Không bao giờ được sử dụng những cái khác biệt về bộ tộc và sắc tộc như lý do để loại bỏ một con người mang lời Chúa”.

ĐTC hy vọng rằng các vị giám mục, linh mục và tu sĩ sẽ không mất lòng nhiệt thành trong việc thi hành các thừa tác vụ của mình trước những khốn khó họ phải chịu đựng. “Tôi hy vọng rằng tất cả Quí Huynh sẽ tiếp tục cùng nhau gắn bó hoạt động. Trong các hoàn cảnh của ngày hôm nay lại càng cần phải có những mối liên hệ hỗ tương hơn nữa. Một số những xung khắc khó khăn và đau thương liên quan tới việc điều hành các tổ chức cũng như liên quan đến chủ quyền tài sản đã xẩy ra ở miền của Quí Huynh. Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là bất khả thắng vượt đối với những ai sống Phúc Âm theo tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ”.

Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi

Với vai trò là một người phục vụ giới trẻ thuộc Phong Trào Thiếu Nhi Fatima Liên Đoàn Tổng Giáo Phận Los Angeles, một đàng, tôi cố gắng chia sẻ với các em tất cả những gì tôi nghĩ là cần thiết cho đời sống thiêng liêng của các em, vào mỗi Khóa Tĩnh Huấn 3 ngày hằng năm cuối Tuần Lễ Tạ Ơn, vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng cho chung các Đoàn, cũng như vào những ngày Thứ Bảy hằng tuần tại mỗi đoàn. Ngoài ra, có gì thắc mắc chưa kịp hỏi vào những dịp trên đây, các em còn gửi điện thư cho tôi để hỏi. Về những gì tôi tự động chia sẻ với các em, hay đã đáp ứng những thắc mắc của các em, đều đã được phổ biến trên http:\\www.TNFatima.org, ở mục diễn đàn và vấn đáp. Sau đây là nguyên văn một thắc mắc được gửi qua điện thư về vấn đề suy niệm liên quan đến Kinh Mân Côi của một huynh trưởng nữ.

----- Original Message -----
From: THUY TRAN
To: HailMaryQueen@thoidiemmaria.net
Sent: Wednesday, June 18, 2003 10:17 PM
Subject: What do you do when you meditate?

Anh Tinh,
I hear about meditation alot when it comes to doc kinh Man Coi. How do you meditate the mysteries? Em biet suy niem 15 ngam la tot nhung ma em khong hieu lam sao de meditate. I mean, how do you start a meditation? What do you do in a meditation? I guess I don't know because I don't read enough. I'm sure a lot of our huynh truong and nghia don't really know what it really means to meditate the 15 mysteries.

Thuy


Thúy mến,

Trước hết cám ơn Thúy đã nhiều lần nêu lên các câu hỏi khác nhau để tôi có dịp làm sáng tỏ vấn đề, nhất là để có thể đáp ứng được đúng nhu cầu thiêng liêng thực tế của các em. Thắc mắc của Thúy trong điện thư (email) liên quan đến Tổng Quan Vấn Đề Suy Niệm cũng như đến Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi. Đây là một vấn đề rất hay và hệ trọng, liên quan đến tu đức Kitô giáo nói chung và đến nghệ thuật cầu nguyện cũng như đến tiến trình cầu nguyện của Kitô giáo nói riêng. Bởi thế, vấn đề này cần phải trình bày một cách đầy đủ bao nhiêu có thể, để chẳng những hiểu mà còn có thể áp dụng thực hành nữa.

Tổng Quan Vấn Đề Suy Niệm

Trước hết, chúng ta nên phân biệt một chút giữa suy nghĩ (thinking, reasoning, inquiring, speculative) và suy niệm (meditating). Tác động suy nghĩ và suy niệm khác nhau ở cả về đối tượng (object), mục đích (goal) lẫn nội dung (content) của mình.

Suy nghĩ là tác động tìm hiểu những vấn đề tự nhiên theo khoa học, như suy nghĩ về triết lý, thần học, tâm lý, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, hôn nhân, gia đình v.v. để tìm hiểu tường tận từng vấn đề theo ý nghĩa sâu xa, giá trị đích thực và tác dụng cụ thể của mỗi vấn đề liên quan đến việc thăng tiến cá nhân con người và gia đình con người.

Còn suy niệm, nói chung, thường được hiểu là một tác động đạo đức, tác động tìm hiểu những vấn đề thiêng liêng, liên quan đến niềm tin của mỗi người, như về vấn đề đau khổ, sự chết, đời sau, cứu độ v.v., để nhờ đó có thể nhận thức được rõ ràng ơn gọi làm người đích thực của mình hầu ăn ngay ở lành hơn, hy sinh phục vụ hơn, nhẫn nại chịu đựng hơn.

Tuy nhiên việc suy niệm của Kitô giáo không phải chỉ tập trung vào nguyên tác động suy tư những vấn đề thiêng liêng, những vấn đề của niềm tin, mà còn bao gồm cả tác động cầu nguyện nữa, bằng không, tác động suy niệm ấy cũng chỉ là tác động suy nghĩ về thần linh mà thôi, tương tự như tác động suy nghĩ về những vấn đề khác vậy, chỉ khác nhau ở tính cách của đối tượng, tức thay vì suy nghĩ về vấn đề tự nhiên thì suy nghĩ đến vấn đề siêu nhiên.

Đó là lý do, khi suy niệm về Lời Chúa chẳng hạn, Kitô hữu bao giờ cũng phải kết thúc bằng lời cầu nguyện theo những gì mình vừa suy niệm, chứ không phải chỉ suy xem Lời Chúa dạy có ý nghĩa gì, cần phải áp dụng vào đời sống ra sao, và mình đã sống Lời Chúa dạy tới đâu v.v., rồi thôi. Nếu chấm dứt ở đây, nghĩa là chỉ suy nghĩ về Lời Chúa hay tìm hiểu Lời Chúa mà không cầu nguyện sau đó, thì chẳng khác gì hạt giống rơi trên vệ đường, sỏi đá hay bụi gai, sẽ không bao giờ và không thể nào sinh hoa kết trái như hạt rơi vào chỗ đất tốt (x Mt 13:4-8).

Một thí dụ điển hình nữa cho thấy tác động suy niệm của Kitô hữu là tác động bao giờ cũng gồm cả tác động cầu nguyện được tìm thấy ở nơi các ngắm Mân Côi, vì ở phần cuối của mỗi ngắm đều có một lời cầu xin. Chẳng hạn: “Thứ năm thì ngắm, Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá, ta hãy xin cho được đóng đanh xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Qua ngắm thứ năm Mùa Thương này, cũng như các ngắm khác theo kiểu Việt Nam (vì kiểu Mỹ không hề đề cập đến phần thứ hai), chúng ta thấy rõ có hai phần rõ rệt, phần nhất là phần suy niệm, hay suy “ngắm” cũng vậy, suy ngắm “Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá” và phần thứ hai là phần cầu nguyện, hay cầu “xin” cũng thế, cầu xin “cho được đóng đanh xác thịt vào Thánh Giá Chúa”.

Như thế, việc suy niệm của Kitô giáo là tác động suy nghĩ và cầu nguyện, suy trước cầu sau, đúng hơn, suy nghĩ để cầu nguyện. Tự bản chất của mình ấy, suy niệm thực sự là khởi điểm của việc cầu nguyện, là cửa ngõ đi vào đời sống cầu nguyện, là bậc cầu nguyện thứ nhất trong ba bậc cầu nguyện của Kitô giáo: suy niệm (meditation), chiêm niệm (contemplation) và thần hiệp (union).

Thật vậy, cầu nguyện không phải là một việc tầm thường mà là cả một nghệ thuật và là một tiến trình, chẳng những vượt trên tất cả mọi nghệ thuật và tiến trình trên đời này, kể cả nghệ thuật giáo dục và tiến trình thành nhân là những gì vốn khó khăn nhất, tinh tế nhất và linh thiêng nhất, mà còn là việc liên hệ đến phần rỗi đời đời của Kitô hữu nữa. Bởi vì, cầu nguyện chính là tác động linh hồn giao tiếp với “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24), trước hết bằng trí khôn hướng về Chúa qua việc suy niệm, để linh hồn mỗi ngày một ý thức niềm tin của mình, từ từ đi đến chỗ lòng muốn của họ thực sự cảm nghiệm thần linh, một cảm nghiệm là bản chất của việc chiêm niệm, làm cho họ luôn khao khát Chúa, nhờ đó, nhờ khả năng chiêm niệm hay cảm nghiệm thần linh này, nhờ lòng muốn luôn khát khát Chúa ấy, sự sống của linh hồn sẵn sàng đáp ứng trọn vẹn tất cả những tác động thần linh, những đòi hỏi thần linh, những giới luật thần linh, ở mọi nơi và trong mọi lúc, tức là linh hồn chiêm niệm tiến tới tuyệt đỉnh của đời sống cầu nguyện, cũng chính là tầm mức thánh thiện, đó là tầm mức được nên một với thần linh, với Thiên Chúa, hay được thần hiệp.

Tuy nhiên, để biết chắc chắn linh hồn đã thực sự đạt đến bậc cầu nguyện thượng thặng này, đạt đến độ “các con ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 15:5) thì phải xem họ có “sinh muôn vàn hoa trái” chứng nhân tông đồ hay chăng; nếu không, đời sống cầu nguyện của họ, dù sốt sắng đến đâu, đến xuất thần ngất trí, thậm chí có lên tới tầng trời thứ ba như Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô (x 2Cor 12:2), cũng chẳng khác gì như tình trạng của một người có đủ mọi ơn lạ phi thường xuất chúng mà không có đức mến cũng chỉ là hư không (x 1Cor 13:1-3), hay như tình trạng của một cây vả xum xuê hoa lá cành nhưng không có trái, đáng bị nguyền rủa (x Mt 21:18-19), hoặc như người con cả ở nhà với cha, không hề trái lệnh cha bao giờ mà vẫn là đứa con hoang đàng chẳng hiểu cha gì hết (x Lk 15:29,31).

Sau đây là tóm lược bản chất và tiến trình cầu nguyện theo tu đức Kitô giáo:

Cầu nguyện là tác động giao tiếp thần linh

1) Qua việc suy niệm bằng trí khôn (Ý thức – đức tin);
2) Qua việc chiêm niệm bằng lòng muốn (Khao khát – đức cậy);
3) Qua việc thần hiệp bằng sự sống (Mật thiết – đức mến).

Linh hồn thần hiệp đạt đến tầm vóc Chúa Kitô, phản ảnh Ngài như một nhân chứng sống động

Linh hồn càng tiến sâu vào đời sống cầu nguyện linh hồn càng thấy mình trở thành những con người “tôn thờ đích thực”, những người tôn thờ Thiên Chúa “trong Thần Linh và chân lý” (x. Jn 4:23-24), được thể hiện qua việc cầu nguyện một cách đơn giản hơn và thanh thoát hơn.

Đơn giản hơn, ở chỗ, họ không cần “lảm nhảm” và không còn “nhiều lời” nữa (x Mt 6:7), như khi họ mới bước vào đời sống thiêng liêng, đời sống cầu nguyện, lúc mà, ở vào trình độ cầu nguyện bấy giờ, họ cảm thấy họ cần phải đọc hết kinh này đến kinh kia, đọc đủ bộ những gì họ nghĩ là cần thiết họ mới yên tâm, mới xong từng lần cầu nguyện. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là một khi lên đến bậc cầu nguyện cao thì không cần hay không còn khẩu nguyện nữa, song khẩu nguyện bấy giờ đối với họ không phải là đường lối, là phương tiện để họ đến với Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa, trái lại, là bày tỏ nỗi lòng khao khát thần linh của họ, thể hiện tất cả ý thức đức tin của họ. Có thể nói, khẩu nguyện của những linh hồn đã tiến cao trong đời sống cầu nguyện là “những lời than khôn tả” (Rm 8:26), những lời than phản ảnh Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu (x Mt 6:9-13) hay Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria (x Lk 1:46-55), những lời than rất đơn sơ nhưng hết sức sâu xa và gồm tóm tất cả mọi sự, những lời cần phải lập đi lập lại nhiều lần như Kinh Kính Mừng, hay như lời tuyên xưng ba lần của Tông Đồ Phêrô bên bờ hồ Tibêria trước Đấng Phục Sinh: “Lạy Thày, Thày quá rõ con yêu mến Thày” (Jn 20:15-17).

Thanh thoát hơn ở chỗ họ chẳng những không còn bị chi phối bởi các lời lẽ cầu nguyện nữa mà cũng không còn bị giới hạn bởi hoàn cảnh thuận tiện liên quan đến nơi chốn hay thời gian cầu nguyện nữa, vì đối với linh hồn đã lên đến bậc cầu nguyện cao, đã thực lòng khao khát Thiên Chúa, đến nỗi chỉ có một mình Ngài mới là tất cả mọi sự của họ và cho họ, tức đến nỗi họ thực sự cảm thấy họ không thể nào sống mà không có Ngài, thì lúc nào họ cũng có thể giao tiếp với Thiên Chúa, cũng có thể cầu nguyện. Đối với họ, với linh hồn liên lỉ giao tiếp với Thiên Chúa bằng lòng khao khát thần linh, thì không còn khoảng cách giữa cầu nguyện và hoạt động. Đang hoạt động, nếu cần phải tạm ngưng ngay để tham dự tức thời vào giờ cầu nguyện chung, như tham dự buổi đọc kinh hay tham dự Phụng Vụ, họ vẫn giữ được tâm hồn bằng an, không cần phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp của việc trấn an tâm hồn, lắng đọng ý thức, mới có thể phần nào tránh khỏi tình trạng bị lo ra chia trí trong khi cầu nguyện. Thậm chí càng bận rộn làm việc, càng bị thử thách đau khổ, họ lại càng gắn bó với Thiên Chúa hơn, lại càng được dịp để bày tỏ, để thể hiện lòng họ chỉ muốn sống cho Ngài, Đấng đã yêu thế gian đến ban Con Một mình (x Jn 3:16) và không dung tha Con vì họ (x Rm 8:32). Tấm gương cầu nguyện liên lỉ và cầu nguyện vượt thời không (beyond time and place) này được thấy sống động nhất và hiển nhiên nhất nơi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô khi Ngài tuyên bố không gì có thể làm chúng ta, đặc biệt nhất là Ngài, tách khỏi tình yêu Chúa Kitô (x Rm 8:35-39).

(xin xem tiếp phần hai về Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi)

25/6 Thứ Tư

Huấn Từ cho Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần về Đức Phaolô VI và Chuyến Tông Du 101

Thứ Tư tuần này, Đức Thánh Cha lại tạm ngừng loạt bài Giáo Lý Thánh Vịnh (đang tới bài 76 tuần vừa rồi) để nói về Đức Phaolô VI nhân dịp kỷ niệm 40 năm (21/6/1963-2003) vị tiền nhiệm của Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, cũng như để chia sẻ cảm nhận về chuyến tông du 101 của Ngài hôm Chúa Nhật 22/6/2003 vừa rồi.

ĐTC đã nhắc lại giáo triều của vị tiền nhiệm của Ngài kéo dài 15 năm (1963-6/8/1978) “và được đánh dấu một cách đặc biệt với Công Đồng Chung Vaticanô II cũng như bằng việc hết sức hướng về những nhu cầu của thời đại tân tiến”. Đức Thánh Cha cho biết “Tôi cũng được hồng ân dự phần vào hoạt động của Công Đồng này va ụ sống qua giai đoạn hậu công đồng. Bản thân Tôi cảm nhận được việc dấn thân liên lỉ của Đức Phaolô VI cho vấn đề ‘aggiomamento’ tức vấn đề canh tân Giáo Hội theo những đòi hỏi của việc tân truyền bá phúc âm hóa. Là người thừa kế Ngai Tòa Phêrô của Ngài, Tôi mong muốn được tiếp tục việc mục vụ Ngài đã bắt đầu, vị là một ‘người cha’ hay là một ‘bậc thày’ gợi hứng tác động nơi Tôi. Là một vị tông đồ mạnh mẽ và khiêm tốn, Đức Phaolô VI đã yêu mến Giáo Hội và hoạt động cho việc hiệp nhất của Giáo Hội cũng như đẩy mạnh việc hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Nhờ đó mới thực sự hiểu được vấn đề hoạt động mới mẻ của những chuyến tông du ngày nay đã làm nên một phần trọn vẹn của thừa tác vụ Vị Thừa Kế Thánh Phêrô”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh là Đức Phaolô VI “muốn cộng đồng giáo hội phải hướng về thế giới nhưng không chiều theo tinh thần thế gian. Với sự khôn ngoan khéo léo, Ngài biết cách chống lại chiều hướng ‘thoải mái’ của ý hệ tân tiến, bằng việc chịu đựng những khốn khó và hiểu lầm, thậm chí có lúc cả hận thù nữa, bằng sức mạnh của Phúc Âm. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất Ngài cũng không thôi mang lời lẽ ánh sáng của Chúa đến cho Dân Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân giáo triều của Ngài, một giáo triều đã vững vàng và khôn ngoan hướng dẫn Giáo Hội… Trước ánh sáng của đích điểm đời đời của mình, chúng ta mới hiểu được hơn nữa cần phải yêu mến Chúa Kitô và hân hoan phục vụ Giáo Hội biết bao. Xin Mẹ Maria, Vị đã được Đức Phaolô VI lấy lòng con thảo công bố là Mẹ Giáo Hội, xin cho chúng ta ơn này. Va xin Mẹ là Đấng ôm ấp trong vòng tay của mình người con sùng mến này nơi hạnh phúc trường sinh giành cho những ai trung thành phục vụ Phúc Âm”.

Phần cuối của buổi triều kiến, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về chuyến tông du ngoài Rôma ngắn nhất (trong vòng 1 ngày) và nhanh nhất (9 tiếng đồng hồ) của Ngài trong tổng số 101 chuyến tông du, đó là chuyến tông du đến Bosnia-Herzegovina để phong chân phước cho một giáo dân trẻ người bản xứ là Người Tôi Tớ Chúa Ivan Merz, đúng hơn để nhờ hay lợi dụng cuộc phong chân phước này mà đích thân đến tận nơi kêu gọi các sắc tộc của một đất nước hết sức phức tạp về lịch sử và về cơ cấu tổ chức này, một đất nước bởi đó vào thời hầu cộng sản Đông Âu đã trải qua một trận nội chiến “thanh lọc chủng tộc” kéo dài cả nửa thập niên làm tan hoang đất nước nhỏ bé của họ.

“Thiên Chúa quan phòng đã cho phép Tôi thực hiện chuyến tông du mới đến Bosnia-Herzegovina, sáu năm sau cuộc tông du mục vụ của Tôi ở Sarajevo. Đây là một chuyến đi ngắn, nhưng quan trọng và tràn đầy hy vọng cho một xứ sở đã từng trải qua những cuộc xung khắc vừa rồi”. Ngài nhận định là Ngài “cảm thấy được nơi hết mọi người ý muốn thắng vượt những cảm nghiệm đau thương của quá khứ để xây dựng trong chân lý cũng như bằng việc thư tha cho nhau ,ột xã hội xứng đáng với con người và đẹp lòng Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh là “cao điểm của cuộc hành trình này là Thánh Lễ long trọng để phong chân phước cho Ivan Merz, Vị Tôi đã nêu gương cho người Công giáo, nhất là cho giới trẻ, của đất nước này. Tôi xin Thiên Chúa giúp cho các dân tộc của đất nước ấy, nhờ cộng đồng quốc tế hỗ trợ, có thể tiến đến chỗ giải quyết những vấn đề phức tạp vẫn còn đó và hiện thực niềm khát vọng hợp lý muốn sống trong hòa bình và được trở nên thành phần của một Âu Châu hiệp nhất”.
 

Bài Giảng Lễ Phong Chân Phước cho Tôi Tớ Chúa Ivan Merz (1896-1928)

1.     “Các con là ánh sáng thế gian”. Chúa Giêsu lập lại những lời này với chúng ta hôm nay đây, anh chị em thân mến, với cộng đồng phụng vụ chúng ta đây. Những lời ấy không phải chỉ là một lời huấn dụ về luân lý mà thôi. Những lời ấy là một lời công bố về sự kiện cho thấy cái đòi hỏi thiết yếu phát xuất từ việc chấp nhận Phép Rửa.

Nhờ bí tích này, con người được trở nên phần thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô (x Rm 6:3-5). Thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Anh em chịu phép rửa trong Chúa Kitô là anh em mặc lấy Chúa Kitô” (Gal 3:27). Thánh Âu-Quốc-Tinh đã than lên một cách thích đáng là: “Chúng ta hãy hân hoan và tạ ơn, vì chúng ta đã chẳng những trở nên Kitô hữu mà còn trở nên chính Chúa Kitô… Hãy ngất ngây và hoan lạc vì chúng ta đã trở nên Chúa Kitô” ("In Ioann. Evang. Tract." 21:8, CCL 36:216).

Chúa Kitô là “ánh sáng thật đã chiếu soi hết mọi người” (Jn 1:9). Về phần mình, Kitô hữu được kêu gọi để phản ánh Ánh Sáng này, bằng việc theo chân và bắt chước Chúa Giêsu. Vì lý do ấy họ sẽ lắng nghe và suy niệm lời Chúa Kitô, ý thức và chủ động tham dự vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, cũng như thi hành giới luật yêu thương bằng việc phục vụ anh chị em mình, nhất là thành phần bất lực, nghèo nàn và đau khổ.

2. (Lời chào mọi người)

Từ thành phố này, thành phố đánh dấu giai đoạn lịch sử đầy khổ đau và máu đổ, Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng thương đến các tội lỗi do con cái Giáo Hội Công Giáo gây ra phạm đến nhân loại, đến phẩm giá của nhân loại cũng như đến quyền tự do, và nuôi dưỡng nơi tất cả mọi người ước muốn tha thứ cho nhau. Chỉ trong bầu khí thực sự hòa giải mà ký ức của quá nhiều nạn nhân vô tội cùng với sự hy sinh của họ mới không trở thành vô ích, nhưng thôi thúc mọi người xây dựng những mối liên hệ mới của tình huynh đệ và cảm thông.

Ivan Merz (1896-1928)

3.     Anh chị em thân mến, con người công chính, một con người được ánh sáng thần linh bao bọc đã trở thành một ngọn đèn tỏa sáng và sưởi ấm. Đó là những gì chúng ta học được từ con người Ivan Merz.

Là một con người trẻ trung có thiên tài, ngài đã đạt được những tài năng tự nhiên phong phú và thành đạt nhiều về trần gian, có thể nói rằng ngài rất thành công trong đời sống. Thế nhưng đó không phải là lý do tại sao ngài được tuyên phong chân phước hôm nay đây. Cái làm cho ngài thành một trong ca đoàn các Chân Phước là việc ngài thành đạt trước nhan Thiên Chúa. Niềm khao khát thiết tha của cả cuộc đời ngài là “không bao giờ quên Thiên Chúa, luôn mong được nên một với Ngài”. Trong tất cả mọi hoạt động của mình, Ivan Merz tìm cách “xứng đáng vượt bực trong việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô” và để cho Chúa Kitô biến ngài làm của Người (x Phil 3:8,12).

4.     Tại học đường phụng vụ, mạch nguồn và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội (cf. "Sacrosanctum Concilium," 10), Ivan Merz lớn lên cho đến tầm vóc hoàn toàn thành nhân Kitô giáo và trở thành một trong những người cổ động chính về vấn đề canh tân phụng vụ ở tại xứ sở của ngài.

Từ việc tham dự Thánh Lễ và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể Chúa Kitô cũng như từ Lời Chúa, ngài được cảm hứng trở nên tông đồ giới trẻ. Không phải là tự nhiên ngài đã chọn khẩu hiệu “Hy sinh – Thánh Thể – Tông Đồ”. Ý thức ơn gọi lãnh nhận từ Phép Rửa, ngài đã biến cả cuộc đời của mình thành một ‘cuộc chạy đua” đến đích thánh thiện, đến “mức tiêu chuẩn cao” của đời sống Kitô giáo (x “Novo Millennio Ineunte”, 31). Đó là lý do, như Bài Đọc Một viết: “Ký ức về ngài sẽ không biến mất, và tên tuổi của ngài sẽ tồn tại qua muôn thế hệ” (Sir 39:9).

5.     Tên gọi của Ivan Merz trong quá khứ có nghĩa là một chương trình sống và hoạt động đối với cả một thế hệ trẻ Công Giáo. Cả ngày nay nữa tên tuổi này cũng phải mang cùng một ý nghĩa như thế! Anh chị em thân mến, xứ sở của anh chị em và Giáo Hội của anh chị em, đã trải qua những thời điểm khó khăn và giờ đây cần phải cùng nhau hoạt động để cuộc sống ở mọi lãnh vực được thật sự trở lại bình thường. Bởi thế Tôi kêu gọi mỗi người trong anh em; Tôi mời anh chị em đừng lui bước, đừng chiều theo khuynh hướng thất đảm, nhưng hãy tăng thêm hoạt động để làm cho Bosnia-Herzegovina một lần nữa trở thành một mảnh đất hòa giải, gặp gỡ và hòa bình.

Tương lai của mảnh đất này cũng lệ thuộc vào anh chị em nữa! Anh chị em đừng tìm kiếm một đời sống thoải mái hơn nữa ở một nơi nào khác, anh chị em đừng trốn lánh trách nhiệm của mình và chờ những người khác giải quyết các vấn đề, nhưng hãy cương quyết đối chọi với sự dữ bằng quyền lực sự lành.

Như Chân Phước Ivan, anh chị em hãy cố gắng gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô là Đấng chiếu giãi ánh sáng mới cho đời sống. Chớ gì Phúc Âm trở thành lý tưởng cao cả hướng dẫn những đường lối và quyết định của anh chị em! Có thế anh chị em mới trở nên những tay truyền giáo bằng lời nói và việc làm, những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa và là những chứng từ khả tín của sự hiện diện nhân hậu Chúa Kitô. Anh chị em đừng bao giờ quên rằng “không ai thắp đèn mà lại để dưới đáy thùng” (x Mt 5:15).

6. (Lời chúc nguyện kết)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến Chúa Nhật 22/6/2003
 

24/6 Thứ Ba

Lược Sử Bosnia-Herzegovina và Diễn Tiến Chuyến Tông Du 101

Đức Thánh Cha đã đến Bosnia-Herzegovina, một nước thuộc vùng biển Balkan, lần thứ nhất, ở thủ đô Sarajevo ngày 12-13/4/1997. Trước đây nước này là một phần của Cộng Hòa Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa Yugoslavia, nhưng Bosnia đã tuyên bố độc lập vào ngày 9/1/1992. Sau đó ít lâu nội chiến đã bùng nỗ giữa 3 nhóm sắc tộc, Croatia, Bosnian-Muslim và Serb, và chấm dứt nhờ sự can thiệp của lực lượng Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Vào ngày 21/11/1995, Các Hòa Ước Dayton đã chấp thuận việc hội nhập và chủ quyền của Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina, dù vẫn được chia thành hai thực thể khác nhau, mỗi thực thể có quốc hội và chính quyền riêng, đó là Liên Bang Bosnia-Herzegovina (Croatian-Muslim: 50% lãnh thổ) và Cộng Hòa Serbian hay Srpska (49% còn lại).

Liên bang Bosnia-Herzegovina được lãnh đạo bởi 1 vị tổng thống và 1 vị phó tổng thống luân phiên giữa người Croatian và Hồi giáo. Quyền lập pháp thuộc về Quốc Hội bao gồm một Viện Đại Biểu (140 phần tử) và một Viện Nhân Dân (74 phần tử). Cộng Hòa Serbian cũng được lãnh đạo bởi một vị tổng thống và một vị phó tổng thống cùng với Hội Đồng Quốc Gia (140 phần tử). Brcko là một đơn vị quản trị đặc biệt, không thuộc về cả hai chính phủ trên, nhưng thuộc thẩm quyền tài phán của chính phủ trung ương Bosnia-Herzegovina.

Tổng Thống Đoàn của Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina được cấu tạo bởi 3 phần tử do tuyển cử nhiệm kỳ 4 năm, đại diện cho ba nhóm sắc tộc, một vị đại diện sắc tộc Croat, 1 vị Muslim và 1 vị Serb. Mỗi vị tổng thống đóng vai trò chủ tịch của tổng thống đoàn 8 tháng. Quốc hội trung ương được làm nên bởi hai viện, Viện Đại Biểu (42 vị do được trực tiếp tuyển cử, trong đó 2/3 là Croat-Muslim, và 1/3 là Serb), có văn phòng trung ương ở Sarajevo, và Viện Nhân Dân (5 đại biểu được tuyển cử cho mỗi nhóm sắc tộc) hội họp ở Lukavica. Ngành quản trị trung ương được cấu hợp bởi một Hội Đồng Bộ Trưởng do tổng thống đoàn chọn, gồm 6 phần tử, mỗi vị thay nhau giữ vai trò Thủ Tướng 8 tháng.

Thủ đô của Bosnia-Herzegovina là Sarajevo với dân số 360 ngàn người. Banja Luka là thánh phố lớn thứ hai với dân số 143.079 người. Ngôn ngữ của nước này là Serbian-Croatian. Những người Bosnia chiếm 43.7% dân số, Serb 31.4%, Croat 17.3% và các sắc dân khác 7.6%. Những người Hồi giáo thuộc phái Sunni chiếm 43% dân số, Chính Thống 30%, Công giáo 11.3% và các tôn giáo khác 15%.

Sau chuyến bay gần 90 phút, ĐTC đã tới nước này vào lúc 9:40 sáng ở phi trường quốc tế Banja Luka. Ngài đã được cả thẩm quyền đạo đời nghênh đón, sau đó Ngài đã gặp tổng thống đoàn nước này cũng tại phi trường, rồi Ngài dùng chiếc giáo hoàng xa về nữ tu viện Ba Ngôi Cực Thánh ở Petricevac Hill để cử hành Lễ phong chân phước cho Người Tôi Tớ Chúa là Ivan Merz trước sự hiện diện của 50 ngàn người, trong đó có cả tổng thống đoàn Bosnia-Herzegovina, tổng thống Serbian Republic of Bosnia, các vị chức sắc về chính trị và dân sự, ĐHY Vinko Puljic, TGM Vshbosna và các vị giám mục Bosnia. Bài Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Ukrainian vì có đông người Công giáo thuộc lễ nghi Byzantine, sinh ở Ukraine, sống ở miền Banja Luka. Sau lễ phong chân phước, ĐTC ban huấn từ và nguyện Kinh Truyền Tin như ở Rôma. Sau đó, Ngài về cư gia giám mục ở Banja Luka để dùng bữa trưa vơiùi các vị giám mục nước này cùng với phái đoàn tùy tùng của Ngài. Vào lúc 5 giờ 30 chiều, tại cư gia giám mục, Ngài đã gặp riêng hai vị Tổng Thống Dragan Cavic thuộc Serb Republic và Niko Lozancic thuộc Federation of Bosnia-Herzegovina. Sau đó Ngài gặp Hội Đồng Liên Tôn Bosnia-Herzegovina bao gồm ĐTGM Chính Thống, ĐTGM Công Giáo, vị lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo và vị chủ tịch cộng đồng Do Thái Giáo. Trong hội đồng liên tôn này, mỗi tôn giáo giữ vai trò chủ tịch một năm, năm 2003 vị chủ tịch là Do Thái giáo. Vào lúc 6 giờ 30 chiều Ngài đã đến thăm Vương Cung Thánh Đường Banja Luka ở trong các khu vườn của cư gia giám mục. Vương cung thánh đường này mang tên Thánh Bonaventura, quan thày của Banja Luka, vương cung thánh đường cũ đã bị hoàn toàn hủy hoại bởi trận động đất năm 1969 và ngôi vương cung thánh đường mơiùi đã được xây lại sau đó 4 năm. Sau đó, Ngài đã ra phi trường, chào giã biệt và về đến Rôma sau 9 giờ tối một chút, hoàn tất chuyến tông du 101.

Sau khi ĐTC rời đất nước được Ngài viếng thăm trong chuyến tông du 101 của Ngài, Tổng Thống Dragan Cavic thuộc Cộng Hòa Srpska nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II cuối tuần vừa qua ở Bosnia-Herzegovina có một “tầm vóc hết sức quan trọng” vì sứ điệp hòa bình và hòa giải của chuyến viếng thăm này: “Có lẽ đây là sứ điệp hòa bình mạnh mẽ nhất từ mảnh đất này gửi cho thế giới. Nơi xứ sở này, sau những năm chiến tranh, rất cần đến những sứ điệp hòa bình mạnh mẽ, dĩ nhiên, những sứ điệp này có thể phát xuất từ các vị lãnh đạo của các giáo hội ở Bosnia-Herzegovina. Dân chúng Serbian đang sống ở miền này có khuynh hướng chán nản sau cuộc xung đột chúng tôi đã trải qua. Tôi tin rằng những người Serbian, cùng với những người Croat và Hồi giáo, sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc viếng thăm này”.
 

Giải giới Iraq: vẫn cứ lẩn quẩn

Nhóm chuyên viên Hoa Kỳ truy lùng các thứ vũ khí đại công phá của Iraq cho đến nay, sau cả hai tháng trời hậu chiến, vẫn chưa tìm ra một dấu vết nào của những cái được gọi là lý do chính đáng cho lực lượng liên minh Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc dám cương quyết qua mặt Liên Hiệp Quốc và bất chấp công pháp để đơn phương tự động tấn công Iraq hầu có thể giải giới nhà độc tài Saddam Hussein, nhờ đó cứu vãn Trung Đông và thế giới (nhất là Hoa Kỳ) khỏi bị nhà độc tài hung ác này tấn công bất ngờ.

Cho đến hôm Thứ Hai 9/6/2003, Tổng Thống Bush vẫn còn “tuyệt đối tin tưởng” rằng “Iraq đã có một chương trình chế tạo các loại vũ khí. Tình báo đã cho thấy trong suốt cả một thập niên họ đã có chương trình chế tạo các loại vũ khí này”. Vì thiếu những chứng cớ nên chính phủ Bush đang phải đương đầu với những thắc mắc và chỉ trích, nhất là vấn đề cần phải điều tra lại các thứ hồ sơ tình báo trước khi xẩy ra cuộc chiến xem có chính xác hay chăng hoặc có vấn đề gì mờ ám trong đó.

Thượng Nghị Sĩ Carl Levin là phần tử của Tiểu Ban Tình Báo Thượng Viện đã nói CNN rằng cộng động tình báo Hoa Kỳ đã cố ý quanh quéo trong vấn đề tình báo để chiếm được việc ủng hộ đối với cuộc chiến đánh Iraq. Bản tường trình tổng kết tháng 9/2002 của Cơ Quan Tình Báo Phòng Vệ DIA (Defense Intelligence Agency), ngành tình báo về quân đội của Ngũ Giác Đài, đã cho biết là “không có một tín liệu nào khả tín về việc Iraq sản xuất và chất chứa các thứ vũ khí hóa chất cả”.

Hôm Chúa Nhật 8/6/2003, qua những buổi nói chuyện ban sáng với đài truyền hình Fox News trong chương trình Fox News Sunday, Bộ Trưởng Nội Vụ Powell và cố vấn an ninh quốc gia Rice vẫn cương quyết là các tín liệu tình báo rất chính xác và đáng tin. Riêng Bộ Trưởng Nội Vụ Powell đã phải dẫn chứng lý do tại sao ông dứt khoát tin tưởng vào các tín liệu tình báo ông đã trình bày trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong khi hội đồng này còn giằng co về việc tấn công Iraq: “Trong việc tôi trình bày trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi đã bỏ ra 4 ngày đêm ở Cơ Quan Tình Báo CIA để coi lại tất cả vấn đề tình báo hầu nắm chắc là những gì tôi đã trình bày là vững chắc, khả tín, tiêu biểu cho các quan điểm của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và tôi vẫn an tâm về việc trình bày này”. Về vấn đề bản tường trình 9/2002, ông Powell cho biết bản này không chỉ nói như trên đây, song còn nói tiếp rằng: “các thứ vũ khí hóa chất đã được phân tán ra các đơn vị”. Bà Rice cho biết chính phủ Bush hoan nghênh và cộng tác với bất cứ cuộc điều tra nào của Quốc Hội về vấn đề tình báo này. Một số thượng nghị sĩ, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra ấy. Thượng Nghị Sĩ Carl Levin thuộc Tiểu Ban Quân Sự Thượng Viện đã nói về vấn đề này vào dịp “Meet the Pree” là: “Nếu tình báo của chúng ta quanh quéo hay che đậy hoặc quá đáng một cách nào đó thì rất ư là nguy hiểm cho chúng ta, nhất là khi chúng ta sau này phải cứu xét đến những thứ đe dọa khác”.
 

“Lộ Trình Trung Đông”: vẫn cứ trằn trọc

Trước tình hình càng ngày càng căng thẳng và bế tắc trước Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông do mình phác họa, Nhóm Tứ Tượng Mỹ, Nga, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Liên Hiệp Quốc lại ngồi lại với nhau ở Jordan hôm Chúa Nhật 22/6/2003 để xét lại vấn đề và tìm ngõ thoát.

Vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc là Terje Roed-Larsen đã nói với CNN rằng: “Giờ đây phải cố gắng đi tới một hợp đồng như là bước khởi đầu để các người Do Thái rút khỏi Gaza và Bêlem về lãnh vực quân đội. Còn một số những chướng ngại cần phải được giải quyết”. Theo nhận định của ông này thì nếu đảng Hamas “đồng ý trở thành một đảng phái chính trị”, loại trừ khủng bố và “giải giới để Thẩm Quyền Palestine được toàn quyền kiểm soát bất cứ loại vũ khí nào, thì tôi thấy rằng không còn lý do nào đảng Hamas không trở thành một phần của cộng đồng chính trị Palestine”.

Sau cuộc họp của khối Tứ Tượng Trung Đông, bộ trưởng nội vụ Powell cho báo chí biết rằng: “Chúng tôi cần phải tiếp tục tiến tới. Tôi tiếc rằng chúng ta tiếp tục cảm thấy mình bị rơi vào tình trạng hành động và phản động này”.

Ngoại trưởng Hy Lạp George Papandreou, nước đang tới phiên làm chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cho biết: “Cộng đồng quốc tế cần phải hiệp nhất với nhau để hoạt động cho hòa bình. Chúng tôi xin nói rằng chúng tôi sẽ không để cho tiến trình này có thể bị mai một đi, và để cho những ai đang cố gắng làm mai một đi ý muốn chính trị của cộng đồng quốc tế. Đây là một cơ hội lịch sử. Chúng ta cần phải lợi dụng thời cơ và chúng tôi cương quyết đến đây là để hỗ trợ”.

Cuộc họp báo trên đây diễn ra sau mấy tiếng đồng hồ xẩy ra vụ lực lượng Do Thái bắn chết hai người Palestine, trong đó có Abdullah Kawasme, phần tử cao cấp của đảng Hamas, người được lực lượng Do Thái truy lùng sát nút và cố gắng tẩu thoát khỏi bị phe Do Thái bắt ở Hebron vùng Tây Ngạn. Một phụ tá cao cấp của Thủ Tướng Sharon là Ra’anan Gissin cho biết “chúng tôi không cố sát hại hắn. Chúng tôi muốn bắt giữ hắn”, người phải trực tiếp chịu trách nhiệm về 25 mạng người Do Thái và gián tiếp chịu trách nhiệm về 25 mạng khác, kể cả cuộc ôm bom tự sát ngày 11/6 trên chuyến xe buýt ở trung tâm Giêrusalem làm thiệt mạng 17 người Do Thái và 70 người bị thương. Ông phụ tá này còn nói việc sát hại là chính đáng “khi chúng tôi phải đương đầu với những thứ bom căn giờ hay với những kẻ đặt những thứ bom tíc tắc nổ tung này”. Nếu không đương đầu với tên Kawasme thì “chúng tôi sẽ bị tai nạn nữa”.

Về phía Palestine thì cho việc sát hại là một phần thuộc qui chế sát sinh của Do Thái đối với các chiến đấu quân Palestine. Thượng Lượng Viên Palestine Nabil Shaath đã gọi cuảc tấn công ấy là “ghê tởm”, “nó nhắc nhở dân chúng về hết mọi sự chiếm cứ bị chúng tôi vốn đã thù ghét. Đây là lúc phải chấm dứt điều ấy. Đây là thời gian phải chấm dứt tất cả mọi cuộc sát sinh cũng như tất cả mọi bạo loạn cùng tất cả mọi thứ khủng bố của các phe”.

Một tay cao cấp của đảng Hamas là Abdel Aziz Rantissi, người sống sót bị Do Thái sát hại hai tuần trước, đã nói rằng phải rửa hận cho cái chết của Kawasme. Tay này còn nói đảng Hamas vẫn còn đang cứu xét về đề nghị dứt chiến của Thủ Tướng Abbas biệt danh là Abu Mazen: “Cho tới lúc này đây chúng tôi vẫn chưa đi đến chỗ quyết định, nhưng chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ trả lời Abu Mazen trong những ngày tới đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với những người Palestine như thể không có cuộc khủng bố của người Do Thái, và chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự khủng bố như thể không có vấn đề đối thoại với những người Palestine”.

Bộ Trưởng Thông Tin Palestine Nabil Amr đã nói hôm Thứ Bảy 21/6 là “chúng tôi sẵn sàng chiếm lại tất cả những lãnh địa mà người Do Thái rút quân”. Tuy nhiên, để Do Thái có thể rút quân, phe Palestine cũng phải thôi khủng bố. Đó là vần đề phe Palestine đang tìm cách giải quyết. Thực sự hôm Thứ Ba 17/6 đã có những cuộc họp giữa Thủ Tướng Palestine Mahmoud Abbas và các đại diện của đảng Hamas, của nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo và của nhóm Al Aqsa Martyrs Brigades, nhưng những người đại diện này cuối cùng cho biết họ cần thêm giờ để cứu xét việc tiến thoái của họ, nhưng họ vẫn nhất định lập lại ý định của họ là trước khi họ chấm dứt các cuộc tấn công Do Thái, Do Thái phải chấm dứt chương trình hạ sát những tay lãnh đạo chiến đấu quân của họ.

Phần Thủ Tướng Do Thái Sharon hôm Thứ Hai 16/6 đã nói các nhà lập luật ở Knesset rằng Do Thái sẽ “cương quyết đương đầu với bất cứ hình thức khủng bố nào cho đến khi chúng ta làm chủ tình thế. Sẽ không có vấn đề nhân nhượng gì hết một khi đụng đến nền an ninh của Do Thái. Không thể nào đạt tới một thứ dàn xếp về ngoại giao, chứ chưa thực sự là hiệp định hòa bình, khi mà nạn khủng bố đang còn náo loạn”. Thủ Tướng Sharon còn cho biết Thẩm Quyền Palestine đã tiến đến chỗ cương quyết với nạn khủng bố, thế nhưng “cuộc chiến tranh trọn vẹn của người Palestine đối với lực lượng khủng bố tự vệ là ở chỗ hoàn toàn giải tỏa lực lượng này”.

Cũng vào ngày Thứ Hai, trước khi Thủ Tướng Abbas tới gặp nhóm chiến đấu quân Palestine mấy tiếng thì phái đoàn đại biểu Ai Cập đã rời Gaza sau khi không thuyết phục được đảng Hamas chấm dứt chiến đấu. Nhóm Hamas và Thánh Chiến Quân Hồi Giáo đã nói rằng họ có thể nghĩ đến vấn đề tạm đình chiến chỉ khi nào phe Do Thái cho thấy một cách cụ thể việc phe này rút quân khỏi những miền Tây Ngạn và Gaza cũng như thôi tấn công các chiến đấu quân cao cấp.

Còn phe Do Thái lại nói rằng Do Thái sẽ không sẵn sàng trao lại quyền kiểm soát an ninh cho Thẩm Quyền Palestine nếu đảng Hamas không chịu ngừng chiến. Phe Do Thái thấy rằng cuộc thứ thách bây giờ cần phải giải quyết đối với Thủ Tướng Abbas là làm sao để tất cả mọi lực lượng Palestine hợp lại với nhau thành một lực lượng an ninh duy nhất đó là Thẩm Quyền Palestine, và làm sao để các lực lượng chiến đấu quân chẳng những sẵn sàng bỏ khí giới xuống mà còn giải giới nữa.

 

23/6 Thứ Hai

Hiện Trường Chuyến Tông Du 101 của ĐTC Gioan Phaolô II ở Banja Luka Bosnia-Herzegovina.

Trước cuộc nội chiến liên quan đến các sắc tộc của nước này thì ở Banja Luka, một thành phố hầu hết là người Serb theo Chính Thống giáo, có chừng 30 ngàn người Công giáo Croat. Ngày nay có chừng 2 ngàn người đã trở về. Những người Serb chống lại chuyến tông du của ĐTC với biểu ngữ “Giáo Hoàng về đi”, vì họ chống lại việc Giáo Hội trong thời Thế Chiến Thứ Hai giải quyết cuộc xung khắc giữa những người Serb theo Chính Thống Giáo và quốc gia của người Croat theo Đức Quốc Xã đang nắm quyền bính trong vùng ấy bấy giờ. Người ta nghĩ rằng vị giáo hoàng này sẽ ngỏ lời xin lỗi vì một vị linh mục Công giáo trong thời chiến đã dâng lễ cho những người lính Ustashe mà vị linh mục này biết rằng họ đã tàn sát các thường dân người Serb. Vào năm 1942 có một vị linh mục ở Petricevac đã dẫn những người Croat theo đức quốc xã trang bị dao phay đến một làng lân cận chém chết 2300 người Serb, trong đó có 500 phụ nữ và trẻ em.

“Từ thành phố này, thành phố đánh dấu giai đoạn lịch sử đầy khổ đau và máu đổ, Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng thương đến các tội lỗi phạm đến nhân loại, đến phẩm giá của nhân loại và đến quyền tự do do con cái Giáo Hội Công Giáo gây ra”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cả các phần tử người Serb, Croat và Hồi Giáo cùng với phái đoàn tổng thống nghênh đón ở phi trường cách Rôma 50 phút bay. Vị Giáo Hoàng này đã mở lời bằng tiếng Serbian với đất nước này như sau: “Tôi biết cuộc thử thách lâu dài anh chị em đã phải chịu đựng, gánh nặng khổ đau đã là phần đời hằng ngày của cuộc sống anh chị em. Anh chị em đừng bỏ cuộc. Chắc chắn là vấn đề bắt đầu lại không dễ dàng gì. Nó đòi phải hy sinh và kiên trì nếu xã hội muốn có một bộ mặt nhân loại thực sự và hết mọi người phải tin tưởng hướng đến tương lai. Cần phải tái thiết con người từ bên trong, chữa lành các vết thương và đạt được cuộc thanh tẩy thực sự ký ức bằng việc thứ tha cho nhau. Căn gốc của mọi sự thiện, và buồn thay, của mọi sự dữ, đều ở tận thâm tâm con người. Chính ở nơi đó mới có đổi thay”.

Địa điểm dâng lễ là đan viện Petriceva. Đan viện này đã bị những tay phá hoại người Serb làm nổ tung vào năm 1995, giai đoạn gần kết thúc cuộc chiến tranh tan hoang 3 năm rưỡi trời, một cuộc chiến đã làm thiệt 250 ngàn mạng người và biến 1.8 triệu dân thành kẻ tị nạn. Đức Giáo Hoàng đã phong chân phước cho Ivan Merz, một thần học gia Công giáo khấn sống độc thân và hiến thân phục vụ Giáo Hội ở thập niên 1900.

Ông Zoran Djeric, bộ trưởng nội vụ Bosnian Serb đã cho AP biết rằng cuộc viếng thăm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “một sứ điệp mãnh liệt nói với công chúng ở Bosnia-Herzegovina, cho miền này, cho Âu Châu cũng như cho thế giới là chúng ta đang tiến đến một lộ trình mới. Một làn gió mới thoang thoảng ở nơi đây. Chúng tôi sẵn sàng cho việc hội nhập của chúng tôi sau này để thực sự trở thành một phần của Âu Châu… Những thời gian xấu và con người xấu đã đi vào lịch sử”.

Mặc dù gần 1 triệu người tị nạn chưa trở về chốn cũ của mình trước khi xẩy ra cuộc chiến, nhưng càng có nhiều người Bosnia nói rằng họ cảm thấy an toàn sống như những thành phần thiểu số về sắc tộc. Cụ Stefka Topic 80 tuổi, một người Croat hồi hương đã cho biết: “Đây là niềm hạnh phúc duy nhất trong đời tôi, niềm vui duiy nhất của tôi. Chẳng mấy chốc tôi sẽ ra trước nhan Thiên Chúa. Tôi trở về sung sướng vì tôi biết rằng Banja Luka sau cuộc biến động này sẽ là một nơi thánh”.

Các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu chấp thuận bản sơ thảo Hiếp Pháp Âu Châu thế nhưng…

Hôm Thứ Sáu 20/6/2003, tại khu trù mật ven biển Porto Carras Hy Lạp, trong khi bên ngoài cả hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình đến trở thành bạo động thì bên trong là một cuộc họp thượng đỉnh của các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu (gồm 15 quốc gia hội viên và 10 nước ứng viên) về bản sơ thảo Hiến Pháp Âu Châu.

Theo chiều hướng chung thì không nước nào muốn mất chủ quyền trong Khối này cả. Chẳng hạn Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair, người đã thề không bỏ “các thứ quyền làm chủ” của Hiệp Vương Quốc: “Vấn đề quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi là minh nhiên nhìn nhận rằng điều chúng tôi muốn là một Âu Châu của các quốc gia chứ không phải là một siêu quốc liên bang”. Ngoại Trưởng Đức Joschka Fischer cho biết bản thảo ấy “đã cân bằng những lợi lộc của cả các quốc gia lớn cũng như nhỏ”. Thủ Tướng Hy Lạp Costas Simitis, chủ sự cuộc họp thượng đỉnh này, đã gọi bản sơ thảo là “một dung hòa giúp công việc có thể thực hiện”.

Nguyên Tổng Thống Pháp là Valery Giscard d’Estaing, chủ tịch hội đồng hiến pháp, đã trình bày cho các nhà lãnh đạo trong khối này bản sơ thảo hiến pháp. Tây Ban Nha, Balan, các Nước Bắc Âu và những nước khác bác bỏ lời ngỏ của bản thảo vì không đề cập đến Thiên Chúa như quyền năng tối hậu hay đến Kitô giáo như yếu tố chủ chốt trong văn hóa Âu Châu hơn 1000 năm. Bản thảo này đề nghị có một vị chủ tịch của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một vị ngoại trưởng và một Ủy Ban Âu Châu hiệu năng hơn, một ban điều hành Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Bản thảo này cũng nhắm đến việc cắt gọn và gia tăng tốc độ thực hiện việc quyết định trong khối sau khi đã thu nhận thêm 10 phần tử nữa vào Tháng Năm 2004. Hiệp Vương Quốc, Tây Ban Nha và các nước khác tìm cách bảo toàn quyền lợi của mỗi quốc gia trong việc phủ quyết các quyết định của khối. Còn Pháp, Đức và Ý thì hỗ trợ bản thảo như đã được phác họa, một văn kiện đã được soạn thảo trong vòng 16 tháng bởi một hội đồng 105 đại diện các cơ cấu, chính phủ và lập pháp Âu Châu. Các quốc gia nhỏ như Lục Xâm Bảo, Các Quốc Gia Bắc Âu và Bồ Đào Nhasợ rằng bản hiến pháp sẽ tăng thêm quyền lực cho các xứ sở rộng lớn, nhất là Đức Quốc.

Ngoài ra, thượng hội này cũng bàn đến cả việc làm sao có thể cải tiến những liên hệ với Hiệp Chủng Quốc đã bị sứt mẻ trầm trọng vì chiến tranh Iraq. Thêm vào đó, về mặt tích cực, cũng cần phải phác họa thành văn một chính sách hợp tác với Hoa Kỳ hơn nữa trong việc đương đầu với những thứ đe dọa nền an ninh thế giới, nhất là ở Trung Đông và Iran. Bản thảo viết: “Khối Hiệp Nhất Âu Châu phải sẵn sàng tham phần trách nhiệm đối với tình hình an ninh toàn cầu”. Bản văn kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu phác họa “những qui chế chủ động hơn” trong việc đối đầu với những vấn đề như nghèo khổ, khủng bố, chứng liệt kháng và các thứ vũ khí đại công phá.
 

“Một Âu Châu bại hoại Kitô giáo là thứ mồi ngon cho người Hồi Giáo lặng lẽ xâm chiếm”

Cha Piero Gheddo, một vị thừa sai Ý thuộc PIME (Pontifical Institute of Foreign Missions), với một nửa thế kỷ kinh nghiệm làm linh mục và truyền giáo, đã từng là giám đốc của một số báo chí truyền giáo có tiếng vang nhất, như tờ Tin Á Châu và tờ Mondo e Missione. Nói về tình trạng của các nhà truyền giáo ở các xứ sở Hồi Giáo bảo thủ, vị linh mục này cho biết khoảng 40 hay 50 năm về trước không có cái thứ cảm giác thù ghét này, căn cứ vào những gì ngài đã biết được từ các vị thừa sai ở 20 quốc gia của người Hồi Giáo.

Có nhiều căn nguyên phức tạp, theo cha, “cuộc chiến đấu giữa giầu và nghèo không phải là nguồn gốc của vấn đề mà là sự kiện các dân tộc Hồi giáo đang sống ở một thời đại dường như linh thánh đối với họ, như Âu Châu ở vào những năm 1300 đến 1400 vậy. Thế giới tân tiến, với truyền hình, hưởng thụ chủ nghĩa, trào lưu nữ giới v.v., đều là những gì đụng đến niềm tin và các cộng đồng Hồi giáo. Những người Hồi giáo coi chúng ta như thành phần vô thần và là những dân tộc vô luân; chúng ta thắng vượt họ bằng kỹ thuật, họ thắng vượt chúng ta bằng niềm tin. Việc thù ghét và khủng bố là phản ứng khi cảm thấy bất lực trước một thế giới tân tiến phát xuất từ Tây Phương, một thế giới loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống của các dân tộc ấy. Chúng ta nói đến việc đối thoại, đến việc giáo dục yêu thương, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Ở các xứ sở Hồi giáo khác nhau, kể cả các nước ‘ôn hòa’, các thứ sách giáo khoa, các tờ nhật báo và truyền hình đều mạnh mẽ chống Tây phương, và xẩy ra cả những cuộc tấn công thành phần Kitô hữu và Kitô giáo. Đó không phải là đối thoại mà là khiêu khích thù hằn hận ghét. Chẳng hạn, Bangladesh là một xứ sở rất nghèo, lệ thuộc vào tài chính của các xứ sở Tây phương và của các tổ chức của Liên Hiệp Quốc do Tây phương tài trợ. Mặc dù thế, ở Bangladesh, cho tới ngày 11/9/2001, đã có cả hằng trăm ‘madrasas’ (trường học Koran) được tài trợ bởi các nước dầu hỏa là những nước vẫn nói đến việc chống lại Tây phương, và sáu trung tâm huấn luyện các tay chiến đấu của người Hồi giáo. Những đám giới trẻ ưu tú nhất được gửi đến Taliban ở A Phú Hãn, mục đích là để chiến đấu trong nhóm chiến đấu quân của người Palestine”.

Vị linh mục thừa sai đầy kinh nghiệm này chia sẻ nhận định tiếp: “Ở các xứ sở Kitô giáo, các người Hồi giáo được tự do”, tình trạng mà không phải thường xẩy ra ở các nước Hồi giáo. Kể cả trường hợp Nam Dương, một quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, cũng là một trong những nơi có những hình thức Hồi giáo ôn hòa nhất và cởi mở nhất, thế mà các nguyện đường và nhà cửa của Kitô hữu cũng bị đốt phá, thành phần Kitô hữu cũng bị kỳ thị ở sinh hoạt công cộng nữa”. Nhà truyền giáo này cho biết thêm tình trạng kỳ thị cũng xẩy ra cả ở Mã Lai, Pakistan, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Arab Emirates. “Ở Nam Dương có những ‘pesantren’, tức là có những trường huấn luyện cho các vị lãnh đạo Hồi giáo, thành phần dẫn dắt trẻ em từ tiểu học tới trình độ đại học. Họ lệ thuộc vào Thừa Tác Vụ Đạo Giáo chứ không phải Thừa Tác Vụ Giáo Dục”. Theo vị linh mục này thì có rất nhiều trường huấn luyện kiểu này. Những trường sở ấy áp dụng kỷ luật sắt, giáo dục chuyên về Hồi giáo, và thành lập “những tay cuồng tín Hồi giáo, thành phần hoạt động phục vụ Thừa Tác Vụ Đạo Giáo: Họ dạy Hồi giáo ở các trường học, kể cả tiểu học, ghi danh những cuộc thành hôn và những cuộc hành hương đến Mecca”.

“Có thể nào một xứ sở ‘Hồi giáo ôn hòa’”, được tài trợ bởi Tây phương mà lại huấn luyện các nhà lãnh đạo tôn giáo theo tinh thần này hay chăng? Nếu thế thì, vị linh mục vừa hỏi vừa trả lời, “chiều hướng của Kitô hữu đã hiển nhiên, Đức Giáo Hoàng đã mạnh mẽ kêu gọi chiều hướng ấy là đối thoại, gặp gỡ huynh đệ, chấp nhận, đoàn kết, kiên trì trong đời sống, và loan báo về Chúa Kitô bằng đường lối thích hợp nhất có thể. Đặc biệt là bác ái đối với thành phần nghèo khổ nhất; đó là chứng từ thượng hạng của tinh thần Kitô hữu. Chúng ta phải quay trở về với Chúa Giêsu Kitô nếu, là những người Âu Châu, chúng ta muốn có được một căn tính thực sự cũng như được sức mạnh luân lý đạo giáo. Một Âu Châu bại hoại Kitô giáo là mồi ngon cho việc xâm chiếm lặng lẽ của người Hồi giáo; họ có sức mạnh của niềm tin; chúng ta có một thứ văn minh rỗng tuyếch. Hỡi người Âu Châu, nếu mất đi Kitô giáo thì chúng ta còn lại những gì đây? Tại sao các nhà trí thức và các ký giả soạn dọn tranh biện về bất cứ đề tài nàomà chẳng để ý gì đến thảm trạng của Âu Châu nhỉ? Các dân tộc ‘Kitô giáo’ chúng ta phải nhận thức rằng, như tình trạng chúng ta hiện nay, chúng ta sẽ tiến đến chỗ tiêu biến! Không thể nào tránh nổi: vì ở đâu xuất hiện cái trống rỗng thì ở đấy luôn có người sẵn sàng muốn làm đầy cái trống rỗng đó vậy”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch tín liệu của Zenit ngày Thứ Sáu 20/6/2003

 

22/6 Chúa Nhật, Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Thông Ðiệp Thánh Thể (tiếp 30-33)

30.     Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ giữa thừa tác vụ tư tế và Thánh Thể, cũng như giáo huấn về Hiến Tế Thánh Thể đều là chủ đề đối thoại tốt đẹp trong lãnh vực đại kết trong những thập niên gần đây. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về sự tiến bộ và chiều hướng qui hội đáng kể đạt được về khía cạnh này là những gì khiến chúng ta hy vọng rằng một ngày kia sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn chia sẻ niềm tin. Tuy nhiên, những nhận định của Công Đồng Chung Vaticanô II về các Cộng Đồng Giáo Hội phát xuất ở Tây Phương từ thế kỷ 16 trở đi và là những cộng đồng tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vẫn còn là những nhận định hoàn toàn xác thực: “Các Cộng Đồng Giáo Hộitách khỏi chúng ta thiếu hẳn mối hiệp nhất với chúng ta là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Phép Rửa, và chúng ta tin rằng vì đặc biệt thiếu bí tích Truyền Chức Thánh họ đã không giữ được thực tại chuyên chính và trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, khi họ tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại trong Bữa Dạ Tiệc Thánh là họ tuyên xưng rằng bữa tiệc này tiêu biểu cho sự sống hiệp thông với Chúa Kitô và họ đợi chờ việc Người lại đến trong vinh quang” (62).

Bởi thế, tín hữu Công giáo, tuy vẫn tôn trọng niềm xác tín tôn giáo của anh chị em ly khai này, cũng phải tránh không được lãnh nhận việc hiệp thông được họ phân phát trong các cuộc cử hành của họ, để không tỏ ra coi thường tính cách mập mờ về bản chất Thánh Thể, từ đó, không chịu thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc minh nhiên làm chứng cho chân lý. Điều này đưa đến chỗ làm chậm bước tiến đã được thực hiện về việc hoàn toàn hiệp nhất nên về hình thức bề ngoài. Cũng thế, không thể chấp nhận được việc thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những việc cử hành lời Chúa theo đại kết hay bằng những buổi cầu nguyện chung với Kitô hữu thuộc các Cộng Đồng Giáo Hội được đề cập tới trước đây, hoặc bằng việc tham dự vào những buổi phụng vụ riêng của họ. Những cuộc cử hành và những buổi như thế, dù sao vẫn đáng ca ngợi ở một số trường hợp, cũng sửa soạn cho mục đích hoàn toàn hiệp thông, kể cả việc hiệp thông Thánh Thể, song họ không thể thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật.

Sự kiện quyền năng thánh hiến Thánh Thể đã được trao phó cho các vị Giám Mục và linh mục mà thôi không phải là việc coi thường một cách nào đó phần Dân Chúa còn lại, vì nơi mối hiệp thông của một thân thể Chúa Kitô duy nhất là Giáo Hội thì tặng ân quyền linh này mang lại thiện ích cho tất cả mọi người.

31.     Nếu Thánh Thể là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội thì Thánh Thể cũng là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của thừa tác vụ tư tế. Bởi thế, bằng một tấm lòng hết sức biết ơn Chúa chúng ta Giêsu Kitô, Tôi xin lập lại rằng Thánh Thể “là lý do chính yếu và trọng tâm của bí tích linh mục, một bí tích hiện hữu một cách hiệu thành vào chính lúc thiết lập Thánh Thể” (63).

Các vị linh mục dấn thân thực hiện nhiều hoạt động mục vụ khác nhau. Nếu chúng ta xét đến những điều kiện về xã hội và văn hóa của thế giới tân tiến này, chúng ta sẽ dễ hiểu được các vị linh mục phải đối diện ra sao với chính mối nguy cơ thực sự nơi tình trạng không còn tập trung được nữa giữa cả đống việc khác nhau như vậy. Công Đồng Chung Vaticanô II đã thấy nơi việc bác ái mục vụ mối giây liên kết đời sống và hoạt động của vị linh mục. Công Đồng nói thêm là mối giây ấy “chính yếu được bắt nguồn từ Hiến Tế Thánh Thể là hiến tế bởi thế là tâm điểm và là căn gốc của tất cả đời sống tư tế” (64). Như thế, chúng ta có thể hiểu được tầm vóc quan trọng ra sao, đối với đời sống thiêng liêng của vị linh mục, cũng như đối với thiện ích của Giáo Hội và thế giới, việc linh mục tuân theo khuyến dụ của Công Đồng này trong việc cử hành Thánh Thể hằng ngày: “Cho dù tín hữu không thể hiện diện, thì đó cũng là tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội” (65). Có như thế, vị linh mục mới có thể đối đầu với các thứ căng thẳng hằng ngày đưa đến chỗ thiếu tập trung và các vị sẽ tìm thấy nơi Hiến Tế Thánh Thể, tâm điểm thực sự của đời sống và thừa tác vụ của các ngài, sức mạnh thiêng liêng cần thiết để đối đầu với những trách nhiệm mục vụ khác nhau. Nhờ vậy sinh hoạt hằng ngày của các vị mới thực sự trở thành sinh hoạt Thánh Thể.

Tính cách trung tâm điểm của Thánh Thể nơi đời sống và thừa tác vụ của linh mục là căn bản chính yếu của việc cổ võ mục vụ ơn gọi linh mục. Chính ở nơi Thánh Thể mà lời cầu nguyện cho ơn gọi mới là lời cầu nguyện liên kết chặt chẽ nhất với lời nguyện của Chúa Kitô Thượng Tế Đời Đời. Đồng thời việc linh mục chuyên tâm thi hành thừa tác vụ Thánh Thể, cùng với sự tham dự vào Thánh Thể một cách ý thức, chủ động và tốt đẹp của tín hữu, là những gì cống hiến cho giới trẻ một tấm gương và niềm khích lệ mãnh liệt trong việc quảng đại đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa. Việc linh mục nhiệt thành bác ái thi hành mục vụ thường là những gì Chúa dùng để gieo rắc và làm trổ sinh hoa trái nơi tâm can giới trẻ hạt giống ơn gọi linh mục.

32.     Tất cả những điều ấy cho thấy buồn thảm và bất thường biết bao cho tình trạng của một cộng đồng Kitô hữu, mặc dù có đủ số tín hữu khác nhau để hình thành một giáo xứ mà lại thiếu linh mục dẫn dắt. Các giáo xứ là những cộng đồng của thành phần lãnh nhận phép rửa, thành phần bày tỏ và thể hiện căn tính của mình trước hết qua việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể. Thế nhưng, điều này đòi phải có sự hiện diện của vị tư tế là vị duy nhất có khả năng hiến dâng Thánh Thể với tư cách Chúa Kitô in persona Christi. Ở một cộng đồng thiếu linh mục thì cần phải thực hiện những nỗ lực đứng đắn để làm sao bù đắp tình trạng này, nhờ đó cộng đồng có thể tiếp tục những việc cử hành Chúa Nhật, và những vị tu sĩ cùng giáo dân hướng dẫn anh chị em mình nguyện cầu là thi hành một cách đáng khen vai trò linh mục phổ quát của tất cả mọi tín hữu có được do ơn Phép Rửa. Thế nhưng, những giải pháp như vậy phải được coi là tạm thời mà thôi trong khi cộng đồng chờ đợi linh mục.

Những việc cử hành không trọn vẹn tính cách bí tích này trước hết phải tác động toàn thể cộng đồng tha thiết nguyện cầu hơn nữa để xin Chúa sai thợ đến làm mùa (x Mt 9:38). Cũng nên vận dụng tất cả mọi nguồn liệu cần thiết để thực hiện đầy đủ việc mục vụ cổ võ ơn thiên triệu, nhưng vẫn không chiều theo khuynh hướng tìm kiếm những giải pháp hạ thấp các tiêu chuẩn về luân lý và huấn luyện cần thiết của các ứng sinh học làm linh mục.

33.     Vì khan hiếm linh mục, các phần tử không có chức thánh thuộc thành phần tín hữu được ủy thác cho việc tham dự vào vấn đề chăm sóc mục vụ ở giáo xứ thì họ phải nhớ rằng, như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, “không một cộng đồng Kitô hữu nào có thể được xây dựng trừ phi cộng đồng ấy có nền tảng và trọng tâm ở việc cử hành Thánh Thể Cực Thánh” (66). Bởi thế, các phần tử ấy có trọng trách làm sao giữ được “cơn đói” Thánh Thể thực sự trong cộng đồng này, nhờ đó nó sẽ không bỏ lỡ một cơ hội cử hành Thánh Lễ nào, cũng bằng việc lợi dụng sự hiện diện tùy lúc của một vị linh mục không bị luật Giáo Hội ngăn cấm cử hành Thánh Lễ.

Bối Cảnh Kitô giáo ở Bosnia-Herzegovina, địa điểm của chuyến tông du 101 của ĐTC 22/6/2003

Địa phương của chuyến tông du 101 này đã lãnh nhận Kitô giáo vào thời các thánh Tông Đồ, nhưng hiện nay đang chứng kiến thấy một cuộc xuất hành liên tục của thành phần Công giáo, hầu hết là người Croat, với con số khoảng từ 450 đến 500 ngàn.

Thật vậy, một nửa người Công giáo đã bỏ đi sau cuộc chiến tranh trong thập niên 1990. Trong Thư Thứ Hai gửi cho Timôthêu, Thánh Tông Đồ Phaolô đã viết rằng người môn sinh Titô của mình đã đi đến Dalmatia, một vùng bao gồm phần lớn Bosnia-Herzegovina ngày nay. Có ít là 4 giáo phận ở lãnh thổ này vào thế kỷ thứ VI, thế nhưng khi xuất hiện thành phần man rợ thì Kitô giáo đã thực sự tiêu biến cho đến khi miền này được tái Kitô giáo hóa. Các tòa giám mục đã được tái thiết vào thế kỷ 11.

Dòng Giảng Thuyết (Đaminh) đã đến lãnh thổ này sau khi dòng được thành lập một thời gian ngắn và ở đó cho tới thế kỷ 14. Bắt đầu vào năm 1291, tu sĩ dòng này hợp hợp với tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phansinh), cai quản Giáo Hội này trong thế kỷ 14. Sau cuộc chiếm cứ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Bosnia năm 1463 và Herzegoniva năm 1482, tình hình càng tệ hơn nữa. Bắt đầu vào năm 1735, Bosnia (ngoại trừ Trebinje) đã có một vị đại diện tòa thánh. Từ năm 1846, đã có một vị đại diện cho Bosnia và một vị cho Herzegovina. Dưới quyền đô hộ của đế quốc Ottoman, những người Công giáo thường bị bách hại. Một số nhỏ trong họ đã bỏ đạo theo Hồi giáo, vào thời gian người Ottoman chấp nhận những người thuộc địa Chính Thống ở Đông phương, do đó góp phần vào việc làm thay đổi bản đồ về niềm tin ở miền ấy.

Phải cho tới khi chấm dứt chế độ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cuộc nổi lên của Đế Quốc Áo Hung (1878) mới có thể tái thiết hàng giáo phẩm ở Bosnia-Herzegonina. Năm 1881, Đức Lêô XIII đã thiết lập giáo tỉnh Vrhbosna bao gồm TGP Vrhbosna (với tòa TGM ở Sarajevo) và giáo phận Mostar-Duvno (với tòa giám mục ở Mostar), và giáo phận Banja Luka. Năm 1890, Giáo Phận Trebinje đã được thêm vào với các giáo phận ấy và được quản trị bởi giám mục ở Mostar. Từ năm 1994, Bosnia-Herzegonina đã có hội đồng giám mục riêng. Cho đến cuộc chiến tranh vừa qua (1991-1995), xứ sở này đã có được 10 giáo xứ Công Giáo của người Ukrainian với khoảng 5 ngàn tín hữu, thuộc quyền quản trị của Giáo Phận Krizevci ở Croatia.

Giáo phận Banja Luka là nơi Đức Giáo Hoàng đến thăm vào chuyến tông du 101 đã được thành lập vào năm 1881. Vị giám mục của giáo phận này là Franjo Komarica cũng là chủ tịch hội đồng giám mục nước này. Các vị linh mục triều được các tu sĩ Phanxicô và các nữ tu các dòng giúp vào việc mục vụ. Giáo phận này không có chủng viện riêng, nhưng có một Viện Thần Học ở Banja Luka.

Chừng hai phần ba người Công giáo bị phân tán trong cuộc chiến tranh vừa rồi, nhiều người trong họ không thể trở về nữa. Con số còn lại của giáo phận này là 50 ngàn tín hữu. Trong thời gian chiến tranh xẩy ra, nguyên tại giáo phận này thôi đã có 39 nhà thờ bị hủy hoại và 22 nhà thờ khác bị thiệt hại nặng. Chín nguyện đường bị tàn phá và 14 nguyện đường khác bị thiệt hại nặng nề. Chưa hết, có 33 nghĩa trang và hai nữ tu viện bị hư hại, một thiệt hại nặng.
 

Bức Thư của Tòa Thánh Ủng Hộ Vai Trò của Liên Hiệp Quốc

Hôm Thứ Sáu 20/6/2003, văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến bức thư của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay cho Đức Thánh Cha viết gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan một bức thư đề ngày 5/6/2003 để bày tỏ việc Tòa Thánh ủng hộ vai trò chính yếu của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.

Kính Gửi Ông Kofi Annan,
Tổng Thư Ký Tổ Chức Liên Hiệp Quốc
Nữu Ước

Ông Tổng Thư Ký thân mến,

Quyết Định của Hội Đồng Bảo An 1483 mới đây liên quan đến vấn đề tái kiến thiết các cơ cấu và nền kinh tế của Iraq có thể được coi là mở màn cho việc tái củng cố tính chất vững chắc của sứ vụ Tổ Chức Liên Hiệp Quốc như đã được phác họa trong Bản Hiến Chương năm 1945.

Nhìn nhận tầm quan trọng của Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn tôi bày tỏ cùng Ngài việc hỗ trợ của Tòa Thánh về vai trò nồng cốt của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc ở vào lúc này đây. Như ngài biết, các vị Giáo Hoàng đã từng nói trong các trường hợp khác nhau về nhu cầu cần phải có một Thẩm Quyền quốc tế và độc lập có khả năng phục vụ, chẳng những như một vai trò trung gian trong những cuộc xung khắc có thể xẩy ra mà còn như một hướng đạo viên cho toàn thể nhân loại nữa, dẫn gia đình nhân loại bình an tiến đến chỗ nắm giữ qui tắc của luập pháp. Dấu hiệu đặc biệt của khuynh hướng này đó là sự hiện diện của Sứ Vụ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc.

40 năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong bức Thông Điệp Hòa Bình dưới Thế Pacem in Terris (11/4/1963) của mình, đã tỏ tường nói rằng chính phạm vi luân lý kêu gọi việc thiết lập một Thẩm Quyền chung toàn cầu (số 137). Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài Diễn Từ của Ngài trước Tổng Hội Đồng vào ngày 5/10/1995, đã bày tỏ niềm hy vọng là “Tổ Chức Liên Hiệp Quốc”… trở thành một trung tâm, nơi tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều cảm thấy như là nhà của họ và phát triển một ý thức chung về việc thực sự trở thành một “gia đình các dân tộc”.

Cuộc khủng hoảng Iraq mới đây đã khiến cho việc càng phải chú trọng tới nhu cầu dấn thân thực hiện hơn nữa những nguyên tắc đã được phác họa trong Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để tránh những hành động đơn phương có thể đưa đến việc làm suy yếu luật pháp quốc tế và những thỏa ước hiện hành.

Tòa Thánh tin tưởng rằng Tổ Chức Liên Hiệp Quốc sẽ phát triển được những hình thức cộng tác hiệu nghiệm và hòa hợp hơn nữa, hầu giúp cho những nhà lãnh đạo thế giới có thể tham gia vào việc chiến đấu với những tình trạng bất công và đàn áp là những gì gây ra thù hận giữa các dân tộc, thay vào đó là những gì xây dựng nên một “gia đình các quốc gia” như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói tới năm 1995.

Cùng với lòng quí mến của Đức Thánh Cha, tôi xin ngài biết cho rằng Tòa Thánh nhận thấy việc ngài dấn thân cùng với tất cả những ai hằng ngày hoạt động cho hòa bình trên thế giới, nhất là những ai liên kết với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để bảo dưỡng hòa bình, đối thoại và hợp tác quốc tế.

Bằng việc lập lại sự cảm nhận này của Tòa Thánh về cơ cấu quốc tế quan trọng này, xin Ngài hãy nhận nơi đây mối quan tâm thực sự của tôi.

Tại Vatican ngày 5/6/2003
Hồng Y Angelo Sodano,
Quốc Vụ Khanh

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày Thứ Sáu 20/6/2003


Tòa Thánh với Cuộc Khủng Hoảng của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc

Hôm Thứ Năm 19/6/2003, ở Orosel, Sardinia, trong phần kết thúc hội nghị “Những Giải Pháp Công Lý, Những Đường Lối Hòa Bình” của các chi nhánh Tổ Chức Caritas ở cấp giáo phận Nước Ý, Đức Tổng Giám Mục Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh, vị đã từng là Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc 16 năm, đã làm sáng tỏ một số điểm chính yếu trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Theo ngài, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không ngừng đề cập đến Liên Hiệp Quốc, cả trước lẫn trong và sau cuộc chiến tranh Iraq, không có nghĩa là chấp thuận cơ cấu hiện tại của tổ chức này hay chấp thuận những liên hệ về quyền lực đang diễn tiến nơi tổ chức ấy, “mà là một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy theo đuổi những lý tưởng hướng dẫn Liên Hiệp Quốc và là nền tảng cho bất cứ một tổ chức quốc tế nào… là một lời mời gọi hãy củng cố việc liên kết các thứ giao hệ quốc tế đã bị cuộc chiến Iraq làm lỏng lẻo, bất kể phán đoán về luân thường đạo lý và chính trị về cuộc xung đột ấy”.

Trong số những đường lối để củng cố các tổ chức quốc tế, theo vị TGM chủ tịch này, là việc áp dụng “nguyên tắc phụ thuộc một cách xác tín hơn nữa”. Ngoài ra còn cần phải thực hiện “những cuộc cải cách từ từ đưa đến việc coi trọng tính chất đa phương” và “việc thích ứng cơ cấu của Liên Hiệp Quốc vào những mối liên hệ thực sự nơi các quốc gia. Đây là lúc tất cả mọi người phải cùng nhau hoạt động để phác họa ra một thứ kiến trúc hiến pháp cho nhân loại, một thứ kiến trúc không cống hiến sự sống cho một siêu quốc toàn cầu, mà, như Đức Gioan XXIII đề nghị trong Thông Điệp ‘Hòa Bình dưới thế’ của Ngài, tiếp tục phát triển tiến trình vốn đã được các cấp cùng nhau dự phần theo quyền hạn rõ ràng và ấn định. Nếu một thứ hòa bình không phải là thành quả của bạo lực áp đặt là một trong những điều gây thêm xung đột mới, cũng không phải là thành quả của những cuộc thương thảo dài dòng và mệt mã là những gì thường chỉ tồn tại trên giấy tờ, thì nó cần phải phát xuất từ những thứ giá trị được thực sự chia sẻ và sống”.

Riêng về vấn đề những thỏa hiệp thương thảo, ĐTGM nhắc đến nhu cầu cần phải tuân hợp với việc dấn thân thực hiện vấn đề viện trợ chung cho tình trạng phát triển là .7% tổng sản lượng quốc gia của các nước giầu được thiết định năm 1970. Bằng không, theo ngài, tất cả chỉ là một thứ hứa hẹn không trọn.


(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)