GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 8/2003

 

Ý Chung: “Xin cho các nhà nghiên cứu về lãnh vực khoa học và kỹ thuật biết đón nhận các lời kêu gọi không ngừng của Giáo Hội trong việc sử dụng một cách khôn ngoan và hữu trách những thành đạt họ chiếm được”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho các giáo lý viên ở những Giáo Hội trẻ biết chứng thực lòng họ trung thành gắn bó với Phúc Âm”.

 

___________________________________________

 24-30/8/2003

Giovanni Paolo II


 

30/8 Thứ Bảy

Chương Trình Mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng và Cuộc Phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Theo lịch trình cử hành trong ba tháng 9-11/2003 được văn phòng báo chí của Tòa Thánh phổ biến hôm 28/8/2003, Đức Thánh Cha sẽ phong thêm 3 vị thánh vào ngày 5/10, 6 vị chân phước (trong đó có Mẹ Têrêsa Calcutta vào ngày 19/10 và 5 vị còn lại vào ngày 9/11). Ngài sẽ thực hiện chuyến tông du 102 đến Slovakia lần thứ ba vào ngày 11-14/9/2003, và chuyến hành hương đến Đền Trinh Nữ Mân Côi Thánh ở Pompeii, gần Naples Ý Quốc vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2003 như một phần thuộc lễ nghi kết thúc Năm Mân Côi. Biến cố quan trọng nhất được xẩy ra vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo 19/10/2003, ngày mừng ngân khánh giáo hoàng và phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta ở Công Trường Thánh Phêrô.

Riêng về cuộc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, theo ĐTGM Tân Đề Li Vincent Concessao cho cơ quan Misna biết có thă là một cuộc truyền bá phúc âm hóa thuận lợi. Theo ngài thì qua cuộc phong chân phước này, “sứ điệp thương yêu và thương cảm của Kitô hữu sẽ vươn tới nhiều người không biết đến sứ điệp này và là thành phần cuối cùng sẽ hiểu được những gì chúng ta làm và tại sao chúng ta làm. Ngươiụi Ấn Độ hết lòng tôn kính vị nữ tu người Albany lừng danh này và coi bà là một người mẹ thực sự đối với thành phần người nghèo khổ và người bị tước đoạt quyền lợi. Vị TGM cũng làm phó chủ tịch HĐGM Ấn Độ này cho biết hầu hết mọi người ở Ấn Độ, một xứ sở có 83% tín đồ theo Ấn giáo, vui mừng về cuộc phong chân phước ở Rôma ngày 19/10/2003 này. Chỉ có một số nhóm bảo thủ Ấn giáo là hiểu lầm công việc của Mẹ, coi nó như là một cách ép buộc trở lại Kitô giáo mà thôi. Hiện nay những thành phần cực đoan này chưa công khai tỏ mình ra, theo tôi nghĩ, sẽ không có gì lộn xộn xẩy ra ở Ấn Độ trong dịp phong chân phước.

Trong số những việc được hội đồng giám mục Ấn Độ phác họa liên quan đến việc phong chân phước là một Thánh Lễ trọng thể ở Tân Đề Li cùng với việc khai trương một con đường mang tên vị nữ tu này, con đường có một bức tượng tôn vinh Mẹ. Các giáo xứ của thủ đô này sẽ phát thực phẩm cho các người nghèo khổ nhất. Ngoài ra, ĐTGM Tân Đề Li còn xin Thủ Tướng Atal Behari Vajpayee tuần vừa rồi cho phát hình toàn quốc về biến cố phong chân phước này. ĐTGM còn yêu cầu Thủ Tướng gửi phái đoàn đại biểu liên tôn đến Vatican vào ngày 19/10.

Phần Tòa Thánh Vatican cho biết biến cố phong chân phước cho Mẹ Têrêsa trùng ngày mừng ngân khánh giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II sẽ là một biến cố được phát hình khắp thế giới, nhất là Thánh Lễ phong chân phước và mừng ngân khánh giáo hoàng tại Quảng Trường Thánh Phêrô Sáng Chúa Nhật 19/10, từ 7 giờ 55 đến 10 giờ 30 sáng địa phương. Đây là biến cố đặc biệt mới được truyền hình khắp thế giới như thế, giống như biến cố mở Cửa Thánh khai mạc Năm Thánh 2000 vào đêm Giáng Sinh năm 1999.

Thật chưa có một cuộc phong chân phước nào, thậm chí phong thánh, mà lại long trọng và đại thể khắp thế giới như vậy, cũng như cuộc an táng theo nghi lễ quốc táng của Ấn Độ vị nữ tu này cũng được truyền hình khắp thế giới.

Theo dự trù, các chương trình khác để mừng cuộc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta ở Rôma được bắt đầu từ Thứ Sáu 17/10, với Thánh Lễ bằng các ngôn ngữ khác nhau ở Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô (Anh ngữ lúc 9 giờ sáng, Tây Ban Nha 11 giờ và Ý 7 giờ tối). Đề tài cho ngày đầu tiên này là câu thường được Mẹ Têrêsa nhắc nhở là “Thánh thiện không phải là một cái gì sang trọng của một số ít người; nó là một nhiệm vụ bình thường đối với mỗi một người trong chúng ta”. Sẽ chầu Thánh Thể hiện lộ cả ngày và ban bí tích hóa giải bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Thứ Bảy 18/10, cũng có các Thánh Lễ tại Đền Thở Đức Bà Cả. Đề tài cho ngày thứ hai này là câu “Chiếu giãi ánh sáng của Chúa Giêsu với Đức Mẹ”. Vào lúc 5 giờ chiều sẽ có một buổi cầu nguyện sửa soạn cho Chúa Nhật Truyền Giáo được Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc tại Sảnh Đường Phaolô VI.

Tất nhiên, tột đỉnh của cuộc mừng là Thánh Lễ phong chân phước vào lúc 10 giờ sáng ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Vào lúc 5 giờ 30 chiều là buổi trình chiếu cuốn phim “Mẹ Têrêsa: Một Di Sản”. Muốn có vé vào xem cần phải liên lạc với Các Thừa Sai Bác Ái ở tickets@motherteresafil.com hay  posta@motherteresacause.info.

Thứ Hai 20/10 là ngày tạ ơn để tôn kính Mẹ Chân Phước Têrêsa. Thánh Lễ sẽ được cử hành ở Quảng Trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, do ĐHY José Saraiva Martins,Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh chủ tế. Sau Thánh Lễ là cuộc triều kiến chung với Đức Thánh Cha giành cho tất cả mọi người.

Từ 20-22/10, các thánh tích của vị tân chân phước sẽ được trưng bày để tôn kính ở Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Từ 11-26/10, cũng sẽ có một cuộc triển lãm ở Rôma về đời sống Mẹ Têrêsa, tinh thần và sứ điệp của Mẹ, ở hầm mộ Antonianum (Via Merulana 124).

Từ ngày Mẹ Têrêsa qua đời năm 1997, dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ vẫn phát triển, vị nữ tu tổng quyền của dòng này, vị đã thay mẹ cho tới nay là Sơ Nirmala Joshi nói với cơ quan Thông Tín UCA rằng, “nhờ ơn Chúa cũng như nhờ lời nguyện cầu của Mẹ Têrêsa ở trên trời”, dòng Mẹ vẫn đang trên đà phát triển. Vào năm 1997, năm đấng sáng lập qua đời, dòng này có 456 nhà ở 101 quốc gia, giờ đây, kể cả 10 nhà nguyên trong năm 2003 này, tất cả số nhà lên đến 710 ở 132 quốc gia. Theo niên giám 2003 của Tòa Thánh dòng này có 4.690 nữ tu kể cả tập sinh.

Đài BBC cho biết là dòng này đã xin giữ bản quyền về danh xưng của Mẹ Têrêsa để ngăn ngừa lạm dụng có thể xẩy ra. Sơ bề trên tổng quyền cho biết rằng “Mẹ Têrêsa trong nhiều trường hợp đã bày tỏ ước muốn của Mẹ là bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng phải có phép của Mẹ mới được sử dụng danh của Mẹ, và sau khi Mẹ qua đời, phải có phép của vị thừa kế Mẹ”. Sở dĩ Mẹ Têrêsa muốn làm điều này là vì để ngăn ngừa những ai nhân danh Mẹ quyên tiền cho Mẹ hay cho Dòng của Mẹ trong việc phục vụ thành phần nghèo khổ nhất.

Hôm Thứ Sáu 20/12/2002, tức ngay sau ngày Tòa Thánh chính thức loan báo Mẹ Têrêsa sẽ được phong chân phớc vào ngày 19/10/2003, Nữ Bề Trên Tổng Quyền của nhà dòng và linh mục cáo thỉnh viên phong thánh cũng là tu sĩ của dòng này đã phổ biến những lời lẽ sau đây:

“Chúng tôi, những tu sĩ Thừa Sai Bác Ái, dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa về việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chính thức nhìn nhận sự thánh thiện của người mẹ chúng tôi là Mẹ Têrêsa, và đã chấp nhận phép lạ do việc mẹ chuyển cầu. Chúng tôi hết sức vui mừng mong đợi ngày Phong Chân Phước sẽ diễn ra tại Rôma và Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, 19/10/2003, ngày Chúa Nhật gần nhất với cuộc mừng kỷ niệm 25 năm Giáo Triều của Đức Thánh Cha cũng là ngày kết thúc Năm Mân Côi.

“Hôm nay, sau 3 năm rưỡi điều tra và tìm hiểu, Giáo Hội xác nhận là Mẹ đã anh hùng sống đời Kitô hữu và Thiên Chúa đã nâng Mẹ lên để vừa làm gương mẫu thánh thiện vừa làm vị cầu bầu cho tất cả mọi người.

Mẹ là một biểu hiệu cho tình yêu thương và lòng cảm thương. Khi Mẹ còn ở với chúng tôi, chúng tôi đã chứng kiến thấy mẫu gương sáng ngời của Mẹ về tất cả mọi nhân đức Kitô giáo. Đời sống yêu thương phục vụ người nghèo đã đánh động nhiều người theo cùng một con đường của Mẹ. Chứng từ và sứ điệp của Mẹ đã được ưu ái tiếp nhận bởi hết mọi tôn giáo như một dấu hiệu cho thấy “Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ngày nay”. Trong 5 năm sau cái chết của Mẹ, người ta đã cầu xin Mẹ cứu giúp và đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ qua lời cầu nguyện của Mẹ. Hằng ngày, những người hành hương từ Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới đã đến cầu xin tại mộ của Mẹ, và nhiều người đã theo gương Mẹ khiêm tốn phục vụ yêu thương đối với thành phần nghèo khổ nhất, bắt đầu tại gia đình riêng của họ.

Mẹ thường nói: “Thánh thiện không phải là một thứ hào nhoáng của một ít người, nó chẳng qua là nhiệm vụ đối với mỗi một người chúng ta”. Chớ gì gương mẫu của Mẹ giúp chúng ta nỗ lực nên thánh, ở chỗ yêu mến Thiên Chúa, tôn trọng và yêu thương hết mọi người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài và được Ngài ngự trị, cũng như chăm sóc những người anh em nghèo nàn và đau khổ của chúng ta. Chớ gì tất cả mọi bệnh nhân, khổ nhân và những ai tìm cầu ơn trợ giúp của Thiên Chúa gặp được nơi Mẹ một người bạn và một vị cầu bầu.

Sơ M. Nirmala, MC, Bề Trên Tổng Quyền
Cha Brian, MC, Cáo Thỉnh Viên


Iraq Hậu Chiến: Một Ổ Khủng Bố hay Lò Nung Hận Thù - chiếm cứ hay chủ quyền

Sở dĩ phe liên minh Hiệp Chủng Quốc US và Hiệp Vương Quốc UK qua mặt Liên Hiệp Quốc để tự động đơn phương tấn công Iraq, qua các bài diễn văn của Tổng Thống Bush và những lời tuyên bố của Nội Trưởng Colin trong thời gian tiền chiến, có một lý do và một mục đích, lý do đó là Iraq có các thứ vũ khí đại công phá, và mục đích đó là tiêu diệt nhà độc tài Saddam Hussein, kẻo có vũ khí đại công phá trong tay, nhà độc tài này sẽ trở thành mối họa cho hòa bình thế giới. Thế nhưng, cho đến nay, cả lý do lẫn mục đích của cuộc tấn công có vẻ xâm chiếm này, (như Iraq với Kuwait năm 1991), vẫn còn là một bí mật đang được điều tra và tìm hiểu. Nhà độc tài Saddam Hussein chẳng thấy đâu, giống hệt như một con ma bin Laden ở A Phú Hãn, và các thứ vũ khí đại công phá cũng chẳng thấy gì. Đó là vấn đề mập mờ của tiền chiến và lâm chiến, một vấn đề liên quan cả đến thời hậu chiến. Ở chỗ, phe chủ chiến Hoa Kỳ không chịu rút quân khỏi Iraq để hoàn toàn nhường chỗ cho thẩm quyền LHQ làm việc của cơ quan này. Vào ngày Thứ Bảy 23/8/2003, Màn Điện Toán CNN có phổ biến một bức hình chụp quân đội Hoa Kỳ đứng trước một đám dân Iraq với hàng chữ phụ đề “Hoa Kỳ chối từ việc từ bỏ quân sự hay việc kiểm soát chính trị ở Iraq” (U.S. is refusing to consider giving up military or political control in Iraq).
 

Ngược lại, phe kháng chiến Iraq tiếp tục tấn công đoàn quân Hoa Kỳ mang danh giải phóng dân tộc Iraq. Nhất là những vụ phá hoại các cơ sở ở Iraq, chẳng hạn cuộc nổ bom ở Tòa Lãnh Sự Jordan ngày 7/8 làm 10 người thiệt mạng, cuộc phá hủy ống dầu ở miền bắc Iraq ngày 16/8, việc phá hủy các ống nước ở thủ đô Baghdad ngày 17/8, nhất là cuộc nổ bom của chiếc xe vận tại đâm vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Baghdad ngày 19/8, làm thiệt mạng 24 người, trong đó có vị sứ giả của Liên Hiệp Quốc ở Iraq. Theo tường trình của ký giả CNN Brahimi Chúa Nhật 24/8/2003 thì vị phát ngôn viên của phe liên minh tấn công Iraq cho biết cho tới ngày hôm nay có khoảng chứng 12 cuộc tấn công vào lực lượng tuần tiểu của Hoa Kỳ mỗi ngày. Hôm Thứ Ba 26/8/2003 có thêm 1 binh sĩ Hoa Kỳ bị chết và 2 bị thương bởi cuộc tấn công gần Hamariyah, một tỉnh giữa Fallujah và Ar Ramadi. Tính đến ngày Thứ Sáu 29/8/2003, ngày xẩy ra một cuộc tấn công tại gần đền thờ ở Fallujah cách thủ đô Baghdad 30 dặm, tổng số binh sĩ Hoa Kỳ bị tử thương thời hậu chiến Iraq là 144, bắt đầu vượt con số 143 người (65 người tử trận và 78 người bởi những nguyên nhân khác) trong chính cuộc tấn công từ ngày 19/3 đến 1/5/2003 (ngày Tổng Thống Bush chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới, thật ra có thể nói cuộc chiến được chấm dứt ngay từ ngày Thứ Tư 9/4/2003, ngày bức tượng Saddam Hussein bị giật đổ ở thủ đô Baghdad, sau đúng 3 tuần lễ, từ Thứ Tư 19/3/2003).
 

Vào ngày Thứ Sáu 29/6/2003, ngày lễ hằng tuần của Hồi giáo, (như Thứ Bảy của Do Thái giáo và Chúa Nhật của Kitô giáo), một cuộc khủng bố tấn công bằng một chiếc xe chở bom ở Đền Thờ Imam Ali, gây thương tích cho hơn 140 người và làm thiệt mạng ít là 75 người, trong đó có Ayatollah Mohammad Baqir al-Hakim, vị lãnh đạo tinh thần của Hội Đồng Tối Cao Đặc Trách Cách Mạng Hồi Giáo Iraq. Ahmed Chalabi, vị lãnh đạo Quốc Hội Đất Nước Iraq và là phần tử của Hội Đồng Quản Trị Iraq do Hoa Kỳ chỉ đạo, đã qui trách cho Saddam Hussein và đồng bọn còn sống sót về cuộc khủng bố tấn công này cũng như cuộc khủng bố tấn công tuần trước vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng trách cả lực lượng liên minh nữa, đã để cho sự vụ đáng tiếc xẩy ra: “Dân chúng hết sức lo âu. Có thể còn xẩy ra những cuộc tấn công nữa. Hoa Kỳ và đồng minh phải có trách nhiệm giữ an ninh ở mọi phần đất Iraq. Việc cung cấp an ninh là tùy ở họ”.
 

Lợi dụng cuộc nổ bom khủng bố tấn công tòa nhà Liên Hiệp Quốc mới đây, việc chính phủ Hoa Kỳ vận động sự hỗ trợ của Hội Đồng Bảo An trong việc kêu gọi thêm quân đội của các quốc gia khác, nhưng không thành công. Cũng vẫn nước Pháp lên tiếng chống lại Hoa Kỳ, như nước Pháp đã dẫn đầu cuộc phản chiến trước đây ngược lại khuynh hướng và lập luận chủ chiến của Hoa Kỳ. Qua đài phát thanh Pháp, Ngoại Trưởng Dominique de Villepin nói rằng lực lượng đồng minh phải thay đổi từ “lập trường chiếm cứ sang lập trường chủ quyền” ở Iraq. Trả lời cho câu hỏi ông nghĩ sao về lời yêu cầu của Nội Trưởng Powell xin các quốc gia gửi thêm quân đội đến Iraq, ông De Villepin nói: “Có cần phải tăng gia việc giữ an ninh hay chăng? Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề thực sự là ở chỗ có nên nghĩ lại vấn đề pha mình vào Iraq hay chăng, chẳng những việc pha mình của Liên Hiệp Quốc mà còn của tất cả moị phía nữa, bao gồm cả của liên minh. Cần phải nhìn nhận chủ quyền của nước Iraq, hầu những người Iraq cảm thấy họ thực sự lãnh đạo và nắm được vận mệnh của họ”.

Nỗ lực của Hoa Kỳ đã gặp phản ứng của phe phản chiến trước đây, ngoài Pháp, còn có cả Nga và Đức. Phe tam quốc phản chiến trước đây hiện nay chủ trương Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò rộng lớn hơn ở Iraq. Hiện nay ở Iraq có 140 ngàn binh lính Hoa Kỳ và hơn 20 ngàn lực lượng các quốc gia khác, nhất là Hiệp Vương Quốc. Theo ông Powell thì có khoảng 30 quốc gia đóng góp quân đội ở Iraq dưới quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ. Một số quốc gia nữa đang gửi quân hay đang bàn đến việc này, như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Moldova, New Zealand, Phi Luật Tân, Bồ Đào Nha v.v.

Đối với Tòa Thánh Vatican, theo vị nguyên quan sát viên của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva là ĐTGM Diarmuid Martin thì vấn đề tái thiết Iraq là vấn đề xã hội dân sự chứ không phải vấn đề can thiệp quân sự, cho dù quân sự có giúp bảo đảm an ninh (mà thực tế cho thấy chính sự có mặt của quân sự lại gây thêm lộn xộn…). Thật vậy, vị TGM này đã nói về đề tài “Iraq: Việc Tái Thiết Khó Khăn” trong cuộc họp kéo dài cả tuần lễ với chủ đề “Cuộc Gặp Gỡ Thân Hữu Giữa Các Dân Tộc”, do phong trào Hiệp Thông Và Giải Phóng ở thành phố ven biển Rimini Ý quốc. Theo vị phó TGM cho TGP Dublin hiện nay thì “Việc can thiệp quân sự đóng góp một phần nhỏ vào việc phát triển xã hội, vào điều kiện nồng cốt cho việc hiện thực dân chủ”. Nhắc lại vụ khủng bố tấn công tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Iraq mới đây, ĐTGM nhấn mạnh là “Iraq không phải là một tân Yugoslavia” và “tình hình mất an ninh lại càng tăng thêm. Tình trạng yếu kém của cộng đồng Iraq và tình trạng phân mảnh của các nhóm sắc dân khác nhau đã xẩy ra. Saddam đã biết đến điều này và đó là lý do tại sao ông ta đã phân phối các thứ khí giới nơi các cộng đồng khác nhau”. ĐTGM nhận định là xứ sở này giờ đây cần một nền dân chủ để tái thiết và là một thứ dân chủ “không tự mình phát triển, nhất là phát xuất từ một thứ độc tài. Tình trạng hiện nay cho thấy những giới hạn của việc can thiệp bằng quân sự. Nền an ninh của một xứ sở không thể chỉ được xây dựng trên sự hiện diện của những lực lượng võ trang. Việc tái thiết Iraq cần phải được bắt đầu bằng sự tiến bộ của xã hội dân sự”, mà nếu một thứ xã hội như thế “chưa hiện hữu… thì cần phải khơi động và hỗ trợ cho nó hiện lên một cách tỏ tường. Chỉ có khi nào những khả năng của con người được bộc phát nơi thành phần dân chúng thì mới có một thứ chính quyền tự trị, không còn ở trong tình trạng của một quốc gia bị chiếm cứ”.



29/8 Thứ Sáu

Những Mập Mờ và Việc Truy Lùng Vũ Khí Đại Công Phá ở Iraq
 

Về việc tìm kiếm vũ khí đại công phá ở Iraq thời hậu chiến, hiện nay, không còn là vấn đề bảo vệ nền an ninh thế giới, nền an ninh Trung Đông hay Hoa Kỳ nữa, như các vị đầu lãnh phe liên minh tuyên truyền, mà là một vấn đề chẳng những liên quan đến chính nghĩa của cuộc chiến đơn phương tấn công nấp dưới chiêu bài cần phải tự vệ trước, mà còn đến thế giá tình báo của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nữa. Vấn đề vũ khí đại công phá ở Iraq được diễn tiến như sau:

Năm 1991, theo những điều khoản về hòa bình của Cuộc Chiến Vùng Vịnh, Iraq phải tường trình cho biết xem là họ có các chương trình chế tạo các loại vũ khí đại công phá hay chăng, nếu có phải hủy bỏ những thứ vũ khí này, bao gồm cả các phi đạn tầm xa. Liên Hiệp Quốc giữ vai trò thanh tra các loại vũ khí ấy ở nước này.
 

Năm 1998, vào Tháng 8, Iraq loan báo rằng họ không cho phép Liên Hiệp Quốc thực hiện việc thanh tra vũ khí nữa. Vào Tháng 10 sau đó, họ không chịu cộng tác làm việc thanh tra với LHQ. Sau khi bị đe dọa dội bom, Iraq tiếp tục cho các thanh tra viên LHQ trở lại hành sự, cho đến Tháng 12 Iraq dứt khoát không chịu hợp tác nữa vì cho rằng trong nhóm thanh tra viên có tình báo của US và UK, nên đã bị hai nước này dội bom làm cho các thanh tra viên quốc tế phải ra khỏi nước này, tương tự như tối hậu lệnh tấn công của Hoa Kỳ giữa tháng 3/2003 làm các thanh tra viên LHQ chưa hoàn thành việc làm của mình lại phải ra khỏi Iraq lần nữa.
 

Năm 2002, vào Tháng 11, các thanh tra viên LHQ trở lại Iraq để tái thực hiện việc kiểm soát vũ khí của họ trước đây, dưới sự lãnh đạo của ông Hans Blix và ông Hahamid ElBaradei.

Ngày 14/4/2003, quân đội Hoa Kỳ thấy 11 phòng thí nghiệm lưu động được chôn ở ngoại ô Karbala. Một vị tướng Hoa Kỳ cho rằng những phòng thí nghiệm lưu động ấy có khả năng chế tạo các thứ vũ khí sinh trùng và hóa chất, nhưng theo các cuộc thử nghiệm sau đó thì chúng chỉ được sử dụng cho các thứ vũ khí thông thường. Trước đó còn có 14 thùng được cho là đựng toàn là những thứ hóa chất đáng hồ nghi song chỉ là những thứ thuốc diệt sâu bọ.
 

Ngày 17/4/2003, Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ tuyên bố gửi một nhóm cả ngàn nhân viên mang danh “Nhóm Xem Xét Iraq” để tìm kiếm các thứ vũ khí cấm. Thay thế cho Chiến Dịch Khai Thác 75 của Quân Đội Hoa Kỳ trong việc dẫn đầu việc tìm kiếm ấy, nhóm này bao gồm các nhân viên quân đội, các nhà phân tích tình báo của chính quyền, các khoa học gia dân sự cùng với các tư nhân hợp đồng.

Ngày 19/4/2003, Các viên chức Hoa Kỳ bắt được những chiếc xe thùng (trailers) ở trạm kiểm soát Kurdish ma ụ họ nghĩ được sử dụng làm phòng thí nghiệm các thứ vũ khí sinh trùng. Nhưng sau đó, theo bản tường trình chung của CIA và DIA thì “việc sản xuất chất B.W. (biological weapons) chỉ có mục đích thực sự xài cho những loại xe ấy mà thôi”.

Tháng 5-6/2003, chính phủ Bush và đồng minh tham dự cuộc chiến tranh tấn công Iraq bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ, nhất là thuộc đảng Dân Chủ, cũng như các phê bình gia ngoại quốc đặt vấn đề liệu Hoa Kỳ có quá trớn liên quan đến vũ khí đại công phá của Iraq để lấy cớ tấn công Iraq hay chăng. Tòa Bạch Ốc bác bỏ các lời phê bình ấy và nhất định tin rằng Iraq có các thứ vũ khí cấm ấy.
 

Ngày 9-10/5/2003, Nhóm Vũ Khí Hóa Chất của Quân Đoàn 101 Airbone Hoa Kỳ thấy một phòng thí nghiệm lưu động khác đáng ngờ vực gần Mosul, một khám phá được Ngũ Giác Đài tin rằng có liên quan đến việc chế tạo vũ khí sinh trùng, song chẳng có một chứng cớ nào cho thấy rõ điều nghi vấn này.
 

Ngày 5/6/2003, ông Hans Blix, vị lãnh đạo phái đoàn thanh tra vũ khí ở Iraq trước đây, đã tường trình cho Hội Đồng Bảo An LHQ là “Ủy ban thanh tra trong suốt cuộc thanh tra ở Iraq đã không tìm thấy chứng cớ nào của việc Iraq tiếp tục hay tái diễn các chương trình chế tạo các thứ vũ khí đại công phá hay các lượng chất quan trọng của các thứ được qui định, cả từ trước năm 1991 hay sau đó”. Ông cũng nói Iraq không giải thích về các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng họ tuyên bố là họ đã hủy hoại.

 

Ngày 25/6/2003, khoa học gia Iraq Mahdi Obeidi đã tiết lộ cho CNN biết rằng, theo lệnh của Qusay Hussein và Hussein Kamel (con rể của Saddam Hussein bấy giờ), ông đã chôn giấu những bộ phận và những bản dự án đính kèm trong một khu vườn của nhà ông ở thủ đô Baghdad 12 năm trước đây. Những bộ phận được chôn giấu ấy được dùng cho hệ thống vận chuyển hơi để làm tăng chất uranium. Ông được lệnh giấu những thứ ấy đi để sau này có thể dùng vào việc tái thiết chương trình chế tạo bom đạn.

Ngày 29/6/2003, một ký giả đài BBC tường trình là các nhân viên tình báo lấy làm bất mãn vì văn phòng Downing Street của Thủ Tướng Tony Blair đã “sexed up” một trong những hồ sơ của văn phòng này về chi tiết liên quan đến chương trình chế tạo vũ khí của Iraq. Chính phủ Tony Blair đã lên tiếng bác bỏ lời cáo buộc này và chính Thủ Tướng Tony Blair đã đứng trước tiểu ban quốc hội khẳng định là ông vẫn còn tin rằng sẽ tìm thấy chứng cớ về các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq.

Ngày 11/6/2003, ông Tổng Giám Đốc Tình báo Hoa Kỳ là George Tenet nói rằng hàng chữ trong bài diễn văn State of Union của Tổng Thống Bush ngỏ với toàn dân ngày 28/1/2003 cho rằng Iraq đã cố gắng mua chất uranium ở Phi Châu đáng lẽ không bao giờ cho vào bài diễn văn này. 16 chữ đáng tiếc này nguyên văn là "The British government has learned that Saddam Hussein recently sought significant quantities of uranium from Africa" (chính quyền Hiệp Vương Quốc đã biết rằng Saddam Hussein gần đây đã mua những số lượng chất uranium đáng kể ở Phi Châu). Tòa Bạch Ốc nhìn nhận là những lời khẳng định này dựa vào tín liệu sai lạc.
 

Ngày Thứ Hai 7/7, Tiểu Ban Ngoại Vụ của Quốc Hội Hiệp Vương Quốc đã đã khẳng định bản hồ sơ tình báo của Thủ Tướng Tony Blair “hầu như hoàn toàn phản lại với việc cung cấp tín liệu” và Thủ Tướng Blair qua những lời bình luận trước quốc hội “đã trình bày sai lệch nội dung của nó nên đã đáng tiếc làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn”. Ngày hôm sau, trước tiểu ban này, Thủ Tướng Blair đã nói rằng “chúng tôi tin tưởng Iraq đã cố gắng mua chất uranium này nhưng chúng tôi không thể nói rằng họ có thành đạt trong việc này hay chăng, bởi thế chúng tôi đã nói hệt như những gì tính báo nói vậy”.

Ngày 22/8/2003, ông thượng nghị sĩ Úc Đại Lợi Andrew Wilkie, vị đã từ chức Văn Phòng Thẩm Định Úc hôm Tháng Ba để phản đối việc chính quyền sử dụng sai trái tín liệu của cơ quan này, đã nói với ban điều tra của Thượng Viện Úc là tín liệu trong bản tường trình tình báo đã bị làm méo mó bởi văn phòng của thủ tướng John Howard để “sexed up” cho hợp với dự án chính trị của chính phủ.

Ngày 28/8, về lời cáo buộc là hồ sơ về Iraq đã bị làm sai lệch, trong cuộc thẩm vấn kéo dài 2 tiếng 20 phút, Thủ Tướng Blair nói “Đó là một lên án hết sức nghiêm trọng. Đây là một cáo buộc mà chúng tôi đã tác hành một cách … nếu quả thực như thế thì đáng cho tôi phải từ nhiệm vậy”. Khoảng 100 người xuống đường trong thời gian vị thủ tướng này bị thẩm vấn. Hai phần ba công chúng …. tin rằng chính phủ đã sex up hồ sơ, và thủ tướng Tony Blair sẽ còn phải đương đầu với vấn đề ấy trong một thời gian dài sau này.

Bản Tường Trình của Quốc Hội Hoa Kỳ điều tra về Vụ Khủng Bố Tấn Công 911

Tình báo Hoa Kỳ chẳng những bị mất uy tín về vụ Iraq mà còn cả về vụ 911 nữa. Theo bản tường trình của quốc hội được phổ biến ngày 24/7, cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA đã “bỏ lỡ cơ hội” để ngăn chặn kịp thời cuộc khủng bố tấn công kinh hoàng này. Bản tường trình dài gần 800 trang này viết: “Không ai có thể biết được những gì có thể xẩy ra liên quan tới những mảnh tin rải rác khác nhau này… Điểm quan trọng ở đây là cộng đồng tình báo vì những lý do nào đó đã không thu hợp và hết sức khảo sát một loạt tín liệu có thể giúp họ khám phá ra để ngăn ngừa dự án của bin Laden phác họa tấn công Hiệp Chủng Quốc ngày 11/9/2001”. Thí dụ điển hình được bản tường trình trích dẫn là có những liên lạc giữa những tay không tay với một số người ở Hoa Kỳ, trong đó có một số đã bị FBI theo dõi. Ít là có 14 người đã liên lạc với 6 tay không tặc trước cuộc tấn công đã bị FBI chú ý trong cuộc điều tra chống khủng bố hay phản tình báo. Bản tường trình còn cho biết thêm, có 4 trong 14 người liên lạc với các tay không tay bấy giờ đang ở Hoa Kỳ này đã bị FBI theo dõi sát nút. Những kẻ liên lạc ấy đã giúp các tay không tặc thuê mướn chỗ ở, mở trương mục, lấy bằng lái xe và tìm trường học bay. Thế nhưng, một viên chức của chính phủ cho CNN biết rằng FBI không tin rằng một trong những người ấy biết được âm mưu không tặc. Phải chăng đó là lý do, trong bài diễn văn ngày 7/10/2002, Tổng Thống Bush đã đành phải thú nhận để lấy cớ nghiêm trọng hóa vấn đề tấn công Iraq: “Cuộc tấn công ngày 11/9 đã cho xứ sở của chúng ta thấy rằng những đại dương bao la cũng không thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm được nữa. Trước ngày thảm thương này, chúng ta chỉ có những tín hiệu mập mờ cho thấy những ý đồ và hoạch định của tổ chức al Qaeda”.

Bản tường trình này là công trình điều tra kéo dài 10 tháng trời của hai tiểu ban tình báo Hạ Viện và Thượng Viện về cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, sát hại 3 ngàn người, một cuộc khủng bố tấn công bởi 19 tay không tặc điều khiển 4 phản lực hàng không, 2 đâm sập Trung Tâm Thương Vụ Thế Giới ở Nữu Ước, 1 đâm vào Ngũ Giác Đài ở ngoài Washington và 1 bị rớt tan tành ở một cánh đồng Pennsylvania. Nhiều tín liệu trong bản tường trình này đã được phổ biến trước đây. Bản tường trình là một sản phẩm của 5 ngàn cuộc phỏng vấn và là một cuộc nghiên cứu gần 1 triệu văn kiện. Các nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa không phê bình Tòa Bạch Ốc nhưng nói rằng bản tường trình cho thấy rõ sự thất bại của ngành tình báo và nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải được cải tiến. Bản tường trình nêu lên 19 điều đề nghị để đẩy mạnh những nỗ lực chống khủng bố. Trong một bản văn, vị Giám Đốc FBI Robert Mueller đã cám ơn hai tiểu ban quốc hội về bản tường trình và cho biết cơ quan ông đã áp dụng hay đang ở trong tiến trình áp dụng nhiều điều đề nghị trong vấn đề chống khủng bố.

Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: càng đi vào đường cùng không ngõ thoát….

Vào lúc 9 giờ 55 sáng địa phương ngày Chúa Nhật 24/8, một chiếc trực thăng của Do Thái đã bắn ít là hai phi đạn vào 4 người đang ngồi ở một lô đất trống gần khu nhà của Lực Lượng 17, phòng vệ riêng của Tổng Thống Arafat. Bốn người này thuộc nhóm Hamas, đó là Walid el Hams, Ahmed Eshtwi, Ahmed Abu Halala và Muhammad Abu Lubda. Người thứ năm bị thương nặng. Sau đó hai bên (nhóm Hamas và Do Thái) đã bắn đầu phi đạn vào phần đất của nhau. Sáng Chúa Nhật, tướng Abdel Razek al Majaydeh, vị lãnh đạo an ninh của tổng thống Arafat ở Gaza, đã ra lệnh cho các lực lượng của ông đi ngăn chặn các nhóm chiến đấu quân trong việc bắn đầu phi đạn vào các tỉnh và khu dân cư Do Thái. Thứ Năm 28/8, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ được Thủ Tướng Ariel Sharon hạ lệnh cho các lực lượng phải “lợi dụng tất cả mọi bước cần thiết” chống lại nhóm Hamas, thì một chiếc trực thăng Do Thái đã bắn vào một chiếc xe lừa ở miền nam Gaza, làm một chiến đấu quân Hamas tử thương và làm cho ba người bị thương. Cuộc tấn công bằng đầu đạn hôm nay là cuộc tấn công thứ bốn trong tuần vừa qua.
 

28/8 Thứ Năm

Bị tù 6 tháng vị đe dọa tính mạng Giáo Hoàng

Trong chuyến tông du 101 sang Bosnia hồi Tháng Sáu vừa qua, ĐTC đã bị một người Hồi giáo ở đây đe dọa. Người này là Almir Abdulah, 23 tuổi, đã gửi những điện thư, với chữ ký của Mujahedin Islamic Front, cho cơ quan Hina nước này cũng như cho cơ quan báo chí Công giáo IKA, đe dọa lấy mạng vị giáo hoàng này. Thẩm phán Branko Peric cho biết việc điều tra vụ này thấy rằng con người trẻ này thật sự không có ý định thi hành những lời đe dọa của mình. Tuy nhiên, con người này vẫn bị 6 tháng tù, vị thẩm phán cho biết thêm, “vì đây là một xúc phạm nặng nề tới vị Giáo Hoàng ở vào lúc cả thế giới đang lo âu bởi tình trạng tăng phát nạn khủng bố”.

Kitô hữu Hoa Kỳ truyền giáo ở Iraq có thể gây thêm họa

Đức Tổng Giám Mục thuộc lễ nghi Latinh ở thủ đô Baghdad là Jean Benjamin Sleiman, vị đã gắn bó với đoàn chiên của mình trong thời chiến cũng như thời hậu chiến, đã lên tiếng cảnh giác thành phần Kitô hữu từ Hoa Kỳ tới truyền giáo, khi nói với cơ quan truyền giáo Misna rằng “Các nhà giảng thuyết Kitô giáo đã đến…. Thành phần muốn làm cho các người Hồi giáo trở lại Kitô giáo. Họ là những nhóm kêu gọi dân chúng trên đường phố và xin tiền. Họ dán thông báo khắp nơi và lập nhà thờ. Họ không nhận thấy rằng họ đang tạo nên một bầu khí không thể chấp nhận được, một bầu khí vì phạm đến cảm giác của dân chúng sẽ làm bùng lên trào lưu quá khích Shiite”. Thật vậy, theo vị TGM này thì những vấn đề rắc rối của Iraq có thể dẫn tới các vấn đề rắc rối đối với Kitô hữu. Tình trạng bất ổn và lo sợ có thể “gây ra việc phát triển các lực lượng cực đoan Hồi giáo, khi thành phần dân chúng không nhiều thì ít đồng hóa Kitô hữu với người Tây phương, và vì thế với người Hoa Kỳ. Tôi không thể thấy được một giải pháp chính trị nào. Cho dù Hoa Kỳ có tất cả các nhà phân tích đi nữa, người Hoa Kỳ vẫn không thấy được rằng Iraq là một quốc gia phức tạp hơn họ nghĩ tưởng rất nhiều… Không có bất cứ một cơ quan an ninh hay cảnh sát hoặc bất cứ một dấu hiệu nào về việc hiện hữu của chính quyền, dù lâm thời, trên đường phố cả”.

ĐHY Ratzinger: cuộc khủng hoảng tình dục ở Hoa Kỳ là do “tình trạng yếu kém đức tin”

Trong cuộc phỏng vấn ở Rôma với vị giám đốc Raymond Arroyo của Đài Truyền Hình EWTN (Irondale, Alabama Hoa Kỳ) để phát hình cho chương trình “The World Over Live” vào ngày Thứ Sáu 5/9/2003 lúc 8 giờ tối (giờ Nữu Ước), vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh này đã trả lời nhiều câu hỏi khác nhau, trong đó có những lý do sâu xa tại sao xẩy ra tình trạng khủng hoảng tình dục ở Hoa Kỳ, có viễn tượng về Giáo Hội cũng như có vấn đề liên quan đến việc về hưu của vị hồng y này.

Riêng về vấn đề về hưu của mình, vị hồng y cho biết như sau: “Phải, tôi đã mong muốn được về hưu vào năm 1991, rồi 1996 và 2001, vì tôi dự định viết một số sách và trở lại với những nghiên cứu của tôi như ĐHY Martini đã làm. Thế nhưng, khi thấy một vị Giáo Hoàng đau khổ, tôi không thể nào nói với vị Giáo Hoàng ấy là ‘con sẽ về hưu, con sẽ viết sách vở của con’. Tôi buộc lòng phải tiếp tục”.

Về vấn đề căn rễ sâu xa của cuộc khủng hoảng tình dục ở Hoa Kỳ, ngài cho biết: “yếu tố chung đó là tính yếu đuối của loài người, ngay cả nơi linh mục. Vị linh mục cũng gặp các thứ chước cám dỗ nữa. Tôi nghĩ rằng điểm chính yếu ở đây là tình trạng yếu kém đức tin. Bởi vậy có hai điều quan thiết là việc trở về với đức tin vững chắc và sâu xa bằng đời sống cầu nguyện và bí tích, cũng như trở về với giáo huấn rõ ràng về luân lý, ý thức rằng Giáo Hội có Thánh Thần Chúa và Giáo Hội có thể hướng dẫn chúng ta”.

ĐTC nhắn nhủ giới trẻ hướng đạo về trách nhiệm đối với thiên nhiên theo đức tin Kitô giáo

ĐTC đã gửi một sứ điệp cho 20 ngàn giới trẻ thuộc Hiệp Hội Hướng Đạo Công Giáo Ý Quốc (AGESCI the Italian Catholic Guides and Scouts Association), trong dịp hiệp hội này thực hiện một Trại Toàn Quốc từ ngày 28/7 đến 7/8 ở bốn địa điểm khác nhau cùng một lúc là Monteleone de Spoleto, Montella, Assemini và Vialfre. Ngài viết:

“Tôi muốn trở lại với một trong những đề tài rất thích hợp với các bạn, đó là tầm quan trọng các bạn phải liên tục đào sâu đức tin của các bạn bằng một tình yêu cụ thể và tôn trọng đối với thiên nhiên. Đây là một việc khẩn trương và buộc phải làm đối với hết mọi người, và vẫn là một việc đối với hướng đạo viên, thành phần cảm hứng thiên nhiên không phải bằng một cảm giác mơ hồ về môi sinh, song bằng một cảm quan trách nhiệm phát xuất từ đức tin. Thật vậy, việc bảo vệ thiên nhiên tạo vật là một đặc tính chuyên biệt của việc Kitô hữu dấn thân thực hiện trên thế giới này. Ở bất cứ nơi nào Đấng Hóa Công và sự khôn ngoan của Ngài tỏ hiện, từ những ngọn núi uy hùng đến những thung lũng nở hoa tươi xinh, các bạn đều có thể chiêm ngắm vẻ đẹp của Ngài, và linh hồn các bạn thực sự hít thở, bật lời chúc tụng, lặng yên và chiêm niệm mầu nhiệm thần linh. Khi Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor với Người, chắc hẳn Người đã cùng với các vị trầm trồ khen ngợi cảnh sắc Galilêa mà một người thấy được từ trên thượng đỉnh ấy. Thế nhưng, đó không phải là mục đích chính của Người. Người muốn các môn đệ của Người tham phần vào việc Người cầu nguyện và tỏ cho các vị dung nhan hiển vinh của Người, để các vị sửa soạn chịu đựng đến cùng cơn thử thách dữ dằn của Cuộc Khổ Nạn… Đây là những giây ph1ut quan trọng, những giây phút nhờ có môi trường thiên nhiên, các bạn có được một cảm nghiệm mãnh liệt về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu cũng về về mối hiệp thông huynh đệ. Tất cả những điều ấy sửa soạn cho các bạn sống, sửa soạn cho việc các bạn đặt nền tảng của các dự án cần thiết nhất của các bạn trên đức tin, và sửa soạn cho việc các bạn thắng vượt những cuộc khủng hoảng bằng ánh sáng và sức mạnh bởi Trời”.

Vụ Án Galilêô càng được sáng tỏ qua bức thư năm 1633

Bức thư lịch sử quan trọng này vừa được khám phá cách đây ít ngày bởi sử gia Francesco Beretta, giáo sư sử học Kitô giáo ở Đại Học Freiburg Đức quốc. Vị giáo sư này đã khám phá ra bức thư ấy trong các công hàm của Thánh Bộ mà ngày nay được gọi là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Bức thư của Thánh Bộ ấy được Ủy Viên của Thánh Bộ này là Vincenzo Maculano da Firenzuola gửi cho ĐHY Francesco Barberini, để bày tỏ mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng về nhà khoa học bị lên án là lạc đạo này. Theo vị giáo sư khám phá ra bức thư thì việc sửa soạn cho ngày 22/6/1633 về bản án kết tội khoa học gia Galilêô có lẽ là do vị ủy viên này một phần lớn. ĐTGM Angelo Amoto, 65 tuổi, vị tân bí thư của thánh bộ này cho biết: “Đối với một số người ngày nay thì Galilêô hoàn toàn đồng nghĩa với tự do, tân tiến và tiến bộ, trong khi Giáo Hội đồng nghĩa với tín điều, phản minh tri, đần độn. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác với nhận định phát xuất từ tưởng tượng ấy”. Căn cứ vào việc khám phá ra bưcùc thư lịch sử trên đây, vị bí thư dòng Don Boscô của thánh bộ này đã nhắc lại các khía cạnh về vụ án Galilêô, khi ngài cho tuần san Famiglia Cristiana biết như sau:

“Vào năm 1610, khi Galilêô phát hành cuốn ‘Sidereus Nuncius’ là tác phẩm ông chủ trương vị trí tâm điểm của mặt trời trong vũ trụ thì ông đã được cả nhà đại thiên văn gia Johannes Kepler và tác giả soạn lịch Grêgory Jesuit Clavius hoan hô.

“Thậm chí ông còn đạt được thành công lớn nơi các vị hồng ý Rôma nữa. Thật vậy, tất cả các ngài đều muốn nhìn lên bầu trời qua viễn vọng kính của ông.Thành phần chống đối ông nhất là các triết gia, nhất là những triết gia thuộc trường phái lang thang ở Pisa, thấm nhiễm tư tưởng của Aristote, và họ bắt đầu sử dụng đến vai trò của Thánh Kinh trong vấn đề này”. Vì thế, theo vị TGM, Tòa Thánh mới lên tiếng can thiệp.

Vào tháng 10/1992, một ủy ban đặc biệt gồm các nhà thần học, khoa học và sử học, một ủy ban được ĐTC Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1981, đã tường trình những gì mình khám phá thấy trong vụ này. Ủy ban do ĐHY Paul Poupard là chủ tịch Hội Đồng Văn Hóa lãnh đạo đã khảo sát những lỗi lầm khả dĩ gây ra bởi pháp đình của giáo hội trong việc lên án nhà thiên văn danh tiếng ấy vào năm 1633. Vào ngày 31/10/1992, ĐTC Gioan Phaolô II đã công khai nhìn nhận những lỗi lầm này. Ngài đã nói trước Học Viện Các Khoa Học của Tòa Thánh là “chúng ta hãy bày tỏ hối tiếc về một số thái độ suy nghĩ … phát xuất từ việc thiếu hiểu biết về tính cách độc lập hợp lý của khoa học”. ĐTGM cho biết thêm về nhà khoa học trứ danh này đã được tôn trọng cho đến giây phút cuối cùng như sau: “Khi ông ở Thánh Bộ khoảng 20 ngày, phòng của ông là một chung cư của vị luật sư, một trong những viên chức cao nhất của Tòa Điều Tra, nơi ông được đầy tớ của ông phục dịch. Trong những ngày cuối cùng ở Rôma, ông là vị khách của vị lãnh sự Florentine ở Villa Medici”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Zenit, ĐHY Poupard đã cho biết “tất nhiên Galilêô đã phải chịu đựng rất nhiều; thế nhưng sự thật về lịch sử cho thấy rằng ông chỉ bị kết án ‘formalem carcerem’ là một loại giam giữ tại nhà mà thôi. Một số vị thẩm phán không chịu ký vào bản án, và Đức Giáo Hoàng bấy giờ cũng không ký nữa. Galilêô vẫn đã tiếp tục công việc khoa học của ông và chết vào ngày 8/1/1642, tại nhà của ông ở Arcetri, gần Florence. Viviani là người ở với ông khi trong thời gian ông bị bệnh đã làm chứng cho biết ông đã chết với một lòng tin tưởng mãnh liệt về triết lý cũng như về Kitô giáo, hưởng thọ 77 tuổi”.

ĐTGM Amoto còn cho biết Ủy Ban của Tòa Thánh Vatican về vụ này đã nói rằng “việc thề nguyền từ bỏ hệ thống thiên văn Copernican của nhà khoa học Galilêô này chính yếu là vì bản thân đạo hạnh của ông, một con người đã cố vâng lời Giáo Hội ngay cả Giáo Hội có sai lầm chăng nữa. Galilêô không muốn trở thành một kẻ lạc đạo; ông không muốn bị kết án đời đời nên đã chấp thuận việc thề nguyền từ bỏ này như thề nguyền không phạm tội vậy”. Sau khi ĐTC Gioan Phaolô II lên tiếng trên đây, vụ án Galilêô kể như đã chấm dứt. Tuy nhiên, vụ án này, theo vị TGM, đã dạy chúng ta đừng chú trọng tới “vấn đề tương khắc mà là vấn đề hòa hợp” giữa đức tin và lý trí là “hai cánh giúp Kitô hữu có thể bay lên với Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tổng luận trong thông điệp ‘Đức Tin và Lý Trí’ của Ngài”. Vị khoa học gia tin tưởng này mang trách nhiệm, ĐTGM nói, “mạnh dạn thi hành công việc nghiên cứu sự thật của mình”.
 

27/8 Thứ Tư

Chúc tụng Vị Thiên Chúa tỏ mình nơi lịch sử và thiên nhiên

(Bài giáo lý 83 Thứ Tư 20/8/2003 về Thánh Vịnh 147 phần hai: Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Thánh Vịnh vừa gợi ý cho việc suy niệm của chúng ta là phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 146 trước đó. Tuy nhiên, những bản dịch Hy lạp và La tinh cổ, sau đó là bản dịch phụng vụ, đều coi bài Thánh Vịnh này như là một bài ca biệt lập, vì đoạn mở đầu của bài hoàn toàn khác hẳn với phần trước đó. Đoạn mở đầu này cũng trở thành nổi tiếng vì thường được hát bằng tiếng La tinh: “Lauda, Jerusalem, Dominum”. Những lời mở đầu này tạo nên một lời mời gọi kiểu mẫu cho những bài thánh thi ca của các Thánh Vịnh trong việc tôn vinh chúc tụng Chúa: Bởi thế mà Giêrusalem, được nhân cách hóa làm dân Chúa, đã tỏ ra hân hoan tôn tụng Thiên Chúa của mình (câu 12).

Trước hết, cần lưu ý đến lý do tại sao cộng đồng nguyện cầu phải dâng lời chúc tụng Chúa. Lý do ấy phát xuất từ bản chất lịch sử, ở chỗ chính Ngài, vị giải phóng dân Do Thái khỏi cuộc lưu đầy Babylon, là Đấng đã ban an ninh cho dân Ngài, bằng cách củng cố “những thanh cửa” của thành này (câu 13).

Khi Giêrusalem quân đội của Vua Nebuchadnezzar tấn công vào năm 586 BC, Sách Ai Ca đã cho thấy chính Chúa là vị thẩm phán tội lỗi của dân Do Thái, khi Ngài “phá đổ bức tường của nữ tử Sion… Giật sập các cổng của họ; Ngài đã dẹp bỏ và bẻ gẫy các then chốt của họ” (2:8,9). Thế mà giờ đây Chúa tái thiết Thành Thánh; trong việc tái thiết đền thờ, Ngài lại chúc lành cho con cái của mình. Bởi thế mới nhắc đến việc Nehemiah thi hành (x Neh 3:1-38), vị đã sửa chữa các tường thành Giêrusalem, để một lần nữatrở thành một chốn thanh thản an bình.

2. Thật vậy, bình an, shalom, liền hiện lên, như nó được chất chứa một cách tiêu biểu nơi chính tên gọi Giêrusalem. Tiên tri Isaia đã hứa với thành này là: “Ta sẽ chỉ định bình an làm thống lãnh của ngươi, và công chính làm thủ lãnh của ngươi” (60:17).

Thế nhưng, ngoài việc tái thiết các bức tường của thành này, chúc lành cho thành và làm cho thành được bình an ổn định, Thiên Chúa còn ban cho dân Do Thái những tặng ân quan trọng khác nữa, những tặng ân được nói đến ở cuối bài Thánh Vịnh. Đúng thế, những tặng ân đó là Mạc Khải, Lề Luật và những qui định thần linh: “Chúa cũng công bố lời của Ngài cho Giacóp, các chỉ thị và lề luật của Ngài cho Israel” (147:19).

Bởi thế dân Do Thái mới hân hoan mừng vui vì mình được tuyển chọn cùng với sứ vụ chuyên nhất của họ giữa các dân tộc, ở chỗ đem loan báo cho thế giới Lời của Thiên Chúa. Sứ vụ đó là sứ vụ ngôn sứ và tư tế, vì “còn quốc gia cao cả nào có các thứ qui định và chỉ thị như toàn bộ lề luật tôi ban bố cho anh em hôm nay hay chăng?” (Deut 4:8). Qua dân Do Thái, và vì thế, cũng qua cộng đồng Kitô hữu là Giáo Hội mà Lời Chúa được vang vọng trên thế giới và trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng sự sống cho tất cả mọi dân tộc (x Ps 147:20).

3. Cho tới đây chúng ta đã nói đến lý do đầu tiên của việc chúc tụng cần phải dâng lên Chúa, đó là lý do lịch sử, một lý do liên quan tới tác động giải phóng và mạc khải Thiên Chúa thực hiện nơi dân của Ngài.

Ngoài ra, còn một lý do nữa để hân hoan chúc tụng, đó là lý do có bản chất thiên nhiên, tức có liên quan tới tác động tạo thành của Thiên Chúa. Lời thần linh bộc phát để ban sự sống cho hữu thể. Như một sứ giả, Lời thần linh chạy rảo khắp các nơi bao la trên trái đất (147:15). Để rồi, đột nhiên bừng lên những sự lạ lùng.

Vậy mùa đông tới, một mùa mà hiện tượng khí hậu của nó được diễn tả có tính cách thi văn, ở chỗ, tuyết giống như bông trắng, những hạt sương như cát bụi trong sa mạc (câu 16), mưa đá như những vụn bánh rơi xuống đất, đá lạnh làm đông cứng đất đai và đóng cục cỏ cây (câu 17). Đó là hình ảnh một thứ mùa đông mời gọi con người hãy khám phá những kỳ công của thiên nhiên tạo vật, những kỳ công được nhắc lại ở trang sách thánh kinh đầy hình ảnh khác là cuốn Sirach (43:18-20).

4. Tuy nhiên, tác động của Lời thần linh cũng làm cho mùa xuân tái hiện nữa, ở chỗ đá lạnh tan loãng, gió ấm thổi về khiến các giòng nước chảy trôi (147:18), nhờ đó chu kỳ trường tồn của thời tiết lại tái diễn, và như vậy con người nam nữ cũng lại có cơ hội sống động nữa.

Theo tự nhiên, không thể nào không đọc lại những tặng ân thần linh này theo nghĩa bóng. “Bông lúa” khiến người ta nghĩ đến tặng ân cao trọng là bánh thánh thể. Chưa hết, Origen, một đại văn hào Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã cho thứ lúa này như dấu hiệu chỉ về chính Chúa Kitô, đặc biệt chỉ về Sách thánh.

Đây là lời dẫn giải của ông: “Chúa của chúng ta là hạt lúa miến rơi xuống đất và tự sinh hoa kết trái cho chúng ta. Thế nhưng, hạt lúa miến ấy hết sức phong phú. Lời Chúa hết sức phong phú, bao gồm tất cả mọi vui thú. Tất cả những gì anh em thấy đều từ Lời Chúa mà ra, tương tự như những gì người Do Thái đã nói khi họ ăn manna họ cảm thấy mùi vị ở miệng lưỡi họ tùy theo họ muốn. Thịt của Chúa Kitô cũng vậy, la ụ lời giảng dạy, tức là việc hiểu biết các Sách Thánh, chúng ta càng ao ước càng được nuôi dưỡng. Nếu anh em thánh thiện anh em sẽ được bồi dưỡng; nếu anh em là tội nhân, anh em sẽ bị cực hình” (Origen -- Jerome, "74 omelie sul libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 543-544).

5. Bởi thế, Chúa tác động với Lời Ngài, chẳng những nơi thiên nhiên tạo vật mà còn cả nơi lịch sử nữa. Ngài tỏ mình bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng của thiên nhiên (x Ps 18[19]:2-7), nhưng Ngài biểu hiện bản thân mình một cách tỏ tường nơi Thánh Kinh, cũng như nơi việc thông đạt riêng tư với các vị tiên tri, và một cách trọn vẹn qua Người Con (x Heb 1:1-2). Chúng là hai tặng ân khác nhau nhưng hội tụ của tình Ngài yêu thương.

Đó là lý do tại sao việc chúng ta chúc tụng cần phải dâng lên trời cao mỗi ngày. Nó là lòng chúng ta biết ơn, lòng biết ơn nở hoa ban sáng nơi kinh ban mai để chúc tụng vị Chúa của sự sống và tự do, của hiản hữu và đức tin, của thiên nhiên và ơn cứu độ.

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh hôm nay là một lời mời gọi hãy dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về việc Ngài làm trong lịch sử cũng như nơi thiên nhiên tạo vật. Bài Thánh Vịnh chúc tụng tác động thần linh là tác động đã giải phóng Dân Tuyển Chọn khỏi chốn Lưu Đầy va ụ là tác động tái thiết và kiên cố thành Giêrusalem để thành này trở nên một nơi hòa bình. Bài Thánh Vịnh cũng gợi lên cho thấy tặng ân Mạc Khải và Lề Luật của Thiên Chúa, Đấng biến mùa đông thành mùa xuân và tiếp tục cống hiến cho chúng ta hôm nay đây tặng ân Sự Sống mới của Ngài.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 20/8/2003)
 

26/8 Thứ Ba

Văn Kiện của Tòa Thánh về vấn đề Hôn Nhân Đồng Phái Tính: “Những Cân Nhắc Liên Quan Đến Những Dự Thảo Công Nhận Hợp Pháp Các Thứ Hiệp Nhất Giữa Những Người Đồng Phái Tính”.

Sau đây là những đoạn trích dẫn quan trọng

Nhập đề:

“Trong những năm gần đây có một số vấn nạn khác nhau liên quan đến vấn đề đồng tính luyến ái được đặt ra, một số bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như bởi các phân bộ liên hệ của Tòa Thánh. Đồng tính luyến ái là một hiện tượng rắc rối về luân lý và xã hội, ngay cả nơi những xứ sở không có những vấn đề pháp lý quan trọng. Hiện tượng này càng cần phải được quan tâm hơn nơi những xứ sở đã hay đang có ý định hợp thức hóa những cuộc hiệp nhất đồng phái tính, những cuộc hiệp nhất có thể bao gồm cả cơ hội nhận con nuôi.

“Những Điều Cân Nhắc ở đây không chứa đựng những yếu tố tín lý mới; Những Điều Cân Nhắc ấy thật ra chỉ nhắm đến việc lập lại những điểm thiết yếu về vấn đề này và đưa ra những lập luận theo lý trí các vị Giám Mục có thể sử dụng trong việc sửa soạn cho những can thiệp đặc biệt hơn, thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau trên khắp thế giới, nhắm đến việc bảo vệ và cổ võ phẩm giá hôn nhân, nền tảng của gia đình, cũng như việc bảo vệ và cổ võ sự bền vững của xã hội do yếu tố gia đình hình thành.

“Những Điều Cân Nhắc đây cũng nhắm đến việc hướng dẫn các chính trị gia Công giáo, bằng cách nêu lên những phương cách đối với việc phác họa dự luật về vấn đề này làm sao cho hợp với lương tâm Kitô giáo. Vì vấn đề này liên quan đến luật luân lý tự nhiên, những lập luận sau đây được ngỏ chẳng những với những ai tin vào Chúa Kitô, mà còn với tất cả những người dấn thân cổ võ và bênh vực công ích của xã hội.

“I.- Bản Chất của Hôn Nhân và Những Đặc Tính Bất Khả Đoạt

“Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân cũng như về tính chất hỗ tương phái tính nhắc lại một sự thật hiển nhiên đối với lý trí đứng đắn cũng như đã được tất cả mọi nền văn hóa chính trên thế giới nhìn nhận. Hôn nhân không phải chỉ là bất cứ một liên hệ nào giữa loài người với nhau…. Không một ý hệ nào có thể xóa mất nơi tâm linh con người niềm tin tưởng là hôn nhân chỉ xẩy ra giữa một người nam và một người nữ, những người, bởi việc trao ban cho nhau, một việc xứng hợp với họ và chỉ giành cho họ, hướng đến việc hiệp thông ngôi vị của họ. Nhờ đó, họ làm cho nhau nên trọn hảo, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và nuôi dưỡng những sự sống con người mới.

“Sự thật tự nhiên về hôn nhân được Mạc Khải xác nhận trong trình thật về tạo dựng của thánh kinh…. Con người nam nữ bình đẳng về ngôi vị và bổ khuyết về phái tính. Tính dục là những gì liên quan tới lãnh vực thể lý và sinh lý, và được nâng lên một cấp độ mới, cấp độ cá thể, cấp độ hiệp nhất giữa bản tính tự nhiên và tinh thần…. Thiên Chúa muốn làm cuộc hiệp nhất của con người nam nư õđược đặc biệt tham dự vào công việc tạo dựng của Ngài…. Hơn nữa, việc hiệp nhất giữa con người nam nữ còn được Chúa Kitô nâng lên phẩm vị của một phép bí tích.

“Hoàn toàn không có một nền tảng nào trong việc coi các cuộc hiệp nhất hôn nhân đồng phái tính một cách nào đó giống như hay thậm chí hợp với dự án của Thiên Chúa về vấn đề hôn nhân và gia đình. Hôn nhân là một vấn đề thánh hảo, còn các tác động đồng tính luyến ái là những gì phản lại với lề luật luân lý tự nhiên. Các tác động đồng tính luyến ái ‘ngăn chặn tác động tính dục mang lại tặng ân sự sống. Chúng không phát xuất từ tính chất hỗ tương chân thực về tình cảm lẫn tình dục. Không thể chấp nhận những tác động này ở bất cứ trường hợp nào’.

“Tuy nhiên, theo giáo huấn của Giáo Hội, những con người nam nữ mắc khuynh hướng đồng tính luyến ái ‘cần phải được chấp nhận với một lòng tôn trọng, cảm thương và tế nhị. Phải tránh hết mọi hình thức tỏ ra kỳ thị họ một cách bất chính’. Như những Kitô hữu khác, họ cũng được kêu gọi để sống nhân đức trong sạch. Tuy nhiên, bản năng đồng tính luyến ái là những gì ‘bại hoại tự bản chất’ và những việc đồng tính luyến ái là ‘những hành động tội lỗi hết sức phạm đến đức trong sạch’.

“II.- Những Chủ Trương Về Vấn Đề Các Cuộc Hiệp Nhất Đồng Phái Tính

“Đối diện với sự kiện của những cuộc hiệp nhất hôn nhân đồng phái tính, các thẩm quyền dân sự có những chủ trương khác nhau. Có những lúc họ tỏ ra làm ngơ cho hiện tượng đồng tính luyến ái này xẩy ra; có những lúc họ biện hộ cho việc hợp thức hóa các cuộc hiệp nhất đồng tính luyến ái ấy, dưới chiêu bài liên quan đến một số quyền lợi hầu để tránh kỳ thị những ai muốn sống với người đồng phái tính. Ở những trường hợp khác, họ thiên về việc cho phép các cuộc hiệp nhất đồng phái tính quyền tương đương với cái thực sự được gọi là hôn nhân kèm theo quyền có thể nhận con nuôi.

“Trong trường hợp những cuộc hiệp nhất đồng phái tính đã được nhìn nhận theo pháp lý, hay đã được cho phép hưởng vị thế và các thứ quyền lợi thuộc về hôn nhân, thì phải tỏ ra chống lại một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Người ta phải tránh những thứ cộng tác chính thức vào việc ban hành hay áp dụng những thứ lề luật bất chính trầm trọng như thế, và hết sức tránh những thứ cộng tác thực tế ở lãnh vực áp dụng thực hành các thứ lề luật ấy. Trong lãnh vực này ai cũng có thể thực hành quyền phản kháng theo lương tâm của mình.

“III. Những Lập Luận Theo Trí Khôn Phản Lại Việc Hợp Pháp Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái

“Để hiểu tại sao cần phải chống lại việc hợp pháp các cuộc hôn nhân đồng phái tính, cần phải để ý tới những cân nhắc về luân thường đạo lý thuộc các lãnh vực khác nhau.

“Về lãnh vực của trí khôn đứng đắn…. Những thứ luật lệ ủng hộ các cuộc hiệp nhất đồng phái tính là những gì phản lại với trí khôn đứng đắn, vì những thứ luật lệ ấy ban cho những cuộc hiệp nhất giữa các người đồng phái tính những thứ quyền bảo đảm về pháp lý tương tự như những quyền bảo đảm của hôn nhân.

“Về lãnh vực sinh lý và nhân loại học…. Những cuộc hiệp nhất đồng phái tính là những gì hoàn toàn thiếu các yếu tố về sinh lý cũng như nhân loại học của hôn nhân và gia đình cần có để chúng có lý do được hưởng quyền hợp thức hóa. Những cuộc hiệp nhất đồng phái tính ấy không thể nào góp phần một cách xứng hợp vào việc sinh sản và sống còn của nhân loại. Cơ hội sử dụng những phương pháp tạo sinh nhân tạo mới được khám phá, ngoài việc hoàn toàn bất kính với phẩm giá con người, cũng không thay đổi được tình trạng hụt hẫng này.

“Như kinh nghiệm cho thấy, việc thiếu hụt tính chất hỗ tương dục tính nơi những cuộc hiệp nhất đồng tính này tạo nên những ngăn trở trong việc phát triển bình thường của những trẻ em được những loại người này chăm sóc. Chúng sẽ bị hụt hẫng cảm nghiệm có được người cha hay người mẹ. Cho phép trẻ em được nhận làm con nuôi bởi những người sống hiệp nhất đồng tính thực sự vi phạm đến những trẻ em ấy, ở chỗ điều kiện sống lệ thuộc của chúng thường đưa chúng vào một hoàn cảnh không mang lại việc phát triển trọn vẹn về nhân bản của chúng. Đây là những gì hết sức vô luân và hoàn toàn phản trái với nguyên tắc được nhìn nhận trong Hiến Chế Liên Hiệp Quốc về Các Quyền Lợi của Trẻ Em, những nguyên tắc trong mọi trường hợp nhắm đến lợi ích tốt nhất của con trẻ, thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương.

“Về lãnh vực xã hội. Xã hội lệ thuộc tình trạng tiếp tục sống còn của mình vào gia đình là cơ cấu được hình thành bởi hôn nhân. Hậu quả không thể tránh được của việc hợp thức hóa các cuộc hiệp nhất đồng phái tính đó là việc tái định nghĩa vấn đề hôn nhân, một việc sẽ biến vị thế hợp pháp của hôn nhân thành một cơ cấu trống rỗng ý nghĩa thiết yếu đối với các yếu tố liên quan đến tính chất dị phái tính; chẳng hạn như việc sản sinh và nuôi dưỡng con cái…. Khi đặt các cuộc hiệp nhất đồng phái tính về phương diện pháp lý tương tự như cuộc hiệp nhất của hôn nhân và gia đình là Chính Quyền đã tác hành một cách nghịch lý và phản ngược với nhiệm vụ của mình.

“Về lãnh vực pháp lý. Vì các đôi phối ngẫu bảo đảm việc tiếp nối của các thế hệ hậu sinh, hết sức hợp với thiện ích xã hội, nên luật dân sự đã nhìn nhận cơ cấu của họ. Trái lại, các cuộc hiệp nhất đồng phái tính không cần lãnh vực pháp lý đặc biệt chú trọng, vì chúng không thi hành phận vụ của công ích này.

“IV. Vị Thế của Các Chính Trị Gia Công Giáo Liên Quan Đến Việc Lập Luật Ủng Hộ Các Cuộc Hiệp Nhất Đồng Phái Tính.

“Nếu quả thực tất cả mọi người Công giáo buộc phải chống lại việc hợp thức hóa các cuộc hiệp nhất đồng phái tính, thì các chính trị gia Công giáo lại càng phải buộc phải làm như vậy theo trách nhiệm của mình là những chính trị gia. Đối diện với những dự thảo thành luật ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng phái tính, các chính trị gia Công giáo phải lưu ý tới những qui định sau đây:

“Khi việc lập pháp thiên về chiều hướng nhìn nhận các cuộc hôn nhân đồng phái tính được phác họa lần đầu tiên trong hội đồng lập pháp thì nhà lập luật Công giáo có nhiệm vụ về phương diện luân lý phải tỏ ra chống lại một cách rõ ràng và công khai cũng như phải bỏ phiếu chống lại. Việc bỏ phiếu ủng hộ một thứ luật quá tai hại cho công ích là một điều hết sức vô luân.

“Khi việc lập pháp ủng hộ vấn đề hợp thức hóa các cuộc hiệp nhất đồng phái tính đã có hiệu lực, thì chính trị gia Công giáo phải chống lại nó cách nào có thể và phải tỏ ra công khai chống đối…. Nếu không thể vãn hồi một khoản luật như vậy một cách hoàn toàn thì chính trị gia Công giáo… ‘có thể ủng hộ một cách hợp pháp những dự thảo nhắm đến việc giới hạn sự thiệt hại gây ra bởi một thứ luật như thế cũng như nhắm đến việc giảm bớt những hậu quả tiêu cực ở lãnh vực dư luận quần chúng và luân lý xã hội’, miễn là ‘việc chống đối theo cá nhân’ của họ với những thứ luật lệ này được bày tỏ một cách rõ ràng cũng như công khai và tránh được mối nguy hiểm gây ra gương mù.

“Điều này không có nghĩa là một khoản luật càng bị giới hạn trong lãnh vực này có thể được coi là chính đáng hay thậm chí đáng chấp nhận; trái lại, nó là vấn đề của nỗ lực hợp pháp và hữu trách trong việc đạt tới ít là một phần nào vấn đề vãn hồi một thứ luật bất chính khi mà việc hoàn toàn hủy bỏ nó không phải là không có thể xẩy ra vào lúc này đây.

”Kết Luận

“…. Công ích đòi các thứ luật lệ phải nhìn nhận, cổ võ và bảo vệ hôn nhân như là nền tảng của gia đình, đơn vị căn bản của xã hội. Việc hợp pháp các cuộc hiệp nhất đồng phái tính hay đặt những cuộc hôn nhân đồng phái tính này cùng một cấp độ như hôn nhân chẳng những có ý chấp nhận một hành vi lạc loài, làm cho nó trở thành một mẫu sống của xã hội ngày nay, mà còn làm lu mờ đi những giá trị căn bản thuộc về gia sản chung của nhân loại. Giáo Hội không thể không bênh vực các giá trị này, vì thiện ích của con ngươiụi nam nữ cũng như vì thiện ích của chính xã hội loài người”.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu được VIS phổ biến ngày 31/7/2003
 

25/8 Thứ Hai

ĐTC Gioan Phaolô II với các bài Huấn Từ Truyền Tin trong Mùa Hè về hiện trạng Âu Châu với căn tính Kitô giáo

Mùa hè năm 2003 này, tại nhà nghỉ ngơi của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban các bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật liên quan đến căn gốc Kitô giáo ở Âu Châu, một vấn đề Ngài muốn dẫn giải thêm về Tông Huấn “Giáo Hội Tại Âu Châu” là văn kiện mới được Ngài ban bố trước đó ít lâu, 28/6/2003, áp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Chúa Nhật 13/7, Ngài đã nói về một hiện trạng Âu Châu cần phải được bắt đầu lại từ Chúa Kitô: “Trong giây phút lịch sử này, trong giây phút tiến trình quan trọng của vấn đề tái hiệp nhất Âu Châu đang diễn tiến qua việc nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu đến các quốc gia khác, Giáo Hội ưu ái nhìn đến lục địa này. Cùng với nhiều thứ sáng sủa cũng có một số những bóng tối. Tình trạng mất đi ký ức Kitô giáo được đi liền với nỗi lo sợ phải đối diện với tương lai. Tình trạng lan tràn khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cùng với việc càng ngày càng suy yếu tình đoàn kết liên cá thể, và tình trạng mất đi niềm hy vọng gây ra bởi nỗ lực muốn làm cho khoa nhân loại học phi Thiên Chúa và Chúa Kitô. Ngược đời thay, cái nôi nhân quyền đang có nguy cơ mất đi nền tảng của mình, một thứ nền tảng đang bị hao mòn bởi trào lưu tương đối và chủ nghĩa thực dụng”.

Chúa Nhật 20/7, Ngài đã nói về việc xây dưng một thứ tân Âu Châu Kitô giáo: “Kitô giáo tạo nên, trong giòng lịch sử phức tạp của Châu Lục này, một yếu tố chính yếu và hình thành là những gì đã dần dần làm cho Âu Châu liên kết lại trên nền tảng của cái gia sản cổ kính ấy, cũng như trên những đóng góp khác nhau bởi những giòng văn hóa chủng tộc qua các thế kỷ. Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa Âu Châu, làm cho lịch sử Âu Châu trở thành một toàn khối, và bất chấp tình trạng chia rẽ Đông Tây, Kitô giáo vẫn trở thành ‘tôn giáo của nhân dân Âu Châu’ (ibid). Ảnh hưởng của Kitô giáo vẫn còn nổi nang trong kỷ nguyên tân tiến và đương thời này, cho dù có xẩy ra hiện tượng tục hóa tràn lan và mạnh mẽ. Giáo Hội biết rằng mối quan tâm của mình về Âu Châu được phát xuất từ chính sứ vụ của mình. Là một kho tàng Phúc Âm, Giáo Hội đã phát động cổ võ những giá trị làm cho văn hóa Âu Châu được thế giới cảm phục. Gia sản này không thể nào bị phá tán. Ngược lại, một thứ tân Âu Châu cần phải được giúp đỡ ‘để xây dựng bản thân bằng việc tái sinh động những căn gốc Kitô giáo nguyên thủy của mình’ (ibid. số 25)”.

Chúa Nhật 27/7, Ngài đã nói về việc tân truyền bá phúc âm hóa Âu Châu: “Giáo Hội được Chúa Kitô truyền loan báo Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất… Các cộng đồng Giáo Hội Âu Châu đặc biệt được kêu gọi để thi hành công việc này. Đúng thế, ở lục địa đây, tất cả mọi tín hữu cần phải biết lấy lại lonụng nhiệt thành loan báo và làm chứng cho Phúc Âm… Mặc dù có một số miền và lãnh vực đang đợi chờ để lãnh nhận việc loán báo Phúc Âm lần đầu tiên, việc loan báo này cũng cần phải được làm mới lại ở khắp nơi nữa. Kiến thức Kitô giáo thường được nhận lãnh một cách nhưng không, song thực tế cho thấy việc đọc hay học hỏi Thánh Kinh lại rất ít, việc học giáo lý không phải bao giờ cũng kỹ lưỡng, và việc lãnh nhận các Phép Bí Tích không thường xuyên. Bởi thế mà đức tin chân chính được thay thế bằng một cảm thức tôn giáo mơ hồ và sơ sài có thể trở thành một thứ bất khả tri hay vô thần thực tiễn. Âu Châu ngày nay cần có mặt của những người Công giáo chín chắn đức tin cũng như cần đến những cộng đồng Kitô hũu truyền giáo có thể làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Việc loan báo được làm mới lại về Chúa Kitô này cần phải được kèm theo bằng một mối hiệp nhất và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội, cũng như bằng một cuộc dấn thân và đối thoại đại kết với tin dồ của các tôn giáo khác. Phúc Âm là ánh sáng chiếu soi cả một lãnh vực lớn của sinh hoạt xã hội, bao gồm gia đình, văn hóa, các học đường và đại học đường, giới trẻ, ngành truyền thông đại chúng, thương mại và chính trị…. Chúa Kitô đến gặp gỡ con người ở bất cứ nơi nào họ sống động và hoạt động, để làm cho đời sống của họ có ý nghĩa”.

Chúa Nhật 3/8, Ngài đã nói về việc giữ Ngày Chúa Nhật ở Âu Châu: “Âu Châu là một lục địa, trong hai ngàn năm qua, đã được ghi dấu Kitô giáo hơn bất cứ ở lục địa nào khác. Lời chúc tụng, từ hết mọi miền đất của lục địa này, nơi các đan viện, các vương cung thánh đường và các thánh đường của nó, vẫn không ngớt được dâng lên Chúa Kitô, Vị Chúa của thời gian và lịch sử. Bí Tích Rửa Tội và các Bí Tích khác đã thánh hóa các mùa sống của vô vàn tín hữu. Bí Tích Thánh Thể, nhất là vào Ngày Chúa Nhật, đã nuôi dưỡng đức tin và đức mến của họ; Phụng Vụ Giờ Kinh cùng với nhiều hình thức cầu nguyện phổ thông khác đã đánh dấu nhịp sống thường nhật của họ. Cho dù không thiếu một việc làm nào ở thời đại chúng ta đây thì vẫn không thể thiếu được việc tái dấn thân khi chúng ta phải đương đầu với những thách đố về tình trạng tục hóa, nhờ đó tín hữu mới có thể làm cho cả đời sống của họ trở thành một việc tôn thờ thiêng liêng đích thực làm hài lòng Thiên Chúa (cf. apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 69). Phải đặc biệt chú trọng tới việc bảo toàn giá trị của Ngày Chúa Nhật, ‘Dies Domini’. Ngày này là biểu hiệu trên hết cho tất cả những gì Kitô giáo đã và vẫn còn đại diện cho, ở Âu Châu cũng như ở khắp nơi trên thế giới, đó là việc trường kỳ loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu, việc cử hành Người chiến thắng tội lỗi và sự chết, việc dấn thân để hoàn toàn giải phóng loài người. Việc duy trì ý nghĩa Ngày Chúa Nhật của Kitô giáo là một đóng góp đáng kể cho Âu Châu trong việc bảo tồn một phần thiết yếu của gia sản thiêng liêng và văn hóa riêng biệt của lục địa này”.

Chúa Nhật 10/8, Ngài nói về dịch vụ yêu thương cần thiết ở Âu Châu: “Phục vụ Phúc Âm hy vọng cũng là sứ vụ của Giáo Hội ở Âu Châu. Giáo Hội thi hành sứ vụ này, song song với việc loan báo hy vọng bằng những hoạt động bác ái cụ thể. Đó là những gì đã xẩy ra qua các thế kỷ, ở chỗ nhiệm vụ truyền bá phúc âm hóa được hỗ trợ bằng việc phát triển nhân bản một cách hiệu năng. Khi dấn thân phục vụ bác ái, Giáo Hội đã và đang nuôi dưỡng thứ văn hóa đoàn kết, bằng việc hợp tác tái ban sinh lực cho các giá trị phổ quát của việc nhân loại cùng nhau chung sống (cf. apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 84). Kể cả ngày hôm nay đây cũng cần phải ‘cống hiến lại cho thành phần nghèo khổ niềm hy vọng’, để nhờ việc đón nhận và phục vụ họ là đón nhận và phục vụ chính Chúa Kitô (x Mt 25:40). Về vấn đề này các tín hữu Âu Châu đang phải đương đầu với nhiều thách đố. Ngày nay có nhiều loại người nghèo, trong số đó là thành phần thất nghiệp, bệnh tật, những người già yếu bị cô lập hay bỏ rơi, thành phần vô gia cư, thành phần giới trẻ sáng bên lề xã hội, thành phần di dân và tị nạn. Dịch vụ yêu thương còn có nghĩa là trung thực đặt lại vấn đề sự thật về hôn nhân và gia đình, là giáo dục thành phần giới trẻ, những cặp đính hôn và chính các gia đình trong việc sống và loan truyền ‘Phúc Âm sự sống’, chiến đấu chống lại ‘văn hóa sự chết’. Chỉ khi nào hết mọi người biết cộng tác với nhau mới có thể xây dựng một ‘thành đô xứng đáng cho con người’ ở Âu Châu cũng như trên thế giới, và một trật tự thế giới chân chính và bền vững hơn”.

Chúa Nhật 17/8, Ngài nói đến tính cách mới mẻ nơi một Âu Châu bị khủng hoảng về các giá trị: “Hôm kia là lễ trọng kính Trinh Nữ Maria Mông Triệu, phụng vụ đã kêu gọi chúng ta hãy ngước mắt và trời để chiêm ngưỡng Mẹ Maria ở tân Giêrusalem, Thành Thánh từ Thiên Chúa mà đến (x Rev 21:2). ‘Này Ta canh tân lại hết mọi sự’ (Rev 21:5), Chúa phán. Trong Sách Khải Huyền, Phục Âm hy vọng đã mãnh liệt vang vọng, một thù phúc âm thôi thúc con người lãnh nhận “cái mới mẻ của Thiên Chúa”, một tặng ân cánh chung vượt trên hết mọi khả năng của con người, và là một phúc âm con người có thể thực hiện. “Cái mới mẻ” này sẽ được nên trọn vào ngày cùng tháng tận, thế nhưng nó cũng đang hiện diện ngay trong lịch sử. Thật vậy, cả cho đến lúc này, nhờ Giáo Hội, Thiên Chúa đang canh tân và biến đổi thế giới, và những ý tưởng về hành động của Ngài cũng có thể được nhận thấy ‘nơi hết mọi hình thức của việc loài người sống chung theo tinh thần Phúc Âm’ (apostolic exhortation "Ecclesia in Europa," No. 107). Lục địa Âu Châu, một lục địa qua hai ngàn năm “đã nghe Phúc Âm Nước Trời được Chúa Giêsu loan báo” (ibid.107), không thể nào không hiểu ‘cái mới mẻ’ này. Đức tin Kitô giáo đã ban cho cái mới mẻ ấy hình thể, và một số những giá trị cốt yếu của cái mới mẻ ấy về sau đã làm nên ‘lý tưởng về dân chủ và các thư ù nhân quyền’ của một thứ Âu Châu tân tiến. Ngoài việc là ‘một nơi về địa dư’, Âu Châu còn là ‘một quan niệm chủ chốt về văn hóa và lịch sử’, có đặc tính là một Lục Địa làm nên bởi lực lượng hiệp nhất Kitô giáo, một lực lượng đã từng là yếu tố căn bản của mối hiệp nhất giữa các dân tộc và văn hóa, cũng như của việc phát triển toàn vẹn con người cùng với các thứ quyền lợi của họ (x ibid. 108). Không thể chối cãi được rằng, trong những thời điểm của chúng ta đây, Âu Châu đang bị khủng hoảng về các thứ giá trị, và nó cần phải phục hồi căn tính của mình. Tiến trình mở rộng của Khối Hiệp Nhất Âu Châu bao gồm các xứ sở khác không thể chỉ liên quan tới các khía cạnh về địa dư và kin h tế, mà còn phải được chuyển dịch thành một hợp đồng mới mẻ của các thứ giá trị thể hiện nơi luật pháp và đời sống (see ibid., No. 110).

Chúa Nhật 24/8, Ngài nói đến vai trò quyết liệt của các cơ cấu ở Âu Châu: “Một lần nữa Tôi lại nghĩ đến tiến trình hiện tại của việc hội nhập Âu Châu, nhất là đến vai trò quyết liệt của các cơ cấu Âu Châu. Trươcùc hết Tôi nghĩ đến Khối Hiệp Nhất Âu Châu là khối dấn thân để tìm kiếm những hình thức mới mẻ của sự cởi mở, giao ngộ và hợp tác nơi các quốc gia phần tử của khối này. Ngoài ra, Tôi nghĩ đến Hội Đồng Âu Châu có trung tâm ở Strasbourg cũng như đến Pháp Viện Âu Châu Về Các Thứ Quyền Lợi Con Người là cơ quan thi hành công việc cao quí kiến tạo nên một Âu Châu tự do, công lý và đoàn kết. Sau hết, Tôi cũng phải nhắc đến Tổ Chức về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu là tổ chức dấn thân cổ võ lý tưởng tự do cho con người cũng như cho các quốc gia thuộc lục địa này. Cùng với lời cầu nguyện, Tôi theo dõi mức tiến triển trăn trở của bản hiệp ước về hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu này, một bản hiệp ước hiện nay đang được chính quyền thuộc các quốc gia khác nhau tìm hiểu. Tôi tin rằng tất cả những ai đang cống hiến nghị lực của mình vào công việc này luôn được tác động bởi niềm xác tín là ‘một thứ trật tự xứng hợp của xã hội phải được bắt nguồn từ các giá trị đạo lý cũng như dân sự chân chính là những gì được càng nhiều người công dân của xã hội này chấp nhận bao nhiêu có thể’ (Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu, 114). Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo tin tưởng rằng Phúc Âm của Chúa Kitô, một Phúc Âm đã từng là một yếu tố hiệp nhất các dân tộc Âu Châu trong nhiều thế kỷ, tiếp tục là, kể cả ngày hôm nay đây, một nguồn mạch bất tận về linh đạo cũng như huynh đệ. Việc tỏ ra chú trọng đến nguồn mạch này là việc làm ích cho tất cả mọi người, và việc nhìn nhận một cách minh nhiên nơi bản hiệp ước các căn tính Kitô giáo của Âu Châu, đối với châu lục này, sẽ trở thành một thứ bảo đảm chính yếu cho tương lai. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ Maria Rất Thánh, để, trong việc kiến tạo Âu Châu ngày nay và mai này, nguồn cảm hứng thiêng liêng sẽ không bị lãng quên, một nguồn cảm hứng bất khả thiếu để phục vụ con người một cách chân chính. Nguồn cảm hứng thiêng liêng này tìm thấy nơi Phúc Âm một bảo đảm vững chắc cho tự do, công lý và bình an cho tất cả mọi người, cả thành phần tín hữu lẫn vô tín ngưỡng”.
 

24/8 Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B

Xác thịt không thể hiểu được xác thịt


Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B tuần này là bài kết thúc Bài Giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu được Phúc Âm Thánh Ký Gioan thuật lại ở đoạn 6. Chúa Nhật 17 bài Phúc Âm về phép lạ Bánh Hóa Ra Nhiều, Chúa Nhật 18 về việc tìm kiếm của ăn không hư nát, Chúa Nhật 19 về mạc khải “Bánh Tôi sẽ ban là thịt Tôi cho thế gian được sự sống”, Chúa Nhật 20 về mạc khải “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi”, và Chúa Nhật 21 về tác dụng của Bài Giảng Bánh Hằng Sống. Thật vậy, Bài Giảng về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu đã làm cho “nhiều môn đệ” bỏ đi không theo Người nữa. Tuy nhiên, chính sự kiện bỏ đi này đã cho thấy đức tin của những người còn ở lại với Đấng phán dạy những điều chói tai không ai nghe cho thấu, song lại là những lời ban sự sống đời đời, đối với thành phần, qua tông đồ Phêrô và cùng với tông đồ Phêrô tuyên xưng: “Chúng con còn biết theo ai. Thày mới có lời ban sự sống đời đời”. Bởi vì, như Chúa Kitô đã khẳng định: “Chính thần linh mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng giúp được gì. Những lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống”.

Như thế, qua câu khẳng định này, Chúa Giêsu đã gián tiếp cho biết thành phần bỏ không theo Người nữa là thành phần sống theo “xác thịt”, một thứ “xác thịt vô bổ” không giúp gì cho họ về những vấn đề siêu linh, vấn đề thuộc lãnh vực đức tin, thuộc lãnh vực “thần linh và sự sống”, còn thành phần trung thành với Người, dù không hiểu lời Người, hay dù tự nhiên cũng cảm thấy chói tai nghe không lọt như ai, là thành phần sống theo “thần linh”, sống theo “những lời ban sự sống đời đời”. Thật vậy, những gì Chúa Giêsu mạc khải về bản thân Người là Bánh hằng sống bởi trời xuống, và Bánh Người sẽ ban là thịt của Người cho thế gian được sự sống, là những gì thuộc lãnh vực thần linh, không phải tự nhiên mà hiểu được. Đó là lý do, dù đã nhận được mạc khải thần linh, tức được Thiên Chúa tỏ cho biết những mầu nhiệm hay những thực tại siêu việt, tự mình, con người vẫn cần phải có thần linh nữa mới có thể chấp nhận được mạc khải của Người. Bởi thế chẳng lạ gì Chúa Giêsu đã khẳng định thêm “không ai có thể đến được với Thày trừ khi được Cha Thày ban phép”. Người đã khẳng định điều này với chung dân Do Thái, thành phần thắc mắc về thân thế của Người trước đó, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XIX, là “không ai có thể đến được với Tôi, trừ phi được Cha lôi kéo”.

Ở đây có cái lạ là xác thịt không chấp nhận xác thịt, không hiểu được xác thịt. “Xác thịt” ở đây là con người xác thịt, là con người trần gian, một con người xác thịt không thể nào chấp nhận một Thiên Chúa “đã hóa thành nhục thể”, đã hóa thành xác thịt (x Jn 1:14), đã trở thánh bánh bởi trời xuống. Thật ra, cũng cần phải có xác thịt chứ không phải xác thịt hoàn toàn vô bổ. Bằng không Thiên Chúa đã không hóa thành nhục thể. Cần phải có xác thịt, vì xác thịt cần phải nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy (x 1Jn 1:1-2) một cách cụ thể những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra, nhất là nơi Lời Nhập Thể, là chính Lời Nhập Thể, nhờ đó, xác thịt mới có thể trở thành dấu chứng cho Mạc Khải Thần Linh, mới có thể đổ máu ra làm chứng cho Chân Lý, cho Lời Nhập Thể. Thế nhưng, sở dĩ Chúa Giêsu khẳng định “xác thịt vô bổ” đây là vì so với Thần Linh thì xác thịt tự mình không thể hiểu được những gì thuộc lãnh giới siêu linh, tức không thể ban cho con người sự sống là nhận biết Thiên Chúa. Những câu nói của người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp với Chúa Giêsu liên quan đến nước sự sống (x Jn 4:9,11-12,15), hay những câu hỏi của viên chức Hội Đồng Do Thái Nicôđêmô trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu ban đêm liên quan đến việc tái sinh (x Jn 3:4,9), đều là những gì phát xuất từ xác thịt. Chính các vị tông đồ cũng thế, bằng con mắt xác thịt, rõ ràng đã thấy được Thày của các vị phục sinh hiện ra sáng láng, với những dấu tử giá còn đó, trên xác thịt của Người, thế mà các vị vẫn chưa chịu tin Thày của các vị đã thực sự sống lại (x Lk 24:39-41), cho tới khi nội tâm các vị được Thần Linh tác động qua những lời dẫn chứng Thánh Kinh của Đấng Phục Sinh (x Lk 24:44-45).

Đó là lý do, kể cả nhân vật tuyên bố trong bài Phúc Âm hôm nay: “Chúng con còn biết theo ai, Thày mới có những lời ban sự sống đời đời”, sau này, cũng đã choáng váng vấp ngã một cách thảm thương trước một mạc khải thần linh khác, đó là mạc khải Đức Kitô Vượt Qua. Thật vậy, sau khi được Cha trên trời (chứ không phải được xác thịt) tỏ cho biết chính căn tính hay thực tại đích thật của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét là Thày của mình để có thể chính xác tuyên xưng rằng “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), vị tông đồ ấy, sau khi nghe thấy Người mạc khải cho biết Đức Kitô Thiên Sai Con Thiên Chúa ấy cũng sẽ là Đấng Tử Giá, vì phản ứng tự nhiên theo xác thịt, không muốn mất Vị Thày vô cùng khả kính khả ái của mình, cũng như không muốn Vị Tôn Sư đệ nhất của mình ấy bị đau thương tử nạn, đã thành tâm lên tiếng can gián Người, liền bị Người hết sức nghiêm nghị nặng lời quở trách: “Hỡi Satan, hãy xéo đi, ngươi chỉ làm cớ cho Ta vấp phạm, vì ngươi chỉ toàn phán đoán theo loài người mà thôi, chứ chẳng có biết phán đoán theo Thiên Chúa gì cả” (Mt 16:23).

Thật ra, nếu “xác thịt vô bổ” đây liên quan đến thế gian, đến loài người, cách riêng đến phán đoán tự nhiên, thì “thần linh tác sinh” đây chẳng những liên quan đến “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính), mà còn liên quan đến mạc khải thần linh, đến lời Chúa nữa. Đó là lý do Chúa Kitô đã khẳng định “những lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống”. Như thế, vì “những lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống”, mà chính lúc Chúa Kitô nói với dân Do Thái ngày xưa, với các môn đệ ở bên Người bấy giờ, hay nói với loài người qua Giáo Hội, qua các chứng từ Kitô giáo, cho đến tận thế, là Người đang ban “thần linh và sự sống” cho những ai nghe Người nói. Ngoài ra, không phải chỉ có những lời Chúa Giêsu nói mới ban “thần linh và sự sống”, mà còn bao gồm tất cả những việc Người làm nữa, tức tất cả những gì Người muốn mạc khải cho loài người biết. Tuy nhiên, để có thể lãnh nhận “thần linh và sự sống” phát xuất từ lời Chúa, từ những gì được Chúa Kitô mạc khải cho biết ấy, con người cần phải có lòng tin tưởng và tỏ ra tin tưởng, tức cần phải chấp nhận tất cả những gì không hợp với xác thịt, phản lại xác thịt, làm khổ xác thịt của họ, cho dù có mất mạng sống đi nữa (x Jn 12:25), tóm lại con người xác thịt phải “ăn thịt và uống máu Con Người”.

Đúng vậy, nếu “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14), để tỏ mình cho loài người qua “xác thịt” (flesh), một biểu hiệu và là yếu tố bao gồm tất cả những lời Người nói và việc Người làm, và việc tỏ mình ra của Lời Nhập Thể đã lên đến tuyệt đỉnh khi Người “tự hiến” (Jn 17:19; x Mt 20:28), bằng việc đổ tất cả “máu” (blood) của Người ra (x Mt 26:28), khiến loài người có thể nhận biết Người (x Jn 8:28), có thể chấp nhận Người (x Jn 1:12), có thể tin vào Người, tức loài người có thể nhờ “ăn thịt và uống máu Con Người” mà được lãnh nhận “sự sống”, hay được thừa hưởng một “sự sống đời đời là nhận biết…” (Jn 17:3). Nếu tự bản chất, “những lời Thày nói với chúng con đều ban thần linh và sự sống”, và con người chỉ cần “ăn thịt và uống máu Con Người” là được “sự sống”, thì quả thực, để được “sư ỉ sống”, Kitô hữu chúng ta phải dứt khoát “phụng sự Chúa” như gia đình Gio-Duệ và dân Do Thái được nhắc đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay, nhất là như “vợ phục tùng chồng trong mọi sự như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô”, theo lời khuyên của bài đọc thứ hai hôm nay.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
  

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)