GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 15 THỨ SÁU

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI 48: NGÀY 6

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

Giovanni Paolo II


I.- Sau Công Đồng Chung Vaticanô II và Đại Năm Thánh 2000


Hướng Về Chúa Kitô


6.     Mười năm trước đây, trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), Tôi đã hân hoan phác họa ra cho Giáo Hội một chương trình để sửa soạn cho Đại Năm Thánh 2000. Đối với Tôi thì thời điểm lịch sử này đến như là một đại hồng ân. Dĩ nhiên, Tôi nhận thực là một biến cố theo niên lịch như thế, dù có hào hứng mấy đi nữa, tự bản chất, nó cũng không thể nào mang lại những đổi thay đại thể. Tiếc thay, Thiên Niên Kỷ này đã mở màn với những biến cố tiếp nối cái thảm cảnh trong quá khứ, mà thường có những chiều kích tệ hại nhất. Một viễn tượng hiện lên, ngoài những yếu tố tích cực, bị mờ ám bởi những hoạt động bạo lực và đổ máu là những gì tiếp tục gây lo âu quan ngại. Cho dù như thế, trong việc mời gọi Giáo Hội cử hành Năm Thánh mừng 2000 năm biến cố Nhập Thể, Tôi tin tưởng rằng, và Tôi vẫn còn tin tưởng hơn bao giờ hết! đó là cuộc cử hành ấy sẽ mang lại ích lợi “dài hạn” cho nhân loại.


Chúa Giêsu Kitô đứng ở ngay lòng lịch sử chẳng những lịch sử của Giáo Hội mà còn lịch sử của nhân loại nữa. Nơi Người, tất cả mọi sự được qui tụ lại với nhau (x Eph 1:10; Col 1:15-20). Làm sao chúng ta có thể quên được việc Công Đồng Chung Vaticanô II, khi trích lại lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã hăng say loan báo rằng Chúa Kitô là “đích điểm của lịch sử nhân loại, là tụ điểm của các ước vọng lịch sử và văn minh, là tâm điểm của nhân loại, là niềm vui cho tất cả mọi cõi lòng, và là sự mãn nguyện của tất cả mọi thao thức” (1)? Giáo huấn của Công Đồng này đã làm cho chúng ta hiểu biết sâu xa hơn nữa về bản chất của Giáo Hội, cũng như đã cống hiến cho tín hữu một minh thức rõ ràng hơn chẳng những về các mầu nhiệm đức tin mà còn cả các thực tại trần thế nữa, theo ánh sáng của Chúa Kitô. Nơi Lời Nhập Thể, cả mầu nhiệm về Thiên Chúa và mầu nhiệm về con người được tỏ hiện (2). Nơi Người, nhân tính được cứu chuộc và nên trọn.


7.     Trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis được ban hành vào đầu giáo triều của mình, Tôi đã khai triển ý tưởng này, và Tôi thường trở lại với ý tưởng ấy vào các dịp khác nữa. Năm Thánh là một thời điểm xứng hợp để kêu mời tín hữu một lần nữa hãy ngẫm nghĩ lại sự thật nồng cốt này. Việc sửa soạn cho đại biến cố ấy hoàn toàn theo chiều kích Chúa Ba Ngôi và chiều kích lấy Chúa Kitô làm chính. Trong dự án ấy Thánh Thể rõ ràng đã có một chỗ đứng. Vào lúc mở màn cho Năm Thánh Thể này, Tôi lập lại những lời Tôi đã viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente: “Năm 2000 sẽ là một năm đặc biệt về Thánh Thể; trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Cứu Thế, Đấng đã mặc lấy xác thịt trong cung lòng Mẹ Maria 20 thế kỷ trước đây, vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại như mạch nguồn sự sống thần linh” (3). Đại Hội Thánh Thể Thế Giới, được tổ chức vào năm ấy ở Rôma, cũng giúp vào việc chú trọng đến khía cạnh này của Đại Năm Thánh. Cũng cần phải nhắc lại rằng, Tông Thư Ngày Của Chúa Dies Domini, được viết để sửa soạn cho Năm Thánh này, đã kêu gọi tín hữu, hãy suy nghĩ về Ngày Chúa Nhật như là ngày của Chúa Phục Sinh và là một ngày đặc biệt của Giáo Hội. Bấy giờ Tôi đã thúc giục mọi người hãy tái nhận thức việc cử hành Thánh Thể là tâm điểm của Ngày Chúa Nhật (4).


Cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô


8.     Các hoa trái của Đại Năm Thánh đã được thu tích lại trong bức Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ Novo Millennio Ineunte. Trong văn kiện hoạch định chương trình này, Tôi đã đề nghị một cuộc dấn thân mục vụ sâu xa hơn nữa, dựa vào việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, như yếu tố làm nên khoa sư phạm của Giáo Hội nhắm đến “một tiêu chuẩn cao hơn” về thánh đức và được thi hành đặc biệt bằng nghệ thuật cầu nguyện (5). Làm sao một chương trình như thế có thể nên trọn được mà lại không chú trọng tới phụng vụ, nhất là đến việc vun trồng đời sống Thánh Thể? Như Tôi đã nói vào lúc bấy giờ là “trong thế kỷ 20, nhất là từ Công Đồng, đã có nhiều tiến triển nơi cung cách cộng đồng Kitô hữu cử hành các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Cần phải tiếp tục đường hướng này, và đặc biệt nhấn mạnh đến Thánh Thể Chúa Nhật và chính Ngày Chúa Nhật là những gì được cảm nghiệm như là một ngày đặc biệt của đức tin, một ngày của Vị Chúa Sống Lại và của tặng ân Thần Linh, một Lễ Phục Sinh hằng tuần thực sự” (6). Trong chiều hướng học hỏi cầu nguyện ấy, Tôi đã khuyên cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, nhờ đó, qua phụng niên, Giáo Hội thánh hóa các thời khắc khác nhau trong ngày và thánh hóa việc qua đi của thời gian.


9.     Sau đó, bằng việc công bố Năm Mân Côi và ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, Tôi đã trở lại với đề tài chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, giờ đây theo quan điểm Thánh Mẫu, khi tái thúc giục việc lần hạt Mân Côi. Kinh nguyện truyền thống này, một kinh nguyện được Huấn Quyền hết sức khuyên làm và là một kinh nguyện được Dân Chúa rất yêu chuộng, có một đặc tính đặc biệt thánh kinh và phúc âm, chú trọng đến danh hiệu và dung nhan của Chúa Giêsu khi chiêm ngắm các mầu nhiệm, cũng như bằng việc lập lại lời “Kính mừng Maria”. Theo chiều hướng lập đi lập lại của mình, kinh nguyện này cho thấy một loại sư phạm yêu thương, nhắm đến việc khuấy lên trong lòng chúng ta cùng một tình yêu của Mẹ Maria đối với Con Mẹ. Đó là lý do, khi phát triển một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ bằng việc thêm các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã tìm cách để làm cho hình thức đặc biệt của việc chiêm niệm này trở thành một “tổng lược Phúc Âm” (7) hoàn toàn hơn nữa. Và những mầu nhiệm ánh sáng này làm sao lại không đạt đến tột đỉnh của mình nơi phép Thánh Thể chứ?


Từ Năm Mân Côi đến Năm Thánh Thể


10.     Vào giữa Năm Mân Côi, Tôi đã ban hành Thông Điệp Giáo Hội với Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, với chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội. Tôi đã thúc giục tất cả mọi tín hữu hãy kính cẩn cử hành hy tế Thánh Thể, tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, cả trong lẫn ngoài Thánh Lễ, một việc tôn thờ cần phải có đối với một Mầu Nhiệm quá cao cả như thế. Nhất là Tôi lại đề nghị nhu cầu cần phải có một linh đạo Thánh Thể, và chỉ cho thấy Mẹ Maria, “người nữ của Thánh Thể” (8), là mô phạm của linh đạo này.


Năm Thánh Thể diễn tiến với một bối cảnh đã được làm phong phú bởi việc trôi qua của những tháng năm, mà trong khi đó vẫn đi sâu vào đề tài về Chúa Kitô cũng như vào việc chiêm ngưỡng dung nhan Người. Ở một nghĩa nào đó, Năm Thánh Thể tức là một năm của sự tổng hợp, đó là cao điểm của một cuộc hành trình đang tiến triển. Có nhiều điều cần nói về cách thức cử hành năm nay. Tôi chỉ xin cống hiến một vài cảm nghĩ có ý giúp cho tất cả chúng ta cảm nghiệm được năm này một cách sâu xa hơn và trổ sinh hoa trái hơn.
 

(còn tiếp)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html


 

Giovanni Paolo II

 

 

Ơn Cứu Chuộc Bởi Máu Chúa Kitô


(ĐTC GPII: Bài Giáo Lý 121 Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh, Thứ Tư 13/10/2004, Ca Vịnh Êphêsô 1:3-10, cho Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 



1.         Chúng ta đang ở trước một bài thánh thi ca trịnh trọng chúc tụng mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, một đoạn sâu xa về thần học và tu đức, một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và có lẽ về cả phụng vụ của Giáo Hội trong thời các tông đồ.


Bài thánh thi ca này được sắp xếp bốn lần cho cả 4 tuần lễ Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều, nhờ đó tín hữu có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được hình ảnh cao cả của Chúa Kitô là tâm điểm của tu đức và phụng vụ Kitô Giáo, cũng như là nguyên lý của mối hiệp nhất và của ý nghĩa về vũ trụ cùng toàn thể lịch sử. Lời chúc tụng từ loài người dâng lên Chúa Cha là Đấng ở trên trời (x câu 3), được tác động bởi công cuộc cứu độ của Người Con.


2.         Nó được mở đầu bằng dự án thần linh hằng hữu, một dự án Chúa Kitô được kêu gọi để hoàn tất. Dự án này, trước hết cho thấy sự kiện là chúng ta được tuyển chọn để trở thành “thánh hảo và tinh tuyền”, không phải ở mức độ về nghi thức, như những tĩnh từ này vốn được sử dụng trong Cựu Ước cho việc phụng vụ hy tế dường như cho thấy như vậy, mà là trong yêu thương (x câu 4). Bởi thế, đây là vấn đề của thánh đức và của luân lý, của sự hiện hữu, của tình trạng tinh tuyền nội tâm.


Tuy nhiên, đối với chúng ta, Chúa Cha đã có một dự án khác trong lòng của Ngài, đó là qua Chúa Kitô Ngài đã ấn định việc chúng ta lãnh nhận tặng ân làm con cái, trở thành những người con trong Người Con và trở nên an hem của Chúa Giêsu (x Rm 8:15,23; 9:4; Gal 4:5). Quà tặng ân sủng này được tuôn đổ qua “Người Con Yêu Dấu”, Người Con Duy Nhất đích thực (x câu 5-6).


3.         Theo đường lối ấy Chúa Cha thực hiện một cuộc biến đổi sâu xa trong chúng ta, đó là một cuộc hoàn toàn giải phóng khỏi sự dữ, “một cuộc cứu chuộc bằng máu” của Chúa Kitô, “một cuộc thứ tha các thứ vấp phạm của chúng ta” nhờ “kho tàng phong phú ân sủng của Người (x câu 7). Việc hy sinh của Chúa Kitô trên thập tự giá, một tác động tuyệt đỉnh của lòng yêu thương và tình đoàn kết, đã chiếu giãi trên chúng ta muôn vàn tia sáng, muôn vào “khôn ngoan và minh thức” (x câu 8). Chúng ta là những tạo vật được biến đổi, ở chỗ, các tội lỗi của chúng ta được hủy đi, chúng ta trọn vẹn nhận biết Chúa. Theo ngôn ngữ thánh kinh, nếu việc nhận biết là biểu hiệu của yêu thương, thì yêu thương đưa chúng ta vào “mầu nhiệm” của ý muốn thần linh sâu xa hơn (x câu 9).


4.         Một “mầu nhiệm”, tức là, một dự án siêu việt và toàn hảo, nhắm đến đối tượng của mình là một dưựán cứu độ tuyệt vời: đó là “hiệp nhất tất cả mọi sự nơi Người, những sự trên trời và những sự dưới thế” (câu 10). Bản văn Hy ngữ nói đến là Chúa Kitô đã trở thành “kefalaion”, tức là một trụ điểm, một trục chính mà toàn thể tạo sinh đang qui về và chiếm được ý nghĩa của mình. Cũng từ ngữ Hy lạp này liên quan đến một chữ khác đặc biệt được yêu chuộng trong các Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô và Colosê, đó là chữ “kefale”, hay thủ lãnh, nói lên phận vụ được Chúa Kitô hoàn tất nơi thân thể Giáo Hội.


Đến đây cảnh trí trở nên bao rộng hơn và có tính cách vũ trụ, bao gồm cả khía cạnh đặc biệt hơn về giáo hội nơi công cuộc của Chúa Kitô. “Người đã hòa giải với mình tất cả mọi sự, dù dưới thế hay trên trời, giải hòa bằng máu thập giá của Người” (Col 1:20).


5.     Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng lời nguyện cầu chúc tụng và tạ ơn về việc Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng những lời lẽ của một bản văn được bảo tồn trong một cói giấy cổ ở thế kỷ thứ 4.


“Chúng con kêu cầu Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa. Chúa biết hết mọi sự, không gì thoát được Chúa là Vị Sư Phụ của chân lý. Chúa đã dựng nên vũ trụ và trông coi tất cả mọi hữu thể. Chúa hướng dẫn trên con đường chân thật những ai đã ở trong tối tăm và bóng tối sự chết. Chúa mong cứu tất cả mọi người và làm cho họ nhận biết sự thật. Cùng nhau chúng con dâng lên Chúa lời chúc tụng cùng những bài thánh thi ca tạ ơn”.


Lời cầu nguyện tiếp tục như sau: “Chúa đã cứu chuộc chúng con, bằng máu quí giá và tinh tuyền của Ngươiụ Con Chúa duy nhất khỏi mọi thứ hư hoại và tình trạng nô lệ. Chúa đã giải thoát chúng con khỏi ma quỉ và ban cho chúng con vinh hiển và tự do. Chúng con đã chết đi và Chúa đã làm cho chúng con tái sinh, cả hồn lẫn xác, trong Thần Linh. Chúng con đã bị ra ô uế và Chúa đã thanh tẩy chúng con. Bởi thế, chúng con cầu xin Cha giầu lòng xót thương và là vị Thiên Chúa của mọi nguồn ủi an là hãy làm cho chúng con vững vàng theo đuổi ơn gọi của mình, trong việc tôn thờ và trong sự tín trung.


Lời cầu nguyện kết thúc bằng lời cầu: “Xin hãy kiên cường chúng con, Ôi Chúa Nhân Ái, bằng sức mạnh của Chúa. Xin hãy soi chiếu linh hồn chúng con bằng ơn an ủi của Chúa…. Xin hãy cho chúng con được thấy, tìm kiếm và chiêm ngưỡng những sản vật trên trời chứ không phải những sản vật trần thế. Nhờ vậy, với sức mạnh ân sủng của Chúa, vinh quang được qui về cho Đấng toàn năng, chí thánh, quyền năng mãnh lực xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng, trong Chúa Giêsu Kitô, người Con Yêu Dấu, với Thành Linh muôn đời vĩnh cửu. Amen” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani," [Early Christian Prayers], Milan, 1955, pp. 92-94).


Anh Chị Em thân mến,


Bài ca vịnh mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô được xướng lên mỗi tuần trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Bài ca vịnh này là một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và về tu đức của Giáo Hội ở vào thời tông đồ.


Bài ca vịnh này là một bài thánh thi ca tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha về các phúc lành đã ban xuống trên chúng ta qua Người Con yêu dấu của Ngài. Bởi máu của Chúa Kitô, chúng ta được hòa giải với Chúa Cha, được thánh hóa trước nhan Ngài, và được ban ân sủng để trở nên những người con trai, con gái thừa nhận của Ngài.


Nhờ mầu nhiệm thập giá, chúng ta đã được ơn khôn ngoan để hiểu biết dự án vĩnh cửu của Thiên Chúa trong việc hiệp nhất trong Chúa Kitô tất cả mọi sự trên trời dưới đất. Vị Chúa vinh hiển này nhờ đó chẳng những xuất hiện như đầu của Nhiệm Thể là Giáo Hội, mà còn là nguồn mạch và trung tâm của một thế giới đã được hòa giải và canh tân.


Khi kết thúc bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Ngài còn nhắc nhủ 16 ngàn người qui tụ lại Quảng Trường Thánh Phêrô về Năm Thánh Thể rằng: “Vào lúc mở đầu cho Năm Thánh Thể, hãy cố gắng hết sức để theo Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Hãy trở thành những kẻ thường xuyên tôn thờ Bí Tích Cực Thánh!”



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 13/10/2004.

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ