GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 16 THỨ BẢY

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI 48: NGÀY 7

Kỷ Niệm ĐTC GPII được bầu làm giáo hoàng 26 năm

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

(tiếp)

 

Giovanni Paolo II


II- Thánh Thể là Mầu Nhiệm Ánh Sáng

“Người đã giải thích cho họ nghe những gì liên quan đến Người trong toàn bộ Thánh Kinh” (Lk 24:27)


11.     Đoạn trình thuật về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau giúp chúng ta chú trọng đến một khía cạnh chính yếu của mầu nhiệm Thánh Thể, một khía cạnh bao giờ cũng cần phải được bao gồm trong việc tôn sùng này của Dân Chúa, khía cạnh Thánh Thể là một mầu nhiệm ánh sáng! Điều này có nghĩa là gì, và ngụ ý của nó ra sao đối với đời sống và tu đức Kitô Giáo?


Chúa Giêsu đã xưng mình là “ánh sáng thế gian” (Jn 8:12), và tính chất này hiển nhiên đã được tỏ hiện vào những giây phút của đời Người, như lúc Biến Hình và Phục Sinh, những giây phút vinh quang thần linh rạng ngời chiếu tỏa. Tuy nhiên, nơi Thánh Thể, vinh quang của Chúa Kitô vẫn bị khuất kín. Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin tiền siêu đẳng. Nhờ mầu nhiệm hoàn toàn ẩn mình đi của mình mà Chúa Kitô đã trở nên một mầu nhiệm ánh sáng, nhờ đó tín hữu được dẫn vào thẳm cung của sự sống thần linh. Bức ảnh Chúa Ba Ngôi được tôn kính của Rublev, bằng một trực giác lạc quan, đã đặt Thánh Thể vào ngay giữa sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.


12.     Thánh Thể là ánh sáng, trước hết, vì ở mỗi Thánh Lễ, phụng vụ Lời Chúa được cử hành trước phụng vụ Thánh Thể trong mối liên kết hai “bàn tiệc”, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh Sự Sống. Tính cách liên tục này được thể hiện nơi trình thuật về Thánh Thể của Phúc Âm Thánh Gioan, một trình thuật cho thấy Chúa Giêsu mở đầu bài giảng của mình bằng việc nói về mầu nhiệm bản thân Người, rồi mới đi đến chỗ nói tới khía cạnh Thánh Thể của mầu nhiệm này: “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống” (Jn 6:55). Chúng ta đều biết rằng điều này đã gây rắc rối cho hầu hết thành phần thính giả, khiến tông đồ Phêrô phải bày tỏ đức tin của các vị Tông Đồ khác cũng như của Giáo Hội suốt giòng lịch sử: “Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai? Thày có những lời sự sống đời đời” (Jn 6:68). Nơi trình thuật về hai người môn đệ trên đường đi Emmau, chính Chúa Kitô đã đích thân tỏ cho các vị thấy “toàn bộ Thánh Kinh, bắt đầu từ Moisen và tất cả các vị tiên tri” đã qui về mầu nhiệm bản thân Người (x Lk 24:27) ra sao. Những lời Người nói đã làm cho tâm can của các vị môn đệ “bừng nóng” lên trong các vị, kéo các vị ra khỏi bóng tối tăm của sầu thương và thất vọng, và khơi lên trong họ ước muốn ở với Người: “Xin Chúa ở với chúng con” (x. câu 29).


13.     Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, đã tìm cách để làm cho “bàn tiệc Lời Chúa” cống hiến các kho tàng Thánh Kinh trọn vẹn hơn cho tín hữu (9). Bởi thế, các vị đã cho phép các bài đọc thánh kinh trong phụng vụ được công bố bằng một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu. Chính Chúa Kitô lên tiếng nói khi các lời Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội (10). Các Nghị Phụ Công Đồng này cũng khuyến khích vị cử hành phụng vụ hãy sử dụng bài giảng như là một phần của phụng vụ, để dẫn giải Lời Chúa và áp dụng ý nghĩa Lời Chúa vào cuộc sống Kitô hữu (11). Sau Công Đồng 40 năm, Năm Thánh Thể có thể trở thành một cơ hội quan trọng để các cộng đồng Kitô hữu thẩm định bước tiến của mình về lãnh vực này. Việc đọc bằng tiếng mẹ đẻ các bài thánh kinh vẫn chưa đủ, nếu những bài đọc này không được công bố một cách cẩn thận, dọn đọc trước, sốt sắng chuyên tâm và thinh lặng suy niệm cho Lời Chúa có thể tác động tâm trí họ.


“Họ nhận ra Người khi bẻ bánh” (x Lk 24:35)


14.     Vấn đề đáng chú ý ở đây là hai môn đệ trên đường đi Emmau, được những lời nói của Chúa sửa soạn một cách thích đáng, đã nhận ra Người ở bàn ăn, qua cử chỉ “bẻ bánh” đơn sơ. Các dấu hiệu lên tiếng “nói” khi trí khôn con người được soi sáng và tâm can của họ được khêu động. Thánh Thể trở thành hiện lộ trong một chiều kích sống động của những dấu hiệu chất chứa một sứ điệp phong phú và sáng tỏ. Qua những dấu hiệu này, một cách nào đó, mầu nhiệm Thánh Thể hiện lên trước con mắt của người tín hữu.


Như Tôi đã nhấn mạnh trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, vấn đề quan trọng đó là không được bỏ qua một chiều kích nào về bí tích này, trái lại, trên thực tế, chính chúng ta là những người phải hướng mình về các chiều kích của Mầu Nhiệm ấy. “Thánh Thể là một tặng ân quá trọng đại không thể chấp nhận tính cách mập mờ và bị coi thường” (12).


15.     Chắc chắn chiều kích hiển nhiên nhất của Thánh Thể là ở chỗ Thánh Thể là một bữa ăn. Thánh Thể được phát xuất, vào buổi tối Thứ Năm Thánh, trong khung cảnh của bữa Vượt Qua. Yếu tố làm nên chính cấu trúc của Thánh Thể ở chỗ Thánh Thể là một bữa ăn. “Hãy cầm lấy mà ăn… Đoạn Người cầm lấy chén… trao cho họ mà phán: tất cả các con hãy uống chén này” (Mt 26:26,27). Như thế, Thánh Thể thể hiện mối hiệp thông Thiên Chúa muốn thiết lập với chúng ta, và là mối hiệp thông chính chúng ta cần phải xây dựng với nhau.


Tuy nhiên, cũng không được quên rằng bữa tiệc Thánh Thể còn có một ý nghĩa hy hiến sâu xa và chính yếu (13). Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô hiện thực trước mắt chúng ta một cách mới mẻ hy tế đã được hiến dâng một lần vĩnh viễn trên đồi Gongôta. Hiện diện nơi Thánh Thể như Vị Chúa Phục Sinh, Người vẫn mang trên mình các dấu tích khổ nạn của Người là những gì được “tưởng niệm” trong mọi Thánh Lễ, như Phụng Vụ nhắc nhở chúng ta ở lời tuyên xưng sau phần truyền phép: “Chúng tôi loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại…”. Trong khi Thánh Thể hiện thực hóa những gì đã xẩy ra trong quá khứ đồng thời Thánh Thể cũng thúc đẩy chúng ta hướng về tương lai, lúc Chúa Kitô tái giáng khi lịch sử hạ màn. Khía cạnh “cánh chung” này làm cho Bí Tích Thánh Thể trở thành một biến cố lôi kéo chúng ta đến với Thánh Thể và làm cho cuộc hành trình Kitô Giáo của chúng ta được tràn đầy hy vọng.


“Thày hằng ở cùng các con luôn mãi…” (Mt 28:20)


16.     Tất cả những chiều kích này của Thánh Thể cùng hướng về một khía cạnh duy nhất, một khía cạnh, hơn hết mọi khía cạnh khác, cần đến đức tin của chúng ta, đó là khía cạnh về mầu nhiệm của sự hiện diện “thực sự”. Theo tất cả truyền thống của Giáo Hội, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới các hình chất Thánh Thể. Sự hiện diện này, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xác đáng giải thích, được gọi là “thực sự”, không phải một cách độc nhất như thể những hình thức hiện diện khác của Chúa Kitô không thực sự, mà là một thứ thực sự trên hết, vì Chúa Kitô nhờ đó hiện diện về bản thể, một cách trọn vẹn và toàn thể, nơi thực tại mình máu của Người (14). Đức tin đòi hỏi chúng ta đến với Thánh Thể với tất cả ý thức là chúng ta đang tiến đến với chính Chúa Kitô. Chính sự hiện diện của Người mới làm cho các khía cạnh khác của Thánh Thể, khía cạnh như một bữa ăn, khía cạnh tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua, khía cạnh ngưỡng vọng cánh chung, một ý nghĩa vượt ra ngoài cái biểu hiệu thuần túy. Thánh Thể là một mầu nhiệm của sự hiện diện, là việc hoàn thành lời Chúa Giêsu hứa ở với chúng ta cho đến tận thế.


Việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngưỡng


17.     Thánh Thể là một đại mầu nhiệm! Và Thánh Thể là mầu nhiệm trước hết cần phải được cử hành xứng đáng. Thánh Lễ phải trở thành tâm điểm của đời sống Kitô hữu và phải được hết mọi cộng đồng cử hành một cách xứng đáng, theo các qui tắc ấn định, trước sự tham dự của cộng đồng, với sự hiện diện của các thừa tác viên thi hành những công việc được ủy thác cho họ, và bằng sự cẩn trọng quan tâm đến việc xướng hát và phụng ca làm sao cho có tính cách ‘linh thánh’ xứng hợp. Một dự án đặc biệt của Năm Thánh Thể này đối với mỗi một cộng đồng giáo xứ đó là việc học hỏi Bản Tổng Dẫn Về Sách Lễ Rôma. Đường lối hay nhất để tiến vào mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm được hiện thực nơi các “dấu hiệu” linh thánh vẫn là đường lối trung thành cử hành tiến trình của phụng niên. Các vị chủ chiên cần phải chú trọng đến việc dạy giáo lý “về mầu nhiệm” là việc rất được các vị Giáo Phụ của Hội Thánh yêu chuộng, nhờ đó các vị giúp cho tín hữu hiểu được ý nghĩa về ngôn từ và tác động của phụng vụ, để họ có thể vượt từ những dấu hiệu của phụng vụ đến chính mầu nhiệm bên trong của những dấu hiệu này, và tiến vào mầu nhiệm ấy ở mọi khía cạnh cuộc sống của mình.


18.     Đặc biệt cần phải vun trồng một ý thức sống động về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, cả trong việc cử hành Thánh Lễ cũng như trong việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Cần phải chú trọng đến việc bày tỏ ý thức ấy qua cung giọng, cử chỉ, điệu bộ và nhẫn nại. Về vấn đề này, luật phụng vụ nhắc nhở, và chính Tôi gần đây cũng đã tái xác nhận (15), tầm quan trọng của những giây phút thinh lặng cả ở việc cử hành Thánh Lễ cũng như trong việc tôn thờ Thánh Thể. Đối với Thánh Thể các thừa tác viên và tín hữu phải làm sao tỏ ra hết sức kính trọng (16). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà tạm phải là một thứ hấp lực thu hút nhiều linh hồn hơn tỏ lòng mến yêu Người, sẵn sàng nhẫn nại đợi nghe tiếng nói của Người, và có thể cảm thấy được nhịp tim đập của Người. “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo dường bao!” (Ps 34:8).


Trong năm nay, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ cần phải được quyết tâm thực hiện nơi mỗi giáo xứ và các cộng đồng tu trì. Chúng ta hãy tìm giờ để quì trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, để lấy đức tin và đức mến của chúng ta đền tạ những hành động vô ý và coi thường, nhất là những xỉ nhục Chúa Cứu Thế của chúng ta phải chịu ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta hãy, qua tác động tôn thờ này, đi sâu vào việc chiêm ngưỡng Người một cách tư riêng cũng như cộng đồng, bằng cách sử dụng lời nguyện cầu thấm nhuần Lời Chúa và cảm nghiệm của rất nhiều vị thần bí, cũ cũng như mới. Chính kinh Mân Côi, khi được hiểu sâu xa như là một hình thức thánh kinh và qui về Chúa Kitô là những gì Tôi đã huấn dụ trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, cũng cho thấy mình là cách đặc biệt xứng hợp dẫn đến việc chiêm ngưỡng Thánh Thể, một thứ chiêm ngưỡng được thực hiện với Mẹ Maria như vị đồng hành và hướng đạo của chúng ta (17).


Năm nay, chúng ta hãy sốt sắng cử hành Lễ Trọng Kính Thánh Thể Chúa Kitô bằng việc cung nghinh theo truyền thống. Đức tin của chúng ta nơi Vị Thiên Chúa hóa thành nhục thể để trở thành bạn đồng hành đi bên chúng ta cần phải được công bố ở khắp mọi nơi, nhất là nơi phố xá và các gia đình, như là một việc bày tỏ tình yêu tri ân của chúng ta và như là một nguồn phúc ân vô tận.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ


http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html

 


 

Giovanni Paolo II

 

 

Tâm Điểm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô và
Cầu Kinh Mân Côi là Tuyên Xưng Chúa Kitô

 


Tâm Điểm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô


Theo tinh thần gắn bó với Giáo Hội, Phong Trào Thiếu Nhi Fatima luôn học hỏi những gì được Đức Thánh Cha nhắn nhủ và kêu gọi cho giới trẻ. Chẳng hạn Thiếu Nhi Fatima đã học hỏi các sứ điệp của ĐTC gửi cho riêng giới trẻ từ năm 1997 đến 1999 để sửa soạn Mừng Đại Năm Thánh 2000, sau đó, từ năm 2001, hằng năm Thiếu Nhi Fatima cũng lấy sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm để làm đề tài cho Khóa Tĩnh Huấn cuối năm, như năm 2001 “Các con là muối đất, là ánh sáng thế gian”, đề tài cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XVII ở Canada vào tháng 7/2002. Ngoài ra, trong buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay hằng năm, Thiếu Nhi Fatima cũng lấy các sứ điệp của ĐTC về mùa chay trong năm đó để suy niệm và chia sẻ, như năm 2003 về đề tài “Cho đi phúc hơn nhận lãnh”.

Riêng Năm Mân Côi được bắt đầu từ ngày 16/10/2002 tới 19/10/2003, Thiếu Nhi Fatima cũng học hỏi Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bằng cách có 5 đoàn, mỗi đoàn phụ trách một phần của bức Tông Thư, ba phần thân cùng với phần mở và kết. Đoàn nào tới phiên tổ chức Thứ Bảy Đầu Tháng tại đoàn mình sẽ phụ trách trình bày và chia sẻ phần Tông Thư được chỉ định. Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng Thánh Tâm 7/6/2003 tới phiên Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Mân Côi Pomona trình bày và chia sẻ phần Mở Đầu của Bức Tông Thư. Em huynh trưởng đại diện đoàn đã không nói hoàn toàn trong giới hạn về phần Mở Đầu mà là nói đến điểm cốt lõi của Bức Tông Thư, điểm đã đánh động em, (vì em đã đọc hết văn kiện này bằng tiếng Anh), đó là vấn đề Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi.

Lợi dụng dịp này, tôi cũng bổ túc thêm cho những gì em này cảm nhận và đồng thời cho chung các em Thiếu Nhi Fatima tham dự bấy giờ biết cách để chứng minh Chúa Kitô quả thực là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi. Những đoạn tiêu biểu Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh cái cốt lõi của Kinh Mân Côi trong Bức Tông Thư của Ngài như sau:

•     “Mặc dù rõ ràng là mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có tâm điểm là Chúa Kitô. Nơi những yếu tố bình dị của mình, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm, có thể nói được rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp Phúc Âm (Pope Paul VI, Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 42: AAS 66 [1974], 153). Kinh này còn là tiếng vọng của lời Mẹ Maria cầu nguyện, đó là Ca Vịnh Ngợi Khen bất hủ của Mẹ về công cuộc của Việc Nhập Thể cứu chuộc được bắt đầu trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ”.

•     “Có điều rõ ràng là, mặc dù Kinh Mân Côi lập đi lập lại được trực tiếp dâng lên Mẹ Maria, nhưng tác động yêu thương với Mẹ và nhờ Mẹ cuối cùng lại được nhắm đến Chúa Giêsu. Việc lập đi lập lại được nuôi dưỡng bằng ước muốn nên giống Chúa Kitô hoàn toàn hơn, một hoạt trình đích thực của đời sống Kitô hữu… Kinh Mân Côi giúp chúng ta nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn cho đến khi chúng ta đạt tới tầm mức thánh thiện thực sự” (đoạn 26).

Thế rồi, sau khi chứng thực cho các em thấy Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi, tôi tiếp tục cho các em biết rằng Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi có thể được chứng thực qua ba điều, thứ nhất qua cấu trúc của chính tràng hạt Mân Côi, thứ hai qua ý nghĩa hay nội dung của Kinh Kính Mừng, và thứ ba qua bố cục của Kinh Mân Côi.

Trước hết, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi qua cấu trúc của Tràng hạt Mân Côi, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Ngài về cây thánh giá vừa là khởi điểm vừa là qui điểm của tràng chuỗi Mân Côi như sau:

•     “Việc lần hạt Mân Côi từ trước đến nay vẫn được thi hành bằng việc sử dụng một cỗ tràng hạt. Nếu lần hạt mà chẳng để ý gì lắm thì các hạt chuỗi thường trở thành một cái máy thuần túy đếm thứ tự các Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, những hạt chuỗi này cũng có thể trở thành một biểu hiệu cho việc sâu xa chiêm niệm nữa. Ở đây, điều đầu tiên phải để ý là cách thức những hạt chuỗi này đồng qui nơi Cây Thánh Giá, nơi vừa mở ra lại vừa đóng lại cái tiến trình tỏ hiện của việc nguyện cầu. Đời sống và việc cầu nguyện của người tín hữu được tập trung vào Chúa Kitô. Hết mọi sự được bắt đầu từ Người, hết mọi sự đều qui về Người, hết mọi sự nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần” (đoạn 36).

Sau nữa, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi ở chỗ ý nghĩa hay nội dung của Kinh Kính Mừng, một ý nghĩa và nội dung được tập trung nơi câu “Và Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập đến điều này như sau:

•     “Trọng tâm nơi Kinh Kính Mừng, cái then chốt thực sự gắn nối hai phần của kinh này lại với nhau đó là tên của Chúa Giêsu. Đôi khi, vì vội vàng lần hạt chúng ta đã không để ý đến trọng tâm này cho lắm, và bởi thế cũng chẳng chú ý tới việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô liên quan đến trọng tâm ấy. Tuy nhiên, chính việc chăm chú đến danh của Chúa Giêsu cũng như đến mầu nhiệm của Người là dấu hiệu chứng tỏ việc lần hạt Mân Côi có ý vị và hiệu quả” (đoạn 33.2).

Thật vậy, mở đầu Kinh Kính Mừng là lời Sứ Thần Gabiên chúc tụng Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Thế nhưng, tại sao Mẹ Maria được Đầy Ơn Phúc? Nếu không phải vì “Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Và tại sao “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”? Nếu không phải vì “Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”.

Chưa hết, Mẹ Maria “đầy ơn phúc” không phải chỉ vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng, và “có phúc hơn mọi người nữ” không phải chỉ vì Mẹ được diễm hạnh thụ thai, cưu mang và cho Con Chúa Trời bú (x Lk 11:27), mà còn “có phúc vì đã tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 1:45). Đó là lý do, ở Mầu Nhiệm Mùa Thương, dù Con Mẹ có bị khổ nạn thế nào đi nữa, nhất là có bị đóng đanh trên thập giá chất vô cùng thảm thương và ô nhục mấy đi nữa, chúng ta vẫn chúc tụng Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn Phúc”. Nếu chính bản thân và cả cuộc đời của Mẹ Maria tập trung vào Chúa Kitô và hiệp nhất với Chúa Kitô, “Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ”, như thế, thì quả thực Chúa Kitô chính là Tâm Điểm cho ý nghĩa và nội dung của Kinh Kính Mừng vậy, một Kinh tóm gọn tất cả mọi sự về Mẹ Maria, một kinh gói ghém tất cả Mầu Nhiệm Maria.

Chính vì thế, dù cả đời của mình, từng giây từng phút, chúng ta có lập lại lời Kinh Kính Mừng này, một lời kinh được Thánh Linh phát ngôn qua cửa miệng thần trời và thánh nhân, chúng ta, với tư cách cá nhân, cũng không xứng đáng và hoàn toàn chúc tụng Mẹ Maria cho đủ, vì Mẹ là kỳ công ân sủng tuyệt vời nhất của Thiên Chúa. Ðó là lý do chúng ta cứ phải lập đi lập lại Kính Mừng Maria mãi mãi để chúc tụng Mẹ. Tuy nhiên, khi chúng ta chúc khen Mẹ diễm phúc là chúng ta cùng với Mẹ chúc tụng chính Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những sự lạ lùng vậy (x Lk 1:49). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bày tỏ cảm nhận này trong Tông Thư Kinh Mân Côi như sau:

•     “Khi hiểu đúng Kinh Kính Mừng, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng là tính cách Thánh Mẫu của kinh này không nghịch lại với đặc tính Kitô học của kinh ấy, nhưng lại là đặc tính được kinh này thực sự nhấn mạnh và đề cao… Việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng nơi Kinh Mân Côi làm cho chúng ta được thông phần vào việc Thiên Chúa ngắm nghía và mãn nguyện, ở chỗ, chúng ta hân hoan thán phục nhìn nhận phép lạ cả thể nhất lịch sử loài người. Lời tiên tri của Mẹ Maria ở đây đã được nên trọn: ‘Từ nay hết mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc’ (Lk 1:48)” (đoạn 33.1).

Sau hết, Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi ở bố cục của Kinh Mân Côi. Đúng thế, Kinh Mân Côi có hai phần rõ rệt, phần khẩu nguyện, với kinh chính yếu là Kinh Kính Mừng, và phần tâm nguyện, phần bao gồm 20 Mầu Nhiệm Chúa Kitô (kể cả 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng mới được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thêm vào trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria từ đầu Năm Mân Côi 16/10/2002).

Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II thì bởi vì các Mầu Nhiệm Chúa Kitô là hồn sống của Kinh Mân Côi, mà Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện chiêm niệm, một yếu tố chiêm niệm mà nếu không được thực hiện thì việc lần hạt Mân Côi chẳng khác gì như một cái xác vô hồn.

•     “Chính vì được bắt nguồn từ cảm nghiệm riêng của Mẹ Maria, Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tuyệt hảo. Thiếu chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ mất đi ý nghĩa của mình, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ tường vạch ra cho thấy điều ấy: ‘Thiếu chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một cái xác không hồn, và việc lần hạt có nguy cơ sẽ trở thành một việc lập đi lập lại theo công thức như máy móc, một việc phạm đến lời cảnh cáo của Chúa Kitô: Khi cầu nguyện chớ lảm nhảm như kiểu của Dân Ngoại, vì họ nghĩ rằng cứ phải nhiều lời thì việc cầu nguyện của họ mới có công hiệu (Mt 6:7). Tự bản chất của mình, việc lần hạt Mân Côi đòi phải có một nhịp điệu nhẹ nhàng và một tốc độ chậm rãi, giúp cho con người nhờ đó có thể suy niệm về các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô là những gì đã được nhìn thấy bằng ánh mắt của Vị ở gần Người nhất. Nhờ đó, kho tàng khôn thấu của các mầu nhiệm này mới được tỏ hiện’ (Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 47: AAS [1974], 156)”.

Tóm lại, chính vì Chúa Kitô là Tâm Điểm của Kinh Mân Côi mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa việc lần hạt Mân Côi hay cầu kinh Mân Côi là việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô:

•     “Hãy chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô với Mẹ Rất Thánh của Người và tại học đường của Mẹ Người. Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3).

•     “Bằng việc đọc lên những lời của Thiên Thần Gabiên và của bà Thánh Isave trong Kinh Kính Mừng, chúng ta cảm thấy mình liên lỉ được thúc đẩy tìm kiếm lại nơi Mẹ Maria, nơi đôi cánh tay của Mẹ, cũng như nơi trái tim của Mẹ, ‘quả phúc của lòng Mẹ’” (đoạn 24).
 

Cầu Kinh Mân Côi là Tuyên Xưng Chúa Kitô


Cũng em huynh trưởng Thiếu Nhi Fatima trên đây, vào ngày 29/8/2003, đã gửi cho tôi một điện thư đặt vấn đề là Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tại sao lại đọc chung thành lời, vì làm như thế sẽ gây chia trí vì đã chiêm niệm thì cần phải trầm lặng? Sau đây là những gì tôi đã trả lời cho em.

Để hiểu rõ vấn đề có vẻ mâu thuẫn này cần phải thấu triệt được bản chất của chiêm niệm Kitô giáo cũng như kết cấu chuyên biệt của chính Kinh Mân Côi.

Bản Chất Chiêm Niệm Kitô Giáo

Trước hết, chiêm niệm là gì, nếu không phải là cảm nghiệm thần linh bằng tất cả tâm hồn của mình, chứ không phải chỉ bằng trí khôn qua việc suy niệm, hay bằng ký ức qua việc tưởng nhớ, hoặc bằng cảm tình qua việc cảm xúc nhất thời. Tuy nhiên, cảm nghiệm thần linh cần phải được phản ảnh qua các hoạt động tông đồ. Đây là đặc điểm chuyên biệt nơi vấn đề chiêm niệm của Kitô giáo, khác với việc chiêm niệm của các tôn giáo khác. Việc Kitô giáo chiêm niệm không dừng lại ở chỗ một mình hoan hưởng những tư tưởng cao siêu, mà là tiến đến chỗ hăng say truyền bá và phục vụ. Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn 1:5) thì tâm hồn chiêm niệm, tâm hồn cảm nghiệm thần linh, hay cảm nghiệm ánh sáng, sẽ trở thành một thứ phản chiếu ánh sáng.

Đó là lý do chúng ta thấy, qua các Phúc Âm, bất cứ ai, kể cả thành phần ngoại giáo hay tội nhân, một khi được giao tiếp với Lời Nhập Thể, được giao tiếp với Vị Thiên Chúa thần linh nơi Con Người Giêsu Nazarét, tức một khi có được một cảm nghiệm thần linh thực sự, họ đều trở thành những nhà truyền giáo. Điển hình nhất là những người được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh đã không thể câm nín mà không tuyên dương chúc tụng Người dù đã được Người căn dặn phải giữ kín (x Mt 9:3-31; Mk 1:44-45), hay trường hợp của người phụ nữ Samaritanô sau khi bất ngờ được hội ngộ với Người bên bờ giếng Giacóp giữa buổi trưa nóng bức (x Jn 4:28-30), hoặc trường hợp của hai môn đệ chán chường đi về Emmau sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh qua cử chỉ bé bánh của Người (x Lk 24:31-35). Một tâm hồn chiêm niệm, chính vì cảm nghiệm thần linh, cảm thấy Thiên Chúa vô cùng đáng yêu đáng mến, làm sao có thể không lên tiếng chúc tụng Ngài, không "rên lên những lời than khôn tả" (Rm 8:26), cũng như có thể ngồi yên không làm hết cách để Ngài được nhận biết và yêu mến.

Là đệ nhất mô phạm về chiêm niệm, Mẹ Maria đã chẳng vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Isave của mình ngay sau khi Mẹ đã được thụ thai và cưu mang Con Đấng Tối Cao (x Lk 1:39-40) hay sao? Và việc chiêm niệm của Mẹ, việc Mẹ cảm nghiệm thần linh, cảm nghiệm Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đang thực sự hiện diện một cách thể lý ngay trong lòng dạ của Mẹ cũng đã chẳng làm cho Mẹ không thể không cất tiếng ngợi khen chúc tụng Ngài hay sao: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và lòng trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài, nên từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lk 1:46-48)?

Tóm lại, theo Kitô giáo, một Kitô hữu (đã tiến đến bậc cầu nguyện) chiêm niệm chính là một tông đồ. Các vị tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn sống gần Người, nhờ đó có thể chiêm ngắm Người, có thể cảm nghiệm được Người một cách cụ thể (x 1Jn 1:1-2), là để các vị sau đó, sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống, hiên ngang ra đi rao giảng tin mừng cho tất cả mọi tạo vật cho đến tận cùng trái đấy (x Mt 28:19; Mk 16:15; Acts 1:8). Đó là lý do Người đã căn dặn các vị ngay từ lần Người sai các vị đi truyền giáo tiên khởi cho thành phần "chiên lạc của nhà Yến Duyên" (Mt 10:6): "Những gì Thày nói với các con trong tăm tối, hãy nói ra trong ánh sáng. Những gì các con âm thầm nghe được hãy rao giảng trên mái nhà" (Mt 10:26-27). Thật vậy, tâm hồn chiêm niệm chỉ thực sự cảm nghiệm thần linh sau khi họ đã trải qua những đêm tăm tối đức tin, cũng như sau khi, nhờ đó, họ được Thiên Chúa mạc khải cho biết những điều cao siêu huyền nhiệm mà chính thành phần khôn ngoan thông thái nhất thế gian cũng không thể nào tự mình có thể thấu hiểu và chấp nhận (x Mt 11:25).

Căn cứ vào bản chất của vệc chiêm niệm theo Kitô giáo trên đây, chúng ta thấy chiêm niệm có tích cách sinh động và truyền đạt chứ không phải thụ động và chiếm thủ. Bởi thế, việc nội tâm chiêm niệm và miệng lưỡi chúc tụng nơi Kinh Mân Côi một lúc là tác động rất thích hợp với việc chiêm niệm.

Cấu Trúc Chuyên Biệt của Kinh Mân Côi

Không giống như tất cả mọi kinh nguyện khác, Kinh Mân Côi gồm có hai phần, khẩu nguyện (vocal prayer) và tâm nguyện (mental prayer). Khẩu nguyện là việc đọc các Kinh Mân Côi, nhất là Kinh Kính Mừng. Tâm nguyện là việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi (vui, sáng, thương, mừng). Thiếu một trong hai phần này, hoặc khẩu nguyện hay tâm nguyện, đều không phải là Kinh Mân Côi. Sở dĩ Kinh Mân Côi vừa có cả khẩu nguyện lẫn tâm nguyện là vì khẩu nguyện liên quan đến đức tin cứu độ và tâm nguyện liên quan đến mạc khải thần linh.

Thật vậy, Mầu Nhiệm Mân Côi cũng chính là Mầu Nhiệm Chúa Kitô, bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết qua Con Người Giêsu Nazarét, để loài người có thể nhờ đó mà được cứu độ bằng đức tin của mình, một đức tin được chứng thực bằng việc tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16; x Jn 11:27). Thế nhưng, trong loài người ai đã tin tưởng Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra nơi Con Người Giêsu Nazarét cho bằng Mẹ Maria. Bởi vậy, theo ý nghĩa này, khi đọc Kinh Kính Mừng là Kitô hữu Công giáo chúng ta chẳng những tỏ ra khâm phục đức tin tuyệt đối của Mẹ, Đấng "có phúc vì đã tin" (Lk 1:45), Đấng luôn "đầy ơn phúc" (Lk 1:28), ở chỗ, đã theo Người cho đến cùng, đến khi đứng dưới chân thập giá của Người (x Jn 19:25), mà còn cùng với Mẹ Maria tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra là để cứu độ loài người thì Ngài còn mong gì hơn là được loài người tỏ ra tin tưởng chấp nhận Ngài. Cũng thế, nếu Mầu Nhiệm Mân Côi, hay Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là những mầu nhiệm diễn đạt Mạc Khải Thần Linh, thì Mầu Nhiệm Mân Côi, Mầu Nhiệm Chúa Kitô không thể thiếu Kinh Nguyện Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng là kinh nguyện chất chứa đức tin của một đệ nhất tạo vật về ân sủng. Việc môi miệng đọc Kinh Kính Mừng, do đó, không thể thiếu trong việc nội tâm đồng thời cũng chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi.

Tuy nhiên, vì thuộc về gia đình nhân loại mà mỗi một con người sinh vào trần gian đều nhiễm lây nguyên tội và phải lãnh chịu hậu quả của nguyên tội thế nào, theo lịch sử cứu độ, Thiên Chúa cũng muốn thực hiện dự án cứu độ của Ngài qua Cộng Đồng Dân Chúa là dân Do Thái, và muốn qui tụ con cái của Ngài phân tán khắp nơi lại thành Cộng Đồng Giáo Hội như vậy. Vì là Dân Chúa đã được cứu độ qua Bí Tích Rửa Tội, Kitộ hữu càng cần phải cùng nhau chẳng những tuyên xưng đức tin, nhất là qua việc cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin là Thánh Lễ, mà còn cần phải cùng nhau truyền bá đức tin, cụ thể là việc bác ái xã hội của các dòng tu.

Nếu Kinh Kính Mừng, như đã nhận định, là kinh thể hiện đức tin cao cả của Mẹ Maria trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô, thì việc đọc Kinh Mân Côi chung cũng là một cách hết sức thích hợp và chích đáng trong việc cùng nhau biểu lộ đức tin, tuyên xưng đức tin. Bởi thế, Kinh Mân Côi, tuy không phải là Kinh Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội, làm cho Kitô hữu dù có đọc riêng theo cá nhân cũng vẫn có tác dụng đọc chung với tư cách của toàn thể Giáo Hội, một khi được đọc chung, bấy giờ Kinh Mân Côi mang tính cách Giáo Hội, tính cách của một Cộng Đồng Dân Chúa cùng nhau tuyên xưng đức tin. Đó là lý do Kinh Mân Côi chẳng những có thể đọc riêng mà còn nên đọc chung và cần phải đọc chung nữa.

Tình trạng chia trí khi đọc kinh Mân Côi chung hơn là đọc riêng không phải do chính kết cấu của Kinh Mân Côi, hay do đường lối thực hành kinh nguyện đặc biệt này, cho bằng, ngoài những lý do khác, còn do bởi tâm hồn cầu kinh nguyện ấy đi từ ngoài vào trong, chứ không phải từ trong ra ngoài. Nếu con người đi từ ngoài vào trong ở chỗ nhờ những lời kinh mà suy mầu nhiệm, một tác động, theo kinh nghiệm, dễ trở thành thuần túy "môi miệng" (x Mk 7:6), thì con người cầu kinh Mân Côi đi từ trong ra ngoài, từ lòng đầy mới trào ra ngoài miệng (x Mt 12:34), ở chỗ, nội tâm họ say sưa chiêm niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô rồi mới bật thành lời lập đi lập lại không ngừng Kinh Kính Mừng Maria!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Thứ Bảy 6/7 và 30/8/2003

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ