GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 17 CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ THẾ GIỚI 48: BẾ MẠC

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

(tiếp)

 

Giovanni Paolo II


 

III- Thánh Thể Là Nguồn Mạch và Là Biểu Hiện của Hiệp Thông

“Các con hãy ở trong Thày như Thày ở trong các con” (Jn 15:4)


19.     Khi các môn đệ đi Emmau xin Chúa Giêsu hãy ở “với” các vị, Người đã đáp lại bằng việc ban cho họ một tặng ân còn cao trọng hơn thế nữa, đó là, nhờ Bí Tích Thánh Thể, Người tìm được cách để ở “trong” các vị. Nhận lãnh Thánh Thể tức là đi vào mối hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu. “Các con hãy ở trong Thày như Thày ở trong các con” (Jn 15:4). Mối liên hệ về việc “ở” với nhau một cách sâu xa này cho chúng ta được nếm hưởng trước thiên đường ngay trên trần gian này. Đó không phải là điều ước mong lớn lao nhất của con người hay sao? Đó không phải là những gì Thiên Chúa đã nghĩ đến khi Ngài thực hiện trong lịch sử dự án cứu độ của Ngài hay sao? Thiên Chúa đã gieo vào tâm can con người một “nỗi đói khát” Lời của của Ngài (x Am 8:11), một nỗi đói khát chỉ được thỏa nguyện chỉ khi nào được hoàn toàn hiệp nhất với Ngài mà thôi. Chúng ta có thể “thỏa mãn” Thiên Chúa ngay trên trái đất này nơi mối hiệp thông Thánh Thể được ban cho chúng ta đây, với niềm khát vọng được hoàn toàn mãn nguyện trên cõi thiên cung.


Một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất


20.     Sự liên kết đặc biệt này nơi “mối hiệp thông” Thánh Thể không thể hiểu được một cách đầy đủ hay cảm nghiệm thấy một cách trọn vẹn ngoài mối hiệp thông Giáo Hội. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này nhiều lần trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô: chúng ta tiến bước “với Chúa Kitô” ở chỗ chúng ta liên kết “với thân thể của Người”. Chúa Kitô đã thiết lập và làm phát triển mối hiệp nhất này bằng việc tuôn đổ Thánh Linh của Người xuống. Và chính Người liên lỉ xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng sự hiện diện Thánh Thể của Người. Chính tấm bánh Thánh Thể duy nhất làm cho chúng ta nên một thân thể duy nhất, vì chúng ta tất cả cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn xây dựng Giáo Hội như là một mối hiệp thông, theo khuôn mẫu tối hậu đã được Người nói lên trong lời nguyên tư tế của Người: “Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21).


21.     Thánh Thể vừa là nguồn mạch của mối hiệp nhất Giáo Hội vừa là biểu hiện cao cả nhất của mối hiệp nhất này. Thánh Thể là một cuộc hiển linh của hiệp thông. Đó là lý do Giáo Hội đã đưa ra những điều kiện cho việc tham dự một cách trọn vẹn vào việc cử hành Thánh Thể (18). Những hạn chế khác nhau này buộc chúng ta phải ý thức về những đòi hỏi can thiết cho mối hiệp thông Chúa Giêsu muốn thấy nơi chúng ta. Đó là một mối hiệp thông về phẩm trật, như được thấy qua những vai trò và thừa tác vụ khác nhau, thể hiện nơi việc Đức Giáo Hoàng và Vị Giám Mục Giáo Phận được đề cập đến trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Đó là một mối hiệp thông huynh đệ, được vun trồng bằng một thứ “linh đạo hiệp thông” nuôi dưỡng tính cách cởi mở với nhau, cảm mến lẫn nhau, hiểu biết về nhau và tha thứ cho nhau (19).


“… Đồng tâm nhất trí” (Acts 4:32)


22.     Nơi mỗi Thánh Lễ, chúng ta đều được kêu gọi hãy thẩm định bản thân mình trước lý tưởng hiệp thông được Sách Tông Vụ phác họa như là một mô phạm cho Giáo Hội ở mọi thời đại. Đó là một Giáo Hội qui tụ quây quần chung quanh các Vị Tông Đồ là những người được Lời Chúa kêu gọi để có thể ban phát các sản vật thiêng liêng mà còn cả những sản vật về thể chất nữa (x Acts 2:42-47; 4:32-35). Trong Năm Thánh Thể đây, Chúa mời gọi chúng ta hãy tiến đến gần lý tưởng này bao nhiêu có thể. Phải hết sức làm sao để có thể hoàn toàn cảm nghiệm được những trường hợp phụng vụ đề cập tới về “Thánh Lễ Cốt Trụ“ của Vị Giám Mục, một Thánh Lễ ngài cử hành ở vương cung thánh đường cùng với hàng giáo sĩ và phó tế của mình, trước sự tham dự của toàn thể Dân Chúa. Ở đây chúng ta thấy “việc biểu hiện” chính yếu của Giáo Hội (20). Cũng cần chú ý tới những trường hợp đáng kể khác ở cấp giáo xứ có thể làm tăng phát cảm quan hiệp thông và tìm được nơi việc cử hành Thánh Thể một nguồn nhiệt tình mới.


Ngày của Chúa


23.     Đặc biệt Tôi muốn là trong năm nay chúng ta phải hết sức cố gắng để làm sao cảm nghiệm được Chúa Nhật là một ngày của Chúa và là ngày của Giáo Hội. Tôi cảm thấy hoan hỉ khi mọi người suy nghĩ lại những lời Tôi nói trong Tông Thư Ngày Của Chúa Dies Domini. “Với Thánh Lễ Chúa Nhật, người Kitô hữu đặc biệt sống lại cảm nghiệm của các Vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh xưa, khi Chúa Giâsu Sống Lại hiện ra với các vị lúc các vị đang quay quần với nhau (x Jn 20:19). Theo một ý nghĩa nào đó, Dân Chúa ở mọi thời đã được hiện diện nơi nhóm nhân trung môn đệ nhỏ bé là những hoa trái đầu mùa của Giáo Hội ấy rồi” (21). Trong năm hồng ân này, theo thừa tác vụ mục vụ của mình, các vị linh mục cần phải chú trọng hơn nữa đến Thánh Lễ Chúa Nhật như là một việc cử hành để qui tụ toàn thể cộng đồng giáo xứ lại, với sự tham dự của các nhóm hội, phong trào và đoàn thể khác nhau.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ


http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html

 

 

Đại Hội Thánh Thể Thế Giới 48: Thành Phần tham dự, sinh hoạt và nhận định


Con số giáo lữ hành hương không phải dân bản xứ Mễ Tây Cơ là quốc chủ tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế 48, theo ban tổ chức cho biết, lên tới 15 ngàn người Công Giáo đến từ 87 quốc gia khác nhau. Trong số tham dự viên có 35 vị hồng y, 250 giám mục và hơn 1000 linh mục.


Thành phần nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh chiếm đa số, sau đó tới Bồ Đào Nha và Đại Hàn. Việc tham dự đông đảo đã lên tới mức phá kỷ lục. Cuộc hành hương hôm Thứ Ba tới Đền Thờ Đức Mẹ Zapopan, một tỉnh bên cạnh Guadalajara, qui tụ khoảng 4 triệu tín hữu dọc cuộc hành hương này. 6 ngàn gia đình ở vùng Guadalajara cho 6 ngàn tham dự viên trú ngụ miễn phí.


Con số hành hương ngoại quốc gồm có 200 Phi Luật Tân và 106 Đại Hàn. Tuần lễ Đại Hội này đã thu hút 500 người Salvadorans và 100 người Hồng Kông.


Cuộc rước kiệu Thánh Thể đã thu hút được 1.5 triệu người tham dự. Hằng trăm nhà thờ đổ chuông suốt cuộc cung nghinh. Tín hữu tham dự kêu lên rằng: “Lạy Chúa Kitô, xin đến viếng thăm nhà của chúng con”.


Hôm Thứ Ba 12/10, ngày giành cho chủ đề “Thánh Thể là của ăn đường hỗ trợ chúng ta tiến bước trên con đường lữ hành của chúng ta”, sáu nơi của Bệnh Viện Fray Antonio Alcalde đã được ĐHY Juan Sandoval Iniguez, chủ tịch đại hội cùng với 3 vị hồng y khác tới viếng thăm.


Các vị linh mục thuộc các giáo phận Mễ khác nhau đã viếng thăm Hội Đồng Tutelary Đặc Trách Thành Phần Vị Thành Niên Phạm Pháp, nơi các vị cho 12 em tù nhân rước lễ lần đầu.


8 vị giám mục từ 3 lục địa đã đến viếng thăm 2 trung tâm cải hóa ở Puente Grande thuộc tiểu bang Jalisco. Sáu vị đã đi thăm những tù nhân nam giới và 2 vị thăm nhà tù nữ giới (ĐTGM Fernando Sáenz Lacalle ở San Salvador, El Salvador, và ĐGM Bishop Thomas Daily of Brooklyn, New York).


ĐHY Javier Lazano Barrangán, 71 tuổi, chủ tịch Hội Đồng Đặc Trách Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe đồng thời là tổng điều hợp viên Cuộc Hội Luận Mục Vụ Thần Học, đã nhận định về việc tái nhận thức Sự Kỳ Diệu của Thánh Thể. Ngài đã trả lời một số vấn nạn đặt ra về những đề tài được cả ngàn thần học gia bàn đến ở Cuộc Hội Luận Mục Vụ Thần Học diễn tiến trước Đại Hội Thánh Thể Thế Giới.


Vấn:     Mục tiêu của cuộc hội luận cũng như của Đại Hội Thánh Thể đây là gì?


Đáp:     Cuộc hội luận này được tổ chức là để tìm hiểu đức tin của Dân Chúa, những gì Giáo Hội biểu hiệu và là một Kitô hữu hôm nay nghĩa là gì.


Tất cả những gì chúng ta đang làm đây, với sự qui tụ của các thần học gia trên khắp thế giới, là để họ áp dụng trí thông minh của họ, tư tưởng của họ vào việc phục vụ đức tin trong thực tại ngày nay, vào đức tin nơi Thánh Thể là những gì gồm tóm tất cả mọi đường lối làm người Kitô hữu.


Vấn:     Phương pháp luận của nó là gì?


Đáp:     Chúng tôi bắt đầu bằng việc nghe trình bày cách thức Thánh Thể được sống ở khắp năm châu. Rồi chúng tôi đặt chủ yếu của mình vào bức thông điệp của ĐTC là thông điệp chủ trương rằng Giáo Hội được hạ sinh bởi Thánh Thể, và chúng tôi chia sẻ về 6 đề tài: Đức tin, việc xây dựng Thánh Thể, tính cách tông truyền, mối hiệp thông, nghi thức của những cuộc cử hành, và Trinh Nữ Maria.


Là những phát biểu viên và thần học gia, chúng tôi đã cố gắng suy nghĩ sâu xa về mầu nhiệm này. Chúng tôi đã không đến để uổng phí thời giờ: Chúng tôi cần suy niệm, nhờ đó Giáo Hội đạt được tiến bộ trong thế giới này, để thấy được rằng Chúa Kitô hiện diện trên thế giới trong năm 2004, trong thiên niên kỷ thứ ba và sau đó nữa.


Vấn:     Thánh Thể có thể là khởi điểm của dự án này của Giáo Hội hay chăng?


Đáp:     Cái khó khăn là làm thế nào để Ba Ngôi Chí Thánh, Việc Nhập Thể của Lời Chúa, Đức Kitô Chúa chúng ta, cuộc tử nạn và phục sinh của Người, hiện diện nơi biến cố Thánh Thể, và làm cách nào những gì mong manh, những gì không hiển nhiên, chính việc nghèo nàn nơi miếng bánh và một chút rượu là những gì chất chứa cả một mầu nhiệm khôn lường.


Đó là ý nghĩa cụ thể của Giáo Hội trên thế giới, từ ban đầu cho tới tận cùng thời gian.


Vấn:     Phải chăng đã thực hiện nỗ lực để làm nẩy sinh tính cách lạ lùng được Thánh Thể khơi lên trong chính những ngày sơ khai của Giáo Hội?


Đáp:     Cuộc hội luận này thật là tuyệt vời. Nó là một thứ kính muôn mầu, nơi chúng ta nhận thức một cách khác nhau sự quí giá được Kitô hữu Công giáo nghĩ tới và kính tin; nó không phải là một cung thánh, hay cho thành phần “đạo hạnh”, “bí nhiệm”. Thánh Thể là sự nên trọn của con người trong cộng đồng và cho cộng đồng.


Vấn:     Có chăng một mẫu số chung về các khía cạnh tiêu cực của việc thực hành đức tin vào Thánh Thể trên khắp thế giới?


Đáp:     Đúng thế. Tôi nghĩ có một thứ đe dọa lưỡng diện đối với đức tin Công Giáo trên thế giới, đó là một mặt thì trào lưu tục hóa, còn mặt kia lại là chiều hướng cực thủ.


Nói đến trào lưu tục hóa là tôi có ý nói về vấn đề chuyên toàn cầu hóa kinh tế. Nói đến nạn cực thủ là tôi hiểu về phận sự cấu trúc của các giáo phái chối bỏ tính cách tông truyền của Giáo Hội và làm hư hoại hóa ý nghĩa thần linh của các phép bí tích.

 


 

Giovanni Paolo II

 

 

Satan và ngụy thần cũng tin có Thiên Chúa…
 

Suy Niệm Chúa Nhật Thường Niên XXIX

Nếu để ý kỹ tiến trình Phụng Vụ Lời Chúa trong mấy tuần vừa qua, chúng ta thấy các bài Phúc Âm đều xoay quanh một chủ điểm duy nhất, đó là vấn đề đức tin.

Thật vậy, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXV cách đây bốn tuần, Chúa Giêsu khẳng định với các tông đồ rằng “không ai có thể làm tôi hai chủ”, nghĩa là các vị hãy tin tưởng theo Người, hãy hết lòng làm tôi phục vụ Thiên Chúa, “hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước, rồi mọi sự khác các con sẽ được ban cho sau” (Mt 6:33).

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI cách đây ba tuần, Chúa Giêsu nói cho nhóm người Pharisiêu, thành phần không chịu tin họ vừa tham lam vừa có thể phụng sự Thiên Chúa, dụ ngôn về người phú hộ bị đời đời trầm luân chỉ vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Jas 2:26), nghĩa là dù cho họ có giữ luật Chúa một cách công chính đi nữa, song nếu không giữ nghĩa với anh em, họ cũng vẫn không được rỗi.

Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên Năm C hai tuần trước, Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đệ bí quyết làm cho đức tin nơi các vị tăng phát, bằng việc các vị “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), ở chỗ, thâm tín và thực hiện lời Người khuyên dạy: “Sau khi các con làm xong tất cả những gì các con được lệnh làm thì các con hãy nói rằng ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi’”.

Và bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII Mùa Thường Niên Năm C tuần vừa rồi, Chúa Giêsu còn tỏ cho chúng ta thấy đức tin phải được bảo tồn bằng lòng biết ơn nữa, như trường hợp của người cùi Samaritanô ngoại lai sau khi thấy mình được lành sạch đã trở về chúc tụng Thiên Chúa, nên đã được Người phán: “Đức tin của con đã cứu con”. Hôm nay, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên Năm C lại tiếp tục cho chúng ta thấy đức tin còn phải được tỏ ra bằng một tấm lòng kiên trì chịu đựng vì Chúa khi bị oan ức nữa.

Đúng thế, theo chiều hướng đức tin qua các bài Phúc Âm mấy tuần vừa rồi, bài Phúc Âm theo Thánh Luca Chúa Nhật tuần này cũng đã thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người về trường hợp của một bà góa bị oan ức, nên bà đã tha thiết kêu nài vị quan tòa xét xử cho mình, cho đến khi bà được ông minh oan cho mới thôi. Vấn đề được đặt ra ở đây là có phải việc Thiên Chúa ban ơn cho con người nói chung, đặc biệt là việc Ngài giải oan cho họ, chỉ vì Ngài bị gây phiền toái bởi con người công chính, như trường hợp của vị quan tòa bị bà góa làm phiền trong dụ ngôn được bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này nhắc đến hay chăng?

Phải chăng đặt vấn đề như thế, vấn đề Chúa ban ơn cho con người chỉ vì bị con người làm phiền, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu tóm dụ ngôn này bằng vấn đề Người đặt ra với các môn đệ rằng: “Các con hãy nghe những gì vị quan tòa hư hỏng này nói. Bởi vậy Thiên Chúa chẳng lẽ lại không minh oan cho kẻ Ngài tuyển chọn ngày đêm kêu lên Ngài hay sao?” Đúng thế, những gì ông quan tòa này cũng đã Chúa Giêsu tỏ cho các vị biết ngay trước đó thế này: “Ta chẳng quan tâm mấy đến Thiên Chúa hay đến người ta, thế nhưng cái bà góa này cứ làm ta bị rầy rà phiền phức hoài. Ta sẽ giải quyết theo ý bà ta cho xong kẻo bà ta cứ thôi thúc ta hoài”.

Thế nhưng, vai chính hay chủ yếu của bài Phúc Âm hôm nay, nếu xét đến ý nghĩa chung của cả hai bài đọc một và hai, thì không phải là Thiên Chúa, mà là con người, hay là việc con người cầu nguyện, là thái độ con người cần phải tỏ ra khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đúng hơn là lòng kiên trì tin tưởng của con người được tỏ ra qua lời cầu nguyện, như Thánh Ký Luca đã đề cập đến ở ngay câu mở đầu bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này: “Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ dụ ngôn về sự cần thiết của việc luôn luôn cầu nguyện chứ đừng nản lòng”. Đó là lý do bài đọc một của Chúa Nhật tuần này, theo Sách Xuất Hành, thuật lại việc Moisen cố gắng giang tay cầu nguyện trên núi để giành phần thắng cho quân Yến Duyên đang ngang ngửa chiến đấu với quân Amaléch; và trong bài đọc thứ hai, theo Thư Thánh Phaolô gửi Timôthêu, Vị Tông Đồ Dân Ngoại cũng đã khuyên môn đệ của mình phải kiên trì là: “Con phải trung thành với những gì con đã học hỏi và tin tưởng, … Cha giao cho con trách nhiệm rao giảng lời Chúa, con hãy thực hiện việc này, dù gặp lúc thuận lợi hay bất thuận lợi…”.

Nếu cầu nguyện như trường hợp Moisen trong bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật tuần này là việc làm phiền Thiên Chúa, đến nỗi đã có sức khiến Ngài phải ra tay can thiệp theo lòng mong ước của kẻ kêu xin Ngài, thì Thiên Chúa thực sự không phải chỉ vì bị “rầy rà phiền phức” mà minh oan cho người công chính, theo nghĩa tiêu cực như ở trường hợp của vị quan tòa hư hỏng trong dụ ngôn. Vậy ý nghĩa của việc con người làm “rầy rà phiền phức” đến Thiên Chúa đây, cũng như ý nghĩa của việc Thiên Chúa giải oan cho người công chính đây là gì, và phải hiểu như thế nào?

Vấn đề vừa được đặt ra đây là cốt lõi của bài Phúc Âm hôm nay. Đó là vấn đề gặp gỡ giữa “đức tin tuân phục” (Rm 1:6) và Mạc Khải Thần Linh, hay vấn đề Thiên Chúa làm cho chân lý được sáng tỏ nơi con người công chính, tức cho đến khi Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ mình ra qua đức tin của con người, chẳng những cho chính bản thân của họ là nạn nhân thấy để tin vào Ngài hơn, mà còn cho cả đối phương hà hiếp phạm đến họ thấy nữa, để cả thành phần “lầm không biết việc mình làm” (Lk 23:34) cũng nhận biết chân lý trở về với Ngài.

Thật vậy, ý nghĩa sâu xa chính yếu của bài dụ ngôn về bà góa được quan tòa giải oan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này đã được chứng thực rõ ràng nơi ba trường hợp điển hình trong Thánh Kinh sau đây. Thứ nhất là trường hợp của Tôbia bố và đứa con dâu tương lai của ông; thứ hai là trường hợp của Mẹ Maria và Thánh Giuse; và thứ ba là của chính Chúa Giêsu Kitô.

Trước hết, về trường hợp ông Tôbia bố và đứa con dâu tương lai của ông đã bị oan ức thế nào và đã được Thiên Chúa giải oan ra sao, Sách Tôbia đã cho chúng ta biết rằng: Cả hai đều hướng lòng về Thiên Chúa, bằng cách cầu nguyện với Ngài với tất cả tâm hồn mình, hoàn toàn đặt hết lòng tin tưởng nơi một mình Ngài, chứ không vào một ai khác, kể cả những người thân tín nhất với mình. Chẳng hạn, cả hai đều có thể giải buồn và giải quyết bằng việc tìm kiếm an ủi trần gian. Như Tôbia cha có thể than thở với Tôbia con mình, về những lời vợ ông đay nghiến ông, bởi trong cảnh mù lòa ông đã theo lòng công minh chính trực của mình lầm trách bà khi ông nghe thấy có tiếng con vật lạ trong nhà; hay như đứa con dâu tương lai của ông cũng có thể than thở với cha mẹ của nàng, và xin các vị đuổi đứa tớ gái đi, vì nó đã dám xỉ nhục cảnh góa chồng bất đắc dĩ của mình, cảnh cả 7 người chồng đều chết trước khi động phòng với nàng.


Lòng tin tưởng được tỏ ra qua lời cầu nguyện tận đáy lòng của hai người này quả thực đã làm Thiên Chúa phải động lòng, đến nỗi, Ngài đã ra tay giải oan cho họ, như những người làm khốn họ cũng chứng kiến thấy, đó là Ngài đã sai tổng thần Raphaen đến, chẳng những để kết duyên người con gái góa chồng còn trinh này với Tôbia con là người trong chính giòng tộc của nàng, (ở đây chúng ta thấy có sự trùng hợp về cảnh góa bụa của bà góa trong dụ ngôn của Phúc Âm hôm nay với cảnh góa bụa của nàng dâu trong truyện Tôbia này), mà còn giúp cho cả Tôbia cha, nhờ thứ thuốc Tôbia con mang về theo lời mách bảo và chỉ dẫn của vị tổng thần Raphaen, được sáng mắt để thấy lại cả vợ con rất yêu dấu của mình.

Về trường hợp của Mẹ Maria và Thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Làm Người, cả hai đã bị oan ức và đã được Thiên Chúa ra tay giải oan cho như thế nào, chúng ta đã quá quen biết, như Phúc Âm theo Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 1, từ câu 18 đến 25. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không phải chỉ có một mình Mẹ Maria bị oan ức, mà cả Thánh Giuse cũng bị oan ức nữa. Bởi vì, Thiên Chúa đã để xẩy ra một sự việc ngoài suy đoán hạn hẹp của con người tự nhiên, dù đó là một con người được Phúc Âm gọi là công chính như Thánh Giuse, một người chồng vừa mới đính hôn chẳng được bao lâu đã thấy người vợ đính hôn vốn trinh trong thánh đức của mình mang bầu trước khi về chung sống với mình.

Thế nhưng, ở đây, Phúc Âm không thuật lại việc cả hai vị cảm thấy hết sức buồn sầu và cầu nguyện cùng Thiên Chúa, như trong trường hợp của Tôbia cha và đứa con dâu tương lai của ông. Thế mà, Thiên Chúa vẫn ra tay can thiệp, bằng cách, Ngài cũng đã sai một thiên thần đến. Vị thiên thần này không như tổng thần Raphaen đã lấy hình người hiện ra với Tôbia con, mà chỉ xuất hiện trong giấc ngủ của Thánh Giuse, để tiết lộ cho thánh nhân biết cách thức Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng vị hôn thê đính hôn của thánh nhân. Việc Thánh Giuse, như Phúc Âm kể lại: “khi tỉnh giấc, Giuse đã làm như lời thiên thần Chúa chỉ dẫn là nhận Maria đem về làm vợ”, đã chứng tỏ thánh nhân lúc nào cũng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, dù Ngài chỉ tỏ mình ra cho thánh nhân trong giấc ngủ chứ không phải nhãn tiền. Nếu Thánh Giuse có một đức tin chân tình dễ thương, đến nỗi đã làm Thiên Chúa phải động lòng giải oan cho như thế, thì Mẹ Maria đầy ơn phúc, người đã được bà chị họ Isave khen rằng “em có phúc vì đã tin” (Lk 1:45), lại không tin tưởng hơn thánh nhân gấp bội hay sao, bởi trường hợp của Mẹ là trường hợp bị oan ức vì Chúa và cho Chúa, ở chỗ, trước khi thưa “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng”, Mẹ đã nhắm mắt tin tưởng và liều mình chấp nhận những gì sẽ xẩy ra cho Mẹ rồi.

Trường hợp thứ ba, trường hợp của Chúa Giêsu, như những gì được Thánh Phaolô, trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn 5, từ câu 7 đến 10, đã viết về Người là: “Trong những ngày còn ở trong xác thể, Người đã lớn tiếng dâng những lời kinh nguyện và cầu xin lên Thiên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành kính Người đã được nhận lời”?

Qua bài Phúc Âm Thánh Luca của Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên Năm C tuần này, chúng ta thấy rằng, muốn lấy lòng Thiên Chúa, hay muốn thắng được Thiên Chúa, con người cần phải kiên gan tin tưởng. Hay nói ngược lại, Thiên Chúa chắc chắn sẽ phải chịu thua, phải đầu hàng trước lòng kiên trì của con người, nghĩa là chắc chắn Ngài sẽ bị xiêu lòng trước niềm tin tưởng vững vàng của họ. Thế nhưng, có phải lúc nào thành phần sống công chính, một thành phần luôn bị kẻ gian ác chống đối và bách hại trên thế gian này, như bóng tối bao giờ cũng có khuynh hướng muốn lấn át và bao trùm ánh sáng, sẽ thấy được tỏ tường chẳng những việc Thiên Chúa trực tiếp nhúng tay vào giải oan cho họ, mà còn thấy được cả thành quả họ được minh oan cho hay chăng? Nếu có thì tại sao bao kẻ lành đã bị chết đi hết sức oan ức và thảm thương rồi mà thế gian vẫn tràn đầy bất công và sự dữ, đến nỗi, đối với một số người, cả hữu thần lẫn vô thần, lấy cớ đó mà cho rằng Thiên Chúa đã chết mất rồi, hay cho dù có Ngài đi nữa thì Ngài cũng chỉ là một “ông trời không có mắt” mà thôi?

Tóm lại, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu muốn khuyên dạy cho chúng ta, trước hết, phải liên lỉ nguyện cầu và nguyện cầu một cách kiên trì nhẫn nại, đến nỗi bao giờ được mọi sự như lòng mong ước hay được thỏa đáng nhu cầu của mình mới thôi. Bởi vì, một quan án phàm nhân, coi trời bằng vung và nhìn đời bằng đuôi con mắt, mà còn biết giải quyết những gì phiền nhiễu đến mình, thì Thiên Chúa là Đấng muốn thi ân hơn ai hết, muốn bị làm phiền hơn ai hết, chắc chắn sẽ đáp ứng những kẻ cứ thích làm phiền Ngài. Thành phần làm phiền Đấng hằng muốn ban ơn và thích được làm phiền đây chính là thành phần được Ngài yêu thích nhất, vì họ tỏ ra tin tưởng Ngài hơn ai hết, hiểu Ngài hơn ai hết, bởi thế mới đánh động Ngài hơn ai hết, khiến Ngài không thể không làm theo ý họ muốn.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là, đối với một vị Thiên Chúa thích được làm phiền như thế, liệu con người có thể nhẫn nại để cứ làm phiền Ngài, cứ nhất định phá Ngài hay chăng, hoặc chính con người lại cảm thấy nản chí đến độ trở thành hồ nghi không biết có Thiên Chúa hay chăng, giả dụ có đi nữa tại sao Trời không có mắt? Nếu lời Chúa vô cùng chân thật, như lời Ngài đã khẳng định “ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở” (Lk 11:10), một lời chắc chắn phải xẩy ra, phải hiện thực, thì sở dĩ không xẩy ra, hay sở dĩ chúng ta xin không được, tìm không thấy, gõ không mở là chỉ vì chính chúng ta thiếu lòng tin tưởng mà thôi.

Đó là lý do chúng ta thấy bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này đã đi sâu vào chính cốt lõi của đức tin (belief/faith), đó là chính lòng tin tưởng (trust), lòng cậy trông (hope) vào Đấng được con người tin (believe). Satan và đồng bọn ngụy thần của hắn là tạo vật linh thiêng cũng tin có Thiên Chúa và tin rằng Ngài là Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Thiện, vô cùng khôn ngoan thượng trí, còn hơn ai hết, thế nhưng thực tế cho thấy hắn và đồng bọn vẫn không tin tưởng và cậy trông Ngài, đến nỗi đã tỏ ra chống lại dự án cứu độ của Ngài ngay từ ban đầu (x Rev 12:4).

Đúng thế, chính lòng tin tưởng mới là yếu tố thiết thực nhất làm cho đức tin nơi con người tăng triển, tức mới làm cho con người tin được hoàn toàn hiệp thông với Đấng họ tin tưởng, vì nhờ lòng tin tưởng, lòng cậy trông, được tỏ ra rõ ràng nhất và sống động nhất qua những cơn gian nan khốn khó và thử thách đến nỗi có thể khiến con người yếu đuối ngã lòng tin, không còn hy vọng gì được nữa (x Rm 4:18), con người có đức tin mới đi sâu vào được chính bản tính thần linh của Thiên Chúa, và Thiên Chúa mới hoàn toàn tỏ mình ra cho họ, như đã thực sự xẩy ra cho Người Nữ Tỳ Đầy Ơn Phúc Maria Xin Vâng trong trường hợp Truyền Tin Lời Nhập Thể. Đó là lý do chúng ta thấy sở dĩ Mẹ Maria được bà chị họ của mình là Isave bấy giờ được đầy Thánh Thần chúc tụng là “có phúc” vì Mẹ đã “tin tưởng” (trust) chứ không phải chỉ “tin” (believe).

Thật ra tin tưởng đây không phải là những gì khác với đức tin, song là một tác động đức tin, song là một tác động cao cả nhất, một hành động của đức cậy trông phó thác. Như tình thương không phải là những gì khác với tình yêu mà là tột đỉnh của tình yêu và là chân dung của tình yêu thế nào, tin tưởng đối với đức tin cũng thế. Nếu yêu mến mà chưa biết thương cảm hay không biết thương cảm thì tình yêu còn hời hợt và mong manh thế nào, thì đức tin mà thiếu những thái độ tin tưởng cậy trông phó thác một cách tuyệt đối vào Vị Thần Linh được tin là chân thật duy nhất, toàn năng và toàn thiện trong những lúc gian nan khốn khó, tối tăm thử thách, thì đức tin của con người còn non yếu. Đức tin tự bản chất và theo thần học thì không phát triển, nhưng theo tu đức thì vẫn có thể lớn mạnh hay tăng trưởng ở lòng tin tưởng này vậy.


Chính bản thân người viết đây đã cảm nghiệm được cái khác biệt giữa đức tin (khả năng thần linh hay một trong ba thần đức được Thiên Chúa ban cho con người hay phú bẩm nơi con người khi họ lãnh nhận phép rửa) và lòng tin tưởng (việc con người đáp ứng mạc khải thần linh, đáp ứng mọi tác động thần linh trong cuộc đời họ, nhất là những lúc họ gặp gian nan khốn khó thử thách), cũng như sự khẩn thiết của lòng tin tưởng, nơi vai trò làm cha của mình.

Trường hợp xẩy ra là, vào mùa hè năm 1999, trong chuyến du ngoạn hơn 6 ngàn dặm bằng xe hơi từ Trung Nam đến Tây Bắc Mỹ, gia đình tôi đã ghé đến một hòn đảo ở Salk Lake City để tắm biển, nơi chúng tôi đã nghe là dù không biết bơi song cứ xuống nước là sẽ nổi. Thật ra ở biển hồ Salk Lake City này không phải như ở Dead Sea bên Thánh Địa, nơi gia đình tôi cũng đã được diễm phúc hành hương vào mùa hè trong Đại Năm Thánh 2000, nơi mà chỉ cần gieo mình xuống nước như ngả mình trên ghế bố hay trên giường là thân mình tự nhiên nổi lềnh bềnh, không thể chìm được, dù có muốn tự tử đi nữa. Tuy nhiên, ở biển hồ Salk Lake City, chỉ cần người ta cứ nhào xuống bơi là sẽ nổi, không chìm. Tôi đã cảm nghiệm được điều này, hai đứa con trai lớn của tôi bấy giờ chưa biết bơi cũng vậy. Thế nhưng, đứa con gái 8 tuổi rưỡi của tôi bấy giờ lại nhát sợ đến nỗi, dù rất ham muốn biết bơi, nhất định không dám bơi, không dám thử, dù có bố ở ngay bên cạnh và bố hết sức cố gắng muốn giúp cho để nó có thể bơi như lòng mong muốn, để nó có cùng một cảm nghiệm trôi nổi như bố.

Trong trường hợp này, đứa con gái của tôi hoàn toàn nhận biết và chấp nhận tôi là bố của cháu, nhưng lại cương quyết tỏ ra không tin tưởng vào bố của mình, bởi đó cháu đã không được những gì bố muốn cho cháu hay bố có, cũng chính là những gì cháu ước muốn và mong đạt được. Cuộc sống đạo của Kitô hữu chúng ta cũng thế, cần phải có những lúc tối tăm không còn biết bám víu vào đâu ngoại trừ tin tưởng phó thác, bấy giờ chúng ta mới thấy phép lạ xẩy ra, mới thấy bàn tay Chúa ở với mình, mới thấy mình quyền năng và lòng thương xót của Đấng Quan Phòng Thần Linh là Cha trên trời của chúng ta.

Thế nhưng, lòng tin tưởng phó thác này không thể nào có nơi thành phần người lớn, tự cho mình là khôn ngoan, và sống theo lý lẽ tự nhiên, mà chỉ có ở nơi những ai biết “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3) mà thôi. Chính lòng tin tưởng của con người có đức tin đến quên mình, đến không còn là mình nữa (x Jn 12:24-25), một lòng tin tưởng được biểu hiệu như là một hạt cải nhỏ bé nhất trong các hạt giống (x Mt 13:32), đức tin nơi con người mới phát triển thành một cây vĩ đại đến trở thành nơi trú ẩn của chim trời (x Mt 13:32), như ảnh hưởng của các thánh nhân qua giòng lịch sử, điển hình nhất là của Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 


Van Nài Cho Bằng Được

Trò chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Thường Niên

Phúc Âm Lc 18:1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa ông ấy rằng: “Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù”. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc”. Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó? Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con: Chúa sẽ kíp giải oan cho họ! Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

Hướng Dẫn

Qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu muốn khuyên dạy cho chúng ta, trước hết, phải liên lỉ nguyện cầu và nguyện cầu một cách kiên trì nhẫn nại, đến nỗi bao giờ được mọi sự như lòng mong ước hay được thỏa đáng nhu cầu của mình mới thôi.

Bởi vì, một quan án phàm nhân, coi trời bằng vung và nhìn đời bằng đuôi con mắt, mà còn biết giải quyết những gì phiền nhiễu đến mình, thì Thiên Chúa là Đấng muốn thi ân hơn ai hết, muốn bị làm phiền hơn ai hết, chắc chắn sẽ đáp ứng những kẻ cứ thích làm phiền Ngài.

Thành phần làm phiền Đấng hằng muốn ban ơn và thích được làm phiền đây chính là thành phần được Ngài yêu thích nhất, vì họ tỏ ra tin tưởng Ngài hơn ai hết, hiểu Ngài hơn ai hết, bởi thế mới đánh động Ngài hơn ai hết, khiến Ngài không thể không làm theo ý họ muốn.

Đó là lý do hôm nay chúng ta sinh hoạt Phúc Âm Chúa Nhật tuần này với trò chơi Van Nài Cho Bằng Được như sau.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra một người đóng vai van xin. Người quản trò đóng vai Thiên Chúa lắng nghe và đáp lời nguyện cầu của người van xin.

2. Mỗi người van xin phải bày tỏ ra tiếng lời than thở cùng ý nguyện của mình để xem Thiên Chúa đáp lời mình khẩn nguyện ra sao. Chẳng hạn, nói những lời như sau: “lạy chúa”, “xin chúa”, “cho con”, “những ơn sau đây”, “hạ mình xuống” v.v. (từ 2 tới 4 chữ thôi)

3. Thường Thiên Chúa không đáp lời van nài của con người ngay, nên Ngài cứ im lặng, một thái độ làm cho con người cảm thấy như Ngài thích làm trái với ý muốn của con người.

4. Bởi thế, người đóng vai Thiên Chúa phải đáp ngược lại những lời van xin của con người trên đây như sau: “chúa lạy”, “chúa xin”, “con cho”, sau đây những ơn”, xuống mình hạ” v.v., nghĩa là ngược lại với những lời trên đây.

5. Tuy nhiên, người cầu xin nào làm cho thiên chúa nói xuôi theo mình hay đáp lại giống như mình thì kể như ngài đã tỏ ra nhận lời mình rồi.

6. Chẳng hạn con người thân thưa cùng chúa rằng: “lạy chúa”, thay vì chúa đáp ngược lại “chúa lạy” thì lại đáp “sao con” thì kể như chúa đã lắng nghe và nhận lời. Hay chẳng hạn con người cầu nguyện “cho con”, chúa cũng lập lại “cho con” một cách thuận chiều với người cầu xin, thì kể như ngài tỏ ra làm theo ý người van xin.

7. Những ai làm được cho thiên chúa nhận lời van xin của mình nhanh nhất là người thắng giải Van Nài Cho Bằng Được.
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ