GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 18  THỨ HAI

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

(tiếp)

 

Giovanni Paolo II


 

IV- Thánh Thể là Nguyên Lý và là Dự Án “Truyền Giáo”

“Họ liền lập tức lên đường” (x Lk 24:33)


24.     Hai môn đệ đi Emmau, khi nhận ra Chúa, “liền lập tức lên đường” (x Lk 24:33), để tường trình những gì các vị đã thấy và đã nghe. Một khi chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh bằng việc tham phần vào mính máu của Người thì chúng ta không thể giữ lấy cho mình niềm vui chúng ta cảm nghiệm thấy. Việc gặp gỡ Chúa Kitô, liên lỉ được tăng phát và vững mạnh qua Thánh Thể, làm phát sinh trong Giáo Hội cũng như nơi mỗi Kitô hữu lời hiệu triệu thúc bách thực hiện việc làm chứng từ và truyền bá phúc âm hóa. Tôi đã nhấn mạnh đến điều này trong bài giảng loan báo Năm Thánh Thể, dựa theo lời của Thánh Phaolô: “Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén ấy là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến” (1Cor 11:26). Vị Tông Đồ này chặt chẽ liên kết bữa ăn với việc loan báo, vì việc tham dự vào mối hiệp thông với Chúa Kitô để tưởng niệm Cuộc Vượt Qua của Người cũng có nghĩa là cảm thức được nhiệm vụ cần phải trở nên một thừa sai truyền giáo cho biến cố được hiện thực theo lễ nghi này (22). Việc giải tán ở cuối mỗi Thánh Lễ là việc ủy thác trách nhiệm cho Kitô hữu, kêu gọi họ hãy hoạt động để truyền bá Phúc Âm và làm cho xã hội thấm nhiễm các giá trị Kitô giáo.


25.     Thánh Thể chẳng những cung ứng sức mạnh nội tâm cần thiết cho sứ vụ truyền giáo này, mà còn, ở một nghĩa nào đó, chính là dự phóng của sứ vụ truyền giáo nữa. Vì Thánh Thể là một kiểu cách hiện hữu được truyền từ Chúa Giêsu đến mỗi Kitô hữu là thành phần nhờ chứng từ của họ mà việc hiện hữu ấy được tràn lan khắp xã hội và văn hóa. Để điều này được thực hiện, mỗi một phần tử thuộc thành phần tín hữu, bằng việc suy niệm chung riêng, cần phải hòa hợp với những giá trị được Thánh Thể diễn đạt, với những thái độ được Thánh Thể soi động, với những quyết định được Thánh Thể tác động. Ở đây chúng ta không thấy hay sao một trách nhiệm đặc biệt có thể được phát hiện từ Năm Thánh Thể này?


Tri ân cảm tạ


26.     Yếu tố nồng cốt duy nhất của dự án này ở nơi chính ý nghĩa của chữ “Eucharist” là tạ ơn. Nơi Chúa Giêsu, nơi hy tế của Người, nơi “tiếng xin vâng” vô điều kiện của Người chấp nhận ý muốn của Chúa Cha, chất chứa cả “tiếng xin vâng”, “lời cảm tạ” và “tiếng amen” của tất cả loài người. Giáo Hội được kêu gọi để nhắc nhở con người nam nữ về sự thật cao cả này. Điều này đặc biệt khẩn trương trong môi trường văn hóa bị tục hóa của chúng ta đây, một thứ văn hóa thực sự có khuynh hướng lãng quên Thiên Chúa và theo đuổi luống công vô ích cái sung mãn bản thân nhân loại. Việc hiện thực “dự án” Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ nơi nào con người sống và làm việc, như trong gia đình, ở học đường, chốn công sở, tại tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời, tức là làm chứng rằng thực tại về con người không thể được sáng tỏ nếu không qui chiếu về Đấng Hóa Công: “Tạo vật sẽ chẳng còn nếu không có Đấng Hóa Công” (23). Điểm qui chiếu siêu việt này, một qui điểm thôi thúc chúng ta liên lỉ dâng lời tri ân cảm tạ về tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, nói cách khác, một qui điểm thôi thúc chúng ta tỏ thái độ “Eucharistic” (tạ ơn), chẳng những không làm cho chúng ta xao lãng tính cách độc lập hợp lý của những thực tại trần thế (24), trái lại, còn làm cho tính cách độc lập ấy trở nên vững vàng hơn bằng việc đặt nó vào trong giới hạn xứng với nó.


Trong Năm Thánh Thể đây, Kitô hữu cần phải dấn thân thực hiện những chứng từ mãnh liệt hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế gian này. Chúng ta không được sợ hãi nói về Thiên Chúa và hiên ngang làm chứng cho đức tin của chúng ta. “Nền văn hóa Thánh Thể” phát động một thứ văn hóa đối thoại là thứ văn hóa tìm được sức mạnh và bổ dưỡng nơi nền văn hóa Thánh Thể. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng bất cứ qui chiếu công khai nào liên quan tới đức tin thì đều như thể làm suy yếu tính cách tự động được quyền của Quốc Gia cũng như của các cơ cấu dân sự, hay sai lầm khi nghĩ rằng thậm chí có thể khuyến khích những thái độ dung nhượng. Nếu lịch sử chứng tỏ là các tín hữu đã sai lầm về lãnh vực này, như Tôi đã nhìn nhận vào dịp Năm Thánh 2000, thì điều này không được qui trách cho “các căn gốc Kitô Giáo”, mà là cho việc Kitô hữu không sống trung thực với những căn gốc ấy. Một con người biết thưa tiếng “tạ ơn” theo cung cách của một Đức Kitô tử giá có thể đi đến chỗ trở thành một vị tử đạo, chứ không bao giờ lại là một tên bắt đạo.


Con đường liên đới kết đoàn


27.     Thánh Thể không phải chỉ là một thứ biểu hiện của mối hiệp thông nơi đời sống của Giáo Hội; Thánh Thể còn là một dự án kết đoàn nữa cho toàn thể nhân loại. Trong việc cử hành Thánh Thể, Giáo Hội liên lỉ tái ý thức về việc Giáo Hội là “dấu hiệu và dụng cụ” chẳng những cho việc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa mà còn cho cả mối hiệp nhất với toàn thể nhân loại nữa (25). Mỗi Thánh Lễ, cho dù được cử hành một cách kín đáo hay một mình, bao giờ cũng có tính cách đại đồng. Người Kitô hữu tham dự vào Thánh Thể biết làm sao để trở thành một con người cổ võ hiệp thông, an bình và đoàn kết trong mọi trường hợp. Hơn bao giờ hết, thế giới đang bị lũng đoạn của chúng ta đây, một thế giới mở màn cho một tân Thiên Niên Kỷ với bóng dáng của một con ma khủng bố và thảm cảnh chiến tranh, đòi thành phần Kitô hữu cần phải biết làm sao để cảm nghiệm thấy Thánh Thể như là một đại học đường giảng dạy hòa bình, nhờ khuôn đúc con người nam nữ, ở các tầng lớp khác nhau về trách nhiệm nơi sinh hoạt xã hội, văn hóa và chính trị, có thể trở nên những con người cổ động cho việc đối thoại và mối hiệp thông.


Phục vụ thành phần hẹn mọn nhất


28.     Còn một điểm khác nữa Tôi cũng muốn nhấn mạnh, vì nó ảnh hưởng đáng kể đến tính cách chân chính của việc chúng ta cùng nhau tham phần Thánh Thể. Đó là cái tác lực do Thánh Thể cống hiến cho cộng đồng để thực hiện một cuộc dấn thân cụ thể trong việc xây dựng một xã hội công chính và huynh đệ hơn. Nơi Thánh Thể, vị Thiên Chúa của chúng ta đã tỏ tình yêu thương đến tột độ, khi đảo ngược tất cả mọi qui chuẩn về quyền lực rất thường chi phối những mối liên hệ của loài người và mạnh mẽ khẳng định chuẩn tắc về phục vụ: “Nếu ai muốn làm đầu thì phải làm người cuối cùng và là đầy tớ của tất cả mọi người” (Mk 9:35). Không phải là không có lý do Phúc Âm Thánh Gioan không trình thuật lại việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, thay vào đó, kể lại việc “rửa chân” (x Jn 13:1-20): khi cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã cho thấy ý nghĩa bất khả vãn hồi của Thánh Thể. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tái khẳng định cái bất xứng của việc cử hành Thánh Thể mà lại hụt hẫng đức bác ái được thể hiện qua việc chia sẻ thực tế với thành phần nghèo khổ (x 1Cor 11:17-22,27-34).


Chúng ta chẳng lẽ không thể làm sao cho Năm Thánh Thể đây trở thành một cơ hội để các cộng đồng giáo phận và giáo xứ đặc biệt dấn thân đáp ứng mối quan tâm huynh đệ đối với một trong nhiều hình thức nghèo khổ đang diễn ra trong thế giới của chúng ta? Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, thảm cảnh đói khổ đang hành hạ cả trăm triệu con người ta, đến những bệnh tật hiện hoành hành ở các quốc gia đang trên đà phát triển, đến những khốn khó mà thành phần thất nghiệp đang phải đương đầu, đến những cuộc trăn trở của những kẻ di dân. Đó là những sự dữ đang hiện diện, cho dù ở một mức độ khác nhau, thậm chí ở cả những miền rất ư là giầu thịnh. Chúng ta không thể tự lừa dối bản thân mình, ở chỗ, qua tình yêu thương nhau của chúng ta, nhất là qua việc chúng ta quan tâm đến những ai đang thiếu thốn, chúng ta được nhận biết là thành phần môn đồ đích thực của Chúa Kitô (x Jn 13:35; Mt 25:31-46). Đó sẽ là qui chuẩn để thẩm định xem tính cách chân thực của việc chúng ta cử hành Thánh Thể vậy

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ


http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html

 

 

 

Giovanni Paolo II

 

 

ĐTC GPII: Huấn Từ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế


Sau khi chủ sự Thánh Lễ long trọng hôm nay, Chúa Nhật 17/10/2004, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, ĐTC GPII đã ban sứ điệp, được phát hình trực tiếp sang tận địa điểm tổ chức Đại Hội Thánh Thể Thế Giới 48 ở Guadalajara Mễ Tây Cơ, vừa để bế mạc biến cố này và khai mạc cho Năm Thánh Thể được bắt đầu từ Chúa Nhật tuần trước.


1.     “Các con hãy biết rằng Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20).


Qui tụ nhau trước Thánh Thể đây, chúng ta đặc biệt cảm thấy thấm thía vào giây phút này sự thật về lời Chúa Kitô hứa là Người ở cùng chúng ta!


Tôi gửi lời chào tất cả anh chị em đang ở Guadalajara tham dự buổi kết thúc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế. Đặc biệt là ĐHY Jozef Tomko, vị đại diện của Tôi; ĐHY Juan Sandoval Íđiguez, TGM Guadalajara; các vị hồng y, các vị tổng giám mục, giám mục và linh mục ở Mễ Tây Cơ cũng như ở nhiều quốc gia khác đang hiện diện ở đó.


Tôi cũng gửi lời chào tất cả mọi tín hữu ở Guadalajara Mễ Tây Cơ cũng như ở các phần đất khác trên thế giới, hiệp nhất với chúng ta trong việc tôn thờ mầu nhiệm Thánh Thể.


2. Việc liên nối truyền hình giữa Đền Thờ Thánh Phêrô, trung tâm điểm của Kitô Giáo, với Guadalajara, nơi diễn tiến đại hội, giống như một chiếc cầu nối giữa hai châu lục, làm cho cuộc hội ngộ nguyện cầu của chúng ta trở thành một "Statio Orbis" lý tưởng liên kết tất cả mọi tín hữu trên thế giới lại với nhau. Điểm hội ngộ là chính Chúa Giêsu, Đấng thực sự hiện diện nơi Thánh Thể Cực Linh cùng với mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người, một mầu nhiệm liên kết đất trời và qui tụ các dân nước và văn hóa lại với nhau. Chúa Kitô là “bình an của chúng ta, Đấng đã làm cho cả hai chúng ta thành một dân tộc duy nhất” (Eph 2:14).


3.     “Thánh Thể là Ánh Sáng và là Sự Sống của Tân Thiên Niên Kỷ”. Đề tài của cuộc đại hội này kêu gọi chúng ta hãy chú ý tới mầu nhiệm Thánh Thể, không phải nơi chính mầu nhiệm này mà là liên quan đến những vấn đề thời đại của chúng ta.


Mầu nhiệm ánh sáng! Tâm can của con người, bị tội lỗi lấn át, có những lúc bị lạc loài và kiệt sức, bị thử thách bởi đủ mọi khổ đau, rất cần đến ánh sáng. Thế giới đang cần đến ánh sáng, trong việc khó khăn tìm kiếm hòa bình dường như xa vời vào lúc mở màn cho một thiên kỷ bị lũng đoạn và quằn quại bởi bạo lực, khủng bố và chiến tranh.


Thánh Thể là ánh sáng! Qua Lời Chúa hằng được loan báo, nơi bánh rượu được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, chính Người, Vị Chúa phục sinh, Đấng đã mở lòng trí con người và đã tỏ mình ra như trong trường hợp hai môn đệ đi Emmau “khi bẻ bánh” (x Lk 24:25). Qua cử chỉ tiệc tùng ăn uống này, chúng ta sống lại hy tế thập giá, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu vô cùng của Thiên Chúa và nghe tiếng gọi làm lan truyền ánh sáng của Chúa Kitô nơi con người nam nữ ở thời đại chúng ta.


4.     Mầu Nhiệm Sự Sống! Còn mong ước nào hơn là sự sống? Tuy nhiên, bên trên nỗi ước vọng phổ quát này của con người là những bóng tối tăm chập chờn đe dọa: bóng tối tăm của một thứ văn hóa chối bỏ sự sống ở từng giai đoạn của nó; bóng tối tăm của một thứ lãnh đạm dửng dưng bỏ mặc rất nhiều người phải chịu số phận đói khổ và kém phát triển; bóng tối tăm của một thứ kiếm tìm về khoa học có những lúc phục vụ cái thần tôi của thành phần quyền lực nhất.


Anh Chị Em thân mến: chúng ta cần phải cảm kích trước nhu cầu của rất nhiều anh chị em chúng ta. Chúng ta không thể khép lòng mình lại trước lời kêu gọi cần được giúp đỡ của họ. Chúng ta cũng không được quên rằng “con người không nguyên sống bởi bánh” (x Mt 4:4). Chúng ta cần “bánh sự sống từ trời xuống” (Jn 6:51). Chúa Giêsu là bánh này. Việc nuôi dưỡng chúng ta bởi Người tức là việc nhận lãnh chính sự sống của Thiên Chúa (x Jn 10:10), một sự sống hướng chúng ta về lý lẽ của yêu thương và chia sẻ.


5.     Tôi đã mong muốn là năm nay được đặc biệt giành riêng cho Thánh Thể. Thật vậy, mỗi một ngày, nhất là Chúa Nhật, ngày của việc Chúa Kitô phục sinh, Giáo Hội đều sống bởi mầu nhiệm ấy. Thế nhưng, trong Năm Thánh Thể đây, cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để nhận thức sâu xa hơn nữa về mầu nhiệm này, bằng việc cử hành cảm nhận sâu xa hơn, bằng việc tôn thờ lâu giờ và sốt mến, bằng việc dấn thân hơn nữa sống tình huynh đệ và phục vụ thành phần nghèo khổ nhất. Thánh Thể là nguồn mạch và là hiển linh của mối hiệp thông. Thánh Thể là nguyên lý và là dự án của sứ vụ truyền giáo (x. "Mane Nobiscum Domine," Chapters 3 and 4).


Theo gương Mẹ Maria, “người nữ Thánh Thể” ("Ecclesia de Eucharistia," chương 6), cộng đồng Kitô hữu sẽ sống bởi mầu nhiệm này. Được “bánh trường sinh” này bảo dưỡng, cộng đồng Kitô hữu sẽ là nơi phát tỏa ánh sáng và ban sự sống, bừng nở việc truyền bá phúc âm hóa và tình đoàn kết.


6.     "Mane nobiscum, Domine!" Như hai môn đệ trong Phúc Âm, chúng con nài xin Chúa, lạy Chúa Giêsu: Xin Chúa ở với chúng con!


Là Vị Hành Hương Thần Linh, Chúa thông suốt đường đi nước bước của chúng con và biết được tâm can của chúng con, xin đừng bỏ mặc chúng con là thành phần tù nhân bị giam cầm trong bóng tối đêm đen.


Xin hộ vực chúng con khi kiệt sức, xin thứ tha tội lỗi cho chúng con, xin hãy hướng bước đi của chúng con theo con đường thiện hảo.


Xin hãy chúc lành cho trẻ em, cho giới trẻ, cho thành phần lão niên, cho các gia đình, nhất là cho thành phần bệnh nhân. Xin hãy chúc lành cho các linh mục và những người tận hiến. Xin hãy chúc lành cho toàn thể nhân loại.


Nơi Thánh Thể, Chúa đã biến mình thành “thứ thuốc trường sinh bất tử”: Xin hãy cho chúng con được nếm hưởng một sự sống trọn vẹn là sự sống sẽ giúp chúng con bước đi trên thế gian này như những kẻ hành hương an lành và hoan hỉ, luôn hướng về đích điểm của một sự sống khôn cùng.


Lạy Chúa, xin ở với chúng con! Hãy ở với chúng con. Amen.
 

 

 

Huấn Từ Truyền Tin trước khi chính thức Khai Mạc Năm Thánh Thể


1.     Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế kết thúc hôm nay ở thành phố Mễ Tây Cơ Guadalajara. Qua tám ngày, Thánh Thể đã được cử hành và tôn thờ như “ánh sáng và sự sống của tân thiên niên kỷ”. “Ánh sáng”, vì nơi mầu nhiệm Thánh Thể chiếu tỏa sự hiện diện của Chúa Kitô, Ánh Sáng thế gian; “sự sống”, vì trong Thánh Thể Chúa Giêsu đã ban chính mình Người là Bánh Sự Sống cho chúng ta.


Chiều hôm nay, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Tôi sẽ chủ sự một cử hành Thánh Thể, liên kết bằng tinh thần với cuộc đại hội ở Guadalajara. Bằng việc cử hành này, Tôi sẽ long trọng khai mạc Năm Thánh Thể là năm sẽ kéo dài tới Tháng 10/2005.


2.     Sau Công Đồng Chung Vaticanô II và Đại Năm Thánh 2000, Năm Thánh Thể có mục đích để làm một thời gian của việc thiết tha gặp gỡ Chúa Kitô là Đấng hiện diện nơi bí tích này bằng Mình và Máu của Người. Trong mầu nhiệm này, Người kèo dài một cách bí tích hy tế vượt qua của Người là hy tế đã cứu chuộc nhân loại khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và thiết lập vương quốc yêu thương, công lý và an bình.


Giáo Hội đã được hạ sinh từ Cuộc Vượt Qua này của Chúa Kitô và đó là lý do Giáo Hội “sống bởi Thánh Thể”, như Tôi đã nhắc nhở trong thông điệp "Ecclesia de Eucharistia" (No. 1).


3.     Chúng ta hãy cùng nhau kêu cầu Trinh Nữ Maria để Mẹ giúp cho dân Kitô Giáo sống Năm Thánh Thể này như một thời gian hết lòng hoán cải về với Chúa Kitô và là thời gian của việc thiết tha dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ của Người.

 

 

Giovanni Paolo II

 

Kỷ Niệm Mừng 26 Năm được bầu làm Giáo Hoàng


(Sau Kinh Truyền Tin CN 17/10/2004, ĐTC nói tiếp)


Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của Tôi với tất cả những ai nhân dịp kỷ niệm ngày Tôi được bầu làm giáo hoàng gửi đến Tôi những lời chúc mừng và hứa cầu nguyện cho Tôi.


Trong khi cầu cùng Chúa trả công bội hậu cho từng người, Tôi đồng thời cũng phó mình cho Ngài và nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Nữ Maria, xin Ngài liên lỉ hỗ trợ để Tôi thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội được tốt đẹp.


Vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls đã cho biết trong một văn từ gửi cơ quan ANSA là Đức Thánh Cha đã cử hành hai Thánh Lễ riêng hôm Thứ Bảy 16/10/2004, đúng ngày kỷ niệm được bầu làm giáo hoàng 26 năm trước: “Thánh lễ thứ nhất Ngài cử hành như thường lệ, vào lúc thật sớm ban sáng. Ngài đã dâng lễ này để tạ ơn về tất cả những gì Ngài đã sống trong những năm này”.


Thánh lễ thứ hai cũng được cử hành tại nhà nguyện riêng của Ngài, vào lúc 6 giờ sáng, cùng giờ với lúc Ngài được tuyển chọn năm 1978. Ngài đã dâng Thánh Lễ thứ hai để cầu cùng Chúa chúc lành “cho hoạt động còn lại của Ngài trong tương lai”.


Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh này còn cho biết Ngài đã nhận được “hằng ngàn ngàn lời chúc mừng từ khắp thế giới, kể cả từ các quốc gia Hồi Giáo”, những lời chúc mừng từ “các vị lãnh đạo quốc gia, chín h quyền, các tổ chức quốc tế”, cũng như từ “thành phần bình dân, cả Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo”. Nhiều lời gửi đến bày tỏ lòng biết ơn “về những gì Ngài đã nói liên quan đến hòa bình thế giới, nhất là về vấn đề chiến tranh rat ay ngăn ngừa trước. Những đề tài khác thường thấy là những lời liên quan đến gia đình và Âu Châu, đặc biệt nói đến các căn gốc Kitô giáo ở Âu Châu”.


Cũng vào chính ngày mừng kỷ niệm 26 năm được bầu làm giáo hoàng này, ĐTC đã dùng bữa trưa với những cộng sự viên thân cận nhất của Ngài, trong đó có ĐTGM Stanislaw Dziwisz, bí thư riêng của Ngài; ĐHY Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh; ĐHY Camillo Ruini, đại diện Giáo Phận Rôma; và ĐHY Edmund Szoka, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Quốc Đô Vatican.


Vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh còn cho biết thêm Đức Thánh Cha “rất thích” buổi hòa nhạc hôm Thứ Sáu được trình tấu bởi ca đoàn Đạo Binh Nga Sô để mừng kỷ niệm này của Ngài.

Nhân dịp kỷ niệm 26 năm giáo triều của ĐTC GPII, theo thông lệ, Văn Phòng Giáo Hoàng Gia cũng phổ biến những con số liên quan đến các cuộc triều kiến của Ngài trong vòng một năm.

Cho đến ngày 14/10/2004, ĐTC đã tiếp 1.512.300 người trong năm 2004: 387.100 vào các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, 140.200 các cuộc triều kiến đặc biệt, 380.000 ở các cuộc cử hành phụng vụ, và 671.000 vào các buổi Truyền Tin Chúa Nhật hằng tuần.

Từ 16/10/1978 đến 16/10/2004, Ngài đã tiếp 426 vị thủ lãnh Quốc Gia, các ông vua và các bà hoàng, 187 thủ tướng, 190 ngoại trưởng và 642 tân lãnh sự các nước làm việc bên cạnh Tòa Thánh.

Ngoài ra, giáo triều của ngài dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội, sau Thánh Phêrô (33-68) và Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX (1846-1978).

Ngài là vị giáo hoàng nhiều tuổi thứ 11.

Văn liệu về những gì Ngài nói và viết dầy hơn 90 ngàn trang giấy, được Thư Viện Vatican đóng thành 55 tập sách.



Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ với Cộng Đoàn Dân Chúa của mình trước Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ 11/2004.

Ngày bỏ phiếu tổng thống 2/11/2004 sắp đến. Chưa bao giờ thế giới Công Giáo Hoa Kỳ lại cảm thấy xôn xao và lưỡng lự như vậy, vì không biết phải bầu hay nên bầu cho ai đây? Trong hai ứng cử viên hiện nay là đương kim Tổng Thống Bush thuộc đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị Sĩ John Kerry thuộc đảng Dân Chủ đều có những yếu điểm trầm trọng bất khả chấp đối với Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo nói riêng và luân thường đạo lý nói chung.

Đó là lý do các vị chủ chăn đã và đang nỗ lực để hướng dẫn lương tâm thành phần Công Giáo thuộc thẩm quyền của mình hầu giúp họ có thể thi hành nhiệm vụ công dân của họ hợp với ý muốn của Thiên Chúa và theo đường hướng nhân bản văn minh yêu thương và văn hóa sự sống của Giáo Hội Công Giáo. Chính Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào Tháng 3/2004 đã phổ biến văn kiện “Vai Trò Công Dân Người Tín Hữu: Tiếng Gọi Công Giáo về Trách Nhiệm Chính Trị”.

Hôm Thứ Ba 12/10/2004, các vị giám mục ở tiểu bang Pennsylvania đã loan báo việc phổ biến văn kiện “Lương Tâm Công Giáo Và Chính Sách Dân Sự”. Bản văn kiện này cần phải tung ra để chống lại những gì được Hội Đồng Công Giáo Pennsylvania gọi là một thứ “văn hóa trần tục gia tăng” cũng như để bênh vực vai trò của các tín đồ và tổ chức tôn giáo trong xã hội Hoa Kỳ. Bản văn kiện theo mẫu hỏi đáp này giải thích về Giáo Hội cũng như vai trò của Giáo Hội trong đời sống dân sự, trách nhiệm của quốc gia đối với các cơ cấu tôn giáo, ý nghĩa của quyền tự do tôn giáo, và việc hành sử “vai trò công dân của người tin hữu”. Bản văn kiện này cũng giải quyết những vấn nạn gai góc liên quan đến vấn đề Giáo Hội Công Giáo có đang áp đặt luân lý của mình lên xã hội hay chăng, và có vi phạm đến vấn đề “biệt phân giữa giáo hội và quốc gia” hay chăng.

Ở Missouri, ĐTGM Raymond Burke TGP Saint Louis đã từng lên tiếng đề cập tới việc cử tri Công Giáo cần phải bênh vực văn hóa sự sống khi bầu cử. Trong lá thư mục vụ mới đây mang tựa đề “Về Vấn Đề Trách Nhiệm Dân Sự của Chúng Ta đối với Công Ích”, vị TGM này đã giải thích các nguyên tắc luân lý giúp hướng dẫn lương tâm và cách thức người Công Giáo cần phải thực hiện các nhiệm vụ dân sự. Những điểm chính yếu trong bức thư mục vụ này đã được tờ Saint Louis Review tóm tắt như sau:

• Quyền tác hành hợp với lương tâm đòi nó phải được hướng dẫn theo chân lý được Thiên Chúa ghi khắc vào lòng trí chúng ta và được mạc khải trong Thánh Kinh. Lương tâm là tiếng Thiên Chúa nói trong chúng ta, giúp chúng at chọn lành lánh ác hợp với lề luật của Thiên Chúa.

• Theo luân lý chúng ta buộc phải chọn các vị lãnh đạo chính quyền là người sẽ phục vụ cho công ích. Vấn đề ưu tiên trước hết của công ích đó là việc bảo vệ sự sống con người là nền tảng của tất cả mọi điều kiện xã hội khác. Không bao giờ chính đáng trong việc trực tiếp và cố tình sát hại mạng sống con người vô tội, bằng việc phá thai, hủy hoại phôi bào con người, triệt sinh an tử, tạo sinh sao bản. Việc pháp lý công nhận những mối liên hệ đồng tính là những gì làm suy yếu sự thật về hôn nhân và là những gì công nhận những hành động vô luân trầm trọng. Vì công ích, chúng ta phải bảo toàn sự thiện sự sống con người và sự thiên hôn nhân gia đình. Vấn đề án tử hình và chiến tranh là những gì khác với vấn đề tìm cách phá thai và “hôn nhân” đồng tính, vì những hành động tìm cách phá thai và hôn nhân đồng tính tự bản chất là xấu, do đó không bao giờ lại là những việc chính đáng cả. Trong khi đó, chiến tranh và án tử hình mặc dù khó có thể biện minh nhưng tự bản chất không phải là việc ác.

• Để bảo đảm công ích, người Công Giáo có trách nhiệm bầu cho ứng cử viên xứng đáng, vì tình trạng phúc hạnh của cộng đồng lệ thuộc vào con người được chọn bầu và bổ nhiệm hành sử chính quyền.

• Không bao giờ được bầu cho một ứng cử viên để ủng hộ những việc làm vô luân; đó là một thứ “cộng tác về mô thức” vào việc dữ. Trong một số trường hợp, về luân lý, được phép bầu cho một ứng cử viên ủng hộ một số việc vô luân nhưng chống lại những thứ vô luân khác. Điều này được gọi là “cộng tác về thể thức” và được phép làm với những điều kiện nào đó và khi không thể nào tránh được tất cả mọi sự cộng tác với sự dữ, như thực sự xẩy ra trong trường hợp chọn một ứng cử viên cai trị dân chúng. Không có yếu tố nào của công ích có thể biện minh cho việc bầu cử một ứng cử viên tán thành một cách không giới hạn việc cố ý sát hại thành phần vô tội, việc phá thai, việc nghiên cứu thân bào từ phôi bào, việc triệt sinh an tử, việc tạo sinh sao bản hay việc hôn nhân đồng tính.

• Đối với một ứng cử viên ủng hộ phá thai ở một số trường hợp giới hạn, ngoài ra chống lại những trường hợp khác, thì người Công Giáo có thể bầu cho con người ấy. Đây không phải là vấn đề chọn một sự dữ ít hơn mà là vấn đề hạn chế tất cả những sự dữ có thể hạn chế lại cùng một lúc.

ĐTGM Charles Chaput TNG Denver Colorado cũng đã lên tiếng về vấn đề nhức nhối giữa lương tâm Công Giáo và việc chọn bầu chính trị liên quan đến những ứng cử viên thiên về sự dữ tác hại cho công ích. Theo tờ New York Times phát hành ngày 15/10/2004, trong một cuộc phỏng vấn, vị TGM này đã nói người Công Giáo nào bầu cho một ứng cử viên vì ứng cử viên này ủng hộ phá thai hay việc nghiên cứu thân bào từ phôi bào con người phải đi xưng tội trước khi lên rước lễ: “Nếu qúi vị bầu cử như thế quí vị có cộng tác làm việc xấu hay chăng? Và nếu quí vị biết rằng quí vị đang cộng tác làm việc xấu thì quí vị có cần phải đi xưng tội hay chăng? Câu trả lời là có”.

Trong một bài viết của mình gần đây trên tờ Denver Catholic Register, vị TGM này đã nói đến một số biến cố lịch sử khiến nhiều chính trị gia Công Giáo nghĩ rằng họ có thể chủ trương phá thai cùng những việc bất hợp pháp khác mà vẫn cứ công bố mình là trung thành với Giáo Hội.

“40 năm trước đây, vào tháng này, 12/9/1960, John F. Kennedy đã đọc một bài diễn văn trước Greater Houston Ministerial Association cho thấy ông ta thực sự đã làm mất đi căn tính Công Giáo của mình vì vấn đề hoạt động chính trị của ông. Ông lập luận trước thành phần thính giả Tin Lành đang cẩn trọng theo dõi ông rằng quí vị đừng lo bầu cho tôi làm tổng thống, vì tôi không để cho vị giáo hoàng bảo tôi những gì phải làm đâu.

“Trong việc hứa quyết đặt ‘lợi ích quốc gia’ lên trên ‘áp lực hay trách buộc tôn giáo’, Kennedy đã tạo nên một mẫu thức cho thế hệ ứng cử viên Công Giáo mai hậu, ở chỗ: là Người Hoa Kỳ trước rồi mới là Người Công Giáo sau. Đối với Kennedy thì đây là một bài toán dễ, một con người dù sao cũng lỏng lẻo đức tin của mình. Và đó chắc chắn là những gì công chúng Hoa Kỳ muốn nghe, vì họ vốn có chiều hướng mang nặng thành kiến chống Công Giáo của họ.

“Cái hóa giải của Kennedy dường như có kết quả khá, bao lâu ‘những áp lực về tôn giáo’ mà những viên chức Công Giáo được chọn bầu cần phải đương đầu với những vấn đề liên hệ như ly dị, viện trợ liên bang cho các trường Công Giáo hay những liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh Rôma. Mỗi một vấn đề này chắc chắn đều là những gì hệ trọng, nhưng không vấn đề nào liên quan tới sự sống và sự chết cả. Không có vấn đề nào là nghẹt thở hết.

“Vào năm 1973, bằng việc hợp thức hóa vấn đề phá thai vì nhu cầu đòi hỏi, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã làm thay đổi hết mọi sự. Lý do rất giản dị: vì phá thai là vấn đề khác. Phá thai sát hại…

“Việc chống lại phá thai xuyên qua tất cả mọi tôn giáo. Nó không phải là vấn đề của ‘Công Giáo’. Thật vậy, nói cho cùng thì nó không phải là vấn đề của tôn giáo nữa kìa, mà là vấn đề nhân quyền, một vấn đề được tái khẳng định bởi sự kiện bất khả bác bỏ là sự sống bắt đầu từ khi được thụ thai.

“Sau năm 1973, vì vụ Roe với Wade, các viên chức Công Giáo được tuyển bầu phải đương đầu với một sự lựa chọn. Họ có thể hoặc hoạt động để thay đổi nó hay ít là làm giảm bout các thứ luật phá thai yếm thế, đồng thời phải cố gắng để tái phối trí các pháp đình bằng những vị thẩm phán phò sự sống. Hoặc họ có thể hủy hoại thành phần thai nhi và tìm cách làm nhẹ bớt tính cách luân lý nơi quyết định của mình. Đối với những ai chủ trương phò phá thai vô luân này, đã có những nhân vật chính trị gia Công Giáo nổi tiếng bấy giờ nhào vô cứu gỡ họ.

“20 năm trước đây, cũng vào tháng này (13/9/1984), Thống Đốc Nữu Ước bấy giờ là Mario Cuomo đã đọc một bài diễn văn ở Đại Học Đức Bà để tìm cách củng cố thành phần trí thức về cái hóa giải của Kennedy. Cuomo, không giống như Kennedy, vì ông được học hỏi hơn về đức tin. Cuomo, không giống như Kennedy, vì ông được cái lợi là thấy những lời Kennedy nói cuối cùng đã đi đến đâu. Thế nhưng, Cuomo, như Kennedy, là một con người có cùng những quan điểm của vị tổng thống. Những quan điểm của vị tổng thống đã phản ảnh nơi bài nói của ông ta về ‘Niềm Tin Tôn Giáo và luân lý quần chúng: quan điểm của một thống đốc Công Giáo’ tới mức độ nào thì chưa rõ. Thế nhưng những thành quả ấy vẫn còn lưu lại với chúng ta.

“Cuomo lập luận rằng ‘trong việc chúng tôi cố gắng để tìm một câu giải đáp về chính trị cho vấn đề phá thai, một câu trả lời vượt ra ngoài việc tuân giữ luân lý Công Giáo của chúng ta’, và ông đã kết luận là ‘việc cấm chỉ theo pháp lý vấn đề phá thai bởi chính quyền liên bang hay bởi mỗi quốc gia đều không phải là những gì có thể thực hiện đáng tín cẩn, thậm chí nó có thể đạt được đi nữa, nó cũng không thành tựu’. Ông có thể chống lại phá thai với tư cách riêng, nhưng theo quan điểm của mình, ông không có quyền ‘áp đặt’ niềm tin đó trên người khác…

“Cuối cùng, Cuomo đã lập luận rằng ‘việc chấp thuận hay bãi bỏ những hạn chế về pháp lý đối với vấn đề phá thai không được trở thành một cái thử mầu sắc hoàn toàn giành cho lòng trung thành của người Công Giáo’. Qua những lời lẽ ấy, ông ta đã viết ra thành một thứ chạy lỗi chữa mình cho mọi người Công Giáo ‘phò quyền tự quyết’ đã từng nắm quyền cai trị từ trước đó.

“Thống Đốc Cuomo, mặc dù cá nhân chống lại phá thai, đã tiếp tục phản đối những nỗ lực muốn giới hạn vấn đề phá thai ở tiểu bang Nữu Ước của ông. Ông cũng ủng hộ việc tài trợ công cộng cho việc phá thai của thành phần phụ nữ nghèo….

“Lương tâm Công Giáo của ông hiển nhiên đã nhào vô giải quyết một số vấn đề đáng để ý, cho dù ‘trào lưu đa nguyên’ có thích nó hay chăng. Ông đã 12 lần phủ quyết những nỗ lực lập pháp muốn tái tấu án tử hình.

“Tháng tới là Tháng Mười, tháng Tôn Trọng Sự Sống. Đó là dịp tốt để suy nghĩ về ý nghĩa của cái di sản Kennedy-Cuomo. Ở chỗ, có thể chấp nhận là người Công Giáo trong việc phục vụ quần chúng bao lâu quí vị muốn vứt bỏ đi những gì bất thuận lợi ‘Công Giáo’

“Đó không phải là dung hòa. Mà là chơi với quỉ ma, vì cái trò này đòi phải trả bằng một giá mà không một quốc gia nào, không một người tôi tớ phục vụ quần chúng nào và không một cử tri đầu phiếu nào có thể trang trải nổi”.

Đức Hồng Y Theodore McCarrick ở Washington DC, khi hội họp các vị linh mục tuần vừa rồi, đã kêu gọi người Công Giáo địa phương đi bỏ phiếu với một ‘lương tâm sáng suốt’. Ngài đã xin các vị linh mục hãy khuyến khích giáo dân của mình đọc bản “Vai Trò Công Dân Của Tín Hữu” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài nhấn mạnh đến quyền sống như sau:

“Nếu chúng ta không sống, chúng ta không thể hành xử các quyền lợi khác của mình”. Ở đây ngài có ý nói đến các thứ liên quan đến nền văn hóa sự chết, từ phá thai đến triệt sinh an tử và nghiên cứu thân bào từ phôi bào con người, cũng như những đe dọa khác đối với sự sống con người như chiến tranh, khủng bố, gài mìn và án tử hình.

Ngài nhận định rằng cho dù phận sự của Giáo Hội là hướng dẫn lương tâm của cử tri, nhưng “việc của chúng ta không phải là bảo cho họ phải bầu bán ra sao”.
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ