GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 19  THỨ BA

  

Tông Thư
Mane Nobiscum Domine – Xin Thày ở với chúng con

 

Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Giáo Dân
Cho Năm Thánh Thể
10/2004 – 10/2005

 

(tiếp và hết)

 

Giovanni Paolo II


 

Đúc Kết


29.     O Sacrum Convivium, in quo Christus sumitur! Năm Thánh Thể được bắt nguồn từ nỗi ngất ngây khi Giáo Hội chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm cao cả này. Đó là một nỗi ngây ngất chính Tôi đã liên lỉ cảm thấy. Nó đã thúc đẩy Tôi viết bức Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia. Khi Tôi hướng đến năm thứ 27 của thừa tác vụ kế thừa Thánh Phêrô của mình, Tôi thấy thật là một đại hồng ân phúc khi có thể kêu gọi toàn thể Giáo Hội đặc biệt chiêm ngưỡng, chúc tụng và tôn thờ Bí Tích khôn tả này. Chớ gì đối với hết mọi người Năm Thánh Thể là một cơ hội quí báu để ý thức hơn nữa cái kho tàng khôn sánh được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội của Người ấy. Chớ gì Năm Thánh Thể kích thích việc cử hành Thánh Thể sống động và sốt sắng hơn nữa, mang lại một đời sống Kitô giáo được biến đổi trong yêu thương.


Ở đây vẫn còn chỗ cho bất cứ số sáng kiến nào hợp với phán đoán của Các Vị Chủ Chiên ở Giáo Hội riêng. Thánh Bộ Phụng Vụ và Bí Tích chắc chắn sẽ cung cấp một số những đề nghị và dự thảo hữu dụng. Tuy nhiên, Tôi không xin làm bất cứ điều gì ngoại thường mà chỉ muốn hết mọi sáng kiến cần phải nổi bật tính cách nội tâm sâu xa. Chỉ cần làm sao trong Năm này, ở tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu, phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như việc gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, là Năm ân sủng này hết sức thành đạt rồi vậy. Đồng thời cũng cần có ích khi nhắm đích cao, không lấy làm mãn nguyện với cái tầm thường, vì chúng ta biết rằng chúng ta lúc nào cũng có thể cậy dựa vào ơn Chúa đỡ nâng.


30.     Chư Huynh Giám Mục thân mến, Tôi xin trao phó Năm này cho chư huynh, tin tưởng rằng chư huynh sẽ đón nhận lời mời gọi của Tôi bằng tất cả lòng nhiệt thành tông đồ.


Quí linh mục thân mến, những vị lập lại các lời thánh hiến mỗi ngày, là những chứng nhân và là những người rao giảng phép lạ cả thể của tình yêu vốn xẩy ra trên đôi bàn tay của mình: xin các vị hãy dấn thân sống ân sủng của Năm đặc biệt này; hãy cử hành Thánh Lễ mỗi ngày với cùng một niềm hân hoan và cùng một lòng sốt mến khi các vị cử hành Thánh Lễ mở tay của mình, và hãy sốt sắng bỏ giờ ra cầu nguyện trước nhà tạm.


Chớ gì Năm này cũng là một Năm ân sủng cho anh em, hỡi quí phó tế, những người rất cận kề với thừa tác vụ Lời Chúa và việc phục vụ bàn thờ. Tôi xin quí vị, những người đọc sách, giúp lễ và các thừa tác viên ngoại lệ, hãy ý thức hơn nữa tặng ân các người đã nhận được trong việc phục vụ được trao phó cho các người để xứng đáng hơn trong việc cử hành Thánh Thể.


Đặc biệt Tôi kêu gọi anh em, hỡi những linh mục tương lai. Trong thời gian anh em còn ở trong chủng viện, hãy hết sức cố gắng cảm nghiệm được cái đẹp chẳng những của việc tham phần hằng ngày vào Thánh Lễ, mà còn của việc bỏ một số thời giờ nào đó để trao đổi tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể.


Hỡi những con người nam nữ sống đời tận hiến, những người được kêu gọi bởi chính việc tận hiến này để thực hiện việc chiêm ngưỡng dài lâu hơn: đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu trong nhà tạm muốn anh chị em ở bên Người, nhờ đó Người có thể làm cho tâm can của anh chị em tràn đầy cảm nghiệm thân tình của Người là những gì duy nhất có thể mang lại ý nghĩa cho đời sống của anh chị em mà thôi.


Chớ gì tất cả anh chị em, hỡi tín hữu Kitô Giáo, hãy tái nhận thức tặng ân Thánh Thể như là ánh sáng và là sức mạnh cho đời sống thường nhật của anh chị em trên thế gian này, khi anh chị em thi hành nghề nghiệp tương xứng của mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trước hết hãy tái nhận thức được tặng ân này để có thể hoàn toàn cảm nghiệm được vẻ đẹp và sứ vụ của gia đình.


Hỡi giới trẻ, Tôi rất kỳ vọng nơi các bạn, khi Tôi hướng tới cuộc gặp gỡ của chúng ta tới đây, Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne. Đề tài cho cuộc gặp gỡ của chúng ta, “Chúng tôi đến để triều bái Người”, cho các bạn thấy cách các bạn làm sao để có thể cảm nghiệm thấy năm Thánh Thể này nhất. Các bạn hãy mang đến cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu ẩn thân trong Thánh Thể đây tất cả nhiệt tình hăng say của tuổi đời các bạn, tất cả mọi niềm hy vọng của các bạn, tất cả mọi niềm ước muốn yêu thương của các bạn.


31.     Trước mặt chúng ta có gương mẫu của các Thánh Nhân, các vị đã tìm thấy nơi Thánh Thể dưỡng chất cho cuộc hành trình nên trọn lành của các vị. Biết bao nhiêu lần các vị đã tràn lệ sâu xa cảm xúc trước mầu nhiệm cao cả này, hay cảm thấy được những giây phút “phu thê” hoan lạc khôn tả trước bí tích bàn thờ ấy! Chớ gì chúng ta trước hết được nâng đỡ bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị đã sống trọn đời ý nghĩa Eucharistic (tạ ơn). “Giáo Hội, một Giáo Hội nhìn lên Mẹ Maria như là một mô phạm, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ với mầu nhiệm cực linh ấy” (26). Bánh Thánh Thể chúng ta lãnh nhận là xác thịt vô tì tích của Con Mẹ: Ave verum corpus natum de Maria Virgine. Trong Năm ân sủng này, được Mẹ Maria đỡ nâng bảo trì, chớ gì Giáo Hội tìm được nhiệt tình mới cho sứ vụ truyền giáo của mình và nhận thực trọn vẹn hơn bao giờ hết Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của tất cả đời sống Giáo Hội.


Tôi ban Phép Lành cho tất cả anh chị em như một bảo chứng của ân sủng và niềm vui.
Tại Vatican ngày 7/10, Lễ Nhớ Đức Mẹ Mân Côi, Năm 2004, năm 26 của Giáo Triều Tôi.


Gioan Phaolô II

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ


http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20041008_mane-nobiscum-domine_en.html

 

 

 

 

 

Tràng Hạt Mân Côi: từ Thời Trang đến Đạo Lý


Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc và Wales đã phổ biến một tờ quảng bá về Tràng Hạt Mân Côi để đáp ứng khuynh hướng sử dụng cỗ tràng hạt này như một thứ thời trang đeo cổ hay đeo tay. Văn Phòng Phụng Vụ của Phân Bộ Đời Sống và Việc Tôn Thờ của Kitô Giáo cho biết việc đeo tràng hạt này đã trở nên hết sức thịnh hành và phổ thông trong năm nay, đến nỗi các tiệm nữ trang đã bán tới con số phá kỷ lục chưa từng thấy.


Cha Allen Morris, bí thư của phân bộ này cho biết: “Rõ ràng là tràng hạt mân côi gần đây được gắn với cây thập giá đã trở thành một thứ đồ phụ tùng thời trang trần tục được ưa chuộng. Tuy nhiên, không giống như cây thập tự giá, tràng hạt mân côi thường chỉ có ở các tiệm bán đồ đạo hơn là ở các tiệm bán nữ trang trên đường phố. Một số tiệm bán đồ đạo tỏ ra quan tâm về vấn đề người mua tràng hạt có hiểu gì về ý nghĩa tôn giáo của nó hay chăng. Đó là lý do Văn Phòng Phụng Vụ đã dọn một tờ giấy quảng bá đơn sơ hai mặt để những ai còn quan tâm có thể tùy nghi phổ biến, ngay cả để một tờ trong gói đồ có cỗ tràng hạt”.


Kristina Cooper, chủ bút của tờ nguyệt san Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo Tin Mừng đã tặng nhiều cỗ tràng hạt cho giới trẻ đã đón nhận tờ quảng bá này: “Tôi đang sống ở South London, có nhiều thanh thiếu niên thực sự hào hứng với cỗ tràng hạt này. Khi em nào xin tôi một cỗ, tôi liền giải thích cho em ấy những gì về cỗ tràng hạt và tôi xin họ tỏ cho tôi thấy rằng họ đã thuộc Kinh Lạy Cha trước khi tôi cho họ cỗ tràng hạt. Nếu họ xin tôi cỗ thứ hai, thì tùy theo người, tôi yêu cầu họ cho tôi thấy một việc thiện họ đã làm, hay dạy cho họ đọc Kinh Kính Mừng”.


Trong khi nhiều người lo âu về vấn đề tràng hạt mân côi bị lạm dụng như một thứ đồ trang sức trần tục, vì này lại cảm thấy khía cạnh tích cực của nó như sau: “Kiểu thời trang này là một cơ hội rất tốt để truyền bá phúc âm hóa. Tôi rất vui khi nghe thấy tờ quảng bá này. Tôi thấy cỗ tràng hạt mân côi là một dụng cụ rất ích lợi để giảng dạy giáo lý cho thành phần chưa bao giờ đến nhà thờ nhà thánh”.


Căn cứ vào tờ quảng bá về Kinh Mân Côi trên mạng điện toán toàn cầu www.catholic-ew.org.uk/faith/celebrating/rosary2.htm, người ta thấy ở phần thứ hai có liệt kê đủ 20 ngắm thuộc 4 Mầu Nhiệm Mân Côi Vui, Sáng, Thương, Mừng, và các kinh nguyện Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh. Ở phần đầu của tờ quảng bá mang tựa đề “Biết Thêm Về Kinh Mân Côi” người ta thấy có những chi tiết dẫn giải thế này:


“Kinh Mân Côi là một mẫu cầu nguyện phổ thông trong thành phần Kitô hữu. Tâm điểm của kinh nguyện này là một chuỗi suy niệm về một số khía cạnh hay mầu nhiệm về đời sống của Đức Giêsu Kitô và Maria mẹ của Người. Toàn bộ Kinh Mân Côi được làm nên bởi 4 bộ năm mầu nhiệm. Việc suy niệm mỗi một mầu nhiệm được kèm theo bằng việc cầu Kinh Lạy Cha, sau đó là 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh…


“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết về kinh nguyện này như sau: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện Tôi ưa chuộng. Một kinh nguyện tuyệt vời! Tuyệt vời ở tính cách giản dị mà lại sâu xa của nó… Những biến cố chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô hiện lên trước mắt linh hồn theo những lời kinh chính yếu ‘Kính Mừng Maria’. Những biến cố này làm thành một chuỗi đầy đủ các mầu nhiệm vui, thương, mừng, giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người. ‘Lòng chúng ta đồng thời cũng chấp nhận nơi các chục kinh Mân Côi tất cả mọi biến cố làm nên cuộc sống của cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội cùng toàn thể nhân loại, đó là những mối quan tâm của cá nhân chúng ta cũng như của tha nhân chúng ta, nhất là của những ai gần chúng ta nhất, thân ái với chúng ta nhất. Kinh nguyện Mân Côi giản dị này làm nên nhịp sống con người là như thế”.

 

 

 

 

Cuốn Hợp Tuyển về Hoạt Động Ngoại Giáo của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II


Đức Tổng Giám Mục André Dupuy, đức khâm sứ tòa thánh ở Venezuela xem xét việc tổng hợp bộ sách được Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình này, bộ sách mang tựa đề: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Những Thách Đố Trong Việc Ngoại Giao Của Giáo Hoàng – Một Tổng Hợp (1978-2003)”.


Tập tổng hợp này bao gồm trên 300 bài nói của Ngài với các tổ chức quốc tế, 137 bài với các vị lãnh thủ quốc gia, 18 với các vị lãnh tụ chính quyền và 691 vài với các vị tân lãnh sự dịp họ trình ủy nhiệm thư để hành sự bên cạnh Tòa Thánh Vatican.


Trong số những đề tài thường nhắc đến nhất của Ngài nơi các bài về ngoại giao này là quyền tự do tôn giáo, việc phát triển xã hội, vấn đề cổ võ hòa bình cùng các quyền lợi của gia đình cũng như quốc gia, và việc dấn thân liên lỉ trong vấn đề bênh vực mọi sự sống của con người.


Trong buổi họp báo hôm nay, vị TGM này cho biết: “Việc tôn trọng những quyền lợi này không phải là vấn đề thuận lợi về chính trị, mà phát xuất từ phẩm giá của bản tính con người theo thân phận họ là tạo vật của Thiên Chúa. (Giáo Hội) có nhiệm vụ phải nhúng tay vào, phải lên tiếng mỗi khi phẩm giá của con người, các giá trị về luân lý của công lý, quyền tự do, chân lý, tình đoàn kết và hòa bình bị đảo nghịch bởi những thăng trầm của thế giới này”.



ĐTC GPII với các chính trị gia nữ giới quốc hội về nhiệm vụ bênh vực trẻ em


Thứ Hai 18/10/2004, khi tiếp 200 đại biểu thuộc hơn 100 quốc gia vào buổi kết thúc Hội Nghị Các Thành Viên Quốc Hội Nữ Giới Về Việc Bảo Vệ Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên. Cuộc hội nghị này được phát động bởi vai trò chủ tịch Quốc Hội Ý Quốc.


ĐTC bày tỏ lòng biết ơn về cuộc hội nghị được tổ chức tại Rôma này để tìm kiếm những cách thức hiệu nghiệm cho những tổ chức bảo vệ trẻ em vị thành niên. Ngài khuyến khích thành phần chính trị gia nữ giới hãy bảo trì việc dấn thân này, “với ý thức rằng trẻ em và thanh thiếu niên là hy vọng của nhân loại”.


“Chúng ta kho tàng quí báu nhất đồng thời cũng là thành phần mỏng dòn và dễ bị tổn thương nhất. Bởi thế, cần phải liên lỉ lắng nghe và chú ý tới tất cả mọi nhu cầu và khát vọng hợp lý của họ.


“Không ai có thể câm nín hay tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước cảnh khổ đau của các trẻ em vô tội, hay khi chúng bị loại ra ngoài xã hội và khi nhân phẩm của chúng là con người bị đả thương.


“Tiếng kêu đớn đau vang vọng của những trẻ em bị bỏ rơi và vi phạm không ít nơi trên thế giới phải khiến cho các cơ cấu công quyền, các hiệp hội tư nhân, và tất cả mọi người thiện chí tái ý thức lại nhiệm vụ của mình là tất cả chúng ta đều phải kính trọng và yêu thương bảo vệ, bênh vực và giáo dục những tạo vật mềm yếu này”.


ĐTC nhắc nhở thành phần thính giả của Ngài rằng trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã lấy trẻ em “làm ‘mẫu sống’ của chúng ta” và lên án “mạnh mẽ những ai không tôn trọng chúng”.


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ