GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 24  CHÚA NHẬT, NGÀY TRUYỀN GIÁO

  

MÙA MÀNG BỀ BỘN


“Mùa màng thì bề bộn mà thợ gặt lại ít ỏi. Hãy xin với chủ ruộng sai thêm thợ đến làm mùa” (Mt 6:37-38).

Trải qua bao thời đại, Giáo Hội vẫn luôn trung thành với lời căn dặn của Chúa Giêsu, và không ngừng tha thiết, van nài chủ ruộng - Thiên Chúa - sai thêm thợ gặt đến với cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội. Đó cũng là ý nghĩa mà hằng năm Giáo Hội vẫn dành riêng một Chúa Nhật gọi là Chúa Nhật Truyền Giáo để tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban thêm ơn gọi, và cũng để kêu mời mọi tín hữu, dấn thân bước vào mùa gặt các tâm hồn hầu thâu hoặch họ về cho Thiên Chúa. Nhưng có lẽ hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thì nhu cầu truyền giáo đã trở thành một nhu cầu cấp thiết của Giáo Hội.

Sứ mạng của Giáo Hội là truyền giáo, và cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn bề bộ công việc như chính Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt lại ít ỏi.” Đó cũng là lý do tại sao Ngài đã thúc dục các ông cũng như chúng ta hôm nay là “Hãy xin với chủ ruộng sai thêm thợ đến làm mùa”. Cảm nhận được ý nghĩa của lời mời gọi và thôi thúc ấy, Đức Gioan Phaolô II, ngày 30 tháng 12 năm 1988, đã ban hành Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici) để thúc dục mọi phần tử của Giáo Hội, không phân biệt ơn gọi tu trì tận hiến hay hôn nhân gia đình phải dấn thân hơn nữa và tích cực với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Để có một tầm nhìn rộng rãi và rõ ràng hơn về sứ mạng truyền giáo cũng như sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào với sứ mạng này, và cũng để phá vỡ thành kiến vẫn cho rằng công việc truyền giáo là việc làm dành riêng cho thành phần giáo sĩ, tu sĩ, và chỉ có những ai thuộc thành phần này mới là những người có bổn phận và thẩm quyền với việc truyền giáo, Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Thông Điệp: “Khi mà cánh đồng truyền giáo còn bề bộn thì không ai được nghỉ ngơi”. Điều này hiểu rằng khi tin mừng Thiên Chúa cần được rao giảng cho mọi người, thì không ai được ỷ lại, hoặc dành quyền độc tôn truyền giáo, vì đây là ơn gọi và là sứ mạng của cả Giáo Hội. Mà Giáo Hội lại cũng chính là mỗi Kitô hữu. Thế nên, mỗi một Kitô hữu đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của Giáo Hội. Vẫn theo Đức Thánh Cha, truyền giáo là một việc làm cấp thiết của Giáo Hội trong thế giới. Điều này có thể hiểu là nhu cầu truyền giáo là một nhu cầu cấp thiết, hoặc cũng có thể là thời giờ không còn nữa. Thống kê cho biết, hiện nay dân số thế giới gồm 6 tỷ người, nhưng những người tin nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai và tin vào Thiên Chúa chỉ mới có 1/3. Như vậy con số những người chưa nghe đến Thiên Chúa, chưa tin nhận Ngài vẫn là một con số lớn lao, và mùa gặt tâm linh này quả thật là rất bề bộn.

Nhưng thợ gặt kia là ai? Vẫn theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thì là mọi Kitô hữu, nhưng hiểu theo một nghĩa chặt chẽ, vẫn là thành phần tận hiến, những người được mời gọi để dành riêng cuộc đời mình cho việc vun trồng và thâu hoặch mùa màng cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên, dù ơn gọi nào đi nữa, thì chủ điểm vẫn là làm trọn vẹn và đầy đủ ơn gọi của mình. Có lẽ điều này cần thiết hơn là sự cách biệt của mỗi ơn gọi. Chúng ta có thể tìm được ý nghĩa truyền giáo này qua gương sống của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ không hề đi đâu ngoài bốn bức tường của đan viện. Nhưng với lòng yêu mến, và sự trung thành tuân giữ các kỷ luật và hoàn tất đời tu của mình, đã trở nên quan thầy các xứ truyền giáo. Thánh Nữ đã trở nên gương mẫu truyền giáo cho mọi Kitô hữu: giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân.

Mỗi người phải sống với ơn gọi của mình. Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, và với một ước muốn làm vinh danh Chúa, sẽ biến đời sống của mỗi người thành một bài giảng hùng hồn, và sẽ thu hút, chinh phục được các tâm hồn. Nó còn trở thành một lời mời gọi dấn thân, một khích lệ tinh thần cho những ai muốn tận hiến mình trực tiếp phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, vì đời sống tận hiến bắt nguồn từ đời sống thánh thiện của gia đình.

Truyền Giáo là một nhu cầu cần thiết của Giáo hội, là sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Vì thế “trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi”.


Trần Mỹ Duyệt

 

 

 

Phải chăng tội lỗi là con đường dẫn con người trở về với Chúa
nhanh hơn và chắc hơn là việc họ giữ tỉ mỉ các thứ luật lệ?


 


Trong những bài Phúc Âm Chúa Nhật của các tuần gần đây, kể cả Chúa Nhật tuần này, trừ tuần 28, nếu để ý, chúng ta thấy Giáo Hội chọn những bài Phúc Âm theo Thánh Luca cho chu kỳ Phụng Niên Năm C liên quan đến các dụ ngôn. Tuần 24 về dụ ngôn tìm thấy chiên lạc và đồng tiền bị mất cũng như dụ ngôn người con phung phá, tuần 25 dụ ngôn về người quản gia bị chủ bãi nhiệm, tuần 26 về dụ ngôn số phận trầm luân của người phú hộ không biết thương người nghèo khổ như Lazarô, tuần 27 về dụ ngôn tâm tình vô dụng của người đầy tớ sau khi chu toàn việc phục vụ của mình, tuần 29 về dụ ngôn bà góa nhẫn nại kèo nhèo cho đến khi được vị quan tòa vô thần giải oan cho, và tuần 30 Chúa Nhật này về dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.

Nếu so sánh với đa số dụ ngôn của Chúa Giêsu, được Phúc Âm Thánh Mathêu là Phúc Âm nhắm đến đối tượng dân Do Thái, thì dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Mathêu thiên về Nước Trời, tức liên quan đến mạc khải thần linh, hay đến “những gì trên cao” (Jn 3:12), còn dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Luca là Phúc Âm nhắm đến Dân Ngoại, lại thiên về “những gì trần thế” (Jn 3:12), tức về nhân bản, về con người, đúng hơn, về đức tin cứu rỗi con người cần có. Nói đến đức tin ở đây là nói đến mối liên hệ giữa con người “thuộc hạ giới” (Jn 8:23) và “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) “thuộc thượng giới” (Jn 8:23), và mối liên hệ này bao giờ cũng được thể hiện chẳng những bằng việc Thiên Chúa tìm cách tỏ mình ra (hay mạc khải) cho con người, mà còn bằng việc con người giao tiếp với (hay tin tưởng) Thiên Chúa, qua đời sống nguyện cầu của mình nữa.

Thế nhưng, con người sẽ không thể nào nguyện cầu, tức không thể nào biết cầu nguyện, hay không thể nào trở thành một con người “tôn thờ chân chính”, một kẻ “tôn thờ như Thiên Chúa muốn” (Jn 4:23), nếu họ không thực sự nhận biết Thiên Chúa. Nghĩa là con người phải thực sự tin tưởng Thiên Chúa rồi mới có thể nguyện cầu, nguyện cầu một cách chân chính, nguyện cầu một cách thực lòng, bằng không, việc nguyện cầu của họ chỉ là bâng quơ bôi bác, và lời nguyện cầu của họ chỉ là môi mép bề ngoài (xem Mt 15:8-9; Is 29:13).

Đúng vậy, bài Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật XXX Mùa Thường Niên Năm C tuần này cho chúng ta thấy nhận định này hoàn toàn chính xác. Nếu người Pharisiêu thực sự nhận biết Thiên Chúa, chắc chắn ông ta sẽ không có cử chỉ cầu nguyện một cách nghêng ngang, cũng như sẽ không có những lời cầu nguyện tỏ ra khoe khoang phách lối như thế. Con người tiêu biểu cho niềm tự phụ mình là người công chính của chung phái Pharisiêu trong dân Do Thái đây không cầu nguyện một cách nghêng ngang là gì, như Chúa Giêsu diễn tả trong bài Phúc Âm hôm nay như thế này: “Người Pharisiêu ngẩng mặt lên mà nguyện cầu”.

Thật ra, cử chỉ “ngẩng mặt lên mà nguyện cầu” như thế tự nó hoàn toàn không có gì đáng trách, vì đó là cử chỉ con người tỏ ra muốn chiêm ngưỡng, muốn đối diện với Đấng mình tìm kiếm mà thôi. Bằng không, việc Kitô hữu Công Giáo chúng ta, theo nghi thức Phụng Vụ Thánh Lễ, trước khi cúi đầu thờ lậy, cần phải ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Mình Thánh và Máu Thánh Chúa, khi chủ tế dâng lên sau lời truyền phép, là một cử chỉ vô lễ, phạm thượng. Tuy nhiên, lý do tại sao cử chỉ “ngẩng mặt lên mà nguyện cầu” của người Pharisiêu là một cử chỉ cầu nguyện một cách nghênh ngang, là vì, cử chỉ này bộc phát cho thấy tâm tình chẳng những khoe khoang mà còn phách lối của ông ta nữa, những tâm tình không thể giấu diếm qua ngay những lời cầu nguyện mở đầu của ông ta: “Ôi Thiên Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi không phải như những người khác, giành giật, điêu ngoa, ngoại tình, hay thậm chí như tên thu thuế kia. Một tuần tôi ăn chay hai lần. Tôi nộp thuế thập phân về tất cả những gì tôi có”.

Như thế, nếu việc cầu nguyện của người Pharisiêu tự phụ mình là công chính cho thấy ông ta không thực sự nhận biết Thiên Chúa thế nào, thì cả cử chỉ lẫn ngôn từ của người thu thuế tỏ ra khi cầu nguyện, cùng lúc với người Pharisiêu bấy giờ, cho thấy anh ta hết lòng nhận biết Thiên Chúa, tin tưởng Thiên Chúa.

Không phải hay sao, nếu người Pharisiêu “ngẩng đầu lên mà cầu nguyện” thì người thu thuế, như Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Người là, “ở đàng xa, không dám ngước mắt lên trời”. Cũng thế, ở đây, nguyên cử chỉ “không dám ngước mắt lên trời” chưa chắc đã nói lên tâm tình khiêm tốn tự hạ. Như trường hợp của viên quan chức mắc nợ vua của mình một số tiền kếch sù không thể trả, như Chúa Giêsu đề cập đến trong một dụ ngôn khác ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 18 câu 26: “Bấy giờ viên quan chức này phục xuống mà nói: ‘Xin chủ hãy nhẫn nại với tôi, tôi sẽ trả lại đầy đủ cho ông mà’”. Thế nhưng, cử chỉ “phục xuống” này, qua những gì hắn làm sau đó, chứng tỏ chỉ là một cử chỉ sợ sệt về những thiệt hại liên quan đến hắn mà thôi, hơn là một cử chỉ thật sự nhận biết và kính sợ. Đó là lý do, như Chúa Giêsu tiếp tục cho biết về thái độ của viên quan chức bất chính này là: “Khi hắn gặp đồng bạn cùng phục vụ với hắn nợ hắn chỉ có một phần nhỏ so với số nợ của hắn, hắn liền túm lấy người ấy, bóp cổ họ mà truyền: ‘Ngươi phải trả cho tao những gì ngươi mắc nợ tao’”.

Cử chỉ “phục xuống” của người thu thuế trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay thật là một cử chỉ anh ta cho thấy “tấm lòng tan nát khiêm cung” (đáp ca) của anh ta, khi anh ta thưa cùng Đấng Tối Cao: “Ôi Thiên Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi”. Chính Chúa Giêsu đã công nhận việc cầu nguyện chân tình của người thu thuế, khi Người kết thúc dụ ngôn bằng câu: “Các người hãy tin Tôi đi, người thu thuế này ra khỏi đền thờ mà về thì được công chính hóa, còn người kia thì không”.

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao con người có thể thực hiện hay đạt đến trình độ cầu nguyện đích thực này, nếu chính Thiên Chúa không tác động và hoạt động trong cuộc đời của họ. Đúng thế, theo đường lối mạc khải của mình, Thiên Chúa thường, nếu không muốn nói là luôn luôn, tìm cách tỏ mình ra cho con người, đúng hơn tìm cách lôi kéo con người, tìm cách thức tỉnh “con người vốn yêu tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19), để con người có thể từ từ nhận biết Ngài, bằng chính những sự dữ do con người gây ra. “Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ” (lời nguyện kết mỗi chặng đàng Thánh Giá) là như thế.

Thật ra, “ngay từ ban đầu, khi Thiên Chúa mới tạo dựng nên trời đất” (Gen 1:1), “Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự Ngài đã tạo dựng đều tốt lành” (Gen 1:31). Thế nhưng, từ sau khi hai nguyên tổ sa ngã, đủ mọi thứ sự dữ đã xuất hiện, như được Thánh Phaolô tóm gọn trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma đoạn 5 câu 12: “bởi một người mà tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian”. Thực tế cho thấy, nếu sự sống có ba bậc, tự nhiên (hữu hình), linh thiêng (thiên thần) và siêu nhiên (ân sủng) thế nào, sự dữ cũng có thể được chia thành ba loại hay ba cấp chính như thế: đó là sự dữ về thể lý (như vất vả khốn khó, bệnh hoạn tật nguyền, đau thương chết chóc v.v.), sự dữ về tâm lý (như ngu đần dốt nát, điên khùng bấn loạn, nhục nhã oan ức v.v.), và sự dữ về luân lý (như tính hư nết xấu, thử thách cám dỗ, lỗi lầm vấp phạm v.v.).


Vì loài người được dựng nên để hưởng vinh phúc trường sinh, chứ không phải để bị trầm luân khổ ải, bởi thế, cho dù sự dữ do chính lỗi lầm của họ gây ra, họ cũng vẫn không thể nào dám nuốt lại cái họ đã mửa ra, vẫn không thể nào chấp nhận đau khổ, trái lại, lúc nào họ cũng tỏ ra hết sức ghê tởm sự dữ, tránh xa đau khổ, cả về thể lý, tâm lý lẫn luân lý. Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã lợi dụng yếu điểm này nơi con người để đánh động họ, để lôi kéo họ về với Ngài, như Ngài đã từng thực hiện như thế một cách tỏ tường dọc suốt lịch sử dân Do Thái vậy.

Thật thế, không biết chúng ta có để ý hay chăng, trong ba tuần lễ liền, Chúa Nhật Thường Niên XXVIII, XXIX và XXX thuộc chu kỳ phụng vụ Năm C, Phúc Âm Thánh Luca đã cho chúng ta thấy con người thực sự đã hết lòng hướng về Thiên Chúa khi họ phải quằn quại trong sự dữ, cả sự dữ về thể lý, tâm lý cũng như luân lý.

Trước hết, bài Phúc Âm Chúa Nhật Thường Niên XXVIII hai tuần trước đã không nói đến câu truyện có thật về 10 người cùi, vì quá khổ ải với sự dữ thể lý là chứng bệnh cùi nan trị đã rủ nhau kéo đến van xin Chúa Giêsu chữa lành cho họ hay sao? Không bị cùi, chắc gì chín người cùi chính tông Do Thái đã nhớ đến Chúa, đã chạy đến Chúa, vì khi vừa được Người chữa lành cho liền quên mất Người ngay lập tức.

Sau nữa, bài Phúc Âm Chúa Nhật Thường Niên XXIX tuần trước, Chúa Giêsu cũng không nói đến dụ ngôn về một bà góa gặp phải sự dữ thuộc lãnh vực tâm lý, tức trường hợp bà bị đồng loại ức hiếp hay sao, trường hợp làm cho bà không thể ngồi yên chịu đựng, cho đến khi quan tòa phải giải quyết theo ý bà? Nếu không bị oan ức, bị ức hiếp, bà góa này đâu cần phải chạy đến cầu cạnh vị quan tòa hư hỏng này làm gì cho mất giờ, chẳng những của chính bà mà cả của vị quan tòa khó tính nữa. Bởi thế, Chúa Giêsu mới nói trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 4 câu 25 và 26: “Vào thời tiên tri Elia có nhiều bà góa trong dân Yến Duyên lúc bị hạn hán…, song Eâlia chỉ được sai đến với một bà góa ở Zarephath gần Sidon mà thôi”.

Sau hết, qua bài Phúc Âm Chúa Nhật XXX tuần này, Chúa Giêsu cũng đã không nói đến dụ ngôn về người thu thuế, sau khi quằn quại lương tâm với sự dữ thuộc lãnh vực luân lý, tức bị lương tâm cắn rứt về tội lỗi của mình, đã quay đầu trở lại cùng Thiên Chúa Chí Công Chí Thánh hay sao? Nếu không sống trong tội lỗi, như người thu thuế ở dụ ngôn hôm nay, hay như người đàn bà tội lỗi trong thành đến tìm gặp Chúa Giêsu ở nhà của người Pharisiêu, được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở đoạn 7 từ câu 36 đến 50, chưa chắc thành phần tội nhân này đã cảm thấy hối hận mà trở về cùng Thiên Chúa, hay lại rơi vào trường hợp của người Pharisiêu trong dụ ngôn hôm nay, hay của người Pharisiêu mời Chúa dùng bữa với sự hiện diện của người đàn bà tội lỗi trong thành, bề ngoài có vẻ đạo đức tốt lành song bề trong không hề nhận biết Thiên Chúa gì cả thì sao!

Vấn đề được đặt ra từ dụ ngôn của Phúc Âm Thánh Luca cho Chúa Nhật XXX Mùa Thường Niên Năm C tuần này về hai người lên đền thờ cầu nguyện, người thu thuế ra về được nên công chính, còn người Pharisiêu thì không, đó là: phải chăng tội lỗi là con đường dẫn con người đến việc trở về gặp gỡ Thiên Chúa nhanh hơn và chắc hơn là cách giữ tỉ mỉ các thứ luật lệ? Bằng không, tại sao trong dụ ngôn về người cha nhân lành, được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại cách đây 6 tuần, người con phung phá nhận biết cha mình dễ hơn và nhanh hơn anh mình, người anh không hề bỏ nhà ra đi, trái lại, luôn tuân lệnh cha trong mọi sự, mà cuối cùng mới lòi ra sự kiện phũ phàng là người con cả này không hề biết cha mình gì cả?

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 


Nâng Lên Hạ Xuống

 
Sinh Hoạt Phúc Âm Chúa Nhật XXX Thường Niên (24/10/2004)

Phúc Âm Lc 18:9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người nầy ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Hướng Dẫn

Qua bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu dạy cho con người biết rằng những ai tự nâng mình lên như người Pharisiêu, bằng những tâm tưởng tự cao, tự đại trước nhan Thiên Chúa, đến nỗi, tỏ ra khinh thường những ai có vẻ xấu xa tội lỗi hơn mình, thì không thể nào làm đẹp lòng Ngài, trái lại, sẽ bị Ngài hạ xuống, tức Ngài làm cho họ biết mình hơn, cho đến khi họ nhận ra mình là một con người tội lỗi đáng thương, như người thu thuế trong dụ ngôn.

Bởi vậy, chúng ta cùng nhau sinh hoạt Phúc Âm Chúa Nhật tuần này bằng trò chơi Nâng Lên Hạ Xuống như sau.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra hai người, một đóng vai Pharisiêu và một đóng vai người thu thuế. Cả hai đều đứng, nhưng người Pharisiêu đứng ngửa mặt lên trời, còn người thu thuế thì cúi mặt xuống đất.

2. Người quản trò đóng vai Thiên Chúa hô những lời khác nhau thì hai người Pharisiêu và thu thuế phải đáp lại bằng cử chỉ lên xuống xứng hợp.

3. Nếu người quản trò hô: “Thánh Tâm”, thì người thu thuế đáp “Chúa” rồi đứng lên, hay hô “Khiết Tâm” thì người Pharisiêu đáp “Mẹ” rồi ngồi xuống.

4. Nếu người quản trò hô: “Khiết Tâm Chúa”, thì người thu thuế đứng lên, và người Pharisiêu ngồi xuống, hay hô “Thánh Tâm Mẹ”, thì người Pharisiêu ngồi xuống, còn người thu thuế đứng lên.

5. Người quản trò có thể hô 10 lần khác nhau để xem phản ứng lanh lợi và xác đáng của hai người đóng vai thu thuế và Pharisiêu tới đâu.

6. Kết thúc trò chơi là ai làm không bị nhỡ hay ít bị nhỡ nhất trước những lời hô của người quản trò là thắng giải Nâng Lên Hạ Xuống.
 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ