GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 26  THỨ BA

  

Bài Giới Thiệu của ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình để Phổ Biến Cuốn “Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội”

Hôm Thứ Hai 25/10/2004, ĐHY Renato Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý Và Hòa Bình, đã cho ra mắt cuốn “Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội” trong một cuộc họp báo tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Sau đây là nguyên văn bài giới thiệu sách của ngài.

Hôm nay tôi cảm thấy hết sức vui mừng được công khai phổ biến bộ văn kiện hằng chờ mong là cuốn “Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội”. Bộ văn kiện này đã được soạn thảo, theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha, vị được tác phẩm đề tặng, bởi Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý và Hòa Bình là cơ quan hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của nó. Giờ đây nó được phổ biến cho tất cả mọi người, Công Giáo, các Kitô Hữu khác, thành phần thành tâm thiện chí, những người tìm những dấu hiệu vững chắc về chân lý để cổ võ hơn nữa sự thiện về xã hội của con người cũng như của các xã hội loài người. Việc làm này đã được bắt đầu từ 5 năm trước đây, dưới thời vị chủ tịch tiền nhiệm đáng kính của tôi là ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Công việc đã không thể tránh được tình trạng bị đình trệ gây ra bởi việc ngài bị bệnh và qua đời, cũng như bởi việc thay đổi vai trò chủ tịch sau đó của hội đồng này.

Việc soạn thảo cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội này không phải là một chuyện đơn giản. Những vấn đề phức tạp nhất cần phải được giải quyết chính yếu đây là những vấn đề được định đoạt bởi: a) sự kiện là việc này cần phải thu góp thành một tập văn kiện chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội; b) nỗ lực tập trung vào một số những vấn đề thuộc kiến thức học phức tạp vốn tiềm tàng nơi bản chất Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội; c) nhu cầu cần phải cống hiến cho bộ văn kiện này một chiều kích thống nhất và phổ quát, cho dù có muôn vàn khía cạnh cùng với những thực tại xã hội khác nhau vô số kể trên thế giới và của thế giới này; d) ước muốn cống hiến một giáo huấn vốn không mất mát đi cái vẻ sáng ngời của nó qua giòng thời gian, trong một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằng những đổi thay rất nhanh chóng và sâu rộng về phương diện xã hội, kinh tế và chính trị.

Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội này bao gồm một cái nhìn tổng quan tất cả cơ cấu nền tảng của bộ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo giảng dạy về xã hội. Đáp ứng lời đề nghị thẩm quyền của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở khoản số 54 trong tông huấn hậu thượng hội giám mục về “Giáo Hội ở Mỹ Châu”, bản văn kiện này trình bày “một cách trọn vẹn và có phương pháp, cho dù một cách tổng quát, giáo huấn về xã hội của Giáo Hội là hoa trái của việc Huấn Quyền thận trọng suy tư và là việc bày tỏ cho thấy Giáo Hội liên lỉ dấn thân trung thành với ơn cứu độ được thể hiện nơi Chúa Kitô cũng như nơi việc ưu ái quan tâm đến vận mệnh của nhân loại” (Tổng Lược, đoạn 8).

Cuốn Tổng Lược này có một bố cục giản dị và dễ hiểu. Sau đoạn dẫn nhập là 3 phần chính. Phần thứ nhất gồm có 4 chương, bàn về những ý niệm căn bản cần phải có đối với Giáo Huấn Về Xã Hội, như dự án yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và xã hội, sứ vụ của Giáo Hội và bản chất của giáo huấn về xã hội, ngôi vị con người và các thứ nhân quyền, các nguyên tắc và giá trị của Giáo Huấn Về Xã Hội.

Phần thứ hai gồm có 7 chương, bàn về nội dung bao gồm cùng những đề tài vốn có nơi giáo huấn về xã hội, như gia đình, việc làm của con người, đời sống kinh tế, cộng đồng chính trị, cộng đồng quốc tế, môi trường và hòa bình.

Phần thứ ba, phần rất ngắn, chỉ có một chương duy nhất, bao gồm một loạt những đề nghị đối với việc sử dụng Giáo Huấn Về Giáo Hội trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như trong đời sống Kitô hữu, nhất là đời sống của người tín hữu giáo dân. Đoạn đúc kết, mang tựa đề “Cho Một Nền Văn Minh Yêu Thương”, là một diễn tả nói lên mục đích chính yếu của toàn bộ văn kiện này.

Tác phẩm được kèm theo với nhiều phân mục giúp cho việc tham khảo được dễ dàng và hữu dụng.

Cuốn Tổng Lược này có một mục đích đặc biệt và có những đặc tính của những mục tiêu được nói đến ở khoản số 10 trong đoạn Dẫn Nhập. Bộ văn kiện này “được trình bày như là một dụng cụ giúp vào việc nhận thức về luân lý và mục vụ đối với các biến cố phức tạp đánh dấu thời đại chúng ta đây; như là một bản hướng dẫn để tác động, ở cả lãnh vực cá nhân cũng như cộng đồng, những thái độ và những quyết chọn giúp cho tất cả mọi người có thể tràn đầy tin tưởng và hy vọng hơn khi nhìn về tương lai; như là một phương trợ cho người tín hữu liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội về phương diện luân lý xã hội” (Bộ Tổng Lược, khoản số 10).

Ngoài ra cuốn sách này còn là một dụng cụ tổng hợp nhắm đến mục đích thực sự là cổ võ “những đường lối mới hợp với những đòi hỏi của thời đại chúng ta đây để đáp ứng những nhu cầu và phương tiện của con người. Thế nhưng, trước hết là động lực muốn tái nhận thức ơn gọi xứng hợp với các đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội được ban tặng để thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa lãnh vực xã hội, vì ‘hết mọi phần tử của Giáo Hội đều là những người tham phần vào chiều kích trần thế ấy’ (1)” (Bộ Tổng Lược, khoản số 10).

Một điểm đáng được nhấn mạnh, vì nó xuất hiện ở các phần khác nhau trong bộ văn kiện này, đó là vấn đề sau đây: tập văn kiện này được trình bày như là một dụng cụ để nuôi dưỡng việc đối thoại đại kết và liên tôn của người Công Giáo với tất cả những ai thành tâm tìm kiếm sự thiện của nhân loại. Thật vậy, chủ trương này đã được đề cập đến ở khoản số 12, cho thấy bộ văn kiện đây “cũng nhắm đến cả những anh chị em thuộc các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội khác, đến các môn đồ thuộc các tôn giáo khác, cũng như đến tất cả mọi người thiện chí muốn dấn thân phục vụ công ích”.

Thật vậy, Giáo Huấn Về Xã Hội được nhắm đến một thành phần độc giả phổ quát, ngoài thành phần độc giả được giáo huấn này chính thức và đặc biết nhắm tới là con cái nam nữ của Giáo Hội. Ánh sáng của Phúc Âm, một ánh sáng được Giáo Huấn Về Xã Hội này làm sáng tỏ nơi xã hội, soi chiếu hết mọi người; hết mọi lương tri và hết mọi lý trí đều có thể nắm được ý nghĩa cùng với các giá trị sâu xa về nhân bản được bày tỏ nơi giáo huấn này, cũng như thấu triệt được tầm vóc viên mãn của nhân tính và nhân đạo được chất chứa nơi các qui tắc tác hành của giáo huấn ấy.

Cuốn Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội hiển nhiên trước hết là những gì liên quan tới những người Công Giáo, vì “thành phần tiếp nhận đầu tiên Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội là cộng đồng Giáo Hội với tất cả mọi phần tử của mình, vì mọi người đều cần phải chu toàn các trách nhiệm về xã hội của mình. Trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa, tức là trong công việc giảng dạy, giáo lý và huấn luyện được Giáo Huấn Về Xã Hội Của Giáo Hội hướng dẫn, giáo huấn này là những gì được ngỏ cùng hết mọi Kitô hữu, cùng từng người Kitô hữu theo khả năng, đặc sủng, vai trò và sứ vụ loan truyền hợp với mỗi người” (Tổng Lược, khoản số 83).

Giáo Huấn Về Xã Hội cũng bao gồm trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng, tổ chức và phần hành của xã hội nữa, đó là những nhiệm vụ về chính trị, kinh tế và quản trị, hay những nhiệm vụ có tính cách trần thế thuộc riêng về thành phần tín hữu giáo dân vì bản chất trần thế nơi bậc sống và ơn gọi của họ. Vì trách nhiệm này mà người giáo dân cần phải áp dụng thực hành Giáo Huấn Về Xã Hội để làm trọn sứ vụ trần thế của Giáo Hội.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 25/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc về vấn đề Dung Nhượng và Chiến Đấu chống lại Nạn Chủng Tộc và Bài Ngoại

Hôm Thứ Ba 14/9/2004, ĐTGM Michael Fitzgerald, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, đã bày tỏ lập trường của Tòa Thánh tại Brusselss ở Hội Nghị Về Việc Dung Nhượng và Cuộc Chiến Đấu Chống Nạn Chủng Tộc, Bài Ngoại và Kỳ Thị của Tổ Chức Về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.

Thưa Bà Điều Hợp cùng Tôn Vị Đại Biểu,

Với tư cách là Chủ Tịch của Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn, tôi xin hợp với các vị phát ngôn viên trước đây để chúc mừng Chính Phủ Bỉ Quốc về việc điều hợp Cuộc Hội Nghị Quốc Tế này về một đề tài rất quan trọng và tinh tế, một đề tài đã được OSCE đặc biệt chú trọng từ Công Đồng Thừa Tác Vụ Porto năm 2002.

Tất cả chúng ta đều quá biết rằng những căn gốc của nạn chủng tộc, bài ngoại, kỳ thị và bất dung nhượng là ở chỗ vô ý thức, thành kiến và hận thù, những điều thường phát xuất từ việc giáo dục sai lầm và què cụt, cũng như từ việc lạm dụng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Vai trò của việc giáo dục như là một “thứ việc làm tốt cần phải được cổ võ” trong việc chiến đấu chống lại những sự dữ ấy là một vai trò trọng yếu. Nó cống hiện một cơ hội đặc biệt để trình bày, nhất là với giới trẻ, một số những giá trị chính yếu, như mối hiệp nhất loài người, phẩm vị bình đẳng của tất cả con người ta, tình liên đới thắt kết tất cả mọi phần tử của gia đình nhân loại lại với nhau. Bởi thế, cần phải thực hiện việc liên tục thanh tra, và sửa sai nếu cần, những thứ trình bày trong các sách giáo khoa được sử dụng ở các học đường. Những chương trình của các tổ chức giáo dục thực sự phải truyền đạt một thứ kiến thức khách quan về các nền văn hóa khác nhau, cũng như cần phải khuyến khích các thế hệ mới chú ý tới những truyền thống khác nhau về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa ở miền đất riêng của họ, ở địa lục Âu Châu và thật ra ở toàn thế giới. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nhấn mạnh rằng việc giảng dạy về tôn giáo nói riêng có thể mang lại niềm hy vọng là loài người có một khả năng thực sự sống chung với nhau một cách đoàn kết và an bình.

Về vấn đề này, Giáo Hội Công Giáo, qua nhiều thế kỷ và ở mọi châu lục, đã đóng một vai trò hết sức chủ động “trên khấu trường”. Trung thành với những giá trị hằng được ấp ủ, Giáo Hội thi hành sứ vụ giáo dục của mình để phục vụ mọi người và con người toàn diện. Ở nhiều xứ sở, nơi đa số không phải là Kitô hữu, các học đường Công Giáo là nơi trẻ em và giới trẻ thuộc các tín ngưỡng khác nhau, các nền văn hóa khác nhau, tầng lớp xã hội khác nhau và sắc tộc khác nhau, giao tiếp với nhau và được giáo dục với nhau. Điều này cũng xẩy ra cả ở những vùng thuộc các xứ sở đa số là Kitô hữu, nhưng cũng bao gồm cả một sự hiện diện quan trọng của các cộng đồng đức tin khác nữa.

Bản Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” về những mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo với những tôn giáo khác đã nhấn mạnh rằng: “chúng ta không thể nào thực sự cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người mà lại không đối xử huynh đệ với bất cứ một người nào (…) Bởi thế, thật là vô lý đối với bất cứ một lý thuyết hay thực hành nào dẫn tới việc kỳ thị giữa con người với nhau, hay giữa dân tộc với nhau, nếu còn quan tâm tới phẩm vị con người của họ cùng với các quyền lợi từ đó mà ra”. (Nostra Aetate, 5).

Căn cứ vào những gì đã được đề cập đến, Tòa Thánh tin rằng việc giáo dục cũng như việc dấn thân chống lại vấn đề kỳ thị cần phải được căn cứ vào những căn cớ được Liên Hiệp Quốc và OSCE hiện nay đồng ý với nhau về vấn đề kỳ thị. Những nỗ lực nới rộng những thứ loại căn cớ ấy để bao gồm cả những căn cớ đối chọi với cả hệ thống pháp luật, với văn hóa và với các truyền thống tôn giáo của phần đông đa số các phần tử ở Liên Hiệp Quốc và ở OSCE, là những gì tỏ ra thiếu tôn trọng, thậm chí tỏ ra bất chấp những truyền thống ấy. Những nỗ lực này tương phản với những gì đã được ấn định bởi Hội Nghị Vienna năm 1993 về nhân quyền (cf. Vienna Declaration, para. 5).

Ngoài ra, việc tôn trọng căn tính đạo giáo của mỗi cá nhân đòi phải có một sự giáo dục hướng dẫn về một số kiến thức liên quan tới tính cách chuyên biệt của các Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo, so với các tổ chức thuộc xã hội dân sự là những tổ chức không tương đương với các tổ chức tôn giáo trên đây. Những cộng đồng tôn giáo đóng góp cho văn hóa của các xã hội chúng ta sống cũng như cho luận đề về dân chủ ở chính những xã hội này, thế nhưng các cộng đồng tôn giáo ấy còn vạch vẽ cho thấy một chiều kích thiêng liêng là những gì không phải tất cả mọi người đều nhận thấy song có một tầm mức quan trọng tỏ tường đối với cuộc sống của thành phần công dân. Hơn nữa, cái căn tính đặc biệt của các cộng đồng tôn giáo còn ở chỗ không được mang những giá trị của các cộng đồng ấy ra tính toán, căn cứ vào qui chuẩn chính trị được chấp thuận một cách thiếu nghiêm chỉnh từ những tiêu chuẩn được sử dụng để thẩm giá những loại hiệp hội khác. Truyền thông có một trách nhiệm nặng nề ở đây, và trở thành một nguồn hữu dụng cho việc kiến tạo nên sự nhận thức về tính chất chuyên biệt này để làm cho tính chất ấy được tôn trọng.

Đối với căn tính ấy, tôi muốn sau hết nhấn mạnh rằng khi nó được thực hiện một cách đứng đắn việc giáo dục về sự tôn trọng và tương nhượng thì không có nghĩa là bao gồm việc hạ giá những nguyên tắc nền tẳng của mọi tôn giáo và văn hóa xuống tầm mức mẫu số chung thấp nhất. Như Bản Tuyên Ngôn UNESCO về Việc Dung Nhượng đã chủ trương, thì Việc Dung Nhượng không có nghĩa là từ bỏ những nguyên tắc của mình hay làm suy yếu việc gắn bó của con người với những nguyên tắc ấy. Việc giáo dục về sự tương nhượng, kể cả qua phương tiện truyền thông, tức là giáo dục việc thực thi quyền tự do gắn bó với niềm xác tín của con người, trong khi vẫn chấp nhận rằng những người khác vẫn được gắn bó với những niềm xác tín của họ nữa, cũng như tôn trọng những việc thực hành tương xứng với niềm tin đạo giáo của mỗi người, miễn là những thực hành ấy không vi phạm đến quyền lợi của người khác, hay với nền an ninh quốc gia, với sức khỏe quần chúng hay với luân lý.

Xin cám ơn Bà Điều Hợp Viên.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 24/9/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 


GIÁO HỘI HIỆN THẾ