GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 28  THỨ NĂM

  

Giầu Sang Cũng Không Cứu Được Con Người

(ĐTC GPII: Loạt Bài Giáo Lý về Việc Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh, Bài 123, Thứ Tư 27/10/2004, Thánh Vịnh 48 [49]: 14-21, Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
 

1.     Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều sắp xếp bài Thánh Vịnh 48 (49), bài thánh vịnh có tính chất khôn ngoan, mà chúng ta vừa nghe phần thứ hai (x câu 14-21). Như trong phần thứ nhất (x câu 1-13), phần chúng ta đã chia sẻ, phần thứ hai này của bài Thánh Vịnh cũng lên án cái ảo vọng xuất phát từ thứ ngẫu tượng giầu sang. Đây là một trong những chước cám dỗ liên lỉ ở nơi loài người: dính bén với tiền bạc, coi nó như là những gì được phú cho không thể nào dứt bỏ; nó lôi kéo con người ta đến chỗ nghĩ rằng “cũng có thể mua được cả sự chết”, bằng việc loại trừ nó khỏi bản thân mình.

2.     Thực tế cho thấy, bằng khả năng của mình, sự chết vẫn xẩy ra để hủy hoại tất cả mọi ảo ảnh, quét sạch mọi trở ngại, hạ bệ tất cả mọi thứ tự tin (x câu 14) và đưa cả thành phần giầu sang lẫn nghèo khổ, thành phần chủ nhân ông lẫn tôi tớ, thành phần ngu xuẩn lẫn khôn ngoan sang đời sau. Sống động thay hình ảnh được tác giả Thánh Vịnh phác tả khi cho thấy sự chết như là một mục tử, bằng bàn tay mạnh mẽ, dẫn dắt đàn lũ tạo sinh khả hoại (x câu 15). Bởi thế bài Thánh Vịnh 48 (49) gợi cho chúng ta suy nghĩ một cách thực tế và nghiêm trọng về sự chết, cái cùng điểm nồng cốt bất khả tránh của đời sống con người.

Chúng ta thường tìm hết cách để tránh né thực tại này, loại trừ nó ra khỏi chân trời tâm tưởng của mình. Thế nhưng, nỗ lực này, ngoài tính cách vô ích của nó, còn là những gì không thích hợp nữa. Thật thế, việc suy niệm về sự chết là những gì bổ ích, vì nó tương đối hóa rất nhiều thực tại phụ thuộc là những thực tại mà tiếc thay chúng ta lại tuyệt đối hóa chúng, như thực sự xẩy ra liên quan đến giầu sang, thành đạt, quyền thế. Đó là lý do, Sirach, một con người khôn ngoan trong Cựu Ước đã khuyên nhủ rằng: “Nơi bất cứ những gì mình làm, các người hãy nhớ đến ngày cuối cùng của mình thì các người sẽ không bao giờ phạm tội” (7:36).

3.     Thế nhưng, trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, có một điểm quặt quan trọng. Nếu tiền bạc không thành công trong việc “chuộc cứu chúng ta” khỏi tử thần (Ps 48 [49]:8-9), song vẫn có vị có thể cứu chúng ta khỏi chân trời mù mịt và thê thảm. Thật vậy, Thánh Vịnh Gia nói: “Thế nhưng Thiên Chúa sẽ cứu mạng sống của tôi, sẽ giải cứu tôi khỏi mãnh lực của Âm Phủ” (câu 16).

Nhờ đó, chân trời hy vọng và bất tử hiện lên cho con người công chính. Để trả lời cho vấn nạn được nêu lên ở đầu bài Thánh Vịnh này (“tại sao tôi lại sợ hãi?”: câu 6), giờ đây câu đáp sẽ là: “Đừng lo sợ khi kẻ khác được giầu có” (câu 17).

4.     Con người công chính, về lịch sử thì nghèo khổ và hèn hạ, khi tiến đến biên giới sau hết của cuộc đời thì chẳng có sản vật nào, không có gì làm “giá chuộc” hầu cản ngăn tử thần và vuột khỏi vòng tay lạnh lùng của hắn. Thế nhưng, bấy giờ mới xẩy ra sự lạ lùng, đó là chính Thiên Chúa rat ay cứu chuộc và giật kẻ tín trung của mình khỏi bàn tay tử thần, vì chỉ một mình Ngài mới thắng được tử thần là những gì loài người bất khả chuyển lay.

Vì lý do ấy mà Thánh Vịnh Gia kêu mời chúng ta “đừng sợ” và đừng ghen với người giầu là thành phần vốn lên mặt hơn nơi vinh hiển của họ (ibid.), vì khi tử thần xuất hiện, họ sẽ bị tước đoạt tất cả, họ sẽ không thể mang theo mình vàng bạc, danh tiếng hay thành đạt (câu 18-19). Trái lại, thành phần tín nghĩa sẽ không bị Chúa bỏ rơi, Đấng sẽ chỉ cho họ “con đường sự sống, tràn đầy hân hoan trước nhan Chúa, những sướng vui ở bên tay hữu Chúa đến muôn đời” (x Ps 15 [16]:11).

5.     Vậy chúng ta có thể, bằng việc đúc kết bài suy niệm khôn ngoan về Thánh Vịnh 48 (49), trịnh trọng công bố những lời của Chúa Giêsu, Đấng tỏ cho chúng ta một thứ kho tàng thực sự đối lại sự chết: “Đừng thu tích cho mình những kho tàng trên mặt đất này, nơi mối mọt và hư hoại hủy được và trộm cắp lấy mất. Nhưng hãy thu tích những kho báu trên trời, nơi mối mọt và hư hoại không hủy được và trộm cắp không lấy mất. Vì kho tàng của các con ở đâu thì lòng của các con cũng ở đó” (Mt 6:19-21).

6.     Theo ý nghĩa những lời của Chúa Kitô, Thánh Ambrôsiô, trong bài Dẫn Giải Thánh Vịnh 48 (49), đã xác định một cách rõ ràng và mạnh mẽ tính cách bất nhất của những thứ giầu sang: “Chúng chỉ là tất cả những gì tiêu tán và chúng đi nhanh hơn chúng đến. Một kho tàng như thế chỉ là một giấc mơ. Các người tỉnh giấc thì nó đã biến mất rồi, vì con người có thể hồi tỉnh trước cơn mê say thế gian này mà dấn thân thi hành các nhân đức, khinh thường tất cả những điều ấy và coi nhẹ tiền bạc của cải” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 23: Saemo, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 275).

7.     Bởi thế, vị giám mục thành Milan này đã khuyến khích chúng ta đừng để mình bị thu hút bởi giầu sang và vinh quang phàm trần: “Đừng sợ khi người ta trở nên giầu có, khi vinh quang nhà của họ gia tăng! Hãy biết để làm sao chuyên chú nhìn một cách sâu xa thì cái đó sẽ dường như là những thứ trống rỗng đối với các người nếu nó không có được một chút đức tin trọn vẹn”. Thật vậy, trước khi Chúa Kitô xuất hiện thì con người đã bị hư hoại và rỗng không: “Cái sa đọa hư hoại của Adong xưa đã làm chúng ta trở thành rỗng tuyếch, thế nhưng ân sủng của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được tràn đầy. Người đã hủy mình ra như không để làm cho chúng ta nên tràn đầy và làm cho tầm vóc viên trọn về nhân đức lưu ngụ nơi xác thịt của con người”.

Thánh Ambrôsiô đã kết luận khi nói rằng chính vì lý do này mà chúng ta giờ đây có thể kêu lên như Thánh Gioan: ‘Tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ sự viên mãn của Người tràn đầy hồng ân’ (Jn 1:16)” (ibid.)

Anh Chị Em thân mến,

Bài giáo lý hôm nay là bài chia sẻ về phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 48. Trong bài Thánh Vịnh này, chúng ta nghe thấy được lời lên án mạnh mẽ những ai ngẫu tượng hóa giầu sang phú quí mà bỏ mất Thiên Chúa.

Một trong những chước cám dỗ liên lỉ của nhân loại đó là việc dính bén với tiền bạc, với niềm hy vọng sai lầm là nó thậm chí có thể cứu được họ khỏi tay tử thần.

Trong thế giới ngày nay, có những lúc chúng ta cố xao lãng cái chết chóc của mình. Bởi thế cần phải nhớ lại rằng việc cẩn thận suy niệm bằng cả đức tin về định mệnh sau cùng của con người sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người công chính, ngay cả trong giờ lâm tử. Thật vậy, Thiên Chúa mở rộng chân trời hy vọng và trường sinh bất tử cho những người tín nghĩa của Ngài.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 27/10/2004.
 

ĐTC GPII cầu nguyện cho Iraq: Tình Hình Kitô Hữu Iraq Hiện Tại và Tương Lai  

Trước khi kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần hôm này, Thứ Tư 27/10/2004, với 20 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô trong mưa gió ướt át, ĐTC GPII đã bày tỏ lòng Ngài luôn để ý tới nhân dân Iraq như sau:

“Hằng ngày Tôi nguyện cầu cho nhân dân Iraq thân yêu đang cố gắng tái thiết các cơ cấu cho xứ sở của họ. Tôi cũng mời gọi Kitô hữu hãy tiếp tục quảng đại góp phần cần thiết của mình cho việc hòa giải các tâm can con người”.

Ngài đã cho biết Ngài “thông cảm với nỗi sầu thương của các gia đình nạn nhân cũng như với những khổ đau của thành phần bị bắt làm con tin và tất cả những ai vô tội trở thành mồi ngon cho cái dã man mù quáng của nạn khủng bố”.

Có cả trăm người dân Iraq và khoảng 20 ngoại kiều đã bị bắt cóc. Ít là 37 con tin ngoại quốc đã bị sát hại trong những tháng qua.

Trong khi đó, tại Iraq, Elias, một người trẻ Iraq ở thủ đô Baghdad, đã cho cơ quan Fides của Vatican đặc trách về các việc truyền giáo hải ngoại biết về tình hình sống đạo và hành đạo ở Iraq hiện nay như sau.

“Những người Kitô hữu Iraq buộc phải cử hành Thánh Lễ ở dưới hầm nhà thờ. Họ liên tục sống trong lo sợ bị sát hại. Chúng tôi không thể rời nhà vì đường xá đầy nguy hiểm. Ngày đêm lúc nào cũng có mìn nổ và đại pháo do nhóm khởi nghĩa tấn công vào người Hoa Kỳ cũng như vào tất cả những ai làm việc với chính phủ”.

Theo những gì được con người trẻ này diễn tả thì tại Iraq hiện nay đang có “một cuộc nội chiến thực sự” với đầy những chết chóc hằng ngày xẩy ra cho “cảnh sát, quân nhân và thường dân Iraq”.

“Khi một trong những người Kitô hữu chúng tôi rời nhà thì không ai biết được họ có bằng an và lành mạnh trở về nhà hay chăng. Gia đình Kitô hữu lo sợ cho con cái và nữ giới của mình. Đó là lý do nhiều gia đình đã đào thoát khỏi xứ sở. Sau cuộc tấn công đầu tiên vào các nhà thờ ở Baghdad, có hơn 4 ngàn gia đình Kitô hữu đã đào thoát sang Syria và Jordan. Số tín hữu khác nói rằng họ muốn ở lại và không sợ chết. Trong lịch sử Iraq đã từng có những cuộc sát hại cộng đồng Kitô Giáo rồi. Vào năm 1915, ở thành phố Kitô Giáo là Mardine thuộc miền bắc nước này, đã xẩy ra một cuộc thanh lọc chủng tộc thực sự. Quí ông bà của tôi đã sống ở đó. Vào khoảng 1950, Kitô hữu đã trải 1ua những cuộc bách hại khác và ngày nay thứ lịch sử thê thảm này đang được tái diễn”.

Thật thế, vào ngày 1/8/2004, có 6 nhà thờ bị tấn công, 4 ở thủ đô Baghdad và 2 ở Mosul, với 17 người bị thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Vào ngày 16/10 cùng năm, 5 nhà thờ nữa ở Baghdad bị nổ bom.

“Giáo dân Kitô hữu chúng tôi còn bị đe dọa vì chúng tôi thường đi nhà thờ để giúp các vị linh mục. Hôm nay đây chúng tôi cử hành Thánh Lễ như các Kitô hữu thời sơ khai, ở dưới hầm nhà thờ, với một con số ít tín hữu can trường. Chúng tôi đang sống trong những hang toại đạo tân thời”.

Elias đã mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng thế giới và Giáo Hội hoàn vũ hãy làm “một điều gì đó để giải quyết tình trạng bất khả chịu đựng này cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình và yên hàn mà thôi!”

“Những tay cực thủ Hồi Giáo ,uốn tẩy chay chúng tôi ra khỏi Iraq vì họ nói rằng Iraq là mảnh đất của người Hồi Giáo. Họ khinh bỉ gọi chúng tôi là ‘thành phần thập tự quân’. Những nhóm cực đoan lôi kéo tín đồ Hồi Giáo khác và họ thường được thúc đẩy bởi những vị lãnh đạo của họ. Tôi tin rằng 80% thành phần thông thạo Hồi Giáo là những tay thuyết giảng hận thù đầy cực thủ. Tình trạng này rất ư là trầm trọng. Nếu tiếp tục chiều hướng này thì thảm thay Iraq chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn người Kitô hữu”.

Kitô giáo ở Iraq thuộc về nhóm theo lễ nghi Assyrian-Chaldean, là nhóm chủng tộc đông thứ ba ở Iraq, sau nhóm người Ả Rập và người Kurds. Tổng số Kitô hữu là 800 ngàn người, chiếm 3% tổng số dân. Trong số Kitô hữu có Công Giáo và Chính Thống Giáo, Kitô hữu theo lể nghi Chaldean đã hiệp với với Giáo Hội Công Giáo Rôma chiếm 70%.
 

ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin về Việc Tạo Sinh Sao Bản Con Người và Trào Lưu Tục Hóa

ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, hôm Thứ Hai 25/10/2004, trong cuộc tranh luận với giáo sư Ernesto Galli della Loggia chuyên khoa lịch sử về các giáo điều chính trị và là cây viết của tờ nhật báo Corriere della Sera, đã chủ trương là việc tạo sinh sao bản con người còn nguy hiểm hơn cả các thứ vũ khí đại công phá.

“Con người có khả năng sản xuất ra một con người khác trong phòng thí nghiệm, một con người bởi thế không còn là một tặng ân của Thiên Chúa hay của thiên nhiên nữa. Họ có thể được chế tạo, và giống như họ có thể được chế tạo, họ cũng có thể bị hủy hoại…”.

Theo ngài, nếu đó là quyền lực của con người thì họ trở nên một mối đe dọa nguy hiểm còn hơn là các thứ vũ khí đại công phá nữa”.

Vị hồng y này bộc lộ những phán đoán rất nghiêm khắc đối với trào lưu tục hóa của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang diễn tiến, khi nói thêm rằng “chủ nghĩa thực chứng (positivism) về nhân quyền có lẽ đủ cho một Bản Hiến Pháp nhưng lại không đủ cho cuộc tranh luận về văn hóa của chúng ta đây”.

Ngài tấn công trào lưu tục hóa như là một thứ chủ nghĩa thực chứng dẫn đến tương đối thuyết. Và nếu tương đối thuyết “trở thành tuyệt đối, nó trở thành tự mâu thuẫn và hủy hoại hành động của con người”.

“Vấn đề được đề cập đến là Bản Hiến Pháp Âu Châu không thể đề cập đến các căn gốc Do Thái Kitô Giáo vị là những gì phạm đến Hồi Giáo. Thế nhưng, những gì phạm đến Hồi Giáo chính là tỏ ra khinh thường Thiên Chúa, là cái ngạo main của lý trí đưa đến chủ nghĩa cực thủ”.

Âu Châu là một đại lục ánh sáng, đại lục của sức mạnh lý trí, “nên nó là một tặng ân cần phải được bênh vực. Thế nhưng, thành phần tục hóa chủ nghĩa cũng cần phải làm sao để có thể chấp nhận cái xương sống nơi xác thịt của họ nữa”.

Vị hồng y này đã phân biệt giữa trào lưu tục hóa và lý trí như thế này: “Trào lưu tục hóa là một ý hệ thiên lệch không thể đáp ứng những thách đố quyết liệt của con người. Chỉ cần nghĩ đến những thiệt hại gây ra bởi chủ nghĩa Cộng Sản, hay bởi việc nhổ tận gốc rễ tầm vóc luân lý của tổ tiên nơi các quốc gia Phi Châu, nạn nhân của chiến tranh và hội chứng liệt kháng”.

“Lý trí không phải là kẻ thù của đức tin, mà trái lại. Vấn đề chỉ xẩy ra khi nó khinh thường Thiên Chúa cũng như những gì là linh thánh”.

Đối với vấn đề tự do, vị hồng y tổng trưởng này cho biết ngày nay nó được hiểu theo ý nghĩa cá nhân chủ thuyết, trong khi “con người được tạo dựng nên để đồng chung sống với nhau. Cần phải có một thứ tự do chung dự để có thể bảo toàn được một thứ tự do cho tất cả mọi người chống lại cái tuyết đối hóa của nó”.

Vị giáo sư tranh luận với đức hồng y cũng đồng ý là Âu Châu thiếu chú trọng đến căn gốc Kitô Giáo của mình, vì thái độ tỏ ra “thù hằn đối với thế giới Công Giáo”.

Về vấn đề tự do chung dự, ông nhấn mạnh rằng “không thể là một thứ tự do được phân định chỉ ở chỗ ‘neminem laedere’ (không hại đến người khác); trái lại, trong cuộc công luận, cái cần đó là chú trọng tới chân lý, một cuộc tranh luận về những sự vật, về những gì chân thực và chính đáng mà không nhất thiết phải chấp nhận ý kiến được bàn luận của người khác như một thứ luật lệ”.

Cuộc gặp gỡ tranh luận này được sắp xếp bởi Trung Tâm Hướng Dẫn Chính Trị, được thành lập năm 1999 theo sáng kiến của Gaetano Rebecchini, vị cố vấn cho Quốc Đô Vatican. Trung tâm này có mục đích phấn khích suy tư và suy nghĩ về vă7n hóa liên quan đến các đề tài hiện đại, như luân thường đạo lý với chế độ dân chủ, việc truyền thông và toàn cầu hóa, văn hóa đa dạng và căn tính Kitô Giáo, chế độ dân chủ và thị trường, tiến trình thống nhất Âu Châu và những liên hệ với Hiệp Chủng Quốc.
 

Một Nỗ Lực để Làm Sáng Tỏ Giáo Lý Về Thánh Thể

Trong số những giấy tờ được phổ biến trong Cuôc Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 48 ở Mễ Tây Cơ có một “cuốn Giáo Lý Nhỏ Về Thánh Thể”, một tập sách viết cho trẻ em, rất dễ đọc về hình thức và vững chắc về nội dung. Mạng điện toán toàn cầu Zenit đã phỏng vấn ông Antonia Salzano, chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng Thánh Clement cũng là người nghĩ ra và phát động tập giáo lý này. Zenit đã phổ biến cuộc phỏng vấn này ngày 22/10/2004 như sau:

Vấn:     Tư tưởng viết và phổ biến tập giáo lý nhỏ về Thánh Thể này nẩy lên như thế nào?

Đáp:     Đó là ý nghĩ của tôi. Tôi đã suy nghĩ về quan niệm của dân chúng về Thánh Thể và thấy rằng có nhiều điều hết sức sai lầm.

Tôi đã liên lạc với cha Roberto Coggi, vị giáo sư thần học về tín lý ở Bologna, vị tôi đã nghe nói mấy lần về Thánh Thể, đề nghị với ngài viết một tập giáo lý về Thánh Thể một cách giản dị theo kiểu hỏi thưa.

Vấn:     Đâu là những quan tâm đặc biệt của ông về quan niệm liên quan tới Thánh Thể?

Đáp:     Có nhiều điểm đang được tranh luận. Chẳng hạn, ở một số phân khoa thần học, tôi nghe nói rằng Thánh Thể là một biến cố chủ quan, tức là nếu quí vị tin Chúa Giêsu hiện diện ở đó thì Người hiện diện ở đó, bằng nếu quí vị không tin thì Người không có ở đó.

Tôi cũng nghe nói rằng biến thể là một chữ sai vì điều quan trọng là cộng đồng. Bởi thế, người ta không thể nói về một sự hiện diện thực sự vì điều quan trọng là việc cộng đồng qui tụ lại với nhau, bởi thế, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài cộng đồng là những gì chẳng có nghĩa lý gì cả.

Ngoài ra, nhiều người chủ trương rằng Chúa Giêsu hiện diện nơi Thánh Kinh giống như Người hiện diện nơi Thánh Thể. Chẳng hạn, có nhiều trường hợp, Thánh Thể được trình bày cho trẻ em như là một bữa chiều tối chẳng có tính cách hy tế và hiện diện thực sự của Chúa Kitô gì cả, bởi thế, việc hiệp lễ là một biến cố cộng đồng qui tụ lại với nhau. Tóm lại, một chuỗi những tư tưởng lầm lẫn đã xẩy ra một cách thái quá.

Bởi vậy, tôi mới nẩy lên ý tưởng muốn làm sáng tỏ vấn đề, bằng cách nhấn mạnh tới những sự thật nồng cốt liên quan đến Thiên Chúa cũng như đến thần tính của Chúa Giêsu, nhấn mạnh đến sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể.

Vấn:     Tập sách này chính yếu được viết để dạy cho trẻ em.

Đáp:     Mục đích của tôi đó là xuất bản một tập sách dễ đọc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Trẻ em còn tinh hơn là chúng ta nghĩ nữa. Tất cả đều hỏi làm sao miếng bánh này trở thành Mình Chúa Kitô, nên tập sách nhỏ này, với nhiều hình ảnh, làm cho chúng dễ hiểu hơn.

Vấn:     Tập sách giáo lý nhỏ về Thánh Thể này đã được hình thành ra sao và được phổ biến như thế nào?

Đáp:     Dự án này bắt đầu từ năm 2000. Việc sáng tác và viết lách kéo dài hơn 1 năm. Ấn bản đầu tiên được phổ biến vào năm 2002. Nó đã được in lại mấy lần bằng Ý ngữ bởi nhà xuất bản Edizioni Studio Domenicano ở Bologna.

Bấy giờ chúng tôi mới phổ biến ra cả nước ngoài. Đầu tiên ở Bồ Đào Nha, nơi được môi giới của ĐGM ở Elvas, có một cộng đồng đã dịch sang tiếng Bồ Đào Nha và phổ biến trong nước này.

Hiệp hội ‘Aid to the Church in Need’ ở Bồ Đào Nha đã kiếm được 10 ngàn bản để phổ biến. Sau đó có hai nhóm ở Ba Tây, một trong hai nhóm này là Schoenstatt, đã kiếm được tập sách này và phổ biến trong nước ấy.

Ở Phi Châu, nhất là ở Tanzania, chúng tôi có một dự án hợp tác với các tu sĩ Salêsiô cũng như với các Kitô hữu thuộc cộng đồng Thế Giới, một cộng đồng tu trì theo gương Thánh Alphonsus Mary Liguori.

Chúng tôi cũng đang soạn dọn những ấn bản cho Đông Âu, Rumania và Ukraine. Ấn bản Mễ Tây Cơ được ĐHY Juan Sandoval Iniguez viết lời giới thiệu, và trong phần các thánh tôn sùng Thánh Thể cũng có cả các vị thánh Tử Đạo nước này. Ấn bản ấy đã được phổ biến trong giáo phận của vị hồng y này. Tập giáo lý nhỏ này cũng được phổ biến như là một tập ghi chú thứ 19 của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ấy.

Vấn:     Những phép lạ chính về Thánh Thể đã được bao gồm trong phần phụ lục của tập sách. Tại sao thế?

Đáp:     Chúng tôi đã phổ biến các phép lại được Giáo Hội công nhận. Lý do dễ hiểu thôi. Nhiều người không biết phép lạ Thánh Thể là gì, họ càng không thể tưởng tượng nổi nữa.

Chính sự kiện nhìn nhận các phép lạ này buộc họ phải suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Nhiều người bị thu hút bởi những cuộc hiện ra thực sự hay đồn đại, thế nhưng Thánh Thể là Vị Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta mọi ngày; thế nên, Thánh Thể còn quan trọng hơn là những cuộc hiện ra khác. Đáng buồn thay, nhiều người không biết đến điều này, vì nếu họ biết đến điều ấy, họ sẽ xếp hàng vào nhà thờ, cũng giống như họ xếp hàng đến các đền thánh vậy.

Vấn:     Những phép lạ Thánh Thể nào ông cho là đánh động nhất?

Đáp:     Sự lạ Thánh Thể ở Lanciano, Ý quốc, là một sự lạ kinh hoàng. Phép lạ này là phép lạ lâu đời nhất, từ thế kỷ thứ 8. Các Hình Thánh được thấy biến thành thịt và máu. Đó là một phép lạ bắt khoa học tân tiến phải cúi đầu khắc phục. Việc phân tích bánh thánh được biến thành thịt đã chứng tỏ là đó là mô thịt ở cơ tim.

Phép lạ ở Sienna cũng là một phép lạ kinh hoàng nữa. Những bánh thánh được làm nên bởi bột mì không men, bị lấy trộm rồi được tìm thấy vào Tháng 8/1730, vẫn không biến đổi theo thời gian. Chỉ có những tấm bánh được truyền phép mới còn nguyên không bị hư hao gì, còn những tấm bánh không được truyền phép đều đã bị hư hại theo thời gian.

Khoa học tân thời đã hết sức giải thích hiện tượng này, nhưng đã phải thú nhận rằng đó là một phép lạ. Đối với thành phần tín hữu chúng ta, đó là một sự hiện diện thật sự thường hằng, với các hình dạng đã được bảo trì nguyên vẹn qua 300 năm nay.
 


GIÁO HỘI HIỆN THẾ