GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

 

__________________

 NGÀY 2 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG ĐỨC MẸ MÂN CÔI

  

Cách Thức Cầu Kinh Mân Côi

theo Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria

 

Nếu những ai coi trọng Phụng Vụ đến nỗi đã chẳng những không lần hạt Mân Côi, mà còn thậm chí đả phá truyền thống tốt đẹp này, cho rằng Kinh Mân Côi là một thứ kinh của đàn bà con nít, xin hãy đọc kỹ Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhất là ở đoạn 4 sau đây:

·        “Có một số người nghĩ rằng vai trò chính yếu của phụng vụ đã được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh cần phải tiến đến chỗ làm cho Kinh Mân Côi ít quan trọng đi. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm sáng tỏ, chẳng những kinh nguyện này không tương khắc với Phụng Vụ, kinh này còn bảo dưỡng cho phụng vụ nữa, vì kinh này đóng vai trò dẫn lỗi tuyệt vời tới Phụng Vụ và là một tiếng vang trung thực của Phụng Vụ, giúp tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách trọn vẹn và sâu xa, cũng như giúp cho họ gặt hái được những hoa trái phụng vụ trong đời sống hằng ngày của họ”.

Đúng thế, nếu bản chất của Phụng Vụ là cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là “nhớ đến Thày” (Lk 22:19), thì việc suy niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng Kinh Mân Côi không phải là việc sống phụng vụ, là khát vọng muốn Mầu Nhiệm Chúa Kitô được hiện thực nơi đời sống Kitô hữu của mình hay sao?

Thật vậy, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trọng tâm của Kinh Mân Côi là Chúa Kitô hơn là Mẹ Maria. Bởi thế, Ngài đã minh định bản chất của hành động thực hiện việc cầu nguyện bằng thứ Kinh Nguyện Thánh Mẫu tuyệt diệu này như sau:

·        “Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (đoạn 3);  

·        “Kinh Mân Côi là một trong những đường lối truyền thống của việc Kitô hữu cầu nguyện hướng đến vấn đề chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (đoạn 18).

Đó là lý do, theo cấu trúc của mình, Kinh Mân Côi gồm có hai phần rõ rệt, phần khẩu nguyện là việc đọc kinh, nhất là Kinh Kính Mừng Maria, và phần tâm nguyện là việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, tức các Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Nếu Mầu Nhiệm Mân Côi là Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cốt lõi làm nên Kinh Mân Côi, một kinh nguyện chính yếu lại là Kinh Kính Mừng Maria, thì đọc Kinh Mân Côi mà không suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi sẽ chẳng khác gì như xác không hồn. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lập lại điều này của Đức Thánh Cha Phaolô VI như sau:

·        “Chính vì được bắt nguồn từ cảm nghiệm riêng của Mẹ Maria, Kinh Mân Côi là một kinh chiêm niệm tuyệt hảo. Thiếu chiều kích chiêm niệm này, Kinh Mân Côi sẽ mất đi ý nghĩa của mình, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ tường vạch ra cho thấy điều ấy: ‘Thiếu chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một cái xác không hồn, và việc lần hạt có nguy cơ sẽ trở thành một việc lập đi lập lại theo công thức như máy móc, một việc phạm đến lời cảnh cáo của Chúa Kitô: ‘Khi cầu nguyện chớ lảm nhảm như kiểu của Dân Ngoại, vì họ nghĩ rằng cứ phải nhiều lời thì việc cầu nguyện của họ mới có công hiệu’ (Mt 6:7)” (đoạn 12).

Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy, ngay trong chính Kinh Mân Côi, tức Kinh Kính Mừng Maria, Chúa Giêsu cũng đóng vai chủ chốt nữa:

·        “Trọng tâm nơi Kinh Kính Mừng, cái then chốt thực sự gắn nối hai phần của kinh này lại với nhau đó là tên của Chúa Giêsu. Đôi khi, vì vội vàng lần hạt chúng ta đã không để ý đến trọng tâm này cho lắm, và bởi thế cũng chẳng chú ý tới việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô liên quan đến trọng tâm ấy. Tuy nhiên, chính việc chăm chú đến danh của Chúa Giêsu cũng như đến mầu nhiệm của Người là dấu hiệu chứng tỏ việc lần hạt Mân Côi có ý vị và hiệu quả” (đoạn 33);  

·        “Bằng việc đọc lên những lời của Thiên Thần Gabiên và của bà Thánh Isave trong Kinh Kính Mừng, chúng ta cảm thấy mình liên lỉ được thúc đẩy tìm kiếm lại nơi Mẹ Maria, nơi đôi cánh tay của Mẹ, cũng như nơi trái tim của Mẹ, ‘quả phúc của lòng Mẹ’ (x Lk 1:42)” (đoạn 24).

Chính vì Chúa Giêsu là trọng tâm của Kinh Kính Mừng nói riêng và của Mầu Nhiệm Mân Côi nói chung mà một trong những cách Đọc Kinh Mân Côi (say Rosary), đúng hơn, Cầu Kinh Mân Côi (pray Rosary – ở Fatima Mẹ Maria bao giờ cũng dùng chữ “cầu Kinh Mân Côi” nhấn mạnh đến cõi lòng, chứ không dùng chữ đọc Kinh Mân Côi có vẻ môi miệng bề ngoài), hay trịnh trọng hơn nữa, Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi, đó là chú trọng đến Danh Thánh Giêsu, bằng cách thêm một câu vắn tắt hợp với mỗi mầu nhiệm của chục kinh vào ngay sau tên Chúa Giêsu trong Kinh Kính Mừng. Đây là phương pháp của Thánh Long-Mộng-Phố (Louis Montfort) từ đầu thế kỷ 18, được thánh nhân đề nghị trong cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi, chương nói về “Phương Pháp Thứ Hai”. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại phương pháp đã được thịnh hành này như sau:

·        “Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Marialis Cultus của Ngài, đã để ý đến thói lệ ở một số nơi về việc đề cao tên của Chúa Kitô, bằng cách thêm vào một cụm từ nói đến mầu nhiệm đang được chiêm ngắm. Đây là một thói lệ đáng khen, nhất là khi lần hạt chung. Thói lệ này cho thấy việc bày tỏ mạnh mẽ đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô ở những lúc khác nhau trong cuộc đời của Đấng Cứu Chuộc. Nó đồng thời là một lời tuyên xưng đức tin và còn giúp cho cả việc cầm trí suy niệm của chúng ta nữa, vì nó làm cho tiến trình thấm nhập vào mầu nhiệm Chúa Kitô dễ dàng hơn ở việc lập đi lập lại lời Kinh Kính Mừng. Khi chúng ta lập lại tên Chúa Giêsu – một danh xưng duy nhất đã được ban cho chúng ta để nhờ đó chúng ta hy vọng được cứu rỗi (x Acts 4:12) – đi liền với tên của Vị Thánh Mẫu, một việc hầu như được thực hiện theo ý nghĩ của Mẹ, là chúng ta khởi sự con đường nhắm đến việc giúp chúng ta đi sâu hơn vào đời sống của Chúa Kitô” (đoạn 33).

Ngoài ra, vì Kinh Mân Côi có tính cách chiêm niệm mới có việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng. Thật vậy, một khi lên tới bậc chiêm niệm cao, con người cầu nguyện sẽ đi tới chỗ Cảm Nghiệm Thần Linh trong mọi lúc, đến độ, họ chỉ có thể cầu nguyện bằng lòng hơn bằng lời, tuy nhiên, có những lúc chất ngất, họ cũng có thể thốt lên “những lời than khôn tả” (Rm 8:26), ngắn thôi, ít thôi, nhưng tràn đầy ý nghĩa, tràn đầy ý thức, tràn đầy yêu thương. Kinh Kính Mừng thật sự là một lời than khôn tả, một lời lẽ hợp với Mẹ nhất, cần phải lập đi lập lại, để cùng với Mẹ “đầy ơn phúc”, chẳng những “được Chúa ở cùng” (Lk 1:28) mà còn “có phúc vì đã tin” (Lk 1:45), ở chỗ, lúc nào cũng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, tức cũng tỏ ra “đức tin tuân phục” (Rm 1:5) trước Mạc Khải Thần Linh, dù dung nhan ấy, Con Người Thần Linh ấy có bé nhỏ thấp hèn ở Mầu Nhiệm Mùa Vui, hay có khổ nhục thảm bại ở Mầu Nhiệm Mùa Thương, một Mầu Nhiệm Vượt Qua thậm chí đã làm lay chuyển tận gốc đức tin của các vị tông đồ chứng nhân tiên khởi. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác nhận tính cách tái lập Kinh Kính Mừng theo chiều hướng chiêm niệm này như sau:

·        “Việc suy niệm các mầu nhiệm Chúa Kitô nơi Kinh Mân Côi được thực hiện bằng phương pháp giúp cho những mầu nhiệm này thấm nhập. Đó là phương pháp căn cứ vào việc lập đi lập lại. Phương pháp này áp dụng nhất là cho Kinh Kính Mừng, được lập lại 10 lần ở mỗi chục. Nếu nông cạn suy nghĩ về việc lập đi lập lại này sẽ có khuynh hướng thấy rằng Kinh Mân Côi là một việc làm khô khan và nhàm chán. Tuy nhiên, vấn đề lại hoàn toàn khác hẳn, một khi Kinh Mân Côi được cho như là việc tuôn tràn một thứ yêu thương không ngừng trở về với người được yêu, bằng những bày tỏ như nhau ở nội dung của chúng, nhưng mới mẻ hơn, với đầy cảm nhận trong những lời bày tỏ này” (đoạn 26).

Tuy nhiên, chính vì Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm, chiêm niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô, chiêm niệm những mầu nhiệm cao cả chứ không phải tầm thường, mà Kitô hữu có thể hay cần phải thực hiện thêm ba điều bề ngoài sau đây: hình ảnh tượng hình hợp với mỗi mầu nhiệm, tuyên bố Lời Chúa cho từng mầu nhiệm, và thinh lặng sau khi nghe công bố mỗi mầu nhiệm. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc đến ba tác động bề ngoài hữu ích này, như đã được đề cập đến ở lời mở đầu là:

·        “Việc công bố mỗi một mầu nhiệm, thậm chí có thể dùng một ảnh tượng xứng hợp nào đó về mầu nhiệm này, thực sự là việc mở ra cho thấy một thảm kịch cần chúng ta phải chú ý tới” (đoạn 29);  

·        “Để có một nền tảng Thánh Kinh và suy niệm sâu xa hơn, cần phải theo dõi việc công bố mầu nhiệm bằng việc loan báo một đoạn Thánh Kinh liên hệ với từng mầu nhiệm, dài hay ngắn cũng được, tùy hoàn cảnh cho phép” (đoạn 30);  

·        “Sau việc công bố mầu nhiệm và loan báo lời Chúa cần phải dừng lại một khoảng thời gian thích hợp để chú tâm đến mầu nhiệm liên hệ trước khi bước sang phần khẩu nguyện. Việc nhận thức ra tầm mức quan trọng của sự thinh lặng là một trong những bí quyết của việc thực hành chiêm niệm và suy niệm… Như những giây phút thinh lặng được khuyên giữ trong Phụng Vụ thế nào, trong việc lần hạt Mân Côi cũng thế, cũng cần thinh lặng một chút sau khi nghe lời Chúa để tâm trí chúng ta chú ý đến nội dung của mầu nhiệm được công bố” (đoạn 31).

Thế nhưng, nếu Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm, chiêm niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Con của Mẹ Maria, mà không ai biết Con bằng Mẹ, gắn bó với Con bằng Mẹ, chiêm niệm Con như Mẹ, thì không còn cách nào hay hơn, tuyệt hơn trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng cách với Mẹ Maria, với chính con mắt của Mẹ. Đây là điểm nổi bật nhất trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, một phương pháp và là một tác động Cầu Kinh Mân Côi, Lần Hạt Mân Côi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy thực hiện:

·        “Việc chiêm ngắm Chúa Kitô đã được thể hiện nơi một mô phạm khôn sánh là Mẹ Maria. Dung nhan của Người Con này đặc biệt thuộc về Mẹ Maria. Chính trong cung lòng của Mẹ mà Chúa Kitô đã được hình thành, khi Người nhận lấy từ nơi Mẹ một hình ảnh giống như con người, một hình ảnh cho thấy cái giống nhau về thiêng liêng còn hơn thế nữa. Không một ai đã từng chú trọng vào việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành cho bằng Mẹ Maria. Ánh mắt của trái tim Mẹ đã hướng về Người vào lúc Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Người bởi quyền phép Thánh Linh. Vào những tháng sau đó, Mẹ bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của Người và mường tượng thấy được những đường nét của Người. Cho đến khi Mẹ hạ sinh Người ở Bêlem, đôi mắt của Mẹ trìu mến nhìn vào dung nhan Người Con của Mẹ, khi Mẹ ‘bọc Người trong khăn và đặt Người nằm vào máng cỏ’ (Lk 2:7). Sau đó, ánh mắt đầy kính tôn và suy tưởng của Mẹ Maria không bao giờ xa lìa Người. Có những lúc nó là một cái nhìn thắc mắc, như trong trình thuật tìm thấy Người trong Đền Thờ: ‘Hỡi Con, sao con lại đối xử với chúng tôi như vậy?’ (Lk 2:48); nó bao giờ cũng là một cái nhìn thấu suốt, một cái nhìn có khả năng thấu triệt được Chúa Giêsu, cho đến độ nhận thấy được cả những xúc cảm kín đáo của Người và tiên vọng được cả những quyết định của Người, như ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:5). Có những lúc nó là một cái nhìn sầu bi, nhất là ở dưới chân cây Thập Giá, nơi mà cái nhìn của Mẹ cũng giống như cái nhìn của một người mẹ đang lâm bồn sinh con, vì Mẹ Maria chẳng những thông phần khổ nạn và tử nạn với Con Mẹ, mà còn nhận lấy một người con mới được trao phú cho Mẹ nơi bản thân của người môn đệ Chúa Giêsu yêu (x Jn 19:26-27). Vào buổi sáng lễ Phục Sinh, cái nhìn của Mẹ là một ánh mắt rạng ngời niềm vui Phục Sinh, và sau hết, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cái nhìn của Mẹ là một ánh mắt bừng sáng khi Thần Linh được tuôn đổ xuống (x Acts 1:14)” (đoạn 10);

Tóm lại, nếu Kinh Mân Côi Thật là một kinh nguyện chiêm niệm tuyệt hảo thì cách thức, phương pháp hay đường lối Cầu Kinh Mân Côi hay nhất là “cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (đoạn 3). Bởi vì:

·        “Mẹ Maria đã sống động bằng đôi mắt gắn chặt vào Chúa Kitô, lưu giữ hết mọi lời Người nói: ‘Mẹ giữ lấy tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng’ (Lk 2:19; x 2:51). Những ký ức về Chúa Giêsu được in sâu trong lòng Mẹ ấy luôn luôn ở với Mẹ, khiến cho Mẹ suy nghĩ vào những giây phút khác nhau của cuộc đời Mẹ ở bên Con Mẹ. Những điều Mẹ tưởng niệm này có thể được coi như ‘kinh mân côi’ Mẹ không ngừng lần suốt cuộc sống trần gian của Mẹ” (đoạn 11).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


ĐTC GPII gửi Sứ Điệp cho Hội Nghị Liên Tôn Hòa Bình XVIII về “Các Tôn Giáo và Văn Hóa: Can Đảm để Khuôn Đúc một Nền Nhân Bản Thiêng Liêng Mới”.

ĐTC GPII đã gửi cho ĐHY Walter Kasper nhân dịp hội nghị về Con Người và Các Tôn Giáo được tổ chức từ Chúa Nhật 5/9 đến Thứ Ba 7/9 tại Milan Ý Quốc, một hội nghị được TGP Milan và Cộng Đồng Sant’Egidio giáo dân ở Rôma tổ chức. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của vị chủ chiên Giáo Hội hoàn vũ:


Gửi Huynh Hồng Y Walter Kasper Đáng Kính

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo,

1.     Huynh thân mến, Tôi đặc biệt vui mừng gửi gấm cho huynh trách nhiệm chuyển lời chào mừng và lòng quí mến chân thành của Tôi đến tất cả mọi Vị Đại Diện Thuộc Các Giáo Hội, Các Cộng Đồng Giáo Hội và Các Tôn Giáo chính trên thế giới qui tụ ở Milan cho Cuộc Hội Nghị lần thứ XVIII với chủ đề: “Các Tôn Giáo và Các Nền Văn Hóa: Can Đảm để Khuôn Đúc một Nền Nhân Bản Thiêng Liêng Mới”. Tôi cảm nghiệm được một niềm hân hoan và an ủi khi thấy rằng cuộc hành hương hòa bình được Tôi khởi sự ở Assisi vào Tháng 10/1986 vẫn không ngừng nghỉ. Trái lại, nó vẫn tiếp tục phát triển nơi các tham dự viên và thành quả của nó.

Ngoài ra, Tôi hân hoan chuyển lời chào mừng tới Giáo Hội Ambrosiô thân yêu. Giáo Hội này, qua sự tham dự của vị TGM của mình là ĐHY Dionigi Tettamanzi, đã cởi mở đón nhận cuộc họp quan phòng này một lần nữa. Tôi cũng cám ơn Cộng Đồng St. Egidio đã thấu triệt được những gì là “tinh thần của Assisi” của Tôi, và đã liên tục ủng hộ nó một cách can trường và kiên trì từ năm 1986, nuôi dưỡng việc dấn thân đi vào những con đường rất cần thiết của thế giới hôm nay, một thế giới đầy những hiểu lầm và các cuộc xung khắc khôn nguôi.

2.     Tinh thần đối thoại và cảm thông là những gì thường dẫn đến những nỗ lực hòa giải. Tiếc thay, những cuộc xung khắc mới đã bùng nổ, và thái độ coi các cuộc xung khắc về tôn giáo cũng như về văn minh như một gia sản hầu như bất khả tránh của lịch sử đã được phần đông chiều theo.

Thật sự không phải là như thế! Hòa bình bao giờ cũng là những gì có thể! Chúng ta lúc nào cũng phải cùng nhau hoạt động để nhổ tận gốc những mầm mống của khổ đau và hiểu lầm phát xuất từ văn hóa và cuộc sống, chúng ta cần phải dồn mọi nỗ lực vào việc nhổ tận gốc ý đồ của loài người muốn thống chế nhau, chúng ta cần cùng nhau hoạt động để xóa bỏ đi cái tính ngạo mạn muốn theo các thứ khuynh hướng của mình và coi thường căn tính của người khác. Những cảm giác này là những dấu báo của một thế giới bạo loạn và chiến tranh. Thế nhưng, không bao giờ tránh được xung khắc cả!

Nên các tôn giáo có nhiệm vụ đặc biệt trong việc nhắc nhở hết mọi con người nam nữ về cái ý thức ấy, một tặng ân của Thiên Chúa và đồng thời cũng là hoa trái của những cảm nghiệm lịch sử qua các thế kỷ. Đó là những gì Tôi gọi là “tinh thần của Assisi”. Thế giới của chúng ta cần đến tinh thần này. Nó cần đến những niềm xác tín cũng như những hành vi cử chỉ bảo đảm một nền hòa bình vững chắc phát xuất từ tinh thần ấy trong việc củng cố các tổ chức quốc tế và phát động việc hòa giải. “Tinh thần của Assisi” thôi thúc các tôn giáo hãy góp phần của mình vào một nền nhân bản mới là những gì thế giới ngày nay hết sức cần đến.

3.     Thế giới cần đến hòa bình. Ngày nào chúng ta cũng nghe thấy tin tức về bạo lực, về những cuộc khủng bố tấn công, về những cuộc hành quân. Phải chăng thế giới này thực sự đang loại bỏ đi tất cả niềm hy vọng chiếm đạt hòa bình? Có những lúc thế giới dường như quen thuộc với bạo lực và việc đổ máu vô tội. Khi chúng ta đối diện với những biến cố rắc rối ấy, Tôi cúi đầu xuống đọc Thánh Kinh và Tôi đã thấy ở đó những lời an ủi này của Chúa Giêsu: “Thày để lại bình an cho các con; Thày ban bình an của Thày cho các con. Thày không ban cho các con như thế gian ban. Lòng các con đừng bối rối và chớ có sợ hãi” (Jn 14:27).

Là Kitô hữu, thành phần tin vào Đấng là “bình an của chúng ta” (Eph 2:14), những lời của Người làm chúng ta bùng lên hy vọng. Tuy nhiên, Tôi muốn ngỏ lời và yêu cầu hết mọi người hãy chống lại thứ lý lẽ bạo lực, trả đũa và hận thù, mà hãy kiên trì đối thoại. Chúng ta cần bẻ gay cái xích xiềng cheat chóc đang giam hãm thế giới và làm cho nó đổ máu ra. Theo chiều hướng này, rất nhiều tín hữu tôn giáo có thể thực hiện được. Hình ảnh hòa bình xuất phát từ Cuộc Hội Nghị ở Milan đây tác động nhiều người bắt đầu dấn thân hoạt động cho hòa bình.

4.     Trong mấy ngày nữa đây chúng ta sẽ tưởng niệm biến cố ngày 11/9/2001, thời điểm mà tử thần đã xuất hiện ngay trung tâm của Hiệp Chủng Quốc. Ba năm qua đi từ đó mà nạn khủng bố tiếc thay lại dường như đang tăng thêm những mối đe dọa hủy diệt. Cuộc chiến đấu chống lại những tác nhân chết chóc thực sự đòi phải mạnh tay và cương quyết. Tuy nhiên, đồng thời cũng cần phải hết sức cố gắng nhổ tận gốc rễ tình trạng bần cùng, thất vọng, trống rỗng cõi lòng và bất cứ những gì đưa đẩy đến việc khủng bố.

Chúng ta không được để cho mình bị sợ hãi chi phối là những gì khiến con người nam nữ chỉ tập trung về mình và củng cố cái vị kỷ vây hãm tâm can cá nhân con người cũng như phái nhóm. Trước hết, Tôi đang nghĩ đến Phi Châu, “một lục địa dường như trở thành hiện thân của một thứ chênh lệch hiện đại giữa Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu” (Message for the XVI Meeting "Men and Religions": Palermo, August 29th, 2002), và mối quan tâm chính của Tôi là nhân dân Iraq. Hằng ngày Tôi xin Thiên Chúa ban cho họ được bằng an, một thứ bằng an mà loài người không thể nào cống hiến cho họ được.
Cuộc Hội Nghị ở Milan này cho thấy nhân loại cần phải cương quyết thực hiện một cuộc dấn thân thực sự cho hòa bình. Hòa bình không bao giờ cần đến bạo lực, nó luôn đòi phải biết đối thoại. Những người thuộc về các quốc gia mang mảnh đất nhuốm máu đổ đặc biệt biết rõ là bạo lực chỉ liên lỉ phát sinh ra bạo lực mà thôi. Những cuộc chiến tranh bùng nổ là những gì mở toang cánh cửa vực thẳm sự dữ. Chiến tranh làm cho mọi sự trở thành khả dĩ, thậm chí cả những gì hoàn toàn lạc loài phi lý.

Đó là lý do tại sao chiến tranh bao giờ cũng phải được coi là những gì thảm bại: một thảm bại về lý trí và về con người. Chớ gì cái ý thức mới mẻ về đạo nghĩa và văn hóa chẳng bao lâu sẽ dẫn con người đến chỗ loại trừ chiến tranh. Không bao giờ xẩy ra chiến tranh nữa! Tôi đã tin tưởng điều này ở Assisi vào Tháng 10/1986, khi Tôi xin con người thuộc tất cả mọi tôn giáo hãy sát cánh bên nhau kêu cầu Thiên Chúa ban cho hòa bình. Tôi lại càng tin tưởng điều này hơn nữa ở ngày hôm nay đây, khi thân xác tôi trở nên yếu kém thì Tôi lại cảm thấy quyền lực của lời nguyện cầu tăng lên.

5.     Chủ đề được Cộng Đồng St. Egidio chọn cho cuộc Hội Nghị năm nay, bởi thế, là những gì rất quan trọng: “Các Tôn Giáo và Các Nền Văn Hóa: Can Đảm để Khuôn Đúc một Nền Nhân Bản Thiêng Liêng Mới”. Chính cuộc họp đã làm nay sinh ra nơi mình một thứ nhân bản mới, một đường lối mới để nhìn đến nhau, để thông cảm lẫn nhau, để phác họa thế giới cũng như để hoạt động cho hòa bình. Tại Hội Nghị này, người ta có thể ở bên nhau, những con người nhận thức được tình thân hữu có thể khiến họ nhận thấy phẩm vị cao cả của mọi con người nam nữ cùng với tính chất phong phú thường được bắt nguồn từ những gì đa dạng.

Việc đối thoại tác dụng lòng can đảm dấn thân cho một nền nhân bản thiêng liêng mới, vì nền nhân bản mới này đòi phải tin tưởng vào những con người nam nữ. Nó không bao giờ làm cho người nghịch lại với người. Mục đích của nó là thắng vượt khoảng cách và những gì là thô bạo, hầu chúng ta nhận thuưc đưoơc rằng chúng ta tất cả đều là những tạo sinh của một Thiên Chúa duy nhất, và tất cả đều là anh chị em thuộc về nhân loại.

Hân hoan với những niềm tin tưởng này trong tâm hồn, Tôi xin quí vị biết rằng tinh thần của Tôi tham dự vào cuộc hội nghị này và xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phúc lành trời cao cho mỗi một người trong quí vị.

Castel Gandolfo, 3/9/2004.
Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 8/9/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ