GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

__________________

 NGÀY 31 CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

  

Giakêu, hiện thân đích thực của người thu thuế
trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện

 

Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật Thường Niên XXXI


Chỉ còn bốn tuần lễ nữa, kể cả tuần này, là hết Phụng Niên năm 2003-2004. Bởi thế, từ tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm C Chúa Nhật tuần này đây, chúng ta đã bắt đầu đi vào Mầu Nhiệm Cánh Chung, mầu nhiệm Chúa Kitô tái giáng, như chúng ta nghe thấy bài đọc Thứ Hai trích từ Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thessalônica nói rằng: “Về vấn đề Chúa Giêsu Kitô đến và việc chúng ta qui tụ lại với Người, hỡi anh em, chúng tôi van xin anh em đừng có động một tí thì bấn loạn lên hay tỏ ra run sợ, khi nghe thấy có lời tiên báo hay tin đồn hoặc thư mạo danh chúng tôi mà tin rằng ngày của Chúa tới nơi rồi”.

Qua đoạn Thánh Thư này, chúng ta thấy, ở thời nào cũng vậy, từ thời Giáo Hội sơ khai tới nay, Kitô hữu chúng ta hầu như cảm thấy và tỏ ra rùng rợn về Ngày Chúa đến cũng được gọi là ngày tận thế. Thế nhưng, bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy Chúa đến là để cứu độ chứ không phải trừng phạt: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu độ những gì đã hư mất”. Lời Người quả quyết với viên trưởng ban thu thuế lùn Giakêu này chỉ lập lại lời Người đã minh định với viên chức Nicôđêmô thuộc phái Pharisiêu trong Hội Đồng Do Thái đã đến gặp Người ban đêm trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 17, đó là: “Thiên Chúa không sai Con xuống thế gian để luận phạt thế gian song để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.

Vẫn biết là như vậy. Vẫn biết là lần đầu Chúa đến thế gian không phải để phán xét, thế nhưng, theo như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng, vào lần Chúa đến sau này, lần Người đến cuối cùng, chính là để Người “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Chân lý đức tin này cũng đã được chính Người mạc khải trong Phúc Âm Thánh Mathêu cho thấy ở đoạn 25 từ câu 31 đến câu 46 về việc Người phân chiên và dê trong ngày chung thẩm.

Đúng thế, về hình thức, lần Chúa đến sau cùng vào ngày tận thế là lần Chúa đến để phán xét, nhưng Chúa phán xét những gì và phán xét để làm gì, chúng ta vẫn thấy hợp với những gì Người tuyên bố trong lần Người đến lần thứ nhất, như vừa được trích dẫn trên đây, đó là Người đến để cứu độ chứ không phải để luận phạt. Thành phần dê trong ngày chung thẩm sở dĩ bị luận phạt là vì, như Chúa Giêsu khẳng định ngay sau câu Phúc Âm Thánh Gioan cùng đoạn trên đây, đó là: “Ai tin vào Người thì khỏi bị luận phạt, còn ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Thiên Chúa duy nhất. Phán quyết luận phạt là thế này”, Chúa Giêsu cho biết lý do như sau: “đó là ánh sáng đã đến trong thế gian, song con người đã chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều là những việc gian ác”.

Như thế, qua lời Chúa Giêsu ở đây, rõ ràng là con người tự luận phạt mình khi không chịu tin vào Người, đó là lý do họ “đã bị luận phạt rồi”, ngay lúc họ không chịu tin Người, chứ không cần phải đợi cho tới khi Chúa đến lần sau hết nữa. Đó cũng là lý do, trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, ở đoạn 9 câu 28, Vị Tông Đồ Dân Ngoại mới khẳng định là “Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người”. Bởi thế, chúng ta mới hiểu được lý do tại sao khi đến thế gian vào ngày tận thế, Chúa Giêsu mới phán xét con người về đức tin của họ, xem con người có thật sự tin vào Người như Người đã tỏ mình ra cho họ vào lần đến thứ nhất hay chăng, “ai tin … sẽ được cứu độ còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mk 16:16).

Như thế, rõ ràng là chủ ý của Chúa Kitô đến thế gian lần thứ hai cũng là để cứu độ chứ không phải để luận phạt. Tuy nhiên, vấn đề vẫn có thể được đặt ra là: tại sao Phúc Âm Thánh Mathêu cho thấy trong ngày chung thẩm Chúa Giêsu phán xét về đức bác ái, chứ đâu phải về đức tin?

Thật ra, nếu “xem quả thì biết cây”, như Chúa Giêsu phán ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 7 câu 20, thì Người chỉ cần phán xét hoa trái bác ái của con người là biết ngay cây đức tin của họ ra sao thôi. Không phải hay sao, trong ngày chung thẩm, trước ngai Đấng phán xét chung, cả hai thành phần chiên và dê đều trả lời với Người rằng “chúng tôi đâu có thấy Ngài đói khát, xa lạ, trần truồng, tù tội hay yếu đau mà đáp ứng những gì Ngài cần” (Mt 25: 44, xem cả 37-39)?

Thế mà, dù không thấy Người, thành phần chiên vẫn làm, còn thành phần dê thì không, như trường hợp của người phú hộ đối với Lazarô cùng cực trong dụ ngôn cách đây sáu tuần. Như vậy, không phải là thành phần chiên làm việc bác ái theo đức tin mãnh liệt của mình hay sao, như trường hợp người Samaritanô nhân lành hết lòng ra tay cứu giúp nạn nhân xa lạ đang ngấp ngoái chết vì bị cướp bóc dọc đường trong dụ ngôn Chúa Nhật 15 cách đây 16 tuần? “Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa bỏ tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người” là như thế.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa cũng được đặt ra ở đây là làm sao con người có thể tin tưởng để được cứu độ, nghĩa là làm sao con người có thể nhận biết Chúa Kitô để được cứu độ? Và nếu Chúa Kitô thực sự đến cứu độ con người, như chính Người đã khẳng định với viên chức Pharisiêu Nicôđêmô, nhất là với viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu độ những gì đã hư mất”, thì càng tội lỗi, nghĩa là càng không có đức tin hay yếu đức tin, con người càng cần phải đến với Đấng là Cứu Chúa của mình, chứ tại sao lại tỏ ra sợ hãi Đấng đến cứu độ mình, như thái độ của Kitô hữu giáo đoàn Thessanôlica trong bài đọc hai hôm nay?

Trước hết, về vấn đề con người làm sao để có đức tin, hay để có thể nhận biết Cứu Chúa của mình, nhờ đó họ mới được cứu độ, vì tự mình, họ vốn có khuynh hướng, như Chúa Giêsu nhận định và quả quyết với Nicôđêmô trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 19: “Con người chuộng tối tăm hơn ánh sáng”. Tuy nhiên, chính trong lúc loài người “còn ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết” như thế, như lời tư tế Giacaria, thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả, tuyên nhận trong bài ca vịnh mở miệng lưỡi của ông ở Phúc Âm Thánh Luca đoạn 1 câu 79, mà “ánh sáng đã chiếu trong tăm tối, một thứ tăm tối không át được ánh sáng”, như Phúc Âm Thánh Gioan chân nhận ở đoạn 1 câu 5.

Đó là lý do trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 5 câu 24, 25 và 28, Chúa Giêsu đã tuyên bố với những người Do Thái đang có ý định giết Người như thế này: “Tôi bảo thật cho các người biết, ai nghe lời Tôi mà tin vào Đấng đã sai Tôi thì có sự sống đời đời. Họ không bị luận phạt, song vượt qua sự chết vào sự sống. Tôi bảo thật cho các người biết, giờ đang đến, mà thật sự đã đến rồi, lúc mà kẻ chết nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa và ai lắng nghe thì được sống… Các người đừng có lấy làm lạ lùng bỡ ngỡ là giờ đang đến đây, tất cả những ai đang ở trong mồ mà nghe thấy tiếng của Người thì bước ra”.

Vậy thành phần “kẻ chết” đây, thành phần “đang ở trong mồ mà nghe thấy tiếng của Người thì bước ra” đây là ai, nếu không phải, một Lazarô chết thối bốn ngày, như được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại ở đoạn 11 câu 43 và 44, một trường hợp sống lại về phần xác tiêu biểu hết sức sống động và cụ thể cho trường hợp sống lại về phần hồn, điển hình nhất là trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này.

Tuy nhiên, tại sao Giakêu lại có thể “đang ở trong mồ mà nghe thấy tiếng của Người thì bước ra” được một cách dễ dàng như thế, còn những “kẻ chết” khác thì không được như vậy hay chưa được như ông, chẳng hạn như những người thấy Chúa Giêsu vào nhà của viên trưởng ban thu thuế này, theo Phúc Âm hôm nay thuật lại, “bắt đầu lẩm bẩm với nhau rằng: ‘Hắn vào nhà của một kẻ tội lỗi như một vị khách’”?

Không phải hay sao, chỉ vì Giakêu, hiện thân đích thực của người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện tuần trước, chân nhận mình là một kẻ tội lỗi đáng thương, một con người tật nguyền bệnh nạn, một con người cần đến thày thuốc, còn những người lẩm bẩm trong bài Phúc Âm hôm nay thì không, vì họ tự cho mình là kẻ công chính, thành phần lành mạnh không cần đến thày thuốc, không cần đến Đấng tuyên bố “Tôi đến để kêu gọi tội nhân chứ không phải những ai cho mình là công chính”, trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 9 câu 13, đoạn Người kêu gọi viên thu thuế Mathêu theo Người nên đã bị nhóm Pharisiêu chê trách.

Chính vì thế Giakêu đã không sợ Vị Cứu Chúa của mình, trái lại, còn mong gặp Người là đàng khác. Đến nỗi, theo Phúc Âm hôm nay thuật lại, vì lùn, ông đã phải leo lên cây để có thể nhìn thấy Người, chiêm ngưỡng Người, cho đến khi được Người gọi đích danh của ông và ngỏ ý muốn vào nhà ông, ông liền vui mừng hớn hở, chứ không vì thấy mình tội lỗi xấu xa mà e thẹn hay sợ sệt trong việc ngại ngùng đón tiếp Người.

Chính vì “ai có lòng khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no thỏa vậy”, như mối Phúc Đức thứ bốn Chúa Giêsu dạy trong bài Giảng Trên Núi được Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại ở đoạn 5 câu 6, mà Giakêu đã được Chúa Giêsu cho biết trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này” hay “Hôm nay nhà này đã được ơn cứu độ” cũng thế.

Tóm lại, câu truyện về người trưởng ban thu thuế trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy một số chân lý sau đây:

Chân lý thứ nhất đó là con người dù tội lỗi đến mấy chăng nữa, tự thâm tâm, vẫn khát khao và tìm kiếm sự thật khi có thể, như trường hợp của người trưởng ban thu thuế Giakêu, hiện thân cho hạng người tội lỗi trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, qua việc ông tìm cách để được nhìn thấy Chúa Giêsu, nhìn thấy chính sự thật mà ông vẫn nghe thấy tiếng tăm lừng lẫy.

Chân lý thứ hai đó là mối phúc đức thứ bốn trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Mathêu (5:6): “Ai có lòng khao khát ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no thỏa vậy”, như trường hợp của người trưởng ban thu thuế Giakêu đã được Chúa Giêsu là sự sống tự ngỏ ý muốn đến thăm nhà của một con người tội lỗi khao khát muốn gặp Người.

Chân lý thứ ba đó là điều được Chúa Giêsu khẳng định ở cuối bài Phúc Âm: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư nát”, như trường hợp của một con người thu thuế tội lỗi như Giakêu, một con người vừa ngỏ ý muốn gặp Người là Người tỏ mình ra cho ngay, là được gặp Người ngay.

Chân lý thứ bốn đó là ai được Chúa ở cùng thì liền được biến đổi, được canh tân, như trường hợp người trưởng ban thu thuế Giakêu, một con người đã thật sự hết tình tỏ lòng thống hối ở chỗ muốn đền bồi lại gấp bốn lần tất cả những gì hay bất cứ điều gì ông đã làm thiệt hại cho bất cứ một ai trong khi hành nghề thu thuế liên quan đến vấn đề gian lận tiền bạc của ông. Đó là lý do ở câu kết thúc bài Phúc Âm Chúa Giêsu đã phán “hôm nay nhà này được ơn cứu độ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Cầu Kinh Mân Côi
là Tái Diễn Hy Tế Thánh Thể trên Bàn Thờ Cuộc Sống


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(nghe phát ngôn)


Tất nhiên, không thể chối cãi và phủ nhận được rằng: theo bản tính của mình, Mẹ Maria không thể nào bằng Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô thế nào, thì tự bản chất, Kinh Mân Côi cũng không thể nào bằng Thánh Thể như vậy. Tuy nhiên, khi Cầu Kinh Mân Côi và khi Cử Hành Mầu Nhiệm Thánh Thể là người Kitô hữu cùng thực hiện một mục đích, đó là “tưởng nhớ đến Thày” (Lk 22:19), tưởng nhớ đến Chúa Kitô. Vẫn biết việc “tưởng nhớ đến Thày” qua việc Cử Hành Thánh Thể là việc Giáo Hội hiện thực hóa Hy Tế Thập Giá có giá trị phụng vụ và tính cách bí tích ban phát ân sủng và thánh hóa, còn việc cá nhân Kitô hữu “tưởng nhớ đến Thày” qua việc Cầu Kinh Mân Côi chỉ là việc theo tu đức mà thôi. Thế nhưng, theo dự án cứu độ của Thiên Chúa và trong công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, nếu không thể thiếu vai trò Đồng Công của Mẹ Maria thế nào, Phụng Vụ Thánh Thể cũng cần đến Kinh Mân Côi như vậy! Tại sao?

Tại vì, nếu Thánh Thể thực sự là Hiện Diện Thần Linh, là Sự Sống Ban Phát, là Hy Tế Cứu Độ, cần được nhận biết, đón nhận và ban phát một cách xứng đáng, thì Kinh Mân Côi, một kinh nguyện được làm nên chính yếu bởi Kinh Kính Mừng, là biểu hiện cho một tạo vật “đầy ơn phúc” (Lk 1:28), vì tạo vật đầy ơn phúc này “đã tin tưởng những gì Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 1:45). Thật vậy, Mẹ Maria đầy ơn phúc chẳng những vì Mẹ được “Thiên Chúa ở cùng” (x Lk 1:28), mà còn vì Mẹ “được ơn nghĩa với Chúa” (Lk 1:30), tức Mẹ đã sống đẹp lòng Chúa mọi đàng như Chúa Kitô Con Mẹ đối với Cha trên trời (x. Mk 1:11), bởi lòng Mẹ hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài, không bao giờ làm mất lòng Ngài, trái lại, bao giờ ý muốn tối cao của Ngài cũng được “thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:10) nơi Mẹ.

Phúc Âm đã cho thấy bốn lần điển hình nhất Mẹ “đầy ơn phúc” vì Mẹ đã hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa: Lần thứ nhất là lần Mẹ được tổng thần Gabiên truyền tin Lời Nhập Thể, một việc không thể nào có thể xẩy ra với một người trinh nữ như Mẹ, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng “những lời Chúa nói sẽ được thực hiện” là “không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lk 1:37). Lần thứ hai là lần Mẹ bị Thánh Giuse công chính hiểu lầm với cái bụng đang mang thai Lời Nhập Thể, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng “những lời Chúa nói sẽ được thực hiện” là “Con trẻ được sinh ra là Con Thiên Chúa” (Lk 1:35). Lần thứ ba là lần tìm được Thiếu Nhi Giêsu 12 tuổi trong đền thờ sau 3 ngày lạc mất, lần mà sau khi gặp được Con, Mẹ đã chẳng hiểu Con nói gì, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng “những lời Chúa nói sẽ được thực hiện” là Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:32). Lần thứ bốn là lần Mẹ đứng dưới chân cây thập tự giá của Con Mẹ, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng “những lời Chúa nói sẽ được thực hiện” là “vương quốc của Người sẽ vô cùng bất tận”.

Chính vì cuộc đời của Mẹ Maria là một chuỗi ngày lắng nghe Lời Chúa để có thể đáp ứng Lời Chúa từng giây từng phút như thế mà hạnh phúc của Mẹ thực sự và Mẹ được đầy ơn phúc thật sự không phải ở chỗ lòng của Mẹ đã được cưu mang Lời Nhập Thể và vú của Mẹ đã được cho Con Thiên Chúa bú (x Lk 11:27-28). Thế nhưng, sống đức tin hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng toàn thiện ở mức độ “đầy ơn phúc” như thế không phải là một chuyện dễ. Phúc Âm cho thấy có một lần, dù Mẹ không hiểu gì về những lời Thiếu Nhi Giêsu 12 tuổi nói với Mẹ trong đền thờ, Mẹ vẫn thinh lặng lắng nghe, bằng cách “giữ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:51). Nếu Mẹ Maria luôn chuyên chú đến từng tác động thần linh, từng lời nói cử chỉ thần linh được tỏ ra cho Mẹ như thế, thì Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ là tất cả Mạc Khải Thần Linh được tỏ ra cho Mẹ 30 trên 33 năm Người sống ở trần gian ấy lại không được Mẹ luôn tưởng nhớ và tôn sùng hay sao?

Nếu Cầu Kinh Mân Côi là việc tưởng niệm Chúa Kitô qua các Mầu Nhiệm Mân Côi, Mầu Nhiệm về cuộc đời của Người, thì quả thực, Đức Thánh Cha Gioan Phaollô II, trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 11, đã chí lý khi cảm nhận về việc Mẹ Maria cũng lần hạt Mân Côi trong cuộc đời của Mẹ như thế này: “Mẹ Maria đã sống động bằng đôi mắt gắn chặt vào Chúa Kitô, lưu giữ hết mọi lời Người nói: ‘Mẹ giữ lấy tất cả những điều này mà suy niệm trong lòng’ (Lk 2:19; x 2:51). Những ký ức về Chúa Giêsu được in sâu trong lòng Mẹ ấy luôn luôn ở với Mẹ, khiến cho Mẹ suy nghĩ vào những giây phút khác nhau của cuộc đời Mẹ ở bên Con Mẹ. Những điều Mẹ tưởng niệm này có thể được coi như là ‘kinh mân côi’ Mẹ không ngừng lần suốt cuộc sống trần gian của Mẹ”.

Thật vậy, nếu “việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định nghĩa trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, đoạn 3, thì việc Cầu Kinh Mân Côi chính là cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của Mẹ Maria, một đức tin đầy ơn phúc, một đức tin đáp ứng hết mọi tác động thần linh, một đức tin chấp nhận tất cả Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô, một Mạc Khải Thần Linh đã đạt đến tuyệt đỉnh của mình nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm vẫn được hiện thực nơi việc Cử Hành Mầu Nhiệm Thánh Thể. Đó là lý do, như trên đã nhận định và xác tín, “nếu Thánh Thể thực sự là Hiện Diện Thần Linh, là Sự Sống Ban Phát, là Hy Tế Cứu Độ, cần được nhận biết, đón nhận và ban phát một cách xứng đáng, thì Kinh Mân Côi, một kinh nguyện được làm nên chính yếu bởi Kinh Kính Mừng, là biểu hiện cho một tạo vật ‘đầy ơn phúc’ (Lk 1:28), vì tạo vật đầy ơn phúc này ‘đã tin tưởng những gì Chúa phán sẽ được thực hiện’ (Lk 1:45)”. Vậy khi Cầu Kinh Mân Côi, hay khi Cử Hành Mầu Nhiệm Đức Tin của Mẹ Maria, không phải là Kitô hữu đang cùng với Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria nhận biết và đón nhận Chúa Kitô Nhập Thể và Vượt Qua đang Hiện Diện Thần Linh và Thông Ban Sự Sống trong Bí Tích Thánh Thể hay sao?

Đúng thế, một khi thiết tha và sốt sắng Cầu Kinh Mân Côi bằng con mắt chiêm ngắm Chúa Kitô và con tim gắn bó với Chúa Kitô của Mẹ Maria, Kitô hữu sẽ sống cuộc đời như Mẹ Maria, một cuộc đời hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, một cuộc đời đồng công với Hy Tế Thập Giá, Hy Tế Thánh Thể. Nếu Mẹ Maria không thực sự ra đi truyền giáo như các Thánh Tông Đồ, nhưng lại là mẫu gương cho các vị tông đồ, và nếu Mẹ Maria không thực sự đổ máu tử đạo như các thánh tử đạo, nhưng vẫn là nữ vương các Thánh Tử Đạo, chỉ vì lòng tin tưởng đầy ơn phúc của Mẹ thế nào, thì thành phần sống đức tin của Mẹ Maria, sống đức tin với Mẹ Maria và sống đức tin như Mẹ Maria, dù bị bệnh tật nằm một xó như đồ vô dụng, dù bị vu oan giáng họa không còn mặt mũi hoạt động tông đồ, cũng vẫn có thể trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô, thành những vị đại thừa sai truyền giáo cứu được vô số các linh hồn.

Để rồi, một khi Kitô hữu sống đức tin tới độ “như” Mẹ Maria, không phải là họ cũng đã làm “hiện thực” Chúa Kitô trên bàn thờ cuộc sống của họ rồi hay sao? Bởi vì, bấy giờ, Chúa Giêsu Kitô là tất cả Mạc Khải Thần Linh được hoàn toàn tỏ hiện, được thần hiển, được hiển linh nơi Kitô hữu và qua Kitô hữu là thành phần chứng nhân đích thực và sống động của Người, đến nỗi, “ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9) thế nào thì ai thấy họ cũng thấy Chúa Kitô như vậy. Nhờ đó, Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể và ban mình qua Thánh Thể sẽ tiếp tục Hy Tế Thánh Thể cứu độ trần gian của Người qua cuộc đời của con người Kitô hữu hằng chiêm ngưỡng Người nơi các Mầu Nhiệm Mân Côi, và sống với Người bằng Đức Tin Thánh Mẫu. Quả thực: Cầu Kinh Mân Côi là Tái Diễn Hy Tế Thánh Thể trên Bàn Thờ Cuộc Sống vậy!
 

         Ngày kết thúc Tháng Mân Côi, 31/10/2004, đầu Năm Thánh Thể


GIÁO HỘI HIỆN THẾ