GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 10/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu, với một đức tin mạnh mẽ, nhiệt tình đối thoại với những người thuộc về truyền thống tôn giáo khác”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc tăng triển sự hiện diện cần thiết của người Công Giáo nơi sinh hoạt quốc gia và truyền thông ở Lục Địa Mỹ Châu Latinh”.  

 

 

__________________

 NGÀY 3 CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM C

  

Đức Tin Hạt Cải = Đầy Tớ Vô Dụng


Nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Mùa Thường Niên Năm C tuần trước, đối với các người Pharisiêu không tin lời Người khẳng định với các môn đệ rằng “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người phú hộ và Lazarô để cảnh giác họ là, vấn đề công chính không phải chỉ ở tại việc giữ cặn kẽ luật Chúa mà còn hệ tại việc giữ nghĩa với tha nhân nữa, vì lề luật được trọn vẹn nơi đức bác ái. Cũng trong bài chia sẻ tuần trước, chúng ta đã đề cập đến lý do sâu xa tại sao người phú hộ bị hư đi đời đời, không phải chỉ vì ông ta không chịu làm việc bác ái khi có thể mà còn chính vì bởi ông thiếu đức tin, một đức tin cứu rỗi chẳng những cần cho người phú hộ mà còn cần cho cả Lazarô bần cùng khốn khổ nữa.

Chính vì hiểu được tầm mức tối hệ trọng của một đức tin cứu độ như thế, các tông đồ, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, đã tha thiết nài xin Thày của mình: “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con” hay “Xin Thày hãy làm cho đức tin của chúng con tăng tiến”. Ở đây, chúng ta thấy các tông đồ không xin Chúa Giêsu ban cho các vị đức tin, mà là “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con”, một đức tin các vị đã có rồi. Tức là, các vị thâm tín được rằng, dù các vị đã thực sự tin vào Người rồi, qua lời các vị tuyên xưng: “Thày là Đức Kitô của Thiên Chúa”, như bài Phúc Âm Thánh Luca ở Chúa Nhật XII cách đây 15 tuần thuật lại, song đức tin ấy vẫn còn yếu kém, chưa hoàn toàn, cần phải vững mạnh hơn nữa. Tại sao? Nếu không phải tại vì các vị đã cảm nghiệm thấm thía dụ ngôn Chúa Giêsu nói với các vị ở bài Phúc Âm Chúa Nhật hai tuần trước, về trách nhiệm của các vị đối với những gì được Người ủy thác cho, dụ ngôn về người quản gia phải thanh toán với chủ vì người quản gia này đã làm thiệt hại chủ của mình.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là Chúa Giêsu có đáp ứng lời các môn đệ khẩn thiết kêu nài “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con” hay chăng? Nếu không thì tại sao và nếu có thì Người đã làm như thế nào??

Đọc kỹ bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu hình như không đáp ứng lời yêu cầu chính đáng của các môn đệ gì cả. Bởi vì, trong khi các vị “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con”, thay vì Người để tay lên đầu các vị để nhờ đó các vị được đầy Thần Linh, cũng nhờ đó các vị được thêm đức tin tỏ tường ngay lập tức, thì Người lại vòng vo nói với các vị rằng: “Nếu các con có đức tin bằng cỡ hạt cải thì các con có thể nói với cây sung này rằng ‘Hãy bật rễ lên xuống biển mà mọc’ thì nó sẽ tuân lệnh các con”. Chưa hết, sau khi khẳng định như thế rồi, Người còn dạy các vị một dụ ngôn khác nữa, về vai trò của một người đầy tớ, người đầy tớ mà cho dù đã hết mình phục vụ chủ, chứ không phải như người quản gia bê bối của dụ ngôn trong bài Phúc Âm hai tuần trước, người quản gia bị chủ cách chức, thì người đầy tớ hết mình phục vụ này cuối cùng phải thành thực thú nhận: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi”.

Qua thái độ và câu trả lời của Chúa Giêsu trong việc Người tỏ ra đáp ứng lời các môn đệ khẩn nài “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con” như thế, hình như Người muốn đẩy trách nhiệm phát triển đức tin, phận vụ tăng tiến đức tin cho chính các vị, thành phần đã lãnh nhận đức tin từ Người, hay nói cách khác, thành phần đã được Người ban cho đức tin, bằng việc Người đã tỏ mình ra cho các vị?

Vâng, đó là lý do, theo bài Phúc Âm cách đây 15 tuần, sau một thời gian tỏ mình ra cho các môn đệ, thành phần được Người tuyển chọn theo Người để sau này làm chứng nhân cho Người, Người đã muốn các vị tự trắc nghiệm xem các vị đã tin vào Người tới đâu, đã hiểu Người thế nào, bằng câu hỏi “Phần các con, các con nghĩ Thày là ai?”. Đúng thế, đối tượng của “đức tin tuân phục” (Rm 1:5) chính là mạc khải thần linh, và nếu mạc khải thần linh được Thiên Chúa thực hiện như “một người gieo giống tốt trong ruộng của mình” (Mt 13:24), thì đức tin tuân phục cần phải được con người tỏ bày ra như một mảnh đất tốt, để hạt giống mạc khải thần linh có thể trọn vẹn trổ sinh tối đa tầm vóc cứu độ của mình.

Như thế, việc đức tin tăng triển hay lớn lên thực sự là trách nhiệm của mảnh đất nhận được hạt giống mạc khải thần linh, đến nỗi, chính Chúa Giêsu đã đồng hóa hạt giống mạc khải thần linh với mảnh đất nhận lãnh hạt giống này, khi Người dẫn giải về số phận của các hạt giống rơi vào bốn môi trường khác nhau trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 13, câu 18, 20, 22 và 23 như sau: “Hạt rơi trên vệ đường là người… hạt rơi trên đá sỏi là người… hạt rơi vào bụi gai là người… hạt rơi xuống đất tốt là người”. Chúng ta hãy để ý là, trước khi rơi xuống các loại đất, nghĩa là khi còn trong lòng bàn tay của người gieo giống, hay trong dự án cứu độ của Thiên Chúa, thì hạt giống đây là biểu hiệu cho mạc khải thần linh Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người biết về Ngài để họ tin mà được sống.

Thế nhưng, một khi đã tỏ cho loài người rồi, nghĩa là một khi hạt giống mạc khải thần linh đã được gieo xuống đất rồi, thì hạt giống mạc khải thần linh liền bị đồng hóa với loài người, với các loại đất, chẳng khác gì như đã xẩy ra nơi mầu nhiệm và biến cố “Lời đã hóa thành nhục thể” được Phúc Âm Thánh Gioan chân nhận ở đoạn 1 câu 14, mầu nhiệm và biến cố Thiên Chúa một khi đã nhập thể thì thành một con người. Do đó, như vừa nhận định, Chúa Giêsu mới đồng hóa “Hạt rơi trên vệ đường là người… hạt rơi trên đá sỏi là người… hạt rơi vào bụi gai là người… hạt rơi xuống đất tốt là người”.

Tuy nhiên, dù bị đồng hóa với môi trường, hay bị lệ thuộc vào môi trường để có thể tồn tại và phát triển như thế, không có nghĩa là hạt giống mạc khải thần linh tự mình không thể nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái?

Đúng thế, sự kiện đất tự mình không thể trổ sinh hoa trái nếu thiếu hạt giống vốn sẵn có nơi đất, chính là dấu chứng tỏ hạt giống tự mình có thể tự nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái, miễn là gặp môi trường tốt đất. Vậy trách nhiệm của mảnh đất chất chứa hạt giống chỉ là trách nhiệm của một người quản gia mà thôi, trách nhiệm chẳng những gìn giữ những gì mình có, phải bảo toàn những gì được ủy thác cho mình, mà còn phải phát triển những gì mình có, còn phải sinh lợi những gì được ủy thác cho mình nữa. Chính vì không trực tiếp dính dáng gì đến khả năng tự mình nẩy mầm, phát triển và trổ sinh hoa trái của hạt giống mạc khải thần linh nơi mình, với thân phận chỉ là một mảnh đất quản gia như thế, mà mảnh đất nhân tính con người chỉ đóng vai trò như một người đầy tớ trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi”.

Đến đây, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của phản ứng Chúa Giêsu tỏ ra, khi các môn đệ khẩn nài Người “Xin Thày hãy tăng thêm đức tin cho chúng con”, bằng việc Người khẳng định với các vị rằng: “Nếu các con có đức tin bằng cỡ hạt cải thì các con có thể nói với cây sung này rằng ‘Hãy bật rễ lên xuống biển mà mọc’ thì nó sẽ tuân lệnh các con”. Đúng thế, qua lời khẳng định này, Chúa Giêsu ngầm chỉ cho các môn đệ biết bí quyết làm cho đức tin các vị đã có được tăng phát, theo lòng ước mong của các vị.

Nói đến “hạt cải” là nói đến một thứ “hạt nhỏ nhất trong các hạt giống”, như lời Chúa Giêsu cắt nghĩa trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 13 câu 32. Vậy “Nếu các con có đức tin bằng cỡ hạt cải”, như lời Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ đang xin Người tăng thêm đức tin cho các vị trong bài Phúc Âm hôm nay đây, thì Người có ý nói gì? Chẳng lẽ Người nói các vị phải có một đức tin ở cỡ nhỏ nhất thì đức tin mới có thể tăng tiến hay sao?

Vâng, đúng vậy, các vị phải có một đức tin ở cỡ nhỏ nhất thì đức tin mới có thể tăng tiến, cỡ nhỏ nhất ở chỗ, như lời Chúa Giêsu khuyên các vị trong bài Phúc Âm hôm nay, “Sau khi làm xong tất cả những gì phải làm, các con hãy nói: ‘chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi’”. Vậy bí quyết Chúa Giêsu dạy các môn đệ để có thể tạo môi trường thuận lợi cho hạt giống đức tin nơi các vị có thể tăng phát đây chính là việc các vị “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, như Người khuyên các vị ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 18 câu 3, một lời khuyên Người muốn đề ra để giải quyết vấn đề các vị bấy giờ tranh chấp với nhau về ngôi thứ và chân thành đem ra hỏi Người: “Ai là kẻ lớn nhất trong Vương Quốc của Thiên Chúa?”.

Ở đây, nếu “Vương Quốc của Thiên Chúa” đã được Chúa Kitô, Lời Nhập Thể, thiết lập trên thế gian bằng chính cuộc Vượt Qua của mình, và Vương Quốc này còn cần phải được “trị đến” (Mt 6:10) “cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8), tức cho đến khi được hoàn toàn tỏ hiện trong ngày cánh chung, hay cho đến khi Người đến trong vinh quang, thì quả thực thành phần được Người sai đi sau khi Người phục sinh từ trong cõi chết (x Mt 28:19; Mk 16:15) phải có trách nhiệm là những vị quản gia “trung thành và khôn ngoan” (Mt 24:45), một quản gia với tinh thần của một người tôi tớ tự hạ xin vâng như Mẹ Maria (x Lk 1:38), thành phần bao giờ cũng thâm tín và tuyên nhận: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi”.

Theo lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên Năm C hôm nay “Sau khi các con làm xong tất cả những gì các con được lệnh làm thì các con hãy nói rằng ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài nhiệm vụ của mình mà thôi’”, chúng ta có thể áp dụng vào trường hợp đừng tự phụ khi chúng ta làm được một việc gì lành, nhất là khi đóng góp hữu hiệu vào việc chung, đến nỗi đừng có tự đắc là nếu không cò mình thì không ai có thể làm được việc đó. Bởi vì, nếu thực sự là việc của Chúa thì Ngài có thể hoàn thành bằng bất cứ cách nào và qua bất cứ ai. Thế nhưng, trên thực tế, nếu quả thực chúng ta cố gắng chu toàn phần vụ của mình, thì tại sao Chúa Giêsu lại dạy chúng ta phải phủ nhận công trạng của mình, cho rằng mình là đồ vô dụng? Nếu vậy phần rỗi đời đời của chúng ta hoàn toàn là do ơn Chúa, chứ chúng ta chẳng có công gì hay sao?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

 

ĐỨC TIN HẠT CÁT


“Lậy Thầy xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5).

Tại sao các Tông Đồ lại xin thêm đức tin. Phải chăng các ông đã tự cảm thấy thiếu thốn khi phải đối diện với thực tế hằng ngày. Hoặc phải chăng các ông đã không tin đủ và không hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Có thể là trong cuộc sống, và nhất là trong những ngày dong duổi theo Chúa trên đường hành đạo, các ông đã chứng kiến nhiều việc Ngài làm, nghe nhiều lời Ngài giảng dậy khiến các ông không hiểu và không biết phải làm thế nào, và do đó, các ông đã xin thêm đức tin để có thể nhìn thấy, hiểu rõ, và để trung thành được với Thầy. Điều này cũng khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ và tự vấn.

Thật vậy, sau bao nhiêu năm làm người Kitô hữu, linh mục, hay tu sĩ nam nữ. Trải qua bao kinh nguyện, tham dự bao Thánh lễ và các bí tích, đọc và suy ngắm Thánh Kinh, nhưng đức tin của chúng ta vẫn chưa đủ lớn bằng hạt cải. Vì cũng như các Tông Đồ, chưa ai trong chúng ta đã có khả năng: “Bảo cây dâu này nhổ rễ xuống trồng dưới biển” (Lc 17:6), mà nó nghe. Theo Chúa Giêsu thì, khả năng tin tưởng, và đức tin hành động của mỗi người chúng ta, chỉ cần to bằng hạt cải thôi, cũng đủ làm nên những phép lạ phi thường.

Không ai phủ nhận rằng các Tông Đồ đã không tin Chúa. Nhưng qua lời Chúa Giêsu nói với các ông, đức tin của các ông lúc bấy giờ không ngờ lại quá nhỏ bé, không hơn một hạt cải, khiến Chúa đã dùng hình ảnh so sánh này khi đề cập đến đức tin của các ông cũng như đức tin của chúng ta sau này. Một cách đơn giản, là Chúa đã dùng một hình ảnh thực tế để các Tông Đồ có một ý niệm thế nào về đức tin thực hành của mình. Và Chúa chỉ đòi hỏi đức tin bằng một hạt cải, chứ nếu Ngài dùng hình ảnh so sánh mà đòi đức tin phải lớn như trái núi, lúc ấy các ông và chúng ta sẽ thấy thất vọng, và khó lòng đạt được tiêu chuẩn đức tin như Chúa muốn.

Khi đòi hỏi đức tin bằng hạt cải, hẳn là Ngài không đòi hỏi chúng ta phải biết, phải hiểu tất cả về Thiên Chúa, về cõi đời đời. Thật ra, như Chúa Giêsu đã nói, nhiều việc xẩy ra trước mắt ngay trong thế giới con người, trong phạm vi hiểu biết của con người mà con người cũng chưa hiểu nổi, thì đòi hỏi gì hơn nơi chúng ta những việc cao siêu, những việc xẩy ra trong thế giới vô hình. Con người, vì thế, không ai có thể viện dẫn đòi hỏi ấy vượt quá khả năng hoặc quá sức mình nên không thể thi hành được. Ngoài ra, nếu chúng ta cảm thấy hoặc nhận ra mình có đức tin bằng trái núi, liệu lúc ấy chúng ta còn có thể sống khiêm nhường, và không mặc cảm tự tôn rằng mình là người giầu lòng tin tưởng hay sao? Tâm lý tự nhiên, khi một người có ít tiền trong ngân hàng, thì không muốn nói tới hoặc ít dám huênh hoang về sự giầu có của mình. Cũng thế, một người không có bằng cấp, trình độ học vấn thường là không dám tự ý khoe khoang về thành tích học hành của mình. Nếu như người nào đó làm như vậy, tự nhiên cũng cảm thấy nhột nhạt, hoặc nếu không, người chung quanh cũng sẽ đàm phán và cho rằng đó chỉ là những lời khoác lác, không đúng với sự thật.

Tuy nhiên, khi nêu lên đức tin bằng hạt cải, có nghĩa là Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, Chúa không đòi hỏi nhiều, nhưng nếu không có đức tin là không được. Nhiều và to tát thì không, chứ chỉ nhỏ nhoi và đơn sơ như một hạt cải thì không lẽ con người lại không thể làm được. Và đó cũng là cái giá cuối cùng để được gọi là Kitô hữu, là người theo Chúa Kitô, là môn đệ, là linh mục, là tu sĩ nam nữ.

Mặt khác, hình ảnh hạt cải còn nói lên khả năng linh động, và phát triển. Hạt cải nhỏ bé hay đức tin nhỏ bé ấy, khi gieo vào lòng người, lòng đất của cuộc đời, nó lớn lên, nẩy sinh, và theo Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của nó để diễn tả về sự phát triển của nưóc trời: “Nó tuy là một hạt nhỏ trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, nó lại lớn hơn nhiều thứ cây cỏ khác và trở thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến và làm tổ trên cành của nó” (Mt 13:32). Một cách thực tế hơn, dù chỉ bằng hạt cải, nhưng đức tin ấy phải là đức tin thực hành, đức tin đi vào lòng đời bằng hành động, và bằng với tất cả sức sống của nó.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc chịu đựng và bỏ qua một lỗi lầm nhỏ, một lời nói thiếu tế nhị, một cái nhìn xoi mói, một nụ cười nhạo báng của vợ hay chồng, của người này, người khác, hay của con cái.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc nở một nụ cười, nói một lời chia sẻ, thông cảm với chồng, với vợ, vợ cha mẹ, với con cái, hoặc với người bạn đồng nghiệp ngày ngày ngồi bên mình tại sở làm.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc giúp đỡ người hành khất già cả một hay hai đồng khi gặp họ trên đường đi hay tại các ngã ba, ngã tư đường.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc ngậm miệng làm thinh không phê bình, chỉ trích người khác, hoặc không hối thúc người khác phê bình, chỉ trích người mà mình không ưa hay không thích.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc cùng với gia đình dâng lời cảm ơn Thiên Chúa trước và sau mỗi bữa ăn chung gia đình.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc cùng với gia đình sốt sắng tham dự Thánh lễ mỗi Chúa Nhật và các dịp lễ trọng, để cùng cám tạ hồng ân Thiên Chúa, và để dâng lên lời ngợi khen, biết ơn Ngài vì muôn ơn lành Ngài đã ban tặng cho ta cũng như mọi người thân trong gia đình.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc cẩn thận dọn bài giảng cho thánh lễ mỗi Chúa Nhật, vì đó là của ăn tinh thần nuôi sống người tín hữu trong xứ đạo, trong cộng đoàn mình suốt một tuần lễ.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc thận trọng với từng cử chỉ, hành động của mình khi dâng Thánh lễ và khi cử hành các bí tích, vì qua đó, Thiên Chúa hiện diện, chúc phúc và chữa lành cho dân Ngài.

Còn gì nhỏ nhoi hơn bằng việc chuẩn bị cho gia đình một bữa cơm ngon miệng, hay bằng việc rửa cho vợ con một chiếc xe vào ngày nghỉ cuối tuần.

Tất cả những việc làm nhỏ nhoi ấy, nếu được nhìn với tầm nhìn một hạt cải và qua ánh sáng Tin Mừng, thì đây chính là những hạt cải làm nên phép lạ. Những hạt cải tạo nên mùa gặt phong phú cho đời sống đức tin, và trong thực hành sống đạo mỗi ngày.

Chúng ta thường hay tự lừa dối mình bằng những ý nghĩ và ảo tưởng về những hành động to lớn, anh hùng, nhưng ít khi nghĩ rằng những hành động to lớn, anh hùng lại chính là những cái tích tụ và được làm nên bằng những cái rất yếu ớt và nhỏ mọn. Còn gì nhỏ bé bằng một ánh lửa, một giọt nước, hay một hơi mát thổi thoáng qua trong một bưởi chiều oi ả. Thế mà nhân loại và con người đã phải vất vả lắm mới có thể khống chế nổi những cơn cháy rừng, những trận cuồng phong, và những cơn lụt lội hằng năm vẫn gây thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của, phá vỡ bao công trình kiến trúc của con người, và còn lấy đi bao nhiêu mạng sống của con người. Còn gì nhỏ nhoi bằng một lời nói hành, vu khống, nhưng hậu quả của nó thì ai cũng đã biết.

“Lậy Thầy xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5). Nhưng nếu Chúa Giêsu thêm đức tin cho chúng ta bằng chính những trường hợp, những hoàn cảnh sống, và môi trường sống như đã và đang sống, thì điều đó có nghĩa là Ngài muốn ta nhìn vào hình ảnh hạt cải để làm sống lại đức tin thực hành của mình. Đó là đức tin hành động. Đó là đức tin thực hành. Đức tin bắt nguồn từ chính con người của mình, cuộc sống của mình, nối kết với Chúa Giêsu và lan rộng ra những người thân, bạn hữu, và những người mà thường ngày ta vẫn hằng gặp gỡ, giao tiếp trong cuộc sống. Đức tin hành động, khởi đi bằng những việc làm xem ra nhỏ nhoi như một hạt cải.
 

Trần Mỹ Duyệt

 

Đầy Tớ Vô Dụng

Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Thường Niên (3/10/2004)


Phúc Âm Lc 17:5-10

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu nầy rằng: “Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển”, nó liền vâng lời các con. Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: “Không”. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Hướng Dẫn

Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy ít là hai điểm chính yếu sau đây:

Điểm thứ nhất đó là việc các tông đồ xin Chúa Giêsu tăng thêm đức tin cho các vị, nhưng Người không đáp lại lời kêu xin của các vị một cách trực tiếp bằng một hành động nhãn tiền nào đó, như cho kẻ chết hiện về theo lời yêu cầu của nhà phú hộ bị hư đi trong hỏa ngục ở bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, mà chỉ bằng những lời soi dẫn xa xôi bóng gió để các vị tự hiểu lấy rồi đem ra áp dụng hầu làm tăng thêm đức tin của các vị.

Điểm thứ hai đó là cách thức để các vị tông đồ có thể áp dụng hầu làm tăng thêm đức tin của mình theo lời Chúa Giêsu chỉ dẫn, cách thức này là ở chỗ hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ (xem Mathêu 18:3), nhỏ như một hải cải (một hạt giống được Chúa Giêsu sánh ví với đức tin trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này) là hạt giống nhỏ nhất trong các hạt giống, một hạt giống mà khi phát triển lại trở thành một cây vĩ đại (xem Mathêu 13:32), và vấn đề trở nên nhỏ bé nhất ở đây được thể hiện rõ ràng nhất qua việc hết mình phục vụ như một người tôi tớ mà vẫn chân nhận mình là đứa đầy tớ vô dụng.

Đó là lý do hôm nay chúng ta sinh hoạt Phúc Âm Chúa Nhật tuần này bằng trò chơi Đầy Tớ Vô Dụng như sau.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm cử ra một người, và người này được trao cho một cái bao thủng hay chậu thủng một lỗ ở dưới đáy.

2. Những người đại diện các nhóm ấy đứng thành vòng tròn, ở giữa có người quản trò cầm sẵn một số trái banh nhỏ hay những đồng bạc cắc sửa soạn tung lên trời.

3. Khi những trái banh hay đồng bạc cắc được người quản trò tung lên trời, những người đại diện nhóm tham dự trò chơi phải cố gắng lấy chiếc bao thủng hay chậu thủng để hứng lấy những gì được tung lên ấy.

4. Người nào hứng được những gì rơi xuống đó nhưng nó lại bị lọt ra ngoài chiếc bao thủng hay chậu thủng đáy thì được điểm, trò chơi được lập lại ba hay năm lần như thế, ai hứng được nhiều lần và bị lọt đáy nhiều nhất thì thắng giải trò chơi “Đầy Tớ Vô Dụng”.

5. Người nào không chịu hứng những gì được người quản trò tung lên trời thì kể như bị loại vì đã không cố gắng chu toàn phận sự của một người đầy tớ, tức là một người đầy tớ tự bản chất vô dụng, chứ không phải người đầy tớ làm được việc nhưng không bao giờ nghĩ đến công lao của mình, vì cảm thấy rằng không có mợ thì chợ cũng đông, không có mình thì Chúa vẫn có thể làm được việc của Ngài.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ