GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 12 THỨ SÁU

  

ĐTC GPII và Tòa Thánh về Cái Chết của Vị Lãnh Tụ Palestine Yasser Arafat

Nhận được tin qua đời của nhà lãnh tụ Palestine Yasser Arafat 75 tuổi, qua ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, ĐTC GPII đã gửi điện tín vào sáng Thứ Năm 11/11/2004, Ngày Thương Phế Binh tại Hoa Kỳ, phân ưu của Ngài đến chủ tịch Hội Đồng Lập Pháp Palestine là ông Rawhi Fattuh.

“Vào giờ khắc buồn thương của việc qua đời của Tổng Thống Yasser Arafat, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặc biệt liên kết với gia đình của người quá cố, với các vị Thẩm Quyền cũng như với Nhân Dân Palestine. Trong khi ký thác linh hồn của ông cho bàn tay của Thiên Chúa Tòan Tăng và Thương Xót, Đức Thánh Cha xin Vua Bình An để ngôi sao sáng của sự hòa hợp sớm chiếu soi Đất Thánh và hai Dân Tộc cư ngụ ở đó có thể sống hòa hợp với nhau như hai quốc gia độc lập và chủ quyền”.

Cũng vào ngày hôm nay, vị giám đốc của văn phòng báo chí tòa thánh là Joaquin Navarro-Valls cũng đã phát biểu những lời lẽ sau đây với phóng viên báo chí:

“Tòa Thánh liên kết với niềm đau của nhân dân Palestine về cái chết của Tổng Thống Yasser Arafat. Ông là một vị lãnh đạo rất uy tín yêu thương nhân dân của mình và tìm cách dẫn họ đến tình trạng độc lập quốc gia. Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn của người quá cố tiếng tăm này vào tình thương của Ngài và ban hòa bình cho Thánh Địa, với hai Quốc Gia độc lập và chủ quyền, hoàn toàn hòa giải với nhau”.

ĐGH GPII và Tổng Thống Yasser Arafat đã gặp nhau tất cả là 12 lần trong giáo triều 26 năm của ĐTC. Vị tổng thống này đã được tiếp đón 11 lần ở Vatican, lần đầu tiên ngày 15/9/1982 và lần cuối cùng ngày 30/10/2001. Vị tổng thống này và ĐTC đã gặp nhau ở Bêlem dịp ĐTC hành hương Thánh Địa vào tháng 3/2000.

Ông đã gặp ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano năm 1996, với ĐTGM hiện nay làm Hồng Y Jean Louis Tauran, bí thư của văn phòng Liên Hệ Các Quốc Gia (năm 1994 ở Tunisia và 1995 ở Gaza), và ĐHY Pio Laghi năm 2001 ở Thánh Địa.

Vào ngày 25/10/1994, Tòa Thánh đã công bố là Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO: Palestine Liberation Organization) và Tòa Thánh trao đổi đại diện với nhau “để tạo những cơ hội tiếp tục phát triển những mối tương liên, hiểu biết và hợp tác… Bởi thế, Tổ Chức Giải Phóng Palestine sẽ mở một văn phòng đại diện ở Tòa Thánh với vị giám đốc riêng của mình. Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Tunisia sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với các vị lãnh đạo của Tổ Chức Giải Phóng Palestine”.

Vào ngày 15/2/2000, ĐTC GPII đã tiếp tổng thống Arafat và phái đoàn đại biểu đến để ký Hiệp Ước Căn Bản giữa Tòa Thánh và Tổ Chức Giải Phóng Palestine, liên quan tới những vấn đề pháp lý của Giáo Hội Công Giáo ở lãnh thổ Palestine. Trong dịp này vị lãnh đạo tổ chức Palestine đã mời ĐTC viếng thăm Bêlem.


 

Tòa Thánh với Liên Hiệp Quốc về “Cơ Quan Cứu Trợ Và Tác Vụ Của Liên Hiệp Quốc Lo Cho Những Người Tị Nạn Ở Cận Đông”.

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Hai 1/11/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Ủy Ban thứ bốn của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về: “Cơ Quan Cứu Trợ Và Tác Vụ Của Liên Hiệp Quốc Lo Cho Những Người Tị Nạn Ở Cận Đông”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thưa Ông Trưởng Ban,


Đại biểu tôi đây xin được bắt đầu bằng việc bày tỏ lòng biết ơn của mình về Bản Tường Trình của Tổng Ủy Viên Cơ Quan Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Cứu Trợ Và Hoạt Động Cho Thành Phần Tị Nạn Palestine Ở Cận Đông, cũng như về hoạt động của chính cơ quan này trong năm qua.


Đối những người chúng ta theo dõi vấn đề này thì đều việc hài lòng về vấn đề này là tất cả những gì quá hiển nhiên. Chúng ta trở lại với cuộc diễn đàn này một lần nữa để kiểm điểm lại việc cung cấp các dịch vụ nhân bản giữa một tình trạng quay cuồng bất tận của bạo loạn và khủng bố, của quân hành và phản động, thực sự là một chuỗi những hận thù trả đũa càng gây thêm bạo loạn. Ở vào giai đoạn này, Cơ Quan Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Cứu Trợ Và Hoạt Động Cho Thành Phần Tị Nạn Palestine Ở Cận Đông (UNRWA) cùng với nhiều cơ quan khác, bao gồm cả Cơ Quan Truyền Giáo Của Tòa Thánh Cho Palestine, nhờ lòng quảng đại của cộng đồng quốc tế, đang cung cấp các dịch vụ cho thành phần tị nạn mà trong các trường hợp bình thường thuộc về trách nhiệm của các thẩm quyền địa phương.


Việc thực tế phân tích tình trạng này cho thấy rằng có nhiều ngôn từ về việc xây dựng hòa bình nhưng lại ít ý muốn chính trị tỏ ra muốn giải quyết những vấn đề khác biệt. Thái độ lưỡng lự của cộng đồng quốc tế trong việc thách đố vai trò lãnh đạo của người Do Thái cũng như Palestine ngồi lại thương thảo với nhau một cách chân thành đã khiến cho Lộ Trình Hòa Bình chưa được thực hiện.


Thiếu những cuộc thương thảo rất cần thiết như thế sẽ không có các cơ hội để hòa giải, để thứ tha, để dung hợp hay để cộng tác, về tất cả những điều kiện tiên quyết cho một nền hòa bình bền bỉ ở vùng này. Việc đả thông là những gì thiết yếu để mang đôi bên lại với nhau ở những gì khác biệt. Không thể nào một chính sách tiếp tục phân rẽ lại có thể góp phần hòa bình được cả. UNRWA cùng với các cơ quan nhân đạo khác cần phải tiếp tục cung cấp những dịch vụ cho thành phần tị nạn ở một môi trường tiêu cực như thế.


Thưa Ông Trưởng Ban, đại biểu tôi đây hết sức ý thức được những khó khăn của UNRWA trong việc cung cấp những dịch vụ ý nghĩa cho thành phần tị nạn bị ảnh hưởng quá bất lợi bởi “cuộc chiến bất tuyên chiến” này. Cơ quan Truyền Giáo Của Tòa Thánh Cho Palestine, hợp với các cơ quan Công Giáo hợp tác viên khắp Hoa Kỳ và Âu Châu, trong 55 năm qua vẫn còn đang phục vụ cũng thành phần tị nạn khổ đau này, bằng việc giải quyết các vấn đề về thất nghiệp, về phương tiện giáo dục cũng như về các dịch vụ y khoa.


Để phục hồi phẩm giá của thành phần thất nghiệp trong vùng này, cơ quan của Tòa Thánh đây khởi xướng những chương trình gia tăng lao động để cung cấp cho họ việc làm ý nghĩa. Nhờ những dự án ở đô thị những chương trình này phục hồi và cải tạo cơ sở hạ tầng thường bị hư hoại bởi tình trạng bạo loạn và xung đột võ trang. Những chương trình này cũng giúp vào việc củng cố cho cả các cơ cấu địa phương nữa.


Thưa Ông Trưởng Ban, đại biểu tôi đây hy vọng rằng bất cứ giải pháp nào cần phải có để giải quyết vấn đề đa diện này cũng cần phải được bao gồm cả vấn đề thành thánh Giêrusalem. Theo chiều hướng của nhiều vụ bất trắc bạo loạn xẩy ra cùng với cái khó khăn trong việc tự do di chuyển gây ra bởi Bức Tường rào cản, với những trạm kiểm soát và giờ giới nghiêm, Tòa Thánh xin lập lại lời kêu gọi của mình về “những điều khoản được quốc tế bảo đảm cho việc làm sao bảo toàn được vấn đề tự do tôn giáo và lương tâm của cư dân ở đây, cũng như vấn đề di chuyển thường xuyên, tự do không bị cản trở tới các nơi thánh của tín hữu thuộc mọi tôn giáo và quốc tịch” (A/RES/ES-10/2). Giêrusalem, thành thánh, là một gia sản chung của thế giới tín ngưỡng và bất cứ ai nắm quyền quản thủ thành thánh này đều mang trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Việc quản trị thành thánh này không được coi là một vấn đề thuần túy đối với thẩm quyền này hay thẩm quyền nọ.


Những mức độ bạo loạn hiện nay đã khiến cho thành phần hành hương lánh xa Thánh Địa, gây ra những sát phạt về kinh tế trầm trọng hơn bao giờ hết trên tất cả mọi thành phần ở trong miền này, ngoài việc ngăn cản quyền lợi của dân chúng từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm và nguyện cầu ở các địa điểm tôn giáo. Đại biểu tôi đặc biệt ghi nhận rằng thành phần dân chúng địa phương không luôn được tự do lui tới các đền thánh và nơi thánh.


Thưa ông Trưởng Ban, Lộ Trình Hòa Bình được phác họa chưa mang lại hòa bình cho miền đất này. Khi chúng ta chú ý tới tình trạng bạo loạn đang diễn tiến, tình trạng khủng hoảng về kinh tế, những hạn chế về việc di chuyển và vấn đề không dễ dàng lui tới với các nơi thánh, thì chẳng có gì là lạ khi nhiều người cảm thấy bắt buộc phải vĩnh viễn rời bỏ miền đất này. Thật là đau lòng khi thấy một mảnh đất đã một thời được chất chứa sứ điệp yêu thương, sự sống, huynh đệ và an bình, được nhiều người gọi là Thánh Địa, vào những lúc này đây lại tung ra trước mắt thế giới một sứ điệp khác hẳn, một sứ điệp của chia rẽ, hủy diệt và chết chóc.


Gia đình của các dân nước cần phải thách thức tất cả mọi diễn viên còn quan tâm đến việc tái lập những nỗ lực của họ trong việc mang lại hòa bình cho miền đất ấy. Chỉ có nền hòa bình chân chính và bền vững, chứ không phải bị áp đặt mà là được bảo toàn bằng việc thương thảo, mới làm mãn nguyện những khát mong hợp lý của tất cả mọi dân tộc ở vùng đất này thôi. Một thành quả như thế lệ thuộc rất nhiều vào việc can đảm sẵn sàng của những ai hữu trách trong việc tỏ ra những thái độ giải hòa mới là những gì thuận hợp với các đòi hỏi của công lý.


Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 2/11/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

Tòa Thánh với Liên Hiệp Quốc về “Việc loại trừ tất cả mọi hình thức bất dung nhượng tôn giáo”

ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Hai 25/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Ủy Ban thứ ba của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về điều 105B: “Việc loại trừ tất cả mọi hình thức bất dung nhượng tôn giáo”. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thư Ông Trưởng Ban,


Tự do tôn giáo, qua tất cả mọi hình thức của nó, đã ở vào một thời điểm sôi bỏng qua nhiều tuần, nhiều tháng qua. Thật sự là như thế, vì tự do tôn giáo là điều kiện để theo đuổi sự thiện hảo và hạnh phúc đích thực; tự do tôn giáo đặc biệt là việc con người theo đuổi “những điều sau hết”, những gì thỏa mãn những thao thức khát mong sâu xa nhất, thăm thẳm nhất và thanh thoát nhất của tâm linh con người. Bởi thế, theo ý nghĩa ấy, các niềm tin và quyền tự do tôn giáo cần phải được thực hiện và cần phải được coi như một giá trị tích cực, chứ không bị lèo lái hay được coi như là một thứ de dọa cho việc thuận hòa chung sống và tương nhượng; nó là một thứ giá trị am hợp với các quyền tự do khác, nhờ đó, nó giúp phần vào chính việc hiện hữu của nó nữa.


Các vị lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc xua tan bất cứ lạm dụng hay trình bày sai trái nào về các niềm tin và quyền tự do tôn giáo. Họ nắm trong tay một phương tiện mãnh lực và vững bền để chiến đấu với nạn khủng bố; và họ được kêu gọi để kiến tạo và truyền bá một cảm tính tôn giáo, văn hóa và xã hội, và là một cảm tính không bao giờ đi đến chỗ gây ra những hành động khủng bố, mà là loại trừ và lên án những hành động tục hóa tôn giáo như thế.


Cũng thế, các thẩm quyền dân sự, các lập pháp gia, các vị thẩm phán và các viên chức hành chính mang một trách nhiệm nặng nề và hiển nhiên đối với việc chung sống hòa bình giữa các nhóm tôn giáo cũng như phải sẵn sàng chấp nhận việc hợp tác của các nhóm ấy để xây dựng xã hội, hơn là hạn chế họ hay loại trừ căn tính của họ, nhất là đối với những nỗ lực của các nhóm tôn giáo chú trọng đến thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội. Thật là ngược đời khi phải nói rằng trong thời đại toàn cầu hóa này mà lại xẩy ra những hình thức bất dung nhượng mới về tôn giáo.


Việc thực thi các quyền tự do cá nhân càng nhiều thì càng đưa đến tình trạng bất dung nhượng hơn và hạn chế về pháp lý hơn những điều diễn đạt công khai của những gì dân chúng tin tưởng. Thái độ của những ai muốn thu hẹp việc bày tỏ về tôn giáo vào lãnh vực thuần riêng tư là thái độ coi thường và chối bỏ bản chất của những niềm xác tín thực sự về tôn giáo. Thật vậy, những gì đang gặp khó khăn thường xẩy ra đó là quyền của các cộng đồng tôn giáo được tham dự vào cuộc tranh luận chung theo kiểu dân chủ như các lực lượng về xã hội khác được phép làm.


Ngoài ra, trong thời gian gần đây, càng ngày càng xẩy ra hơn, dường như thái độ của ngành tư pháp và lập pháp đối với quyền tự do tôn giáo có khuynh hướng muốn làm cho nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa.


Theo tinh thần của Bản Tuyên Ngôn Về Việc Loại Trừ Tất Cả Mọi Hình Thức Bất Dung Nhượng Và Kỳ Thị đối với Quyền Tự Do Và Niềm Tin Tôn Giáo, những phác họa về pháp lý đối với quyền tự do tôn giáo cũng như những qui định cùng với những hành động quan trọng khác của chính quyền cần phải duy trì việc góp phần của các tín hữu vào việc xây dựng công ích xã hội và cho phép họ “bảo tồn những cơ cấu bác ái hay nhân đạo thích hợp”.


Vấn đề thích hợp ở đây còn có nghĩa là chẳng những cho phép các hiệp hội và các nhóm tôn giáo hoạt động trong lãnh vực xã hội, giáo dục và nhân đạo, và cũng theo tính cách tôn giáo chuyên biệt của mình hoạt động hợp với sứ vụ tương xứng, mà còn không gạt bỏ bất cứ việc dấn thân nào về tôn giáo hay coi thường các giá trị về luân lý mang lại thiện ích cho xã hội. Những nỗ lực tục hóa hay nhúng tay vào nội bộ của các cơ cấu tôn giáo là những gì làm suy yếu căn tính của những cơ cấu này cũng như chính cơ cấu của xã hội. Mặt khác, việc hòa điệu tính cách đa dạng về tôn giáo khi việc hòa điệu ấy phục vụ quần chúng, dĩ nhiên, trừ trường hợp nó trở thành một mối đe dọa cho tình trạng sức khỏe và an toàn của quần chúng, là việc hòa điệu tôn trọng một khía cạnh đặc biệt của quyền tự do tôn giáo, là những gì làm phong phú nền văn hóa có tính cách đa diện thực sự, và là những gì cung ứng một dịch vụ rất cần thiết mà đôi khi bất khả thiếu đối với thành phần nghèo khổ, thành phần mềm yếu dễ bị tổn thương và thành phần cần thiết.


Việc nhìn nhận tầm quan thiết của lương tâm con người, một lương tâm hướng về chân lý, là những gì nồng cốt đối với phẩm vị của con người. Tòa Thánh tiếp tục kín múc được sức mạnh từ niềm xác tín này để mạnh mẽ bênh vực quyền tự do của lương tâm cũng như quyền tự do về tôn giáo, ở cả lãnh vực cá nhân lẫn cộng đồng. Ngày nay, việc bênh vực này vẫn còn cần thiết, vì những diễn tiến bạo động đã gây ra tình trạng khổ đau một cách thê thảm, hủy hoại các địa điểm tôn giáo, bạo hành thậm chí sát hại viên chức tôn giáo, và bách hại cộng đồng tôn giáo.


Xin cám ơn Ông Trưởng Ban.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 27/10/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ