GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 13 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

  

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hướng về ngày 21/11/2004, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh,

Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân

của Công Đồng Vaticanô II

Những chia sẻ trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống

hằng tuần trong Năm Thánh Thể

theo tâm tưởng của ĐTC GPII

trong Tông Thư Về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”

 

Mẹ Maria “đầy ơn phúc” toàn mỹ, rất thánh và chí ái của chúng ta có rất nhiều tước hiệu hay danh hiệu. Điều này được thấy rõ ràng nhất trong Kinh Cầu Đức Bà. Về phần mình, Mẹ Maria cũng đã chính thức tự nhận và tự xưng mình bằng hai tước hiệu, đó là tước hiệu “Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”, khi Mẹ hiện ra với chị thánh Bernadette ngày 25/3/1858 ở Lộ Đức Pháp quốc, và tước hiệu “Đức Mẹ Mân Côi”, khi hiện ra với 3 thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta ngày 13/10/1917 tại Fatima nước Bồ Đào Nha. Về phía Giáo Hội, có hai tước hiệu mới nhất được Huấn Quyền Giáo Hội chính thức tuyên nhận và công bố, đó là tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”. Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” là tước hiệu được Đức Thánh Cha Phaolô VI long trọng tuyên nhận ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, và tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” là danh hiệu mới nhất của Mẹ Maria và về Mẹ Maria, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xưng tụng trong bức Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể của ngài, ở khoản số 53, chương 6.

Vẫn biết Huấn Quyền chỉ tuyên nhận và công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” chứ không phải tuyên bố tín điều Mẹ Giáo Hội, như đã tuyên tín các tín điều Thánh Mẫu trước đó, như tín điều Mẹ Thiên Chúa (bởi Công Đồng Chung Êphêsô năm 431), tín điều Mẹ Trinh Nguyên (bởi Công Đồng Latêranô năm 649), tín điều Mẹ Vô Nhiễm (bởi Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX ngày 8/12/1854), và tín điều Mẹ Mông Triệu (bởi Đức Piô XII ngày 1/11/1950). Thế nhưng, nếu tước hiệu là những gì nói lên thực tại của mình, thì Mẹ Maria phải thực sự là Mẹ Giáo Hội mới đáng được gọi là Mẹ Giáo Hội. Bằng không tước hiệu này chỉ là một hư danh, nếu không muốn nói là một sai lầm. Như thế, khi công bố tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, ngay vào dịp ban hành Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, một văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng Chung Vatican II (11/10/1962-8/12/1965), Huấn Quyền đã chính thức long trọng công nhận Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội rồi vậy, một thực tại đã được phản ảnh qua những gì Công Đồng nói về Mẹ trong bản văn kiện này, một văn kiện đã giành riêng một chương Thánh Mẫu là chương VIII, trong đó, ở khoản số 53 đã minh định thực tại Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội bằng một ý thức theo Thánh Truyền và lý lẽ thần học như sau:

• “’Mẹ thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì Mẹ đã lấy đức ái để cộng tác vào việc sinh ra các tín hữu trong lòng Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De S. Virginitate, 6: PL 40, 399). Bởi thế mà Mẹ cũng được chào kính như là một chi thể siêu việt, một chi thể hết sức đặc biệt của Giáo Hội, và như là một mẫu mực, một mô phạm phi thường của Giáo Hội về lãnh vực đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công Giáo, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng dâng lên Mẹ tình con cái hiếu thảo của mình như dâng lên một người mẹ rất dấu yêu vậy”.

Sở dĩ chúng ta cần phải nhắc lại đặc biệt tước hiệu Mẹ Giáo Hội này của Mẹ Maria, là để thấy được tất cả mọi chiều kích và ý nghĩa của tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”, một tước hiệu được Huấn Quyền, qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tuyên nhận trong một văn kiện về tín lý, (chứ không phải là một văn kiện thương, cho dù là Tông Thư có tính cách mục vụ), đó là Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, ban hành Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 giữa Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003), một thông điệp với nội dung được vị tác giả Giáo Hoàng này cho thấy ở đầu khoản số 10 của Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”: “Vào giữa Năm Mân Côi, Tôi đã ban hành Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, với chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”. Bởi thế mà tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” có liên hệ mật thiết với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, hay với chính vai trò Mẹ Giáo Hội của Mẹ.

Đó là lý do, trong 14 thông điệp của mình, Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu với khẩu hiệu “totus tuus - tất cả của con là của Mẹ” này chẳng những đã giành cho Mẹ một thông điệp, đó là Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater, ban hành ngày 25/3/1987, mà còn giành trọn một trong 6 chương, chương VI, chương cuối cùng, cho Mẹ trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể nữa. Có thể nói, nếu viết Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, như trên đã trích dẫn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có “chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội”, thì viết Tông Thư về Năm Thánh Thể Xin Chúa Ở Với Chúng Con, Ngài cũng muốn làm sao để giúp cho Giáo Hội, có thể Cảm Nghiệm Thánh Thể hơn, bằng cách, như đã được đề cập đến trong bài “Năm Thánh Thể: Nguyên Do và Mục Đích”, “ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Phụng Vụ Thánh Thể”.


(xin xem còn tiếp vào Thứ Bảy tuần tới)

 

 

ĐTC GPII với Tổng Thống Bồ Đào Nha về cuộc khủng hoảng các thứ giá trị và việc hợp tác giữa hai quốc gia


ĐTC GPII đã tiếp Tổng Thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio 10 phút hôm Thứ Sáu 12/11/2004. Trong lời ngỏ ngắn ngủi của mình, ĐTC đã nói bằng tiếng Bồ Đào Nha đến hai vấn đề chính là tình trạng khủng hoảng các thứ giá trị và việc hợp tác giữa Tòa Thánh và nước Bồ Đào Nha.


Theo Ngài, thế giới đang nhận thức được “cuộc khủng hoảng trầm trọng về các thứ giá trị nơi xã hội tân tiến, một cuộc khủng hoảng chưa bao giờ thấy bấp bênh trước những quyết định về luân thường đạo lý nồng cốt thiết yếu cho bước đường tương lai của nhân loại”.


Ngài nhận định: “Việc huấn luyện một thứ lương tâm sáng suốt để nhận thức ý nghĩa đời sống và lịch sử là thách đố về văn hóa lớn nhất trong thời đại của chúng ta đây”. Đò là “những gì Giáo Hội ở Bồ Đào Nha muốn đương đầu bằng việc hợp tác của nó, như bản hiệp định mới sẽ có hiệu lực trong một ít ngày nữa cho thấy”.


Hiệp định là một hòa ước được ký kết giữa Tòa Thánh và một chính phủ dân sự đề cập tới những mối liên hệ giữa hai bên liên quan đến một số lãnh vực như giáo dục, giảng dạy tôn giáo, và bổ nhiệm các vị tuyên úy cho thành phần tù nhân và quân đội.


Ở đầu bài diễn từ của mình, ĐTC nhắc đến việc Ngài viếng thăm Fatima vào năm 2000 để phong chân phước cho “hai em nhỏ cao cả Bồ Đào Nha là Phanxicô và Giaxinta Marto. Thứ ánh sáng đặc biệt đã chiếu tỏa bằng đời sống của mình này cần phải chiếu soi thế giới. Thế giới tiếp tục hy vọng nhìn vào Bồ Đào Nha”.


Vị tổng thống này sau đó đã cho báo chí biết rằng việc ông gặp gỡ ĐTC “rất ư là cảm xúc và đánh động”. ĐGH “tỏ ra hết sức biết ơn, và yêu thương Bồ Đào Nha, và Ngài hỏi về Fatima, Bồ Đào Nha và thành phần hành hương”.


Bồ Đào Nha có 10 triệu dân, trong đó 93.30% là Công Giáo.

 


Hội Nghị về “Mối Hiệp Thông và Đoàn Kết Giữa Phi Châu Và Âu Châu”


Cuộc hội nghị này đã diễn tiến vào thời khoảng 11-13/11/2004. Nó được tổ chức bởi Tổng Hội Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE: Council of European Bishops' Conferences) cùng với Hội Nghị Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar, dưới sự bảo trợ của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc cùng với sự hợp tác của những tổ chức quan tâm tới tình đoàn kết. Cuộc hội nghị này qui tụ 150 vị giám mục đến từ 62 quốc gia về nhu cầu cần trao đổi các tặng ân giữa Giáo Hội của hai châu lục này.


Tham dự cuộc họp này còn có các vị đại diện của bảy phân bộ ở Tòa Thánh, các vị đại biểu thuộc những tổ chức giáo hội đại lục Á Châu, Mỹ Châu Latinh và Bắc Mỹ Châu, cùng với những viên chức thuộc các tổ chức quốc tế.


Các vị Phi Châu bày tỏ mối quan tâm của mình về tình trạng gần một nửa dân số của châu lục các vị sống dưới tiêu chuẩn nghèo khổ. Các vị cũng quan tâm cả đến vấn đề di dân, có những lúc, bất hợp pháp và thường nguy hại cho giới trẻ Phi Châu, chẳng những không suy giảm, trái lại, vì nhiều trường hợp xung khắc còn đang làm ngăn trở việc phát triển bền vững nữa.


Về phần mình, sau khi Bản Hiến Pháp Khối Âu Châu được ký chuẩn, các vị giám mục Âu Châu hy vọng rằng việc xây dựng một tân Âu Châu sẽ là một kinh nghiệm hiệp thông và đoàn kết không còn chỗ cho việc bài ngoại, khai trừ và thất vọng.


ĐGM Amedee Grab ở Chur Thụy Sĩ, Chủ Tịch CCEE, trong lời khai mở những khóa họp, đã nói: “Là Giáo Hội, chúng ta phải tỉnh táo để Âu Châu không trở nên một thành trì chỉ biết thu mình sống với sự trù phú của mình. Chúng ta một lục địa an bình và vững chắc hơn trao đổi các thứ tặng ân với những miền đất khác trên thế giới để góp phần xây dựng công lý và hòa bình trên thế giới”, cũng như “việc kiến tạo nên tình huynh đệ đại đồng, vì hết mọi cư dân trên thế giới này đều là con cái của cùng một Cha trên trời”.


“Không dấn thân cho mục tiêu này là vô trách nhiệm”. Nhận định như thế, vị giám mục chủ tịch này đã nhấn mạnh đến cái thách đố trong việc “nhổ tận gốc vào các thập niên tới đây thảm trạng đói khổ trên khắp thế giới, bắt đầu ở Phi Châu”.


“Một nhu cầu cấp bách lưỡng diện” là khởi điểm cho cuộc họp này. Đức Ông Aldo Giordano, tổng thư ký của CCEE đã giải thích trên Đài Phát Thanh Vatican rằng: “các vị giám mục Phi Châu đã bày tỏ ước vọng muốn được liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các vị giám mục Âu Châu, bởi vì bằng không thì mối liên hệ của các vị với Âu Châu thường là một thứ yêu cầu giúp đỡ về tài chính”. Thế nhưng, “chúng tôi muốn thực hiện một bước nhẩy vọt tốt đẹp và có một cuộc họp giữa các vị giám mục theo chiều hướng hiệp thông về bí tích của hàng giáo phẩm”.


“Ngoài ra, chúng tôi có cảm giác là Phi Châu, ở tầm mức chính trị kinh tế thế giới bao giờ cũng ở chỗ mấp mé. Là Giáo Hội, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải nói lên rằng không thể nào như thế được”.


Theo đức ông này, ở cuộc họp đây, “chúng tôi muốn chia sẻ những trục trặc chung”, như vấn đề di dân, mối liên hệ với các tín ngưỡng khác, nhất là với Hồi Giáo, để bàn về “việc làm sao để rao giảng về Kitô Giáo ở Á Châu” cũng như để giải quyết “các vấn đề liên hệ tới tình trạng sức khỏe, như hội chứng liệt kháng”.


“Nhất là chúng tôi muốn bàn đến vấn đề trao đổi văn hóa, trao đổi nhân sinh quan. Chúng tôi có hiện tượng tục hóa và Phi Châu cũng bị hiện tượng này chi phối”, thế nhưng, “chúng tôi muốn học kinh nghiệm của Phi Châu” về “tính cách đạo hạnh”. Cũng vậy, ở “Âu Châu chúng tôi đang hướng chiều về cá nhân chủ nghĩa và chúng tôi muốn học về chiều kích xã hội của Phi Châu”.


Đức ông này đã kết luận “cùng nhau chúng tôi cũng muốn xét tới vấn đề đóng góp được Âu Châu và Phi Châu có thể cùng nhau thực hiện cho thế giới để xây dựng hòa bình thế giới trong tình hình lịch sử hiện nay cũng như để xây dựng công lý trên thế giới”.



Giám Mục Balan đặt vấn đề phán quyết về tính cách đúng sai nơi Nhân Quyền với Liên Hiệp Quốc


Trong một bản tường trình của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho biết là hiện nay Ba Lan không bảo đảm cho nữ giới quyền được phá thai. Theo bản báo cáo “hết sức quan tâm” này về luật lệ phá thai hiện nay ở Balan thì từ năm 1993 chỉ cho phép phá thai “cho tới 12 tuần lễ trong trường hợp bị hiếp, trường hợp hư hại trầm trọng của thai nhi, hay nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ mà thôi”.


ĐGM Tadeusz Pieronek, khoa trưởng sắp giải nhiệm của Giáo Hoàng Thần Học Viện ở Krakow, qua tớ nhật báo Ý Avvenire hôm Thứ Năm 11/11/2004, đã đặt vấn đề này với Liên Hiệp Quốc như sau: “Tôi thắc mắc là ai trao cho Liên Hiệp Quốc trách nhiệm quyết định những gì là đúng và những gì là sai đây”.


Vị giám mục này nhấn mạnh là quyền sống là một trong những nguyên tắc căn bản của Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền Của Liên Hiệp Quốc.



ĐTC GPII với hội nghị về vấn đề Triệt Sinh An Tử và Trị Liệu Hung Bạo


Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe đã tổ chức một hội nghị quốc tế lần thứ 19 ba ngày, kể từ Thứ Năm 11/11/2004, về vấn đề thực hiện việc chăm sóc tạm dịu đớn đau cho bệnh nhân kịch liệt, liên quan tới các khía cạnh vệ sinh, pháp lý, văn hóa và liên tôn cũng như truyền thông.


Có hơn 600 tham dự viên đến từ 74 quốc gia, trong đó có các chuyên viên đến từ Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu, cùng với việc hợp tác của Phi Châu, có cả 17 vị lãnh sự và viên chức thuộc các quốc gia chính thức ngoại giao với Tòa Thánh. Hội nghị này được chia ra làm 3 phần chính, thứ tự như sau: tình trạng về việc chăm sóc tạm dịu trong thế giới ngày nay, việc chăm sóc này theo chiều hướng Phúc Âm và vấn đề đối thoại liên tôn, và việc áp dụng thực hành chiều hướng này.


ĐHY chủ tịch của hội đồng này là Javier Lozano Barragán, trong bài mở đầu, khi nói về lý do tổ chức cuộc hội nghị này, cho biết rằng có những trường hợp triệt sinh an tử cùng với việc trị liệu tàn bạo xẩy ra hằng ngày đang càng ngày càng gia tăng, “cần đến việc Giáo Hội Công Giáo hữu hiệu đáp ứng”.


Bởi vì, theo Đài Phát Thanh Vatican tường trình lời của vị hồng ý chủ tịch này, vì Giáo Hội hiểu được tình trạng khổ đau là những gì liên hệ tới Chúa Kitô đau khổ, nên Giáo Hội xác tín rằng giai đoạn cuối cùng của cuộc sống con người cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp về y khoa cũng như được nâng đỡ bằng tình huynh đệ.


Theo ngài, không được mạo hành giai đoạn cuối cùng của cuộc sống con người, nhất là trường hợp của những bệnh nhân bất tỉnh nhân sự, bằng những quyết định hung bạo hay bất khả chấp, như việc sử dụng vấn đề triệt sinh an tử, hay việc chăm sóc thiếu cân xứng với tình trạng của bệnh nhân, chẳng hạn sử dụng vấn đề trị liệu hung bạo.


“Vấn đề trị liệu hung bạo nhắm tới việc kéo dài sự sống một cách vô ích, tức là kéo dài một cách đớn đau tình trạng quằn quại bất khả phục hồi sự sống”, trong khi đó, việc chăm sóc tạm dịu “cố gắng để phục hồi sự sống”, song “đồng thời cũng nhắm đến chỗ làm cho bệnh nhân có thể sống tốt đẹp hơn về tâm thần, xã hội và thiêng liêng một cách xứng hợp nhất trong giây phút cuối cùng của cuộc đời là giây phút quan trọng nhất”.


Hôm Thứ Sáu 12/11/2004, ĐTC GPII đã tiếp 600 tham dự viên hội nghị này, thành phần, như ĐTC nói: “dấn thân về phương diện khoa học và nhân bản cho những ai đang sống trong tình trạng khổ đau”. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu trong bài huấn từ của ĐTC:


“Y khoa bao giờ cũng phải dấn thân phục vụ sự sống. Cả khi nó biết rằng mình không thể khắc phục được căn bệnh trầm trọng, nó cũng cố gắng sử dụng khả năng của mình để làm giảm bớt khổ đau. Việc nhiệt tình hoạt động để giúp bệnh nhân trong mọi trường hợp tức là việc ý thức phẩm giá bất khả vi phạm của hết mọi người, cho dù là những người ở trong những tình trạng cực kỳ kịch liệt sau cùng.


“Thật vậy, có một mối trực hệ cân xứng giữa khả năng chịu khổ và khả năng giúp đỡ cho những ai chịu khổ”. Ở chỗ, những ai nhậy cảm với nỗi đớn đau của người khác và giúp đỡ người khác “thì cũng sẵn sàng, với ơn Chúa giúp, chấp nhận đớn đau của bản thân mình”.


Về vấn đề triệt sinh an tử, ĐTC đã gọi vấn đề này là một trong những “thảm kịch gây ra bởi một thứ đạo lý tìm cách ấn định ai có thể sống và ai cần phải chết. … Ngay cả khi được tác động bởi những cảm xúc thương hại kém ý thức, … thì việc triệt sinh an tử, thay vì cứu chuộc con người khỏi khổ đau lại chà đạp họ”.


Ngài nói rằng, khi lòng thương cảm được hiểu một cách sai lệch thì “dẫn đến chỗ dập tắt sự sống để làm nhẹ bớt đau thương, như thế là lật ngược nguyên tắc luân thường đạo lý của khoa y học…. Trái lại, lòng thương cảm đích thực là cổ võ thực hiện hết mọi nỗ lực để chữa lành bệnh nhân”.


Về vấn đề trị liệu kéo dài, ĐTC đã làm sáng tỏ vấn đề như thế này: “Vấn đề quyết định tối hậu không muốn thực hiện hay bỏ việc trị liệu được coi là xác đáng về phương diện luân thường đạo lý khi (việc trị liệu như thế) không còn công hiệu hay rõ ràng là bất cân xứng với mục đích trợ sinh hay phục hồi sức khỏe. Bởi thế, việc từ chối vấn đề trị liệu kéo dài là hành động tỏ ra một tấm lòng tôn trọng cần phải có đối với người bệnh nhân ở trong mọi trường hợp”.


Ngài nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của việc ở bên bệnh nhân cho tới giây phút cuối cùng của họ, một cách yêu thương với hết tình chăm sóc trong việc làm nhẹ bớt nỗi khổ đau của họ, nhất là chú ý tới vần đề sửa soạn cho bệnh nhân để “linh hồn họ được gặp gỡ Cha trên trời”.


Ngài nhận định là những thứ chăm sóc tạm dịu có mục đích làm nhẹ bớt những triệu chứng đớn đau về thể lý cũng như về tâm thần ở giai đoạn cuối cùng của một chứng bệnh, do đó cần đến nhân viên chuyên môn. Việc cung cấp các thứ triệt đau “cần phải xứng hợp với tính cách trầm trọng và chữa trị đớn đau, tránh đi hết mọi hình thức triệt sinh an tử”, bằng việc cung cấp một lượng thuốc có thể gây chết chóc.


“Dù sao, khoa học và kỹ thuật vẫn không bao giờ có thể cung cấp một giải đáp thỏa đáng cho những vấn nạn căn bản của lòng người. Chỉ có đức tin mới có thể giải đáp những vấn nạn này thôi. Giáo Hội muốn cống hiến việc đóng góp đặc biệt của mình bằng cách hỗ trợ về nhân bản và thiêng liêng của người bệnh”.

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ