GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 24 THỨ TƯ

  

ĐTC GPII với Tước Hiệu Tiến Sĩ Danh Dự: Dấu Hiệu của Cuộc Đối Thoại giữa Khoa Học và Đức Tin

Sáng Thứ Ba 23/11/2004, ĐTC GPII đã tiếp viện trưởng Jan Kopcewicz và các phần tử thuộc các phân khoa và nhân viên của Đại Học Nicolaus Copernicus ở Torun Balan, thành phần đã đến Vatican để trao tặng Ngài Tước Hiệu Tiến Sĩ Danh Dự. ĐTC đã nói: “Tôi xin cám ơn chấp nhận nó như là một dấu hiệu của cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin trong việc liên tục phát triển”.

Ngài nhắc lại là vào cuộc Ngài đến thăm đại học này vào năm 1999, Ngài đã nói đến cuộc đối thoại này rồi, “một cuộc đối thoại được kêu gọi để thắng vượt cái tương khắc phát xuất vào Thời Minh Tri giữa sự thật đạt được bằng lý trí và sự thật biết được bởi đức tin. Ngày nay chúng ta hiểu được hơn bao giờ hết nó cũng là một sự thật, và con người nam nữ cần làm sao để đừng tiến bước một mình, song cố gắng thích ứng trực giác của mình bằng việc đối thoại với những người khác khi họ muốn đạt đến sự thật. Chỉ có thế những nhà chuyên môn và những con người đi làm văn hóa mới có thể đảm nhận một trách nhiệm đặc biệt được Tôi đề cập đến ở Torun: ‘trách nhiệm về sự thật; trong việc nỗ lực hướng về sự thật, bênh vực sự thật và sống theo sự thật’… Không có một sự giầu sang nào ở một quốc gia bằng sự giầu sang được làm nên bởi những người công dân học thức”.

Đại học này được thành lập năm 1945, với 11 phân khoa, là một đại học lớn nhất ở miền bắc Balan, có 1.368 giáo sư và 34 ngàn sinh viên, trong đó có 508 sinh viên dọn lấy bằng tiến sĩ. Viện đại học này goíp phần vào việc nghiên cứu khoa học với một Trung Tâm Thiên Văn Học có một viễn vọng kính lớn thứ ba ở Âu Châu.


ĐTC GPII Trao Di Hài Thánh cho Đức Thượng Phụ Hoàn Cầu Bartholomew I

Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 27/11/2004, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐTC GPII, cùng với Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I sẽ chủ sự một buổi cử hành đại kết để ĐTC trao cho vị Thượng Phụ này các di tích của các Thánh Gregory Nazianzus và Gioan Chrysostom là những vị Giám Mục và Tiến Sĩ của Giáo Hội.

Bản tuyên cáo của Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng cho biết là “cuộc cử hành này sẽ diễn ra theo cấu trúc của Phụng Vụ Lời Chúa và sẽ bao gồm những nghi thức sau đây: việc giới thiệu và tôn kính các di hài cốt; đọc các bài Thánh Kinh và trích dẫn từ hai Vị Tiến Sĩ Giáo Hội cùng với những bài ca theo phụng vụ Byzantine; giây phút nguyện cầu gồm có Kinh Nguyện chung và Kinh Chúa Dạy, nghi thức trao các di tích kèm bài nói của ĐTC và lời tạ ơn của Đức Thượng Phụ; các nghi thức kết thúc.

“Cuộc cử hành này là dấu hiệu cho thấy Giáo Hội Tây Phương và Đông Phương muốn cùng nhau tiến tới tặng ân trọn vẹn hiệp nhất để thế giới tin tưởng vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế Duy Nhất”.

Cộng đồng Chính Thống Giáo ở Rôma, cũng như giáo sũ, tu sĩ và tín hữu thuộc giáo phận Rôma, được mời tham dự cuộc cử hành đặc biệt này.


 

Tự do của con người sẽ bị giam cầm nếu họ không biết sống theo chân lý


Đức Ông Vitaliano Mattioli, giáo sư dạy ở Đại Học Tòa Thánh Urban và là phó chủ tịch của Viện Giáo Hoàng Thánh Apollinare, trong cuốc sách mới nhất của mình, mang tựa đề “Liberta Imprigionata” - “Một Tự Do Bị Ngục Tù”, do Segno Publishers xuất bản, đã chủ trương rằng không có sự thật thì tự do bị ngục tù. Trong cuộc phỏng vấn với Zenit, tác giả đã cắt nghĩa về đề tài chính được tác phẩm của ngài bàn giải, đó là mối liên hệ giữa sự thật và tự do.


Vấn:     Tại sao ngài chọn đầu đề này cho tác phẩm của mình?


Đáp:     Qua một số năm tôi đã muốn viết về một điều gì đó liên quan tới lập luận này. Tôi nhận thấy nơi dân chúng mộỉt khuynh hướng thực hiện những việc chọn lựa tiêu cực làm cho họ bị giam cầm. Bằng việc coi tự do của con người là một cái gì “bất chấp” là cá nhân không giải phóng mình mà là xiềng xích mình lại, ở chỗ họ giam nhốt tự do của họ lại.


Con người không còn “làm chủ” của chính mình nữa; quan niệm sai lạc của họ về đời sống và sự hiện hữu đẫn họ tới chỗ diệt vong. Tôi phân tách một vài thứ xích xiềng tiêu biểu này ở phần chính của cuốn sách. Tóm lại, tất cả những thứ xích xiềng này đều phát xuất từ một chủ trương không mới mẻ gì, song tái diễn trước sau khắp các thế kỷ, đó là chủ trương sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu.


Bởi thế mới có phụ đề “Luận Đề về Việc Con Người Tự Diệt”. Làm sao có thể tránh được thảm họa này? Cần phải đề cập ngay tới hình ảnh Chúa Kitô, vị duy nhất có thể trả lại cho con người tự do nguyên thủy của họ.


Vấn:     Trong Thông Điệp “Rạng Ngời Chân Lý – Veritatis Splendor”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng không có tự do nếu thiếu chân lý, một khẳng định được Huấn Quyền của Giáo Hội tiếp tục lập đi lập lại. Đức ông có thể nói cho chúng tôi biết về khía cạnh này chăng?


Đáp:     Con người đã tách rời cặp “tự do/chân lý” này ra. Họ muốn dập tắt đi sự thật về Thiên Chúa, không còn coi Ngài là Đấng Hóa Công và là nguồn gốc của tất cả những gì là tốt lành thiện hảo nữa, là nguyên lý của hữu thể, và là Đấng làm cho tất cả được hiện hữu.


Bằng việc loại trừ đi Vị Thiên Chúa siêu việt này mới hiện lên một con người kiểu nhân vật Hy Lạp Promethean (biệt chú của người dịch: Prometheus đã đánh cắp lửa của các thần mà trao cho con người, bị Zenus xích lại và được Heracles giải cứu). Một sự thật khác cũng bị phủ nhận ở đây nữa đó là sự thật về con người. Là một tạo vật, họ cảm thấy mình là hóa công. Bằng việc chối bỏ một Thiên Chúa hóa công, họ đã đặt mình vào việc sản xuất ra con người. Phủ nhận một vị Thiên Chúa lập pháp, con người trở thành luật kệ cho chính mình. Bởi thế mới có thứ Quốc Gia luân thường đạo lý.


Bằng việc chối bỏ những sự thật ấy, tự do cũng bị thủ tiêu, chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi cả quan điểm về chính trị nữa. Khi con người đứng ở trên một cái bệ, sau khi hạ bệ thần tính xuống, con người coi mình là thần, nhưng không phải là một vị Thiên Chúa là cha, mà là một vị Thiên Chúa làm chủ, một nhà độc tài chuyên chế. Các thứ quyền lợi của con người không còn được đếm xỉa tới nữa. Con người tự giáng mình xuống một cuộc sống đầy những cầm buộc. Như thế là họ đã làm mất đi quyền tự do hiện hữu của họ.


Bằng việc loại trừ Thiên Chúa, con người coi mình được miễn trừ để rồi cho mình được quyền sống thả lỏng theo đam mê. Chính bản thân họ, không còn tác hành nữa mà là những thứ đột hứng và thị hiếu thiếu lành mạnh của họ là những gì làm chủ và chi phối họ. Một khi tiến tới chỗ này là con người có thể thực hiện bất cứ một thứ lầm lạc nào.


Lý do Huấn Quyền của Giáo Hội nhấn mạnh rất nhiều đến việc bênh vực cặp tự do / chân lý này không những vì Giáo Hội muốn cho thấy quan điểm của Kitô giáo về đời sống mà là để ngăn ngừa con người, bất cứ là ai, khỏi đi đến chỗ tự diệt.


Vấn:     Hiện tình ở Âu Châu là một thí dụ điển hình cho thấy cái xung khắc giữa sự thật và tự do. Việc đề cập tới các căn gốc Kitô giáo của Âu Châu đã bị loại trừ nhân danh việc tôn trọng hơn nữa vị thế của trạng thái thế tục và quyền tự do tôn giáo. Đức ông nghĩ gì về vấn đề này?


Đáp:     Trong cuốn sách của tôi, khi nói đến cái sợi giây xích cột thứ ba là “tâm thức trần thế”, tôi phân tích cái khác nhau giữa trạng thái thế tục và trạng thái duy thế tục. Đức Piô XII đã không sợ chấp nhận một cách dứt khoát “một chủ nghĩa thế tục lành mạnh của quốc gia”. Chủ nghĩa thế tục chấp nhận tính cách đa diện tôn giáo và thấy tính cách này là những gì thăng hóa.


Trong một bài diễn từ ở Assisi (15/10/2004), Marcello Pera, chủ tịch thượng viện Ý quốc, đã nói rằng: “chủ nghĩa thế tục là một nguyên tắc tự lập, khoan dung, tôn trọng các niềm tin tưởng, các thứ tín ngưỡng và các thứ triết lý”.


Trái lại, một quốc gia chối bỏ thực tại tôn giáo, hay coi tôn giáo thuộc về lãnh vực chủ quan là một quốc gia duy thế tục. Bởi thế, thực tế mới cho thấy rằng đời sống tôn giáo không có quyền công dân ở quốc gia duy thế tục, một quốc gia cần phải biến đổi thành một quốc gia có luân thường đạo lý.


Âu Châu muốn coi mình là thế tục mà thật ra nó đang trở nên duy thế tục. Đó là lý do về việc nó cương quyết không công nhận các căn gốc của Kitô Giáo trong lời mở đầu của bản hiến pháp của mình.


Theo ông Marcello Pera, “chủ nghĩa thế tục là vấn đề ngược hẳn. Có những lúc một ý hệ trở thành một thứ tôn giáo thậm chí có thể trở thành một thứ tôn giáo mù quáng, trì độn và cuồng tín”. Có lẽ thứ tôn giáo thế tục này, hơn bất cứ một tôn giáo nào khác, đang dẫn giải cho thấy việc loại bỏ các căn gốc Kitô Giáo của Âu Châu nơi Lời Mở Đầu của Bản Hiệp Ước ấy. Ở đây, Âu Châu đang bắt đầu biểu lộ tính cách bất khoan dung đáng lo ngại.


Vấn: Nhân danh quan niệm tự do hơn về gia đình, chúng ta đang chứng kiến thấy một ước muốn nới rộng gia đình cho cả thành phần các cặp đồng tính luyến ái, cho phép họ được nhận nuôi con cái. Đức ông nghĩ thế nào?


Đáp: Trước hết tôi xin nhấn mạnh đến vấn đề tuyệt đối tôn trọng thành phần đang lâm vào tình trạng này. Nói như thế là nhìn nhận các cặp đồng tính luyến ái là một trong những hậu quả của việc chấp nhận một Quốc Gia duy thế tục.


Khi tình trạng vô chủ thay thế cho quyền tự do (là khả năng tác hành hợp với lý trí đúng đắn) thì mọi sự trở thành được phép. Tôi có luật lệ riêng của tôi và tôi cần phải tiến đến chỗ làm cho quốc gia công nhận theo pháp lý các ước muốn của tôi.


Gia đình bao giờ cũng được coi là một cuộc hiệp nhất giữa một con người có nam tính với một con người có nữ tính, một thứ gia đình được xã hội nhìn nhận. Việc chống đối ở đây không phải là chống đối vấn đề chọn lựa cá nhân giữa hai con người mà là về chống đối vấn đề áp lực đối với cơ cấu lập pháp để làm cho việc chọn lựa này thành bình thường nhờ đó cũng hợp lý.


Vấn đề những cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi lại càng là vấn đề xẩy ra đúng như thế hơn nữa. Tất cả những gì tâm lý cho thấy đó là nhu cầu cần phải có nhân vật nam tính cũng như nhân vật nữ tính trong việc giáo dục con cái. Trái lại, ở đây, lại là vấn đề bắt buộc các nhà lập pháp đi ngược hướng với tất cả mọi nguyên tắc lành mạnh của thiên nhiên, cũng như những nhận định hiển nhiên nhất của khoa học liên quan đến việc phát triển cân bằng của một con người.


Vấn đề thích thú nhất thời cũng là vấn đề chi phối ở đây nữa. Đó là vấn đề tìm thỏa mãn buông thả bất cứ ước muốn nào, là những gì cho thấy hoa trái của cái tôi và vấn đề không tìm thị6n ích của người khác.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 12/11/2004
 


Hội Ðồng Tòa Thánh Về Văn Hóa và Hội Ðồng Tòa Thánh Về Ðối Thoại Liên Tôn về Phong Trào Thời Mới (tiếp hôm qua)

 

Những chủ trương và chiều hướng của thời đại muốn tự do ngoài chân lý trên đây là một thí dụ điển hình cho thấy con người ngày nay đang sống theo phong trào Thời Mới.

 

2.3.4.   Thời Mới Nói Gì Về

 

2.3.4.1.  ... Con Người?

Những kỹ thuật vươn rộng tâm trí là những gì nhằm mục đích tỏ cho con người thấy được năng lực thần linh của họ; nhờ việc sử dụng năng lực này, con người dọn đường tiến tới Thời Minh Tri. Việc thăng hoa nhân loại ấy là những gì lật ngược mối liên hệ xác thực giữa Tạo Hóa và tạo sinh, mà một trong những hình thức cực đoan của nó là Khuynh Hướng Phò Satan. Satan trở thành một biểu hiệu cho một cuộc phản kháng với những ước định và qui luật, một biểu hiệu thường được bộc lộ qua những hình thức hung hãn, vị kỷ và bạo động. Một số nhóm tin lành đã bày tỏ mối quan tâm về sự hiện diện của tiềm thức về những gì họ nghĩ rằng là biểu hiệu cho Satan ở một số nhạc rock từng ảnh hưởng mạnh mẽ nơi giới trẻ...

... Những đề tài căn bản của nền văn hóa bí hiểm này cũng được thấy cả nơi những lãnh giới chính trị, giáo dục và lập pháp nữa (On this point cf. Michel Schooyans, L'Évangile face au désordre mondial, with a preface by Cardinal Joseph Ratzinger, Paris (Fayard) 1997.). Ðặc biệt là trường hợp liên quan tới vấn đề môi sinh. Việc lấy thể lý làm chính nơi vấn đề quan tâm đến môi sinh là những gì loại bỏ nhãn quan về nhân loại học của Thánh Kinh, một nhãn quan lấy con người làm chính, vì họ được coi như là chủ yếu về phẩm chất đối với các hình thức thiên nhiên khác... Nguồn gốc của nền văn hóa bí hiểm này còn có thể được thấy nơi lý thuyết ý hệ liên quan đến các chính sách kiểm soát dân số, và những vấn đề thí nghiệm nơi kỹ thuật tạo giống là những gì cho thấy con người mơ ước muốn tái tạo sinh mình. Làm sao con người hy vọng có thể thực hiện được việc này? Bằng việc tìm cách mở cái mã số về giống tính, bằng cách thay đổi những qui luật thiên nhiên của phái tính, bằng cách bất chấp những giới hạn của sự chết.

... Con người được sinh ra với một tia sáng thần linh...; tia sáng thần linh này nối kết họ một cách hiệp nhất với Tổng Thể. Bởi thế, họ thực sự được coi là thần linh, mặc dù họ tham dự vào thần tính của vũ trụ này ở những mức độ tâm thức khác nhau. Chúng ta là những vị đồng hóa công, và chúng ta tạo nên chính thực thể của mình.... Thế nhưng chúng ta cần thực hiện một cuộc hành trình để có thể hoàn toàn biết được vị trí xứng hợp của mình nơi tình trạng hiệp nhất của vũ trụ này. Cuộc hành trình ấy là vấn đề tâm lý trị liệu, và việc nhìn nhận tâm thức phổ quát là việc cứu độ. Không có vấn đề tội lỗi; chỉ có vấn đề hiểu biết bất toàn mà thôi. Căn tính của mọi người được tan loãng trong một hữu thể phổ quát cũng như trong một tiến trình liên tục của những cuộc đầu thai luân hồi. Con người bị lụy thuộc vào những sự chi phối định đoạt của các vì tinh tú, nhưng vẫn có thể hướng về thần tính sống động trong họ, khi họ tiếp tục tìm cầu (bằng những kỹ thuật xứng hợp) một thứ hòa hợp hơn nữa giữa bản thân và năng lực thần linh của vũ trụ. Không cần gì tới Mạc Khải và Ơn Cứu Ðộ là những gì đến với con người từ bên ngoài bản thân họ, mà chỉ cần cảm thấy sự cứu độ ẩn kín trong chính mình (tức là vấn đề tự cứu độ lấy mình), bằng việc thông thạo những kỹ thuật về tâm thể lý dẫn đến tình trạng giác ngộ tối hậu.

Trên con đường dẫn đến tình trạng tự cứu độ lấy mình còn có một số giai đoạn sửa soạn (như việc tĩnh niệm, việc điều hòa thân xác, việc xả ra những năng lực tự chữa lành). Những giai đoạn này là khởi điểm cho những tiến trình thần linh hóa, nên hoàn hảo và giác ngộ giúp cho con người đạt tới độ tự chủ hơn nữa và chuyên chú về tâm lý hơn nữa đến "việc biến đổi" cái tôi cá vị thành "tâm thức vũ trụ". Ðịnh mệnh của con người là một chuỗi đầu thai luân hồi liên tục của linh hồn trải qua nơi các thân thể khác nhau. Vấn đề này không được hiểu như là một chu kỳ samsara theo nghĩa thanh tẩy kiểu bị trừng phạt mà là một thứ thăng hóa từ từ đến tình trạng phát triển toàn vẹn năng lực của con người vậy.

Tâm lý được sử dụng để giải thích về việc vươn triển tâm trí như là những cảm nghiệm 'thần bí'. Yoga, zen, việc tĩnh niệm siêu việt và những việc thực hành tantric đều là những gì dẫn đến một thứ cảm nghiệm về tình trạng hoàn trọn bản thân mình hay tình trạng được giác ngộ. Những cảm nghiệm tột đỉnh (như sống lại cuộc hạ sinh của mình, vận hành đến cửa tử thần, phản hồi thể lực, nhẩy múa và thậm chí hút sách - tức bất cứ những gì có thể giúp dẫn đến một tình trạng đổi thay về tâm thức) đều được tin rằng giúp vào việc hiệp nhất và giác ngộ. Vì chỉ có một Tâm Trí duy nhất mà một số người có thể trở thành những thứ đường lối cho những hữu thể cao hơn. Hết mọi phần thuộc hữu thể đại đồng duy nhất này đều liên hệ với mọi phần khác. Ðường lối cố này nơi Thời Mới là một thứ tâm lý liên cá thể bao gồm những quan niệm chính là Tâm Trí Ðại Ðồng, Ðại Ngã, một cái tôi chung cá thể vô thức và là một cái tôi riêng. Ðại Ngã là căn tính thực sự của chúng ta, là chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa như là Tâm Trí thần linh với con người. Việc phát triển tâm linh liên hệ với Cái Ðại Ngã này, một đại ngã thắng vượt tất cả mọi hình thức nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng, giữa sự sống và sự chết, giữa tâm lý và thể lý, giữa bản thân và những khía cạnh phân mảnh của bản thân. Nhân cách hữu hạn của chúng ta chẳng khác gì như là một thứ bóng tối hay là một thứ mơ mộng phát xuất từ cái tôi thực sự. Cái Ðại Ngã chất chứa những ký ức của những cuộc (tái) đầu thai luân hồi.

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch từ văn kiện của Tòa Thánh

(còn tiếp)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ