GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 27 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

  

Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể

(TIẾP 2 Thứ Bảy vừa qua)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hướng về ngày 21/11/2004, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh,

Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân

của Công Đồng Vaticanô II

Những chia sẻ trên Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống

hằng tuần trong Năm Thánh Thể

theo tâm tưởng của ĐTC GPII

trong Tông Thư Về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”
 

Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, không có Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”, chúng ta khó có thể, nếu không muốn nói là không thể thực sự và trọn vẹn Cảm Nghiệm Thánh Thể, không thể thực sự và trọn vẹn “ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống Phụng Vụ Thánh Thể”, như Chúa Giêsu mong muốn và như Người đã hoàn toàn mãn nguyện nơi trường hợp của “Người Nữ Thánh Thể”, Mẹ Người. Đó là lý do Đức Thánh Cha đã khẳng định ở ngay đầu khoản số 53, khoản mở đầu cho chương VI, chương mang tựa đề: “Tại Học Đường Maria, ‘Người Nữ Thánh Thể’”, như thế này:

• “Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của mối liên hệ này thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội”; và

• “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy”.

Qua hai câu khẳng định này của Đức Thánh Cha, câu thứ nhất liên quan đến tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, và câu thứ hai liên quan đến tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể”, chúng ta đã rõ ràng thấy được mối liên hệ giữa tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” và tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”, đến nỗi, chúng ta có thể ghép hai tước hiệu này lại với nhau theo nhan đề của bài viết: “Mẹ Giáo Hội là Người Nữ Thánh Thể”. Thật vậy:

Nếu Thánh Thể là Hiện Diện Thần Linh của một Vị Thiên Chúa Emmanuel ở giữa chúng sinh là Lời Nhập Thể (x Jn 1:14), thì chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã cưu mang Người để cung lòng trinh nguyên của Mẹ được biến thành Nhà Tạm đầu tiên trên thế gian này, một Nhà Tạm đã phát tỏa “ánh sáng sự sống” (Jn 8:12) thánh hóa thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (x Lk 1:41).

Nếu Thánh Thể là Hiệp Thông Sự Sống thì cũng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vì Thánh Thể chính là huyết nhục của Mẹ được tạo thành bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, và vì thân xác của Mẹ đã cung cấp chất dưỡng sinh cho Thánh Thể Con Mẹ, chẳng những lúc Người còn là một thai nhi trong lòng dạ của Mẹ, mà còn cả khi Người là một hài nhi cần được bú sữa của Mẹ (x Lk 11:27).

Nếu Thánh Thể là Hy Tế Thập Giá thì lại càng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã đứng kề bên thập giá của Người (x Jn 19:25), bằng một trái tim quằn quại đoạn trường như bị gươm nhọn đâm thâu (x Lk 2:35), nhưng vẫn can trường chấp nhận và chịu đựng với tất cả tấm lòng hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào những gì Chúa phán sẽ được thực hiện (x Lk 1:45).

Nếu Thánh Thể là Hiến Tế Tạ Ơn, (đúng như tên gọi bằng tiếng Hy Lạp và Latinh eucharistia của mình), thì cũng chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã thần hứng xướng lên bài ca vịnh “Magnificat - Ngợi Khen” “Đấng Cứu Chuộc tôi” (Lk 1:47), Vị “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao trọng” (Lk 1:49).

Nếu Thánh Thể là Bảo Chứng Cánh Chung, bởi “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” được Thánh Thần biến đổi trên bàn thờ “để trở nên của ăn và của uống thiêng liêng” là chính Mình Thánh và Máu Thánh của Đấng Phục Sinh, thì cũng chẳng có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể như Mẹ và bằng Mẹ, vị đã chủ động can thiệp vào việc Chúa Kitô biến nước lã thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:3-7).

Nếu Thánh Thể là Bánh Ban Sự Sống cho thế gian (x Jn 6:51), để “ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Jn 6:56), thì lại càng không có ai Cảm Nghiệm Thánh Thể được như Mẹ và bằng Mẹ, vì hạnh phúc thật sự và trọn vẹn của Mẹ không phải là ở chỗ Mẹ được cưu mang và cho Con Thiên Chúa bú, mà là ở tại chính việc Mẹ “nghe lời Thiên Chúa và giữ lấy lời Ngài” (Lk 11:28).

Tóm lại, thực sự Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”, đúng như tước hiệu được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên xưng trong Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể. Chính vì thế, như hai khẳng định của Đức Thánh Cha trong khoản số 53 được trích dẫn trên đây, Mẹ Maria mới “có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này” (khẳng định 2), và Mẹ Maria mới “là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội” trong mối liên hệ giữa Giáo Hội và Thánh Thể (khẳng định 1), như Đức Thánh Cha rõ ràng xác nhận ở cuối khoản số 53: “Giáo Hội, nhìn lên Mẹ như mô phạm của mình, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”.

Đó là lý do, trong phần thứ VI về “Người Nữ Thánh Thể” của Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã dùng 5 đoạn còn lại để vừa khai triển vừa dẫn giải về tước hiệu “Người Nữ Thánh Thể” nói chung, cũng như về “mối liên hệ sâu xa với bí tích này” nơi Mẹ Maria nói riêng, những khai triển và dẫn giải hết sức cần thiết để Ngài có thể chứng minh, trước hết, cho Giáo Hội thấy được rằng Giáo Hội “được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”, và sau nữa, cho Kitô hữu Công giáo ý thức được rằng: “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”.

Sự kiện đầu tiên được Đức Thánh Cha viện dẫn cho Giáo Hội thấy Giáo Hội “được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này”, cũng như Kitô hữu thấy “Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”, Ngài đã suy đoán và kết luận về việc Mẹ Maria hiện diện giữa cộng đồng Giáo Hội sơ khai trong các cuộc cử hành Thánh Thể, như Ngài đã viết rõ trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, cuối khoản số 53:

• “Thoạt nhìn thì hình như Phúc Âm không nói gì đến vấn đề này. Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh không hề đề cập đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Mẹ đã hiện diện giữa các vị Tông Đồ, những vị ‘đồng tâm nhất trí’ (cf Acts 1:14) nguyện cầu nơi một cộng đồng tiên khởi qui tụ lại với nhau sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên để mong chờ Thánh Thần Hiện Xuống. Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng ‘với việc bẻ bánh’ (Acts 2:42)”.

Sau khi dẫn chứng cho thấy vai trò của Mẹ Maria trong cộng đồng Giáo Hội sơ khai khi cử hành Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã đề cập ngay đến một yếu tố chính yếu được Đức Thánh Cha dùng để khai triển và dẫn giải về Người Nữ Thánh Thể trong mối liên hệ sâu xa với Bí Tích Thánh Thể đó là yếu tố “mysterium fidei – mầu nhiệm đức tin”, với câu tiền đề như thế này: “nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin… thì…”. Theo ý hướng của Đức Thánh Cha về ý nghĩa của “mầu nhiệm đức tin” đây được hiểu theo hai khía cạnh, khía cạnh thần học và khía cạnh phụng vụ. Khía cạnh thần học của “mầu nhiệm đức tin” đây liên quan đến lý trí và kiến thức của con người, tức là, như Đức Thánh Cha xác nhận ở đầu khoản số 54 “một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa”.

Sau nữa, khía cạnh phụng vụ của “mầu nhiệm đức tin” đây liên quan đến chính Biến Cố Vượt Qua nói chung và Hy Tế Thập Giá nói riêng, đúng như lời tung hô sau khi chủ tế xướng “đây là mầu nhiệm đức tin” tiếp theo phần truyền phép để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô: “chúng tôi loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại…”. Mẹ Maria đã sống “mầu nhiệm đức tin” hay Mầu Nhiệm Thánh Thể này một cách trọn vẹn ở cả hai chiều kích thần học và phụng vụ, một cuộc sống đức tin đã trở thành mô phạm cho chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu, “có thể hướng dẫn chúng ta đến với bí tích chí thánh này”.

Căn cứ vào 5 khoản số còn lại trong phần VI về Mẹ Maria của Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, Kitô hữu chúng ta có thể Cảm Nghiệm Thánh Thể với Mẹ Giáo Hội, Người Nữ Thánh Thể, ở chỗ: tin tưởng vào việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể (khoản số 54), tin tưởng Chúa Giêsu hiện diện của trong Bí Tích Thánh Thể (khoản số 55.1 và 55.2), thiết tha lãnh nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể (khoản số 55.3), ngưỡng vọng Thánh Thể về một Chúa Kitô Tử Giá như Mẹ (khoản số 56), tiếp nhận Tặng Ân Thánh Mẫu của Chúa Kitô Tử Giá (khoản số 57), và sống Linh Đạo Thánh Mẫu để trở thành bài Ca Vịnh Ngợi Khen Tạ Ơn Chúa như Mẹ (khoản số 58).
 


 

Hội Ðồng Tòa Thánh Về Văn Hóa và Hội Ðồng Tòa Thánh Về Ðối Thoại Liên Tôn về Phong Trào Thời Mới (tiếp theo những ngày trong tuần)

 

3.4.  Thần Bí Kitô Giáo và Thần Bí Thời Mới

Ðối với Kitô hữu thì đời sống thiêng liêng là việc liên hệ với Thiên Chúa được dần dần gắn bó hơn nhờ ân sủng của Ngài, và trong tiến trình ấy đời sống này còn sáng tỏ nơi mối liên hệ của chúng ta với anh chị em đồng hữu của chúng ta cũng như với vũ trụ. Linh đạo, theo ý tứ của Thời Mới, nghĩa là việc cảm nghiệm thấy những trạng thái của tâm thức được chi phối bởi một cảm quan hợp hòa và tan hòa với Tổng Thể. Bởi thế thứ "thần bí" này không hướng đến cuộc hội ngộ với vị Thiên Chúa siêu việt trong một tình yêu trọn hảo, mà là đến một cảm nghiệm phát xuất nhờ việc qui về bản thân mình, một cảm quan hồ hởi được nên một với vũ trụ, một cảm quan để cho cái cá nhân của mình chìm vào đại dương Hữu Thể (Cf. the document issued by the Argentine Bishops' Conference Committee for Culture: Frente a una Nueva Era. Desafío a la pastoral en el horizonte de la Nueva Evangelización, 1993.) 

Ðiều khác biệt cốt yếu này hiện lên rõ ràng nơi tất cả mọi mức độ so sánh giữa thần bí Kitô Giáo và thần bí Thời Mới. Ðường lối thanh tẩy của Thời Mới được căn cứ vào việc ý thức được tình trạng bất ổn hay bất hòa là những gì cần phải được thắng vượt bằng cách chìm ngập vào Tổng Thể. Ðể được hoàn cải, con người cần sử dụng những kỹ thuật giúp cảm nghiệm được tình trạng sáng suốt minh tường. Ðiều này biến đổi tâm thức của con người và hướng họ đến chỗ giao tiếp với thần tính là những gì được cho là yếu tính sâu xa nhất của thực tại.

Những kỹ thuật và những phương pháp được cống hiến đây, theo đường lối tôn giáo tan hòa thấp nhập, một đường lối không có một quan niệm nào về Thiên Chúa ngôi vị, là những gì phát triển 'từ hạ giới'. Mặc dù chúng bao gồm chiều hướng đi xuống thẳm cung cõi lòng hay linh hồn của con người, chúng cũng là một việc làm thực sự phàm nhân của con người muốn tìm cách vươn lên thần tính bằng nỗ lực riêng của mình. Chúng cũng thường có chiều hướng 'đi lên' ở lãnh vực tâm thức cho tới những gì được hiểu là một thứ ý thức thanh thoát về 'vị thần linh nội tại'. Không phải là hết mọi người đều có thể sử dụng những thứ kỹ thuật ấy, những thứ kỹ thuật mang lại những lợi ích cho riêng 'thành phần quí tộc' tâm linh diễm phúc.

Tuy nhiên, yếu tố thiết yếu theo đức tin Kitô Giáo đó là việc Thiên Chúa xuống với tạo vật của Ngài, nhất là với thành phần khiêm hèn nhất, với những ai yếu kém nhất và thiếu may mắn nhất xét về các thứ giá trị của "trần gian". Có những kỹ thuật thiêng liêng hữu dụng cần phải biết, thế nhưng Thiên Chúa có thể thông qua chúng hay thực hiện không cần có chúng. Phương pháp để tiến đến gần Thiên Chúa hơn (của Kitô Giáo) không căn cứ vào bất cứ một thứ kỹ thuật nào theo nghĩa chặt của từ ngữ. Bằng không sẽ tương phản với tinh thần thơ trẻ theo Phúc Âm. Cốt lõi của khoa thần bí Kitô Giáo không phải là kỹ thuật, mà bao giờ cũng là một ân ban của Thiên Chúa; và những ai được hưởng ích lợi bởi ân ban này đều biết rằng mình là kẻ bất xứng" (Congregation for the Doctrine of the Faith, Orationis Formas, 23.).

Ðối với Kitô hữu thì việc hoán cải là việc quay về với Cha, nhờ Con, bằng việc đơn thành đáp ứng quyền năng của Thánh Linh. Con người càng tiến triển trong mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa, một mối liên hệ bao giờ và thế nào đi nữa vẫn là một ân ban nhưng không, thì họ càng cần phải xa lánh tội lỗi, xa lánh tình trạng tham lam thiêng liêng và vui thỏa bản thân là tất cả những gì gây ngăn trở cho việc tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa và hướng về anh chị em tha nhân của mình.

Tất cả những kỹ thuật suy niệm cần phải được gột rửa cho sạch những gì là giả tưởng và kiêu hãnh. Việc cầu nguyện của Kitô Giáo không phải là một thứ thực hành trong việc chiêm ngưỡng chính mình, trong tình trạng ngưng đọng và rỗng thân, mà là một cuộc trao đổi yêu thương, một thứ trao đổi yêu thương "bao gồm thái độ hoán cải, một cuộc thoát ly từ 'cái tôi' đến 'Ngài' Thiên Chúa" (Ibid.,3. See the sections on meditation and contemplative prayer in the Catechism of the Catholic Church, §§. 2705-2719.). Cuộc trao đổi yêu thương này dẫn con người đến chỗ càng ngày càng hoàn toàn phó mình cho ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được mời gọi đến chỗ liên kết sâu xa và chân thực với anh chị em của chúng ta" (Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Orationis Formas, 13.).

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch từ văn kiện của Tòa Thánh

(còn tiếp)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ