GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 28 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

TRONG NĂM THÁNH THỂ

  

"Ngày Chúa đang đến... vào lúc không ngờ nhất"

 

Suy niệm Chúa Nhật 1 Mùa Vọng A-B-C

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh:

 

A.        "Ngày Chúa đang đến... vào lúc không ngờ nhất": "Vào những ngày tới, núi của nhà Chúa sẽ được thiết lập như núi non cao nhất vượt trên các ngọn đồi" - "Tôi vui mừng, khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa"' "Ơn cứu độ của chúng ta gần hơn là lúc chúng ta mới chấp nhận đức tin - đây là giờ anh em tỉnh ngủ... dứt bỏ những việc làm tối tăm và hãy mang lấy khí giới ánh sáng".

 

B.        "Thời điểm ấn định sẽ đến. Nó giống như một người đi xa nhà": "Chúa đã ẩn mặt khỏi chúng tôi và đã phó mặc chúng tôi cho tội lỗi của mình" - "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cho chúng tôi được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng tôi được ơn cứu sống"' "Thiên Chúa trung thành... Đấng đã kêu gọi anh em cho được thân hữu với Con của Ngài - Ngài sẽ kiên cường anh em cho đến cùng, để anh em không có gì đáng trách vào ngày của Chúa Giêsu Kitô".

 

C.        "Ngày trọng đại sẽ đến... sẽ đến với mọi người cư ngụ trên mặt đất": "Ta sẽ hoàn tất lời hứa với nhà -ch-Diên và Giuđa... Ta sẽ làm mọc lên cho Đavít một chồi công chính" - "Lạy Chúa, tôi vươn linh hồn lên tới Chúa"' "Thiên Chúa sẽ củng cố tấm lòng của anh em cho khỏi điều đáng trách và được thánh hảo - anh em còn phải biết thăng tiến hơn, cho dù anh em đã học nơi chúng tôi cách làm đẹp lòng Thiên Chúa".

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống:

 

Thời điểm của "Lời đã hóa thành nhục thể" chính là "ngày của Chúa đang đến" (Phúc Âm năm A), là "thời điểm ấn định sẽ đến" (Phúc Âm năm B), và là "ngày trọng đại sẽ đến" (Phúc Âm năm C).

 

Nói đến "ngày" là nói đến "ánh sáng" và "sự sống". Như vậy, thời gian trông đợi (theo Phụng Vụ được gọi là Mùa Vọng) Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài với chung loài người (bài đọc 1 lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 8-12 trong Mùa Vọng) cũng như với riêng "nhà -ch-Diên và Giuđa" (bài đọc 1 năm C) đúng là thời gian con người "đang ngồi trong tối tăm và trong bóng tối sự chết" (Lk.1:79), hay là thời gian "Chúa đã ẩn mặt" (bài đọc 1 năm B).

 

Nếu thời gian Chúa ẩn mặt là thời gian con người ở trong tối tăm và bóng tối, thì "nó giống như một người đi xa nhà" (Phúc Âm năm C), "nhà -ch-Diên và Giuđa", nhà mà khi "chủ nhà trở về" (Phúc Âm năm B) "sẽ được thiết lập như ngọn núi cao nhất vượt trên các quả đồi" (bài đọc 1 năm A).

 

Bởi thế, Mùa Vọng đúng là thời gian để con người thiết tha khẩn nguyện: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cho chúng tôi được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra hầu cho chúng tôi được ơn cứu sống" (đáp ca năm B).

 

Quả thực, chính "Chúa đã ẩn mặt" cũng sẽ là Đấng "tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra", trong Ngày của Ngài, làm cho "ơn cứu độ của chúng ta gần hơn" (bài đọc 2 năm A), khi Ngài "làm mọc lên cho Đavít một chồi công chính" (bài đọc 1 năm C).

 

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, Cha là "Thiên Chúa trung thành, Đấng đã kêu gọi (chúng con) cho được thân hữu với Con của (Cha), (Cha cũng) sẽ kiên cường (chúng con) cho đến cùng" (bài đọc 2 năm B), "sẽ củng cố tấm lòng của (chúng con) cho khỏi điều đáng trách và được thánh hảo vào ngày của Chúa Giêsu Kitô" (bài đọc 2 năm C) - xin Cha cho chúng con nhận thức được rằng "đây là giờ (chúng con cần phải) tỉnh ngủ... (bằng việc) dứt bỏ những việc làm tối tăm và hãy mang lấy khí giới ánh sáng" (bài đọc 2 năm A), để chúng con  có thể "vươn linh hồn lên tới Chúa" (đáp ca năm C) mà "vui mừng... tiến vào nhà Chúa" (đáp ca năm A).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

VỀ HAI LẦN ĐẾN CỦA CHÚA KITÔ

Bài Suy Niệm Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng

(Thánh Cyril of Jerusalem, giám mục: Cat. 15:1-3: PG 33, 870-874)


Chúng tôi không rao giảng Chúa Kitô chỉ đến có một lần duy nhất mà là Người đến lần thứ hai nữa, lần đến còn vinh quang hơn cả lần thứ nhất. Lần đến thứ nhất mang dấu vết nhẫn nhục; lần đến thứ hai sẽ chiếu tỏa vinh hiển của vương quốc thần linh.

Nói chung, những gì liên hệ với Chúa Giêsu Kitô đều có hai khía cạnh. Khía cạnh Người được nhiệm sinh bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời, cũng như khía cạnh Người được hạ sinh bởi một vị trinh nữ vào lúc thời gian viên trọn. Khía cạnh Người âm thầm đến như mưa rơi trên lông cừu, và khía cạnh Người đến trước mắt mọi người, còn trong tương lai chưa xẩy đến.

Vào lần đến lần thứ nhất, Người được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Vào lần đến thứ hai, Người sẽ mặc áo sáng láng. Vào lần đến thứ nhất, Người đã vác thập giá bất chấp nhục nhã; vào lần đến thứ hai, Người sẽ ở trong vinh quang, được đạo binh các thiên thần hầu cận. Bởi thế chúng ta mới nhìn xuyên qua lần đến thứ nhất và chờ đợi lần đến thứ hai. Vào lần đến thứ nhất chúng ta nói: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Vào lần đến thứ hai, chúng ta sẽ lập lại lời này một lần nữa; chúng ta sẽ cùng với các thiên thần tiến lên nghênh đón Chúa mà thờ kính kêu lên: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Đấng Cứu Thế sẽ không đến để bị phân xử một lần nữa, mà là để phân xử những ai đã phân xử Người. Người đã thinh lặng trước bản án xử Người; bấy giờ Người sẽ nói với những kẻ nổi giận với Người khi họ đóng đanh Người và nhắc nhở họ rằng: Các người đã làm những điều ấy song Ta đã lặng thinh.

Vào lần đến thứ nhất, Người đã hoàn tất dự án yêu thương của Người, đã dạy dỗ con người bằng một đường lối thuyết phục dịu dàng. Lần đến thứ hai này, dù con người thích hay không thích, họ vẫn phải lụy thuộc vào vương quốc của Người. Tiên tri Malachi đã nói về hai lần đến ấy. Và Chúa, Đấng các người tìm kiếm thình lình sẽ đến với đền thờ của Người: đó là một lần đến.

Rồi tiên tri nói về lần đến khác là: Này, Chúa toàn năng sẽ đến, và ai có thể chịu nổi ngày Người đến, hay ai có thể đứng vững trước nhan Người? Vì Người đến như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt, và Người sẽ ngồi mà luyện lọc và tẩy sạch.

Hai lần đến này cũng được Thánh Phaolô nhắc tới trong thư gửi cho Titô như sau: Ân sủng của Thiên Chúa Đấng Cứu Độ đã tỏ hiện cho tất cả mọi người, khi huấn dụ chúng ta hãy bỏ con đường vô đạo, bỏ những ước muốn trần thế và hãy sống tiết độ, ngay chính và đạo hạnh trên đời này, trong khi mong chờ niềm hy vọng hân hoan, mong chờ việc xuất hiện hiển vinh của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ. Hãy chú ý đến cách thánh nhân nói về lần đến thứ nhất, lần thánh nhân đã dâng lời cảm tạ, và lần đến thứ hai, lần chúng ta vẫn còn đang đợi chờ.

Đó là lý do tại sao đức tin chúng ta tuyên xưng đã được truyền lại cho anh em nơi những lời sau đây: Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Thế nên, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta sẽ từ trời mà đến. Người sẽ đến khi tận thế, trong vinh quang, vào ngày sau hết. Vì thế giới này sẽ kết thúc, để thế giới tạo thành đây được canh tân đổi mới.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 4-6)
 

Phụng Vụ Thánh: Những viễn ảnh

Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành
Hiến Chế "Sacrosanctum Concilium" về Phụng Vụ Thánh

(tiếp Chúa Nhật 7+14/11/2004)

Trong phần thứ ba, ÐTC công nhận là việc canh tân Phụng Vụ đã gặp trục trặc, nhưng vẫn có những dấu hiệu khao khát thần linh, một khao khát chỉ được thỏa mãn nơi việc gặp gỡ Chúa Kitô (11), nơi Phụng Vụ Thánh Thể (12), trong thinh lặng nguyện cầu theo gương Chúa Kitô (13), bằng Phụng Vụ Giớ Kinh (14), theo hướng dẫn thẩm quyền của Giáo Hội để theo đúng tinh thần canh tân phụng vụ của Công Ðồng Chung Vaticanô II (15).

11.     Nhìn về tương lai, Phụng Vụ cần phải đáp ứng một vài thách đố. Trong giòng thời gian 40 năm này, xã hội đã trải qua những đổi thay sâu xa, trong số đó có những thay đổi rất gian nan khốn khó đối với cuộc dấn thân của Giáo Hội. Chúng ta đang đối diện với một thế giới làm cho những dấu hiệu của Phúc Âm đang bị suy yếu đi, kể cả ở những miền đất có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Đây là thời gian của một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Phụng vụ phải trực diện với cuộc thách đố này.

Thoạt nhìn thì đường như phụng vụ bị loại trừ ở một xã hội đang bị tục hóa rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, bất chấp vấn đề tục hóa, thời đại của chúng ta lại hiện lên một nhu cầu mới về linh đạo dưới rất nhiều hình thức. Làm sao người ta lại không thấy nơi hiện tượng này chứng cớ về sự kiện tận là thâm tâm của mình con người không thể nhận chìm được nỗi khát khao Thiên Chúa? Có nhiều vấn nạn chỉ tìm thấy giải đáp nơi việc giao tiếp riêng tư với Chúa Kitô mà thôi. Chỉ khi nào sống thân mật với Người thì hết mọi cuộc sống mới có ý nghĩa, và mới có thể tiến đến chỗ cảm nghiệm được niềm vui được Thánh Phêrô nói lên trên núi Biến Hình: “Lạy Thày chúng con được ở đây thì hay quá” (Lk 9:33 par).

12.     Nếu có nỗi khát mong được gặp gỡ Thiên Chúa ấy, thì Phụng Vụ mới cung cấp câu giải đáp sâu xa nhất và hiệu nghiệm nhất. Phụng Vụ làm điều này nhất là nơi Thánh Thể, một bí tích giúp chúng ta được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Người. Tuy nhiên, Các Vị Mục Tử cần phải thực hiện điều này để làm sao cho ý nghĩa của mầu nhiệm ấy thấm nhập vào lương tâm con người, bằng việc tái nhận thức và thực hành một thứ nghệ thuật ‘thần nhiệm’ được các Vị Giáo Phụ yêu chuộng (31). Các Vị Chủ Chăn đặc biệt có nhiệm vụ phải cổ võ những việc cử hành xứng đáng, chú trọng tới những tầng lớp dân chúng khác nhau, như trẻ em, giới trẻ, người lớn, lão thành và người khuyết tật. Tất cả cần phải cảm thấy họ được cộng đoàn của chúng ta đón nhận, nhờ đó có thể hít thở bầu khí của cộng đồng tín hữu tiên khởi, đó là “họ chuyên chú lắng nghe giáo huấn của các vị tông đồ và vào cuộc sống chung, vào việc bẻ bánh và việc nguyện cầu” (Acts 2:42).

13.     Một khía cạnh cần phải được dấn thân hơn nữa vun trồng trong các cộng đồng của chúng ta đó là kinh nghiệm thinh lặng. Chúng ta cần phải thinh lặng “để lãnh nhận trong tâm hồn mình âm vang trọn vẹn của tiếng nói Thánh Linh, cũng như để liên kết nguyện cầu một cách tâm giao hơn nữa với Lời Chúa cũng như với tiếng nói công khai của Giáo Hội” (32). Trong một xã hội sống hào nhoáng, một xã hội bị rối loạn bởi những lời đồn thổi và bị phân tâm nơi những gì mau qua chóng hết thì cần phải tái nhận thức được giá trị của thinh lặng. Không phải là tình cờ mà ngoài việc thờ phượng của Kitô giáo, còn có việc thực hành suy niệm đang được lan tràn làm tăng thêm tầm quan trọng cho việc phản tỉnh. Tại sao lại không dám theo sư phạm để thực hiện một cuộc giáo dục đặc biệt về sự thinh lặng trong giới hạn của kinh nghiệm Kitô giáo nhỉ? Chúng ta phải lấy gương sống của Chúa Giêsu, Đấng “đã chỗi dạy đi đến một nơi cô tịch mà cầu nguyện” (Mk 1:35). Phụng vụ, trong những thời khắc và dấu hiệu khác nhau của mình, không thể bỏ qua cái thinh lặng này.

14.     Chương trình mục vụ về phụng vụ, khi nói đến những việc cử hành khác nhau, cần phải mớm thêm cả hương vị nguyện cầu nữa. Việc này chắn chắn được thực hiện khi chú trọng tới khả năng của các tín hữu cá biệt, theo hoàn cảnh sống khác nhau về tuổi tác và trình độ giáo dục của họ; thế nhưng việc này cũng được thực hiện nữa nếu không thỏa nguyện với những gì là “tối thiểu”. Khoa sư phạm của Giáo Hội là ở chỗ “dám làm”. Cần phải giới thiệu cho tín hữu việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, “vì đó là lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, là nguồn mạch đạo hạnh và là dưỡng chất cho việc cầu nguyện tư riêng” (33). Đây không phải là một tác động cá nhân hay tư riêng “mà là việc thuộc về toàn thể Thân Mình của Giáo Hội. […] Bởi thế, nếu tín hữu được triệu hợp cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh và nếu họ hợp lại với nhau, đồng thanh nhất trí, họ bộc lộ cho thấy Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô” (34). Việc chú trọng đặc biệt này đối với vấn đề cầu nguyện theo phụng vụ như thế không được trở nên căng thẳng đối với việc cầu nguyện theo cá nhân, trái lại, việc cầu nguyện theo phụng vụ mặc lấy và cần đến việc cầu nguyện theo cá nhân (35), cùng bao gồm nó với những hình thức khác của việc cầu nguyện cộng đồng, nhất là khi việc cầu nguyện cộng đồng này được Thẩm Quyền Giáo Hội công nhận và khuyến lhích (36).

15.     Phận sự của các Vị Chủ Chăn là những gì không thể châm chước, trong việc giáo dục cầu nguyện, nhất là trong việc cổ võ đời sống phụng vụ. Nó bao hàm nhiệm vụ nhận thức và hướng dẫn. Nhiệm vụ này không được nhận định như là một nguyên tắc cứng cỏi, ngược lại với nhu cầu của tinh thần Kitô giáo phó mình cho tác động của Thần Linh Chúa, Đấng chuyển cầu trong chúng ta và “cho chúng ta bằng những lời than khôn tả” (Rm 8:26). Trái lại, qua việc hướng dẫn của các Vị Chủ Chăn, cần thực hiện nguyên tắc “bảo đảm” theo dự định của Thiên Chúa đối với Giáo Hội, một Giáo Hội được quản trị nhờ Thánh Linh hỗ trợ. Việc canh tân phụng vụ được thể hiện trong những thập niên này đã cho thấy cách thức có thể hòa hợp cái qui tắc có thể bảo đảm Phụng Vụ giữ được căn tính của mình cùng với tác hành thích hợp của mình, mà vẫn có chỗ cho việc sáng tạo và thích nghi, khiến nó gần gũi với những nhu cầu minh nhiên của các miền đất khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau và các thứ văn hóa khác nhau. Nếu không tôn trọng qui chuẩn phụng vụ, có những lúc thậm chí người ta tiến đến chỗ thực hiện những lạm dụng trầm trọng làm lu mờ đi thực tại của mầu nhiệm và tạo nên tình trạng phiền toái cũng như căng thẳng nơi Dân Chúa (37). Những lạm dụng như vậy không hề có liên quan gì tới tinh thần đích thực của Công Đồng hết, và là những lạm dụng cần phải được Các Vị Mục Tử sửa chữa bằng một thái độ mạnh mẽ khôn khéo.

Kết luận

16.     Trong đời sống của Giáo Hội, việc ban hành Hiến Chế phụng vụ này đã đánh dấu một hết sức giai đoạn quan trọng cho việc phát động và phát triển về Phụng Vụ. Giáo Hội, được sinh động bởi hơi thở Thần Linh, sống sứ vụ của mình “là bí tích, tức là dấu hiệu và là dụng cụ cho mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho mối hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (38), thấy được nơi Phụng Vụ cái thể hiện cao cả nhất cho mầu nhiệm và thỉc tại của mình.

Trong Chúa Giêsu Kitô và trong Thần Linh của Người, toàn thể cuộc sống Kitô hữu trở thành “một hy tế sống động, thánh hảo và đáng Chúa chấp nhận”, “một việc tôn thờ linh thiêng” đích thực (Rm 12:1). Thật vậy, Mầu nhiệm được hiện thực nơi Phụng Vụ thực là cao cả. Mầu nhiệm này hướng về trái đất một thoáng nhìn của Trời Cao làm cho cộng đồng tín hữu được nâng lên, hợp với cuộc xướng hát của Giêrusalem trên trời, hát bài thánh ca chúc tụng ngàn đời: "Sanctus, Sanctus, Sanctus, Dominus Deus Sabaoth. Pleni sunt caeli et terra gloria tua. Hosanna in excelsis!" - “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”.

Đang hiện lên có một “thứ linh đạo về phụng vụ” ở vào đầu thiên niên kỷ đây, một linh đạo làm cho người ta nhận thức được rằng Chúa Kitô là vị đệ nhất “phụng gia”, Đấng đã không thôi tác hành trong Giáo Hội cũng như trên thế giới bằng quyền năng của mầu nhiệm vượt qua được cử hành liên tục, và là Đấng liên kết Giáo Hội với bản thân Người để chúc tụng Cha trong sự hiệp nhất của Thánh Linh.

Với nhận thức này, Tôi hết lòng ban Phép Lành của Tôi cho tất cả mọi người.

Tại Điện Vatican ngày 4/12/2003, năm thứ 26 của Giáo Triều Tôi.

GIOAN PHAOLÔ II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 12/12/2003.
 


 

Hội Ðồng Tòa Thánh Về Văn Hóa và Hội Ðồng Tòa Thánh Về Ðối Thoại Liên Tôn về Phong Trào Thời Mới (tiếp theo những ngày trong tuần)

 

ThỜi MỚi và ÐỨc Tin Công Giáo Tương PhẢn

 

.........

(Quan niệm của Thời Mới về Thiên Chúa) là những gì rất khác với kiến thức Kitô Giáo về Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất và là nguồn mạch của tất cả mọi sự sống có ngôi vị. Tự mình Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa ngôi vị, Cha, Con và Thánh Thần, Vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ này để chia sẻ sự hiệp thông sự sống của Ngài với các ngôi vị tạo sinh. "Thiên Chúa, Ðấng 'ngự trong ánh sáng siêu phàm', muốn thông sự sống thần linh của mình cho con người là thành phần đã được Ngài tự do dựng nên, để thừa nhận họ làm con cái nơi Người Con duy nhất của Ngài. Bằng việc tỏ bản thân mình ra, Thiên Chúa muốn làm cho họ có thể đáp ứng Ngài, nhận biết Ngài và mến yêu Ngài vượt trên khả năng tự nhiên riêng của họ" (Catechism of the Catholic Church, 52). Thiên Chúa không đồng hóa với nguyên lý Sự Sống được hiểu như 'Thần Linh' hay 'năng lực căn bản' của vũ trụ mà là một tình yêu hoàn toàn khác với thế giới song lại hiện diện một cách sáng tạo nơi tất cả mọi sự và dẫn con người đến ơn cứu độ.

.........

Theo Truyền Thống Kitô Giáo thì Chúa Giêsu Kitô là nhân vật Giêsu Nazarét được các Phúc Âm nói tới, là con Ðức Maria và là Người Con duy nhất của Thiên Chúa, là người thật và là Thiên Chúa thật, là tất cả mạc khải của sự thật thần linh, là Ðấng Cứu Tinh độc nhất vô nhị của thế giới: "vì chúng tôi Người đã chịu đóng đanh vào thời quan Phongxiô Philatô; Người đã chịu khổ nạn, tử giá và táng xác. Vào ngày thứ ba Người đã sống lại như lời Thánh Kinh; Người đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha" (The Nicene Creed).

..........

Ðường lối của Kitô giáo được phát triển từ những giáo huấn của Thánh Kinh về bản tính con người; con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Ngài (Gen 1:27), và Thiên Chúa hết sức để ý đến họ, đến nỗi khiến cho vị tác giả Thánh Vịnh phải ngỡ ngàng (cf. Ps 8). Con người là một mầu nhiệm hoàn toàn được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô (cf. GS 22), và thực sự chuyên chính trở thành người một cách xứng hợp trong việc họ liên hệ với Chúa Kitô nhờ tặng ân Thần Linh (Cf. Catechism of the Catholic Church, §§ 355-383.) Ðó hoàn toàn không phải là một bức hí họa về thuyết nhân trung được gán cho Kitô Giáo bị nhiều tác giả cũng như thành phần sống Thời Mới bác bỏ.

............

Ðối với Kitô Giáo thì ơn cứu độ tùy thuộc ở việc thông dự vào cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như vào mối liên hệ trực tiếp của bản thân với Thiên Chúa hơn là vào bất cứ một kỹ thuật nào. Tình trạng của con người, bị ảnh hưởng bởi nguyên tội cũng như tư tội, chỉ có thể được canh cải bởi tác động của Thiên Chúa mà thôi: tội lỗi là những gì xúc phạm đến Thiên Chúa, nên chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể hòa giải chúng ta với chính mình Ngài. Theo dự án cứu độ thần linh thì loài người đã được cứu độ bởi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, là vị trung gian duy nhất cho việc cứu chuộc. Nơi Kitô Giáo ơn cứu độ không phải là một cảm nghiệm về bản thân mình, một thứ cư trú tĩnh niệm và trực giác nơi bản thân mình, song còn hơn thế nữa, là việc thứ tha tội lỗi, là việc được thoát ly khỏi những bấn loạn sâu xa nơi bản thân mình, và là một tình trạng bình lặng của bản tính nhờ tặng ân được hiệp thông với một vị Thiên Chúa yêu thương. Con đường tiến đến ơn cứu độ không phải chỉ được tìm thấy nơi một thứ tự mình biến đổi về tâm thức, mà là nơi việc được giải thoát khỏi tội lỗi cùng những hậu quả của nó là những gì từ đó khiến chúng ta chống lại tội lỗi nơi bản thân mình cũng như trong xã hội quanh chúng ta. Ơn cứu độ cần phải thúc đẩy chúng ta tiến đến chỗ yêu thương đoàn kết với anh chị em tha nhân cần chúng ta giúp đỡ.

...............

Theo giáo huấn Kitô Giáo Chúa Giêsu là "Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Jn 14:6). Thành phần môn đệ của Người cần phải hướng cả đời sống của mình về Người cũng như về các giá trị của Người, nói cách khác, về một loạt những đòi hỏi khách quan là những gì thuộc về một thực tại khách quan mọi người thực sự đều có thể biết được.

............

Những điều thực hành (về việc cầu nguyện) của Thời Mới thực sự không phải là nguyện cầu, ở chỗ, những thứ thực hành này thường là vấn đề của việc nhận thức nội tâm hay việc liên hợp với năng lực của vũ trụ, phản lại với chiều hướng lưỡng diện của việc nguyện cầu của Kitô Giáo là tác động bao gồm việc nhận thức nội tâm mà nhất là còn là một cuộc hội ngộ với Thiên Chúa. Không phải chỉ là một nỗ lực của loài người, thần bí học Kitô Giáo thực sự là một cuộc trao đổi "bao gồm thái độ hoán cải, một thứ thoát ly từ 'cái tôi' tới 'cái ngài' Thiên Chúa" (Congregation for the Doctrine of the Faith, Orationis Formas, 3.). "Kitô hữu, cho dù ngay cả khi họ nguyện cầu một mình trong âm thầm kín đáo, họ vẫn ý thức rằng họ bao giờ cũng cầu nguyện cho thiện ích của Giáo Hội, bằng sự liên kết với Chúa Kitô, trong Thánh Linh và cùng với tất cả các thánh nhân"  (Ibid.,7.).

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch từ văn kiện của Tòa Thánh

(còn tiếp)

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ