GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 11/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu ý thức được ơn gọi riêng của mình trong lòng Giáo Hội, để họ hăng say đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa và nên thánh trong bậc sống của mình”.

Ý Truyền Giáo: “Xin cho tất cả những ai đang hoạt động truyền giáo luôn ý thức được rằng tác hiệu của việc truyền bá phúc âm hóa xuất phát từ cuộc sống    thánh thiện cũng như từ việc sâu xa kết hợp với Chúa Kitô”.  

 

__________________

 NGÀY 4 THỨ NĂM,

Ngày Thánh Thể trong Năm Thánh Thể

  

Năm Thánh Thể: Nguyên Do và Mục Đích

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

soạn dọn cho chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống

trong phần Sống Thánh Chứng Nhân trong Năm Thánh Thể
 

Đúng thế, để thực hiện bất cứ một việc gì cho xác đáng, chúng ta cần phải biết nguyên do và mục đích của nó. Huống chi Năm Thánh Thể là một biến cố quan trọng của toàn thể Giáo Hội và cho toàn thể Giáo Hội, trong đó có mỗi người Kitô hữu Công Giáo chúng ta, chúng ta lại càng phải biết về lý do tại sao cần phải có Năm Thánh Thể mà lại có vào thời điểm năm 2004-2005 này, và mục đích của Năm Thánh Thể này được mở ra là để làm gì. Ý nghĩa của chính Năm Thánh Thể, cũng như của tất cả những gì chúng ta làm trong Năm Thánh Thể, đều nằm ở ý hướng của Vị đã muốn mở Năm Thánh Thể cho Giáo Hội hoàn vũ này. Vì muốn ý thức rõ ràng để có thể đáp ứng xứng hợp, mà chúng ta cần phải tìm hiểu lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn mở Năm Thánh Thể vào thời điểm năm 2004-2005 này, và Ngài có ý mở Năm Thánh Thể vào lúc này đây để làm gì?


Năm Thánh Thể: Nguyên Do

Căn cứ vào những gì Đức Thánh Cha viết trong các văn kiện liên quan đến Năm Thánh Thể, đó là Tông Thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, có thể nói, Năm Thánh Thể là biến cố tiếp nối và là biến cố tuyệt đỉnh trong Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Thế nhưng, để biết được đâu là Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta hãy nghe chính những gì Ngài đã minh xác trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể”, ở khoản số 6 như sau:

• “Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là ‘chương trình’ Tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ, kêu gọi Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử bằng lòng nhiệt thành thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa”.

Theo tôi, đoạn văn này là tóm tắt tất cả những gì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã, đang và sẽ thực hiện trong giáo triều của Ngài. Bởi vì, trong đoạn văn cốt yếu này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến một cốt lõi mục vụ tứ diện, đó là Chúa Kitô, Mẹ Maria, Giáo Hội và Lịch Sử: Một Chúa Kitô cần phải được chiêm ngưỡng (Đại Năm Thánh 2000), với đôi mắt và con tim của Mẹ Maria (Năm Mân Côi), để dung nhan Ngài được trung thực và sống động phản ánh qua Giáo Hội (Năm Thánh Thể), qua việc Giáo Hội dấn thân truyền bá phúc âm hóa Lịch Sử trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo. Và theo tiến trình mục vụ của Ngài, chúng ta thấy Thánh Thể là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000 và của Năm Mân Côi 2002-2003.

Thánh Thể là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000.

Thật vậy, ngay từ khi mới lên ngôi giáo hoàng được 4 tháng rưỡi, tức từ ngày 22/10/1978, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hướng Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung về Đấng “là tâm điểm của vũ trụ và lịch sử”. Thật vậy, câu “Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, là tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử” là câu mở đầu cho bức thông điệp đầu tiên của Ngài mang tựa đề “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, và được Ngài ban hành vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay 4/3/1979. Trong bức thông điệp này, ngay ở khoản số 1, Ngài đã hướng về Đại Năm Thánh 2000, hướng về điều được Ngài viết là “sự thật chính yếu của đức tin được Thánh Gioan diễn tả ở đầu Phúc Âm của mình đó là sự thật ‘Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’”.

Sở dĩ Ngài xác tín biến cố Lời Nhập Thể và mầu nhiệm Lời Nhập Thể là một “sự thật chính yếu của đức tin”, là vì, như Ngài đã tái khẳng định trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở cuối khoản số 6, “Nơi Lời Nhập Thể, cả mầu nhiệm về Thiên Chúa và mầu nhiệm về con người được tỏ hiện (Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22). Nơi Người, nhân tính được cứu chuộc và nên trọn”. Ngay sau đó, ở đầu khoản số 7 trong cùng bức tông thư này, Ngài đã xác nhận chiều kích nhân bản thần linh hàm chứa nơi bức thông điệp đầu tiên này của mình, một chiều kích liên quan đến Đại Năm Thánh 2000 cũng như đến chính Năm Thánh Thể 2004-2005 như sau:

“Trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis được ban hành vào đầu giáo triều của mình, Tôi đã khai triển ý tưởng này, và Tôi thường trở lại với ý tưởng ấy vào các dịp khác nữa. Năm Thánh là một thời điểm xứng hợp để kêu mời tín hữu một lần nữa hãy ngẫm nghĩ lại sự thật nồng cốt này. Việc sửa soạn cho đại biến cố ấy hoàn toàn theo chiều kích Chúa Ba Ngôi và chiều kích lấy Chúa Kitô làm chính. Trong dự án ấy Thánh Thể rõ ràng đã có một chỗ đứng. Vào lúc mở màn cho Năm Thánh Thể này, Tôi lập lại những lời Tôi đã viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente: ‘Năm 2000 sẽ là một năm đặc biệt về Thánh Thể; trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Cứu Thế, Đấng đã mặc lấy xác thịt trong cung lòng Mẹ Maria 20 thế kỷ trước đây, vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại như mạch nguồn sự sống thần linh’ (No. 55: AAS 87 [1995], 38.)”.

Thánh Thể là trọng tâm của Năm Mân Côi 2002-2003.

Thánh Thể chẳng những là trọng tâm của Đại Năm Thánh 2000, mà còn là trọng tâm của Năm Mân Côi nữa. Bởi vì, theo Đức Thánh Cha định nghĩa về việc lần hạt Mân Côi, ở khoản số 3 trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria được Ngài ban hành ngày Thứ Tư 16/10/2002, ngày kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng và mở màn năm thứ 25 giáo triều của mình, thì “việc lần hạt Mân Côi chẳng qua chỉ là việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”.

Mà việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô chính yếu là ở nơi Bí Tích Thánh Thể, như Ngài cũng đã khẳng định như thế trong Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” ở khoản số 6: “Việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô bao gồm việc có thể nhận biết Người bất cứ Người tỏ mình ra ở đâu, qua rất nhiều hình thức hiện diện của Người, mà trên hết ở nơi bí tích sống động của mình máu Người”.

Đó là lý do, trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở khoản số 9, Ngài đã đề cập đến việc Ngài thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng vào Mầu Nhiệm Mân Côi khi mở đầu cho Năm Mân Côi, mà tuyệt đỉnh của các Mầu Nhiệm Ánh Sáng ấy là Mầu Nhiệm Thánh Thể:

Khi phát triển một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ bằng việc thêm các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã tìm cách để làm cho hình thức đặc biệt của việc chiêm niệm này trở thành một ‘tổng lược Phúc Âm’ (Cf. Apostolic Letter Rosarium Virginis Mariae [16 October 2002], 19-21: AAS 95 [2003], 18-20) hoàn toàn hơn nữa. Và những mầu nhiệm ánh sáng này làm sao lại không đạt đến tột đỉnh của mình nơi phép Thánh Thể chứ?

Ngoài ra, Thánh Thể là trọng tâm của Năm Mân Côi còn ở chỗ Thông Điệp “Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể” được Đức Thánh Cha ban hành vào giữa Năm Mân Côi, Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003. Chính Ngài đã xác nhận sự kiện này trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, ở đầu khoản số 10 như sau:

Vào giữa Năm Mân Côi, Tôi đã ban hành Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, với chủ ý làm sáng tỏ mầu nhiệm Thánh Thể nơi mối liên hệ bất khả phân ly và sống còn với Giáo Hội. Tôi đã thúc giục tất cả mọi tín hữu hãy kính cẩn cử hành hy tế Thánh Thể, tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, cả trong lẫn ngoài Thánh Lễ, một việc tôn thờ cần phải có đối với một Mầu Nhiệm quá cao cả như thế. Nhất là Tôi lại đề nghị nhu cầu cần phải có một linh đạo Thánh Thể, và chỉ cho thấy Mẹ Maria, ‘người nữ của Thánh Thể’ (Encyclical Letter Ecclesia de Eucharistia [17 April 2003], 53: AAS 95 [2003], 469), là mô phạm của linh đạo này”.

Tóm lại, qua những phân tích được trích dẫn chính lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các văn kiện của Ngài trên đây, đúng như đã nhận định từ đầu về nguyên do hiện hữu của Năm Thánh Thể: “Năm Thánh Thể là biến cố tiếp nối và là biến cố tuyệt đỉnh trong Chương Trình Mục Vụ của Giáo Triều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II”. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã minh định như thế trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” ở phần hai của khoản số 4 và 10 như sau:

Một sáng kiến về Thánh Thể như thế này đã được Tôi có lần nghĩ tới: vì nó là việc phát triển một cách tự nhiên từ động lực mục vụ Tôi đã muốn cống hiến cho Giáo Hội, đặc biệt là trong những năm sửa soạn cho Đại Năm Thánh cũng như vào các năm sau đó” (khoản số 4);

 

“Năm Thánh Thể diễn tiến với một bối cảnh đã được làm phong phú bởi việc trôi qua của những tháng năm, mà trong khi đó vẫn đi sâu vào đề tài về Chúa Kitô cũng như vào việc chiêm ngưỡng dung nhan Người. Ở một nghĩa nào đó, Năm Thánh Thể tức là một năm của sự tổng hợp, đó là cao điểm của một cuộc hành trình đang tiến triển” (khoản số 10).

 

(xin coi tiếp vào Thứ Năm tuần tới)

 

 

Tòa Thánh qua Truyền Thông về Tình Hình Căn Gốc Kitô Giáo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu (tiếp hôm qua)

 

ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh đặc trách liên hệ với các quốc gia, trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Stampa hôm Thứ Sáu, 29/10/2004, tức vào chính ngày 25 quốc gia hội viên chính thức ký kết vào bản hiến pháp này ở Rôma, đã cho biết cảm tưởng của mình về tình hình căn gốc Kitô giáo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu như sau:
 

Vấn:     Trong những đề tài đang được tranh luận gay go nhất ở Âu Châu là những đề tài về luân thường đạo lý càng ngày càng nhiều, từ những đề tài liên quan đến gia đình tới đề tài liên quan đến việc nghiên cứu khoa học. Những nguyên tắc phóng khoáng được các quốc gia chiều theo đó là hoàn toàn theo chọn lựa của cá nhân. Tuy nhiên, Giáo Hội dường như đang kêu gọi các quốc gia hãy thiết lập các qui tắc, nói cách khác, đó là việc can thiệp vào đời sống riêng tư của cá nhân để hướng dẫn tác hành của họ. Điều này có nguy hiểm lắm chăng vì những kêu gọi này sẽ được coi như là một nỗ lực áp đặt sự thật ngay cả trên những người không nhìn nhận nó? Phải chăng đó là một trong những lý do khả hữu liên quan tới bầu khí thành kiến chống Công Giáo mà theo một số người đang tăng phát ở Âu Châu?


Đáp:     Vấn đề hết mọi cá nhân được quyền hoàn toàn quyết định về luân lý, đạo lý và chính trị, cũng như vấn đề can phải tôn trọng những quyết định như vậy, là những vấn đề, tôi có thể nói, tín điều phóng khoáng hơn ai hết của Kitô giáo.
Thế nhưng, chân lý mới là những gì giải phóng con người. Đó là lý do Giáo Hội không thể làm thinh hay không lên tiếng dẫn giải về những gì Giáo Hội biết đó là chân lý và là thứ chân lý giải phóng con người.


Người ta cần phải nhớ rằng một khi Giáo Hội can thiệp vào những vấn đề luân lý hệ trọng gây ra bởi lãnh vực chính trị thì không phải là Giáo Hội đưa ra những chứng minh về đức tin mà là những lý lẽ dựa trên lý trí được Giáo Hội cho là có giá trị nên khả chấp cho cả những ai không tin tưởng nữa.


Chẳng hạn, về những vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng nguy hiểm của phôi bào con người thì Giáo Hội đang thực sự nói gì đây? Điều duy nhất Giáo Hội làm đó là lập lại rằng phôi bào con người không phải là một thực thể riêng khác với bào thai, khác với một thai nhi hay một đứa bé sơ sinh, khác với người lớn mà phôi bào này sẽ trở nên. Đó là một sự thật hoàn toàn căn cứ vào lý trí và đó cũng là một sự thật theo khoa học nữa.


Bởi thế, phôi bào con người cần phải được bảo vệ theo phẩm vị làm người của nó, cũng như theo quyền sống của nó, giống heat như chúng ta là thành phần người lớn vậy. Nó không thể nào bị mạo dụng như là một phương tiện để đạt mục đích, cho dù mục đích này có cao quí mấy chăng nữa.


Cũng thế khi áp dụng vào các đề tài quan trọng khác hợp với giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Chúng tôi đưa ra những lý lẽ của lý trí, những lý lẽ tự chúng có giá trị, chứ không phải là những lập luận của đức tin, cho dù những lý lẽ ấy được đức tin soi động và xác nhận.

Ngoài ra, tôi xin nói thêm là những ai tin tưởng rằng Giáo Hội cần phải hạn chế mình vào vai trò “linh hướng” là vai trò chỉ liên quan tới lãnh vực lương tri nội tâm, đều hết sức lầm lạc, bởi vì, như Phúc Âm cho thấy, Giáo Hội là vấn đề của một “thành được xây trên núi”.


Vấn:     Trong Tuần Lễ Về Xã Hội Của Người Công Giáo Ý ở Bologna mới đây đã có vấn đề được đặt ra là không thể nào áp đặt chế độ dân chủ trong một thế giới chiến tranh loạn lạc. Thật vậy, vị Giáo Hoàng này bao giờ cũng chống chiến tranh. Bởi thế, không có vấn đề chiến tranh chính đáng, thậm chí không có cả vấn đề tự vệ chống lại kẻ tấn công, chống lại một cuộc khủng bố tấn công, như cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9 ở Nữu Ước?


Đáp:     Bản văn thẩm quyền nhất cho thấy giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này vẫn là hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” của Công Đồng Chung Vatican II ở khoản số 79.


Nguồn gốc của tất cả mọi cuộc chiến tranh đó là lầm lỗi của con người, những lỗi lầm lớn lao và không bao giờ than khóc cho đủ nếu người ta nghĩ đến thành phần vô tội phải trả giá bằng chính mạng sống mình cho những cuộc chiến ấy.


Thế nhưng, để bênh vực một người khỏi tay kẻ tấn công bất chính chẳng những được phép mà còn là một nhiệm vụ nữa, đó là lý do Tòa Thánh không ngần ngại yêu cầu là Liên Hiệp Quốc cần phải có đầy đủ quyền lực để can thiệp vào những trường hợp “khẩn cấp về nhân đạo” một cách nhanh chóng và hiệu nghiệm.


Tuy nhiên, vấn đề quyết tâm quan trọng nhất vẫn là việc làm sao để tránh đừng để xẩy ra chiến tranh và duy trì hòa bình. Điều này là những gì được bản hiến chế của công đồng này đề cập tới ở một số đoạn theo cách diễn tả bằng tiếng Latinh hay ho của nó: “de pace fovenda” (về nhiệm vụ cổ võ hòa bình” và “de bello vitando” (về nhiệm vụ tránh lánh chiến tranh).


Thế nhưng còn vấn đề chủ nghĩa dân chủ thì tôi nghĩ cần phải nói như sau: Chắc chắn là tất cả mọi người đều được sinh ra để sống tự do và đều muốn tự do quyết định về những gì chi phối đến họ trong đời sống tư riêng và công cộng. Thế nhưng, chế độ dân chủ là một hệ thống chính trị phức tạp không thể nào là những gì ngẫu tác. Nó liên quan tới một số giả định của lịch sử, tới nền văn minh pháp luật cũng như nền văn hóa xã hội.


Bởi thế, chính vì liên quan tới những vấn đề ấy mà cần phải thực hiện một cuộc sửa soạn, nhẫn nại và khôn ngoan, trong việc nới rộng những trường hợp dân chủ nơi nhân loại là những gì đáng ước mong.

 

(xin xem tiếp một bài nữa ngày mai)
 



GIÁO HỘI HIỆN THẾ