GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 15 THỨ TƯ

 

ĐTC GPII với các vị Giám Mục Hoa Kỳ đợt 14 về hai trách nhiệm cần phải chu toàn…

Hôm thứ sáu 10/12/2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp các vị giám mục Hoa Kỳ sang viếng thăm ngũ niên mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng Tòa Thánh đợt thứ 12 trong năm 2004 thuộc các giáo tỉnh Minnesota, và North and South Dakota. Ngài tiếp tục nói theo chủ đề liên quan đến 3 sứ vụ chính của giám mục. Từ đợt 1 đến 5, ngài nói về sự vụ thánh hóa; từ đợt 6 đến đợt 9 về sứ vụ rao giảng; và từ đợt 10 đến đợt 13 về sứ vụ quản trị. Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ đúc kết của ngài về hai trách nhiệm mà các vị giám mục Hoa Kỳ cần phải chu toàn với tư cách chủ chăn của các vị.

Chư Huynh Giám Mục thân mến,

1.     Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng này với các vị chủ chăn của Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc nhân dịp các vị viếng thăm ngũ niên của mình, tôi hân hoan chào chư huynh, những vị giám mục thuộc các giáo tỉnh Minnesota, và North and South Dakota.

Trong năm nay, tôi đã nói chuyện với chu huynh cũng như anh em giám mục của chư huynh về một loạt bài chia sẻ liên quan đến sứ vụ tam diện là giảng dạy, thánh hóa và cai trị được úy thác cho thành phần thừa kế các tông đồ. Bằng việc quan tâm tới các tặng ân thiêng liêng cùng sứ vụ tông truyền được lãnh nhận khi được tấn phong giám mục, một cuộc tấn phong làm cho mỗi vị giám mục về bí tích trở thành đồng hình tượng với Chúa Giêsu Kitô là Đầu và là Mục Tử chính của Giáo Hội của Người (x 1Pt 5:4), chúng ta vẫn tìm cách để đào sâu việc chúng ta cảm nhận mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm Thân Mình Chúa Kitô, một Thân Mình được Thánh Linh làm cho sinh động và được liên lỉ xây dựng trong mối hiệp nhất bằng vô vàn tặng ân, thừa tác vụ và hoạt động (cf. 1 Corinthians 12:4-6; "Lumen Gentium," No. 7).

2.     Trong tám tháng vừa qua đây, tôi đã hân hạnh có dịp gặp gỡ từng vị giám mục Hoa Kỳ, và qua các vị, nghe thấy tiếng nói sống động của Giáo Hội ở khắp Hiệp Chủng Quốc. Đó là một nguồn rất an ủi đối với tôi, và là một lời mời gọi hãy cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi về việc thâu hoạch dồi dào do ơn huệ của Ngài mang lại cho các Giáo Hội địa phương của chư huynh. Đồng thời tôi cũng đã chia sẻ nỗi đớn đau thấm thía mà chư huynh cũng như dân chúng của chư huynh trải qua ở những năm vừa qua, và tôi đã chứng kiến thấy việc chư huynh quyết tâm giải quyết một cách công bằng và chính đáng những vấn đề mục vụ hệ trọng liên quan đến nỗi đớn đau sâu đậm ấy. Để làm trọn thừa tác vụ của mình là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, tôi đã củng cố đức tin của mỗi và mọi người trong chư huynh (x Lk 22:32), cũng như đã khích lệ chư huynh hãy nỗ lực để trở thành “những người lính canh tỉnh táo, những vị tiên tri can trường, những chứng nhân khả tín, và những người tôi tớ trung thành của Chúa Kitô” đối với Dân Chúa đã được ủy thác cho chư huynh (cf. "Pastores Gregis," No. 3).

Từ đầu của những lần chúng ta gặp gỡ nhau, tôi đã nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chư huynh trong việc xây dựng Giáo Hội về vấn đề hiệp thông và sứ vụ cần phải được bắt đầu bằng việc canh tân thiêng liêng của chư huynh, và tôi đã phấn khích chư huynh hãy trở thành người đầu tiên cho thấy, bằng chứng từ riêng của chư huynh trong việc hoán cải theo lời Chúa cũng như trong việc tỏ ra tuân phục với Truyền Thống tông đồ, con đường vương giả dẫn Giáo Hội lữ hành đến Chúa Kitô và Vương Quốc viên trọn của Người. Đặc biệt là tôi đã kêu gọi chư huynh hãy chấp nhận lối sống được đánh dấu bằng đức khó nghèo của phúc âm là những gì tiêu biểu cho “một điều kiện bất khả châm chước cho thừa tác vụ thành đạt của giám mục” ("Pastores Gregis," No. 20). Như chính Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói, đích thân Chúa Kitô thi hành công cuộc cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại thì Giáo Hội cũng được kêu gọi để tiến bước cùng một đường lối này (cf. "Lumen Gentium," No. 8).

3.     Giờ đây, để kết thúc chuỗi lần hội ngộ này, tôi để lại cho chư huynh cũng như anh em giám mục của chư huynh hai trách nhiệm. Trách nhiệm thứ nhất đó là việc phát triển tình yêu huynh đệ để hân hoan kiên trì thực hiện thừa tác vụ được ủy thác cho chư huynh bằng việc tuân phục giáo huấn chân thực của Giáo Hội. Chẳng lẽ chúng ta không thấy được hay sao nơi cái đớn đau và gương mù của những năm gần đây vừa là “một dấu chỉ thời đại” (x Mt 16:3) vừa là một lời kêu gọi theo sự quan phòng trong việc hoán cải và trung thành hơn nữa với những đòi hỏi của Phúc Âm? Nơi đời sống của mỗi một tín hữu cũng như đời sống của toàn thể Giáo Hội, thì việc thành thực kiểm điểm lương tâm và nhìn nhận lầm lỗi bao giờ cũng được kèm theo việc tái tin tưởng vào quyền năng chữa lành của ơn Chúa và việc kêu gọi dấn thân cho những gì trước mắt (Phil 3:13). Theo đường lối của mình, Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc đã từng được kêu gọi để bắt đầu tân thiên kỷ này bằng “việc bắt đầu lại từ Chúa Kitô” (cf. "Novo Millennio Ineunte," No. 29), cũng như bằng việc làm cho sự thật của Phúc Âm hiển nhiên trở thành phương thức cho đời sống của Giáo Hội và cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội.

Theo chiều hướng này, một lần nữa, tôi khen ngợi những nỗ lực của chư huynh trong việc bảo đảm là mỗi một cá nhân và đoàn thể trong Giáo Hội hiểu được nhu cầu khẩn trương cần phải làm chứng một cách liên lỉ, chân thực và trung thành cho đức tin Công Giáo, cũng như trong việc mỗi một cơ cấu và hoạt động tông đồ của Giáo Hội làm sao thể hiện ở hết mọi khía cạnh đời sống của mình căn tính rõ ràng của Công Giáo. Có lẽ đó là thách thức tinh tế và khó khăn nhất chư huynh phải đối diện trong vai trò làm thày dạy và làm mục tử chăn dắt Giáo Hội ở Hoa Kỳ ngày nay, thế nhưng lại là thách thức không thể nào bị loại trừ. Để làm trọn nhiệm vụ của chư huynh trong việc “lấy tất cả thẩm quyền để giảng dạy, huấn dụ và sữa chữa” (x Titus 2:15), chư huynh trước hết được kêu gọi “hiệp nhất trong tâm trí và trong phán đoán” (1Cor 1:10), bằng việc hoạt động một cách hòa hợp để loan báo Phúc Âm.

4.     Trách nhiệm thứ hai là một lời kêu gọi chân thành là chư huynh hãy gắn ánh mắt của mình vào đại đích điểm được đặt ra trước toàn thể Giáo Hội vào lúc mở màn cho đệ tam thiên kỷ Kitô giáo: đó là việc loan báo Chúa Giêsu Kitô như là Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Nếu những biến cố của vài năm vừa qua đã buộc chư huynh phải chú trọng tới đời sống nội bộ của Giáo Hội, thì tình trạng này cũng không thể làm cho chư huynh xao lãng việc hướng mắt về đại cuộc của việc tân truyền bá phúc âm hóa cùng với nhu cầu cần thiết cho “một cuộc dấn thân tông đồ mới” ("Novo Millennio Ineunte," No. 40). “Duc in altum! – hãy thả lưới ở chỗ nước sâu!” “Giáo Hội ở Hoa Kỳ càng ngày càng cần phải nói về Chúa Giêsu Kitô, Đấng là dung nhan con người của Thiên Chúa và là dung nhan thần linh của con người” ("Ecclesia in America," No. 67), bằng cách dồn tất cả mọi nỗ lực cho việc loan báo Phúc Âm thúc bách hơn nữa, cho việc phát triển thánh đức, cũng như cho việc truyền đạt hiệu nghiệm hơn kho tàng đức tin sang thế hệ trẻ.

Vì cảm quan rõ ràng về sứ vụ truyền giáo sẽ tự nhiên sinh hoa kết trái nơi mối hiệp nhất ý hướng của tất cả phần tử cộng đồng Kitô hữu (cf. "Christifideles Laici," No. 32), mà việc dấn thân truyền giáo như thế chắc chắn sẽ phát động được việc hòa giải và canh tân trong các Giáo Hội địa phương của chư huynh. Nó cũng sẽ củng cố và gia tăng chứng từ ngôn sứ của Giáo Hội trong xã hội Hoa Kỳ hiện đại. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm đối với hết mọi người cũng với với tương lai của xã hội (cf. "Redemptor Hominis," 15), và trách nhiệm này đặc biệt thuộc về thành phần tín hữu giáo dân, thành phần được kêu gọi để trở thành men Phúc Âm trong lòng thế giới. Khi chúng ta nhìn đến những thách đố hiện lên trước Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc ngày nay, có hai việc làm khẩn trương cần phải thực hiện tức khắc, đó là nhu cầu truyền bá phúc âm hóa văn hóa nói chung, một nhu cầu, như tôi đã từng nói, là việc đóng góp chuyên biệt mà Giáo Hội ở xứ sở của chư huynh có thể thực hiện cho việc truyền giáo “cho muôn dân – ad gentes” ngày nay, và nhu cầu người Công Giáo cần phải hợp tác một cách tốt đẹp với những con người nam nữ thiện tâm trong việc đi làm một nền văn hóa tôn trọng sự sống (cf. "Evangelium Vitae," No. 95).

5.     Chư Huynh thân mến, tôi xin tạ ơn Thiên Chúa về nhiều ân phúc đã được đổ xuống trong chuỗi hội ngộ này giữa Vị Thừa Kế Thánh Phêrô với các vị giám mục Hoa Kỳ. Việc đến với tâm điểm của Giáo Hội và được củng cố bằng mối hiệp thông với Ngai Tòa hiệp nhất, chớ gì chư huynh giờ đây trở về với các Giáo Hội địa phương của mình bằng một nhiệt tình mới đối với sứ vụ của chư huynh trong việc giảng dạy, thánh hóa và quản trị đàn chiên được ủy thác cho chư huynh chăm sóc. Trong lúc chư huynh “vất vả cả ngày nắng nôi” (Mt 20:12) để phục vụ Phúc Âm, chớ gì chư huynh lúc nào cũng ý thức một cách vững chắc rằng, ở hết mọi bước đường hành trình trần thế của mình, “Giáo Hội lấy được sức mạnh từ quyền năng của Vị Chúa Phục Sinh của mình để thắng vượt, một cách nhẫn nại và yêu thương, những sầu thương và khó khăn của mình, cả từ bên trong lẫn bên ngoài, nhờ đó Giáo Hội mới tỏ cho thế giới luôn sống giữa những bóng tối tăm thấy được mầu nhiệm Chúa của mình, cho đến khi, cuối cùng, Giáo Hội được hoàn toàn tỏ hiện sáng ngời” ("Lumen Gentium," No. 8).

Những cuộc gặp gỡ của chúng ta đưoơc kết thúc một cách thích hợp trong tuần lễ Giáo Hội cử hành 150 năm tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, Quan Thày của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Khi chúng ta dâng lên Chúa các hoa trái của những cuộc gặp gỡ này và nài xin Ngài chúc phúc cho cộng đồng Công Giáo ở Hoa Kỳ, chúng ta hãy hướng mắt về Đức Mẹ, Vị mà, theo những lời lẽ của Công Đồng Chung Vaticanô II, là “phần tử trổi vượt và hoàn toàn đặc thù của Giáo Hội, về gương mẫu sống đức tin và đức ái” ("Lumen Gentium," No. 53). Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội hướng dẫn từng chư huynh, cùng với toàn thể hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thuộc Giáo Hội địa phương của chư huynh, trên con đường chư huynh hành trình tiến tới tầm vóc viên trọn của Vương Quốc Chúa Kitô, và hướng mắt chư huynh về chân trời rạng ngời của một cuộc tạo dựng được ân sủng cứu chuộc và biến đổi. Xin Người là Mẹ của Giáo Hội, trợ giúp con cái của Mẹ, “thành phần đã sa ngã nhưng vẫn cố chỗi dạy”, biết hân hoan nơi những điều trọng đại Chúa đã hoàn thành (x Lk 1:49), và trở thành những nhân chứng trung thành trước thế giới về niềm hy vọng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng (x Rm 5:5).

Với hết lòng cảm mến trong Chúa, tôi thân ái ban phép lành tòa thánh cho tất cả chư huynh.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 10/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)
 

ĐHY Ratzinger: “Chúng ta cần phải học hỏi lại lề luật tự nhiên.. cây cối cần phải có những gốc rễ”.

ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Joseph Ratzinger và vị chủ tịch thượng viện Ý đồng ý với nhau rằng cần phải có sự hợp tác giữa những người Công Giáo, vô tín ngưỡng và các tín đồ thuộc các tôn giáo khác “để tái nhận thức một nền luân lý chung”.

Hôm Thứ Hai 13/12/2004, trong một cuộc bàn luận chung về các căn gốc Kitô Giáo của Âu Châu, được tổ chức ở Đại Học Viện Lateran, vị hồng y chủ tịch này đã kêu gọi thực hiện việc tái nhận thức “một quan niệm chung về một thứ lý trí làm cho chúng ta hợp lực với nhau”.

Vị chủ tịch Thượng Viện Ý là Marcello Pera, một thần học gia kiêm chính trị triết gia, đã bàn đến những vấn đề hai vị này bàn đến trong một tác phẩm cả hai là tác giả, đó là cuốn "Senza Radici. Europa, Relativismo, Cristianesimo, Islam" (Thiếu Gốc Rễ: Âu Châu, Tương Đối Chủ Nghĩa, Kitô Giáo và Hồi Giáo), do Mondadori xuất bản.

Vị hồng y chủ trương là việc tái nhận thức lề luật tự nhiên là căn bản cho một nền luân thường đạo lý chung: “Chúng ta cần phải học hỏi lại lề luật tự nhiên, có lẽ cần được gọi bằng một danh xưng khác. Thế nhưng, cần phải thấy được những nền tảng ấy để cá nhân hóa những trách nhiệm chung giữa thành phần Công Giáo và thành phần duy thế tục, đặt nền móng cho một hành động chẳng những đáp ứng hành động mà còn đáp ứng cả nhiệm vụ và luân lý nữa”.

Vị hồng y này nhắc nhở cử tọa là lề luật tự nhiên biệt lập với đức tin. “Đức tin có thể giúp người ta thấy nó, thế nhưng nó không lệ thuộc đức tin. Những thập niên vừa qua, quyền lực của con người đã phát triển một cách ngoài sức tưởng tượng và khả năng hủy hoại của họ thì đặc biệt. Tuy nhiên, những khả năng về luân lý của chúng ta lại không tăng tiến. Có một sự bất cân bằng giữa quyền lực thực hiện và quyền lực hủy hoại các khả năng về luân lý. Cái thách đố lớn là ở chỗ tìm cách để chúng ta có thể giúp thắng vượt được cái mất cân bằng này”.

“Giáo Hội xuất phát như một cộng đồng các vị tử đạo chứ không phải như một quốc giáo. Không có một khí cụ nào khác để hướng dẫn dân chúng ngoài quyền lực của niềm xác tín: chính Thiên Chúa là lý trí và là tình yêu, vì tin vào ‘Lời’ Chúa là tin vào một Vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên lý trí và đồng thời vì yêu mà tạo dựng nên”.

“Phải chăng Công Giáo cũng là một lực lượng của thời hiện tại. Câu giải đáp của tôi cũng như câu giải đáp của vị chủ tịch thượng viện đây”, ĐHY cho biết khi trích lại từ tác phẩm cả hai cùng viết, đó là “cây cối cần phải có những gốc rễ”.

“Vấn đề chính yếu ở đây là văn hóa trần thế, khi tách biệt khỏi gốc rễ của mình, thì trở thành độc đoán và mất đi quyền năng về luân lý của nó. Lý trí trở thành những gì có tính cách tác hành và kỹ thuật, mất đi những năng lực về luân lý của nó”, và “không có năng lực về luân lý thì tự do tự bản chất của mình trở thành một bức hí họa”.

“Ngày nay người ta nghĩ rằng nếu cái gì ‘có thể’ làm thì ‘nó cần phải làm’. Như thế thì tự do trở thành tuyệt đối và không còn qui tắc gì về luân lý nữa. Nếu ‘cái có thể làm’ trở thành ‘cái làm’ thì nhân loại đang tự hủy hoại chính mình và mất đi phẩm giá của nó”.

Theo vị hồng y chủ tịch này thì cuộc khủng hoảng hiện nay ở Âu Châu rất khác với cuộc khủng hoảng gây ra bởi cuộc cách mạng năm 1968 hay cuộc sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu cuối năm 1989.

“Sau cuộc sụp đổ của mình liền xuất hiện cái trống rỗng, và giờ đây mọi sự cần phải thực hiện, cần phải dựng xây. Lý trí về luân lý đã bị tắt lịm. Huấn quyền của Giáo Hội hết sức nhấn mạnh đến lý trí của con người, một thứ lý trí có khả năng về luân lý để phản tỉnh trước những mơ màng. Trong quá khứ thật sự là có một thứ lý trí chung. Kitô giáo cần phải xác tín bằng những quyền lực về luân lý của mình, và dĩ nhiên cũng cần phải tôn trọng con người không có cùng một tặng ân đức tin như mình”.

Về phần mình, vị chủ tịch thượng viện Ý tự xưng mình là người vô tín ngưỡng và là nguyên giáo sư triết lý về khoa học ở Đại Học Pisa, đã căn cứ việc phân tích nhận định của mình trên một cái hình chụp quang tuyến X về một lục địa Âu Châu đang cảm thấy nôn nao khó chịu ngày nay như sau:

“Ở Âu Châu đang xẩy ra một thứ nôn nao khó chịu về chính trị bị phân chia về những mối liên hệ với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, với Do Thái, liên quan tới thái độ cần phải có dính dáng tới nạn khủng bố và tình trạng bừng l6n của Hồi Giáo”.

“Tình trạng nôn nao khó chịu này cũng là tình trạng về xã hội nữa: như vấn đề di dân; vấn đề an ninh, vấn đề đa văn hóa được hiểu như là một thứ thu nạp những đơn tử”.

“Tình trạng nôn nao khó chịu về tri thức, như chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa chủ trương tất cả mọi thứ văn hóa và văn minh đều tương đương với nhau và không thể được phân loại theo tầm mức quan trọng của chúng; như ngôn từ đúng đắn về chính trị, một thứ ngôn từ mà chữ ‘khá hơn’ bị cấm sử dụng và chỉ được áp dụng cho những thứ tương đương với nhau, cho những món tráng miệng chứ không cho các nền văn hóa, v.v.”

“Cũng xẩy ra cả tình trạng nôn nao khó chịu về tâm linh nữa, với cuộc khủng hoảng về căn tính xuất phát trước cả chiến tranh và nạn khủng bố. Âu Châu không biết bảo vệ căn tính của mình, nó không biết tự vệ chính mình. Vấn đề khoan nhượng trở thành dửng dưng coi thường; Âu Châu muốn đối thoại nhưng không biết làm thế nào để phát âm chữ ‘tôi’, cho mình là khôn ngoan và già giặn nhưng lại không còn nhận thức được những nền tảng khôn ngoan cần có của mình”.

“Tôi đề nghị một thứ đạo nghĩa dân sự Kitô giáo là những gì tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy bản thân chúng ta nơi những giá trị chung”.

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ