GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 16 THỨ NĂM, NGÀY THÁNH THỂ

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm Ngày Kỷ Niệm Đệ Thập Chu Niên Năm Quốc Tế về Gia Đình


ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Hai 6/12/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm đệ thâp chu niên Năm Quốc Tế về Gia Đình. Sau đây là nguyên văn bài trình bày của ngài.


Thưa Ngài Chủ Tịch,


Đại biểu tôi lấy làm sung sướng được trình bày vào lúc kết thúc việc mừng kỷ niệm đệ thập chu niên Năm Quốc Tế về Gia Đình, và việc kỷ niệm này ở trong bối cảnh của khóa họp thứ 59 của Tổng Hội Đồng đang bàn luận với nhau về hai ưu tiên đối với thế giới của chúng ta hôm nay đây, đó là vấn đề an ninh và phát triển.


Vấn đề chúng ta tranh luận và chương trình chúng ta thực hiện tập trung vào một quan niệm bao rộng về vấn đề an ninh, dung hòa những gì theo kiểu nói lối của chúng ta ở Liên Hiệp Quốc chúng ta gọi là “những thứ đe dọa dữ”, như nạn khủng bố và các thứ vũ khí đại công phá; và “các thứ đe dọa hiền”, tức là nạn thất nghiệp, nghèo khổ, nạn dịch Vị Khuẩn Liệt Kháng và Hội Chứng Liệt Kháng, vấn đề khai thác trẻ em và nữ giới, phương tiện khan hiếm về vấn đề nhà cửa và vệ sinh, giáo dục và thuốc men, những thứ ảnh hưởng đến toàn thể xã hội loài người trong sinh hoạt thường nhật của nó. Vì cái viễn cảnh gia tăng mức độ nghèo khổ và chênh lệch nơi nhiều xứ sở không mấy sáng sủa mà chẳng lạ gì vấn đề giảm nghèo hiện nay được nhẩy lên đầu những việc thực hiện phát triển.


Bởi thế, đại biểu tôi đây xin hướng việc ủng hộ của mình về vấn đề gia đình, một đơn vị nền tảng của xã hội theo bản chất của nó cũng như bởi sự góp phần bất khả thiếu trong việc chiếm đạt tình trạng an ninh và phát triển.


Gia đình, một thứ gia đình là việc hiệp nhất vững vàng và lâu bền giữa một người nam và một người nữ, trước hết đóng vai trò như là một đường lối tự nhiên nhất và xứng hợp nhất trong việc bảo đảm vấn đề sinh sản, nhờ đó canh tân các thế hệ. Để thực hiện việc phát triển về kinh tế, tối thiểu cần phải có một động lực về nhân số học, một thứ động lực xẩy ra bởi việc sinh sản để bảo đảm cho việc thay thế các thế hệ. Thế nhưng, ngoài chiều kích nhân số này, chúng ta cần phải lưu ý là nơi lòng của cộng đồng tự nhiên đầu tiên ấy mà cá nhân con người sẽ có được một số tính chất, thói quen, thái độ giúp cho họ một ngày kia có thể trở thành một nhà sản xuất, tức là một tay kiến trúc sáng tạo của xã hội.


Thật vậy, không phải vấn đề chỉ cần sinh ra con cái trong thế giới này mà còn cần phải giáo dục chúng nữa; khái niệm có tính cách kinh tế về “cái vốn liếng nhân bản” này đặc biệt thích hợp nơi đây, ở chỗ, là nơi đầu tiên cho việc hình thành cái vốn liếng nhân bản ấy, gia đình thực sự là những gì bất khả thiếu đối với vấn đề phát triển. Bởi thế mà phải hết sức chú trọng đến việc sử dụng những phương tiện cần thiết để nhìn nhận một cách chân chính sự kiện là gia đình không phải chỉ là nơi hưởng thụ mà còn là nơi kiến tạo nên một kho tàng đích thực là những gì ngày nay người ta đã hoàn toàn quên lãng.


Do đó, chỉ có thể tỏ ra hành động đề cao gia đình là ở chỗ trước hết có một ý muốn thực sự về phương diện chính trị để cổ võ một thứ mô phạm về gia đình. Đặc biệt là lời diễn đạt “đơn vị căn bản của xã hội” là lời diễn đạt muốn nói tới quan niệm chính xác nhất về cấp trật của xã hội dựa trên việc hiện hữu của các cộng đồng con người vững chắc, những cộng đồng cần phải được tái nhìn nhận và công nhận ở tất cả mọi lãnh vực về cơ cấu.


Có thế, chính sách về gia đình mới là một cái nội dung tổng quan cần phải có những đường lối rõ ràng trong việc đáp ứng những thách đố về xã hội cũng như về kinh tế của thời đại chúng ta đây; việc nhìn nhận vấn đề cổ võ cần thiết đối với gia đình, một việc nhìn nhận được xuất phát như là một qui chế ngăn ngừa, không được trở thành tiêu biểu cho vấn đề quốc gia hóa gia đình; nó không phải là một thứ quyền lợi mới của xã hội cần phải được chế ra mà là những điều kiện của công lý cần phải được thể hiện.


Cũng cần phải rõ ràng phân biệt về qui chế xã hội nữa. Thật vậy, qui chế xã hội giúp cho tâm trí tiến đến chỗ làm nhẹ bớt tính cách trầm trọng của một tình trạng nào đó, làm suy yếu những tác dụng của nó lúc ban đầu và cuối cùng bảo đảm lối thoát cho khỏi một quốc gia được coi là xấu. Chính sách gia đình, ngược lại, cần phải làm sao để cho việc phát triển về kinh tế có thể bền lâu: Mục tiêu này chắc chắn không phải là những gì “triệt hạ” gia đình!


Nói cho cùng thì chính sách về gia đình cần phải là một chính sách hoàn toàn tách biệt, ở chỗ, trước hết, các mục tiêu của nó đó là cổ võ một thứ mô phạm ít là không trừng phạt những ai muốn có con cái; thế rồi, những phương thức của nó đó là bồi hoàn chính đáng những phí tổn liên quan tới vấn đề giáo dục, cùng thực sự nhìn nhận hoạt động nội trợ tại gia; và sau cùng, những đòi hỏi riêng của nó đó là hoạt động dài hạn dựa vào tiêu chuẩn về công lý và về sự hiệu nghiệm, vì gia đình là một thứ đầu tư cho ngày mai. Chỉ khi nào lương tâm con người thực sự ý thức được tầm quan trọng của những khía cạnh khác nhau này họ mới có thể thực hiện hiệu nghiệm chính sách về gia đình mà thôi.


Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 7/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)


 

Hôn Nhân dọn đường Thánh Thể - Thánh Thể viên mãn Hôn Nhân
 

Hôn Nhân Dọn Đường Thánh Thể

Vào ngày Thứ Bảy 21/8/2004, tại một cộng đoàn Việt Nam ở Orange County, trong Thánh Lễ Hôn Phối cho người bạn thân gần lục tuần của tôi, vị linh mục trẻ đặt vấn đề với chàng rể (vốn là người có tiếng trong cộng đồng vì đã từng dạy các Khóa Dự Bị Hôn Nhân của cộng đồng trước đó) là bí tích nào quan trọng nhất trong các bí tích. Sau khi chàng rể đáp: “Bí tích hôn phối”, vị linh mục liền xác nhận “đúng thế”, (cộng đồng bên dưới liền vỗ tay hưởng ứng), rồi sau đó ngài đã dẫn giải cho mọi người biết lý do tại sao? Theo ngài, sở dĩ bí tích hôn nhân là bí tích quan trọng nhất, là vì, dù Bí Tích Thánh Thể vốn được nghĩ là và cho là chính yếu, nhưng không có linh mục, không có bí tích truyền chức thánh cũng không có Thánh Thể, cũng thế, sẽ không có các vị linh mục nếu không có các bậc làm cha mẹ là thành phần lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối đã sinh ra các vị. Tóm lại, vị linh mục trẻ này đã chẳng những hoàn toàn đồng ý mà còn quảng diễn một cách khéo léo cho hợp tình hợp lý vấn đề Bí Tích Hôn Nhân là Bí Tích quan trọng nhất trong các bí tích!

Trong bữa tiệc cưới vào buổi tối cùng ngày, với tư cách là MC điều khiển chương trình tiệc tân hôn cho đôi “tái” hôn được chính thức trở thành vợ chồng trong Thánh Lễ Hôn Phối ban sáng, tôi đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của tôi về vấn đề “Bí Tích Hôn Phối” không phải là bí tích quan trọng nhất trong các bí tích. Bởi vì, tôi cho rằng, cái chính yếu của hôn nhân, cũng như của tất cả mọi sự vật và sự việc là mục đích của chúng, chứ không phải tại phận vụ của chúng là những gì mang tính cách phương tiện đưa sự vật hay sự việc tới mục đích của chúng mà thôi. Theo tôi, mục đích của hôn nhân không phải chỉ là để truyền sinh như loài thú, mà là để mở mang Nước Chúa được hiện thân nơi Giáo Hội của Người, một Giáo Hội được Chúa thiết lập và ở cùng cho đến tận thế đặc biệt qua Bí Tích Thánh Thể. Bởi thế, tối hôm đó, để vắn tắt, tôi đã thẳng thắn khẳng định nếu không có Mầu Nhiệm Nhập Thể, không có Thánh Thể cũng không có hôn nhân.

Đúng vậy, nếu chúng ta lập luận rằng những gì có trước là những gì quan trọng nhất, thì con người được Thiên Chúa dựng nên vào ngày tạo dựng sau cùng chẳng lẽ lại là tạo vật kém quan trọng nhất hay sao; trong khi đó, loài tạo vật được tạo dựng sau cùng là loài người này lại được chính Hóa Công trực tiếp nhúng tay tạo dựng (chứ không phải chỉ bằng lời phán toàn năng, có là có – xem Gen 2:7), sau đó còn chính thức trao cho quyền làm chủ mọi sự hữu hình trên trần gian này (x Gen 1:25-28). Đó là lý do Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, dù là nhân vật đến trước, cũng đã thẳng thắn tuyên bố sự thật trước mặt đoàn lũ dân chúng đang mộ mến tuốn đến với ông và tưởng ông chính là vị thiên sai: “Có một Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi, tôi không đáng cởi giây giầy cho Người” (Mt 3:11).

Cũng thế, đời sống hôn nhân, (dù được nâng lên thành bí tích hôn nhân đi nữa), không phải là tất cả, là chính cùng đích, là những gì quan trọng nhất, đến nỗi cả Thánh Thể và Giáo Hội cũng phải qui về, phải lệ thuộc. Trái lại, nó chỉ là phương tiện, là đường lối để dọn đường cho Giáo Hội và cho Thánh Thể mà thôi. Đó là lý do, đời sống hôn nhân sẽ không đạt được cùng đích của mình, sẽ mất hết ý nghĩa của mình, và hai con người sống vợ chồng với nhau trong đời sống hôn nhân sẽ không bao giờ được hoàn toàn và thật sự hạnh phúc, nếu hôn nhân không phản ảnh “mầu nhiệm cao cả” của mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x Eph 5:32). Có thể nói và phải nói rằng chính vì Mầu Nhiệm Nhập Thể mới có hôn nhân. Bằng không, nếu Thiên Chúa không có ý định nhập thể, tức không có ý định kết hôn với loài người nơi Lời Nhập Thể, nơi Ngôi Vị Giêsu duy nhất có hai bản tính Thiên Chúa và loài người, Ngài đã không cần phải dựng nên một loài được gọi là loài người như chúng ta đây, nhất là đã không dựng nên loài người này một cách đặc biệt hơn hết mọi loài, ở chỗ dựng nên họ theo hình ảnh Ngài (có ngôi vị riêng biệt) và tương tự như Ngài (biết yêu thương hiệp thông).

Bản chất của hôn nhân, hay cốt lõi của hôn nhân, cũng chính là mục đích của hôn nhân, là ở chỗ “nên một thân thể” (Gen 2:24). Thế nhưng, thực tế cho thấy tình trạng hay trạng thái “nên một thân thể” đây không thể nào xẩy ra theo thể lý hay về sinh lý nơi đời sống hôn nhân vợ chồng. Thực tại “nên một thân thể” đây thật ra chính là hình bóng ám chỉ về Nhiệm Thể của “một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” (Kinh Tin Kính), có Chúa Kitô là đầu (x Eph 5:23), một Giáo Hội duy nhất theo lòng ước nguyện của Chúa Kitô, như Người đã nguyện cầu kết Bữa Tiệc Ly: “để tất cả được hiệp nhất nên một” (Jn 17:22). Nếu bản chất của Giáo Hội là hiệp thông thần linh thì đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông Huấn Familiaris Consortio, đoạn 21, “gia đình Kitô giáo là một tỏ hiện và thể hiện đặc biệt cho mối hiệp thông Giáo Hội, và chính vì điều này mà gia đình Kitô giáo có thể và cần phải được gọi là ‘Giáo Hội tại gia’ Hiến Chế Lumen Gentium, 11, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 11)”.

Hình ảnh về “một thân thể” hay về mối hiệp thông ngôi vị con người trong cùng một gia đình ngay từ ban đầu là mục đích của hôn nhân đây được hiểu theo ý nghĩa siêu nhiên về Giáo Hội như thế cũng được Thánh Phaolô đề cập tới với Kitô hữu Corintô, nhưng lại liên quan tới Thánh Thể như sau: “Vì chỉ có một tấm bánh mà chúng ta tuy nhiều cũng là một thân thể duy nhất, bởi tất cả chúng ta thông phần vào cùng một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17).

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Chúa Nhật 10/10/2004, Ngày Khai Mạc Năm Thánh Thể (10/10/2004-29/10/2005)
Hướng về Lễ Thánh Gia trong Năm Thánh Thể, Chúa Nhật 26/12/2004

(Xin xem tiếp phần hai của bài này vào Thứ Năm tuần tới)

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ