GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 17 THỨ SÁU

 

Đừng để sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành
 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

để Cử Hành Ngày Hòa Bình Thế Giới thứ 38, 1/1/2005
 


1.     Vào lúc mở màn cho Tân Niên này, một lần nữa, tôi xin ngỏ lời cùng các vị lãnh đạo quốc gia cũng như với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, những người nhận thấy nhu cầu cần phải xây dựng hòa bình trên thế giới. Về đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2005, tôi đã chọn những lời của Thánh Phaolô trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: “Anh em đừng bị sự dữ chế ngự, nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (12:21). Sự dữ không bao giờ bị chế ngự bởi sự dữ; một khi thực hiện đường lối này thì thay vì thắng được sự dữ thì người ta lại bị sự dữ đánh bại.

Vị đại Tông Đồ này đã làm sáng tỏ một sự thật nồng cốt: hòa bình là thành quả của một trận chiến lâu dài và gay go, một trận chiến chỉ thắng được khi chế ngự sự dữ bằng sự lành mà thôi. Nếu chúng ta chú ý tới cảnh tượng thê thảm của những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn ở các phần đất khác nhau trên thế giới, cũng như những tình trạng khổ đau và bất công khôn tả gây ra bởi những cuộc xung đột này, thì điều chọn lựa thực sự xây dựng duy nhất, như Thánh Phaolô đề nghị, đó là hãy xa lánh những gì là xấu xa và hãy gắn bó với những gì là tốt lành (x Rm 12:9).

Hòa bình là một sự thiện cần phải được phát động bằng sự thiện: Nó là một sự thiện cho cá nhân, gia đình, quốc gia và toàn thể nhân loại; tuy nhiên nó là một sự thiện cần phải được gìn giữ và nuôi dưỡng bằng những quyết định và hoạt động theo sự thiện. Chúng ta có thể cảm nhận được sự thật sâu xa này nơi câu nói khác của Thánh Phaolô: “Anh em đừng lấy oán trả oán” (Rm 12:17). Đường lối duy nhất để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn hằn học của sự dữ oán thù sự dữ đó là hãy chấp nhận những lời của Vị Tông Đồ này: “Anh em đừng bị sự dữ chế ngự, nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

Sự Dữ, Sự Thiện và Yêu Thương

2.     Từ ban đầu, nhân loại đã biết đến thảm trạng của sự dữ và đã nỗ lực để thấu triệt được các nguồn gốc của nó và giải thích những nguyên nhân của nó. Sự dữ không phải là một thứ quyền lực định đoạt một cách vô hình chung đang hoạt động trên thế gian này. Nó là hậu quả của tự do con người. Tự do, một tự do làm cho con người trổi vượt trên mọi tạo vật khác trên thế gian này, hằng hiện diện trong chính cốt lõi của màn bi kịch sự dữ. Sự dữ bao giờ cũng có một danh xưng và một bộ mặt: đó là tên gọi và bộ mặt của những con người nam nữ tự ý chọn sự dữ. Thánh Kinh dạy rằng, vào lúc bình minh của lịch sử, Adong và Evà đã phản loạn chống lại Thiên Chúa, và Abel đã bị Cain anh mình sát hại (x Gen 3:4). Đó là những việc chọn lựa sai lầm đầu tiên, những chọn lựa được tiếp nối bằng vô vàn những chọn lựa sai lầm khác qua các thế kỷ. Mỗi một chọn lựa này tự nó đều có một chiều kích luân lý, liên quan tới những trách nhiệm riêng biệt của cá nhân mỗi người cũng như mối liên hệ sâu xa của mỗi người với Thiên Chúa, với tha nhân và với tất cả mọi tạo vật.

Ở tầm mức sâu xa nhất của mình, sự dữ là việc loại bỏ một cách đáng tiếc những đòi hỏi của yêu thương (1). Trái lại, sự thiện luân lý xuất phát từ yêu thương, cho thấy mình là yêu thương và hướng về yêu thương. Tất cả những điều này đặc biệt hiển nhiên đối với Kitô hữu, thành phần biết rằng việc họ thuộc về cùng một Nhiệm Thể của Chúa Kitô duy nhất làm cho họ đặc biệt liên hệ chẳng những với Chúa mà còn với anh chị em của họ nữa. Cái lý lẽ sâu xa của tình yêu thương Kitô giáo, một tình yêu thương, theo Phúc Âm, là nguồn mạch sống động của sự thiện hảo về luân lý, thậm chí làm cho con người yêu thương cả kẻ thù địch của mình nữa: “Nếu kẻ thù của anh em đói khổ, hãy cho họ ăn; nếu họ khát, hãy cho họ uống” (Rm 12:20).

Thứ “Văn Phạm” của lề luật luân lý phổ quát

3.     Nếu chúng ta nhìn vào hiện tình thế giới, chúng ta không thể nào không nhận thấy được tình trạng lan tràn đáng lo ngại nơi những thứ bộc phát khác nhau của sự dữ về lãnh vực xã hội và chính trị: từ những lệch lạc về xã hội đến tình trạng vô chính phủ và chiến tranh, từ tình trạng bất công tới những hành động bạo lực và sát hại. Để xoay chiều đường hướng giữa những đòi hỏi xung khắc giữa thiện và ác, gia đình nhân loại khẩn trương cần phải bảo trì và tôn trọng gia sản chung những giá trị về luân lý được chính Thiên Chúa ban cho. Đó là lý do Thánh Phaolô khuyến khích tất cả những ai quyết tâm chế ngự sự dữ bằng sự lành là hãy cao thượng và vô tư trong việc nuôi dưỡng lòng quảng đại và bình an (x Rm 12:17-21).

Mười năm trước đây, khi ngỏ lời cùng Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về nhu cầu cần phải cùng nhau dấn thân để phục vụ hòa bình, tôi đã đề cập tới một “thứ văn phạm” của lề luật luân lý phổ quát (2), một thứ lề luật Giáo Hội, qua những lời công bố về lãnh vực này, kêu gọi áp dụng. Bằng những giá trị và nguyên tắc chung mang tính cách tác động, lề luật này liên kết nhân loại lại với nhau, bất chấp những thứ văn hóa khác biệt của họ, và là những gì tự nó không đổi thay: “nó tồn tại theo các luồng tư tưởng và tập tục, cũng như hỗ trợ việc tiến bộ của những tư tưởng và tập tục ấy… Cho dù nó có bị loại trừ ở nơi chính các nguyên tắc của mình, nó vẫn không thể bị hủy hoại hay bị loại trừ khỏi tâm can con người. Nó luôn bừng lên nơi đời sống của cá nhân con người cũng như của xã hội” (3).

4.     Thứ văn phạm chung về lề luật luân lý này đòi phải thực hiện việc dấn thân và trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề làm sao để bảo đảm sự sống của cá nhân con người cũng như của các dân tộc được tôn trọng và tiến triển. Như thế, những sự dữ có tính chất về xã hội và chính trị đang hành hạ thế giới này, nhất là những sự dữ xuất phát từ các cuộc bùng nổ về bạo lực, là những gì cần phải mạnh mẽ lên án. Tôi nghĩ ngay đến châu lục thân yêu Phi Châu, nơi mà các cuộc xung đột đã gây thiệt hại cho hằng triệu triệu nạn nhân vẫn đang tiếp tục xẩy ra. Hay tình trạng nguy hiểm ở Palestine, Quê Hương của Chúa Giêsu, nơi mà vấn đề hiểu biết nhau, vì bị xâu xé bởi một cuộc xung đột hằng ngày gây ra từ những hành động bạo lực và trả đũa, vẫn chưa thể nào hàn gắn lại trong công lý và sự thật. Và hiện tượng bạo động khủng bố đang xuất hiện để đẩy cả thế giới đến một tương lai sợ hãi và ưu phiền thì sao? Sau hết, làm sao chúng ta lại không thể lấy làm hết sức tiếc xót chứ, trước màn bi kịch đang diễn tiến ở Iraq, một màn bi kịch từng gây ra những tình trạng thê thảm làm xao động và bất ổn đối với tất cả mọi người?

Để đạt được sự thiện hòa bình, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và ý thức rằng bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. “Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó choa rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người” (4). Những gì cần thiết ở đây đó là hết sức nỗ lực để hướng dẫn lương tâm con người cũng như để giáo dục thế hệ trẻ về sự thiện hảo, bằng việc tán thành chủ nghĩa nhân bản nguyên vẹn và huynh đệ được Giáo Hội loan báo và phát động. Đó là nền tảng cho một thứ trật tự về xã hội, kinh tế và chính trị biết tôn trọng phẩm giá, tự do và những quyền lợi nồng cốt của mỗi một con người.

(xin xem tiếp ngày mai và mốt)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh được phổ biến ngày Thứ Năm 16/12/2004. (Những chỗ được in đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh, còn những chữ in nghiêng hoàn toàn từ nguyên bản)
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_20041216_xxxviii-world-day-for-peace_en.html

 

Thiên Chúa là Đấng Bênh Vực Người Nghèo

(ĐTC GPII: Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh bài 128 Thứ Tư 1/12/2004 về Thánh Vịnh 71 [72]: 1-11, cho Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)

1.     Phụng vụ giờ kinh chiều với những bài Thánh Vịnh và ca vịnh chúng ta đang tuần tự diễn giải đây đang cho thấy troing hai giai đoạn một trong những bài Thánh Vịnh được người Do Thái và truyền thống Kitô giáo yêu chuộng nhất, đó là bài Thánh Vịnh 71 (72), một bài ca cung đình được các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội suy tư và cắt nghĩa theo chiều hướng thiên sai.

Chúng ta vừa nghe tác động cao cả đầu tiên của lời nguyện cầu long trọng ấy (câu 1-11). Lời nguyện cầu này được bắt đầu bằng việc chung tiếng kêu cầu cùng Thiên Chúa để Ngài ban cho vị vương chủ tặng ân thiết yếu cho việc cai trị nhân lành, cho đức công minh chính trực. Nhất là liên can đến thành phần nghèo khổ là những người, trái lại, thường trở thành nạn nhân của quyền lực.

Điều đáng chú ý ở đây là việc Thánh Vịnh gia đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề dấn thân về luân lý trong việc cai trị dân chúng theo công lý và lề luật: “Ôi Thiên Chúa, xin ban cho đức vua phán quyết của Ngài; cho con đức vua đức công minh của Ngài; / Để người cai quản dân Ngài cách công minh chính trực… Để người bênh vực thành phần bị đàn áp trong dân”.

Là Chúa Tể cai trị thế giới theo đức công minh (x Ps 35[36]:7), mà vị vua này, vị là hiện thân của Ngài trên mặt đất, theo quan niệm thánh kinh cổ kính, cần phải thuận hợp với hành động Thiên Chúa của mình.

2.     Nếu các quyền lợi của thành phần nghèo khổ bị vi phạm thì đó là không phải chỉ là một hành động thi hành sai trái về chính trị và bất chính về luân lý mà thôi. Theo Thánh Kinh, một hành động phạm đến Thiên Chúa cũng là hành động gây ra việc vi phạm về tôn giáo, vì Chúa là Đấng bảo hộ và bênh đỡ của thành phần nghèo khổ và thành phần bị đàn áp, của thành phần góa bụa và côi cut (x Ps 67[68]:6), tức là của những ai không có các bảo vệ viên trên đời.

Thật là dễ hiểu làm thế nào mà truyền thống đã thay thế hình ảnh thường không được hài lòng của thành phần vua chúa thuộc giòng dõi Đavít – từ ngay cuộc sụp đổ của nền quân chủ Giuđa (thế kỷ thứ 6 trước công nguyên), bằng hình ảnh rạng ngời vinh hiển của Đấng Thiên Sai, theo chiều hướng của niềm hy vọng được tiên báo do tiên tri Isaia bày tỏ: “Người sẽ phân sử người nghèo bằng đức công minh, và phán quyết đúng đắn đối với thành phần sầu khổ của đất nước” (11:4). Hay, theo lời tiên tri Giêrêmia loan báo: “Này đây, Chúa phán. Những ngày ấy đang đến, khi Ta sẽ làm phát sinh một chồi công chính cho Đavít; / Là đức vua, ông sẽ trị vì và cai quan cách khôn ngoan, ông sẽ làm những gì công minh và chính trực trong đất nước” (23:5).

3.     Sau lời khẩn nguyện thiết tha và nhiệt tình xin tặng ân công chính này, bài Thánh Vịnh nới rộng chân trời, chiêm ngưỡng triều đại vương giả của vị thiên sai theo chiều hướng phát triển về cả thời gian lẫn không gian. Thật vậy, một mặt là việc kéo dài của triều đại này trong lịch sử được đề cao (câu 5,7). Những hình ảnh của một loại vũ trụ trở nên sống động, ở chỗ chẳng những ngày tháng liên tục theo nhịp mặt trời và mặt trăng, mà còn theo nhịp khiù hậu thời tiết nắng mưa và hoa nở.

Một vương quốc phong phú và yên hàn bởi thế bao giờ cũng mang đặc tính của những giá trị nống cốt, đó là công lý và hòa bình (câu 7). Những giá trị này là những dấu hiệu cho thấy Đấng Thiên Sai đến với lịch sử của chúng ta. Theo quan điểm ấy, việc dẫn giải của các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội mới sáng tỏ, những vị thấy nơi Đấng Thiên Sai vương giả này dung nhan Chúa Kitô, một Đức Vua hằng hữu và đại đồng.

4.     Do đó, Thánh Cyrilô Alexandria, trong “Explanatio in Psalmos” của mình, đã nhận định rằng phán quyết Thiên Chúa ban cho đức vua cũng là phán quyết được Thánh Phaolô nói tới, đó là “dự án vào thời điểm viên trọn trong việc hiệp nhất tất cả mọi sự trong Người” (Eph 1:10). Thật thế, “vào những ngày của Người, đức công minh sẽ trổ sinh và hòa bình sẽ lan tràn”, như thể nói rằng “vào những ngày của Chúa Kitô, nhờ đức tin, công lý sẽ xuất hiện cho chúng ta, và trong việc chúng ta hướng về Thiên Chúa hòa bình đã trở nên dồi dào”. Thật vậy, chúng ta thực sự là thành phần “đáng thương” và là “con cái của người nghèo” được vị vua này giải cứu và cứu độ: ở chỗ, trước hết, nếu “Người gọi những vị Tông Đồ thánh thiện là ‘đáng thương’, vì các vị nghèo khó trong tinh thần, thì Người cũng đã cứu chúng ta vì chúng ta là ‘con cái của thành phần nghèo’, công chính hóa và thánh hóa chúng ta trong đức tin bởi Thần Linh” (PG, LXIX, 1180).

5.     Đàng khác, Thánh Vịnh gia cũng diễn tả cả về lãnh vực không gian cho thấy sự trung thành với công lý và hòa bình của vị vua Thiên Sai ấy (câu 8-11). Chiều kính đại đồng hiện lên bao trùm từ Biển Đỏ hay Biển Chết tới Địa Trung Hải, từ sống Euphrates, “Con Sông” lớn ở đông phương, cho đến rận cùng trái đất (x câu 8), kể cả Tarsis cùng các hải đảo cũng được nhắc đến, những vùng nay tây phương xa xôi nhất theo địa dư thánh kinh cổ thời (câu 10). Nó là một cái nhìn bao quát tất cả bản đồ của thế giới được biết đến thời bấy giờ, một cái nhìn bao gồm cả các dân tộc Ả Rập và dân du mục, các vương chủ ở những đất nước xa xôi, thậm chí cả các kẻ thù, trong một thứ bao gồm đại đồng thường được xướng lên bởi các Bài Thánh Vịnh (46:10; 86:1-7) cũng như các vị tiên tri (x Is 2:1-5; 60:1-22; Mal 1:11).

Bởi thế, cái ấn tín lý tưởng cho nhãn quan này thực sự được cấu thành bởi các lời lẽ của vị tiên tri Zechariah, những lời được các Phúc Âm sau đó áp dụng vào Chúa Kitô: “Ôi nữ tử Sion, hãy hớn hở vui mừng! Hãy la lớn tiếng lên, Ôi nữ tử Giêrusalem! Này đây vua của ngươi đang đến với ngươi; Người là vua chiến thắng và vinh thắng…. Ta sẽ tiêu diệt chiến xa nơi Ephraim và chiến mã nơi Giêrusalem; và cung tên trận địa sẽ bị bẻ gay, Người sẽ truyền ban hòa bình cho các dân tộc; quyền thống trị của Người bao rộng từ biển này đến biển kia; và từ Con Sông ấy tới tận cùng trái đất” (Zechariah 9:9-10; see Matthew 21:5).

Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta đã nghe một trong những “Bài Thánh Vịnh cung đình” được dân Do Thái và truyền thống Kitô Giáo mến chuộng. Nó nhấn mạnh đến việc quyết tâm sống đoan chính về luân lý về phía vị vương chủ, thành phần được kêu gọi để cai trị theo lề luật và công bằng. Là Chúa Tể cai trị thế giới trong chân lý và công lý (x Ps 35:7), như một vị vua, hình ảnh tiêu biểu của Ngaiụ trên thế gian, theo quan điểm thánh kinh, cần phải phản ảnh tác động của Thiên Chúa.

Thật là dễ hiểu được tại sao Truyền Thống đã nhìn thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời tiên tri nói về việc Chúa Kitô đến, Đấng Thiên Chúa được hứa ban, khi đọc thấy những lời ấy những tính chất của một vương quốc hằng hữu và đại đồng của Vương Quốc Chúa Kitô.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 1/12/2004.
 

Đau Thương: Cảm Nghiêm Mùa Vọng

From: Phuong Dang
To: TNFATIMA@yahoogroups.com ; TNF LD/TGP/LA
Cc: TNF PT cac doan ; TNF DT cac doan ; TNF BCH/LD
Sent: Thursday, December 16, 2004 1:25 AM
Subject: Re: [TNFATIMA] Please Pray
 
Merry Christmas everyone,
 
Xin đại gia đình Thiếu Nhi Fatima thêm lời cầu nguyện cho Thầy Phát , và  ông Nguyễn Thanh Canh đang lâm bịnh nặng.
 
Thầy Phát là một trong ba vị phụ trách cho đoàn SG, thầy cũng là Trung Tâm Trưởng của GLVN, và là một thành viên trong ban chấp hành cộng đoàn Phục Sinh.  Ai cũng yêu mến thầy vì tính tình thầy rất hiền hòa, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.  Hai tuần qua, bác sĩ nói thầy bị liver cancer trong tình trạng nặng, nên để yên không nên chữa chạy... Thầy Phát có nhờ tụi em cầu nguyện cho thầy, thầy nói thầy vừa uống thuốc vừa cầu nguyện và uống nước phép. 
 
Ông Nguyễn Thanh Canh là ba của HT Như Anh cũng là bố vợ em.  Bố vợ em lâu nay bị cancer, đã qua mọi giai đoạn của điều trị, chemo & radiation... Vì bị thuốc hành và không ăn uống được, người ông rất là ốm yếu, hầu như không nhận ra như xưa.  Hôm thứ hai phải đưa ông vô emergency, họ thấy trong phổi có nước, bây giờ họ đang điều tra. 
 
Em xin cám ơn và xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho mọi sự theo thánh ý Chúa.
 
Cho em xin hỏi, Thầy Phát và ba của Như có thể khấn đến hai Á Thánh Fatima được không??  Khi khấn thì phải làm những gì?  Em chỉ muốn biết thêm.  Thank you.
 
Phuong Dang.

 

----- Original Message -----
From: Tinh Cao
To: TNFATIMA@yahoogroups.com
Cc: TNF PT cac doan ; TNF DT cac doan ; TNF BCH/LD
Sent: Thursday, December 16, 2004 8:05 AM
Subject: Re: [TNFATIMA] Please Pray

Xin cám ơn Đoàn Trưởng Phương đã cho biết tin tức đặc biệt và khẩn thiết của Đoàn San Gabriel.
 
Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria cầu nguyện cùng Chúa hãy tỏ mình ra qua những con người đang trải qua những chứng bệnh nan trị này.
 
Bởi vì, chỉ sau khi trần gian đã bó tay, Thiên Chúa mới tỏ mình ra và người ta mới nhận biết Ngài mà thôi. Bằng không, ai cũng cho là chính y khoa chữa bệnh chứ không phải Chúa Bà nào hết.
 
Chúa cũng hay tỏ mình ra qua một trung gian, như Ngài đã tỏ mình ra qua chính "Vị Trung Gian Duy Nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Con Người Giêsu Kitô" (1Timôthêu 2:5), Người Con "đã hòa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (John 1:14) của Ngài, Đấng chúng ta đang đợi trông theo ý nghĩa của Mùa Vọng đây.
 
Những bệnh nhân bất trị là những người đang sống trong Mùa Vọng nhất. Vì họ đợi trông Chúa hơn ai hết, chẳng những đợi trông Chúa đến cứu họ khỏi chết về phần xác, mà còn đợi trông Chúa đến cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết đời đời bằng việc qua đi lành thánh.
 
Chúa Kitô thực sự đã đến rồi, và Người vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho từng tâm hồn vào những trường hợp và hoàn cảnh riêng của họ. Biết đâu đây là hai trường hợp Người đang tỏ mình ra, bằng quyền năng Phục Sinh của Người, trước hết, làm cho hai tâm hồn này can đảm chịu bệnh vì Chúa, sau đó, Người chữa họ lành thì sao?
 
Bởi thế, chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu cho Thày Giuse Mai Tấn Phát (tuyên hứa làm Phụ Trách Đoàn San Gabriel ngày 25/11/2001) và Ông Nguyễn Thanh Canh (thân phụ của Trưởng Như Anh và là nhạc phụ của Đoàn Trưởng Phương), để chẳng những xin cho hai tâm hồn này qua việc chịu bệnh được tăng thêm đức tin, và nếu được, xin Người ra tay cứu chữa phần xác của họ, qua lời cầu bầu của Hai Á Thánh Phanxicô và Giaxinta. Tuy nhiên, chính hai tâm hồn này phải cố ý cầu nguyện với hai vị Chân Phước TNF này, bằng cách làm một tuần 3 ngày, 7 ngày hay 9 ngày tùy ý, với những lời nguyện đặc biệt để xin với hai vị cầu bầu cho mình được khỏi bệnh. Chẳng hạn lời nguyện sau đây:
 
"Kính lạy hai Chân Phước Phanxicô và Giaxinta, hai Thiếu Nhi Fatima đã từng sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ Chúa gửi đến cho, nhất là đã hiên ngang chịu bệnh và chết vì bệnh, để đền tạ Chúa và cứu các linh hồn tội nhân,
 
"Xin cho chúng tôi (chúng con) biết can đảm bù đắp những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì nhiệm thể Người là Giáo Hội, để quyền năng Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết của Người, nếu đẹp ý Cha trên trời, được tỏ hiện một cách dồi dào và cụ thể nơi thân xác tro bụi của chúng tôi (chúng con), khi cho chúng tôi (chúng con) được thoát khỏi chứng bệnh y khoa đã hoàn toàn bị bó tay này. Amen".
 
Xin các em Thiếu Nhi Fatima cùng hiệp ý cầu nguyện, bằng chính lời nguyện trên đây. Biết đâu, với lòng tin tưởng, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến phép lạ xẩy ra, qua lời chuyển cầu của hai Thiếu Nhi Fatima Chân Phước Phanxicô và Giaxinta, nơi hai con người thuộc đoàn thể của chúng ta đây, nhờ đó, chính chúng ta cũng được lợi ích thiêng liêng, thấy được thực sự có "Đấng Tối Cao" (Luke 1:32), có "Thiên Chúa là Thần Linh" (John 4:24), là "Đấng cứu chuộc tôi" (Lk 1:47), là "Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mathew 1:23) đang liên lỉ "ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mthew 28:20)!
 
Tuy nhiên, khi nghe những tin có vẻ "buồn" liên quan đến sự chết này, chúng ta hãy coi đó là một hiện sủng (ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta từng lúc để đánh động và nhắc nhở chúng ta), để luôn ý thức rằng "đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng cũng làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích" (Đáp Ca Lễ An Táng), nhờ đó, chúng ta hướng về đời sau và cố gắng thu tích cho mình một kho tàng ân đức không hư nát trên Nước Trời (xem Mathew 6:19-20). Có thế, cuộc đời trần gian ngắn ngủi tạm bợ mau qua của chúng ta mới thực sự trở thành một Mùa Vọng liên lỉ đợi chờ và trông mong Chúa đến, và không sợ gặp gỡ Đấng "là sự sống lại và là sự sống" (John 11:25) của chúng ta!
 
TNF Cao Tấn Tĩnh

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ