GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 12/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho các trẻ em được coi trọng như là tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng, hiểu biết và quí chuộng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô trở thành một mô phạm đích thực cho hết mọi nỗ lực hội nhập hóa Phúc Âm”.  

 

__________________

 NGÀY 18 THỨ BẢY, NGÀY THÁNH MẪU

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

Đừng để sự dữ chế ngự nhưng hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành
 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

để Cử Hành Ngày Hòa Bình Thế Giới thứ 38, 1/1/2005
 

(TIẾP)

Sự thiện hòa bình và công ích.

5.     Việc nuôi dưỡng hòa bình bằng cách lấy sự thiện chế ngự sự dữ là những gì đòi phải cẩn thận suy nghĩ về vấn đề công ích (5) cũng như về những ý nghĩa liên quan của nó về phương diện xã hội và chính trị. Khi công ích được cổ võ ở mọi lãnh vực thì hòa bình cũng được phát động. Có thể nào cá nhân con người tiến đến chỗ hoàn toàn viên trọn mà lại không chú ý tới bản chất xã hội loài người của mình, tức là tới vấn đề họ sống “với” và sống “cho” người khác hay chăng? Công ích là những gì chặt chẽ liên quan đến họ. Nó liên quan chặt chẽ đến hết mọi thứ thể hiện thuộc bản chất xã hội của họ, như gia đình, phái nhóm, hội đoàn, thành phố, vùng đất, quốc gia, cộng đồng các dân tộc và các quốc gia. Mỗi một người, một cách nào đó, được kêu gọi để hoạt động cho công ích, liên lỉ tìm kiếm sự thiện của kẻ khác như thể của chính bản thân mình. Trách nhiệm này đặc biệt là của các vị có thẩm quyền về chính trị ở mọi cấp độ, vì họ được kêu gọi để kiến tạo một thứ tổng hợp các điều kiện xã hội có thể giúp vào việc nuôi dưỡng nơi con người vấn đề phát triển toàn vẹn con người của họ (6).

Thế nên công ích đòi phải tôn trọng và phát triển toàn vẹn con người cùng với những quyền lợi căn bản của họ, cũng như tôn trọng và cổ võ những quyền lợi của các quốc gia ở lãnh vực quốc tế. Về vấn đề này, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định rằng “việc liên thuộc gần gũi càng ngày càng gia tăng từ từ bao gồm toàn thể thế giới đây đang dẫn đến một thứ công ích đại đồng tăng phát… và điều này bao gồm cả các thứ quyền lợi cùng nghĩa vụ liên quan tới toàn thể nhân loại. Mỗi một nhóm xã hội cần phải chú ý tới các thứ nhu cầu và các thứ khát vọng hợp lý của các nhóm khác, cũng như đến công ích của toàn thể gia đình nhân loại” (7). Sự thiện của toàn thể nhân loại, bao gồm cả các thế hệ tương lai, đòi phải có việc quốc tế thực sự hợp tác với nhau, một sự hợp tác cần mọi quốc gia đóng góp phần của mình (8).

Một số quan niệm về nhân loại có tính cách suy giảm theo khuynh hướng trình bày công ích thuần túy như là một tình trạng phúc hạnh về kinh tế xã hội không có mục đích siêu việt, do đó làm cho nó mất hết ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Tuy nhiên, công ích có một chiều kích siêu việt, vì Thiên Chúa là cùng đích tối hậu của tất cả mọi tạo vật của Ngài. (9). Kitô hữu biết rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm sáng tỏ về cách thức làm sao để chiếm đạt được công ích thực sự. Lịch sử hành trình hướng tới Chúa Kitô và trong Người đạt được tột đỉnh của nó, ở chỗ, bởi Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, hết mọi thực tại về con người mới có thể đi tới chỗ hoàn toàn viên trọn trong Thiên Chúa.

Sự thiện hòa bình và việc sử dụng những sản vật trên thế gian

6.     Vì sự thiện hòa bình liên hệ chặt chẽ với việc phát triển của tất cả mọi dân tộc mà những đòi hỏi về luân thường đạo lý đối với việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất này cần phải được luôn luôn chú trọng. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để nhắc nhở rằng “Thiên Chúa đã muốn trái đất này cùng tất cả những gì chất chứa nơi nó là để cho hết mọi người và tất cả mọi dân tộc sử dụng; nên những gì tốt lành của thiên nhiên tạo vật cần phải được cung ứng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, theo công lý hướng dẫn và đức bác ái điều khiển” (10).

Là một phần tử của gia đình nhân loại, mỗi một người thực sự trở thành một người công dân của thế giới, kèm theo những nghĩa vụ và quyền lợi, vì tất cả mọi người được liên kết bởi một nguồn gốc chung và cùng một định mệnh tối hậu. Bởi nguyên sự kiện được thụ thai, một con trẻ được hưởng những quyền lợi và đáng được chăm sóc và chú trọng; và người ta có nhiệm vụ phải cung ứng những điều ấy. Việc lên án chủ nghĩa duy chủng tộc, việc bảo vệ thành phần vị thành niên, việc cung cấp trợ giúp cho những người bị phân tán và tị nạn, cũng như việc vận động tình đoàn kết quốc tế đối với tất cả mọi thành phần nghèo nàn thiếu thốn chính là việc liên lỉ áp dụng nguyên tắc về vai trò công dân quốc tế này vậy.

7.     Sự thiện hòa bình ngày nay cần phải được thấy liên hệ chặt chẽ với tin mừng phát xuất từ mức tiến bộ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Cả hai lãnh vực này nữa, trong việc áp dụng nguyên tắc về mục đích đại đồng của các thứ sản vật trên mặt đất này, cũng cần phải được mang ra phục vụ các nhu cầu căn bản của con người. Những sáng kiến thích đáng ở lãnh vực quốc tế có thể góp phần vào việc hoàn toàn áp dụng một cách cụ thể nguyên tắc về mục đích đại đồng của những sản vật, bằng việc bảo đảm cho tất cả mọi người, cá nhân cũng như quốc gia, những điều kiện căn bản để tham dự vào việc phát triển. Điều này trở thành khả dĩ một khi biết loại trừ đi những ngãng trở cũng như những thứ độc quyền làm cho nhiều người bị đẩy ra ngoài lề xã hội (11).

Sự thiện hòa bình sẽ được bảo đảm hơn nữa nếu cộng đồng quốc tế thi hành trách nhiệm hơn nữa đối với những gì được gọi chung là các sản vật công cộng. Đó là những sản vật mà tất cả mọi người công dân tự nhiên được hoan hưởng mà không cần phải ý thức chọn lựa hay đóng góp vào đó gì cả. Đó là trường hợp, ở lãnh vực quốc gia chẳng hạn, có những sản vật như guồng máy tư pháp, chính sách quốc phòng và hệ thống đường xá lưu thông xe hơi xe lửa. Trong thế giới của chúng ta, hiện tượng vấn đề toàn cầu hóa gia tăng có nghĩa là càng nhiều sản vật công cộng đang mặc lấy tính cách toàn cầu, nhờ đó, các lợi lộc chung hằng ngày cũng tăng phát. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới việc chống nghèo, việc cổ võ hòa bình và an ninh, việc quan tâm tới vấn đề đổi thay về khí hậu thời tiết cũng như việc kiểm soát về bệnh nạn thì đủ rõ. Cộng đồng quốc tế cần phải đáp ứng những lợi lộc này bằng một hệ thống rộng lớn hơn của các hiệp ước theo pháp lý, những hiệp ước nhắm đến chỗ qui định việc sử dụng các thứ sản vật công cộng này và là những hiệp ước được tác động bởi những nguyên tắc phổ quát về công bằng và đoàn kết.

8.     Nguyên tắc về mục đích đại đồng của các sản vật cũng có thể làm khả dĩ một đường lối hiệu nghiệm hơn trong việc giải quyết vấn đề thách đố về nghèo khổ, nhất là khi chúng ta để ý tới tình trạng cực bần cùng mà hằng triệu triệu con người đang sống. Cộng đồng quốc tế, vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ đây, đã đặt ưu tiên việc làm sao để giảm phân nửa số thành phần nghèo này vào năm 2015. Giáo Hội ủng hộ và khuyến khích quyết tâm này và kêu gọi tất cả mọi người tin tưởng vào Chúa Kitô hãy chứng tỏ, một cách cụ thể và ở mọi lãnh vực, tình yêu thương ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ (12).

Thảm trạng nghèo khổ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với vấn đề nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể ở lãnh vực này, vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết cách đầy đủ. Mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo là những gì có “liên hệ chặt chẽ tới một chuỗi những vấn đề khác, như việc đầu tự hải ngoại, việc thi hành xứng hợp của những tổ chức quố ctế chính, giá cả của các thứ vật liệu nguyên sơ v.v.” (13). Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển.

9.     Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói và như chính tôi đã tái khẳng định, phương tiện hiệu nghiệm thực sự duy nhất của việc giúp cho các Quốc Gia có thể giải quyết vấn đề trầm trọng của tình trạng nghèo khổ đó là cung cấp cho họ các nguồn lợi cần thiết qua việc cứu trợ ngoại quốc về tài chính, chung cũng như riêng, với điều kiện hợp lý, trong môi trường liên hệ thương vụ quốc tế được qui định một cách công bằng (14). Những gì khẩn trương cần thiết ở đây là cuộc động viên về luân lý và kinh tế, một cuộc động viên tỏ ra tôn trọng các hiệp ước đã được thực hiện có lợi cho các xứ sở nghèo khổ, và đồng thời sẵn sàng kiểm điểm những hiệp ước rõ ràng cho thấy trở thành gánh nặng cho một số quốc gia. Về vấn đề này, cần phải khích lệ chương trình Cứu Trợ Công Cộng Để Phát Triển, cũng như cần phải khai thác những hình thức mới về vấn đề chi phí tiền bạc cho việc phát triển, cho dù có khó khăn chăng nữa (15). Một số chính quyền đang cẩn thận trông chờ vào những đường lối hứa hẹn cho điều ấy; những sáng kiến quan trọng này cần phải được thi hành trong tinh thần chia sẻ thực sự, tỏ ra tôn trọng nguyên tắc trợ thuộc. Việc quản trị các nguồn tài chính nhắm đến việc phát triển các xứ sở nghèo cũng cần phải bao gồm cả việc thận trọng gắn bó, về phần cả thành phần cho lẫn nhận, với các việc thực hành quản trị lành mạnh. Giáo Hội khuyến khích và góp phần vào những nỗ lực ấy. Người ta chỉ cần đề cập tới việc đóng góp quan trọng của nhiều cơ quan Công Giáo hằng dấn thân vào việc cứu trợ và phát triển.

(xin xem tiếp và hết ngày mai)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh được phổ biến ngày Thứ Năm 16/12/2004. (Những chỗ được in đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh, còn những chữ in nghiêng hoàn toàn từ nguyên bản)
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_20041216_xxxviii-world-day-for-peace_en.html

 

BÍ MẬT MARIA

Nguyên tác: Thánh Long Mộng Phố (Louis Marie de Montfort)

Chuyển dịch: Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Lời Mở Đầu của người dịch

Thánh Long Mộng Phố đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria.

Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria.

Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria tiếp tục theo dõi vào các ngày Thánh Mẫu hằng tuần trong Năm Thánh Thể như Thứ Bảy tuần này.

Nội Dung

Phần Một

BÍ MẬT MARIA

1. Việc Thánh Hóa của Chúng Ta: Một Nhu Cầu Bản Thân
2. Việc Thánh Hóa nhờ Mẹ Maria: Một Đường Lối Quan Thiết
3. Việc Thánh Hóa bằng Nô Lệ Yêu Thương: Một Đường Lối Tuyệt Hảo
4. Cây Sự Sống: Vun Trồng và Phát Triển

Phần Hai

NHỜ MẸ MARIA TẬN HIẾN CHO CHÚA GIÊSU

1. Giai Đoạn Thứ Nhất 12 Ngày Khởi Đầu: Từ Bỏ Thế Gian
2. Giai Đoạn Thứ Hai
Tuần 1: Biết Bản Thân Mình
Tuần 2: Biết Đức Trinh Nữ
Tuần 3: Biết Chúa Giêsu

Phần Ba

HUYNH HỘI MARIA NỮ VƯƠNG CỦA MỌI TÂM HỒN
 

Nhập Đề


Những Điều Kiện Để Biết Bí Mật Của Việc Thánh Hóa


1.- Hỡi linh hồn được tiền định, đây là bí mật của Đấng Tối Cao đã dạy cho tôi, một bí mật tôi đã không tìm thấy nơi một cuốn sách cổ hay tân nào hết. Theo ơn linh ứng của Thánh Linh, tôi trao phó bí mật ấy cho quí vị, với điều kiện:

Thứ nhất, để quí vị chỉ truyền đạt nó cho những ai xứng đáng với nó, qua việc họ cầu nguyện, qua việc họ làm phúc và hãm mình, qua những bắt bớ họ phải chịu, qua việc họ không dính bén với thế gian, cũng như qua việc họ nhiệt thành với phần rỗi các linh hồn.

Thứ hai, để quí vị sử dụng nó cho việc thánh hóa và cứu độ bản thân mình; vì bí mật này chỉ tác dụng nơi linh hồn nào biết sử dụng nó một cách xứng hợp. Bởi thế, quí vị hãy coi chừng tình trạng quí vị không sinh động một khi biết được bí mật này của tôi; nó sẽ trở thành tai hại và án phạt cho quí vị đấy.

Thứ ba, để quí vị tạ ơn Thiên Chúa hết mọi ngày trong đời sống của qúi vị, vì ân sủng Ngài đã ban cho quí vị ở chỗ biết được một bí mật quí vị không đáng biết. Khi quí vị tiếp tục sử dụng bí mật này trong hoạt động thường ngày trong cuộc sống, quí vị mới thấu hiểu được giá trị của nó và tính cách tuyệt hảo của nó là những gì mới đầu quí vị không hiểu được trọn vẹn, vì quí vị còn nhiều tội lỗi và là những tội nặng nề, cũng như vì quí vị còn âm thầm dính bén với bản thân mình.

2.- Trước khi quí vị đọc tiếp, để được chiếm đoạt bởi một ước vọng hết sức thiết tha và tự nhiên trong việc muốn biết sự thật này, quí vị hãy quì gối xuống sốt sắng đọc kinh Ave Maria Stella và kinh Veni Creator hầu quí vị có thể thấu hiểu và cảm nhận được mầu nhiệm thần linh này.

Vì tôi không có nhiều giờ để viết, cũng như quí vị không có nhiều giờ để đọc, nên tôi sẽ nói vắn gọn bao nhiêu có thể.

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ